PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

. . .  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (. . .  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (. . .  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Thân tâm an lạc

  • Tháng VI 2007 - Chân An Tịnh và Chân Giác Lưu phiên tả & biên tập :
    Pháp thoại
    của Sư ông Làng Mai
    chia sẻ với Tăng Ni sinh trường Trung cấp PH,
    ngày 24 - IV - 2007
    tại  chùa Bằng A - Hanoi.
    Â
    m thanh MP3 : 
    Phần 1 (14.7MB)  Phần 2 (13.9MB) 
     

Sáng thứ ba 24/4/2007, Hòa thượng Nhất Hạnh đã có buổi pháp thoại và chia sẻ với Tăng Ni sinh Trường Trung cấp Phật học Hà Nội tại chùa Bằng A. Hơn 2000 Phật tử ngồi kín sân chùa cùng nghe pháp.

Kính thưa quí vị tôn túc, quí thầy, quí sư cô, quí Phật tử và  quan khách.
Tăng thân Làng Mai sẽ xướng tụng bài Sở Hữu Thập Phương Thế Giới Trung bằng tiếng Việt để mở đầu cho buổi pháp thoại ngày hôm nay.

Khi nghe chúng ta ngồi cho ngay ngắn, thoải mái. Hãy mở lòng ra để cho năng lượng của Bồ tát Phổ Hiền đi vào làm lắng dịu những đau nhức trong thân và tâm của chúng ta. Chúng ta hãy đem tâm trở về với thân, có mặt thật sự ở đây, trong giờ phút này, buông thư tất cả những căng thẳng trong châu thân và ngưng tất cả mọi suy nghĩ, lo toan về ngày mai để có thể có mặt thật sự mà tiếp nhận năng lượng của Bồ tát. Năng lượng này có thể chuyển hóa những khổ đau cũng như những tật bệnh trong thân và trong tâm của chúng ta.

Nếu chúng ta có một người thân bị bệnh, không tới được hôm nay thì chúng ta cũng truyền năng lượng này về cho người ấy bằng cách nghĩ tới hoặc gọi tên người đó. Năng lượng của Bồ tát và tăng thân sẽ được truyền về ngay lập tức trong giờ này.

Quí thầy, quí sư cô xướng tụng bài Mười Nguyện Phổ Hiền (Sở Hữu Thập Phương Thế Giới Trung). Xin mời đại chúng nhiếp tâm lắng nghe.

 

Thân tâm an lạc

Có một lần tôi thuyết pháp bên Đại Hàn cho năm, sáu trăm sư cô. Trong khi tôi thuyết pháp các sư cô người nào cũng nhìn xuống hết, không ai dám nhìn lên. Sau  chừng mười lăm phút, tôi nói: “Tôi không thuyết pháp được nữa. Phải nhìn lên thì tôi mới biết tôi đang nói với ai”. Nhưng các sư cô cũng không nhìn lên được, vì các sư cô đã thực tập như vậy lâu ngày, thấy đàn ông con trai thì không được nhìn.

Khi sang Trung quốc, tôi cũng thuyết pháp cho một chùa ni gần Tây Hồ. Chùa đó tu về Tịnh độ. Trước khi thuyết pháp, tôi đưa ra một điều kiện: “Nếu các sư cô nhìn lên thì tôi nói, nếu các cô cúi xuống thì tôi sẽ không nói nữa. Tại chùa Nam Hoa của lục tổ Huệ Năng, có một lần tăng thân Làng Mai giao lưu với các thầy tại Phật học viện chùa, một bên là các sư cô ngồi, một bên là các thầy người Hoa ngồi. Tôi hỏi chơi: các sư cô không dám nhìn các thầy, nhưng các thầy có dám nhìn các sư cô không ?”.  Đây là một câu hỏi hướng về các thầy chùa Nam Hoa. Có một thầy gải đầu trả lời: “Các thầy nhìn các sư cô được chứ, nhưng khi nhìn phải quán chiếu các sư cô là những cây củi khô mới được”.  Tôi thấy câu trả lời đó không ổn.

Bên Làng Mai, các thầy, các sư cô sinh hoạt với nhau như anh em trong một nhà. Khi nói chuyện với nhau họ nhìn thẳng vào mắt người đối diện mà nói, không sao hết. Có giới luật, có uy nghi rồi thì họ không sợ gì hết. Vì thế tạo được một tình huynh đệ rất vững chãi giữa các sư cô với nhau, giữa các thầy với nhau và giữa các thầy các sư cô với nhau.

Bây giờ, các sư cô phải nhìn lên tôi mới nói chứ nếu cứ cúi xuống tôi không nói nữa.

Hồi nãy tôi đi vào thì các sư cô nhìn xuống đất hết, không ai dám nhìn lên, dù là rất muốn. Đó là một phần của truyền thống mà trong thế kỷ thứ 21 mình phải xét lại. Nếu quí vị nhìn lên quí vị sẽ thấy tôi ngồi rất thoải mái, thảnh thơi. Tôi không lo lắng, vội vã. Tôi rất thong dong, ngồi ở đây cũng như ngồi ở chùa bên Pháp hay bên Đức.

 

Ngồi yên là hiến tặng cho đời sự an bình

Khi chúng ta tạc tượng đức Thế Tôn để thờ, chúng ta thường để ngài ngồi trên một tòa sen. Làm sao mình ngồi mà bông sen không bẹp dí xuống? Tòa sen mà đức Thế Tôn ngồi  tượng trưng cho sự tươi mát, nhẹ nhàng, tinh khiết, thảnh thơi. Khi mình ngồi yên, thảnh thơi, tươi mát, hạnh phúc thì giống là mình đang ngồi trên một tòa sen. Nếu như mình ngồi bồn chồn, lo lắng, sầu khổ, bực bội, sợ hãi thì mình không ngồi trên tòa sen, mình đang ngồi trên một đống lửa, mình ngồi không yên. Trong khi đó đức Thế Tôn ngồi rất yên, rất tươi mát, rất nhẹ nhàng trên tòa sen. Mình là đệ tử của đức Như Lai, mình là con trai, con gái của ngài, mình phải học ngồi như ngài, ngồi yên, ngồi cho thoải mái, an lạc. Mình phải học ngồi từ bây giờ, trong giây phút hiện tại. Xin các thầy, các sư cô, các Phật tử ngồi như thế nào để như ngồi trên một tòa sen, đừng ngồi trên một đống lửa.

Ngồi yên tiếng Hán Việt là an tọa. Xin mời đại chúng an tọa nghĩa là xin mời đại chúng ngồi  yên. Xin mời đại chúng ngồi trên tòa sen, đừng ngồi trên đống lửa. Ngồi yên, chỉ một việc đó thôi thì chúng ta cũng đã có hạnh phúc rồi. Trong khi tôi ngồi yên thì tôi có sự bình an, sự thảnh thơi tươi mát trong lòng. Khi ngồi yên như vậy tôi hiến tặng cho quí vị sự tươi mát, thảnh thơi, thong dong của tôi. Đó là một món quà để hiến tặng cho quí thầy, quí sư cô, quí Phật tử. Khi quí vị ngồi yên được, ngồi trên một tòa sen, không lo lắng, sầu khổ, không nghĩ tới chuyện hôm qua, ngày mai hay tối nay, quí vị hoàn toàn có mặt thật sự ở đây trong giờ phút này, có nụ cười, có ánh mắt tươi mát thì quí vị cống hiến cho chúng tôi sự có mặt đẹp đẽ của quí vị. Cho nên ngồi yên là một tặng  phẩm của chúng ta dể dâng lên Đức Thế Tôn, dâng lên các thầy, các sư cô và các bạn tu của chúng ta. Ngồi yên là một sự thực tập.

Bất cứ ở đâu chúng ta cũng có thể ngồi yên được. Dưới một gốc cây, trên một tảng đá, trên bãi cỏ, ngoài bờ biển, trên một chiếc chiếu hay trong toa xe lửa chúng ta cũng có thể ngồi yên được. Nếu ngồi yên được như thế thì chúng ta đã là sự tiếp nối đẹp đẽ của đức Thích Ca, đức Bổn Sư rồi. Điều đầu tiên mà chúng ta phải học, phải tập cho được là ngồi yên ( an tọa ). Trong khi chúng ta an tọa, ngồi yên thì chúng ta không lo lắng, sầu khổ, bồn chồn, không có sự thúc đẩy đứng dậy làm cái này, cái kia.

Trong quá khứ chúng ta đã từng bị đói. Cha ông của chúng ta đã từng trải qua giai đoạn đói cho nên chuyện ngồi yên đối với nhiều người được nhận xét như là một xa xỉ phẩm. Chúng ta đã từng qua một trận đói cho nên mỗi khi có một chút thì giờ thì chúng ta nghĩ cần phải làm một cái gì đó để sản xuất thêm, để chất chứa thêm sản phẩm, để có một ít tiền dành dụm. Chuyện ngồi không, không làm gì hết trở thành một xa xỉ phẩm. Chúng ta đã học thói quen luôn luôn phải làm một cái gì, luôn luôn bận rộn, ngồi yên thì chịu không nỗi. Hai tay phải luôn luôn làm một cái gì, ngồi yên như thế này, không làm gì hết đối với nhiều người trong chúng ta là một điều rất khó.

Trong khi đó giáo lý đạo Phật dạy chúng ta trước hết là phải học ngồi yên. Chúng ta có những bất an trong cơ thể, trong lòng, và những bất an đó làm cho chúng ta không có hạnh phúc. Tu tập trước hết là phải làm cho thân an rồi sau đó làm cho tâm an. Có an thì mới có lạc. Lạc tức là hạnh phúc. Hạnh phúc làm gì có được nếu thân và tâm không an ?. Trong kinh đức Thế Tôn dạy ta thực tập để làm cho thân an trước. Như kinh An  Ban Thủ Ý là kinh dạy về phương pháp thở, có những bài tập như :

Tôi đang thở vào và tôi ý thức được sự có mặt của thân thể tôi
Thở vào tôi thấy được sự có mặt của toàn thân tôi
Thở ra tôi làm lắng dịu những đau nhức trong toàn thân tôi

Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở có cụm từ Nhất thiết thân hành giác. Nhất thiết thân hành là toàn thân. Thân gọi là thân hành, tâm gọi là tâm hành. Nhất thiết thân hành giác là ý thức được sự có mặt của toàn thân. Nhất thiết thân hành tức, chữ tức phía trên có chữ tự và phía dưới có chữ tâm có nghĩa là làm lắng dịu lại, làm buông thư. Đó là những chữ trong kinh An Ban Thủ Ý, dịch ra tiếng Việt là thế này :

Thở vào tôi ý thức được sự có mặt của toàn thân
Thở ra tôi buông thư hoặc làm lắng dịu tất cả những căng thẳng trong toàn thân tôi.

Đó là bài tập thứ ba và thứ tư trong kinh An Ban Thủ Ý. Mình phải làm cho thân an trước khi mình có thể làm cho tâm an. Làm cho tâm an thuộc về bài tập thứ sáu và thứ bảy trong Kinh An Ban Thủ Ý. Tôi đã dịch Kinh An Ban Thủ Ý từ tiếng Pali sang tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi cũng đã dịch Kinh An Ban Thủ Ý từ tiếng Hán sang tiếngViệt, tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi đã chú giải, đem ra cho đại chúng thực tập và tôi đã hướng dẫn thiền sinh Tây phương thực tập. Kinh An Ban Thủ Ý là một thiền phổ rất mầu nhiệm. Có những bài tập giúp mình làm cho những căng thẳng trong thân lắng dịu lại rồi tiếp đó mình làm cho những lo âu, đau nhức trong tâm lắng dịu lại. Rất là hay ! Nếu quí vị không thực tập thì rất uổng. Tôi hy vọng quí vị nghiên cứu Kinh An Ban Thủ Ý và bắt đầu đem áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình.

Có sự bất an, căng thẳng, đau nhức trong thân. Cuộc đời, sự sống hằng ngày của chúng ta rất là bận rộn vì vậy mỗi ngày chúng ta chất chứa sự đau nhức, căng thẳng trong thân. Nếu như sự căng thẳng đó bị dồn chứa quá nhiều thì nó sẽ sinh ra không biết bao nhiêu là chứng bệnh. Đức Thế Tôn dạy chúng ta phải làm lắng dịu  hình hài, thân thể chúng ta. Trong tư thế ngồi mình có thể buông thư. Trong tư thế đi mình cũng có thể buông thư. Trong tư thế đứng mình cũng có thể buông thư. Đây là chuyện chúng ta phải nắm cho được và thực tập trong đời sống hằng ngày. Mỗi khi ngồi tôi muốn ngồi thư thái, tôi không muốn ngồi trên đống lửa. Tôi muốn ngồi trên tòa sen thôi và tôi đã ngồi được. Có những người đệ tử của tôi xuất gia hay tại gia  cũng ngồi được trên tòa sen như tôi. Kể cả những người đệ tử tại gia gốc Mỹ châu hay Âu châu cũng làm được như thế. Tôi rất vui khi có những người đệ tử có khả năng ngồi trên hoa sen. Họ đã từng ngồi trên đống lửa lâu năm rồi. Họ thấy ngồi trên đống lửa không có hạnh phúc nên họ cố thực tập để ngồi được trên hoa sen.

Tôi mong rằng các thầy, các sư cô, các Phật tử ở đây người nào cũng có cơ hội hạ thủ công phu, ngồi như thế nào để có an, có lạc. Lạc là hạnh phúc, an là sự bình yên. Chúng  ta sống trong tình trạng bất an, bất an của cơ thể, của tâm hồn, vì vậy chúng ta có quá nhiều khổ đau. Chúng ta phải đem yếu tố an cho hình hài và cho tâm hồn. Ngồi yên không phải là chuyện dễ. Chúng ta phải tập mới ngồi yên được. Đó là điều kiện căn bản để làm đệ tử đức Như Lai, tại vì đức Như Lai, thầy của chúng ta là người có khả năng ngồi yên. Ngồi yên không phải là không làm gì hết. Ngồi yên là hiến tặng cho đời sự an bình.

Ông Nelson Mandala là cựu tổng thống nước Nam phi. Trưóc khi làm tổng thống, ông là tù nhân chính trị suốt mấy chục năm. Sau khi được phóng thích, dân chúng bầu ông lên làm tổng thống. Mấy năm sau đó ông sang thăm Pháp. Báo chí phỏng vấn ông có hỏi một câu như thế này : “Thưa tổng thống, chúng  tôi biết là ngài rất bận rộn trong chức vị mới. Vậy trong đời sống hằng ngày ngài ưa làm gì nhất ? Ông trả lời: “Cái tôi mong mỏi nhất là được ngồi yên, khỏi phải làm gì hết. Từ ngày tôi được phóng thích từ nhà tù ra tới bây giờ ba, bốn năm tôi chưa bao giờ có cơ hội được ngồi yên không làm gì hết. Tôi luôn luôn bận rộn, lo lắng, không có giờ phút nào cho  tôi hết. Cái tôi khao khát, ưa muốn nhiều nhất là được ngồi yên.” Báo chí đã đăng câu trả lời đó của tổng thống Nelson Mandala và tôi có đọc. Trong lòng tôi có một dấu hỏi. Ông tổng thống này muốn ngồi yên, cái đó đúng. Nhưng nếu ông có hai ba giờ, hai ba ngày, hay một tuần để ngồi yên thì liệu ông có ngồi yên được không, một khi chưa bao giờ ông được học phương pháp ngồi yên cả ?

Khi tu thiền mình học ngồi trước, và ngồi như thế nào để yên được. Trong thân mình có những căng thẳng, đau nhức, trong tâm mình có những tư tưởng, những kích thích, sầu khổ làm cho mình không thể ngồi yên được. Có những chướng ngại tới từ thân hoặc từ tâm không cho mình ngồi yên được.

Chúng ta đang ở trong ngôi nhà Phật giáo, chúng ta có nhiều kinh điển, có nhiều cơ hội thực tập để có thể ngồi yên. Ngồi yên có thể có nhiều hạnh phúc. Ngày xưa Đức Thế Tôn đã ngồi yên và đã dạy cái vị đệ tử xuất gia đã ngồi yên. Nói như thế không có nghĩa là Đức Thế Tôn không làm gì hết. Trong bốn mươi lăm năm hành đạo, ngài đã hóa độ không biết bao nhiêu người thoát ra khỏi trạng huống sầu khổ, bế tắc, từ vua quan cho tới hàng thương gia, dân lao động. Đức Thế Tôn tuy ngồi yên nhưng ngài làm được rất nhiều. Ngồi yên không có nghĩa là ăn không ngồi rồi, ngồi mát ăn bát vàng. Ngồi yên là căn bản mà nếu không có thì những hoạt động của mình không thể có giá trị.

Chúng ta có những công việc gọi là Phật sự. Chúng ta lăng xăng vì những cái đó trong khi đó tâm ta không yên, ta không điều phục được những tâm hành tiêu cực, giận hờn, lo lắng, buồn khổ. Ta đánh mất ta trong hành động. Những hành động gọi là Phật sự đó, thật sự chưa phải là Phật sự. Làm chùa, đúc chuông, tô tượng trong trạng thái lo lắng, sầu khổ, bực bội không có giá trị bao nhiêu. Nền tảng của Phật sự là sự bình an trong thân và tâm. Mặc dù mình chưa làm chùa, đúc chuông, tô tượng nhưng ngồi yên được thì đó đã là Phật sự rồi. Đó là Phật sự căn bản : ngồi yên để cho người ta thấy được bình an là giáo lý có thể thực hiện được.

 

ngồi giữa gió xuân

Trong kho tàng văn học Phật giáo có danh từ ngồi giữa gió xuân ( tọa xuân phong ). Tọa là ngồi, xuân là mùa xuân, phong là gió. Tọa xuân phong là ngồi trong gió mát mùa xuân. Khi mà thầy trò được ngồi với nhau trong tình thầy trò, huynh đệ được ngồi với nhau trong tình huynh đệ, được nuôi dưỡng bởi chánh pháp thì mình có hạnh phúc như là mình đang được ngồi giữa gió mùa xuân. Mình chỉ cần ngồi thôi là mình có thể hiến tặng sự thảnh thơi, tươi mát, hạnh phúc, an bình của mình cho những người khác và mình tiếp nhận được sự tươi mát thảnh thơi của thầy mình, của bạn tu mình. Nội việc ngồi với nhau đã có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc. Ngồi như thế gọi là ngồi giữa gió xuân. Mong rằng trong giờ phút này tất cả chúng ta đang ngồi giữa gió xuân, không bồn chồn lao xao, không đi tìm kiếm một cái gì hết. Chúng ta cứ việc ngồi với nhau như thầy trò, như huynh đệ, bằng hữu thì đó là một hạnh phúc rất lớn. Có hạnh phúc đó rồi thì những công tác của chúng ta sẽ có ý nghĩa.

Trong kinh có kể, một lần có khoảng năm trăm vị tỳ khưu sau mùa kiết hạ an cư thì đến thăm Đức Thế Tôn tại thành Xá Vệ. Các vị đó đến thăm ngài vào lúc  sáu bảy giờ tối. Thầy A Nan đưa họ vào ngồi với đức Thế Tôn. Thầy trò ngồi với nhau không nói gì hết. Đức Thế Tôn không nói gì hết và các thầy cũng không hỏi câu nào hết. Thầy trò ngồi với nhau như vậy cho tới khuya. Thầy A Nan nóng ruột. Thầy lúc đó còn trẻ, thầy rón rén tới gần đức Thế Tôn quì xuống một bên, nói vào tai ngài: “Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ đã mười một giờ khuya rồi. Ngài có điều gì dạy bảo các thầy thì xin ngài nói.” Đức Thế Tôn tiếp tục ngồi không trả lời. Thầy A Nan phải rút lui. Đức Thế Tôn và năm trăm thầy ngồi yên cho tới một giờ khuya. Thầy A Nan nóng ruột tới nói vào tai đức Thế Tôn : ”Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ  đã là một giờ khuya rồi, ngài muốn dạy dỗ gì các huynh đệ thì xin ngài nói.” Đức Thế Tôn tiếp tục ngồi yên, các thầy cũng ngồi yên, không ai nói, không ai hỏi gì hết. Cứ thế mà họ ngồi cho tới năm giờ sáng. Thầy A Nan lập lại lần thứ ba nữa : “Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ đã rạng sáng. Ngài có muốn nhắn nhủ gì với các huynh đệ, xin ngài nói đi.” Lúc bấy giờ đức Thế Tôn mới ngoảnh sang thầy A Nan mà nói như thế này : “Thầy A Nan, thầy muốn tôi nói cái gì ?. Thầy trò ngồi như vậy không đủ hạnh phúc sao mà cần phải nói thêm  gì nữa ? ”

Đọc đoạn kinh đó tôi rất là tâm đắc. Tôi thấy rõ ràng là thầy trò ngày xưa ngồi rất hạnh phúc với nhau trong tình thầy trò, tình đạo bạn, tình huynh đệ, trong tinh thần của giáo pháp. Bên Pháp, bên Đức, bên Mỹ nhiều khi chúng tôi ngồi với nhau không nói gì hết, ngồi giờ này sang giờ khác. Chúng tôi được nuôi dưỡng rất nhiều bằng nhũng giây phút như thế. Khi mình biết rằng thầy mình đang có mặt ở đó, đệ tử, huynh đệ của mình đang có mặt đó và mình hiến tặng sự có mặt nhẹ nhàng tươi mát, thảnh thơi cho nhau thì đó là mình nuôi nhau, nuôi nhau bằng sự thực tập. Căn bản của sự thực tập là mình có thể ngồi yên.

Trong nền văn hóa mới thế kỷ thứ 21, hầu hết chúng ta không ai có khả năng  ngồi yên. Chúng ta luôn luôn bận rộn, ta không có thì giờ để ngồi yên, để có mặt cho những người chúng ta thương, để chăm sóc và thương yên những ngươì mà chúng ta đã nguyện thương yêu. Mình có thể là một nhà doanh thương tài ba, mình có thể làm ra được rất nhiều tiền hoặc có một sự nghiệp rất lớn nhưng mình không có thì giờ cho mình. Mình không có thì giờ để thở như tổng thống Nam Phi không có thì giờ để ngồi yên. Mình không có mặt, không hiến tặng sự có mặt tươi mát của mình cho vợ mình, con mình, chồng mình. Không có thì giờ để sống. Đó là tình trạng của thế kỷ thứ 21.

Có rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị, lãnh đạo thương mãi, quân sự, kinh tế thành công trong sự nghiệp của họ, nhưng họ không có thì giờ để sống, để ngồi yên. Họ không thì giờ để thương yêu, chăm sóc bản thân và những người trong gia đình họ. Tuy có nhiều tiền, nhiều quyền lực, nhưng họ không có hạnh phúc.

Khi mình ngồi yên thì mình có cơ hội hiến tặng sự tươi mát của mình cho những người mình thương. Buổi sáng trước khi các cháu đi học, trước khi mình đi làm thì mình phải tổ chức như thế nào để tất cả những người trong gia đìng có cơ hội ngồi ăn sáng chung, đừng vội vã, hấp tấp. Chúng ta có mặt với nhau như một đoàn thể, một gia đình.

Buổi sáng thường thường chúng ta rất vội vã. Chúng ta vớ tờ báo, giở ra xem có tin tức gì mới hay không, nhất là thị trường chứng khoán lên xuống như thế nào. Ta dùng tờ báo đó để che mặt người thương của chúng ta. Trước mặt ta là người vợ, người con trai, con gái, là người chồng, nhưng chúng ta không có nhu yếu nhìn người đó và công nhận sự có mặt quý gíá của người đó. Chúng ta lo nghĩ đến thị trường chứng khoán lên xuống, tìm kiếm tin tức dính líu đến sự nghiệp của chúng ta. Chúng ta đưa tờ báo lên che mặt người thương, ăn qua loa vài miếng để đi làm. Buổi ăn sáng như vậy là sự phá sản của văn hóa.

Tôi muốn trong gia đình phải tổ chức như thế nào để buổi sáng mọi người cùng có mặt trong bữa ăn và mọi người phải có ít nhất là một, hai hay ba giây nhìn nhau, mỉm cười để công nhận sự có mặt của người kia tại vì người kia là người thương của mình. Ca dao của chúng ta có câu :

Núi cao chi lắm núi ơi
Che khuất mặt trời chẳng thấy người thương

Mình thương nhau, nhớ nhau, mình ở bên này quả núi, mình thấy rằng núi là một chướng ngại không cho mình thấy người thương. Thật ra ngươì thương đang ngồi trước mặt mình mà mình đưa tờ báo ra để che người thương của mình. Mình không có một trái núi nhưng mình lấy tờ báo ra che người thương của mình. Ngọn núi đó vốn là tờ báo hàng ngày. Mình để ý tới tờ báo hơn là người thương. Trong bữa ăn sáng mình phải có cơ hội nhìn vợ, nhìn con, nhìn chồng và hỏi  Hồi hôm anh có ngủ được không?  Hôm qua em có ngủ được không ?  Sáng nay con học môn gì ở trường ? Mình phải nói một vài câu như vậy. Ngày nay con còn ở với bố mẹ, ngày mai lớn lên con đi lập gia đình, con đâu còn được ở với bố mẹ. Nói như câu như thế để trân quí sự có mặt của người kia.

Trong xã hội hôm nay người nào cũng có thế giới riêng của người đó. Bố có thế giới riêng của bố, mẹ có thế giới riêng của mẹ, con trai có thế giới riêng của con trai, con gái có thế giới riêng của con gái. Tuy mình ở chung dưới một mái gia đình nhưng kỳ thực mình đang ở trong một thế giới riêng, không có sự truyền thông giữa cha mẹ, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em với nhau. Mình sống với nhau như trong quán trọ, thức dậy, đi học, đi làm, mình có vũ trụ riêng của mình. Tối về thì mình mệt nhoài, mở ti-vi ra để khỏa lấp những buồn bực chán nản trong ngày, rồi mình tắt ti-vi, đi ngủ. Như vậy mình không hưởng được sự có mặt quí giá của nhau cho đến khi người kia chết.

Mình đâu cần nói nhiều, mình ngồi chơi cũng được. Trước mặt tôi có nhiều cây rất đẹp, tôi nghe tiếng chim hót. Ngày hôm nay thật ra là nóng lắm, nhưng chư thiên đã yểm trợ chúng ta, đã làm cho trời mát. Chúng ta đang ngồi ở đây với nhau, với tư cách thầy trò, huynh đệ, bạn bè. Chúng ta đang ngồi trong gió mùa xuân, đừng lo lắng gì, đừng tiếc nuối quá khứ, đừng lo lắng về tương lai. Chúng ta hãy có mặt đích thực trong phút giây hiện tại. Chúng ta hãy ngồi trong gió mùa xuân.

 

Là hoa tươi mát

Trong khi ngồi, mình có thể buông thư những căng thẳng của những cơ bắp trên mặt. Trên mặt mình có khoảng trên ba trăm cơ bắp. Mỗi khi mình lo lắng, giận hờn, sợ hãi thì ba trăm cơ bắp căng thẳng, nhìn vào kính chúng ta thấy sợ luôn, giống như một trái bom sắp nổ. Nhưng nếu chúng ta biết thở vào một hơi và mỉm cười thì tự nhiên chúng ta buông thư được hết tất cả những căng thẳng ở trên mặt. Nụ cười rất là quan trọng. Mình chỉ cần mỉm cười thôi thì tất cả những bắp thịt ở trên mặt mình sẽ được thư dãn. Rất là hay ! Cho nên chúng ta phải biết sử dụng nụ cười. Có những người trong chúng ta không có khả năng cười. Chúng ta đã đánh mất nụ cười từ lâu rồi. Bây giờ có cố gắng đi nữa thì cái miệng ta cũng méo xệch, không có sự tươi mát. Phải khôi phục lại sự tươi mát của mình. Sự tươi mát của mình có thể chữa trị cho mình và là món quà quí giá để hiến tặng cho người kia. Làng Mai chúng tôi có một bài tập “ Là hoa tươi mát, là núi vững vàng” . Đó là một bài hát có thể thực tập trong khi ngồi thiền, đi thiền. Bài hát đó như thế này :

Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần

Hơi thở là Pháp
Bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là Tăng
Phối hợp tinh cần

Thở vào thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang

Đây là một thiền phổ mà chúng ta có thể học thuộc. Trước hết là hình ảnh của một đóa hoa

Là hoa tươi mát

Mình ngồi như thế nào để tươi được như một bông hoa. Có người hoa trong chúng ta đã héo. Chúng ta đã trải qua bao khó khăn, khổ đau, oan ức. Chúng ta đã héo. Bây giờ chúng ta phải làm sao cho bông hoa của chúng ta tươi trở lại. Con người vốn là một sinh vật rất đẹp. Chúng ta thấy con chim rất đẹp, con ngựa rất đẹp, con nai rất đẹp. Con người cũng rất là đẹp. Khi chúng ta quan sát một em bé thì ta thấy em bé như là một bông hoa. Cái mặt của nó là một bông hoa. Hai con mắt của nó là hai bông hoa. Hai bàn tay của nó rất xinh xắn. Hai bàn chân của nó cũng là bông hoa. Con người cũng là một loại hoa, hoa trong vườn hoa nhân loại. Chúng ta sinh ra, lớn lên, tươi mát như một bông hoa. Có những chàng trai, những thiếu nữ giữ được sự tươi mát của mình cho tới hai mươi, hăm lăm tuổi. Có người giỏi hơn thì giữ được sự tươi mát của mình cho đến ba bốn mươi tuổi. Nhưng khi mình gặp những hoàn cảnh khó khăn, trắc trở, khổ đau thì mình bắt đầu héo. Bông hoa của mình bị héo. Tu tập là làm thế nào để bông hoa mình tươi trở lại:

Thở vào tôi thấy tôi là một bông hoa
Thở ra tôi cảm thấy tươi mát

Mình phải phục hồi lại chất hoa trong mình tại vì trong cuộc sống hằng ngày mình đã đánh mất sự tươi mát của mình. Nếu không có sự tươi mát thì mình sẽ không có gì để hiến tặng cho người mình thương. Người mình thương có thể là thầy, là đệ tử, là chồng, là vợ, là con mình.

Nếu chúng ta đánh mất sự tươi mát thì chúng ta không có gì nhiều để hiến tặng cho những người thương. Tu trước hết là để giữ gìn, bảo tồn sự tươi mát đó. Hai con mắt của ta ngày xưa rất trong, rất sáng. Con trai hay con gái cũng vậy. Nhưng chúng ta khóc, chúng ta buồn quá nhiều nên hai con mắt không còn tươi sáng, không còn là hai bông hoa nữa. Tu như thế nào để giữ hai mắt luôn luôn là hai bông hoa và nụ cười mình luôn luôn là bông hoa. Đó là những thực tập mình phải nắm cho được.

Thi sĩ Nguyễn Bính trong một bài thơ viết vào cuối năm, “Thơ viết cho chị “ nói như thế này :

Em không khóc nữa, không than nữa

(Suốt đời thi sĩ là khóc và than.)

Đây một bài thơ hận cuối cùng

Đây là một bài thơ chót mà em khóc, em than. Từ rày về sau em chỉ làm những bài vui thôi. Đó là cái muốn của thi sĩ, nhưng muốn là một chuyện mà làm là một chuyện. Thi sĩ cũng biết là mình làm thơ sầu héo, khóc thương hơi nhiều. Tối ba mươi không về nhà được, viết thơ cho chị hứa là từ rày về sau không làm những bài thơ khóc than nữa:

Em không khóc nữa không than nữa
Đây một bài thơ hận cuối cùng
Không than chắc hẳn hồn tươi lại

Không khóc tha hồ đôi mắt trong

Biết rất rõ là không than thì hồn mình tươi lại và không khóc thì hai mắt mình trong trở lại. Đó là sự thật. Nhưng liệu mình có ngưng được sự than khóc, sự sầu khổ hay không ? Người tu cũng vậy. Tu xuất gia hay tại gia thì mình phải tươi mới được. Nếu càng tu càng héo thì mình đã đi con đường sai lầm. Mình chưa nắm được phương pháp thực tập. Khi thấy người bạn cùng tu với mình hơi héo thì mình tới hỏi : “Này sư em, sao hôm nay thấy sư em héo thế, chị có thể giúp gì cho em được không ?”.Sư huynh, sao hôm nay em thấy sư huynh hơi héo, có vấn đề gì không,  em có thể giúp gì cho sư huynh không ?”. Mình phải chăm sóc cho nhau. Là người xuất gia, mình là một vườn hoa xuất gia. Là người tại gia, sống trong một gia đình có cha mẹ, anh, chị, em, mình là một vườn hoa tại gia. Mình phải chăm sóc cho nhau, mỗi người phải là một bông hoa. Nếu bông hoa kia hơi héo thì mình phải tìm cách giúp cho bông hoa kia tươi trở lại “ Là hoa tươi mát” là như thế.

Thở vào tôi thấy tôi vốn là một loài hoa
Thở ra tôi cảm thấy tươi mát

Đó là mình phục hồi chất tươi mát của mình. Nếu không có sự tươi mát thì mình có gì để hiến tặng cho đời đâu? Cho nên mình phải phục hồi “hoa tính” của mình trở lại.

 

Là núi vững vàng

Thở vào tôi thấy tôi là một ngọn núi
Thở ra tôi cảm thấy vững vàng

Tươi mát là một phẩm chất của sự sống nó có thể làm cho mình hạnh phúc và đó là một món quà mình tặng cho những người khác, cho thế gian. Vững chãi cũng là một phẩm chất của sự sống. Con người hạnh phúc là con người có vững chãi, có sự ổn định. Hình ảnh của một ngọn núi là hình ảnh của sự vững chãi. Tôi tập ngồi như thế nào để thế ngồi của tôi vững vàng. Quí vị có tới xô tôi một cái thì tôi cũng không ngã. Tôi ngồi vững như núi Thái sơn.

Khi mình thương, mình yêu người nào đó mà người đó không có tính cách ổn định, vững chãi thì mình sẽ lên xuống, khổ đau với người đó rất nhiều. Một con người hạnh phúc là một con người có vững chãi. Nếu người đó không vững chãi thì không thể làm chổ nương tựa cho mình được. Trước khi cưới người đó mình phải tìm ra sự thật là người đó có đủ vững chãi để mình nưong tựa hay không. Đây là lời nhắn cho các cô thiếu nữ trước khi lấy chồng. Người con trai kia có tính vững chãi hay không ?. Ngưòi đó nay thế này, mai thế khác, xoay như một chong chóng thì sống với người đó mình phải lao đao lận đận suốt đời. Tính vững chãi là một yếu tố rất lớn của hạnh phúc. Nếu người bạn của mình có tính vững chãi, có tính của núi thì suốt đời mình sẽ được nương tựa. Thầy của mình, sư anh, sư chị, sư em của mình. nếu họ có tính tươi mát, vững chãi, tức là họ có hạnh phúc và mình có thể nương vào vào họ được. Yếu tố thứ hai của hạnh phúc là sự vững chãi.

Thở vào tôi thấy tôi là núi
Thở ra tôi cảm thấy vững vàng

Tu  như thế nào để khôi phục sự tươi mát. Tu như thế nào để càng ngày càng vững, làm chổ nương tựa được cho bao nhiêu người khác, điều đó rất quan trọng.

 

Nước tĩnh lặng chiếu

Hình ảnh thứ ba là nước tĩnh lặng chiếu. Nước tĩnh  là mặt nước không bị xáo động. Khi trời lặng gió nhìn xuống hồ mình thấy mặt nước rất là yên tĩnh. Tất cả mây trời đỉnh núi được phản chiếu rất trung thực. Mình dùng máy ảnh hướng tới hồ chụp một tấm hình thì giống hệt như mình chụp ở trên. Khi mặt hồ yên tĩnh thì nó phản chiếu trung thực những gì chiếu lên nó.

Tâm của mình cũng vậy. Khi tâm của mình an tĩnh thì mình thấy được sự thật. Khi tâm mình xáo trộn bất an thì mình có rất nhiều tri giác sai lầm về chính mình và về người kia. Yếu tố thứ ba của hạnh phúc là sự an tĩnh của tâm hồn. Muốn cho tâm hồn được an tĩnh thì mình phải tu, phải biết thực tập hơi thở, bước chân, phải biết nhân diện và ôm ấp những cái giận, cái buồn, cái lo của mình để làm cho nó lắng dịu lại. Cho nên yếu tố thứ ba của hạnh phúc là sự an tĩnh của tâm hồn gọi là nước tĩnh.

Hình ảnh thứ nhất là một bông hoa tượng trưng cho sự tươi mát. Hình ảnh thứ hai là một quả núi tượng trưng cho sự vững chãi. Hình ảnh thứ ba là nước tĩnh tượng trưng cho sự an tĩnh của tâm hồn. Tu như thế nào để tâm hồn được an tĩnh. Nếu tâm hồn mình không có an tĩnh thì mình có nhận thức sai lầm, méo mó. Lời nói, hành động của mình sẽ căn cứ trên những nhận thức sai lầm như thế và sẽ đem lại khổ đau, đổ vỡ trong mình, giữa mình và người kia. Cho nên an tĩnh là yếu tố quan trọng. Bình tĩnh, tâm mình không bị xáo động. Khi tâm mình bị xáo động thì mình phải ngồi lại điều phục cái tâm, làm sao cho tâm mình lắng lại. Mình không vội nói, không vội làm gì hết. Nói và làm trong khi tâm mình không yên tĩnh thì sẽ gây ra bao nhiêu đổ vỡ và khổ đau. Mỗi khi mình giận, mình buồn, mình lo thì đừng nói gì hết, ngồi xuống thực tập, hỏi thầy phương pháp nào để làm cho tâm mình lắng xuống được. Chúng ta có những cách tu như thiền ngồi, thiền thở, thiền đi, như bái sám. Có nhiều phương pháp để là cho tâm mình lắng xuống và mình tới chùa thì phải học cho được những phương pháp đó.

 

Không gian thênh thang

Yếu tố thứ tư của hạnh phúc là tự do, thảnh thơi, tượng trưng là không gian. Trong Kinh có hình ảnh một vầng trăng tròn. Có một bài kệ nói tới Đức Thế Tôn đẹp như một vầng trăng đang đi ngang trên trời xanh. Vầng trăng đó đẹp vì xung quanh nó có rất nhiều không gian. Nếu Đức Thế Tôn đẹp, có hạnh phúc là vì ngài có rất nhiều tự do, có rất nhiều không gian. Không gian tượng trưng cho tự do. Nếu mình khổ đau là tại mình không có không gian, không có tự do, không có không gian trong trái tim và không có không gian xung quanh mình.

Nếu chúng ta cắm hoa thì chúng ta phải vâng theo nguyên tắc này. Một bình hoa đẹp không hẳn là phải có nhiều hoa. Nếu chúng ta đạt tới nghệ thuật cắm hoa cao thì chúng ta chỉ cần một, hai hay ba bông hoa thôi. Chúng ta làm thế nào cho mỗi bông hoa có đủ không gian xung quanh để nó có thể tỏa chiếu cái rạng rỡ, cái tươi mát của nó. Nếu chúng ta không cho không gian xung quanh thì những bông hoa đó không đẹp, không tỏa chiếu được cái đẹp của nó. Cắm hoa là phải biết cho bông hoa khá nhiều không gian.

Khi mình thương người nào đó thì mình cũng phải hiến tặng cho người đó không gian. Nếu mình áp đặt người đó những ý kiến, những ước muốn của mình, mình muốn người kia làm đúng như những gì mình muốn thì người kia không có không gian để xoay xở. Người kia tù túng với cảm tưởng như là một con chim ở trong lồng và sẽ chết dần chết mòn. Mình cứ nghĩ rằng mình thương nguời đó nhưng mình không hiểu người đó. Mình bắt người đó phải làm theo, nghĩ theo, nói theo mình và người đó hoàn toàn không có tự do gì hết. Thương yêu có nghĩa là phải hiến tặng cho người kia rất nhiều không gian, không gian ở chung quanh và trong lòng người đó.

Nếu mình là bố, là mẹ mà thật sự thương con của mình, nếu mình là vợ mà mình thật sự thương yêu chồng của mình thì mình phải biết rằng một trong những cái mà người thương của mình cần là không gian. Mình đừng áp đặt, đừng nhốt người yêu của mình vào trong một cái lồng, cái lồng son gọi là tình yêu. Yêu như vậy có nghĩa là nhốt người yêu của mình vào trong ngục tù. Người đó không có không gian.

Muốn cho người đó không gian thì mình phải hiểu người đó. Ví dụ con trai hay con gái của mình, mình phải có thì giờ ngồi nói chuyện với con: “Này con ơi, con lớn rồi. Mẹ biết rằng con có thể tự mình xoay xở nhưng mẹ rất muốn được nghe con. Con nói cho mẹ nghe những khó khăn, những ước mơ của con, những bức xúc trong đời sống hằng ngày, trong học đường hay trong sở làm.  Mẹ muốn biết lắm.  Mẹ biết để mẹ có thể hành xử như thế nào để không làm khổ con.”.  Khi mà mình nói với con trai, con gái của mình như thế thì chúng nó rất là thoải mái vì mình đã hiến tặng con mình không gian. Con trai, con gaí của mình có thể tâm sự được với mình, nói về những khó khăn, khổ đau, bức xúc của đời sống. Mình nói : “ Tội nghiệp con tôi quá đi, mẹ có thể làm gì cho con bớt khổ hay không ?”.

Có khi mình nói những câu, làm những điều gây khổ đau cho con mình mà mình cứ tưởng là nói như thế, làm như thế là giúp cho con mình có hạnh phúc. Có nhiều ông bố áp đặt lên con trai, con gái cái ý của mình là cho nó đau khổ tại vì mình không biết được những nỗi khổ niềm đau, những khó khăn, bức xúc của con mình. Ông bố đó phải có thì giờ ngồi nói chuyện với con : “Thế nào con cũng có những khó khăn bức xúc, những ước mơ không thể thực hiện đuợc. Nói cho bố nghe đi. Bố muốn nghe, muốn hiểu để yểm trợ cho con. Bố không muốn áp đặt lên con ý riêng của bố.” Nói như thế tức là mình hiến tặng tự do cho con mình. Mình sẽ trở thành người tri kỷ của con mình.

Biết bao nhiêu người bố mất con, bao nhiêu người mẹ mất con không phải tại vì không thương nhưng vì mình thương theo kiểu áp đặt, không hiểu những khó khăn của con. Càng ngày đứa con càng đi xa mình. Mình sống trong một thế giới khác, con mình sống trong một thế giới khác. Khi thương mình muốn làm cho người kia có hạnh phúc mà mình không hiến tặng không gian cho người kia thì người kia cũng không có hạnh phúc như thường. Mình càng thương thì người kia càng khổ. Sự thực thì bố nào không muốn thương con, mẹ nào không muốn thương con, vợ nào mà không muốn thương chồng. Nhưng vì mình không hiểu được nỗi khổ niềm đau của người kia nên mình cứ áp đặt lên người kia những ý riêng của mình. Mình không cho người đó đủ không gian, không khí để thở. Đó là yếu tố hạnh phúc thứ tư : yếu tố không gian.

Giữa thầy bổn sư và đệ tử cũng thế. Nếu thương đệ tử thì mình phải hiểu những khổ đau, khó khăn của đệ tử. Mình đừng tiếp tục nói rằng: “Con là một đứa đệ tử không có tinh thần trách nhiệm.” và mình muốn áp đặt lên đệ tử cái ý, cái muốn của mình trong khi mình không hiểu những khó khăn riêng của đệ tử. Nếu thương thầy thì mình cũng phải hiểu thầy. Thầy mình có những khó khăn bức xúc, những ước muốn. Nếu mình không hiểu thầy thì dù có thương thì mình cũng làm cho thầy khổ. Cho nên phải hiểu thầy mà muốn hiểu thầy thì phải có thì giờ ngồi với thầy : “Bạch thầy, con thấy thầy có nhiều Phật sự, lo lắng nhiều quá đi. Thầy có những khó khăn nào cho con biết. Con có thể giúp gì được cho thầy hay không ?. Con không muốn nói và làm những điều gây khổ đau cho thầy. Thật sự con không muốn làm cho thầy khổ nhưng vì con không hiểu nên con đã phản ứng, đã tẩy chay, đã lạnh lùng với thầy. Vì thế con hối hận lắm!“. Nếu mình nói như vậy là mình đang dâng cho thầy tự do, không gian.

Bốn yếu tố của hạnh phúc xin nhắc lại là : 

  • Thứ nhất là sự tươi mát. Mình có đủ không ? Có đang đánh mất từ từ hay không ?
     

  • Yếu tố thứ hai là sự vững chải. Mình có đủ vững chải để làm chổ nương cho thầy, cho đệ tử, cho các con của mình hay không?
     

  • Yếu tố thứ ba là mình có đủ bình tĩnh, sự lắng lòng, sự yên ổn của tâm hồn hay không ? Nếu mình không có sự yên tĩnh của tâm hồn thì mình sẽ nói năng và hành động gây ra đau khổ. Mình phải tập thế nào để tâm hồn mình an tĩnh được.
     

  • Thứ tư là mình phải có không gian rất nhiều trong đời sống hằng ngày. Mình sẽ  hạnh phúc khi mình có không gian trong trái tim. Mình sẽ làm cho người kia có hạnh phúc nếu mình có thể hiến tặng được không gian cho người đó.

Bây giờ tôi mời thầy Pháp Niệm tập cho đại chúng hát bài “Là hoa tươi mát, là núi vững vàng“, sau đó tôi sẽ tiếp tục. Có thể tôi sẽ nói về phương pháp thiền đi tại vì sau buổi pháp thoại này  chúng ta sẽ tập đi như thế nào để mỗi bước chân đều có hạnh phúc, có an lạc, vững chãi, thảnh thơi. Vị nào hơi mỏi chân có thể tháo chân ra xoa bóp cho máu huyết lưu thông.

Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần

Hơi thở là Pháp
Bảo hộ thận tâm
Năm uẩn là Tăng
Phối hợp tinh cần

Thở vào thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang

 

hải đảo tự thân

Trong khi ngồi thiền mình có thể tập thở theo bài này. Nếu thở theo thì sau một bài mình thấy trong người tĩnh lặng hơn, tươi mát hơn, thoải mái hơn. Mình điều phục thân và tâm của mình quay về nương tựa hải đảo tự thân là một câu nói của đức Thế Tôn mấy tháng trước khi ngài qua đời.

Tại  thành Tỳ Xá Ly, đức Thế Tôn bị bệnh nặng. Thầy A Nan nghĩ rằng đức Thế Tôn không qua được nhưng đức Thế Tôn dùng thiền quán vượt khỏi cơn bệnh. Ngài biết rằng trong vài tháng nữa, thế nào cũng qua đời cho nên ngài đi thăm các thầy, các sư cô, các đạo hữu  ở các đạo tràng xung quanh thành phố Tỳ Xá Ly. Ngài dặn dò những điều chót. Năm đó ngài đã tám mươi tuổi rồi. Ngài thuyết pháp thật nhiều cho các thầy, các sư cô, các Phật tử. Ngài nói rằng bản chất, tinh hoa của đạo giải thoát là niệm, là định, là tuệ. Ngài biết sau khi mình qua đời rồi thì các đệ tử sẽ bơ vơ, không có thầy, nên ngài dặn rằng khi cảm thấy bơ vơ thì mình quay về nương tựa trong tâm của mình. Ngài nói trong mỗi con người mình có một hải đảo rất an toàn. Mỗi khi mình sầu khổ, lo lắng, bơ vơ, mình hãy theo hơi thở để trở về nương tựa nơi hải đảo trong tự thân của mình. Hải đảo đó là  niệm- định- tuệ. Khi mình an trú trong hải đảo niệm-định-tuệ thì giống như mình nương tựa trên thầy của mình. Thầy mình, đức Thích Ca có đủ ba nguồn năng lượng quí giá đó là chánh niệm, chánh địnhtuệ giác.

Mỗi người trong chúng ta có một hải đảo. Nếu chúng ta thực tập sử dụng hơi thở, trở về hải đảo đó thì mình tiếp xúc được với năng lượng niệm-định-tuệ trong đó. Hải đảo đó rất an toàn:

“Này các vị tì khưu, các vị hãy nương vào hải đảo tự thân của mình, nương vào niệm-định-tuệ mà đừng nương vào một ai khác, nương vào Pháp mà đừng nương vào ai khác !”. Bài thuyết pháp đó giúp cho đệ tử không thấy bơ vơ khi thầy mình đã nhập niết bàn. Mỗi khi thấy thiếu vắng thì hãy trở về tiếp xúc với thầy mình ngay trong hải đảo tự thân. Hải đảo tiếng Phạn là dipa, nương tựa là saranam, tự thân là atta. Atta dipa saranam là quay về nương tựa hải đảo tự thân. Vì vậy bài hát này lấy ngay từ trong Kinh. Mỗi khi mình bơ vơ, hoang mang, nghi ngờ, mình phải lập tức quay về nương tựa nơi Bụt, nơi Pháp, nơi Tăng ngay trong bản thân của mình.

Quay về nương tựa hải đảo tự thân, hải đảo đó là một nơi an toàn. Những đợt sóng đại dưong không với tới được, không làm đắm chìm hải đảo đó được. Mỗi người có một nơi trú ẩn rất an toàn, đó là hải đảo tự thân ( atta dipa ). Tự thân tiếng Pali là atta, atta dipa là hải đảo tự thân. Khi mình nắm vững được hơi thở, trở về hải đảo đó tiếp tục thực tập thì mình sẽ có sự an toàn. Những bồn chồn, lo lắng, sợ hãi từ từ lắng dịu xuống. Bài này là một bài thực tập rất quan trọng. Mỗi khi có sợ hãi, lo lắng, bơ vơ, thì phải lập tức trở về liền cái cù lao, cái hải đảo niệm-định-tuệ trong tự thân và an trú ở đó thì mình sẽ cảm thấy rất vững vàng, an ổn. Quay về nương tựa hải đảo tự thân, trong hải đảo đó có Bụt, có Pháp và có Tăng.

Chánh niệm là Bụt soi sáng xa gần. Bụt là chánh niệm, có Bụt soi sáng cho mình, chỉ cho mình biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, chổ nào nên đi tới, chổ nào không nên đi tới, đó gọi là soi sáng xa gần.

Hơi thở là Pháp. Bài thuyết pháp kia, cái cassette, cái dĩa kinh kia chưa hẳn là pháp linh động. Nó là một bài thuyết pháp thật, nhưng hơi thở của mình để quay về nương tựa hải đảo tự thân, hơi thở làm điều hợp thân và tâm, đem lại sự an ổn, là một bài pháp linh động ( living Dharma ). Hơi thở là Pháp bảo hộ được thân và tâm. Mỗi khi thân và tâm được bảo hộ bởi hơi thở chánh niệm thì mình có sự an toàn. Cho nên những lúc mình thấy bơ vơ, lo sợ, nghi ngờ thì mình phải bám vào hơi thở, tại vì hơi thở chánh niệm bảo hộ cho cả thân, cả tâm.

Năm uẩn là Tăng. Sắc, thọ, tưởng, hành và thức phối hợp với nhau trong sự hòa điệu. Chính hơi thở đó tạo ra sự hòa điệu trong năm uẩn. Mình có sự an lạc, vững chải ngay trong khi thực tập.

Bài thực tập này là bài thực tập tam quy. Khi mình nương tựa nơi Bụt, nơi Pháp, nơi Tăng thì mình không có lý do gì để sợ hãi cả. Trong hoàn cảnh rất nguy kịch như nghe máy bay có không tặc hay chiếc thuyền của mình sắp bị chìm thì lập tức mình phải trở về quy y Tam Bảo trong tự thân. Quay về nương tựa hải đảo tự thân trong đó có chánh niệm là Bụt có thể soi sáng xa gần, trong đó có hơi thở là Pháp bảo hộ cả thân và tâm, trong đó có năm uẩn là Tăng phối hợp tinh cần, tu tập tinh chuyên.

Thở vào thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang

Đây là một thiền phổ rất mầu nhiệm. Có những lúc tôi bị bệnh rất nặng, tôi phải trải qua những khó khăn, hiểm nguy, tôi đều quay về thực tập bài này và luôn luôn tôi vượt thoát những khó khăn đó. Tôi mong rằng tất cả quí vị học thuộc lòng bài này để mỗi khi có khó khăn, sợ hãi, bồn chồn lo lắng thì nắm lấy bài này mà thực tập. Chỉ trong một vài phút sau thì mình có sự vững chãi, sự thảnh thơi, sự không lo sợ. Rất là quí, đây là pháp bảo !

Bây giờ mình bắt đầu đi thiền hành với nhau. Tôi xin hướng dẫn quí vị đi như thế nào để có hạnh phúc. Những bước chân đem lại vững chãi, thảnh thơi, an lạc, đem lại bông hoa tươi mát, đem lại ngọn núi vững vàng, đem lại nước tĩnh lặng chiếu và đem lại không gian thênh thang cho mình.

 

Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ

Khi thở vào chúng ta có thể bước hai bước. Bước thứ nhất ta nói thầm trong lòng là : con đã về, con đã về. Thở ra, bước hai bước mình nói : con đã tới, con đã tới.

Con đã về, con đã về
Con đã tới, con đã tới

Về đâu ? tới đâu? Lâu nay mình đi vòng, đi quanh, mình đi kiếm hạnh phúc, mình chưa dừng lại được. Đức Thế Tôn dạy rằng sự sống với tất cả sự mầu nhiệm của nó đang có mặt trong giây phút này, ở đây. Về đây là về với giây phút hiện tại, với sự sống. Tới ở đây là tới với giây phút hiện tại. Trong đời sống hằng ngày chúng ta đi như bị ma đuổi. Chúng ta hấp tấp và ta không thừa hưởng được sự an lạc của từng bước chân. Chúng ta đi như thế nào mà đi như trong cõi Tịnh Độ không khác. Chuyện này là chuyện có thể làm được. Nếu mình có công phu thực tập thì mỗi bước chân đưa mình vào Tịnh Độ và một trăm bước chân là một trăm bước trong cõi Tịnh Độ. Chuyện đó có thể làm được. Trong chúng ta có những người đang làm được như thế. Đức Thế Tôn dạy rằng đừng nuối tiếc quá khứ, đừng sầu khổ về quá khứ tại vì quá khứ không còn. Đừng lo lắng, sợ hãi quá cho tương lai, đừng nghĩ quá cho tương lai tại vì tương lai chưa tới

Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới

Đó là những câu do Bụt, Đức Thế Tôn nói ra

Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi
Trong giây phút hiện tại

Vững chãi và thảnh thơi là hai yếu tố hạnh phúc. Làm thế nào sống mà tiếp xúc được được với tất cả những mầu nhiệm của sự sống trong phút giây hiện tại. Hiện tại có trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở. Mình đang sống rất mầu nhiệm, có thầy, có bạn, có đủ những điều kiện của hạnh phúc. Vậy mà mình cứ âu sầu về quá khứ hoặc lo lắng, sợ hãi về tương lai tức là mình đánh mất sự sống. Mình phải quay về với hiện tại ở đây và bây giờ. Đó là nghĩa của hai chữ đã về, đã tới.

“Bạch Đức Thế Tôn, con đã về với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Bạch Đức Thế Tôn, con đã tới với giây phút hiện tại để có thể tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm ngay trong giây phút này.”  Đó gọi là đã về, đã về, đã tới, đã tới.  Mình bước như thế nào để thật sự về, thật sự tới chứ đừng tuyên bố suông. Mỗi bước chân giúp mình dừng lại, không rong ruổi, không chạy như bị ma đuổi như trong quá khứ. “Con đã về, con đã tới. Con thưa thật với đức Thế Tôn. Con không nói dối.”

Con đã về, con đã về
Con đã tới, con đã tới

Mình đem tâm đặt dưới bàn chân mình, đừng để tâm ở trên tiếp tục suy nghĩ chuyện quá khứ, chuyện tương lai. Đem tâm để xuống gan bàn chân và ý thức được sự tiếp xúc giữa bàn chân mình với mặt đất. Mình đi từng bước như mình in ấn trên mặt đất sự vững chãi, sự thảnh thơi, cái hạnh phúc của mình. Mình không in lên mặt đất sự sầu khổ, lo lắng. Mỗi bước chân có thể đem lại hạnh phúc, an lạc. Ngày xưa đức Thế Tôn đã đi như thế trong nhiều quốc gia thuộc lưu vực sông Hằng. Ngài đã để lại dấu chân của ngài.

Bây giờ chúng ta tiếp tục sự nghiệp của ngài. Chúng ta bước đi bằng những bước chân của đức Thế Tôn : vững chãi, thảnh thơi, an lạc. Chúng ta đi như thế ở Việt nam, ở Lào, ở Nhật, ở Đại hàn, ở Pháp, ở Đức, ở Mỹ. Chúng ta tiếp tục đem những bước chân an lạc, thảnh thơi của đức Thế Tôn và in những dấu ấn của an lạc, thảnh thơi đó trên khắp thế giới. Chúng ta là con của đức Thế Tôn, là sự tiếp nối của đức Thế Tôn, chúng ta phải đi cho được những bước chân mà ngày xưa đức Thế Tôn đã đi.

Tôi đi được. Có nhiều người đệ tử của tôi đi đưc. Tôi tin chắc rằng nếu quí vị ở đây thực tập hết lòng thì cũng đi được. Mỗi bước là đã về, mỗi bước là đã tới, không lo lắng, không sầu muộn, không tiếc nuối. Mình đi như một con người tự do, tự do với những luyến tiếc quá khứ, với những lo lắng tương lai. Mình có mặt thật sự trong giây phút hiện tại để đi từng bước thảnh thơi, vững chãi.

Bạch đức Thế Tôn, con đã về, con đã về. Con đã tới, con đã tới. Con đã về với giây phút hiện tại. Con đã tới với giây phút hiện tại. Con đã tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm ở xung quanh con.”  và mình phải đi được những bước như vậy. Đừng có tuyên bố suông. Mình nói con đã về thì mình phải về thật sự !

Đã về, đã về
Đã tới, đã tới
Bây giờ, bây giờ
Ở đây, ở đây.

Bây giờ và ở đây là địa chỉ của sự sống. Tại vì quá khứ đâu còn nữa. Quá khứ làm gì có sự sống ! Tương lai thì chưa tới. Tương lai làm gì có sự sống ! Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Cho nên đã về, đã tới trong địa chỉ bây giờ và ở đây có nghĩa là tiếp xúc được với sự sống.

Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi

Vững chãi là mình an trú được trong giây phút hiện tại. Mình không bị quá khứ lôi về quá khứ, không bị tương lai níu về tương lai. Đó là vững chãi, là núi vững vàng.

Vững chải, vững chãi
Thảnh thơi, thảnh thơi

Con đang đi như một con người tự do. Con đang đi như Đức Thế Tôn. Con xứng đáng là đệ tử của ngài. Con đang đi những bước chân của ngài. Đức Thế Tôn đã truyền lại cho con hai bàn chân của ngài. Con đang đi bằng hai bàn chân của ngài. Nơi nào con đi tới chỗ đó có Tịnh Độ.

Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi

Quay về nương tựa                        

Quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân. Đây là một cách thực tập đơn giản nhưng rất sâu sắc. Nếu trong khi chúng ta đi mà chúng ta thấy an lạc, hạnh phúc thì chúng ta đã thành công. Và nếu mọi người đều an trú trong giây phút hiện tại, bước được những bước chân vững chãi và thảnh thơi thì chúng ta tạo ra được một năng lượng tập thể rất lớn. Nó thấm vào từng người trong chúng ta và là làm cho cõi này thành ra cõi Tịnh Độ liền lập tức. Trong khi đi thì chúng ta tuyệt đối không nói, không nói  bằng miệng mà cũng không nói bằng đầu. Chúng ta đừng suy nghĩ, đừng suy nghĩ tới quá khứ, đừng suy nghĩ tới tương lai, tới công việc phải làm tối hôm nay hay ngày mai. Dẹp hết những cái đó đi ! Chỉ an trú trong từng bước chân đã về, đã về, đã tới, đã tới. Nếu quí vị thành công được thì chất liệu của hoa tươi mát, của núi vững vàng, của nước tĩnh lặng chiếu và của không gian thênh thang sẽ từ từ đi vào con người mình và mình sẽ thấy hạnh phúc.

Trong Trai đàn Chẩn tế Giải oan ở Sóc sơn các thầy, các sư cô, các vị tôn túc, các Phật tử từ rất nhiều tỉnh đã tới, chúng tôi đã thực tập thiền hành trong nhiều ngày. Có nhiều người chỉ mới đi thiền hành lần đầu mà đi rất là vững, rất đẹp. Hôm nay, tôi tin rằng đại chúng cũng đi được như vậy. Chúng ta đi như thế nào để cho khung cảnh hai ngàn năm trăm năm ngày xưa của Đức Thế Tôn có mặt ngày hôm nay, ở Chùa Bằng A

Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi

Quay về nương tựa 

Trước khi chúng ta đi thiền hành thì chúng ta học thuộc cho được bài “Đã về, đã tới “.                                             

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.