PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Xứ sở của giây phút hiện tại

 

  • Tháng VIII 2007 - Chân Gíc Quang & Chân Tịnh Minh biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 19. 4.2007  tại Học viện PGVN, chùa Non Nước, Sóc Sơn - Hà Nội
    Â
    m thanh MP3 : 1 Phần (18.39MB)
     

Kính thưa đại chúng.

Hôm qua chúng ta đã nói tới chuyện ngồi yên. Ngồi thế nào cho thân an và tâm an. Khi mình ngồi an được thì như ngồi trên một đóa sen. Còn khi bất an thì giống như mình ngồi trên một đống lửa.

Là đệ tử của đức Thế Tôn mình phải tập ngồi cho yên, ngồi cho an. Cái làm cho mình không ngồi yên được là do một năng lượng gọi là tập khí, một thói quen rất là mạnh. Nó đẩy mình, lôi kéo mình, nó không cho phép mình ngồi yên. Tiếng phạn là vasana, dịch là tập khí, thói quen, một năng lượng rất là mạnh.

 

Tập khí là một con ngựa hoang…

 

Nhiều khi chúng ta có đủ trí khôn để biết rằng, nói một câu như thế hoặc làm cử chỉ như thế sẽ đem tới sự tan vỡ trong lòng mình và trong lòng người kia. Chúng ta biết rất rõ là không nên nói như vậy, không nên làm như vậy, nhưng mà chúng ta không cưỡng lại được. Chúng ta vẫn nói và vẫn làm để rồi sinh ra những đổ vỡ. Năng lượng thúc đẩy mình làm và nói như thế gọi là tập khí. Tu trước hết là phải nhận diện được tập khí đó, mỗi khi nó bắt đầu lộ diện.

 

Trong một hoàn cảnh nào đó, mình thường có thói quen hành xử theo cách nào đó. Nếu có sự khiêu khích, nếu có điều kiện thuận lợi cho giận hờn, bực bội, tức tối phát sinh thì tự nhiên những tâm hành đó bị đánh động, phát sinh và nó thúc đẩy mình làm và nói những điều gây đổ vỡ… Sau khi nói xong, làm xong thì hối hận, tại vì nó đã gây ra đổ vỡ. Lúc đó mình tức, mình giận mình. Tại sao đã biết nói như vậy không tốt mà mình cứ nói? Tại sao mình biết làm điều đó gây đổ vỡ mà mình cứ làm? Mình giận mình, mình trở thành đối tượng sự giận dữ của mình. Trước đó mình giận người kia và mình trút lên họ tất cả những giận dữ, bực tức của mình. Người kia là đối tượng của cái giận. Nhưng sau khi gây đổ vỡ rồi thì  đối tượng của cái giận nó trở thành chính mình. Mình bắt đầu giận mình, mình đập ngực, bứt tóc, mình nói tại sao mình ngu như thế! Tại sao mình đã biết trước là nói như thế, làm như thế  sẽ gây đổ vỡ, vậy mà mình cứ làm?

 Câu trả lời là tại vì tập khí, thói quen đó nó mạnh hơn trí tuệ của mình. Nó mạnh hơn mình. Nó là một con ngựa hoang, một con voi hoang, một con mãnh hổ và nó lôi kéo mình.

 

 

Nhận diện tập khí:  năng lượng chánh niệm

 

Đức Thế Tôn dạy chúng ta phải tập nhận diện cho được tập khí đó mỗi khi nó xuất hiện. Nhận diện đơn thuần. Mình không cần phải đàn áp nó, mình không cần phải đánh nhau với nó, mình chỉ cần nhận diện nó mà thôi thì nó không còn có mãnh lực lôi kéo mình đi nữa. Mà muốn nhận diện tập khí đó, mình phải có một năng lượng khác. Nhận diện, bao giờ cũng là nhận diện một cái gì. Đối tượng của sự nhận diện này là cái tập khí đó, cái năng lượng của thói quen đó. Khi  năng lượng thói quen đó phát hiện thì phải có một năng lượng khác để nhận diện nó. Nhận diện có chủ thể và đối tượng.

 

Trong đạo Phật, năng lượng có khả năng nhận diện được là chánh niệm, tiếng phạn là smrti, tiếng pali là sati. Niệm hay chánh niệm là khả năng nhận diện được cái gì đang xảy ra. Hôm qua chúng ta nói tới hơi thở. Khi chúng ta thở vào và chúng ta nhận diện được hơi thở vào, thì đó là nhận diện hơi thở. Nắm được hơi thở gọi là an ban thủ ý. Khi chúng ta bước đi một bước mà nhận diện được rằng, tôi đang bước một bước, thì cái đó là chánh niệm về bước chân. Khi chúng ta uống một chén nước và nhận diện được rằng chúng ta đang uống một chén nước thì cái đó gọi là nhận diện chén nước.

 

Những người không tu thì họ không nhận diện được những gì đang xảy ra trong đời sống hàng ngày của họ. Họ đi mà không biết là họ đang đi, họ đứng mà không biết là họ đứng. Họ đi như những người mộng du. Cái khác nhau giữa người tu và người không tu là người tu biết được những gì đang xảy ra, đi thì biết là mình đang đi, thở thì biết là mình đang thở, ngồi thì biết là mình đang ngồi… cái đó gọi là chánh niệm có mặt trong đời sống hàng ngày. Hôm qua chúng ta đã nói về cái chuyện này rồi, hôm nay chúng ta nhắc lại một chút để chúng ta có th đi xa hơn.

 

Chánh niệm là năng lượng thứ hai có khả năng nhận diện được những gì đang xảy ra. Cái đang xảy ra có thể là hơi thở vào hơi thở ra, bước chân của mình, ly trà của mình. Cái đang xảy ra có thể là năng lượng của tập khí đang ló đầu lên. Muốn có năng lượng chánh niệm thì mình phải tập, phải chế tác. Chánh niệm là năng lượng bằng vàng, năng lượng chủ yếu của người tu. Năng lượng niệm mang theo năng lượng định. Và nếu niệm và định hùng hậu thì mình sẽ có tuệ. Niệm định tuệ là ba loại năng lượng mà người tu phải chế tác hàng ngày trong từng giây phút. Vậy thì khi mình tập thở có chánh niệm tức là mình chế tác năng lượng niệm, khi mình đi trong chánh niệm tức là mình chế tác năng lượng niệm trong khi đi. Trong khi rửa rau, nấu cơm, lái xe, tắm giặt, mình đều có cơ hội phát khởi chánh niệm.

 

Phát khởi chánh niệm tức là chế tác năng lượng chánh niệm. Nếu mình làm được như vậy mỗi ngày thì năng lượng chánh niệm đó sẽ hùng hậu và khi mình cần tới nó là nó có mặt liền lập tức. Cần tới nó để nhận diện, trước hết là nhận diện đơn thuần, không cần phải đàn áp, không cần phải tranh đấu với nó. Thở vào tôi biết là cái tập khí của tôi đang từ từ xuất hiện, mà nếu tôi không nhận diện được nó thì nó sẽ sai sử tôi, nó sẽ thúc đẩy tôi phải nói và  làm những điều chính tôi không muốn nói và không muốn làm. Tôi biết năng lượng đó đang đi lên, tôi đề cao cảnh giác. Đề cao cảnh giác tức là chánh niệm. Tôi biết rằng tôi đang ở vào tình trạng nguy hiểm, nếu tôi không đề cao cảnh giác, nếu tôi không có chánh niệm thì năng lượng của tập khí này sẽ thúc đẩy tôi nói và làm những điều gây ra đổ vỡ. Đó là công tác của chánh niệm: nhận diện đơn thuần. Thở vào tôi biết năng lượng của tập khí đang đi lên, thở ra tôi mỉm cười với nó, tôi thấy tôi phải cẩn thận lắm mới được.

 

Khi năng lượng chánh niệm nhận diện được năng lượng thứ nhất (tập khí) thì mình đang ở trong một trạng thái có an ninh. Có ma ở đó rồi nhưng mà cũng có Phật và Phật sẽ chăm sóc cho ma như là một người anh chăm sóc cho một đứa em. Ma và Phật là hai anh em chứ không phải là hai kẻ thù. Nếu quý vị nói ma với Phật là hai kẻ thù thì quý vị chưa đi sâu lắm vào trong giáo lý của đức Thế Tôn: phiền não tức bồ đề.

 

Vậy cái mà chúng ta cần làm là nhận diện . Khi mình buồn thì mình nhận diện. Thở vào tôi biết có cái buồn trong tôi, thở ra tôi biết cái buồn trong tôi vẫn còn đó. Hay khi mình ganh tị, thì thở vào tôi biết cái tâm hành ganh tị đang có trong tôi, thở ra tôi mỉm cười với năng lượng ganh tị ở trong tôi. Cái đó gọi là là nhận diện đơn thuần.

 

Khi  mình nhận diện hơi thở vào hơi thở ra, mình cũng nhận diện đơn thuần. Hơi thở vào nó hổn hển thì mình nói tôi đang thở vào và tôi thấy rằng hơi thở vào của tôi đang hổn hển, hơi thở vào ngắn thì mình biết là hơi thở vào ngắn, hơi thở vào dài thì mình biết rằng đó là hơi thở vào dài, hơi thở vào sâu thì mình biết đó là sâu, cạn thì mình biết đó là cạn. Mình chỉ cần nhận diện đơn thuần, mình không có chủ ý muốn cho hơi thở nó sâu hơn, nó lắng dịu hơn, nó dài hơn. Mình không cần can thiệp vào hơi thở, mình chỉ cần nhận diện nó một cách đơn thuần mà thôi. Và một điều rất lạ nó sẽ xảy ra là chỉ cần nhận diện hơi thở trong vòng một hai phút thì hơi thở tự động nó trở thành sâu hơn, chậm hơn, lắng dịu hơn, rất là hay.

 

Khi có một năng lượng của tập khí thói quen ló ra thì người tu lập tức mời năng lượng thứ hai là năng lượng chánh niệm đi lên để nhận diện, để ôm lấy năng lượng đầu. Và khi có sự ôm ấp nhận diện như vậy thì nó tạo một sự thay đổi ở trong vùng năng lượng đầu. Nó lắng dịu xuống và không còn đủ sức để đẩy mình nói và làm những điều mà mình không muốn nói, không muốn làm nữa. Vì vậy năng lượng chánh niệm nó hành động một cách rất nhẹ nhàng, rất là bất bạo động giống như là người mẹ ôm lấy em bé khi em bé đau nhức, là một người chị ôm lấy đứa em khi đứa em đang giận hờn bc bội.

 

 

 

Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ

 

Năng lượng của chánh niệm nhẹ nhàng, lắng dịu như vậy nhưng mà nó có quyền lực vô song. Nó có thể nhận diện, ôm ấp, có thể làm lắng dịu xuống năng lượng của tập khí. Tập khí là một con cọp hoang, nó là một con voi hoang, nó là con ngựa hoang nhưng năng lượng chánh niệm có thể điều phục được, rất là hay. Tuệ Trung Thượng Sĩ, anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo là một thiền sư đời Trần. Trong một bài kệ của Tuệ Trung Thượng Sĩ có một câu mà tôi dịch là liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ. Nguyên văn là phóng trước liên ti phược hổ nhi, phược tức là trói lại, hổ nhi là con cọp, liên ti tức là tơ sen.

Chúng ta biết rằng, khi chúng ta bẻ một ngó sen ra làm hai, chúng ta tưởng là nó sẽ rời ra hai khúc. Nhưng cầm một khúc đưa lên, chúng ta kéo luôn được khúc thứ hai. Tại vì giữa hai khúc có những sợi tơ rất là mỏng manh nối liền. Cho nên trong Kiều mới có câu  “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Mình tưởng là mình cắt đứt với người đó rồi, ai dè nó vẫn còn vương vấn, nó vẫn còn những sợi tơ sen, dây mơ rễ má, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Con mãnh hổ là tập khí lâu đời. Hơi thở, bước chân của mình nó nhẹ nhàng như một sợi tơ sen. Sợi tơ sen đó rất là mong manh Nhưng nếu biết cách, thì mình sẽ dùng sợi tơ sen của hơi thở và của bước chân chánh niệm, mình trói được mãnh hổ của tập khí.

Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ là một phép thần thông và phép thần thông đó tất cả chúng ta đều có thể thực hiện được.

 

Nếu chúng ta có công phu tu tập, nếu chúng ta biết chế tác năng lượng chánh niệm bằng hơi thở, bằng bước chân thì chúng ta sẽ có sợi tơ sen mầu nhiệm đó, chúng ta sẽ trói được con mãnh hổ của tập khí. Tập khí thúc đẩy chúng ta nói và làm những điều chúng ta không muốn nói và không muốn làm. Sau khi chúng ta nói và làm gây đổ vỡ rồi chúng ta giận chúng ta lắm, hận mình lắm. Chúng ta cúi lạy trước đức Thế Tôn phát nguyện rằng trong tương lai con sẽ không bao giờ nói, con sẽ không bao giờ làm như thế nữa, con thành thật sám hối với đức Thế Tôn. Mình thành thật sám hối. Nhưng nếu mình không thực tập thì kỳ sau hoàn cảnh nó xảy ra tương tự như vậy thì mình cũng sẽ lặp lại y như cũ. Tại vì tập khí mạnh hơn mình, mình không có sợi tơ sen, mình không trói được con mãnh hổ.

 

Đây là công phu tu tập, công phu hàng ngày. Trong khi rửa rau, giặt áo… mình không để cái đầu của mình suy nghĩ chuyện quá khứ, chuyện tương lai. Mình theo dõi hơi thở, mình chế tác năng lượng chánh niệm. Đó là mình đầu tư cho một cái loại năng lượng mà nó có công năng nhận diện, làm lắng dịu và chuyển hóa được tất cả những tâm hành của mình. Mình có nhiều tâm hành xấu gọi là tâm sở bất thiện. Mỗi khi một tâm hành như vậy xuất hiện thì mình lập tức là có chánh niệm, tại vì niệm là một tâm hành, nó là một trong năm tâm hành biệt cảnh. Dục, thắng giải, niệm, định và tuệ là năm tâm hành biệt cảnh. Tâm hành niệm có năng lượng nhận diện, ôm ấp làm lắng dịu và chuyển hóa mấy tâm hành kia. Vì vậy cho nên người tu bắt đầu bằng niệm và khi có niệm thì có định. Khi niệm, định hùng hậu thì thế nào cũng có tuệ, mà có tuệ thì tháo gỡ được tất cả những khúc mắc, những khổ đau, những bức xúc trong con người của mình.

 

 

Kinh quán niệm hơi thở

 

Tôi mong ước quý vị có thì giờ đ nghiên cứu Kinh quán niệm hơi thở. Tôi đã dịch kinh quán niệm hơi thở từ tiếng Pali ra tiếng Việt và cũng có dịch một số kinh liên hệ tới đề tài quán niệm hơi thở từ Tạp A Hàm. Trong Tạp A Hàm tôi tìm ra ba kinh, trong đó có kinh 803, 810. Khi mình tổng hợp ba kinh đó thì mình có đầy đủ những tư liệu, những thông tin trong bản tiếng Pali. Và quý vị có thể nghiên cứu so sánh giữa bản tiếng Pali và những bản chữ Hán.

 

Tôi đã từng mở những khóa tu hai mươi mốt ngày để giảng dạy và hướng dẫn thiền sinh thực tập theo kinh an ban thủ ý tức là kinh quán niệm hơi thở. Đây là kinh đức Thế Tôn dạy chúng ta mười sáu phương pháp thở. Mười sáu phương pháp này có thể đưa chúng ta đi rất xa trên con đường chuyển hóa những tập khí của mình và giúp cho mình đạt tới một cái thấy sâu sắc về thực tại. Tôi đã nghiên cứu, ứng dụng cho bản thân và giúp cho những người khác ứng dụng. Và kinh này còn có thể được khai thác nhiều hơn nữa. Hiện bây giờ có một số các bác sĩ ở các bệnh viện nổi tiếng trên thế giới bắt đầu ứng dụng một số những bài tập ở trong kinh này để giúp cho các bệnh nhân, nhất là những bài tập để làm lắng dịu sự căng thẳng, sự đau nhức ở trong thân. Theo sự nghiên cứu của họ thì khi sự căng thẳng  dồn chứa quá nhiều trong thân của mình thì nhiều chứng bệnh sẽ phát sinh. Nếu mình chỉ trông cậy vào thuốc men thì trong nhiều trường hợp không thể chữa trị được. Theo họ, nếu mình làm lắng dịu những căng thẳng trong thân và tâm thì cơ thể mình cũng như tâm lý mình nó sẽ có được những yếu tố, có khả năng để chữa trị được những chứng bệnh đó.

 

Bên Mỹ có một bác sĩ đã từng học thiền Nam tông và thiền Bắc tông: ông Jon Kabat Zinn. Ông có lập ra một viện để giúp các bệnh nhân làm lắng dịu những căng thẳng trong thân, những đau nhức ở trong thân. Tây Phương dùng chữ stress để chỉ sự căng thẳng. Có những bệnh nhân mà các bác sĩ khác đã chịu thua gởi tới cho ông. Ông dạy cho các bệnh nhân này những phương pháp làm lắng dịu những căng thẳng ở trong thân. Cuối cùng thì họ chữa trị được cho những người này. Phương pháp làm lắng dịu thân đó lấy từ bài tập thứ ba và thứ tư ở trong kinh Quán niệm hơi thở: Thở vào tôi nhận diện toàn thân, thở ra tôi làm lắng dịu những sự căng thẳng trong toàn thân, trong tư thế ngồi, trong tư thế nằm, trong tư thế đi trong tư thế đứng. Thành ra kinh này cần được khai thác nhiều hơn nữa để áp dụng vào trong đời sống hàng ngày. Khi con người quá bận rộn thì có quá nhiều căng thẳng, nhất là khi họ là những doanh thương hay là những nhà chính trị. Họ không có thì giờ để chăm sóc cho họ. Họ để cho sự căng thẳng, đau nhức càng ngày càng dồn chứa vào, từ đó sinh ra nhiều chứng bệnh, thì kinh này có thể giúp họ thoát ra khỏi khó khăn đó. Chúng ta phải làm sao thực tập cho được, cho thành công, chúng ta áp dụng kinh như thế nào để chúng ta có thể làm lắng dịu xuống những căng thẳng, những đau nhức trong thân rồi tới những căng thẳng và những đau nhức trong tâm. Sau đó chúng ta mới có thể giúp được những người khác.

 

Chánh niệm là một nguồn năng lượng  mà chúng ta chế tác được trong đời sống hàng ngày. Chính năng lượng đó nó giúp trước hết là làm lắng dịu hơi thở, lắng dịu thân, rồi tiếp đó là lắng dịu tâm.

 

 

Người ta không muốn tu thì thôi, tại sao bắt người ta?

 

Có những thiền sinh, có nhiều thầy, sư cô không ưa ngồi thiền. Tụng kinh thì được, bái sám thì được, ba giờ, năm giờ, mười giờ đều được hết, nhưng mà ngồi thiền thì họ không thích. Ở Mai thôn đạo tràng, những người đó cũng phải ngồi thiền, bắt buộc phải ngồi thiền. Theo nguyên tắc người ta muốn tu thì tu, người ta không muốn tu thì thôi, tại sao bắt người ta? Nhưng vì tất cả mọi người đều đi ngồi thiền hết cho nên mình cũng phải đi, nếu không thì không giống ai hết. Trong khi ngồi thiền, những người đó ban đầu thấy đau khổ, muốn cho thời gian bốn mươi lăm phút đi qua thật mau để đứng dậy. Ban đầu nó như vậy, ban đầu thì có những người ngồi thiền là tại vì mọi người đều đi ngồi thiền hết, mình không đi thì ngó không được. Ở ngoài một mình  cũng buồn, cho nên họ đi vào ngồi thiền.

 

Một số thanh niên thiếu nữ tới làng Mai cũng vậy. Có nhiều em không thích ngồi thiền nhưng mà vì tất cả đều vào ngồi hết, ở ngoài không biết chơi với ai, thành ra cũng vào ngồi. Ngồi nhưng lại mong thì giờ qua thật mau đ  được đứng dậy. Ấy vậy mà có nhiều phép lạ đã xảy ra. Ban đầu là sự chịu đựng, nhưng một hồi thì thấy tại sao mình phải ngồi chịu đựng như thế này? Tại sao mình không áp dụng những điều đã nghe trong bài giảng? Tại sao mình không nương  theo hơi thở, tại sao mình không lắng dịu thân tâm? Vì vậy người đó có cơ hội thành công được và sau đó hai hoặc ba tháng, bắt đầu thích ngồi thiền.

 

Ở đây nếu có vị nào không thích ngồi thiền thì nên biết điều đó. Ban đầu có thể mình không thích, nhưng sau này mình có thể rất thích. Nên nhớ mình là đệ tử của đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ngồi rất là yên, rất là hạnh phúc. Mình là con trai của ngài, mình là con gái của ngài, tại sao mình không làm được như ngài? Ngồi yên là chuyện mình có thể làm được, nếu mình ngồi yên được thì mình có thể làm được rất nhiều chuyện. Mình thách đố mình, ta có thể ngồi yên được năm phút hay không?

 

Trong Quy Sơn Cảnh Sách có nói: người kia là trượng phu, tại sao mình không làm được như người kia? Người kia ngồi thiền và có hạnh phúc trong bốn mươi lăm phút, tại sao mình không ngồi thiền và có hạnh phúc trong năm phút?  Nếu mình có hạnh phúc trong năm phút ngồi thiền thì mình có thể tiếp tục có hạnh phúc trong mười phút và bốn mươi lăm phút. Thành ra mình phải thách đố mình, chuyện đó mà mình làm không được thì  chuyện gì mình mới  làm được? Cũng như khi học đánh tennis, trong mấy phút đầu trái bóng đi tùm lum hết, nhưng cứ tập đi, mười mười lăm phút sau trái bóng của mình sẽ đi đúng đường. Việc ngồi thiền cũng như vậy. Tập hơi thở cũng như vậy.  Ban đầu có cảm tưởng là mình không làm được nhưng kiên trì vài ngày sau mình thấy rằng: à thì ra mình cũng làm được!

 

Có những em tới làng Mai vào ngồi thiền là vì ham vui thôi. Những em khác đều vào ngồi thiền hết, nó không muốn ở một mình bên ngoài, thành ra nó vào ngồi.  Tâm trạng đó kéo dài  trong hai, ba mùa hè. Các em chỉ tới làng Mai vào mùa hè. Mùa hè thứ nhất là ngồi để có mặt với những người khác. Mùa hè thứ hai cũng như vậy, nhưng tới mùa hè thứ ba thì nó phát lộ là bắt đầu thích ngồi thiền.

 

Vì vậy cho nên mình chưa biết mình là ai đâu? Mình tưởng là mình không thích ngồi thiền nhưng mà chưa chắc? Ngồi thiền trước hết là để làm lắng dịu thân của mình. Thân mình lắng dịu rồi, thì tâm mình mới lắng dịu được. Người hành giả, người thực tập biết rằng có ba yếu tố: thân là một, tâm là hai .Giữa thân và tâm có cái thứ ba làm môi giới là hơi thở. Tờ giấy này tượng trưng cho hơi thở, nó nối liền cái thân và cái tâm, nó như cây cầu bắt ngang thân và tâm. Trong đời sống hàng ngày, người ta thường ở trong trạng thái gọi là thất niệm. Thất niệm tức là không có chánh niệm. Thân ở một đường mà  tâm ở một nẻo.

 

 

Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.

 

Nhiều khi thân mình ở đây nhưng tâm mình đang phiêu lưu trong quá khứ, trong tương lai, trong những dự án, trong những buồn lo. Thân tâm  không ở chung với nhau gọi là thân tâm không nhất như. Trạng thái đó gọi là thất niệm. Người tu phải luôn luôn đem  tâm về với  thân để có sự đoàn tụ giữa hai cái, một bên là Danh và một bên là Sắc. Danh là cái Tâm. Sắc là cái Thân, Nāmarūpa.

 

Phương pháp Quán niệm hơi thở rất mầu nhiệm. Khi mình đem tâm trở về chú ý tới hơi thở thì cái tâm  trở về với  thân liền lập tức trong vài giây đồng hồ, Tôi đang thở vào và tôi biết rằng tôi đang thở vào / Tôi đang thở ra và tôi biết rằng tôi đang thở ra. Tự động cái tâm về với thân mà môi giới là hơi thở. Đối với người thực tập quen chỉ nửa hơi thở vào thôi thì tâm trở về với thân rồi, không cần lâu, chỉ cần hai, ba giây đồng hồ chú ý tới hơi thở là tâm trở về với thân và cái thân trở về với cái tâm. Khi mà thân tâm nhất như thì mình có mặt trong giây phút hiện tại Bây giờ và Ở đây. Bây giờ và ở đây là địa chỉ của sự sống. Sự sống chỉ có thể có mặt bây giờ và ở đây thôi.

 

Đức Thế Tôn dạy: Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, chỉ có giây phút hiện tại mới có sự sống thôi. Vậy mà rất nhiều người trong chúng ta cứ tìm về quá khứ hoặc là cứ lo lắng cho tương lai. Quá khứ trở thành một ngục tù, tương lai cũng trở thành một ngục tù, nó không cho phép mình có mặt trong giây phút hiện tại, mà chỉ trong giây phút hiện tại mới thực sự có mặt của sự sống thôi. Đừng tìm về quá khứ, đừng tưởng đến tương lai, quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Đó là lời của Đức Thế Tôn dạy trong Trung-Bộ, trong Trung A-Hàm, Kẻ thức giả an trú vững chãi và thảnh thơi.

 

Vậy thì sự sống với bao nhiêu cái mầu nhiệm của nó : trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở, những người thân của mình, những cái mầu nhiệm sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại, chính mình cũng có mặt trong giây phút hiện tại, mình đang sống, mình đang có tuổi trẻ, vậy mà mình cứ để cho tâm của mình chìm đắm trong quá khứ hoặc lôi kéo về tương lai, mình không thật sự đang sống. Vì vậy cho nên cử chỉ đầu tiên của mình là đem tâm về với thân. Khi thân tâm hợp nhất rồi thì mình tức khắc có mặt trong giây phút hiện tại và mình có thể tiếp xúc được với sự sống. Mà Đức Thế Tôn đã từng dạy là chúng ta có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.

 

Các doanh nhân họ thường nghĩ tới tương lai. Họ phóng tâm về tương lai và tương lai doanh nghiệp của họ như một nhà độc tài . Nó chiếm hữu tất cả thì giờ, năng lượng của người doanh nhân. Người doanh nhân không có thì giờ để sống đời sống của mình, không có thì giờ để thương yêu, chăm sóc vợ con của họ. Cấp Cô Độc là một doanh nhân nhưng ông ta không sống như vậy. Ông có thì giờ đi chùa, gặp đức Thế Tôn, nghe pháp thoại, đưa các con tới chùa, chăm sóc thương yêu các con. Có một hôm ông đưa năm trăm vị thương gia tới thành Xá Vệ thăm đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã dạy cho họ Kinh Ưu Bà Tắc và có nơi gọi là Kinh Người Áo Trắng. Người áo trắng tức là cư sĩ. Chúng ta đừng lộn Kinh Ưu Bà Tắc Giới với Kinh Ưu Bà Tắc này. Trong Kinh Ưu Bà Tắc mà đức Phật dạy cho ông Cấp Cô Độc và năm trăm người bạn thân là dạy về nguyên tắc sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại, tại vì ngài biết rằng các nhà doanh thương luôn luôn lo lắng cho tương lai. Cụm từ sống an lạc, sống hạnh phúc  ngay trong giây phút hiện tại được đức Thế Tôn lập lại năm lần trong kinh đó. Trong bản chữ Hán chúng ta có bốn chữ Hiện Pháp Lạc Trú, có nơi dịch là Hiện Pháp Lạc Cư. Hiện pháp nghĩa là giây phút hiện tại, những gì đang xảy ra  trong giây phút hiện tại, sống với những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Hiện Pháp là dristadharma. Dristadharma là những gì đang xảy ra mà mình thấy được trong giây phút hiện tại. Lạc trú tức là sukhavihara. Sukha là hạnh phúc, vihara là cư trú.

 

Đức Thế Tôn dạy : Này các vị thân gia, các vị có biết gì không? Các vị có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại mà không cần phải đi về tương lai mới có hạnh phúc, quí vị chỉ cần thực tậpTam Quy, Năm Giới và Bốn Phép Tùy Niệm là quí vị có thể có hạnh phúc liền trong giây phút hiện tại.

 

 

Địa chỉ của sự sống - Bây giờ và ở đây

 

Cụm từ Hiện Pháp Lạc Trú ở trong chùa ít khi chúng ta nghe tới. Khi chúng ta tu Tịnh Độ, chúng ta cứ nghĩ rằng hạnh phúc không thể nào có được trong giây phút hiện tại, chúng ta phải chết đi rồi sinh về bên đó, thì chúng ta mới có hạnh phúc. Chúng ta được dạy là chúng ta phải nhàm chán cõi ta bà, nhàm chán cho nhiều, thì chúng ta mới có mong ước cầu xin sang Tịnh Độ. Giáo lý được trình bày như vậy thì e rằng không đúng với tinh thần Hiện Pháp Lạc Trú của đức Thế Tôn.

 

Ở Làng Mai chúng tôi cũng có tu Tịnh Độ nhưng mà chúng tôi căn cứ trên tuệ giác của  chư vị tổ sư. Tại vì chư vị tổ sư có nói rất rõ là Tịnh Độ ở trong trái tim của mình, gọi là Duy Tâm Tịnh Độ. Di Đà là tự tính của mình. Nếu mình có sự thanh tịnh, nếu mình có Niệm Định Tuệ thì Tịnh Độ nó hiện tiền trong giây phút hiện tại và vì vậy cho nên tu Tịnh Độ theo kiểu đó nó phù hợp với giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú. Ở Làng Mai chúng tôi thực tập Thiền hành. Thiền hành tức là đi từng bước chân an lạc hạnh phúc. Đi như thế nào để mỗi bước chân nó đưa mình vào trong Tịnh Độ. Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ mà chuyện đó là chuyện làm được, tôi làm được và có nhiều học trò của tôi làm được.

 

 

Thiền hành

 

Thường thường người ta đi như bị ma đuổi. Đi mong chờ tới, nhưng thật sự tới rồi nó cũng vậy thôi, tới đó không có gì đặc biệt. Thí dụ như mình từ Sóc Sơn về Hà Nội, trên khoảng đường đó thì mình mong cho tới Hà Nội nhưng mà mình biết rằng tới Hà Nội  rồi nó cũng vậy. Mai mốt mình trở về Sóc Sơn lại thì mình biết rằng tới Sóc Sơn nó cũng vậy thôi. Trong khi đó mình có tập khí là không an trú được trong giây phút hiện tại. Mình luôn luôn chạy về tương lai. Tập khí đó rất là lâu đời, có thể là nó được trao truyền cho mình từ các bậc tổ tiên. Tập khí đó lớn lắm, bương chạy về tương lai, không có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Trong khi đó đức Thế Tôn dạy, hạnh phúc có thể có được trong giây phút hiện tại. Vậy thì thiền hành hay đi thiền là mỗi bước chân nó đưa mình về hiện tại, mình đến trong từng bước chân, mỗi bước chân nó giúp cho mình về, tới, đã về, đã tới. Mình không bị sức gì cuốn hút về tương lai. Mình an trú được trong từng bước chân và trong từng hơi thở. Mình tìm tới hạnh phúc trong từng bước chân và từng hơi thở. Trong khi thiền hành phối hợp được hơi thở với bước chân.

 

Có hai loại đi thiền. Một loại là đi chậm, thứ hai là đi bình thường. Khi  mới tập thì nên tập một mình và đi chậm. Trong khi thở vào một hơi, mình bước một bước. Mình có thể dùng câu thiền ngữ con đã về. Rồi khi mình thở ra, mình đi một bước nữa, mình nói một câu thiền ngữ con đã tới. Con đã về, con đã tới. Bạch đức Thế Tôn con đã về, con đã tới. Về đâu ? Tới đâu? Con đã về với giây phút hiện tại, con đã tới với giây phút hiện tại, con biết rằng chỉ có giây phút đó mới có sự sống thôi, con đâu muốn đi về tương lai. Chặng chót của tương lai là bãi tha ma, lò thiêu, con đâu muốn đi về đó làm gì? Đâu có gì vui ở cuối đường? Sự sống không nằm ở đó. Sự sống nằm ngay ở đây, trong phút hiện tại, vì vậy cho nên mỗi bước chân đưa người hành giả về  với sự sống. Địa chỉ của sự sống là bây giờ và ở đây.

 

Mỗi bước chân như vậy là một sự thực hiện dừng lại. Quý vị đừng tưởng dừng lại là dễ. Quý vị phải đầu tư hết một trăm phần trăm thân  và tâm vào mỗi bước chân thì quý vị mới có thể dừng lại được, mới có thể về được,  mới có thể tới được. Ít hơn một trăm phần trăm của thân tâm thì quý vị chưa thực sự về, chưa sự thực tới. Đây không phải là sự mơ ước. Cá nhân tôi, mỗi bước chân là phải về, phải tới. Đi đâu cũng có hạnh phúc hết. Lên dốc cũng hạnh phúc, xuống dốc cũng hạnh phúc, đi đường bằng cũng hạnh phúc, leo lên cầu thang cũng hạnh phúc, bước xuống máy bay cũng hạnh phúc, mình an trú trong từng bước chân, mình không có chạy. Cuộc đời của mình là cuộc đời của sự thực tập, mỗi bước chân đều phải về, đều phải tới, mình phải có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Khi mình bước được những  bước chân như thế thì Tịnh Độ có mặt ngay trong giây phút hiện tại, không cần phải chết đi mới sinh qua bên đó. Khi trong lòng mình có sự thảnh thơi, khi mình dừng lại được rồi và khi mình có thì giờ, có không gian, mình tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại thì Tịnh Độ là đây chớ còn đâu nữa. Đây là Tịnh Độ, Tịnh Độ là đây.

 

Nhìn cho kỹ thì những cái đẹp được bày, được nói tới trong kinh A Di Đà, ở đây có đủ hết và có thể ở đây nó đẹp hơn. Ở bên đó có những cây bằng vàng, cây bằng bạc, cây bằng châu báu... Cây bằng vàng đâu có đẹp bằng cây thật. Một con đường đất màu đỏ đỏ, hai bên bờ cỏ xanh, có những hạt sỏi, những giòng nước trong bên này rất là đẹp. Những cơn mưa, những ngọn gió mùa Xuân rất là mầu nhiệm mà mình không có hưởng được, mình không có tiếp xúc được, mình phóng tâm về quá khứ, mình phóng tâm về tương lai, mình đánh mất sự sống trong đời sống hàng ngày. Không những nhà chính trị làm như vậy, nhà doanh thương làm như vậy mà thầy tu nhiều khi cũng làm như vậy. Mình không có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Đức Thế Tôn là người có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại.

 

Thiền hành là một pháp môn rất dễ, rất là mầu nhiệm, giúp cho mình học được làm thế nào để mình dừng lại, để nếm, để sống thật sâu sắc những giây phút của đời sống hàng ngày. Mà quả vị tu chứng của mình trước hết là cái quả vị an trú trong hiện tại, đã về, đã tới. Mình an trú trong hiện tại được hay không? Mình về chưa, mình tới chưa, mình biết mà không cần phải có vị nào ấn chứng cho mình. Mình ngồi đó mà mình không thấy bồn chồn. Mình cảm thấy an lạc, hạnh phúc là mình đã an trú được. Mình đi từng bước chân nhẹ nhàng, có hạnh phúc trong từng bước chân, không lật đật, không hấp tấp. Mình nếm được  hạnh phúc đó trong từng bước chân, mình biết là mình đã về, đã tới. Cái quả vị mình chứng được chớ không phải là không chứng được với một ít công phu tu tập. Dầu mình còn trẻ tuổi, dầu mình mới mười tám, hai mươi, hai lăm tuổi mình cũng có thể chứng đuợc và  hạnh phúc của mình càng lúc càng lớn.

 

Như tôi đã nói, mình phải đầu tư một trăm phần trăm vào bước chân đó thì mình mới thật sự dừng lại được. Thở vào, bạch đức Thế Tôn, con đã về (mình đừng nói dối với Ngài, nói dối với Ngài không được đâu. Ngài biết hết, Ngài ở trong này nè, chớ không phải ở trên bàn thờ đâu). Tôi đề nghị  khi quí vị chưa về được một trăm phần trăm, mới về được bảy mươi phần trăm thì đừng có đi bước kế, cứ dẫm chân như thế này và thở cho tới khi mình thấy rằng mình hoàn toàn dừng lại được, về lại được thì lúc đó mới đi bước thứ hai. Bạch đức Thế Tôn con đã tới, con không còn chạy nữa. Bạch Đức Thế Tôn, con đã về, con hạnh phúc lắm, con đã về nhà rồi, con đã về với sự sống. Bạch Đức Thế Tôn, con đã tới, con  thảnh thơi, con là con người tự do, con không bị cái tập khí nó kéo theo nữa. Đức Thế Tôn là một người có khả năng đi như một con người tự do. Tự do đây là tự do đối với quá khứ ràng buộc, tự do đây là tự do đối với tương lai nó làm cho mình lo lắng, sợ hãi.

 

 

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh 

 

Trong truyện Kiều có câu diễn tả tâm trạng hỗn loạn, lo lắng của Kiều về tương lai. Đêm đi chơi mộ Đạm Tiên về, Thúy Kiều ngồi bên án thư ngủ gục và mơ thấy Đạm Tiên. Đạm Tiên cho biết đời của Kiều sau này sẽ khổ lắm. Sau khi thức dậy thì Kiều lo lắng, sợ hãi. Kiều mất hết tất cả tự chủ và òa lên khóc.

 

« Một mình lưỡng lựa canh chày,

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh ».

 

Con đường tương lai nó xa, mình sẽ đi một mình. Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh, tức là nghĩ tới tương lai mà niềm hoảng sợ rất lớn trào lên.

 

Người không tu là như vậy, người không tu không an trú được trong giây phút hiện tại. Người không tu là bị quá khứ nó giam hãm, cứ tìm về quá khứ để u sầu , để lo lắng, để hối hận hoậc là tìm về tương lai để mà lo sợ, ưu tư. Vì vậy cho nên đi Thiền là làm cho từng bước chân nó đem mình về giây phút hiện tại, cắt đứt quá khứ, cắt đứt tương lai, an trú được, trở về được trong giây phút hiện tại. Bạch Đức Thế Tôn, con đã về, con đã về thật. Khi mình thấy mình đã về rồi thì mình mới bước bước thứ hai. Bạch Đức Thế Tôn, con đã tới, con sướng quá, con tự do, đã về, đã tới. Mình đi như thế nào để in lên mặt đất cái dấu ấn đã về, đã tới trên này. Nếu mình chưa về thì dấu ấn này nó không đúng, không thật. Nếu mình có mắt của vị Bồ tát, mình nhìn vào dấu chân của mình sẽ thấy mình đã về thật sự, mình đã tới thật sự, nó là cái chứng tích của mình. Tôi đã đi ba, bốn chục nước, nước nào tôi cũng đi bằng lối thiền hành và tôi đã để dấu chân của tôi lại ở rất nhiều nước, đã về, đã tới.

 

Tôi biết đức Thế Tôn ngày xưa đã từng đi nhiều nước, ở xung quanh lưu vực sông Hằng. Đi tới đâu Ngài cũng đã để lại dấu chân của Ngài đã về, đã tới. Tôi cũng đã từng đi thiền hành bên bờ sông Hằng : Tôi biết rằng tôi đang nối tiếp cái hạnh của đức Thế Tôn. Ngài đi như vậy thì bây giờ mình đi cho Ngài, tại vì mình là sự tiếp nối của đức Thế Tôn. Chính mình làm cho giáo pháp của đức Thế Tôn được tiếp nối trong cuộc đời này. Mình là con của đức Thế Tôn, mình là con trai của Ngài, mình là con gái của Ngài, mình phải nối tiếp cái sự nghiệp của Ngài. Sự nghiệp của Ngài không phải là một cái chùa lớn, một chức vụ lớn, sự nghiệp của Ngài là những bước chân thanh thản, nhẹ nhàng, vững chãi, thảnh thơi.

 

Ngày xưa đức Thế Tôn đã đi được mười mấy nước dọc lưu vực sông Hằng, bây giờ mình dùng chân của Đức Thế Tôn mình sang những nước khác, mình đi thêm ba, bốn chục nước nữa và bước chân của mình, nó cũng có giá trị như là bước chân của Đức Thế Tôn. Mình phải tiếp nối Ngài, mình phải là những người con có hiếu, mình muốn báo đáp Ân Đức của đức Thế Tôn thì mình phải biết thở như Ngài, mình phải biết đi như Ngài, mình phải biết ngồi như Ngài. Con đã về, mình đủ thì giờ để về tại sao phải hấp tấp, về hẳn rồi mới bước bước thứ hai. Bạch đức Thế Tôn con đã tới, con hạnh phúc quá đi, con đã làm được như Đức Thế Tôn. Bạch Đức Thế Tôn, con đã về thật rồi, con không có chạy nữa. Bạch Đức Thế Tôn, con đã tới rồi, con tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của sự sống trong giờ phút hiện tại. Bạch Đức Thế tôn, con đang đi bằng chân của Ngài đây nè. Bạch Đức Thế Tôn, mỗi bước chân của con đưa con về trong Tịnh Độ của Ngài. Đi một mình như vậy.

 

Tôi đề nghị là quí vị chọn quãng đường từ gốc cây này tới tảng đá kia độ chừng hai mươi, ba mươi thước, một mình quí vị phải đi từ đây cho tới đó, mỗi bước chân nào cũng đã về, đã tới. Bên Pháp tôi có cái cầu thang mười tám nấc mà mấy chục năm nay mỗi khi lên cầu thang, xuống cầu thang, tôi đều đi bước chân như vậy hết, không có bước chân nào lọt ra ngoài Tịnh Độ. Bước chân nào cũng đi vào trong Tịnh Độ. Ở trong chùa của mình thế nào cũng có quãng đường từ tảng đá này đến gốc cây kia thì mình mỗi ngày mình đi trên quãng đường đó, mỗi bước chân đều lọt vào trong Tịnh Độ hết, mỗi bước chân đều phải về, phải tới hết, rồi sau đó một thời gian, quí vị sẽ thấy rằng trên mọi nẻo đường mình đều có thể đi được như vậy. Khi leo lên Vạn Lý Trường Thành, mình cũng đi những bước chân như vậy, khi mình leo từ núi Ngũ Đài Sơn đi xuống thì đi cũng từng bước như vậy.

 

Phải đi cho đức Thế Tôn, phải đi như đức Thế Tôn, phải có tự do, phải có giải thoát. Không cần phải học thiên kinh vạn quyển mới có thể làm được như vậy, chỉ cần tập nắm lấy được hơi thở, nắm lấy được bước chân là mình đã có thể tiếp nối được sự nghiệp của đức Thế Tôn rồi. Tham dự vào sự nghiệp của Ngài là vinh dự rất lớn, hạnh phúc rất  lớn, sự nghiệp đã được bắt đầu từ hai ngàn sáu trăm năm nay. Chúng ta là những người tu, chúng ta đi xuất gia và mục đích xuất gia của chúng ta là được tham dự vào sự nghiệp này (tiếng Anh là enterprise.) Được là một phần ở trong sự nghiệp của đức Thế Tôn là hạnh phúc rất lớn và được nối tiếp đức Thế Tôn để đem ánh sáng của tự do, của thong dong, của giải thoát vào cho thế giới nóng bức này, hạnh phúc rất là lớn.

 

Đã về, đã tới. Về đâu ? Tới đâu ? Bây giờ, ở đây, bây giờ, ở đây… và khi mình bước được như vậy thì mỗi bước càng lúc càng vững chãi, càng thảnh thơi. Vững chãi có nghĩa là bất động, tức là không bị quá khứ lôi kéo, không bị tương lai lôi kéo. Mình đứng vững trong giây phút hiện tại gọi là vững chãi. Vững chãi, không có gì kéo con đi được, những dự án, những lo lắng, sầu khổ,  tiếc nuối… không có gì kéo con đi được. Mỗi bước chân mang tính vững chãi, thảnh thơi. Con là con người tự do, con xứng đáng được tiếp nối đức Thế Tôn.

 

Mình cứ đi như vậy, và nếu mình đi đươc những bước chân như vậy thì tịnh độ nó có mặt ngay trong giây phút hiện tại, không cần phải đợi cho đến cái hình hài này nó tan rã rồi mới qua bên đó. Có thể là quá trễ nếu mình đợi như thế. Cho nên mình phải làm thế nào để hưởng cái tịnh độ ngay trong giây phút hiện tại, hưởng cái tịnh độ ngay trong giây phút hiện tại gọi là Hiện pháp tịnh độ.

 

Khi mình đi với đại chúng, mình không đi chậm như vậy. Có khi đi cả ngàn người mình phải đi mau hơn, cho nên mỗi hơi thở mình có thể đi hai bước hay là ba bước. Đã về, đã tới, đã tới, đã về…. Nên nhớ đây không phải là lời tuyên bố. Đã về,, đã tới đó là sự thực hiện, mình nói đã về thì minh phải về thật, đã về, đã về, đã tới, đã tới …. và mình rong chơi trong tịnh độ, trong đời sống hàng ngày của mình và mình có thể nắm tay đức Thế Tôn đi thiền hành như thế. Bạch đức Thế Tôn, cho con cầm tay Ngài, hai thầy trò mình cùng đi. Đã về, đã về, đã tới, đã tới, nó dễ hơn là  mình tưởng tượng, và hạnh phúc đó mình sẽ đạt được trong ngày hôm nay, không cần tới ngày mai, mình đạt tới một ít rồi ngày mai mình đạt thêm một ít nữa và hạnh phúc càng ngày càng lớn.

 

Khi mình tu có bạn, có nhiều người chung quanh cùng tu, tu rất là mau, còn một mình một bóng, một mình một ngựa, mình sẽ tu lâu hơn. Nếu có dịp mình đi mười lăm phút ra ngoài. Mời thầy Pháp Niệm dạy bài Đã về đã tới, bài này có bản tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Hoa…đủ hết. Mời Đại chúng hát tiếng Anh trước, rồi tới tiếng Việt.

 

Đã Về Đã Tới
Đã về đã tới
Bây giờ ở đây
Vững chãi thảnh thơi
Quay về nương tựa
Nay tôi đã về
Nay tôi đã tới
An trú bây giờ
An trú ở đây
Vững chãi như núi xanh
Thảnh thơi dường mây trắng
Cửa vô sinh mở rồi
Trạm nhiên và bất động

Bên Làng Mai, mỗi ngày đại chúng xuất gia hay tại gia đều có một lần đi thiền hành chung, bốn mươi lăm phút đến một giờ, ngoài ra thì bất cứ lúc nào mình cần phải di chuyển hoặc từ Tăng xá tới Thiền Đường hoặc từ Tăng Xá đến Thực Đường hoặc từ Tăng Xá tới phòng vệ sinh là luôn luôn áp dụng cái phương pháp đi thiền. Dầu khoảng cách chỉ là một mét hay  hai mét mình cũng đi như vậy. Bước nào cũng đi trong chánh niệm, bước nào cũng ý thức hết, bước nào cũng đã về đã tới. Nếu quí vị làm được trong vòng vài ba tháng thì tự nhiên thấy cuộc đời nó thay đổi liền. Nhưng một mình làm thì rất khó. Nếu mình đi vào trong một tăng thân, trong một  chúng mà tất cả đều làm rồi thì chỉ cần chừng một tuần, hai tuần là mình quen, tại vì năng lượng tập thể của đại chúng nó đưa mình đi, nó phò mình đi, rất là hay! Mình thấy đi rất là dễ, một mình thì chật vật, nhưng khi có năng lượng tập thể của đại chúng, mình gửi mình trong năng lượng tập thể đại chúng như là ngồi trên chiếc thuyền thì nó đưa mình đi rất là dễ và tự nhiên mình bước những bước thảnh thơi, vững chãi mà mình không có ngờ được.

 

Có một cô phóng viên người Pháp nghe nói tới Làng Mai, cô ta xin về để viết bài tường thuật, phóng sự. Các Sư cô Làng Mai đồng ý, cô  ta sẽ có cơ hội phỏng vấn với điều kiện là cô ở một tuần thực tập. Tại vì tới để nói chuyện suông thì  bài viết sẽ không hay nhưng nếu phóng viên ở lại cùng tu một tuần, thế nào cũng nếm được, chứng được thì viết mới có chất  lượng.và cô này chấp nhận. Không những cô ở một tuần, cô ở thêm tuần thứ hai tại vì cô thích và khi về tới nơi rồi cô viết một bài rất là hay. Bài cô viết lấy tựa đề là Xứ Sở Của Giây Phút Hiện Tại. Xứ sở của giây phút hiện tại tức là cái xứ sở mà trong đó người ta sống trong giây phút hiện tại, cái đề tài rất là hay. Khi nói về thiền hành, cô nói như thế này : Hôm nay là cái buổi thiền hành đầu tiên mà tôi đã tham dự với các Sư cô, tôi đã được giảng dạy đầy đủ rồi, Sư cô trụ trì nói tiếng Pháp. Sư cô trụ trì Xóm Mới đã cho tôi đầy đủ những cái chỉ dẫn để tôi có thể đi được những bước chân vng chãi và thảnh thơi. Tôi học lý thuyết đầy đủ rồi nhưng mà đến khi tôi bước đi với các Sư cô thì tâm của tôi nó phản đối, nó không muốn hợp tác với tôi. Cái tâm không chịu đi chung với cái thân, tôi nói là tôi đã về, cái chân tôi muốn về nhưng tâm tôi chưa muốn, tại cái tập khí. Ban đầu có một cái gì  như là sự thất vọng, nhưng mà tôi ráng, tôi ráng tại vì tất cả mọi người đều đi thảnh thơi, vững chãi như vậy tại sao mình làm không được. Cho nên tôi nhìn các sư cô và tôi tiếp tục bước, thì mười lăm phút sau, cái Tâm nó chấp nhận cộng tác với Thân và bắt đầu tôi đi được những bước chân rất là vững chãi, thảnh thơi. Cô viết như vậy rất là hay !  Cô phóng viên này chừng hai mươi lăm, ba mươi tuổi thôi mà cô viết bài rất là hay, bài cô viết rất có lợi cho những người Công giáo mà muốn tìm hiểu về Phật Giáo.

 

Họ là người Công giáo và chỉ mười lăm phút sau khi thực tập là họ bắt đầu nếm được pháp lạc của thiền hành thì tại sao mình là những người sinh ra trong đạo Phật, mình thực tập lâu ngày mà tại sao làm không được như người đó. Đó là một sự thách đố và nói bao nhiêu cũng vậy thôi, mình phải có cơ hội để làm và nếu mình mỗi ngày tự thiền hành trong Học viện thì người nào cũng có cơ hội thực tập hết. Mình thực tập chung nhất là những người có kinh nghiệm thiền hành, chắc chắn là không lâu chúng ta sẽ đi những bước vững chãi và thảnh thơi ở trong Học viện và khi chúng ta đi những bước như vậy rồi thì khi chúng ta về Hà nội chúng ta cũng bước được như vậy.

 

Xin Thượng Tọa phó viện trưởng nhớ để cho các Tăng Ni sinh ở đây có cơ hội thực tập thiền đi, thền ngồi, đó là món quà chúng tôi muốn cống hiến Học viện trong viếng thăm kỳ này.

 

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.

 

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.