.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật trong cửa thiền :


Thơ, Nhạc, Kinh, và Đạo

  • Chân Tịnh Ý biên tập - tháng Giêng 2007
     

Kính thưa đại chúng,

Hôm nay là ngày mùng bốn tháng tư năm hai ngàn lẻ bốn. Chúng ta đang ở tại thiền đường Thái Bình Dương, tu viện Lộc Uyển. Khóa tu mùa Đông đã chấm dứt ngày hai mươi tám tháng ba. Đề tài của buổi pháp thoại hôm nay là Thơ, Nhạc, Kinh và Đạo.

Năm 1949, không biết quý vị đang ở đâu, lúc đó tôi ở Sài Gòn và còn trẻ lắm. Mới có hai mươi hai, hai mươi ba tuổi gì đó. Hồi đó còn chiến tranh. Một hôm tôi đi trên đường phố Sài Gòn, nhìn thấy bên tay phải có một bảng hiệu đề là Nhà in và nhà xuất bản Long Giang. Tôi có ý định đi vô trong đó hỏi nhà xuất bản có muốn xuất bản tập thơ của tôi không, vì tôi có một ít thơ chưa bao giờ xuất bản hết. Thơ làm từ hồi còn mười bốn, mười lăm cho đến hai mươi hai, hai mươi ba tuổi. Tôi nghĩ ai mà thèm in thơ mình, mình đâu phải là thi sĩ nổi tiếng và in thơ thì bán sao được, lỗ chết. Nhưng không biết tại sao tôi lại có can đảm đi vô. Gặp ông giám đốc nhà xuất bản, tôi hỏi: Tôi có một tập thơ, không biết ông có xuất bản được không? Ông nói: Thì thầy cứ đưa đi.

Chịu chơi như vậy đó. Tôi nói như vậy thì được, để tôi về lấy, tại vì tôi không có mang theo.

Tôi về chép tay lại tất cả những bài thơ có được và nhớ được đó. Quý vị biết rằng tôi làm thơ, luôn luôn viết bằng tay phải. Hồi đó thơ chưa bao giờ được đánh máy hết. Thành ra tôi chép một bản sạch sẽ những bài thơ có được hồi đó, mất cả tuần mới xong. Tuần sau tôi tới và đưa cho ông ta. Ông hẹn một tuần sau nữa ông sẽ cho biết là có thể xuất bản được hay không.

Mình cũng thử vậy thôi. Ai dè, tuần sau tới thì ông nói : Được, được tôi sẽ xuất bản tập thơ này và tôi sẽ thuê họa sĩ Lê Trung vẽ bìa và vẽ nội dung phụ bản. Lúc đó mình nghĩ rằng chuyện này như chuyện trên trời rơi xuống, chuyện mình không thể tin được là có một nhà xuất bản chịu in thơ mình.

Ông hỏi: điều kiện của thầy là điều kiện gì? Mình nghĩ , họ in cho mình là may rồi, mình đâu có đòi hỏi tiền bản quyền gì đâu.

Điều kiện của tôi hả, khi nhà xuất bản in xong thì cho tôi năm chục cuốn để tôi tặng bạn. Ông ta thấy điều kiện đó dể thôi, cũng được. Ông cho thợ in bắt đầu sắp chữ .

Nhà in phải in nhiều thứ lắm. Cuốn thơ này không gấp, thành ra thợ cứ sắp chữ tà tà mỗi ngày chút xíu, mỗi ngày tôi phải tới nhà in để chữa, gọi là chữa morasse.

Trong tập thơ đó có vở kịch Tiếng Địch Chiều Thu. Tiếng Địch Chiều Thu là câu chuyện  kể về một cuộc đi chơi giữa công chúa Yasodhara với đứa con trai nhỏ là Rahula. Hai mẹ con rất nhớ Siddhatta. Trong khi buồn khổ, bà Gotami khuyên nhủ con. Chỉ có chừng đó và nhiều bài thơ khác. Vì vậy cho nên tập thơ để tên là Tiếng Địch Chiều Thu. Hồi đó tôi không để là bà Gotami, mà tôi để là Ma- ha- ba- xà- ba- đề.  Anh thợ sắp chữ thấy tức cười, cái tên gì Ma-ha-ba-xà-ba-đề , anh sắp chữ thành Ma-ho-ba-sò-ba-đò. Không biết  anh nghịch hay là anh đọc chữ viết của mình không rõ, chắc có lẽ là nghịch. Cái tiếng gì mà Ma-ha-ba-xà-ba-đề, Ma-ho-ba-sò-ba-đò. Làm mình phải chữa.

Như một bà mẹ đang chờ đứa con ra đời, là thi sĩ trẻ , mình cũng mong chờ ngày đêm,  ngày  tập thơ của mình sẽ được xuất bản.

Năm đó tôi mới vừa dự xong một khóa ba tháng Kiết hạ an cư ở một ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Hưng Đạo. Trong khóa an cư có thầy tên là thầy Trí Hữu từ Quảng nam vô. Thầy đó cũng thích thi văn lắm. Có nhiều khi  chúng tôi đem những bài thơ Đường, những bài phú ra đàm đạo rất vui.

Hồi đó tôi đi tới nhà in để sửa bài là phải đi bằng xe thổ mộ, tức là xe ngựa đó. Hồi đó không có xe bus chỉ có xe thổ mộ thôi. . Xe thổ mộ là cái xe mà ở trên có cái trần người ta có thể quang gióng, gà vịt đủ thứ ở trên đó hết .Xe kéo bằng một con ngựa và có thể sáu người chen lên trên đó co chân ngồi ở trong, phía ngoài có thể ba người ngồi thòng chân xuống đất và hai bên có hai cái cọc để người ta xỏ guốc, xỏ dép vào. Tiền xe thổ mộ là một đồng rưởi đi từ chùa Hưng Đạo đó tới trung tâm Sài gòn. Hồi đó tôi rất nghèo, không có nghĩa là bây giờ giàu, nhưng mà hồi đó rất nghèo. Kiếm được tiền đi xe thổ mộ lên Sài Gòn để chửa bài cũng khó, phải xin các thầy lớn. Hôm đó tôi có sáu đồng trong túi, trong người hơi sốt, nhưng mà phải đi sửa bản thảo, sửa bản in cho nên phải đi. Khi  sửa xong rồi, thì trong người khó chịu quá, nó run, sốt mà không có thuốc uống, không có thuốc ký ninh gì hết. Tại hồi nhỏ tu ở chùa Từ Hiếu tôi bị cái gốc rét. Chiến tranh tiếp diển thành ra không có thuốc nhập cảng từ bên Pháp qua. Mỗi khi cơn sốt tới thì chỉ biết đắp chiếu nằm rên hừ hừ, rồi sau đó được ăn một chén cháo, không có thuốc gì hết. Vì vậy gốc rét nó vẫn còn. Hôm đó tôi sốt. Sửa bài xong, tôi nghĩ rằng nếu bây giờ có một tô cháo nóng mà ăn toát mồ hôi sẽ khỏe. Xét lại tiền thì còn bốn đồng rưởi, mình đem sáu đồng, đi xe thổ mộ tới Sài Gòn hết một đồng rưỡi rồi, còn bốn đồng rưỡi. Tôi biết rất rõ là tô cháo nấm ở tiệm cơm chay Tín Nghĩa là ba đồng. Vậy nếu  ăn một tô cháo ba đồng thì mình còn một đồng rưỡi để về chùa, tính rất là đàng hoàng. Tôi đi bộ qua tiệm cơm chay Vạn Lộc và gọi một tô cháo nấm ba đồng. Khi tô cháo nóng dược mang tới rồi, tôi mới nghĩ mình nên thêm tiêu vô cho nóng, ăn cho nó chảy mồ  hôi. Nhưng cái chai tiêu nó hơi kẹt, mấy cái lỗ cứ rắc hoài mà không thấy tiêu ra. Tôi vặn nắp tiêu , cầm chai tiêu rắc rắc để nó xuống. Ai dè cái tay nó run quá đi, run khiên cả  chai tiêu rớt vô trong tô cháo. Trời đất ơi như vậy là đi đời tô cháo rồi. Tôi lấy cái muổng tính vớt chỗ tiêu đó ra nhưng tay tôi nó run quá, cái muổng vô nó đánh tiêu tan ra hết, không thể nào ăn được, đi đời tô cháo nấm. Thành ra rất tiếc ba đồng mà không được ăn cháo, phải chịu trận đi về thôi. Còn có một đồng rưỡi, không thể nào mua nữa tô rồi đi bộ về. Ai mà bán nữa tô bao giờ đâu?

Đó là chuyện xãy ra năm 1949 ở Sài Gòn. Không biết tiệm cơm chay Vạn Lộc còn không. Cái hôm được báo tin là tập thơ đã in rồi và tôi có thể tới lấy tập thơ về, tôi rất  mừng. Tôi phải xách một xách từng này, năm chục tập thơ rất nặng để trên xe thổ mộ đem về. Vui nhất là khi lấy một tập đi ra ngoài vườn chùa, dựa vào gốc cây mở ra từng trang để đọc lại thơ của mình, giống như là tâm trạng của bà mẹ, của ông cha đối với đứa con vừa mới sinh ra.

Hồi đó tại chùa Giác Nguyên ở Khánh Hội (Sàigòn)  có hai chàng thi sĩ trẻ đang ở đậu tại chùa.Vì thi sĩ cũng nghèo lắm, nghèo giống như là tu sĩ vậy. Một anh tên là Trụ Vũ, một anh tên là Quách Thoại.

Trụ Vũ bửa đó đi đâu không biết vào nhà sách thấy có tập thơ Tiếng Địch Chiều Thu. Nhà xuất bản liệt tập thơ này là loại thuần túy ly tao, Trụ Vũ mua về đọc, Trụ Vũ thích quá , đem tập thơ đó đi vào trong công viên, ngày xưa gọi là vườn Bờ rô, bây giờ gọi là vườn Tao Đàn, nằm xuống và đọc hết tập thơ từ đầu tới cuối. Đọc xong rồi nằm ngủ, nằm ngủ rồi thức dậy đọc nữa, đọc nữa rồi nằm sấp lại và làm một bài thơ để tặng tác giả Tiếng Địch Chiều Thu chưa bao giờ gặp. Bài thơ đó là bài Thi Tứ. Thi tứ là cái ý thơ. Làm bài thơ đó xong, Trụ Vũ không biết tác giả ở đâu cho nên mới chạy tới nhà xuất bản hỏi thăm. Biết được địa chỉ chùa Hưng Đạo rồi, thi sĩ Trụ Vũ mới tìm tới chùa Pháp Hội để đưa cho thầy Nhất Hạnh bài thơ đó.

Bài thơ đó tôi còn thuộc, trên đề là Thi tứ, rồi ở dưới đề tặng thầy Nhất Hạnh để bắt cầu thông cảm giữa đạo và thơ. Nhớ như vậy đó, bắt cầu thông cảm giữa đạo và thơ. Làm như giữa đạo và thơ có khoảng cách dữ lắm đó, phải có cái cầu mới làm cho hai bên thông cảm. Đó là cách suy tư của Trụ Vũ.

Kỳ thực đạo và thơ nó không cần thông cảm, nó là một, ở chỗ nào có đạo là ở chỗ đó có thơ, chỗ nào có thơ thiệt thì ở chỗ đó có đạo là thi đạo.

Trà cũng vậy, chỗ nào có trà là có đạo mà phải là trà thiệt đó. Uống trà phải thanh tịnh mới được, chứ uống trà theo kiểu thô tháo thì gọi là ngưu ẩm là trâu uống. Đúng là trà thì là đạo, đúng là đạo là phải có trà. Các thiền sư ngày xưa vị nào cũng làm thơ hết. Và các thi sĩ làm thơ có nhiều khi họ làm những bài thơ  rất là thiền và họ không nghĩ đó là thơ thiền, họ không nghĩ đó là thơ đạo. Nhưng đọc vô mình thấy họ có một cái thấy rất là sâu sắc và đầy thiền vị ở trong đó. Lát nữa mình sẽ đọc một bài thơ của Quách Thoại. Quách Thoại không bao giờ nghĩ là mình làm thơ đạo, thơ thiền hết, nhưng mà  bài đó nó rất là thiền, nó không có một danh từ Phật học nào hết. Bây giờ mình nói tới bài thơ của Trụ Vũ trước.

Thi tứ, kính tặng thầy Nhất Hạnh để bắt cầu thông cảm giữa đạo và thơ, tức là có ý tốt, có thiện ý muốn  làm cho thơ với đạo gần nhau mà không biết thơ với đạo đã gần nhau, đã là nhau từ ngàn đời nay rồi.

            Ta gối đầu ta trên mộng ảo
           
Ta gói hồn thơ thiên địa ảo

Trời đất là cái áo và hồn thơ mình gói trong cái áo trời đất. Nên nhớ là anh chàng đang nằm trong vườn Boro, nằm sấp, nằm ngữa và mới ngủ trưa dậy.

 Ta gối đầu ta trên mộng ảo
 Ta gói hồn thơ thiên địa ảo
 Ta nằm ngủ giữa lá thu rơi
 Mặt đất dâng cao thấu tận trời

Mình nằm ngữa và mình thấy mình gần trời hơn là gần đất. Mình đang nằm trên đất nhưng mình đâu thấy đất, mình thấy trời thôi, mặt đất dâng cao thấu tận trời.

Ai để mùa thu lên viễn vọng
Trong tiếng ca nào đang lên khơi
Ai đem mây xám vẽ lên không
Một lá vàng rơi xao xuyến lòng
Ta nắm trong tay mùa tạo vật
Đi vào kết bạn cùng trời đất
Cuộc đời say ngủ dưới chân ta
Chôn chật thân người mảnh đất già

Đây gió ngàn phương trời với biển
Thổi cánh chim trần về cao viễn
Ta về hòa hợp giữa hư không
Thi tứ ngàn năm thường hiển hiện.

Trước đó Trụ Vũ không làm những bài thơ như vậy. Nhưng mà sau khi đọc Tiếng Địch Chiều Thu thì những hạt giống của đạo, của thiền được tưới tẩm. Một thi sĩ trẻ mà làm được những câu như vậy, thì đó là một cái gì rất là đặc biệt.

 Ta nằm ngủ giữa là thu rơi
 Mặt đất dâng cao thấu tận trời
 Ai để mùa thu lên viễn vọng
 Trong tiếng ca nào đang lên khơi
 Ai đem mây xám vẽ lên không
 Một lá vàng rơi xao xuyến lòng
 Ta nắm trong tay mùa tạo vật
 Đi vào kết bạn cùng trời đất
 Cuộc đời say ngủ dưới chân ta
 Chôn chật thân người mảnh đất già
 Đây gió ngàn phương trời với biển
 Thổi cánh chim trần về cao viễn

Có một ước muốn, cánh chim trần nó muốn đi xa.

              Ta về hòa hợp giữa hư không
             
Thi tứ ngàn năm thường hiển hiện.

Sau này Trụ Vũ làm thơ rất nhiều, lấy nguồn cảm hứng ở trong đạo.

Quách Thoại không có số thọ, Quách Thoại chết sớm. Nhưng trong bản thảo của Quách Thoại có những bài thơ chưa xuất bản và trong đó người ta khám phá ra một bài thơ rất lạ kỳ tên là bài Thược Dược. Bài này đích thực là một bài thơ thiền, dầu tác giả không có nghĩ đó là thơ thiền hay là thơ đạo. Bài đó ngắn lắm, nó chỉ có mấy câu thôi, nói về bông hoa thược dược, bông hoa tầm thường thôi, gọi là tầm thường vì nó mọc ở ngoài hàng rào.

             Đứng yên ngoài hàng dậu
            
Em mỉm nụ nhiệm mầu

Thấy được cái bông hoa nó đang mỉm cười. Đứng yên ngoài hàng dậu, đứng yên mà không có cái ước muốn người ta tới ngắm mình, không có ý muốn khoe mình. Rất là đơn giản, rất là tự nhiên.

             Đứng yên ngoài hàng dậu,
             Em mỉm nụ nhiệm mầu.

Bông hoa đứng đó và nó mỉm cười. Anh có thấy hay là không thấy, chị có biết hay là chị không biết thì nó vẫn đứng đó mỉm cười. Chứ không phải tại vì anh tới nhìn thì nó mới mỉm cười. Đó không phải là nụ cười ngoại giao, đó không phải là nụ cười làm dáng, nụ cười này là một nụ cười rất là thật.

 Đứng yên ngoài hàng dậu
 Em mỉm nụ nhiệm mầu
 Lặng nhìn em kinh ngạc
 Vừa thoáng nghe em hát

 Lời ca em thiên thu.

Lặng nhìn em kinh ngạc. Tự nhiên thi sĩ có một cái thấy nào đó, một cái thấy rất là sâu. Một bông hoa thược dược tầm thường thôi, nhưng mà sáng hôm nay tự nhiên thi sĩ thấy đó là một hiện tượng mầu nhiệm, vì thi sĩ vừa mới thoáng nghe được bông hoa hát, bông hoa mỉm cười nhưng mà nó đang hát. Chỉ những người có lỗ tai rất đặt biệt mới nghe được  bài hát của một bông hoa. Và bài hát đó không có bắt đầu, không có chấm dứt, bài hát đó lá bài hát trường cửu đã có từ ngàn xưa và sẽ không bao giờ chấm dứt hết, gọi là bài ca thiên thu. Thiên thu là ngàn đời, ngàn năm.

 Lặng nhìn em kinh ngạc
 Vừa thoáng nghe em hát
 Lời ca em thiên thu.

Chúng ta đi ngang qua bông hoa, có thể chúng ta đang suy nghĩ tới những dự án, những khó khăn, chúng ta đang bị trấn ngự bởi những nỗi buồn, những cơn giận. Thì bông hoa đứng đó mỉm cười ta đâu có thấy, ta đâu có nghe, ta không phải là con người tự do. Nhưng thi sĩ nghèo không nghĩ tới xe hơi, không nghĩ tới nhà lầu, không nghĩ tới tương lai. Thi sĩ nghèo chỉ đi tìm tứ thơ thôi, mà tứ thơ ở đâu, tứ thơ ở nơi bông hoa, ở nơi đám mây, ở nơi giọt sương. Và vì vậy cho nên thi sĩ có tự do hơn chúng ta. Thi sĩ không có bị những nỗi buồn cơn giận, những đam mê, những dự án… xâm chiếm cho nên thi sĩ có tự do. Vì vậy cho nên đi ngang qua hàng dậu, thi sĩ có cơ hội thấy được bông hoa đó trong cái chiều sâu của nó. Và không những thấy được bông hoa mà còn thấy bông hoa đang mỉm nụ cười rất là mầu nhiệm. Bông hoa đang ca hát  bài hát của bản môn, bài hát của tuyệt đối. Tại vì tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đều là biểu hiện của chân như, đều là biểu hiện của thực tại mầu nhiệm. Sự biểu hiện của bông hoa cũng như là sự biểu hiện của ca hát là để nói lên cái mầu nhiệm của thế giới chân như, của thế giới bản thể. Nếu quý vị là người Cơ Đốc thì đó là tiếng nói của Thiên quốc. Mỗi cái tạo vật, mỗi  hiện tượng biểu lộ ra là để hé cho chúng ta thấy cánh cửa của thiên đường, mở ra một cánh cửa để ta thấy được tịnh độ,  chân như, sự mầu nhiệm, niết bàn. Tại vì con mắt của ta mù cho nên ta không có thấy được, trong khi đó mỗi hiện tượng đều là một cánh cửa để ta nhìn thấy vào trong cái thế giới của bất sinh bất diệt, của chân như. Chúng ta mù tại vì sao, chúng ta có quá nhiều đam mê, quá nhiều giận hờn, quá nhiều mơ ước, chúng ta không phải là con người tự do cho nên con mắt ta không  sáng. Vì vậy nhìn thấy bông hoa, nhìn thấy đám mây, nhìn thấy giọt sương, ta không  nhìn thấy được cái bản thể chân như niết bàn diệu tâm và cõi tịnh độ ở trong đó. Ta cũng có mắt như một vị Bồ Tát, ta cũng có tai như một vị Thế Tôn. Nhưng mà mắt và tai của chúng ta bị bít lấp bởi những phiền não, bởi những giận hờn. Vì vậy cho nên ta không có thể nhìn được cuộc đời bằng mắt của Bụt, nghe được cuộc đời bằng lỗ tai của Bồ Tát. Chúng ta đi trong thiên đường, chúng ta đang đi trong mầu nhiệm của hiện hữu, mà chúng ta đi như người câm và người điếc.

Hôm đó thi sĩ đột nhiên trong trạng thái tự do, cảm thấy được  sự có mặt của thiên quốc, sự có mặt của tịnh độ mầu nhiệm qua biểu hiện của một bông hoa thược dược mà thường thường người ta cho là tầm thường. Một bông hoa nở ở ngoài hàng rào có gì đâu là lạ, đâu phải là tin giật gân, nếu mình làm báo thì khi nào có xe hơi cán người mình mới đăng, chứ bông hoa nở đâu có gì đáng để đăng đâu. Cái lầm to của chúng ta là như vậy, thật ra một con người đang chìm đắm ở trong sầu khổ mà sáng nay mỉm cười được thì đó là một cái tin rất quan trọng, đáng đăng hơn là chuyện xe hơi cán người. Nhưng mà người ta có bao giờ đăng những cái tin mừng đó đâu, người ta chỉ muốn đăng tin gọi là giật gân thôi à.

Lạc đề một chút, tôi đọc bài Tin Vui  trong tập Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt.         

Những tin vui

Báo người ta không chịu in, chịu nói.
Nhưng trong báo chúng tôi,
Mỗi ngày chúng tôi vẫn thường chuyên môn đưa tin vui.

Mỗi buổi sáng tinh sương
Chúng tôi thường ra bản in đặc biệt.
Và chúng tôi rất cần bạn đọc,
Đọc để mà biết
Những gì đang thực sự xảy ra.

Tin vui là bạn đang còn sống
Và cây xoan ngoài ngõ đã ra hoa.
Cây xoan ấy
Bạn thấy không
Đã can trường đứng vững
Suốt cả một mùa Đông băng giá,

sáng nay nó ra hoa mà báo không có đăng. Sau ba tháng đứng vững trong màu đông băng giá, sáng nay nó ra hoa báo không có đăng, tại nhà báo đâu có thấy.

Không có biết báo Đất Lành có thấy hay không.

             Tin vui là mắt bạn còn sáng, còn tốt
            
Và bạn còn có thì giờ để ngắm trời xanh.

Đúng như vậy, mắt mình còn sáng còn tốt và có thể có thì giờ để ngắm trời xanh.

 Em bé xinh tươi đang đứng trước mặt bạn,
 Đôi mắt long lanh,
 Bạn có thể mở rộng hai cánh tay
 Ôm em bé vào lòng.

Đó là những cái tin rất là vui, rất là đáng khích lệ.

 Họ chỉ in những tin giật gân,
 Họ chỉ in những tin sầu đau tiêu cực.
 Hãy cầm thử bài báo của chúng tôi lên xem,

đây là quảng cáo báo của mình báo nhà.

 Hãy cầm thử bài báo của chúng tôi lên xem,
 Ấn bản nào cũng đầy những tin lành, những tin vui,
 những tin tích cực.
 Bởi vì chúng tôi muốn bạn luôn luôn thừa hưởng được
 Và góp sức vào gìn giữ hạnh phúc chung.
 Một bông trà mi vừa nở phía ngoài tường,
 Bông hoa đang mỉm một nụ cười
 Rất ư  là mầu nhiệm.

Bông hoa này là bông hoa của Quách Thoại đó.

            Bông hoa đang ca hát bài hát bản môn,

đây là bông hoa của Quách Thoại, rõ ràng bông hoa này được truyền đi cho chúng ta. Và quý vị phải mang bông hoa đó về nhà để chưng, để trưng bày trong trái tim của mình, để mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây đều có cơ hội tiếp xúc với bản môn với sự sống mầu nhiệm.

 Một bông trà mi vừa nở phía ngoài tường,
 Bông hoa đang mỉm một nụ cười
 Rất ư  là mầu nhiệm.
 Bông hoa ca hát bài ca bản môn,
 Bài hát thiên thu tuyệt vời
 Có tai và có tâm
 Thế nào bạn cũng nghe được.
 Chúng ta hãy chắp tay và cúi đầu
 Để nghe tiếng hát ấy.

Những lời này cũng là lời của Quách Thoại, ai nói là thầy Nhất Hạnh viết những câu này, chính Quách Thoại đang viết những câu này.

Hãy bỏ lại phía sau lưng những sầu đau
Những vướng bận,
Hãy đi lên như một con người tự do.

Tin vui nhất vừa mới đến
Là bạn có tính Bụt trong lòng
,
Hạnh phúc
Vững chãi
Và thảnh thơi
Là những gì bạn và tôi
Đều có thể làm ra được.

Tức là mình có khả năng làm ra hạnh phúc, làm ra thảnh thơi và làm ra vững chãi.

Quách Thoại chết từ hồi còn nhỏ, từ hồi còn trẻ, mới có hai mươi mấy tuổi đã chết rồi, chưa đầy ba mươi, nhưng bài thơ này (Hoa thược dược) nó sống mãi.

Và tôi chưa đọc câu chót, câu chót có năm chữ. Câu chót nó biểu lộ thái độ của một người đã hướng về bản môn, cái thực tại mầu nhiệm với tất cả sự cung kính.

Câu đó có năm chữ, đó là :

              Ta sụp lạy cúi đầu.

Mà cúi đầu trước cái gì, không phải là trước tượng Phật hay tượng Chúa. Sụp lạy cúi đầu trước một bông hoa Thược dược, nó đứng ở ngoài hàng rào thôi. Tại vì vừa thoáng nghe được cái tiếng hát mầu nhiệm ngàn đời của bông hoa. Bông hoa kia nó ca ngợi cái sự sống mầu nhiệm, cái bản môn mầu nhiệm và chỉ có những người tỉnh thức, chỉ có những người tự do mới có khả năng thấy và nghe được bông hoa thôi. Một bài thơ đó cũng đủ làm cho mình trở nên được công nhận là một thi sĩ đích thực.

 Đứng yên ngoài hàng dậu
 Em mỉm nụ nhiệm mầu
 Lặng nhìn em kinh ngạc
 Vừa thóang nghe em hát
 Lời ca em thiên thu
 Ta sụp lạy cúi đầu.

Bài thơ đó khi Quách Thoại đang còn sống, chưa có báo nào in, chưa có ai biết tới. Bài thơ đó chưa xuất bản, bài thơ đang đó còn nằm  trong bản thảo. Cũng may các bạn khi  lục đồ của Quách Thoại ra thì thấy được bài thơ đó và công bố.

Hôm trước khi nói về nhạc Trịnh Công Sơn tôi có nói là Trịnh Công Sơn ngày xưa có đi chùa, có quy y, có nghe các thầy tụng kinh, tán tụng và đã tham dự vào các  lớp tụng kinh, học tán, học tụng của các chú tiểu ở trong chùa. Nghe các thầy kể lại thì Trịnh Công Sơn có lỗ tai âm nhạc rất tốt. Khi các chú, các thầy học chưa thuộc bài tán thì Trịnh Công Sơn đã thuộc bài tán rồi. Vì vậy có ảnh hưởng của nhạc kinh trong  nhạc của Trịnh Công Sơn.

Hồi tôi mới đi xuất gia năm mười sáu tuổi, tôi rất  thích tụng kinh, vì nghe tụng kinh  hay và mình cứ đợi đến giờ tụng kinh để được đi tụng . Nếu đứng ở dưới hồ bán nguyệt gần tam quan trong giờ tụng kinh mà nghe tiếng tụng kinh từ trên chùa vọng xuống nó hay một cách kỳ lạ, nhất là những đêm có trăng. Tôi cũng được nuôi dưỡng bằng  âm thanh đó, bằng cái điệu tụng kinh đó. Tuy là tôi làm thơ, nhưng mà thỉnh thoảng tôi cũng có phổ nhạc vào những cái bài thơ của tôi. Có những bài thơ phổ nhạc, nó mang âm hưởng của kinh tụng trong chùa rất là sâu đậm. Sư cô Chân Không có thể hát cho quý vị nghe một  bài mà tôi phổ nhạc. Đó là một bài thơ ca tụng sự ra đời của Đức Thế Tôn. Bài hát này sư cô Chân Không phải có một số các thầy yểm trợ mới được. Tại vì bài hát đó hát solo, nhưng mà phải có tiếng niệm Bụt để phò trợ. Mời thầy Pháp Niệm với một số các thầy lên để yểm trợ sư cô Chân Không. Chúng ta sẽ nghe hai danh hiệu, là danh hiệu Đức Thích Ca và danh hiệu Đức Di Lặc. Khi nghe các thầy niệm Bụt thì mình có thể chắp tay. Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. Và câu kia Nam mô Bụt Di Lặc hạ sanh trong tương lai.

Bài thơ này tôi viết trong khi chiến tranh Việt Nam đang đi tới một mức khủng khiếp. Tôi viết năm một ngàn chín trăm sáu mươi bốn, sáu mươi lăm. Tôi phổ nhạc bài này ở tại Tokyo năm sáu mươi bảy. Tôi xin đọc cho quý vị nghe trước và khi  quý vị nghe sư cô Chân Không hát thì quý vị sẽ thấy  nhạc kinh nó đi sâu vào trong bài hát rất là nhiều. Bài này có tựa là

Đêm Cầu Nguyện.

Giờ phút linh thiêng
Gió lặng chim ngừng
Trái đất rung động bảy lần
Khi bất diệt đi ngang dòng sinh diệt
Bàn tay chuyển Pháp
Trong hương đêm tinh khiết
Ấn cát tường nở trắng một bông hoa
Thế giới ba ngàn đồng thanh ca ngợi Văn Phật Thích Ca.
Giờ phút linh thiêng 
Đóa bất diệt nở ngay giữa vườn hoa sinh diệt
Nụ giác ngộ hé  thành muôn thi thiết
Ngài về đây học tiếng nói loài người

Đêm nao
Từ trời Đâu Xuất nhìn về
Chư thiên thấy địa cầu quê hương tôi sáng hơn vì sao sáng
Và tinh tú muôn phương chầu về
Cho đến khi vừng đông tỏa rạng
Cho đến khi vườn Lâm Tỳ Ni biến thành chiếc nôi êm chào đón Bụt sơ sinh

Nhưng đêm nay
Từ địa cầu quê hương tôi
Loài người mắt lệ rưng rưng
Hướng về cả mấy tầng trời Đâu Suất
Tiếng kêu khóc của sinh linh ngã gục
Dưới bàn tay ma vương
Dưới bàn tay bạo lực căm thù

Trong bóng đêm
Địa cầu quê hương tôi đã mòn mỏi trông chờ
Giờ mầu nhiệm để vô biên hé mở
Cho bóng tối tan đi với niềm lo sợ
Cho hội Long Hoa về
Để Pháp Âm tiếp nối bằng lời ca tiếng hát em thơ

Đêm nay xin mười phương trăng sao chứng minh
Cho địa cầu quê hương dâng lời cầu nguyện
Cho Việt Nam khói lửa,
Cho Việt Nam điêu linh,
Cho Việt Nam quằn quại đắm mình trong máu lệ,
Sớm vùng dậy trong đau thương thế kỷ
Để biến thành chiếc nôi êm đón chào Từ thị
Thêm một lần hoa nở Bụt sơ sinh

Đêm nay cầu cho khổ đau trái kết hoa thành,
Cho sinh diệt đi ngang dòng pháp thân bất diệt
Cho suối tình thương chảy tràn trên vạn lòng tha thiết
Để loài người học nói tiếng chân như.
Để tiếng nói trẻ thơ thành giọng chim ca.

Các thầy có thể đứng đây nhìn vào đó để tụng cho nó đúng. Các thầy lên đứng đây, sư cô Chân Không đứng đây. Phải thấy người hát mới được. Mời các thầy hết. Các thầy đứng đây này, sư cô hát cao cao một chút.

(…Các Thầy và các Sư cô hát bài Đêm Nguyện cầu)

Thôi cảm ơn sư cô Chân Không, các thầy.

Thầy Pháp Niệm ngồi đó.

Ở trong chùa, kinh nhiều khi là thơ và khi mình tụng lên thì mình nghe nhạc. Và nhạc ở trong chùa nó rất là trầm, rất là sâu lắng và có khi rất là hùng vĩ. Mỗi buổi sáng trước khi ngồi thiền các thầy hoặc các sư cô xướng lên một bài thơ gọi nôm là hô canh, nhưng mà kỳ thực đó là mời đại chúng chuẩn bị để ngồi thiền. Buổi tối cũng vậy đến giờ ngồi thiền, giờ ngồi thiền bắt đầu bằng một  bài hô canh. Dù mình không hiểu được nội dung của bài kinh đó, của bài kệ đó, mình cũng thấy nó hay vì cái nhạc nó đưa tâm hồn của mình lên cao hoặc là nó giúp cho tâm hồn mình lắng động lại. Bài hô canh buổi sáng được dịch ra như thế này:

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai,
Tỉnh tọa lòng an miệng mỉm cười.
Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức.
Mặt trời trí tuệ rọi muôn nơi.
Ngưỡng mong đại chúng tinh tấn nhiếp tâm thiền tập
.

Bài buổi chiều là :

 Vững thân ngồi dưới cội bồ đề.
 Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi.
 Thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm.
 Rõ soi diện mục thoát bờ mê.

Hồi nhỏ còn làm chú tiểu, sáng nào tôi cũng được nuôi bằng những bài kinh như vậy, bài nhạc như vậy.

Bây giờ thầy Pháp Niệm sẽ hô , xướng  lên một trong hai bài đó để quý vị thấy âm nhạc ở trong nhạc thiền  khác với âm nhạc ngoài đời như thế nào. Nó rất  khác và rất đặt biệt, nó không giống thơ nhạc ở ngoài đời.

Nhiều khi nó không có danh từ phật học nhưng nó rất là thiền, nó rất là đạo.

Vững thân ngồi dưới cội bồ đề.
Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi.
Thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm.
Rõ soi diện mục thoát bờ mê
Ngưỡng mong đại chúng tinh tấn nhiếp tâm thiền tập.

Đây là một bài thơ, một bài kệ, một bài kinh. Khi mình ngồi thiền thì mình ngồi vững. Cái thân mình ngồi thật vững trong tư thế kiết già giống như là mình đang ngồi dưới cội bồ đề, mình sẽ thành Phật như là Đức Thích Ca Mâu Ni. Ba nghiệp lắng rồi tức là thân khẩu ý nó không có bị lăng xăng. Tư duy của mình, ngôn ngữ của mình và thân thể của mình lắng lại , không còn động nữa, không còn lăng xăng nữa. Bây giờ không còn  chuyện phải và trái nữa, không còn chuyện anh đúng tôi sai, tôi đúng anh sai nữa. Tất cả những chuyện đó dẹp hết, hết thị phi. Thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm, thân của mình và tâm của mình thu nhiếp vào trong chánh niệm và trước hết là hơi thở. Rõ soi diện mục, lấy năng lượng chánh niệm để soi rõ vào trong cái mặt mũi, diện là cái mặt, mục là con mắt, tức là con người thật của mình. Bản lai diện mục tức là con người thật của mình xưa nay, mình là ai, mình từ đâu tới, mình sẽ đi về đâu, tại sao có những khổ đau. Và khi thiền quán nghĩa là nhìn lại con người thật của mình để khám phá. Khi mà mình thấy được con người thật của mình rồi thì mình vượt thoát cái bờ mê lầm, mình đi sang bờ giác ngộ.

Đây là một  bài kệ, nó mời chúng ta đi vào thiền tập. Bài kệ này đi đôi với ba hồi chuông. Khi mà bài kệ được xướng lên thì tất cả các thầy đều ngồi và lắng nghe. Trong khi  lắng nghe xong bài kệ,  tâm mình lắng xuống, thân mình cũng lắng xuống. Khi bài kệ chấm dứt với ba câu niệm Bụt thì lúc đó thân tâm của mình đã hoàn toàn đi vào trong định, rất là hay. Thành ra mục đích của bài này là để giúp cho mình thâu lắng ba nghiệp thân khẩu ý để đi vào  chỗ gọi là nhiếp tâm. Thầy Pháp Niệm sẽ lên ngồi đây, đem cái chuông lên đây một chút. Sau đó nếu có thể được thì sư cô Châu Nghiêm sẽ lên xư ơớ ng bài này bằng tiếng Anh.

 Xin các thầy các sư cô các vị Phật tử đáp lại ba  câu niệm Bụt.

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai,
Tỉnh tọa lòng an miệng mỉm cười.
Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức.
Mặt trời trí tuệ rọi muôn nơi.
Ngưỡng mong đại chúng tinh tấn nhiếp tâm thiền tập.
Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.(3 lần)

Vững thân ngồi dưới cội bồ đề.
Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi.
Thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm.
Rõ soi diện mục thoát bờ mê
Ngưỡng mong đại chúng tinh tấn nhiếp tâm thiền tập.
Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.(3 lần)

Nhạc sĩ Anh Việt đã về làng Mai tu một khóa tu mùa Đông, đã phổ nhạc không biết bao nhiêu là bài kinh. Sáng nay tôi đi kiếm cuốn Nhạc Kinh mà tìm không ra, chỉ kiếm được Những Giọt Không, trong này có nhiều bài nhạc do các thầy các sư cô làng Mai sáng tác và có một số nhạc của Anh Việt.

Ngoài ra còn hai tập Nhạc Kinh khác và có một số nhạc kinh đã thâu vào trong băng CD, nhạc kinh 1, nhạc kinh 2, nhạc kinh 3, nhạc kinh 4. Kinh ở đây là kinh tiếng Việt, vì vậy cho nên mình nghe tới đâu thì mình hiểu tới đó và mình nghe thì thấy trong người rất là khỏe. Ngoài đời bây giờ họ có phương pháp trị liệu gọi là âm nhạc liệu pháp. Nếu quý vị có những băng kinh, băng nhạc của chùa, nếu quý vị nghe cho đều, thì tâm tư quý vị sẽ lắng lại, rồi những  buồn đau của quý vị có thể chuyển hóa, có thể thay đổi. Mỗi khi mình nghe độ chừng nữa giờ thì mình đã thấy thân và tâm mình nó thay đổi rồi. Vì vậy cho nên mình có thể chọn những  băng kinh nào thích hợp với mình, mình thỉnh và mình nghe, nghe trong gia đình và nhất là mình nghe trong những lúc mà người mình không được vững chãi, không  được thảnh thơi, không được an lạc lắm. Muốn đem lại sự an lạc cho thân và tâm, một trong những  cách thực tập là ngồi nghe kinh, hoặc là trước khi ngủ thì nằm dài và nghe kinh. Nhạc sĩ Anh Việt có mặt ở đây hôm nay này, đã phổ nhạc rất là nhiều bài thơ của thầy Nhất Hạnh và đã phổ nhạc rất nhiều bài kinh ở trong Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn và Thiền Môn Nhật Tụng năm 2000. Tôi tin chắc là những bài nhạc về tình yêu ví dụ như là Bến ấy ngày xưa, Người đi vấn vương biệt ly, nó chỉ tồn tại một thời gian thôi. Nhưng  những bài nhạc kinh mà phổ thì sẽ được tụng đọc, sẽ được hát mỗi ngày và tồn tại trong nhiều thế kỷ. Cho nên nhạc sĩ Anh Việt đã có công đức rất nhiều trong khi tu tập và phổ nhạc những bài kinh của chúng ta.

Anh Việt là người Nam nhưng lại là đệ tử của một vị thiền sư ở Huế, đó là thiền sư Chân Thật chùa Từ Hiếu, đó là bổn sư của thầy Nhất Hạnh. Như vậy Anh Việt là em một thầy với thầy Nhất Hạnh. Thầy Nhất Hanh pháp danh là Trừng Quang, còn Anh Việt pháp danh là Trừng Minh- quang minh.

Sở dĩ Anh Việt không quy y với một thầy trong Nam mà ra Huế để quy y cùng thầy với thầy Nhất Hạnh là vì có một người đàn bà ở sau đó.  Anh Việt yêu một cô gái Huế, cô gái Huế đó mới dẫn tới chùa Từ Hiếu. Và vì vậy cho nên có mối duyên em đồng sư với thầy Nhất Hanh. Người đó là Tố Oanh. Tố Oanh ở đâu rồi, ra trình diện. Người ấy là ai, đó quý vị quay lại thấy Tố Oanh đang chắp tay đứng đó. Tố Oanh yểm trợ Anh Việt hết lòng, những  băng này là Tố Oanh về Việt Nam để thực hiện. Quý vị đã nghe nhiều bài nhạc kinh do Anh Việt phổ nhạc rồi, như là bài Mười nguyện Phổ Hiền mình nghe hoài. Có  bài sám hối mà tôi muốn quý vị học thuộc. Quý vị chưa được nghe bài này đâu. Có lẽ sư cô Chân Không sẽ giúp chúng ta học bài này, lên hát trước.

Con đã gây ra bao lầm lỡ
Khi nói khi làm, khi tư duy,
Đam mê hờn giận và ngu si.
Nay con cúi đầu xin sám hối.
Một lòng con cầu Bụt chứng tri.
Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới.
Nguyện sống đêm ngày trong chánh niệm,
Nguyện không lặp lại lổi lầm xưa.
Nam mô Bồ tát cầu sám hối.

Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm.
Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm.
Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhỏm.
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.

Đó là lời kinh bằng tiếng Việt do thầy Nhất Hanh dịch ra và nhạc của Anh Việt. Xin đọc lại:

Con đã gây ra bao lầm lỡ, người nào tụng bài này cũng thấy mình là đương sự hết.  Con đã gây ra bao lầm lỡ khi nói khi làm, khi tư duy, đam mê hờn giận và ngu si. Nay con cúi đâu xin sám hối. Một lòng con cầu Bụt chứng tri. Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới. Nguyện sống đêm ngày trong chánh niệm, nguyện không lặp lại lổi lầm xưa. Nam mô Bồ tát cầu sám hối. Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm. Tâm mình là tâm u mê cho nên mình mới làm ra những cái tội lỗi. Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm. Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm. Mình muốn cho tội hết thì mình phải đổi cái tâm thôi, đổi cái tâm thì tự nhiên nó hết tội. Đổi cái tâm tức là mình hứa rằng từ nay trở về sau nhất định là không làm như vậy nữa, cái tâm đổi thì cái tội nó tiêu, hay ở chỗ đó đó. Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm. Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhỏm. Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong. Ngàn đây tức là rừng, trên rừng xưa thì đám mây bạc vẫn bay thong dong, cái tâm mình nó cũng nhẹ như vậy. Đây là một trong những bài thành công của Anh Việt. Cùng với những bài như là Tào Khê một dòng biếc.

Bác Anh Việt lên đây trình diện với đại chúng. Đây là bác nhạc sĩ Anh Việt có công rất là nhiều, em cùng thầy với thầy Nhất Hạnh, pháp danh là Trừng Minh, Trừng là lắng lại, Minh là sáng ra.     

Cảm ơn nhạc sĩ Anh Việt, đáng lý theo chương trình hôm nay phải trình diển ba bốn bài nhạc của Anh Việt, nhưng mà  bây giờ một giờ trưa rồi, đói bụng. Sư cô Hoa Nghiêm có phổ nhạc bài gì đó Cây ngô đồng. Bây giờ chúng ta chấm dứt bằng một bài thơ của thầy do sư cô Hoa Nghiêm hôm nay làm tri chúng đã phổ nhạc, các thầy các sư cô làng mai phổ nhạc nhiều lắm. Sư em Thi Nghiêm đâu lên hát bài này dùm để chấm dứt buổi pháp thoại sáng hôm nay. Bài này tôi viết trong thời đi cứu thuyền nhân ở trên biển Nam Hải. Và bài thơ như vậy:

 Có cây ngô đồng
 Cho chim phượng đậu,
 Có người đứng đó
 Cho tình thương sâu.
 Luật lệ nhiều khi
 Như màn lưới sắt
 Giam người trong kiếp
 Trầm luân thương đau.
 Nhưng lòng nhân ái
 Như bàn tay Phật,
 Phá tan địa ngục
 Đập nát u sầu.
 Thành phố sáng nay
 Nắng lên bát ngát,
 Có chim bồ câu
 Bay liệng trời cao.
 Tôi nhớ tới người
 Tấm lòng cương trực,
 Nụ cười mát dịu
 Như nước nhiệm mầu.
 Trẻ thơ nhớ người
 Như hoa nhớ nắng,
 Như nước nhớ nguồn
 Như trăng nhớ sao.
 Tâm đã quyết rồi,
 Hiềm gì bạo lực,
 Thân đi vào đời
 Cỡi trên ba đào,
 Bắt một cây cầu
 Từ hang địa ngục
 Lên tới cõi trời
 Mở hội ngàn sao.

 

Chân Tịnh Ý biên tập.
Tháng giêng năm 2007

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.