PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

. . .  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (. . .  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (. . .  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :

Tình cha con, tình thầy trò

 

  • Tháng IV 2007 - Phúc Quảng biên tập :
    Pháp thoại
    của Sư ông Làng Mai ngày 26 - III - 2007 tại tổ đình Từ Hiếu - Huế
    Â
    m thanh MP3 : 
    Phần 1 (8.8MB)  Phần 2 (5.7MB)

 

 Thực tập hơi thở có chánh niệm :

Xin đại chúng cùng thực tập.

Thở vào, tôi để ý tới hơi thở vào, thở ra tôi để ý tới hơi thở ra, để ý hơi thở vào, để ý hơi thở ra. Thở vào tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu tới cuối, thở ra tôi theo dõi hơi thở ra từ đầu cho tới cuối. Theo dõi hơi thở vào, theo dõi hơi thở ra. Thở ra tôi thấy hơi thở ra của tôi đã chậm hơn, sâu hơn, chậm hơn.

Thở vào tôi để ý tới hình hài tôi, toàn thân tôi, thở ra tôi làm lắng dịu toàn thân. Để ý toàn thân khi thở vào, làm lắng dịu toàn thân khi thở ra. Thở vào tôi thấy khỏe, thở ra tôi thấy nhẹ, thở vào thấy khỏe, thở ra thấy nhẹ. Thở vào tôi cảm thấy hứng thú khi thở vào, thở ra tôi thấy hứng thú khi thở ra, thở vào hưng thú, thở ra hứng thú.

Thở vào tôi thấy được cha tôi trong từng tế bào cơ thể của tôi, thở ra tôi mỉm cười với cha tôi trong từng tế bào cơ thể. Thở vào thấy cha, thở ra mỉm cười với cha trong tế bào cơ thể. Thở vào tôi mời cha tôi cùng thở vào với tôi một lần, thở ra tôi mời cha tôi cùng thở ra một lần với tôi, hai cha con thở vào, hai cha con thở ra. Thở vào con thấy khỏe quá, ba có thấy khỏe như con không, thở ra con thấy nhẹ quá, ba có thấy nhẹ như con không.

Thở vào tôi thấy mẹ tôi trong từng tế bào cơ thể, thở ra tôi mỉm cười với mẹ tôi trong từng tế bào cơ thể, thấy mẹ trong từng tế bào, cười với mẹ trong từng tế bào. Thở vào tôi mời mẹ tôi cùng thở vào với tôi, thở ra tôi mời mẹ tôi cùng thở ra với tôi, hai mẹ con cùng thở vào một lần, hai mẹ con cùng thở ra một lần. Thở vào con thấy khỏe quá, mẹ có thấy khỏe như con không, thở ra con thấy nhẹ quá, mẹ có thấy nhẹ như con không.

Thở vào tôi thấy thầy tôi trong từng tế bào của cơ thể tôi, thở ra tôi mỉm cười với thầy tôi trong tôi, thở vào thấy thầy, thở ra mỉm cười với thầy trong tôi. Thở vào tôi mời thầy tôi cùng thở vào với tôi một lượt, thở ra tôi mời thầy tôi cùng thở ra với tôi một lượt. Hai thầy trò cùng thở vào một lần, hai thầy trò cùng thở ra. Thở vào với thầy con cảm thấy rất là khỏe, thầy có cảm thấy khỏe như con không. Thở ra với thầy con cảm thấy nhẹ, thầy có thấy nhẹ như con không. Thở vào tôi biết tôi là sự tiếp nối của thầy tôi, thở ra tôi biết là tôi phải nối tiếp sự nghiệp của thầy tôi.

 

Tình thương thiêng liêng

         Kính thưa đại chúng hôm nay là ngày hai 26 tháng 3 năm 2007. Chúng ta đang ở tại Tổ đình Từ Hiếu ngày kỵ giỗ, ngày giỗ Tổ. Pháp thoại hôm nay là pháp thoại đặc biệt về ngày ngày giỗ Tổ.

Khi người đệ tử được thầy tin cậy và thương yêu, đó là một cái hạnh phúc rất lớn. Tôi đã hưởng được cái hạnh phúc đó từ khi còn mười sáu mười bảy tuổi, mười sáu tuổi tây, mười bảy tuổi ta. Cái hạnh phúc, cái tình thương đó mình cảm nhận được trong đời sống hàng ngày. Thầy không nói ra là thầy tin mình, thầy không nói ra là thầy thương mình. Ngày xưa là như vậy, không ai nói ra nhưng mà niềm tin đó có, tình thương đó có và mình cảm thấy được. Đó là một cái gì rất linh thiêng, hình như nói ra thì nó bớt thiêng, thành ra giữ rất kín. Mình là đệ tử, mình cảm thấy và có thể nói rằng khi một đệ tử được thầy tin cậy và thầy thương yêu đó là hạnh phúc rất lớn cho người đệ tử và cũng là hạnh phúc cho thầy.

Thầy trò được nuôi dưỡng bằng cái hạnh phúc đó và thầy trò có thể cùng đi với nhau rất xa. Niềm tin cậy cũng như tình thương của thầy là cái tư lương, một thứ vốn liếng. Nếu mình mang theo được thì mình sẽ vượt thắng được rất nhiều khó khăn trong đời tu của mình, trong đời thực tập của mình.

Thầy cũng có thể coi như cha, đẻ ra mình trong đời sống tinh thần, trong đời sống tâm linh. Có những lúc mình giận cha, có những lúc mình giận thầy, chuyện này cũng thường thôi. Tôi đã từng hỏi một đệ tử: con đã giận thầy lần nào chưa, sau một năm, hai năm, ba năm, năm năm tu. Có những vị đệ tử nói: dạ chưa. Có vị nói: có một lần, có hai lần. Rồi thầy trò mới ngồi đó và nói giận lúc nào, trong trường hợp nào, nói thầy nghe coi. Giữa thầy trò lâu lâu phải check lại, phải coi lại, xem thử giữa mình với thầy có khó khăn nào không. Mình muốn biết giữa mình với thầy không có cái nội kết nào, không có một khó khăn nào. Nhiều khi mình là thầy mình phải đi bước đầu, con có giận thầy lần nào chưa, đó là câu hỏi. Khi người đệ tử nói chưa, dạ hai năm rồi mà con chưa giận thầy lần nào hết, may quá. Nếu người đệ tử nói có, một lần hoặc hai lần thì mình mới ngồi ân cần thăm hỏi: ' chà bữa đó thầy nói gì mà con giận vậy, bữa đó thầy làm gì mà con giận vậy '. Hai thầy trò có thể nói chuyện với nhau như là hai người bạn, hai anh em. Thầy là một người cha nhưng thầy cũng là một người anh, anh là người đi trước mình, nắm tay mình đưa mình đi tới. Mình là đệ tử xuất gia, mình là đệ tử tại gia, thầy vừa là cha vừa là anh của mình và mình phải giữ cho liên hệ giữa thầy và mình tốt đẹp. Có những pháp thực tập nó giúp cho mình giữ được liên hệ giữa thầy với mình tốt đẹp.

Tôi đã thấy có những cặp cha con không nói chuyện với nhau được, những cặp thầy trò họ không nói chuyện với nhau được, đó là sự kiện đáng tiếc. Mình tu tập, mình tới chùa là mình phải tiếp nhận được những pháp môn cụ thể có thể tháo gỡ được những cái khó khăn, những cái bế tắc đó. Nếu mình không tháo gỡ được những khó khăn giữa mình với thầy, thì mình phải cầu cứu một thầy khác, một sư anh hay là sư chị khác, phải làm cho kỳ được. Vì nếu không thì mình thất bại và thầy cũng thất bại theo mình. Chữ đệ tử có nghĩa là con em. Mình vừa là con của thầy, mình vừa là em của thầy, đệ là em, tử là con. Người học trò của mình vừa là con vừa là em của mình, mình có bổn phận phải đưa người đó đi tới. Mình là thầy mình chịu trách nhiệm chính, nếu có khó khăn gì với người đệ tử thì mình có thể đi bước đầu tiên để tháo gỡ cho nó.

 Người lớn đi bước đầu tiên bao giờ cũng dễ dàng hơn. Mình là sư huynh, mình là sư tỉ, mình là sư anh sư chị, khi có những khó khăn với đứa em ở trong đạo thì mình nên đi bước đầu, bước trước, tại vì nó dễ hơn. Không phải là mình hạ mình xuống, nhưng mà nó dễ dàng hơn.

Trong một chúng tu tập thì sự thực tập này mỗi người đều phải nắm vững. Nếu trong chùa mà thầy trò mà huynh đệ không có hạnh phúc thì đó là cái chùa thất bại, đó là một chúng thất bại. Khi chúng thất bại rồi thì làm sao mình độ đời, mình giúp cho người ngoài đời.

Người cư sĩ cũng vậy, mình là người cư sĩ tại gia, mình phải thành công ngay trong gia đình của mình. Trong gia đình tâm linh và gia đình huyết thống của mình. Vì người Phật tử tại gia cũng có bổn phận đem gieo rắc những hạt giống của chánh pháp trong xã hội. Nếu mình thất bại trong nội bộ gia đình mình thì mình làm thế nào để giúp người đời được. Nếu trong gia đình cha không nói chuyện được với con, vợ không nói chuyện được với chồng, thì dù mình có lão thông tam tạng kinh điển, mình có giảng thuyết được rất giỏi về tứ đế, Bát chánh đạo, thập nhị nhân duyên thì cũng vô ích. Cho nên trong nội bộ của gia đình mình phải tạo dựng được sự truyền thông, phải tạo dựng được hạnh phúc, sự hài hòa. Mà mình tới chùa, tới với thầy là để học những cái đó.

Tôi đã từng làm đệ tử, tôi đã từng làm sư em, sư đệ, tôi đã từng làm thầy, tôi có kinh nghiệm. Có những lúc mình phải giả đò giận đệ tử, có lúc mình muốn dạy đệ tử nhưng mà mình không dạy liền được, thời cơ chưa chín, mình phải chờ ba tháng sau mới dạy được. Có lúc muốn dạy đệ tử nhưng mình không dạy trực tiếp, mình nhờ sư anh của nó, sư huynh của nó giúp nó, hoặc nhờ một người đệ tử khác tới giúp người đệ tử kia của mình, có nhiều cách. Khi chúng ta có thầy, có huynh đệ, chúng ta phải học những cách đó để xây dựng tăng thân.  

Tăng thân là một đoàn thể. Mình có cái thân cá nhân của mình, nhưng mà mình lại có tăng thân. Đoàn thể kia cũng là thân của mình, nếu có sự đau nhức trong tăng thân thì sự đau nhức đó cũng là đau nhức của mình. Có một thành phần của chúng, của tăng thân đau nhức, không hạnh phúc thì đó cũng là vấn đề của mình chứ không có thể nói rằng ông tu ông chứng, bà tu bà chứng, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc được. Vì vậy cho nên chữ tăng thân có nghĩa là cái thân thể thứ hai của mình, thân thể tăng sangha body. Tăng thân là gia đình tâm linh của mình, tăng thân có thể là tăng thân xuất gia, có thể là tăng thân tại gia. Một đoàn thể tu học, một nhóm tu học như là gia đình Phật tử, nó là một tăng thân. Một đạo tràng Duy ma cật, đạo tràng Pháp hoa tới thực tập với nhau dù toàn là người tại gia cư sĩ cũng là một tăng thân.

Trong đạo Phật, trong truyền thống có tứ chúng tức là tăng thân bốn yếu tố, bốn thành phần, là xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam và tại gia nữ đó là bốn thành phần của một tăng thân đầy đủ, tứ chúng. Mỗi thành phần đó tự thân nó cũng là một tăng thân, bốn thành phần hợp lại thành ra tứ chúng.

Cha mẹ là người sinh ra mình. Cha mẹ đã trao truyền cho mình những cái hạt giống của cha mẹ. Ngày xưa gọi là chủng tử, bây giờ học sinh học, mình nghe nói tới những nhiễm thể, những gien. Trong mỗi tế bào cơ thể của mình có gien của cha, có gien của mẹ. Cha đã trao truyền cho mình con người của cha, mẹ đã trao truyền cho mình con người của mẹ. Mình có đầy đủ cha trong mỗi tế bào, mình có đầy đủ mẹ trong mỗi tế bào. Mình là sự tiếp nối của cả cha lẫn mẹ và mình đem cha mẹ đi vào tương lai. Nếu mình hạnh phúc thì cha mẹ trong mình cũng hạnh phúc, nếu mình khổ đau thì cha mẹ trong mình cũng khổ đau. Cho nên mình tu không phải là tu cho riêng cá nhân mình, mình tu cho cha, mình tu cho mẹ và mình cũng tu cho cả tổ tiên ông bà có mặt trong mỗi tế bào của cơ thể mình.

         Khi là một người cha hay một người mẹ thì mình có thể trao truyền cho con mình cả những cái tiêu cực mà mình đang có. Mình có những nỗi khổ niềm đau, có những sự ganh tị, sợ hãi mà mình chưa chuyển hóa thì mình truyền hết cho con, cho cháu. Cho nên nếu mình biết tu, mình chuyển hóa nó sớm, mình nhẹ nhàng và khi mình có con, con sẽ tiếp nhận từ mình nhiều sự nhẹ nhàng, nhiều sự thanh thoát hơn. Cho nên tôi mới có ý là lập một cái viện để cho người thanh niên, thiếu nữ trước khi lập gia đình tới tu một năm để chuyển hóa những cái buồn giận, những cái phiền não. Sau một năm đó sẽ được một cái chứng chỉ và có chứng chỉ đó thì mới được lấy chồng hay là được cưới vợ. Giống như là một cái loại ' quân dịch tâm linh '.

Trong cái viện đó người ta dạy cho mình những biện pháp, những pháp môn tu tập rất cụ thể để mình nhận diện được những hạt giống tiêu cực trong mình như ganh tị, sợ hãi, độc tài. Khi mình nhận diện được thì mình sẽ có ý thức hơn, mình biết rằng sau này mình sẽ làm khổ người thương của mình vì những hạt giống xấu đó, cho nên mình cố gắng tu tập. Một năm đó tuy không đủ nhưng đó là một sự bắt đầu và khi thành hôn rồi thì mình tiếp tục tu tập, mình biết cách giữ mình, mình biết cách đừng tự làm mình khổ và mình biết cách đừng làm cho người kia khổ. Các con sẽ được thừa hưởng sự thực tập của cả hai bên. Cái ước mong của tôi là lập cái viện đó và tôi gọi đùa là " viện làm hạnh phúc cho một người ", người đó là người yêu của mình. Làm hạnh phúc cho một người cũng khó lắm rồi đó.

Khi đi tu thì không phải học trường đó, mà phải học cái " viện làm hạnh phúc cho nhiều người ". Viện làm hạnh phúc cho một người. Mỗi thành phố phải có một viện như thế để những người thanh niên trước khi thành lập gia đình tới học, tới tu. Các giáo thọ làng Mai đã được trao truyền những pháp môn đó. Vì chính ở trong chùa huynh đệ xuất gia với nhau mình phải thực tập để mình đừng làm khổ mình và làm khổ người huynh đệ của mình. Cho nên mình có kinh nghiệm. Tuy mình không lập gia đình nhưng mình vẫn có kinh nghiệm, vì mình đang có gia đình tâm linh của mình, gia đình xuất gia của mình.  Cho nên mình có thể tới dạy ở các viện đó. Nếu quý vị là những đệ tử giỏi thì mai mốt phải lập ra những cái viện như vậy trong khắp nước gọi là viện làm hạnh phúc cho một người. Làm hạnh phúc được cho một người thì có cơ hội làm hạnh phúc cho nhiều người.

Nếu mình không chuyển hóa thì sau này mình có con, thế nào cũng có những khó khăn với con. Vì mình đã có những khó khăn với người bạn hôn phối của mình, tại trước đó mình không tu, chưa biết tu. Và lỡ có con rồi thì giữa cha với con sẽ có những khó khăn, sẽ có những khổ đau. Cho nên cả cha con bây giờ mới biết đi học để thực tập, hơi trễ một chút nhưng mà vẫn còn chưa trễ lắm. Tới chùa các thầy các sư cô sẽ dạy cho mình cách nói năng, cách lắng nghe để tái lập truyền thông, để thấy được những hạt giống xấu nơi mình, nơi cha mình để hai bên cùng hòa với nhau, cùng tu tập với nhau để chuyển hóa.

         Tuy mình biết rằng mình giận cha hay giận mẹ, nhưng nếu mình không tu tập để chuyển hóa những cái tiêu cực trong mình thì ngày mai mình sẽ giống hệt như cha hoặc  sẽ giống hệt như mẹ. Và mình sẽ làm khổ đàn con của mình, đó là luân hồi. Có những đứa con giận cha, nó lập một lời nguyện là sau  này nó sẽ làm ngược lại những điều cha làm. Vì đối xử như cha nó quá khắc nghiệt, quá tàn nhẫn và nó cương quyết rằng khi lớn lên nó sẽ làm ngược lại. Nhưng tai hại thay lớn lên nó lại làm giống hệt như cha nó, tại vì nó có đầy đủ những hạt giống của cha mà chưa chuyển hóa. Cho nên giận cha cũng là giận mình, vì mình có tất cả những hạt giống của cha ở trong các tế bào của cơ thể. Chỉ có một nẻo thoát là tu tập để chuyển hóa những hạt giống đó, rồi mình sẽ không làm khổ mình và sẽ không làm khổ các con của mình. Và cha nếu mà giỏi thì có thể làm thầy, dạy cho con những cái kinh nghiệm mà mình đã đạt được trong sự tu tập chuyển hóa. Tại mình là người Phật tử tại gia, mình đã học được và mình cũng có thể trao truyền những cái mà một vị thầy xuất gia có thể trao truyền được. Nếu mình là một người cư sĩ thực tập giỏi, mình vừa là cha, vừa là sư huynh, mình là huynh, mình là thầy.

Nói như vậy không có nghĩa là những người xuất gia là không có vấn đề. Những người xuất gia theo nguyên tắc là phải được học những cái pháp môn đó. Nếu có khó khăn với thầy với đệ tử, nếu có khó khăn với huynh đệ thì phải biết cách tháo gỡ. Nhưng sự thực chúng ta thấy có những chúng xuất gia không có hạnh phúc không biết cách tháo gỡ những khó khăn khi mà họ có với thầy với đệ tử, với huynh đệ. Đây là một sự thất bại, sự thất bại của cả tứ chúng. Cho nên lập tức học hỏi, nắm vững được những phương pháp chuyển hóa để có thể tái lập được truyền thông giữa mình với thầy, giữa mình với người huynh đệ là chuyện rất cấp bách, cấp bách hơn chuyện làm chùa, hơn việc làm thiền đường rất nhiều, cấp bách hơn chuyện tổ chức Phật đản.

 

Phước đức ông bà, thầy tổ

Nếu mình không có khó khăn với thầy, điều đó có nghĩa là mình đã thực tập giỏi, thầy mình đã thực tập giỏi. Điều đó cũng có nghĩa là mình có phước hoặc là thầy mình có phước, hai thầy trò khỏi phải thực tập gì cả mà tự nhiên giữa hai thầy trò truyền thông tốt, thầy thương đệ tử, thầy tin đệ tử, đệ tử thương thầy, đệ tử tin vào thầy. Đó là cái phước của ông bà để lại, chư Tổ để lại.

Đó là trường hợp của tôi và hôm nay là ngày giỗ của sư ông. Tôi nói điều này để tỏ lòng biết ơn chư Tổ. Có những lúc quá nhiều công việc, làm một vị giáo thọ còn trẻ, lo chuyện này chuyện kia, lo chuyện Phật sự, Pháp sự còn lo chuyện xã hội nữa, cứu trợ bão lụt, cứu trợ dân nghèo, người khuyết tật, thì giờ không có. Có khi năm sáu tháng chưa về thăm thầy một lần, để thầy ngóng, để thầy đợi. Có nhiều mùa đông rất lạnh mà thầy cần một cái túi nước nóng bằng cao su mà mình cũng không nhớ để mua, vì lo cứu trợ đâu đâu. Mỗi khi đi xa về, thầy nhìn mình không nói gì hết, nhìn rất là lâu, có thể là sáu giây, bảy giây hay là tám giây rồi lúc đó mới cười. Biết chắc rằng đây là đứa đệ tử của mình. Lúc đó mới tin rằng đệ tử đã về với mình thiệt, lúc đó mới bắt đầu cười hạnh phúc. Tội nghiệp như vậy mà mình không biết, mình lo đi làm chuyện này chuyện kia, mình nói đó là Phật sự, mình nói đó là tăng sự, mình nói đó là xã hội sự, nhưng mà chưa chắc lắm. Tình thầy trò rất là sâu đậm, nó rất là ngon lành, nó rất là bổ dưỡng.

Khi tôi viết bông hồng cài áo, tôi chỉ nói về bà mẹ, tình mẹ nó nuôi dưỡng mình rất nhiều, tình cha cũng vậy và tình thầy cũng vậy. Có những lúc ngồi yên, ngồi thật yên để mình thấy thầy mình có mặt trong từng tế bào cơ thể, mình nhớ lại những lúc mình đi hầu thầy, mình làm thị giả. Đi một vòng xung quanh chùa hái một ít măng cán giáo đem xuống bếp để cho dì Tư kho hay là nấu canh cho chúng. Có những lúc hai thầy trò đi hái nấm. Có những lúc hai thầy trò đi thăm những nhóm trong chúng chấp tác ở ngoài rừng, ở trong bếp hoặc ở ngoài vườn rau. Những kỷ niệm đó, những hình ảnh đó còn mãi trong người  mình, nó còn mãi trong từng tế bào của cơ thể. Khi mình có thì giờ, có cơ hội để nhìn cho sâu thì thấy rằng những thành đạt của mình. Những thành đạt không phải là những bằng cấp hay những công tác. Những thành đạt này là những cái thảnh thơi, những cái vững chãi, những cái thấy từ bi, những lời nói có từ bi. Mình làm ra được và mình biết rằng cái này là vốn liếng từ thầy. Tại vì ngày xưa thầy đã nhìn được bằng con mắt từ bi như vậy, thầy đã nói ra được những lời tha thứ bao dung như vậy, thầy đã hành xử một cách nhẹ nhàng như vậy, rộng rãi như vậy. Rồi mình biết rằng nếu mình làm được cái đó là nhờ thầy.

Có một ông cha dòng Trappiste rất là nổi tiếng, ông tên là Thomas Morten, ông có viết cuộc gặp gỡ với tôi năm một ngàn chín trăm sáu mươi sáu ở tại tu viện Trappiste tiểu bang Kentucky. Ông có nói một câu như thế này " thầy Nhất Hạnh đó, mình chỉ cần nhìn ông đóng cái cửa, mở cái cửa là mình biết ông là thầy tu thứ thiệt, chỉ cần nhìn ông mở cửa rồi đóng cửa lại là mình biết ông là thầy tu thứ thiệt ". Đó là một bài giảng mà ông cha đã giảng một tuần lễ sau khi tôi tới viếng thăm ông ở tại tu viện Trappiste. Thì ra ông ta  quan sát mình chứ không phải ông ta chỉ nói chuyện với mình thôi. Tôi nhớ đêm hôm đó tôi thức khuya, tôi tán cho ông ta nghe một bài và ông cũng tán cho tôi nghe một vài bài  trong truyền thống Thiên Chúa giáo. Ông là một nhà văn nổi tiếng và ông ta đã viết phê bình cuốn đạo Phật ngày nay của tôi, hồi đó xuất bản bằng tiếng Pháp. Rồi một mùa xuân đó, có một bà thiền sinh người Đức đến làng Mai để tu học, lúc đầu bà xin tu một tuần thôi nhưng mà bà đã ở tới ba tuần. Ngày bà rời làng, bà được dự một buổi thiền trà và bà nói rõ lý do tại sao bà là người Catholic chưa bao giờ đi chùa, mà kỳ này qua làng tu ba tuần. Tại vì bà được nghe cuốn băng giảng đó của cha Thomas Morten, nói rằng chỉ cần nhìn thầy Nhất Hạnh đóng cửa, mở cửa là biết rằng ông thầy tu này, thầy tu thứ thiệt. Bà muốn qua làng Mai để coi cách mình mở cửa đóng cửa như thế nào, bà là đệ tử của Thomas Morten.

Nhưng cái luật của làng Mai, đến làng Mai là phải ở ít nhất bảy ngày không có tham quan. Làng Mai không phải là chỗ tham quan, mà là chỗ tu. Hy vọng chùa Từ Hiếu cũng làm như vậy, đừng cho người ta tới tham quan, tới tu thì cho tới, tham quan rắc rối lắm, mất thanh tịnh. Nếu muốn thấy thầy Nhất Hạnh với các thầy khác mở cửa hay đóng cửa thì chỉ cần một ngày là đủ rồi. Nhưng bà bắt buộc phải ở bảy ngày, nhưng nhờ ở bảy ngày nên thấm và xin ở bảy ngày nữa rồi lại bảy ngày nữa. Thấm cái pháp môn, thấy trong người thanh tịnh an lạc. Và bữa đó bà phát lộ, bà nói tôi qua chỉ với mục đích coi thầy mở cửa đóng cửa như thế nào thôi, tôi rất tò mò chứ không phải muốn qua để tu. Nhưng mà ở rồi thấm, nhìn các thầy các sư cô đi đứng nằm ngồi mở cửa đóng cửa, tôi thấy cái pháp môn tu tập chánh niệm rất là mầu nhiệm.

Câu chuyện này nó có gốc gác cách đó sáu chục năm. Có một bữa Ôn bảo tôi: " chú, chú ra làm cái gì đó … " thì tôi rất hăng hái muốn đi làm cái đó cho Ôn liền. Cho nên đi ra hấp tấp mở cửa rồi đóng cửa cũng hấp tấp, không có chánh niệm. Ôn kêu lại: " chú, và Ôn nhìn Ôn nói : bây giờ chú phải đi ra lại, chú mở cửa làm sao cho nó nhẹ nhàng cho có chánh niệm, đi ra rồi chú đóng cửa làm sao cho nó nhẹ nhàng, có chánh niệm. Và tôi đã làm theo. Tôi bước từng bước chậm rãi, có chánh niệm, tôi mở cửa ra thong thả nhẹ nhàng. Khi tôi đi ra khỏi, tôi đóng cửa lại nhẹ nhàng và có chánh niệm. Ôn không phải dạy lại lần thứ hai, không cần nhắc lại lần thứ hai. Từ đó về sau tôi biết phải mở cửa như thế nào và phải đóng cửa như thế nào trong chánh niệm. Đó là uy nghi của người tu. Tôi đã truyền lại cho các đệ tử xuất gia và tại gia cách mở cửa và đóng cửa. Đó là sự trao truyền của thầy mình. Nếu mình là một đệ tử giỏi, hết lòng, thì mình tiếp nhận được từ thầy rất nhiều, còn nếu mình vô tâm, hững hờ thì thầy có cho bao nhiêu đi nữa mình tiếp nhận rất ít.

 

Một công  án

Có một lần sau khi đi tản cư về hết gạo, Ôn dẫn hai điệu ra ngoài phía sau vườn đào đất và làm phát hiện ra một cái lu rất là lớn, ở trong đó có cất chứa lúa. Vì trước khi đi tản cư thì phải dấu đi để khi hồi cư còn có lúa mà ăn. Bữa đó trời khá nóng, thầy trò đào rồi mồ hôi mồ kê chảy đầm đìa, Ôn nói " chà mệt quá, chắc chết rồi mới hết mệt ", có nghĩa là còn sống thì còn mệt, nói xong Ôn cười, rồi mấy chú cúi xuống làm việc tiếp. Nhưng bỗng nhiên Ôn ngừng và nói: " này chú, nhưng mà khi chết rồi thì ai hết mệt ". Chết rồi thì ai hết mệt, tức là sự quán chiếu về vô ngã, một công án về vô ngã. May mắn tôi nhớ được câu đó, tôi không thấy nó là một công án lúc đó, nhưng sau đó nhiều tuần lễ, nhiều tháng tôi thấy đó là một lời nói của một thiền sư, của một người có tu, có chánh niệm, có suy nghĩ, có biết về những cái gì mình nói.

Câu đầu " chà chừng nào chết mới hết mệt ", câu đó thường thôi. Nhưng có câu thứ hai:" nhưng mà chết rồi thì ai hết mệt ". Chết có phải là từ có trở thành không hay không, chết có hết mệt thiệt hay không? Mà chết không hết mệt chết làm cái gì. Nếu anh nghĩ rằng anh khổ quá, anh đi tự tử cho hết khổ, anh từ có trở thành không. Nhưng mà sự thật có phải như vậy không hay là chết rồi anh vẫn tiếp tục khổ. Câu hỏi đó mà đào sâu, nó cho mình thấy một chiều hướng mới, chiều hướng khác của sự sống. Thì ra những cái mình trao truyền cho đệ tử của mình hóa ra là những cái mà mình đã được tiếp nhận từ thầy của mình và mình quả thật đã mang thầy của mình đi về tương lai, mình mang cha mẹ mình đi vào tương lai, mình mang thầy mình đi vào tương lai và thầy mình bây giờ đang ở trong một hình thức rất mới, rất trẻ, thầy mình chưa tịch, thầy mình vẫn tiếp tục ở trong mình và trong những người đệ tử của mình.

Cũng như khi quý vị gieo một hạt ngô, hạt bắp, độ chừng một tuần sau hạt bắp nó nứt mầm, nó thành ra cây bắp non. Nhìn vào cây bắp non thì không thấy hạt bắp nữa, mình nói hạt bắp chết rồi. Kỳ thực hạt bắp không chết, hạt bắp đã trở thành cây bắp non. Mình cũng vậy. Thầy của mình đã trao truyền tuệ giác thảnh thơi, an lạc cho mình. Mình phải tiếp nhận cái đó, phải nuôi dưỡng, phải làm lớn lên những cái đó để rồi trao truyền lại cho những đệ tử của mình, những người em, những người con của mình. Và mình trở thành một đứa con có hiếu. Đứa con có hiếu là như vậy chứ không phải là tới ngày giỗ làm cho lớn gọi là có hiếu.

Đôi khi thầy mình có vài cái yếu kém, một vài khó khăn nhưng thầy mình vẫn là thầy của mình. Với tư cách một người đệ tử, mình có thể hiểu được tại sao thầy có những khó khăn, thầy có những yếu kém như vậy. Mình có thể giúp thầy, tại vì đệ tử mà giúp thầy, con giúp cha, chuyện đó xảy ra rất thường. Nếu mình có sự tươi mát, nếu mình có sự dịu dàng, nếu mình biết dùng lời ái ngữ và phương pháp lắng nghe. Nếu mình có những pháp môn tu tập, mình có thể giúp cha mình, giúp mẹ mình thay đổi. Và mình có thể giúp thầy mình tháo gỡ những khó khăn của thầy. Tôi có những người đệ tử rất giỏi, họ giúp được cha, họ giúp được mẹ, tháo gỡ được những cái khó khăn của cha mẹ. Tôi rất lấy làm hãnh diện về những người đệ tử đó, có khi còn rất trẻ.

Còn những người xuất gia trẻ, có nhiều người đi xuất gia không được phép của cha mẹ và cha mẹ giận lẫy năm này sang năm khác. Nhưng những người đó đã thực tập hết lòng, đã thành công, đã trở về độ cho cha, độ cho mẹ và giúp cho cha biết tu, giúp cho mẹ biết tu. Tôi rất hãnh diện với những người đệ tử đó.

 Pháp thoại hôm nay là một pháp thoại đặc biệt nói về tình thầy trò, về tình cha con. Tôi cầu mong quý vị có được cái may mắn, tiếp thu được những pháp môn thực tập để có thể tạo dựng những liên hệ tốt giữa mình với thầy mình, giữa mình với các sư anh ,sư chị, sư em của mình. Trong chúng nếu có hạnh phúc thì chúng ta được nuôi dưỡng. Thực tập cho đầy đủ chúng ta sẽ có kinh nghiệm. Với kinh nghiệm đó chúng ta có thể hướng dẫn, dạy dỗ giáo hóa những tăng thân khác và những cộng đồng trong xã hội, trong đó có những gia đình của người tại gia. Tại vì có rất nhiều gia đình trong đó cha không nói chuyện được với con, vợ không nói chuyện được với chồng. Nếu chúng ta nắm vững được pháp môn và thành công được trong gia đình xuất gia hay gia đình tại gia của mình thì mình có thể đem pháp môn đó chia sẻ và cứu vớt, tháo gỡ cho những gia đình khác.

Xin chúc quý vị tôn túc, các thầy, các sư cô một ngày kỵ Tổ hạnh phúc, luôn luôn nhớ tới công ơn của thầy, của Tổ.

  

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.