PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

. . .  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (. . .  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (. . .  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :

Ai là người niệm Phật? Phật là ai?

  • Tháng V 2007 - Lê Thạch Thất biên tập :
    Pháp thoại
    của Sư ông Làng Mai ngày 30 - III - 2007
    khóa tu dành cho những người xuất gia tại tổ đình Từ Hiếu - Huế
    Â
    m thanh MP3 : 
    Phần 1 (12.97MB)  Phần 2 (13.2MB)

 

Kính thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày ba mươi tháng ba năm hai ngàn không trăm lẻ bảy. Chúng ta đang ở Tổ Đình Từ Hiếu
[1] trong khóa tu dành cho những người xuất gia.

Hồi hai mươi hai tuổi, tôi có viết một bài tựa đề “Tu là một nghệ thuật và thầy tu là một nghệ sĩ”. Trong tu tập, mình phải có sự khéo léo, tu tập không phải là lao động mệt nhọc, cần phải có chất liệu nghệ thuật ở trong đó.

Chúng ta xét cho kỹ thì thấy rằng làm gì cũng cần phải có nghệ thuật thì làm cái đó mới hay. Giống như khi mình xay lúa, giã gạo, gánh nước, bửa củi, hay nấu cơm. Nếu có ý tứ, học được kinh nghiệm của quá khứ thì càng ngày mình càng làm khéo. Càng làm khéo, mình không có mệt mà sự thành công nó lớn hơn. Nấu ăn là một nghệ thuật, có nhiều sư cô nấu cơm rất là ngon, có nhiều sư chú, nhiều thầy nấu cũng ngon lắm. Khi chúng ta chiên một miếng tàu hũ, mà thật sự muốn chiên cho thành công, phải để cho miếng tàu hũ đó nó vàng, khi chưa vàng thì chúng ta để thêm thì giờ để cho nó vàng, chứ còn nó chưa vàng mà mình đã lấy ra thì thất bại.

 

Đã về đã tới - Tâm về với thân

Hơi thở của mình cũng vậy, bước chân của mình cũng vậy, nó phải chín, khi mà chưa chín thì mình coi là nó chưa thành công. Khi tôi thở vào một hơi mà tôi bước đi một bước, tôi nói rằng là tôi đã về, con đã về. Khi tôi thở ra, tôi bước một bước, tôi nói tôi đã tới, con đã tới. Đã về đã tới là những câu thiền ngữ để thực tập trong khi thở, trong khi đi thiền hành, trong khi ngồi, và mình biết rất rõ là đã về đã tới ở đây tức là tâm về với thân.

Chúng ta trở về với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, không có phiêu lưu trong thế giới của quá khứ, hay của tương lai, trở về hoàn toàn an trú và thiết lập sự có mặt của mình vững chãi trong giây phút hiện tại gọi là đã về đã tới. Vậy khi tôi thở một hơi vào, tôi bước một bước chân, tôi nói tôi đã về, thì bước chân đó nó phải có công năng giúp tôi trở về với giây phút hiện tại. Nếu tôi chưa về hết một trăm phần trăm thì tôi nhất định không bước cái bước thứ hai: Miếng đậu hũ nó chưa vàng, không thể gắp ra được.

Khi mình thở vào một hơi, mình nói là thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào của tôi, từ đầu cho tới cuối. Mình quyết tâm làm cho được, nếu chưa làm được thì phải làm cho đến khi mình làm được, mới thôi. Tu tập là phải như vậy. Mình có về, mình nói mình đã về, mình nói mình đã tới. Đã về đã tới trong giây phút hiện tại ngay tại đây, không có bị cuốn hút theo tương lai, không có bị giam hãm trong quá khứ. Đó là sự thực tập, chứ không phải là một lời tuyên bố xuông. Mình tuyên bố mình đã về mình đã tới, nhưng mà trong thật sự mình chưa về mình chưa tới, hoặc là mình mới về lưng chừng năm mươi phần trăm, bốn mươi phần trăm, (như) miếng đậu hũ nó chưa vàng, không có thể nào gắp miếng đậu hũ ra được. Giả sử như là sư chú bước một bước và tuyên bố rằng con đã về, thì phải đem hết con người của mình ra, tức là đem hết cả thân và tâm của mình để làm chuyện đó, để bước bước chân đó. Phải đầu tư một trăm phần trăm thân và tâm của mình vào bước chân đó để có thể thật sự về, thật sự tới một trăm phần trăm. Không có thể làm nửa chừng được.

Mình đã về hay đã tới thì chuyện đó mình biết, mình không cần một vị Bụt, hay một vị Bồ Tát, hay một vị thánh tăng chứng thực rằng là mình đã về đã tới. Chính mình, mình biết là mình đã về hay đã tới. Khi mình đã về rồi, đã tới rồi thì mình mỉm cười, mình chứng nhận cho mình biết là mình đã thành công, thì lúc đó mình bước một bước thứ hai. Và sự tu học nó đòi hỏi một quyết tâm như vậy, chứ còn mình tu sơ sơ, lai rai thì không có thành gì hết.

Khi mình đi thiền với chúng, mình đi cả trăm người, mấy trăm người. Nhưng mà khi mình đi một mình thì mình muốn đi chậm bao nhiêu cũng được. Đi chậm dễ hơn đi mau. Trong khi chúng ta ở trong chánh điện, đi kinh hành thì chúng ta đi chậm, có thể đi chậm được. Mỗi bước chân đi theo với một hơi thở đã về đã tới, và bước nào cũng đưa mình về, bước nào cũng đưa mình tới. Nếu mà mình niệm “Nam mô A Di Đà Phật” trong từng bước chân thì cũng được. Nhưng mà với điều kiện là mình phải ở với đức A Di Đà một trăm phần trăm, chứ không phải chỉ tuyên bố “Nam mô A Di Đà Phật”, còn đầu thì nghĩ tới quá khứ, tương lai. Hay miệng “Nam mô A Di Đà Phật” nhưng đầu đang ở những chỗ khác, thì cũng vậy. Mình tuyên bố đã về nhưng mà thật sự mình không có về, chưa về. Mình tuyên bố đã tới nhưng thật sự mình không có tới.

Mình phải đầu tư hết tất cả một trăm phầm trăm thân và tâm vào một bước chân, vào một hơi thở thì mới thành công được, không có thể nửa vời mà thành công được. Người ta, những nhà thể thao chuyên nghiệp đó, người ta muốn thi đấu ở trình độ cao, thì họ phải làm việc mỗi ngày nhiều giờ lắm mới được. Đánh tennis, chay bộ, đủ thứ. Huống hồ mình là người quyết đạt tới sự giải thoát. Khi mình dồn hết tất cả thân và tâm của mình vào hơi thở và bước chân, thì tự nhiên niệmđịnh trở thành sự thật, không phải là một ước mơ nữa. Tại vì tất cả thân và tâm của tôi nó đều chú vào một chuyện thôi, chuyện đó là thở một hơi cho thành công, thở một hơi thở vào cho thành công, hay là bước một bước chân cho thành công.

Ở trong thiền môn, có những chi tiết nếu mình nhìn không kỹ thì không hiểu tại sao. Ví dụ như khi cắm một cây hương vào trong bát hương, thì lại lấy cái tay kia đặt trên cái tay này. Cây hương rất là nhẹ, chỉ cần một cánh tay thôi là đủ sức để nâng cây hương và cắm lên rồi, tại sao phải có sự hỗ trợ của bàn tay trái? Sự hỗ trợ của bàn tay trái có nghĩa là mình đang đem hết tất cả thân và tâm vào chuyện cắm một cây hương. Trong khi cắm cây hương là tất cả thân tâm đều được đầu tư vào chuyện cắm cây hương. Vì vậy cho nên cắm hương là một hành động của niệm và của định.  Niệm có thể rất sâu và định có thể rất sâu trong thời gian nửa phút, mươi giây cắm hương, tất cả bí quyết là ở chỗ đó.

Khi mình quét một lát chổi ở trong thiền đường, thì lát chổi đó có thể là một sự thực tập niệm và định rất là sâu sắc. Khi mình nâng một ly trà lên trước khi uống, thì mình nâng như thế nào mà tất cả thân tâm đều được đầu tư vào chuyện nâng chén trà lên, thì đó là công phu. Công phu nó không có nằm ở đâu ngoài ra trong sự sống hàng ngày và mình phải biết lợi dụng những lúc mình tưới rau, mình rửa bát, mình bửa củi, mình giặt áo,… để mình tu. Chứ đâu phải là mình tu ngoài những thời gian chấp tác. Nếu mà nói rằng là phải làm xong hết tất cả những cái đó rồi mới có thì giờ tu, thì không còn sót lại bao nhiêu thì giờ để tu.

Hôm trước, tôi có kể chuyện một bà thiền sinh người Đức qua làng Mai, tu một tuần với mục đích là chỉ để coi thầy đóng cái cửa, mở cái cửa như thế nào. Cũng vậy, khi mình nắm cái chốt cửa vặn một cái và mở cửa ra, phải đầu tư hết tất cả thân tâm vào trong đó. Mở cửa với tất cả chánh niệm của mình, rồi khi mình bước ra, thì cũng bước một bước hai bước như vậy,  rồi nắm cái chốt cửa kéo lại từ từ, với tất cả ý thức chánh niệm của mình, đậy lại rồi đi. Tất cả đạo lực của mình nó nằm ở chỗ đó. Cho nên Thomas Merton [2]  mới nói,  chỉ cần nhìn thầy mở cửa và đóng cửa thì mình biết rằng đó là ông thầy tu thiệt. Còn nếu mình chỉ lao tác thôi, thì dù mình có làm được bao nhiêu việc ở trong chùa đi nữa, thì công đức đó cũng không bằng công đức của một hơi thở, một bước chân, tại vì trong đó nó trống rỗng, nó không có chất liệu của niệm và của định. Người tu, trong đời sống hàng ngày, phải chế tác niệm và định và giới luật uy nghi là những biểu hiện cụ thể của niệm. Có lúc mình nói giới định tuệ, có lúc mình nói niệm định tuệ. Nó có nghĩa là giớiniệm là một thứ. Uy nghi trong bốn thế của thân hành, mình đi, đứng, nằm, ngồi, phải có phẩm chất, phải có nội dung. Ở trong kinh nói rất rõ là khi ngồi, mình biết là mình đang ngồi, mình ý thức tư thế ngồi của mình. Khi mình có ý thức về tư thế ngồi của mình thì tự nhiên lưng mình thẳng dậy, không có còm nữa. Nếu mình ngồi theo kiểu bà ngoại, lưng còm xuống, thì lúc đó mình không đang ngồi trong chánh niệm. Mình ý thức được mình đang ngồi thì đồng thời (một cách) tự nhiên, mình cũng thấy được lưng mình thẳng hay không thẳng, rằng mình có buông thư hay là không có buông thư. Niệm tức là sự có mặt đích thực của tâm mình trong mọi động tác, trong mọi giây phút của đời sống hàng ngày. Chúng ta có bốn quả, ở làng Mai cũng nói tới bốn quả nhưng mà bốn quả của làng Mai [3] nó dễ hiểu hơn nhiều.

 

Ở yên

Cái quả thứ nhất là an trú, dịch tiếng Việt là ở yên. Tức là mình cảm thấy thoải mái trong đời sống hàng ngày của mình, mình không có mong ước, không có mong cầu đi tới một chỗ khác, tức là an thân lập mạng trong hoàn cảnh của mình, mình không có đứng núi này trông núi nọ, gọi là an trú. Quả đầu tiên người tu phải đạt được là quả vị an trú. Còn nếu mà mình thấp thỏm, mình ngồi không yên, mình đứng không yên, mình ở không yên, mình ăn không yên, mình muốn đi tới một chỗ khác, mình muốn ở vào một địa vị khác, thì cái đó chưa gọi là an trú. Cái quả (an trú) đó phải đạt được, trước khi mình đạt được tới quả thứ hai.

Ngày xưa, tôi có làm một bài thơ gọi là “Phi cóc tính[4] , cóc tính tức là tính nhảy chỗ này rồi nhảy chỗ khác, không có thể ngồi một chỗ được. Người Việt chúng ta có một câu thành ngữ là “như bắt cóc bỏ dĩa”. Có cái dĩa, bắt con cóc bỏ vào đó, thì lúc sau nó nhảy ra khỏi, rồi mình lại bắt nó bỏ trong dĩa, rồi nó lại nhảy ra, thì đó là “cóc tính”. Trong người tu của mình, nhất là những người mới tu, có cái cóc tính. Không an trú được, không có ở yên, đứng núi này trông núi nọ. Cho nên, quả vị đầu tiên mà mình phải đạt được là quả vị phi cóc tính, không có tính cách con cóc bỏ dĩa nữa. Vậy có cô nào, chú nào mà còn có nhiều cái cóc tính đó, không có ở yên được, luôn luôn đứng núi này trông núi nọ, thì nên biết rằng cái quả đó mình chưa chứng. Và khi chứng quả đó (được) thì tự nhiên thấy thoải mái, thấy an lành, có hạnh phúc liền. Hình như trong này có bài phi cóc tính.

Quả vị đầu tiên mà ta tu chứng
là quả vị phi cóc tính

Nếu bạn bỏ cóc vào dĩa
chỉ trong vài giây
cóc sẽ nhảy ra.
Nếu bạn bắt cóc bỏ vào dĩa trở lại,
trong vài giây
cóc lại sẽ nhảy ra.

Giữ cóc trong dĩa
thật là rất khó.

Bạn và tôi
chúng ta đều có Phật tánh trong tâm,
đó thật là một niềm an ủi.

Nhưng bạn và tôi
chúng ta cũng có cóc tánh ở trong tâm.
Vì vậy cho nên
quả vị tu chứng đầy tiên của chúng ta
là đạt tới
phi cóc tính.

Ai đạt tới quả vị đó thì mình biết thôi. Và khi mình nhìn người khác mình thấy họ đang còn cóc tính nhiều quá thì mình biết rằng người này chưa có an tâm lập mạng, chưa có yên được.

Có một bài nữa, bài này cũng cùng một chủ đề là “Đi Vòng Quanh”:

Này người đang đi vòng quanh,
hãy dừng lại,
anh đi như thế để làm gì.

Chúng ta biết rằng chung quanh ta, có những người đang đi vòng quanh, họ có cóc tính rất là nhiều, họ không an trú được, không ở yên được. Họ không tìm được vui, hạnh phúc nơi họ đang ở và chỗ họ đang làm. Họ thao thức, họ muốn từ bỏ chính họ, từ bỏ điều kiện họ đang có để đi tìm một vị trí khác. Này người đang đi vòng quanh, hãy dừng lại, anh đi như thế để làm gì. Người kia trả lời:

tôi không thể không đi
và vì tôi không biết đi đâu  
nên tôi đi vòng quanh.

Rất là tội, mà những người như vậy đâu phải là không có, nhìn xung quanh là thấy, rất nhiều người đang đi vòng quanh, không thể không đi được, nhưng mà tại vì không biết đi đâu cho nên đi vòng quanh. Trước hết, mình tự hỏi mình có phải là một người trong những người đang đi vòng quanh hay không.

Tôi vẽ cái hình này để tặng cho sư em Pháp Khoa, sư em trẻ nhất mới có mười ba tuổi, trước khi xuất gia thọ mười giới, nó cũng đi vòng quanh nhiều lắm. Mình đi vòng quanh vậy nè, (nhưng) khi mình gặp con đường rồi thì sao mình (vẫn) phải đi vòng quanh, mình (phải) đi thẳng là như vậy. Nhất hướng là đi một hướng thôi, không có đi vòng quanh nữa. Khi mình gặp được thầy, gặp được tăng thân, gặp được những điều kiện tu học thuận lợi thì mình nhất hướng mình đi tới thôi, hướng thượng nhất lộ [5]  Này người đang đi vòng quanh, hãy dừng lại, anh đi như thế để làm gì, thấy kỳ cục quá, thấy tội nghiệp quá. Và xung quanh chúng ta, có biết bao nhiêu người đang đi vòng quanh.

Sư cô tự hỏi là mình có đang đi vòng quanh không. Đứng về phương diện hình thức thì giống như là mình đã mặc áo nâu rồi, đã mặc áo lam rồi và mình đang một hướng đi về giải thoát. Nhưng mà có thể trong lòng nó đang đi vòng quanh. Sư chú cũng vậy, bề ngoài mình thấy rõ ràng là mình đã cạo đầu rồi, quyết tâm rồi, đã thọ mười giới rồi, đã mặc áo nâu vào rồi, sáng nào cũng đi công phu, chiều nào cũng đi công phu, tham dự vào thời khóa đầy đủ hết. Đứng về phương diện hình thức thì giống như là mình đã có một hướng đi và mình quyết tâm đi. Nhưng chưa chắc, ở trong tâm mình còn có thể đang đi vòng quanh. Mình đang đi tìm một đỉnh núi khác, mình thấy đỉnh núi này chưa cao, chưa tốt, chưa hay. Này người đang đi vòng quanh, hãy dừng lại, anh đi như thế để làm gì. Người kia trả lời rất là tội nghiệp - tôi không thể không đi. Tại vì cuộc đời là một chuyến đi, đi đâu đó cũng phải đi thôi. Nhưng mà tại vì tôi không biết đi đâu cho nên tôi đi vòng quanh.

Này người đang đi vòng quanh,
anh hãy chấm dứt việc đi quanh.

Nhưng nếu tôi chấm dứt việc đi
thì tôi cũng chấm dứt tôi,

điều này rất là đúng, đời là phải có một mục đích, mình phải đi về một hướng nào đó, nếu mình không đi đâu tức là không có sự sống, không có mục đích.

Này người đang đi vòng quanh,
anh không phải là sự đi quanh,
anh có thể đi
nhưng không cần phải đi quanh.

Đó là lời khuyên anh có thể đi nhưng mà anh không nên đi quanh.

Tôi có thể đi đâu ?

thì người này nói :

anh hãy đi tìm anh.
Anh hãy đi tìm người thương

Anh hãy đi tìm người thương anh, người anh thương.[6]

Chúng ta nhớ đến câu chuyện trong Đường Xưa Mây Trắng, là một lần có một bọn thanh niên vào rừng, đi picnic, đem theo một cô vũ nữ. Sau khi ăn picnic xong, uống rượu no say rồi thì cả bọn lăn ra ngủ. Cô vũ nữ đó mới thu lượm tất cả những đồ trang sức quý giá, rồi trốn đi mất. Mười mấy chàng trai này thức dậy đi tìm. Đi tìm không thấy mà lại gặp đức Thế Tôn đang ngồi trong rừng. Rồi đức Thế Tôn hỏi mấy anh đi tìm gì vậy, đi đâu mà sớn xác, đi đâu mà có vẻ gấp rút như vậy. Thì mấy ảnh mới nói thưa thầy tụi con đi tìm một cô thiếu nữ, cô vừa mới ăn trộm rất là nhiều châu báu của chúng con và cô đi mất. Đức Thế Tôn cười, mới nói là này các anh đi tìm cái gì quan trọng hơn? Các anh nên đi tìm cô đó hay các anh nên đi tìm chính các anh? Câu nói đó làm cho những người thanh niên giựt mình. Tại vì mình tìm ra mình chưa được, thì đi tìm một cái gì khác làm sao được. Đi tìm chính mình tức là con đường tu.

 

Ai Là Người Niệm Phật?

Những người bên Thiền tông có cung ứng một công án để tặng cho những người tu ở bên Tịnh độ tông. Công án đó là Niệm Phật thì thùy[7] , Niệm Phật thì thùy tức là “cái người đang niệm Phật - người đó là ai vậy?”. Anh nói là anh đang niệm Phật, anh niệm Phật suốt ngày, chỗ anh ở là Niệm Phật đường, bảy ngày anh thực tập là Niệm Phật thất, Niệm Phật thì thùy là công án rất nổi tiếng. Đây là nhịp cầu mà người bên Thiền tông muốn bắc sang bên Tịnh độ tông để mời bên kia cùng thực tập.

Anh nói anh đang niệm Phật, anh niệm Phật với tất cả tấm lòng của anh, nhất tâm. Anh cho tôi biết người đang niệm Phật đó là ai vậy? Đó là một công án thiền. Nó làm cho pháp môn niệm Phật trở thành ra một pháp môn thiền tập. Tại vì bất cứ một sự thực tập nào mà có niệm thì nó đưa tới định. Và có niệm và có định thì nó đưa tới tuệ và đều là Phật giáo hết, dù là Thiền tông, hay Tịnh độ tông, hay Mật tông.

Nhưng mà niệm phải là niệm đích thực. Thiền không có niệm Phật trong khi đi, cũng có thể niệm Phật nhưng mà thay vì niệm Phật thì mình nói con đã về con đã tới. Khi mình tuyên bố đã về nhưng mình không có về thiệt, thì bên kia (Tịnh Độ) niệm Phật cũng vậy, có thể là miệng niệm nhưng mà tâm không có ở với Phật. Thành vấn đề là phải có chánh niệm, tức là phải có niệm thật, phải có năng lượng đó có thật trong tâm. Phải chế tác được năng lượng niệm. Chứ còn Nam mô A Di Đà Phật có thể chưa phải là niệm, nó mới là một lời tuyên bố thôi, như là tôi đã về tôi đã tới. Nam mô A Di Đà Phật là có sáu chữ, nó tương đương với một hai ba bốn năm sáu, tôi đã về nó tương đương với một hai ba là mình không có về thiệt được. Tại mình không có đầu tư hết tất cả thân và tâm để bước một bước chân. Đối với người quen, rất là dễ. Đi một bước chân, đem tất cả thân tâm mình trở về một mối để tập trung nơi bước chân đó. Đối với những người thực tập quen, nó quá dễ, cũng như là các sư cô chiên một miếng đậu hũ đó, để cho nó vàng rụm, không có khó gì mấy. Khi mình bước được một bước và mình về tới được một trăm phần trăm thì mình biết rằng mình có thể bước bước thứ hai, hay là bước thứ ba. Vấn đề là mình muốn hay là không. Mà muốn, muốn cho thiệt nhiều đó, thì tức là làm được.

Cho nên khi mà mình thực tập một mình, mình là người mới bắt đầu thì mình phải quyết tâm, mình không có thể làm sơ sơ được. Tôi thở vào và tôi đi rất là chậm, tôi bước một bước con đã về. Và mình có tám giây, sáu giây, hay mười giây để mà về, mà sáu giây là nhiều lắm, tám giây là nhiều lắm. Nếu mình không về được hoàn toàn trong vòng sáu giây tám giây, là niệm và định của mình nó hơi yếu. An trú được trong bước chân đó, mình cảm thấy đã về đã tới, mình dừng sự rong ruổi trở lại. Tại vì trong con người của mình nó có một năng lượng gọi là tập khí, nó luôn luôn đẩy mình đi, và năng lượng đó rất mạnh, nó là con voi hoang, nó là con mãnh hổ, mình phải khôn khéo trói nó lại. Ở đây, mình trói nó bằng hơi thở và bước chân. Trở lực lớn nhất khiến cho mình không có về được trong một bước chân là chính anh chàng đó, chính năng lượng, tập khí nó đẩy mình, nó nói phải đi mau, phải đi mau, (nó nói) quan trọng là ở tương lai chứ không phải ở hiện tại, (hiện tại) không có gì đâu mà dừng lại để làm cái gì. Cho nên tôi bước một bước, tôi để hết tất cả tâm của tôi ở dưới gan bàn chân, tôi không có để tâm ở trên đầu.

Chúng ta có một bài kệ đi chơi[8] trong bản môn, nên đi bằng hai chân, không nên đi bằng đầu, đi bằng đầu sẽ lạc, phải đi bằng hai chân mình và mỗi bước chân nó giúp mình tiếp xúc với tất cả những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt. Vì vậy nên đi bằng chân chứ không nên đi bằng đầu. Đi bằng đầu thì mình bay bổng lên hư không trong vòm trời của tư duy, của triết học, của mộng mị. Đi chơi trong bản môn, nên đi bằng hai chân, không nên đi bằng đầu, đi bằng đầu sẽ lạc. Đi chơi trong bản môn, tay ta nắm tay người, nắm tay của đức Thế Tôn mà đi chơi. Tại sao không? đức Thế Tôn là thầy của mình mà, là cha của mình mà, là anh của mình, là bạn tu của mình. Nắm tay đức Thế Tôn đi chơi, đức Thế Tôn chỉ đi trong giây phút hiện tại, đi như một con người tự do không bị quá khứ ràng buộc, không bị tương lai lôi kéo. Đi chơi trong bản môn, tay ta nắm tay người. Ngàn xưa và ngàn sau cùng về chung một lối. Chúng ta hãy tưởng tượng Bụt Thích Ca với Bụt Đa Bảo ngồi chung một pháp tòa ở trong một bảo tháp rất là vui.

Sáng nay tôi thấy thầy Đức Nghi với thầy Chí Mậu, hai anh em nắm tay nhau đi ở ngoài đó. tôi rất là vui. Vậy khi đi, tôi là người mới tập thì tôi không có để tâm của tôi ở chổ này, tôi đem tâm của tôi để ở dưới này. Và khi tôi đi, tôi chú ý chỗ tiếp xúc giữa bàn chân với mặt đất. Một bước chân như vậy, nó giúp tôi trở về, tôi đang đứng ở trên miếng đất của thực tại, tôi không đang đứng ở trong thế giới của tư duy, của mộng mơ, của quá khứ. của tương lai. Tôi thật sự được an trú trong hiện tại.

Vua Trần Thái Tông nói là "Bộ bộ đạp trước thật địa"[9]  tức là mỗi bước đều dẫm lên mảnh đất của thực tại. Mảnh đất của thực tại là mảnh đất của giây phút hiện tại, “bộ bộ đạp trước thật địa” là mỗi bước chân đều dẫm lên mảnh đất của thực tại gọi là thật địa. Khi tôi để hết tâm của tôi vào dưới bàn chân và tôi tiếp xúc được với  mặt đất mầu nhiệm, tôi trở về được một trăm phần trăm với hiện tại, tôi chống cự lại khuynh hướng kéo tôi về quá khứ, về tương lai. Tôi có thể làm như đức Thế Tôn “hiện pháp lạc trú “ tức là ngay trong giờ phút hiện tại, tôi có an, tôi có lạc. Nếu sư chú quyết tâm thì sư chú có thể về được, tới được giây phút hiện tại bây giờ và ở đây, trong vòng bốn giây, sáu giây, hay là tám giây. Tâm mình nó không có rong ruổi nữa, tâm mình nó an trú trong giây phút hiện tại và thấy rằng đang còn sống đây, đứng ngay chỗ này là mầu nhiệm, không còn có mong ước bương chải đi tới đường kia để làm cái gì hết. Có cảm tưởng mình đã về thật sự, đã tới thật sự thì sư chú thành công, thành công được một bước, nó có nghĩa là mình có thể thành công được nhiều bước. Nếu mà chưa về thì tại sao phải bước bước thứ hai, cứ để đó, cứ để bước như vậy cho đến khi mình về thì lúc đó mới bước thứ hai, miếng đậu hũ chưa vàng không có gắp ra, để đó cho nó vàng, các sư cô nghe không?

Cho nên, hơi thở, bước chân, thiền ngồi, thiền đi, tất cả những cái đó là để giúp cho mình đạt tới quả vị đầu là quả vị an trú. Không như là con cóc bỏ vào đĩa, mình có hạnh phúc, mình có an lạc, mình có sự thoải mái ngay bây giờ và ở đây.

 

Phật Là Ai?

Trở lại cái này một chút, “Niệm Phật thì thùy?” tức là đưa ra câu hỏi - ai là người đang niệm Phật đó? Tại vì trước đó mình chắc mẻn mình biết mình là ai rồi, mình chỉ đặt vấn đề là mình có niệm Phật được hay không thôi. Và mình có niệm Phật đến mức độ nhất tâm bất loạn hay không thôi, chứ mình biết mình là ai rồi. Đó là một ảo tưởng, mình chưa biết mình là ai đâu. Vì vậy, mình cũng chưa biết Phật là ai đâu.

Trong công án này có một giả thiết, giả định là mình chưa biết mình là ai cho nên mình phải quán chiếu. Nhưng mà trong công án này nó bao hàm ý là mình đã biết Bụt là ai rồi. Niệm Phật thì thùy, Ai là người niệm Phật? Mình chưa biết ai là người niệm Phật, nhưng mà mình đã biết Phật là ai rồi. Cái đó chính nó lại là một công án khác. Mình chưa biết Bụt là ai đâu, mình mới chỉ mới có một ý niệm về ngài.

Hồi nhỏ, lúc ba tuổi đến chùa, mình có một ý niệm Phật là ai rồi. Đến khi mình lên tám tuổi, ý niệm đó thay đổi. Rồi khi mình đọc sách Phật thì mình có một vài ý niệm mới về Phật. Cái ý niệm về Phật của mình nó cứ chuyển biến từ từ, bỏ ý niệm trước được, có ý niệm (mới) cao (hơn), nó gần với sự thật hơn. Trong chúng ta có nhiều người thấy Phật như là một ông vua, cách chúng ta lạy giống như là tung hô vua. Cái cách chúng ta để ngài lên trên đài sen cao chót vót đó nó, chứng tỏ chúng ta thờ phụng ngài như một ông vua. Cái cách thờ tự, lạy (lục) của chúng ta nó mang nhiều tính phong kiến. Trong khi đó mình có thể thấy Bụt là một bậc thầy rất là đơn sơ, đi chân đất, ngồi dưới gốc cây, ngồi trên cỏ. Và ngài không có thoải mái khi mình đưa ngài lên cao đứng ở chỗ chót vót đó rất là xa, rồi mình (chỉ) quỳ lạy thôi và tạo ra một hố cách biệt rất là lớn giữa mình và Phật. Mình là con số không, Phật là tất cả. Mình đi kiếm chác một chút uy lực, một chút tình thương, trí tuệ của Bụt. Trong khi đó tổ Lâm Tế nói - Bụt là ai? Bụt chính là anh - Anh đang ngồi trước mặt tôi, anh là Bụt đó, đừng có đi tìm Bụt ở ngoài anh. “Phật sanh bất nhị”, đây là một cái thấy, mình thấy ở trong Lâm Tế lục rất là rõ, Phật sanh bất nhị, sanh tức là chúng sanh, Phật và chúng sanh không phải là hai thực thể tách biệt ra. Trong Phật, mình tìm thấy chúng sanh, trong chúng sanh, mình tìm thấy Phật. Đi tìm Phật ngoài chúng sanh, đi tìm chúng sanh ngoài Phật cũng là không có được. Trong khi đó, trong sự thực tập của mình, mình càng ngày càng đào hố chia cách giữa mình với Bụt càng sâu. Hơn nữa, mình có ảo tưởng là mình biết Phật là ai rồi, chỉ có vấn đề còn lại thôi là mình chưa biết mình là ai mà thôi, mình giải quyết được năm mươi phần trăm rồi trong khi đó mình chưa giải quyết được một phần trăm. Thành ra công án này nó giả định mình biết Phật là ai rồi, mình chỉ chưa biết mình là ai mà thôi. Sự thật là khi mình biết mình là ai thì mình cũng biết Phật là ai. Và sự thật cũng là khi mình biết Bụt là ai thì mình cũng biết mình là ai. Tại vì Phật sanh bất nhị.

Công án này đánh dấu một giai đoạn của lịch sử Phật giáo, trong đó người tu thiền muốn tới gần người tu tịnh, để hai bên kết lại tình thân hữu, chia sẻ với nhau cái thấy, cái kinh nghiệm tu tập, rất là vui. Niệm Phật thì thùy, ở Trung Quốc hiện bây giờ cũng còn thực tập công án này. 

Có những thiền sinh xuất phát từ môn phái Tịnh độ, họ nói uổng quá, nếu mà mình sử dụng những thiền ngữ như “đây là Tịnh độ, Tịnh độ là đây”, “tôi đã về, tôi đã tới” thì nó uổng, thay vì sử dụng “tôi đã về tôi đã tới” thì “Nam mô A Di Đà Phật” có phải hay hơn không. Vừa được đi thiền hành, vừa được thở, mà lại vừa được niệm Phật, không có bỏ cái nào hết, hay không! ý là vậy đó, Nam mô A Di Đà Phật. Thì vừa thở, vừa đi thiền hành, vừa được niệm Phật, đâu cần bỏ, trong khi đó đã về đã tới, thì đã về đã tới, đâu phải Phật, làm sao mà linh bằng Nam mô A Di Đà Phật. Vấn đề (là) anh “nói” cái gì cũng được, nhưng trong khi anh thực tập, anh phải chế tác được niệm. Vấn đề là anh có chế tác được niệm hay không. Mà anh chế tác được niệm tức là anh chế tác được định, tại vì trong niệm nó có mầm mống của định. Niệm mà duy trì được niệm thì định nó lớn lên từ từ. Mà Niệm Định Tuệ tức là Phật đó.

Anh chú ý tới ly trà, anh có chánh niệm về ly trà, anh có chánh niệm về đám mây ở trong ly trà. Khi tôi rót trà trong chánh niệm, tôi biết cái gì đang xảy ra, tôi thấy nước trà trong bình nó chảy ra, tôi biết rằng tay của tôi đang cầm cái bình và nước trà từ trong bình trà chảy ra. Cái tâm của tôi nó hoàn toàn chú tới cái bình trà với nước trà chảy ra, tâm tôi không có suy nghĩ quá khứ, tương lai, (hay) những dự án. Tôi đang sống với hiện tại, đặt xuống tôi biết là tôi đang đặt xuống, tôi mở cái thermot rót nước sôi thì tôi biết nước sôi đang chảy ra. Và tôi buộc niệm, buộc tâm tôi vào những cái đó, tôi nhận diện được cái gì đang xảy ra. Tại vì niệm trước hết là biết được cái gì đang xảy ra, cái gì đang xảy ra là mình đang thở vào, mình đang thở ra, mình bước một bước một, hoặc là mình đang rót trà, cái gì đang xảy ra là cái đó, mà cái đó là niệm. Mà nếu Niệm cho vững thì nó có Định ở trong đó. Mà có Niệm, có Định, có Tuệ thì tức là Phật ở trong đó rồi, dù mình không có niệm danh hiệu.

Có khi mình niệm danh hiệu nhưng mà không có Phật, tại vì mình niệm danh hiệu như là mình nói tôi đã về mà mình không có về. Tôi đã về mà không có niệm đó thì cũng không có Phật. Mà Nam mô A Di Đà Phật mà không có niệm đó thì cũng không có Phật, nó trống rỗng. Và khi mà mình uống nước mà tâm của mình đang ở đây bây giờ thì mình thấy cái gì? mình nhìn vô trong trà thì mình thấy trà và nhìn vô trong trà mình thấy đám mây. Ngày hôm qua đám mây bay trên trời và bây giờ đám mây chun vào trong cái ly trà của tôi. Và điều này không phải là một điều phải tưởng tượng. Tại vì trà với mây là nhất thể, và khi mình uống trà với cái thấy đó thì mình thấy rõ ràng là mình đang uống mây. Đám mây không phải trên trời, ở trong người mình có quá nhiều mây, mười mấy lít máu đó là mây, chứ đừng nói mây chỉ có ở trên trời. Mây nó có trong con người của mình và mình đang đưa mây về từ từ, mỗi ngày mình đều  tiêu thụ mây hết. Và mây với mình nó thân thiết hơn là mình tưởng, nếu không có mây là mình chết liền lập tức, cũng như là nếu không có mặt trời là mình chết liền lập tức, sẽ có băng giá. Như vậy thì niệm nó chứa đựng định và định nó đưa tới tuệ, những cái thấy đó là tuệ. Cái thấy tương tức tương duyên, cái này nằm trong cái kia, cái kia nằm trong cái nọ. Khi mình nhìn ly trà tôi thấy nước trà, tôi thấy đó rõ ràng là những đám mây. Tuy là đám mây hôm qua mình thấy trên trời không còn nữa, nhưng mà không có nghĩa đám mây nó chết rồi. Đám mây không có chết được, đám mây nó chỉ có thể biến thành mưa, thành nước hay là thành tuyết thôi. Và mình đạt tới cái thấy bất sinh bất diệt về đám mây, đám mây bản chất của nó là không sinh không diệt, đám mây không có thể nào chết được, đám mây không có thể nào từ có trở thành không, đám mây chỉ có thể thay hình đổi dạng. Và đây tôi thấy đám mây rất rõ ràng và tôi tiếp xúc với đám mây. Những cái thấy đó là tuệ, mà tuệ nó tháo gỡ cho mình khỏi sự sợ hãi, khỏi sự ưu phiền, khỏi cảnh biệt ly. Thì niệm định tuệ chính là Phật, hể làm cái gì mà chế tác được niệm, được định và tuệ là mình đang ở với Phật. Đang uống trà với Phật, đang cầm tay Phật đi thiền hành, đi trong bản môn tay ta nắm tay người là chuyện có thể làm được bây giờ. Chứ không phải đợi khi thân hình này nó tàn hoại rồi mình mới đi sang bên nớ, mình phải là ngay bây giờ. Nắm tay đức A Di Đà, đức Thích Ca để đi thiền hành là chuyện mình có thể làm được ngày hôm nay, tại sao phải đợi khi mà thân thể này nó tan hoại rồi mới đi qua bên đó.

Các Tổ cũng đã nói như vậy chứ phải không nói đâu, các Tổ nói Tịnh độ là trong trái tim của anh, duy tâm Tịnh độ , nói nó nằm ở phương Tây là một cách nói thôi, bộ bên phương Đông không có Tịnh độ sao, ở đây không có Tịnh độ sao. Bản chất của Tịnh độ cũng như bản chất của Niết bàn là phương ngoại kiếp ngoại. Phương là không gian mà không gian thì chúng ta có thể phân biệt đông, tây, nam, bắc. Ở ngoài đời họ nói có bốn phương, có khi họ nói sáu phương, trong đạo Phật mình gọi là mười phương, đông tây nam bắc, tứ duy và thượng hạ là mười phương. Thành ra chữ phương này nó có nghĩa là không gian và phương hướng. Thì mình nói tới Niết bàn, Niết bàn nó không có nằm ở trong không gian, nó không có nằm ở trong phương hướng, Niết bàn không phải ở đông tây, hay là nam hay bắc. Niết bàn là phương ngoại tức là ở ngoài không gian, nó là không gian ở ngoài không gian, phương ngoại. Và những người giác ngô, các bậc giác ngộ họ sống ở một không gian ngoài không gian, mà có phân biệt được đông tây nam bắc tứ duy thượng hạ gọi là phương ngoại phương, tức là không gian ngoài không gian.

Ngày xưa Tuệ Trung Thượng sĩ là một thiền sư cư sĩ, anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo, có làm bài Phóng Cuồng Ca [10] , trong đó có câu chống gậy rong chơi phương ngoại phương, rong chơi ở cái đó thì không bao giờ cuộc chơi nó tàn hết. Còn rong chơi ở trong không gian của mình thì thế nào cũng có lúc tàn phai cuộc chơi, cuộc chơi thế nào cũng tàn phai.

Ngày xưa ở chùa Từ Quang, thầy Trúc Dục có làm bài bóng hoa đàm ca ngợi sự giáng sinh của đức Thích Ca và thầy nói hoa lòng nở, nở hoài trong kiếp ngoại. Kiếp ngoại tức là thời gian ngoài thời gian, kiếp tức là thời gian đó. Và trong lời tán dương giáo pháp thì nói giáo pháp đức Thế Tôn nó vượt thoát thời gian, nó không có tàn phai với thời gian, nó luôn luôn có giá trị gọi là  akalica. Akalica tức là nó vượt thoát thời gian.

 

Tính cách của Niết bàn,

Niết bàn - mình không có thể nào tìm trong không gian và thời gian được, tại vì Niết bàn nó siêu thoát không gian và thời gian, (mà) không gian và thời gian là những sản phẩm của ý thức. Có một điều rất là lạ lùng hiện bây giờ đây, khoa học lượng tử nó cũng tìm ra như vậy, nó nói các điện tử - dương điện tử, âm điện tử, những cái đó nó lạ lắm, nó như “ma”, nó có thể có mặt một lần ở nhiều chỗ. Và các nhà khoa học mới, họ nói về những quantum, những lượng tử, họ nói rằng là bản chất của lượng tử là “phi cục bộ”. Phi cục bộ tức là một danh từ khoa học bây giờ họ dùng, phi cục bộ [11] tức là nó không có tính cánh địa phương. Phi cục bộ, đây là tiếng Việt, mà tiếng Anh là no local, không có tính cách địa phương, tức là mình không có thể xác định vị trí của nó ở trong không gian được và cũng không có xác định vị trí ở trong thời gian, no local, no time (temp). Ngay những lượng tử như là một quang tử. Thì Einstein đã cho mình ý niệm là ánh sáng nó gồm những hạt rất là nhỏ, gọi là quang tử photon. Mà những photon đó, mình có thể quan niệm nó là một hạt mà cũng có thể quan niệm nó như là một đợt sóng. Khi mình nghiên cứu nó dưới dạng hạt thì nó hiện hình ra dưới dạng những hạt, nhưng mà khi nghiên cứu nó dưới tư cách một đợt sóng thì nó hiện hình ra cho mình là một đợt sóng. Giống như đức Quan Thế Âm, có khi hiện ra là một đồng tử, có khi hiện ra là một đồng nữ, có khi hiện ra là một thương gia, có khi hiện ra là một nhà chính trị. Thì những photon nó cũng vậy, mình muốn nó hiện ra cái gì thì nó hiện ra cái đó, rất là hay, ưng dĩ đồng nam thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam thân nhi đắc độ giả, ứng hiện càn thát bà, atula, carola, cẩn na la, thân đắc độ giả, niết tất gia(…) hiện chi vị thuyết pháp. [12]

Ơ đây cũng vậy, một quang tử, một photon, một là nó là một hạt, hai là đợt sóng, làm sao làm một lần (là) hai được. Vậy mà khi nghiên cứu, thấy rằng có khi nó hiện ra như là một hạt, có khi hiện ra như một đợt sóng, tùy theo câu hỏi mình đặt ra. Người ta đã đi tới một kết luận, các nhà khoa học hiện đại nhất về lượng tử đã nói rằng tính chất của các lượng tử là phi cục bộ, tức là nó vượt thoát thời gian, nó không có thể được xác định vị trí trong không gian và thời gian được. Và đi về quá khứ là chuyện không thể làm được. Vậy thì Tịnh độ cũng vậy, Niết bàn cũng vậy, bản chất của Tịnh độ và Niết bàn là nó vượt thoát không gian, vượt thoát thời gian, mình không cần nói nó là ở phương tây hay là ở phương đông. Cái tâm của mình cũng vậy, tâm của mình không thể nào xác định nó là ở trong thời gian và không gian được. Và từ từ khoa học và Phật học nó tới gần với nhau. Và người ta dự đoán rằng thế kỷ thứ hai mươi mốt này, nhà khoa học với nhà Phật học cầm tay nhau đi chơi giống như là thầy Đức Nghi với thầy Chí Mậu sáng nay.

Chống gậy rong chơi trời phương ngoại phương, đó là lời của Tuệ Trung thượng sĩ. Mình đi chơi, nhưng mà đi chơi ở khung trời không phải là không gian có đông tây nam bắc, là mình có không gian vô biên, thời gian vô tận, không có tàn hoại, cuộc chơi không bao giờ bị chấm dứt, vượt thắng sinh tử, vượt thắng có không, đó là Niết bàn. Niết bàn tức là một cái gì nó vượt thắng có không, còn mất, sinh tử, tới và đi. Vậy thì ngay hơi thở của mình, ngay bước chân của mình mà nếu mình tiếp xúc sâu sắc thì chính hơi thở và bước chân của mình cũng đưa mình tiếp xúc với phương ngoại và kiếp ngoại và đưa mình tiếp xúc với Niết bàn, với Phật độ, chứ không phải là ABC của Phật pháp. (Phật pháp) không có gì là ABC hết, một pháp nó chứa dựng tất cả các pháp. Và khi mà mình thực tập pháp đó cho nó thật sâu sắc thì mình thật chứng được tất cả các pháp khác, đó là giáo lý của kinh Hoa Nghiêm. Ngay trong kinh Quán Niệm Hơi Thở và kinh thứ tám trăm mười [13] cũng có câu đó. Các pháp, các pháp này tức là tứ đế, bát chánh đạo, tứ chánh cần, ngũ căn ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, tứ niệm xứ. Tất cả những pháp đó, pháp này nương vào pháp kia, pháp này yểm trợ pháp kia và trong một pháp có đủ tất cả các pháp. Và chỉ cần thực tập một pháp cho nó sâu sắc thì mình đạt hết tất cả các pháp khác. Ai nói rằng kinh đó là kinh tiểu thừa, kinh A Hàm là kinh tiểu thừa và những tư tưởng đại thừa uyên ảo nó đã có nằm sẵn trong những kinh đó.

Ngày xưa thì tôi cũng được học tại các Phật học viện ở Việt Nam như phần lớn các thầy. Nhưng mà tôi có cơ duyên tiếp xúc được với Phật giáo nguyên thủy và đọc những kinh căn bản của thiền tập như là kinh Niệm xứ, kinh An ban thủ ý, kinh Người bắt rắn. Tôi đã để nhiều thì giờ để nghiên cứu những kinh căn bản thiền tập đó. Biết rất rõ ràng vào thời đức Thế Tôn, các thầy đều học thuộc lòng và đều sử dụng kinh đó làm “sách” [14] gối đầu giường cho nên tôi nghiên cứu rất kỹ và tôi khai thác, đem ra áp dụng. Và với cái thấy phóng khoáng của Phật giáo đại thừa, tôi đem những kinh đó ra sử dụng để giảng dạy cho thiền sinh Tây Phương. Và mình giảng dạy cho họ không phải trên căn bản kiến thức mà mình đạt được trong khi nghiên cứu mà mình giảng dạy hướng dẫn cho họ trên căn bản của sự thực tập của mình.

Pháp môn nào mà mình đem ra chia sẻ với xã hội là trước hết mình phải tinh luyện, mình phải thực tập ngay trong đồ chúng của mình, trong nội bộ của mình cho thành công. Ví dụ như  thiền lạy chẳng hạn, mình tập thành công rồi thì mình mới đem ra ở ngoài. Cũng giống như là một loại thuốc vừa mới bào chế, phải đem thí nghiệm cho các loài thú vật trước, nếu nó không có những tệ hại thì mới đem áp dụng cho con người. Và có những người tình nguyện uống thử thuốc đó và sau khi có một số người đã thí nghiệm và đã có kết quả tốt rồi thì mới được phép đưa ra thị trường, ở đây cũng vậy. Và kết quả là ở Mai thôn đạo tràng đã chấp nhận một Tịnh độ tông, đã tìm ra rằng Thiền tông và Tịnh độ tông có thể đi đôi một cách tuyệt hảo với nhau. Khi mình đào sâu vào giáo lý và sự thực tập của Tịnh độ tông, mình thấy được rằng Di Đà là tự tánh của mình và Tịnh độ phát xuất từ chân tâm của mình. Thì mình thấy rõ ràng rằng là đức Phật A Di Đà cũng như cõi nước Tịnh độ là những thực tại mà mình có thể tiếp xúc được ngay trong giây phút hiện tại, không cần phải chết rồi mới được gặp đức A Di Đà, không cần chết rồi mới bước sang Tịnh độ. Ngay trong trong giây phút hiện tại nếu có niệm và định khá vững chãi thì có thể bước một bước là đi vào Tịnh độ. Và trong Tịnh độ mình có quyền nắm tay đức A Di Đà để đi thiền hành và hạnh phúc rất là lớn, không cần phải chờ đợi. Và đó là giáo lý vượt thoát thời gian Akalika [15] . Giáo pháp mình không có cần phải chờ đợi năm năm bảy năm, hễ nắm được giáo pháp mà áp dụng vào là có sự thuyên giảm, có sự trị liệu, có sự chuyển hóa bắt đầu liền lập tức, gọi là hiện thân thọ chứng. Hiện thân thọ chứng với thân thể này, với hình hài này, với kiếp sống này. Mình tiếp nhận và chứng ngộ không có cần phải (đợi) kiếp sau, không có cần phải tương lai, hiện thân thọ chứng. Đó là một đặc tính của giáo pháp.  Cho nên trong những bài sám của nhật tụng hai ngàn, có bài sám có câu là - mỗi bước chân đi vào Tịnh độ, mỗi cái nhìn thấy được Pháp thân.

Mình đi vào trong Tịnh độ phải có một hộ chiếu, phải có một visa, mà visa đó tức là niệm định và tuệ. Nếu anh không có visa , (không) có ba dấu ấn đó thì tôi đố anh đi vào trong Tịnh độ được. Mà tuệ đó là tuệ gì? Cái tuệ đó là nó có mặt ngay trong giây phút hiện tiền, nó không cần phải đi tìm ở phương nào cả và ở trong tương lai. Và chính ngay trong kinh  A Hàm đức Thế Tôn đã sử dụng danh từ hiện pháp Niết bàn. Khi nào mình có niệm định tuệ, mình có giải thoát thì Niết bàn là cái có thể sờ mó được bằng chính hình hài của mình, chứ đừng có nói bằng chính tâm của mình, hiện pháp Niết bàn và hiện pháp Tịnh độ . Và passport, visa nó cho phép mình đi vào trong Tịnh độ, chính là năng lượng của niệm của định và của tuệ. Và mình có thể bước vào Tịnh độ bất cứ lúc nào mình muốn, mỗi bước chân đi vào Tịnh độ. Và vì vậy cho nên sự thực tập căn bản của mình là phải chế tác niệm, chế tác định và chế tác tuệ trong đời sống hàng ngày của người tu. Mình làm việc nhiều, mình xây chùa nhiều, mình tổ chức nhiều. Nhưng mà nếu trong khi mình làm những cái đó mà mình không có chế tác niệm định tuệ thì mình bỏ phí cuộc đời tu của mình mà thôi. Mà nếu mình tu rục, mà không chế tác niệm định tuệ thì cũng bỏ phí cuộc đời tu của mình mà thôi, mình hành xác, mình tu rục nhưng mà trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày không có niệm, không có định, không có tuệ, không có hỷ, không có lạc thì cũng bỏ phí cuộc đời tu mà thôi. Đức Thế Tôn nói rằng giáo pháp của ta nó tốt đẹp lúc ban đầu, nó tốt đẹp lúc ở chặng giữa và nó cũng tốt đẹp cái chặng cuối, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện. Không có nghĩa là ban đầu phải lao tác mệt nhọc, phải chịu khó, phải chịu cực thì sau này mới có hạnh phúc. Không - cái đó là hậu thiện thôi, không có sơ thiện và trung thiện. Giáo pháp của ta nếu các con chấp nhận áp dụng thì hạnh phúc liền lập tức ngay khúc đầu gọi là sơ thiện. Sơ thiện, mà trung cũng thiện, mà hậu cũng thiện, lovely in the beginning, lovely in the midle, lovely in the end.

Xã hội ngày hôm nay là một xã hội hết sức là bận rộn, nó có một sự bương chãi rất là lớn, nó có một sự cạnh tranh rất là ác liệt, rất là khốc liệt. Để thành công hơn người trong giới doanh thương, trong giới chính trị, trong giới quân sự. Cho nên người ta càng ngày càng không có khả năng sống an lạc hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, càng ngày càng đi xa cái thứ hạnh phúc mà đức Thế Tôn nói là hiện pháp lạc trú, tức là đức Thế Tôn nói rằng con có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, nếu con tập sự xuất gia con cũng có thể hạnh phúc được liền, không có cần phải xuất gia rồi mới có hạnh phúc, nếu con mới là sa di thôi, chưa là tỳ kheo con cũng có hạnh phúc rồi không phải đợi thọ giới lớn mới có hạnh phúc, sự thật là nó như vậy.

Và lúc đó mình thấy rằng quả vị án trú là nó cần thiết như thế nào, mình phải đạt cho được quả vị đó. Cái quả vị tiếp theo là đã về đã tới, an trú chuyển hóa được cái cóc tính ở trong người thứ hai là đã về đã tới. Dừng lại được, không có trôi lăn nữa, cảm thấy thoải mái, an lạc hiện ngay bây giờ, không có bị cái tập khí nó kéo theo nữa, nó lôi kéo đi nữa, đã về đã tới. Con đã chạy suốt đời, con đã chạy trong những kiếp khác, bây giờ con đã dừng lại được và con đã thấy được niềm vui trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Cái đó là quả đã về đã tới mà chư tôn đức vị nào chứng được quả đó thì vị đó cũng biết không có cần phải người khác nói. Khi người ta nhìn vào, người ta thấy mình sống an lạc được trong giây phút hiện tại, không có bương chãi, không có trôi lăn trong sự lo lắng về tương lai, thì mình biết rằng người đó đã chứng được quả vị đã về đã tới, hoặc là đang ở trên đường đã về đã tới, đã về đã tới hướng hay là đã về đã tới quả, có nghĩa là A La Hán hướng, A La Hán quả.

Vậy quả thứ ba là quả gì? có ai nhớ không? là quả tương tức, là tuệ giác nó cho mình thấy rằng cái này tức là cái kia, cái này nó nằm trong cái kia, Phật nằm trong chúng sanh, mình nằm trong cha, trong mẹ, (cha) mẹ nằm trong mình, đám mây nó nằm trong ly nước trà, cái này nằm trong cái kia, cái này là cái kia gọi là tương tức. Tương tức là cái thấy về duyên sinh, mà cái thấy này không phải là mình đạt được do lý thuyết, do học hỏi, do nghiên tầm triết học. Mình thấy được cái này là tuệ giác chứ không phải là kiến thức.

Có một lần thầy Anan nói với đức Thế Tôn - giáo lý về duyên sinh hình như là đơn giản thôi, con có cảm tưởng là con hiểu được một cách rất rõ ràng. Bụt nói đừng nói như vậy thầy Anan, giáo lý duyên sinh rất là mầu nhiệm. Mà tuệ giác duyên sinh mà đạt tới là chấm dứt được sanh tử. Những lần đầu đức Thế Tôn nói về duyên sinh, ngài nói với những danh từ hết sức là đơn giản  “thử hữu tức bỉ hữu, thử vô tức bỉ vô, thử sinh tức bỉ sinh, thử diệt tức bỉ diệt”, dịch là “cái này có thì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sanh vì cái kia sanh, cái này diệt vì cái kia diệt”, nó hết sức là đơn giản nhưng mà nó sâu sắc vô cùng.

Cái này nó nương vào cái khác mà có, mà biểu hiện, cái khác nương vào cái này mà biểu hiện, nó nương nhau mà biểu hiện không cần cái nào trước cái nào hết. Ví dụ như tôi vẽ một hình tam giác ABC, rồi tôi muốn từ hình tam giác ABC, tôi tạo ra hai hình tam giác, tôi gạch một đường AH và bây giờ tôi có hai tam giác là AHC với ABH. Thì bây giờ thử hỏi hai hình tam giác đó, cái nào có trước? cái nào có sau? - Hai cái đó nó nương vào nhau mà có, không có cái này thì không có cái kia, không có cái kia thì không có cái này, nó vượt thoát thời gian, nó nương vào nhau mà có thì cái này không phải là có trước mới sinh ra cái kia, cái kia không phải là có sau là tại vì cái này có trước. Nó đơn sơ như vậy, tương tức mình dịch là interbeing, đó là một danh từ của Hoa Nghiêm tông, bây giờ bên Tây Phương nổi tiếng lắm, danh từ này, sóng ở trong nước, nước ở trong sóng, mây ở trong dòng sông, dòng sông ở trong mây.

Ở bên Ai Cập, họ tin rằng dòng sông Nile là từ trên trời chảy xuống, mà thật sự nó đúng như vậy, là từ trên trời nó chảy xuống, dòng sông Cửu Long cũng vậy, từ trên trời chảy xuống, là từ mây mà xuống chứ có gì đâu, rất là đúng. Cho nên khi mình an trú được rồi, thoải mái trong giây phút hiện tại rồi, quán chiếu thấy được cái nhìn tương tức, có được tuệ giác đó rồi thì mình đạt được tới quả vị gọi là vô sinh, thoát khỏi sống chết.

Chữ vô sinh, vô sinh dĩ chứng, vô sinh tốc chứng ở trong công phu chiều hay công phu sáng gì đó. Thì nó đại diện cho bảy cái “vô” khác, vô sinh nó có nghĩa là bất diệt, vô khứ vô lai, phi nhất phi dị, phi hữu phi vô, phi thường phi đoạn. Những cái đó, chữ vô sinh nó đại diện cho tất cả những ý niệm khác. Mình có ý niệm có và không, thường và đoạn, tới và đi, một và nhiều. Thì tất cả những cái đó nó được đại diện bằng cái anh chàng “sinh”, vô sinh tức là cũng “vô” tất cả những cái khác (đó).

Trình bày bốn quả này thì rất là dễ, ai cũng hiểu được hết và người nào đi tới đâu thì mình biết là mình đi tới đó. Khi tổ chức một khóa tu cho người xuất gia hay cho người tại gia thì mình có thời khóa ngồi thiền, đi thiền, pháp đàm, ăn cơm trong chánh niệm, nghe chuông tập thở, và các thiền sinh tham dự xong, họ có an lạc, họ có hạnh phúc. Nhưng mà mình tổ chức khóa tu, sau khi khóa tu chất dứt rồi thì mình vẫn tiếp tục làm như trong khóa tu. Cái điều này nó rất là quan trọng, tại vì tôi đã thấy những thiền viện theo truyền thống Nhật Bổn tổ chức những khóa tu, mà trong khóa tu đó trong năm ngày, mười ngày, ba tuần,… thực tập rất là gắt gao, có thể mình không có theo nổi. Nhưng sau khi khóa tu chấm dứt thì buông thua ra hết, đi uống rượu, đi chơi, không có tiếp tục. Đợi khóa tu tới thì gắt gao trở lại. Nó có những thái cực ở giữa những khóa tu, nó có những thời gian gọi là không-khóa-tu. Và trong thời gian không-khóa-tu mình có thể làm bất cứ cái gì mình muốn.

Còn tại làng Mai nó khác, khóa tu chấm dứt rồi, thiền sinh đi về, mình cũng tiếp tục tu giống hệt như khóa tu đang còn. Tại vì sao vậy? Mình tu cho mình chứ đâu phải tu cho ai, tại vì làm cái đó nó an lạc, nó hạnh phúc. Sau mỗi khóa tu làm việc hơi cực nhọc, thì thường thường mình có được mấy ngày gọi là ngày làm biếng để mình làm những cái chuyện mình ưa làm, ví dụ ngồi viết thơ cho thầy, ngồi viết thơ cho bạn, đọc một vài cuốn sách, ngồi võng như vậy đó, rồi mình nói thời khóa trong tuần muốn ngồi thiền thì ngồi, còn không muốn ngồi thiền thì đi ra nằm võng, hoặc là đọc sách cũng được. Nhưng mà thường thường sự việc nó xảy ra ở xóm thượng làng Mai hay là xóm hạ làng Mai, sau bốn năm ngày như vậy thì năng lượng ở trong chúng nó không có được vững bằng, vì vậy cho nên các thầy các sư chú rủ nhau đi ngồi thiền trở lại, đi sinh hoạt theo thời khóa trở lại, tại vì cái đó nó nuôi dưỡng mình hơn, mà không cần phải thầy nhắc nhở, không cần phải có quy luật gì hết, mình thấy cái như yếu cần tu với nhau để cho năng lượng tập thể nó nuôi mình. Cho nên mình không có muốn kéo dài thời gian gọi là không-thời-khóa. Và cố nhiên là khi mình đi thiền hành với bảy trăm thiền sinh thì mình đi từng bước thảnh thơi an lạc, bước nào cũng về, bước nào cũng tới, bước nào cũng đi vào Tịnh độ, không có bước nào đi ra khỏi Tịnh độ, đi lạc vào cõi địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh, năng lượng tập thể nó giúp cho mình bước nào cũng đi vào Tịnh độ. Nhưng mà khi khóa tu chấm dứt rồi thì mình cũng đi như vậy. Tại cái đi đó hạnh phúc quá, tại sao mình lại phải bỏ, nó đâu có phải là khổ sai, nó đâu phải là lao tác mệt nhọc đâu. Tại vì đi như vậy hạnh phúc hơn nhiều. Vì vậy cho nên chúng ta có thể tạo ra một môi trường mà trong đó chúng ta có thể thực tập nghiêm mật. Tại vì sự thực tập nghiêm mật đó đưa tới sự chín muồi, sự thành công của các quả này. Cho nên khi mình đi với đại chúng, mình cũng đi với những bước chân có phẩm chất như vậy mà khi mình đi một mình , mình cũng đi với những bước chân có phẩm chất như vậy. Khi mình đi nửa cây số với đại chúng mình cũng đi như vậy, mà khi mình đi hai thước từ phòng mình ra cầu tiêu thì mình cũng đi những bước chân vững chãi thảnh thơi như vậy. Bước nào cũng phải đi vào trong Tịnh độ, không có để cho bước nào nó lọt ra khỏi Tịnh độ, là chuyện mình có thể làm được, và chuyện Tịnh với Thiền nó đi đôi với nhau một cách tuyệt hảo là chuyện mình có thể làm được.

 

Ba Dấu Ấn  - Niệm Định Và Tuệ

Tịnh độ ở Việt Nam rất là quan trọng, rất là lớn và vì vậy cho nên những người thiền tập phải biết cách để cùng thực tập với những người trong Tịnh độ. Tại vì bất cứ một tông phái nào của Phật giáo mà không có ba dấu ấn đó của sự thực tập thì chỉ là sự thực tập hình thức và ba dấu ấn đó là niệm định và tuệ. Bên Tịnh độ tông rất chú trọng đến chuyện nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là gì, nếu không phải là niệm định tuệ. Có niệm, có định rồi thì thấy đức Di Đà ngay trước mặt, sau lưng mình, ở trong trái tim của mình, mình nắm tay đức A Di Đà đi chơi được ngay trong giây phút hiện tại. Còn nếu không thấy được như vậy thì dầu người ta có chở mình đi sang Tịnh độ thì cũng không có đi với đức Di Đà được, thấy rằng các vị bồ tát đang vây xung quanh ngài, sức mấy mà tới gần, còn khuya mới được tới. Nhưng mà trong hoàn cảnh thực tập này thì không có người nào ngăn hết, mình cứ nắm tay đức A Di Đà mà đi thôi, tay ta nắm tay người, rất là hay. Và khi mà mình đi chậm thành công thì mình đi mau cũng thành công, lúc ban đầu mình đi một bước và mình phối hợp với một hơi thở, con đã về con đã tới.

Mình có thể chọn một đoạn đường từ một gốc cây cho đến một tảng đá. Và mình phát nguyện với chính mình từ gốc cây này cho đến tảng đá đó, bước nào cũng bước vào Tịnh độ hết, bước nào cũng đã về đã tới một trăm phần trăm và mình thực tập cho kỳ được. Ngày nào cũng đi khúc đó cho đến khi nào mà mình đi đâu cũng đi được những bước như vậy, thì dầu là tới phi trường, hay là tới ga xe lửa, hay là leo ngũ đài sơn, hay là leo lên đồi vọng cảnh thì cũng đi như vậy. Và lúc đó mình đã về đã tới thật sự trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày của mình. Chúng ta cần phải có những thầy, những ni sư đi được như vậy, chúng ta cần phải có những sư anh, những sư chị đi được như vậy, đi cho các sư em trông theo, mỗi bước chân nó phải có phẩm chất của sự vững chãi của sự thảnh thơi của sự đã về, của sự đã tới. Và nó phải chế tác được an lạc hạnh phúc. thì ngày xưa tăng đoàn của đức Thế Tôn đã đi như vậy, và đi tới đâu gây sự cảm phục, cảm hứng rất là nhiều.

Còn như hôm qua có câu hỏi thảnh thơi thiên hạ nói mình ngồi mát ăn bát vàng, đâu có được! Mình phải thảnh thơi thôi, nếu không có thảnh thơi thì không có dấu ấn của thầy tu. Phải thảnh thơi, phải an lạc, phải hạnh phúc, thầy tu phải như vậy. Mà nếu thầy tu cứ mỗi ngày đều khóc, đều than buồn thì chưa phải, chưa thoát ra được. Chúng ta có phước mới có được bốn ngày tu chung với nhau, nhưng mà bốn ngày nó hơi ít. Chừng nào chúng ta nên tổ chức một khóa chín mươi ngày tu cho đã, ngày nào cũng có pháp thoại, ngày nào cũng có đi thiền hành chung, ngày nào cũng được ăn cơm chung với nhau rất là vui.

Bên Pháp năm nào cũng có một khóa chín mươi ngày hết, nó xảy ra ở mùa đông. Không biết mùa đông ở Huế mình có thể kiết Đông an cư được hay không, nó ít nóng. Cái bài tập thứ tám trong kinh An ban thủ ý là đối phó những cảm xúc lớn, đời người tu thỉnh thoảng nó cũng có xảy ra những cảm xúc lớn buồn khổ, lo lắng, chán nản, sợ hãi. Thì bài tập thứ bảy là trở về nhận diện ôm ấp được nỗi khổ niềm đau đó thì mới là người tu. Còn nếu mình là người tu mà mình cứ để khi mà có một cảm xúc lớn như là đau buồn sợ hãi giận dữ tuyệt vọng nó trấn ngự mình và mình chỉ làm nạn nhân của tâm hành đó thì mình không phải là người tu. Mình phải biết xử lý cảm thọ đó, cảm xúc đó. Mình phải có năng lượng của niệm của định khá vững để nhận diện nó và ôm lấy nó, như là bà mẹ thấy được em bé đang khổ đang đau, bà mẹ ôm lấy đứa con đó là hành động thứ nhất. Và hành động thứ hai là tiếp tục chế tác năng lượng đó để làm cho năng lượng đó nó lắng dịu xuống, đó là đối tượng của bài tập thứ tám trong kinh an ban thủ ý. Thở vào tôi làm lắng dịu tâm hành đang có mặt trong tôi, cái đó có thể là giận hay buồn, sợ hãi, lo lắng hay tuyệt vọng. Và chính năng lượng của niệm của định đó nó sẽ làm lắng dịu tâm hành kia. Và khi mình có niệm có định thì thế nào cũng có một chút tuệ, có nhiều hay có ít, có ít hay có nhiều cũng có tuệ. Và chính tuệ đó nó gỡ rối cho mình rất nhiều. Ví dụ như mình có tuệ giác về vô thường, trước hết mình thấy tâm niệm này nó vô thường thôi. Trong quá khứ mình đã từng trải qua những cảm xúc lớn như vậy, một cơn sóng gió, sự sợ hãi, sự buồn giận, sự bực bội hay là sự tuyệt vọng. Mình tưởng là mình sống không nổi, nhưng mà ai dè một ngày sau, hai ngày sau thì nó cũng qua và nó cũng như bất cứ một hiện tượng nào khác, bản chất của nó là vô thường. Trong khi mình ôm ấp nó, mình nhận diện nó mình nói nỗi khổ của ta ơi, niềm đau của ta ơi, ta biết là ngươi có đó nhưng mà ta cũng biết rằng ngươi vốn thường, ta sẽ chăm sóc cho ngươi trong thời gian này, ta biết ngày mai ngươi cũng sẽ chuyển biến. Thì nội một tuệ giác vô thường đó nó cũng đã làm cho mình đỡ khổ rồi. Còn nếu không có tuệ giác vô thường đó thì cứ nghĩ rằng mình sẽ khổ như vậy ngày này sang ngày khác sẽ khổ cho đến trọn đời, nó đưa đến tư tưởng là phải đi tự tử cho nó hết khổ.

Nội một tuệ giác vô thường đã giúp rất là nhiều cho mình rồi. Và nếu mình thực tập được thì mình có thể dạy cho em mình con mình. Những chàng thanh niên những cô thiếu nữ đang còn dại dột, mỗi khi lâm vào một cảm xúc lớn như vậy, nghĩ rằng chắc là mình sẽ khổ hoài, khổ mãi, không có biết rằng đây chỉ là một cơn bão tố và cơn bão tố nó vô thường. Cho nên trong lúc ôm ấp mà chăm sóc nó, bảo quản nó, mà có được một ít tuệ giác thì mình vượt qua nó rất mau, mình làm lắng dịu rất mau. Cái niệm cái định thế nào cũng có đưa tới cái tuệ, tuệ giác vô thường, tuệ giác vô ngã.

Tuệ giác vô ngã nó cũng dễ lắm, dễ thấy lắm. Ví dụ như là cha với con giận nhau, là khi mình giận người kia là mình muốn người kia khổ đi cho biết, chết đi cho rồi, khổ đi cho biết. Nhưng mà tuệ giác nó cho mình biết rằng cha mình chính là mình đó, cha mà chết một cái rồi mình lãnh đủ. Hay là con mình, mình đang giận nó, mình muốn đánh đòn nó, mình muốn nó biến mất đi không có trước mặt mình nữa. Nhưng mà nó chết một cái là mình cũng chết luôn, nó là sự tiếp nối của mình. Trong cái vô minh mình thấy con mình với mình là hai cái thực thể khác nhau, con mình là con mình, mình là mình cái đó là ngã chấp. Còn vô ngã là nói con mình là sự tiếp nối của mình và mình đang có mặt trong con mình , con mình đang có mặt nơi mình. Mình giận mình tức là mình giận con mình, mình giận con mình tức là mình giận mình. Mình làm cho con khổ tức là mình làm cho con khổ, mình làm cho mình khổ, mình làm cho con mình khổ.

Có câu chuyện tiếu lâm, có ông đó ông thấy con trai đánh cháu của ông quá, ông nóng ruột. Mà ông không có ngưng con ông lại được, thấy con đánh cháu nội mình quá, tức quá, ông nói mày đánh cháu tao thì tại sao tao không đánh cha mày và ông ta tự tát tai ông, đó là trả thù. Mà sự thực là đánh cháu mình cũng là tự đánh mình, cũng tự đánh cha mình. Tự đánh mình cũng là đánh con mình đánh cháu mình, sự thật là nó như vậy, nó là tương tức, nó là duyên sinh, nó là vô ngã, hòa thượng Thiện Siêu nói vô ngã là Niết bàn là như vậy đó. Vô ngã là chìa khóa nó mở cửa cho Niết bàn, đó là tuệ giác chứ không phải là kiến thức.

 

Duy tuệ thị nghiệp

Chúng ta hay lạm dụng câu “Duy tuệ thị nghiệp” . “Duy tuệ thị nghiệp” có nghĩa là chỉ có tuệ giác mới là cái sự nghiệp đáng theo đuổi mà thôi. Không có sự nghiệp nào đáng để mình theo đuổi ngoài tuệ giác. Mà tuệ giác này không phải là kiến thức mà mình chất chứa trong trường học. Thành nói sự học hỏi để chất chứa kiến thức gọi là tuệ là không có đúng. Có thể những kiến thức mà mình chất chứa đó nó là chướng ngại.  Không cho mình có được tuệ giác là chính vì những cái mình chất chứa, kiến thức mình chất chứa. Đó là những cái sở tri chướng. Cho nên mình phải giảng giải câu đó cho nó rõ, câu đó trong kinh Bát đại nhân giác. “Duy tuệ thị nghiệp” có nghĩa là chỉ có một sự nghiệp đáng đeo đuổi đó là thực hiện tuệ giác. Mà thực hiện tuệ giác không có nghĩa là đậu bằng tiến sĩ, đậu bằng tiến sĩ không phải là theo đuổi sự nghiệp tuệ giác, đó là sự nghiệp học hỏi trao dồi kiến thức, “Duy tuệ thị nghiệp” là nó có nghĩa là như vậy.

Cho nên mình là sư cô trẻ, mình là sư chú trẻ, mình phải lập tức học hỏi những điều căn bản. Mình phải làm thế nào để có thể chế tác được niệm, được định, ngay trong đời sống hành ngày của mình với tư cách một vị sa di hay sa di ni. Mình phải tập làm làm sao để bảo quản được thân và tâm của mình. Khi có những đau nhức, có những căng thẳng trong thân mình phải biết cách để mà tháo gỡ. Khi có những đau nhức, những căng thẳng ở trong tâm đó là đối tượng của bài thứ bảy thứ tám là mình phải biết cách tháo gỡ, biết cách làm lắng dịu. Và không có cách nào hơn là sử dụng ba nguồn năng lượng niệm định và tuệ. Và vì vậy cho nên trong đời sống hàng ngày việc chính của người tu là chế tác niệm định tuệ.

Cố nhiên chúng ta phải có nhiều việc cần làm như là hành đường, như là quét là trên sân, như là cắm hoa, như là tiếp khách. Nhưng mà tất cả những điều đó chúng ta đừng có làm như người đời, chúng ta sử dụng những công tác đó và làm trong chánh niệm. Chúng ta có hình ảnh của một chú tiểu mở cánh cửa ra với tất cả chánh niệm, rồi đi ra với tất cả chánh niệm, rồi đóng lại trong chánh niệm. Chúng ta hãy mở cửa và đóng cửa như vậy. Chúng ta có hình ảnh của một chú tiểu thắp một cây hương, đầu tư hết tất cả thân tâm vào trong việc cắm cây hương đó trong bát nhang, một trăm phần trăm thân và tâm. Chính những lúc đó là lúc mình là chế tác chánh niệm, chính những lúc mình đi từ liêu phòng của mình xuống nhà bếp, lên thiền đường là mình phải đi những bước chân như thế nào để mỗi bước có thể chế tác được chánh niệm. Và khi mà trong chúng người nào cũng làm như vậy thì rất là hay và mình cũng phải làm thôi. Còn nếu trong chúng mà ai cũng chạy hết, thì dù mình có ráng cách mấy thì mình chỉ tiến bộ được một phần nào thôi.

Cho nên vấn đề là phải làm chung, phải có năng lượng tập thể, phải được tổ chức để ai cũng có thể làm được như vậy. Và khi mà những người thiền sinh tới, những người cư sĩ tới, họ thấy các thầy các sư cô đi những bước đi vững chãi thảnh thơi, nắm vững được tình thế của thân và của tâm, họ tự động họ đi chậm lại, họ tự động họ thực tập, rất là hay. Dầu mình chưa đến tuổi làm giáo thọ, dù mình chưa giảng giải hay chia sẻ mà cách mình đi đứng nói cười làm việc đã tạo ra rất là nhiều tác dụng tốt.

Trong chuyến đi này của phái đoàn làng Mai, đoạn đầu là chỉ có Sài Gòn và Bảo Lộc thôi. Thì sau cuối chuyến thì tôi có nhận được thơ của một thiền sinh người Thụy Sĩ. Và người này nói rằng - con hết sức là ấn tượng, thấy rằng các cô các chú sao mà còn trẻ quá đi mà tại sao làm việc nhiều như vậy mà giữ được sự tươi mát và nụ cười, con rất lấy làm ngạc nhiên, ở đời không có thể nào làm được như vậy. Mà tình trạng của chùa Bát Nhã trong khóa tu cư sĩ là một tình trạng rất là bất thường. Cái khả năng của mình là tiếp đón hai ngàn người, nhưng mà cuối cùng mình đã mở cửa tiếp đón sáu ngàn người và mỗi chúng ta đều phải làm việc nhiều hơn lên gấp ba lần. Vậy mà mình giữ được sự trầm tỉnh, sự thảnh thơi, đó là chuyện rất là đáng khen.

Mỗi khi tôi đi ngang qua nhà bếp, tôi thấy năm bảy nhóm các vị cư sĩ xắt gọt mít, một núi mít! Mỗi khi có tiếng chuông, thấy ngưng lại thở đàng hoàng, mỗi khi tôi đi ngang qua mọi người đều đứng dậy chắp tay thở và thường thường tôi cũng dừng lại để chào họ, khen học thực tập giỏi và có khi còn đứng lại để chụp hình chung với họ, hạnh phúc rất là lớn. Tôi thấy tổ chức như vậy rất là được, người xuất gia có cơ hội tu tập mà người tại gia tới tiếp xúc cũng được cơ hội tu tập rất là hay, chứ không phải là họ chỉ tới để làm công quả, để bòn chút phước đức hay là yểm trợ người xuất gia mà thôi. Họ tới họ cũng được thực tập rất là hay.

Nhưng mà hy vọng rằng chuyện khóa tu đó nó không có xảy ra, mình làm sao để cho mình đừng có phải làm quá sức của mình. Tại vì mình ráng độ chừng năm ngày thì được nhưng mà mình ráng độ chừng một tháng chắc là mình cũng sụm luôn, mình phải biết giới hạn của mình , có phải như vậy không, thành ra đại chúng phải cẩn thận. Có nhiều người họ nhìn vào thời khóa của chuyến đi Đông Nam Á của thầy họ sợ luôn, nói ông già này sao mà làm được, tôi đây người trẻ mới bốn chục tuổi mà tôi thấy thời khóa này tôi đã mệt rồi mà không biết tại sao ổng làm được. Mà thật sự tôi cũng không biết tại sao tôi làm được nữa.

Các thầy các sư cô có cây hỏi gì hỏi đi, tại vì mình chấm dứt buổi pháp thoại này, đây là buổi pháp thoại chót của khóa tu.

Thôi khỏi hỏi, bây giờ mình chắp tay lại niệm Bụt Quan Âm đã gia hộ cho chúng ta có một khóa tu an lạc và hạnh phúc [16] .

 

(30-Mar-2007)


 

[1] ChùaTừ Hiếu – Huế.- bài giảng trong dịp TS NH về thăm quê hương lần thứ hai – 2007. 

[2] Thomas Merton (1915-1968): Triết gia, học giả, người Anh, từng theo chủ nghĩa cộng sản, KiTô, rồi nhà tu Trappist. Sau cùng là một thiền sư (Zen Buddhist), soạn nhiều sách về Phật học cho độc giả phương Tây.

Ông còn là một thi sĩ, tác gia và nhà đấu tranh chống bất công xã hội.- ông viết Dẫn Nhập cho ấn bản Anh ngữ “Hoa Sen Trong Biển Lửa” - Vietnam: Lotus in a Sea of Fire – của TT Nhất Hạnh.

[3] Bốn quả (pháp số) : Bốn quả vị tu tập của Làng Mai.

1.        Quả an trú, tiếng Anh là peaceful dwelling. Hành giả đạt được quả này là người bắt đầu có khả năng sống an lạc trong giờ phút hiện tại. Thầy Làng Mai lấy hình ảnh một con cóc ngồi trên đĩa để minh họa cho quả vị này. Khi ta đặt một con cóc vào giữa một chiếc đĩa, nó thường không có khả năng ngồi yên trong lòng chiếc đĩa, mà luôn tìm cách nhảy ra khỏi đĩa, được gọi là “cóc tính”. Trái nghĩa với “cóc tính” là “phi cóc tính”. Đạt được quả vị an trú là đạt được trạng thái “phi cóc tính”, không còn nhảy lăng xăng nữa.

2.       Quả đã về đã tới, tiếng Anh là I have arrived, I am home. Theo giáo lý Làng Mai, giây phút hiện tại chính là quê hương của chúng ta. Chúng ta thực tập sống chánh niệm, sống trong hiện tại, trở về giây phút hiện tại như đứa con đi xa được trở về ngôi nhà thân yêu, về quê hương của mình.

3.       Quả Tương tức, tiếng Anh là inter-being. Là kết quả của sự thực tập vô ngã. Khi đó, hành giả thấy được tất cả mọi sự vật, hiện tượng, kể cả cái “ta” của mình đều không có tự tính riêng biệt mà nương vào nhau để biểu hiện.

4.       Quả vô sinh, tiếng Anh là Birthlessness. Đạt được quả vị này, hành giả thấy được bản chất không sinh không diệt, không có không không của vạn pháp và tiếp xúc được với Niết bàn ngay trong giờ phút hiện tại. Những ai đạt tới khả năng này được Bụt gọi là “Việc cần làm đã làm”.

(TDLangMai)

[4] Nhất Hạnh, "Phi cóc tính " trong Thơ Từng Ôm và Mặt Trời Từng Hạt, TuyểnTập Thơ, Walnut Creek, California: Lá Bối, 1996, pp. 24

[5] Một đường đi lên – con đường chỉ có duy một hướng lên.

[6] Nhất Hạnh, " Đi Vòng Quanh " trong Thơ Từng Ôm và Mặt Trời Từng Hạt, TuyểnTập Thơ, Walnut Creek, California: Lá Bối, 1996, pp. 25:

Này người đang đi vòng quanh,
Hãy dừng lại,
Anh đi như thế để làm gì?

Tôi không thể không đi
Và vì tôi không biết đi đâu 
Nên tôi đi vòng quanh.

Này người đang đi vòng quanh,
Anh hãy chấm dứt việc đi quanh.

Nhưng nếu tôi chấm dứt việc đi
thì tôi cũng chấm dứt tôi,

Này người đang đi vòng quanh,
Anh không phải là sự đi quanh,
Anh có thể đi
Nhưng không cần phải đi quanh.

Tôi có thể đi đâu 

Anh hãy đi tìm anh.
Anh hãy đi tìm người thương

[7] Niệm Phật thì thùy -  念佛是 – người niệm Phật là ai?

[8] Nhất Hạnh, " Đi chơi " trong Thơ Từng Ôm và Mặt Trời Từng Hạt, TuyểnTập Thơ, Walnut Creek, California: Lá Bối, 1996, pp. 231:

Đi chơi chốn bản môn,
Nên đi bằng hai chân,
Không nên đi bằng đầu,
Đi bằng đầu sẽ lạc,

Đi chơi chốn bản môn,
Tay ta nắm tay Người
Ngàn xưa và ngàn sau
Trở về chung một lối

[9] Bước chân trên thật địa (thuật ngữ): Đi trong chánh niệm, đi mà ý thức được từng bước chân, tiếp xúc với thực tại nhiệm mầu của sự sống trong mỗi bước chân. Vua Trần Thái Tông nói trong sách Khóa Hư Lục: Bộ bộ đạp trước thật địa (bước nào cũng dẫm trên đất đai của thực tại). Khác với khi đi mà không biết mình đi, đi như người mộng du. (TDLangMai)

[10] BÀI NGÂM PHÓNG CUỒNG 


            Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang 
            Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương. 
            Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi 
            Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương. 


            Đói thì ăn chừ cơm tùy ý 
            Mệt thì ngủ chừ nào có quê hương. 
            Hứng lên chừ thổi sáo không lỗ 
            Chỗ lặng chừ đốt giải thoát hương. 


Nhọc chút chừ nghỉ đất hoan hỉ 
Khát uống no chừ thang tiêu dao. 
Qui Sơn láng giềng chừ chăn con trâu nước 
Tạ Tam đồng thuyền chừ hát khúc Thương Lang. 


Thăm Tào Khê chừ chào Lư Thị 
Viếng Thạch Đầu chừ sánh lão Bàng. 
Vui ta vui chừ Bố Đại vui 
Cuồng ta cuồng chừ Phổ Hóa cuồng. 


Chao! Chao! Chừ giàu sang mây nổi 
Năm tháng chừ cửa sổ ngựa qua. 
Đi càn chừ đường quan hiểm trở 
Chịu sao chừ ấm lạnh tình đời. 
Sâu thì xắn chừ cạn thì vén. 
Dùng thì hành chừ bỏ thì tàng. 


Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt 
Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng. 
Thỏa nguyện ta chừ được sở thích 
Sống chết bức nhau chừ nơi ta ngại gì? 

(http://www.thuvienhoasen.org/tuetrung-06-2-thica.htm)

 

[11] Non-locality, hay no local theory, hay nonlocality  – ý niệm từ thuyết trong Cơ Học Lượng Tử (quantum mechanics) khi khảo cứu ánh sáng (photon) đồng thời vừa như sóng vừa như hạt (light as both a wave and as a particle.)

Năm 1935, Einstein đưa ra một trường hợp đén nay vẫn còn là một thách đố với nhận thức thông thường: Trong thí nghiệm (tưởng tượng) của ông, hai hạt sóng được bắn đi về hai hướng đối nghịch và chúng bay đến hai đầu tận cùng của vũ trụ  Nhưng hai hạt sóng này như vẫn “dính nối” ("entangled") vào nhau theo cách nói trong cơ học lượng tử. Hạt này  “cảm thụ” ("feels" ) ngay tức thì  những gì xảy ra cho hạt kia.  Đo lường hạt này, thì hạt kia cũng ngay lập tức thay đổi bởi sự đo lường, giống như hai anh em sinh đôi “liên lạc” tức thì với nhau một cách kỳ bí, qua khoảng không vô biên của toàn vũ trụ. Đây là tính  “nonlocally”.

Tính “nonlocally” là hậu quả có tính toán học của thuyết lượng tử, đến nay nó đã được đo lường trong (các) phòng thí nghiêm.

(In 1935, Einstein came up with a scenario that still defies common sense. In his thought experiment, two particles fly away from each other and wind up at opposite ends of the galaxy. But the two particles happen to be "entangled"--linked in a quantum-mechanical sense--so that one particle instantly "feels" what happens to its twin. Measure one, and the other is instantly transformed by that measurement as well; it's as if the twins mystically communicate, instantly, over vast regions of space. This "nonlocality" is a mathematical consequence of quantum theory and has been measured in the lab. - Science Magazine - 1 July 2005:Vol. 309. no. 5731, p. 98)

[12] Quán Thế Âm – ngài nghe tiếng kêu thương quằn quại của cuộc đời là tìm đến bằng mọi cách, bằng bất cứ hình dáng nào thích hợp -  “Ưng dĩ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ thân đắc độ giả, tức hiện trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ đồng nam đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, atula, cẩn na la, ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng thân đắc độ giả, tức giai hiện chi nhi vị thuyết pháp”.

[13] Kinh thứ tám trăm mười? (ghi âm không rõ)  Kinh thứ mười ? -  Kinh Niệm Xứ (hay Tứ Niệm Xứ) - Satipatthan sutta, là kinh thứ 10 trong Trung Bộ Kinh, được xem như là kinh căn bản về thiền quán trong kinh tạng Pali (Majjhima Nikaya 10. Satipatthana Sutta)

[14] TS NH dùng nghĩa bóng – lúc đức Thế Tôn tại thế, chưa có kinh sách – như dạng ngày nay!

[15] Akalika:  vượt thoát thời gian, nghĩa là không có thời gian tính.

[16] Nguyên văn bài giảng được ghi lại và biên dịch – chú thích (nếu có sai lầm là) của người biên dich.

  

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.