.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (... ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (... )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

Nghệ thuật sống thiền :


Nhận diện chuyển hóa khổ đau

 

  • Tháng IV 2007 - Chân An Tịnh & Chân Giác Lưu phiên tả và biên tập
    Pháp thoại
    của Sư ông Làng Mai
    ngày 8. IV.2007 tại Chùa Hương Sơn, Đà Nẵng
    Khóa tu cho Tăng Ni & Phật Tử tại Chùa Hương Sơn từ 7 đến 8.IV.2007
    Â
    m thanh MP3 : 
    Phần 1 (9.9MB) | Phần 2 (9.7MB) | Phần 3 (9.5MB)

 

Thực tập 19 hơi thở chính niệm:

Thở vào tôi để ý tới sống lưng của tôi, sống lưng của tôi thẳng, tôi ngồi thẳng như Đức Thế Tôn thường ngồi
Thở ra tôi mỉm cười cho thơ dãn các cơ bắp trên mặt

Thở vào tôi ý thức về  toàn thân
Thở ra tôi buông bỏ sự căng thẳng trong toàn thân

Thở vào tôi ngồi yên như Đức Thế Tôn
Thở ra tôi mỉm cười nhẹ nhàng như Đức Thế Tôn

Thở vào tôi để ý tới hơi thở  vào
Thở ra tôi để ý tới hơi thở ra.

Thở vào tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu tới cuối
Thở ra tôi theo dõi hơi thở ra từ đầu tới cuối

Theo dõi hơi thở vào
Theo dõi hơi thở ra

Thở vào tôi hơi thở vào của tôi đã sâu hơn
Thở ra tôi thấy hơi thở ra của tôi đã chậm hơn

Thở vào sâu
Thở ra chậm

Thở vào tôi bắt đầu thấy khỏe
Thở ra tôi bắt đầu thấy nhẹ

Thở vào khỏe
Thở ra nhẹ

Thở vào tôi thấy sự có mặt của cha tôi trong từng tế bào cơ thể tôi
Thở ra tôi mỉm cười với cha tôi trong từng tế bào cơ thể tôi

Thấy được sự có mặt của cha trong từng tế bào
Mỉm cười với cha trong từng tế bào

Thở vào tôi mời cha tôi trong tôi cùng thở vào một lần với tôi
Thở ra tôi mời cha tôi trong tôi cùng thở ra một lần với tôi

Hai cha con cùng thở vào
Hai cha con cùng thở ra

Thở vào con thấy khỏe quá, ba có thấy khỏe như con không
Thở ra con thấy nhẹ quá, ba có thấy nhẹ như con không

Thở vào tôi thấy sự có mặt của mẹ tôi trong từng tế bào cơ thể tôi
Thở ra tôi mỉm cười với mẹ tôi trong từng tế bào cơ thể

Thấy mẹ trong từng tế bào
Cười với mẹ trong từng tế bào

Thở vào tôi mời mẹ tôi cùng thở vào một lần với tôi, hai mẹ con cùng thở vào
Thở ra tôi mời mẹ tôi cùng thở ra một lần với tôi, hai mẹ con cùng thở ra

Thở vào con thấy khỏe quá, má có thấy khỏe như con không
Thở ra con thấy nhẹ quá, má có thấy nhẹ như con không

 

Nhận diện và ôm ấp để chuyển  hóa những nỗi khổ niềm đau

Kính thưa các thầy, các sư cô, các chư vị tôn đức, các Phật tử cư sĩ. Hôm nay là ngày 8 tháng tư năm 2007 dương lịch, chúng ta đang ở tại Chùa Hương Sơn trong khóa tu. Ngày hôm nay chúng ta nghe bài pháp thoại thứ ba của khóa tu.

Hôm nay chúng ta được sư cô Chân Không hướng dẫn thiền buông thư và thiền lạy. Thiền buông thư là một pháp môn để giúp chúng ta buông bỏ những sự căng thẳng làm giảm thiểu những sự đau nhức trong cơ thể. Thiền lạy để giúp chúng ta buông bỏ những lo lắng, ưu sầu, phiền muộn. Chúng ta ký thác cho đất để nhờ chuyển hóa những lo lắng, ưu sầu, phiền muộn ấy. Hy vọng sau khóa tu quí vị có thể tiếp tục sự thực tập đó tại nhà hay tại chùa của mình.

Trong đời sống hiện đại người nào cũng gấp gáp, cũng có quá nhiều công việc. Ngưi nào cũng có nhiều căng thẳng và đau nhức. Một ngày kia chúng ta sẽ bị bệnh, bệnh thân và có khi bệnh tâm nữa. Mỗi ngày thực tập buông thư là chuyện rất quan trọng. Trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở Đức Thế Tôn có dạy những bài tập để buông thư, để làm lắng dịu thân mình và làm lắng dịu những nỗi khổ niềm đau trong tâm mình. Tôi đã phiên dịch Kinh Quán Niệm Hơi Thở bằng tiếng Pali sang tiếng Việt. Tôi cũng phiên dịch Kinh Quán Niệm Hơi Thở từ chữ Hán ra tiếng Việt và chú giải đưa ra những phương pháp thực tập cụ thể để giúp chúng ta thành công trong sự tu tập. Nếu quí vị thấy buổi thiền buông thư ngày hôm qua đem lại lợi lạc cho thân và tâm, nếu quí vị đã hưởng được những giây phút thư dãn thì quí vị có thể thỉnh cuốn băng đó đem về nhà. Mỗi ngày mình để ra 15 hay 20 phút, mở dĩa đó, cuốn băng đó để cả gia đình thực tập theo. Nếu mỗi ngày mà ta thực tập buông thư được một lần thì đỡ lắm.

Hôm nay chúng ta đi sang lãnh vực của cảm thọ, những đau nhức và cảm thọ của tâm. Chúng ta có những nỗi sợ hãi, lo lắng, buồn đau, giận hờn. Vì có những năng lượng như vậy nên ta không có hạnh phúc. Theo phương pháp của Đức Thế Tôn dạy thì mình đừng đè nén những nỗi khổ niềm đau của mình xuống. Trái lại mình phải tập nhận diện và ôm ấp những nỗi khổ niềm đau đó một cách nhẹ nhàng cũng như mình ủ phân rác. Phân rác nếu biết cách ủ thì nó sẽ trở thành ra phân xanh và mình sẽ đem nuôi rau, hoa của mình được.

Những buồn khổ, lo lắng, u sầu của mình, nếu mình biết cách ôm ấp, nhận diện thì nó cũng có thể chuyển hóa. Nếu mình biết cách thì nó có thể nuôi dưõng được những bông hoa của tình thương, của tha thứ bao dung, của hạnh phúc. Phương pháp không phải là đè nén cái giận, đè nén cái lo sợ xuống. Thường thường mỗi khi chúng ta có sự lo lắng, bồn chồn thì chúng ta tìm cách ém nó xuống. Chúng ta vặn nhạc lên nghe, lấy tiểu thuyết đọc, mở ti vi ra coi và chúng ta dồn cái bồn  chồn lo lắng sợ hãi kia xuống đáy lòng, phủ một lớp quên lãng lên trên.

Nhưng ban đêm khi ngủ chúng ta đâu có coi ti vi, đâu có đọc sách, nghe nhạc. Những nỗi khổ niềm đau, sự bồn chồn lo lắng đó thức dậy vào tạo ra những giấc mộng khó chịu. Chúng ta có thể la hét, khóc lóc, buồn thương trong khi chúng ta ngủ. Tức nước thì vỡ bờ. Phương pháp dồn nén không đúng với lời Thế Tôn dạy. Phương pháp của Đức Thế Tôn dạy là ta phải nhận diện nỗi khổ niềm đau đó và ôm lấy chúng nó, ôm lấy một cách nhẹ nhàng, trìu mến, thân ái, giống như chúng ta ôm lấy một đứa bé đang đau khổ. Giả dụ có một con mèo bị thương mà ta ôm lấy nó thì nó sẽ cảm thấy bớt khổ. Em bé đang sốt, đang đau nhức mà ta ôm lấy em bé một cách nhẹ nhàng thì năng lượng nhẹ nhàng, thương yêu đó sẽ đi vô em bé và em sẽ thấy bớt khổ.

Khi chúng ta có nỗi khổ niềm đau, sự giận hờn buồn bực, thì chúng ta phải chế tác một năng lượng, năng lượng này có mục đích là nhận diện và ôm ấp và làm  lắng dịu nỗi khổ niềm đau đó. Năng lượng này được chế tác bằng hơi thở có ý thức, bằng bước chân có ý thức. Mỗi khi có sự bực bội, giận hờn hay buồn tủi trào lên thì chúng ta đừng đè nó xuống. Chúng ta lập tức trở về với hơi thở. Chúng ta thở, đi thiền hành và nói rằng: “ Có một năng lượng bực bội trong tôi và tôi đang ôm ấp nhận diện, tôi đang chăm sóc cho sự bực bội đó.”.

Tôi đưa lên nắm tay trái, ví dụ nắm tay này là cơn giận, nỗi buồn của tôi. Khi cơn giận, nỗi buồn bắt đầu trào lên thì mình là người tu, mình phải lập tức làm một cái gì đó, nếu không cơn giận nỗi buồn đó sẽ trấn ngự, sẽ tác yêu tác quái, sẽ khiến cho mình nói và làm những điều gây tan vỡ. Rất là nguy hiểm !. Khi cơn bực bội, giận hờn trồi lên, xuất hiện thì mình phải làm một cái gì đó. Cái gì đó là trở về với hơi thở, trở về với bước chân để chế tác một năng lượng thứ hai gọi là năng lượng chánh niệm.

 

Chánh niệm là ánh sáng để nhận diện
Năng lượng chánh niệm được tượng trưng bằng bàn tay phải của tôi. Năng lượng thứ hai nhận diện : “À, thì ra cái giận đó hả !. Ta biết rồi, ngươi vừa mới xuất hiện đó phải không. Đừng có lo, ta sẽ chăm sóc ngươi.” Đó là chánh niệm, chánh niệm trong khi thở, trong những bước chân nếu nhận diện được là có cái giận đó. Đó là sự nhận diện. Khi ăn cơm ta biết ta ăn cơm. Cái biết đó là chánh niệm. Có khi ta ăn cơm mà ta không biết là ta đang ăn. Khi chải răng thì ta biết là ta chải răng. Có nhiều khi chải răng mà ta không biết là ta đang chải răng. Cái tâm của chúng ta ở chổ khác. Nó đang lo lắng, buồn khổ. Ta chải răng như một cái máy, ta không biết ta đang chải răng. Ta ăn cơm nhu một cái máy, ta không biết là ta đang ăn cơm. Chúng ta bước đi như những cái máy, chúng ta không ý thức được  những bước chân của chúng ta. Đó là thất niệm. Thất niệm là sự quên lãng. Mình làm, mình nói như cái máy, không có ý thức, cái tâm của mình không có ở đó.

Ngược lại, khi mình thật sự có ở đó : mình ăn mình biết mình ăn, chải răng biết mình đang chải răng, bước một bước biết rằng mình bước một bước, uống một ly trà biết rằng mình đang uống một ly trà, cái tâm của mình có ở đó. Tâm mình biết cái gì đang xẩy ra, đó là chánh niệm, ngược lại với thất niệm. Thất niệm là đi, đứng, nằm, ngồi, hành xử như một cái máy, không biết minh đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi, đang hành xử.

Người đời không tu, sống trong thất niệm, còn người tu sống trong chánh niệm. Chánh niệm là đi biết mình đang đi, ngồi biết mình đang ngồi, nói biết mình đang nói cái gì. Cái khác nhau căn bản giữa người tu và người không tu là ở chổ đó. Khi thở vào mình biết rằng đây là hơi thở vào, đó là chánh niệm về hơi thở. Khi thở ra mình biết đây là hơi thở ra, đó là chánh niệm về hơi thở. Khi một người có chánh niệm thì mình biết họ là người tu. Khi một người sống như cái máy thì mình biết rằng họ là một người không tu. Sự khác biệt giữa người tu và người không tu không phải là cái áo nhật bình, cái áo tràng, mà là có chánh niệm hay không có chánh niệm, sống như cái máy hay sống như một con người tỉnh thức. Sống có chánh niệm là sống như một con người tỉnh thức.

Đức Thế Tôn là một người sống trong chánh niệm 24 giờ một ngày. Khi đi thì ngài biết là ngài đi, khi ngồi thì biết là ngài ngồi. Ngài luôn có mặt đó và ngài biết tất cả cái gì đang xẩy ra từng giờ, từng phút, ngài có chánh niệm thường xuyên. Còn chúng ta, lâu lâu chúng ta mới biết được. Hầu hết các giây phút trong ngày chúng ta sống trong thất niệm :

Thất niệm là bóng đêm
Chánh niệm là ánh sáng
Đưa tỉnh thức trở về
Cho thế gian tỏ rạng

Đó là bài kệ khi mình đốt lên một cây đèn sáp, đèn cầy để cúng dường ĐứcThế Tôn. Cầm một cây đèn cầy đốt lên thì mình đọc câu kệ đó.

Thất niệm là bóng đêm
Chánh niệm là ánh sáng
Đưa tỉnh thức trở về
Cho thế gian tỏ rạng

Bài kệ đó cho biết rằng những người không tu thì sống trong bóng đêm ( thất niệm là bóng đêm ), làm như cái máy, sống như cái máy, làm mà không biết mình làm gì. Chánh niệm là ánh sáng. Khi thở, mình biết mình đang thở, khi đi mình biết mình đang đi, khi nói mình biết mình đang nói. Đó là chánh niệm. Khi cái giận trào lên mình biết rằng cái giận trào lên. Đó là chánh niệm. Tuy có cái giận, nhưng cũng có chánh niệm. Nó nhận diện : “À, đã có cái giận rồi, mình bắt đầu giận rồi, bắt đầu bực rồi. “. Mình dùng chánh niệm nhận diện cái giận rồi ôm ấp nó một cách rất nhẹ nhàng, ưu ái. Lúc đó có 2 năng lượng : năng lượng giận và năng lượng chánh niệm. Hai năng lượng đã giao lưu với nhau.

Khi một người không tu giận thì cái giận đó tác yêu tác quái. Cái giận đó ở một mình trong tâm, nó làm chủ trấn ngự. Người không tu không biết làm gì để làm lắng dịu cái giận đó xuống, không biết làm gì để chuyển hóa cơn giận đó. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một người làm vườn giỏi. Khi ngườì làm vườn giỏi thì người đó biết xử lý những lá khô lá úa, những cành khô cành úa. Người đó cắt những lá, cành úa đó ủ thành phân xanh. Người tu cũng vậy. Khi người tu thấy sự bực bội, giận hờn lo lắng trồi lên thì người tu nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa được những tâm hành tiêu cực đó.

Ví dụ như một bà mẹ đang nấu ăn trong bếp. Bà nghe em bé khóc la trong phòng, em bé mới 2, 3 tháng. Bà mẹ buông những gì đang cầm trong tay, đi vào phòng bồng em bé lên, ôm em bé vào trong hai tay một cách rất nhẹ nhàng, rất trìu mến. Người tu cũng vậy. Khi có sự bực giận, giận hờn lo lắng trào lên thì người tu biết rằng có sự bực bội, giận hờn, lo lắng. Người tu lập tức trở về với hơi thở, thở trong chánh niệm và dùng năng lượng chánh niệm do hơi thở chế tác để công nhận nỗi khổ niềm đau đó và ôm lấy nó một cách nhẹ nhàng giống như bà mẹ đang ôm ấp đứa con của mình. Nếu bà mẹ ôm con một cách nhẹ nhàng như vậy trong i, ba phút thì năng lượng dịu dàng của bà mẹ đi vào trong đứa con và làm cho đứa con bớt khổ.

 

Chánh niệm là năng lượng ôm ấp và chuyển hóa
Chúng ta cũng vậy. Khi chúng ta thở vào thở ra mà có chánh niệm, khi chúng ta bước những bước chân nhẹ nhàng có chánh niệm thì chúng ta chế tác ra năng lượng chánh niệm và với năng lượng chánh niệm đó ta nhận diện nỗi khổ niềm đau kia, ta ôm lấy nó và nhẹ nhàng chăm sóc nó. Chỉ độ hai, ba hay năm phút sau nỗi khổ niềm đau sẽ lắng dịu xuống bớt. Nó chưa biến mất nhưng nó đã lắng dịu 20 phần trăm, 30 phần trăm, và nếu biết phương pháp thì ta sẽ chuyển hóa từ từ những nỗi khổ niềm đau đó.

Thở vào tôi biết sự bực bội đang từ từ phát sinh trong tôi
Thở ra tôi mỉm cười với sự bực bội, tôi sẽ chăm sóc đàng hoàng sự bực bội đó

Đó là người tu ! Còn với người không tu thì khi sự bực bội trào lên mình không biết, mình để cho nó tác yêu, tác quái, để nó xúi đẩy mình nói những câu nói, làm những hành động gây ra sự đổ vỡ. Trong một trung tâm tu học thì các thầy, các sư cô, các vị Phật tử luôn luôn trở về với hơi thở, với bước chân để chế tác năng lượng chánh niệm. Năng lượng đó là một năng lượng bằng vàng, rất đáng quí. Năng lượng đó sẽ làm lắng dịu những đau nhức trong thân, trong tâm và sẽ chuyển hóa những đau nhức đó. Đó là những sự thực tập căn bản : Hơi thở có ý thức và bước chân có ý thức. Hơi thở nào cũng phải là hơi thở có chánh niệm Bước chân nào cũng là bước chân có chánh niệm. Mỗi ngày mình chế tác ra năng lượng chánh niệm và với năng lượng chánh niệm đó chúng ta sẽ chế tác được định và tuệ. Niệm, Định, Tuệ là ba năng lượng chánh mà người tu phải chế tác ra mỗi ngày.

Một cây cam chế tác ra lá cam, hoa cam và trái cam, đó là cái đẹp nhất mà một cây cam có thể chế tác được. Người tu cũng chế tác được những cái rất đẹp. Người tu phải có khả năng chế tác ra niệm, định và tuệ. Một người tu mà không chế tác ra Niệm- Định- Tuệ thì không phải là người tu, dù người đó có mặc áo nâu, áo lam hay áo vàng cũng vậy thôi. Niệm-Định-Tuệ là ba nguồn năng lượng làm cho mình có chất thánh trong người, giúp cho mình đạt tớí đạo quả, giúp mình chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau trong lòng.

Niệm là biết được gì đang xẩy ra. Cái gì đang xẩy ra là tôi đang thở vô, đang thở ra. Cái gì đang xẩy ra là tôi đang bước những bước chân. Cái gì đang xẩy ra là tôi đang uống trà. Cái gì đang xẩy ra là tôi đang bắt đầu giận. Khi mình giận mà mình không biết là mình đang giận thì đó là mình không tu. Khi mình giận mà mình biết là mình giận thì dù cho cơn giận còn đó mình vẫn là người tu như thường. Tại vì cái giận đó đang được chánh niệm nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa. Nếu quí vị thực tập cho quen thì chỉ trong một hay hai phút nỗi buồn đó đã lắng dịu trở lại.

Người Phật tử, người có thực tập thì mỗi khi nỗi buồn, cơn giận trào lên, người đó không nói, không làm, không phản ứng gì hết. Trái lại người đó trở về với hơi thở, với bước chân để chế tác những hơi thở, những bước chân có ý thức. Như vậy là chế tác chánh niệm và hể có chánh niệm là bắt đầu có định, có tuệ. Nếu niệm và định vững chãi thì bắt đầu có tuệ. Có tuệ thì có giải thoát, có tuệ thì có thể chuyển hóa được nỗi buồn, cơn giận của mình. Có niệm-định-tuệ thì mình có thể làm chủ được tình trạng, nếu không thì mình thành nạn nhân của tình trạng. Tình trạng có thể là tình trạng của cái giận, cái buồn trào lên, nhưng nếu mình là người có tu thì mình làm chủ được được tình trạng.

Có chánh niệm thì mình có sự an toàn. Vì vậy mỗi ngày mình phải tập hơi thở có ý thức, bước chân có ý thức. Chúng ta lái xe có ý thức, rửa rau có ý thức. Chúng ta giặt áo có ý thức, làm gì cũng có ý thức hết. Chúng ta chế tác được chánh niệm và với chánh niệm đó chúng ta nhận diện những nỗi khổ niềm đau khi chúng xuất hiện để ôm ấp, chuyển hóa. Khi mình giận cha mẹ, mình giận con, giận chồng hay vợ, nếu là Phật tử thì mình khoan làm gì, khoan nói gì hết, khoan phản ứng. Mình trở về với hơi thở và nói : “Cái giận ơi, ta biết mi đang xuất hiện, đang có mặt  và ta biết cách chăm sóc cho mi. Mi không thể xúi ta nói và làm những điều gây ra tan vỡ trong tình cha con, tình vợ chồng.”. Đó là người tu.

 

Chăm sóc và bảo quản cho cái giận
Người cha không nên lạm dụng quyền làm cha để đàn áp, chửi mắng đứa con. Người thầy không nên lạm dụng quyền làm thầy để la mắng, đàn áp người đệ tử. Khi có chánh niệm thì mình nhớ được điều đó. Nếu không có sự trầm tĩnh, không có tình thương thì mình không thể nào giúp cho người kia chuyển hóa được. La rầy, trừng phạt sẽ không đem tới kết quả nào hết. Chỉ có sự trầm tĩnh, tình thương, sự hiểu biết mói có thể giúp mình và giúp cho người kia mà thôi. Khi mình nhận thây cái giận bắt đầu trào lên thì phải lập tức trở về với hơi thở, thở theo cách thức cửa Đức Thế Tôn dạy:

Thở  vào tôi biết tôi đang thở vào
Thở ra tôi biết tôi đang thở ra
Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu tới cuối
Thở ra tôi theo dõi hơi thở ra từ đầu tới cuối

Quí vị mà thực tập được như vậy trong ba phút thì cái giận sẽ lắng xuống : Thở vào, tôi biết là cái giận đang có mặt trong tôi / Thở ra, tôi hứa sẽ chăm sóc, bảo quản cho cái giận, không để cho cái giận tác yêu tác quái.

Cái giận kia  có thể phát sinh từ tri giác sai lầm của mình. Người kia không cố ý trừng phạt hay làm khổ mình nhưng mình nghĩ là người kia cố ý gây khổ đau cho mình nên mình giận. Có thể là ngày xưa hạt giống giận hờn trong mình nhỏ bé hơn nhiều. Chúng ta không dễ giận như bây giờ. Bây giờ chúng ta dễ giận hơn ngày xưa nhiều lắm tại vì trong bao nhiêu năm chúng ta không biết thực tập, cứ dồn nén xuống những bực tức, lo lắng, sầu khổ, giận hờn, nên cục giận trong lòng bây giờ lớn lên rất nhiều, hễ động một chút là giận.

Ông chồng của mình ngày xưa đâu có dễ giận như vậy. Bây giờ hễ động tới một chút là giận. Tại sao ?. Tại vì trong bao nhiêu năm ông ấy không biết thực tập. Ông cứ dồn nén bực bội mỗi ngày một chút cho nên cục giận của ông càng ngày càng lớn. Mình không giúp đỡ chồng mình, lâu lâu mình  nói những câu điếc con ráy, những câu chua chát, bực bội. Hạt giống giận của ông chồng mình ngày càng lớn, mình cũng phải chịu trách nhiệm một phần nào đó, tại vì chính trong mình cũng có sự bực bội. Hạt giống giận hờn trong mình cũng càng ngày càng lớn tại vì mình không tu. Nếu biết tu thì hạt giống giận hờn càng ngày càng yếu mà không tu thì hạt giống đó ngày càng mạnh. Mình cứ dồn chứa từ ngày này sang ngày khác thì cái khối giận ngày càng lớn. Gia đình trở nên một tù ngục, một địa ngục. Mỗi người trở thành một trái bom, sờ vô có thể nổ, rất nguy hiểm. Vì vậy chúng ta bắt đầu tu đi là vừa. Chúng ta phải giúp nhau tu tập để nhận diện khối giận đó và làm cho nó lắng dịu xuống, làm cho nó chuyển hóa.

Bà trách rằng : bây giờ ông nóng quá, nóng hơn ngày xưa nhiều ! Nhưng bà tự hỏi tại sao như vậy ?. Tại sao hồi còn trai trẻ ông ít nóng mà bây giờ ông nóng dữ vậy ?

Tại vì trong bao nhiêu năm ông không có tu. Ông đã dồn nén sự bực bội rất nhiều và bà cũng đóng góp một phần không ít vào cục giận của ông. Bà cũng vậy. Ngày xưa bà rất tươi mát, rất dịu hiền, rất d thương. Bây giờ bà khó chịu, chua chát lắm. Có khi bà hành xử như một bà chằng. Tại ai ? Cũng tại mình một phần. Mình đàn áp, mình chua chát, nói năng thô lỗ, mình gây ra những chuyện oan ức cho bà. Hạt giống bực bội, giận hờn của bà càng ngày càng lớn, mình cũng chịu trách nhiệm một phần nào đó.

Ngày xưa khi mới cưới nhau sao cái gì cũng dễ, người này nói người kia nghe. Tiếng nói của người kia sao nó dịu dàng, ngọt ngào như vậy. Bây giờ tiếng nói của người kia khó nghe quá, nó chua chát, trách móc, hờn giận nghe mệt cả trái tim của mình. Đó là tại vì mình không biết làm ăn, mình làm ăn lỗ lã. Tại thiếu tu mà ra hết.

Tu không phải chỉ là đi chùa, cúng dường, bái sám, cầu nguyện, tụng kinh. Không !
Tu là phải thực tập thêm nữa. Mình phải học niệm, định, tuệ. Mình phải học đi, học thở, học buông thư, học nhận diện, học chuyển hóa mới được.

Có một hôm nào đó hai vợ chồng có cơ hội ngồi với nhau, rỗi rãnh, không có chuyện gì làm. -Chúng ta ít có cơ hội như vậy lắm. Ông quá bận mà bà cũng quá bận-. Hai ông bà thử so sánh ngày xưa với bây giờ. Ngày xưa tại sao mà dễ dàng vậy ! Người này nói người kia nghe, mà bây giờ không ai nghe ai nữa. Tại khi nói chúng ta dùng ngôn từ rất chua chát, có tính cách buộc tội, lên án, trách móc, nghe mệt vô cùng. Ngày xưa câu nào câu đó nghe ngọt như mật ong, như đường mía lau. Bây giờ câu nào câu đó chua lè như dấm. Tại vì mình không có thực tập ái ngữ và lắng nghe trong đạo Phật.

Một hôm nào đó có cơ hội ngồi chơi với nhau, không làn gì hết, mình thử nói chuyện tâm tình coi ra sao. “Nầy ông nè, ( hoặc còn trẻ thì mình nói: anh nè ) tại sao mà mình không có hạnh phúc.  Mình có công ăn việc làm, các con cũng đã lớn rồi, tại sao mình không có hạnh phúc. Tại sao mình không tươi mát với nhau. Ngày xưa mình cảm thấy không có nhau thì mình sống không nổi, mà bây giờ mình không thương nhau, mình không làm hạnh phúc cho nhau được. Tại sao vậy ?. Nhiều khi tôi bực bội, cáu kỉnh, tôi đã nói và làm những điều khiến cho ông buồn khổ, giận hờn, tức tối. Tôi xin lỗi ông. Tôi đâu có muốn làm cho ông khổ đâu. Nhưng tại vì trong bao nhiêu năm tôi không được cơ hội tu tập. Tôi không biết cách nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa cái bực bội, lo lắng, sầu khổ trong tôi. Tôi khổ và đã làm cho ông khổ. Tôi rất hối hận. Bây giờ làm sao mình tu đi để mình đừng làm khổ nhau nữa.”. Bà có thể nói một câu như vậy nếu bà có sự giác ngộ sau khi nghe bài pháp thoại. Sau khi đi một khóa tu bà có thể giác ngộ. Bà có thể về nói với ông một câu như vậy. Trước đó thì nói không được, bây giờ thì có thể nói được.

Ông cũng vậy, ông có thể về nói với bà một câu như vậy: “ Ngày xưa em rất tươi mát ngọt ngào. Anh cảm thấy nếu không có em thì làm sao anh sống được. Nhưng bây gi anh cảm thấy mình không được như vậy nữa. Anh phải  chịu một phần trách nhiệm. Anh đã bực bội, la mắng, trách móc, hờn giận. Anh đã đối xử với em một cách thô bạo và không biết rằng anh  đã gây cho em những buồn khổ đau đớn. Tại vì anh chưa gặp được thầy, chưa gặp được bạn tu. Anh chưa nắm được những phương pháp thực tập nên anh đã làm cho em mất đi sự tươi mát, mất đi hạnh phúc. Anh rất hối hận. Bây giờ hai vợ chồng mình bắt đầu tu, sửa đổi lại.”.

Mình học nói những lời thương yêu, tha thứ, bao dung. Đừng trách móc, lên án, buộc tội nhau nữa. Đừng nói với nhau những lời chua chát nữa. Chuyện đó mình có thể làm được. Tại sao mình không ký với nhau một hiệp định thương yêu, hòa bình sống với nhau. Trong đạo Phật có những phương pháp thực tập rất mầu nhiệm. Chỉ cần tu tập một tuần lễ là mình có thể khôi phục lại được những hạnh phúc mà mình đã đánh mất.

Có ba câu tôi muốn quí vị học thuộc để thực tập khi cái giận trào lên :

- Tôi đang giận, đang khổ, tôi muốn anh biết điều đó.
- Tội
đang giận, đang khổ, tôi muốn em biết điều đó.
- Ba đang giận, đang khổ, ba muốn con biết điều đó cho ba.

Khi mình giận người kia, người kia có thể là chồng, là vợ, là cha mẹ hay con trai con gái mình, thì mình hay có khuynh hướng đổ lỗi cho người kia. Sở dĩ mình đau, mình khổ là tại vì người kia hết. Mình không bao giờ công nhận rằng cái khổ đau đó một phần là do chính mình.

Mình có khuynh hướng muốn trừng phạt người kia. Người kia làm cho mình khổ bây giờ mình phải làm khổ lại. Đó là khuynh hướng trừng phạt mà tất cả chúng ta đều có. Đôi khi chúng ta trừng phạt bằng một thái độ lạnh lùng, hỏi không thèm trả lời. Có khi muốn trừng phạt người kia bằng cách làm cho mình khổ, tự làm cho mình khổ, ý muốn nói rằng : “ Tôi mà ra thân thể như thế này là tại vì ông, vì bà mà ra”. Mình tự làm khổ mình cho người kia biết. Mình có nhiều cách trừng phạt.

Cách trừng phạt thông thường nhất là nói một câu hay làm một điều làm cho người kia khổ tại vì người kia dám làm mình khổ. Người kia nói một câu làm cho mình đau. Mình nói một câu dữ hơn để cho người kia đau cho biết. Thông thường là như vậy. Khi người kia nghe một câu, người kia khổ quá, muốn làm cho bớt khổ, người kia tìm một câu nặng hơn để nói với mình. Mình nghe như vậy mình khổ hơn nữa, mình tìm một câu động trời hơn nữa. Hai bên cứ leo thang làm khổ nhau, leo thang thanh trừng phạt nhau. Đó là chuyện người đời. Phương pháp đó rất là con nít. Hai người hành xử như hai đứa con nít. Người này làm khổ người kia, người kia muốn trừng phạt lại bằng cách làm khổ lại cho biết. Cứ trừng phạt nhau như vậy, leo thang chiến tranh, leo thang làm khổ nhau, leo thang giận hờn.

Ở đời là như vậy, Không có lý mình là người tu mà mình lại làm giống hệt như vậy. ĐứcThế Tôn dạy: khi giận mình đừng nói và đừng làm gì hết. Chỉ nói và chỉ làm khi mình hết giận mà thôi. Mình phải trở về với hơi thở, bước chân. Mình phải thực tập ôm ấp nhận diện, làm lắng dịu nỗi khổ niềm đau xuống. Mình phải nhìn cho kỹ, coi gốc rể nỗi khổ niềm đau của mình là từ đâu. Có khi nó từ mình ra chứ không phải từ người kia. Có thể sau mấy giờ đồng hồ thực tập mình thấy cái giận của mình không có căn cứ, hoàn toàn là do mình hiểu lầm. Lúc đó mình thành công.

 

Lá bùa cứu mạng
Nhưng nếu sau 24 giờ đồng hồ mà mình vẫn còn giận thì lúc đó mình phải làm một cái gì. Mình tu chưa có kết quả. Mình bắt đầu phải dùng ba câu như tôi vừa nói.

Câu thứ nhất là: Tôi đang giận, đang khổ, em phải biết điều này !

Mình là người chồng, người vợ, là đứa con, là người thầy, người đệ tử, mình có thể thực tập như vậy: “ Bạch thầy, con đang giận thầy, con đang khổ lắm và con muốn thầy biết điều đó.” Hay là thầy có thể viết cho đệ tử: “ Này con, thầy, thầy đang giận con. Thầy đang buồn và thầy muốn con biết điều đó.” Nếu là cha mình nói: ”Cha đang khổ, đang giận, đang buồn con. Cha muốn con biết điều đó.” Nếu là người con mình nói: “ Con đang khổ, đang buồn, con muốn cha biết cho con điều đó.” Nếu là người chồng mình nói : “ Anh đang khổ, đang buồn, anh đang giận và anh muốn em biết cho điều đó.” Nếu là người vợ mình nói : “Em đang khổ, đang buồn, em giận anh và em muốn anh biết cho điều đó.” Đó là câu thứ nhất. Nếu không nói trực tiếp được thì mình viết lên miếng giấy đưa cho người kia.

Câu thứ hai là: Anh đang cố gắng hết sức anh. (Em đang cố gắng hết sức em. Thầy đang cố gắng hết sức thầy. Con đang cố gắng hết sức con. Ba đang cố gắng hết sức ba. Mẹ đang cố gắng hết sức mẹ).

Cố gắng đây là thực tập. Người tu đẹp là ở chổ khi giận không nói, không làm gì hết, trở về hơi thở, trở về bước chân và thực tập. Câu thứ hai đó cho người kia biết rằng mình không phải là người thường, mình là người tu. Mình là người cư sĩ thọ Tam qui Ngũ giới, mình là người tu. Mình là người xuất gia, thọ mười giới, thọ 250 giới, mình là người tu. Vì vậy mình không hành xử như người không tu. Mình không nói, không làm gì hết trong khi giận, trái lại, mình trở về với hơi thở, trở về với bước chân. Mình nhận diện, ôm ấp, làm lắng dịu và chuyển hóa cái giận, điều đó là “ tôi đang cố gắng hết sức tôi “, tôi đang thực tập. Khi người kia nghe hoặc đọc câu đó người kia sẽ kính phục: “ Chà, người vợ mình giỏi thiệt. Vợ mình biết tu. Khi giận biết không nên nói gì, không nên làm gì, biết trở về hơi thở, trở về bước chân, biết nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa, làm lắng dịu cơn giận. Mình có bà vợ như vậy là quí lắm. Những bà vợ khác đâu có làm như vậy, họ đâu có tu, họ la làng, la trời, la đất, họ than khóc chửi rủa đủ thứ. Mình có người vợ biết tu, rất là quí.”.

Nếu ông viết được câu đó thì bà rất quí ông: “ Mình có một người chồng biết tu. Khi mình giận, chồng mình biết không nên nói gì, không nên làm gì, nên trở về hơi thở, đi thiền hành để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa làm lắng dịu cơn giận. Mình rất hãnh diện có một người chồng như vậy.” Câu thứ hai đó rất quan trọng. Nó làm người kia kính phục mình.

Mình là người cha, mình nói: “Ba đang giận con, ba đang khổ, đang buồn con lắm. Ba muốn con biết điều đó. Ba đang thực tập hết lòng, hết mình của ba.”. Khi đứa con nghe như vậy, đọc được như vậy thì rất kính phục ba. Ba mình không xài xể mình, không chửi, không đánh mình mà khi giận ba biết thực tập, mình có một người ba rất đặc biệt.”. Câu thứ hai đó cũng là sự mời mọc cho người kia cùng thực tập với mình.

Khi người vợ nhận được miếng giấy có câu: “ Anh đanh khổ, đang buồn, đang giận em. Anh muốn em biết điều đó. Anh đang thực tập hết lòng. “ thì người vợ sẽ tự hỏi : “ Mình nói cái gì, làm cái gì khiến cho giận ông buồn như vậy.”. Hai câu đó cũng mời mọc cho người kia cũng quán chiếu, cũng thực tập, nhìn lại mình đã làm gì, đã nói gì ?. Rất là hay ! Mình là vợ chồng của nhau, mình là cha con, là thầy trò của nhau nhưng mình cũng là những người bạn đồng hành trên con đường tu tập. Mình là đạo hữu, là bạn đạo với nhau.

Câu thứ ba là: Em giúp anh một tay có thể anh thực tập không thành công. Tại sao anh thực tập 24 giờ rồi mà anh chưa hết giận em. Em giúp anh một tay. (Ba thực tập 24 giờ rồi mà ba vẫn còn giận con. Con giúp ba một chút. Ba ơi con giận ba, con khổ lắm, con buồn lắm, con muốn ba biết điều đó. Con thực tập gần 24 giờ đồng hồ rồi mà con vẫn chưa hết giận ba. Ba giúp cho con. Ba cắt nghĩa cho con tại sao ba nói như vậy, làm một điều như vậy. Anh cắt nghĩa cho em tại sao anh nói một câu như vậy. Tại sao đã làm một điều như vậy).

Ba câu nói đó tôi xin lập lại. Tôi muốn quí vị viết ba câu đó vào trong một miếng giấy lớn bằng một credit card ( thẻ tín dụng ).

Câu thứ nhất : Anh đang giận em, anh đang khổ, anh muốn em biết điều đó. Hoặc là : Ba đang giận con, ba đang khổ, ba muốn con biết điều đó. Hoặc là : Con đang giận ba, con đang khổ, con muốn ba biết điều đó cho con. Có nghĩa là : Con không hiểu tại sao ba lại nói một câu như vậy, ba đã làm một điều như vậy. Hoặc là : Em đang giận anh, em đang khổ, em muốn anh biết điều đó. Có nghĩa là : Em không hiểu tại sao anh đã nói một câu như vậy, anh đã làm một điều như vậy.

Câu thứ hai : Anh cố gắng hết sức anh, có nghĩa là : Anh đang thực tập. Em đang cố gắng hết sức em, có nghĩa : Em đang thực tập. Ba đang cố gắng hết sức ba, có nghĩa là : Ba đang thực tập. Con đang cố gắng hết sức con, có nghĩa là : Con đang thực tập. Thầy đang cố gắng hết sức thầy, có nghĩa là : Thầy đang thực tập.

Câu thứ ba : Em phải giúp anh mới được / Con phải giúp ba mới được / Thầy phải giúp con mới được

Quí vị viết nắn nót trên mãnh giấy nhỏ câu thứ nhất, thứ hai, thứ ba rồi bỏ vào ví của mình giống như chứng minh nhân dân. Mỗi khi cái giận trào lên thì lập tức rút ví ra, theo dõi hơi thở và đọc ba câu đó. Ba câu đó là bùa cứu mạng của mình, cứ làm theo đúng ba câu đó là được. Trước hết là mình trở về với hơi thở, với bước chân. Mình thở vào cho khỏe, thở ra cho nhẹ, nhìn cho sâu coi thử là cái đau khổ của mình tới từ mình, từ người kia hay từ hai bên. Nếu chịu trách nhiệm thì mình chỉ chịu mấy chục phần trăm trong vụ này, còn ông chịu mấy chục phần trăm ?. Nhìn cho kỹ và mình phải thực tập hết lòng. Câu thứ hai nói rằng mình đang thực tập.

Đây là một pháp môn đã được thực tập ở Làng Mai. Tất cả các thiền sinh đến từ Âu châu, Mỹ châu, Úc châu đều được học hỏi ba câu này. Khi cái giận trào lên thì họ phải thực tập, Nếu sau 24 giờ đồng hồ mà chưa chuyển hóa được cái giận thì phải nói cho người kia ba câu đó. Nếu nói chưa được bằng lời nói êm dịu thì mình viết xuống giấy và trao cho người kia. Sau khi trao cho người kia thì mình sẽ khỏe hơn. Quí vị thử đi. Khi giận mình thực tập, nếu chưa thành công thì mình viết ba câu đó xuống mà gửi cho người kia. Người kia có thể là chồng hay vợ, là con trai con gái, là ba, má, là thầy hay đệ tử của mình.

Cách hành xử đó rất văn minh, rất đẹp, đi đúng chánh pháp. Khi giận không nói câu nào hết, không có hành động nào hết, trở về thực tập. Nếu thực tập chưa thành công thì gửi thư cầu cứu người kia, trong thư có ba câu đó, chắc chắn sẽ thành công.

Nếu quí vị hành xử theo được lời đề nghị này thì quí vị sẽ trở thành những con người rất đẹp, rất văn hóa, rất văn minh. Cái bản chất này được rút ra từ giáo lý, từ cách hành trì của Đức Thế Tôn. Đi trên đường phố tôi thấy có những bảng hiệu :  „ toàn dân khu phố quyết tâm xây dựng khu phố văn hóa, văn minh !“. Tôi không hiểu văn hóa, văn minh ở đây là gì. Nhưng tôi thấy cách hành xử  trình bày trên rõ ràng là văn hóa, văn minh. Khi mình giận nhau thì mình không làm khổ mình và làm khổ người kia. Mình tu tập và mình đúng thật là những con người văn hóa, đúng thật là những con người văn minh. Chất liệu văn hóa và văn minh này bắt nguồn từ đại từ, đại bi, đại trí của Đức Thế Tôn. Quí vị làm đi và quí vị sẽ là mẫu mực cho con cháu mình, các bè bạn của mình. Chúng ta là người trần mắt thịt. Chúng chưa phải là những vị thánh thành thử chúng ta cứ bị làm nạn nhân của những tri giác sai lầm. Những cái thấy, cái nghe của mình thường thuờng  là sai lạc. Mà cái giận, cái buồn của mình nó phát sinh từ cái thấy sai lạc đó. Những cái thấy sai lạc đó trong đạo Phật gọi là vọng tưởng, gọi là những cái tà kiến. Tà kiến là ngược lại với chánh kiến, vọng tưởng là ngược lại với bát nhã, với tuệ giác.

 

Gây khổ đau vì tri giác sai lầm
Có một ông đó đì xa về, vợ ông sanh cho ông một đứa con trai. Không biết vì lý do gì mà ông tin rằng đứa con trai này không phải là con của ông mà là con của ông hàng xóm. Họ có một ông hàng xóm rất dễ thương. Trong khi ông đi vắng thì người hàng xóm cứ qua giúp đỡ rất nhiều. Ông ta nghe nói như vậy và ông cứ tin chắc rằng đứa con này không phải là con của ông mà là con của ông hàng xóm. Lạ như vậy đó ! Ông đi 3 năm, 4 năm rồi ông về. Sau khi ông đi khoảng chừng 7 tháng, 8 tháng thì bà vợ sinh ra đứa con đó. Khi về, ông nhìn mặt thằng nhỏ thì ông ghét cay ghét đắng. Ông nghĩ rằng thằng này không phải là con mình, thằng này là con ông hàng xóm, thằng này chắc là con của ông hàng xóm. Rồi ông mang theo trong lòng một nỗi khổ niềm đau cả đêm, cả ngày, không nói ra được. Không có bằng cớ gì hết thành  ra ông lạnh nhạt với bà vợ. Cái thái độ lạnh nhạt của ông là một hình thái trừng phạt bà vợ. Ông không trực tiếp nói : „ Em đã ngủ với ai và em đã sinh ra đứa con này. Đứa con này không phải là con của anh !“ Ông không nói như vậy. Ông giữ cái đó bí mật trong lòng ông thôi, nhưng mà ông biểu lộ ra bằng cách lạnh nhạt thành ra bà vợ rất đau khổ. Đứa con bị ông nhìn bằng con mắt như vậy thì đứa con cũng rất đau khổ. Quí vị biết cái nỗi đau khổ đó kéo dài bao lâu không ? Nó kéo dài 11, 12 năm. Cho đến khi có một người bạn từ phương xa về. Ông ta nhìn đứa con và nói : “ Trời !, cái thằng nhỏ nay nó giống anh như là đúc. Nè !, cái lỗ tai nè, Có phải là cái lỗ tai anh không !. Cái môi, giống hệt ! đúng là cái môi của anh rồi !.“. Thì lúc đó ông ta mới buông bỏ cái tri giác sai lầm, mới buông bỏ cái tà kiến, và lúc đó ông mới bắt đầu nhìn đứa con bằng con mắt thiện cảm. ông mới nhìn bà vợ bằng một cái nhìn chấp nhận và thương yêu. Nhưng mà ông đã gây đau khổ trong suốt 10 năm, 11 năm.

Cho nên một tà kiến, một tri giác sai lầm có hại rất nhiều. Chúng ta đều là những người chưa phải là những bậc thánh. Mỗi người chúng ta đều có những tri giác sai lầm. Nếu cứ bám lấy cái tri giác sai lầm như vậy là chúng ta tự làm khổ mình và làm khổ những người thương của mình. Cho nên mình đừng tin chắc quá vào cái tri giác của mình, những cái vọng tưởng điên đảo -điên đảo có nghĩa là chổng ngược lại, trắng thì nói là đen, xiên thì nói là thẳng- gọi là vọng tưởng điên đảo. Cho nên mỗi khi chúng ta khổ đau, chúng ta giận hờn, chúng ta đừng tin chắc rằng tại vì người kia muốn làm khổ chúng ta. Bà vợ kia có ngoại tình đâu, đâu có ngủ với ông hàng xóm đâu. Vậy mà mình cứ chắc mẩm là vợ mình ngủ với ông hàng xóm. Đó là một nỗi oan ức rất lớn mà có thể khi chết mình mang theo mối oan ức đó xuống suối vàng, mình mang cái tri giác sai lầm đó theo tới suối vàng. Rất là dễ sợ !

Cho nên mình phải đặt vấn đề là mình có tri giác sai lầm hay không. Mình làm khổ nhau là do mình có những tri giác sai lầm về nhau và về bản thân của chính mình. Cho nên khi mình hỏi câu hỏi thứ nhất, mình viết câu thứ nhất là „ Anh đang khổ, anh đang giận em. Anh buồn lắm. Anh muốn em biết như vậy. Em phải cắt nghĩa cho anh tại sao em đã nói lên một lời như vậy, em đã làm một điều như vậy với anh.“. Đó là cầu cứu đấy. Đó là tiếng kêu cầu cứu đấy!. Và mình phải cầu cứu mới được, tại người kia có thể giúp mình tháo gỡ đưc những tri giác sai lầm. Khi mà mình có cảm tưởng rằng người thương của mình đã làm khổ mình thì mình cảm thấy bị một thương tích rất là nặng. Nếu là người dưng nước lã nói câu đó, làm điều đó mình tuy là giận, nhưng mà giận ít. Nhưng chính là người thương nhất trong đời mình đã nói câu đó, đã làm điều đó cho nên mình không thể nào tha thứ được.

Quí vị có biết câu chuyện thiếu phụ Nam Xương và chàng Trương. Chàng Trương đi lính sống sót trở về, và lần đầu thấy được đứa con của mình, đứa con trai của mình. Chàng dụ nó kêu mình bằng ba, bằng bố, nhưng thằng con nhất định không chịu. „Ông đâu phải là bố tui !, bố tui thường thường tới mỗi đêm mà mỗi khi bố tui tới mẹ tui nói chuyện với bố tui cả giờ đồng hồ, khóc lóc, kể lể. Mỗi khi bố tui ngồi xuống thì mẹ tui cũng ngồi xuống. Mỗi khi bố tui nằm xuống thì mẹ tui cũng nằm xuống luôn.“. Nó nói như vậy đó. Thì quí vị cũng biết sự thật là làm gì có người nào đi vào trong nhà của thiếu phụ Nam Xương đâu.

Thiếu phụ Nam Xương cô đơn một mình một bóng thành thử hay nói chuyện với cái bóng của mình ở trên vách tường.“ Anh ơi, anh đi lâu quá. Một mình em ở nhà làm sao nuôi con được.“, và khóc. Và cố nhiên là mỗi khi mà thiếu phụ Nam Xương ngồi xuống thì cái bóng cũng ngồi xuống và mỗi khi thiếu phụ Nam Xương nằm xuống thì cái bóng cũng nằm xuống. Thì con nít chỉ nói vậy thôi. Nhưng mà anh chàng có một tri giác lầm. Anh ta tưởng có một người đàn ông nào đó đêm nào cũng vô nhà hết. Cho nên khi thiếu phụ Nam Xương đi chợ về để làm mâm cơm cúng thì chàng Trương không thèm nhìn vợ nữa. Vợ hỏi câu gì thì chàng Trương cũng không trả lời, tại vì có cái tri giác sai lầm, có một  nỗi khổ, niềm đau rất lớn, nghĩ rằng trong thời gian mình đi vắng vợ mình đã ngoại tình rồi. Tri giác sai lầm !.

Thiếu phụ Nam Xương rất tủi thân. Nàng không biết tại sao mà từ khi mình đi chợ về anh ấy không thèm nhìn mặt mình nữa, mình hỏi câu gì anh cũng không thèm trả lời. Mình đã làm nên tội tình gì để bị đối xử một cách tồi tệ như vậy. Cho nên nàng chỉ âm thầm mà khóc thôi. Không có cầu cứu ! . Mà chàng Trương cũng bị một vết thương rất là nặng. Một người mà mình thương nhớ mỗi đêm, mong cho chiến tranh kết thúc để chóng trở về ôm trong tay, mà người đó lại đi phản bội mình như vậy thì cái nỗi khổ niềm đau này làm sao mà tiêu cho được. Vì vậy nên chàng không nhìn người kia. Người kia hỏi câu gì chàng không thèm trả lời. Tại cái nỗi khổ niềm đau lớn quá. Cả hai bên đều khổ hết !, và đứa trẻ ở giữa lãnh đủ hết.

Khi cúng xong, đáng lý phải bưng mâm cơm cúng xuống và cả nhà cùng ăn một bữa cơm đoàn tụ sau bao nhiêu năm xa cách thì anh chàng không chịu ăn cơm. Anh chàng bỏ đi vào trong nhà hàng để uống rượu. Anh chàng uống rất nhiều rượu để say, để quên nỗi khổ niềm đau của mình cho tới hai giờ khuya mới về. Hai giờ khuya chàng về rồi ngủ cho tới mười một giờ trưa rồi đi vô quán rượu lại, và cứ liên tiếp như vậy nhiều ngày, thành ra thiếu phụ Nam Xương cuối cùng chịu không nổi phải nhảy xuống sông tự tử.

Buổi tối đó, sau khi nghe vợ mình chết rồi thì chàng Trương trở về để chăm sóc đứa nhỏ và khi chàng thắp đèn lên thì đứa nhỏ nói : „Ông này, bố tui đây nè !, bố tui tới mỗi đêm như vậy đó. Mỗi khi bố tui nằm xuống thì mẹ tui cũng nằm xuống.“ .Bây giờ chàng Trương thấy được sự thật, không còn tri giác sai lấm nữa, nhưng mà trễ quá rồi. Vợ đã chết rồi.

Giả sử chàng Trương thuộc ba câu đó, và chàng Trương tới với vợ mà nói rằng: „ Em ơi, u nó ơi, tôi khổ lắm, tôi giận lắm, tôi buồn lắm, và tôi muốn u nó biết. Tại sao u nó đã làm một điều như vậy. Tại sao u nó nỡ làm một điều như vậy, tại sao u nó lại ngủ với một người đàn ông khác ? trong khi mỗi đêm tại chiến trưòng tôi đều nhớ thương, mong cho chiến tranh kết thúc để về đoàn tụ. U nó cắt nghĩa đi, tại sao u nó đã làm như vậy, đã hành xử như vậy ?. Tôi đau khổ quá.“. Nếu chàng nói như vậy thì thiếu phụ Nam Xương đã có cơ hội giải thích rồi mà giúp mình tháo gỡ cái tri giác sai lầm. Nhưng tại vì mình không có cầu cứu. Mà tại sao mình không cầu cứu ?. Tại vì mình tự ái rất là lớn.

Ông cũng vậy, ông có tự ái rất lớn. Bà cũng vậy, bà có tự ái rất lớn. Mỗi khi ông nghĩ rằng bà đã làm khổ ông, ông nhất định không cầu cứu bà đâu. Bà cũng vậy, mỗi khi bà tin rằng chính ông làm khổ bà, bà không cầu cứu, mà dù ông có tới hỏi thăm „ Sao em có vẻ buồn như vậy ?, sao em có vẻ khổ như vậy ?“, thì mình nói „ Buồn? tôi có buồn gì đâu !,tại sao tôi phải buồn?. Tôi nào khổ gì đâu !, tại sao tôi phải khổ ?“. Mình nói như vậy đó. Rồi chồng mình tới muốn an ủi mình, đặt tay lên trên vai mình thì mình né „Đừng có đụng tới tui!“. Đó là mình tự ái, mình muốn chứng tỏ rằng : „ Tôi không cần anh ! Anh đã làm điều rất tệ. Tôi không cần anh ! Một mình tôi có thể sống sót được, tôi không cần anh !“. Mình muốn trừng phạt người kia. Mình nói ra một câu là „ Tôi không cần anh !“. Đó là một cách trừng phạt. Một trong những cách trừng phạt là chứng tỏ mình không cần tới người đó. „ Tôi không cần ba !, tôi không cần má!, tôi một mình cũng có thể sống ở trên cõi đời này được !“. Đó là đứa con trừng phạt ba má như vậy.

Chúng ta có cái tự ái. Chúng ta khi nghĩ rằng chính người kia, người mà ta thương yêu đã phản bội mình, đã làm cho mình khổ, thì trái tim mình đóng thành một cục băng !, cứng lại,và mình lạnh lùng, mình muốn chứng tỏ cho ngưòi kia biết rằng mình không cần người kia. Đó là một hình thái trừng phạt. Ông cứ nghĩ lại xem, trong quá khứ ông đã từng hành xử như vậy.

Bà cũng vậy, bà nghĩ xem. Trong quá khứ bà cũng đã từng hành xử như vậy. Bà đã muốn trừng phạt và tỏ thái độ lạnh lùng không cần ông. Và đó là sự dại dột của mình. Cho nên ba câu tôi đọc cho quí vị chép xuống nó là cứu tinh của mình. Mình phải tới cầu cứu. „ Em nè, giúp anh đi !. Em hãy cắt nghĩa tại sao em đã nói một câu như vậy, em đã làm một hành động như vậy, em đã đối xử với anh như vậy.“.

Nếu chàng Trương tới nói được với thiếu phụ Nam Xương một câu như vậy thì thiếu phụ Nam Xương đã có cơ hội cắt nghĩa rồi. „Đâu có ai vô đâu !“. „Thằng nhỏ nó nói như vậy đó !“. „Thằng nhỏ nó nói như vậy đó hả, kêu nó tới đây !“. Và thằng nhỏ sẽ cắt nghĩa là bố nó chẳng qua là cái bóng ở trên tường thôi. Vì buổi chiều đó nó đi chơi, nói với mẹ nó: „ U ơi, đứa nào cũng có bố hết mà tại sao con không có .“. Nếu cắt nghĩa rằng vì chiến tranh, rồi mặt trận, rồi chiến đấu nghĩ cũng khó, cho nên thiếu phụ Nam Xương chỉ vào cái bóng của mình trên tường , do ánh đèn dầu hôi chiếu lên, nói: „ Bố con đó ! con chắp tay lại, lạy bố ạ đi !“. Rồi thì thằng bé tin bố nó là cái bóng đó, chứ làm gì có người thứ ba chen vô.

Mà thiếu phụ Nam Xương cũng có tự ái lắm. Nếu như thiếu phụ Nam Xương thực tập theo ba câu này thì đâu đến nỗi. „ Nhà nó ơi, bố nó ơi, tôi khổ lắm, tôi buồn lắm, tôi giận lắm, tôi không biết tại sao từ khi đi chợ về bố nó không nhìn tôi mà tôi hỏi câu nào bố nó cũng không trả lời. Tôi đã làm nên tội tình gì mà bố nó đối xử với tôi tàn tệ như vậy ?.“ Tức là phải tới, phải cầu cứu ! Và nếu thực tập theo 3 câu đó thì chàng Trương sẽ  nói: „ Thằng nhỏ nó nói như vậy đó !. Nó nói là trong khi tôi đi vắng thì có một người đàn ông tới mỗi đêm, người đàn ông đó là ai ?“.  Vậy là mình có cơ hội cắt nghĩa rồi !, và chỉ cần có 3 phút hay 5 phút để tháo gỡ cái tri giác sai lầm.

Cái tri giác sai lầm ghê gớm lắm!. Mộng tưởng điên đảo là gốc rễ của hầu hết mọi đau khổ trong cuộc đời. Mà chúng sanh khổ đau da diết cũng vì vọng tưởng điên đảo, tri giác sai lầm. Mình tin quá vào cái tri giác của mình là mình chết, cho nên tu là phải cẩn thận, là phải đi tìm sự thật, vượt thoát những tri giác sai lầm. Chúng ta là những người bạn tu của nhau, chúng ta phải giúp nhau tháo gỡ những tri giác sai lầm. Chúng ta phải lắng nghe nhau, chúng ta phải nương nhờ nhau để làm chuyện này.

Những phương pháp Đức Thế Tôn đưa ra để cho chúng ta thực tập có giá trị rất thực tế, giúp cho chúng ta làm lắng dịu những căng thẳng, những đau nhức trong thân, giúp ta ôm ấp, làm lắng dịu những nỗi khổ niềm đau trong lòng. Nhất là khi có niệm và có định rồi chúng ta có thể tháo gỡ được những tri giác sai lầm, vốn là nền tảng cho biết bao nhiêu khổ đau của ta và của những người khác. Xin quí vị hãy tiếp tục học hỏi giáo lý của đạo Phật, tham cứu những phương pháp thực tập, tham dự những khóa tu như thế này để từ từ nắm được lấy những pháp môn cụ thể mà giải thoát cho thân và cho tâm, cho mình và cho gia đình mình và cho xã hội.

           

Lời khấn nguyện
Tôi xin đọc cho quí vị nghe lời khấn nguyện mà các thầy, các sư cô và các đạo hữu  đã đọc trong ĐạiTrai đàn Chẩn tế Giải oan Bình đẳng Cứu bạt ở Chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố  Hồ Chí Minh và tại Chùa Diệu Đế, thành phố Huế. Những Trai đàn Chẩn tế Giải oan đó là để cầu nguyện cho cả hàng 6 triệu đồng bào đã chết trong cuộc chiến tranh, trong đó có các chiến sĩ hai miền, trong đó có những nạn nhân của bom đạn, của tù đày, của sự sát hại, trong đó có hàng trăm ngàn thuyền nhân thiệt mạng trên biển cả, nạn nhân của sóng gió và của hải tặc.

Hàng vạn người đã tới tham dự Trai đàn Chẩn tế ở Chùa Vĩnh Nghiêm và ở Chùa Diệu Đế và đã có gần một trăm ngàn tên của những đồng bào xấu số đã chết trong cuộc chiến hoặc ngoài biển cả hay trong rừng sâu gửi tới để cầu nguyện. Các thầy, các sư cô, các Phật tử cư sĩ đã tổ chức Trai đàn hết lòng, người nào cũng hết lòng cầu nguyện để cho đồng bào tử nạn trong cuộc chiến được siêu thoát. Trong suốt quá trình tổ chức và hành lễ Trai đàn Chẩn tế Giải oan Bình đẳng  tại Chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ chí Minh và Chùa Diệu Đế, thành phố Huế tôi đã chứng kiến rằng  tình huynh đệ được xây dựng rất lớn lao, tại vì ai cũng có lòng khẩn thiết cầu nguyện cho âm siêu dương thới, cho sự siêu độ của tất cả những đồng bào của chúng ta, không phân biệt người Nam hay người Bắc, người cộng sản hay người chống cộng sản, người Phật tử hay là người Công giáo, người Tin lành. Cho nên Trai đàn được gọi là Trai đàn Bình đẳng Giải oan. Đây là lời của người sống nói với người chết. Lời khấn nguyện trong các Trai đàn Chẩn tế Giải oan tại các Chùa Vĩnh Nghiêm và Diệu Đế :

Kính thưa liệt vị hương linh,

Quý vị là cha chúng tôi, là chồng chúng tôi, là anh trai chúng tôi, là em trai chúng tôi, là con trai chúng tôi. Quý vị cũng là mẹ chúng tôi, là vợ chúng tôi, là chị gái chúng tôi, là em gái chúng tôi hoặc là con gái chúng tôi.

Trong cơn binh lửa, trong cảnh tao loạn, quý vị đã bỏ lại hình hài quý giá của quý vị mà đi. Chúng tôi đã đánh mất quý vị. Quý vị hoặc đã chiến đấu dũng cảm cho đất nước và đã chết hào hùng không hề thương tiếc thân mạng. Chúng tôi rất hãnh diện về quý vị. Nhưng quý vị có thể cũng đã bỏ mình trong những hoàn cảnh cực kỳ bi thương. Nỗi oan khổ không thể nào nói lên được. Trên rừng sâu, ngoài biển cả, nơi chốn tù đày, chết vì bom đạn hoặc vì kiệt sức, hoặc vì bị bức bách, bị hãm hiếp rồi bị sát hại mà không có phương tiện chống cự lại.

Có biết bao nhiêu quý vị đã ngã quỵ mà nắm xương tàn không biết đã được chôn vùi ở đâu. Những tai ương mà đất nước và dân tộc của chúng ta đã phải gánh chịu đựng trong bao nhiêu năm tranh đấu cho độc lập và cho tự do thì chính quý vị là người đã phải gánh chịu nhiều nhất.

Chúng tôi, những người thân thuộc và đồng bào của quý vị, hôm nay tới đây thắp hương tưởng niệm quý vị hoặc thiết lập bàn thờ cho quý vị trước hiên nhà. Trong chúng tôi cũng có những người cũng vẫn còn đang tiếp tục gánh chịu oan khổ. Nhưng may thay cơn ác mộng đã qua rồi, đất nước đã được hòa bình, dân tộc đang có cơ hội kiến thiết trở lại. Nhờ phúc đức tổ tiên chúng tôi hôm nay mới có cơ hội đến với nhau một cách chính thức, chắp tay nguyện cầu Tam Bảo nhờ pháp lực gia trì thỉnh cầu tất cả liệt vị trở về đoàn tụ cùng nhau cầu nguyện để giải trừ nghiệp cũ, mở ra một hội mới, nhìn nhận nhau, ôm lấy nhau, thương lấy nhau như đồng bào ruột thịt, không còn phân biệt Bắc Nam, gái trai, già trẻ, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái và  ý thức hệ.

Tất cả chúng ta đều là đồng bào của nhau, gặp vận nước rủi ro trên đường tranh đấu cho độc lập tự do, bị dồn vào thế phải đối lập nhau. Vì tự vệ mà phải chống đối nhau. Nhưng phúc đức tổ tiên để lại vẫn còn cho nên hôm nay tất cả chúng ta mới được trở về lại với nhau, nhìn nhận nhau như đứa con một nhà để cùng hứa với nhau là sẽ học cho thật thuộc cái bài học của đau thương trong quá khứ.

Nguyện từ nay về sau không để cho đất nước bị chia cắt một lần nào nữa.

Nguyện từ nay về sau khi có khó khăn nội bộ sẽ không nhờ bất cứ  một thứ thế lực ngoại bang nào can thiệp nữa .

Nguyện từ nay về sau sẽ không khởi xướng một cuộc chiến tranh ý thức hệ nào nữa.

Từ nay về sau sẽ không sử dụng vũ khí bên ngoài để tranh đấu với nhau nữa.

Nguyện từ nay về sau sẽ nổ lực xây dựng một xã hội thực sự dân chủ để có thể giải quyết tấ t cả  mọi bất đồng bằng những phương thức hòa bình dân chủ mà không phải xử dụng đến những phương tiện tranh đấu bạo động giữa những người đồng bào với nhau.

Lạy chư vị tổ tiên huyết thống và chư vị tổ tiên tâm linh chứng minh cho chúng con. Trước mặt quý ngài chúng con xin kính cẩn phát nguyện như thế và chúng con biết rằng một  phen đã phát nguyện được như thế thì mọi oan ức sẽ bắt đầu được hoàn toàn giải tỏa và những vết thương đã hằn sâu trong lòng chúng con sẽ bắt đầu được chữa lành.

Hôm nay Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan Cứu Bạt được thành lập. Mọi nhà đều có thiết lập bàn thờ cầu nguyện. Chúng con ngưỡng nguyện ơn trên Tam Bảo độ thoát cho tất cả mọi hương linh để tất cả được nương vào pháp lực vô song mà chuyển hóa siêu thăng. Chúng tôi  và các con cháu nguyện sẽ lên đường để tiếp tục chí hướng của liệt vị hương linh. Chúng tôi nguyện mang quý vị trong trái tim để đi về hướng tình huynh đệ và nghĩa đồng bào và luôn luôn nhớ rằng bầu và bí đều luôn luôn có thể leo chung một giàn, và gà một mẹ không bao giờ nên  bôi mặt đá nhau, và tuệ giác ấy của tổ tiên sẽ soi đường chỉ lối cho chúng ta bây giờ và mãi mãi.

Lời khấn nguyện này được in trên báo Giác ngộ và sẽ được đọc trong Đại trai Đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan ở Chùa Non, Sóc Sơn, ở miền Bắc. Xin quí vị, trong 3 ngày Đại Trai đàn Chẩn tế miền Bắc cũng xin hướng về để cầu nguyện, thiết lập bàn thờ linh ở tại hiên nhà, ăn chay trong 3 ngày, cầu nguyện trong 3 ngày, phóng sanh trong 3 ngày. Trong 3 ngày này hãy thực tập nói với nhau những lời yêu thương, tha thứ, chấp nhận, bao dung và thực tập hết sức nghiêm chỉnh, hướng tất cả công đức đó về cầu nguyện cho hàng triệu đồng bào chúng ta đã chết một cách oan ức, tối tăm trong suốt thời gian của cuộc chiến.

Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni
Trai Đàn chẩn tế Giải oan ở miền Bắc sẽ được sẽ được thiết lập vào những ngày 20., 21 và 22 tháng tư dương lịch tại Sóc Sơn.

Xin quí vị chắp tay để chúng ta niệm Đức Thế Tôn và danh hiệu chư Đại Bồ Tát :

Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni
Nam Mô Đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi
Nam Mô Đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền
Nam Mô Đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm

Mỗi danh hiệu niệm 3 lần./.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.