PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

. . .  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (. . .  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (. . .  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Tự độ và độ tha
Chia sẻ với Tăng-Ni sinh Học viện PGVN Hà Nội

  • Tháng V 2007 - Chân Giác Quang & Chân Tịnh Minh phiên tả và biên tập :
    Pháp thoại
    của Sư ông Làng Mai ngày 18 - IV - 2007 tại
    Học viện PGVN, chùa Non Nước, Sóc Sơn - Hànội
    Â
    m thanh MP3 : 
    Phần 1 (13.7MB) Phần 2 (12.3MB) 
     

Hơi thở chánh niệm

Xin mời đại chúng thực tập thở vài hơi cho khỏe :

Thở vào tôi biết đây là hơi thở vào,
Thở ra tôi biết đây là hơi thở ra.

Thở vào tôi theo dõi hơi thở vào của tôi từ đầu cho tới cuối,
Thở ra tôi theo dõi hơi thở ra của tôi từ đầu cho tới cuối.

Thở vào tôi có ý thức về sự có mặt của toàn thân tôi,
Thở ra tôi mỉm cười với toàn thân tôi, ý toàn thân, mỉm cười với toàn thân.

Thở vào tôi làm lắng dịu toàn thân, thở ra tôi buông thư toàn thân.
Làm lắng dịu những căng thẳng trong toàn thân, buông thư toàn thân.

Thở vào tôi thấy hơi thở vào của tôi đã bắt đầu sâu thêm,
Thở ra tôi thấy hơi thở ra của tôi đã chậm lại, sâu thêm, chậm lại.

Thở vào tôi cảm thấy khỏe trong người,
Thở ra tôi cảm thấy nhẹ nhàng trong người.

Thở vào thấy khỏe,
Thở ra thấy nhẹ.

Thở vào tôi cảm thấy thích thú trong khi thở vào,
Thở ra tôi cảm thấy thích thú trong khi thở ra.

Thở vào tôi thấy sự có mặt của cha tôi trong từng tế bào cơ thể tôi,
Thở ra tôi mỉm cười với cha tôi trong từng tế bào cơ thể tôi.

Thở vào tôi mời cha tôi cùng thở vào một lần với tôi cho vui, hai cha con cùng thở vào.
Thở ra tôi mời cha tôi cùng thở ra một lần với tôi, hai cha con cùng thở ra một lần.

Thở vào con thấy trong người khỏe quá, bố có thấy khỏe như con không?
Thở ra con thấy trong người nhẹ nhàng, bố có thấy nhẹ nhàng như con không?

Thở vào tôi thấy sự có mặt của mẹ tôi trong từng tế bào cơ thể tôi,
Thở ra tôi mỉm cười với mẹ tôi trong từng tế bào cơ thể.

Thở vào tôi mời mẹ tôi cùng thở vào một lần với tôi, hai mẹ con cùng thở vào.
Thở ra tôi mời mẹ tôi cùng thở ra một lần với tôi, hai mẹ con cùng thở ra.

Thở vào tôi thấy khỏe trong người, mẹ có thấy khỏe như con không?
Thở ra con thấy nhẹ ở trong người, mẹ có thấy nhẹ như con không?

 

Cái thấy của đạo Phật về chữ Hiếu

Khi chúng ta thở vào thì cha chúng ta cũng thở vào một lần với chúng ta. Đây không phải là quán tưởng mà thôi, đây là sự thật. Tại vì trong ta có cha và có mẹ và ta là sự tiếp nối của cha và của mẹ. Cũng như khi chúng ta gieo một hạt bắp, hạt ngô xuống dưới đất. Thì bảy hôm sau chúng ta có thể thấy được một cây bắp con, một cây ngô con. Tuy rằng chúng ta không thấy hạt bắp nữa nhưng mà hạt bắp chưa chết, hạt bắp nó thay hình đổi dạng nó thành ra cây bắp non. Cho nên nếu chúng ta nhìn vào cây bắp non, chúng ta có thể thấy cái hạt bắp ngày xưa. Chúng ta cũng vậy, chúng ta nhìn vào thân hình của chúng ta, chúng ta không có thấy bố, không có thấy mẹ nhưng kỳ thực bố và mẹ đang ở trong ta, ta là sự tiếp nối của bố, ta là sự tiếp nối của mẹ, giống như là cây bắp, là sự tiếp nối của hạt bắp. Cho nên khi ta thở vào bố ta cũng thở vào, mà nếu chúng ta thở vào nhẹ nhàng thì bố ta cũng được thở vào nhẹ nhàng, chúng ta thở cho bố và chúng ta thở cho mẹ. Có thể là trong suốt đời của bố, bố chưa bao giờ có cơ hội ngồi yên và thở những hơi thở nhẹ nhàng, thì hôm nay chúng ta tu, chúng ta thở cho bố. Bố ơi, bố thở vào với con đi, con thấy khi con thở vào thân tâm con nhẹ nhàng thì chắc chắn bố cũng thấy nhẹ nhàng như con trong khi con thở vào. Có thể là mẹ ta suốt đời tất tả ngược xuôi, chưa bao giờ có cơ hội được ngồi yên và chưa bao giờ thở được những hơi thở nhẹ nhàng lắng dịu như ta. Và vì vậy cho nên khi ta thở vào và cảm thấy nhẹ nhàng lắng dịu thì mẹ ta trong ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng lắng dịu. Và như vậy là ta thở cho mẹ, ta là một đứa con có hiếu.

Có những đứa con nó giận cha, giận mẹ và nó nói là nó không muốn có gì dính líu tới cha hoặc là mẹ hết. Nhưng mà làm thế nào mà có thể nghĩ được như thế? Là tại vì ta không thể nào lấy cha ta ra khỏi ta, ta không thể nào lấy mẹ ta ra khỏi ta được. Vì ta là sự nối tiếp của cha, ta là sự nối tiếp của mẹ và với sự tu tập ta có thể nối tiếp cha một cách đẹp đẽ hơn. Với sự tu tập ta có thể làm cho mẹ ta trong ta đẹp hơn là mẹ ta ở ngoài ta. Với sự tu tập ta có thể nối tiếp cha ta một cách đẹp đẽ và chúng ta cũng có thể nối tiếp được mẹ ta một cách đẹp đẽ, đó là cái thấy của đạo Phật về chữ Hiếu.

Khi mình tu mà mình chuyển hóa được những cái khó khăn, những cái khổ đau, những cái bức xúc ở trong người thì cha mẹ trong mình cũng được hưởng cái kết quả đó của sự tu tập. Đó là mình tu cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên, đó là cái thấy đích thực của đạo Phật về chữ Hiếu.

 

Ngồi trên một tòa sen

Chúng ta thường tạc tượng Đức Thế Tôn ngồi trên một Tòa Sen, tại sao lại ngồi trên tòa sen. Tại tòa sen nó biểu trưng cho sự tươi mát, cho sự tinh khiết cho sự nhẹ nhàng, cho sự thảnh thơi. Và khi mà ta ngồi mà có sự thảnh thơi, có sự tươi mát, có sự nhẹ nhàng thì lúc đó ta đang thật sự ngồi trên một đóa sen chứ không phải là ngồi trên chiếu hoặc là trên bồ đoàn. Đóa sen đó có thể có mặt bất cứ giờ phút nào nếu ta ngồi thảnh thơi, nếu ta ngồi tươi mát. Phần lớn chúng ta đều không thể ngồi được như thế, chúng ta ngồi với những lo âu, thấp thỏm, buồn bực, căng thẳng. Chúng ta không ngồi trên một đóa sen, chúng ta ngồi trên một đống lửa. Ngồi yên tức là an tọa, Đức Thế Tôn thầy của chúng ta là người có khả năng ngồi yên và chúng ta là học trò của ngài, chúng ta trước hết phải học ngồi yên, chúng ta phải học ngồi trên một tòa sen và chấm dứt cái chuyện ngồi trên một đống lửa.

Ngồi thiền trước hết là tập ngồi trên một tòa sen, ngồi như thế nào mà chúng ta cảm thấy thoải mái, cảm thấy buông thư, cảm thấy thư thái, cảm thấy tươi mát, cảm thấy an lành. Có thể là chúng ta phải hạ thủ công phu ngay lập tức để ngay trong ngày hôm nay chúng ta có thể ngồi yên được ba phút, năm phút hay mười phút. Tại vì trong ta nó có một cái năng lượng, một cái tập khí, một cái thói quen nó luôn luôn nó thúc đẩy ta muốn ta dứng dậy, muốn ta làm cái này, làm cái kia, chúng ta không ngồi yên được. Chúng ta có sự bất an ở trong con người, chúng ta có sự bất an, có sự căng thẳng, có sự dồn nén ở trong cơ thể. Và sự bất an đó, sự dồn nén đó nó thúc đẩy chúng ta, nó không cho phép chúng ta ngồi yên.

Việc đầu tiên của người tu là làm thế nào để đối phó với cái năng lượng bất an ở trong con người của mình, trong thân rồi đến trong tâm, thành ra mình phải học ngồi yên, phải học bằng mọi giá để ngồi yên. Mà muốn ngồi yên được, theo kinh nghiệm của riêng tôi thì phải có hạnh phúc, mình ngồi yên mình không cần làm gì hết và mình có cảm giác hạnh phúc trong khi mình ngồi yên.

Có một lần ông Nelson Mandela tổng thống nước Nam Phi tới thăm tổng thống Pháp là François Mitterrand. Thì báo chí phỏng vấn ông và báo chí hỏi một câu, trong những câu hỏi có một câu như thế này Thưa tổng thống, ngày xưa ngài đã ở tù trong bao nhiêu năm, đến khi ngài ra khỏi tù thì ngài được bầu làm Tổng thống. Chúng tôi biết rằng ngài rất bận rộn, chúng tôi muốn hỏi là cái gì mà ngài thích làm nhất bây giờ? Thì Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela trả lời rằng  Cái mà tôi thích làm nhất là được ngồi yên. Tại vì từ cái hôm mà tôi được phóng thích cho đến bây giờ tôi bận rộn quá chừng, tôi không có một giờ phút nào để nghỉ ngơi, để ngồi yên. Thành ra nếu quý vị hỏi cái gì mà tôi ước ao nhiều nhất, tôi thích làm nhất là được ngồi yên.

Chúng ta đi xuất gia trước hết là để được ngồi yên. Nhưng mà nếu chúng ta lăng xăng suốt ngày, lo việc chùa, lo việc học mà không có giờ ngồi yên thì chúng ta đi xuất gia để làm gì. Cho nên học ngồi yên là cái cử chỉ đầu tiên của người xuất gia, ngồi yên nghĩa là ngồi có sự bình yên, có sự an lạc. Vì an nó đưa tới lạc, an lạc, lạc tức là hạnh phúc.

Khi tôi đọc cái mẩu tin đó ở trong báo thì tôi có mỉm cười, tôi không chắc là nếu mình cho ông Tổng thống Nam Phi một giờ đồng hồ và ông có thể ngồi yên được. Tại vì ngồi yên khó lắm chứ không phải dễ đâu. Ví dụ mình cho ông ba ngày nói Tổng thống Nam Phi bây giờ cho ông bảy ngày để ông đi chơi, tha hồ ngồi yên. Tôi không tin rằng ông tổng thống Nam Phi, ông ngồi yên được, tại vì ông chưa bao giờ học ngồi yên. Và chúng ta những người xuất gia, việc đầu tiên chúng ta muốn học là học ngồi yên. Và theo kinh nghiệm của tôi ngồi yên đó là chỉ khi nào mình có hạnh phúc thì mình mới ngồi yên được. Còn nếu mình còn muốn tìm kiếm, bương chãi, lướt tới, xông tới để kiếm một cái gì đó thì mình chưa dừng lại được, mình chưa ngồi yên. Muốn ngồi yên thì phải dừng lại những cái tìm kiếm, những cái thao thức, những cái bương chãi của mình. Vì trong ta nó có một cái động lực rất là mạnh, nó đẩy ta đi tìm cái này, đi tìm cái kia, chúng ta bất an. Quý vị có mười phút nghỉ ngơi, nhưng mà quý vị có khả năng nghỉ ngơi trong mười phút hay không, hay là quý vị muốn mở ti vi ra xem, lấy một cuốn sách ra đọc hay là lấy cái điện thoại di động để bấm số để nói chuyện?

 

Khỏa lấp khoảng trống

Trong chúng ta có thể có một cái khoảng trống, một sự trống trải và khi mà chúng ta ngồi yên chúng ta chịu không có được, chúng ta muốn kiếm một cái gì đó để mà lấp cho đầy cái khoảng trống ở trong ta. Cái đó có thể là một cuốn sách, một cuốn tiểu thuyết, một bản nhạc hoặc giả một cuốn kinh. Có khi chúng ta đọc kinh là để mà khỏa lấp sự trống trải ở trong trái tim của chúng ta chứ không phải là thật sự muốn tìm hiểu cái nghĩa lý thậm thâm vi diệu trong kinh. Chúng ta có thể học kinh với cái tâm niệm tìm ra những pháp môn tu tập. Nhưng mà có khi chúng ta nghĩ rằng đọc kinh là chuyện có ích. Thành ra khi mà có sự trống trải chúng ta đọc kinh và chúng ta dùng kinh để mà khỏa lấp cái sự trống trải của mình, cái đó không có hại lắm. Nhưng mà chúng ta phải nhận diện rằng chúng ta đang đi tìm cái sự khỏa lấp những cái trống trải ở trong con người, nhất là con người của thế kỷ thứ hai mươi mốt nó có một cái khoảng trống ở trong lòng.

Chúng ta luôn luôn đi tìm kiếm một cái gì đó. Chúng ta đi tìm kiếm những cái tiện nghi, những cái tiện nghi vật chất. Và chúng ta nghĩ rằng nếu có những tiện nghi vật chất đầy đủ thì con người chúng ta sẽ có hạnh phúc. Cái tiện nghi vật chất đó là cái gì, một căn phòng có máy lạnh, một cái máy để nghe CD, một điện thoại di động, một xe gắn máy hay một trương mục tiết kiệm ở trong ngân hàng. Đó là những cái tiện nghi vật chất mà chúng ta nghĩ rằng nếu không có thì chúng ta không có hạnh phúc. nhưng mà có biết bao nhiêu người có đầy đủ những cái tiện nghi vật chất đó nhưng mà họ có hạnh phúc đâu. Và họ đi kiếm, đi tìm những cái tiện nghi tình cảm. Với cái điện thoại di động đó, với cái địa chỉ điện thư đó chúng ta có thể liên lạc với người này người kia, chúng ta muốn khỏa lấp cái sự trống trải ở trong con người của chúng ta, chúng ta đi ra ngoài, đi ra ngoài bằng những phương tiện như vậy.

Dầu chúng ta đang ở trong chốn thiền môn, nhưng mà cái tâm của chúng ta nó không nằm ở trong chốn thiền môn, nó nằm ở ngoài. Văn minh đã cung cấp cho chúng ta những cái phương tiện để chúng ta trốn thoát chốn thiền môn, thân ở trong chốn thiền môn nhưng mà tâm ở ngoài là tại vì chúng ta có những phương tiện vượt thoát bằng những thứ đó. Cho nên nếu mà chúng ta suốt ngày cứ nghĩ tới đi tìm những tiện nghi vật chất và những tiện nghi tình cảm để mà khỏa lấp cái khoảng trống ở trong trái tim chúng ta thì chúng ta đang không làm cái việc mà Đức Thế Tôn chờ đợi. Sự trống vắng ở trong lòng là một trong những cái phiền não. Nó cũng tương đương như những phiền não căn bản khác như là đam mê thèm khát tức là tham, tâm sở tham.

Tâm sở tham bây giờ mình dịch là tâm sở đam mê hay là tâm sở thèm khát. Nó là một lực lượng, nó là một năng lượng đẩy mình đi làm cái này làm cái kia, mình thiếu thốn những tiện nghi vật chất, mình thiếu thốn những tiện nghi tình cảm, đều là tham hết.

Sân tức là sự bực bội, hận thù và khi mà trong con người mình có sự bực bội, có sự hận thù, có sự giận dữ thì mình không có hạnh phúc.

Si là những cái tri giác sai lầm, những cái vọng tưởng, nó là nền tảng của biết bao nhiêu là khổ đau, hiểu lầm nhau, có cái thấy rất là sai lạc về chính bản thân mình và về những người khác.

Trong Duy thức học, chúng ta thấy một loạt những cái tâm sở bất thiện bắt đầu bằng tham sân si mạn nghi kiến. Và chính cái tâm sở tầmtứ nhiều khi nó cũng bất thiện, nó là những Tâm sở bất định. Nhưng mà suốt ngày nếu chúng ta cứ suy nghĩ quanh co tầm, tứ. Những suy nghĩ đó nó làm cho xáo trộn tâm tư, nó làm chúng ta thêm buồn thêm giận, thêm lo lắng. Thì cái sự suy nghĩ đó, hai cái tâm hành tầm và tứ đó nó dắt ta đi quanh và nó tạo ra không biết bao nhiêu là tâm hành khác, chúng ta có khả năng điều phục cái tâm hành tầmtứ hay không.

Suy nghĩ, cái đầu của mình nó như là cuốn băng cassette, nó cứ xoay xoay suy nghĩ không có ngưng được. Chúng ta chưa nắm được cái phương pháp An Ban Thủ Ý, chúng ta chưa nắm được cái phương pháp đi thiền hành, chúng ta không có chấm dút suy tư của chúng ta được dầu chúng ta biết rằng những suy tư của chúng ta là những suy tư không có ích lợi gì hết, trái lại nó có những tác dụng tai hại.

 

Học giả và Hành giả

Trong thế giới của chúng ta hiện bây giờ có những người họ lo lắng quá chừng nhưng mà họ không có khả năng chấm dứt được sự lo lắng đó. Những lo lắng do sự sợ hãi suy tư mà ra, thì những người đó là những người chưa học Phật, chưa tu Phật, chưa biết phương pháp điều phục sự lo lắng và sự suy nghĩ vẩn vơ những cái tầm, những cái tứ nó đưa tới những lo lắng, những sợ hãi, những thèm khát. Vậy thì chúng ta là những người học Phật, những người tu Phật, chúng ta là những người Học Giả và những người Hành Giả, chúng ta đã nắm được những phương pháp đó hết chưa? Mỗi khi chúng ta có bất an, chúng ta đã có phương pháp để đối trị bất an ở trong lòng chưa? Mỗi khi chúng ta có những căng thẳng, những đau nhức trong thân, chúng ta có biết phương pháp để tháo gỡ, làm lắng dịu những căng thẳng, những đau nhức trong thân và trong tâm hay chưa? Mỗi khi chúng ta có lo lắng, có sầu khổ, chúng ta có biết cách để mà điều phục những cái tâm hành đó hay chưa? Đó là những cái chúng ta cần phải học.

Hồi tôi còn làm học tăng, tôi có được học về sổ tức quán, bất tịnh quán, nhân duyên quán nhưng mà tôi áp dụng không được. Tại vì tôi chỉ được tiếp nhận được lý thuyết mà các bậc giáo thọ không có cho mình những pháp môn thực tập cụ thể. Mà chính bản thân của họ, họ cũng không có kinh nghiệm, cho nên tôi rất là bơ vơ. Tôi học Duy thức, tôi thuộc Duy thức, tôi hiểu Duy thức nhưng mà tôi áp dụng không được. Tại vì các vị giáo thọ dạy tôi duy thức, các vị áp dụng không được. Tôi học kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, tôi tiếp thu những tư tưởng uyên áo ở trong đó nhưng mà tôi áp dụng không được, tại vì các vị giáo thọ không có chỉ cho tôi phương pháp áp dụng. Và vì vậy cho nên tôi khám phá ra rằng nó có một cái gì nó không có đúng trong cách mình dạy, mình học.

Trong trường Y khoa, chúng ta học về cơ thể con người, chúng ta học về những biến chứng có thể xãy ra cho những bộ phận cơ thể con người. Chúng ta tới nhà thương, chúng ta quán sát những chứng bệnh của các bệnh nhân, chúng ta theo các giáo sư y khoa để mà học cách các thầy chẩn bệnh, định bệnh và chữa bệnh. Chúng ta được học trực tiếp từ các giáo sư y khoa của chúng ta rất nhiều. Trong Phật Học Đường, trong Phật Học Viện, chúng ta học lý thuyết khá nhiều, nhưng mà các thầy ít khi chỉ cho chúng ta biết là mỗi khi mà chúng ta có cái lo lắng, cái phiền muộn, cái giận hờn, cái căng thẳng thì chúng ta phải dùng những phương pháp nào để đối trị? Trong nhà thương, nếu mà bác sĩ chẩn mạch được rồi thì cho một viên thuốc hay là chích một ống thuốc thì sau đó mười lăm phút hay nửa giờ thì ta thấy bệnh tình nó có khá hơn. Còn chúng ta học rất nhiều lý thuyết nhưng mà đến khi có những căng thẳng, những lo lắng, những  xung đột chúng ta không giải quyết được.

Tôi đã chứng kiến những cảnh mà thầy trò có khó khăn với nhau, vị Bổn sư với các vị đệ tử có những khó khăn với nhau mà cả thầy, cả trò đều bất lực không có giải quyết được. Có khi thấy trò không nói chuyện được với nhau. Thầy oán trò, oán đệ tử là không có trách nhiệm và đệ tử oán thầy là không có hiểu mình và hai thầy trò chết cứng ở trong cái trường hợp đó, không có giải quyết được. Trong khi đó cả hai đều có học kinh, đều có học Phật hết. Và cái học của chúng ta để làm cái gì nếu chúng ta nếu chúng ta không có tháo gỡ được cho nhau?

Ở Huế vừa rồi tôi có tới thăm một ngôi chùa và tôi biết rằng ngôi chùa này ngày xưa có hai huynh đệ ở với nhau, tại vì vị Bổn sư có hai đệ tử. Nhưng mà hai đệ tử sống chung không có được, hai người tranh dành quyền bính cho đến nỗi cuối cùng một vị phải đi chùa khác để một vị ở đó. Điều này nó chứng tỏ sự thất bại của ba thầy trò, nó chứng tỏ sự thất bại của hai huynh đệ. Và nếu chúng ta không có thành công trong sự tháo gỡ những xung đột, những khó khăn, những bực bội, những giận hờn giữa thầy trò, giữa huynh đệ thì làm sao chúng ta giúp tháo gỡ được cho những người ngoài đời và học của chúng ta vì vậy nó không có thực tế.

Chúng ta làm thế nào để mỗi khi có sự căng thẳng, có sự giằng co, có vấn đề mâu thuẩn giữa hai huynh đệ hoặc là hai thày trò. Chúng ta có thể giải quyết được trong vòng một vài ngày và đừng để cho nó kéo dài quá một tuần lễ. Nếu chúng ta sống chung với nhau trong một thiền viện, trong một học viện, thế nào cũng có khó khăn với nhau như chén bát úp vào cái sàng thế nào nó cũng đụng nhau. Chính những khó khăn đó mà chúng ta học được, giữa huynh đệ có những sự bực bội, sự ganh tỵ, sự nghi ngờ với nhau thì hai người đó phải được trao truyền những pháp môn để tháo gỡ được, mà nếu họ không tháo gỡ đưọc, phải nhờ tới người thứ ba, thứ tư hay là một vị giáo thọ.

Nếu chúng ta không làm được như vậy thì chúng ta sẽ thua cuộc. Như ông thày thuốc nói rằng bệnh này tôi bó tay thôi. Nhưng mà ở ngoài, ông thày thuốc chỉ có thể đầu hàng khi mà ông ta dùng tất cả các biện pháp mà ông ta có thể dùng được. Còn chúng ta ngay khi vấn đề nó xảy ra còn đang dễ dàng mà chúng ta đã đầu hàng luôn, chúng ta không có giải quyết được. Thành ra khi thụ huấn, chúng ta phải học được những pháp môn rất là cụ thể để có thể giải quyết những khó khăn, những bức xúc, những phiền não ngay trong đời sống trong hàng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta làm được như vậy thì khi chúng ta ra đời để giúp người, chúng ta có đủ kinh nghiệm, cho nên cái học của ta cần phải chỉnh đốn trở lại.

Trong khi học, chúng ta phải có cơ hội thực tập, mà sự thực tập này nó phải thực tế, nó phải có khả năng giải quyết những khó khăn. Ngồi thiền rất tốt nhưng ngồi thiền như thế nào để tháo gỡ những căng thẳng trong thân và trong tâm, chớ không phải ngồi thiền là tốt. Ngồi một ngày năm giờ, mười gìờ là tốt, không phải như vậy. Ăn thua là nơi chất lượng và sự công dụng của ngồi thiền, tụng kinh, bái sám cũng vậy. Chúng ta làm thế nào để mỗi giờ thực tập nó đem lại sự chuyển hóa của thân và của tâm mới được, chớ chúng ta không thể nói rằng ngồi thiền, tụng kinh, bái sám là tốt, chúng ta cứ làm như vậy thôi mà bao nhiêu năm chúng ta vẫn không có chuyển hóa được những khó khăn của chúng ta.

 

Kinh An Ban Thủ Ý - Kinh Tứ Niệm Xứ

Thành ra lớn lên ở viện học Tăng, tôi có sự phản kháng ở trong lòng và tôi lên đường đi tìm, khi mà tôi khám phá cuốn Kinh An Ban Thủ Ý tức là Kinh Quán Niệm Hơi Thở, tôi nghiên cứu rất là kỹ và tôi khám phá ra rằng cuốn Kinh này rất khoa học. Kinh An Ban Thủ Ý cũng như Kinh Niệm Xứ. Kinh mà thời của Đức Thế Tôn, Thầy nào, Sư cô nào cũng thuộc lòng hết và có bốn lãnh vực của sự thực tập. Trước nhất là lãnh vực của Thân, rồi tới lãnh vực của Thọ, rồi tới lãnh vực Tâm Hành, cuối cùng là lãnh vực Tri Giác.

Những bài tập của Đức Thế Tôn đưa ra cho mình sử dụng rất là khoa học, hiện giờ có những nhà Khoa học, những Bác sĩ ở trong những nhà thương lớn trên thế giới, họ bắt đầu áp dụng bài tập thở cho bệnh nhân của họ. Nếu chúng ta học Kinh An Ban Thủ Ý thì chúng ta sẽ thấy rằng bài học đầu tiên là Ý thức Hơi thở Vào, Ý thức Hơi thở Ra.

Thở vào, ý thức được thở vào. Thở ra, ý thức được thở ra, hết sức đơn giản nhưng khi mình làm được thì hiệu quả rất là to lớn, nếu mình làm được tự nhiên chấm dứt bao nhiêu suy nghĩ vẩn vơ và đưa Tâm trở về với Thân. Mình làm Thân-Tâm trở thành một khối và mình có mặt thật sự trong giây phút hiện tại để thấy được sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại.

Khi mình tập hơi thở thứ hai, mình duy trì cái Niệm Định đó mới dài lâu được.

Hơi thở thứ ba là Nhận diện toàn thân của mình.

Hơi thở thứ tư là làm Lắng dịu căng thẳng đau nhức trong thân.

Mỗi khi bài tập như vậy, ta có thể chia thành nhiều bài tập nhỏ và nếu mình thực tập đúng thì trong vòng ba, năm phút là thấy sự thay đổi liền trong thân của mình và trong tâm nữa.

Tới bài tập thứ năm và thứ sáu trong Kinh An Ban Thủ Ý là hai bài tập để chế tác ra chất liệu Hỷ Lạc cho người tu, vì Đức Thế Tôn thấy rõ nếu mà tu không có Hỷ và Lạc thì không có tu lâu được. Tu không có nghĩa là ép xác, khổ hạnh, tu là phải có niềm vui, có hạnh phúc thì mới tu lâu được. Đây là bài học kinh nghiệm của Đức Thế Tôn cho nên hai bài tập thứ năm và thứ sáu của Kinh An Ban Thủ Ý để chế tác Hỷ và Lạc, nếu mình biết cách thì chế tác rất là mau, trong vòng nửa phút, một phút là có thể chế tác được niềm vui, hạnh phúc.

Bài tập thứ bẩy và bài tập thứ tám là để Nhận diện ôm ấp buồn khổ, lo lắng, sầu đau của mình, để làm cho lắng dịu xuống.

Khi tôi nghiên cứu và thực tập, tôi thấy Kinh An Ban Thủ Ý mầu nhiệm vô cùng và có cảm tưởng mình là người hạnh phúc nhất trên đời, là tìm ra được một bảo vật, một pháp bảo. Khi mình nghiên cứu Kinh An Ban Thủ Ý chung với Kinh Niệm Xứ, hai Kinh bổ túc với nhau mầu nhiệm.

 

Duy Tuệ Thị Nghiệp

Trong quá trình thực tập, giãng dạy và hướng dẫn cho Thiền sinh ở Tây phương, tôi đã học rất nhiều, cái học ở đây không phải cái học kiến thức. Các Thầy, các Sư cô đã biết rõ chữ học ở trong Văn Học Phật Giáo không có nghĩa là chất chứa kiến thức, chữ học trong đạo Phật có nghĩa là thực tập (tiếng Phạn siksha có nghĩa thực tập). Khi mình còn thực tập thì  gọi là Hữu Học, khi thực tập thành công rồi gọi là Vô Học. Vậy là chữ Học ở đây có nghĩa là Hành Trì, chứ không phải chất chứa kiến thức.

Chúng ta ai cũng ưa dùng bốn chữ trong Kinh Bát Đại Nhân Giác là Duy Tuệ Thị Nghiệp, có nghĩa là sự nghiệp duy nhất của đời mình là Tuệ Giác. Chữ Tuệ ở đây không có nghĩa là kiến thức mà mình chất chứa trong khi ngồi ở lớp học, dầu là kiến thức Phật học . 

Các trường Đại học lớn như trường Oxford người ta cấp phát văn bằng Tiến sĩ Phật học, họ dạy Phật Học rất là khoa học, các Giáo Sư dạy rất là uyên bác. Nhưng khi mình tiếp nhận văn bằng Tiến sĩ Phật Học rồi, mình chỉ có thể làm được một việc thôi là đi dạy lại cho những người khác. Những khi mình gặp khó khăn, phiền não thì mình chịu thôi! Tại vì cái đó cũng chỉ là kiến thức, dầu là kiến thức Phật học. Trong khi cái chúng ta cần là Pháp Môn tu tập, phương pháp tu tập. Cho nên mình biết rằng chữ Học ở đây không có nghĩa là chứa chất kiến thức và Tuệ ở đây không có nghĩa là kiến thức, Tuệ ở đây là Tuệ Giác. Tuệ giác là Ánh Sáng của Trí Tuệ, khi mà có nó rồi, mình tháo gỡ những khó khăn của mình và của người khác rất là mau. Nếu không có cái Tuệ Giác đó thì mình đi quanh, đi quanh, đi quanh không ra khỏi những cái buồn khổ, những cái lo lắng, những cái sầu đau, những cái sợ hãi. Mà có Tuệ Giác đó bung ra liền lập tức, cái đó gọi là Tuệ, cái đó là Prajnã,Bát Nhã, mà không phải kiến thức mình thu thập được trong trường dầu là trường Phật học. Cho nên mình phải hiểu bốn chữ Duy Tuệ Thị Nghiệp như sự nghiệp duy nhất đời tôi là Tuệ Giác, tuệ giác không có nghĩa là bằng cấp, không có nghĩa là kiến thức, dầu là kiến thức Phật học.

 

Vua và Nữ Hoàng trên lãnh thổ Năm Uẩn:
Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Ngồi thiền theo kinh nghiệm của tôi trước hết là để cho lắng dịu cái thân và cái tâm. Ngồi thiền có thể đem lại sự an lạc cho mình, tại vì không có an thì không có lạc. Trong khi ngồi thiền mình phải điều phục cái thân, phải làm cho cái thân nó an. Và muốn làm cho cái thân nó an mình phải biết cách điều phục hơi thở và hình hài của mình. Vì trong hơi thở cũng như trong hình hài của mình nó có những căng thẳng, những đau nhức. Và nếu mình không biết cách làm lắng dịu, buông thư thì không có an trong thân, không có an trong thân thì khó có an trong tâm.

Cho nên những cái mình phải học trước tiên là phải làm lắng dịu những căng thẳng trong thân, những đau nhức trong thân. Rồi tiếp đến mình có những nỗi khổ niềm đau ở trong lòng, mình phải làm thế nào để nhận diện nó, đừng có đàn áp nó, đừng có ém nó xuống, mà phải biết cách làm thế nào để nhận diện được nó, ôm ấp được nó, làm cho nó lắng dịu xuống và cuối cùng chuyển hóa được nó. Từng bước từng bước mình phải học và mình phải làm cho được. Và những điều đó trong kinh có đầy đủ hết.

Trong khi ngồi thiền mình chế tác được những năng lượng như là Niệm, niệm tức là có mặt một cách đích thực thân và tâm nó ở chung với nhau. Trong đời sống hàng ngày thân của mình có thể ở đây nhưng mà tâm của mình ở chỗ khác, nó ở quá khứ hoặc tương lai hoặc là nó đang lo lắng, nó đang bị cuốn hút bỡi những dự án, những lo nghĩ. Thì trước hết dùng hơi thở đem tâm trở về thân, có sự đoàn tụ giữa hai. Và khi đó thì mình thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Có mặt trong giây phút hiện tại để làm gì? Để mà xử lý, để mà chăm sóc thân và tâm của mình, thân của mình cần được chăm sóc, tâm của mình cần được chăm sóc. Mà nếu mình không có mặt thì cái gì được chăm sóc? Vì vậy niệm trước hết là có mặt, có mặt thật sự trong giây phút này để chăm sóc  thân và tâm. Và khi mình có mặt với thân để chăm sóc thân gọi là niệm thân, có một kinh gọi là Kinh Niệm Thân. Và khi mình chăm sóc cái tâm của mình gọi là Niệm Tâm. Niệm là như vậy, niệm là có mặt để mà chăm sóc, để mà giải quyết các vấn đề.

Chúng ta là những ông vua, những bà nữ hoàng và đất đai của chúng ta là năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, lãnh thổ chúng ta rất là lớn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhưng mà chúng ta không phải là những ông hoàng đế, những bà nữ hoàng có trách nhiệm, chúng ta cứ bỏ lãnh thổ của chúng ta và chúng ta đi chơi. Chúng ta để cho bao nhiêu là rắc rối, bao nhiêu là loạn lạc nó xãy ra trong vùng của thân, của thọ, của tâm, của pháp. Lãnh thổ của chúng ta, đất nước của chúng ta không có ai chăm sóc, nó có những phiền não trong thân, nó có phiền não trong tâm. Cho nên vị hoàng đế, vị nữ hoàng phải trở về lãnh thổ của mình và bắt đầu chắm sóc, bắt đầu thiết lập lại trật tự. Mà hơi thở là một dụng cụ rất là mầu nhiệm để giúp mình thiết lập lại được trật tự trong thân và trong tâm, rất là hay!

Cho nên tôi xin mời, tôi xin đề nghị quý vị học Kinh An Ban Thủ Ý, đem áp dụng Kinh An Ban Thủ Ý. Hơi thở của mình nó có thể thiết lập lại được sự thăng bằng, nó có thể đem lại sự bình yên cho thân và cho tâm. Nó quản lý, bảo quản được thân và tâm. Hơi thở có ý thức gọi là an ban thủ ý, an ban có nghĩa là hơi thở vào hơi thở ra, thủ ý có nghĩa là cái ý của mình nắm lấy hơi thở.

Ngày mai tôi sẽ nói một ít về phương pháp đi thiền hành, đi thiền hành là một pháp môn rất là mầu nhiệm, rất là dễ làm, ở đây chúng ta có những con đường rất đẹp, chúng ta có thể đi thiền hành với nhau, đi riêng hay là đi chung.

 

Hỏi - đáp

Bây giờ nếu có vị nào có câu hỏi có liên hệ tới bài hôm nay thì xin cứ hỏi. Ai muốn hỏi gì hoặc muốn nói gì thì đưa tay lên, có người  sẽ đem máy nói tới.

Hỏi: Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng giải thích thêm về chữ niệm (tiếng pali là sati) và chữ chánh niệm (samma-sati) trong kinh nghiệm thực tập của Hòa thượng.

ông Nhất Hạnh: Cái đó là hỏi dùm cho các Thầy, các Sư cô đó! Chữ niệm tiếng Phạn là smarti, tiếng pali là sati. Trong khi mình viết chữ niệm thì phía trên có chữ kim và ở dưới nó có chữ tâm. Kim tức là giây phút hiện tại và tâm tức là cái tâm của mình, đem cái tâm về giây phút hiện tại thì gọi là niệm. Niệm mình có thể giải thích bằng nhiều cách và tôi ưa nói niệm, trước hết là thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Mình thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, mình không có đi phiêu lưu về quá khứ, về tương lai hay ở nơi khác. Mình trở về bây giờ và ở đây để có được cái chủ quyền về thân, về tâm, cái đó là niệm. Chữ niệm ở đây mình có thể dịch là nhớ, nhưng mà  nhớ này không phải là nhớ những chuyện quá khứ, những chuyện gì đâu đâu, niệm ở đây có nghĩa là ý thức, tức là biết được những gì nó đang xãy ra trong giây phút hiện tại mà mình có thể định nghĩa niệm là như vậy, khả năng niệm là cái năng lượng nó giúp ta nhận diện được cái gì đang xãy ra bây giờ và ở đây. Ví dụ như khi mình thở vào thì cái mà đang xãy ra là hơi thở vào, thì hơi thở vào là đối tượng của niệm gọi là an ban thủ ý. Khi mình uống nước trà, mình có mặt thật sự bây giờ và ở đây, mình biết là mình đang uống trà thì đó là niệm. Khi mình bước đi một bước chân mà mình biết rằng mình đang bước bước chân thì đó gọi là niệm bước chân. Còn khi mình uống trà mà mình biết là mình uống trà thì là niệm uống trà, khi mình cúi xuống mà mình biết là mình cúi xuống thì đó là niệm cúi xuống, khi mình ngửng lên mà mình biết là mình ngửng lên thì đó là niệm ngửng lên. Nói tóm lại niệm tức là khả năng là năng lượng nó giúp cho biết là cái gì đang xãy ra, cái gì đang xãy ra, có thể là mình đang thở vào thở ra hoặc bước một bước hoặc uống một ly trà hoặc gãi trên đầu. Không có niệm thì mình uống mà mình không biết là mình uống, mình ăn không biết là mình ăn, mình đi không biết là mình đi, mình thở không biết là mình thở. Còn khi có niệm thì khi thở biết là mình thở, khi đi biết là mình đi, khi đi biết là mình đi, khi ăn biết là mình ăn, khi uống biết là mình uống. Cho nên niệm là cái thực tập căn bản.

Có một lần có một nhà Triết học tới thăm Đức Thế Tôn rồi ông nghĩ rằng mình không có nhiều thì giờ, thành ông hỏi một câu để biết được  cương lĩnh của chủ trương Đức Thế Tôn, ông hỏi là quý ngài có thể cho chúng tôi biết cái tinh túy của cái giáo lý của các ngài là cái gì? Cái đại cương của giáo lý của các ngài là cái gì? Thì sau khi ông mở miệng ra ông hỏi câu đó thì ông biết là ông lỡ lời rồi. Tại vì câu hỏi đó không có thực tế lắm, dầu cho ông có muốn biết cái tinh túy cái cốt lõi chủ trương của đạo Phật. Ông mới đặt một câu hỏi khác, là quý vị làm gì mỗi ngày? what are you doing every day? Câu hỏi đó rất là hay, quý vị làm gì mỗi ngày? Nó hay hơn câu, cái tinh ba của giáo lý các ngài là cái gì? Có thể là các ngài nói nhưng mà các ngài không làm, tôi hỏi là cái gì mà các ngài đã làm. Thì đức Thế Tôn trả lời rằng cái mà chúng tôi làm mỗi ngày là chúng tôi cũng đi, cũng đứng, cũng nằm, cũng ngồi, cũng giặt áo, cũng ăn cơm, cũng thở. Thì nhà triết học đó đáp lại như thế này, như vậy thì có gì đặc biệt đâu, chúng tôi cũng làm giống hệt như vậy, chúng tôi cũng đi, cũng đứng, cũng nằm, cũng ngồi, cũng ăn cơm, cũng mặc áo, cũng rửa bát? Đức Phật nói có khác, chúng tôi khi đi thì chúng tôi biết là chúng tôi đi, khi chúng tôi ngồi chúng tôi biết chúng tôi ngồi, khi chúng tôi ăn cơm thì chúng tôi biết chúng tôi ăn cơm, chúng tôi mặc áo thì chúng tôi biết chúng tôi mặc áo. Câu trả lời rất là hay, nó có nghĩa là chúng tôi thực tập Chánh niệm. Và khi mà mình thật sự có mặt, mình đem tâm của mình trở về với thân và thật sự có mặt ở trong giây phút hiện tại thì mình nhận diện được tất cả những gì đang xãy ra trong giây phút hiện tại, mình không có đang nằm mơ.

Khi mình có niệm rồi thì mình thật sự đang sống cái giây phút đó. Ví dụ như khi tôi thở mà tôi biết là tôi đang thở, tôi đang sống sâu sắc cái giây phút thở. Khi tôi đang uống trà mà tôi biết là tôi đang uống trà thì tôi thật sự đang nếm hương vị của trà. Tôi sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày, niệm nó giúp cho mình như vậy. Mình thật sự có mặt trong từng giây phút để sống những giây phút đó một cách sâu sắc, đó là niệm. Nhưng mà mình có thể thất niệm, tức là mình có mặt nhưng mà sau đó mình lại bay đi về quá khứ hay về tương lai thì gọi là Thất niệm.

Thành ra phải làm thế nào để duy trì cái niệm đó nó kéo dài. Ví dụ như bài tập thứ hai thở vào tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu cho tới cuối, có nghĩa là mình duy trì cái niệm về hơi thở vào trong suốt quá trình của hơi thở vào. Chứ không phải là mình biết được hơi thở vào rồi thì mình bay đi chỗ khác rồi mình buông cái đối tượng của niệm tức là hơi thở, mình đi niệm cái khác. Thì trong niệm nó có mầm của định, khi nào mình ý thức về một cái gì đó thì cố nhiên mình chú tâm về cái đó, tức là mình tập trung trên cái đó. Và vì vậy cho nên có thể nói rằng trong niệm đã bắt đầu có định. Và nếu mà mình duy trì cái niệm cho vững chãi cho lâu dài thì cái định ở trong đó nó cũng phát triển. Niệm nó mang định ở trong thân, cũng như là cái trứng gà nó mang lòng đỏ trứng gà ở trong nó. Và khi mà niệm và định nó hùng hậu thì cố nhiên sẽ có tuệ, tuệ tức là cái thấy, cái mình gọi là Duy tuệ thị nghiệp.

Hể có Niệm và có Định hùng hậu thì mình nhìn sâu hơn, mình thấy sâu hơn. Nếu không có Niệm và có Định thì mình đi phớt qua cái bề mặt của sự thật thôi. Có Niệm, có Định mình chọc thủng cái màng của thực tại, mình thấy được bản chất của thực tại, đó gọi là Tuệ, đó là  hoa trái của sự tu tập. Và ba nguồn năng lượng mà người tu phải chế tác trong đời sống hàng ngày là Niệm, Định, Tuệ (smrti, samadi, prajnã)  

Người tu mà không chế tác được ba cái đó thì chắc chắn không phải là người tu. Thành ra trong đời sống hàng ngày dầu cho khi mình lặt rau hay là rửa bát, hay là nấu cơm hoặc là đi xe đạp thì mình cũng có cơ hội chế tác niệm, tức là làm cái gì cũng có chánh niệm và khi duy trì được chánh niệm thì chánh định nó lớn lên. Mà niệm, định hùng hậu thì thế nào cũng có tuệ, mà có tuệ thì tháo gỡ được rất mau những phiền não của mình. Cho nên đó là ba nguồn năng lượng mà người tu phải chế tác trong đời sống hàng ngày. Khi mà mình nấu cơm mà mình không có thực tập chánh niệm thì mình nấu cơm như là một người ngoài đời rồi, tại sao cần phải vô chùa. Tại vô chùa là vì mình biết nấu cơm trong chánh niệm, vào chùa mình biết giặt áo trong chánh niệm, không có mất đi một giây phút nào hết.

Cho nên câu chuyện của đức Thế Tôn nói rất hay, chúng tôi cũng ăn cơm, cũng rửa bát, cũng đứng, cũng nằm, cũng ngồi nhưng mà chúng tôi làm những cái đó trong chánh niệm, sự khác nhau giữa chúng tôi với những người không tu là ở chỗ đó. Và niệm như vậy theo tinh thần có mặt trong giây phút hiện tại, sống sâu sắc những giây phút của đời sống hàng ngày. Nuôi dưỡng định để đạt tới cái thấy sâu sắc gọi là tuệ, đó gọi là chánh niệm. Còn nếu mà mình để ý tới những chuyện khác và niệm của mình không  đưa tới định, không đưa tới tuệ, cái đó không phải là chánh niệm. Chánh niệm tức niệm đúng như là kinh niệm xứ dạy. Còn cái tâm của mình mà để vào những chuyện khác, nhớ những chuyện khác thì không phải là chánh niệm, cái đó gọi là hồi tưởng, là mơ ước, là mộng mơ, cái đó không phải là chánh niệm.

 

Hỏi: Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Kính bạch Hòa thượng, kính thưa đại chúng. Con rất thích cái câu Hòa thượng dạy là phải biết nhận diệndừng lại. Xin Hòa thượng từ bi chỉ cho con cách dừng lại như thế nào để có hiệu quả nhất?

ông Nhất Hạnh: Dừng lại là một sự bắt đầu, dừng lại, trước hết là dừng lại cái gì? Có cái gì nó đang chạy và mình muốn cho nó dừng lại, thì đó là cái gì? Cái mà mình muốn dừng lại là gì? Trước hết đó là cái thất niệm, tức là sống như một cái máy, đi mà không biết là mình đi, ngồi không biết là mình ngồi, ăn không biết là ăn, uống không biết là uống, sống như những con người máy, đó gọi là thất niệm. Và khác nhau giữa một vị Phật với một chúng sinh là chỗ đó, một người thì sống thất niệm, một người thì sống chánh niệm. Và cái mình phải ngưng lại là đừng có sống như một bóng ma, như một con người máy, sống mà  không có biết là mình sống.

Phương pháp để dừng lại nó có nhiều, ví dụ khi mình thở, mình có thể thở như một cái máy thở, mình đâu biết là mình thở. Giây phút mà tôi biết là tôi đang thở vào và tôi biết rằng tôi đang thở ra, lúc đó mình hết là cái máy rồi, mình là con người thật sự. Tại vì mình biết cái gì đang thật sự xãy ra, lúc đó nó có yếu tố niệm ở trong con người của mình, mình rất gần với Đức Thế Tôn. Khi mình đi những bước chân có chánh niệm, thì mỗi bước chân giúp mình tiếp xúc với những cái mầu nhiệm của núi đồi, của cây cối, của đất trời. Khi tiếp xúc như vậy, mình được nuôi dưỡng, mình hạnh phúc, thì lúc đó là mình đi trong chánh niệm. Còn nếu mình đi như bị ma đuổi thì lúc đó mình đi như một cái máy. Cho nên nói rằng sự dừng lại, cái mà mình phải dừng lại đầu tiên là cái nếp sống hối hả thất niệm, sống như một cái máy. Mà hầu hết chúng ta đều sống như những cái máy. Và cố nhiên là nhận diện nó có nghĩa là biết được những cái gì đang xãy ra trong giây phút hiện tại.

Có những cái nhận diện như là hơi thở, mình thở vào mình biết là mình thở vào, mình thở ra biết là thở ra, mình nhận diện hơi thở. Tuy rằng mình vẫn tiếp tục thở, mình không muốn dừng lại, dừng lại hơi thở thì nguy rồi. Mình chỉ nhận din hơi thở thôi nhưng đã là dừng lại cái thất niệm rồ, vẫn tiếp tục thở vào thở ra, vẫn để cho hơi thở tiếp tục vào ra, mình có an lạc, mình có hạnh phúc nhưng mà trong lúc đó mình chấm dứt sự thất niệm. Sự thất niệm này là sự thất niệm về hơi thở. Hoặc là mình đang đi như là bị ma đuổi, đi một cách thất niệm, thì khi có một tiếng chuông, mình giật mình, mình biết rằng mình đang đi như bị ma đuổi và mình bắt đầu đi từng bước thảnh thơi có chánh niệm trở lại. Tuy rằng mình vẫn tiếp tục đi nhưng mà mình đã dừng lại cái gọi là thất niệm.

Và chuyện này người tu thực tập mỗi giờ mỗi phút trong đời sống hàng ngày, nếu không thì uổng đời tu của mình mà nó đem lại rất nhiều niềm vui, tu tập chánh niệm đem lại rất nhiều niềm vui, rất nhiều hạnh phúc. Và trong khi nói về thiền thì chúng ta nói về hai cái, một là samatha, hai là vipassana. Samatha trước hết là dừng lại, mình dịch là chỉ, chỉ là dừng lại stop và nghĩa thứ hai của samatha là làm cho nó lắng dịu lại, trước hết là ngừng nó lại, thứ hai là làm cho nó lắng dịu xuống. Có nhiều khi mình dừng chưa được nhưng mà mình làm lắng dịu nó xuống được. Ví dụ như khi sự bực tức bắt đầu trào lên, cố nhiên là làm cho nó dừng lại thì hay rồi nhưng mà làm sao dừng lại liền được. Mỗi tâm hành có quá trình phát sinh, tồn tại rồi tiêu diệt của nó. Cho nên khi tâm hành buồn bực, giận hờn phát khởi thì lập tức mình là người tu mình phải phát khởi chánh niệm để nhận diện tâm hành đó. Thở vào tôi biết rằng có sự bực bội trong tôi, thở ra tôi mỉm cười với sự bực bội trong tôi. Tuy là sự bực bội còn đó nhưng mà bên cạnh sự bực bội nó có một cái khác, đó là chánh niệm, tức là đã có sự có mặt của Đức Thế Tôn ở đó rồi. Có chánh niệm, có chánh định tức là có Đức Thế Tôn đó.

Khi giận mà không biết là mình giận tức là cái giận nó độc chiếm con người của mình. Nhưng khi có chánh niệm thì tuy là cái giận có đó nhưng mà có chánh niệm đó. Tôi thở vào với biết rằng cái giận có trong tôi, tôi thở ra và biết cái giận còn trong tôi. Cái giận là một nguồn năng lượng tiêu cực và chánh niệm là nguồn năng lượng thứ hai mà người tu phát khởi để nhận diện, để ôm lấy cái giận và từ từ cái năng lượng của chánh niệm nó đi vào trong cái năng lượng của giận và nó làm lắng dịu xuống.

Người tu mà không phát khởi năng lượng thứ hai để nhận diện để ôm ấp, để làm lắng dịu thì không phải là người tu. Mà cái nguồn năng lượng thứ hai là mình học chế tác trong mọi động tác của đời sống hàng ngày, đi phải đi trong chánh niệm, thở phải thở trong chánh niệm, lặt rau, nấu cơm, rửa bát đều phải làm trong chánh niệm. Lúc đó mình cần một cái, thì mình chỉ cần động một cái là mình có đầy đủ cái năng lượng đó để mà quản lý, để mà bảo quản, để mà chăm sóc, để mà làm lắng dịu. Cho nên chữ chỉ trước hết là nó làm dừng lại. Mà trong trường hợp mình làm dừng lại không được liền thì mình phải nhận diện, mình phải ôm ấp rồi mình làm lắng dịu xuống rồi từ từ mình mới làm ngưng lại được và cái nghĩa thứ ba của chữ chỉtập trung.

Samatha nó có nghĩa là nhận diện, nó có nghĩa là làm ngưng lại, nó có nghĩa là làm lắng dịu lại, nó có nghĩa là tập trung về một khối, chữ samatha là như vậy. Và khi mình thực tập samatha tức là chỉ được vững rồi, bắt đầu ở trong đó những hạt tuệ giác nó sinh ra, cái đó gọi là vipassana.

Vipassana tức là tuệ, tức là quán, danh từ hán việt mà mình dùng để dịch chữ samatha là chỉ và danh từ dùng để dịch vipassana là quán, chỉ và quán. Ngưng lại, tập trung làm lắng dịu để quán chiếu thì đó gọi là chỉ quán, đó là thiền. Hiểu thiền như vậy thì trong trong tịnh độ cũng có thiền, trong Nam Tông cũng có Thiền, trong Thiên Thai Tông cũng có Thiền, trong Mật Tông cũng có thiền.

 

Hỏi: Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Con xin phép nói một lần nữa, câu hỏi này nó hơi lạc đề, tuy nhiên là con xin phép Hòa thượng. Trong thời gian về Việt Nam để truyền bá pháp môn chánh niệm, Hòa thượng đã tiếp xúc với các Tăng Ni ở miền Nam và tiếp xúc với Tăng Ni ở miền Trung cũng như tiếp xúc với Tăng Ni ở miền Bắc, đặc biệt là các Tăng Ni Sinh. Hòa thượng có thể cho biết cảm tưởng của Hòa thượng về các Tăng Ni Sinh nhất là các Tăng Ni Sinh trẻ. Có thể các vị Tăng Ni Sinh trẻ này thực tập chánh niệm pháp môn của Hòa thượng đang truyền bá và có thể thực tập một cách thành công. Đặc biệt là đối với Tăng Ni Sinh ở miền Bắc, ở Học viện Hà Nội này, Hòa thượng cảm có thấy dễ thương hay không và thực tập có kết quả hay không?

ông Nhất Hạnh: Chưa có thì giờ nhìn kỹ, đâu có biết nói gì được. Ngày hôm qua tôi có đi vào đền Ngọc Sơn, sau khi đi thăm Ủy ban tôn giáo chính phủ, có được chừng một giờ đồng hồ rảnh thành ra đi quanh bờ hồ rồi đi vào đền Ngọc Sơn thì thấy ngoài các bà cụ, có rất nhiều cô gái trẻ tới cầu xin đốt hương cúng dường, cầu xin ở trong đó.

Tôi thấy người trẻ bây giờ có rất nhiều vấn đề, cùng với sự phát triển kinh tế và kỹ thuật, sự tiêu thụ càng lúc càng tăng trưởng và những tệ nạn xã hội nó càng ngày càng nhiều. Thanh niên Việt Nam bắt đầu sa vào trong những vòng ma túy, băng đảng, mãi dâm, tội phạm, tự tử, đã có nhiều thanh niên học sinh tự tử. Bên Pháp mỗi ngày có khoảng ba mươi lăm thanh niên Pháp tự tử, không phải là vì thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng vì họ có những bức xúc, những tuyệt vọng họ không giải quyết được đối với gia đình, đối với xã hội, đối với bản thân và đối với người quen. Có những cảm xúc lớn như là tuyệt vọng, như là hận thù, rồi họ tìm tới ma túy để mà quên bớt, rồi sống không có dễ dàng, cho nên nghĩ rằng tự tử là cách hay nhất để làm ngừng lại, làm dừng lại sự đau khổ.

Ngay kỳ đầu về thăm quê hương tôi đã được nghe nói những tệ nạn của người Tăng Ni Sinh ở Việt Nam, tôi đã nghe những sư chú, sư cô đi buôn thuốc phiện và bị bắt ở Sài Gòn, tôi nghe những sư cô đi vào trong nhà thương để nạo thai và tôi đã tìm hiểu rất nhiều, tôi thấy rõ ràng là những tệ nạn của giới thanh niên ngoài đời, nó bắt đầu đi vào trong chùa. Và các vị Tôn Túc ở trong giáo hội biết, đã ý thức được rất rõ nhưng mà nhiều vị cảm thấy bất lực, không có giúp được. Có một vị làm Tăng Sự, sau hai năm làm, thấy thất bại thành từ chức, không có làm gì được để mà ngăn chặn cái đà hư hỏng. Tuy ở đây quý vị có Học Viện, có một khung cảnh thanh tịnh, không có tiếp xúc dễ dàng được với thế giới bên ngoài, không chịu ảnh hưởng với thế giới bên ngoài nhiều. Nhưng đó chỉ mới là một giải pháp tạm thời thôi, vì dầu thế nào cũng phải đi ra ngoài đời trở lại, nhất là mỗi tuần mình được phép về một ngày, một ngày là nhiều lắm, một ngày là rất nguy hiểm, nửa ngày cũng rất là nguy hiểm, chứ đừng có nói là một ngày. Thành ra vấn đề nó vẫn còn y nguyên! Tôi nghĩ là thầy trò phải ngồi với nhau để tìm hướng giải quyết.

Kinh nghiệm của tôi ở Mai Thôn đạo tràng và của các vị chủ trương tu viện Bát Nhã trên Bảo Lộc cho biết rằng người thanh niên Tăng Ni có thể có rất nhiều hạnh phúc nếu có được môi trường tốt. Năm rồi tôi có mời một số các vị Tôn Túc ở Việt Nam qua để xung vào Hội Đồng Truyền Giới cho các thầy, các sư cô bên Làng Mai. Các vị Thượng Tọa, các vị Hòa Thượng được mời ở trong tăng xá của các thầy và chứng kiến được  nếp sống của các thầy, các sư chú ở trong tăng xá ở xóm Thượng. Các vị Thượng Tọa cũng thấy rằng nếp sống rất là đơn giản, không có phòng nào có ti vi, không có người nào có điện thoại di động riêng, không có người nào có trương mục ngân hàng riêng, không có người nào có xe riêng, dầu là xe gắn máy. Tất cả đều là của chung hết, máy tính cũng của chung, khi nào được giao cho công việc thì mình có máy tính. Và chỉ có một địa chỉ điện thư thôi, trong chùa và bao nhiêu điện thư đều được gửi về địa chỉ đó và sau đó in ra trao cho từng người, rồi điện thoại cũng vậy, điện thoại được giao cho những người có trách nhiệm. Sống với nhau ở Mai Thôn đạo tràng tuy xa thành phố nhưng mà không có nhu yếu đi phố.

Có tình huynh đệ, có tình thầy trò, chơi với nhau, tu với nhau, học với nhau, và không có nhu yếu đi tìm những tiện nghi vật chất riêng hay là những tiện nghi tình cảm riêng. Và làm cái gì cũng làm chung với nhau, cấu kết với nhau để tổ chức những khóa tu, những khóa học cho chính mình và cho người khác. Cùng nhau bàn luận làm thế nào để cho nếp sống của người tu càng ngày càng đẹp, càng ngày càng vui, càng ngày càng hạnh phúc, bàn luận với nhau việc đi thiết lập những Đạo Tràng mới để độ cho những người thanh niên, những người trí thức. Nó có một cảm hứng, có một lý tưởng, có một tình huynh đệ và mình được nuôi dưỡng bỡi những cái đó và không có cảm tưởng là mình cần tới những tiện nghi khác. Nếu quý vị có tới thăm các sư em ở chùa Bát Nhã Bảo Lộc, quý vị thấy đó nếp sống rất là đơn giản nhưng mà các em rất là hạnh phúc. Riêng về phía các Sư cô ở xóm Bếp Lửa Hồng, những điều kiện vật chất thật là thiếu thốn, một cái phòng như vậy mà có tám cái giường đôi tức là mười sáu Sư Cô ở. Nhưng mà có hạnh phúc nhiều, được học, được tu với nhau và mỗi tuần được cộng tác với nhau để hướng dẫn cho người cư sĩ một ngày. Chúng ta cần những Tùng Lâm mà trong đó người xuất gia trẻ được sống chung với nhau, được nuôi dưỡng tình huynh đệ, được nuôi dưỡng chí hướng ra độ đời.

Những cô gái đi vào đền Ngọc Sơn để cúng đó, họ có những khó khăn ở trong lòng của họ, trong đời sống hàng ngày của họ, họ không biết cách tháo gỡ và họ chỉ biết đi cầu nguyện thôi, họ có rất là nhiều tiền, họ đổi đồng bạc lớn ra rất nhiều đồng bạc lẻ và mỗi vị thần như vậy họ phát hai hay là ba đồng. Ở ngoài, tôi thấy đền Ngọc Sơn là để thờ những bậc vĩ nhân, vĩ nhân như là Trần Hưng Đạo, nhưng mà khi vào đó rồi thì trở thành những người rất là tham nhũng vì người nào cũng được hối lộ mỗi ngày. Tại vì mình muốn giải quyết một vấn đề gì đó, mình phải phát tiền cho hết tất cả các vị thần ở trong đền. Các bậc vĩ nhân của mình trở thành những người ăn hối lộ hết. Tôi thấy rất là tội nghiệp cho các vị được thờ ở trong đền Ngọc Sơn.

Khi chồng của mình đi theo một người đàn bà khác trẻ hơn mình có nhan sắc hơn mình thì mình không có biết cách nào ngoại trừ là đi cúng dường, cầu nguyện để cầu cho Đức Bồ Tát dung ruỗi thế nào để người đàn bà kia buông ông chồng của mình ra. Trong khi đó thì Giáo Pháp của chúng ta có những phương pháp rất là hay, giúp cho người đàn bà đó tươi mát trở lại, nói được những lời ái ngữ hiểu được chồng, giúp được chồng thoát khỏi những khó khăn, đừng có chua chát, đừng có lên án, đừng có buộc tội để chồng càng ngày càng ngán mình. Những phương pháp đó không sử dụng mà chỉ đi cúng như vậy thôi, thành ra ai giúp cho những người thanh niên, những thiếu nữ đó nếu không phải là các thầy và các sư cô. Mình phải có khả năng tháo gỡ những khó khăn của đời sống của mình đối với thầy, đối với bạn, đối với bạn đồng môn. Khi nắm vững những pháp môn đó thì mình có thể chia sẻ được với những người thanh niên ở ngoài đời, chớ bây giờ cái cách của họ là chỉ đi cúng, đi cầu khẩn mà thôi. Sứ mạng của các vị xuất gia thấy rất là rõ.

Ở trong gia đình cha không nói chuyện được với con, vợ không nói chuyện được với chồng, người thanh niên bức xúc quá đi tìm khuây khỏa bên ngoài và rồi rơi vào vòng ma túy, băng đảng, tội phạm, tà dâm. Các Thầy, các Sư cô có bổn phận phải làm thế nào để xây dựng lại gia đình đó ở trong xã hội. Làm sao cho vợ nói chuyện được với chồng, chồng không đay nghiến vợ, vợ đừng làm khổ chồng, cha nói chuyện được với con, con nói chuyện được với cha. Đem lại hạnh phúc trong gia đình thì chúng ta mới đem lại an lạc, hòa bình, hạnh phúc cho xã hội. Đó là sứ mạng của người tu, mình tu không phải cung cấp nhu yếu về tín ngưỡng vì đạo Phật không phải chỉ là nền tôn giáo tín ngưỡng mà đạo Phật là kho Tuệ Giác rất lớn. Nếu mình nắm được Tuệ Giác đó, mình tháo gỡ cho người ta dễ lắm.

Cho nên mình là Tăng Ni  trẻ mình phải có chí rất lớn, mình phải trở thành những Đạo Sư. Sau khi tháo gỡ được cho mình, cho tăng thân mình, mình tháo gỡ cho những người ngoài xã hội, những nhà chính trị, những nhà kinh doanh,những nhà giáo dục. Họ đang thiếu hướng đi tâm linh thì mình là người cung cấp hướng đi tâm linh đó cho xã hội bây giờ. Nhà chính trị, nhà doanh thương, nhà giáo dục cũng cần tu và chính mình là người cung cấp ánh sáng đó, chiều hướng tâm linh đó.

Ở Tây phương, chúng tôi đã từng mở khóa tu cho các nhà Dân Biểu Quốc Hội, các nhà Chính  Trị, các nhà Tâm Lý Trị Liệu, các nhà Doanh Thương, các nhà Bảo Hộ Môi Trường, chúng tôi thấy đạo Phật có thể cung cấp rất nhiều ánh sáng, rất nhiều tuệ giác cho các giới. Các người Tăng Ni trẻ tuổi phải có được chí hướng lớn như vậy, đem đạo Phật ra để làm đẹp cho cuộc đời. Chớ không phải mục đích học xong để có được mãnh bằng rồi làm chủ một ngôi chùa, kiếm một chức vụ trong giáo hội, không phải như vậy! Chúng ta phải có hoài bảo lớn, chúng ta phải thành những vị Bồ Tát, chúng ta đang còn nhỏ tuổi, chúng ta phải ôm chí cho thật lớn mới được, mới xứng đáng là học trò của Đức Thế Tôn.

Đừng có ham muốn những cái nho nhỏ, không xứng cho mình đeo đuổi, phải muốn một cái rất lớn để mình đeo đuổi mới được, hoài bảo xứng đáng là hoài bảo của người xuất gia trẻ. Sơ Tâm, trái tim ban đầu, của mình rất đẹp, rất sáng, rất hùng, làm sao trong đời sống hàng ngày mình phải nuôi được trái tim đó, đừng cho nó bị soi mòn, đừng đi tìm những tiện nghi nho nhỏ dầu là tiện nghi tình cảm hay là tiện nghi vật chất.

Tôi có chí rất lớn mà chí càng lớn thì hạnh phúc càng lớn, đó là kinh nghiệm của tôi. Chí nguyện càng lớn, Hạnh phúc càng lớn./.

   

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.