PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

. . .  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (. . .  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (. . .  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Mất Còn trong cõi Sống Chết (3)

 

  • Tháng VI 2007 - Lê Thạch Thất biên tập : [1]
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 22. 4.2007  Trai Đàn Chẩn Tế
    tại Chùa Non Nước, Sóc Sơn - Hanoi (Ngày thứ Ba)

    Â
    m thanh MP3 : Phần 1 (12.5MB)  Phần 2 (12.7MB) 
     

Kính thưa các vị tôn đức,
Các thầy, các sư cô, các vị quan khách và chư vị Phật tử cư sĩ.

 

1. Tào Khê, dòng suối tâm linh

Chúng ta bắt đầu buổi pháp thoại hôm nay bằng xướng tụng bài Tào Khê, rồi danh hiệu đức Quan Thế Âm Bồ Tát bằng tiếng Phạn. Xin mời tất cả tham dự bằng cách ngồi cho yên, thoải mái buông thư, mở lòng ra để cho năng lượng của đức Bồ Tát có thể đi vào trong cơ thể và trái tim của mình. Đức Bồ Tát tên là Quan Thế Âm và tiếng Phạn là Avalokitesvara[2] , từ thế kỷ thứ bảy trở đi thì được dịch là Quán Tự Tại.

Avalokitesh là nhìn cho sâu, nhìn cho kỹ. Nhìn cho thấy, thấy cho sâu, đó tức là “quán” tức là nhìn cho sâu, nhìn cho kỹ, nhìn cho chăm chú. Và svara có nghĩa là tự tại, quán tự tại, svara là tự do, là trạng thái không có bị ràng buộc, không có bị hệ lụy, không có bị câu thúc, đó là trạng thái của giải thoát. Svara cũng là tên của một vị trời Tự Tại, Mahasvara [3] là Đại tự tại. Quán tự tại nó có nghĩa là thực tập nhìn cho sâu, lắng nghe cho kỹ để thấy được tự tính của thực tại và trở thành một con người tự do, cho nên gọi là Quán tự tại. Khi chúng ta trì tụng bằng tiếng Anh thì chúng ta đọc là “Nam mô Avalokitesvara”.

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng bài Tào Khê thủy bằng tiếng Việt.

Tào khê một dòng biếc
Chảy mãi về phương đông
Quan Âm bình nước tịnh
Tẩy sạch dấu phong trần
Cành dương rưới Cam Lộ
Làm sống dậy mùa xuân
Đề hồ trong cổ họng
Làm lắng dịu muôn lòng
Nam mô Bồ Tát Cam Lộ vị.

Tào khê là tên một dòng suối.  Dòng suối này là dòng suối tâm linh, là một dòng Thiền ở phương Đông. Dòng suối Tào Khê đã nuôi dưỡng dân tộc ta trong bao nhiêu thế kỷ. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có đời sống kinh tế, đời sống vật chất. Nhưng mà chúng ta cũng có một đời sống tâm linh, một đời sống tinh thần. Nếu có được đời sống tinh thần, đời sống tâm linh thì chúng ta có thể tháo gỡ được những khó khăn, những bức xúc, những tuyệt vọng ở trong con người chúng ta. Cho nên trong đời sống của bất cứ ai, cũng cần có một chiều hướng tâm linh. Chúng ta là nhà chính trị, là nhà kinh tế, là nhà giáo dục, là công nhân viên, tất cả chúng ta đều cần có một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày. Nếu không có chiều hướng tâm linh đó thì chúng ta không có thể nào có khả năng tháo gỡ được những khó khăn trong lòng và giúp cho những người thương của chúng ta tháo gỡ những khó khăn của họ. Tào Khê là một dòng nước tâm linh, đã cung cấp chất liệu tâm linh cho dân tộc ta trong bao nhiêu thế kỷ. Đó là dòng suối phát nguyên từ đạo Phật, một dòng Thiền. Nếu dòng suối đó bị bế tắc, thì chúng ta phải khơi thông suối nguồn, để cho nó luân lưu trở lại. Có những giai đoạn lịch sử khó khăn bế tắc, chúng ta thiếu chất liệu tâm linh, chúng ta làm khổ nhau, chúng ta giết hại nhau. Muốn vượt thắng những giai đoạn khó khăn đó của đất nước của dân tộc, chúng ta phải làm thế nào để khơi mở lại được dòng tâm linh. Tào khê một dòng biếc. Chảy mãi về phương Đông.

Dòng Tào Khê hiện bây giờ đã được đem sang Tây Phương, để cống hiến cho người Tây Phương. Thiền Việt Nam hiện bây giờ đang được nhiều thiền sinh Tây Phương thực tập. Dòng Tào Khê hiện bây giờ đang hướng về phương Tây. Tào khê một dòng biếc. Chảy mãi về phương Đông, bây giờ nó hướng về cả phương Tây. Trong ca dao, chúng ta có một bài có nhắc tới Tào Khê.

Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Đêm đêm tưởng giải ngân hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

Dòng suối tâm linh của chúng ta vẫn còn đó. Chúng ta là những Phật tử của thế hệ mới, của thế kỷ thứ hai mươi mốt, chúng ta phải làm thế nào để khơi thông được suối nguồn đó để cho dòng Tào Khê được tiếp tục chảy mãi về phương Đông và chúng ta có thể hướng nó về phương Tây để độ cho người phương Tây.

Tào khê một dòng biếc
Chảy mãi về phương đông
Quan Âm bình nước tịnh
Tẩy sạch dấu phong trần
Cành dương rưới Cam Lộ
Làm sống dậy mùa xuân

Có khi đời sống của chúng ta khô cằn và như một cành cây khô không có sinh khí. Nhưng mà nếu có được một giọt nước Cam Lộ tình thương trong tịnh bình của đức Bồ Tát Quan Thế Âm, thì cành khô đó có thể biến trở lại thành một mùa xuân. “Sái cam lộ nhi tác dương xuân”, đó là chất liệu, đó là phép lạ của tình yêu, của tình thương, của lòng từ bi. Chỗ nào không có lòng từ bi thì chỗ đó khô cằn không có sự sống. Chỗ nào có lòng từ bi thì làm sống dậy được mùa xuân của sự sống của hạnh phúc. Vậy nên nước tịnh thủy của đức Quan Thế Âm là nước của Tào Khê. Tất cả chúng ta, những người con cháu của dòng Tào Khê, chúng ta có bổn phận phải làm thế nào để khơi thông suối nguồn của dòng Tào Khê, để chúng ta có được Cam Lộ tịnh thủy của tình thương, của từ của bi. Nó làm cho cuộc đời chúng ta trở nên tươi mát, đẹp đẽ, hạnh phúc. Nó tưới lên những cuộc đời khô cằn chết chóc để có thể làm lại được mùa xuân. Cành dương rưới Cam Lộ. Làm sống dậy mùa xuân. Đó là một sự thực tập. Đề hồ trong cổ họng. Làm lắng dịu muôn lòng. Chung quanh ta có những người sống mà không có tình thương, không có hiểu biết, chưa bao giờ có cảm thưởng là mình được hiểu và được thương. Chúng ta sống như những con quỷ đói, chúng ta không phải đói cơm, đói áo - chúng ta đói hiểu, đói thương. Khi chúng ta thực tập được thì chúng ta có thể làm phát ra chất liệu của Từ của Bi. Mình chế tác được Hiểu tức là Đại Trí và Bi tức là Đại Từ, Thương tức là Đại Bi. Với chất liệu đó, chúng ta có thể làm cho bản thân chúng ta và cho những người khác chấm dứt được sự đói khát. Chúng ta đói khát Hiểu và Thương, nhiều người trong chúng ta than phiền rằng trong cuộc đời chưa có ai hiểu mình được và chưa có ai thật sự thương mình.  Chúng ta là những cô hồn cổ họng bé bằng cây kim, chúng ta rất đói hiểu và đói thương. Đức Quan Thế Âm là người có thể cung cấp cho chúng ta giọt nước Cam lồ, chúng ta nuốt được một giọt nước đó thì cổ họng nhỏ bằng cây kim của chúng ta sẽ lấy lại được dung tích thông thường của nó và chúng ta bắt đầu có thể tiếp nhận được Hiểu và Thương. Chúng ta có thể chế tác được Hiểu và Thương để mà cung cấp cho những người khác cũng đang đói về Hiểu và về Thương. Đó là chất liệu của dòng Tào Khê.

Tăng thân sẽ trì tụng bài Tào Khê và niệm danh hiệu đức Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn. Trong khi đó nếu chúng ta ngồi cho thoải mái, ngồi cho buông thư, mở lòng ra, mở trái tim ra thì năng lượng của đức Bồ Tát có thể đi vào trong cơ thể. Năng lượng này có thể làm lắng dịu những căng thẳng, những đau nhức trong cơ thể. Trong chúng ta người nào cũng có những căng thẳng, những đau nhức trong cơ thể, nếu chúng ta biết ngồi cho thoải mái, mở lòng ra, mở tâm hồn ra thì năng lượng của Bồ Tát, năng lượng của tam bảo, của chư tăng sẽ đi vào được và sẽ ôm ấp, sẽ làm lắng dịu những căng thẳng, những đau nhức đó. Nếu chúng ta có những nỗi khổ, niềm đau chất chứa lâu ngày mà chưa có chuyển hóa được thì chúng ta hãy mở trái tim ra để cho năng lượng của đức Bồ Tát có thể đi vào ôm ấp, làm lắng dịu và chuyển hóa nó. Chỉ cần mở trái tim ra lắng nghe để cho giọt nước cam lồ đi vào trong trái tim. Thì trong năm phút, bảy phút, mười phút, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàn dễ chịu hơn nhiều. Nếu chúng ta có một người thân đang bị khổ bệnh, đang mang một nỗi u sầu tuyệt vọng lớn, hôm nay không có thể về chùa được để tham dự đại trai đàn. Chúng ta có thể ngồi đây và gởi năng lượng này về cho người đó bằng cách là gọi tên người đó một cách thầm lặng trong đầu của mình, hay là nghĩ tới người đó thì năng lượng vĩ đại của đức Bồ Tát và của Tam Bảo hôm nay ở tại chùa Non sẽ được gỡi về cho người đó, truyền về cho người đó ngay trong giây phút hiện tại và người đó sẽ có sự chuyển hóa trong người, cảm thấy nhẹ nhàn hơn và lấy đi những đau nhức những căng thẳng trong thân và trong tâm. Xin mời tất cả chư vị tôn túc, các thầy các sư cô, các Phật tử và các vị khách quý ngồi cho thật thoải mái buông thư, đây là giờ phút chúng ta thực tập với nhau, để ý tới hơi thở mở lòng ra và có mặt thật sự.

 

2. Thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt

Kính thưa chư vị tôn đức, kính thưa các thầy, các sư cô, các Phật tử cư sĩ và các vị khách quý.
Trong ba ngày Đại trai đàn chẩn tế, chúng ta có ba bài thuyết pháp với đề tài là người thương của tôi đã mất, tôi làm sao để có thể tiếp xúc với người đó và tôi có thể làm gì để cho người đó được chuyển hóa và siêu thăng. Hôm nay là bài pháp thoại thứ ba về đề tài đó. Tôi muốn ôn lại một vài điều chúng ta đã được nghe ngày hôm kia và ngày hôm qua.

Ngày hôm kia và ngày hôm qua, chúng ta đã thực tập quán chiếu về một đám mây, về một giọt nước, về một tờ giấy, về một cây bắp con. Chúng ta đã tìm ra rằng đám mây không thể nào từ không mà trở thành có và cũng không thể nào từ có mà trở thành không. Trước khi đám mây xuất hiện dưới hình thức của đám mây thì đám mây đã là một gì rồi, đám mây đã là sông hồ, là biển cả, là sức nóng của mặt trời, là hơi nước. Vậy nên đám mây không phải từ không mà trở thành có. Khi đám mây trở thành mưa, hay là trở thành tuyết, thì đám mây không phải từ có mà trở thành không. Trong đầu của chúng ta, chúng ta nghĩ rằng sinh ra nghĩa là từ không mà trở thành có và chết đi có nghĩa là từ “có” mà trở thành “không”. Nhưng quán sát cho kỹ, chúng ta thấy rằng không có gì có thể từ “không” mà trở thành “có” và không có gì từ “có” mà trở thành “không”. Một đám mây không thể nào từ có mà trở thành không được, một đám mây không thể nào chết được. Một đám mây chỉ có thể trở thành mưa, hay là tuyết, hay là nước đá. Một đám mây không thể nào từ có mà trở thành không và tự tính của đám mây là vô sinh bất diệt. Người thương của chúng ta cũng thế, người thương của chúng ta không phải từ không mà trở thành có và sau khi xác thân tan hoại rồi không phải là từ có mà trở thành không. Vậy nên chúng ta vẫn tiếp xúc được với người thương trong hình thái biểu hiện mới của người ấy, chúng ta có thể nói chuyện, chúng ta có thể cầm tay nhau đi chơi, chúng ta có thể truyền thông, chúng ta có thể “sờ mó” được người thương của chúng ta. Quán chiếu về tính không sinh, không diệt của vạn hữu, nó giúp cho chúng ta hiểu được vấn đề một cách sâu sắc hơn. Nhà khoa học Pháp Lavoisier có nói rằng - không có gì sinh ra và cũng không có gì chết đi. Lời nói của nhà khoa học đó giống hệt như là Tâm Kinh Bát Nhã - Thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt. Hai ngành khoa học khác nhau, một ngành khoa học vật lý và một ngành Phật học đã nói lên một câu nói giống hệt như nhau -  không có gì sinh ra và cũng không có gì diệt đi, bản chất của vạn hữu là không sinh không diệt. Chúng ta đã quán chiếu về giọt nước mưa rơi ở trên đất khô, chỉ trong nháy mắt là hạt nước thấm vào lòng đất và ta thấy như là hạt nước không còn. Kỳ thực hạt nước không còn trong hình thái mà ta thấy đó trước đây một phút, nhưng bây giờ nó không phải đã trở thành số không, nó vẫn còn dưới một hình thái khác. Hạt nước rơi trên tảng đá đã bốc thành hơi, tuy rằng hình thức giọt nước mà chúng ta quen biết trước đây một hai phút nó không còn đó nữa, nhưng mà giọt nước vẫn còn trong hình thái mới, nó đã trở thành một phần của đám mây. Vậy nên hai ý niệm về “còn” và “mất” chúng ta phải quán chiếu để chúng ta có thể hiểu được bản chất của người thương chúng ta. Ngày hôm qua chúng ta đã quán chiếu về một ngọn lửa. Chúng ta biết rằng ngọn lửa không sinh và cũng không diệt, nó có thể biểu hiện cho chúng ta thấy và nó có thể ẩn tàng để chúng ta không thấy. Nhưng mà ngọn lửa cũng không sinh không diệt, ngọn lửa không từ đâu tới và cũng sẽ không đi về đâu. Ngọn lửa không từ phương Nam tới, không từ phương Bắc tới. Ngọn lửa sau khi tắt, không đi về phương Nam, không đi về phương Bắc. Bản chất của ngọn lửa là không tới, cũng không đi, vô khứ vô lai.

Hôm nay để kết thúc công trình quán chiếu của chúng ta, chúng ta hãy nói tới ý niệm không một và không khác. Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh của hạt bắp, hạt ngô. Khi chúng ta gieo hạt ngô xuống dưới đất ướt, hạt ngô bắt đầu chuyển động và sau mấy ngày nó bắt đầu trở thành một cây bắp con. Khi cây bắp con biểu hiện, chúng ta không có thấy hạt bắp ngày xưa nữa và chúng ta nói hạt bắp đã chết. Kỳ thực hạt bắp không chết, hạt bắp chỉ biến thành cây bắp con mà thôi. Chúng ta thấy một điều rất rõ rệt cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Chúng ta hỏi hạt bắp với cây bắp đó là hai hay là một? Nói là hai thì cũng không đúng, tại vì nếu không có hạt bắp thì làm gì có cây bắp. Nói là một thì cũng không đúng, tại vì cây bắp nó rất là khác với hạt bắp. Vậy nên sự thật thuộc về tự tính của hạt bắp và cây bắp, là không phải một mà cũng không phải là hai, phi nhất phi dị. Hôm qua chúng ta đã mời ngọn lửa nó biểu hiện để chúng ta có thể nhận diện được nó. Bây giờ tôi xin mời ngọn lửa nó biểu hiện lại để chúng ta quán sát thêm. Ngọn lửa ơi! biểu hiện đi. Ngọn lửa biểu hiện, chúng ta biết rằng ngọn lửa này không phải từ phương Đông tới, cũng không phải từ phương Nam tới. Chúng ta biết rằng ngọn lửa này sau khi tắt đi sẽ không đi về phương Đông, hay là về phương Nam, bản chất của nó là không tới không đi. Khi nào điều kiện thuận lợi thì nó biểu hiện, khi nào điều kiện không thuận lợi thì nó ẩn tang, để rồi nó biểu hiện một cách khác, nó không tới không đi. Bây giờ tôi xin mồi ngọn lửa này, vào trong một cây nến, và thay vì có một ngọn lửa chúng ta có hai ngọn lửa. Tôi xin hỏi quý vị tôn đức, quý vị thượng tọa, quý thầy quý sư cô quý vị khách quý, quý vị Phật tử xem là ngọn lửa này nó là một hay hai ngọn lửa khác nhau? Hiện bây giờ chúng ta đang có ba ngọn lửa và chúng ta sẽ hỏi ba ngọn lửa. Này ba ngọn lửa kia ơi! Quý vị là ba ngọn lửa khác nhau hay là quý vị chỉ cùng là một ngọn lửa. Đó là câu hỏi, đó là đầu đề của thiền quán. Những ngọn lửa có biết nói không, cố nhiên là nó biết nói, nhưng mà chúng ta phải học ngôn ngữ của nó chúng ta mới nghe được. Nếu chúng ta có niệm và có định thì chúng ta có thể nghe và hiểu được ngôn ngữ của lửa. Những ngọn lửa nói với chúng ta như thế nào?  Chúng tôi không phải là ba ngọn lửa khác nhau, mà chúng tôi cũng không phải là một ngọn lửa. Tự tính của chúng tôi là không phải một cũng không phải khác. Vậy trong kinh dạy mà chúng ta gọi là “sinh”, không phải là sinh, mà chúng ta gọi là “diệt”, không phải là diệt. Bản chất của vạn hữu là không-sinh-không-diệt, không-tới-không-đi, không-có-không-không, không-một-không-khác. Nhưng đạt được tới tuệ giác đó thì chúng ta có thể tháo gỡ được những khó khăn nào? Những khổ đau nào trong đời sống hàng ngày?

 

3. tam luân không tịch

Sáng hôm nay, đại chúng đã ngồi thiền và chúng ta đã quán chiếu và thấy được sự có mặt của bố mẹ trong từng tế bào cơ thể. Thở vào tôi nhận diện sự có mặt của bố tôi trong từng tế bào cơ thể tôi, thở ra tôi mỉm cười với bố tôi trong từng tế bào cơ thể tôi. Mình thấy rõ ràng rằng mình là sự tiếp nối của bố. Thở vào tôi thấy sự có mặt của mẹ tôi trong từng tế bào cơ thể tôi, thở ra tôi mỉm cười với mẹ tôi trong từng tế bào cơ thể.

Chúng ta dùng hình ảnh chúng ta quán chiếu và chúng ta tiếp xúc được với sự thật. Chúng ta biết rằng mẹ ta không phải chỉ ở ngoài ta, mà mẹ cũng ở trong ta. Mẹ ta trong ta có thể khác hơn mẹ ta ở ngoài ta một chút. Cũng như mẹ ta hồi năm tuổi rất là khác với mẹ ta lúc hai mươi tuổi. Tại vì vạn vật là vô thường.

Mỗi khi chúng ta đi tắm gương sen hay là tắm hồ tắm sông, chúng ta có cơ hội ngắm nhìn thân thể của chúng ta, ngắm nhìn hình hài của chúng ta. Người tu là phải luôn luôn có mặt để quán chiếu, khi mình cởi áo ra mình phải ngắm thân thể của mình, mình phải biết rằng thân thể đó đang có mặt. Mình đặt câu hỏi thân thể này là do ai trao truyền cho ta?  Ai là người trao truyền thân thể này cho ta? Cố nhiên câu trả lời là cha mẹ sinh ra ta, như vậy là cha mẹ trao truyền hình hài này cho ta.

Nói đến trao truyền, chúng ta phải nói đến yếu tố: người trao truyền, vật trao truyền và kẻ tiếp nhận sự trao truyền. Nếu không có ba yếu tố đó thì làm gì có sự trao truyền. Sự trao truyền nó có nghĩa là ba yếu tố người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận sự trao truyền.

Cha mẹ là người trao truyền cho ta, đó là yếu tố đầu, cha ta trao truyền, mẹ ta trao truyền cho nên ta có hình hài này. Nhưng mà chúng tôi xin đặt một câu hỏi để quý vị quán chiếu, cha mẹ đã trao truyền cái gì cho ta? Tôi có một cây đèn nến, tôi có thể đưa cho thượng tọa viện trưởng học viện và nói rằng tôi trao truyền cho thượng tọa một cây đèn nến.

Nhưng trong trường hợp cha mẹ trao truyền, thì cha mẹ trao truyền không phải là cây đèn nến mà cha mẹ trao truyền bản thân của chính cha mẹ. Tại vì trong mỗi tế bào cơ thể chúng ta có đầy đủ những cái gien của cha và của mẹ. Những nhiễm thể trong từng tế bào cơ thể là những vật trao truyền và chính đó là tinh hoa của cha và của mẹ. Tất cả những đau khổ những hạnh phúc những tài năng, những kinh nghiệm của cha mẹ đều được dồn chứa trong những nhiễm thể đó, những gien đó. Cha mẹ nói rằng cha mẹ trao truyền, cha mẹ trao truyền cái gì? Cha mẹ đã trao truyền chính bản thân cha mẹ cho mình và giữa hai người trao truyền và vật trao truyền không có ranh giới, người trao truyền và vật trao truyền là một. Tại vì cha mẹ đã trao truyền bản thân của cha mẹ cho ta. Và chúng ta thấy tính tương tức, tương quan, tương duyên, tương liên giữa hai yếu tố đầu là người trao truyền và vật trao truyền; Người trao truyền và “vật” trao truyền là một.

Bây giờ chúng ta nói đến yếu tố thứ ba là người tiếp nhận trao truyền. Ai là người đã tiếp nhận cái-đã- được cha mẹ trao truyền? Và người trao truyền có là một thực tại tách rời ra khỏi hai yếu tố trước không? Không, người trao truyền cũng chính là một với vật-trao-truyền, người nhận trao truyền cũng là một với vật-trao-truyền.

Ba yếu tố đó không có thể tách rời ra được, đó trong đạo Phật gọi là “tam luân không tịch”. Đây là một giáo lý rất là thậm thâm vi diệu của đức Thế Tôn. Chúng ta nói tới bố thí cũng vậy, người bố thí, vật bố thí và người tiếp nhận bố thí. Khi thấy được tính tam luân không tịch thì chúng ta mới hiểu thế nào là bố thí chân thật. Trao truyền cũng vậy, chúng ta có cơ hội mỗi ngày tắm một lần, hoặc hai lần, mùa hè có thể là ba lần, tại vì nó nóng qua. Mỗi khi mà chúng ta thoát y, chúng ta có cơ hội thấy được hình hài toàn vẹn của ta và chúng ta phải có mặt để quán chiếu hình hài này là của bố mẹ trao truyền. Bố mẹ đã trao truyền bản thân của bố mẹ cho mình và mình là người tiếp nhận trao truyền, mình cũng là một với bố mẹ, mình là sự tiếp nối của bố mẹ, cũng như là cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Nói rằng cây bắp với hạt bắp là một thì hình như không được đúng lắm, nói rằng cây bắp là một thực tại độc lập đối với hạt bắp thì cũng không có đúng. Và vậy nên sự thật nó nằm ở chỗ trung đạo nghĩa là không phải một, mà cũng không phải hai, đó là một tuệ giác rất là thậm thâm, rất là sâu sắc ở trong đạo Phật. Vậy áp dụng như thế nào? 

 

4. không phải một nhưng mà không phải hai

Có những đứa con giận bố và có những người bố giận con, có những người bố muốn từ con. “Mày không phải là con tao, mày đi đâu thì đi”, “tao không có nhận ra mày là đứa con của tao”, “đứa con của tao phải thế này thế này thế này, mày không phải thế này thế này thế này, mày không phải là con trai của tao, mày không phải là con gái của tao”. Có những người bố nói như vậy, người bố đó không có thấy được sự thật là làm sao để từ con được. Tại vì con trai của mình, con gái của mình là sự tiếp nối của mình. Mình đã lên đường và mình đã trao truyền bản thân của mình cho con trai, con gái của mình. Con trai, con gái của mình mang mình lên đường, không có lấy lại được nữa. Và vậy nên nói rằng – “mày không phải con tao” không có đúng. Sự thật rất là phủ phàng, sự thật rất là hiển nhiên là con trai của ông chính là ông đó, ông không thể nói rằng nó không phải là con ông. Nói nó không phải là con ông tức là ông không có trí tuệ. Ông không có thể nào từ con được, chỉ có một con đường thôi, là ông phải hòa giải với đứa con, nếu ông muốn có một tương lai. Tại vì con ông đã mang ông đi về tương lai rồi và sau này ông được tiếp nối đẹp đẽ hay không tiếp nối đẹp đẽ là do đứa con hết. Cho nên ông phải giúp đứa con, để đứa con có thể tiếp nối cho ông một cách đẹp đẽ.

Khi một người thanh niên, một người thiếu nữ giận bố, giận mẹ mà phát ngôn như thế này “cái ông đó hả, tôi không muốn có dính líu gì tới ông hết”, “tôi hận ông vô cùng, tôi muốn trong đời tôi không có gì dính líu với ông hết”. “Cái bà đó hả, không phải là mẹ tôi đâu”, “tôi muốn không có gì dính líu tới bà đó hết, bà đó rất là tàn ác, bà đó không phải là mẹ tôi.” Nói như vậy, mình cũng không có trí tuệ, tại vì mình là gì, mình chỉ là sự tiếp nối của bố, mình chỉ là sự tiếp nối của mẹ, mình không có thể nào lấy bố ra khỏi mình được, mình không có thể nào lấy mẹ ra khỏi mình được. Tại vì bố với mình không phải hai, tuy là không phải một nhưng mà không phải hai. Và khi người con thấy rõ ràng mình là sự tiếp nối của bố, mình không có thể nào lấy bố ra khỏi mình được thì người con đó chỉ có một con đường đi thôi là hòa giải với bố trong tự thân, để rồi có thể hòa giải với bố ở ngoài tự thân. Tại vì bố có mặt ở ngoài nhưng mà bố có mặt ở trong, bố có mặt ở trong là tương lai.

Vậy tôi xin mời quý vị quán chiếu, cái đĩa này chúng ta chia làm ba phần, một,  hai, ba. Hai phần trên, một bên là bố, một bên là mẹ, phần dưới là mình. Nhưng mà chia như vậy không có đúng, làm gì trong một con người mà có tới ba người, bố mẹ và mình. Không!   Bố với mẹ kết hợp lại với nhau là một, bố với mẹ kết hợp với mình cũng là một. Vậy nên mình không phải là một phần ba, mình là cả ba phần. Và mình phải nuôi bố ở trong mình, mình phải nuôi mẹ ở trong mình và mình phải đưa bố và mẹ đi lên, đi cách nào đẹp nhất.

Tôi đề nghị trưa nay ăn cơm, chúng ta hãy quán chiếu với nhau, khi nâng bát cơm lên, chúng ta múc một thìa cơm chúng ta bỏ vào miệng và chúng ta nói rằng - bố ơi con đang nuôi bố, mẹ ơi con đang nuôi mẹ, tổ tiên ơi con đang nuôi tổ tiên. Đúng vậy, đây không phải là triết lý, đây là sự thật. Mỗi thìa cơm mà chúng ta ăn, chúng ta nuốt vào người là để nuôi ta cũng là để nuôi bố ta mẹ ta và tổ tiên ta ở trong ta. Tại vì bố mẹ ta tổ tiên ta chưa bao giờ từng chết. Tại vì các ngài đã trao truyền bản thân của các ngài cho chúng ta và chúng ta mang các ngài về tương lai. Và vậy nên khi mà ta ăn một miếng cơm là ta ăn cho bố, ta ăn cho mẹ, ta ăn cho tổ tiên.

Cho nên chúng ta mới có bài kệ ăn cơm trong tích môn, nuôi sống cả tổ tiên, mở đường cho con cháu, cùng tìm hướng đi lên. Đây là một bài kệ mới ở trong sách Bước Tới Thảnh Thơi. Chúng ta biết những vị sa di và sa di ni thì thực tập theo cuốn sách giáo khoa, dành cho họ là cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, Sa Di Luật Nghi Yếu Lược, quyển Thượng quyển Hạ, và Quy Sơn Đại Thiền Sư Cảnh Sách. Sách giáo khoa đó để dành cho sa di và sa di ni, sách giáo khoa đó đã được sáng tác cách đây bốn trăm năm. Thầy Độc Thể [4] là người đã làm ra những bài thi kệ mà chúng ta thực tập hàng ngày, khi ngủ dậy thì đọc bài  - tạo giác thùy miên thụy ngộ, đương nguyện chúng sinh, nhất thiết trí giác, châu khổ thập phương. Khi mà súc miệng thì có một bài kệ để súc miệng, ý nghĩa là dùng bài kệ để trở về với mình có chánh niệm biết rằng mình đang làm gì, cái gì đang xãy ra trong giây phút hiện tại. Mươi giới của sa di là do thầy Châu Hoằng trình bày. Và cuốn sách giáo khoa đó của sa di và sa di ni đã được sáng tác cách đây bốn trăm năm, nó quá xưa nó quá cũ vậy mà chúng ta vẫn sử dụng trong chùa ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc. Trong khi đó sách giáo khoa ở ngoài đời mỗi năm đều có sách giáo khoa mới về triết học, về văn học, về khoa học, năm nào cũng có sách giáo khoa mới. Mà chúng ta cứ bo bo giữ một cuốn sách giáo khoa cũ mà không có làm mới lại, như vậy chúng ta đi quá chậm, chúng ta bị tụt hậu, chúng ta không có thể nào hiện đại hóa được đạo Phật để cùng đi trên một bước tiến của xã hội văn minh. Xin các vị tôn đức, các vị giáo thọ nghĩ tới chuyện này. Ở Mai thôn đạo tràng chúng tôi đã ưu tư, đã ngồi xuống, thầy trò cùng sáng tác ra một tập sách giáo khoa mới cho sa di và sa di ni. Chúng tôi có những bài thi kệ mới, để khi mình dùng máy tính mình có một bài thi kệ, để khi mình dùng điện thoại, mình có một bài thi kệ, để khi mình bước lên máy bay, mình có một bài thi kệ. Và tôi vừa đọc để cống hiến cho quý vị một bài thi kệ mới sử dụng khi mình ăn cơm:

Ăn cơm trong tích môn.
Nuôi sống cả tổ tiên
Mở đường cho con cháu
Cùng tìm lối đi lên.

Trong khi ăn, mình thấy rõ ràng là mình không ăn cho mình, mình ăn cho bố mình, ăn cho mẹ, mình nuôi sống tổ tiên ở trong mình, mình là đứa con có hiếu. Khi ăn như vậy, mình sống một đời sống tâm linh rất là sâu sắc, mình là một con người, mình là một người tu tập, thành ra khi ăn cơm, sự ăn cơm là một sự thực tập rất là sâu sắc. Có một hôm, tôi ăn cơm với một số các thiền sinh ở trong rừng, trong một khóa tu tổ chức ở Canada. Buổi trưa hôm đó được ăn cơm picnic, ăn cơm trong rừng mát, tôi mới đi vào rừng để thăm các thiền sinh, xem họ ăn cơm có đàng hoàng không, ngồi có đẹp không, ăn cơm có chánh niệm không. Tôi tới một gốc cây đó, có một thiền sinh tên là Chân Cơ, tôi dừng lại nhìn vị thiền sinh đó ăn cơm. Vị thiền sinh đó đã ngừng ăn cơm, nhìn lên và nói với tôi một câu: thầy ơi con đang nuôi thầy, con đang ăn cho thầy. Nghĩa là thầy có mặt trong từng tế bào cơ thể con, ăn thìa cơm này tuy là nói để nuôi con, nhưng kỳ thực cũng để nuôi thầy trong con. Tôi gật đầu nói khá lắm khá lắm. Vậy khi chúng ta ăn cơm, chúng ta phải thấy được rằng chúng ta đang nuôi bố, nuôi mẹ, nuôi tổ tiên khi chúng ta ăn cơm. Như thế, chúng ta thấy có một cái thấy rất là sâu, cái thấy của chúng ta không có cạn. Khi nhìn để thấy cho thật sâu, đó là thiền quán. Trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, chúng ta phải sống như thế. Chúng ta phải có mặt, để có thể nhìn sâu, tiếp xúc một cách sâu sắc với thực tại và sống sâu sắc những giây phút của đời sống hành ngày.

Tôi xin nói tiếp một chút về cuốn sách giáo khoa cho sa di và sa di ni. Chúng tôi đã cống hiến những  bài thi kệ mới, trong đó có một bài thi kệ để đi xe đạp, một bài thi kệ để sử dụng máy tính, một bài thi kệ để sử dụng trước khi dùng điện thoại. Và  số thi kệ hiện giờ, nó giàu có hơn là số thi kệ trong tỳ ni nhật dụng thiết yếu. Chúng ta biết rằng các bài thi kệ trong tỳ ni nhật dụng thiết yếu phần lớn lấy ra từ kinh Hoa Nghiêm. Trong cuốn giáo khoa mới cho sa di và sa di ni mà chúng tôi đặt tên là “Bước tới thảnh thơi”, nó có tới bốn mươi hai thiên uy nghi. Những thiên uy nghi đó, có đầy đủ những giáo huấn để cho người sa di và sa di ni có thể thực tập được trong trường hợp sử dụng điện thư, địên thoại, máy truyền hình, xe hơi, xe gắn máy. Nếu các vị tôn đức muốn có một bản in của sách Bước tới thảnh thơi, thì hiện bây giờ sách đó hiện đang có. Các vị sa di, sa di ni, các vị giáo thọ, các vị tân tỳ kheo, tỳ kheo ni nếu muốn có sách đó thì hiện bây giờ tại chùa Non đang có mấy trăm cuốn và đây là do Mai thôn đạo tràng cúng dường. Có lẽ chúng ta sẽ dâng cho thượng tọa viện trưởng học viện để ngài có thể phân phát được cho các tăng sinh và ni sinh, cũng như các vị giáo thọ cần sách này để giáo hóa thực tập.

Nếu chúng ta giận bố, giận mẹ, chúng ta nên biết rằng  hạnh phúc của ta nó có liên hệ tới hạnh phúc của bố và mẹ. Người tu thì thấy rằng hạnh phúc cũng như đau khổ không phải là một vấn đề cá nhân. Nếu bố mà khổ đau thì ta khó mà có hạnh phúc. Nên ta phải làm  gì cho bố đừng có khổ đau nữa. Nếu mà con trai, con gái ta đang khổ đau thì không có cách nào chúng ta có thể hạnh phúc được. Nên ta đừng có trách phạt, ta đừng có trừng phạt, ta đừng có tiếp tục làm khổ đau con trai, hay con gái của mình. Ta phải làm cái gì đó, để cho con trai và con gái của chúng ta bớt khổ, mỉm cười được thì lúc đó ta mới có cơ hội có hạnh phúc. Tại vì bố mà khổ thì làm sao mà con có hạnh phúc được. Nếu mà con khổ thì làm sao bố có hạnh phúc được. Nên hạnh phúc và đau khổ không phải là vấn đề cá nhân. Nếu vợ mà đau khổ thì chồng làm sao hạnh phúc, nếu chồng đau khổ thì làm sao vợ có hạnh phúc. Vậy nên, người này phải giúp người kia bớt khổ. Do đó  thái độ trừng phạt, trách móc, nó không phải là  thái độ của người tu. Trong gần bốn mươi năm giáo hóa tại phương Tây, chúng tôi đã sử dụng  pháp môn “lắng nghe và ái ngữ” để giúp cho những cặp vợ chồng, những cặp cha con, mẹ con họ tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải, tha thứ và hạnh phúc. Vậy nên nếu mình có khó khăn với con trai của mình, hay với con gái của mình thì mình đừng có nên nghĩ rằng đời nó nó sống còn đời mình một sống, không phải như vậy đâu. Con trai của mình, con gái của mình chính là sự tiếp nối của mình, mình phải lo cho nó, nó là tương lai của mình. Vậy nên, ông, bà phải sử dụng phương pháp lắng nghe và ái ngữ để có thể thiết lập lại được truyền thông giữa ông, giữa bà với đứa con trai hay đứa con gái của mình. Phải tập nói những câu như thế này. “Này con ơi! bố biết rằng trong những năm vừa qua, con có nhiều khó khăn, có nhiều bức xúc, có nhiều đau khổ, bố không thấy được hết tất cả những điều đó, cho nên bố đã từng trách mắng con, giận hờn con.” “Và như thế làm cho con càng khổ thêm. Bố đã không giúp được con mà còn làm cho con khổ thêm.” “Bây giờ con nói cho bố nghe đi, nói cho bố nghe tất cả những khó khăn của con trong đời sống học đường, trong đời sống cá nhân, những khó khăn những khổ đau những bức xúc để bố hiểu. Mà nếu bố hiểu rồi thì bố sẽ không có vụng về làm cho con khổ thêm”. “Con giúp bố đi! có khi nào bố muốn làm cho con khổ đâu, bố muốn cho con hạnh phúc. Nhưng mà nếu con không có giúp bố, thì làm sao bố biết được để bố hành xử cho đúng.”… Nếu mình là bố, là mẹ, mà nói được như vậy tức là mình đã sử dụng ái ngữ, và sử dụng được ái ngữ thì mình tái lập được truyền thông giữa con mình và mình.

Nếu mình là con gái, hay là con trai, có khó khăn với bố với mẹ và mình không có nói chuyện được với bố, với mẹ thì mình phải sử dụng phương pháp ái ngữ để giúp bố giúp mẹ. “Bố ơi con biết rằng trong những năm vừa qua bố có những khó khăn, bố có những đau khổ, bố có những bức xúc, bố có những tuyệt vọng. Nhưng tại vì con không hiểu cho nên con đã hờn giận bố, đã trách móc bố và con đã không giúp được bố thì thôi, con lại còn làm cho bố khổ thêm, con rất hối hận,  đó là tại vì con chưa hiểu được những  khổ đau những  khó khăn những  bức xúc của bố cho nên con mới dại dột phản ứng như thế bằng lời nói và bằng hành động, con rất hối hận. Con đâu có muốn làm cho bố khổ đâu, nhưng mà tại vì con chưa hiểu những  khó khăn, những  khổ đau của bố cho nên con mới dại dột như thế. Vậy thì bây giờ bố nói cho con nghe đi những khó khăn những khổ đau những bức xúc của bố để con hiểu, để con không có dại dột lặp lại những  điều mà con đã nói và đã làm trong quá khứ, bố giúp con đi!”  Và nếu mình là con trai, con gái của bố, hay mẹ mà mình nói được những  lời ái ngữ như thế thì mình có thể tái lập được  truyền thông với bố và với mẹ. Khi mà bố mẹ nói cho mình nghe những khó khăn, những khổ đau những bức xúc của mình thì mình ngồi lắng nghe, cái đó gọi là bi thính, đó là hạnh của đức cho Bồ Tát Quan Thế Âm.

Lắng nghe là một phương pháp mà phải luyện tập mới có thể làm được, không phải dễ đâu. Trên nguyên tắc, thì mình nói rằng người kia có những khổ đau, những bức xúc, những khó khăn, bây giờ mình phải lắng nghe để cho người kia có cơ hội nói ra, cho người kia bớt khổ và mình hiểu  điều đó một cách rõ ràng. Nhưng đến khi thực tập lắng nghe, thì lắng nghe trở thành một điều rất là khó. Tại vì trong khi người kia nói,  lời nói người kia có thể là chua chat, là cay đắng, buộc tội, lên án và nhất là có những  tri giác rất là sai lầm. Làm cho trong khi mình nghe, những  hạt giống của bức bội, của giận hờn bị tưới tẩm. Khi bực bội, mình nóng giận lên thì mình đánh mất  khả năng lắng nghe của mình. Mình có khuynh hướng muốn cắt lời người đó, có khuynh hướng muốn sửa lưng người đó ngay tại chỗ. Mình biến  giờ lắng nghe thành một giờ tranh luận và thất bại. Cho nên lắng nghe là phải thực tập ít nhất một tuần mới có thể làm được. Những người thiền sinh tới với chúng tôi, thường thường là thực tập trong năm ngày, hay bảy ngày, mới có thể sử dụng ái ngữ và lắng nghe được. Trong khi mình lắng nghe, mình phải tâm niệm niệm rằng lắng nghe như thế này, chỉ có một mục đích duy nhất là cho người kia  cơ hội để người kia có thể nói rằng được những nỗi khổ, niềm đau của người đó, để làm cho người đó nhẹ bớt những thương đau. Đó gọi là lắng nghe với tâm từ bi,  mình có thể gọi là bi thính, đó là một pháp môn rất là mầu nhiệm mà đức Quan Thế Âm .

Trong khi mình lắng nghe, người kia có thể sử dụng ngôn ngữ chua chat, cay đắng, buộc tội, người đó quen nói với  ngôn ngữ đó rồi. Nhưng nếu mình giữ được tâm từ bi, mình được che chở và hạt giống của sự bực bội trong mình không có bị tưới tẩm - rất là hay. Người thực tập lắng nghe, phải làm sao để nuôi chất liệu từ bi có mặt trong suốt buổi lắng nghe, bằng cách nhớ tới sự kiện là lắng nghe đây (có) mục đích là để cho người kia một cơ hội nói ra được những nỗi khổ niềm đau của người ấy. Nên mình không cần phải cắt lời, không cần phải sửa sai, cứ để cho người đó nói, dù cho người đó có rất nhiều tri giác sai lầm, nhiều thông tin sai lầm. Nếu mình nhớ được như vậy,  chất liệu từ bi nó vẫn còn trong trái tim và mình vẫn còn ngồi lắng nghe được, rất là hay. Tôi có những người đệ tử rất là trẻ, có khi mới mười sáu, mười tám tuổi mà đi một khóa tu về, nó ngồi nó lắng nghe được bố, lắng nghe được mẹ và nó hòa giải được với bố, hòa giải được với mẹ. Tôi rất lấy làm hãnh diện có những người đệ tử như thế. Trong tâm mình nói rằng tội nghiệp người này quá, tội nghiệp bố quá, tội nghiệp mẹ quá, tội nghiệp con mình quá, nó có những  tri giác rất là sai lầm, nó có những thông tin rất là sai lầm về mình, nó hiểu lầm mình nhiều quá đi. Nhưng mà mình chưa vội cắt lời nó, không cần cắt lời nó bây giờ, không cần sửa sai nó bây giờ, cứ lắng nghe đi để cho nó có cơ hội nói ra hết đã. Rồi hai ba ngày sau, có trường hợp, có cơ hội, thì mình sẽ cung cấp cho nó một ít thông tin, để nó điều chỉnh lại cái thấy của nó, điều chỉnh lại  nhận thức của nó. Mình không có gấp mà nếu mình nhớ được điều như thế thì mình vẫn có thể tiếp tục lắng nghe với tâm từ bi như thường. Vậy nên các pháp môn lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ, nói cho người kia biết hết tất cả những gì trong trái tim mình, nhưng mà không dùng ngôn từ của lên án, buộc tội, trách cứ thì mình có thể giúp người kia hiểu được và điều chỉnh được những tri giác sai lầm của người đó. Chúng ta thương nhau, chúng ta phải giúp cho nhau, chúng ta là cha con của nhau, chúng ta là vợ chồng của nhau, chúng ta là thầy trò của nhau, chúng ta là huynh đệ của nhau, chúng ta phải giúp cho nhau. Tôi thấy có những cặp thầy trò không có nói chuyện với nhau được, thầy trách trò là không có trách nhiệm, còn đệ tử trách thầy là không hiểu được mình. Cứ như vậy, hai thầy trò chịu chết, năm này sang năm khác không có tái lập được truyền thông giữa thầy và trò, giữa huynh và đệ. Thành ra ngay trong chùa, những người xuất gia cũng phải thực tập hai  pháp môn đó, lắng nghe và ái ngữ.

Có một hôm tôi đi Canada, để mở một khóa tu cho người Việt, đồng bào định cư bên đó và một khóa tu cho người Canada.  Hôm đó tôi từ Paris bay tới và chiều đó tôi đã phải nói chuyện với đồng bào ở tại tòa thị chính bằng tiếng Việt. Bảy giờ thì cuộc thuyết pháp bắt đầu, lúc năm giờ chúng tôi ăn qua loa buổi chiều, những thức ăn nhẹ để rồi sau đó đi tới tòa thị chính thuyết pháp. Trong khi ăn chiều, tôi nuốt không được miếng nào hết.  Một người trong nhà đã kể cho tôi nghe câu chuyện xảy ra tại thành phố Montreal, Canada, cách đó có mấy hôm thôi, là có một cậu con trai mười bảy tuổi không truyền thông được với bố, hai cha con không nói chuyện được với nhau và cả hai cha con đều đau khổ. Rốt cuộc thì một hôm đi học, đi ngang qua cầu, người con trai đó đã nhảy xuống sông tự tử, để lại một  lá thư cho bố. Tôi nghe câu chuyện kể lại đang còn nóng sốt, trái tim tôi nó nặng nề, tôi không nuốt được thìa súp nào. Tôi nghĩ nếu mà mình không truyền thông được với con, nếu mình đánh mất đứa con của mình, con trai, hay là con gái, thì làm gì mình có tương lai nữa. Tại vì con mình tức là tương lai của mình, con mình là tương lai của đất nước mình. Nếu mình đánh mất con thì đâu còn tương lai cho mình và cho đất nước nữa. Tối hôm đó, trước một  thính chúng bảy trăm người, tôi đã nói ra  cảm nghĩ của tôi, tôi nhìn vào thính chúng và tôi nói này các ông, nếu các ông có khó khăn với con trai, hoặc với con gái của các ông thì tối nay tôi đề nghị quý ông về ôm lấy con trai của ông trong lòng và xin lỗi nó. Phải sử dụng  ái ngữ đó, “Con ơi,  bố biết rằng những năm vừa qua, con có nhiều khó khăn, nhiều đau khổ, nhiều bức xức. Bố đã không giúp được con mà lại làm con khổ đau thêm, trách cứ, trừng phạt con, bố hối hận, bố có muốn làm cho con khổ đâu! Nhưng mà tại vì bố không hiểu được những bức xúc, khó khăn, khổ đau của con,  cho nên bố mới làm như thế. Vậy thì con hãy nói cho bố nghe những  gì khó khăn ở trong lòng con để bố biết, từ rày về sau bố sẽ khéo léo hơn.” Nếu ông nói như vậy được, ông có thể khôi phục lại đứa con sắp mất của mình. Nếu các ông không làm điều đó tối nay, có thể ngày mai nó hơi trễ, nó có thể nhảy xuống sông tự tử. Trong trái tim của tôi,  nỗi khổ kia nó đang còn rất là tươi, thành ra tôi nói với tất cả tấm lòng. Này các ông, nếu các ông có khó khăn với con trai, nếu các ông không nói chuyện với con trai trong một năm, hai năm thì các ông phải cẩn thận, tối nay về ôm lấy nó và nói với nó những lời xin lỗi để đừng có đánh mất nó như  cặp cha con vừa rồi. Tôi nói bằng tất cả trái tim và tôi nghĩ rằng những ông cha những bà mẹ ngồi trong thính chúng rúng động rất là nhiều.

Tối hôm đó có một ông, có thể là có nhiều ông, nhưng mà người ta kể lại thì có ông đó, ông nghe xong bài thuyết pháp, ông lái xe về thành phố của ông và ông vừa lái vừa khóc. Ông cũng có một đứa con trai và ông cũng không nói chuyện được với con trai trong vòng gần ba năm, hai năm mấy, không nói chuyện được với con trai. Hai cha con không tâm sự với nhau được. Cố nhiên ông trách móc đứa con trai của ông và đứa con trai của ông cũng trách móc ông. Người này nghĩ người kia là nguồn gốc của sự đau khổ của mình. Ông này, khi lái xe về, ông quyết nghe lời thầy, ông quyết về ôm đứa con để xin lỗi, để đừng mất đứa con, để đứa con đừng có dại dột mà nhảy xuống sông như là đứa con của người cha kia. Khi ông về tới nhà đỗ xe, nhìn vào trong phòng khách thì thấy phòng khách tối, đứa con trai của ông đã không vặn đèn lên trong phòng khách. Nhưng mà nhờ ánh sáng của những  đèn ở ngoài đường, cho nên ông có thể thấy được  hình bóng thui thủi của đứa con trai ở trong  phòng tối đó. Ông lập tức mở cửa ra, ông đặt  túi xuống, ông đến thẳng đứa con và ông ôm lấy nó trong vòng tay, không nói không rằng gì hết. Có lẽ là ông cũng muốn nói những điều mà ông đã được học trong bài pháp thoại, nhưng mà chưa quen, thành ra ông không nói được, ông chỉ tới ông ôm đứa con trong tay và ông ôm rất là lâu, không nói không rằng. Ban đầu, đứa con nó cứng như khúc gỗ, nhưng mà tại vì ông tiếp tục ông ôm với  tâm niệm đó,  tâm niệm muốn hòa giải, muốn khôi phục lại đứa con mà mình sắp mất. Cho nên  năng lượng của sự hối hận, của sự thương yêu, của sự truyền thông đó nó thấm vào đứa con và chừng một phút sau thì nó mềm ra và hai cha con ôm nhau như vậy khá lâu không biết mấy phút.

 

5. thiền ôm,[5]

Đó gọi là thiền ôm, trong khi mình ôm thì mình phải có mặt thật sự, mình phải trân quý  đối tượng mình đang ôm, mình biết rằng  đối tượng đó ngày mai mình có thể mất. Khi mà mình có  ý thức sáng tỏ đó, có  chánh niệm đó thì mình toát ra một  năng lượng rất là lớn và nó đi vào trong  đối tượng kia.

Tôi nhớ ở Corolado có một khóa tu, chúng tôi dành cho giới tâm lý trị liệu, các bác sĩ tâm lý trị liệu sáu bảy trăm người tới học. Có một nhà bác sĩ tâm lý trị liệu, ông đi tới khóa tu và khi ông về thì bà vợ ra đón ông ở phi trường và ông đã thực tập thiền ôm với bà vợ. Bà vợ sau đó ghi tên tham dự một khóa tu khác và bà đã báo cáo rằng trong đời chưa bao giờ bà được chồng ôm như thế, với tất cả chánh niệm, với tất cả sự trân quý với tất cả sự ý thức về sự có mặt quý giá của người mình thương. Một cái ôm đó đủ để bà chuyển hóa tất cả những giận hờn mà bà có với ông trước đó. Đó là những phép lạ nó xảy ra cho những khóa tu, chỉ cần ôm một lần thôi là hòa giải được. Đây cũng là trường hợp của hai cha con nhà kia, hai cha con ôm nhau không nói gì hết, nhưng mà sáng mai, mẹ của chàng thanh niên rất là ngạc nhiên thấy hai cha con ngồi trước bàn ăn đối diện với nhau, nói chuyện với nhau trở lại, giống như chưa bao giờ xãy ra  chuyện giận nhau trong hơn hai năm trời. Hôm nay nếu có những ông cha và những bà mẹ ở đây mà đang có khó khăn với con trai, hay con gái của mình, thì tôi xin đề nghị tối nay các ông về ôm lấy con trai của các ông, các bà về ôm lấy con gái hay con trai của các bà và xin lỗi nó. “Mẹ biết trong những năm vừa qua con khổ lắm, con có những khó khăn, những bức xúc mà mẹ không có giúp con được mà mẹ làm cho con khổ thêm, mẹ hối hận, con nói cho mẹ nghe đi!  Những  đau khổ, những  khó khăn, những  bức xúc của con để mẹ đừng có tiếp tục làm như thế nữa, con phải giúp mẹ.”  Nếu bà nói không được thì bà thì bà cứ ôm con cũng đủ rồi. Tại vì trong  sự im lặng đó, nó có một thông điệp và đứa con của bà, đứa con của ông sẽ hiểu được. Nếu ở đây có những người trẻ tuổi, các chàng thanh niên, các cô thiếu nữ. Nếu quý vị có khó khăn với bố với mẹ, nếu quý vị không nói chuyện được với bố hoặc với mẹ thì thầy đề nghị là tối nay anh về anh ôm bố đi, chị về chị ôm bố đi, ôm mẹ đi và nói những lời mà quý vị đã được học sáng hôm nay. “Bố ơi, con biết rằng trong mấy năm vừa qua bố khổ lắm, bố buồn con lắm, bố giận con lắm. Tại vì con, bố nghĩ rằng con không có trách nhiệm. Sở dĩ con đã phản ứng lại như vậy, sở dĩ con có những hành động và những lời nói có tính cách thách thức bố là tại vì con chưa hiểu được những khổ đau, bức xúc, khó khăn của bố. Con đâu có muốn làm cho bố khổ đâu, con đâu muốn làm cho mẹ khổ đâu, tại vì con chưa hiểu được những khó khăn trong lòng bố, những bức xúc trong lòng bố cho nên con mới dại dột như thế. Bố cho con ôm một cái, bố nói cho con nghe những  khổ đau của bố đi”. Anh về làm như vậy, chị về làm như vậy, tôi tin chắc rằng chỉ trong mấy phút là hai cha con, hai mẹ con có thể hòa giải được với nhau. Đó là gia sản quý báu đức Thế Tôn để lại cho chúng ta những pháp môn thực tập rất là mầu nhiệm.

Sau khi hoàn mãn hai khóa tu ở tại thành phố Montreal, tôi mới bay đi Hoa Kỳ, trong tiểu bang California mà tôi cũng có một khóa tu cho những người nói tiếng Việt. Trong khóa tu đó, buổi pháp thoại tôi cũng kể  câu chuyện chàng con trai nhảy xuống sông tự tử ở thành phố Montreal. Tối hôm đó cũng lại có một ông bố nữa, cố nhiên là có nhiều ông khác, nhưng mà những  chuyện mình nghe được báo cáo là nó chỉ có một số chuyện thôi. Có nhiều người họ thẹn, họ mắc cở họ không có muốn kể lại chuyện cho mình nghe. Thì có một  ông đó, ông nghe xong bài thuyết pháp, ông lái xe về và cũng vừa lái xe vừa khóc.

Nhưng trường hợp của ông này khác, ông cũng muốn về ôm lấy đứa con trai của ông. Tại vì ông có một đứa con trai và ông cũng không nói chuyện được với đứa con trai của ông trên hai năm. Nhưng  đặc biệt của ông là ông biết tối nay về nhà, không có nó. Nó bỏ ông, đi rồi. Ông cha này hành xử rất cứng. Hồi cậu con trai con bé, nói gì cậu cũng phải nghe hết, phải nghe theo ý của bố, bố nghĩ thế nào thì con cũng phải nghĩ thế đó, bố nói như thế nào thì con phải nói như thế đó. Bố hành xử như thế nào, con phải bắt chước giống hệt như thế. Khi còn nhỏ thì đây không phải là vấn đề, nhưng mà cậu bé lớn lên và được cho đi trường học, nhất là trường bên Mỹ và nó học được  cách tự do tư tưởng, cách hành xử độc lập của một người thanh niên Mỹ. Cho nên nó bắt đầu không đồng ý với bố về điều này, điều khác. Cách nói năng, hành xử của nó, có dáng dấp của  cách hành xử của người con trai Hoa Kỳ và ông bố không có chấp nhận được. Sau đó một thời gian, ông nói rằng - Mày không phải là con tao, con tao không có như thế đó, con tao, tao nói gì phải nghe, mày không phải như vậy, không phải là con tao, mày đi đâu thì đi! Rốt cuộc thì nó bỏ đi, nó bỏ đi đâu, theo băng đảng hay là đi đâu không biết, đã mấy tuần nay nó không có mặt ở nhà. Tối nay ông lái xe về, đâu có con trai để mà ôm đâu! Đứa con trai nó đi mất rồi. Có thể nó đi theo băng đảng, mai mốt trong một cuộc bắn nhau, nó có thể chết hoặc là vào tù. Nhưng phước đức của ông này vẫn còn, trong khi lái xe, ông đi tới một quyết định là ông sẽ xin nghỉ mười ngày, để ông đi tìm con, bố đi tìm con. Ông quyết định làm theo lời thầy, gặp đứa con thì ôm liền và xin lỗi nó liền, không có điều kiện gì hết. “Con ơi, con về đi!  Bố hối hận lắm, bố con mình sẽ làm lại cuộc đời, bố xin lỗi con”, nói như vậy. Rất tin vào giáo pháp của đức Thế Tôn, rất tin vào lời thầy. Phúc đức gia đình vẫn còn, cho nên sau ba ngày tìm kiếm, ông tìm ra được đứa con, ông thực tập liền và đứa con chấp nhận trở về với bố.

Con nào mà không thương bố, bố nào mà không thương con! Nhưng tại vì chúng ta có những giận hờn, tủi nhục đè nặng lên trên  hạt thương đó, thành chúng ta không có biểu hiện được  hạt thương đối với bố, đối với con. Hai cha con đó đã hòa giải được với nhau một cách mau chóng là nhờ đi nghe một bài pháp thoại, nhờ tiếp nhận được một giọt nước từ bi của đức Quan Thế Âm, của dòng Tào Khê. Và người con trai đó đã học, đã tốt nghiệp, đã làm bác sĩ, đã mở phòng khám bệnh ở tiểu bang California thành phố Los Angeles. Nếu cha con họ thành công được, thì tại sao mình không thành công? Nếu ông có khó khăn với con của ông, nếu bà có khó khăn với con của bà, tối hôm nay bà đem  pháp môn thần diệu của đức Quan Thế Âm mà thực tập đi, bà sẽ khôi phục lại đứa con trai, con gái của bà. Ông sẽ khôi phục lại đứa con trai, đứa con gái của ông. Nếu anh chị là những người thanh niên, anh chị nên biết rằng bố mẹ mà khổ đau thì mình làm sao có hạnh phúc được. Cho nên phải về với bố, phải về với mẹ, giúp bố, giúp mẹ bằng  pháp môn ái ngữ và lắng nghe.

Nếu quý vị có một thầy bổn sư mà quý vị không có nói chuyện được, nếu giữa thầy trò có khó khăn thì tôi đề nghị tối hôm nay dùng điện thoại di động mà gọi về cho bản sư mình. “Thầy ơi! con biết là mấy năm nay thầy buồn con lắm, thầy thất vọng về con quá, tại vì con đã hành xử như thế nào đó để cho thầy không có hạnh phúc, con hối hận, con đâu có muốn làm cho thầy khổ như vậy bao giờ đâu, con muốn ôm thầy quá.”  Nếu mình là người thầy, mình cũng có thể làm như vậy, mình có thể điện thoại cho đệ tử mình, mình cũng có thể nói được như vậy, tại vì thầy là một thứ bố. Quý vị sẽ ngạc nhiên thấy rằng mình làm được chuyện đó. Trước đó, mình nghĩ là không bao giờ mình có thể nói được với người đó bằng  ngôn từ dịu dàng, ái ngữ như vậy. Mình không bao giờ lắng nghe người đó được quá năm phút. Nhưng bây giờ, sau khi tiếp nhận một giọt nước từ bi của đức Quan Thế Âm, mình biết rằng mình có khả năng lắng nghe được người kia, mình biết rằng mình có khả năng nói được với người kia những lời có tình và có nghĩa.

 

Cho nên trong Đại trai đàn chẩn tế, chúng ta phải thực tập như thế nào để mà phát khởi được những  tư tưởng lành, để mà nói ra được những  lời nói lành và làm được những  hành động lành có tính cách hòa giải, tha thứ, thương yêu và hiểu biết. Nếu chúng ta làm được như vậy, chúng ta có thể hồi hướng, cầu cho âm siêu dương thái và giúp cho tất cả các hương linh, các loại cô hồn được siêu thăng. Tại vì bất cứ một  gì xảy ra trong ta, sẽ xãy ra cho tất cả những người ta thương. Nếu chúng ta có chuyển hóa có an lạc, có hạnh phúc thì chúng ta có rất nhiều năng lượng để giúp cho những người khuất mặt, khuất mày cũng được thừa hưởng  đó. Chúng ta hồi hướng tất cả những công đức đó cho tất cả đồng bào đã tử nạn trong suốt thời gian chiến tranh dài dằng dặc.

Chúng ta biết rằng - để kết luận ba bài thuyết pháp, ba bài pháp thoại - Chúng ta biết, chúng ta thấy rằng cõi âm và cõi dương nó không có cách biệt như chúng ta thường tưởng. Trong cõi âm có cõi dương, và trong cõi dương có cõi âm. Chúng ta có thể tiếp xúc, chúng ta có thể nói chuyện, chúng ta có thể truyền thông được với những người thương của chúng ta dưới những  hình thức mới mà chúng ta phải nhận diện được nếu chúng ta có con mắt của không sinh không diệt, không tới không đi, không một và không khác. Nên nhớ rằng con ta chính là ta, bố ta chính là ta, mẹ ta chính là ta. Ta đang mang bố mẹ, mang tổ tiên đi về tương lai. Ta nguyện tiếp nối bố mẹ và tổ tiên một cách rất là đẹp đẽ.

Chiều hôm nay, lúc sáu giờ chúng ta sẽ có lễ đăng đàn chẩn tế, đó là  điểm cao nhất của trai đàn chẩn tế. Xin mời tất cả các thầy, các sư cô, các vị Phật tử có mặt đông đủ trong  nghi lễ quan trọng nhất và cao điểm nhất của trai đàn chẩn tế.

 

6. lời cảm tạ

Bây giờ chúng tôi xin nói lên những lời cảm tạ của chúng tôi đối với tất cả các vị cao đức trong giáo hội, đối với tất cả các thầy, các sư cô, các Phật tử đã cùng tới với nhau để tạo dựng, để thiết kế nên trai đàn này. Chúng ta đã tới với nhau trong tình huynh đệ, trong tình thầy trò, trong tình đồng bào ruột thịt, để cầu nguyện cho tất cả đồng bào chúng ta tử nạn trong suốt cuộc chiến tranh kéo dài. Chúng ta đã ngồi thiền với nhau, đã đi thiền hành với nhau, đã ăn cơm với nhau trong chánh niệm, đã pháp đàm với nhau, đã cầu nguyện với nhau, đã niệm Bụt với nhau. Chúng ta hồi hướng tất cả những công đức đó cho sự chuyển hóa và siêu thăng của các hương linh và các giới cô hồn. Trong khi chúng ta làm việc đó, chúng ta có cơ hội dựng lên một  bảo tháp của tình huynh đệ. Chúng ta mỗi người đều đóng góp vào trai đàn chẩn tế bằng  trái tim rất là tinh khiết của mình. Trong khi thực hiện trai đàn chẩn tế từ ban kiến đàn, ban kinh sư, ban tổ chức, các vị tôn đức, các thầy các sư cô các Phật tử, chư vị đàn na tín thí. Tất cả chúng ta đều tới với nhau với tình huynh đệ. Trong ba ngày trai đàn chẩn tế, tôi thấy có một bảo tháp đã được dựng lên và tôi gọi bảo tháp đó là bảo tháp của tình huynh đệ không bao giờ bị thời gian làm cho sụp đổ. Tôi cảm nhận được  tình huynh đệ giữa chúng ta người xuất gia, người tại gia trong khi tới với nhau để kiến lập trai đàn, để cầu nguyện cho những người thương đã quá cố. Và xin có một vài món quà kỷ niệm để trao tặng cho quý vị trong ban tổ chức trai đàn, trong ban kinh sư, trong các ban ngành khác để ghi dấu lại những ngày chúng ta thực tập với nhau, cầu nguyện với nhau, và tới với nhau như là những người huynh đệ, những là những người đồng bào.

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni.


 

[1] Chép lại theo băng ghi âm, tựa và chú thích của người biên dịch

[2] Avalokitesvara Bodhisattva  - Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại Bồ Tát ( )

[3] Mahasvara: hay Maheshvara: (Sanskrit): Great Lord, Đại Thiên Vương

[4] Sa Di Luật Nghi Yếu Lược của thiền sư Vân Thê Châu Hoằng (1535-1615), Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu của thiền sư Độc Thể (1601-1697): Ngài là Tổ thứ hai của phái Thiên Hoa luật tông cuối đời Minh,. Cả hai vốn là những sách giáo khoa cho sa di viết cách đây 400 năm.

[5] Thiền ôm là một phép thực tập để con có thể hòa giải với cha, anh có thể hòa giải với em, cha có thể hòa giải với mẹ. Thiền ôm là giúp cho không biết bao nhiêu cặp cha con, vợ chồng và anh em hòa giải được với nhau và phục hồi lại hạnh phúc đã mất. Có người không biết gì hết về thiền ôm nên đã nói xấu thiền ôm. Kỳ thực đây là một pháp môn rất vi diệu. Ta nên thực tập thiền ôm trong sự có mặt của một đại chúng đông đảo, giữa một khung cảnh trang nghiêm, trong lúc năng lượng chánh niệm của đại chúng đang hùng hậu. Sự chuyển hóa có thể xảy ra trong mấy phút đồng hồ, với sự yểm trợ hào hùng của tăng thân. Ta phải thực tập ba hơi thở để thực sự đưa thân tâm về một mối trước khi chắp tay trước người kia để thực tập thiền ôm. Thời gian ngắn nhất của sự thực tập là ba hơi thở. Trong khi ôm, thở vào ta niệm: "Con biết ba còn sống và con đang được ôm ba trong vòng tay con". Thở ra ta niệm: "Con rất sung sướng được ôm ba trong giờ phút hiện tại". Ta không nói năng gì trong khi thực tập, nhưng sự thành khẩn của ta sẽ được người kia cảm nhận. Có thể thông điệp im lặng của ta có ý nghĩa như sau: "Anh rất hối hận đã vụng về làm cho em đau khổ trong mấy năm qua, anh xin em cho anh một cơ hội làm mới trở lại".

Trong mỗi buổi cúng giỗ, sau khi lạy tổ tiên và ông bà, anh em nên quay lại nhìn nhau, ôm nhau và tha thứ cho nhau về những lỗi lầm đã vấp phải. Chị dâu và em dâu cũng phải thực tập như thế. Cúng giỗ tỗ tiên mà ta không hòa giải được với nhau thì việc cúng giỗ không có nghĩa gì. Con cái hòa giải với nhau thì ông bà và cha mẹ mới thực sự có hạnh phúc.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.