.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (... ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (... )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

Nghệ thuật sống thiền :


Người thương ta chết, ta có thể làm gì ? (II)

 

  • Tháng IV 2007 - Chân An Tịnh & Chân Giác Lưu phiên tả và biên tập
    Pháp thoại
    của Sư ông Làng Mai ngày 3 - IV - 2007 tại quốc tự Diệu Đế - Huế
    Ngày thứ hai Đại lễ Thuỷ lục Giải oan Bình đẳng Cứu bạt Trai đàn lần thứ Hai

    Â
    m thanh MP3 : 
    Phần 1 (8.3MB)  Phần 2 (6.5MB)

10 phút thực tập có hướng dẫn của một thầy giáo thọ :

Chúng ta ngồi yên với sư ông trong khoảng 10 phút. Ngồi yên là không nói chuyện, không suy nghĩ chuyện này chuyện nọ. Ngồi cho thật yên, buông thư toàn thân và trở về với hơi thở.

Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười

Quí vị dặt tay xuống, buông thư. Mình có thể đặt tay trên hai đầu gối hoặc tay trái đặt trên tay  phải và buông thư toàn thân. Quí vị có thể nhắm mắt lại và mình chỉ chú ý tới hơi thở thôi.

Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười

Vào tĩnh lặng
Ra mỉm cười

Thở vào tôi ý thức toàn thân tôi
Thở ra tôi buông thư toàn thân tôi

Vào ý thức toàn thân
Ra buông thư toàn thân

Thở vào tôi ý thức tổ tiên ông bà cha mẹ đang có mặt trong từng tế bào cơ thể tôi.
Thở ra tôi thấy tôi là sự tiếp nối của họ

Vào ý thức sự có mặt của tổ tiên ông bà cha mẹ
Ra họ đang có mặt trong tôi

Thở vào tôi thấy tổ tiên ông bà cha mẹ đang được ngồi yên với tôi trong phút giây hiện tại
Thở ra tôi cảm thấy hạnh phúc được đoàn tu với họ.

Vào tôi thấy tổ tiên ông bà cha mẹ đang ngồi yên trong tôi
Ra tôi cảm thấy được đoàn tụ

 

2-  Pháp thoại Sư ông Nhất Hạnh

Kính thưa quí thầy, quí sư cô, quí Phật tử cư sĩ,

Hôm nay là ngày mồng ba tháng tư dương lịch chúng ta đang ở chùa Diệu Đế trong ngày thứ hai của Đại Trai đàn Bình đẳng Chẩn tế. Chúng ta tiếp tục quán chiếu về đề tài “Người thương tôi mất bây giờ tôi phải đi tìm người ấy ở đâu ?” “Tôi có thể làm gì để người ấy được nhẹ nhàng chuyển hóa ?”

 

chỉ thay hình đổi dạng mà thôi

Hôm qua chúng ta đã đưa ra ba hình ảnh để quán chiếư. Hình ảnh thứ nhất là một hạt bắp sinh ra cây bắp con, rồi đến hình ảnh một đám mây biến thành mưa, cuối cùng là hình ảnh của một cây cam chế tác ra lá cam, hoa cam và trái cam. Qua hình ảnh đầu chúng ta thấy rằng khi một hạt bắp nức mầm và làm ra một cây bắp con thì hạt bắp đó không chết. Nó chỉ thay hình đổi dạng thôi. Ta đi đến kết luận : cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Hạt bắp không chết, hạt bắp còn đó, hạt bắp chỉ thay hình đổi dạng mà thôi.

Chúng ta đi đến hình ảnh thứ hai là hình ảnh của đám mây. Ban đầu chúng ta nghĩ rằng đám mây có sanh và có diệt. Sanh là từ không mà trở thành . Diệt là từ mà trở thành không. Chúng ta biết rõ rắng trước khi đám mây xuất hiện dưới hình thức một đám mây thì đám mây đã là một cái gì đó rồi. Đám mây có một kiếp trước. Kiếp trước đó có thể là sông hồ, biển cả hay sức nóng mặt trời. Nếu không có những cái đó thì làm sao mà đám mây xuất hiện được. Đám mây không phải từ không mà trở thành . Đám mây chẳng qua chỉ là một sự tiếp nối. Nghĩ rằng có những cái từ không mà trở thành là một tà kiến, một nhận thức, một tri giác sai lầm. Trong kinh gọi đó là một vọng tưởng. Bản chất của đám mây là vô sinh. Khi đám mây xuất hiện trên nền trời, đó chẳng qua là một sự tiếp nối thôi.

Chúng ta cũng vậy. Chúng ta không phải từ không mà trở thành có. Chúng ta tiếp nối mẹ cha, ông bà và nghiệp cũ của chúng ta trong quá khứ. Khi đám mây biến thành mưa hay tuyết thì không phải là đám mây. Chúng ta cứ nghĩ trong đầu : chết là từ mà trở thành không. Đám mây không thể nào từ có mà trở thành không được. Đám mây chỉ có thể thay hình đổi dạng để trở thành tuyết, thành mưa, thành nước đá mà thôi. Vì vậy bản chất của đám mây là bất diệt. Đám mây không thể nào chết được, đám mây chỉ thay hình đổi dạng mà thôi. Khi chúng ta không nhìn thấy đám mây trên trời, chúng ta có thể thấy đám mây dưới những hình dạng khác. Khi uống trà thì chúng ta thấy đám mây trong ly trà của mình. Điều khó không khó gì mấy. Khi nhìn cơ thể ta, ta có thể thấy nhiều mây trong đó vì ta có mười mấy lít máu và một phần máu đó đã được làm bằng mây. Mỗi ngày chúng ta uống trà, uống nước suối, nước lọc, nước cam, những thứ đó cũng là mây. Nói có sinh có diệt, đứng về phương diện giao ước thì đúng nhưng đứng về phương diện sự thật tuyệt đối thì không đúng.

 

Đâu có lẽ có chiều qua mà không sáng nay

Trong đao Phật có hai loại sự thật: một loại là sự thật tương đối hay giao ước ( conventionnel ) và một loại là sự thật tuyệt đối. Ví dụ vấn dề trêndưới. Chúng ta phải phân biệt trên và dưới. đứng về phương diện tương đối thì có trên có dưới nhưng đứng về phương diện tuyệt đối thì không có trên, không có dưới. Chúng ta đang ngồi ở đây, ngồi bán già, kiết già hay trên ghế. Chúng ta tin rằng trên đầu ta là phía trên, dưới gối ngồi, dưới ghế ngồi của ta là phía dưới. Nhưng những người ngồi bên kia quả địa cầu thì ngồi chổng ngược lại. Những người bên Pháp hay bên Mỹ đang ngồi chổng ngược. Cái ta gọi là phía trên đối với họ là phía dưới và cái ta gọi phía dưới thì lại là phía trên của họ.. Dưới là dưới cái gì và trên là trên cái gì. Không có cái dưới tuyệt đối và không có cái trên tuyệt đối. Sinh diệt cũng vậy. Sinh và diệt là cái thấy còn cạn cợt. Nhìn qua bề mặt ta thấy đám mây như có sinh có diệt. Nhưng nhìn kỹ ta thấy đám mây không thể nào từ không mà trở thành và từ mà trở thành không được. Đám mây vô sinh bất diệt.

Chuyện này là chuyện không khó khăn lắm. Bản chất của đám mây là vô sinh bất diệt. Đám mây chỉ có thể trở thành nước, thành mưa, thành tuyết nhưng đám mây không bao giờ trở thành số không được. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có một câu trong bài tựa là  Bài Thơ Siêu Thoát :“ Đâu có lẽ có chiều qua mà không sáng nay”. Đâu có lẽ cái trở thành cái không và cái không trở thành cái được. Người thương của chúng ta cũng vậy. Chúng ta nghĩ người đó đã chết rồi, người đó không còn nữa, người đó từ có mà trở thành không. Đó là một tà kiến. Người thương của ta vẫn còn đó nhưng đã thay hình đổi dạng. Chúng ta phải có cặp mắt quán chiếu sâu sắc mới nhận thức được sự có mặt của người thương ta.

Hôm qua quí vị nhìn lên trời thấy một đám mây rất đẹp và quí vị có cảm tình với đám mây đó. Nhưng đám mây vô thường, hôm nay nó đã trở thành mưa. Mình không còn thấy đám mây đó nữa, mình thương tiếc : “Đám mây ơi ! tại sao lại chết đi để cho tôi buồn khổ?” Lúc đó đám mây vẫn còn ở trong mưa, nó nói : “Anh ơi !, chị ơi !, em đang còn đây nầy, nhìn em đi.! Em đâu có chết, em chỉ thay hình đổi dạng. Anh chị nhìn mưa đi, anh chị sẽ thấy em trong cơn mưa. Em chỉ thay hình đổi dạng.”. Người thương của mình cũng vậy, đang còn đó, dưới những hình thức khác và rất gần với mình. Mình phải có con mắt của người biết quán chiếu thì mình mới tiếp xúc được.

Đức Thế Tôn, thầy của mình cũng vậy. Trên hình thức thì ngài đã nhập diệt cách đây trên 2550 năm rồi. Nhưng Đức Thế Tôn nào phải từ có mà trở thành không đâu. Đức Thế Tôn cũng vô sinh bất diệt như đám mây vậy. Nếu khéo léo mình có thể tiếp xúc được với Đức Thế Tôn trong giây phút hiện tại. Những người tu giỏi có thể thể nắm tay Đức Thế Tôn đi thiền hành, ngồi thiền và ăn cơm với Đức Thế Tôn. Nó hay như vậy đó ! Phải nhận thức được sự có mặt của Đức Thế Tôn qua những hình tướng mới. Nếu đi tìm Đức Thế Tôn qua hình dáng của người con vua Tịnh Phạn 35 hay 45 tuổi ngồi dưới gốc cây bồ đề hay trên núi Linh Thứu, thì chúng ta không tìm ra được. Đức Thế Tôn đã thay hình đổi dạng. Đức Thế Tôn hiện giờ đang có mặt khắp nơi trên thế giới, bên Âu, bên Mỹ, bên Phi, bên Úc. Nơi nào cũng có những người đang ngồi thiền. Nơi nào cũng có những người đang thực tập hơi thở có ý thức. Nơi nào cũng có những người đang thực tập từ bi và trí tuệ. Những người đó là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn. Chính chúng ta cũng là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn. Chúng ta tiếp nối một phần nào đó của Đức Thế Tôn mà thôi. Chúng ta cũng có một ít hạt giống từ bi trí tuệ của Đức Thế Tôn. Chỉ tiếc là chúng ta tu tập chưa giỏi nên những hạt giống từ bi trí tuệ đó chưa tưới tẩm mỗi ngày để cho chúng ta có hạnh phúc nhiều hơn mà thôi.

Có một lần một vị Phật tử hỏi ngài Đạt Lai Lạt Ma: “Ngài có thiệt là hậu thân của Đức Quan Thế Âm không ?, ngài có phải là sự tiếp nối của Đức Quan Thế Âm không ?”. Ngài gật đầu nói : “Ít nhất là một phần nào đó.” Một câu trả lời rất hay ! Trong Đức Đạt Lai Lạt Ma thế nào cũng có từ, có bi, có trí. Nói rằng tôi là sự tiếp nối của Đức Quan Thế Âm một phần nào đó rất là đúng. Chính quí vị đang ngồi trước mặt tôi cũng vậy. Quí vị có chất liệu của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm một phần nào đó. Có một ít từ, một ít bi, một ít trí. Tại vì không có thì giờ nhiều để tu tập cho nên chất liệu từ, bi, trí không được chế tác thêm để đem lại hạnh phúc cho mình và cho những người chung quanh.

 

Biến mất không có nghĩa là từ có mà trở thành không

Người tu thành công là người đã đạt tới được cái vô sinh bất diệt. Vô sinh bất diệt tức là Niết bàn. Niết bàn không phải nằm ở đâu xa. Niết bàn có trong đám mây, trong cây bắp cũng như trong bản thân chúng ta. Bản chất của chúng ta cũng như của đám mây, của cây bắp, của Đức Thế Tôn là vô sinh bất diệt. Chỉ khi nào chúng ta có thì giờ ngồi quán chiếu, chúng ta tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt đó của tự thân thì chúng ta đạt được Niết bàn. Chúng ta thoát ra khỏi sự sợ hãi, lo âu. Những sợ hãi lo âu đó phát sinh ra từ ý niệm là có sinh có diệt, có tới có đi, có không, có nhiều có ít.

Hình ảnh thứ ba tôi đưa ra là hình ảnh của cây cam. Cây cam làm ra lá cam, hoa cam và trái cam.

Chúng ta cũng vậy. Chúng ta chế tác ra những tư tưởng, những lời nói và những hành động gọi là ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Nếu nghiệp thân-khẩu-ý đẹp thì ta sẽ được tiếp nối đẹp đẽ. Nếu nghiệp đó xấu thì ta sẽ được tiếp nối xấu xa, xấu ác. Chính chúng ta nắm quyền tự chủ của chúng ta. Chúng ta đi vào con đường của ngạ quỷ, súc sinh là do chúng ta. Chúng ta đi vào con đường của Thiên, Nhân, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật cũng là do chúng ta. Mỗi ngày phải cố gắng chế tác những lời nói lành, những hành động lành, có khả năng tha thứ, thương yêu, đùm bọc, hiểu biết thì chúng ta có thể bảo đảm được cho mình một tương lai đẹp. Khi có một tương lai đẹp, một hiện tại đẹp thì cái nghiệp tốt này có thể giúp cho người thương của chúng ta chuyển hóa.

Đức Thế Tôn thành đạo và ngài đã giúp cho không biết bao nhiêu người đã chuyển hóa. Sự tu học của chúng ta có khả năng giúp cho những người thương chuyển hóa dầu trong quá khứ những người đó đã tạo ra những lỗi lầm trong đời sống hằng ngày của họ. 

Người thương của chúng ta đi đâu?, bây giờ đang ở đâu ? Hôm nay tôi đưa ra một hình ảnh thứ tư để quí vị quán chiếu, đó là hình ảnh của một ngọn lửa. Đây một hộp diêm đem qua từ bên Pháp có những que diêm khá dài. Mình biết ngọn lửa nằm ẩn tàng đâu đó. Nó có mặt đâu đó nhưng nó chưa hiện ra cho mình thấy thôi. Mình không thể nói ngọn lửa không có. Nó có ở trong trạng thái tiềm ẩn của nó. Nó núp ở đâu ? Chúng ta có thể nói ngọn lửa núp trong hộp diêm. Nhưng cũng chưa đúng lắm. Nếu nghĩ đến dưỡng khí trong không gian thì chúng ta biết rằng nếu không có dưỡng khí thì ngọn lửa không thể nào phát sinh ra được. Ngọn lửa núp trong hộp diêm, ngoài hộp diêm và nó núp ngay trong ngón tay của mình. Ngón tay mình có thể giúp một điều kiện dể ngọn lửa phát sinh. Mình có thể hỏi : “ Này ngọn lửa !, mày đang đâu ?, nói cho ta biết mày đang núp ở đâu ?  tại sao không biểu hiện ra cho mọi người thấy?”. Mình có thể nghe ngọn lửa trả lời: “Thầy ơi, các vị tôn túc ơi, các vị đạo hữu ơi ! con đang có mặt. Khi nào các điều kiện đầy đủ thì con sẽ phát hiện cho thầy, cho các vị tôn túc, cho các đạo hữu xem.”. Khi nghe như vậy mình biết rằng ngọn lửa nói đúng. Tất cả những điều kiện để ngọn lửa phát hiện dã có rồi chỉ còn một điểu kiện cuối là mình quẹt một cái. Bây giờ mình cung cấp một điều kiện chót.

“Ngọn lửa ơi !, ta biết rằng mày có đó!. Bây giờ mầy biểu hiện đi.” Nếu điều kiện thuận lợi, que diêm này dài một thước thì ngọn lửa ở lại với mình lâu hơn. Nhưng nếu que diêm này ngắn thì nó chỉ ở lại một phút hay ít hơn rồi nó đi. Mình hỏi ngọn lửa một câu hỏi rất quan trọng. Đây là một chủ đề của thiền quán: “Ngọn lửa ơi ! Mày đã từ đâu tới và mày đã đi đâu? .Ta vừa thấy mày đó mà mày đi đâu mất rồì”.

Kiếp người cũng vậy, Ta xuất hiện như một đứa con, một người anh, một người chị, một người cha, một người mẹ, một người ông, rồi chúng ta biến mất. Rồi người thương của chúng ta hỏi: “Taị sao mẹ đã đã bỏ con mà đi, bố đã bỏ con mà đi, con đã bỏ mẹ mà đi ?. Con đã đi đâu ?, thà rằng con đừng tới. Con tới con mới sống có mười mấy tuổi rồi con bỏ mẹ con đi. Như vậy tội cho mẹ lắm !”. Chúng ta nói những câu than phiền như vậy.

Chúng ta đã hỏi ngọn lửa : “Em từ đâu tới ?”. Ngọn lửa sẽ trả lời như thế này : “Bạch thầy, bạch các chư vị tôn đức, bạch các đạo hữu cư sĩ ! Con nào có từ đâu tới. Con không phải từ phương đông tới. Con không phải từ phương nam tới. Con không phải từ phương bắc hay phương tây tới. Khi mà những điều kiện tụ hội đầy đủ thì con xuất hiện thôi. Bản chất của con là vô lai. Nghe cho kỹ thì mình thấy ngọn lửa nói đúng. Ngọn lửa  không từ phương đông hay phương tây, không từ phương  nam hay phương bắc tới. Khi điều kiện đầy đủ thì ngọn lửa xuất hiện. Nó biểu  hiện. Chữ biểu hiện là đúng nhất.

Người thương của mình cũng vậy. Khi điều kiện hội tụ đầy đủ thì người thương của mình biểu hiện. Nếu thiếu một điều kiện nào đó thì người thương của mình ngưng sự biểu hiện đó lại để rồi biểu hiện một cách khác. Sự thật là như vậy. Nếu dám mây không biểu hiện thành đám mây thì sẽ biệu hiện thành cơn mưa. Nếu không biểu hiện thành cơn mưa thì nó sẽ biệu hiện thành dòng sông. Nếu không muốn biệu hiện thành dòng sông thì sẽ biểu hiện thành nước trà. Có nhiều hình thái biểu hiện lắm. Người thương của mình cũng vậy. Người thương của mình không phải từ không mà trở thành có và từ có mà trở thành không được.

Nói từ không trở thành có là một tà kiến ( wrong view ). Nói từ có trở thành không cũng là một tà kiến. Hai ý kiến có và không là hai ý kiến không đi đôi với sự thật cũng như hai ý kiến sinh và diệt. Trong khi chúng ta ngồi đây thì chúng ta không có Ti Vi, Radio. Chúng ta không nghe, không thấy những chương trình truyền hình, truyền thanh. Nhưng trong không gian đầy những tín hiệu của những buổi phát thanh, những buổi truyền hình. Ta nói không có chương trình truyền thanh, truyền hình là không đúng. Nếu ta có máy bắt được những làn sóng điện đó và chuyển hóa những làn sóng đó qua những tần số mà mắt ta nhìn thấy được, tai ta nghe được thì tự nhiên ta thấy được những chương trình đó. Vì không thấy được hay không nghe được mà mình cho là không có thì là không đúng. Ý niệm của chúng ta về không rất là sai lầm.

Bây giờ chúng ta tiếp tục quán chiếu về ngọn lửa : ”Ngọn lửa ơi !, em đã đi đâu rồi ? Tại sao em bỏ ta mà đi ?”. Ngọn lửa sẽ trả lời rằng : “Thầy ơi !, chư tôn đức ơi !, chư Phật tử cư sĩ ơi !, em nào có đi đâu. Em không đi về phương nam, phương bắc, phương tây. Khi nào điều kiện không đầy đủ thì em ẩn thôi. Em chấm dứt sự biểu hiện của em để rồi em sẽ biểu hiện trở lại khi có điều kiện đầy đủ.”. Ngọn lửa nói đúng.

Người thương của mình cũng vậy. Vì một cơn bệnh hay một tai nạn người thương của mình biến mất không con biểu hiện. Biến mất không có nghĩa là từ có mà trở thành không. Tại vì người thương của mình cũng có ba nghiệp : ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Nó tiếp nối cho người đó. Người đó là kết quả của ba nghiệp. Nghiệp đó là nền tảng cho những sự biểu hiện khác nhau. Cũng như nước tên khoa học là H2O . H2O  có thể biểu hiện dưới hình thức lỏng hay hình thức đặc. Nó có thể biệu hiện bằng hình thức nhẹ như mây và sương. Nếu H2O là bản chất của thì bản chất của chúng ta là ba nghiệp, là ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp.  Khi thì nó biểu hiện ra cái này, khi thì nó biểu hiện ra cái kia. Chúng ta biết rất rõ ràng người thương của chúng ta không phải từ không mà trở thành có và không phải từ có mà trở thành không.

 

cầu nguyện, sám hối để chuyển nghiệp

Hôm qua chúng ta đã nghe nói rằng, mỗi khi chúng ta phát khởi một tâm niệm lành, một ý nghĩ lành, một ý nghĩ đi đôi với sự chấp nhận, sự tha thứ, sự thương yêu, sự đùm bọc thì tư tưởng đó có tác dụng rất tốt trên sức khỏe của mình. Trong tương lai của mình mỗi khi ta nói được một lời nói hòa nhã dễ thương, có tác dụng khuyến khích, an ủi, có tác dụng thương yêu, chấp nhận và tha thứ thì lời nói đó có ảnh hưởng tốt trên sức khỏe của chúng ta và nó bảo lãnh cho chúng ta một sự tiếp nối đẹp đẽ.

Mỗi khi ta làm một hành động nhân từ, biểu lộ được cái hiểu cái thương, sự chấp nhận và sự tha thứ thì hành động đó gây cho ta rất nhiều niềm vui và gây cho những người khác chung quanh ta rất nhiều niềm vui, và chúng ta  cũng được tiếp nối một cách đẹp đẽ. Cho nên chúng ta trong mỗi ngày phải nên đầu tư vào tương lai bằng ba nghiệp của mình, chế tác những tư tưởng tốt, chế tác những lời nói đẹp và chế tác những hành động lành.

Ở trong đạo Phật có ý niệm biệt nghiệpcộng nghiệp, tức là nghiệp chung và nghiệp riêng. Có những nghiệp chung và có những nghiệp riêng. Ví dụ, chúng ta là những người muốn tu tập. Chúng ta tới với nhau do ý hướng muốn tu tập. Chúng ta làm ra một thời khóa tu tập. Chúng ta đem ra áp dụng những điều chúng ta học hỏi được vào sự tu tập hằng ngày, hàng tuần  và hàng tháng thì chúng ta tạo ra niềm vui của sự tu tập. Mỗi lần chúng ta tới với nhau chúng ta tưới tẩm hạt giống của thương yêu, của hiểu biết, của tuệ giác, của từ bi. Tưới tẩm những hạt giống tốt như vậy thì những hạt giống đó luôn luôn sẽ nức mầm và đem lại những hoa trái hiểu biết và thương yêu.

Tu tập với nhau như vậy chúng ta tạo ra một cộng nghiệp tốt đẹp, người nào cũng được hưởng. Nếu một người ra tổ chức không được nhưng hai ba chục người tới với nhau tổ chức thì được, vậy nên hành động đó gọi là hành động chung, gọi là cộng nghiệp. Và khi chúng ta làm cái gì mà làm một mình thì cái đó gọi là biệt nghiệp. Và khi những biệt nghiệp tới với nhau, cộng tác với nhau thì gọi là cộng nghiệp.

Trong khi tới với nhau mà chúng ta chỉ học kinh, chỉ ngồi thiền, chúng ta chỉ ăn chay, chỉ nói chuyện đaọ đức thì có những người họ đi tìm nhau để nói những chuyện đánh bài, đánh bạc, hoặc là sử dụng ma túy hay là đi tìm sắc dục, mãi dâm.  Có những người họ tới với nhau để làm những chuyện đó và họ cũng có những cộng nghiệp của họ. Nhưng mà mình không có cộng nghiệp chung với họ tại vì mình muốn chuyện khác cho nên mình mới tổ chức cái đoàn thể tu học. Vậy thì cộng nghiệp có nghĩa là chúng ta ảnh hưởng tới nhau, chúng ta nâng đỡ nhau. Khi chúng ta chơi với những bạn xấu thì cái cộng nghiệp ấy đưa chúng ta đi về hướng xấu. Khi chúng ta chơi với những người bạn tốt thì cái cộng nghiệp đó đưa chúng ta đi về hướng tốt. Thế nên trong cuộc đời mình phải có những người gọi là thiện tri thức và mình chỉ nên chơi với thiện tri thức thôi để cái cộng nghiệp mình tạo ra là một thứ cộng nghiệp tốt đẹp đưa mình về hướng chân, thiệnmỹ.

Khi chúng ta cầu nghuyện cho một người thương đã khuất thì chúng ta có thể cầu nguyện với tư cách cá nhân của mình. Nhưng khi chúng ta tới với nhau hàng ngàn người, hàng chục ngàn người để cùng cần nguyện thì cái lực của cộng nghiệp này rất là mạnh và khả năng chuyển hóa của nó rất là lớn lao. Mình mời một thầy về tụng kinh, thuyết pháp, bố thí thì cố nhiên là có kết quả tốt rồi. Nhưng nếu mà có hai chục thầy  giới luật tinh nghiêm, đạo đức cao viễn mà góp phần vào hộ niệm thì các sức chú nguyện của hai chục thầy lớn gấp trăm lần, gấp ngàn lần. Đó là sức mạnh của cộng nghiệp tốt đẹp và sự siêu thoát trở thành ra dễ dàng gấp mười lần, gấp trăm lần. Cho nên khi nói tới nghiệp chúng ta phải nghĩ tới nghiệp riêng và nghiệp chung.

Vậy cho nên khi chúng ta tổ chức trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan chúng ta muốn thỉnh vị tôn đức nào có giới hạnh nghiêm minh, có lòng từ bi rất lớn. Chúng ta mời những vị đạo hữu nào có tình thương lớn, có tâm rất là tốt, muốn tổ chức, muốn hộ niệm để làm cho nhẹ nhàng cái nghiệp của đất nước, cái nghiệp của dân tộc và hộ niệm cho những đồng bào đã qua đời trong những năm chiến tranh. Khi chúng ta qui tụ những người có giới hạnh cao viễn như vậy, những người xuất gia và những cư sĩ như vậy thì cái nghiệp cộng đồng, cái sức hộ niệm sẽ rất là lớn nhờ thế chúng ta có thể chuyển đổi được cái nghiệp của những người đã có những lỡ lầm trong quá khứ.

Ta, chính ta trong quá khứ đã có những lầm lỡ, đã hành động trên cơ bản của sự đam mê, sự hờn giận và sự ngu si. Bây giờ nhờ sức chú nguyện hùng vĩ đó mà ta chuyển được nghiệp. Ta biết rằng nếu chúng ta có được sức chú nguyện mầu nhiệm của các vị tôn đức giới hạnh nghiệm minh và của các vị cư sĩ đã thọ trì năm giới, bồ tát giới hay là giới thập thiện sống đúng theo chánh pháp, thì sự có mặt của những vị đó có thể chuyển hóa được những lầm lỡ của chúng ta, những lầm lỡ của những người thương của chúng ta đã qua đời. Thế nên cái chuyển hóa là chuyện có thể có thật.

Trong kinh có nói rằng khi có một vị thánh nhân xuất hiện ở đâu thì nước ở trong vùng đó trong hơn và cỏ ở vùng đó xanh hơn. Tôi tin rằng chuyện đó có thật tại vì tất cả đều do tâm của mình mà ra.

Trai đàn chẩn tế cũng vậy. Sau ba ngày Trai đàn Chẩn tế ở Chùa Vĩnh Nghiêm mưa trái mùa đã rơi xuống ba trận rất là lớn đem lại sự mát mẽ cho rất nhiều người như thể Trai đàn Chẩn tế đã làm êm dịu, đã đem lại sự chuyển hóa lớn lao không chỉ ở trong lòng người, đối với người sống cũng như với người đã chết, mà cả đất trời cũng cảm động. Ngày hôm qua chúng ta đã hết lòng cầu nguyện trong ngày đầu của Trai đàn Chẩn tế ở Quốc tự Diệu Đế và chúng ta đã có một trận mưa. Thành ra sức chú nguyện của chư tăng và của các vị cư sĩ hành trì giới bồ tát, ngũ giới và giới thập thiện rất là quan trọng cho việc chuyển nghiệp.

Khi chúng ta quyết tâm không lập lại những lỡ lầm cũ, khi chúng ta quyết tâm từ nay về sau, đứng về phương diện ý nghiệp chỉ chế tác ra những tư tưởng lành, đứng về phương diện khẩu nghiệp chỉ nói lên những lời nói thương yêu, chấp nhận và tha thứ, đứng về phương diện thân nghiệp không sát sanh mà chỉ bảo hộ sự sống thì lúc đó cái cộng nghiệp của ý, cộng nghiệp của khẩu và cộng nghiệp của thân sẽ có sức chuyển hóa vô song.

 

Tôi xin mời quí vị ôn lại những điều tôi vừa nói :

Bản chất của ngọn lửa là không đến và không đi. Bản chất người thương của chúng ta cũng vậy, cũng không đến và không đi. Vô khứ vô lai, vô sinh bất diệt. Khi nào có những nhân duyện, những điều kiện thuận tiện thì những người thương của mình sẽ được biểu hiện trở lại trong những hình thái tốt đẹp, nhẹ nhàng, và đó là điều chúng ta có thể tin tưởng được.

Chính chúng ta cũng vậy. Khi chúng ta gặp được Phật, gặp được Pháp, gặp được Tăng, gặp được những điều kiện để tu tập chuyển hóa thì chúng ta thấy thân tâm nhẹ nhàng, chúng ta tháo gỡ được những khó khăn, những bức xúc, những buồn khổ và cuộc sống của  chúng ta mang lại nhiều hạnh phúc. Ở đây cũng vậy, khi mà chúng ta không cần phải đi tìm cái hạnh phúc ở một phương trời nào khác hay ở tương lai là tại vì chính ba nghiệp của chúng ta làm biểu hiện ra hạnh phúc đó ngay trong giờ phút hiện tại.

Trong lòng chúng ta có những nỗi khổ niềm đau, có những oan ức. Những ngưi thương của  chúng ta chết đi có thể trong lòng cũng mang những nỗi khổ niềm đau, những sự oan ức. Chúng ta phải tìm cách, chúng ta phải có cơ hội để công nhận, để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đó. Bởi vì chúng ta không thể đè nén nỗi khổ niềm đau đó và trao truyền lại cho những thế hệ tương lai. Có khi chúng ta nói và chúng ta làm một cách bạo động, chúng ta gây khổ đau cho những thương nhất ở trong gia đình mà chúng ta không hiểu tại sao. „Tại sao mình nói một câu ác độc như vậy với người mình thương ?, tại sao mình làm một điều có vẻ ác độc, tàn nhẫn như vậy với người mình thương ?„ Là tại vì trong đáy lòng mình có những nỗi khổ niềm đau rất lớn, nỗi oan rất lớn mà lâu nay mình chỉ đè nó xuống mà thôi. Thế nên nó âm thầm chi phối ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp của mình và mình phát ra những tư tưởng trừng phạt, bực tức, giận hờn. Mình nói ra những câu nói mất tình, mất nghĩa và mình làm những cử chỉ thô bạo, phủ phàng đối với những người thương của mình mà mình rất ngạc nhiên tại sao mình lại nghĩ như vậy, tại sao mình đã nói, mình đã làm như vậy ?. Là tại vì có những năng lượng tiềm ẩn trong chiều sâu của tâm thức, những nỗi khổ niềm đau còn đó, nó bị đè nén và nó đêm ngày thúc đẩy mình nghĩ, nói và làm như vậy.

Cho nên phép thực tập của trai đàn chẩn tế cũng giống như phép thực tập của tâm lý trị liệu là phải cho phép những đau khổ đó, những buồn phiền đó, những oan ức đó được đi lên để mình công nhận rằng : „À !, trong lòng mình có những nỗi khổ niềm đau“,  và người thương của mình phải công nhận là mình có những nỗi khổ niềm đau đó. Khi chúng nhận nhận diện những nỗi khổ niềm đau rồi, công nhận là những nổi khổ niềm đau có thật rồi, chúng ta mới dùng tới biện pháp như là cầu nguyện, tụng kinh, bái sám, phóng sanh, ái ngữ, lợi hành để chúng ta chuyển hóa những cái nghiệp đó, trong đó có phương pháp sám hối và phát nguyện. Trong đại lễ trai đàn chẩn tế chúng ta làm công việc đó. Chúng ta làm cho chúng ta: những người sống và chúng ta làm cho thân nhân của chúng ta : những người chết và cho tất cả những đồng bào khác. Thành ra trong ba ngày của Đại Trai đàn Chẩn tế chúng ta ngồi thiền, chúng ta đi thiền, chúng ta tụng kinh, chúng ta ta bái sám, chúng ta phóng sinh. Chúng ta làm đủ mọi cái để có thể chuyển được cái nghiệp của mình. Khi chúng ta nhẹ nhàng rồi thì chúng ta có thể nghĩ những điều rất là thánh thiện, nói những lời rất là êm dịu, tha thứ và làm những điều rất có tính cách nhân từ và bảo hộ. Nếu không như thế chúng ta sẽ trao truyền những nỗi khổ niềm đau cất chứa trong đáy lòng cho những thế hệ tương lai. Sau này họ không hiểu tại sao tự nhiên mà họ bạo động, độc ác với con, với vợ, với chồng của họ. Họ không biết rằng chúng ta đã trao truyền cho họ những nỗi khổ niềm đau mà chúng ta chưa chuyển hóa được. Cho nên tổ chức trai đàn chẩn tế là một trong những phương pháp để chuyển hóa nghiệp cũ, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đang có. Đứng về phương diện sử học cũng như đứng về phương diện tâm lý học trị liệu thì đây là một phương pháp thực tập rất là khoa học. Chúng ta chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của chính chúng ta: những người sống và chúng ta tới để cùng thực tập giúp cho những người thương của chúng ta đã qua đời cũng được chuyển hóa, trong đó có những đồng bào của chúng ta đã chết trong thời gian của cuộc chiến.

 

Lời khấn nguyện quí vị đã được nghe tối hôm qua bây giờ tôi đọc lại. Đây là lời của chúng ta, những người sống,  nói với những hương linh đang có mặt ở tại đây :

Kính thưa liệt vị hương linh

Quý vị là cha chúng tôi, là chồng chúng tôi, là anh trai chúng tôi, là em trai chúng tôi, là con trai chúng tôi. Quý vị cũng là mẹ chúng tôi, là vợ chúng tôi, là chị gái chúng tôi, là em gái chúng tôi, là con gái chúng tôi.

Trong cơn binh lửa, trong cảnh tao loạn, quý vị đã bỏ lại hình hài quý báu của quý vị mà đi. Chúng tôi đã đánh mất quý vị. Quý vị hoặc đã chiến đấu dũng cảm cho đất nước và đã chết hào hùng không hề thương tiếc thân mạng. Chúng tôi rất hãnh diện về quý vị. Nhưng quý vị có thể cũng đã bỏ mình trong những hoàn cảnh cực kỳ bi thương. Nỗi oan khổ không thể nào nói lên được, trong rừng sâu, trên biển cả, nơi chốn tù đày, chết vì bom đạn hoặc vì kiệt sức, hoặc vì bị bức bách, hãm hiếp rồi bị sát hại mà không có phương tiện chống cự lại.

Có biết bao nhiêu quý vị đã ngã quỵ mà nắm xương tàn không biết đang được chôn vùi ở đâu. Những tai ương mà đất nước và dân tộc của chúng ta đã phải gánh chịu trong bao nhiêu năm tranh đấu cho độc lập và cho tự do thì chính quý vị là người đã phải gánh chịu nhiều nhất.

Chúng tôi, những người thân thuộc và đồng bào của quý vị, hôm nay tới đây thắp hương tưởng niệm quý vị hoặc thiết lập bàn thờ cho quý vị trước hiên nhà. Trong chúng tôi cũng có những người vẫn còn tiếp tục gánh chịu oan khổ. Nhưng may thay cơn ác mộng đã qua rồi, đất nước đã được hòa bình, dân tộc đang có cơ hội kiến thiết trở lại. Nhờ phúc đức tổ tiên chúng tôi hôm nay mới có cơ hội đến với nhau chính thức, chắp tay nguyện cầu Tam Bảo nhờ pháp lực gia trì thỉnh cầu tất cả liệt vị trở về đoàn tụ, cùng nhau cầu nguyện để giải trừ nghiệp cũ, mở ra một vận hội mới, nhìn nhận nhau, ôm lấy nhau, thương lấy nhau như đồng bào ruột thịt, không còn phân biệt Bắc Nam, gái trai, già trẻ, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái và ý thức hệ.

Tất cả chúng ta đều là đồng bào của nhau, gặp vận nước rủi ro trên đường tranh đấu cho độc lập, cho tự do, bị dồn vào thế phải đối lập nhau, vì tự vệ mà phải chống đối nhau. Nhưng phúc đức tổ tiên để lại vẫn còn cho nên hôm nay tất cả chúng ta mới được về lại với nhau để nhìn nhận nhau như con một nhà, để cùng hứa với nhau là sẽ học cho thuộc bài, cái bài học đau thương trong quá khứ.

Nguyện từ nay về sau không để cho đất nước bị chia cắt một lần nào nữa.

Nguyện từ nay về sau khi có khó khăn nội bộ sẽ không nhờ đến bất cứ một thế lực ngoại bang nào can thiệp nữa.

Nguyện từ nay về sau sẽ không khởi xướng một cuộc chiến tranh ý thức hệ nào nữa.

Nguyện từ nay về sau sẽ không sử dụng vũ khí bên ngoài để tranh đấu với nhau nữa.

Nguyện từ nay về sau sẽ nổ lực xây dựng một xã hội thực sự dân chủ để có thể giải quyết tất cả mọi bất đồng bằng những phương thức hòa bình dân chủ mà không sử dụng đến những phương tiện tranh đấu bạo động giữa người đồng bào với nhau.

Lạy chư vị tổ tiên huyết thống và chư vị tổ tiên tâm linh chứng minh. Trước mặt quý ngài chúng con xin kính cẩn phát nguyện như thế và chúng con biết rằng một  phen đã phát nguyện được như thế thì mọi oan ức sẽ được hoàn toàn giải tỏa và những vết thương hằn sâu trong lòng tất cả mọi chúng con sẽ được bắt đầu được chữa lành.

Hôm nay Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan được thành lập. Mọi nhà đều có thiết bàn thờ cầu nguyện.

Chúng con ngưỡng nguyện ơn trên Tam Bảo độ thoát cho tất cả mọi hương linh để tất cả được nương vào pháp lực vô song mà chuyển hóa siêu thăng.

Kính thưa quí liệt vị hương linh, chúng tôi và các con cháu nguyện sẽ lên đường để tiếp tục chí hướng của liệt vị hương linh.

Chúng tôi nguyện mang quý vị trong trái tim để đi về hướng tình huynh đệ và nghĩa đồng bào và luôn luôn nhớ rằng bầu và bí luôn luôn có thể leo chung một giàn, gà cùng một mẹ không nên bôi mặt đá nhau, và tuệ giác ấy của tổ tiên sẽ soi đường chỉ lối cho con cháu chúng ta bây giờ và mãi mãi.

Xin đại chúng chắp tay niệm Đức Bổn Sư : Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni./.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.