PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Tập lắng nghe

 

  • Tháng VI 2007 - Chơn Thuyên biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 5. 4.2007  tại chùa Quan Âm - Đà Nẵng
    Â
    m thanh MP3 : Phần 1 (10.2MB) Phần 2 (12MB)
     

Lắng nghe hơi thở

Bây giờ xin mời đại chúng lắng nghe hơi thở của mình. Thở vào tôi biết là tôi đã thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra. Mình lắng nghe hơi thở của mình, thở vào này, thở ra này.

Th vào tôi theo dõi hơi thở vào của tôi từ đầu cho tới cuối, thở ra tôi theo dõi hơi thở ra của tôi từ đầu cho tới cuối.

Thở vào tôi thấy hơi thở vào của tôi đã sâu hơn một chút, thở ra tôi thấy hơi thở ra của tôi đã chậm lại một chút.

Thở vào tôi có ý thức về toàn thân thể tôi, thở vào tôi biết là thân thể tôi có đó, thở ra tôi làm lắng dịu những căng thẳng trong cơ thể tôi, tôi làm thư giản các cơ bắp trong cơ thể tôi.

Thở vào tôi bắt đầu thấy khỏe hơn, thở ra tôi bắt đầu thấy nhẹ nhàng hơn, thở vào khỏe, thở ra nhẹ.

Thở vào tôi thấy dể chịu trong khi thở vào, thở ra tôi thấy dể chịu trong khi thở ra.

Thở vào tôi biết cái lưng của tôi rất thẳng như lưng của đức Thế Tôn, không cong như  lưng bà ngoại, thở ra tôi mỉm miệng cười  giống như nụ cười trên môi của đức Thế Tôn.

Thở vào tôi thấy được sự có mặt của cha tôi trong từng tế bào cơ thể tôi, thở ra tôi mỉm cười với cha tôi trong từng tế bào của cơ thể tôi.

Thở vào tôi mời cha tôi trong tôi cùng thở vào một lần với tôi, hai cha con cùng thở vào cho khỏe.

Thở vào con thấy khỏe quá, ba có thấy khỏe như con không? hai cha con cùng thở vào và cảm thấy rất khỏe, thở vào thở ra con thấy nhẹ nhàng trong người quá, ba có thấy nhẹ nhàng như con không ?

Hai cha con cùng thở ra và cảm thấy nhẹ nhàng.

Thở vào tôi thấy sự có mặt của mẹ tôi trong từng tế bào của cơ thể tôi.

Thở vào tôi mời mẹ tôi trong tôi cùng thở vào một lần với tôi, hai mẹ con cùng thở vào một lúc.

Thở vào con thấy khỏe quá, má có thấy khỏe như con không? thở ra tôi mời mẹ tôi cùng thở ra một lần với tôi, hai mẹ con cùng thở ra. Thở ra con thấy nhẹ nhàng trong người quá, má có thấy nhẹ nhàng như con không? hai má con cùng thở ra và cảm thấy nhẹ nhàng trong thân thể. Con cảm ơn ba  má đã thở vào,  thở ra với con.

 

Lắng nghe... để vượt thoát luân hồi

Kính thưa chư vị tôn đức, kính thưa các Phật tử cư sĩ. Mỗi chúng ta đã từng làm một em bé năm tuổi, em bé trai hay là em bé gái. Có thể là chúng ta còn giữ được  hình ảnh của chúng ta khi năm tuổi, em bé trai hay là em bé gái. Bây giờ chúng ta lớn rồi,  chúng ta ba mươi tuổi, bốn mươi hay năm mươi  hay hơn năm mươi tuổi rồi. Chúng ta không còn là em bé trai năm tuổi đó nữa, chúng ta không còn là em bé gái năm tuổi đó nữa. Nhưng mà chúng ta đừng có tưởng rằng em bé trai hay em bé gái đó đã chết, em bé đó vẫn đang còn sống ở trong ta. Và em bé đó đang cần sự chú ý của chúng ta, chúng ta bận rộn quá nhiều trong đời sống hàng ngày. Và chúng ta có thể chưa có cơ hội trở về để mà gặp em bé năm xưa đang từng sống ở trong ta. Em bé năm xưa có thể đã từng bị nhiều thương tích trong lòng. Có những em bé không có đủ phước đức, không có tiếp nhận được tình thương từ cha từ mẹ, có những em bé bị lạm dụng, bị hành hạ. Và tuy rằng mới năm  hay sáu tuổi, em bé đó đã có nhiều thương tích trong  tim và trong cái hình hài của mình. Và vì vậy cho nên em bé vẫn đang còn sống trong ta, em bé rất là trông chờ chúng ta trở về để ôm ấp lấy nó, để giúp cho nó chữa lành những  vết thương ngày xưa.

Chúng ta phải học lắng nghe em bé ở trong ta, em bé măm tuổi trong ta vẫn còn sống đó, vẫn mang vết thương của ngày xưa và chưa  bao giờ có cơ hội để được công nhận những  nỗi khổ niềm đau ngày xưa. Niềm đau của em bé chưa bao giờ được ta công nhận, được ta ôm ấp, được ta chữa trị. Và vì vậy ta vẫn còn những nỗi khổ niềm đau, mà chúng ta không biết nguồn gốc tại đâu. Tại vì em bé có những vết thương chưa được chữa lành. Cho nên sự thực tập của ta là mỗi ngày phải có được năm phút hay là bảy phút để trở về với em bé, nói rằng tội nghiệp em bé quá, em bé có rất nhiều thương tích, mà tôi bận rộn quá, bận rộn không có thì giờ để thở, để ngồi yên. Và vì vậy cho nên chưa bao giờ có cơ hội trở về để nhận diện sự có mặt của em bé trong tôi, để ôm lấy nó một cách trìu mến và để giúp cho những vết thương của em bé đó được chữa lành, tôi hối hận lắm, tôi tệ bạc lắm, tôi đã đối xử với em bé trong tôi một cách không  dể thương. Và mỗi ngày mình trở về với em bé, công nhận rằng nó còn sống đó với những vết thương, mình ôm lấy nó một cách rất là trìu mến và mình giúp cho những vết thương đó từ từ nó chữa lành, đó là một phương pháp thực tập rất là quan trọng. Có thể là em bé trong quý vị đã bị thương nhiều. Và từ cái hồi năm tuổi cho đến  giờ  chưa có ai, chưa có một vị thầy hay một người bạn giúp cho quý vị biết  phương pháp trở về công nhận sự có mặt của em bé đó. Nó rất bơ vơ, nó rất cô đơn mà nó bị bỏ rơi tại vì chúng ta quá bận rộn. Có một vị thầy, có một người bạn tu giúp cho mình trở về để  nhận diện, để ôm lấy em bé bị thương, để  giúp cho những vết thương của em bé chữa lành thì lúc đó chúng ta mới thật sự có hạnh phúc.

Đức Quan Thế Âm là một người có khả năng lắng nghe. Nhưng  lắng nghe không phải chỉ là lắng nghe người khác, chúng ta phải tự lắng nghe bản thân của mình, vì cơ thể chúng ta cũng đang có những  thông điệp muốn gỡi cho chúng ta. Và trái tim của chúng ta, những  nỗi khổ niềm đau của chúng ta muốn chúng ta chú ý tới nó, những  nỗi khổ niềm đau đó nó đang muốn truyền thông với chúng ta nhưng chúng ta vẫn làm lơ. Chúng ta có những buồn khổ, chúng ta có những thất vọng, chúng ta có những mong ước, chúng ta có những khó khăn nhưng chúng ta chưa có cơ hội trở về để  lắng nghe những buồn khổ, những  đau đớn, những  khó khăn đó. Và vì vậy cho nên chúng ta không  lắng nghe chúng ta được và không có cơ hội để lắng nghe chúng ta. Và khi đã không thể nào lắng nghe chúng ta được thì làm sao chúng ta có thể lắng nghe người khác để hiểu được những khổ đau, những khó khăn những bức xúc, những ước vọng, những  tuyệt vọng của người đó. Khi thương ai thì mình phải biết lắng nghe người đó. Thương chồng thì mình phải lắng nghe chồng để thấy được những  nỗi khổ niềm đau, những khó khăn, những bức xúc của chồng. Và có hiểu được thì mới thương được. Nếu muốn thương con  thì mình phải lắng nghe con mình. Vì con mình tuy là còn trẻ nhưng cũng có những  khó khăn, những  khổ đau, những  bức xúc, những  ước vọng không  đạt được. Và mình là cha, hay là  mẹ, mình phải lắng nghe đứa con của mình. Nhưng trước khi có thể lắng nghe được cha mình, chồng mình, con mình,  vợ mình, bạn bè mình thì phải học lắng nghe bản thân  mình. Và trước hết  phải lắng nghe em bé bị thương  trong chúng ta.

Em bé năm tuổi rất  dể bị thương tích, rất  mong manh, một cái nạt của người lớn đủ gây thương tích trong lòng em bé, một cái câu chửi rủa, một câu mắng nhiếc. Ví dụ như mày là cái đồ vô tích sự, cả đời mày sẽ không làm được gì hết. Khi  cha hay mẹ nói với em bé một câu như vậy thì có một vết thương hằn sâu vào trong trái tim  nó vì trái tim của em bé rất  mong manh, rất  nhạy cảm. Khi chúng ta nói mày chết đi cho rồi, cho khuất mắt tao, thì câu nói đó nó phát xuất từ sự bực mình, nhưng mình không có biết rằng câu nói đó gây một vết thương rất lớn nơi trái tim  em bé. Làm cha làm mẹ có những lúc chúng ta bực bội, chúng ta bức xúc và chúng ta  trút lên đầu con cái những  bực bội, những bức xúc và  gây thương tích trong trái tim bé bỏng của chúng nó. Và vì vậy cho nên trong chúng ta có nhiều người đang có một em bé bị thương, có những vết thương rất là sâu, chưa chữa lành. Và mình không hiểu tại sao mình không có hạnh phúc, mặc dầu mình đã đi làm, mình đã đi học, đã tốt nghiệp. Mình có nhà, có lương, có xe đủ hết, tại sao mình có những  nỗi khổ niềm đau không  hiểu được nguyên do. Đó là tại vì em bé năm tuổi trong ta đang bị thương mà chưa có cơ hội chữa lành.Vì vậy chúng ta phải nghe lời đức Thế Tôn, nghe lời đức bồ tát Quan Thế Âm trở về để lắng nghe em bé bị thương đó và trước hết phải ôm lấy nó và ngồi với nó mười phút, mười lăm phút. Bé ơi ta biết là bé đang còn sống đó, bé bị thương rất nhiều, ta rất là buồn, ta rất hối hận. Tại vì ta trong bao nhiêu năm đã quá bận rộn không có cơ hội trở về để chơi với bé, để mà ôm lấy bé, để mà nâng niu bé để giúp bé chữa lành những vết thương  trong trái tim của bé.

Tất cả chúng ta  phải thực tập như vậy mỗi ngày năm phút, bảy phút. Có những đứa con trai giận ba nó, có những đứa con gái giận mẹ nó. Tại vì trong thời thơ ấu, ba nó đã gây thương tích trong lòng, mẹ nó đã gây thương tích trong lòng nó. Và nó nghĩ rằng khi mà lớn lên nó sẽ không lặp lại những cái lỗi lầm của ba hay của mẹ. Nhưng  nếu cái vết thương của nó không  được chữa lành thì chắc chắn nó sẽ lặp lại những cái lỗi lầm của ba, của má đối với con của nó, đó  là luân hồi. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận lắm để trở về giúp chữa trị những vết thương nơi em bé. Có một bài tập tôi xin chia s với quý vị tối hôm nay:

Thở vào tôi thấy sự có mặt của em bé năm tuổi bị thương ở trong tôi, thở ra tôi ôm lấy em bé năm tuổi bị thương ở trong tôi với tất cả sự trìu mến.

Thở vào tôi biết rằng em bé năm tuổi trong tôi bị thương là tại vì hồi đó đã tiếp nhận những bực bội những bức xúc từ cha và từ mẹ. Thở ra tôi giúp cho những vết thương của em bé đó từ từ lành được.

Và bài tập này nó đi đôi với một bài tập thứ hai rất là quan trọng. Và quý vị thử về thực tập coi, đêm nay, nó chỉ cần có năm phút mười phút mà thôi:

Thở vào tôi thấy ba tôi là một cậu bé năm tuổi rất mong manh, rất dể bị thương tích. Và thở ra tôi mỉm cười với em bé năm tuổi ngày xưa là cha tôi.

Tại vì cha mình ngày đã từng là một em bé trai năm tuổi và cũng có thể cha mình cũng đã bị thương tích cũng đã bị đối xử một cách không nhẹ nhàng, đã bị đối xử thô bạo. Và vì vậy cho nên cha mình ngày xưa cũng đã bị thương. Và nếu mà cha mình không có được gặp thầy gặp bạn, gặp pháp môn tu học thì cha mình  không có cơ hội trở về để mà chữa trị vết thương  trong lòng. Mà nếu cái vết thương trong lòng không được chữa lành thì mình sẽ lặp lại những cái lỗi lầm, mình sẽ trút ra, trút xuống những  bực bội, những  tức giận của mình lên những đứa con trai hay con gái năm tuổi của mình. Và vì vậy cho nên trong khi mình thực tập, thở vào tôi thấy ba tôi là một em bé năm tuổi rất dể bị thương tích, thở ra tôi mỉm cười với em bé năm tuổi ngày xưa là cha tôi.

Những người con trai giận ba, những người con gái giận ba phải thực tập bài này. Có những người giận cha cho đến nỗi tuyên bố rằng ông đó hả, tôi không có muốn có dính líu gì tới ổng hết. Tôi đã nghe những người thanh niên Tây Phương họ nói về cha của họ như vậy, họ giận cha cho đến mức là họ không muốn có liên hệ gì tới cha nữa. Nhưng mà kỳ thực, làm sao mà lấy cha ra khỏi mình được, mình là sự tiếp nối của cha, cha có mặt trong từng tế bào của cơ thể mình. Và vì vậy cho nên nói rằng tôi không muốn có gì dính líu tới ông đó hết, đó là một câu nói ngu si. Tại vì cha mình đang có mặt trong từng tế bào cơ thể mình và mình chỉ là sự tiếp nối của cha mà thôi, giận cha tức là giận mình và giận mình cũng là giận cha. Giận con cũng là giận mình và giận mình cũng tức là giận con. Giữa hai cha con có một liên hệ rất là mật thiết, đó là sự tiếp nối. Cũng như là hạt bắp  sinh ra cây bắp, giữa hạt bắp với cây bắp có sự tiếp nối. Nhìn vào cây bắp mình không có thấy hạt bắp nữa, nhưng mà hạt bắp vẫn còn sống ở trong cây bắp. Nhìn vào con người của mình mình không thấy cha nhưng kỳ thực cha đang ở trong mình. Và chúng ta có thể nói một cách rất  rõ ràng rằng đứa con là sự tiếp nối của cha, mình giận cha tức là giận mình, cha giận mình tức là cha tự giận cha, sự thật là  như vậy, đó là nguyên lý vô ngã trong đạo Phật. Cha và con không phải là hai ngã riêng biệt, hể cha khổ là con sẽ khổ và hể con khổ là cha cũng khổ.

Khi một hạt bắp  sinh ra cây bắp, nhìn thấy cây bắp,  mình không thấy được hạt bắp nhưng mà kỳ thực hạt bắp  vẫn còn trong cây bắp và mình thấy rằng cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Mình cũng vậy, nhìn vào mình hình như là mình không có thấy cha, nhưng kỳ thực cha đang ở trong mình và mình là sự tiếp nối của cha, nó giống hệt như cây bắp là sự nối tiếp của hạt bắp. Cho nên mình giận cha tức là giận mình, mình không có thể nào lấy cha ra khỏi mình được. Cho nên có những thanh niên Tây Phương và cả thanh niên Việt Nam nữa tuyên bố một câu động trời là tôi không có gì muốn dinh líu tới ông đó nữa hết. Thật sự là mình không có đường thoát, chỉ có một con đường duy nhất là mình phải hòa giải với cha ở trong mình. Khi mà mình hòa giải được với cha ở trong mình thì mình có thể hòa giải được với cha ở ngoài. Tại vì cha ở ngoài là một phần thôi, cha ở trong mình mình là một thực tại không thể phủ nhận được.

Vậy thì cái bài thực tập  đi như thế này:

Thở vô tôi thấy cha tôi là một em bé năm tuổi, rất mong manh, rất dể bị thương tích và thở ra tôi mỉm cười với cha tôi với lòng từ bi.

Tại vì cha mình ngày xưa cũng có thể bị đối xử thô bạo, ông nội bà nội có thể rầy la, đã trút những cái bực bội lên trên đầu cha. Và vì những  thương tích đó, cha mình chưa có chuyển hóa được, trị liệu được cho nên cha mình truyền xuống cho mình, đó là luân hồi.

Đôi khi mình cảm thấy tại sao mình đối xử với con mình một cách thô bạo như vậy? tại sao mình có thể nói với con mình những câu nói thô bạo và có những hành động thô bạo đối với con mình như vậy? mình cũng là người hiền mà. Đó là tại vì cái vết thương của cha chưa được trị liệu đã được truyền cho mình. Và vì mình chưa trị liệu được cho nên mình lại trút xuống cho con mình, thành ra nó đi vòng quanh nó được truyền từ thế hệ này xuống thế hệ khác.

Khi  mình thấy cha mẹ mình đối xử với mình một cách thô bạo thì mình rất  tức, mình quyết tâm rằng sau này khi mà có con mình nhất quyết sẽ đối xử với con một cách dịu dàng mềm mỏng, dịu hiền, mình  nguyện như vậy, mình đã quyết chắc như vậy. Nhưng mà nếu mình không  tu tập, mình không chữa lành được những vết thương của em bé trong mình thì chắc chắn sau này mình cũng sẽ đối xử thô bạo với con của mình, con trai của mình và con gái của mình, đó là chuyện luân hồi.

Cho nên trở về để mà chữa lành thương tích, giúp cho em bé trong mình chữa lành thương tích, đó là một thực tập rất quan trọng. Nếu chúng ta chưa có gia đình thì chúng ta phải thực tập, có gia đình rồi đôi khi không có thì giờ để thực tập nữa. Và chúng ta sẽ truyền lại những  vết thương của chúng ta đã nhận được từ cha mẹ của chúng ta xuống cho các con, rất là nguy hiểm.

Và khi mà mình thở vào, mình thấy cha mình là một em bé năm tuổi rất  mong manh, rất  dể bị thương tích và mình mỉm cười với em bé năm tuổi đó, thì mình hiểu được cha, cha cũng đã từng là nạn nhân của sự đối xử không  nhẹ nhàng. Và khi mình hiểu được cha như vậy rồi, mình không còn trách móc, mình không còn giận hờn cha nữa. Sở dĩ cha đối xử với mình như vậy tại vì cha đã bị đối xử như vậy và những vết thương trong cha cha chưa có cơ hội chữa lành. Cho nên cha mới đối xử với mình như vậy và cha là một người cần đến sự giúp đỡ, cần sự hiểu và thương chứ không cần sự giúp đỡ của mình.

Và  bài thực tập đó tuy là nó đơn giản nhưng mà nó làm cho mình hết giận cha, thở vào tôi thấy cha tôi là em bé năm tuổi rất mong manh rất dể bị thương tích, thở ra tôi mỉm cười thương hại, tôi mỉm cười một cách từ bi đối với cha tôi. Tại vì cha tôi hồi còn nhỏ cũng là nạn nhân của sự đối xử không có không có nhẹ nhàng, cha tôi cũng không có tiếp nhận được đủ cái hiểu và cái thương.

Khi  mình  thấy  đã có thể hiểu được cha, đã thấy cha ngày xưa khi còn là em bé đã từng là nạn nhân của sự đối xử không có nhẹ nhàng rồi và cha chưa có cơ hội nào để có thể trở về để giúp em bé trong cha chữa trị được những vết thương đó. Và vì vậy cho nên cha đã đối xử với mình như vậy thì mình bắt đầu hiểu, mình bắt đầu chấp nhận và mình hết giận cha. Và khi đã hết giận cha rồi thì mình ngồi xuống viết một lá thư tình cho cha, mình nói ba ơi lâu con giận ba năm này sang năm khác tại vì con chưa hiểu ba. Bây giờ nhờ pháp môn của đức Thế Tôn giảng dạy con đã thấy được rồi, con đã hiểu được rồi.  Hồi nhỏ ba có nhiều thương tích và vì ba chưa có cơ hội chữa trị được những thương tích đó cho nên ba đã truyền lại những cái khổ đau đó, những vết thương đó cho con. Bây giờ con hiểu ba rồi thì con không có giận ba nữa, con đã thực tập rồi và con đã chữa lành được cho em bé trong con, bây giờ con rất thương ba. Và nếu ba thực tập như con thì ba cũng sẽ chữa lành em bé năm tuổi trong ba, hai cha con mình cùng thực tập.

Tôi kể cho quý vị nghe về câu chuyện một em bé bên Thụy Sỹ.  Đó là em bé trai  mười hai tuổi, rất  giận ba nó  vì  nó  hay bị  ba rầy la,  nạt nộ, hay chửi mắng. Mỗi khi  nó chơi, nó té  rách đầu gối hay là trẹo chân thì thay vì tới an ủi, giúp đỡ, băng bó cho nó thì cha nó cứ chửi  mày là đồ ngu, mày là đồ không có trí tuệ, chửi cái này rồi chửi cái khác. Nó rất  tức  chuyện đó. Một bữa đó ở làng Mai, xóm Hạ, em gái nó chín tuổi đang ngồi võng chơi với một em bé khác, hai đứa đu võng làm sao mà té. Em gái té xuống vấp vào một  tảng đá, máu me chảy  trên trán, thằng nhỏ đó tự nhiên thấy trong lòng một nỗi giận hờn trào lên, nó tính chửi em gái nó, nó tính chửi như thế này: mày là đồ ngu, mày là đồ không có trí tuệ, chơi làm sao cho đến nỗi phải té dập đầu dập mặt như vậy. Nhưng bữa đó nó không có chửi,  vì nó đã qua làng Mai thực tập liên tiếp trong hai mùa hè rồi. Và ở Mai thôn đạo tràng bên Pháp thì người lớn thực tập nhưng con nít cũng thực tập nữa. Mình thực tập thở có ý thức giống như bài tập mà chúng ta vừa mới bắt đầu bài pháp thoại này, mình tập đi những bước chân có ý thức, mình tập làm gì cũng có ý thức về điều mình đang làm. Ví dụ như khi lặt rau thì mình biết là mình đang lặt rau, rửa rau thì mình biết là mình rửa rau, lái xe thì mình biết là mình đang lái xe, thở vào thì mình biết là mình đang thở vào, xới cơm thì mình biết là xới cơm, rửa bát thì biết là rửa bát. Khi nào cơn buồn  xuất hiện thì biết rằng có cơn buồn  xuất hiện, cơn giận xuất hiện thì biết rằng cơn giận đang xuất hiện. Và vì vậy cho nên nó đã thực tập được hai mùa hè và bữa đó khi mà em gái nó té  chảy máu ở trên trán thì cơn giận đùng đùng  kéo dậy và nó sắp chửi em gái cũng giống như là ba đã từng chửi nó. Nhưng  nó nhận ra được một điều, nếu mình chửi em gái mình thì cũng giống như là ba đã từng chửi nó thành ra nó không chửi. Trong khi đó một người bạn chăm sóc băng bó cho em gái nó thì nó xoay lưng lại  thực tập đi thiền hành.

Đi thiền hành tức là đi từng bước chậm rãi và phối hợp hơi thở với bước chân, đi như thế nào để mỗi bước chân  đưa mình về giây phút hiện tại để mình có thể tiếp xúc được với cái  tươi mát lành mạnh, có giá trị nuôi dưỡng và trị liệu. Và trong khi đi thiền hành  đứa bé khám phá ra được nhiều điều rất  kỳ lạ. Mới mười hai tuổi thôi mà đã tu chứng được rồi, đầu tiên nó  thấy là nó cũng giống hệt như ba nó, nó cũng có hạt giống của sự giận hờn. Và mỗi khi mà con mình hay em mình làm một cái lỗi lầm gì thì mình có khuynh hướng muốn chửi  người đó, chửi đứa con đó hay  đứa em đó. Thành ra tuy  nó giận ba nó nhưng  nó hành xử giống hệt như  ba nó. Đó là cái thấy đầu tiên của nó, nhờ tu tập chánh niệm.

Đi thiền hành một hồi nữa thì nó thấy được cái  thứ hai,  là ngày xưa ba nó cũng đã từng là nạn nhân như nó,  ngày xưa cũng đã nhận được những  hạt giống như nó. Hể đứa con mình làm một  điều gì sai quấy  thay vì giúp đỡ lại chửi mắng. Và trong cái thấy này nó nhận ra rằng ba nó cũng là nạn nhân như nó. Và khi thấy rằng ba mình cũng là nạn nhân như mình thì nó bắt đầu hết giận ba.

Cái thấy thứ ba là nó  ước muốn  khi về tới Thụy Sỹ thì nó sẽ mời ba nó cùng thực tập với nó để chuyển hóa những cái hạt giống  đã tiếp nhận được từ ba nó, những hạt giống xấu, hạt giống của sự bực bội la mắng, nó tiếp nhận từ ba nó và ba nó đã tiếp nhận từ ông nội của nó. Và trong buổi đi thiền hành chưa đầy mười phút mà cậu con trai mười hai tuổi đã đạt tới ba cái thấy rất là rõ ràng. Và từ đó trở về sau mỗi khi em gái nó chơi đùa bị thương thì nó không la mắng nữa mà nó tới để giúp đỡ băng bó, an ủi em gái nó.

Tôi nghĩ rằng một em bé trai mười hai tuổi mà thực tập như vậy cũng là giỏi, mới thực tập mùa hè thứ hai ở tại làng Mai thôi, thực tập chánh niệm. Cho nên chúng ta người nào cũng có thể thành công được trong  thực tập này, chúng ta phải trở về bản thân, chúng ta phải nhận diện sự có mặt của em bé bị thương trong ta, chúng ta phải mỉm cười với nó, chúng ta phải ôm lấy nó một cách rất là trìu mến, chúng ta phải quán chiếu và giúp cho những vết thương trong nó từ từ được chữa lành. Và trong sự thực tập này chúng ta phải quán chiếu em bé ngày xưa của cha mình. Tại vì cha mình ngày xưa cũng đã từng là một em bé. Và nếu mình thấy được rằng cha mình hồi năm tuổi cũng là nạn nhân của sự trao truyền những hạt giống giận hờn bạo động thì mình bắt đầu hiểu được cha, thấy được cha cũng là nạn nhân và chấp nhận được và tha thứ cho cha, điều này ai cũng làm được.

 

lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ,

Những thiền sinh Tây Phương có vấn đề với cha với mẹ rất là nhiều. Và khi mà họ tới những khóa tu ở làng Mai tổ chức ở tại khắp nơi ở Âu Châu và Mỹ châu, họ đều được tiếp nhận  phương pháp này và có rất nhiều người đã thực tập thành công và đã được hòa giải với cha, hòa giải được với mẹ, rất là hay. Trong những  biện pháp, trong những  pháp môn để giúp cho mình hòa giải với cha, hòa giải với mẹ,  có phép lắng nghe của Bồ tát Quan Thế Âm. Và tôi muốn chia sẻ tối hôm nay với quý vị phương pháp lắng nghe đó để quý vị cũng có thể làm được như những thiền sinh kia. Trong chúng ta có hạt giống của hiểu và của thương cũng như có hạt giống của bực bội, giận hờn, si mê. Và khi hạt giống của  bực bội, giận hờn, si mê  được tưới tẫm thì chúng ta nói lên những lời không có tình không có nghĩa, chúng ta nói những lời có thể gây ra sự đổ vỡ giữa ta với người khác, người khác đó có thể là vợ ta, chồng ta, con ta hoặc là cha ta hay mẹ ta. Và vì vậy cho nên muốn nói những  lời ái ngữ, muốn lắng nghe những  nỗi khổ niềm đau của người kia thì chúng ta phải biết tưới tẫm những hạt giống của hiểu biết và thương yêu ở trong ta.

Đây là pháp thực tập của bồ tát Quan Thế Âm. Mỗi người trong chúng ta đều có những  nỗi khổ niềm đau, những  bức xức, những  khó khăn  chưa nói ra được, rất nặng ở trong lòng. Nếu chúng ta may mắn  có một người bạn hay  một người chồng hay  một người vợ hay  một người yêu có thể hiểu được chúng ta. Và chúng ta đã có thể tâm sự với người đó về những  khó khăn, những bức xúc, những  buồn chán của chúng ta. Nhưng  nếu chúng ta chưa được ai lắng nghe chúng ta một lần nào cả, thì những  đau khổ, buồn chán,  bức xúc, tuyệt vọng đó  vẫn còn nguyên vẹn trong chúng ta. Và vì vậy chúng ta rất cần một người lắng nghe chúng ta, để chúng ta có thể nói ra được tất cả những gì chất chứa trong lòng từ lâu nay. Đức Quan Thế Âm là một trong những người có khả năng lắng nghe đó.

Hiện bây giờ trong xã hội mới, có những người làm nghề gọi là nghề tâm lý trị liệu. Và một trong những sự thực tập của những người đó là ngồi lắng nghe chúng ta khi chúng ta có những  nỗi khổ niềm đau, chúng ta có những  rối loạn về tâm thần thì những người bác sĩ tâm lý trị liệu đó, ngồi lắng nghe chúng ta. Tại vì nếu  biết cách lắng nghe thì sau một giờ đồng hồ chúng ta sẽ thấy khỏe và nhẹ hơn lên. Tôi đã từng mở những khóa tu Phật pháp cho những nhà tâm lý trị liệu Tây Phương có rất nhiều người thật sự không có khả năng lắng nghe, vậy mà họ vẫn làm cái nghề đó như thường. Họ không có khả năng lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của chính họ và họ cũng chưa có khả năng lắng nghe người bạn hôn phối, hay là con cái, hay là cha mẹ của họ. Vậy thì làm sao họ lắng nghe người bệnh của họ một cách thành công được. Cho nên tôi rất  nghi ngờ  khả năng trị liệu của những người đó.

Và cố nhiên khi mà họ tới học tập cái tâm lý học về Phật giáo, học tập những phương pháp tu luyện của Phật giáo thì họ sẽ tưới tẫm những hạt giống tốt, họ có thể ôm ấp và chuyển hóa những hạt giống xấu. Và họ sẽ có khả năng lắng nghe người bệnh của họ nhiều hơn. Lắng nghe chữ Hán gọi là đế thính, mà lắng nghe với tâm từ bi cái đó gọi là bi thính, rất là quan trọng.

Trước mặt mình là một người có rất nhiều nỗi khổ niềm đau  chưa bao giờ nói ra được, và bây giờ mình đóng vai Đức Quan Thế Âm bồ tát để lắng nghe người đó. Và mình biết rằng nếu mình nắm được kỹ thuật lắng nghe, thì mình chỉ cần lắng nghe trong một giờ đồng hồ là người đó bớt khổ rất nhiều rồi. Nhưng mà lắng nghe không phải là chuyện dể, tại vì khi người kia nói, người kia có thể nói bằng một ngôn từ rất  khó nghe. Những  lời của người kia nói có thể có tính cách chua chát, trách móc, hờn oán, lên án, hoặc buộc tội. Cho nên khi nghe như vậy những hạt giống bực bội giận hờn của mình có thể bị tưới tẩm. Và khi mà  sự bực mình,  sự giận hờn  trào lên thì mình  mất  khả năng lắng nghe của mình. Mình biết rằng chồng mình có những  nỗi khổ niềm đau rất  sâu, rất  kín. Mình là người vợ, mình cũng muốn ngồi để lắng nghe ông ta, để cho ông bớt khổ. Nhưng cái khả năng lắng nghe của mình có giới hạn, tại trong tâm của mình  cũng có hạt giống của sự bực bội giận hờn, trách móc. Cho nên khi  lắng nghe ông ta nói với  giọng chua chát trách móc hờn giận buộc tội, thì những lời nói đó tưới tẩm những hạt giống bực bội giận hờn trách móc trong mình. Và khi mà  sự trách móc hờn giận  trào lên thì mình không có thể nào ngồi lắng nghe được nữa. Mình trở thành một bức tường, tuy là mình không có nói gì nhưng  người kia có cảm tưởng đang nói với một bức tường. Vì vậy cho nên muốn lắng nghe thì phải học theo hạnh của đức bồ tát Quan Thế Âm. Lắng nghe tức là nghe với tâm từ bi, chỉ với một mục đích thôi là làm thế nào để người kia có cơ hội nói ra những  nỗi khổ niềm đau ở trong lòng mình để cho người đó bớt khổ. Mình là người vợ, mình biết rằng chồng mình có những cái nỗi khổ niềm đau lâu nay chất chứa, mình muốn lắng nghe nhưng mà mình phải học mới có thể lắng nghe được. Mình là người chồng, mình biết rằng người vợ của mình cũng có những  nỗi khổ niềm đau rất sâu sắc, mình cũng muốn có một  giờ nào đó  ngồi lắng nghe vợ, nhưng mà nếu người vợ nói bằng  giọng trách móc hờn giận buộc tội chua chát thì mình cũng không  lắng nghe được. Vì trong khi lắng nghe, sự bực bội, sự giận hờn của mình  bị tưới tẩm. Cho nên trong chúng ta ít người có khả năng lắng nghe với tâm từ bi. Cho nên  xã hội Tây Phương cũng như  xã hội Á châu, trong gia đình không có ai lắng nghe được ai. Và do đó  chúng ta phải đi tìm những nhà tâm lý trị liệu, chúng ta trả tiền cho họ, để họ ngồi lắng nghe chúng ta. Đức Quan Thế Âm bồ tát ngài không cần ai trả tiền,  vì ngài có rất nhiều lòng từ bi và ngài biết rằng lắng nghe như vậy là làm cho người ta bớt khổ rất nhiều. Trong kinh thiền môn nhật tụng hai ngàn có một đoạn chúng ta gọi tên đức Quan Thế Âm bồ tát, tôi xin đọc cho quý vị nghe.

  “ Lạy đức bồ tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh của bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ, ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến, chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con xin nguyện tập ngồi nghe để hiểu, chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi”

Đó là  đoạn kinh nói về  hạnh nguyện của đức bồ tát Quan Thế Âm. Chúng ta đều là đệ tử của đức Quan Thế Âm, chúng ta phải tìm cách học cho được cái hạnh lắng nghe của ngài,  hạnh lắng nghe với tâm từ bi. Muốn có thể lắng nghe được, chúng ta phải nuôi cái tâm từ bi trong  thời gian lắng nghe.Chúng ta phải thở và nhớ rằng mình lắng nghe đây không phải với mục đích là để phê bình, để sửa những  lỗi lầm của người kia, hoặc để tranh cãi, mà là để giúp cho người kia có một cơ hội nói ra được những  nỗi khổ niềm đau cho bớt khổ. Trong thời gian lắng nghe  nửa giờ đồng hồ hay một giờ đồng hồ, mình phải ngồi và mình tự nhắc mình như vậy. Và làm sao để cho  tâm từ bi  có mặt trong suốt  thời gian lắng nghe. Nếu có tâm từ bi  trong suốt một giờ đồng hồ thì mình được che chở và  hạt giống của sự bực bội giận hờn  không  bị tưới tẫm. Còn nếu mà không duy trì được cái tâm từ bi, thì trong khi nghe mình sẽ bực bội,  vì người kia có thể chưa biết dùng  ái ngữ, người kia có thể nói bằng cái giọng hờn oán trách móc chua chát, lên án buộc tội. Và như vậy  mình đánh mất khả năng lắng nghe của mình. Cho nên muốn lắng nghe cho thành công thì mình phải duy trì tâm từ bi trong thời gian lắng nghe. Và muốn duy trì được tâm từ bi trong thời gian lắng nghe thì mình phải nhớ là ngồi nghe như vậy, không phải là để tranh cãi, để phê bình mà để cho người kia một  cơ hội nói ra những cái nỗi khổ niềm đau  cho người đó bớt khổ. Cho nên dù người đó  nói những cái gì rất  sai lầm, có những tri giác rất  sai lầm, có những nhận xét rất  sai lầm, có những thông tin rất  sai lầm thì mình vẫn ngồi yên để lắng nghe. Nếu mình cắt lời, mình sửa sai người đó trong khi lắng nghe, thì người đó sẽ cãi, và buổi lắng nghe không còn ý nghĩa nữa.

Cho nên muốn lắng nghe một người nào đó, mình phải chuẩn bị nhiều ngày và phải thực tập để có thể nắm được  chủ quyền của thân tâm và nhất là mình phải nuôi cho được  tâm từ bi trong suốt  thời gian lắng nghe đó, tức là một giờ  hoặc là bốn mươi lăm phút. Muốn nuôi  tâm từ bi  thì mình phải nhớ  câu nói kia, nhớ  lời nguyện kia, lắng nghe đây là để giúp cho người kia một cơ hội nói ra được những  nỗi khổ niềm đau để cho người kia đỡ khổ, chứ không phải là để mà tranh cãi để hơn thua, để  phê bình. Chỉ cần nhớ  câu nói đó thì dù người kia có  trách móc, có nói xiên nói chua chát hay là có những  tri giác rất  sai lầm, thì mình vẫn mỉm cười và mình vẫn lắng nghe được như thường. Và lúc đó mình đang đóng vai  đức bồ tát lắng nghe Quan Thế Âm.

 

Đức bồ tát lắng nghe

Chúng ta thường gọi đức bồ tát Quan Thế Âm là đức bồ tát đại bi. Nhưng  trong những ngày gần đây thì tại đạo tràng Mai thôn chúng tôi sử dụng chữ lắng nghe, vì lắng nghe là cái nghề của đức bồ tát Quan Thế Âm, quán là lắng nghe, thế âm là những tiếng kêu thương của cuộc đời. Cho nên chúng tôi hay niệm Nam mô đức bồ tát lắng nghe Quan Thế Âm, ngài chuyên môn về lắng nghe và ngài lắng nghe được với cái tâm từ bi. Và nếu mình là người niệm đức Quan Thế Âm thì ít nhiều mình phải học cách lắng nghe của ngài, phải biết nhìn cuộc đời bằng con mắt từ bi.

Mắt thương nhìn cuộc đời -từ nhãn thị chúng sanh- đó là một câu kinh rút trong phẩm phổ môn của kinh Pháp Hoa. Khi mà mình biết nhìn bằng con mắt từ bi thì mình cũng biết lắng nghe bằng lổ tai từ bi. Và khi mình biết nhìn người kia bằng con mắt từ bi thì người kia cảm nhận được, mình khỏe mà người kia cũng sẽ khỏe. Và khi mình lắng nghe được với tâm từ bi thì mình khỏe mà người kia cũng khỏe, rất là hay. Cho nên Mắt thương nhìn cuộc đời, từ nhãn thị chúng sanh, và từ nhĩ thính chúng sanh tức là dùng lỗ tai từ bi để lắng nghe chúng sanh. Chuyện đó mình có thể làm được, tôi cam đoan rằng nếu quý vị thực tập độ chừng ba ngày là quý vị có thể lắng nghe được những người thân của mình, người thân đó có thể là cha của mình hay là chồng, là vợ, là con trai hay con gái của mình. Lâu nay mình nói chuyện với con của mình không được,  mình nói chuyện với cha của mình không được, lâu nay hai vợ chồng không có nhìn mặt nhau, không  nói chuyện với nhau được. Nhưng  nếu thực tập theo phương pháp này thì nội trong ba ngày hay  bốn ngày mình đã có thể lắng nghe nhau được và mình có thể nói những lời nói dịu dàng được với người kia.

Một  khóa tu chúng tôi tổ chức cho thiền sinh Tây Phương thường thường là sáu ngày và họ ở luôn tại chỗ, ngủ tại chỗ. Thường thường chúng tôi thuê một  trường đại học và mỗi thiền sinh ở trong trường đại học luôn, ngủ ban đêm rồi buổi sáng thức dậy lúc bốn giờ rưỡi cùng ngồi thiền với các thầy các sư cô, rồi ngồi thiền tụng kinh xong đi ăn sáng. Ăn sáng  trong im lặng, ăn trong chánh niệm và hưởng sự có mặt của các thầy các sư cô và các bạn tu của mình. Ăn im lặng, ăn chậm rãi và ăn như thế nào để được thảnh thơi hạnh phúc trong khi ăn. Rồi sau đó đi lên thiền đường để nghe pháp thoại, nghe giảng. Và trong khi nghe một bài thuyết pháp thì những hạt giống của hiểu và của thương  được tưới tẩm.  Nhìn lại mình, mình thấy có những cái vụng dại, những  khuyết điểm. Nhìn lại người thương của mình, mình thấy người đó đáng thương đáng giúp hơn là đáng trừng phạt. Cho nên trong suốt sáu ngày những hạt giống của hiểu và của thương nơi mình được tưới tẩm.

Và vì vậy tới ngày thứ năm là chúng ta có thể sử dụng ái ngữ được rồi, tức là nói những lời nói dể thương, mình nói như thế này. Ví dụ mình là người vợ, mình nói với người chồng như thế này anh ơi, em biết là trong những năm gần đây anh có rất nhiều khổ đau bức xúc, em biết chứ không phải là không biết. Nhưng mà em dại dột em đã không có giúp được anh mà em còn phản ứng, em còn nói những câu nói em còn có những hành động làm cho tình trạng  tệ hơn, em chịu một phần trách nhiệm trong những  khổ đau những bức xúc, những bực bội của anh, em xin lỗi. Tại vì em chưa được tiếp xúc với pháp môn của đức Thế Tôn, em không  biết lắng nghe, em không  biết nói lời ái ngữ, em đã nói những lời nói buộc tội, những lời nói chua chát, những lời nói lên án và em đã làm cho  tình trạng  tệ hơn,  xấu hơn. Em đã không giúp được anh bớt khổ mà em còn làm cho anh khổ thêm, em rất hối hận. Vậy thì từ nay trở đi em hứa sẽ không làm như vậy nữa. Nhưng mà em cần anh nói cho em nghe tất cả những  khó khăn, những  khổ đau, những  bức xúc, những  tuyệt vọng của anh,để từ rày về sau em sẽ không  dại dột nữa. Nếu em không  hiểu thì em sẽ có thể tiếp tực lặp lại những lỗi lầm. Vì vậy cho nên anh phải giúp em, anh phải nói cho em nghe tất cả những  khó khăn, bực bội, buồn khổ của anh và em nguyện sẽ lắng nghe anh hết lòng. Nếu anh không giúp em thì ai mà giúp em được nữa. Và nếu em có những lỗi lần nào, vụng về nào trong quá khứ thì anh cũng nói cho em nghe đi để từ rày về sau em không dại dột lặp lại.

Những lời nói như vậy và đó gọi là ái ngữ. Có những người không  thể nói được những câu như vậy vì giận chồng, giận vợ lâu ngày. Nhưng sau năm ngày tu những hạt giống hiểu và thương của mình được tưới tẩm thì tự nhiên mình nói được những câu nói đó, rất là lạ kì. Và điều này  áp dụng cho thiền sinh Tây Phương nhưng cũng áp dụng được cho những thiền sinh Á châu. Chúng tôi đã mở những khóa tu  bên Nhật Bổn, bên Đại Hàn,  bên Trung Quốc,  bên Đài Loan và  Việt Nam. Và chúng tôi thấy rằng sau năm ngày tu những hạt giống tình nghĩa hạnh phúc được tưới tẩm thì mình có thể nói trở lại được những lời dể thương nhẹ nhàng ái ngữ như vậy.

Tôi còn nhớ  một khóa tu ở bên Đức cách đây độ chừng năm năm. Tới ngày thứ năm tôi mới ra lệnh cho các thiền sinh, nói rằng quý vị đã tu tập năm ngày, nhiều rồi đó, chỉ còn một ngày thứ sáu nữa thôi. Vậy thì tôi ra một bài tập cho quý vị là từ bây giờ cho đến mười hai giờ khuya, nếu quý vị có khó khăn với cha với mẹ thì quý vị phải giải quyết cho xong trước mười hai giờ khuya và quý vị phải sử dụng hai  phương pháp mà tôi vừa trao truyền là lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái. Mình có thể nói được tất cả những khổ đau của mình, những cái gì mà mình có ở trong lòng nhưng mà mình nói bằng ngôn từ hòa ái, không có trách móc, không có lên án không có buộc tội để giúp cho người kia hiểu được mình, cái đó gọi là ái ngữ. Và nếu quý vị sử dụng được hai  pháp môn này, ái ngữ và lắng nghe thì quý vị sẽ có thể hòa giải được với cha hay mẹ của quý vị. Nếu cha hay mẹ của quý vị có mặt trong khóa tu thì rất dể vì những vị đó cũng đã tu tập năm ngày rồi, những hạt giống của tình nghĩa, của hiểu và thương đã được tưới tẫm. Còn nếu mà cha hay mẹ không có mặt ở đây quý vị được phép trong khóa tu này sử dụng điện thoại di động để thực tập ái ngữ và lắng nghe với cha mẹ của quý vị. Tất nhiên sử dụng điện thoại di động thì nó sẽ khó hơn tại vì cha mẹ chưa được nghe năm bài thuyết pháp, chưa được thực tập năm ngày hai mươi bốn giờ đồng hồ một ngày. Nhưng mà sáng hôm sau thì có bốn người thanh niên, không hẳn là thanh niên, có người ba mươi lăm tuổi bốn mươi tuổi, họ lên  báo cáo rằng hôm qua trước mười hai giờ khuya họ đã dùng điện thoại di động và họ đã hòa giải được với cha của họ, rất là hay. Họ nói với tôi rằng trước khóa tu họ không có ngờ họ có thể nói với cha họ những lời nói dịu dàng hòa nhã như vậy. Nhưng  sau năm ngày tu con người của họ đổi khác và khi cần điện thoại lên gọi ba họ, tự nhiên họ nói được những lời có hiểu có thương hòa nhã, những lời như là tôi mới nói đó. Ba ơi con biết rằng năm bảy năm nay ba bực lắm, ba buồn lắm, ba có những khó khăn ba có những khổ đau và ba cũng buồn con lắm. Con biết rằng ba khổ mà con không có giúp được ba mà con lại làm cho  tình trạng  nặng nề thêm, con đã phản ứng, con đã hờn lẫy, con đã nói những câu khiến cho ba bực mình thêm, ba đau khổ thêm con rất là hối hận. Con đâu  muốn làm cho ba khổ, nhưng tại con dại dột, tại con chưa biết pháp môn tu tập. Bây giờ con đã biết rồi, con xin ba tha thứ cho con. Ba nói cho con nghe đi những cái điều khó khăn khổ đau bức xúc trong lòng ba, để con đừng  lặp lại những lời nói những hành động vụng về của con nữa, ba giúp con đi. Con muốn cho ba có hạnh phúc chứ con đâu có muốn làm cho ba đau khổ đâu, ba không giúp con thì ai giúp con nữa.

Và khi nói được như vậy thì trái tim của người kia sẽ mở ra, cánh cửa trái tim sẽ mở ra và lúc đó mình thực tập lắng nghe, tội nghiệp ba quá, tội nghiệp em quá, tội nghiệp anh quá vậy mà em không biết. Và một giờ lắng nghe như vậy có thể làm vơi đi rất nhiều đau khổ nơi trái tim của người kia. Trong bốn mươi năm hành đạo ở Tây Phương chúng tôi đã giúp cho vô số những cặp vợ chồng và cha con, mẹ con ở bên đó hòa giải được với nhau nhờ phương pháp ái ngữ và lắng nghe mà chúng tôi học được từ đức Bồ tát Quan Thế Âm.

Ngày hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ mở hội Quan Thế Âm. Chúng ta sẽ dâng hương dâng hoa lên đức Bồ Tát nhưng mà  phẩm vật quý giá nhất mà chúng ta sẽ dâng lên đức Bồ Tát là  sự thực tập của chúng ta. Tối nay chúng ta nên về đốt một cây hương ở trên bàn thờ của đức Quan Thế Âm và chúng ta nên nguyện rằng “lạy đức Bồ tát Quan Thế Âm chúng con sẽ học theo hạnh ngài, chúng con sẽ thực tập lắng nghe và ái ngữ trước hết là đối với bản thân của chúng con rồi sau đó đối với những người thương của chúng con trong gia đình, trong đó có cha chúng con có mẹ chúng con, có con chúng con, có con trai chúng con, có con gái chúng con, có vợ chúng con, có chồng chúng con. Chúng con nguyện sử dụng phương pháp lắng nghe của ngài, phương pháp ái ngữ của ngài để lập lại truyền thông và đem lại hạnh phúc  trong gia đình”.

Khi  chúng ta lập lại  được  lời nguyện đó thì chúng ta đã có một phẩm vật rất  quý giá, quý giá hơn bất cứ một thứ hoa hương nào, để cúng dường lên đức Bồ Tát. Tại vì chúng ta có thể tiếp nối được chí nguyện của Bồ Tát. Tại vì trong chúng ta có hạt giống của Bồ tát Quan Thế Âm. Và nếu chúng ta thực tập tưới tẫm hạt giống đó thì một ngày nào đó chúng ta có thể lắng nghe như đức Bồ Tát và ta có thể mở miệng ra nói những lời ái ngữ như đức Bồ Tát. Và như vậy chúng ta là những người đệ tử rất là xứng đáng của Bồ tát lắng nghe Quan Thế Âm.

Cách đây độ cừng hai mươi năm tôi đi Canada. Và tối hôm đó tôi  thuyết pháp tại tòa thị chính cho vào khoảng bảy trăm đồng bào Việt Nam định cư tại Canada. Buổi chiều khi ăn cháo nhẹ trước khi đi tới hội trường, tôi nghe một tin rất  buồn làm tôi nuốt không  nổi những thức ăn mà người ta dọn lên trên bàn. Tôi nghe nói có cậu con trai mười sáu tuổi ngày hôm qua mới vừa mới nhảy xuống sông  tự tử  vì hai cha con không có nói chuyện với nhau được. Và cuối cùng người thiếu niên bất đắc chí đó đã nhảy xuống sông tự tử. Bức thơ tuyệt mạng để lại nói rằng ba ơi, má ơi con là đứa con bất hiếu nhưng mà con không thể nào sống được nữa, con chỉ có cách là chết mà thôi. Tại vì con không có thể nào làm được cái điều mà ba má muốn con làm.

Trái tim của tôi  thổn thức và vì vậy cho nên bữa đó tôi không ăn uống gì được cả. Và trong khi thuyết pháp tôi có trực tiếp nói với những người cha đang ngồi trong buổi thuyết pháp. Tôi nói này các ông, các ông phải cẩn thận lắm, nếu các ông có những khó khăn với con trai của các ông thì tối nay các ông phải về làm hòa với nó liền, có thể ngày mai nó  tự tử lắm. Nếu các ông không nói chuyện được với con trai, nếu các ông không nói chuyện được với con gái thì tôi đề nghị chiều hôm nay các ông về ôm lấy con trai của mình trong tay một cách trìu mến và nói ba rất là hối hận ba đã làm cho con khổ. Con có điều gì đau khổ bức xúc con nói cho ba nghe đi, để ba không  tiếp tục làm cho con khổ như vậy nữa, ba không muốn con khổ, ba không muốn mất con. Tối nay ông phải về ôm lấy con trai mà nói câu nói đó đi. 

Tôi đâu biết rằng trong thính chúng có một người, ông ta không nói chuyện với con trai đã hai năm. Tôi có nói như thế này: ông  mất con trai ông,  nó tự tử thì tôi mất một đứa cháu và đất nước mất một đứa con. Vì đứa con đó là sự tiếp nối của ông, là tương lai của đất nước.  Tối hôm đó, người cha không nói chuyện với người con đã mấy năm rồi, ông lái xe về, vừa lái xe ông vừa khóc. Tại vì mấy năm rồi ông không  nói chuyện  với đứa con. Và khi lái xe về tới nhà  ông thấy nhà không có bật đèn. Và nhờ  ánh sáng của đèn đường chiếu vào  ông thấy rằng con trai ông đang lủi thủi một mình và tự nhiên ông động  mối thương tâm, ông cương quyết thực hiện  điều mà thầy đề nghị trong buổi giảng. Ông mở cửa và tới ôm đứa con trai của mình. Ban đầu nó cứng như khúc gỗ, nó rất là ngạc nhiên, nó không cảm thấy được cái tình thương đó, nhưng mà ông tiếp tục ôm nó thật lâu. Độ chừng một phút sau nó mềm ra, nó để cho ông ôm. Và hai cha con ôm nhau như vậy trong  vài phút mà không có nói với nhau điều gì hết.

Và tôi biết rằng tuy ông không có nói nhưng mà cái ôm đó  nói được một cái gì đó,  tương tự như lời tôi mới đề nghị : này con ơi, ba biết rằng hai năm nay con rất là khổ. Ba không giúp được con mà ba lại còn la hét trách móc làm cho con khổ thêm, ba hối hận, ba muốn hai cha con mình làm hòa trở lại, ba không muốn mất con. Tuy là không nói gì hết, chỉ ôm thôi nhưng mà cái thông điệp  tương tự như vậy, cái đó là thiền ôm, đem hết tất cả trái tim ôm lấy đứa con của mình, truyền cho nó tất cả sự hối hận của mình, sự dịu dàng của mình và  thông điệp đó thế nào  cũng đi vô được đứa con.  Ngày hôm sau có một phép lạ xãy ra là má của cậu con trai rất  ngạc nhiên thấy rằng hai cha con ngồi ăn sáng nói chuyện với nhau, lần đầu tiên trong hai năm trời, nó giống như là một phép thần thông, rất là hay. Hai cha con nói chuyện với nhau như là chưa bao giờ giận nhau hết. Mà chỉ nhờ đêm đó ông đã về ôm lấy đứa con trai ông trong vòng mấy phút, rất là lạ lùng. Câu chuyện đó chính người cha đã viết thư kể cho tôi.

Sau khóa tu ở Canada thì tôi mới đi qua Mỹ và mở những khóa tu cho người Hoa Kỳ và một khóa tu cho người Việt. Ở tiểu bang California tôi cũng kể chuyện người con trai tự tử ở thành phố Montreal Canada và tôi cũng nói với thính chúng những câu mà tôi đã nói ở Canada. Tôi nói: này các ông, nếu các ông có khó khăn với con trai của các ông thì tối nay phải về ôm lấy nó, vì tôi không muốn nó đi tự tử, tôi không muốn các ông mất con. Tại vì đứa con của các ông là sự nối tiếp của các ông, của dòng họ và là sự nối tiếp của đất nước của dân tộc. Ông không có quyền đánh mất đứa con của ông vì  cách hành xử thô bạo hay là vụng về của ông. Tối nay tôi đề nghị ông về ôm lấy đứa con trai của ông đi. Tôi không biết rằng tối hôm đó có bao nhiêu người cha đã về ôm con. Nhưng tôi có biết một người  sau đó đã báo cáo là đứa con trai của ông không còn ở nhà nữa để cho ông về ôm, nó đã bỏ nhà đi mất rồi. Và ông lái xe về ông khóc suốt cả chặng đường vì đứa con trai đâu còn trong nhà nữa mà về nhà ôm, nó đã bỏ ông đi rồi. Hồi nhỏ thì ông lấy cái quyền làm cha, ông bảo nó làm cái gì thì nó làm, phải làm theo thôi. Ông hành xữ theo cái tinh thần Khổng giáo một cách rất là cứng và đứa con phải tuân theo ông, tuân theo ý của ông một trăm phần trăm. Nhưng mà đứa con của ông đã được gửi vào một trường tiểu học Mỹ, một trường trung học Mỹ và nó đã học được cái tự do tư tưởng. Và vì vậy cho nên khi  nó lớn lên, nó bắt đầu chống lại cái sự độc tài của cha, ép con phải suy nghĩ như mình, hành xử như mình. Và đến khi ông giận quá, ông nói con không nghe  thì ông la mắng nhiếc nó, ông nói mày đi đâu thì đi, mày không phải là con của tao nữa, con của tao không phải như vậy. Và cuối cùng người thanh niên đó đang học trung học đã bỏ nhà ra đi theo một  băng đảng. Và tối hôm đó sau khi nghe thuyết pháp về ông rất là buồn tại vì ông đâu còn đứa con ở nhà mà về ôm nữa. Nhưng mà ông  còn có phước, ông quyết nghe lời thầy, ông về ông xin nghỉ sở mười ngày để đi tìm con. Vì phước phần của ông bà còn đó, cho nên tới ngày thứ tư ông tìm ra đứa con. Và ông nói với đứa con, con ơi về nhà đi, ba rất là hối hận, về nhà đi rồi con nói gì là ba nghe theo hết, ba không muốn mất con. Tại vì con sự nối tiếp của ba, ba rất là hối hận  đã đối xử với con một cách rất  tàn nhẫn, rất  thô bạo, con về nhà đi con, ba hứa sẽ không có làm như vậy nữa. Và may mắn cho ông đứa con chấp nhận trở về.

Con nào mà không muốn thương cha, nhưng mà phải cho nó cái cơ hội để nó bộc lộ tình thương và cha nào mà không có thương con. Mà nếu mình không có thì giờ để quán chiếu thì làm sao  mình lắng nghe, mình biểu lộ được cái tình thương đó. Và hai cha con nhờ vậy mà đã làm hòa được với nhau. Cậu con đó đã học xong đại học và đã tốt nghiệp bác sĩ. Thành ra hôm nay nói chuyện về lắng nghe tôi cũng muốn thưa với các ông các bà như vậy. Nếu các ông các bà có khó khăn với con trai hay con gái của mình đừng có chần chừ nữa, phải về mà hòa giải với nó phải ôm lấy nó, dù sao nó cũng là con của mình dù sao nó cũng là sự tiếp nối của mình. phải hành xử như là một người đệ tử của đức Quan Thế Âm, phải lắng nghe con của mình, phải hiểu được những bức xúc những khó khăn của đứa con của mình. tại vì con của mình là sự tiếp nối của mình, là tương lai của đất nước. Ông không có quyền đánh mất đứa con đó, bà không có quyền đánh mất đứa con đó.

Áp dụng phương pháp ái ngữ và lắng nghe ông bà có thể tái lập lại truyền thông và đem lại hạnh phúc giữa mình với các con của mình. Và nếu mình là người trẻ, mà nếu mình giận cha giận mẹ thì mình cũng phải biết rằng giận cha tức là giận chính mình, giận mẹ tức là giận chính mình. Tại vì mình là sự tiếp nối của cha, mình là sự tiếp nối của mẹ. Mình phải về với cha, mình phải dùng ái ngữ nói với cha, ba ơi con biết ba có nhiều bức xúc, có nhiều đau khổ mà con không có giúp được ba, con lại làm cho tình trạng nó khó khăn hơn, con hối hận hết sức. Ba nói cho con nghe đi những cái khó khăn, những nỗi khổ niềm đau của ba để con hiểu để con đừng dại dột như vậy. Mình phải biết nói những lời nói như vậy với cha với mẹ. Và có như vậy mình mới thật sự là một người đệ tử xứng đáng của đức Bồ Tát Quan Thế Âm.

Xin cảm ơn các vị tôn đức và tất cả các vị đã lắng nghe.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.