PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

. . .  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (. . .  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (. . .  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :

Quyền năng và Hạnh phúc

  • Tháng V 2007 - Chân An Tịnh & Chân Giác Lưu phiên tả và biên tập :
    Pháp thoại
    của Sư ông Làng Mai ngày 10 - IV - 2007 tại
    Khách Sạn Non Nước, Đà Nẵng
    Â
    m thanh MP3 : 
    Phần 1 (15.1MB) | Phần 2 (11.9MB)

Kính thưa chư vị tôn đức, kính thưa các vị lãnh đạo, chư vị quan  khách và chư vị Phật tử, tôi xin kể câu chuyện về Frederick. Frederick là một thương gia, doanh nhân rất tài ba, trên 40 tuổi ( 45 tuổi ). Ông ta là người Đức, một người có trách nhiệm, có thể coi ông là một doanh nhân khá thành công. Tôi không biết trực tiếp Frederick, nhưng tôi biết Claudia, là phu nhân của ông, của nhà doanh thương này. Claudia đã tới tham gia một khóa tu dành riêng cho giới doanh nhân. Claudia đã kể lại câu chuyện của cuộc đời bà.

 

Khi tương lai trở thành một nhà tù

Lúc đầu thì hai vợ chồng có rất nhiều hạnh phúc. Frederick là một người có tài ba, có trách nhiệm. Hai vợ chồng chia sẻ niềm hy vọng là khi nào họ thành công, có thế lực, có tiền bạc nhiều thì cuộc sống của họ sẽ là một cuộc sống lý tưởng và mình không còn nghĩ đến việc gì khác. Trong khi hành xử như vậy thì Frederick không có thì giờ để chăm sóc cho bản thân mình, chăm sóc vợ và hai đứa con của mình. Claudia bắt đầu thấy lẻ loi, cô đơn, không có sự chú ý của chồng. Bao nhiêu tâm ý ông đều để dành dồn vào sự nghiệp của ông. Để khuây khỏa thì Claudia ghi tên học đại học để lấy thêm một bằng tiến sĩ. Nhưng cái đó không khỏa lấp nổi sự cô đơn của mình.  Claudia học thêm về tâm lý học và bắt đầu thực tập như một nhà tâm lý trị liệu.

Nhưng những công việc đó không đủ để khỏa lấp được nỗi cô đơn của Claudia. Có những đêm Claudia khóc với chồng, nói rằng: „ Anh không có thì giờ cho em và cho các con.“. Frederick cứ nói rằng: „ Em và các con gắng đợi. Hiện bây giờ đây trong doanh nghiệp không ai có thể thay thế anh được. Có thể trong một thời gian ngắn nữa, tìm được người thay thế, anh sẽ có nhiều thì giờ cho em và cho con.“ , và cứ hứa như vậy. Ngày Phillip vào nhà thưong mổ tim, Frederick không vô nhà thương để thăm con được. Bận rộn đến nước đó!. Claudia phải thức luôn 7 giờ đồng hồ bên cạnh con trai mình. Đến khi chính Claudia vô nhà thương để mổ bướu thì Frederick cũng không về được để chăm sóc cho vợ. Bận như thế đó và cứ nói rằng: „ Em hãy chờ, các con hãy chờ. Thế nào anh cũng tháo gỡ ra được. Anh sẽ trở về để có thì giờ chung sống hạnh phúc với nhau. Doanh nghiệp đang thành công khá nhiều. Frederick  cứ lấy cớ là hiện giờ không có ai trong doanh nghiệp có thể thay thế được mình, mình là người duy nhất có thể điều khiển, hướng dẫn được doanh nghiệp.

Nhưng cái ước mơ không bao giờ được thực hiện vì Frederick đã bị tai nạn xe hơi và chết  đi lúc 51 tuổi. Chỉ 3 ngày sau thì doanh nghiệp đó đã chọn được một viên giám đốc mới. Trước đó thì nói là không ai có thể thay thế được Frederick, nhưng khi ông chết rồi thì họ chỉ cần 3 ngày là tìm ra một vị giám đốc mới.

Chúng ta, người nào cũng muốn thành công trong sự nghiệp của mình. Chính người đi tu cũng muốn thành công trong sự nghiệp tu tập của mình. Chúng ta muốn đầu tư thì giờ và năng lượng vào sự nghiệp của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta để cho tương lai lôi kéo, không có được thì giờ và khả năng sống trong giây phút hiện tại thì chúng ta không có thực sự sống. Trong đạo Phật chúng ta được học:

Quá khứ đã đi qua
Tương lai thì chưa tới
.

 

Sự sống chỉ có mặt thực sự trong giây phút hiện tại.

Trong bộ Trung A Hàm có ít là 6 Kinh nói về đề tài này:

Đừng tiếc quá khứ
Đừng lo lắng tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Kẻ thức giả ẩn trú
Vững chãi và thảnh thơi
Trong giây phút hiện tại

Theo tuệ giác đó thì quá khứ có thể là một nhà tù giam hãm mình. Có những người không có khả năng sống trong giây phút hiện tại tại vì người đó cứ nghĩ về quá khứ quá nhiều đau thương hay quá nhiều hiển hách mà bây giờ không còn nữa. Vì vậy quá khứ đã trở thành một nhà tù. Nó giam hãm mình, không cho mình có khả năng sống trong giây phút hiện tại.

Trong giây phút hiện tại có những mầu nhiệm của sự sống, có trời xanh, mây trắng, thông reo, có chim hót, hoa nở, có mặt của người yêu, có những người thương của mình. Nhưng nếu mình bị quá khứ giam hãm thì mình không tiếp xúc được với sự mầu nhiệm đó của sự sống để được nuôi dưỡng, chữa trị.. Mình cứ héo mòn trong khi mình luyến tiếc về quá khứ.

Tương lai cũng vậy. Tương lai có thể là một nhà tù nếu chúng ta quá lo lắng sợ hãi về tương lai. Nếu chúng ta để hết thì giờ để toan tính về tương lai thì chúng ta cũng không có thì giờ để sống phút giây hiện tại. Chúng ta không có thì giờ cho ta, cho bản thân ta. Ta không có thì giờ cho những nguời thương của ta trong đó có vợ, chồng và  con ta. Tương lai ở đây đã trở thành một nhà tù. Nó muốn chiếm độc quyền tất cả những năng lượng và những thì giờ của chúng ta.

 

hiện pháp lạc trú

Trong các Kinh điển Phật giáo, ĐứcThế Tôn thường hay dùng cụm từ dristadharma sukhavihara dịch ra tiếng Hán Việt là hiện pháp lạc trú, có nghĩa là sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.

Ngày xưa có một thương gia rất giàu có và thành công tên là Cấp Cô Độc, một người đệ tử tại gia của Phật. Có một lần ông đem tới mấy trăm người bạn trong giới doanh thương để thăm Đức Thế Tôn. Cấp Cô Độc là thương gia một giỏi, có tài và có một trái tim rất lớn, biết chăm sóc lo lắng cho những người cùng khổ trong thành phố Xá Vệ. Ông tuy rất bận rộn nhưng vẫn có thì giờ để đi nghe Phật thuyết pháp mỗi tháng mấy lần. Ông cũng từng đem vợ con tới nghe Phật thuyết pháp. Chính ông đã cúng dường cho Đức Thế Tôn một sở đất mua được của thái tử Kỳ Đà để làm tu viện cho các thầy năm đầu tiên Đức Thế Tôn tới hành đạo ở Xá Vệ Quốc. Có một lần gặp thời buổi khó khăn ông Cấp Cô Độc bị sạt nghiệp, nhưng ông không đau khổ. Trong thời gian hành nghề ông giúp bao nhiêu là bạn bè  nên khi ông sạt nghiệp thì bạn bè tới giúp ông xây dựng lại cơ nghiệp rất mau chóng. Cấp Cô Độc đã xây dựng sự nghiệp của mình trên tình thương. Danh từ Cấp Cô Độ không phải là tên của ông mà là do dân chug trong thành phố thương quá đặt cho. Cấp Cô Độc là cấp dưỡng cho những người cô độc không nơi nương tựa. Tên thiệt của ông là Sudatta.

Hôm đó Cấp Cô Độc  đưa tới Đức Thế Tôn mấy trăm bạn bè trong giới doanh thương. Trong dịp này Đức Như Lai đã thuyết một Kinh cho giới doanh thương tên là Kinh Người Áo Trắng. Người Áo Trắng là người cư sĩ. Trong Kinh Người Ắo Trắng Đức Thế Tôn đã dùng tới 5 lần cụm từ “ hiện pháp lạc trú “ có nghĩ là quí vị có thể sống an lạc hạnh phúc trong giờ phút hiện tại. Tôi nghĩ rằng các vị doanh thương, các vị có sự nghiệp trong lãng vực thương mãi, đầu tư, giáo dục, chính trị, đều nên đọc Kinh đó, Kinh Người Áo Trắng.

Đức Thế Tôn là một người sống đúng với những điều ngài giảng dạy. Thí dụ như khi ngài đi thì từng mỗi bước chân đều đem lại vững chãi, thảnh thơi, an lạc. Ngài không đi như bị ma đuổi như phần lớn trong chúng ta. Ngài không đi hấp tấp như chúng ta. Ngài đi rất khoan thai, thảnh thơi và các thầy, các sư cô đệ tử của Đức Thế Tôn cũng học đi như vậy. Mỗi bước chân đem mình tới phút giây hiện tại để mình có thể tiếp xúc được với cái mầu nhiệm của sự sống trong giờ phút hiện tại. Ví dụ như hai mắt của mình, hai mắt khi mở ra thì có thể tiếp xúc được với biết bao nhiêu là màu sắc, hình ảnh. Có một thiên đường của màu sắc và hình ảnh đang có mắt trong phút giây hiện tại. Chỉ cần mở mắt ra là ta có thể tiếp xúc được với nét đẹp muông màu muôn vẻ của sự sống. Mùa Xuân cũng đẹp, mùa Hè cũng đẹp, mùa Thu cũng đẹp mà chính mùa Đông cũng đẹp. Nhưng nếu ta bị quá khứ ràng buộc, bị tương lai lôi hút thì ta không có khả năng tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giờ phút hiện tại.

Phương pháp thiền hành , tức là phương pháp đi từng bước chân vững chãi, thảnh thơi, là một trong những phương pháp chúng ta có thể áp dụng để tập sống trở lại một cách sâu sắc mỗi giây phút của đời sống hằng ngày.

 

không bỏ sót một giây phút nào cả

Năm 2003 chúng tôi có tổ chức một khóa tu cho các dân biểu quốc hội Hoa kỳ. Chúng tôi biết rằng đời sống của một dân biểu quốc hội rất căng thẳng, rất bận rộn. Sau khóa tu mọi người nắm được bí quyết thực tập. Khi thở mình biết phải thở như thế nào để làm lắng dịu những đau nhức trong thân và trong tâm. Khi bước đi thì mình biết phải bước như thế nào để không bị quá khứ và tương lai lôi kéo. Khi ăn cơm thì mình biết phải ăn như thế nào để mình thực sự có mặt với thức ăn và với gia đình của mình. Khi bước lên máy bay thì mình biết bước như thế nào để có thể thưởng thức được những bước chân của mình. Khi ngồi chờ ở phi trường thì mình biết phải ngồi chờ như thế nào để những giây phút đó không phải là những phút giây bỏ đi, có thể sống hạnh phúc ngay trong khi chờ đợi chuyến bay của mình. Phải thừa hưởng tất cả những giây phút của đời sống mà cuộc sống đã ban phát cho mình, không bỏ sót một giây phút nào cả.

Trong những khóa tu mà chúng tôi tổ chức cho thiền sinh Tây phương thì chúng tôi chỉ hiến tặng, cung cấp những phương pháp như vậy để cho họ có khả năng tháo gỡ những khó khăn, bức xúc trong lòng, có thể làm lắng dịu những đau nhức, những căng thẳng trong thân và trong tâm và có thể tập sống trở lại như thế nào để mình có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giờ phút hiện tại để được nuôi dưỡng và chữa trị. Hiện giờ Capitol Hill ( tức là trụ sở của quốc hội Hoa kỳ ) có những dân biểu đang đi thiền hành. Có nhiều dân biểu sau khóa tu viết thư cho tôi nói rằng sau khóa tu vài tháng họ vẫn thực tập thiền đi ( thiền hành ). Trong khi đi thì để ý đến bước chân và bước nào cũng đem mình trở về với giờ phút hiện tại, đã về đã tới!, để mình có thể sống trong giờ phút hiện tại mà không phóng tâm về tương lai. Các dân biểu quốc hội từng tham dự khóa tu báo cáo rằng mỗi khi đi từ văn phòng của họ tới phòng bỏ phiếu thì họ luôn luôn áp dụng phương pháp thiền đi, không suy nghĩ về bất cứ gì hết. Mình có quyết định bỏ phiếu cho ai rồi nên từ văn phòng đi tới chổ bỏ phiếu thì không suy nghĩ nữa. Họ tập đi những bước chân thảnh thơi, an lạc và buông thư.

Chúng tôi cũng tổ chức những khóa tu cho cảnh sát, công an, các luật gia, các vị luật sư chánh án, các người lo về an ninh trong xã hội. Chúng tôi khám phá ra những người cai tù, cảnh sát có rất nhiều căng thẳng trong thân tâm của họ. Số người cảnh sát dùng súng tự tử đông hơn số cảnh sát bị băng đảng bắn chết. Trong thân tâm của những người cảnh sát đó có rất nhiều sợ hãi, căng thẳng. Quí vị có thể tưởng tượng ra được những cảnh sát viên Hoa kỳ rất đồ sộ đi từng bước chân thảnh thơi, an lạc ? Vậy mà họ làm được ! Cố nhiên khóa tu rất khó, nhưng sau khi thực tập năm bảy ngày thì có thể làm được.

Tôi có người đệ tử là đại úy Cheri Maples, cảnh sát Hoa kỳ. Cô này có văn bằng tiến sĩ luật và bây giờ đang lo huấn luyện cho giới cảnh sát trong toàn tiểu bang Wisconsin.  Hiện cô đang điều khiển tất cả những cảnh sát thực hành nhiệm vụ quản chế và phóng thích tù nhân có điều kiện quản chế sau đó. Lần đầu tiên cô tham dự một khóa tu tổ chức cho thiền sinh Tây phương. Cô được nghe nói rằng mình có thể ôm một cây súng với tinh thần chánh niệm và mình có thể sử dụng cây súng của mình với tình thương. Sau khi tham dự khóa tu thì Cheri Maples, người cảnh sát đó đã tháo gỡ được rất nhiều chán nản buồn bã. Khi mới đi vào cảnh sát thì cô rất lý tưởng, muốn đem lại hòa bình, hạnh phúc, an lạc cho dân. Nhưng vào trong nghề rồi thì thấy điều này rất khó và cảm thấy mình bất lực. Vì vậy cô bắt đầu uống rượu, hút thuốc, hư hỏng như những người cảnh sát khác. Cô không tin vào nghề của mình nữa, là một nghề có thể đem lại an ninh, hòa bình thật sự cho dân. Mãi cho đến khi gặp được khóa tu thì cô mới tìm ra được lý tưởng của mình. Chính cô Cheri Maples đã giúp chúng tôi tổ chức một khóa tu cho giới cảnh sát, giới cai tù, giới luật sư, chánh án tại tiểu bang Wisconsin.

Ban đầu có những người phản đối : tại sao đem tôn giáo trộn lẫn với chính quyền. Nhưng chúng tôi nói rằng khóa tu này không dính gì tới tôn giáo hết. Người cảnh sát, công an cai tù tới đây để học cách đi, đứng, nằm, ngồi, cách thở để tháo gỡ những căng thẳng, khó khăn trong thân và trong tâm. Chúng tôi không đốt nhang, lễ lạy, không tụng kinh gì hết. Rốt cuộc thì mình mở được khóa tu. Chính Cheri Maples đã đứng ra giúp tổ chức khóa tu đó ở thành phố Madison Green Lake. Vị đại úy cảnh sát này ngồi thiền rất giỏi, thở rất giỏi và bắt đầu huấn luyện cảnh sát viên dưới quyền mình bằng phương pháp thiền. Sau đó cô rất nổi tiếng và đã được những tiểu bang khác mời tới để mở những lớp huấn luyện như thế. Từ đó đến giờ Cheri Maples đã tổ chức được 400 khóa tu và những ngày chánh niệm dành riêng cho giới cảnh sát. Ông thị trưởng thành phố Madison cho phép đại úy Cheri Maples sử dụng một căn phòng khá lớn trong tòa thị sảnh để làm nơi hướng dẫn thực tập thiền ngồi, thiền đi, thiền thở, thiền buông thư. Cheri Maples đã giúp thành lập bao nhiêu là nhóm tăng thân thực tập theo đường hướng của Làng Mai mà cô đã học được. Trong chuyến về thăm quê hương và hành đạo lần thứ hai này của Tăng thân Làng Mai có đại úy Cheri Maples đi theo. Tôi đã giới thiệu vị thiền sinh đặc biệt đó cho các vị nhân sĩ trí thức tại thành phố Huế. Hôm nay thì chỉ có một số ít vì  hội trường của mình không đủ lớn nên Cheri Maples không được tới tham dự sinh hoạt này.

 

Quyền lực và hạnh phúc

Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng hạnh phúc được làm bằng danh vọng, quyền lực, tiền tài. Chúng ta người nào cũng muốn có thêm uy quyền, có thêm tiền bạc, có thêm danh vọng. Chúng ta cứ tin rằng khi nào mình có nhiều danh lợi, nhiều tiền, nhiều uy quyền thì mình có nhiều hạnh phúc. Tôi đã từng gặp nhiều người có uy quyền rất lớn, có tiền bạc rất nhiều, có danh vọng rất cao nhưng nỗi khổ niềm đau của họ rất sâu sắc. Họ rất cô đơn. Có những người như vậy đã tới thiền viện của chúng tôi để tu tập. Ví dụ như William Ford, giám đốc hãng xe hơi Ford bên Mỹ là thế hệ thứ tư của gia đình tỷ phú Ford, đã tới tu viện chúng tôi tại thành phố Vermond để tu tập. Tôi có tặng cho ông một cái chuông và chỉ cho ông cách thỉnh chuông để thở mỗi ngày. Ông đã ngồi kể cho tôi nghe đời sống của những nhà tỷ phú Mỹ. Họ rất là cô đơn. Họ có nhiều sợ hãi, đau buồn. Họ rất chán nản cuộc sống.

Nếu nói về uy quyền thì người nào có uy quyền bằng tổng thống Hoa kỳ. Hoa kỳ là một đại cường quốc có một quân đội rất mạnh, một nền kinh tế rất lớn. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào người của tổng thống Bush đương nhiệm thì chúng ta thấy ông không phải là một người có hạnh phúc. Đối với tổng thống Bush ông không có uy quyền để giải quyết vấn đề ông đang gặp phải, vấn đề Irak chẳng hạn. Đó là vấn đề nan giải cho ông. Quyền lực như vậy, quân đội như vậy, tiền bạc như vậy, mà vấn đề Irak kông thể nào giải quyết được, khạc không ra mà nuốt cũng không vào. Quí vị rất may mắn không làm tổng thống Hoa kỳ. Nếu quí vị làm tổng thống Hoa kỳ thì quí vị sẽ suốt đêm không ngủ. Quí vị ngủ làm sao được khi biết rằng tại chiến trường Irak mỗi ngày, mỗi đêm, con em mình đều chết. Con số những người thanh niên Hoa kỳ chết ở Irak đã lên tới ba ngàn mấy trăm người. Dân chúng địa phương Irak, nơi mà mình muốn tới giúp đỡ đã chết cả triệu người. Tình trạng Irak là một tình trạng rất là tuyệt vọng.

Nhà văn hào Pháp Jean Jacques Rousseau đã nói: “ Những người có quyền lực lớn nhất không bao giờ thấy mình có đủ quyền lực:”. Điều này rất đúng. Mình có niềm tin là khi mình có quyền lực nhiều thì có thể làm tất cả những gì mình muốn làm, có thể mua được tất cả những gì mình muốn mua: mua chức tước, mua địch thủ của mình, mua được tất cả. Hể có quyền lực trong tay là mình có thể làm được những gì mình muốn. Và hể có nhiều tiền bạc thì mình sẽ có nhiều quyền lực. Mình phải xét lại niềm tin đó. Trên thực tế chính bản thân tôi đã gặp những người có quyền rất lớn, có tiền rất nhiều và có danh rất cao nhưng mà đau khổ cực kỳ.

Trở lại với đạo Phật, ta thấy trong đạo Phật cũng có nói tới quyền lực, uy quyền. Cái uy quyền trong đạo Phật rất khác. Nó là một loại năng lượng có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho những người khác. Trong văn học, đạo học, triết học Đông phương ta nói đến chữ Đạo và chữ Đức. Đạo là con đường. Mỗi người chúng ta phải một con đường tinh thần, một chiều hướng tâm linh trong đời sống. Chúng ta là thương gia, là nhà chính trị, nhà giáo dục, chúng ta phải có một chiều hướng tâm linh trong đời sống hằng ngày. Nếu không có chiều hướng tâm linh đó chúng ta không thể nào tháo gỡ được những bức xúc, khó khăn, tuyệt vọng, mâu thuẩn trong lòng. Chúng ta không thể nào thiết lập được sự truyền thông với những người đồng sự, những người trong gia đình, trong sở làm, trong cộng đồng của mình. Vì vậy mỗi người trong chúng ta phải có Đạo. Đạo là một con đường tinh thần. Nếu thiếu một con đường tinh thần thì chúng ta thiếu rất là nhiều dù chúng ta có rất nhiều tiền, rất nhiều quyền năng, rất nhiều danh vọng.

Còn chữ Đức nữa. Đức là một năng lượng. Ngày xưa có người dịch chữ Đức là vertu. Vertu là một đức hạnh. Có người dịch là pouvoir. Pouvoir là một quyền năng. Trong đạo Phật có 3 cái đức mà chúng ta có thể chế tác được. Người tu là phải chế tác ra ba loại năng lượng. Người tu xuất gia cũng như người tu tại gia đều phải tập chế tác ra ba loại năng lương đó.

Thứ nhất là đoạn đức. Đoạn là chặt đứt, cắt đứt tất cả những đam mê, những thù hận, những tuyệt vọng của mình. Nếu không chặt đứt những đam mê, hận thù đó thì không thể nào có hạnh phúc được. Muốn chặt đứt những hận thù, si mê đó thì phải biết cách, phải có một con đường mới được. Phải có thầy, có bạn, có pháp môn thực tập đành hoàng thì mới có thể chặt đứt được những sợi dây đam mê và hận thù trói buộc mình. Khi chặt đứt rồi thì mình trở thành một con người nhẹ nhàng, thanh thản.

Mình có một niệm đam mê thì mình khổ vì niệm đam mê đó. Các ông các bà đã từng có kinh nghiệm rồi. Ca dao của mình nói :

Vì gì một áng bèo mây
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi

Đó là vì có những đam mê mà mình sẽ lên xuống vì những đam mê đó. Nếu mình muốn không lên không xuống, thẳng một đường thì phải chặt đứt sự đam mê đó. Những hận thù cũng vậy. Hận thù nung đốt tâm cang làm mình ăn không ngon, ngủ không yên, tìm mọi cách để trả thù. Đó là địa ngục. Đoạn đức là khả năng cắt đứt được tất cả những thứ đó mà nếu không có con đường thì làm sao cắt được. Đạo đem tới cái Đức.

Đức thứ hai là trí đức. Trí đức là tuệ giác, tức là cái thấy sâu sắc về sự thực. Trong đạo Phật giọ là Trí tuệ Bát nhã. Trí đây không phải là kiến thức thâu lượm được trong khi mình đọc sách hay trong khi học hỏi ở nhà trường. Đó là kiến thức, không phải là Tuệ giác. Kiến thức nếu biết sử dụng cũng có lợi, nhưng  nếu mình bị vướng vào thì nó là những chướng ngại cho tuệ giác. Trong nhà Phật có thành ngữ là duy tuệ thị nghiệp, có nghĩa là : sự nghiệp duy nhất của nhà tu là tuệ giác. Tuệ giác ở đây là sự giác ngộ, là trí tuệ của Bụt, của Bồ Tát. Nó có khả năng giúp mình cắt đứt phiền não và chế tác được những tình cảm cao thượng như từ, bi, hỷ, xả. Nếu hiểu duy tuệ thị nghiệp là sự chất chứa kiến thức là mình đã hiểu sai thành ngữ đó.  Duy tuệ thị nghiệp có nghĩa là sự nghiệp duy nhất của mình là phát khởi tuệ giác. Có tuệ giác rồi thì gỡ rối rất là mau. Mình tháo gỡ những khó khăn của mình rất mau và giúp người khác tháo gỡ khó khăn cũng rất mau.

Cũng như vị lương y khi nắm vững nghệ thuật của sự chẩn bệnh rồi thì bằng cách quan sát nghe ngóng, tìm ra được nguyên do và tháo gỡ cho người bệnh một cách mau chóng bằng cách cho một phương dược đúng với trường hợp đó. Nguồn năng lượng thứ hai mà người  tu phải chế tác là trí đức. Đối với một người có tuệ giác thì tháo gỡ những vướng mắc, những cái kẹt kia rất dễ. Còn mình vì không có tuệ giác nên cứ đi vòng mà không bao giờ thoát ra được. Nhưng nếu gặp được minh sư chỉ cho một cái thì mình ra khỏi cái vòng luẩn quẩn kia liền lập tức. Cho nên cái đức thứ hai, năng lượng thứ hai, mà người tu chế tác là trí đức.

Đức thứ ba, uy quyền thứ ba, theo đạo Phật là Ân Đức. Ân đức là khả năng tha thứ, thương yêu và chấp nhận. Khi mình có khả năng tha thứ, thương yêu và chấp nhận thì trong lòng mình là khỏe, hoàn toàn không có hận thù, không có trách móc. Tình thương yêu, sự tha thứ đó biểu hiện trong mắt mình, trong cách mình nhìn, trong cách mình nói năng. Khi mình nhìn bằng con mắt thương, mắt từ bi, khi mình nói bằng lời ái ngữ thì mình là người hưởng trước hết, tại vì nó làm cho thân tâm thư thái. Khi người kia thấy ánh mắt của mình, cảm thấy họ được tha thứ thương yêu thì người đó tiếp nhận được của mình rất nhiều ân đức.

Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn, nói về Đức Quan Thế Âm, có năm chữ từ nhãn thị chúng sinh có nghĩa là lấy con mắt thương yêu mà nhìn mọi người. Khi mình biết nhìn người khác bằng con mắt tha thứ và thương yêu thì mình khỏe trước nhất. Còn người kia cũng khỏe theo vì cảm thấy được thương yêu, tha thứ. Mắt thương nhìn cuộc đời là một phép hành xử rất tuyệt diệu của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, không trách móc, không hận thù, chấp nhận, tha thứ và thương yêu. Đó là cách nhìn. Còn cách nói là dùng ái ngữ, dùng ngôn từ nhẹ nhàng, hòa ái để có thể giúp người thấy được con đường đi, giúp họ thoát khỏi mê lộ mà họ đang vướng mắc.

Khi mình có ba cái đức đó : đoạn đức là cắt đứt những đam mê, hận thù, trí đức là có được trí tuệ để hành xử, tháo gỡ và ân đức là có khả năng chấp nhận, tha thứ và thương yêu thì lúc đó danh vọng và tiền bạc trở thành những dụng cụ rất tốt. Khi đó thì càng có nhiều tiền càng tốt, càng có nhiều danh càng tốt, càng có nhiều uy quyền càng tốt. Những thứ đó trở thành phương tiện để giúp người, để độ đời rất hay.

 

hành xử trên cơ bản của tình thương và trí tuệ

Đạo Phật không lên án những người muốn làm giàu, những người muốn thành công trong lãnh vực chính trị hay kinh tế. Nhưng dạo Phật khuyên trong khi đeo đuổi sự nghiệp chính trị hay kinh tế mình phải có một chiều hướng tâm linh. Mình phải hành xử trên cơ bản của tình thương và trí tuệ. Trường hợp ông Cấp Cô Độc, nhà thương gia trong thời Đức Phật tại thế là một thí dụ điển hình.

Tạp chí Fortune - tức Cơ Nghiệp – bên Mỹ, tạp chí của những nhà doanh thương, mỗi năm cho ra danh sách 100 doanh nghiệp đứng đầu trên thế giới và khuyên người ta nên đầu tư vào đó. Đó là những doanh nghiệp đang trên bước đường thành công. Khi mình nghiên cứu những doanh nghiệp đó thì mình thấy có một điều chung là tất cả đang được dẫn dắt, tiến hành với tinh thần tình thương. Những doanh nghiệp đó trong khi tính tới chuyện đạt được mức lợi nhuận cao hơn vẫn có đủ thì giờ để chăm sóc những người trong doanh nghiệp. Chuyện tìm hiểu, chăm sóc những gia đình của công nhân trong doanh nghiệp trở thành rất quan trọng, rất căn bản.

Giữa chủ và người làm trong doanh nghiệp phải có sự truyền thông tốt đẹp, phải nói chuyện được với nhau và phải hiểu những khổ đau, khó khăn của nhau. Công nhân hiểu được những khó khăn của chủ và chủ hiểu được những khó khăn của công nhân. Hể công nhân làm được gì giúp cho chủ thì làm và chủ làm được gì giúp cho công nhân thì làm. Những vấn đề chăm sóc con nít, cứu trợ những gia đình thiếu phương tiện y dược hay giáo dục được để tâm rất nhiều. Vấn đề xã hội, tinh thần của tất cả thành phần trong doanh nghiệp được quan tâm lo lắng. Phải biến doanh nghiệp của mình thành ra một cộng đồng, một gia đình trong đó người ta có thì giờ chăm sóc nhau, tìm hiểu nhau và nâng đỡ nhau. Trong khi làm như vậy lợi nhuận đã không những không bớt đi mà còn tăng thêm vì một người đồng lòng với nhau ai cũng làm việc hết lòng của mình và tin nhau. Đó là đạo đức trong doanh nghiệp.

Sự thành công của những doanh nghiệp trong danh sách nêu lên đó cho mình thấy một sự thật: những doanh nghiệp đó chú ý đến phương diện tương trợ, tình thương. Nếu không có tình thương thì doanh nghiệp chỉ tìm lợi nhuận mà thôi và không thành công bằng những doanh nghiệp đi trên con đường tình thương. Ngày xưa Cấp Cô Độc đã đi trên con đường đó. Là một nhà doanh thương, một nhà chính trị mà có tình thương thì mình trở thành một vị bồ tát. Mình có khả năng cắt đứt những đam mê, những hận thù. Mình có trí tuệ giúp đỡ những người đồng liêu, những người trong tổ chức, trong doanh nghiệp. Mình có khả năng chấp nhận và thương yêu, tha thứ những lỗi lầm của nhân viên, của những người trong tổ chức của mình. Khi đó mình có một uy quyền rất lớn gọi là uy quyền tinh thần.

Trong đạo Phật khi làm thầy thì mình không được lạm dụng quyền làm thầy của mình. Uy quyền của một ông thầy đối với đệ tử không phải là tại vì mình làm chủ chùa, sư trưởng, mà là tại mình có đoạn đức, trí đức và ân đức. Có ân đức cho nên có uy quyền. Cái uy quyền của một ông thầy trong đạo Phật là do từ bi mà ra chứ không phải là do nguyên tắc: chủ chùa nói thì mọi người phải nghe theo, thầy nói thì học trò phải nghe theo. Không phải như vậy!

Trong lãnh vực chính trị, doanh thương cũng vậy. Cái uy quyền của một chủ sở, người dẫn đạo phải được xây dựng trên 3 cái đức đó, tức là đoạn đức, trí đức và ân đức. Lúc đó mình sẽ sử dụng địa vị, vị trí của mình một cách đầy đủ, khéo léo và không tạo ra sự tan nát, đổ vỡ. Nếu không có 3 cái đức thì quyền hành, tiền bạc sẽ làm ung thối hết tất cả, kể cả cuộc sống của ngươì chủ nhiệm hay người lãnh đạo. Vì vậy một chiều hướng tâm linh rất cần thiết cho một nhà lãnh đạo dù trong lãnh vực doanh thương hay trong lãnh vực chính trị. Trong đạo Phật quí vị đã từng nghe Đức Thế Tôn dạy rằng chúng ta không cần phải bươn chải về tương lai mới có hạnh phúc. Chúng ta có thể có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Sự thành công lớn nhất là chúng ta sống với tình thương trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thì giờ để chăm sóc cho chính bản thân ta. Nếu bản thân ta có những đau nhức, những bực bội, những giận hờn thì ta khổ và khi khổ thì tự động ta làm cho những người chung quanh ta khổ trong đó có người thương của mình. Phải có thì giờ cho bản thân rồi mới có thì giờ cho người thương của mình, cho người trong cộng đồng của mình. Vì vậy trở về với giây phút hiện tại, đừng để cho tương lai cuống hút hết tất cả thì giờ và năng lượng của mình, đó là điều rất quan trọng  mà chúng ta phải rút ra được từ trong đạo Phật. Trở về như vậy không phải là chuyện dễ vì chúng ta đã có thói quen, tập quán chạy về tương lai. Chúng ta phải chặn đứng cái đà đó để trở về với từng bước chân, từng hơi thở, để tập sống những giây phút trong đời sống hằng ngày, sống cho sâu sắc, thảnh thơi, để tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại.

Trong một thiền viện hay một trung tâm thực tập sự thực tập căn bản là sử dụng ý thức của hơi thở, của bước chân để đưa mình trở về với phút giây hiện tại. Ví dụ khi nghe một tiếng chuông, quí vị ngưng hết mọi suy nghĩ, nói năng, trở về với hơi thở, đem tâm trở về với thân và quí vị có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Trong đời sống hằng ngày rất nhiều khi thân mình ở đây nhưng tâm mình đang phiêu lưu trong quá khứ hay trong tương lai. Tâm mình không thực sự có mặt với thân. Mình không có mặt cho mình thì làm sao mình có mặt cho vợ con, cho người thương của mình được.

Những phương pháp của đạo Phật rất thực tiển, rất rõ ràng và không khó nếu mình có cơ hội để bắt đầu sự thực tập. Tôi xin dành thì giờ còn lại để quí vị đặt một số câu hỏi có liên quan đến chủ đề chúng ta đã đàm thuyết hôm nay. Xin cám ơn quí vị đã lắng nghe.

 

Vấn đáp:

Hỏi: Thưa thiền sư, tôi xin nêu ra 2 câu hỏi :
- Câu thứ nhất là:  Trong các đệ tử của thiền sư, tôi rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều loại người như linh mục, mục sư, lãnh đạo cảnh sát v..v.. Nhưng khi làm đệ tử của thiền sư thì những người đó vẫn giữ tôn giáo của mình như mục sư, linh mục. Như vậy thì thiền sư giải thích cho với phương thức huấn luyện của đạo Phật.
-
Câu thứ hai là:  Tôi biết thiền sư là bậc tu hành mà còn là một học giả. Tôi có đọc một số tác phẩm của thiền sư. Tôi thấy thiền sư đã làm một việc cho dân tộc là tuyên truyền, giải thích đạo Phật Việt Nam cho thế giới cũng như giáo sư Trần văn Khê đã tuyên truyền, giải thích cho thế giới biết về âm nhạc Việt Nam. Vai trò học giả đó rất lớn và với vai trò học giả thiền sư đã đóng góp như thế nào trong sự phát triển đạo Phật của Việt Nam.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Ngày xưa khi các vị truyền đạo Cơ đốc giáo tới Việt Nam thì họ có khuynh hướng muốn người Việt bỏ đạo gốc của mình như thờ cúng ông bà, đạo Phật, để ôm lấy đạo mới. Điều đó đã gây ra nhiều khổ đau. Trong thời gian chúng ta có nhiều thuyền nhân cư trú tại các trại tị nạn ở Thái Lan hay Phi Luật Tân cũng có những  nhà truyền giáo tới muốn giúp đỡ và cũng muốn dụ những thuyền nhân theo đạo của họ. Tôi thấy cái đó không hay. Làm cho người nào mất cái gốc của mình là tội lắm.

Khi chúng tôi đem đạo Phật chia sẻ cho người Tây phương thì chúng tôi khuyên họ đừng đánh mất gốc rễ, đừng bỏ đạo của mình. Quí vị có thể tới với đạo Phật để học hỏi những pháp môn, những phương pháp để tháo gỡ những khó khăn trong thân, trong tâm để thực hiện được tình thương lớn. Nhưng quí vị không cần phải bỏ đạo gốc của quí vị tại vì chúng tôi nghĩ làm như vậy không hay.

Ở Tây phương giới bỏ đạo Cơ đốc mà đi rất đông tại vì những truyền thống đó không làm mới, không đổi mới kịp để cung cấp cho giới thanh niên những giáo lý, những phương cách thực tập mà họ cần. Họ đã bỏ nhà thờ đi rất nhiều. Trong số đó có rất nhiều người tới tu tập với chúng tôi. Chúng tôi nói rằng truyền thống của quí vị cần phải được làm mới, đổi mới lại. Sau khi tu tập ở đây rồi quí vị có thể trở về nhà thờ để cải tổ lại. Một quốc gia mà không có nền đạo dức tâm linh để làm nền tảng thì quốc gia đó không trường cửu lâu dài. Trước tiên phản ứng của các thiền sinh là họ thấy đạo Phật rất bao dung, chấp nhận tất cả, ôm lấy tất cả mà không loại trừ truyền thống nào. Tinh thần đó trong đạo Phật gọi là xả, có nghĩa là không kỳ thị, không loại trừ. Dịch tiếng Anh là Inclusivness (ôm lấy tất cả). Khi mình có yếu tố xả thì thình thương đó mới là tình thương cao cả nhất. Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn yếu tố của tình thương đích thực mà xả là không kỳ thị, không phân biệt, ôm lấy tất cả (equanimity).

Điều trước tiên là người ta thấy đạo Phật rất đẹp, rất bao dung, rộng mở. Vì vậy họ càng thương đạo Phật nhiều hơn. Nếu mình nói quí vị phải bỏ đạo của quí vị mới cho qui y thì nó không có Phật giáo lắm. Không có Phật giáo lắm vì Phật giáo rất là rộng. Chúng tôi đã độ được những linh mục, những mục sư mà lòng của họ vẫn còn thương đạo gốc. Nhưng họ đã thực tập hết lòng vì trong đạo Phật có những pháp môn rất cụ thể, rõ ràng để họ tháo gỡ được những khó khăn, bức xúc của họ và giúp cho họ độ đời được nhiều. 

Tôi nghĩ rằng đó là cái rất quí của đạo Phật. Nếu mình có tinh thần rộng lượng bao dung như vậy thì không bao giờ tạo ra chiến tranh. Tôn giáo nếu ôm lấy với một thái độ độc quyền về chân lý,  nói rằng chỉ có chân lý trong truyền thống của chúng tôi mà thôi và các truyền thống khác không có chân lý thì đó là mầm mống của chiến tranh rất ác liệt. Cho nên đạo Phật là một đạo của hòa bình. Trong khi giảng dạy đạo Phật mình phải làm sáng tỏ nguyên tắc đó. Cho nên rất nhiều người Tây phương hâm mộ mà đến với đạo Phật khi chúng tôi mở những khóa tu những buổi giảng hàng năm ngàn, bảy ngàn người tới nghe thì những người đó đâu phải là Phật tử. Những người đó phần lớn là người gốc Cơ đốc giáo và Do thái giáo. Có một lần chúng tôi giảng tại một nhà thờ ở Rom mà thính chúng đi đông hơn là ngày Noel tại vì người ta đang đi kiếm một cái gì cao cả, rộng mở và không có tinh thần kỳ thị.

Bây giờ những nhà khoa học tìm nguồn cảm hứng trong đaọ Phật rất nhiều, trong đạo lý tương tức, nhân duyên sinh, không, vô tướng, vô tác. Trong thế kỷ 21 này có thể là một thế kỷ mà các nhà khoa học gần gũi với đạo Phật rất nhiều. Đó là một ý chúng tôi muốn hiến tặng để trả lời câu hỏi đầu.

Câu hỏi thứ hai thuộc về vấn đề học hành. Thật ra mỗi khi có một khóa tu mới, thí dụ như khóa tu cho công an, cảnh sát, dân biểu quốc hội, cho các nhà doanh thương, các nhà môi trưng học hay cựu chiến binh thì chúng tôi phải nghiên cứu, học hỏi trước. Học hỏi trước để thấy những khó khăn, đau khổ, bế tắc của giới đó thì chúng tôi mới giảng dạy và hướng dẫn thực tập đúng. Vì vậy trong bao nhiêu năm hành đạo ở Tây phương chúng tôi đã học rất nhiều.

Nếu quí vị không hiểu được giáo lý và cách hành trì của Do thái giáo thì quí vị không thể hướng dẫn được như vậy. Nếu quí vị không thấy được những bức xúc, khổ đau, căng thẳng của giới doanh thương thì quí vị không thể nào giảng dạy, chia sẻ và hướng dẫn tu tập thể giúp họ tháo gỡ được những bức xúc, căng thẳng của họ. Do đó cho nên mình phải học. Nhưng mình đâu cần phải học như những sinh viên khác ở ngoài đời. Những ngành như khoa học, xã hội học, tâm lý học người ta đã đúc kết thành những sách rất là cô đọng. Nếu mình thực tâm muốn học thì mình chỉ đọc vài ba cuốn cho thật hay trong lãnh vực đó là mình có thể học được rồi. Mình không cần phải là nhà học giả. Mục đích của người tu không phải là thành một học giả. Mình chỉ cần biết đủ về lãnh vực đó để có thể nói được cái ngôn ngữ đó và đưa người ta đi vào con đường tinh thần được.

Nói chúng tôi là là nhà học giả để truyền bá văn hóa Việt Nam thì cũng không đúng lắm. Khi chúng tôi dạy ở đại học Sorbonne về ngành bác ngữ học, sử học thì chúng tôi giảng về lịch sử Phật giáo. Giảng dạy như vậy thì phải nghiên cứu, cho nên nhân cơ hội đó chúng tôi viết được bộ Việt Nam Phật giáo Sử luận, ký tên là Nguyễn Lang, Hồi đó tên Nhất Hạnh bị cấm ở Việt Nam thành ra xuất bản dưới tên giáo sư Nguyễn Lang. Hà nội có in, trong Nam cũng có in một cuốn. Trong Nam cấm sách của Nhất Hạnh, không cho in. Thầy Nhất Hạnh đi vận động hòa bình thân cộng. Đó là danh từ họ gán cho tôi: hòa bình thân cộng.

Mục đích của mình không phải là một nhà học giả, một sử gia. Nhưng tôi viết Việt Nam Phật giáo Sử luận bên ngoài giống như là một sử gia. Sự thật là tại vì mình giảng dạy trong trường nên nhân cơ hội đó mình viết xuống luôn những nghiên cứu của mình đề đàn em được thừa hưởng chứ không có mục đích làm nhà học giả, sử gia gì hết.

Đứng về các phương diện khác cũng vậy. Thiền mà chúng tôi chia sẻ với Tây phương có gốc rễ ở Việt Nam, là thiền Tào Khê, rồi thiền Khương Tăng Hội đến thiền Liễu Quán. Vào thế kỷ thứ ba chúng ta có một thiền sư rất lỗi lạc tên là thiền sư Tăng Hội, cha là người Sogdian (Khương Cư) và mẹ là một cô gái Việt Nam. Khi cha mẹ mất rồi thì cậu bé Khương Tăng Hội đi vào một ngôi chùa ở Bắc Ninh và tu, sau trở thành một vị cao tăng vào thượng bán thế kỷ thứ ba. Vị thiền sư đó dịch Kinh, chú giải Kinh điển ngay tại Giao Châu. Sau đó ngài qua nước Ngô, thời Tam Quốc, để hành đạo và trở thành một thiền sư giảng dạy thiền ở Trung quốc sớm hơn tổ Bồ Đề Đạt Ma tới ba trăm năm. Tôi có viết một cuốn sách nói về thiền sư Tăng Hội, kêu gọi Phật tử Việt Nam nên thờ tổ Tăng Hội, ngài là tổ thiền của Việt Nam, đã có những nhà họa sĩ, nghệ sĩ tạc tượng, vẽ hình tổ Tăng Hội để thờ tại các chùa.

Ở Việt Nam có Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thỉ. Tôi có được may mắn là sau khi được thọ huấn trong truyền thống Đại thừa tôi có cơ duyên nghiên cứu trong dòng Phật giáo Nguyên thỉ nên tôi khám phá ra rằng tổ Tăng Hội ngày xưa đã từng dùng những Kinh Nguyên thỉ để giảng dạy về thiền với con mắt phóng khoáng của Đại thừa. Cách giảng dạy của chúng tôi là theo theo sát nguyên tắc của thiền sư Tăng Hội, sử dụng những Kinh Nguyên thỉ, những Kinh mà Đức Thế Tôn và các thầy, các sư cô thời đó sử dụng hằng ngày nhưng với tầm nhìn phóng khoáng của Đại thừa. Vì vậy mỗi khi tổ chức các khóa tu ở Tây phương thì thiền sinh các tông phái khác tới rất đông. Họ cảm thấy rất thoải mái vì đó là một nền Phật giáo phối hợp được thiền Nguyên thỉ với thiền Đại thừa. Những Kinh căm bản sử dụng trong sự thiền tập có mặt trong các hệ phái, có trong Tạng Pali, Tạng Hán, Tạng Sanskrit và trong Tạng Tây tạng. Chúng tôi đã phiên dịch, giảng dạy, chú giải những Kinh thực tập thiền căn bản như Kinh Quán niện hơi thở, Kinh Tứ niệm xứ, Kinh Người biết sống một mình. Những Kinh đó là những Kinh tuy tôi không nói ra tối hôm nay nhưng tinh thần của bài nói chuyện hôm nay được căn cứ trên tuệ giác của những Kinh đó.

Mục đích của chúng tôi thực sự không phải là truyền bá văn hóa Việt Nam trên thế giới mà là muốn giúp cho người bớt khổ bằng cách chia sẻ phương pháp tu tập. Do đó họ biết tới thiền, các phương pháp tu tập có gốc rễ từ Việt Nam. Nói như vậy để quí vị thấy rõ mục đích của tôi đi ra ngoại quốc không phải là để truyền bá văn hóa Việt Nam tại quốc ngoại. Chúng tôi chỉ muốn giúp người thôi và đó là phó sản của công việc, tự nhiên được tiếng là đem văn hóa Viện Nam truyền bá ở quốc ngoại. Đó là chuyện dĩ nhiên nó tới mà thôi chứ không có chủ ý như vậy. Khi đi ra ngoại quốc để kêu gọi tôi chỉ xin đi 3  tháng thôi. Ông giám đốc công an ở Sài gòn hỏi: “ Thầy đi qua đó để làm gì?. Thầy làm gì cũng được, miễn là đừng kêu gọi hòa bình thì thôi !.” Tôi nín khe, tại vì mục đích của tôi qua đó là để kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Qua đó thì tôi kêu gọi hòa bình, làm thế nào để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vì vậy họ không cho tôi về nước nữa. Không thể nói tôi đi ra là để truyền bá văn hóa Viện Nam ở ngoại quốc. Đi ra là nghĩ chỉ đi có 3 tháng. Ai dè phải ở luôn đến 40 năm.

Sụ thật là trong thời gian ở nước ngoài mình phải làm một cái gì đó với tư cách một ông thầy tu để giúp đỡ. Nếu giúp người Việt chưa được thì giúp người Tây phương, vậy thôi. Tự nhiên sinh ra chuyện là mình có chủ đích đem văn hóa Việt Nam ra truyền bá ở nước ngoài. Việc đó xẩy ra tự nhiên chứ không phải mình có chủ đích. Xin thưa thiệt với quí vị.

 

Hỏi: Kính thưa thiền sư Nhất Hạnh và các vị nhân sĩ trí thức thành phố Đà nẵng, tôi xin hỏi hai câu:
-
Câu thứ nhất: Trong chuyến đi này thiền sư đã tới thành phố Đà nẵng có nhận định gì về sự phát triển của thành phố trong có có Phật giáo tại thành phố Đà nẵng.
-
Câu thứ hai : Thiền sư có thể vận động mở thư viện hoặc tu viện taị thành phố Đà Nẵng cho mọi người trong đó có hàng xuất gia, tại gia kể cả nhân sĩ trí thức của thành phố Đà Nẵng theo tinh thần Phật giáo, góp phần xây dựng thành phố có nếp sống văn hóa, văn minh theo chỉ thị của thành phố Đà Nẵng gồm có “ năm có và ba không “. Xin hết.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Đà Nẵng đã đẹp lắm rồi, sạch rồi, xanh rồi, tốt lắm rồi. Đà Nẵng đã phát triển rất mau và rất tốt. Nhưng mà mình biết được những phát triển kinh tế, kỹ thuật nó đi song song với sự phát triển những tệ nạn của xã hội như ma túy, băng đảng, tự tử, mãi dâm thì nên phòng ngừa trước. Cho nên những công tác đứng về mặt luân lý, đạo đức cần phải được kế hoạch hóa rất kĩ lưỡng. Các vị nhân sĩ, thân hào cũng như các thầy, các sư cô cần phải ngồi lại với nhau để tìm ra những kế hoạch rất cụ thể hầu ngăn chận những tệ nạn đó đừng cho phát triển sinh sôi nẩy nở với tốc độ như bây giờ. Đó là điều tôi có thể chia sẻ.

Điều thứ hai có thể dính líu tới đạo Phật của mình. Đạo Phật tuy lâu đời nhưng cần phải làm mới lại. Nếu không nó không đủ sức thực thi được sứ mạng của nó trong hiện tại. Cách chúng ta học Phật, cách chúng ta thực tập phải được đổi mới lại, phải được làm mới lại. Cái học của chúng ta còn đang quá lý thuyết. Phật giáo của chúng ta đa số còn thực tập trên phương diện tín ngưỡng, kính mộ, cầu nguyện, bái sám. Cái đó rất quan trọng nhưng đạo Phật không phải chỉ có phần tôn giáo tín ngưỡng. Nếu ta chọc thủng được cái vỏ tôn giáo tín ngưỡng ta sẽ đi vào trong cái ruột của đạo Phật. Đó là một nguồn tuệ giác rất lớn tiếng Anh dịch là Insight. Với tuệ giác đó chúng ta cống hiến cho đất nước, quê hương một con đường đi tới văn hóa thực sự, văn minh thực sự, đi tới sự hài hòa hưng thịnh của một quốc gia.

Trong quá khứ đời Lý, Trần, các vua đã tu tập. Các vua Lý, Trần đều có tu tập thiền, thiền công án chứ không phải lễ lạy, bái sám không. Quí vị cũng biết như chúng tôi thời đại đó là những thời đại thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam, những thời đại có rất nhiều tình thương và sự hiểu biết. Giữa vua và tôi có sự liên hệ rất mật thiết, không có sự chia cách.

Nếu đạo Phật đã đóng được một vai trò như vậy trong quá khứ, làn cho dân hùng nước mạnh, đánh đuổi quân xâm lăng một cách rất dễ dàng thì đạo Phật cũng có thể phụng sự đất nước theo đường lối đó trong hiện tại và trong tương lai.

Muốn được như vậy thì ta phải hiện đại hóa đạo Phật, phải làm mới, đổi mới đạo Phật trong cách học hỏi, giảng dạy và thực tập, nghĩa là chnúg ta phải sử dụng được phần thâm uyên nhất của đạo Phật vốn là phần tuệ giác. Còn đứng về phương diện sinh hoạt Phật giáo, chúng ta thấy là bây giớ đa số chúng ta thực tập tín ngưỡng, bái sám, cúng dường mà thôi. Tuy cái đó rất quan trọng nhưng nó chưa phải là tất cả của Phật giáo. Chúng ta nên thành lập những Tòng lâm, đào tạo những người xuất gia mới, những vị tại gia mới có khả năng hướng dẫn những người thanh niên tu tập để họ có thể tháo gỡ những khó khăn, bức xúc của họ và trong gia đình họ. Đó là chuyện rất cần.

Với tư cách là Đạo tràng Mai thôn chúng tôi nghĩ là chúng tôi có thể đóng góp một phần nào trong vấn đề này. Nếu các vị hòa thượng, thượng tọa ở đây, trong trường Trung cấp Phật học hay trong Học viện Phật giáo thấy rằng để ngăn chận cái đà hư hỏng của thanh niên, trong đó có thanh niên tăng, ni, thì chúng ta cần nên lập ra những Tòng Lâm lớn trong đó có thể có 500 thầy hoặc 1.000 thầy tu học được đào tạo theo phương pháp này để họ có thể hướng dẫn tu tập cho quần chúng.

Họ có thể giúp những gia đình trong thôn xóm hay trong khu phố đã lung lay được chấn chỉnh lại, giúp cho vợ có thể  nói chuyện lại được với chồng, con nói chuyện được với cha, để người trẻ không đi ra ngoài tìm sự khuây khỏa rồi rơi vào hầm hố của những băng đảng ma túy, của những tà dục, của sự tự tử. Đó là sứ mạng của đạo Phật ngày hôm nay.

Chúng tôi có thể gửi về một số các vị Giáo thọ để giúp các vị tôn đức ở đây trong việc đào tạo một thế hệ tăng sinh mới có khả năng làm được công việc đó. Tôi nghĩ rằng đất nước đang trông chờ sự vùng mình thoát xác làm sống dậy năng lượng của đạo Phật ngày xưa trong thời Lý và Trần.

 

Hỏi: Kính thưa thiền sư. Từ đầu buổi tới giờ được nghe thiền sư giảng về thiền. Theo nhận thức tôi hiểu được về thiền, không biết đúng hay sai, tôi nghĩ rằng thiền chỉ dùng cho những người có nỗi khổ, bất hạnh hay những người nhàn rỗi mới thiền. Còn hiện tại những người lao động, học tập, sinh hoạt bình thường thì cần phải biết nghĩ về quá khứ để biết cần phải làm gì tốt ở hiện tại và hướng tới tương lai. Người ta nói “ biết ước mơ mới làm nên sự nghiệp “. Trong thiền thì nói rằng “giải thoát quá khứ và tạm thời cắt đi những suy nghĩ tương lai” thì đối với những con người biết lo nghĩ cho cuộc sống xã hội, cho bản thân về tương lai thì có nên ngồi thiền hay không.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh:Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ quá khứ. Chúng ta phải xét lại quá khứ, phải nghiên cứu quá khứ và học hỏi từ quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là để cho bị quá khứ giam hãm. Hai cái đó hoàn toàn không dính gì tới nhau. Trong khi nghiên cứu, học hỏi về quá khứ, chúng ta có thể thiết lập thân tâm chúng ta vững chãi trong giây phút hiện tại. Chính vì chúng ta thiết lập thân tâm vững chãi trong thế giới hiện tại nên ta mới có khả năng học hỏi, nghiên cứu về quá khứ. Nếu không chúng ta chỉ mơ tưởng hoặc bị ám ảnh về quá khứ mà thôi. Đau khổ về quá khứ  không giúp gì hết trong khi nghiên cứu, học hỏi về quá khứ thì có ích lợi rất nhiều.

Đối với tương lai cũng vậy. Nếu ta ngồi đó mà lo lắng, sợ hãi, bất an với tương lai thì chúng ta chỉ làm cho tương lai nó hư thêm mà thôi. Chúng ta có quyền làm dự án cho tương lai, sắp đặt cho tương lai. Nhưng làm dự án, sắp đặt cho tương lai không có nghĩa là bị tương lai làm cho mình hoảng sợ, lo lắng. Hai đó rất khác nhau. Quí vị cũng biết rằng tương lai được làm bằng chất liệu hiện tại. Tuơng lai được làm bằng cái gì nữa nếu không phải là bằng hiện tại. Nếu ta biết xử lý hiện tại bằng tất cả tâm huyết và khả năng của chúng ta thì đó là ta đã làm tất cả cho tương lai rồi. Nếu quí vị không an trú trong hiện tại, nếu quí vị không có khả năng xử lý được hiện tại bằng tất cả tài năng và tâm huyết của mình mà chỉ lo lắng, sợ hãi, mơ ước về tương lai thôi thì quí vị sẽ không có tương lai. Chắc chắn là như vậy. Mơ ước thì không cần phải là 24 giờ đồng hồ mỗi ngày, mơ ước chỉ là 1 phút là được rồi. Mơ ước không không đủ, phải hạ thủ công phu, phải đặt nền tảng cho tương lai ngay trong phút giây hiện tại. Đặt nền tảng cho tương lai trong phút giây hiện tại không có nghĩa là ngồi đó lo lắng, sợ hãi về tương lai. Quí vị đừng để bị danh từ làm cho lầm. Nếu mà quí vị không có khả năng ngồi thiền tức là ngồi trong phút giây hiện tại, quí vị không đem tâm trở về với thân, quí vị không biết những gì xẩy ra trong giây phút hiện tại thì quí vị không thể nào xử lý được phút giây hiện tại.

Thiền là gì? Thiền không phải là cái quí vị có thể tưởng tượng đâu ! Thiền là phải có mặt trong giây phút hiện tại. Hồi nãy  tôi có đưa ra một hình ảnh là cái thân ở đây mà cái tâm nó phiêu lưu ở chổ khác. Những lúc đó mình không có mặt, không có mặt cho vợ mình, chồng mình, anh, em mình, dân tộc mình, tổ quốc mình. Đó là ngược với thiền. Thiền là đem tâm trở về với thân, nghĩa là có mặt trong giây phút hiện tại, có mặt để xử lý, bảo quản, lo lắng để lập kế hoạch. Nếu mình không có mặt ở đó thì ai là người chăm sóc cho hiện tại ?. Trong hiện tại có những nhu yếu, ví dụ mình có những đau nhức khó khăn, người thương của mình có những đau nhức, khó khăn. Nếu mình không có mặt trong giây phút hiện tại thì làm sao mình có thể giúp được mình và giúp được  người kia.

Cho nên thiền trướchết là phải có mặt trong giây phút hiện tại. Có mặt trong giây phút hiện tại có nghĩa là không bị quá khứ giam hãm, không bị tương lai hút hồn. Nó rất cần. Tất cả chúng ta đều phải ngồi thiền. Ngồi thiền không phải ngồi đó để mà suy nghĩ tới những chuyện siêu hình viễn vông. Trong chữ Niệm tiếng Hán có chữ Kim ở trên và chữ Tâm ở dưới. Tâm là giây phút hiện tại. Tâm là tim. Tim của mình trở về với giây phút hiện tại là Niệm, là có mặt. Mình có mặt cho những người thương của mình, cho đất nước mình, cho quê hương mình.

Nếu mình bị quá khứ ám ảnh, bị tương lai cuốn hút thì làm sao mình xử lý được giây phút hiện tại vốn là chất liệu để làm ra tương lai. Nó đơn giản như vậy. Nó không có gì là khó hiểu hết. Cho nên nói ngược lại, nếu không ngồi thiền được thì mình không làm đưọc gì hết. Các nhà chính trị, nhà kinh tế cũng vậy. Ngồi thiền trước hết là có mặt, ngồi yên và khi  mình tĩnh lặng rồi thì mình sẽ thấy được sự thật và mình sẽ có những dự án, những hành động phù hợp với sự thật để có thể giải quyết được những vấn đề của sự thật.

Pháp môn hiện pháp lạc trú rất quan trọng: Trở về với giây phút hiện tại, sống an lạc, hạnh phúc trong giây phút đó để được nuôi dưỡng, trị liệu và  để có cơ hội xử lý những vấn đề của hiện tại. Nếu xử lý được vấn đề của hiện tại thì ta sẽ có tương lai.

 

Hỏi: Kính thưa thiền sư thật là một hạnh phúc lớn lao cho con được dự thính hôm nay trực tiếp với thiền sư và được nghe những lời giảng giải vô cùng thực tế, thấm vào lòng người cũng như kiến thức kinh nghiệm sống. Con đã từ Canada về đây được hân hạnh thì đó là một hạnh phúc vô vùng lớn lao rồi. Con xin hỏi một câu xin được thiền sư giải thích:
-
Bữa nay thiền sư nói về hạnh phúc hiện tại. Thiền sư nói quá khứ là một nhà tù. Phải quên quá khứ đi. Con cũng đồng ý một phần là mình lấy quá khứ làm kinh nghiệm cho hạnh phúc hiện tại, Những điều tốt thì tiếp tục, những đau khổ luyến tiếc thì bỏ qua. Người ta cũng đã nói rằng:  Ce qui passe c´est passé. Ce qui reste c´est le souvenir (Cái gì đã qua thì để cho nó qua, cái gì còn lại là kỷ niệm) . Thôi thì đừng luyến tiếc nữa. Sống với hiện tại thì mình cũng cố gắng sống từng ngày từng giờ cho cá nhân mình thoải mái hạnh phúc. Như thiền sư nói khi mình hạnh phúc thì mình tạo hạnh phúc cho những người chung quanh mình. Trước đây con cũng đã băn khoăn cho cuộc sống cá nhân của mình. Con là người nghĩ tới tương lai hơi nhiều, tức là mình có nhiều hoài bão. Khi con nghĩ và chuẩn bị cho tương lai thì con thấy con hạnh phúc lắm, con nghĩ rằng là con sẽ thành công. Điều đó đem lại sự tốt đẹp một phần cho cá nhân, một phần cho những người thương yêu và một phần cho dân tộc thì con thấy con hạnh phúc lắm. Chứ nếu con nghĩ rằng : Ok , Bây giờ con sống cho thoải mái bây giờ thì cái đầu con nó bị giới hạn ở cái hiện tại này. Như thiền sư đã dạy : Chuẩn bị kỹ càng cho tương lai nhưng đừng quên hiện tại, thưa thiền sư có phải như vậy không ạ. Lo tương lai nhưng không phải lo hết cho tương lai để tương lai thành cái nhà tù giam hãm mình lại mà quên cái hiện tại hạnh phúc mình đang có và có thể mình sẽ tạo cho  nó có. Vậy thưa thiền sư là vẫn đừng hoài niệm quá khứ, nhất là quá khứ đau buồn, nó chặn đứng bước tiến trong hiện tại nhưng vẫn chuẩn bị tốt cho tương lai để mà mình cũng sung sướng có nhiều hy vọng và đừng quên hiện tại. Con xin hết lời.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi thấy chuyện mơ ước tương lai với chuyện thiết kế cho tương lai là hai cái có khác nhau, một bên rất thực tế, rất khoa học, một bên là sự chạy trốn. Có thể là trong hiện tại mình có những khó khăn, buồn phiền, khổ đau và mình muốn chạy trốn hiện tại đó. Nghĩ tới tương lai, mơ ước tương lai là  một liều thuốc mê, một liều thuốc thoa dịu. Nó có thể có hiệu quả trong chốc lát để mình tạm quên. Nhưng nói nó là liều thuốc có thể chữa trị tận gốc những vấn đề, những khó khăn trong hiện tại thì không được. Sống trong hiện tại mà có hạnh phúc trong hiện tại chuyện đó tập mới làm được, phải tập mới làm được. Khi bước những bước chân thảnh thơi mà bước nào cũng có an lạc, hạnh phúc, chuyện đó phải tập mới làm được. Trong khi mình nói bước mau đi, mau đi tới chổ đó rồi mới thật sự có hạnh phúc thì lúc đó mình đang đau khổ trong giây phút hiện tại và mình lấy tương lai làm viên thuốc an thần để cho bớt đau khổ trong giây phút hiện tại.

Cho nên mình phải tự vấn lòng mình. Sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại là chuyện có thể làm được. Nhưng nếu mình không có pháp  môn tu tập thực tế thì mình sống không được đâu ! Khi trong hiện tại mình có hạnh phúc thì mình biết rằng những giây phút hạnh phúc trong hiện tại đó là nền tảng cho những giây phút hạnh phúc trong tương lai. Nếu trong hiện tại mình không có hạnh phúc thì sức mấy mà mình có được hạnh phúc trong tương lai. Xin nhớ điều đó dùm tôi:  Hiện tại mà không có hạnh phúc thì sức mấy mà có hạnh phúc trong tương lai.

Tôi cũng nói với các bạn tu Tịnh độ. Tịnh độ là một cõi an lạc hạnh phúc. Có những người trong chúng tôi nghĩ rằng cõi đó chỉ có trong tương lai mà thôi, chỉ có bên phía trời Tây mà thôi. ( Tây này là Tây phương Cực Lạc Thế giới chứ không phải là Âu châu, Mỹ châu đâu ). Có những người tu Tịnh độ, nhất là những người mới bắt đầu tu tin rằng cõi Tịnh độ đó ở trong tưong lai nghĩa là khi chết rồi thì mình mới về đó. Mình đi về hướng Tây, Tây phương CựcLạc Thế giới. Nhưng có người tu Tịnh độ lâu rồi thì họ đi sâu hơn. Họ tìm ra được cái tuệ giác Duy Tâm Tịnh Độ, nghĩa là Tịnh độ không nằm ở phương Tây hay phương Đông mà nằm ở ngay trong trái tim mình. Di Đà là Tự Tánh của mình và Tịnh độ phát sinh ra từ trái tim của mình.

Vì vậy khi mình tu Thiền mà tu cho đàng hoàng thì cũng giống như tu Tịnh độ. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi nụ cười, mỗi cái nhìn đều có thể đem đến hạnh phúc cho mình trong phút giây hiện tại. Nếu mình làm đuợc như vậy thì Tịnh độ có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là Hiện pháp Tịnh độ, Tịnh độ Hiện tiền. Đó là mình đạt tới được Thiền Tịnh nhất như. Thiền không khác với Tịnh nữa. Thiền và Tịnh đi đôi với nhau rất là tuyệt hảo. Một bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười, mỗi lời nói, mỗi cái nhìn đều đem mình về Tịnh độ Hiện tiền.

Phương pháp của chúng tôi là đi như thế nào để mỗi bướcchân đưa mình vào Tịnh độ, đừng đưa về cõi Ta bà cho khổ. Mỗi khi mình thực tập thiền đi thành công rồi thì dại gì mình bưóc ra cõi Ta bà chi nữa. Mình chỉ đi trong cõi Tịnh độ thôi. Tịnh độ bây giờ và ở đây. Đức Thế Tôn dù ở đâu ngài cũng không hề lìa cõi Tịnh độ của ngài. Vậy thì cái Tịnh độ đó là cái Tịnh độ có thể có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu mình có thể sống được những giây phút tịnh độ trong hiện tại thì chắc chắn tương lai Tịnh độ sẽ có mặt. Còn nếu bây giờ không có Tịnh độ thì chưa chắc. Nếu bây giờ mình sống những giây phút Tịnh độ, mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười đều phát hiện Tịnh độ thì tương lai mình nắm Tịnh độ trong tay. Còn nếu bây giờ mình cứ đau khổ dài dài, đêm khổ ngày khổ và cứ tưởng tượng nếu mình chết đi thì mới về Tịnh độ thì chuyện đó không có chắc. Tôi xin nhắc lại lới nói hồi nãy : Không có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại thì sức mấy mà có hạnh phúc trong tương lai.

Xin cám ơn liệt vị.

  

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.