PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Thiền giả với 4 phép thực tập căn bản

 

  • Tháng VIII 2007 - Minh Niệm biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 27. 4.2007  tại chùa Đồng Đắc - Hà Nội
    Â
    m thanh MP3 : Phần 1 (14.8MB)
     

Kính thưa quý vị tôn đức,

Kính thưa các thầy các sư cô, các vị đạo hữu cư sĩ.

 

Chúng ta rất may mắn có được ba ngày cùng thực tập với nhau. Tối hôm nay tôi sẽ nói đến những sự thực tập căn bản như tập ngồi, tập đi, tập thở và tập ăn cơm, vì ngày mai chúng ta sẽ thực tập những điều đó.

 

Chúng ta ngồi như thế nào để có an lạc, thoải mái và có hạnh phúc. Chúng ta sẽ đi như thế nào để mỗi bước chân đem lại thanh thản và vui tươi. Chúng ta sẽ thở như thế nào để làm lắng dịu được thân và tâm chúng ta, để cho mỗi hơi thở có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc. Và chúng ta sẽ ăn cơm như thế nào để trong suốt bữa ăn chúng ta có hạnh phúc có an lạc, có tình bằng hữu, có tình thầy trò.

 

 

Ngồi trên một tòa sen

 

Chúng ta thường tạc tượng Đức Thế Tôn ngồi trên một tòa sen. Có phải là ngày xưa thật sự Đức Thế Tôn ngồi trên một tòa sen hay không? Trong kinh nói rằng ngày xưa khi Đức Thế Tôn ngồi dưới cội bồ đề thì có em bé chăn trâu tên là Svastika đem cúng dường một bó cỏ. Đức Thế Tôn đã lót cỏ đó để ngồi, cỏ đó tên là cỏ Kusa. Hồi chúng tôi đi Ấn độ để chiêm bái Phật tích, chúng tôi có thấy được thứ cỏ Kusa đó mọc bên bờ sông Ni Liên. Chắc chắn là Đức Thế Tôn có ngồi trên cỏ đó,  còn ngồi trên bông sen thì tôi chưa thấy. Chúng ta thường tạc tượng Bụt, tạc tượng Phật ngồi trên hoa sen là tại vì hoa sen tượng trương cho sự tinh khiết, thơm tho; sự tươi mát, thảnh thơi, sự nhẹ nhàng, an lạc. Vậy cho nên chúng ta phải làm như thế nào để học ngồi được như Đức Thế Tôn. Ngồi như thế nào để thân mình an. Ngồi như thế nào đẻ tâm mình an. Khi mình ngồi được như thế thì có nghĩa là mình cũng ngồi được trên tòa sen. Chúng ta là  đệ tử của Đức Thế Tôn, chúng ta gọi ngài là đức bổn sư, tức là thầy của mình, thầy gốc của mình. Là học trò, mình phải học tính cách của thầy. Thầy mình ngồi như thế nào thì mình phải tập ngồi như thế ấy.

 

Ngày xưa khi tôi còn bé, tôi có thấy hình Đức Thế Tôn ngồi trên một thảm cỏ do một họa sĩ vẽ trên bìa của một tạp chí Phật giáo. Tôi rất thích, tôi nói rằng nếu mà tôi ngồi được như ngài, thảnh thơi, an lạc, nhẹ nhàng, vô tư, mát mẻ như thế thì hạnh phúc biết bao! Tự nhiên trong trái tim của cậu bé muốn làm thế nào để đi theo con đường của Đức Thế Tôn. Đó là lần đầu tiên cái hạt giống xuất gia được tưới tẩm bằng một bức tranh. Trong sáu mươi sáu năm vừa qua sống cuộc đời xuất gia thì tôi cũng thực tập làm thế nào để ngồi yên, ngồi thoải mái, ngồi hạnh phúc như Đức Thế Tôn. Hiện bây giờ tôi đang ngồi trước mặt quý vị và tôi đang cảm thấy rất là thoải mái, tôi không có lo lắng, tôi không có buồn phiền, tôi ngồi như là ngồi trên một đóa sen. Ước mong của tôi và tất cả các chư vị tôn đức là các thầy các sư cô và các Phật tử cư sĩ cũng đều có khả năng ngồi trên một đóa sen. Dầu mình ngồi trên một gốc cây, trên một tảng đá, trên bãi cỏ hay là trên bờ sông hoặc là ngồi ở trên xe lửa, trên xe hơi mình cũng có thể ngồi thoải mái thảnh thơi như Đức Thế Tôn. Mình buông thư, không lo lắng, không sầu khổ. Mà muốn ngồi như thế thì mình phải học, phải tập mới được. Không phải là mình muốn ngồi yên thảnh thơi thoải mái tươi mát là mình có thể ngồi được, mình phải tập. Ban đầu mình tập ba phút, sau mình tập năm phút, rồi cuối cùng mình có thể ngồi được nửa giờ, bốn mươi lăm phút, một giờ đồng hồ, rất là thoải mái, rất là an lạc. Khi chúng ta ngồi thoải mái và an lạc thì những căng thẳng,  đau nhức trong thân không còn nữa.

 

 

Làm thế nào để buông thư

 

Có nhiều kinh, trong đó Đức Thế Tôn  chỉ dạy cho chúng ta phương pháp thở vào thở ra như thế nào để buông thư thân tâm, để làm lắng dịu những căng thẳng trong thân và trong tâm.

 

Chúng ta làm việc quá nhiều, chúng ta lo lắng quá độ và chúng ta dồn chứa những căng thẳng, những đau nhức trong cơ thể chúng ta. Từ những căng thẳng, những đau nhức  đó có những chứng bệnh phát sinh ra. Y khoa hiện đại cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta biết cách nghỉ ngơi buông thư thoải mái thì cơ thể ta sẽ có khả năng tự chữa lành được những  chứng bệnh ở trong ta. Là người Phật tử chúng ta phải học cho được phương pháp buông thư thoải mái. Ngày mai các thầy các sư cô sẽ dạy cho chúng ta làm thế nào để buông thư trong thế nằm, làm thế nào để buông thư trong thế ngồi và làm thế nào để buông thư trong khi đi đứng.

 

Chúng ta có thể làm giảm sự căng thẳng trong thân thể chúng ta, giảm sự căng thẳng thì đau nhức cũng tự động bớt đi. Và sau đó chúng ta có thể đi xa hơn, chúng ta có thể làm giảm những căng thẳng trong tâm chúng ta. Chúng ta có những lo lắng, có những sợ hãi, có những buồn phiền, có những thèm muốn, nó làm cho tâm ta không an. Nếu chúng ta bái sám, chúng ta lễ lạy, chúng ta cúng dường thì chúng ta có bớt đi được một phần những cái đó. Nhưng nếu chúng ta biết phương pháp thực tập thì chúng ta mới có thể chuyển hóa được hoàn toàn những nỗi khổ niềm đau đó ở trong lòng. Chúng ta cầu nguyện, đọc kinh, bái sám thì có thể làm nhẹ bớt những cái nỗi khổ niềm đau đó. Nhưng nếu chúng ta biết thực tập thì chúng ta có thể chuyển hóa được những cái nỗi khổ niềm đau đó.

 

Ví dụ quý vị có một nỗi buồn hay là một cơn giận dữ ở trong lòng, quý vị tới chùa lạy Phật, đốt hương. Quý vị nói lạy Đức Thế Tôn làm thế nào để con đừng có giận hờn, con đừng có buồn bã nữa.. Nhưng hồi Đức Thế Tôn còn giáo hóa ở miền Thiên Trúc thì ngài có dạy những vị đệ tử khi buồn thì phải thực tập như thế nào, khi giận thì phải thực tập như thế nào, khi lo lắng thì phải thực tập như thế nào, khi sợ hãi thì phải thực tập như thế nào. Thành ra chúng ta phải học những kinh đó, chúng ta phải tham khảo với các thầy các sư cô và các vị Phật tử đã từng thực tập để chúng ta học được những phương pháp làm thế nào để  đối trị được cái buồn cái giận cái lo, cái đam mê, cái ganh tị, cái sợ hãi của chúng ta.

 

Hy vọng rằng trong mấy ngày tu này chúng ta sẽ có cơ hội đề cập tới những vấn đề đó và học được một vài phương pháp để có thể đối trị được cái giận cái buồn cái lo cái sợ ở trong ta. Khi những cái đó ở trong tim thì chúng ta không an. Và nếu chúng ta không an thì chúng ta không có hạnh phúc. Nếu không có an thì ngồi cũng không yên mà đi cũng không yên, đứng ngồi không yên. Trong khi Đức Thế Tôn ngồi thanh thản an lạc như là ngồi trên đóa sen thì chúng ta ngồi như là ngồi trên đống lửa. Khi mà chúng ta bị cái giận cái lo cái sợ nó thiêu đốt trái tim của mình thì chúng ta đang ngồi đâu thì cũng thấy là như mình đang ngồi trên lửa. Cho nên phải học những phương pháp để chuyển hóa những nỗi buồn, những cơn giận, sự sợ hãi lo lắng đó thì chúng ta mới có thể ngồi yên như là ngồi trên một đóa sen được, phải tập mới được.

 

Ở các thiền viện, các thầy các sư chú các sư cô thực tập ngồi thiền để có thể ngồi được như Đức Thế Tôn. Và các vị thực tập đi thiền để có thể bước được những bước chân thanh thản nhẹ nhàng an lạc vững chãi thảnh thơi như là Đức Thế Tôn. Hy vọng rằng ngày mai chúng ta cũng có cơ hội ngồi với nhau vài mươi phút. Tập ngồi như thế nào để có thể ngồi trên một đóa sen, đừng có lo lắng, đừng sợ hãi, đừng có căng thẳng nhiều quá trong thân và trong tâm. Chúng ta sẽ tập đi, đi như thế nào để mỗi bước chân thảnh thơi an lạc như là Đức Thế Tôn khi ngài đi.

 

 

Phương pháp ngồi thiền buông thư

 

Trước hết tôi sẽ cống hiến cho quý vị một vài phương pháp để có thể ngồi được. Trong khi ngồi, mình để cho cột xương sống của mình thẳng nhưng không cứng ngắt,  thẳng nhưng mà buông thư. Mình để ý tới hơi thở. Thở vào, mình để ý tới không khí đi vào trong cơ thể qua đường mũi.

 

Thở vào tôi để ý tới không khí đang đi vào trong cơ thể tôi qua đường mũi. Thở ra tôi để ý tới không khí nó đang đi ra khỏi cơ thể tôi qua đường mũi. Mình để tâm tới hơi thở của mình, rồi mình bắt đầu để tâm tới cái mặt của mình. Thở vào tôi để ý tới cái mặt của tôi. Cái mặt của mình ngày xưa như là một đóa hoa rất là đẹp. Tại mình lo lắng, mình sầu khổ, mình khóc nhiều quá cái mặt của mình nó không có được đẹp như ngày xưa, nó hơi héo. Thành bây giờ phải làm cho cái mặt nó tươi lại, trên mặt của chúng ta có những cơ bắp nho nhỏ chằng chịt, có vào khoảng ba trăm cơ bắp trên mặt của chúng ta. Mỗi khi chúng ta lo lắng, sợ hãi, giận dữ, thì tất cả những cơ bắp đó căng thẳng. Nhìn vào kính, vào gương chúng ta thấy sợ lắm, mình nhìn mặt mình mà cũng thấy sợ luôn. Nó căng thẳng như là trái bom sắp nổ. Những lúc đó nếu mình biết thở vào để ý tới cái mặt của mình và thở ra mĩm cười thì tự nhiên mình buông thư được tất cả ba trăm cơ bắp trên mặt. Thở vào tôi để ý tới cái khuôn mặt của tôi, thở ra tôi mĩm cười và tôi buông thư tất cả những căng thẳng trong các cơ bắp trên mặt. Nếu quý vị đứng trước tấm kính mà quý vị thực tập thì quý vị sẽ thấy rất rõ là khi mình mĩm cười được,  tự nhiên có sự lắng dịu, và khuôn mặt của mình dể trông hơn trước nhiều lắm, nó đẹp hơn trước nhiều lắm, nhờ có sự buông thư. Trong đêm tối mình ngồi một mình, mình cũng có thể thực tập thở vào để ý tới khuôn mặt của mình ngày xưa vốn là một bông hoa tươi đẹp và thở ra mình mĩm cười tự nhiên cái mặt của mình sẽ thư giản ra.

 

Lúc đó mình mới chú ý xuống hai vai. Trong hai vai mình cũng có dồn chứa sự căng thẳng. Các cháu sau khi học bài một giờ đồng hồ thì nó có sự căng thẳng trên hai vai của nó. Mình khi làm việc với cái máy tính hay là những công việc khác thì sau một thời gian  hai vai và hai cánh tay có sự căng thẳng trong đó. Trong tư thế ngồi thì mình thực tập như thế nào, thở vào tôi để ý tới sự căng thẳng trong hai vai tôi và trong hai cánh tay tôi, thở ra tôi mĩm cười buông thư tất cả những căng thẳng trong hai vai tôi và trong hai cánh tay tôi. Và mình cứ tiếp tục thở như vậy, ngồi và thở như vậy, thì nội trong vòng ba phút hay bốn phút là cơ thể mình nó được lắng dịu. Mình làm giảm bớt rất nhiều sự căng thẳng ở trong cơ thể của mình. Cái cột sống của mình rất thẳng, nhưng mà không có cứng ngắt, mình buông thư hết và mình chỉ giữ lấy hơi thở thôi.

 

Thở vào tôi để ý tới không khí nó đang đi vào trong tôi bằng lỗ mũi, thở ra tôi để ý tới không khí nó đi ra người tôi bằng lỗ mũi, thực tập như vậy ba lần bốn lần, vui lắm. Mình có thể tiếp theo như thế này, thở vào tôi thấy bụng của tôi nó phồng ra, thở ra tôi thấy bụng của tôi nó xẹp xuống. Mời quý vị lấy cái tay phải để trên bụng xem, khi mình thở vào thì cái bụng mình phồng lên và khi thở ra thì cái bụng mình nó xẹp xuống. Đó là một cái bài tập rất hay, thở vào tôi thấy bụng tôi phồng lên và thở ra tôi thấy cái bụng tôi nó xẹp xuống. Khi mình thở như vậy thì mình để ý tới cái bụng của mình, sự phồng xẹp của cái bụng. Nếu mình hoàn toàn chú ý vào sự phồng xẹp của cái bụng thì mình chấm dứt được những lo lắng, những suy nghĩ. Thứ nhất là để ý hơi thở, không khí nó đang đi vào đi ra nơi lỗ mũi, thứ hai là có thể để ý tới cái bụng mình nó đang phồng đang xẹp, thở vào là nó phồng, thở ra là nó xẹp. Trong tư thế ngồi cũng như trong tư thế nằm.

 

Đây là những lời của Đức Thế Tôn dạy ở trong kinh Quán niệm hơi thở tức là kinh An ban thủ ý. Trong kinh An ban thủ ý, an ban có nghĩa là hơi thở, thủ ý tức là để tâm vào hơi thở. Đức Thế Tôn có dạy mười sáu phương pháp thở, mười sáu bài thực tập để thở và những bài tập này rất là hiệu nghiệm. Nếu mình làm theo được thì mình làm lắng dịu được những căng thẳng trong thân rồi mình lại làm lắng dịu những cái căng thẳng trong tâm, rất là hay.

 

Tôi đã dịch kinh này, tôi đã thực tập, tôi đã trao truyền phương pháp thực tập cho các vị đệ tử xuất gia và tại gia. Tất cả đều thực tập theo và cảm thấy rất là thoải mái khi mà mình thực tập, an lạc hạnh phúc khi mình thực tập. Các thiền sinh người Âu châu, Mỹ châu đệ tử của tôi họ thực tập rất là nghiêm chỉnh những phương pháp tôi trao truyền và họ có thể làm lắng dịu được  thân và tâm của họ. Họ cảm thấy hạnh phúc hơn.

 

Chúng ta là một dân tộc đã đi theo con đường của Đức Thế Tôn hai ngàn năm nay. Cha ông của chúng ta đã là Phật tử trong bao nhiêu thế hệ. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng là Phật tử. Thường thường chúng ta đi chùa, chúng ta chỉ lễ bái cầu nguyện, cúng dường mà chúng ta không chịu học những phương pháp thực tập mà Phật đã trao truyền cho các thầy ngày xưa. Cho nên mình không có hưởng được hết gia tài của đạo Phật. Ví dụ mình đi vào một cái nhà, thì đi vào cổng thì mình thấy đống rơm, mình thấy sân gạch, mình thấy cây mít, rồi mình đi vào thì mình mới thấy phòng khách, đi vào nữa mới thấy phòng ngủ, nhà bếp. Và cuối cùng phía trong có những châu báu, những đồ thờ, những vật rất là quý giá, có một kho tàng những bảo vật ở trong cái nhà đó.

 

Vậy thì đạo Phật cũng như thế đó, nếu chúng ta mới đi vào cái cửa bên ngoài, chúng ta mới chỉ thấy được một đống rơm, một cái sân gạch, một vài cây mít thôi. Tại vì chúng ta không có chịu đi sâu vào trong căn nhà. Nếu chúng ta đi sâu vào trong giáo pháp của Đức Thế Tôn thì chúng ta thấy rằng đạo Phật không phải chỉ là sự cầu nguyện, tụng kinh bái sám cúng dường, mà là sự thực tập. Thực tập như thế nào để mà chuyển hóa những bức xúc, những khổ đau những  sợ hãi, lo lắng  ở trong tâm của mình.

 

Hiện bây giờ có nhiều nhà thương ở Âu Mỹ , các bác sĩ tập cho bệnh nhân ngồi thiền buông thư thực tập thở để làm lắng dịu những căng thẳng trong người. Nhờ vậy cho nên các bệnh nhân được chữa trị mau chóng hơn dể dàng hơn. Tại các trường học có nhiều thầy giáo và các cô giáo cũng tập cho các học sinh biết thở biết buông thư biết ngồi thiền, kể cả những lớp tiểu học, rất là hay. Đó là những nước theo Thiên chúa giáo, Cơ đốc giáo.

 

Còn chúng ta là nước Phật giáo từ hai ngàn năm nay mà chúng ta không có lợi dụng được giáo pháp mầu nhiệm của Đức Thế Tôn. Chúng ta phải đi sâu vào và chúng ta thấy trong đạo Phật không phải chỉ là cầu nguyện bái sám cúng dường mà thôi, mà còn là một phương pháp chế tác những năng lượng chánh niệm, chánh định và tuệ giác. Khi chúng ta có niệm có định và có tuệ, chúng ta có thể tháo gỡ được những khó khăn, những bức xúc, lo lắng, những buồn khổ trong ta, giúp được cho những người thân của chúng ta cũng tháo gỡ được như thế. Chúng ta là con nhà giàu nhưng mà chúng ta không thừa hưởng được gia tài của cha ông. Chúng ta cư xử như là những người nghèo. Đạo Phật là một kho tuệ giác rất lớn mà chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu, chúng ta chỉ mới khai thác được một phần phía ngoài là phần tôn giáo, tín ngưỡng, sám hối, cầu nguyện, cúng dường. Chúng ta chưa đi vào bên trong để khai thác kho tuệ giác lớn mà Đức Thế Tôn để lại.

 

Nếu quý vị chưa quen ngồi thiền thì các thầy các sư cô sẽ hướng dẫn cho quý vị ngồi thiền. Rất là dễ. Trong khi ngồi thiền có thể rất thoải mái, an lạc. Ban đầu mình tập ngồi mười phút, sau đó mình thích quá mình tăng lên mười lăm phút, hai mươi phút hoặc hơn nữa. Mỗi ngày trong gia đình mình, mình cũng có thể ngồi thiền được. Ngày hôm kia tôi mới đi thăm đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại vì tôi nghe nói là trong mười năm nay ông có ngồi thiền, ông có tụng kinh, ông có thực tập theo đạo Phật. Hôm ông bị ốm vào nhà thương tôi có gửi cho ông một cuốn băng niệm Bụt để cho ông ta nghe bớt khổ, bớt đau nhức. Ngày hôm kia tôi đến nhà để thăm. Các thầy các sư cô đã niệm Đức Quan Thế Âm Bồ Tát để cầu nguyện cho ông chóng bình phục và hai ông bà đã chắp tay lại khi nghe chúng tôi niệm danh hiệu của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Tôi đã báo tin cho đại tướng Võ Nguyên Giáp biết là trong chuyến về Việt Nam kỳ này chúng tôi đã tổ chức ba đại trai đàn chẩn tế giải oan bình đẳng để cầu nguyện cho tất cả những đồng bào đã chết trong cuộc chiến tranh mấy chục năm vừa qua. Để cho ông mừng là những người chết đã được siêu thăng.

 

 

Từng bước chân thảnh thơi.

 

Ngày mai chúng ta sẽ được đi thiền với nhau, trước khi chúng ta nghe pháp thoại. Đi thiền nó cũng như ngồi thiền, nó có thể đem lại nhiều hạnh phúc, thoải mái an lạc. Chúng ta làm sao để bắt chước Đức Thế Tôn, bắt chước Phật, mỗi bước chân là có an lạc, có thảnh thơi, hạnh phúc. Lâu nay chúng ta đi như là bị ma đuổi, chúng ta đi vì hấp tấp muốn làm cái này cho xong, làm cái kia cho xong. Chúng ta ít có cơ hội đi từng bước thảnh thơi an lạc hạnh phúc, đi như một con người tự do không lo lắng, không buồn khổ. Nếu sống trên cuộc đời này, đi trên cái hành tinh đẹp đẽ này mà chúng ta chưa từng được đi những bước thảnh thơi an lạc vô sự thì rất là uổng. Ngày mai tất cả các vị tôn túc, các thầy các sư cô các Phật tử cư sĩ, chúng ta hãy bắt chước Đức Thế Tôn, chúng ta đi từng bước thảnh thơi an lạc hạnh phúc, đi như những con người vô sự không có lo lắng không có sầu khổ, chúng ta phải tập, chúng ta mới làm được.

 

Năm ngoái chúng tôi có tổ chức một buổi đi thiền ở thủ đô cộng hòa Pháp. Có bốn ngàn người Pháp đã tham dự và cảnh sát đã chuẩn bị cho chúng tôi đi trên những con đường Paris. Tất cả mọi người đều đi rất chậm, từng bước chân thảnh thơi với  phương châm là an lạc trong tự thân, an lạc trong từng bước chân. Phần lớn người Pháp theo đạo Công giáo và Tin Lành. Nhưng cũng có rất nhiều người tới đạo tràng Mai thôn để học Phật và thực tập theo pháp môn của Phật. Mỗi mùa hè như thế có bốn năm ngàn người tới. Không phải chỉ có người Pháp mà thôi, những người ở các nước Âu châu, Mỹ châu tới đông lắm. Mùa hè vừa qua có tới bốn mươi chín nước trong khóa tu mùa hè, và người trẻ rất đông. Các cụ già thì lại hiếm mà người trẻ thì rất đông. Người nào cũng biết ngồi thiền, đi thiền, rất là hay. Ở thủ đô Paris chúng tôi có tổ chức buổi đi thiền có đến bốn ngàn người tới và đi từng bước chậm rãi thảnh thơi an lạc khiến cho dân Paris lấy làm ngạc nhiên. Chúng tôi đi từ vườn Luxembourg tới nhà thờ Đức Bà. Tới sân nhà thờ Đức Bà thì bốn ngàn người ngồi xuống và ngồi thiền trong vòng hai mươi phút trước khi giải tán. Ngày mai chúng ta không biết sẽ có bao nhiêu người, có thể là hai ngàn người hay là hơn, chúng ta sẽ đi với nhau. Tối nay tôi sẽ chỉ dẫn sơ lược để sáng mai chúng ta có thể đi được hạnh phúc và an lạc.

 

Khi mình thở vào thì mình có thể đi hai bước và khi mình thở ra mình cũng đi hai bước, đi chậm thôi, thở vào mình nói rằng con đã về con đã về, con đã về một bước, con đã về một bước khác.  Khi thở ra mình nói con đã tới, con đã tới. Các thầy các sư cô ở đây với các thiền sinh thuộc ba mươi nước trong phái đoàn chúng tôi người nào đã học đi thiền hành và đã quen đi thiền hành. Con đã về, con đã về, con đã tới con đã tới, có nghĩa là con không chạy nữa, con không cần phải chạy nữa. Mỗi bước chân đưa con về với quê hương của con, đưa con về với sự sống. Đức Thế Tôn có dạy là:

          Đừng tìm về quá khứ,  

          Đừng tưởng tới tương lai,

          Quá khứ đã không còn,

          Tương lai thì chưa tới.

Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, quá khứ đã đi qua rồi mà nhiều người trong chúng ta cứ tưởng về quá khứ. Chúng ta nhớ lại quá khứ để chúng ta tiếc nuối hoặc chúng ta sầu khổ. Quá khứ trở thành một nhà tù nó giam hãm chúng ta, nó không cho chúng ta có khả năng sống trong giây phút hiện tại. Quá khứ có thể là nhà tù nếu chúng ta cứ tiếp tục tiếc nuối hoặc là sầu khổ khi nghĩ tới nó.

 

Tương lai là một cái gì nó chưa tới, nhưng mà nhiều người trong chúng ta cứ thắc mắc cứ lo âu, cứ sợ hãi về tương lai, không biết ngày mai sẽ ra sao và chúng ta để rất nhiều thì giờ lo lắng sợ hãi. Cho nên chúng ta cũng không có khả năng sống sâu sắc giây phút hiện tại. Mà trong giây phút hiện tại có nhiều cái mầu nhiệm của sự sống, có trời xanh có mây trắng, có hoa nở, có chim hót, có thông reo, có những người thân của chúng ta đang sống chung quanh. Vậy mà chúng ta không có tiếp xúc được mà chúng ta cứ luôn luôn suy nghĩ lo lắng sợ hãi về tương lai.

 

Vì vậy Đức Thế Tôn đã dạy đừng có chìm đắm trong quá khứ, đừng có lo lắng quá cho tương lai, phải trở về giây phút hiện tại để sống cho đàng hoàng cho sâu sắc. Trong hiện tại có nhiều cái mầu nhiệm của sự sống lắm. Vậy thì khi mà tôi thở vào một hơi và tôi bước đi hai bước và tôi nói là con đã về con đã về, nó có nghĩa là bạch Đức Thế Tôn con đã về với giây phút hiện tại. Con đã về với giây phút hiện tại, con không có bị vương vấn với quá khứ nữa, con không có lo lắng cho tương lai nữa, con trở về với giây phút hiện tại để con tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm trong giây phút này. Con đã về con đã tới, ngày xưa con chỉ biết chạy thôi, con nghĩ là hạnh phúc nó nằm đâu ở tương lai bây giờ mình chưa hạnh phúc được đâu, mình chưa có đủ điều kiện để hạnh phúc đâu.

 

Mình phóng tâm về tương lai. Mình nghĩ có thể là trong tương lai mình có hạnh phúc bây giờ chưa hạnh phúc được. Cho nên mình hy sinh hạnh phúc, mình hy sinh cái hiện tại, mình đạp lên cái hiện tại mà đi, mà chính cái hiện tại là cái quan trọng nhất.

 

Đức Thế Tôn dạy sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Và mình có ước hẹn với sự sống ở trong giây phút hiện tại. Nếu mình thất hẹn với giây phút hiện tại là mình thất hẹn với sự sống. Mà phần lớn trong chúng ta hoặc là bị quá khứ nó giam hãm hoặc là bị tương lai nó lôi kéo, ít có khả năng để sống trong giây phút hiện tại. Cho nên chúng ta phải theo lời Đức Thế Tôn, mỗi bước chân, mỗi hơi thở phải giúp chúng ta trở về với giây phút hiện tại.

 

Vậy thì khi tôi đi, tôi thở vào và tôi bước hai bước con đã về con đã về, thở ra tôi bước hai bước con đã tới con đã tới. Tức là mình theo lời Đức Thế Tôn, mình về giây phút hiện tại, mình tới giây phút hiện tại để mình tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại.

 

Trong giây phút hiện tại mình đang được ngồi với thầy, mình đang được ngồi với các thầy các sư cô các vị tôn túc, mình đang được ở chùa, mình đang được nghe pháp, mình có tình thầy trò, mình có tình huynh đệ, mình có tình bằng hữu. Hạnh phúc biết bao nhiêu, nếu ngồi ở đây mà mình cứ nghĩ tới ngày hôm qua hay là ngày mai thì mình đâu có thật sự ngồi ở đây. Cho nên trong khi cái thân của mình ở đây thì cái tâm của mình cũng phải ở đây. Và khi mà thân tâm hợp nhất thì mình có mặt trong giây phút hiện tại. Trong khi thân ngồi thiền thì tâm có mặt trong giây phút hiện tại, mà khi đi thiền cũng thế, thân đi thì tâm cũng có mặt trong từng bước đi. Mình bước mỗi bước chân là mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại.

 

Những bước chân như thế là những bước chân thảnh thơi, những bước chân không lo lắng không sầu khổ. Đi như là đi chơi, đi như một người vô sự. Vô sự là danh từ của thiền Tổ phái Lâm Tế. Con người vô sự là con người hạnh phúc, còn con người lo lắng, có nhiều vấn đề để sợ hãi để lo lắng, con người đó dầu có giàu cách mấy, có danh vọng bao nhiêu đi nữa thì cũng không có hạnh phúc. Tại vì con người đó không được vô sự, con người đó có quá nhiều lo lắng, có quá nhiều sợ hãi. Cho nên làm một con người vô sự đó là cái tiêu chuẩn hạnh phúc của Tổ Lâm Tế.

 

Khi tôi bước một bước mà tôi nói rằng con đã về thì tôi nhất định là tôi phải thực hiện cho được lời tôi nói. Mỗi bước chân đem tôi về giây phút hiện tại, không cho tôi chìm đắm trong quá khứ hay lo lắng sợ hãi về tương lai. Như vậy chúng ta phải đầu tư, đầu tư tất cả thân và tâm vào mỗi bước chân thì chúng ta mới thật sự về, thật sự tới được, đã về đã về, đã tới đã tới.

 

Nếu quý vị chỉ để ý sơ sơ tới thôi thì không có về thật sự được, không có tới thật. Phải đem hết tâm ý đầu tư vào bước chân để có thể thật sự trở về, thật sự tới được cái giây phút hiện tại. Trong khi mình bước chân đi như thế thì mình đem cái tâm đặt ở dưới gan bàn chân, đừng để cái tâm lãng vãng ở trên đầu, đem cái tâm xuống. Hồi nãy khi mình thực tập thở bụng thì mình thực tập như thế này, thở vào cái bụng tôi nó phồng lên, thở ra cái bụng tôi nó xẹp xuống, tức là mình đem cái tâm mình ở trên này xuống dưới rốn.

 

Khi đi thiền thì mình đem xuống thấp hơn nữa, mình đem xuống dưới gan bàn chân. Và khi mình bước đi thì mình thấy được sự tiếp xúc giữa bàn chân của mình và mặt đất, để cái tâm ở dưới đó để đừng suy nghĩ nữa. Tại vì còn suy nghĩ thì còn bay bỗng trên không gian. Nếu quý vị về được và tới được trong mỗi bước chân thì quý vị đã bắt đầu đi được như Đức Thế Tôn từng bước chân vững chãi và thảnh thơi. Đi như thế không có khác nào đi trong Tịnh Độ. Tại vì đi như thế là đi với tư cách của một con người tự do. Tự do đối với sự lo lắng, đối với sự sợ hãi, đối với sự buồn phiền, đối với sự giận dữ, tự do đối với quá khứ, đối với tương lai, đi như một con người tự do. Đó là sự thực tập của mình.

 

Không những các thầy các sư cô đệ tử xuất gia của Ngài phải đi cho được như một con người tự do mà các vị đệ tử cư sĩ cũng thế, phải tập như thế nào để mình có thể đi như một con người tự do. Khi mình đi trong sân, trong vườn, mình vẫn có thể đi như một con người tự do. Khi mình đi từ nhà tới bến xe, mình cũng có thể đi từng bước như thế như một con người tự do. Khi mình đi từ một chung cư này tới một chung cư khác mình cũng vẫn đi với những bước chân như thế, đó gọi là thiền đi. Con đã về con đã về, con đã tới con đã tới. Con không có chạy nữa, con đã chạy suốt đời rồi, bây giờ con dừng lại con đi từng bước thảnh thơi.

 

Có thể là bố hay là mẹ chúng ta trong lúc sinh thời quý vị chưa có cơ hội đi từng bước chân thảnh thơi nhẹ nhàng như thế thì hôm nay chúng ta đi cho các vị ấy. Bố ơi, bố bước một bước với con đi, chúng ta đi cho thật thanh thản, nào chúng ta bước một bước này, bố và con đã về, bố và con đã tới, bố với con đã về, bố với con đã tới. Ta đi không phải là đi cho ta không mà thôi, ta đi cho bố, ta đi cho mẹ. Có thể mẹ ta suốt đời tất tả ngược xuôi lo cho chồng cho con chưa bao giờ được đi những bước thảnh thơi như thế.

 

Bây giờ đây ta được gặp thầy, thầy chỉ cho ta đi như thế, ta phải đi được như thế và ta phải đi cho mẹ. Mẹ ơi, mẹ bước với con đi, chân của con cũng là chân của mẹ mà, mẹ con mình đi nhé, mẹ và con chúng ta đã về, mẹ và con chúng ta đã tới. Hai mẹ con đi trong thảnh thơi, đi trong an lạc, cái đó gọi là có hiếu.

 

Trong mỗi tế bào cơ thể ta đều có bố và mẹ trong đó hết, chúng ta là sự tiếp nối của bố và mẹ. Trong mỗi tế bào của cơ thể ta có đủ các vị tổ tiên ông bà và ta là sự tiếp nối của tổ tiên ông bà. Trong mỗi tế bào ta có vua Hùng, vua Lý,  vua Lê, có Nguyễn Trãi, có Nguyễn Công Trứ, có Nguyễn Du, có Lê Quý Đôn, có đủ hết. Chúng ta tưởng là các ngài đã chết rồi nhưng kỳ thực các ngài chưa chết đâu, các ngài còn sống ở từng tế bào của cơ thể. Và mỗi khi chúng ta đi được một bước thảnh thơi là các ngài cũng được đi một bước thành thơi. Cho nên quý vị tu là tu cho tất cả dòng họ, tất cả giống nòi chứ không là tu cho riêng mình đâu, cái đó gọi là vô ngã.

 

Có một hôm tôi ngồi thiền và tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát, hạnh phúc lắm. Và tôi mới nói với bố, bố ơi, bố con mình thành công rồi, quý vị hỏi thành công cái gì. Tôi mới nói rằng thành công tức là mình đạt tới cái sự thảnh thơi an lạc như thế đó, không phải là con được nhờ mà bố cũng được nhờ. Tại vì bố có mặt trong từng tế bào của cơ thể con, cho nên mình ngồi yên được thì tổ tiên cũng ngồi yên được, bố mẹ cũng ngồi yên được. Nếu mà mình bước đi được những bước nhẹ nhàng thanh thoát vô sự thì bố cũng được hưởng, mẹ cũng được hưởng, tổ tiên cũng được hưởng, tu là tu cho tất cả chứ không phải là tu cho riêng cá nhân mình.

 

 

Năng lượng của tập thể

 

Khi hai ngàn người, ba ngàn người bước đi được những bước như thế thì năng lượng tập thể  sẽ hùng hậu vô cùng, nó sẽ thấm vào từng người một và chúng ta nương nhau mà đi, rất là hay. Khoa học cho chúng ta biết rằng khi con chim bay trên trời thì năng lượng của nó phải do chính nó chế tác ra. Nhưng khi một đàn chim một ngàn con cùng bay thì cái năng lượng tập thể nâng từng con chim, thành ra những con chim đó nương vào năng lượng tập thể của bầy chim và bay rất xa, rất lâu.

 

Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta đi thiền hành một mình thì chúng ta chỉ chế tác cái năng lượng chính niệm cho một mình mình thôi. Nếu chúng ta đi hai ngàn người hay là ba ngàn người, thì cái năng lượng chánh niệm chế tác ra sẽ ôm lấy, sẽ nâng đỡ và sẽ chuyên chở được tất cả chúng ta đi và chúng ta đi rất là nhẹ nhàng, thoải mái, an lạc. Tu mà có bạn hay như thế đó, hơn tu một mình nhiều.

 

Cho nên chúng ta mới nói là quy y Tăng. Quy y Tăng tức là mình phải nương vào cái đoàn thể tu học của mình, có những người xuất gia và có những người tại gia. Cố nhiên trong khi đi thiền chúng ta không nói chuyện để chúng ta có cái cơ hội phối hợp hơi thở và bước chân. Trong khi đi từng bước như vậy ta chế tác được chánh niệm, chánh định và hạnh phúc an lạc.

 

 

Cái một chứa đựng cái tất cả.

 

Chúng ta phải ăn cơm như thế nào để thời gian ăn cơm trở thành ra một thời gian hạnh phúc. Trong khi ăn cơm chúng ta đừng suy nghĩ tới chuyện ngày hôm qua hay là chuyện ngày mai. Chúng ta phải đem tâm trở về với giây phút hiện tại. Chúng ta phải thấy rằng chúng ta đang được ăn cơm với thầy, với các thầy các sư cô, bậc tôn túc, với các bạn tu. Chúng ta ăn một mâm với những người khác hoặc là chúng ta ăn trong cái hộp cơm riêng của chúng ta thì cũng thế. Mỗi miếng cơm phải là một cơ hội để thực tập.

 

Khi chúng ta gắp một miếng đậu phụ lên hay là một miếng dưa cải lên thì chúng ta phải để ra một giây đồng hồ để nhìn nó, à đây là miếng dưa cải, đây là miếng đậu phụ. Chúng ta không có cần nhiều thì giờ đâu, nửa giây cũng đủ, phải nhận diện nó, cái đó gọi là chánh niệm. Nếu mình tu có kinh nghiệm, nếu mình tu có bản lĩnh rồi thì khi mình đưa miếng đậu phụ hoặc là miếng dưa cải lên thì mình sẽ thấy, thấy nhiều chuyện lắm mà người không tu không thấy được.

 

Trong miếng đậu phụ này có một đám mây, có mặt trời, có cơn mưa, có nắng, có đất, có phân, có công lao của người trồng đậu, có công lao của người làm đậu phụ. Tại vì nhìn vào trong miếng đậu phụ thì mình thấy tất cả những yếu tố đó. Nếu không có mưa làm sao nó mọc được, nếu không có đất làm sao nó mọc được, nếu không có nắng làm sao nó lên được. Cho nên trong miếng đậu phụ có đủ cả đất trời ở trong đó, có cả vũ trụ ở trong đó.

 

Trong kinh dạy như thế, cái một chứa đựng cái tất cả, một miếng đậu phụ gói trọn cả đất trời ở trong lòng nó, trong đó có đám mây, có mặt trời, có cơn mưa, có đất, có thời gian, có không gian, có công lao của người trồng, người thợ. Khi chúng ta có tuệ giác rồi thì chúng ta chỉ cần một giây đồng hồ hoặc là nữa giây đồng hồ thôi ta thấy được cái đó.

 

Khi chúng ta bỏ cái đó vào miệng nhai thì ta tiếp xúc được với cả vũ trụ, ta thấy vũ trụ đến với ta để nuôi ta. Khi ta ăn như vậy không phải là ta nuôi cá nhân ta mà thôi, ta nuôi hết cả tổ tiên ở trong ta. Mình ăn để mình nuôi bố, ăn để nuôi mẹ. Bố mẹ còn sống trong từng tế bào của mình, mình ăn để nuôi sống cả tổ tiên. Tại vì mình là sự tiếp nối của tổ tiên của cha mẹ. Có một bài kệ mà chúng tôi thường thực tập mỗi khi ăn.

         Ăn cơm trong bản môn.

         Nuôi sống cả tổ tiên.

Đúng là mình nuôi bố nuôi mẹ, mình là sự tiếp nối của bố của mẹ, mình là sự tiếp nối của tổ tiên. Cho nên khi mình ăn miếng cơm đó là mình nuôi hết cả chứ không phải là nuôi cá nhân của mình đâu.

         Ăn cơm trong bản môn.

         Nuôi sống cả tổ tiên.

         Mở đường cho con cháu.

         Cùng tìm hướng đi lên.

Rất là hay, trong khi ăn cơm mình thấy rằng mình đang ăn cho bố cho mẹ, cho tổ tiên, cho thầy mình, cho các vị tổ sư. Mình nhai chầm chậm, mình nhai đến khi nào nó nát ra, thấy chất cơm chất đậu béo ngọt thì lúc đó mình mới nuốt. Không cần ăn nhiều nhưng mà ăn cho thật kỹ thì có chất bổ hơn là ăn nhiều mà nhai không kỹ.

 

Chúng ta đừng  ăn gấp gáp, tại vì thời giờ của bữa ăn là thời giờ hạnh phúc. Được ngồi ăn với các thầy, được ngồi ăn với các bạn tu, lâu lâu mới có được một bữa như vậy. Ngồi thoải mái ăn thong thả để hưởng cái giây phút mầu nhiệm đó. Ăn cơm cũng là một phép thực tập, đừng có ăn vội vàng cho nó mau xong, rất là uổng. Nhai chừng ba chục lượt thì mới nuốt mỗi miếng. Rồi sau này trong gia đình chúng ta cũng sẽ tổ chức ăn như thế, cha mẹ con cái ăn cơm với nhau trong im lặng, nhìn nhau để thấy được sự có mặt của nhau và thấy được gíá trị của thức ăn ở trên bàn ăn.

 

Ăn cơm như thế là phương pháp ăn cơm của người Phật tử. Cố nhiên là trong khi ăn cơm chúng ta không nói chuyện, nếu chúng ta nói chuyện thì chúng ta quên mất những cái mầu nhiệm đó của thức ăn và của những người bạn tu chung quanh.

 

 

Tiếng chuông huyền diệu

 

Mỗi khi nghe tiếng chuông thì chúng ta biết rằng tiếng chuông là tiếng kêu gọi của Đức Thế Tôn bảo ta phải trở về với giây phút hiện tại. Nếu ta đang suy nghĩ về quá khứ, đang lo lắng về tương lai, hay là nghĩ về những cái dự án, sầu khổ gì đó, nghe tiếng chuông phải dừng lại hết, đừng có nói năng gì nữa hết, đừng có suy nghĩ gì nữa hết, trở về với hơi thở. Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương. Quê hương này tức là Tam bảo, quê hương tâm linh của chúng ta, trong đó có Phật có Pháp có Tăng. Đó là quê hương đích thực của mình. Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương hay là đưa về nhất tâm. Chúng ta lắng nghe tiếng chuông và thở vào thở ra như thế ít nhất là ba lần. Trong khi mình nói Pháp cũng vậy, nghe tiếng chuông mình cũng phải ngưng nói ngưng suy nghĩ và mình thở thôi. Mình thở xong ba hơi thì mình bắt đầu nói trở lại và nghe trở lại.

 

Thưa quý vị tôn đức, các thầy các sư cô và các Phật tử, tôi vừa mới hiến cho quý vị những chỉ dẫn căn bản của sự thực tập ngày mai.

 

Chúng ta ngồi như thế nào để ngồi thoải mái như ngồi trên bông sen, chúng ta đi như thế nào để đi từng bước thảnh thơi như đi trong tịnh độ.

 

Chúng ta thở thế nào để buông bỏ những cái căng thẳng đau nhức trong thân và trong tâm.

 

Chúng ta ăn cơm như thế nào để mỗi giây phút của bữa ăn là một giây phút hạnh phúc.

 

Và mỗi khi nghe chuông chúng ta phải ngừng lại tất cả những nói năng những suy nghĩ những lo lắng trở về với hơi thở và mĩm cười và có hạnh phúc trong cái giây phút đó. Đó là tiếng chuông chánh niệm mà trong các đạo tràng nào cũng có thực tập.

 

Xin chúc quý vị tôn túc, các thầy các sư cô, các Phật tử cư sĩ đêm nay ngủ ngon để ngày mai chúng ta có nguyên một ngày thực tập với nhau cho có hạnh phúc.

 

Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni.

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.