PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

. . .  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (. . .  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (. . .  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Bốn mươi năm hành đạo ở Tây phương

  • Tháng V 2007 - Minh Niêm biên tập :
    Pháp thoại
    của Sư ông Làng Mai ngày 11 - IV - 2007 tại chùa Pháp Bảo, Hội An
    Â
    m thanh MP3 : 
    Phần 1 (13.7MB) | Phần 2 (12.3MB)
     

Thưa các đạo hữu, các thầy và các sư cô Mai thôn đạo tràng sẽ xướng tụng bài Đầu cành dương liểu và niệm Bụt Quan Thế Âm để gia hộ cho tất cả chúng ta có được sức khỏe và có cơ duyên tu tập tinh tấn. Ngày hôm nay và trong những ngày sắp tới, xin mời chư tôn đức và chư vị đạo hữu ngồi cho thoãi mái, buông thư để cho năng lượng của đức Bồ Tát và năng lượng của tăng thân có thể đi vào trong con người của mình.

Nếu chúng ta có những sự căng thẳng, những sự đau nhức trong cơ thể, chúng ta có thể để cho năng lượng của đức Bồ Tát và của tăng thân đi vào trong cơ thể để làm lắng dịu những căng thẳng, những đau nhức đó trong thân. Chỉ cần năm bảy phút là chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn nếu ta biết buông thư những bắp thịt, những cơ bắp ở trong cơ thể.

Nếu chúng ta có những nỗi lo cơn sợ cơn buồn ở trong lòng mà chưa giải quyết được. Chúng ta cũng có thể mở trái tim ra để cho năng lượng của đức Bồ Tát Đại Từ Đại Bi và của tăng thân đi vào. Năng lượng đó sẽ có thể ôm ấp và làm lắng dịu những nỗi khổ niềm đau đó trong lòng chúng ta. Chúng ta hãy thực tập lắng nghe và để cho năng lượng có khả năng trị liệu và chuyển hóa đó đi vào trong cơ thể và vào trong tâm hồn.

Nếu chúng ta có một người thân đang bị đau ốm nặng hoặc là đang có những nỗi khổ niềm đau rất lớn mà không tới được tối hôm nay thì chúng ta cũng có thể gởi năng lượng này về cho người đó bằng cách nghĩ tới người đó hoặc là gọi tên người đó một cách thầm lặng ở trong tâm thì năng lượng này sẽ có thể truyền về cho người đó lập tức. Và người đó ngay trong giây phút hiện tại có thể thấy nhẹ nhàn an ổn hơn rất nhiều. Chúng ta khỏi phải làm gì nhiều ngoài ra việc trở về với hơi thở, ngồi cho thật thoải mái và mở lòng ra để cho năng lượng của đức Bồ Tát và của tăng đoàn đi vào trong cơ thể và vào trong tâm hồn của mình.

Tôi sẽ cùng thực tập với quý vị. Xin mời các thầy các sư cô.

Đầu cành dương liễu vương cam lộ.
            Một giọt mười phương rưới cũng đầy.
            Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết.
            Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây.

 

            Thưa các vị tôn đức, thưa các đạo hữu. Chúng tôi rất hạnh phúc được ngồi ở đây đêm nay với chư vị tôn đức và các vị đạo hữu. Ngày tôi ra đi là để kêu gọi hòa bình, trong bụng nghĩ rằng chỉ cần đi ba tháng thôi, nhưng không ngờ phải ở lại bên kia bốn mươi năm mới được về. Cố nhiên trong bốn mươi năm đó mình phải làm một cái gì, mình phải tiếp tục sự tu học, mình phải chia sẻ sự tu học với những người ở Tây Phương. Vì vậy  chúng tôi đã bắt đầu tổ chức những khóa tu thiền cho người Tây Phương. Chúng tôi đã bắt đầu viết sách về thiền tập cho người Tây Phương. Trong quá trình thực tập và chia sẻ thực tập đó, chúng tôi đã tạo ra được một mạng lưới những người Phật tử Tây Phương. Hiện bây giờ trên thế giới có khoảng một ngàn đoàn thể đang tu tập theo pháp môn của làng Mai. Trong đó chín mươi lăm phần trăm đoàn thể là người Tây Phương. Những thành phố lớn như London hay New York thì có trên mười tăng thân, đoàn thể tu học như vậy. Giống như các phân hội, các chi hội phật tử Phật giáo của mình. trong bốn mươi năm chúng tôi đã cố gắng đào tạo một số các vị giáo thọ xuất gia và tại gia. Ba bốn trăm vị giáo thọ như vậy không đủ cung ứng cho nhu yếu học hỏi và thực tập trên thế giới. Nước nào ở Âu châu, Mỹ châu, Úc châu cũng muốn mỗi năm chúng tôi gởi những vị giáo thọ tới để tổ chức khóa tu. Nhưng chúng tôi không thể nào cung ứng được đầy đủ để làm thỏa mãn những nhu yếu tu học đó trên thế giới. Chúng tôi cần hàng ngàn vị giáo thọ nữa mới có thể làm thỏa mãn được cái nhu yếu tu học ở Tây Phương càng ngày càng lớn.

 

Phép lạ của sự tỉnh thức

Năm nào chúng tôi cũng xuất bản sách và có nhiều cuốn sách đã từng được dịch ra bốn chục thứ tiếng, năm chục thứ tiếng như là cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức. Cuốn đó tôi viết năm 1972, là một trong những cuốn sách được phổ biến rộng lớn nhất ở trên thế giới. Cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức là một cuốn cẩm nang chỉ dẫn cho chúng ta phương pháp tu thiền chánh niệm trong trường hợp chúng ta không có một vị thầy, trong trường hợp chúng ta không có một tăng thân để hướng dẫn chúng ta. Từ khi  xuất bản cho đến bây giờ nó vẫn còn được tái bản và chưa bao giờ bị ngưng phát hành hết.

Cuốn sách đó trước tiên tôi muốn viết cho các tác viên trường Thanh niên phụng sự xã hội. Tại vì trong trường Thanh niên phụng sự xã hội có các thầy trẻ, các sư cô trẻ là tác viên xã hội cùng với các thanh niên nam nữ đã tới tùng học tại trường xã hội để đi về nông thôn giúp đồng bào xây dựng lại những làng mạc của mình và phát triển kinh tế, phát triển giáo dục và y tế. Các thầy các sư cô và các thanh niên Phật tử làm việc trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn trong chiến tranh. Có nhiều khi phải hướng dẫn cả hàng ngàn, hàng chục ngàn đồng bào đi khai hoang lập ấp. Vì thương các tác viên xã hội xuất gia cũng như tại gia, từ bên Pháp tôi đã viết cuốn sách đó như một cẩm nang để giúp cho họ tu tập, bồi dưỡng tinh thần để họ có thể tiếp tục làm công việc phụng sự xã hội mà không bị tiêu mòn  sức khỏe và niềm tin.

Cuốn sách đó tưởng rằng chỉ để cho người cán sự xã hội ở Việt Nam sử dụng thôi nhưng mà không ngờ khi dịch ra tiếng Anh thì được giới trí thức và thanh niên ở Tây Phương rất thích. Tôi nhớ Oxfam, là một tổ chức hòa bình của người Cơ Đốc Giáo, sau khi được đọc cuốn đó thì họ rất thích và xin in lại để cho cán sự xã hội của họ thực tập. Có những dòng tu nam và nữ ở bên Cơ Đốc Giáo đọc cuốn đó họ cũng rất thích và đem làm sách giáo khoa ở trong các dòng tu của họ. Cuốn sách đó đã được dịch ra khoãng năm mươi thứ tiếng trên thế giới. Nếu quý vị chưa đọc cuốn đó, (Phép lạ của sự tỉnh thức) thì tôi xin mời quý vị đọc. Nó là một cuốn sách mỏng, độ chừng một trăm hai mươi trang thôi nhưng rất là thực tiển.

Nếu mình chưa biết gì về pháp môn thực tập để làm lắng dịu những đau nhức, những căng thẳng trong thân và trong tâm. Nếu mình không biết phương pháp tháo gỡ những khó khăn những bức xúc ở trong người của mình. Nếu mình không biết làm thế nào để tái lập sự truyền thông giữa mình với người ở trong gia đình thì mình có thể đọc cuốn sách đó và đem ra thực tập, nó sẽ chuyển đổi đời sống của mình. Cuốn sách đó tên là Phép lạ của sự tỉnh thức.

Năm 1974 cuốn sách đó được in tại Sài Gòn nhưng  không được phát hành. Cho mãi đến cách đây hai năm (2005) thì sách mới được phát hành chính thức lần đầu tiên tại Việt Nam. Cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức là một cẩm nang tu tập cho những người chưa gặp được thầy, chưa gặp được bạn mà muốn đem áp dụng những điều của đức Thế Tôn dạy vào trong đời sống hàng ngày. Những người Do Thái giáo, Cơ Đốc Giáo sau khi đọc cuốn đó đem ra thực tập thì rất thành công. Vì vậy nó trở thành ra một sách gối đầu giường cho rất nhiều người thiền sinh Tây Phương. Cuốn sách đó hoàn toàn không có tính cách lý thuyết, nó hoàn toàn là cuốn cẩm nang để mình có thể sử dụng vào trong đời sống hàng ngày của mình. trong khi mình lái xe, tưới rau, giặt áo, mình đều có thể thực tập được. Sau khi được phát hành và có được sự đáp ứng nồng nhiệt của độc giả Tây Phương thì tôi mới có cảm hứng viết tiếp những cuốn sách khác cho người Tây Phương.

Đã có hàng bốn năm chục cuốn sách đã được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp cho thiền sinh Tây Phương. Có một vài cuốn chưa được dịch ra tiếng Việt như cuốn Peace is every step là An lạc từng bước chân tôi viết bằng tiếng Anh mà không có thì giờ để dịch ra tiếng Việt, một vị đệ tử đã dịch cuốn đó từ Anh văn ra Việt văn. Khi quý vị đọc thì quý vị sẽ thấy tuy là ý của tôi nhưng giọng văn không phải là của Nhất Hạnh. Nhưng mà có nhiều công việc quá nên mình phải chia ra.

 

Việt Nam Phật giáo sử luận

Trong thời gian lưu lạc ở Tây Phương tôi có đóng góp cho Phật giáo Việt Nam ba cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận và ký tên là Nguyễn Lang vì hồi đó cái tên Nhất Hạnh bị kiểm duyệt ở Sài Gòn. Lúc đó đi kêu gọi hòa bình, đó là một việc rất là cấm kị. Lúc chia s với các vị ni sư tôi có nói rằng tôi không có mục đích, chủ ý làm sử gia. Nhưng hồi đó  phái đoàn hòa bình của giáo hội Phật giáo đặt tại Paris cho nên chúng tôi đã nhận lời mời của trường đại học Paris giảng dạy về môn sử Phật giáo. Nhờ vậy chúng tôi có cơ duyên nghiên cứu thêm về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ở Paris có rất nhiều tài liệu mà Việt Nam có thể không còn như là những tờ báo ngày xưa: Đuốc Tuệ, Tiếng Chuông Sớm, Viên Âm. Trong khi giảng dạy cho sinh viên Pháp tôi có cơ hội sưu tập khá đầy đủ tài liệu về lịch sử Phật giáo Việt Nam do đó tôi đã có ý định viết để cho đàn em có tài liệu để học hỏi. Do đó cho nên tôi mới  viết Việt Nam Phật giáo sử luận một, sau đó Việt Nam Phật giáo sử luận hai và Việt Nam Phật giáo sử luận ba. Việt Nam Phật giáo sử luận ba đã nói tới cuộc tranh đấu chống lại chế độ độc tài của tổng thống Ngô Đình Diệm. Đáng lý tôi phải viết cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận bốn để nói về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ năm một ngàn chín trăm sáu mươi bốn cho đến bây giờ. Tôi đã sưu tập tài liệu đầy đủ bên đó nhưng  không có thì giờ để viết nữa. Tại vì nhu yếu tu tập quá lớn, mình phải để thì giờ viết những cuốn sách thực tế về sự tu tập, hướng dẫn những khóa tu để giúp người ta chuyển hóa những khổ đau những khó khăn. Mình không còn thì giờ để  làm một nhà học giả, một sử gia nữa. Cho nên tôi đành phải phụ lòng đc giả, không thể viết được cuốn thứ tư tức là cuốn cuối cùng của bộ Việt Nam Phật giáo sử luận.

Việt Nam Phật giáo sử luận cuốn một đã được in tại miền Nam ký tên là Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận hai và ba được Lá Bối  xuất bản ở Paris. Có một nhân duyên nào đó khiến cho các nhà học giả thấy được giá trị của những cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận một, hai và ba cho nên nhà xuất bản Văn Học đã tái bản lại cuốn đó dưới cái tên Nguyễn Lang. Nhờ vậy đồng bào trong nước có cơ duyên sử dụng bộ sách đó để học hỏi để nghiên cứu và tôi rất vui.

 

Những khoá tu học trị liệu tại Tây phương

            Ở bên Tây Phương, Âu châu và Mỹ châu là địa bàn của văn hóa Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo. Chúng tôi đã đem hạt giống của Phật giáo lấy từ Việt Nam đem qua trồng lên trên mảnh đất Tây Phương, và nó đã mọc lên rất là tươi tốt. Nếu quý vị viếng Mai thôn đạo tràng ở Pháp, đạo tràng Thanh Sơn, tu viện Lộc Uyển ở Mỹ, hay đạo tràng Từ Thị ở Đức thì quý vị sẽ thấy sự thực tập khác hơn là ở Việt Nam. Tại vì khi người Tây Phương tới đạo tràng của mình, họ không tới với tư cách của một tín đồ, họ không đem theo nhang đèn hoa quả để cúng dường như là Phật tử Việt Nam. Họ tới không phải là để tìm một niềm tin tôn giáo mà họ tới để tìm phương pháp thực tập, những pháp môn thực tập để tháo gỡ những khó khăn ở trong lòng của họ cho nên ở bên kia chúng tôi không có tổ chức lễ lượt nhiều mà chúng tôi tổ chức rất nhiều những khóa tu năm ngày, bảy ngày, hai mốt ngày, ba tháng tại Mai thôn đạo tràng, tại các đạo tràng hoặc tại các thành phố lớn Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu.

Thiền sinh tới đạo tràng của chúng tôi thì họ đóng góp tịnh tài để tham dự vào một khóa tu một tuần lễ hoặc là ba tuần lễ hoặc là ba tháng. Đóng góp đó để chi phí vào tiền điện nước, tiền rau đậu. Nếu họ tới trực tiếp Mai thôn đạo tràng thì họ đóng phụ phí rất  ít  vì nếp sống của Mai thôn đạo tràng rất đơn giản. Các thiền sinh tới tham dự vào những chấp tác với các thầy và các sư cô, họ cũng tham dự vào việc lặt rau nấu cơm, quét dọn sửa soạn thiền đường giặt giủ, lái xe đi đón thiền sinh giống hệt như là các thầy các sư cô vậy, dù họ là những người rất đại trí thức, dù họ là những dân biểu quốc hội cũng vậy, tới làm giống hệt như nhau, hoàn toàn bình đẳng. Đại đa số những người tới đạo tràng Mai thôn là những người trẻ và những người trí thức. Có rất ít các ông cụ bà cụ Tây Phương tới vì những người đó họ bảo thủ, họ không muốn đi tìm cái mới.

Khi chúng tôi đi mở những khóa tu tập ở tại các thành phố lớn thì mình phải thuê những trường đại học, những vận động trường lớn thì mới có chỗ để cho thiền sinh ở lại một tuần hoặc ba tuần. Tiền thuê rất đắt và thiền sinh phải đóng góp khá nhiều mới có thể theo được một khóa tu. Có nhiều người phải để dành, phải dành dụm cả năm mới có tiền đi tham dự một khóa tu nhưng họ học hỏi được rất là nhiều. Họ học được những phương pháp làm lắng dịu những căng thẳng, những đau nhức trong thân và trong tâm. Họ thực tập lắng nghe, họ tưới tẩm những hạt giống của hiểu biết, thương yêu và chấp nhận. Họ tập tái lập lại sự truyền thông giữa họ và những người trong gia đình, những người trong cộng đồng. Chúng tôi đã giúp cho không biết là bao nhiêu cặp vợ chồng, cha con, mẹ con làm hòa với nhau nhờ những phương pháp tu tập.

Trong đạo Phật chúng ta có phần tín ngưỡng, bái sám và cúng dường. Những pháp môn đó có thể làm lắng dịu được rất nhiều nỗi khổ niềm đau của chúng ta. Những phương pháp đó giúp cho chúng ta tu tạo được nhiều công đức. Nhưng đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo. Phần tôn giáo chỉ là một phần nhỏ của đạo Phật mà thôi. Phần quan trọng, trung tâm của đạo Phật là một nguồn tuệ giác rất lớn. Nếu mình nắm được nguồn tuệ giác đó thì mình có thể tháo gỡ những khó khăn, những bức xức, những tuyệt vọng, những lo lắng trong nội thân nội tâm. Và mình có thể giúp cho không biết bao nhiêu người tháo gỡ được những khó khăn của họ. Khi người Tây Phương tới với đạo Phật họ không đi tìm niềm tin tôn giáo mà họ đi tìm những pháp môn như vậy. Vì vậy tôi đã nói rằng sự thực tập ở bên Tây Phương có hơi khác hơn sự thực tập bên Trung Quốc hay là ở Việt Nam. Những khóa tu tổ chức từ sáu đến hai mươi mốt ngày luôn luôn đem tới sự chuyển hóa, sự thay đổi, sự chữa trị của thiền sinh. Không tu thì thôi, có tu thì thế nào cũng có thay đổi. Nhiều khi sự thay đổi, sự chuyển hóa xãy ra ngay trước mắt mình.

 

Làm hoà với người thân

Tôi xin kể một câu chuyện có thật. Cách đây khoảng hai chục năm, tôi qua Canada để tổ chức khóa tu cho đồng bào và thiền sinh Canada. Chúng tôi ăn cơm chiều sớm và sau đó chúng tôi có một buổi nói chuyện với đồng bào Việt Nam. Trong buổi cơm chiều đó tôi được nghe một câu chuyện rất thương tâm. Có một cậu bé chừng mười sáu tuổi vừa mới nhảy xuống sông tự tử ở thành phố Montreal. Vì cháu có những khó khăn với ba của cháu, hai cha con không nói chuyện với nhau được. Cuối cùng người thiếu niên đó đã để lại một bức thơ tạ tội với cha mẹ và đã ôm cặp đi học nhưng mà tới giữa cầu thì nhảy xuống để tự tử. Tôi nghe báo cáo như vậy và bữa chiều đó tôi không nuốt được miếng cơm nào hết. Trong buổi pháp thoại chiều hôm đó tôi đã nói chuyện với những ông cha, những bà mẹ có mặt trong buổi pháp thoại. Tôi nhớ hôm đó buổi giảng được tổ chức tại tòa thị sảnh của thành phố Montreal. Các Phật tử người Việt, gốc Việt Nam đã mượn được  tòa thị sảnh đó để tổ chức buổi giảng cho khoảng bảy trăm người. Tôi có nói với thính chúng như thế này: này các ông, nếu các ông có khó khăn với con trai thì tối nay các ông  phải về ôm nó, xin lỗi nó và làm hòa với nó đi. Nếu không ngày mai có thể trể, tại vì nó có thể đi tự tử. Câu chuyện tôi nghe hồi chiều làm cho trái tim tôi nặng trĩu cho nên trong  buổi diển thuyết đó tôi đã nói với tất cả trái tim. Tôi nói nếu ông hay bà có những khó khăn với con trai hay con gái thì tối hôm nay phải lập tức về làm hòa với nó, nếu cần thì xin lỗi nó. Nếu ông bà đánh mất con thì đất nước làm gì có tương lai, ông bà làm gì có tương lai vì con mình chính là sự tiếp nối của mình, chính là tương lai của mình. Đánh mất tương lai là một tai họa rất lớn. Tôi đã nói với tất cả trái tim của tôi nên tôi tin rằng quần chúng dưới đó rất xúc động. Tôi không biết là tối đó, có một ông lái xe về, vừa lái xe vừa khóc vì đã hơn hai năm trời ông không nói chuyện được với đứa con trai của ông. Ông đã xúc động khi nghe tôi giảng và quyết định là tối nay ông về tới nhà thì ông sẽ ôm đứa con trai của ông.

 

Thiền ôm

Tại làng Mai chúng tôi có dạy một thứ thiền gọi là thiền ôm. Tức là khi cha con,  mẹ con, anh em mà giận nhau thì có thể thực tập thiền ôm được. Những người không giận nhau, chưa giận nhau thì cũng có thể thực tập thiền ôm, nó rất đơn giản, thiền ôm là để trân quí sự có mặt của người thương của mình. Người thương đó có thể là chồng mình vợ mình con trai mình con gái mình, ba mình, má mình. và muốn thực tập thiền ôm thì phải chắp tay lại, phải thở ba hơi cho nhẹ cho khỏe. Khi người kia thấy mình chắp tay lại và thở như vậy, thì người kia biết. Trong khi ôm người kia trong vòng tay của mình thì mình phải tiếp tục thở, mình nói rằng con rất hạnh phúc, mẹ đang còn sống với con, con rất trân quý sự có mặt của mẹ. Phải nói như vậy ở trong lòng và phải thở ba hơi vào ra cho nó sâu và trân quý sự có mặt của mẹ khi mình ôm mẹ. Nếu mình ôm con trai của mình thì mình phải nói như thế này, nói thầm cũng được, này con trai của ba ơi, ba rất trân quý sự có mặt của con, mai mốt con sẽ đi lập gia đình, con sẽ đi sống riêng và ba không còn được ở với con nữa cho nên cha com mình đang có những giờ phút sống gần nhau, ba rất trân quý sự có mặt của con và anh em, chị em cũng vậy. Mỗi khi có buổi giổ thì sau khi đặt cỗ bàn lên trên bàn thờ tổ tiên thì anh em trong nhà, cha con trong nhà hòa giải với nhau trước khi dâng hương và khấn vái tổ tiên. Nếu cần thì thực tập thiền ôm để tha thứ cho nhau trước khi hành lễ. Tổ tiên sẽ hạnh phúc khi thấy con cháu thương nhau, chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau. Trên cơ bản thực tập thiền ôm đó tôi khuyên những ông cha bà mẹ về ôm lấy đứa con của mình và hòa giải với nó. Nếu mình nói được thì mình sẽ nói như thế này, con ơi ba biết rằng trong mấy năm gần đây con có nhiều khó khăn, có nhiều đau khổ, có nhiều bức xúc. Ba đã không giúp được con mà ba lại còn trách móc, la rầy chế trách làm cho tình trạng càng khó và ba rất hối hận, ba muốn rằng từ rày về sau ba sẽ không làm như vậy nữa, ba muốn xin lỗi con, có chuyện gì thì cha con mình nên nói chuyện với nhau. Nếu ba có cái vụng về gì thì con nói cho ba biết và nếu con có cái vụng về gì thì ba cũng sẽ từ tốn nói cho con nghe mà cha con mình không cần phải nói nặng với nhau, ba đâu có muốn làm cho con khổ đâu, con khổ tức là ba khổ. Vì vậy cho nên ba muốn cha con mình bắt đầu làm mới trở lại để cho trong gia đình có hạnh phúc. Nếu nói được thì nói như vậy, nếu không nói được, chưa nói được thì ôm không thôi cũng được nhưng trong lòng mình nghĩ như vậy thì tự nhiên thông điệp của người cha sẽ được truyền tới cho đứa con, đó là trường hợp của ông này. Ông lái xe từ tòa thị chính về nhà của ông trên một tiếng đồng hồ. Khi về thì nhà của ông tối thui vì đứa con trai ở nhà không có thắp đèn, nhưng nhờ ánh sáng của đèn điện ở ngoài đường chiếu vô ông có thể thấy được cái bóng dáng cô đơn thui thủi của đứa con trai của mình. Ông cảm động ông mở cửa đi vô, ông đặt cái cặp của ông xuống, ông đi thẳng tới đứa con trai và ông ôm nó trong hai vòng tay của ông ta. Ông ta chưa biết nói nhưng mà ông không cần nói, ông cứ ôm nó. Ban đầu đứa con trai rất ngạc nhiên, nó cứng như là khúc gỗ nhưng mà ông tiếp tục ôm với tất cả tấm lòng hối hận của một người cha. Và từ từ đứa con nhận được cái thông điệp đó, nó mềm ra, nó để cho ba ôm và nó ôm trở lại, rất là hay. Và hai cha con không nói với nhau câu nào hết, ấy vậy mà sáng hôm sau mẹ của chàng trai rất là ngạc nhiên, hai cha con ngồi ăn sáng và nói chuyện với nhau, rất là lạ, hai cha con không nói chuyện với nhau đã hai năm trời, bây giờ ngồi ăn sáng vui vẻ nói chuyện với nhau như chưa bao giờ từng xãy ra xích mích hết, rất là lạ kỳ. Tuy rằng khi người cha ôm đứa con không nói điều gì hết nhưng kỳ thực có một cái thông điệp là ba có hối hận, ba muốn con tha thứ cho ba, cha con mình phải làm hòa với nhau nếu không cha sẽ không có tương lai.

            Sau khi giảng cho đồng bào xong tôi mới lên núi để tổ chức khóa tu cho người Canada. Sau khóa tu cho người Canada thì tôi bay sang tiểu bang Califonia bên Mỹ tổ chức những khóa tu cho người Hoa Kỳ và tổ chức một khóa tu cho đồng bào Việt Nam. Trong buổi giảng tại tiểu bang California cho đồng bào thì tôi cũng kể lại những gì tôi đã nói trong buổi giảng ở Canada. Tôi nói này các ông, nếu các ông đang có khó khăn với con trai của các ông thì tối nay nhớ về ôm nó hòa giải với nó. Tối hôm đó có không biết là bao nhiêu người cha đã ngồi nghe  và đã xúc động. Trong đó có một người cha rất đặt biệt, ông ta cũng muốn về ôm đứa con trai của ông vì ông cũng đã không có nói chuyện với con ông gần hai năm trời. Nhưng đứa con trai đã bỏ nhà ra đi rồi, nó đâu còn ở nhà nữa để cho cha ôm nên ông vừa lái xe về và khóc. Hai cha con này có một lịch sử rất khó khăn. Hồi mà cậu bé còn nhỏ ba nói gì thì nó nghe hết, ý gì của ba nói là con trai phải chấp nhận phải nghe, không thể nào có ý kiến khác. Nhưng khi lớn lên và đi học trường Mỹ, nó bắt đầu có cái suy tư độc lập của nó và bắt đầu phản đối những ý kiến của ba mà nó không chấp nhận được. Vì vậy ông không chịu nỗi và la mắng trách móc, ông nói mày không phải là con của tao, con của tao không phải như vậy, mày đi đâu thì đi, mày không phải là con của tao nữa. Con của tao nó không phải như vậy, con của tao nói gì nó phải nghe. Ông cứ lặp lại câu nói đó cho đến một ngày nào đó đứa con nó chịu không nỗi và bỏ ra đi. Có thể nó bỏ đi băng đảng hay đi đâu đó mà ông không biết. Tối hôm đó ông lái xe về, ông vừa lái vừa khóc vì về nhà đâu có con trai mà ôm mà hòa giải. Ông quyết định xin nghỉ việc mười ngày để đi tìm con. Nhờ phước đức ông bà còn, cho đến ngày thứ tư, ông tìm được đứa con trai, gặp được đứa con trai ông xin lỗi liền lập tức, con ơi ba rất hối hận, con về nhà đi, ba sẽ không đối xử với con một cách thô bạo, mắng nhiếc con như cũ đâu, ba thấy rằng con là sự nối tiếp của ba, là tương lai của ba. Con về đi hai cha con mình sẽ tìm cách sống với nhau cho có hạnh phúc và an lạc. Đứa con chấp nhận về nhà. Con nào mà không  thương ba và ba nào mà không có thương con. Nhưng những giận hờn, buồn tủi, bực tức che lấp cái tình thương đó mà thôi. Khi nghe một bài pháp thoại, một bài giảng thì hạt giống của thương yêu được tưới tẩm và mình có đủ sức mạnh đủ thương yêu để nói một câu dể thương với con, để có một cử chỉ hòa giải với con. Trong chúng ta người nào cũng có hạt giống của thương yêu của tha thứ mà chánh pháp là một trận mưa có thể làm cho hạt giống thương yêu tha thứ trong ta được tưới tẩm và đâm chồi nảy lộc. Cho nên đi nghe thuyết pháp hay đọc kinh rất là quan trọng. Vì nghe bài thuyết pháp đó mà người cha này biết đi tìm con và hòa giải được với con. Và đứa con trai đó về nhà đi học trở lại, bây giờ  nó đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa và đang có phòng mạch ở bên Mỹ.

 

Lắng nghe và ái ngữ

Trong đạo Phật chúng ta có nói tới pháp môn lắng nghe và pháp môn ái ngữ. Lắng nghe một cách chăm chú và lắng nghe với tình thương, lòng từ bi. Người kia có thể có bao nhiêu nỗi khổ niềm đau chứa chất ở trong lòng, bao nhiêu oan ức khổ đau chứa chất trong lòng mà chưa có dịp nói ra được vì chưa có ai có khả năng ngồi lắng nghe. Nếu mình có một người có khả năng ngồi lắng nghe thì mình có thể nói ra được những nỗi khổ niềm đau đó và mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng rất nhiều. Đức Bồ Tát Quan Thế Âm là một người có khả năng lắng nghe với tâm từ bi, cho nên ngài có tên là Quán Thế Âm. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta tu tập ba ngày năm ngày thì chúng ta sẽ có khả năng lắng nghe những người thân của chúng ta. Tôi xin báo cáo với liệt vị là có nhiều thiền sinh sau năm ngày tu đã có thể lắng nghe được cha của họ, chồng của họ, con của họ và đã có thể sử dụng lời ái ngữ và phương pháp lắng nghe để hòa giải được với những người đó. Tôi rất hạnh phúc mỗi khi có một người đệ tử thực tập thành công pháp môn lắng nghe và ái ngữ để hòa giải được với người thân của mình. Chuyện đó nó xãy ra luôn luôn trong các khóa tu mà chúng tôi tổ chức tại Tây Phương, ngay những khóa tu mà chúng tôi tổ chức bên Trung Quốc hay Đại Hàn cũng có những kết quả như vậy.

 Trong những khóa tu tại Ma Cao hay  Hồng Kông, không phải chỉ có người Phật tử đi tham dự mà người Công giáo đi tham dự rất là đông. Ở Hồng Kông có ông linh mục công giáo người Hoa đã từng qua làng Mai tu tập một khóa ba tháng mùa đông sau đó ông đã quy y và thọ năm giới. Linh mục Công giáo này ngày xưa cũng đã từng có cha mẹ theo Phật giáo cho nên trong máu huyết của ông vẫn có hạt giống của Phật giáo. Khi qua làng Mai và được học pháp môn Phật giáo của làng Mai, Phật giáo nói bằng thứ ngôn ngữ của thời đại và những pháp môn tu tập rất là cụ thể. thì tự nhiên hạt giống Phật giáo ở trong con người đó nó nổi lên. Ông thấy rằng mình làm linh mục thì làm nhưng  tam quy và ngũ giới của đạo Phật rất là đẹp mà cha ông của mình đã từng theo, tại sao mình lại không thọ tam quy và thọ ngũ giới. Thấy như vậy nên ông linh mục xin thọ tam quy và ngũ giới. Tôi nhớ có lần tôi giảng một bài về Cơ Đốc giáo và về Phật giáo vào dịp lễ Giáng sinh. Sau khi nghe bài giảng, ông cha Thomas Wang nói bài giảng này chỉ có vài trăm người nghe thì rất là uổng, ông nghĩ rằng tất cả những người Công giáo ở trên thế giới đều phải nghe bài giảng này của thầy mới được. Về tới Hồng Kông thì ông đem năm giới của Phật giáo ra giảng dạy cho tín đồ trong nhà thờ của ông. Mỗi khi chúng tôi qua Hồng Kông mở khóa tu thì không phải chỉ có Phật tử tham dự mà người công giáo cũng tới tham dự rất đông. Sau những  khóa tu ở Đại Hàn, Hồng Kông hay Ma Cao luôn luôn có một lể quy y và truyền năm giới. Thường thường những người có gốc Phật giáo mà theo đạo Công giáo hay Tin Lành thì cuối khóa tu họ đều xin quy y và thọ năm giới trở lại. Cách đây mấy năm chúng tôi có mở một khóa tu tại Đại Hàn, trong số thiền sinh tham dự  có ít nhất năm chục phần trăm người đã theo Cơ Đốc giáo và cuối khóa tu tất cả đều thọ tam quy và ngũ giới trở lại.

            Sau năm, sáu ngày tu tập, những hạt giống tha thứ, thương yêu, hiểu biết trong tâm của mình được tưới tẩm. Tự nhiên mình sẽ thấy mình có khả năng lắng nghe người kia được với tâm từ bi. Mình thấy mình có khả năng nói được những lời nói nhẹ nhàng ôn tồn ái ngữ với người kia. Khi mình làm được hai chuyện đó thì chắc chắn mình có thể tái lập được sự truyền thông và đem lại được sự tha thứ và hòa giải. Trong những khóa tu  được tổ chức trong bốn mươi năm nay, chúng tôi đã giúp cho vô số những cặp vợ chồng,  cha con, mẹ con hòa giải với nhau và đem lại được hạnh phúc trong gia đình.

            Ái ngữ nó có nghĩa là nói bằng thứ ngôn ngữ không trách móc, không chua chát, không buộc tội, không lên án. Mình phải có bổn phận nói cho người kia nghe tất cả những gì trong trái tim của mình để cho người kia hiểu, nhưng mình phải nói một cách ôn tồn, hòa nhã. Nếu mình dùng ngôn từ chua chát buộc tội trách móc thì người kia sẽ không có khả năng nghe được. Cho nên ái ngữ là một pháp môn rất quan trọng để thiết lập được truyền thông giữa vợ chồng, cha con, và mẹ con.

Còn lắng nghe có nghĩa là lắng nghe với tâm từ bi, người kia có những nỗi khổ niềm đau chưa từng bao giờ nói ra được. Lắng nghe có mục đích là giúp cho người kia cơ hội để có thể nói ra được những nỗi khổ niềm đau. Sau khi nói ra được một giờ đồng hồ thì người kia sẽ cảm thấy nhẹ nhàng rất là nhiều. Trong khi nghe mình phải tập trung tâm ý, mình phải đem hết tất cả trái tim để nghe, mình phải đem lòng từ bi của mình để lắng nghe dù người kia chưa biết sử dụng ái ngữ, dù người kia trong khi nói vẫn còn chua chát, dù lời nói của họ vẫn còn có tính cách trách móc, lên án buộc tội. Và nhất là trong những lời của người kia có tri giác sai lầm, thông tin sai lầm. Nhưng nếu mình là người biết lắng nghe thì mình vẫn tiếp tục lắng nghe mà không cắt lời người kia, không sửa sai người kia trong khi người kia nói. Tại vì nếu mình cắt đứt người kia, mình sửa lưng người kia trong khi nói thì người đó sẽ mất hứng thú và sẽ biến cái cuộc lắng nghe trở thành ra một cuộc tranh luận. Trong khi lắng nghe, nếu mình thấy người kia có quá nhiều uất ức, quá nhiều khổ đau thì mình thấy tội nghiệp. Nếu mình thấy người kia có những thông tin, những tri giác sai lầm thì mình tự nhắc mình rằng là sau này trong tương lai mình sẽ có cơ hội để giúp cho người đó thấy được sự thật. Mình sẽ có thể cung cấp những thông tin mà người đó chưa có để họ có thể điều chỉnh lại nhận thức, tri giác của người đó, còn bây giờ đây bổn phận của mình là phải lắng nghe thôi. Lắng nghe để người kia có cơ hội nói ra cho bớt khổ, đó là sự thực tập của Bồ tát Quan Thế Âm. Mình làm con mình có thể lắng nghe cha được, tại vì trong con người của cha thế nào cũng có những bức xúc, những khó khăn, những buồn giận, những khổ đau. Nếu mình giận cha, mình trách móc cha, mình muốn từ cha là tại vì mình chưa thấy được, chưa hiểu được những bức xúc, những khó khăn, những khổ đau của cha mà thôi. Cho nên làm một đứa con có hiếu là phải thực tập lắng nghe cha mình, phải thực tập lắng nghe mẹ mình. Ba ơi con biết rằng trong những năm gần đây ba có nhiều khó khăn, ba có nhiều bức xúc, ba có nhiều khổ đau. Con đã không giúp được ba mà lại còn giận dỗi hờn lẫy trả đủa làm cho ba càng ngày càng khổ thêm, con rất hối hận. Con đâu muốn cho ba khổ, có đứa con nào muốn cho ba khổ đâu, nhưng mà tại vì con dại dột, con chưa hiểu được tất cả những khó khăn, những bức xúc của ba cho nên con mới dại dột phản ứng như vậy. Bây giờ ba giúp con đi, ba nói cho con nghe những khó khăn những khổ đau những bức xúc của ba để con hiểu để từ rày về sau con sẽ không dại dột phản ứng như vậy nữa. Nói như vậy tức là ái ngữ, nếu mình nói được như vậy tức là mình mở được trái tim của ba mình, ba mình sẽ nói cho mình nghe những gì trong lòng của ba mình. Và nếu mình ngồi lắng nghe được ba một giờ đồng hồ hay một giờ rưỡi thì ba bớt khổ nhiều lắm và mình sẽ trở thành một người tri kỷ của ba, tại vì lâu nay chưa có ai lắng nghe được ba. Một giờ đồng hồ một giờ rưỡi đồng hồ thực tập có thể đem lại kết quả rất là lớn.

Nếu là cha, mình cũng có thể thực tập như vậy. Mình nói con ơi, ba biết rằng mấy năm vừa rồi con có nhiều khổ đau khó khăn lắm. Nhưng vì ba quen sử dụng uy quyền của người làm ba rồi, ba không tìm hiểu, ba hay trách móc, ba hay la mắng, la rầy con. Ba đã sử dụng cái quyền làm ba để lấn áp con, có nhiều khi ba đối xử với con nó hơi thô bạo làm cho con càng ngày càng xa ba, vì ba chưa hiểu những khó khăn những khổ đau trong đời sống hàng ngày của con. Con phải giúp ba, con phải nói cho ba nghe những khó khăn những khổ đau những bức xúc của con để ba có thể hiểu để từ nay về sau ba sẽ đối xử với con một cách nhẹ nhàng hơn, hiểu biết hơn và thương yêu hơn, con phải giúp ba. Mình là người cha mình có thể sử dụng được ái ngữ như vậy. Và mình có thể phục hồi lại đứa con mà mình đã đánh mất.

Ái ngữ cũng có thể được sử dụng giữa vợ với chồng, anh với em. Kinh nghiệm cho thấy là trước khóa tu người ta có cảm tưởng là người ta sẽ không lắng nghe được, sẽ không nói được lời ái ngữ. Nhưng mà sau chừng năm ngày tu là người ta có thể làm được chuyện đó, sự chuyễn hoá rất lạ kỳ.

Tôi còn nhớ một khóa tu cách đây cũng sáu bảy năm ở miền Bắc nước Đức. Tới ngày thứ năm tôi ra bài tập cho thiền sinh, tôi nói này các ông các bà, này các bạn thiền sinh, chúng ta đã tu tập với nhau năm ngày năm đêm rồi, chúng ta đã tưới tẩm những hạt giống tha thứ chấp nhận thương yêu hiểu biết, chúng ta đã tập nói những lời ái ngữ, chúng ta đã tập lắng nghe. Thì quý vị từ sáng hôm nay cho đến mười hai giờ khuya, nếu quý vị có khó khăn với ba với mẹ với chồng với vợ quý vị thì quý vị hãy đem ra thực tập đi. Và phải thực tập cho xong trước mười hai giờ khuya đêm nay. Nếu người kia có mặt trong khóa tu thì rất dể, tại vì người kia cũng đã được tu tập năm ngày và người kia đã thay đổi nhiều nên sự hòa giải tha thứ sẽ dể dàng hơn. Nhưng nếu người kia không có mặt ở đây, người kia đang ở nhà thì quý vị có quyền được phép sử dụng điện thoại di động để thực tập ái ngữ và lắng nghe với người ở nhà. Tôi hẹn quý vị mười hai giờ khuya nay phải làm cho xong và sáng mai sẽ báo cáo lại. Thì sáng hôm sau có bốn người thiền sinh Đức lên báo cáo là tối hôm qua họ đã sử dụng điện thoại di động và đã làm hòa được với cha của họ. Tôi nghĩ là số người đã thành công ngày hôm trước đông hơn nhiều, nhưng có thể vì mắc cỡ nên họ không báo cáo đó thôi. Những thiền sinh đó nói rằng trước khi bắt đầu khóa tu họ không nghĩ họ có thể nói với ba những câu nói nhẹ nhàng dể thương như vậy và họ không nghĩ rằng trước khóa tu họ có thể lắng nghe được ba của họ như vậy. Nhưng mà năm ngày tu là rất nhiều, nếu mình thực tập hết lòng thì sẽ có những thay đổi rất lớn trong con người của mình. Phần lớn những người thiền sinh đó là gốc Cơ Đốc giáo, gốc Do Thái giáo, họ không phải là Phật tử đời này sang đời khác như chúng ta. Vậy mà họ đã thành công một cách rất là mầu nhiệm sau năm sáu ngày tu. Thì tôi nghĩ chúng ta là người Phật tử chúng ta thường đi chùa, chúng ta thường đọc kinh thì chúng ta phải thành công hơn mới đúng. Vậy nếu quý vị có những khó khăn đối với con trai của mình, đối với con gái của mình, đối với chồng của mình, đối với vợ của mình thì quý vị hãy áp dụng những  pháp môn đó của đức Thế Tôn. Pháp môn lắng nghe bằng tâm từ bi, pháp môn ái ngữ sử dụng ngôn từ hòa ái. Hai pháp môn đó là hai pháp môn có thể tái lập được truyền thông và đem lại được hòa khí và hòa giải được những người có những khó khăn với nhau.

 

Nghệ thuật hoà giải

Ở bên làng Mai, mỗi năm chúng tôi thường bảo trợ cho những nhóm người Do Thái và Palestine qua làng tu tập. Ở Trung Đông chiến tranh rất ác liệt, những người Do Thái và những người Palestine chống nhau, thù hận nhau, sợ hãi nhau rất nhiều. Khi một nhóm người Do Thái và một nhóm người Palestine tới Mai thôn đạo tràng ngày đầu tiên thì họ không dám nhìn nhau, họ hận thù nhau, họ sợ hãi nhau. Họ nghĩ rằng họ không thể nào chơi với nhau, hòa với nhau được. Trong quá khứ bên này đã tấn công bên kia, bên này đã giết hại bên kia gây ra rất nhiều tang tóc, rất nhiều khổ đau nên hận thù rất nhiều, nghi kị rất nhiều, khổ đau rất nhiều. Ấy vậy mà chúng tôi đã hướng dẫn cho những nhóm người Palestine và Do Thái hòa giải với nhau được. Năm nào cũng thành công hết.

Theo tiến trình của khóa tu thì những ngày đầu tiên họ tới mình tập cho họ buông thư những căng thẳng trong lòng, trong thân thể, thiền nằm, thiền buông thư, tập đi từng bước chân cho nhẹ nhàng, cho thảnh thơi, tập ngồi ăn cơm cho thong thả, thảnh thơi. Tập thở, điều phục hơi thở đem sự an bình về cho hơi thở, rồi đem sự an bình của hơi thở vào cho thân, sau đó đem sự an bình đó vào tâm. Chắc là quý vị tôn đức, quý vị Phật tử đã từng nghiên cứu kinh An ban thủ ý tức là kinh Quán niệm hơi thở. Trong đó đức Thế Tôn dạy những bài thực tập để làm lắng dịu những căng thẳng và đau nhức trong thân. Bài tập thứ ba thở vào tôi có ý thức về toàn thân tôi. Bài tập thứ tư thở vào thở ra tôi làm lắng dịu những căng thẳng ở trong châu thân tôi. Đức Thế Tôn đã dạy chúng ta những bài tập rất  thực tiển như vậy. Bài tập thứ bảy, thở vào tôi nhận diện được những nỗi khổ niềm đau ở trong tôi, thở ra thở vào tôi làm lắng dịu những cái nỗi khổ niềm đau trong tôi, rất là rõ ràng.

Đối với những người Do Thái và Palestine này, những ngày đầu chúng tôi giúp cho họ làm lắng dịu những căng thẳng, đau nhức trong thân và tâm. Khi họ khỏe ra rồi, họ ăn cơm đã ngon rồi, họ đã biết đi thảnh thơi và ngồi yên rồi thì chúng tôi mới đem họ tới với nhau để thực tập lắng nghe. Một bên nói và bên kia lắng nghe thôi, mà bên nói cố gắng  nói bằng lời ái ngữ. Mình có thể nói cho phía bên kia nghe về tất cả những khổ đau những khó khăn những tủi nhục mà mình đã chịu, mình phải nói hết, mình khổ đau như thế nào, mình tủi nhục như thế nào, mình khó khăn như thế nào, mình nghi kị như thế nào, mình nói hết nhưng mà nói với giọng ái ngữ. Các thầy các sư cô với các đạo hữu cư sĩ có bổn phận chăm sóc những nhóm người Do Thái, Palestine phải hướng dẫn để họ thực tập. Bên này lắng nghe thôi, không cắt lời, không sửa sai, lắng nghe với tâm từ bi, để coi thử bên kia họ có gì nói cho mình nghe. Trong quá trình lắng nghe đó họ khám phá ra một điều rất lạ lùng là bên kia họ cũng có những khó khăn những khổ đau, những uất ức, những sợ hãi, những nghi kị giống hệt như bên mình. Ban đầu thì nói rằng chỉ có bên mình khổ thôi, bên kia là bọn giết người, bọn độc ác, bọn không có lương tâm. Bên nào cũng nghĩ bên kia là như vậy hết, nhưng sau một giờ, hai giờ, sau một buổi hai buổi, ba buổi lắng nghe thì mình khám phá bên kia cũng là những con người như mình và cũng đã từng đi qua những khổ đau những khó khăn những sợ hãi những nghi kị giống hệt như mình. Tự nhiên mình nhận ra rằng bên kia cũng là những con người cũng là nạn nhân của chiến tranh của hận thù của nghi kị như mình và bắt đầu nhìn người kia bằng con mắt tội nghiệp, từ bi. Chỉ cần ba, bốn ngày là có thể làm được như vậy.

Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn nói về Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có một câu năm chữ là Từ nhãn thị chúng sanh, có nghĩa là đem con mắt từ bi mà nhìn những người khác, Từ nhãn thị chúng sanh. Ở đây cũng vậy, khi mình lắng nghe, mình hiểu được những nỗi khổ niềm đau những uất ức, những sợ hãi, những nghi kị của phía bên kia thì mình thấy rằng bên kia cũng khổ đau giống hệt như mình. Mình bắt đầu chấp nhận họ như những con người, mình bắt đầu nhìn họ bằng con mắt tội nghiệp thương yêu, có sự dịu dàng trong con mắt của mình, trong nụ cười của mình và người bên kia họ cảm thấy được. Sau những buổi thực tập lắng nghe như vậy thì đến phiên bên này nói ra những khổ đau, những uất ức, những khó khăn, những nghi kị, những sợ hãi của mình và bên kia lại thực tập lắng nghe. Rốt cuộc hai nhóm chống đối đó họ có thể nắm tay nhau, họ thực tập thiền hành, ngồi ăn cơm chung với nhau như những người huynh đệ. Điều đó chỉ cần vài ba tuần lễ là thành công được. Cuối khóa tu thường thường họ lên báo cáo thành quả tu học của họ cho đại chúng và hứa khi về miền Trung Đông sẽ tiếp tục tu tập, sẽ tổ chức những khóa tu tập như vậy cho đồng bào họ tới tham dự để cảm thấy bớt khổ, để chuyển hóa những giận hờn những nghi kị, những lo sợ ám ảnh họ ngày và đêm.

Những khóa tu tổ chức tại Âu Châu và Mỹ Châu có mục đích là làm lắng dịu những đau nhức, những căng thẳng trong thân, trong tâm, nhận diện những buồn đau những tủi hận ở trong tâm để làm lắng dịu và chuyển hóa. Với thành quả đó ta áp dụng pháp môn ái ngữ và lắng nghe để tái lập lại truyền thông giữa vợ và chồng, giữa con với cha, giữa anh với em, giữa nhóm người này với nhóm người khác. Và rốt cuộc sự hòa giải, hạnh phúc được phục hồi lại trong phạm vi cá nhân, trong phạm vi cộng đồng.

            Trong chuyến về thăm quê hương kỳ này chúng tôi đã tổ chức được một khóa tu như vậy cho giới cư sĩ tại tu viện Bát Nhã Bảo Lộc. Một khóa tu khác được tổ chức cho giới xuất gia. Ban đầu tu viện Bát Nhã dự tính chỉ có khả năng tiếp nhận hai ngàn thiền sinh cho một khóa tu bốn ngày thôi vì tu viện Bát Nhã đất đai rất rộng nhưng phương tiện còn thiếu. Nhưng số thiền sinh ghi tên nhiều hơn hai ngàn và tới ngày cuối lên tới gần bảy ngàn mà mình không có thể từ chối được. Các thầy các sư cô phải làm đủ mọi cách để cho mọi người có thể ở lại bốn ngày bốn đêm mà tu học. Khóa tu thứ hai cho cư sĩ được tổ chức tại chùa Từ Hiếu ở Huế. Chúng tôi mong muốn rằng ở quê hương chúng ta sẽ có nhiều khóa tu như vậy. Ở Tây Phương chúng tôi đã đào tạo ra bốn, năm trăm vị giáo thọ có khả năng tổ chức những khóa tu như vậy. Tổ chức giảng dạy hướng dẫn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Việt. Nếu quý vị có những khó khăn trong nội tâm, trong gia đình mà quý vị có cơ duyên ghi tên một khóa tu năm ngày hay bảy ngày như vậy thì quý vị có khả năng chuyển hóa được hoàn cảnh của mình và hoàn cảnh của gia đình mình. Đó là kinh nghiệm của chúng tôi trong bốn mươi năm vừa qua. Những khóa tu đó rất cần thiết.

 

Làm mới Phật giáo Việt Nam

Tại tu viện Bảo Lộc có vào khoảng bốn trăm thanh niên tăng ni đang theo học để sau có thể trở thành những vị giáo thọ có khả năng tổ chức những khóa tu như vậy. Ở tu viện Từ Hiếu có khoảng một trăm năm chục thanh niên tăng ni cũng đang được thực tập học hỏi để trở thành những vị giáo thọ như vậy. Cách học hỏi thực tập có hơi khác hơn truyền thống là cái học của mình không có tính cách lý thuyết, nó phải thực tế, nó phải áp dụng được. Khi chúng ta học Duy thức thì tôi phải đặt câu hỏi cái Duy thức này làm sao áp dụng được vào trong đời sống hàng ngày để chuyển hóa những bức xúc những khổ đau những nghi kị của chúng ta. Khi chúng ta học kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật thì chúng ta phải đặt câu hỏi kinh này áp dụng như thế nào. Khi chúng ta học kinh Hoa Nghiêm thì chúng ta phải hỏi kinh Hoa Nghiêm thậm thâm vi diệu như vậy đó nhưng mà áp dụng như thế nào để giải quyết những vấn đề có thật trong sự sống.

Nhân tiện đây tôi xin ngỏ lời thưa với chư vị tôn đức trong giáo hội cũng như các vị cư sĩ là cái học của chúng ta trong các trường cơ bản, trường trung cấp và học viện còn có tính cách lý thuyết quá nhiều. Chúng ta đào tạo ra những lý thuyết gia Phật giáo nhiều hơn là những kỹ sư Phật giáo tức là những người có khả năng đem áp dụng những cái học để  chuyển hóa trong đời sống hàng ngày. Những khó khăn giữa thầy trò với nhau có nhiều chùa không giải quyết được, có những khó khăn tranh chấp giữa huynh đệ với nhau không  giải quyết được. Chúng ta không có những pháp môn rõ rệt và chúng ta không được đào tạo ở trong các trường để có thể giải quyết được những vấn đề như vậy. Khó khăn giữa thầy mình và mình, khó khăn giữa mình đối với huynh đệ của mình và hiện tượng tranh chấp giận hờn vẫn còn. Trong khi chúng ta tu học với tính cách những người xuất gia mà  không tháo gỡ được những khó khăn cho chúng ta thì làm thế nào chúng ta có thể giúp những người cư sĩ ở ngoài đời tháo gỡ những khó khăn của họ. Cho nên vấn đề là làm thế nào để cái dạy cái học của chúng ta nó có tính cách thực tế hơn. Chúng ta phải giảng dạy, phải thực tập trong môi trường đào tạo đó như thế nào để những người thanh niên tăng ni đang được thọ huấn trong các môi trường đó lớn lên có khả năng làm được các công việc tháo gỡ khó khăn, thiết lập lại tình huynh đệ, tình thầy trò, đem lại hạnh phúc vào trong  đời sống của tăng thân mình. Như vậy khi ra mở những khóa tu cho người cư sĩ ta mới có thể thành công được.

Đêm nay thời giờ ít ỏi, bây giờ là chín giờ rồi, tôi chỉ có thể chia sẽ với chư vị tôn đức và các vị Phật tử cư sĩ những ý kiến chính đó. Trong chuyến đi thứ hai này về thăm quê hương chúng tôi mong ước có được cơ hội ngồi lại với các vị tôn đức với các vị Phật tử để đàm luận về phương pháp làm thế nào để làm mới Phật giáo Việt Nam để cho sự giảng dạy sự tu tập của mình đáp ứng lại được những nhu cầu mới. Làm thế nào để giúp giới trí thức, giới thanh niên giải quyết được những vấn đề khó khăn của họ.

Trong chuyến về kỳ này chúng tôi đã mở những ngày tu tập cho giới doanh thương và giới chính trị gia vì họ cũng có những bức xúc những căng thẳng rất nhiều trong đời sống của họ. Ngày tổ chức cho giới doanh thương thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận đã được một số rất đông các nhà doanh thương tới tu tập và họ đã thừa hưởng được rất nhiều về giáo lý và phương pháp thực tập của đạo Phật để lấy bớt đi những sự căng thẳng ở trong thân và trong tâm.

 

Bước tới thảnh thơi và Sám pháp địa xúc

            Kỳ này về chúng tôi có hai tác phẩm, một là Bước tới thảnh thơi, một cuốn sách giáo khoa cho giới sa di và sa di ni sử dụng. Cuốn Sa di luật nghi yếu lược của thầy Châu Hoằng sáng tác cách đây bốn trăm năm đã cũ rồi trong khi sách giáo khoa ở ngoài đời năm nào cũng có sách giáo khoa mới. Vì vậy đạo tràng Mai thôn đã cố gắng hiện đại hóa tập sách giáo khoa đó cho thanh niên tăng ni. Mười giới đã được trình bày lại một cách rất rõ ràng. Về uy nghi có tới bốn mươi hai thiên uy nghi. Các vị giáo thọ trong các trường Phật học có thể sử dụng cuốn đó để đào tại các giới sa di và sa di ni.

Tác phẩm thứ hai là một phương pháp sám pháp mới gọi là Sám pháp địa xúc. Trong một khóa tu mùa đông tại Pháp tôi đã hành trì pháp sám hối và đã sáng tác ra được một sám pháp mới gọi là Sám pháp địa xúc. Trong những khóa tu dành riêng cho người xuất gia tại Bảo Lộc, tại Huế chúng tôi đã thực tập Sám pháp địa xúc mỗi ngày, và nó rất công hiệu. Nếu chúng ta thực tập theo Sám pháp địa xúc thì chúng ta sẽ cảm thấy có sự chuyển hóa, sự gạn lọc tâm ý xãy ra rất dễ dàng ngay trong khi chúng ta thực tập.

Tôi xin giới thiệu với chư vị tôn đức, các vị Phật tử cư sĩ hai cái tác phẩm này.  Có một điều rất lạ là cuốn Bước tới thảnh thơi là cuốn sách để đào tạo người xuất gia ấy vậy mà người cư sĩ ở Tây Phương họ mua đọc rất nhiều. Cuốn sách đó mới được tái bản và tăng bổ, nếu quý vị đi tìm cuốn đó thì tìm cho được cái cuốn ngoài bìa có câu ấn bản năm 2008 thì mới là cái ấn bản mới. Năm nay mới 2007 nhưng mà ngoài bìa cuốn sách đó đề là 2008. Cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Hoa để cho các sư chú và sư cô, sa di và sa di ni ở bên Trung Quốc được sử dụng. Quyển Sám pháp địa xúc hiện bây giờ đã có ở trên thị trường sách báo Việt Nam.

 

Chúng tôi xin lặp lại là đêm nay chúng tôi rất là hạnh phúc được ngồi đây với chư vị tôn đức, với chư vị Phật tử, bốn mươi hai năm xa cách quá lâu nên về lại chùa có cảm tưởng là mình được về với cái mái ấm gia đình, được ngồi với chư vị tôn đức và chư vị Phật tử chúng tôi rất hạnh phúc như là ngồi trong một đại gia đình Phật giáo. Xin cảm ơn các vị tôn đức với các Phật tử đã lắng nghe chúng tôi cho đến giờ. Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.