Kính thưa đại chúng.
Hôm nay là ngày mùng 6 tháng 5 năm 2007. Chúng ta đang ở tại
tổ đình Trung Hậu trong ngày thứ hai của khóa tu.
Ở bang
California của Hoa kỳ có một thanh niên đẹp trai, học giỏi,
tốt nghiệp tại một trường đại học nổi tiếng và nhà cũng giàu
có lắm. Anh ta có nhiều bạn gái, nhiều cô rất là xinh. Anh
sống với mẹ và bà mẹ nhận ra rằng, anh ta chú ý đặc biệt tới
một cô, mà cô này không phải là người xinh nhất trong số các
bạn gái của anh. Cô ta vừa không được trắng trẻo như những cô
gái khác lại hơi thấp. Bà không biết tại sao con trai của bà
lại đặc biệc chú ý tới cô ta.
Một hôm vui miệng bà ta hỏi con trai: Này con, mẹ thấy con
có nhiều bạn gái rất xinh đẹp, dể thương mà tại sao con lại
đặc biệt chú ý tới cô gái đó. Nó đâu phải là đứa đẹp nhất, nó
đâu phải là đứa xinh nhất, nó hơi thấp thấp, da nó không được
trắng lắm. Chàng trai này không có biết trả lời mẹ như thế
nào, tại vì anh chưa bao giờ tự đặt câu hỏi. Mình thương ai tự
nhiên mình thương chứ đâu có tính toán vì sao mình thương đâu.
Suy nghĩ một chút, anh ta trả lời: Thưa mẹ tại vì cô này
hiểu con.
Anh chàng là nhà khoa học nhưng anh ta lại sính làm thơ. Anh
có làm được bốn năm chục bài thơ và tất nhiên rất thích các
bài thơ ấy. Mỗi khi anh đem thơ ra để nói chuyện với các bạn
thì cô đó chính là người lắng nghe nhiều nhất và trong khi
phát biểu cô ta chứng tỏ là người hiểu thơ của anh chàng rất
nhiều. Những người bạn khác nghe thơ của anh họ dửng dưng
không có gì chú ý lắm. Vì vậy cho nên anh ta đã để ý đặc biệt
tới cô đó, dầu cô ta không phải là người xinh nhất.
Hiểu biết là nền tảng của thương yêu
Trong đạo Phật chúng ta được học rằng thương yêu được làm
bằng hiểu biết. Khi không hiểu được một người thì mình
không có thể nào thương người đó, yêu người đó sâu sắc được.
Danh từ chuyên môn của đạo Phật là từ bi và trí tuệ. Từ
bi tức là thương mà trí tuệ là hiểu biết. Giáo
lý của đức Thế tôn rất là đúng, vì nếu không hiểu được người
đó thì làm sao thương người đó đích thực được. Người đó dáng
bề ngoài dể thương nhưng mà trong lòng có thể có những điều
không dể thương, có những khó khăn, khổ đau, những bức xúc mà
nếu mình không hiểu thì mình không thể nào thương được và mình
sẽ sinh ra giận hờn trách móc, buộc tội lên án. Vì vậy cho nên
hình dáng bên ngoài không phải là tất cả. Mình cần phải hiểu
thêm tâm hồn bên trong. Đức Thế tôn dạy rằng, không hiểu thì
không thể nào thương được, cái hiểu là nền tảng của cái
thương.
Chúng ta người nào cũng có nhu yếu được hiểu và được thương.
Có nhiều người có cảm tưởng rằng trong đời chưa có ai hiểu
mình được hết, mà không hiểu mình thì làm sao thương được
mình. Cho nên chúng ta đói cái thương nhưng mà chúng ta cũng
đói cái hiểu lắm. Có những chàng thanh niên, những cô thiếu nữ
lang thang trong cuộc đời, đi tìm một người có thể hiểu được
mình và từ đó có thể thương được mình nhưng chưa bao giờ có cơ
hội tìm ra được một người như thế. Vì vậy khi gặp được một
người có khả năng hiểu được mình, thì rất là may mắn. Khi mình
nghĩ đến tình yêu, đến hôn nhân thì mình phải đặc biệt chú ý
đến điểm này trong giáo lý của đạo Phật.
Nếu người không hiểu mình thì sẽ không thương mình được và sẽ
làm mình đau khổ suốt đời. Chồng mà không hiểu được vợ thì chỉ
làm khổ vợ thôi, làm sao mà làm cho vợ có hạnh phúc được? Nếu
vợ không hiểu được chồng, không hiểu được những ước mơ, những
khó khăn, những bức xúc, những nỗi khổ niềm đau của chồng thì
người vợ đó làm sao chấp nhận và thương chồng được. Cho nên
chúng ta phải nhớ một điều, cái thương nó được làm bằng cái
hiểu. Nếu người cha không hiểu được người con thì càng thương
chừng nào đứa con nó càng khổ chừng đó, cha nào mà không muốn
thương con, nhưng vì không hiểu được những khó khăn, bức xúc
của con, cho nên càng thương lại càng làm cho con khổ.
Nhân danh tình thương mà người ta làm khổ nhau, đó là chuyện
xảy ra trong đời sống hàng ngày. Tôi là một người vốn không ưa
mùi sầu riêng. Một bữa đó trên bàn Phật có một trái sầu riêng
của ai dâng cúng. Đang tụng kinh Pháp Hoa mà tôi không chú tâm
được là vì mùi sầu riêng đó. Hồi đó còn trẻ, mới hơn hai mươi
tuổi thôi, tôi tụng kinh Pháp Hoa một mình. Vì không tập trung
được nên tôi lấy cái chuông úp trái sầu riêng lại và tụng cho
xong phẩm kinh. Tụng xong tôi lạy ba lạy và giải phóng trái
sầu riêng ra khỏi cái chuông. Nếu quý vị vì thương tôi tụng
kinh mệt mà mời tôi ăn vài múi sầu riêng thì chắc là tôi
…chết, đó là thương nhưng mà không hiểu.
Vì vậy không hiểu con thì không thể thương con được. Người cha
phải tìm hiểu con mình: con ơi, con có nghĩ rằng bố hiểu
được con không, phải hỏi câu đó. Mình là mẹ cũng thế, mình
phải có thì giờ để hỏi: Con ơi con có nghĩ rằng mẹ hiểu
được con hay không. Nếu con thấy mẹ chưa hiểu được con thì xin
con nói cho mẹ biết những nỗi khổ niềm đau, những khó khăn
của con để mẹ có thể hiểu và mẹ sẽ không làm khổ con như trong
quá khứ? Đó là ngôn ngữ của tình thương. Nếu mình làm bố
thì mình cũng phải thực tập như thế này: Con trai của bố
ơi, này con gái của bố ơi, con trai của bố có nghĩ là bố hiểu
được con hay không? Tình thương của bố có làm cho con ngột
ngạt, khổ đau hay không? Nếu con nghĩ rằng bố chưa hiểu con
thì con phải giúp bố, con nói cho bố nghe những cái khó khăn
những cái khổ đau, những bức xúc của con để bố hiểu và bố sẽ
không có áp đặt lên con những ý kiến của bố. Ngôn ngữ đó
đích thực là ngôn ngữ của tình thương.
Mình cũng vậy, có khi mình giận hờn bố, mình trách móc bố,
mình không nói ra nhưng mà mình có giận bố, giận mẹ. Cái đó
cũng do mình không hiểu rõ bố và hiểu rõ mẹ. Mình phải giúp
bố. Bố ơi, bố có nghĩ là con hiểu được bố hay không. Mẹ ơi
mẹ có nghĩ rằng con hiểu được mẹ hay không. Tại vì mẹ có
những nỗi khổ niềm đau, những khó khăn mà chưa bao giờ con
được nghe. Nếu mà mẹ nói cho con nghe những nỗi khổ niềm đau,
khó khăn của mẹ thì có thể con không còn hành xử như trong quá
khứ. Con đã lì lợm, phản ứng, tẩy chay, con đã lạnh lùng.
Những cái đó xảy ra là tại vì con không hiểu được những khó
khăn, những khổ đau những bức xúc của mẹ. Mẹ nói cho con
nghe đi để từ nay về sau nhờ hiểu được mẹ mà con sẽ không hành
xử như thế.
Đó là một người con có hiếu, đó là ngôn ngữ của tình thương.
Bố ơi, bố có nghĩ là con hiểu được bố hay không, có thể là
con chưa hiểu được bố, bố có những ước vọng, những bức xúc,
những khó khăn, khổ đau, lo buồn mà con chưa biết được. Vì vậy
cho nên con đã hành xử không khôn ngoan. Con đã lì lợm, bất
chấp, con đã thách đố bố một cách im lặng và cái không dể
thương đó là do con không hiểu được bố. Vậy xin bố nói cho con
nghe những khó khăn những khổ đau, những bức xúc của bố để con
hiểu. Từ nay về sau con sẽ không hành xử, sẽ không phản ứng
như thế nữa.
Đó là lời nói của một người biết yêu thương. Mà cả hai bên đều
phải cố gắng. Phía cha mẹ cũng thế, mà phía các con cũng thế,
đối với bạn bè của mình, mình cũng hành xử như thế.
Gặp một người mà khi mình nói, người đó không có khả năng lắng
nghe, người đó cướp lời mình hay áp đặt lên mình ý kiến riêng
của người đó, thì mình biết rằng nếu mình kết hôn với người
ấy, mình sẽ khổ suốt đời. Tại vì cô ấy hay anh ấy không có khả
năng lắng nghe, không có khả năng hiểu được mình.
Đây là điều thầy muốn trao truyền cho các con. Đây là một
phương châm trong liên hệ hàng ngày. Muốn tìm một người bạn
hôn phối để sống lâu dài với nhau thì mình phải theo nguyên
tắc có hiểu mới có thương. Nếu người kia
không có khả năng hiểu được mình thì mình biết rằng dù người
đó có bằng cấp cao, có gia tài kếch sù, người đó có sắc đẹp
thì người đó cũng sẽ làm khổ mình suốt đời, phải
nhớ điều đó. Tại vì khi mình lấy một người mà người đó
lại làm khổ mình suốt đời tức là mình đi vào một cái ngục tù
gọi là tù chung thân. Hôn nhân có thể là mở cửa thiên
đường nhưng mà cũng có thể là mở cửa tù ngục. Hôn nhân là một
cuộc phiêu lưu mạo hiểm rất là lớn. Và vì vậy cho nên các bạn
phải cẩn thận lắm mới được.
Nghe một tiếng chuông để mình suy gẫm về chuyện đó và ghi nhớ
rằng không hiểu thì không thể nào thương.
Hạnh phúc và khổ đau không phải chỉ là vấn đề
của cá nhân
Văn hóa Tây Phương khác với văn hóa Á Châu. Tôi đã từng hướng
dẫn rất nhiều thanh niên, thiếu nữ Tây Phương và tôi hiểu
được tâm trạng của họ. Người Tây Phương trong thế kỷ thứ hai
mươi đã tôn sùng chủ nghĩa cá nhân. Khi họ nói tới
tình yêu, vấn đề hôn nhân, mình yêu ai mình lấy ai đó là vấn
đề của riêng mình. Gia đình không có dính líu vào, không cần
hỏi ý kiến bố mẹ, không cần hỏi ý kiến những người khác. Hể
mình yêu ai là mình có toàn quyền tự do định đoạt.
Nhưng đối với văn hóa Á châu, thì hôn nhân của một đứa con
trong gia đình là vấn đề của cả đại gia đình và cả đại gia
đình đều có quyền góp ý. Ở tiểu bang
Texas có một cô gái Việt nói tiếng Mỹ rất giỏi. Cô tốt nghiệp
đại học rồi và đang yêu một người con trai ở thành phố Houston
Texas. Cô có ý muốn lập gia đình với người đó, trong khi bố
của cô lại để ý cho cô một người khác. Đây là một gia đình
Việt Nam chứ không phải là một gia đình Mỹ. Nếu là một gia
đình Mỹ thì cô nàng toàn quyền, nhưng mà đây là một gia đình
Việt Nam thành ra phải hành xử cách khác. Bố chấm một người
khác mà mình lại chấm một người khác nên giữa hai bố con có sự
căng thẳng. Bố làm áp lực để con gái bỏ anh chàng của mình để
chấp nhận anh chàng của bố. Nếu là người Tây phương họ sẽ nói
rằng con lấy chồng cho con chứ đâu phải là con lấy chồng
cho bố, đó là việc của riêng con, hay là con lấy vợ cho con
chứ đâu có phải con lấy vợ cho bố. Việc đó thuộc quyền của con.
Đó là ngôn ngữ của người Tây Phương.
Nhưng mà mình là người Á châu, người Việt
Nam,
mình không được nói như thế. Tại vì hôn nhân của một đứa con
là vấn đề hạnh phúc của cả gia đình. Nếu đứa con khổ đau thì
cả gia đình cũng không hạnh phúc gì, cho nên cả gia đình phải
có ý kiến. Mình chấp nhận ý kiến của tất cả mọi người trong
gia đình, kể cả những đứa em của mình. Những đứa em còn bé tí
nhưng có thể nó cũng có nhận xét hay.
Năm đó tôi về tiểu bang
Texas để mở khóa tu cho đồng bào và tôi biết được câu chuyện
căng thẳng giữa hai cha con nhà nọ. Tôi mới đưa ra một giải
pháp là: bố mẹ cho phép mời anh chàng mà con gái đã chọn tới
và ở chơi vào dịp cuối tuần. Chơi như một người khách, ở lại
luôn đêm, cùng ăn cơm, uống trà, nghe nhạc, cùng đi dạo chung
và để cho mọi người trong gia đình có cơ hội nhận xét. Từ
những người lớn cho đến các em bé đều có quyền chơi chung với
người con trai đó và có quyền nhận xét. Sống với nhau bốn mươi
tám giờ đồng hồ thì người con trai đó sẽ không dấu được tung
tích của mình đâu. Người con trai đó khi nói, cười, ăn, mặc,
khi chơi đùa sẽ lộ bản chất, tung tích của mình. Bốn mươi tám
giờ chơi với nhau, tìm hiểu được nhau rất là nhiều. Đến tuần
sau thì gia đình nên mời người con trai mà bố chọn và cô gái
phải cho người con trai đó một cơ hội. Tại vì khi mình chọn
một người rồi thường thường mình cứ cho người đó là nhất ”number
one” và mình loại trừ tất cả những người khác. Có thể là
mình chủ quan. Cho nên người mà bố chấm, tuy là mình chưa yêu,
mình chưa thích, nhưng mình cũng phải cho người đó một cơ hội
và mình cũng chấp nhận mời người đó tới cuối tuần, cũng ăn
cơm, cũng đi dạo nghe nhạc cũng sinh hoạt với tất cả gia đình
trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Trong thời gian bốn mươi
tám tiếng đồng hồ đó, tất cả mọi người đều có cơ hội để quán
sát biết rõ bản chất của từng người, xem thử người đó có khả
năng hiểu, có khả năng thương, có khả năng mang lại hạnh phúc
cho con, cho chị mình hay không?
Gia đình đó là một gia đình Phật tử cho nên đã nghe lời thầy
và đã thực tập như thế. Vậy nếu các bạn đang lâm vào tình
trạng đó, nghĩa là mình đã chọn một người rồi nhưng mà bố mẹ
chọn một người khác thì xin bố mẹ theo giải pháp này để mình
có cơ hội tìm hiểu cả hai người, đôi khi mình đổi ý, biết đâu!
Tại vì chúng ta ai cũng có khuynh hướng chủ quan, tưởng rằng
tri giác của mình là đúng, nhưng mà tri giác của con người
thường thường là sai lầm. Tri giác sai tức là nhận thức sai,
nó sẽ làm cho mình khổ suốt đời. Tri giác sai lầm ở trong đạo
Phật gọi là vọng tưởng. Tưởng là tri giác, vọng là sai
lầm. Vọng tưởng điên đảo tức là ngược lại với sự thật,
điên đảo là chổng đầu xuống, lộn ngược. Vì chúng ta là con
người, chúng ta còn có những tri giác sai lầm, cho nên chúng
ta đừng tin chắc lắm về tri giác của chúng ta, nhất là khi
chúng ta có một ít đam mê.
Trong tình yêu có chất đam mê và khi đam mê thì mình không
sáng suốt lắm. Các anh các chị phải nhớ điều đó, trong tình
yêu nó có chất đam mê. Hễ mà đam mê thì thế nào cũng mất bớt
sự sáng suốt. Cho nên phải nhờ tới sự sáng suốt của những
người khác, trong đó có bố, có mẹ, có thầy mình, có bạn mình.
Phải để thời gian ra nhiều mà quán sát, nhận xét. Đức Phật đã
dạy về tình yêu rất sâu sắc. Thầy có viết một cuốn sách nói về
tình yêu bằng tiếng Anh và đã được dịch ra ba bốn chục thứ
tiếng trong đó có tiếng Việt.
Đó là cuốn Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy. Nếu
muốn đọc thì các bạn nên thỉnh cuốn đó.
Trong tình thương mà Bụt nói tới, có bốn yếu tố gọi là từ,
bi, hỷ, xả. Mình thường hay nói về từ bi hỷ xả nhưng mà
ít người trong chúng ta hiểu được bốn chữ đó.
Từ có nghĩa là hiến tặng hạnh phúc, làm cho người kia
có hạnh phúc.
Nếu tình thương không hiến tặng được hạnh phúc cho người kia,
thì cái đó không phải là tình thương đích thực. Yêu người ta,
thương người ta, mà cứ làm cho người ta khổ thì cái đó không
phải là tình yêu, không phải là tình thương. Trong liên hệ
giữa mình với người kia nếu mình ngày nào cũng khổ hết thì
mình biết rằng tuy có đam mê, tuy có tình yêu nhưng đó là tình
yêu hệ lụy, nó sẽ đem tới khổ đau. Cho nên mình phải sáng
suốt. Nếu trong liên hệ yêu thương đó mà mình có hạnh phúc
thật sự, mình không khổ, mình không khóc, thì lúc đó mới có
chất liệu từ. Tại vì từ có nghĩa là khả năng hiến tặng hạnh
phúc. Nếu người kia không có khả năng hiến tặng hạnh phúc cho
mình mà cứ làm cho mình khổ hoài thì cái đó không phải là tình
yêu đích thực.
Bi là gì?
Bi tiếng phạn là caruna. Bi là khả năng lấy cái khổ
ra khỏi người khác. Mình có những niềm đau nỗi khổ. Người
kia hiểu được và có khả năng giúp mình hết khổ, cái đó gọi là
bi. Người con trai đó có khả năng đó hay không, người con gái
đó có khả năng lấy cái khổ của mình ra khỏi được hay không.
Hay là mình đã khổ rồi người đó còn trút thêm cái khổ vào cho
mình nữa, thì tình yêu đó chưa phải là tình yêu đích thực.
Tình yêu đích thực là phải có từ, tức là khả năng đem hạnh
phúc cho mình, phải có bi là khả năng làm cho mình bớt khổ.
Mình cũng vậy, khi thương ai thì mình phải làm sao cho người
kia có hạnh phúc và người kia bớt khổ. Nếu không, thì mình
không thật sự thương, mình chỉ mê thôi chứ không phải là
thương, mình chỉ say đắm, đam mê mà chưa phải là thương. Muốn
có từ, có bi, phải học mới được, phải có thì giờ để nhìn người
kia, để thấy người kia có những cái nỗi khổ niềm đau nào và
quán sát tìm hiểu xem những cái nỗi khổ niềm đau đó có những
gốc rễ từ đâu. Khi biết được những gốc rễ của những nỗi khổ,
niềm đau đó mình mới có thể giúp người kia tháo gở ra được.
Cái đó phải tu tập, phải quán chiếu, phải có thì giờ. Tại vì
yêu thương không phải chỉ là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là
vấn đề hiến tặng. Mình có gì để hiến tặng không, mình có từ để
hiến tặng không, mình có bi để hiến tặng không? Nếu không,
mình còn gì để cho nhau, nếu mình chỉ có khổ đau và tuyệt vọng
thì mình có gì để hiến tặng cho người yêu của mình đâu. Nếu
người yêu của mình không có từ, không có bi, không có sự tươi
mát, không có hạnh phúc, không có khả năng hiến tặng hạnh phúc
cho mình, không có khả năng làm cho mình bớt khổ thì người đó
tuy gọi là người yêu nhưng kỳ thực không phải là người yêu
đích thực.
Thương yêu ở trong đạo Phật là một sự thực tập chứ không phải
là sự hưởng thụ mà thôi. Tu tập như vậy thì càng ngày mình
càng hạnh phúc và người yêu của mình càng ngày càng hạnh phúc.
Giữa mình và người mình yêu có thể là cái hiểu nó còn ít thì
mình cũng có thể thực tập được. Này anh ơi, anh có nghĩ
rằng là em đã hiểu được anh chưa, tình yêu của em có làm anh
bị ngột ngạt không. Nếu em chưa hiểu anh thì xin anh nói cho
em nghe những cái khổ đau những cái bức xúc những cái khó khăn
của anh để em từ rày về sau có thể chấp nhận và thương yêu anh
được. Đó là sự thực tập.
Nếu mình là người con trai thì mình cũng nói như thế. Này
em, em có nghĩ rằng anh hiểu được em không, anh có khả năng
làm cho em bớt khổ, anh có khả năng hiến tặng niềm vui cho em
hay không, em nói đi. Anh có những khuyết điểm nào, em có
những nỗi khổ niềm đau nào mà anh chưa biết thì xin em nói để
cho anh có thể hiểu được và sau khi hiểu rồi anh sẽ không còn
tiếp tục làm khổ em. Tất cả những cái đó thuộc về giáo lý
của Đức Thế Tôn đã dạy và mình có thể đem ra để thực tập được.
Nếu mình thực tập trong vòng ba tuần bốn tuần lễ thì mối liên
hệ giữa mình với người kia sẽ thay đổi một cách rất là mầu
nhiệm.
Từ là khả năng hiến tặng hạnh phúc chứ không phải là ước muốn,
mình muốn người kia hạnh phúc nhưng mình không có khả năng thì
mình càng thương, người kia càng khổ.
Thương mà không hiểu được người mình thương thì mình làm cho
người thương bị thương tích.
Và vì vậy cho nên hiểu là gốc của thương. Mà muốn hiểu thì
phải có thì giờ để quán chiếu để hỏi han và tìm ra gốc rễ của
những khổ đau, khó khăn của người kia, mình mới có thể tháo gỡ
cho người đó.
Chúng tôi là những người xuất gia, chúng tôi cũng thực tập
thương yêu. Nhờ thực tập mỗi ngày cho nên chúng tôi giúp tháo
gỡ được cho rất nhiều người, những người cha, những người mẹ,
những người con tới với những nỗi khổ niềm đau. Chúng tôi giúp
tháo gỡ cho họ rất nhiều. Chúng tôi đã giúp cho vô số các cặp
vợ chồng cha con, mẹ con hòa giải được với nhau và đó là nhờ
tu. Tuy mình không phải là người xuất gia, mình là người tại
gia nhưng vì mình là đệ tử của Đức Thế Tôn, mình là con của
Bụt. Vì vậy cho nên mình cần phải đi chùa, mình cần phải học
hỏi và mình phải thực tập thương yêu, mình phải biết tháo gỡ
những nỗi khổ niềm đau của mình. Nếu mình làm được cho mình
rồi thì mình có thể tháo gỡ được những nỗi khổ niềm đau cho
người kia, người mình yêu thương. Nếu không thì sự tác hợp
giữa hai người chỉ đem lại khổ đau suốt đời cho mình.
Có những bà mẹ khổ đau suốt đời và dặn con: con ơi con đừng
đi lấy chồng như mẹ nữa, khổ lắm con ơi. Nói như vậy tức
là thú nhận một sự thất bại của đời mình. Có những ông chồng
nói rằng nếu trước đây mà tôi không lấy bà thì tôi đâu có đến
nỗi như bây giờ. Các bà thì nói rằng nếu ngày trước ông mà
không cưới tui thì bây giờ tôi đâu phải khổ đau như thế này,
thân thế tôi nó ra như thế này. Đó là tại vì không cẩn thận
lúc ban đầu và không biết tu tập theo những phương pháp của
Bụt dạy.
Chúng ta đã nói tới Từ nói tới Bi,
khả năng hiến tặng hạnh phúc, khả năng làm cho người kia bớt
khổ. Nếu khả năng đó trong ta còn yếu kém thì chúng ta phải tu
tập, nếu không chúng ta càng thương người kia, thì càng làm
cho người kia khổ. Tất cả đều phải bắt đầu từ mình, đừng có
đòi hỏi người kia, bắt đầu từ mình trước. Nếu mình có khả năng
hiến tặng niềm vui mỗi ngày, hạnh phúc mỗi ngày; nếu mỗi ngày
mình có thể giúp người kia bớt khổ được một chút thì tình yêu
của mình đúng là theo đường hướng của Đức Thế tôn dạy.
Yếu tố thứ ba là Hỷ. Hỷ tiếng phạn là modita, có nghĩa
là niềm vui.
Tình yêu chân thật là phải làm cho cả hai bên đều vui hết. Yêu
mà mỗi ngày hai người đều khóc hết thì cái đó chưa phải là
tình yêu. Vì vậy dấu ấn của tình yêu đích thực là cái niềm
vui, càng yêu thì càng có niềm vui. Niềm vui đó lớn thì mình
có thể đem ra chia sẻ cho mọi người. Tất cả gia đình đều hạnh
phúc tại vì hai đứa có hạnh phúc, có niềm vui với nhau. Đó là
một cuộc nhân duyên thành công.
Yếu tố thứ tư của tình yêu, theo Bụt dạy, là Xả. Xả
nghĩa là không phân biệt kỳ thị.
Khi mình yêu ai rồi thì mình với người đó là một. Hạnh phúc
của người đó là hạnh phúc của mình. Khó khăn người đó là khó
khăn của mình, khổ đau của người đó là khổ đau của mình. Mình
phải làm cái gì để giúp cho người đó bảo tồn được hạnh phúc
đó, làm lớn cái hạnh phúc đó hoặc là chuyển hóa nỗi buồn, cơn
giận đó. Không có thể nói rằng đó là vấn đề của em, em ráng
chịu hay là đó là vấn đề của anh, anh ráng chịu. Không. Khi
mình yêu nhau thì mình không còn là hai thực thể riêng biệt
nữa mà mình là một. Hạnh phúc không còn là vấn đề cá nhân nữa,
khổ đau không còn là vấn đề cá nhân nữa. Nếu người kia khổ thì
làm sao mình hạnh phúc được, nếu mình khổ thì người kia làm
sao hạnh phúc được.
Cũng như khi bố khổ, thì mẹ làm sao hạnh phúc. Nếu cha khổ làm
sao con có hạnh phúc. Cho nên trong đạo Phật quý vị phải ghi
nhớ vấn đề này: Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân, khổ
đau cũng không phải là vấn đề cá nhân. Trong tình yêu, dầu
là tình yêu giữa bố con, mẹ con hay vợ chồng thì cũng như thế.
Khi mình thấy được mình với người kia chung một số phận, người
kia khó khăn thì mình phải tìm cách giúp người kia, người kia
có hạnh phúc thì mình được thừa hưởng. Còn mỗi người đi tìm
cái hạnh phúc riêng của mình, ông ăn chả bà ăn nem thì cái đó
không phải là tình yêu theo đường hướng của Bụt dạy. Hạnh phúc
không phải là vấn đề riêng tư cá nhân, khổ đau cũng không phải
là vấn đề riêng tư cá nhân.
“Tương kính như tân”
Trong tình yêu nam nữ, vấn đề thân và tâm rất là quan trọng.
Mình phải giữ cho tâm mình trong sáng và thân mình trong
sáng. Trong đạo Phật tâm với thân là nhất như nghĩa
là một. Trong liên hệ yêu thương mình phải tôn trọng người kia
và mình phải tôn trọng mình. Người nào mà không biết kính
trọng mình là người đó không phải là người yêu của mình đích
thực đâu. Một người mà coi thường mình, khinh khi mình thì
không thể mang lại hạnh phúc cho mình. Khi thương một ai thì
mình phải kính trọng người đó, mình không coi thường người đó.
Mình phải quý trọng người đó. Mình phải nói rằng em là một
thực tại mầu nhiệm trong đời của anh, anh rất kính trọng em.
Vì vậy cho nên anh không bao giờ dám phủ phàng, nặng tay, dám
nói những lời làm cho em đau khổ. Tình yêu, nhất là trong
truyền thống của Đông Phương là phải có sự kính trọng.
Ở trong văn hóa Việt
Nam có cụm từ tương kính như tân là kính nhau như những
người khách. Vợ chồng phải kính trọng nhau. Khi thay áo không
thay trước mặt người kia, phải thay ở một chỗ kín. Không có
những hành động thô lỗ trước mặt người kia, cái đó là kính.
Kính nhau như là người khách quý. Vợ chồng kính nhau như
là những người khách, đó là truyền thống của ông bà mình.
Người kia phải kính trọng mình và kính trọng luôn thân thể của
mình. Tại vì thân thể cũng là một phần của mình. Người Tây
Phương không hiểu được điều đó.
Thân thể là đền thờ của tâm linh
Có nhiều người Tây phương không hiểu được văn hóa Á Đông, vì
vậy nhiều khi họ bày tỏ tình thương bằng cách sờ lên đầu mình.
Nhưng cái đầu của mình rất là linh thiêng, sờ như vậy là bất
lịch sự. Quý vị có nhớ hồi mình còn ba tuổi, thường thường bố
mẹ hay kêu ra để trình diện với khách, tại bố mẹ rất hảnh diện
về đứa con của mình. Con lạy bác ạ, con chắp tay lại đi,
cúi đầu xuống lạy bác ạ. Tất cả chúng ta đều đã phải trình
diện như thế hồi chúng ta còn nhỏ. Có người hỏi con có
thương bố mẹ không, thì mình trả lời rằng dạ con có
thương bố mẹ ạ, con có yêu bố mẹ ạ, thương yêu con để ở
đâu, thương yêu con để ở trên đầu. Đó là những câu nói
mình học, mình trả lời cho khách mỗi khi bố mẹ có khách. Như
vậy trong văn hóa Á Đông, cái đầu là chỗ mình thờ cha, thờ mẹ
thờ ông bà, thờ Phật. Nếu người khác không phải là bậc ông bà,
cha mẹ thì không có quyền sờ trên đầu mình.
Mỗi khi các thầy, các sư cô cầm một cuốn kinh, cần chào ai
hoặc là phải làm cái gì đó chưa có chỗ để cuốn kinh thì các
thầy các sư cô hay đặt cuốn kinh trên đầu, để hai tay có thể
làm được chuyện khác. Cái đầu của mình nó tôn quý như thế.
Trong thân thể của mình cũng có những vùng linh thiêng khác mà
không phải bất cứ ai cũng chạm tới được, cũng sờ mó được.
Trong tâm mình cũng vậy. Trong trái tim của mình có những vùng
rất sâu kín. Có những nỗi khổ niềm đau, có những thao thức mà
mình giữ kín, mình không muốn nói cho người ta nghe. Chỉ khi
nào mình gặp một người bạn hiểu mình, mình mới bộc lộ sâu kín
nhất ở trong lòng của mình. Đó là vùng sâu kín nhất, linh
thiêng nhất trong lòng mình. Đó là nói về cái tâm. Cái thân
cũng vậy. Thân có những vùng rất thiêng liêng, rất sâu kín mà
không phải bất cứ một người con trai nào hay một người con gái
nào có thể đụng chạm tới được. Chỉ người mà mình nguyện sống
suốt đời mới có thể có cơ hội đó thôi, có quyền đó thôi. Điều
đó cũng tương tự như ở kinh đô có Tử cấm thành tức là
chổ gia đình vua ở, không ai được bén mảng tới chỗ đó. Những
người nào không có phép mà đi vào vùng đó có thể bị chém đầu.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta có những vùng trong cơ thể như
vùng cấm địa, cấm thành. Người nào sổ sàng mà chạm vào thì
những người đó đáng bị chém đầu. Người con gái, người con trai
cũng phải giữ gìn giống hệt như vậy, không để cho họ đụng chạm
đến thân thể của mình. Tại vì thân thể cũng là đền thờ của tâm
linh.
Tây Phương trong thế kỷ thứ hai mươi, giới trẻ đã đi qua một
thời đại khủng hoảng là vì họ không thấy được nguyên tắc đó.
Họ không biết tôn trọng thân của họ và lớn lên họ có những
cuộc phối hợp giữa hai thân thể mà không cần tình yêu. Mười
lăm, mười sáu tuổi đã bắt đầu có những liên hệ tình dục với
nhau mà không hề có tình yêu. Không hiểu, không thương mà vẫn
có quan hệ sinh lý như thường. Vì vậy rất là tội nghiệp cho
những người đó, vì sau này họ không biết thế nào gọi là tình
yêu. Tình yêu là một cái gì rất là thiêng liêng, rất là quý
báu. Nếu không có tình yêu mà cho hai thân thể giao hợp lại
với nhau thì cái đó Tây Phương gọi là empty sex, empty nghĩa
là trống rỗng, sex tức là tình dục, tình dục trống rỗng không
có tình yêu ở trong đó. Những người đó, những người trai trẻ
đó những cô thiếu nữ đó lớn lên sẽ không có hạnh phúc tội
nghiệp lắm tại vì không biết tình yêu là gì chỉ biết nhục dục
mà thôi. Vì vậy các cháu đừng sa vào vết chân đó, đừng bao giờ
có những liên hệ thân xác mà không có tình yêu. Rất là nguy
hiểm, rất là tội nghiệp, rất uổng cho một đời người. Mình chỉ
hiến tặng thân mình cho người mà mình yêu thật sự mình thương
thật sự, mình đem hết cả cuộc đời mình, gắn bó mình vào nơi
người đó mà thôi. Mình phải theo đường hường văn hóa và tâm
linh của đất nước mình.
Chúng ta đã biết truyện Kiều. Chúng ta biết cái ngày gia đình
Thúy Kiều đi dự sinh nhật ở bên ngoại, Thúy Kiều lấy cớ nhức
đầu ở nhà một mình để có dịp sang thăm người yêu. Kiều đã vượt
hàng rào sang thăm Kim Trọng. Hai người ở bên nhau từ sáng tới
chiều. Họ làm thơ, uống rượu, đánh đàn. Họ thề bồi, cắt tóc
chia đôi. Gần cuối, Kim Trọng nói lâu nay anh nghe nói
em là một nghệ sĩ rất tài ba, đàn hay, sáng tác nhạc hay. Ước
muốn của anh đêm nay là em đàn cho anh nghe. Thúy Kiều đã
chiều Kim Trọng, lấy cây đàn nguyệt xuống. Thúy Kiều đã sáng
tác một bản nhạc rất hay nhưng cũng rất đứt ruột, nghe rất là
buồn. Thúy Kiều đàn lên thì Kim Trọng thấy nó hay quá mà cũng
đau buồn rất là nhiều. Dưới ánh đèn Kim Trọng thấy Thúy Kiệu
đẹp quá và anh chàng không còn giữ được lễ nghi, bắt đầu có
tính cách lơi lả chàng bắt đầu hơi phóng túng. Thúy Kiều đưa
tay ngăn lại, Thúy Kiều nói rằng em phải ngăn anh. Tại vì hạnh
phúc của hai đứa mình nó tùy thuộc vào sự hành xử này. Ngày
xưa Tạ Côn là một sinh viên yêu một cô nàng thợ dệt cũng đã có
một cử chỉ thiếu tôn trọng, thì cô nàng đã dùng cái
thoi đó để liệng vào Tạ Côn. Sau đó anh chàng thành đạt, có
danh có tiếng, có nhiều cô tới nhưng anh chàng đã nhớ người
ngày xưa -cô thợ dệt- và chính cô thợ dệt đó là người anh chọn
làm người bạn trăm năm của mình. Ngày hôm nay em cũng phải
hành xử như cô thợ dệt, em không cho phép anh như vậy.
Như tuồng trên bộc trong dâu
Thì con người đó ai cầu làm chi.
Thúy Kiều cũng kể chuyện Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh
ngày xưa ở chùa Đông Cửu. Quân Thụy là người con trai rất tài
ba, đẹp trai và Thôi Oanh Oanh là một cô gái sắc nước hương
trời. Họ yêu nhau nhưng họ đã không tự kềm chế được sự ham
muốn của thể xác. Về sau Trương Quân Thụy không lấy Thôi Oanh
Oanh mà đi cưới một người khác. Khi mình trao thân một cách dễ
dàng cho người con trai như vậy thì người con trai bắt đầu coi
thường mình, cho là mình quá dễ. Vì vậy người con gái phải có
bổn phận tự bảo hộ mình, đừng để cho người con trai khinh
thường mình, phải làm như Thúy Kiều mới được.
Nghe Thúy Kiều nói như thế thì Kim Trọng rất kính nể và sau đó
trong suốt mười lăm năm, Kim Trọng luôn luôn nhớ tới Thúy
Kiều.
Trong liên hệ nam nữ, trong tình yêu chân thật, mình phải giữ
thân mình cho đàng hoàng. Là vì tương lai của mình liên hệ tới
chuyện đó và đó là đạo đức Đông Phương mà chúng tôi đã trao
truyền cho nhiều thanh niên thiếu nữ Tây Phương trong thời
gian hành đạo ở đó. Đã có nhiều thiếu nữ Tây Phương hành xử
theo phương pháp này và đã đạt được hạnh phúc. Trước đó thì
không cẩn thận, không tôn trọng bản thân mình và sau đó thì
học được phương pháp này, giữ mình, kính trọng mình thì người
con trai cũng kính trọng mình. Dù mình là con trai hay con
gái, mình cũng phải làm như vậy. Hạnh phúc lứa đôi nó là nền
tảng. Các con của mình sau này nó có hạnh phúc hay không là do
mình có hạnh phúc với nhau hay không. Món quà quý nhất mà cha
mẹ có thể để lại cho con là hạnh phúc của cha mẹ. Nếu mà cha
mẹ khổ đau thì cha mẹ đâu có gì trao truyền lại cho con đâu.
Vì vậy cho nên mình phải có hạnh phúc với nhau. Do đó trong
liên hệ lứa đôi mình phải giữ gìn cho cẩn thận, mình phải học
theo cái phương pháp của Đức Thế Tôn dạy.
Thầy xin nhắc để cho các anh các chị nhớ mấy điều đó:
Trước hết là có hiểu thì mới có thương. Nếu
người kia không hiểu mình được thì sẽ không thương mình được.
Nếu mình không hiểu người kia thì mình cũng không thương người
kia được và mình sẽ làm khổ người kia.
Thứ hai là trong tình yêu, hạnh phúc không phải là vấn
đề cá nhân mà khổ đau cũng không phải là vấn đề
cá nhân. Khi mình đã yêu rồi thì hạnh phúc của người
kia là hạnh phúc của mình và khổ đau của người kia cũng là khổ
đau của mình.
Thứ ba là thân tâm nhất như, khi mình yêu thương
thì mình phải có cái sự kính trọng người kia. Nếu không có sự
kính trọng đó thì mình làm hư cuộc hôn nhân và tác hợp của
mình.
Tôi nghĩ rằng bài giảng hôm nay cần được các thầy các sư cô
lặp lại cho thanh niên thiếu nữ ở Việt
Nam biết. Ở Tây Phương chúng tôi đã từng giảng dạy như thế
nhiều lần và nếu quý vị muốn thật sự thành công trong tình yêu
của mình phải thực tập theo những lời căn dặn đó. Những yếu tố
từ, bi, hỷ, và xả đó, nếu mình
sống và yêu cho đàng hoàng thì nó sẽ mỗi ngày mỗi lớn. Khi
tới mức rất lớn rồi thì gọi là đại từ, đại bi, đại hỷ đại
xả. Đến mức đó, mình rất gần với Phật và chữ Hán gọi là
tứ vô lượng tâm. Tứ vô lượng tâm là bốn yếu tố của tình
thương mà không gì có thể đo được, không có biên giới. Vô
lượng tức là không cân đo được, không có biên giới. Bốn yếu tố
của tình thương không có biên giới.
Vì vậy tình thương trong đạo Phật gọi là tình thương không
biên giới. Khi mình yêu một ai mà mình làm hạnh phúc được cho
người đó thì mình có cơ hội mở rộng tình thương để sau này
mình có thể yêu được nhiều người, tất cả mọi người mọi loài.
Cái đó là tình yêu trong đạo Phật.
Tôi xin giới thiệu cho các bạn trẻ cũng như là các cô chú, các
cụ cuốn sách của tôi viết về tình yêu: Thương yêu theo
phương pháp Bụt dạy.
Nhân đây tôi có một bản thư pháp kính tặng thượng tọa trù trì
của tổ đình Trung Hậu. Xin kính mời thượng tọa trụ trì ra để
tiếp nhận thư pháp của chúng tôi tự viết để làm kỷ niệm chuyến
viếng thăm và sinh hoạt chung với các vị tôn đức, các thầy,
các sư cô và các Phật tử của tổ đình đạo tràng Trung Hậu.
|