Kính thưa chư vị tôn đức,
Kính thưa quý vị khách quý và toàn thể Phật tử.
Ngày hôm qua, thứ sáu, hai mươi tháng tư, năm hai ngàn không
trăm lẻ bảy, vào lúc ba giờ chiều, chúng ta đã làm lể triệu vong
và các hương linh về đông lắm, đầy cả núi rừng và trên hư không.
Chúng ta đã làm lể quy y cho các hương linh, chúng ta đã hướng
dẫn các hương linh thực tập quy y Phật, Pháp và Tăng. Chiều hôm
qua, các hương linh cũng về nhiều lắm và sáng hôm nay cũng vậy.
Cho nên sau buổi pháp thoại hôm nay, chúng ta sẽ làm lể quy vong
một lần nữa, hướng dẫn cho các hương linh và các loại cô hồn
được quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng và nghe năm giới.
“Con đã đi tìm Thế Tôn”
Sáng hôm nay, để bắt đầu buổi pháp thoại, chúng ta sẽ mời các
hương linh và các giới cô hồn được nghe bài “Con đã đi tìm Thế
Tôn”. Bài này sẽ được tăng thân làng Mai hợp xướng. Đây là quá
trình thực tập của chúng ta đi tìm đức Thế Tôn và hôm nay chúng
ta đã tìm ra Thế Tôn. Bài này cử xướng để cúng dường chư Bụt,
chư vị Bồ Tát, tăng thân và cũng là để khai thị cho chư hương
linh và các oan hồn uổng tử. Chúng ta người nào cũng có thao
thức muốn đi tìm đức Thế Tôn để được nương náu, để được an ổn và
chuyển hóa.
Tôi xin đọc bài này trước, rồi sau đó tăng thân của làng Mai sẽ
cử xướng.
Xin đại chúng ngồi cho thanh tịnh vì đây không phải là một bài
hát, đây là một hành trình trở về với đức Thế Tôn.
Con đã đi tìm Thế Tôn.
Từ hồi còn ấu thơ.
Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn
Từ khi mới bắt đầu biết thở.
Con đã ruổi rong vạn nẻo đời hiểm trở.
Đã từng đau khắc khoải
Với trăm thương ngàn nhớ.
Trên bước đường hành hương.
Con đã đi tìm Thế Tôn.
Trong tận cùng hoang dã.
Ngoài mênh mông biển lạ.
Trên tuyệt mù cao sơn.
Con đã từng nằm chết quạnh hiu.
Trên cánh sa mạc già.
Con đã từng cố dấu lại vào tim.
Những dòng lệ đá.
Con đã từng mơ uống những giọt sương.
Lấp lánh hành tinh xa.
Con đã từng ghi dấu chân trên non bồng diễm ảo.
Con đã từng cất tiếng kêu gào.
Dưới ngục A tỳ mòn mỏi hư hao.
Bởi vì con đói lạnh.
Bởi vì con khát khao.
Bởi vì con muốn tìm được cho ra.
Bóng hình ai muôn đời tuyệt hảo.
Con biết nằm trong trái tim con.
Là niềm tin diệu kỳ.
Thâm sâu và uyên áo.
Là Thế Tôn có mặt đó.
Dù con chưa biết đích xác Thế Tôn đâu.
Con linh cảm rằng từ muôn kiếp xa xưa.
Thế Tôn với con đã từng là một.
Rằng khoảng cách giữa hai ta.
Không thể dài hơn quá một nhịp tâm đầu.
Chiều hôm qua bước đi một mình.
Con thấy lá thu rơi đầy lối cũ.
Và vầng trăng treo trước ngõ.
Đã xuất hiện bất thần.
Như bóng hình người cũ.
Rồi tinh đẩu xôn xao báo tin.
Là Thế Tôn đã có mặt nơi này.
suốt đêm qua trời giáng mưa cam lộ.
Chớp lòe qua cửa sổ.
Trời lên cơn bảo tố.
Đất trời như giận dữ.
Nhưng cuối cùng trong con.
Mưa cũng tạnh mây cũng tan.
Nhìn ra cửa sổ.
Con thấy vầng trăng khuya đã hiện.
Và đất trời đã thực sự bình an.
Tự soi mình trong gương nguyệt.
Con thấy con.
Và con bổng thấy Thế Tôn.
Thế Tôn đang mỉm cười.
Ô hay.
Vầng trăng thảnh thơi vừa trả lại cho con.
Tất cả những gì con ngỡ rằng đã mất.
Từ khoảnh khắc ấy.
Từng phút giây miên mật.
Con thấy không có gì đã qua.
Không có gì cần phục hồi.
Bông hoa nào. Hạt sỏi nào.
Ngọn lá nào.
Cũng nhìn con nhận mặt.
Nhìn đâu con cũng thấy nụ cười Thế Tôn.
Nụ cười của không sinh không diệt.
Đã nhận được tự gương nga.
Con đã nhìn thấy Thế Tôn.
Thế Tôn ngồi đó.
Vững như núi Tu di.
Bình an như hơi thở.
Thế Tôn ngồi đó.
Như chưa bao giờ từng văng mặt.
Như chưa bao giờ trên thế gian.
Đã từng có cơn bảo lửa.
Thế Tôn ngồi đó.
Yên lặng và thảnh thơi.
Con đã tìm ra Thế Tôn.
Con đã tìm ra con.
Nước mắt con không cầm nổi.
Con ngồi đó.
Im lặng trời xanh cao.
Núi tuyết in nền trời.
Và nắng reo phơi phới.
Thế Tôn là tình yêu đầu.
Thế Tôn là tình yêu tinh khôi.
Nghĩa là không bao giờ.
Sẽ cần tình yêu cuối.
Người là dòng sông tâm linh.
Tuy đã từng chảy qua.
Hàng triệu kiếp luân hồi.
Nhưng luôn luôn còn mới.
Con đã đi tìm Thế Tôn. Từ hồi còn ấu thơ.
Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn.
Từ khi mới bắt đầu biết thở.
Thế Tôn là Bình An.
Thế Tôn là vững chãi.
Thế Tôn là Thảnh Thơi.
Người là Bụt Như Lai.
Con nguyện một lòng nuôi dưỡng.
Chất liệu thảnh thơi.
Chất liệu vững chãi.
Và truyền đạt tới mọi loài.
Hôm nay và ngày mai.
Kính thưa các vị tôn túc,
Kính thưa các thầy, các sư cô, các Phật tử và các vị khách quý.
Sáng hôm nay, chúng ta đã ngồi thiền và chúng ta đã ngồi cho các
hương linh. Sáng nay, chúng ta đã đi thiền hành, chúng ta đã đi
cho các hương linh và các loại cô hồn. Chúng ta đã bước những
bước thảnh thơi và vững chãi, mỗi bước đều cho phép chúng ta về,
mỗi bước đều cho phép chúng ta tới, đã về đã về, đã tới đã tới.
Chúng ta đã để cho các vị hương linh mượn hai chân của chúng ta
đi những bước thiền hành vững chãi và thảnh thơi. Chúng ta đã để
cho các vị hương linh sử dụng hai chân của chúng ta để có thể về
để có thể tới. Về với đức Thế Tôn, về với quê hương tâm linh của
mình. Tới với đức Thế Tôn, tới nơi quê hương tâm linh của mình.
Chúng ta đã thực tập một hơi thở vào, đi hai bước chân - con đã
về, con đã về. Một hơi thở ra, đi hai bước chân - con đã tới,
con đã tới. Con không có đi vòng nữa, con không có rong ruổi
nữa, con không chạy nữa, con không đi tìm kiếm gì nữa. Con đã
tới, con đã về, con đã về cho các hương linh, con đã tới cho các
hương linh. Mỗi bước chân của con là một lời cầu nguyện, mỗi
bước chân của con giúp cho hương linh cũng về được, cũng tới
được như con. Con đã về, con đã về, con đã tới, con đã tới, con
đã về cho tám mươi hai triệu đồng bào, con đã tới cho tám mươi
hai triệu đồng bào để tám mươi hai triệu đồng bào cũng có thể
được về được tới bằng bước chân của con cảm thấy thoải mái an
lạc và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày.
ngày Tết bói Kiều,
Kính thưa các vị tôn túc, các thầy, các sư cô,
Các đạo hữu và các vị quan khách,
Làng Mai bên Pháp chúng tôi, ngày Tết có bói Kiều, linh lắm.
Phái đoàn quốc tế làng Mai dự định khởi hành vào mùng bốn Tết để
về Việt Nam, phái đoàn đại diện cho trên ba mươi quốc gia. Hôm
mùng một Tết, một sư cô ở làng Mai đã xin một quẻ Kiều, xem thử
cụ Nguyễn Du nói như thế nào về chuyến đi này. Làng Mai không
những các thầy, các sư cô và các Phật tử người gốc Việt bói
Kiều, mà các thầy các sư cô các thiền sinh người Tây Phương cũng
rất là ham bói Kiều; bói Kiều linh lắm. Muốn bói Kiều cho được,
mình phải có kiến thức về Phật Pháp, kiến thức về tâm lý học và
phải có hiểu biết khá vững về văn chương truyện Kiều.
Năm đầu bói Kiều, chỉ có một mình tôi đoán quẻ thôi, nhưng mà
các thầy, các sư cô và các Phật tử đều học theo được. Cuối cùng,
ở làng Mai, người nào cũng có khả năng đoán Kiều và có nhiều vị
còn hay hơn tôi nữa. Năm nay, sư cô trụ trì chùa Từ Nghiêm đã
bói một quẻ, để xem cụ Nguyễn Du nói như thế nào về chuyến đi
xuân Đinh Hợi của tăng thân làng Mai. Chúng tôi biết rằng trong
chuyến đi này, thế nào cũng có những khóa tu dành cho người xuất
gia, những khóa tu dành cho người tại gia, những buổi pháp
thoại dành cho Phật tử cư sĩ, những buổi diển thuyết dành cho
giới trí thức, nhân sĩ, các bạn thanh niên. Nhưng chuyến đi này
có một hoạt động, một sinh hoạt đặt biệt là có ba đại trai đàn
chẩn tế giải oan bình đẳng, để cầu cho quốc thái dân an, âm siêu
dương thái. Trong chiến tranh, chúng ta đã có hàng triệu người
thiệt mạng và chưa có cơ hội chính thức tới với nhau để cầu
nguyện cho tất cả các đồng bào tử nạn trong chiến tranh, kể cả
những người thuyền nhân vượt biển. Chúng ta tới với tư cách
những đồng bào với nhau và cầu nguyện cho tất cả các đồng bào bị
nạn không phân biệt Bắc Nam, gái trai, già trẻ, tôn giáo, đảng
phái chính trị. Chúng ta vượt lên trên mọi ranh giới. Trong
chuyến về này, chúng tôi đã được phép của thủ tướng chính phủ,
cộng tác với giáo hội Phật giáo Việt Nam để tổ chức ba trai đàn
như thế. Đây là cơ hội rất lớn để chúng ta có thể tới với nhau,
để chữa lành những thương tích trong suốt mấy mươi năm chiến
tranh.
Chúng tôi ở bên làng Mai chuyên về tu thiền, ít khi tổ chức
những đàn trai có tính cách Mật giáo. Chúng tôi biết rằng phải
nương tựa trên các vị tôn đức trong giáo hội, mà nắm vững được
nghệ thuật, cũng như là phép hành trì trai đàn chẩn tế. Cố nhiên
là những Phật sự như thế cần có rất nhiều chuẩn bị và thế nào
cũng có những khó khăn. Khó khăn từ bên trong và từ bên ngoài.
Có những người nói là chưa đến lúc tổ chức những trai đàn chẩn
tế như thế. Có những người thì lại nói rằng tổ chức trai đàn
chẩn tế như thế là để cho người ta lợi dụng. Cho nên những Phật
sự này nếu mình không có một tâm can trường vô úy thì mình không
có dám đi tới để tổ chức. Thành thử thầy trò ở làng Mai không
biết rằng mình có đủ nhân duyên để mà thực hiện ước vọng này
không.
Ngày xưa vua A Dục
[2] sau khi đã thống nhất được toàn
cõi Ấn Độ, biết rằng có những oan ức đã xãy ra trong cuộc chiến,
cho nên hoàng đế Asoka bắt đầu tu tập, thọ năm giới, thọ ba quy
và bắt đầu ăn chay, bắt đầu trồng cây, bắt đầu đào giếng, bắt
đầu yểm trợ các giáo phái ở trong nước. Nhờ sự thực tập tâm linh
như vậy, sau một thời gian, hoàng đế A Dục đã thống nhất được
nhân tâm. Thống nhất được lãnh thổ là chuyện khó mà thống nhất
được lòng người lại là chuyện khó hơn nữa. Cho nên chúng tôi đã
mời các vị lãnh đạo trong chính quyền tới tham dự những trai đàn
chẩn tế tổ chức ở tại miền Nam, miền Trung và miền Bắc.
Quẻ Kiều mà sư cô trụ trì chùa Từ Ngiêm xin được có hai câu:
Người đâu hiếu nghĩa đường đường. Này thôi hết kiếp đoạn
trường là đây. Chúng tôi đã ngồi lại, chúng tôi đã tìm
cách để giải thích ý của thi hào Nguyễn Du. Chính tôi cũng ngồi
để chiêm nghiệm, thì đây là những điều tôi tìm ra, xin chia sẻ
với quý vị.
Người đâu hiếu nghĩa đủ đường.
Người đâu hiếu nghĩa đủ đường.
Cụ muốn nói tới
người Việt chúng ta, người Việt chúng ta có hạt giống của hiếu
và của nghĩa. Người nào trong chúng ta cũng mang theo hạt giống
của hiếu đễ và của tình nghĩa. Cũng như tất cả chúng ta, người
nào cũng có Phật tính; tất cả người Việt, người nào cũng có hạt
giống của hiếu và của nghĩa. Nghĩa là sự trung thành, hiếu là sự
nhớ ơn. Chính cái hiếu đó và cái nghĩa đó, nó dựng lên được nền
văn hóa Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta sống trong những hoàn cảnh
khó khăn, hạt giống của hiếu và nghĩa không được tưới tẩm mỗi
ngày. Nên chúng ta phải gánh chịu nhiều khổ đau. Nếu chúng ta
bận làm ăn quá, nếu chúng ta không có thì giờ để tu tập theo lời
Phật dạy, chúng ta không có cơ hội tưới tẩm những hạt giống của
hiếu và nghĩa có sẵn trong lòng chúng ta. Những hạt giống đó nó
có thể yếu đi mỗi ngày. Khi hạt giống của hiếu và của nghĩa yếu
đi, thì chúng ta có buồn giận, có lo âu, có trách móc, có hận
thù. Chúng ta không hạnh phúc và chúng ta làm cho những người
đồng bào khác không có hạnh phúc. Cho nên sự thực tập là phải
tưới tẩm những hạt giống của hiếu và của nghĩa mỗi ngày. Nếu
chúng ta quá bận rộn, nếu chúng ta theo đuổi một dự án mà nó lấy
hết tất cả thì giờ chúng ta, thì chúng ta sẽ không còn thì giờ
để tu tập, để tưới trồng những hạt giống của hiếu nghĩa. Cho nên
chúng ta có chiến tranh, chúng ta có xung đột, không những với
người ngoài mà xung đột với nhau. Những quãng thời gian khổ đau
đó, nó tương đương với những khổ đau mà nàng Kiều phải gánh chịu
trong mười lăm năm luân lạc. Nàng Kiều đã phải gánh chịu quá
nhiều khổ đau, đã gặp tú bà, đã gặp Bạc Hạnh, Bạc
Bà,
đã gặp Hoạn Thư, đã đi với Thúc Sinh, đã đi với Từ Hải. Đất nước
quê hương của chúng ta, có khi chúng ta phải đi với Pháp, có khi
chúng ta phải đi với Nhật, có khi chúng ta phải đi với Tàu, có
khi chúng ta phải đi với Mỹ. Chúng ta luân lạc không phải là
mười lăm năm mà nhiều hơn mười lăm năm. Quãng đời đó là đứt
ruột, tại vì khổ đau rất là nhiều và hai chữ đoạn trường trong
câu thứ hai nó có nghĩa như vậy.
Chúng ta đã trải qua những giai đoạn rất là đau đớn, rất là khổ
đau. Sáu, bảy triệu người đã chết trong chiến tranh. Biết bao
nhiêu người đã chết trong tối tăm, trong oan ức, trong sầu khổ,
trong tuyệt vọng. Vậy mà chúng ta chưa có cơ hội tới với nhau,
như những đồng bào ruột thịt, để cầu nguyện cho tất cả những
người đó, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, đảng phái chính
trị. Vậy câu đầu của cụ Nguyễn Du cho chúng ta - Người
đâu hiếu nghĩa đủ đường - Chúng ta vốn có hạt giống của
tình, của nghĩa, của hiếu, của đễ. Nhưng phải có cơ hội, có thời
giờ để tu tập, tưới tẩm những hạt giống đó. Có lẽ cụ Nguyễn Du
đã nói rằng đại trai đàn chẩn tế giải oan bình đẳng là một trong
những phương pháp thực tập, để tưới tẩm lại hạt giống của tình
và nghĩa trong mỗi chúng ta. Điều đó chúng ta có thể thấy được
rất rõ rệt trong Đại trai đàn chẩn tế ở chùa Vĩnh Nghiêm. Hôm
qua tôi đã nói rằng trong Đại trai đàn chẩn tế ở Vĩnh Nghiêm đó,
tất cả các Phật tử không phân biệt tông phái đều có mặt. Những
người không phải Phật tử cũng tới, cũng có mặt, có rất nhiều
người theo đạo Công giáo và đạo Tin lành đã tới. Tất cả đều một
lòng,
một dạ, cầu nguyện cho những người thân chúng ta đã mất với một
trái tim rất là thuần khiết. Có nhiều người đã khóc và những
giọt nước mắt đó là những giọt nước mắt nó có khả năng trị liệu,
làm lành những vết thương mà chúng ta mang trong trái tim từ mấy
chục năm nay. Không những ở trai đàn chẩn tế Vĩnh Nghiêm, mà
trai đàn chẩn tế quốc tự Diệu Đế, các thầy, các sư cô, các Phật
tử và các vị quan khách cũng tới và cũng thực tập như vậy, cũng
cầu nguyện như vậy. Chúng ta đã ôm nhau mà khóc, chúng ta đã
công nhận những khổ đau trong quá khứ, chúng ta ôm lấy những nỗi
khổ niềm đau đó của chúng ta và của đồng bào ta, để chúng ta làm
lắng dịu và chúng ta chuyển hóa nhờ sức của tam bảo gia trì mà
nghiệp của chúng ta được chuyển hóa. Và chúng ta cảm thấy nhẹ
nhàng lên hơn nhiều lắm sau bao ngày thực tập trai đàn chẩn tế.
Trai đàn chẩn tế ở tại chùa Non cũng thế, ngày hôm qua thật là
bất ngờ. Chúng ta đã tới như là những người anh em đồng bào ruột
thịt, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến. Chúng ta
cảm thấy được đoàn tụ trong một đại gia đình. Tất cả mỗi hơi
thở, mỗi bước chân của chúng ta đều trở thành một lời cầu nguyện
giúp cho tất cả hương linh và các loại cô hồn có cơ hội, có năng
lượng dừng lại được, đã về đã tới, nhận ra đây là quê hương đích
thực của mình, quê hương tâm linh đích thực của mình. Chúng ta
đã để cho các vị hương linh, các vị cô hồn mượn phổi của chúng
ta để thở, mượn hai chân của chúng ta để thực tập đã về đã tới.
Điều đó tôi cảm thấy rất là hiện thực và đất trời hình như là
cũng cảm động. Cho nên chúng ta thấy rõ ràng là sự chuyển hóa
đem tới do sự thực tập là điều chúng ta không thể nào phủ nhận
được.
Riêng tôi, tôi muốn làm tất cả những gì mình có thể làm, để yểm
trợ, để hộ niệm cho trai đàn chẩn tế. Tôi ngồi trong phòng,
nhưng theo dõi những lời kinh, tiếng kệ và tôi hộ niệm cho các
vị kinh sư. Mỗi bước chân tôi đặt trong chánh niệm, bước chân
nào cũng về, bước chân nào cũng tới, về cho các hương linh, tới
cho các cô hồn. Về cho tám mươi hai triệu đồng bào và tới cho
tám mươi hai triệu đồng bào. Khi mà chúng ta thực tập được như
thế, thì chắc chắn là hạt giống của tình nghĩa, của hạnh phúc
được tưới tẩm. Lúc đó, chúng ta có năng lượng của tình thương,
của hạnh phúc và đó là lời khuyên của thi sĩ Nguyễn Du, Người
đâu hiếu nghĩa đủ đường. Phải thực tập, mình có hạt giống đó
rất là quý, mình phải thực tập, mình đừng bận rộn quá trong
những công việc hàng ngày của mình, phải tới với nhau như là một
tăng thân, như là những người huynh đệ, phải có thì giờ để thực
tập, đừng có bận rộn quá, thực tập tưới tẩm hai hạt giống đó,
hạt giống hiếu và hạt giống nghĩa là đủ để hạnh phúc.
Khi sự thực tập đó đi tới một mức nào đó, tự nhiên những oan
khổ, uất ức, đoạn trường sẽ chấm dứt. Vì vậy có câu thứ hai,
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây. Có nghĩa là dân
tộc ta đã đi ngang qua một cơn ác mộng quá lâu dài. Và nếu chúng
ta thực tập thì chúng ta biết rằng kiếp đoạn trường của chúng ta
sẽ chấm dứt, đang chấm dứt và đã chấm dứt, đó là một tin rất là
mừng.
Đất nước, dân tộc ta từ nay trở về sau, sẽ không còn phải lâm
vào tình trạng khổ đau, oan khuất như là trong mấy chục năm vừa
qua. Cho nên tôi cảm ơn thi hào Nguyễn Du, đã ban cho chúng tôi
hai câu Kiều đó, nâng đỡ rất nhiều, yểm trợ rất nhiều:
Người đâu hiếu nghĩa đủ đường.
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây.
có không còn mất
Ngày hôm qua, trong bài pháp thoại, chúng tôi đã nói tới ý niệm
có không còn mất. Có không là một vấn đề triết học. Trong đạo
Phật, chúng ta biết rằng triết học không có thể giải quyết được
vấn đề có không, phải là sự thực tập mới có thể giải quyết được.
Biết bao nhiêu cuốn sách nói về có và về không. Nhưng mà nếu
chúng ta chỉ dùng trí năng của chúng ta để đi tìm chân lý thì sợ
chúng ta không có đạt được sự thật. Cho nên chúng ta phải đi cao
hơn triết học, chúng ta phải dùng thiền quán.
Hôm qua, chúng ta đã dùng thiền quán, chúng ta đã quán chiếu về
một đám mây để thấy rằng đám mây nó không phải từ không mà trở
thành có, nó không phải từ có mà trở thành không. Khi một đám
mây không còn trên trời nữa, đám mây đó chưa chết. Tại vì “chết”
trong đầu của chúng ta nó có nghĩa là từ có mà trở thành không.
Một đám mây không thể nào từ có mà trở thành không được, một đám
mây không thể nào chết được, một đám mây chỉ có thể trở thành
mưa, trở thành tuyết, trở thành sương mà thôi. Tự tính của đám
mây là không sinh cũng không diệt.
Chúng ta đã quán chiếu về một hạt mưa. Hạt mưa rơi trên đất,
trong vòng một vài giây đồng hồ, hạt mưa biến mất. Hạt mưa biến
mất không có nghĩa là hạt mưa chết, hạt mưa đã thay hình đổi
dạng, hạt mưa đã thấm vào lòng đất, hạt mưa còn đó dưới một hình
thức khác. Hoặc hạt mưa rơi trên một tảng đá, chỉ nội trong vài
phút, hạt mưa có thể “biến bốc” thành hơi, trở lại thành một
phần của đám mây. Hạt mưa không có mất, hạt mưa không có chết,
hạt mưa chỉ thay hình đổi dạng mà thôi. Cho nên ý niệm có không
và ý niệm còn mất nó dính chùm với nhau. Nếu chúng ta thoát được
ý niệm có không thì chúng ta cũng sẽ thoát được ý niệm còn mất.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, trong bài ca Siêu Thoát, có kể lại rằng
thi sĩ đã từng thức khuya thắp đèn bạch lạp, đọc sách triết học
để tìm hiểu hai chữ có không.
Trải mấy hoang mang tìm kiếm.
Lòng sao khát mãi chưa vừa.
Hai chữ có không mầu nhiệm.
Đêm đêm ta hỏi người xưa.
Đêm đêm ta hỏi người xưa. Là đêm nào cũng chong đèn đọc sách
triết học. Trải mấy hoang mang tìm kiếm. Lòng sao khát mãi chưa
vừa. Hai chữ có không mầu nhiệm. Đêm đêm ta hỏi người xưa. Đó là
sự thực tập đọc sách chứ không phải là thiền quán, và thi sĩ đã
đặt một câu hỏi:
Đâu có lẽ có chiều qua mà không sáng nay
Có thể nào từ có mà trở thành không được hay
không?
Có thể nào từ có mà trở thành không được hay không? Người thương
của chúng ta ngày xưa có, ta nhận thức được người thương của
chúng ta dưới hình dáng đó. Bây giờ hình dáng đó không còn nữa
và ta có thể đi tới kết luận là người thương của chúng ta không
còn nữa, không có nữa. Nhưng kỳ thật, nếu đám mây không thể nào
từ có mà trở thành không, nếu hạt sương không thể nào từ có mà
trở thành không thì người thương của chúng ta cũng thế, không
thể nào từ có mà trở thành không được. Cho nên chúng ta có thể
tiếp tục tiếp xúc với người thương của chúng ta dưới hình dạng
mới.
Trong đại trai đàn chẩn tế này, chúng ta đọc kinh là đọc cho
chúng ta nghe mà cũng là đọc cho người thương chúng ta nghe.
Chúng ta bước những bước chân cho chúng ta, nhưng mà cũng bước
những bước chân cho người thương. Cho nên chúng ta có thể tiếp
xúc được nói chuyện được, sờ mó được, sinh hoạt được với những
người đã mất. Chúng ta không có tiếp xúc với hình thức năm xưa
của những người đó. Nhưng mà những người đó vẫn còn chung quanh
ta và còn trong chúng ta. Cho nên tiếp xúc với những người quá
cố là chuyện mình có thể làm được trong bất cứ một giây phút nào
của đời sống hàng ngày.
Cũng như đức Thế Tôn, nếu chúng ta đi tìm đức Thế Tôn qua hình
dáng người con trai của thành Ca Tỳ La Vệ thì sẽ không có có.
Nhưng đức Thế Tôn đang có mặt với chúng ta trong từng giây phút
của đời sống hàng ngày. Chúng ta có thể ngồi với đức Thế Tôn,
chúng ta có thể ăn cơm với đức Thế Tôn, chúng ta có thể đi thiền
hành với đức Thế Tôn. Cho nên tôi không thấy thiếu thốn đức Thế
Tôn, tôi thấy đức Thế Tôn tràn đầy trong đời sống hàng ngày của
tôi. Chỉ cần thực tập vô tướng, mình có thể tiếp xúc được với
đức Thế Tôn. Chỉ cần thực tập vô tướng, mình tiếp xúc lại được
với tổ tiên, ông bà, cha mẹ vẫn đang còn đó. Cha mẹ, ông bà, tổ
tiên đang có mặt trong từng tế bào cơ thể, mình có thể luôn luôn
nói chuyện được với ông bà, cha mẹ, tổ tiên bất cứ giờ phút nào
mình muốn. Cõi âm và cõi dương tương tức, trong âm có dương và
trong dương có âm, nó không có sự tách biệt. Nếu mình nghĩ rằng
có một sự tách biệt, có một dòng sông nó chia cách giữa âm và
dương, là mình chưa thấy được sự thật. Chúng ta phải vượt thoát
được hai ý niệm có và không, chúng ta phải vượt thoát được hai ý
niệm còn và mất. Chúng ta phải vượt thoát được ý niệm sinh và
diệt.
Đây là một tờ giấy, đây không phải là triết học, đây là thiền
quán. Chúng ta nhìn vào tờ giấy này, chúng ta thấy gì? Người
không tu nhìn vào tờ giấy thì chỉ thấy tờ giấy thôi, mà chưa
chắc đã thấy một cách sâu sắc. Người tu nhìn vào tờ giấy thấy
những không phải là tờ giấy. Trong tờ giấy này nó có một đám mây
và khi tôi sờ vào tờ giấy, tôi sờ vào đám mây. Nếu không có đám
mây thì làm sao mà có mưa, nếu không có mưa làm sao rừng cây nó
mọc lên được. Nếu rừng cây không mọc lên được làm gì có bột
giấy. Cho nên nhìn vào giấy mình thấy đám mây, phải nhìn thấy
đám mây đang bay trong tờ giấy. Mà quý vị không cần phải là thi
sĩ mới thấy được như vậy, quý vị chỉ cần làm thiền sinh thôi là
đã có thể thấy được đám mây trong tờ giấy. Quý vị có thể lấy đám
mây ra khỏi tờ giấy không? Lấy đám mây ra thì tờ giấy sụp đổ
không còn nữa, tờ giấy là một yếu tố trong những yếu tố, đám mây
là một yếu tố trong những yếu tố làm ra tờ giấy. Lấy ra một yếu
tố thì sự phát hiện của tờ giấy sẽ chấm dứt. Ở trong này có mặt
trời, nếu không có mặt trời thì cây rừng làm sao mọc lên được?
Cho nên với ngón tay tôi sờ tờ giấy và tôi sờ được mặt trời mà
không có bị bỏng tay. Cố nhiên là lấy ánh sáng mặt trời ra khỏi
tờ giấy, thì tờ giấy không còn nữa. Đó là những nhân duyên, đó
là những điều kiện nó tụ hội với nhau để giúp cho tờ giấy biểu
hiện. Chúng ta mới nhắc tới ba yếu tố thôi, là đám mây, là mặt
trời, chúng ta phải nhắc rừng cây, tại vì không có rừng cây thì
làm gì có giấy. Cho nên người tu nhìn vào tờ giấy thì thấy rừng
cây. Và thấy gì nữa? Chúng ta thấy rất là nhiều, trong đó có đại
địa. Có đất - nếu không có đất thì làm gì cây có thể mọc được?
Cho nên sờ vào tờ giấy tức là sờ vào đất, sờ vào mưa, sờ vào đám
mây, sờ vào mặt trời. Và nếu tiếp tục như thế, chúng ta sẽ thấy
rằng tất cả vũ trụ đều có mặt trong tờ giấy. Cái một được làm
bằng tất cả, đó là giáo lý của kinh Hoa Nghiêm. Nhưng không
phải lý thuyết, nếu chúng ta thực tập thiền quán, thì chúng ta
chứng thực được sự thật, chứ không phải chúng ta chỉ nói triết
học không mà thôi đâu. Vậy tờ giấy này nó có phải từ không mà
trở thành có không? Không! Trước khi nó là tờ giấy thì nó đã là
rừng cây rồi, trước khi là tờ giấy thì nó đã là đại địa rồi,
trước khi nó là tờ giấy thì nó đã là cơn mưa rồi.
Thành ra câu hỏi - Người thương của tôi chết rồi, tôi làm sao để
tiếp xúc được với người đó? Câu hỏi đó không thể nào trả lời
được, nếu mà chúng ta chưa nắm được bản chất, tự tính không có
không không, không còn không mất, không sinh không diệt.
vô khứ vô lai
Bây giờ còn có một ý niệm nữa, chúng ta phải xem xét thì chúng
ta mới có đủ điều kiện trả lời câu hỏi kia. Đây là một hộp diêm
đem từ Paris qua, hộp diêm này nó hơi dài, có những que diêm khá
dài. Chúng ta biết rằng hộp diêm là để giúp ta có lửa, thỉnh
thoảng chúng ta đốt đèn nến, thỉnh thoảng chúng ta nấu bếp,
chúng ta cần phải có lửa. Vậy bây giờ - đây không phải là triết
học, đây là thiền quán - Tôi xin mời các vị tôn túc, các vị đạo
hữu, các vị khách quý quán sát, cho biết rằng ngọn lửa nó nằm
ở
đâu, nó ẩn ở đâu, nó trốn ở đâu. Nó đang có hay là nó đang không
có.. Mình biết bằng trực giác rằng ngọn lửa nó có đâu đó, nó trốn
đâu đó, nó chưa xuất hiện thôi. Nhưng mà nói nó “không có” là
không đúng, nó ẩn sau những điều kiện của nó, nó nằm tiềm tàng
trong những điều kiện của nó. Nó trốn trong hộp diêm và nó trốn
ở ngoài hộp diêm. Chúng ta biết rất rõ rằng ngoài hộp diêm có
dưỡng khí, có oxy. Và ngọn lửa không thể nào biểu hiện được, nếu
không có oxy, không có dưỡng khí. Nếu chúng ta lấy hết dưỡng khi
đi thì ngọn lửa không bao giờ có thể “sống” được. Mà khi mà đèn
đang cháy, chúng ta lấy một tờ giấy chúng ta đậy lại thì chỉ
trong vòng nữa phút là hết oxy ở trong đó và ngọn lửa sẽ tắt.
Cho nên biết rằng oxy, dưỡng khí là một trong những điều kiện
căn bản để giúp cho ngọn lửa biểu hiện.
Trong đạo Phật, chúng ta có một nền tâm lý học gọi là Duy Thức
học. Nhưng mà chữ duy thức học là dịch từ chữ Vijnaptimatra[3].
Mà chữ Vijnapti
[4] thật ra nó có nghĩa là biểu,
biểu hiện, chỉ có sự biểu hiện thôi. Ở trong “Duy Thức Tam Thập
Luận” thì chữ Vijnapti ba bốn lần được dịch. Một lần được dịch
là Thức và ba bốn lần được dịch là Biểu, dịch là “biểu” nó đúng
hơn. Cho nên các học giả bây giờ dịch là Duy Biểu luận là chỉ có
sự biểu hiện thôi. Ngọn lửa nó không sinh, nó chỉ biểu hiện
thôi. Tại vì “sinh” có nghĩa là từ “không” mà trở thành “có”,
còn “biểu hiện” không có nghĩa như thế. Biểu hiện có nghĩa là từ
thế ẩn tàng nó chuyển thành thế biểu lộ, thành ra chữ biểu hay
hơn chữ sinh rất là nhiều.
Vậy ngoài hộp diêm, có sự ẩn náu của ngọn lửa. Ngọn lửa ẩn náu
trong hai ngón tay tôi. Tại vì muốn cho ngọn lửa nó biểu hiện
thì phải có một cử động. Cử động đó có thể do hai ngón tay này
cung cấp. Vậy nên ngọn lửa kia nó núp trong hộp diêm, nó núp
ngoài hộp diêm và nó núp trong hai ngón tay của tôi. Và mình có
thể nói chuyện với ngọn lửa, này ngọn lửa ơi, ta biết nhà ngươi
có đó, nhà ngươi đừng có đánh lừa ta. Ta biết em có đó, em hãy
biểu hiện đi, để cho chúng ta thấy. Em đừng có trốn mãi, ta cần
em để ta thắp một cây nến, em ở đâu, tại sao em không biểu hiện
đi. Nếu chúng ta lắng tai, chúng ta sẽ nghe ngọn lửa nói như thế
này - Thầy ơi! Các thầy, các sư cô ơi, các Phật tử ơi! Con có
đó nhưng mà con cần thầy, con cần các thầy, các sư cô giúp con
một tay thì con biểu hiện được. Con cần một cử động. Ta hiểu, ta
nói - Được rồi, ngọn lửa ơi! Bây giờ ta sẽ giúp em biểu hiện.
Tất cả các điều kiện đều đầy đủ, chỉ còn một điều kiện chót nữa
thôi là em có thể biểu hiện được, đó là động tác của hai ngón
tay tôi. Và ngọn lửa thân yêu của chúng ta đã biểu hiện, đang
biểu hiện và một lát nữa khi mà chất đốt không còn nữa thì nó sẽ
ngưng sự biểu hiện của nó, phải không? Tại chất đốt là một trong
những điều kiện nó giúp cho ngọn lửa biểu hiện. Bây giờ ngọn lửa
đã ngưng biểu hiện. Bây giờ chúng ta đặt một câu hỏi, ngọn lửa
thân yêu của ta ơi! em đã từ đâu tới và em đã đi về đâu? Đó là
vấn đề khứ lai. Người thương của chúng ta cũng vậy, không biết
từ đâu tới mà ta thương quá chừng. Rồi đến lúc bỏ chúng ta mà
đi. Ta hỏi - Người thương của tôi ơi, em đã từ đâu tới và bây
giờ em đi đâu rồi? Em bỏ tôi!
Đó là những câu hỏi của kiếp người mà đức Thế Tôn cho chúng ta
những câu trả lời bằng thiền quán. Nếu mình lắng tai nghe cho kỹ
thì mình có thể nghe được tiếng trả lời, (nghe được) giọng nói
của ngọn lửa. Thầy ơi, các thầy, các sư cô ơi, các vị Phật tử
ơi! Con đâu có từ đâu tới đâu! Con không phải từ phương Nam tới,
con cũng không phải từ phương Bắc tới. Con không phải từ phương
Đông tới, mà con cũng không phải là từ phương Tây tới. Khi nào
điều kiện nó hội tụ đầy đủ thì con biểu hiện thế thôi, bản chất
của con là không tới. Mà mình nghe như vậy, mình biết là ngọn
lửa nó nói đúng, bản chất của nó là vô lai - không (có) tới.
Thật sự nó không phải là từ phương
Nam,
từ phương Bắc tới. Người thương của mình cũng vậy, không phải là
từ cõi này, hay cõi kia tới đâu. Luôn luôn có mặt đó, nhưng mà
cần đầy đủ điều kiện mới phát hiện ra được, mới biểu hiện ra
được. Khi những điều kiện đó không còn, thì ngưng sự biểu hiện
thôi, chứ không có đi đâu hết. Bây giờ chúng ta hỏi ngọn lửa -
Này ngọn lửa nhỏ bé thân yêu của ta ơi, em đi đâu rồi? Hồi nãy,
ai cũng trông thấy em hết, bây giờ em đi đâu rồi? Thì chúng ta
lắng nghe, chúng ta sẽ nghe được như thế này - Thầy ơi, các
thầy, các sư cô ơi, các vị Phật tử ơi, con có đi đâu đâu, con
không đi về phương Nam, cũng không đi về phương Bắc không đi về
phương Tây, không đi về phương Đông, khi nào mà điều kiện không
có đầy đủ nữa thì con ngưng biểu hiện thôi, con không có đi đâu
hết.
Ngọn lửa đã nói rất là đúng, bản chất của ngọn lửa là không tới
cũng không đi, vô khứ vô lai. Tự tính của vạn pháp là như thế,
tự tính của của ngọn lửa là như thế, tự tính của đức Thế Tôn là
vô khứ vô lai. Tự tính người thương của chúng ta cũng vậy. Người
thương của chúng ta, không phải là từ một phương nào tới và sau
khi ngưng biểu hiện, không phải là đi tới một phương nào khác
đâu. Khi mình nắm được sự thật về bất sinh bất diệt, vô khứ vô
lai, phi hữu phi vô, thì mình biết rằng mình đã có căn bản, đã
có tuệ giác về thực tại. Và mục đích tối hậu của một người tu,
của một người xuất gia hay là một người tại gia mà có thì giờ tu
tập là để đạt tới đó, đạt tới gọi là vô sinh bất diệt, vô khứ vô
lai, phi hữu phi vô, và đó gọi là Niết bàn.
Niết bàn
Niết bàn có nghĩa là sự vắng mặt của những ý niệm có và không,
tới và đi, một và nhiều, sinh và diệt. Niết bàn có nghĩa là như
thế. Niết bàn nằm trong lòng của tờ giấy, nằm trong lòng của đám
mây, nằm trong lòng của ngọn lửa. (Niết Bàn) nằm trong lòng
người thương của chúng ta. Niết bàn không phải là một “cái” mà
chúng ta phải đi kiếm trong không gian và trong thời gian.
Sẽ thật là một điều rất đáng tiếc, nếu chúng ta đã xuất gia mà
chúng ta không có thì giờ để quán chiếu về những đề tài như thế,
tại vì chúng ta quá bận rộn trong những công tác mà chúng ta gọi
là “Phật sự”! Phật sự căn bản của người tu là phải tiếp xúc cho
được tự tính Niết bàn không sinh, không diệt, không tới, không
đi, không một, không khác, không còn, không mất. Khi đạt tới cái
đó, ta có đức vô úy và ta có thể cỡi trên sóng sinh tử mà đi.
Vừa đi, vừa mỉm cười như các vị Bồ Tát. Lúc đó, cái sinh cũng
không động tới ta được, mà cái diệt cũng không động tới ta được
và ta là một con người tự do.
Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, anh ruột của tướng Trần Hưng
Đạo, trong bài thơ Phóng Cuồng Ca đã kết thúc bằng một câu rất
hay – “sinh tử tương bức hề ư ngã hà thương”. Cái sống và
chết, cái sinh và cái diệt, nó bức bách nhau; Nhưng mà đối với
tôi, nó không còn có tác dụng gì nữa, nó không gây thương tích
cho tôi nữa, tại vì tôi đã đạt tới chỗ không sinh và không tử. “Sinh
tử tương bức hề ư ngã hà thương.” Không có động tới tôi
được. Mục đích tối hậu của người tu là cái đó. Làm thế nào để
trong đời sống hàng ngày, mỗi bước chân mình dẫm được vào cái
“không-sinh-không-diệt”, mỗi hơi thở giúp cho mình tiếp xúc được
với “không-sinh-không-diệt”. Mình trở thành ra (sự) tiếp nối rất
đẹp đẽ của đức Thế Tôn.
Khi người thương của chúng ta không còn tiếp tục biểu hiện dưới
hình thái quen thuộc nữa, chúng ta khóc thương, chúng ta héo
mòn là tại vì chúng ta bị kẹt vào ý niệm sinh và diệt, còn và
mất. Còn nếu chúng ta tiếp xúc được với cái “không sinh không
diệt”, “không còn không mất” thì tại sao chúng ta phải khóc
thương phải tuyệt vọng? Cho nên sự thực tập quán chiếu rất là
quan trọng, cầu nguyện chưa đủ, sám hối chưa đủ, cúng dường chưa
đủ. Là người tu chúng ta có một kho tàng tuệ giác rất lớn. Nếu
chúng ta không biết lợi dụng để nắm lấy kho tàng tuệ giác đó,
chúng ta (chỉ) mới thừa hưởng được một phần bên ngoài của đạo
Phật thôi. Phần quý giá nhất của đạo Phật là nguồn tuệ giác đó,
chúng ta chưa nắm được.
tịnh độ hiện tiền
Tôi xin kể câu chuyện này của một bà cụ người Anh, rất là đơn
sơ. Bà cụ người Anh, theo Anh (quốc) giáo. Bà tám mươi tuổi
nhưng mà bà mạnh lắm, bà có sức khỏe. Bà là một người rất ham
phục vụ cho hòa bình. Cho nên hồi mà chúng tôi thành lập phái
đoàn Phật giáo Việt Nam bên cạnh hội nghị hòa bình Paris, bà tự
nguyện phụng sự như một vị thư ký, viết (các) văn bản bằng tiếng
Anh. Vào khoảng một ngàn chín trăm bảy mươi mấy đó, chúng tôi
theo lệnh đức tăng thống Thích Tịnh Khiết, lập một phái đoàn đại
diện cho giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, ở tại hội nghị
hòa bình Paris. Trụ sở của chúng tôi đặt tại số tám đường La
Goutte d'Or. Nhưng chúng tôi không có
tiền, nên chúng tôi thuê một văn phòng ở trên lầu thứ năm,
không có thang máy. Buổi sáng thầy trò phải leo năm tầng lầu và
bà cụ đó tên là Heather
[5]
(?) bà có sức khỏe khá lắm. Bà leo lên, leo xuống, nhiều lần
trong ngày mà không sao hết. Bà thuộc về một tổ chức gọi là hội
thân hữu hòa giải, bà rất ưa phục vụ cho hòa bình, và cũng vì lí
do đó cho nên mình nhận bà, như một người tình nguyện tới làm
không công cho văn phòng Phật giáo. Mỗi ngày, bà chỉ tiếp nhận
ba bữa cơm chay thôi và một phòng nho nhỏ cho bà ngủ là đủ rồi,
bà ăn chay trường.
Bà có một niềm tin rất là đơn giản, là khi mà bà chết, bà về
ngay thiên đường, về ngay thiên quốc và bà sẽ gặp ông trở lại.
Ông mất năm ông ba mươi tuổi và bà lúc đó hai mươi tám tuổi. Thì
họ là một cặp vợ chồng rất là trẻ và người chồng mất năm ba mươi
tuổi và người vợ không có tái giá, thương tiếc người chồng. Cái
niềm tin đơn sơ như vậy đó, có thể gọi là ngây thơ nữa là khác.
Bà cứ tin rằng khi mà chết một cái, lập tức bà về ngay thiên
quốc, sẽ gặp ông và hai người sẽ được đoàn tụ trở lại. Cố nhiên
mình có thể tưởng tượng được rằng ngày ông mất là bà khóc thương
rất nhiều. Tôi biết chuyện đó lâu ngày nhiều tháng rồi nhưng mà
tôi không có nói tới. Có một bữa đó sau khi ăn sáng xong, còn
thì giờ, tôi mới hỏi bà một câu. Tôi muốn giúp bà vượt thoát
niềm tin quá ngây thơ đó, để bà đi sâu vào một chút trong thiền
quán. Tôi nói – Heather (?) nếu bà về thiên quốc và bà gặp ông
ba mươi tuổi và bà tám mươi mấy tuổi thì làm sao mà xứng đôi vừa
lứa được. Liệu ông có nhận ra người thiếu nữ đẹp đẽ ngày xưa
không, hay là ông sẽ nói đâu phải, người thương của tôi đâu
phải là bà, người thương của tôi là một cô thiếu nữ rất là xinh
đẹp mới có hai mưới tám tuổi thôi,. Bà là ai mà bà dám nhận là
người thương của tôi? Ít nhất, cũng phải chấp nhận sự thật về vô
thường, từ hai mươi tám tuổi, bây giờ bà đã tám mươi tuổi rồi,
bà muốn gặp lại ông ba mươi tuổi thì bà phải tính toán trước
chứ. Cũng như nhiều người trong chúng ta cứ tin rằng là khi mình
về cõi cực lạc thế giới, được ngồi sát bên chân của Phật A Di
Đà. Nhưng mà sức mấy, qua bên đó có các Bồ Tát lớn họ dành chỗ
hết, họ ngồi xung quanh đức A Di Đà, mình sức mấy mà tới gần.
Mình sẽ sinh ra buồn phiền, ganh tức. Ganh tức với các vị Bồ
Tát. ganh tức cho đến (nỗi) mình nói - Thôi không thèm ở đây
nữa, tôi trở về cõi Ta bà cho rồi, tưởng là qua đây bình đẳng có
tình thương, nhưng mà qua đây thì cũng bất bình đẳng, chỗ xung
quanh đức Thế Tôn các vị Bồ Tát lớn dành hết. Có những tín
ngưỡng ngây thơ như thế, chúng ta phải quán chiếu. Tốt hơn hết
là đừng có đợi sinh sang bên đó mới ngồi dưới chân ngài.
Chúng ta phải ngồi dưới chân ngài ngay bây giờ. Chuyện đó
có thể làm được. Ngày nào tôi cũng đi trong Tịnh Độ, ngày nào
tôi cũng đi chơi với Bụt A Di Đà, Bụt Thích Ca hết. Chuyện đó là
chuyện có thể làm được, hiện pháp tịnh độ, tịnh độ hiện tiền.
Tiếp xúc với đức Bổn sư, với Bồ Tát Quan Thế Âm, với Bồ Tát Phổ
Hiền là chuyện mình có thể làm được trong mỗi giây phút của đời
sống hàng ngày không cần phải đi qua bên đó. Bên đó là bên
nào?
đời vốn là vô thường
Đạo Phật bắt đầu từ nhận xét về vô thường. Người thương của mình
ngày xưa như vậy, ngày xưa mình cũng như vậy. Bây giờ mình thay
đổi rồi thì người thương mình cũng thay đổ rồi, tại sao mình
phải đi tìm hình bóng cũ? Tôi xin thú thật với quý vị, ở trong
bốn mươi năm xa cách quê hương, thỉnh thoảng tôi có mơ về những
khung trời cũ. Những khung trời mà trong đó mình đã trải qua,
mình đã rong chơi. Trong đó, có khung cảnh của chùa xưa. Ngày
xưa cách đây bốn mươi mấy năm, tôi có thành lập một chùa ở Phú
Thọ Hòa gọi là chùa Pháp Vân, đó là trụ sở của trường Thanh Niên
Phụng Sự Xã Hội mà chính tay tôi vẽ ra kiểu chùa, chùa làm bằng
lá, lợp tranh và làm bằng tre khá đẹp. Tôi đã sống tại đó mấy
năm, hơn một năm với các thầy, các sư cô trẻ, các tác viên
trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Chúng tôi đã có những ngày
rất là êm đẹp, những ngày có tình huynh đệ, có tình thầy trò.
Chính ở nơi đó tôi đã truyền giới Tiếp Hiện cho những người Tiếp
Hiện đầu tiên. Cũng như tôi đã từng ở Đà Lạt, chùa Linh Quang và
tôi có những hình ảnh đẹp về chùa Linh Quang. Thỉnh thoảng tôi
cũng mơ về chùa Linh Quang ở Đà Lạt. Bốn mươi năm, được trở về,
tôi khám phá ra rằng những hình ảnh mà mình nâng niu, mình trân
quý trong đầu nó không còn nữa. Chùa Pháp Vân, ngày xưa chung
quanh là ruộng, là lũy tre, là làng mạc. Bây giờ hoàn toàn không
có một cái gì hết như ngày xưa, thành phố sát tới gần và mình
không có nhận ra cái gì của ngày xưa nữa hết. Mình đi tìm quá
khứ, chỉ có thể tìm thấy trong ký ức thôi, đời vốn là vô thường.
Chùa Linh Quang ở Đà Lạt cũng vậy, tôi về, tôi hỡi ơi, không có
giống gì ngày xưa hết, hoàn toàn thay đổi. Trong khi đó thì
trong bốn mươi năm mình cứ ngỡ rằng chỗ đó vẫn là chổ đó, khung
cảnh đó vẫn là khung cảnh đó và những người ngày xưa họ vẫn là
những ngày ngày xưa.
Ở Nha Trang, có một vị hòa thượng tên là hòa thượng Thiện Bình,
ngày xưa ở Phật học viện Báo quốc thì đó là một sư chú rất là
kháu khỉnh, hai cái má phúng phính, mình nhìn mình muốn cắn một
miếng. Luôn luôn mình gọi là em, và vị đó gọi mình là anh một
cách rất là ngọt ngào, bây giờ gặp lại là một vị đại lão hòa
thượng, không có giống gì với chú bé kháu khỉnh ngày xưa nữa.
Hầu hết những người của thế hệ tôi đã chết đi rồi, chỉ còn lại
một vài người thôi, mà vài người đó không có giống ngày xưa gì
hết! Thành ra tôi phải quán chiếu mới sống được, tôi ngồi trước
mặt các thầy, các sư chú, các sư cô trẻ đã sinh ra trong thời
gian tôi văng mặt tại quê hương. Tôi ngồi nhìn những thanh niên,
thiếu nữ, tới hàng ngàn người, những người này phần lớn đều đã
sinh ra trong thời gian tôi vắng mặt tại quê hương, tôi nhìn họ
tôi phải quán chiếu và tôi thấy được phụ huynh của họ, bổn sư
của họ. Nhờ thế, tôi cảm thấy rất là gần gũi, rất là thân thiết,
nếu không thì rất là xa lạ. Thành ra vô thường là dấu ấn đầu
tiên của thực tại và bà Heather (?) đi vào đạo Phật bằng cửa
ngỏ vô thường. Khi mình đã chấp nhận được vô thường thì mình có
cơ hội chấp nhận được vô ngã. Chấp nhận được vô ngã thì mình có
thể đi từ từ tới chuyện không sinh không diệt, không tới không
đi, phải đi từ từ như vậy mới được. Và cuộc hành trình của người
tu là hành trình của sự quán chiếu. Khi chúng ta có được tuệ
giác đó thì chúng ta sẽ bất động, sẽ vững chãi, sẽ tự do và
không bị thao túng bởi những nhớ thương, những tiếc nuối, những
lo sợ của người không tu nữa.
hãy buông bỏ đi!
Trong khóa tu dành cho các cựu chiến binh Hoa Kỳ ở tại
California. Có một cựu chiến binh Hoa Kỳ giữ bên mình một kỷ vật
mà ông không thể nào buông ra được. Đó là một cái võng bằng
nylon của một cô nữ du kích Việt Nam. Cô nữ du kích đó đã sống
trong rừng nhiều ngày, nhiều tháng, đã ăn gạo rang và uống nước
suối để kháng chiến. Ban đêm cô giăng cái võng nylon của cô giữa
hai cây để ngủ và cô mang theo cái võng đó. Trong một trân đánh,
cô bị thương và người lính Mỹ đó mới vác cô lên trên trực thăng,
đem về căn cứ quân sự Mỹ để cứu chữa và bắt làm tù binh. Nhưng
trên trực thăng, vết thương của cô quá nặng và cô tắt thở trên
trực thăng. Cái giây phút cuối của người nữ du kích đó đã làm
chấn động người lính Hoa Kỳ. Ông ta thấy cô sắp chết và cô nhìn
ông bằng cái nhìn căm hờn, oán trách. Nó có nghĩa là tại sao các
ông lại qua chiếm nước chúng tôi làm gì? Đánh giết chúng tôi làm
gì? Cái nhìn đó nó có nghĩa như thế. Cái nhìn đó nó ám ảnh người
chiến binh Hoa Kỳ trong bao nhiêu năm. Cho nên chiếc võng bằng
nylon mà cô mang theo, ông giữ làm kỷ vật, ông không có rời
chiếc võng đó ra nữa. Ông sống sót, trở về Mỹ, đi tìm công ăn
việc làm. Ông sống, nhưng mà ông không bao giờ rời chiếc võng
đó, luôn mang theo bên mình. Khi ông tới ghi tên tham dự khóa tu
mà mình tổ chức cho những người cựu chiến binh thì ông có mang
theo cái võng đó. Trong khóa tu, thì mình cũng dạy cho người ta
tập thở, tập đi thiền hành, tập làm lắng dịu những căng thẳng,
những đau nhức trong thân và trong tâm, tập nhận diện những nỗi
khổ niềm đau, làm cho nó lằng dịu lại. Nhất là tập nói, tập nói
ra được tất cả những khổ đau những kỷ niệm, những cơn ác mộng
của mình, cho nó lắng dịu bớt. Trong một buổi lắng nghe, ông ta
kể được câu chuyện nói về cô nữ du kích và chiếc võng đó, ông
trình bày chiếc võng đó ra cho chúng tôi coi, chiếc võng rất là
nhỏ. Ngày chót của khóa tu, chúng tôi làm một bàn thờ linh.
Chúng tôi nói rằng - các vị, nếu các vị đã giết một người, đã
giết hai người, đã giết mười người, đã giết hai chục người, đã
giết quá nhiều người,… thì quý vị làm những bài vị của những
người mà quý vị đã giết, dán lên bàn thờ tập thể này. Nếu không
biết tên những người mình giết thì để chữ là – “Một người tôi đã
giết”, “mười người tôi đã giết”. Tôi còn nhớ buổi đó, tôi đã
gia trì tịnh thủy, tôi đã rải cho đạo tràng, tôi đã rải nước cam
lồ tịnh thủy lên đầu tất cả những cựu chiến binh Hoa Kỳ tham dự
ở đó, đã đọc kinh, đã cho họ được phép tới bắt tay, tới ôm những
người Việt, để tỏ sự ăn năn hối hận đã gây những khổ đau chết
chóc cho đất nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam. Cuối cùng,
chúng tôi tổ chức thiền hành đi ra bờ hồ, và chúng tôi rước bàn
linh đó đi theo. Tới nơi, chúng tôi tụng kinh, và chúng tôi hỏa
thiêu bàn linh đó. Khi đống lửa bắt đầu cháy, tôi mới tới người
cựu chiến binh Hoa Kỳ đó, tôi nói - Cái võng của anh đâu, anh
liệng vào trong đống lửa đi. Anh ta nhất định không. Người ta
bám víu vào không những là những kỷ niệm hạnh phúc mà bám víu
vào luôn những kỷ niệm đau khổ và cái võng đó giống như là ông
buông ra thì ông cũng chết luôn. Cho nên ông ta giữ riết và
không có chịu buông ra, chừng mười phút sau tôi tới tôi nói -
Nếu anh không buông bỏ, anh sẽ tiếp tục đau khổ suốt đời, hãy
buông bỏ đi! Hãy đưa cho tôi, tôi sẽ liệng nó vào trong đống
lửa. Cuối cùng, ngập ngừng, anh ta đã đưa cho tôi và tôi đã
liệng cái võng đó vào trong đống lửa. Tất cả đều niệm danh hiệu
của đức Quan Thế Âm “Nam mô Avalokistesvara”. Tôi cảm thấy rõ
ràng là hương linh của cô nữ du kích được siêu thăng mà tâm lý
của người cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng được tháo gỡ. Rất là mầu
nhiệm, Phật Pháp cao siêu mầu nhiệm cứu độ cho tất cả mọi loài,
mọi người, dầu đó là kẻ thù cũ của mình. Trong giây phút đó,
người cựu chiến binh Hoa Kỳ đã hòa giải được với cô nữ du kích
năm xưa, hai bên đều được thừa hưởng giọt nước cam lồ của đức
Thế Tôn.
lễ
quy y cho các hương linh
Ngày mai, đúng năm giờ, chúng ta sẽ có ngồi thiền ở đây. Sau
ngồi thiền, sẽ đi thiền hành như ngày hôm nay, sinh hoạt. Xin
mời các thầy, các sư cô và các Phật tử cùng tới tham dự. Chúng
ta sẽ thở cho các hương linh. Chúng ta sẽ bước những bước chân
vững chãi, thảnh thơi để có thể về để có thể tới. Chúng ta để
cho các hương linh mượn chân của chúng ta để thực tập, để họ
cũng có thể về và tới trong từng bước chân, từng hơi thở. Sự
thành công của các vị hương linh tùy thuộc vào sự thành công của
chúng ta, chúng ta thật sự phải có Niệm, Định và Tuệ. Bây giờ
đây, tôi xin mời đại chúng hộ niệm để chúng ta làm lễ
quy y cho
các hương linh vừa tới chiều hôm qua và sáng hôm nay. Chúng ta
phải thấy được sự có mặt của các hương linh, của các loại cô hồn
đang sinh hoạt với chúng ta. Hồi nãy giờ họ cũng nghe chúng ta
thuyết pháp, họ cũng tiếp xúc được với giáo pháp của đức Thế
Tôn.
Xin đại chúng lắng nghe, xin các vị hương linh và các loại cô
hồn lắng nghe.
Hôm nay chúng ta tập hợp để chứng minh và hộ niệm cho lễ quay về
nương tựa tam bảo của các vị hương linh và chư vị cô hồn. Xin
đại chúng theo dõi hơi thở và an trú trong chánh niệm, khi nghe
ba tiếng chuông gia trì. Tiếng chuông là tiếng gọi của đức Thế
Tôn để mọi người trở về trong trạng thái tỉnh thức, có mặt thật
sự trong giây phút hiện tại.
Xin tất cả các hương linh và các loại cô hồn đứng dậy, chắp tay
búp sen trình diện trước Tam bảo. Hôm nay đại chúng vân tập để
chứng minh và hộ niệm cho các hương linh trong lễ phát nguyện
thọ trì và quy y Tam bảo. Các hương linh lắng nghe là người có
duyên với đạo pháp, quý vị đã thấy rõ con đường của tình thương
và sự hiểu biết mà tổ tiên chúng ta đã đi theo trong bao nhiêu
thế hệ. Và hôm nay quý vị lại có cơ duyên phát tâm quy y Tam
bảo. Các vị hương linh, chư vị cô hồn quy y Tam bảo là quay về
nương tựa nơi Phật, nơi Pháp và nơi Tăng. Phật Pháp và Tăng là
ba viên ngọc quý.
Quay về nương tựa nơi Phật là quay về nương tựa nơi bậc tỉnh
thức, có khả năng đưa đường chỉ lối cho ta trong đời này và
trong đời kế tiếp. Quay về nương tựa Pháp là quay về với con
đường của trí tuệ và từ bi, nghĩa là con đường của hiểu biết và
của thương yêu. Quay về nương tựa Tăng là quay về nương tựa nơi
đoàn thể của những người đang thực tập theo con đường của trí
tuệ và từ bi và sống trong tỉnh thức.
Phật, Pháp và Tăng có mặt trong mười phương thế giới mà cũng có
mặt trong mọi người, mọi loài. Quay về nương tựa nơi Phật, nơi
Pháp và nơi Tăng cũng có nghĩa là tin tưởng vào khả năng giác
ngộ nơi tự tính mình và khả năng khai mở và phát triển hiểu biết
và thương yêu nơi bản thân mình và khả năng thực tập hành đạo
của cá nhân và của đoàn thể mình.
Xin các vị hương linh, chư vị cô hồn đọc theo thầy để phát ba
lời nguyện lớn, xin đại chúng hộ niệm cho chư hương linh và đọc
theo cùng một lượt với hương linh.
“Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong
cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu
biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc
đời tỉnh thức.
Đã về nương tựa Phật, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc
đời.
Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp
môn chuyển hóa.
Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng dìu dắt
và nâng đỡ trên con đường thực tập.
Về nương Phật trong con, xin nguyện cho mọi người thể nhận được
giác tính, sớm mở lòng bồ đề.
Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người nắm vững các
pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người xây dựng nên
bốn
chúng, nhiếp hóa được muôn loài.
Hương linh đã tạo ra nghiệp xấu cũng vì tâm niệm tham sân si do
thân miệng ý phát sinh ra, tất cả hương linh đều sám hối.
Cô hồn đã tạo ra nghiệp xấu cũng vì tâm niệm tham sân si do thân
miệng ý phát sinh ra, tất cả cô hồn đều sám hối.
Nam mô Bồ Tát Cầu Sám Hối (3)”
“Con đã gây ra bao lầm lỡ,
khi nói, khi làm, khi tư
duy,
đam mê,
hờn giân và ngu si.
Nay con chí thành xin sám hối.
Một lòng con
cầu Phật chứng tri.
Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới.
Nguyện sống
đêm ngày trong chánh niệm.
Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa.
Nam mô Bồ Tát Cầu Sám Hối (3)”
Truyền giới cho hương linh
Các vị hương linh các vị cô hồn, bây giờ tôi xin tuyên đọc năm
giới. Những người quy y và thọ trì năm giới là những người được
Bụt Pháp và Tăng che chở, chắc chắn được chuyển hóa và siêu
thăng. Đây là nội dung của năm giới xin các vị hương linh xin
các vị cô hồn lắng nghe và hành trì.
Giới thứ nhất bảo hộ sinh mạng, ý thức được những sự khổ đau do
sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự
sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hai sinh
mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại
dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con. Đó
là giới thứ nhất bảo hộ sinh mạng, xin các hương linh xin các
giới cô hồn tiếp nhận để hành trì.
Đây là giới thứ hai của năm giới: Ý thức được những khổ đau do
lường gạt, bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ
để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người, mọi loài. Để chia
sẽ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật
sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của
cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư
hữu của kẻ khác. Nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho
họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của
con người và của muôn loài. Đây là giới thứ hai của năm giới quý
báu, nguyện không trộm cắp, không lấy làm tư hữu bất cứ một của
cải nào không phải do mình tạo ra. Xin các vị hương linh xin các
giới cô hồn tiếp nhận để hành trì.
Đây là giới thứ ba của năm giới quý báu. Ý thức được những khổ
đau do thói tà dâm gây ra con xin học theo tinh thần trách nhiệm
để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia
đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không
phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức rằng những hành động
bất chính sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính bản
thân con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác
thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác.
Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà
dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống
đôi lứa. Đây là giới thứ ba của năm giới quý báu, không tà dâm,
bảo vệ cho các lứa đôi và bảo vệ cho trẻ em. Xin các vị hương
linh xin các giới cô hồn tiếp nhận để hành trì.
Đây là giới thứ
tư
của năm giới quý báu. Sử dụng ái ngữ và
phương pháp lắng nghe. Ý thức được những khổ đau do lời nói
thiếu chính niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng
nghe, để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của
người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc và khổ đau cho
người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin
an vui và hy vọng. Những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu
biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự
thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện
không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật.
Không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con
nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia
đình và trong đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và
đoàn thể. Đây là giới thứ tư của năm giới quý báu thực tập lắng
nghe và ái ngữ. Xin các vị hương linh và các giới cô hồn tiếp
nhận để hành trì.
Đây là giới thứ năm của năm giới quý báu: Tiêu thụ trong chính
niệm. Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và các độc
tố gây ra. Con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức
khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chính niệm trong
việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có
thể đem lại an lạc cho thân và tâm con và cho thân tâm gia đình
và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các
chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc
tố, trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách
báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm
bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên cha mẹ và cũng là
phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động,
căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cử
cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết pháp kiêng
khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân tâm thức cộng đồng
và xã hội. Đây là giới thứ năm của năm giới quý báu, không sử
dụng rượu, các chất ma túy và các sản phẩm có độc tố. Xin các vị
hương linh và chư vị cô hồn tiếp nhận để hành trì.
Nói với hương linh
Xin các vị hương linh, xin các giới cô hồn lắng nghe.
Kính thưa liệt vị hương linh, quý vị là cha chúng tôi, quý vị là
chồng của chúng tôi, quý vị là anh trai chúng tôi, quý vị là em
trai của chúng tôi, quý vị là con trai của chúng tôi, quý vị
cũng là mẹ của chúng tôi, quý vị cũng là vợ của chúng tôi, là
chị gái của chúng tôi, là em gái của chúng tôi, là con gái của
chúng tôi. Trong cơn binh lửa, trong cảnh tao loạn, quý vị đã bỏ
lại hình hài quý giá của quý vị mà đi, chúng tôi đã đánh mất quý
vị. Quý vị hoặc đã chiến đấu dũng cảm cho đất nước và đã chết
một cách hào hùng không hề thương tiếc thân mạng, chúng tôi rất
hãnh diện về quý vị. Nhưng quý vị có thể cũng đã bỏ mình trong
những hoàn cảnh cực kỳ bi thương, nỗi oan khổ không thể nào nói
lên được. Trên rừng sâu, trong biển cả, nơi chốn tù đày, chết vì
bom đạn hoặc vì kiệt sức hoặc vì bị bức bách, bị hãm hiếp rồi bị
sát hại mà không có phương tiện chống cự lại. Có biết bao nhiêu
quý vị đã ngã quị mà nắm xương tàn không biết đang được chôn vùi
ở đâu. Những tai ương mà đất nước và dân tộc ta phải chịu đựng
trong bao nhiêu năm tranh đấu cho độc lập và cho tự do, chính
quý vị là người phải gánh chịu nhiều nhất.
Chúng tôi những người thân thuộc và đồng bào của quý vị hôm nay
tới đây thắp hương tưởng niệm quý vị hoặc thiết lập bàn thờ cho
quý vị trước hiên nhà. Trong chúng tôi cũng có những người vẫn
còn tiếp tục gánh chịu oan khổ. Nhưng may thay cơn ác mộng đã
qua, đất nước đã được hòa bình, dân tộc đang có cơ hội xây dựng
kiến thiết trở lại. Nhờ phúc đức tổ tiên, chúng tôi hôm nay mới
có cơ hội đến với nhau một cách chính thức, chắp tay nguyện cầu
Tam bảo, nhờ pháp lực gia trì, thỉnh cầu tất cả liệt vị trở về
đoàn tụ. Cũng nhau cầu nguyện để giải trừ nghiệp cũ, mở ra một
vận hội mới, nhìn nhận nhau, ôm lấy nhau, thương lấy nhau như
đồng bào ruột thịt, không còn phân biệt Bắc Nam, gái trai, già
trẻ, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái và ý thức hệ. Tất cả chúng
ta đều là đồng bào của nhau, gặp vận nước ruổi ro, trên đường
tranh đấu cho độc lập cho tự do, bị dồn vào thế đối lập nhau, vì
tự vệ mà phải chống đối nhau. Nhưng phúc đức tổ tiên để lại vẫn
còn cho nên hôm nay tất cả chúng ta mới được về lại với nhau để
nhìn nhận nhau như con một nhà, để cùng hứa với nhau là sẽ học
cho thật thuộc bài học của đau thương trong quá khứ.
Nguyện từ nay về sau không để cho đất nước bị chia cắt một lần
nào nữa, nguyện từ nay về sau khi có khó khăn nội bộ sẽ không
nhờ đến bất cứ một thế lực ngoại bang nào can thiệp nữa. Nguyện
từ nay về sau sẽ không khởi xướng một cuộc chiến tranh ý thức hệ
nào nữa. Nguyện từ nay về sau sẽ không sử dụng vũ khí bên ngoài
để tranh đấu với nhau nữa. Nguyện từ nay về sau nỗ lực xây dựng
một xã hội thật sự dân chủ để có thể giải quyết tất cả mọi bất
đồng bằng những phương thức hòa bình dân chủ mà không sử dụng
đến những phương tiện tranh đấu bạo động giữa người đồng bào với
nhau.
Lạy chư vị tổ tiên huyết thống và chư vị tổ tiên tâm linh của
chúng con chứng minh, trước mặt quý ngài chúng con xin kính cẩn
phát nguyện như thế. Và chúng con biết rằng một phen đã phát
nguyện được như thế thì mọi oan ức đau khổ sẽ được hoàn toàn
giải tỏa. Và những vết thương hằn sâu trong tất cả mọi chúng con
sẽ bắt đầu được chữa lành.
Hôm nay đại trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan được thành lập,
mọi nhà đều có thiết lập bàn thờ cầu nguyện. Chúng con ngưỡng
nguyện ơn trên tam bảo độ thoát cho tất cả mọi hương linh, mọi
cô hồn để tất cả được nương vào pháp lực vô song mà được chuyển
hóa và siêu thăng.
Kính thưa các vị hương linh, chúng tôi và các con cháu nguyện sẽ
lên đường tiếp tục chí hướng của liệt vị hương linh. Chúng tôi
nguyện mang quý vị trong trái tim để đi về hướng tình huynh đệ
và nghĩa đồng bào. Chúng tôi luôn luôn nhớ rằng bầu và bí đều có
thể leo chung một giàn và gà cùng một mẹ không nên bao giờ bôi
mặt đá nhau. Và tuệ giác đó của tổ tiên sẽ soi đường chỉ lối cho
con cháu chúng ta bây giờ và mãi mãi.
Mời đại chúng niệm Bụt Thích Ca Mâu Ni.
Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.
[1]
Chép lại theo băng ghi âm, tựa và chú thích của người biên
dịch
[2]
A-dục
vương
(阿育王,
Ashoka)
(304
BCE–232
BCE)
hoàng đế của đế quốc
Maurya Empire,
gồm
vùng
Nam Á,
Bắc
từ Afghanistan
Tây
đến Bengal,
Nam
đến
tận Mysore của bán đảo Ấn Độ
[3]
Vijnaptimatra
: "Conscious only", hay Vijnanavada: "The doctrine of
consciousness".
[4]
Vijnapti:
manifest, biểu
hiện
[5]
Ghi lại – chưa có dịp kiểm chứng tên người - Heather
Queenbeth ?
|