PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Chia sẻ pháp môn và kinh nghiệm hành đạo ở Tây phương
với chư Tôn Đức và Cư sĩ chùa Pháp Lâm - Đà Nẵng

 

  • Tháng VIII 2007 - Chân Gíc Quang & Chân Tịnh Minh biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 9. 4.2007  tại chùa Pháp Lâm - Đà Nẵng
    Â
    m thanh MP3 : Phần 1 (15.5MB) | Phần 2 (14.3MB) 
     

Trước khi bắt đầu buổi Pháp thoại, các Thầy, các Sư cô sẽ xướng tụng bài Tào Khê Thủy Nhất Bái Hướng Đông Lưu bằng tiếng Việt. Sau đó các Thầy, các Sư cô sẽ xướng tụng danh hiệu Đức Bồ  Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn Namo Avalokitesvara.

 

Bài Tào Khê Thủy bằng chữ Hán hồi mới đi tu tôi rất là thích và tôi đã có chủ tâm dịch ra tiếng Việt nhưng mà mấy chục năm sau mới dịch ra được.

 

Tào Khê thủy nhất bái hướng Đông lưu,

Quan Âm bình nỗi trừ tai cựu,

 

dịch là : Tào Khê một dòng biếc, chảy mãi về phương Đông,

 

Tào Khê là một con suối, nó tượng trưng cho Thiền, có một dòng Thiền gọi là Thiền Tào Khê mà chúng ta là con cháu của dòng Thiền đó.

 

Trong ca dao Việt Nam có bài

 

Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.

 

Hai câu chót bài ca dao đó cũng có nói đến Tào Khê.

 

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.

 

Dòng Tào Khê là một dòng Thiền, nó đã từng nuôi cho dân tộc chúng ta trong bao nhiêu thế kỷ. Chúng ta sống không phải chỉ bằng cơm, bằng áo mà chúng ta sống bằng tinh thần Đạo Đức. Dòng suối Tào Khê cung cấp cho chúng ta những giọt nước thanh lương nhiệm mầu, giúp chúng ta cởi bỏ những khổ đau, nhũng bức xúc, những buồn chán, những giận hờn. Vì vậy cho nên dòng Tào Khê là một phấn gia sản của nền văn hóa Việt Nam. Chúng ta phải có bổn phận phải khai thông suối nguồn để cho dòng Tào Khê tiếp tục chảy và cung cấp cho chúng ta nguồn đạo đức tâm linh đó, Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.

 

Tào Khê một dòng biếc

Chảy mãi về phương Đông

Quan Âm bình nước tịnh

Tẩy sạch dấu phong trần

Cành Dương rưới Cam Lộ

Làm sống dậy mùa Xuân

Đề hồ trong cổ họng

Làm lắng dịu muôn lòng

Nam mô Bồ Tát Cam lộ vị

 

Chúng ta rất cần đến cái Hiểu và cái Thương. Sống ở đời mà không ai hiểu mình cũng rất là khổ, sống ở đời mà không có tình thương cũng rất là khổ. Có nhiều người đói cơm, đói gạo nhưng rất nhiều người trong chúng ta đói tình thương, đói sự hiểu biết. Chúng ta cứ than rằng không ai hiểu mình, không ai thương được mình, nhưng nếu uống được dòng nước của Tào Khê, chúng ta sẽ thấy mát dịu trong cổ họng. Chúng ta tiếp nhận tình thương và sự hiểu biết và chúng ta cũng có thể ban phát tình thương và sự hiểu biết cho những người chung quanh, trong đó có người thân của chúng ta.

 

Tào Khê một dòng biếc

 Chảy mãi về phương Đông

 

Đó là gia sản tinh thần của nền văn hóa phương Đông.

 

Quan Âm bình nước tịnh, nước trong tịnh bình của Quan Âm tẩy sạch dấu phong trần. Chúng ta có những khổ đau, những bức xúc, những hồi hộp, những lo sợ. Có rất nhiều bụi bặm nó bám vào trong cuộc đời, tất cả những bụi bặm đó, chỉ cần một giọt nước của suối Tào Khê là có thể rửa sạch.

                                              

Quan Âm bình nước tịnh

Tẩy sạch dấu phong trần

Cành Dương rưới Cam Lộ

Làm sống dậy mùa Xuân

 

Chỉ cần một gịọt nước trên cành dương liễu của Đức Quan Thế Âm thôi cũng làm sống dậy một mùa Xuân. Một cành cây khô nếu có một giọt nước Cam Lồ của Hiểu và Thuơng thì nó sẽ trở thành cây tươi, Sái khô mộc duy tác dương xuân, vẫy vào cây chết, cây khô mà có thể làm ra được mùa Xuân.

 

Đề hồ trong cổ họng

Làm lắng dịu muôn lòng

 

Trong đạo Phật có nói đến các loài quỷ đói, cái cổ của nó nhỏ bằng cây kim và cái bụng nó rất là lớn, đói thì rất đói nhưng mà ăn không được tại cái cổ họng của nó chỉ bằng cây kim và khi thí thực cô hồn, chúng ta phải đọc thần chú để làm cổ họng của cô hồn nó trở lại kích thước bình thường thì những cô hồn đó mới có thể ăn cháo, ăn cơm được. Xã hội chúng ta có những người trẻ sống như cô hồn, rất là đói, ngưòi trẻ đó không đói cơm, đói gạo mà đói Tình Thương. Họ tin rằng cha mẹ không thương họ, họ tin rằng trong cuộc đời này không có ai Hiểu và Thương họ. Những người thanh niên thiếu nữ đó đích thực là những loài quỷ đói, rất là đói Tình Thương, đói sự Hiểu Biết. Họ lang thang trong cuộc đời, họ sa vào hầm hố của ma túy, băng đảng, tội phạm, họ đi tự tử rất nhiều. Ngay trên nước Pháp, mỗi ngày có tới 35 thanh niên thiếu nữ đi tự tử, họ không tin vào cha, họ không tin vào mẹ, họ nghĩ cha không thương, mẹ không thương, trong cuộc đời không có ai thương hết cho nên họ đi tự tử. Quỷ đói không cần tìm ở đâu xa xôi, nhìn chung quanh chúng ta thấy có nhiều quỷ đói, chúng ta phải dùng nước Cam Lồ của dòng Tào Khê mà tưới cho những người đó, hiến tặng cho họ cái hiểu và cái thương.

 

Nam mô Bồ Tát Cam Lộ Vị.

 

Các vị thầy và các sư cô  sẽ niệm danh hiệu Đức Bồ Tát bằng tiếng Phạn, Namo Avalokitesvara,  Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm là tiếng Việt.

 

Avalokita nghĩa là từ trên nhìn xuống và nhìn cho thật sâu, nhìn để có thể hiểu được, để có thể thương được, để có thể tha thứ được, để có thể chấp nhận được và khi nhìn kỹ, thấy hiểu rồi, thấy thương rồi thì tự nhiên mình thoát ra khỏi những giận hờn, những trách móc, những buồn chán, những tuyệt vọng, mình trở thành con người tự do.

Chữ Avalokita có nghĩa là quán, Esvara có nghĩa là tự tại. Đức Quan Thế Âm cũng có tên là Quán Tự Tại. Ngày xưa, trước thời thầy Huyền Trang dịch là Quan Thế Âm, đến thời thầy Huyền Trang dịch là Quán Tự Tại, Namo Avalokitesvara, tức là Nam Mô Quán Tự Tại Bồ Tát.

 

Trong khi các thầy, các sư cô xướng tụng danh hiệu Đức Quan Thế Âm thì các thầy, các sư cô để hết tâm vào hình dáng của Bồ Tát để tiếp xúc được chất liệu Hiểu và Thương của Đức Quan Thế Âm. Chất liệu Hiểu và Thương có sẵn trong mỗi chúng ta, chúng ta có hạt giống của Hiểu và Thương nhưng chúng ta không biết cách làm cho hạt giống đó sinh chồi nẩy lộc được, nếu chúng ta được một giọt nước cam lồ của Đức Quan Thế Âm nhỏ vào thì cái Hiểu và Thương của chúng ta sẽ lớn lên và chúng ta có thể cung cấp Hiểu và Thương cho những người thiếu Hiểu và Thương đó, trong đó có con cháu chúng ta, có cha mẹ chúng ta, có bà con chúng ta, có đồng bào chúng ta.

 

Khi các thầy và các sư cô xướng tụng danh hiệu Đức Quan Thế Âm, xin quí vị ngồi cho thật thẳng, ngồi cho thoải mái và buông thư thân tâm. Mình chỉ để ý hơi thở của mình thôi. Trong cơ thể của mình có những đau nhức, những căng thẳng dồn chứa từ lâu, nếu mình để cho năng lượng của Đức Bồ Tát và của Tam Bảo đi vào thì năng lượng đó  sẽ ôm ấp, sẽ chuyển hóa, sẽ làm lắng dịu những căng thẳng, những đau nhức trong thân.

 

Nếu chúng ta có những nỗi khổ niềm đau, những uất ức, những hờn giận, tủi nhục mà chưa nói ra được thì hãy mở trái tim ra để cho năng lượng Đức Bồ Tát đi vào, năng lượng đó sẽ ôm ấp, sẽ làm lắng dịu những nỗi khổ niềm đau của chúng ta.  

 

Nếu chúng ta chú tâm và buông thư thì trong vòng năm phút, bảy phút những nỗi khổ niềm đau của chúng ta chìm xuống rất là mau, trong thân cũng như trong tâm.

 

Nếu quí vị có những người thân đang bị bệnh hay có nhũng cơn lo lắng, sợ hãi, buồn phiền rất là lớn đêm nay không tới đây được, quí vị cũng có thể gửi năng lượng này về cho người đó bằng cách là nghĩ tới người đó hoặc gọi tên người đó một cách thầm lặng thì năng lượng của Đức Bồ tát của tăng thân sẽ được chuyển về ngay lập tức đêm nay và người đó khuya nay sẽ thấy nhẹ nhàng trong tâm và trong thân rất là mau.

 

Các thầy, các sư cô Làng Mai xướng tụng bài Tào Khê Thủy Nhất Bái Hướng Đông Lưu bằng tiếng Việt.

 

Tào Khê một dòng biếc

Chảy mãi về phương Đông

Quan Âm bình nước tịnh

Tẩy sạch dấu phong trần

Cành Dương rưới Cam Lộ

Làm sống dậy mùa Xuân

Đề hồ trong cổ họng

Làm lắng dịu muôn lòng

Nam mô Bồ Tát Cam lộ vị

 

 

Tiếp theo các Thầy, các Sư Cô Làng Mai niệm danh hiệu Đức Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn: Namo Avalokitesvara.

 

 

Kho tàng Tâm Lý Học Phật Giáo

 

Kính thưa chư vị Tôn túc, thưa quý Thầy, quí Sư cô và các đạo hữu.

 

Tôi đi khỏi 40 năm và trong thời gian 40 năm đó có nhiều chuyện xảy ra trên quê hương, có khoảng 40 triệu người trẻ đã đưọc sinh ra trong khi tôi đi vắng. Khi tôi về thì phần lớn những người nghe tôi là những người trẻ đó, tôi chưa từng gặp họ nhưng tôi đã từng gặp phụ huynh của họ và khi nhìn vào những người trẻ tôi thấy được phụ huynh của họ và tôi không cảm thấy xa lạ.

 

Bốn mươi năm là rất lâu, được về quê hương cùng ngồi với nhau, nghe pháp thoại, dự pháp đàm, thực tập với nhau đó là hạnh phúc rất là lớn. Trong 40 năm qua chúng tôi đã giảng dạy, hướng dẫn cho người Tây phương tu học và trong 40 năm qua chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Ở Tây Phương, Phật Tử, Thiền Sinh tới chùa họ không có mang hoa, mang nhang đèn, trái cây để cúng như ở Việt Nam, họ không tới với mục đích để để bái sám, lễ lạy, cầu nguyện, tại vì họ đã có tôn giáo của họ rồi, họ có Do Thái Giáo, họ có Thiên Chúa Giáo, họ có Hồi Giáo. Khi họ đến chùa là để đi tìm những pháp môn tu tập, để tháo gỡ những khó khăn, những buồn phiền, những giận hờn mà họ không thể nào tháo gỡ được, vì trong truyền thống của họ không có những biện pháp cụ thể.

 

Trong khi đó thì trong đạo Phật có những pháp môn, những phưong pháp rất là cụ thể giúp cho mình tháo gỡ được những khó khăn trong lòng. Khi mình có những khổ đau, những giận hờn, những bức xúc thì mình khổ, khi mình khổ thì mình làm cho những người thương của mình khổ cũng bị khổ lây. Và khi hai người làm khổ nhau thì sự truyền thông nó trở thành khó khăn, hai người không còn nói chuyện được với nhau nữa, chỉ nói những chuyện thông thường thôi chớ không nói được chuyện tâm tình như ngày xưa nữa. Chồng không nói chuyện đưọc với vợ, vợ không nói chuyện với chồng. Trong cách nói  năng họ không sử dụng được những ngôn từ hòa ái, mà họ chỉ sử dụng những ngôn từ có tính cách chua chát, chê bai, buộc tội, lên án, phàn nàn, trách móc… Một bên thì nghe không có được, một bên thì nói với giọng trách móc, lên án.Vì vậy giữa cha và mẹ không có sự truyền thông, giữa cha và con cũng không có sự truyền thông, và nhiều khi hai ba năm cha con không nói chuyện với nhau được.

 

Người Tây phương khi gặp những trường hợp như vậy, họ đi tìm những nhà tâm lý trị liệu, bác sĩ tâm lý trị liệu. Ngày xưa họ tới mấy ông Cha, mấy ông Mục sư nhưng ngày nay họ tới những nhà tâm lý trị liệu. Bây giờ nghề tâm lý trị liệu rất thịnh hành ở Tây phương, tôi nghĩ Việt Nam cũng vậy. Trong gia đình không có ai nói chuyện được với ai, không có ai lắng nghe được ai, cha với con cũng vậy, mẹ với con cũng vậy, vợ với chồng cũng vậy, cho nên phải đi tới nhà tâm lý trị liệu để cho người đó nghe và người đó có bổn phận phải ngồi yên và lắng nghe mình, và mình phải trả tiền và trả tiền rất đắc.

 

Trong thời gian ở hải ngoại, chúng tôi có mở những khóa tu tập cho giới tâm lý trị liệu tại vì trong đạo Phật có một kho tàng tâm lý học rất là sâu gọi là văn học ABHIDHAMMA. Tâm lý học trong đạo Phật có truyền thống 2500 năm. Còn nền Tâm lý học Tây phương có chừng 200 năm thôi. Vì vậy các nhà Tâm lý trị liệu Tây phương có thể học rất nhiều trong kho tàng Tâm Lý Học Phật Giáo. Chúng ta có văn học ABHIDHAMMA, chúng ta có Duy Biểu học, Duy Thức học, giảng dạy rất sâu về cách vận hành của tâm thức và đưa ra những phương pháp tháo gỡ những khó khăn ở trong tâm của mình.

 

Tôi nhận thấy rằng có nhiều nhà tâm lý trị liệu họ có quá nhiều đau khổ, họ không lắng nghe những người khác được, họ không lắng nghe chồng của họ, vợ của họ hoặc là con của họ được, và vì vậy cho nên khi mình bị vấn đề, mình tới cho người đó lắng nghe thì chưa chắc người đó đã thực sự lắng nghe mình? Trong khi đó thì ở trong đạo Phật có Đức Quan Thế Âm, vị Bồ Tát chuyên lắng nghe, lắng nghe với lòng Từ Bi. Nếu chúng ta được Bồ Tát ngồi lắng nghe chúng ta nửa giờ hay một giờ, chúng ta bớt khổ nhiều lắm. Nếu chúng ta học được theo cách của Bồ Tát Quan Thế Âm, ngồi lắng nghe người thân trong gia đình, ngồi lắng nghe được một giờ, lắng nghe mẹ, lắng nghe cha, lắng nghe con, lắng nghe chị, lắng nghe em thì chúng ta giúp cho người thân bớt khổ rất nhiều.

 

Trong những khóa tu tổ chức cho người Tây phương, chúng tôi giảng dạy những cái đó. Họ tới không phải là để cúng dường, bái sám hay cầu nguyện, họ tới để học hỏi pháp môn tu tập. Đứng về phương diện Phật Học thì các trường Đại học Tây phương họ cung cấp Phật Học rất là nhiều, họ có thể cấp phát bằng Tiến sĩ Phật Học được nhưng mà cái đó là kiến thức Phật Pháp thôi chớ không phải là pháp môn tu tập. Người Tây phương tới với chúng tôi không phải là họ muốn học Phật Học, muốn học Phật Học thì họ học tại trường Đại Học được rồi, họ tới tại vì họ muốn có phương pháp tu tập cụ thể để giúp họ tháo gỡ những khó khăn, những bức xúc ở trong lòng. Vì vậy cho nên những khóa tu của chúng tôi  rất đông người tham dự, hầu hết là người Tây phương, đồng bào chúng ta bên đó ít lắm, mỗi khóa tu như vậy, số đồng bào tới tham dự chưa tới hai, ba phần trăm. Chúng tôi đã từng mở khóa tu cho giới tâm lý trị liệu, cho giới giáo chức, cho giới bảo hộ môi trường, cho giới cựu chiến binh, cho giới cảnh sát, công an, cho giới dân biểu quốc hội, cho giới doanh thương. Tất cả những người đó tới là vì họ có những khổ đau, những bế tắc, họ tới để học những phương pháp tháo gỡ và trong những thời gian cung cấp những khóa tu đó, chúng tôi học hỏi rất nhiều.

 

Trước khi mở khóa tu Doanh thương mình phải hiểu những khổ đau của giới doanh thương mình mới có thể dạy cho họ được. Dầu cho mình giỏi Phật pháp cách mấy, dầu cho mình biết nhiều phương phát tu tập cách mấy thì mình cũng phải hiểu được nỗi khổ niềm đau, những khó khăn, những bức xúc của họ, mình mới đưa ra đưọc những phương pháp tu tập thích hợp. Giống như ông thày thuốc, khi bệnh nhân tới thì ông ta phải lắng nghe, bắt mạch trước để hiểu được tỳ tạng, kinh mạch nó bế tắc ở chổ nào ? Thì chúng tôi cũng vậy, trước khi mở một khóa tu cho giới doanh nhân, chúng tôi phải nghiên cứu về những khổ đau, những khó khăn, những bế tắc của giới doanh nhân. Trước khi mở khóa tu cho giới cảnh sát cũng phải tìm hiểu về họ. Quí vị có thể tưởng tượng, người cảnh sát Hoa Kỳ, họ thực tập ngồi thiền, họ thực tập ăn cơm trong chánh niệm, họ thực tập thở trong chánh niệm, họ thực tập đi thiền hành, họ nghe pháp thoại rất là giỏi.

 

Trong phái đoàn của chúng tôi về Việt Nam kỳ này có một vị Đại úy cảnh sát Hoa kỳ đã tu với chúng tôi mười mấy năm và đã mở lớp dạy thiền cho vô số người cảnh sát Hoa kỳ. Con số cảnh sát Hoa Kỳ bức xúc, tự tử khá đông, tại vì đời sống của người cảnh sát rất là căng thẳng, và lâu lâu cảnh sát cũng bị băng đảng, tội phạm sát hại. Nhưng số cảnh sát Hoa Kỳ bị băng đảng và tội phạm bắn chết ít hơn số người cảnh sát Hoa Kỳ tự tử bằng súng của mình. Tại vì đời sống họ rất là nhiều căng thẳng, cho nên khóa tu mở cho họ rất là khó và cuối cùng họ cũng thành công, họ tu tập được, họ đem lại sự bình an trong thân, trong tâm đem lại sự bình an trong gia đình họ, trong sở làm của họ và vị đại úy đó hiện bây giờ đang có mặt trong giáo đoàn của chúng tôi, giúp chúng tôi mở khóa tu cho những người cảnh sát, cho giới chánh án, cho giới luật sư, những người lo về an ninh cho xã hội và vị này đã được mời đi tổ chức hằng trăm khóa tu, cho giới cảnh sát và cho các giới khác. Tạì vì vị này biết nói cái ngôn ngữ của giới cảng sát, công an, vì vậy cho nên hướng dẫn rất là dễ dàng.

 

Ở Tây phưong khi chúng tôi mở một khóa tu, có hàng ngàn ngưới Tây phương tới tham dự. Một khóa tu như vậy có thể tổ chức năm ngày, bảy ngày hay hai mươi mốt ngày. Khi mình tới khóa tu mình ở luôn tại đó trong suốt thời gian của khóa tu, ăn ngủ tại chỗ thì mới thành công được. Có người đem cả gia đình tới tu học. Những nguời tới khóa tu là những người trẻ và trí thức, ông bà cụ thường ít tới. Chúng tôi đã giúp cho không biết bao nhiêu cặp vợ chồng, cha con, mẹ con hòa giải được với nhau hạnh phúc, truyền thông lại được với nhau, đem lại hạnh phúc cho gia đình nhờ những pháp môn tu tập. Chúng tôi không cung cấp sự cúng bái, lễ lạy tại vì bên Tây phương họ không đòi những cái đó, họ chỉ đòi pháp môn tu tập thôi. Và khi chúng tôi thành công đưọc với giới trí thức và trẻ tuổi ở Tây phương thì chúng tôi nghĩ rằng những pháp môn đã sử dụng cho giới trí thức và trẻ tuổi ở Âu châu và Mỹ châu thành công được thì ở Việt Nam giới trí thức và trẻ tuổi Việt nam cũng sẽ hâm mộ và nếu áp dụng thì cũng sẽ đem lại kết quả cũng tương đương như ở Tây phương.

 

Cách đây mấy tuần lễ, chúng tôi có tổ chức một ngày tu cho giới doanh nhân ở tại thành phố Hồ chí Minh và các vùng phụ cận thì các doanh nhân Việt Nam cũng đã tập ngồi thiền, tập đi thiền hành. Lần đầu tiên trong đời, nghe pháp thoại, dự pháp đàm, ăn cơm trong chánh niệm, tìm cách đưa vào đời sống bận rộn hằng ngày một chiều hướng tâm linh, đạo đức để cho nhẹ bớt sự căng thẳng trong đời sống của họ.

 

Kỳ trước về  quê hương để thăm viếng, để hoằng pháp chúng tôi có ba tháng, ngày nào cũng được gặp đồng bào, gặp Chư Tôn Đức, các Thày, các Sư cô để thực tập chung, để ngồi thiền, để nghe pháp thoại, để đi thiền hành chung, để đi khất thực chung và ba tháng nó không có nghĩa gì hết, nó đi qua cái vèo. Và kỳ này cũng vậy, chưa được ba tháng thì sau đó chúng tôi phải đi Hồng kông và sau đó phải đi Thái Lan để mở khóa tu ở Thái Lan trước khi trở về Pháp.

 

 

Ngồi giữa gió xuân

 

Hồi nãy tôi có nói rằng là trong buổi tập họp như thế này, nhìn xuống quí vị, tôi thấy phần lớn là những người trẻ, những người đã sinh ra trong thời gian tôi vắng mặt tại quê hương, những người 40, 42 tuổi trở xuống và khi tôi nhìn mặt những người đó, tôi có cảm tưởng họ rất là quen với tôi, tại vì ngày xưa tôi đã từng gặp gỡ ba má, chú thiếm, cô dì của họ, thấy họ tôi không có thấy cảm tưởng thân tình như là ngày xưa không có khác, tuy tôi già đi tới bốn mươi mấy tuổi. Ở trong Văn học Phật giáo có danh từ « Tọa Xuân Phong ».

 

Tọa là ngồi, Xuân là mùa Xuân, Phong là gió. Ngồi trong gió mùa Xuân. Mà tôi dịch là ngồi giữa gió Xuân. Khi nào huynh đệ được ngồi với nhau trong không khí Chánh pháp thì chúng ta có hạnh phúc, giống như chúng ta đang ngồi trong gió mùa Xuân. Và chỉ cần ngồi như vậy thôi mình cũng đủ có hạnh phúc, không cần phải nói nhiều. Bốn mươi năm đi xa đưọc về ngồi với quí vị như vậy là hạnh phúc rất lớn và mình phải hiến tặng sự tươi mát của mình cho những người khác và mình phải hưởng sự tươi mát của những người khác.

 

Trong Kinh có kể câu chuyện, một hôm có 500 Thầy sau khi mãn khóa An Cư Kiết Hạ tới thăm Đức Thế Tôn, họ tới lúc 6 giờ rưỡi chiều và Đức Thế Tôn ra ngồi với họ, gần 500 Thầy mà thầy trò không có nói gì hết, ngồi tới 11 giờ khuya, Đại đức Anan lúc đó mới đứng dậy đi nhè nhẹ tới gần Đức Thế Tôn, ngồi xuống bên ngài và nói nhỏ vào tai ngài Bạch Thế Tôn, bây giờ đã 11 giờ khuya rồi, ngài có gì dạy chư huynh đệ thì ngài dạy đi? Đức Thế Tôn im lặng và ngài tiếp tục ngồi và các vị ngồi tới 1 giờ khuya và ngài Anan cũng nóng ruột. Thầy mới tới lại lần thứ hai. Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ là 1 giờ khuya rồi, ngài có dạy gì cho huynh đệ thì ngài dạy đi? Và Đức Thế Tôn cũng ngồi im ru. Và Thầy Anan không dám nói nữa. Đức Thế Tôn với các Thầy ngồi cho tới 5 giờ sáng, ngồi im thôi, không nói gì hết, lúc đó Thầy Anan mới thưa lần chót, ngài tới quỳ bên Đức Thế Tôn, ngài thưa Bạch Đức Thế Tôn bây giờ là tảng sáng rồi, Đức Thế Tôn có dạy gì cho huynh đệ thì ngài dạy đi, lúc đó Đức Thế Tôn mới quay lại thầy Anan, ngài nhìn thầy Anan và nói như thế này thầy Anan, thầy muốn tôi nói cái gì, thầy trò được ngồi với nhau như vầy là hạnh phúc nhiều rồi, đâu cần phải nói gì.  Tôi đọc đoạn Kinh đó, tôi rất là ấn tượng và tôi hiểu được ba chữ Tọa Xuân Phong. Khi mà thày trò được ngồi với nhau trong tình thày trò. Huynh đệ được ngồi với nhau trong tình huynh đệ, đâu cần phải nói gì nhiều. Mình phải thật sự có mặt, có mặt cho những người kia và người kia cũng thật sự có mặt cho mình, mình được nuôi dưỡng bởi tình thày trò, mình được nuôi dưỡng bởi tình huynh đệ.  

 

Trong gia đình Phật tử có bài hát Kính Mến Thầy, có một câu hát rất là buồn cười. Nam Mô A Di Đà Phật, hôm nay thầy về đây, chúng con xin kính chào thầy, trong giờ phút vui này, chúng con biết làm gì đây ? Luống cuống không biết làm gì hết, chạy tùm lum, chạy lăng xăng. Sự thực là khi thầy về, mình ngồi xuống, ngồi chơi với thầy, đó là cách hay nhất. Học theo Kinh đó, Đức Thế Tôn ngồi bên các thầy rất là hạnh phúc, đâu cần phải nói gì nhiều. Vậy bài kia mình sửa lại một chút cho nó hay. Nam Mô A Di Đà Phật, hôm nay thầy về đây, chúng con xin kính chào thầy, trong giờ phút vui này, chúng con quyết lòng ngồi đây với thầy, không có lăng xăng.

 

Ở trong thiền viện, buổi sáng nào, buổi khuya nào thầy trò cũng được ngồi chung và không cần ai nói với ai câu nào hết. Trong những bữa cơm thầy trò ngồi ăn cơm im lặng từ đầu đến cuối nhưng mà hạnh phúc rất lớn. Quí vị biết rằng khi mình ăn cơm mà mình nói chuyện tùm lum thì mình không có tôn trọng thức ăn và mình không có hưởng được cái tình huynh đệ, tình thầy trò. Cho nên mình ăn cơm im lặng không phải nuôi dưỡng chỉ bởi thức ăn mà còn bằng tình huynh đệ, tình thầy trò, rất là hay. Trong chùa có được không khí đó, mỗi ngày có thì giờ ngồi chung với nhau, thầy trò, huynh đệ ngồi chung với nhau không cần nói gì hết và có được những bữa cơm ăn im lặng với nhau để thấy sự có mặt với nhau rất là quý giá.

 

Tại nhà cũng vậy, mình nên tổ chức bữa cơm gia đình như thế nào để mà mình thấy sự có mặt quý giá của cha, của mẹ, của đứa con, của anh chị, của em mình. Bây giờ chúng ta quá bận rộn, thành ra có nhiều gia đình không được ăn cơm chung nữa, đi học về giờ khác, đi làm về giờ khác, và mỗi người ăn riêng thì rất là buồn. Cho nên tôi xin đề nghị chúng ta phải tổ chức như thế nào để ít nhất mỗi ngày trong gia đình có được buổi ăn chung, tất cả mọi người đều có mặt và trong buổi ăn chúng ta bắt chước Đức Thế Tôn, ngồi ăn im lặng năm phút, năm phút đầu nhìn nhau cười hạnh phúc, cha mình đang còn đó, mẹ mình đang ngồi đó, các con còn đang mạnh khỏe đó, chưa đi lấy chồng, chưa đi cưới vợ, chưa đi ở riêng và hạnh phúc có thể có được ngay trong giây phút hiện tại. Trong buổi ăn cơm gia đình im lặng trong năm phút, trong bẩy phút đầu là chuyện mình có thể làm được, mình chỉ cần nhìn nhau cười thôi, mình công nhận sự có mặt của người kia và mình hiến tặng người kia với sự tươi mát của mình.

 

 

Làm lắng dịu thân tâm

 

Hồi nãy tôi có nói chuyện những người thiền sinh Tây phương họ tới để họ học những pháp môn tu tập, những pháp môn tu tập đó giúp cho họ đưọc gì ? Trước hết là để làm lắng dịu những cái căng thẳng, những đau nhức trong thân của mình. Đời sống ngày hôm nay rất là bận rộn, chúng ta có nhiều máy móc, chúng ta có nhiều tiện nghi nhưng  mà chúng ta bận rộn hơn ngày xưa rất là nhiều, chúng ta có máy bay, chúng ta có xe hơi, chúng ta có điện thoại, chúng ta có điện thư… Đáng lý chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều thì giờ, có nhiều thì giờ để ngồi với nhau, chơi với nhau, sống với nhau nhưng sự thực ngược lại là chúng ta bận rộn hơn ngày xưa nhiều lắm. Và người nào cũng sống trong hoàn cảnh rất là căng thẳng, chúng ta có quá nhiều việc phải làm, chúng ta có quá nhiều cái hẹn phải gặp, và vì vậy cho nên trong thân thể của chúng ta có nhiều sự căng thẳng, có nhiều sự đau nhức và chúng ta không biết cách buông thư, làm thư giãn, làm lắng dịu và chúng ta cứ dồn chứa những căng thẳng đó, những đau nhức đó ngày này sang ngày khác, một ngày nào đó chúng ta ngã bệnh là tại vì có quá nhiều sự căng thẳng ở trong thân.

 

Các nhà khoa học cho chúng ta biết rằng khi mà sự căng thẳng trong thân nó dồn chứa quá nhiều nó sẽ sinh đủ thứ bệnh. Và vì vậy cho nên Đức Thế Tôn ngày xưa đã dạy cho chúng ta những phương pháp thực tập buông thưthở để làm lắng dịu thân tâm, để lấy đi sự căng thẳng đó. Nếu quí vị có nghiên cứu Kinh An Ban Thủ Ý, tức là Kinh Quán niệm Hơi Thở thì quí vị thấy trong kinh đó Đức Thế Tôn đã dạy chúng ta những phương pháp thở, những phương pháp buông thư để làm lắng dịu thân tâm, để làm dịu bớt những căng thẳng ở trong thân cũng như là trong tâm, những đau nhức ở trong thân cũng như là trong tâm.

Thí dụ như bài tập :

-  Thở vào tôi nhận diện thân thể tôi, tôi nhận diện toàn thân tôi.

-  Thở ra tôi làm lắng dịu sự căng thẳng trong thân tôi.

 

Những Kinh mà Đức Thế Tôn thuyết ra cách đây 2500 năm nó vẫn còn có tính hiện đại. Khi chúng ta có nỗi khổ, niềm đau nó trào lên thì Đức Thế Tôn dạy chúng ta tập thở, biết chế tác năng lượng để nhận diện ôm ấp để làm lắng dịu những nỗi khổ niềm đau đó. Đó là bài tập thứ sáu và thứ bảy ở trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Khi tôi nghiên cứu Kinh đó và đem ra áp dụng, tôi thấy lời dạy, phương pháp của Đức Thế Tôn đưa ra cho chúng ta cách đây 2500 năm vẫn còn có tính hiện đại. Và quí vị biết không, có nhiều vị Bác sĩ ở các dưỡng đường, ở các bệnh viện lớn ở Tây phương, họ đang áp dụng Kinh An Ban Thủ Ý để trị bệnh cho bệnh nhân. Có mội vị Bác sĩ tên là Benson đã nghiên cứu trong vòng ba mươi năm về phương pháp làm thư giãn những căng thẳng ở trong thân và trong một cuốn sách báo cáo về sự nghiên cứu, về kinh nghiệm của ông, ông nói rằng, khi những căng thẳng đó dồn nén quá nhiều nó sinh ra rất nhiều chứng bệnh và với sự căng thẳng đó, thuốc men nhiều khi không có trị được, nếu mình biết thực tập những phương pháp làm lắng dịu sự căng thẳng trong thân, làm lắng dịu sự căng thẳng trong tâm. Nếu khi mình làm cho sự căng thẳng trong thân thể đó nó dừng lại được, nó có sự buông thư thì cơ thể mình nó có cơ hội nó có thể tạo yếu tố chữa lành bệnh được những chứng bệnh trong cơ thể mà không phải thuốc men, rất là hay. Khi bệnh, chúng ta chỉ trông cậy vào thuốc mà chúng ta không trông cậy vào sự nghỉ ngơi, nghỉ ngơi để làm dịu bớt căng thẳng, trong khi đó sự nghỉ ngơi và sự làm dịu bớt sự căng thẳng là phương pháp trị liệu rất là hay, tại vì cơ thể chúng ta có khả năng tự trị được những chứng bệnh ở trong cơ thể.

 

Khi mà chúng ta xắt rau mà bị đứt tay, chúng ta chỉ cần rửa vết thương cho sạch, vết thương tự động nó đâm da non, nó tự chữa lành, có nghĩa là cơ thể ta có khả năng tự trị liệu được nhưng mà mình phải cho phép nó, nếu mà mình can thiệp vào quá nhiều thì vết thương nó sẽ không có lành, để cho nó nghỉ đừng can thiệp vào. Những con thú ở trong rừng, mỗi khi bị thương nặng, nó vẫn biết cách đi tìm một chỗ rất vắng nằm xuống, tại cha ông nó có kinh nghiệm, đã trao truyền cái kinh nghiệm đó, tại vì con thú trong rừng đâu có thuốc men, có bác sĩ, cho nên nó biết rằng khi bị thương nặng, phương pháp duy nhất để chữa lành là đi tìm chỗ rất là vắng, nằm xuống, không có nghĩ chuyện đi tìm con mồi, chạy theo con cái hay con đực gì hết. Rất quan trọng là nằm xuống và nằm cho nhiều ngày, tự nhiên trong cơ thể, nó có khả năng chữa trị được vết thương và sau ba, bốn ngày, nó đứng dậy được, nó lành bình.

 

Ngày xưa con người cũng biết làm như vậy, nhưng mà con người bây giờ không biết nghỉ ngơi nữa, con người đày đọa tấm thân của mình quá nhiều. Mà dù con người có được ba, bốn ngày nghỉ, một tuần lễ nghỉ ngơi cũng không biết cách nghỉ, không biết cách buông thư, không biết cách làm lắng dịu cái thân và cái tâm của mình. Chúng ta chỉ trông cậy vào thuốc men thôi, thuốc men có cái độc của nó. Nếu chúng ta biết nghỉ ngơi, nếu chúng ta biết buông thư toàn thân thì chúng ta rất ít cần tới thuốc, chỉ cần sử dụng ít thôi cũng đủ.

 

Ở miền Đông Bắc Mỹ châu có Bác sĩ tên là John Carbazine, ông ta mở ra một viện ở trong bệnh viện của trường Đại học Havard. Viện của ông chuyên môn giúp cho người ta giảm thiểu sự căng thẳng trong thân, ông sử dụng những phương pháp dạy ở trong đạo Phật. Bác sĩ John Carbazine đã từng theo một khóa tu của tôi tổ chức tại tiểu bang Massachusetts, ông ta rất thành công trong việc chữa trị bệnh các bệnh nhân, dùng đến phương pháp buông thư và làm giảm thiểu sự căng thẳng trong cơ thể. Có bệnh nhân mà bác sĩ khác chạy rồi, gởi tới ông, ông cho thực tập theo phương buông thư của Kinh An Ban Thủ Ý và cuối cùng ông  chữa được những người như vậy.

 

Tôi kể những chuyện này để quí thầy, quí sư cô, quí Phật tử biết là những điều Đức Thế tôn dạy trong hằng chục thế kỷ nay nó vẫn còn giá trị, rất là hiện đại. Kinh An Ban Thủ Ý, Kinh Niệm Xứ là những kinh ngày xưa các Thầy, các Sư cô học thuộc lòng. Kinh An Ban Thủ Ý dạy về Thở và Kinh Niệm Xứ là dạy về Chánh Niệm, thực tập Tứ Niệm Xứ. Hai Kinh đó là hai Kinh gối đầu giường của quí Thầy và quí Sư cô ngày xưa, ai cũng học thuộc lòng hết như quí vị học  thuộc lòng chú Đại Bi hay là kinh Di Đà bây giờ vậy. Tôi đã dịch và chú giải kinh Quán Niệm Hơi Thở, kinh Niệm Xứ từ tiếng Pali sang tiếng Việt, tiếng Anh, từ tiếng Hán ra tiếng Việt, tiếng Anh và trong khóa tu thường thường tôi đem những phương pháp đó ra để hướng dẫn cho thiền sinh tu tập. Nếu mình có những đau nhức và căng thẳng trong cơ thể mình có thể áp dụng phương pháp Phật dạy để làm giảm thiểu sự căng thẳng, đau nhức đó và khi mình có những căng thẳng và đau nhức trong lòng tức là ngững lo lắng, những sợ hãi, những hồi hộp, những bức xúc, những tuyệt vọng, mình cũng có thể học được trong kinh đó, phương pháp thế nào để ôm ấp, để làm lắng dịu nỗi khổ niềm đau đó. Nếu mình không biết cách thì những nỗi khổ niềm đau đó nó thúc đẩy mình nói và làm những điều gây đổ vỡ trong lòng mình, trong gia đình mình, trong xã hội mình, có khi thúc đẩy mình tạo ra những tội ác, như là giết người hay là tự tử.

 

Tôi để ra rất nhiều thì giờ để dịch Kinh, để giảng dạy và để hướng dẫn thực tập. Nếu quí vị qua bên Đạo tràng Mai thôn, quí vị sẽ không thấy chùa to Phật lớn như ở đây, tại chúng tôi không có thì giờ làm chùa to Phật lớn, chúng tôi chỉ tạm có đủ thì giờ để mở những khóa tu giúp cho người ta tu tập mà thôi, nước nào cũng đòi hỏi chúng tôi phải tới để mở những khóa tu, có biết là bao nhiêu nước bên đó. Trong những khóa tu chúng tôi tổ chức ngay tại Mai thôn đạo tràng hay tổ chức ngay tại thành phố lớn ở Âu châu, ở Mỹ châu, ở Úc châu, các thiền sinh tới để học những cái đó và họ thực tập ngay tại chổ, nó không phải là những khóa giáo lý, đó là những khóa tu học và thy trò, huynh đệ thực tập với nhau suốt trong thời gian của khóa tu và mình có thể thấy được sự chuyển hóa của từng người trong quá trình của khóa tu, thường thường trong khóa tu vợ hòa giải được với chồng, cha hoà giải được với con và có khi họ hoà giải được những người không tới được khóa tu nữa.

 

Có một lần ở một khóa tu cho người Đức ở miền Bắc nước Đức, ở thành phố Oberlethe tới ngày thứ năm của khóa tu, tôi nói các thiền sinh, các vị đã tu vào ngày thứ năm, bây giờ các vị hãy áp dụng vào những điều gì đã tập và đã học để hòa giải với người thân của quí vị đi, tại vì trong năm ngày, ngày nào cũng được ngồi thiền, ngày nào cũng được tập thở, ngày nào cũng được đi nhũng bước chân thảnh thơi, ngày nào cũng nghe được pháp thoại, những bài giảng nó tưới những hạt giống hiểu, thương , chấp nhận, tha thứ. Vì vậy cho nên tới ngày thứ năm là có khả năng  lắng nghe với lòng từ bi, tới ngày thứ năm là có thể sử dụng ngôn từ dễ thương, ái ngữ đối với người kia, thực tập luôn năm ngày năm đêm, cho nên đến ngày thứ năm tôi mới nói quí vị đã thực tập trong năm ngày rồi lắng nghe với tâm từ bi, nói năng với giọng ái ngữ, tưới tẫm những hạt giống của tình nghĩa, của tha thứ, của thương yêu thì tôi hẹn với quí vị tới 12 giờ khuya đêm nay là phải hòa giải cho được với người mà quí vị lâu nay có khó khăn, người đó có thể là chồng của mình, hay là cha của mình, hay là mẹ của mình, hay là chị của mình, hay là vợ của mình. Nếu người đó có trong khóa tu thì quá dễ, tại vì người kia cũng đã tu được năm ngày rồi, đã thay đổi nhiều rồi. Còn nếu người đó không có tới khóa tu được thì quí vị được phép sử dụng đìện thoại di động để thực tập với người đó, quí vị nên biết rằng trong khóa tu không có được sử dụng điện thoại, nó phân tâm của mình, phải để dành hết thì giờ cho khóa tu. Trước khi đi khóa tu phải nói với gia đình là tôi có khóa tu đừng gọi tôi, khi nào có chuyện hết sức cấp bách mới được, gọi vào văn phòng thôi.

 

Sáng hôm sau thì có bốn ông Đức tuổi chừng ba mươi, bốn mươi lên báo cáo là trước 12 gìờ khuya, họ đã điện thoại về cho ba của họ và với phương pháp ái ngữ và lắng nghe đó họ hòa giải được với cha, họ rất là ngạc nhiên là tại trước khóa tu họ không có khả năng nói được với cha những lời nhẹ nhàng như vậy và họ không có lắng nghe được cha và bây giờ sau năm ngày thôi, họ lắng nghe được cha và họ nói được lời nhẹ nhàng, những lời đó họ học được ở trong khóa tu.

 

 

Nghe với tâm từ bi, Nói với lời hòa ái

 

Có một bà người Thiên Chúa Giáo sống ở Hoa Thịnh Đốn và bà muốn tự tử, tại vì bà khổ quá đi. Bà là ngưới trí thức, có bằng Tiến sĩ mà ông cũng là ngưới trí thức, ông cũng có bằng Tiến sĩ và ba đứa con học Đại học. Gia đình của họ không là một gia đình có hạnh phúc tại vì ông có quá nhiều căng thẳng, quá nhiều bực tức, quá nhiều giận hờn và ông hay chưởi mắng, la rầy, quát tháo, buộc tội, lên án cho nên bà rất là chán và các đứa con không dám gần ba, họ tìm cách lánh xa. Và khi mà vợ con tìm cách lánh xa, tại vì sợ thôi, ông giống như trái bom, đụng vô có thể nổ tan xác bất cứ lúc nào thành ra không ai dám gần. Khi nổi giận ông có thể đạp đổ bàn ăn vừa mới dọn lên, ghê vậy đó, tại vì đó là con người dồn chứa sự bực tức, sự giận hờn từ lâu ngày mà không biết tu, ở đời có những người như vậy. Bà ta chưa tự tử được vì có một bà bạn đã từng thực tập thiền với thầy Nhất Hạnh. Bà bạn Phật tử này có bữa nói với bà Thiên chúa : này chị này, Thầy em giảng bài rất là hay, làm thế nào để gỡ trái bom ra, em muốn chị nghe cuốn băng cassette này, tại vì em thấy anh ở nhà là một trái bom nhưng mà mình không có thất vọng, mình có thể học Phật pháp để mình gỡ trái bom cho ông ta, nhưng bà Thiên chúa giáo đó bà không có chịu nghe, bà nói, tôi là người Catholique, tôi nghe những thứ này thì tội, cố chấp như vậy đó! Đến một bữa, bà Công giáo thật sự muốn tự tử, điện thoại cho bà bạn và nói tối nay em sẽ tự tử nói cho chị biết ! Bà Phật tử nói rằng tự tử thì được rồi nhưng mà chị phải tới thăm em rồi tự tử sau! Bà này dùng phương tiện quyền xảo, khéo léo! Thì khi mà bà Thiên chúa giáo tới, bà nói như thế này: chị, chị cứ nói đi nói lại em là người bạn duy nhất trên đời của chị, em nghi cái chuyện này không có đúng? Tại vì bạn thân duy nhất trong đời mình mà yêu cầu mình có một chuyện thôi mà mình không có làm thì đâu có gọi là bạn thân nhất trên đời được? Em chỉ yêu cầu chị nghe cuốn băng giảng của Thầy em thôi mà chị không có nghe mà chị cứ nói em là người bạn thân nhất đời của chị ? Bà Thiên chúa giáo đó nghĩ trong bụng, thôi mình chịu khó nghe cho xong để trả nợ quỷ thần rồi mình chết sau cũng được : đâu, băng cassette đâu đưa tôi nghe cho ?  Bà Phật tử mới đem cassette ra, rồi bà Phật tử để bà Thiên chúa giáo một mình trong phòng khách, bà rút lui để cho bà này thoải mái.

 

Trong băng giảng đó, tôi nói về phương pháp gỡ bom, sử dụng phương pháp lắng nghe với lòng từ bi và sử dụng lời nói ái ngữ để giúp cho người khác có thể nói ra được nỗi khổ niềm đau của họ mà lâu nay chưa nói ra được. Mà hai phương pháp đó là hai phương pháp của Đức Quan Âm, Lắng Nghe với Tâm Từ Bi, Nói với lời dịu dàng, không buộc tội, không lên án, chỉ nói cho người kia hiểu mà thôi.

 

Theo nguyên tắc mình có bổn phận nói cho người kia nghe tất cả những khổ đau, những khó khăn, bức xúc của mình, mình đừng dùng ngôn từ lên án buộc tội, chua chát, trách móc, cái đó gọi là Ái Ngữ, mình nói với giọng hòa ái để khiến cho người kia hiểu được mình mà không còn trách móc, hờn giận mình, đó là ái ngữ. Còn lắng nghe với tâm từ bi nghĩa là Bi Thính, nghĩa là trong khi mình nghe, mình chỉ có một mục đích duy nhất là nghe cho người kia có cơ hội nói ra được nỗi khổ niềm đau mà người đó chưa bao giờ có thể nói ra được, vì vậy dầu cho người kia nói với giọng lên án, buộc tội, trách móc, chua chát mình vẫn có thể lắng nghe được, tại vì mình có lòng từ bi thì mình nhắc mình : có nhiều tri giác sai lầm quá, có nhiều giận hờn, buộc tội quá nhưng tại vì đang muốn giúp cho người kia bớt khổ cho nên mình cứ nghe thôi, mai mốt mình có cơ hội mình sẽ giúp cho người này những thông tin để người này có thể điều chỉnh nhận thức của họ. Bây giờ vấn đề là mình lắng nghe, mặc kệ có nói lời sai lầm, có nói những điều không đúng sự thật, có nói những điều lên án buộc tội, trách móc thì mình vẫn nghe thôi, mình bắt chước Đức Quan Thế Âm, nghe với trái tim Bồ Tát, nghe với tình thương, mà khi để một chút tình thương trong trái tim rồi mình sẽ được tình thương đó che chở. Còn nếu ở đây không có tình thương thì những lời nói của người kia có chua chát, buộc tội nó sẽ tưới những hạt giống bực bội cũa mình và sau  năm phút mình hết lắng nghe được cho nên Từ Bi  là chất liệu nó che chở cho mình, nó làm cho mình có khả năng lắng nghe, còn nếu trong khi nghe mình không giữ được Từ Bi, những hạt giống bực bội, tức tối của mình bị tưới tẩm trong khi nghe và mình đánh mất khả năng lắng nghe của mình.

 

Bà Thiên Chúa giáo đó là một bà thông minh, trong khi bà nghe cuốn băng như vậy, bà thấy rõ được là bà chịu trách nhiệm một phần nào trong tình trạng khó khăn của bà tại vì lâu nay bà đã nói năng rất chua chát với ông, bà đã trách móc, đã hờn oán, đã giận dỗi, bà không có khả năng nói được câu nói êm dịu ngọt ngào như ngày xưa được nữa, và bà thấy rõ được sự thật là nếu tình trạng nó đi tới như vậy, đó không phải hoàn toàn là lỗi ở ông mà bà có một phần nào đó, bà đã phản ứng, bà đã cũng giận hờn và cũng trách móc, cũng lên án, bà cũng buộc tội không khác gì ông.

 

Sau khi nghe hết cuốn băng rồi tự nhiên bà có niềm hy vọng nó trào lên, trước đó chỉ muốn chết thôi, khi nghe cuốn băng đó mầm hy vọng nảy sanh, nó lớn lên và bà có ý muốn trở về gỡ bom cho ông chồng bằng phương pháp là ái ngữ và lắng nghe. Khi bà Phật tử ra bà ta nói như vầy : này chị, cám ơn chị cho em nghe cuốn băng này, thế nào em về em cũng thực tập thành công được, em sẽ giúp nhà em. Bà Phật tử nói chưa được đâu chị ơi, chị về làm liền thì hư bột, hư đường hết ! Tại vì chị còn yếu lắm, chị chưa có khả năng lắng nghe đâu, nếu anh nói vài câu xóc óc, có vẻ lên án buộc tội thì chị đánh mất khả năng lắng nghe của chị liền, thành ra chị hãy từ từ. Thầy của em  tháng tới sẽ qua Mỹ, sẽ mở hai khóa tu ở trong vùng Hoa Thịnh Đốn, một khóa bằng tiếng Anh, một khóa bằng tiếng Việt, nếu chị muốn, chị ghi tên vào khóa đó và chị tu sáu ngày thì may ra chị mới có khả năng về giúp anh, gỡ trái bom trong anh.

 

Bà Thiên Chúa giáo đồng ý và trong khóa tu đó bà tu hết mình, bà tu còn giỏi hơn người Phật Tử lâu năm tại vì đối với bà, đây là vấn đề sống chết, còn đối với các vị  Phật Tử thì tình trạng đâu có đến nổi gì tệ lắm, không phải là vấn đề sống chết thành ra tu sơ sơ thôi. Trong khóa tu đó, người mà tu tinh tấn nhất là bà Thiên Chúa, mấy bà Phật Tử thua xa.

 

Ngày mãn khóa tu, bà rất là trầm tĩnh, bà trở về buổi chiều tối đó, bà đi những bước chân rất là thanh thản, nhẹ nhàng và bà cuối cùng bà tới ngồi gần bên ông, bà áp dụng phương pháp ái ngữ, bà nói như thế này ông ơi, tôi biết rằng sáu bảy năm nay ông khổ nhiều lắm, ông bị bức xúc, ông bị khó khăn, ông bị thất chí rất là nhiều, tôi đã không có giúp được ông mà tôi còn dại dột làm cho tình trạng tệ hơn, tôi rất là hối hận, tôi đâu muốn làm cho ông khổ đâu, thật ra tôi muốn cho ông hạnh phúc để tôi được nhờ nhưng tại vì tôi không hiểu được nỗi khổ niềm đau của ông, những khó khăn, những bức xúc của ông cho nên tôi đã phản ứng một cách dại dột, tôi đã chua chát, đã cay cú, tôi đã cằn nhằn ông rất là nhiều, bây giờ tôi hối hận lắm, bây giờ tôi muốn làm lại cho cuộc đời của mình, ông phải giúp tôi, ông  nói cho tôi nghe những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc trong lòng của ông để  tôi có thể hiểu được và để  tôi không  lập lại những vụng về, những dại dột mà tôi đã từng làm, ông ơi, ông giúp tôi đi!

 

Khi bà ta nói như vậy thì ông bắt đầu khóc, giống như một đứa con nít vậy đó, từ lâu nay, năm sáu năm nay bà chưa bao giờ  nói với ông bằng cái giọng dễ thương dịu dàng như vậy. Sáu ngày tu tập mà nó thay đổi rất nhiều, về nói được những lời nói ái ngữ. Khi bà thấy ông khóc như vậy, bà hy vọng rất nhiều, bà thấy cánh cửa trái tim ông hé ra rồi, bà nói tội nghiệp tôi mà ông, ông giúp tôi đi, ông nói cho tôi nghe những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc của ông để tôi không có dại dột làm như trong quá khứ và bà đã áp dụng đúng như những điều bà đã học trong khóa tu. Tối hôm đó ông nói cho bà nghe rất nhiều, cố nhiên là có những điều bà thấy ông nói sai, hiểu sai nhưng bà nhứt định không động tới, bà nói những cái tri giác sai lầm của ông này từ từ sau này mình sẽ giúp ông chữa, bây giờ vấn đề là phải lắng nghe thôi, thành ra bà không cắt lời ông, bà không có sửa lưng ông, bà lắng nghe, bà nói : tội nghiệp ông quá, vậy mà tôi không biết ! Tội nghiệp ông quá, vậy tôi không biết ! Chỉ nói mấy câu như vậy thôi.

 

Và đêm đó là đêm có tính cách trị liệu cho hai vợ chồng, bà này thành công rất là vinh quang tại vì bà thuyết phục ông ghi tên dự khóa tu thứ hai, và ông ghi tên dự khóa tu thứ hai, ông tu rất là đàng hoàng, bây giờ ông có đạo hữu rồi mà, bà là đạo hữu của ông, người bạn đi trên đường đạo gọi là đạo hữu hay là pháp lữ cũng vậy. Pháp lữ là người bạn trong đạo Pháp.

 

Thường thường vào ngày chót có buổi Thiền trà để các thiền sinh họ từ biệt với nhau. Thiền trà như vậy thường có khoảng 20- 25 người ngồi tròn thì hai ông bà ngồi trong thiền trà, thông thường người ta ngồi từ đầu đến chót uống trà ăn bánh ngọt và chia sẻ hạnh phúc, những kinh nghiệm mình đã đạt được trong khoá tu, ông mới mở lời, ông mới nói như thế này: thưa các bạn thiền sinh, tôi xin giới thiệu với các bạn một vị Bồ tát của đời tôi, người này đã làm tất cả mọi cái để xây dựng cho tôi mà tôi đã đối xử người này một cách tệ bạc. Nhờ có khóa tu này tôi tỉnh ngộ ra và tôi trân quí sự có mặt của người này rất là nhiều,  đó chính là một vị Bồ tát. Ông giới thiệu bà một cách trang trọng như vậy, cũng đủ biết là hai vợ chồng họ tuy là người Thiên Chúa giáo nhưng họ tu rất đàng hoàng và rất là thành công.

 

Chúng tôi đâu có biết chuyện đó, chúng tôi không biết gì đang xẩy ra, tưởng rằng họ cũng là những người thiền sinh thường thôi nhưng mà sau đó chừng mười ngày, họ đem ba đứa con đang là sinh viên trường Đại Học tới dự một ngày tu và sau ngày tu đó, họ tới chúng tôi và kể lại câu chuyện từ đầu tới cuối về sự thành công của họ trong tu học. Bà chỉ tu có sáu ngày thôi, bà thành công và giúp lại ông và ông cũng chỉ tu sáu ngày thôi mà giúp được các con trở về.

 

 

Giọt nước của Hiểu và Thương

 

Tôi nghĩ rằng nếu họ là những người Thiên Chúa giáo mà họ thành công được thì tại sao mình là người Phật Tử lâu năm mà mình không thành công được? Cho nên quí vị có những khó khăn ở trong gia đình, nếu giữa vợ chồng có những khó khăn, không có sự truyền thông, nếu giữa cha con, mẹ con, anh em mà không sự truyền thông. Tại sao mình không sử dụng phương pháp của Đức Thế Tôn dạy để tháo gỡ, để tái lập lại truyền thông, để đem lại hòa khí hạnh phúc trong gia đình mình. Chúng ta cần những phương pháp thực tập rất là cụ thể, dĩ nhiên chúng ta tới lễ chùa bái sám, cúng dường để đọc kinh, chúng ta cũng có thể xoa dịu một ít khó khăn nhưng mà chúng ta không giải quyết tận gốc, vì vậy chúng ta phải học thêm, chúng ta phải tìm hiểu phương pháp rất là cụ thể của Đức Thế Tôn đã dạy trong Kinh, tại vì chính những thiền sinh Tây Phương, họ tới khóa tu là để học hỏi những cái đó.

Cái hay của pháp môn Lắng Nghe là dầu người kia có dùng ngôn từ chua chát, cay đắng, trách móc, buộc tội  mà mình vẫn ngồi nghe được, là tại mình có từ bi, trong khi nghe mình phải thở, mình phải tự nhắc mình rằng nghe như vậy với mục đích duy nhất thôi là để cho người kia có cơ hội nói ra được những nỗi khổ niềm đau chưa bao giờ nói ra được, mình đang đóng vai của Bồ Tát Quan Thế Âm, mình là người đàn ông mình làm Đức Quan Thế Âm, mình là người đàn bà mình làm Đức Quan Thế Âm, mình là người con trai mình là Đức Quan Thế Âm để lắng nghe ba, lắng nghe má, mình là người con gái mình làm Đức Quan Thế Âm để lắng nghe cha, lắng nghe mẹ. Chúng ta đều có thể làm đưọc, chúng ta cứ niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát mà chúng
ta không chịu học cách của Ngài.

 

Và khi mình thấy người kia nói một cách sai lầm, những tri giác rất là sai lầm, chúng ta không có cắt đứt lời người đó, chúng ta nói: tội nghiệp quá, tri giác sai lầm quá ! nhưng mình phải lắng nghe, vẫn tiếp tục lắng nghe, mai mốt có cơ hội mình sẽ hiến cho nguời kia một vài thông tin để người kia có thể điều chỉnh lại tri giác của người đó, không có gấp ! Khi nào ba bốn ngày nữa, khi nào có dịp vui thì mình nói cho người kia biết một vài điều: này anh ơi, cái chuyện anh nói trước sự thật nó như vầy như vầy nè, mình cho người kia vài cái thông tin về sự thật, một vài bằng cớ là sự thật nó không có xẩy ra như vậy, đó là tri giác sai lầm của ảnh nhưng mà đừng nên cho nhiều thông tin quá, mỗi ngày cho chút xíu thôi, tại vì một người không thể chấp nhận quá nhiều thông tin, không thể chấp nhận mình sai lầm nhiều như vậy, mình sai ít ít thì chấp nhận được, mình sai quá nhiều thì không chấp nhận được, tại vì người nào cũng có tự ái, cho nên dầu thấy người kia có nhiều tri giác sai lầm, mình cũng từ từ cung cấp thông tin đó, đừng cung cấp số lượng quá nhiều một lúc. Đời còn dài mà, cho nên mỗi tuần mình cho vài thông tin thôi, cuối cùng người kia điều chỉnh tri giác sai lầm đó và có khả năng hiểu và thương, mình tặng cho họ giọt nước Cam Lồ Quan Thế Âm, giọt nước của Hiểu và của Thương.

 

Tôi nhớ một khóa tu ở Macao tổ chức cho người Hoa, một khóa tu ở Hồng Kông cũng tổ chức cho người Hoa có rất nhiều người Công Giáo tham dự khóa tu. Người Hồng Kông, người Macao bỏ đạo Phật theo đạo Thiên Chúa Giáo rất là đông, người Đại Hàn cũng vậy. Những khóa tu mà chúng tôi mở cho những người Đại Hàn ít ra năm mươi phần trăm là người công giáo. Và có một điều rất là lạ, là tới cuối khóa tu tất cả đều quy y theo Phật trở lại, điều này đã xảy ra tại Hán Thành, đã xảy ra tại Hồng Kông và Macao, họ nói : đạo Phật này mới là đạo Phật của tôi ! Và cái buổi truyền Tam Quy, Ngũ Giới vào ngày chót họ xin quy y trở lại hết, tại họ có dòng máu Phật tử lâu đời rồi, khi gặp được Chánh pháp, gặp được Tăng thân, gặp được pháp môn tu tập rất là khoa học, họ trở về rất là mau. Thành ra khi quí vị thấy có nhiều người bỏ theo đạo Thiên Chúa, quí vị đừng nóng ruột, nếu mình tu tập cho đàng hoàng, mình giúp cho họ những phương pháp tu tập để họ có thể chuyển hóa đuợc, họ sẽ trở về rất là mau. Khóa tu ở Macao, trong buổi ăn cơm cuối cùng đó, có nhiều bà lên báo cáo : bạch Thầy con làm hòa với chồng con rồi, con chỉ dùng điện thoại di động thôi ! Tôi rất là hãnh diện về những người học trò như vậy, chỉ cần đìện thoại di động thôi mà làm hòa được với chồng, làm hòa được với cha. Phương pháp của Đức Thế Tôn rất là vi diệu !

 

Tôi nói nhiều rồi, bây giờ quí vị muốn hỏi câu gì thì hỏi, cũng đã gần 9 giờ khuya rồi. Ai có câu hỏi thì giơ tay lên sẽ có cái máy nói nó đi tới !

 

 

Hỏi và Trả lời

 

Hỏi : Con có đứa con mới 14 tuổi muốn đi xuất gia theo Sư Ông thì phải làm sao?

 

Thầy Nhất Hạnh : Bây giờ bà tiếp xúc với một trong các thầy ở đây, hỏi thể thức nó ra làm sao? Hiện giờ có rất nhiều người trẻ muốn đi xuất gia để đi theo con đường Đức Thế Tôn. Tại tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, có rất nhiều thanh niên và thiếu nữ muốn xuất gia, có nhiều người học xong Đại học rồi, đã làm Kiến trúc sư, Dược sư hay là Bác sĩ rồi mà cũng đi xuất gia, tại vì đi xuất gia có thể làm được nhiều lợi cho đời. Bà nên tiếp xúc với các thầy, các sư cô ở đây. Có thể là cháu sẽ lên trên tu viện Bát Nhã, thực tập mấy tháng theo phương pháp của Làng Mai và sẽ gặp rất nhiều người trẻ đang tu ở trên đó. Tu viện Bát Nhã tiếp nhận thanh niên thiếu nữ từ 15 đến 25 tuổi, sẽ được đào tạo để sau này có thể mở những khóa tu như là các thầy, các sư cô đang mở.

 

Hỏi : (phút thứ 44:44, âm thanh nhỏ không nghe được) : Xin thầy kể về kinh nghiệm mấy mươi năm hành đạo của thầy ở Âu Châu và Mỹ Châu ?

 

Thầy Nhất Hạnh : Âu Châu và Mỹ Châu là địa bàn của Cơ Đốc Giáo, Do Thái Giáo bên đó không có sẵn Phật Tử để mình thuyết pháp, hầu hết những người đến với mình đều có gốc Thiên Chúa Giáo hoặc Do Thái Giáo hoặc tôn giáo khác nhưng phương pháp của chúng tôi, đường lối của chúng tôi không muốn cho họ bỏ đạo của họ, không muốn họ mất gốc rễ.

 

Ngày xưa các Giáo Sĩ của Thiên Chúa Giáo qua Việt Nam, họ không làm như vậy, họ muốn mình bỏ đạo Thờ Ông Bà của mình để theo Cơ Đốc Giáo và chúng tôi thấy như vậy là tội, làm cho người ta mất gốc rất là tội, cho nên đối với những người Do Thái và Cơ Đốc tới chúng tôi tu, chúng tôi khuyên họ đừng bỏ đạo gốc, khi mà thực tập được đạo Phật và tháo gỡ những khó khăn, khổ đau, bức xúc rồi có thể trở về giúp cho những người trong truyền thống của họ. Lập trường của chúng tôi là bao dung.

 

Tôi đã từng viết cuốn sách để đối thoại với Thiên chúa giáo mà hai cuốn bán rất chạy là cuốn Living Buddha, Living Christ tức là Bụt ngàn đời, Chúa ngàn đời và cuốn Going Home: Jesus and Buddha as Brothers, Bụt và Chúa là hai anh em, hai cuốn sách đó bán rất chạy, nó đi rất sâu vào quần chúng Tây Phương, đi vào những nhà tu kín. Tuy tôi là người đạo Phật nhưng tôi đã nghiên cứu tôn giáo khác, tôi đã nghiên cứu Thánh kinh, đã nghiên cứu kinh Coran, đã nghiên cứu những vị Do thái giáo, vì vậy trong khi tôi viết những cuốn sách đó, tôi đã thiết lập đối thoại giữa Phật giáo với tôn giáo đó. Ban đầu độc giả họ tò mò, họ muốn biết ông thầy tu Phật Giáo nghĩ gì về đạo của họ cho nên họ mua nhưng khi mua về rồi thì họ có cơ hội đọc để hiểu được Phật Giáo là cái gì? Tại vì trước đó phần lớn họ có quan điểm mơ hồ về Phật giáo lắm, họ đọc cuốn sách đó thì thấy tác giả có công nhận những điểm hay, những điểm đúng với sự thật của Cơ Đốc Giáo nhưng đồng thời cũng giới thiệu Phật giáo để người ta thấy được cái hiểu đứng đắn về nền đạo đức Đông Phương đó. Khi đọc xong cuốn sách đó rồi, họ bỏ được quan niệm sai lạc về Phật Giáo và có khi họ thấy được tôn giáo của họ sâu sắc hơn, tại vì mình nghiên cứu Thánh Kinh và Cơ Đốc Giáo dưới cái nhìn của Thiền và mình có thể thấy những điều sâu xa mà chính người của họ chưa thấy được. Cho nên có nhiều ông Cha, nhiều bà Sơ cám ơn tôi đã viết cuốn sách đó tại cuốn sách đó đã giúp họ tháo gỡ được những khó khăn, giúp họ đào sâu hơn vào truyền thống của họ. Có cái nhìn rộng hơn, cởi mở hơn đối với các tôn giáo khác và ngay chính tôn giáo của chính họ.

 

Sở dĩ chúng ta có chiến tranh nhiều là vì có những hiểu lầm, có những mâu thuẩn đối với tôn giáo này hay với tôn giáo khác. Mục đích của tôi viết sách Đối thoại giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo là muốn lấy ra bớt những cái hiểu lầm. Và khi những người Phật Tử, những người Do Thái Giáo, những người Thiên Chúa Giáo mà ngồi xuống để thực tập như người anh em trong một nhà thì không khí rất là huynh đệ, rất là đầm ấm. Chứng tỏ đạo Phật là đạo rất là mở rộng, không có kỳ thị, không có loại trừ, ôm lấy hết mọi người, ôm lấy hết mọi nền văn hóa. Và vì vậy cho nên người ta thấy đạo Phật rất đẹp, càng ngày càng nhiều người Tây phương đi tìm tới đạo Phật. Mình không chỉ trích, không lên án những truyền thống khác, trái lại mình mở rộng hai vòng tay mình ôm lấy, cuối cùng họ thấy rằng đạo Phật có cái nhìn rất là thoải mái, rất là rộng mở, rất là bao dung, rất là cao cả và càng ngày người ta tới đạo Phật càng đông.

 

Có một điều này nữa là đạo Phật có thể dễ dàng đi đôi với khoa học và các nhà khoa học đã tìm thấy rất nhiều cảm hứng trong giáo lý đạo Phật để đi trên con đường khám phá của họ. Cho nên thế kỷ 21 này là thế kỷ mà trong đó nhà Khoa Học với nhà Phật Học có thể nắm tay nhau cùng đi rất là thân ái. Bây giờ đây mãnh đất Tây phưong sẵn sàng tiếp nhận những hạt giống Phật giáo. Chúng tôi rất tiếc chưa đủ Giáo Thọ xuất gia và tại gia, chúng tôi có chừng ba, bốn trăm Giáo Thọ xuất gia và tại gia thôi, không đủ cung cấp cho Âu Châu và Mỹ Châu, vì vậy quí vị phát tâm đi tu học được rèn luyện mấy năm để trở thành Giáo Thọ mà đem hạt giống Phật Giáo truyền bá Âu Châu và Mỹ Châu thì công đức sẽ vô lượng, những người trẻ giúp đời rất là nhiều nếu đi trên đường này. Hiện giờ trên Tu viện Bảo Lộc chúng tôi đào tạo bốn, năm trăm vị xuất gia trong chiều hướng đó để sau này họ trở thành các vị Giáo Thọ mở những khóa tu trong nước và hiện có những vị Giáo Thọ mở những khóa tu ở đất nước Thái Lan, Hồng kông v.v..v.v...

 

Có một lần tôi giảng dạy bên Đại hàn và nhân dịp khi tôi qua, họ mở một cuộc hội thảo giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, đó là buổi hội thảo đầu tiên trong lịch sử giao lưu giữa hai tôn giáo. Chúng tôi, một số quí vị xuất gia bên Phật giáo và bên kia có một số vị Linh mục, các Bà Sơ tới tham dự có nêu ra vấn đề hôn nhân dị giáo, có những chàng trai Phật tử yêu những cô gái Thiên Chúa Giáo hoặc những chàng trai Công Giáo yêu những cô gái Phật Tử và hai bên gia đình, bên nào cũng chống hết và có nhiều cặp thanh niên thiếu nữ đau khổ vô cùng vì gia đình họ không cho phép họ cưới nhau khi họ yêu nhau.

 

Ở Việt Nam cũng có tình trạng đó. Tôi có đưa ra một biện pháp để giải quyết, tôi nói nếu chúng ta cần một trăm năm để giải pháp này chấp nhận thì cũng đáng là tại vì thanh niên chúng ta từng đau khổ cả ngàn năm nay rồi là tại vì hai tôn giáo khác nhau, hai tôn giáo không có dung hợp với nhau được. Giải pháp tôi đưa ra cho hai người cưới nhau với điều kiện là người này đi nhà thờ của người kia mỗi chủ nhật và người kia phải đi chùa của người này vào mỗi ngày rằm ! Thay vì mình có một gốc rễ tâm linh thì mình có hai gốc rễ tâm linh, tại vì tôi từng thấy người Cơ Đốc Giáo thực tập đạo Phật rất là hạnh phúc và coi Đức Phật như một bậc Thầy, bậc Bổn sư.

 

Quí vị có biết trong tăng đoàn Làng Mai có mặt đêm nay có một vị cựu Linh Mục Công Giáo sau khi tới đạo Phật, thấy những Pháp Môn tu tập của đạo Phật rất hay nên đã tu theo Phật Giáo, trong khi đó vị này vẫn còn thương Chúa Jesus rất là nhiều, có thể là thương hơn trước nữa là khác, nhưng tại sao thương Chúa Jesus mà lại mặc áo thầy tu Phật Giáo, tại vì đạo Phật có những pháp môn rất là cụ thể. Bên Cơ đốc giáo cũng nói về Tình thương, cũng nói về sự hy sinh nhưng mà không có những phương pháp cụ thể, như là phương pháp thở, phương pháp đi, phương pháp tọa thiền, phương pháp điều phục cơn giận, cơn buồn cho nên vị này trái tim vẫn còn ấp ủ ở Đức Ky Tô  nhưng mà đã thấy những pháp môn cụ thể và tu theo đạo Phật và hiện nay là một vị Tỳ Kheo, sắp sửa làm Giáo Thọ Phật Giáo rồi, thầy đó tên là Chân Pháp Đệ, người Mỹ.

 

Tôi có người đệ tử là Mục sư, hành đạo tại tiểu bang Texas, vị này bị bệnh ung thư, nhưng sau khi theo pháp môn đạo Phật thì bệnh đó giảm rất mau, nó gần như là lành hẵn, vì vậy vị đó rất là hâm mộ và vị đó qua Làng Mai thọ trì Ba Quy Năm Giới. Vị đó về nhà thờ của mình cũng giảng dạy về Thiền, sau đó vị đó thọ mười bốn giới Tiếp Hiện và cuối cùng được truyền đăng Giáo Thọ Phật Giáo nhưng mà chức tước bên kia vẫn là Mục Sư. Vị đó viết lá thơ lên Bề Trên nói như vầy: nếu tôi được cho phép thì tôi vừa là Mục sư vừa là GiáoTthọ Phật Giáo, còn nếu như bề trên không cho phép thì tôi xin từ chức Mục Sư, tôi chỉ làm Giáo Thọ Phật Giáo thôi. May cho vị này quá, Bề Trên chấp nhận vì vậy chủ nhật buổi sáng thì giảng Kinh Thánh, buổi chiều hướng dẫn Thiền tập cho con chiên rất là hay. Thành ra không có sự giằng co, không có sự mâu thuẩn. Khi mình có tuệ giác rồi, mình có thể ôm ấp được nhau, mình có thể phối hợp cái hay của truyền thống này với cái hay của truyền thống khác mà không phải cần có chiến tranh mới được, điều này rất là quan trọng.

 

Hy vọng câu trả lời của tôi đáp ứng một phần nào câu hỏi thắc mắc của quí vị ./.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.