PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Thông điệp gởi người thương

 

  • Tháng IX 2007 - Chân Giác Quang & Chân Tịnh Minh biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 28.04.2007  
    Ngày thứ hai trong khóa tu 3 ngày từ 27 đến 29 tháng 4.2007
    cho Tang - Ni - Phật tử tại chùa Đồng Đắc - Ninh Bình

    Â
    m thanh MP3 : Phần 1 (11.8MB)

Kính thưa các vị Tôn đức,

Kính thưa các Thầy, các Sư cô, các Phật tử cư sĩ.

Hôm qua chúng ta đã  nghe về  phương pháp ngồi, phương pháp đi, phương pháp ăn cơm, phương pháp thở. Ngồi như thế nào để cho thảnh thơi, an lạc, cho tươi mát. Đi như thế nào để cho thảnh thơi, an lạc, cho tươi mát. Ăn cơm như thế nào để có hạnh phúc trong suốt bữa ăn. Thở như thế nào để làm lắng dịu những căng thẳng, những đau nhức trong thân và trong tâm.

 

Trời xanh, mây trắng, thông reo,…

Chúng ta thấy tượng Phật mà chúng ta tạc ra ngồi trên một đóa sen, đóa sen đó tượng trưng cho sự nhẹ nhàng, tinh khiết, tươi mát, thong dong. Phật ngồi ở đâu cũng thoải mái, cũng yên ổn, cũng tươi mát. Chúng ta là học trò, là đệ tử của Phật  thì chúng ta phải học như thế nào để có thể ngồi được như Ngài. Ngồi trong lớp học, ngồi trên sân cỏ, ngồi bên bờ sông, ngồi trên ghế đá, chúng ta đều có thể ngồi được một cách thoải mái. Bây giờ tôi đang ngồi như thế, ngồi rất là thoải mái, ngồi rất là thong dong. Bất cứ tôi ngồi ở đâu tôi cũng ngồi như thế, tại vì tôi là học trò của Phật, tôi bắt chước Phật, tôi phải học theo những cái mà Phật làm được.

Chúng ta bắt đầu ngày tu của chúng ta bằng sự thực tập thiền. Ngồi cho thoải mái là ngồi thiền. Đi cho thoải mái, an lạc là đi thiền. Đi thiền nghĩa là mỗi bước chân đem cho mình sự an lạc, sự thảnh thơi, sự thoải mái, mình không có đi gấp gáp như bị ma đuổi. Đức Phật ngày xưa đi như thế, mỗi bước chân đều vững chãi, đều thảnh thơi, đều an lạc. Đi như một người vô sự, không lo lắng, không phiền não, không giận hờn. Hồi nãy chúng ta đã đi ba vòng ở trong chùa, hy vọng rằng các vị đã nếm được hạnh phúc của những người biết đi thiền.

Trưa nay chúng ta cũng sẽ ăn cơm với nhau và chúng ta sẽ ăn cơm như thế nào để có hạnh phúc ngay từ đầu bữa cơm cho tới cuối bữa cơm. Bữa cơm chúng ta ăn chậm rãi để thấy sự có mặt của nhau. Chúng ta học thở để cái tâm trở về với cái thân, khi mà tâm trở về với thân thì chúng ta có mặt thật sự trong giây phút hiện tại, tiếp xúc được với những cái mầu nhiệm, những cái tươi mát của đời sống hiện tại như trời xanh, mây trắng, thông reo, hoa nở, chim hót .v.v…

 

Đã không biết sống là vui…

Khi chúng ta biết thở, chúng ta có thể làm lắng dịu những căng thẳng, những đau nhức trong thân. Nếu chúng ta tu giỏi hơn thì sau này chúng ta cũng làm lắng dịu được những căng thẳng, những đau nhức ở trong tâm. Mỗi chúng ta đều có hạt giống của buồn phiền, giận dữ, lo lắng, sợ hãi. Mỗi khi chúng ta lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, giận dữ thì chúng ta không có hạnh phúc, không có an lạc. Đức Thế Tôn dạy cho chúng ta những phương pháp để đối trị lại những tâm hành tiêu cực đó. Đọc kinh là để học cái phương pháp đó!

Có nhiều cặp cha con giận nhau, không nói chuyện với nhau được. Người cha không biết xử lý cái giận của mình, đổ lên đầu người con tất cả những bực tức, những bức xúc mà ông ta dồn chứa từ lâu nay. Có ông tuyên bố rằng: “Mày không phải con tao, con tao không phải như thế, mày đi đâu thì đi”! Có nhiều đứa bỏ nhà đi rồi sa vào vòng băng đảng, ma túy và có đứa đi tự tử. Những khó khăn giữa hai cha con, giữa hai vợ chồng mình phải tìm cách tháo gỡ. Bố mẹ không có thương nhau, bố mẹ làm khổ nhau, làm sao mình có hạnh phúc được? Khi thì chồng đánh đập, hành hạ, chửi mắng vợ, khi thì vợ đay nghiến chồng. Các con như vậy sẽ rất là khổ, có đứa chịu không nổi phải bỏ nhà ra đi. Cái không khí ở trong nhà không lành mạnh!

Ngày xưa chúng ta ở những nhà biệt lập, xung quanh có vườn cây ăn trái, có ao bèo. Mỗi khi bố mẹ giận nhau, chúng ta chạy ra ngoài vườn hay chạy sang nhà hàng xóm không phải nghe những lời đay nghiến của mẹ, những lời la mắng của bố nữa. Bây giờ chúng ta ở trong những chung cư, mỗi khi bố mẹ giận nhau, làm khổ nhau, chúng ta không còn chỗ nào để trốn hết. Có nhiều em bé phải chun vô cầu tiêu đóng cửa lại và khóc ở trong đó, rất là tội nghiệp! Khi bố mẹ la mắng anh chị của mình, mình cũng rất là khổ. Cho nên chúng ta phải học những phương pháp làm thế nào để bố có thể nói nhẹ nhàng với mẹ, mẹ có thể tha thứ được cho bố. Làm thế nào con có thể nói chuyện được với cha, cha có thể đối xử nhẹ nhàng với con. Đó là những cái mà chúng ta có thể học được từ trong kinh, Phật đã dạy cho chúng ta những điều như thế.

 

Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương

Vào một buổi chiều hôm đó ở Canada, trước giờ đi thuyết pháp thì có người kể cho tôi một câu chuyện thương tâm vừa mới xãy ra mấy hôm trước:“ Có hai cha con người đó, đã hơn hai năm rồi mà không nói chuyện được với nhau, cậu bé mới có mười sáu, mười bảy tuổi thôi, một hôm đó, cậu cũng cắp sách tới trường đi học như thường lệ nhưng khi tới giữa cầu thì cậu nhảy xuống sông tự tử. Tại cậu thấy rằng bố không hiểu mình, bố không thương mình, bố bắt mình làm những điều mà mình không có thể nào làm được! Bố bắt mình phải làm giống như cậu con trai của ông hàng xóm nhưng mà mình khác, mình đâu có thể làm được như cậu con trai ông hàng xóm…và cậu bé đã nhảy xuống  sông Montréal tự tử…” Khi được nghe câu chuyện thương tâm đó, trái tim tôi nó đau nhức, chiều hôm đó tôi không nuốt được miếng cơm nào trước khi đi giảng, tôi thấy rằng cậu con trai đó tuy là con của người đó nhưng mà cũng như là con cháu của tôi. Nếu mà mình đánh mất con, con nó đi tự tử hoặc con nó đi theo băng đảng thì mình không còn có tương lai nữa, vì con của mình là sự tiếp nối của mình, con trai cũng thế, mà con gái cũng thế.

Hôm đó trong buổi giảng, tôi đã nhìn các ông ở trong thính chúng và tôi nói một câu rất là mạnh: ”Này các ông, nếu các ông có khó khăn với con trai hoặc con gái của các ông thì tối nay các ông phải về ôm lấy nó và xin lỗi đi, tại vì nếu ông không làm như thế thì có thể là trể đó? Con ông sẽ có thể bỏ nhà ra đi, con ông có thể theo băng đảng, lọt vào những cái vòng tội phạm, ma túy hay là con ông có thể đi tự tử? Thành ra tôi xin các ông, nếu các ông có khó khăn với con trai hoặc con gái thì tối nay các ông phải về và ôm lấy nó và xin lỗi nó”. Vì cha xin lỗi con là chuyện có thể xãy ra, ông có thể nói với nó như thế này: “Con trai của bố ơi, con gái của bố ơi, trong những năm vừa qua bố biết là con có nhiều khó khăn, có nhiều bức xúc, có nhiều đau khổ. Bố đã không giúp được con mà bố còn la mắng, còn áp đặt những cái ý của bố lên con và làm cho con khó khăn thêm. Bố rất hối hận, bố đâu có muốn cho con khổ đâu, tại vì bố chưa biết được những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc của con, cho nên bố mới la mắng, mới trừng phạt con như thế, nếu mà bố biết được thì bố đâu có làm như thế. Con hãy nói cho bố nghe những khó khăn, những đau khổ của con để bố biết, để bố không có làm như thế nữa”. Nếu ông nói được một câu như thế, trái tim của đứa con nó sẽ mềm ra, cánh cửa của trái tim sẽ mở ra và ông có thể nói chuyện với nó được. Trước đó, ông không thể nói chuyện với nó được, cánh cửa trái tim nó đóng im ỉm và cánh cửa trái tim ông cũng đóng im ỉm. Hai cha con không có truyền thông với nhau được.

Cháu là sự tiếp nối của ông của bà, nếu ông đánh mất cháu, bà đánh mất cháu thì làm gì ông có tương lai, bà có tương lai, đất nước có tương lai! Ông phải tìm đủ mọi cách để nối lại sự truyền thông giữa ông và cháu, giữa bà và cháu. Tôi nói với tất cả tấm lòng, trái tim tôi thổn thức vì câu chuyện đau lòng của cậu bé mười bảy tuổi.

Có một ông ở Montreal, khi nghe xong bài giảng của tôi, ông ra về, vừa lái xe vừa khóc, vì ông ở trong trường hợp là từ hai năm nay đã không nói chuyện được với đứa con trai. Ông quyết về ôm lấy đứa con trai và xin lỗi nó, vì ông không muốn mất đứa con trai của mình. Khi ông lái xe về tới nhà thì trời đã tối, nhờ ánh đèn đường chiếu vào ông có thể thấy được bóng cậu con trai thui thủi một mình trong phòng khách, ông mở cửa vào, đặt cái túi xuống, tới thẳng đứa con và ông ôm nó vào lòng, ông muốn nói như lời thầy căn dặn: “Con ơi, bố biết rằng những năm vừa qua con khổ lắm, có những khó khăn, có những bức xúc mà bố không hiểu được. Cho nên bố mới rầy la con và bố rất hối hận. Cha con mình nên bắt đầu trở lại và con nói cho bố nghe những cái khó khăn đó để từ rày  trở đi bố sẽ không có cư xử như thế”. Nhưng mà ông ta không nói được, tuy nhiên trong lòng ông rất hối hận nên khi ôm đứa con trai, ông ôm với tất cả tấm lòng. Ban đầu thì nó cứng ngắt như một khúc gỗ, nó không biết bố nó tính làm cái gì? Nhưng khi bố nó tiếp tục ôm nó, cái thông điệp không lời đó đã đi vào trong nó, ”Bố hối hận, bố không muốn làm cho con khổ, bố với con, hai bố con phải hòa giải với nhau”! Tuy là không nói nhưng mà thông điệp truyền qua được, như một phép lạ! Không biết tối hôm trước hai cha con ôm nhau được mấy phút mà buổi sáng hôm sau, bà mẹ của chàng trai thấy hai bố con ngồi ăn sáng chung với nhau và nói chuyện với nhau trở lại. Bà mẹ rất lấy làm ngạc nhiên, bà không hiểu tại sao, hai cha con lại có thể ngồi trò chuyện với nhau như là chưa bao giờ giận nhau hết? Mà chỉ nhờ một cái ôm, cái ôm hòa giải lại tình cha con. Tôi đâu biết chuyện gì xãy ra trong đêm đó? Nhiều tuần sau mới có người viết thư kể lại câu chuyện đó. Nhưng tôi biết rằng: “Tối hôm đó có nhiều ông cha đã về ôm con, xin lỗi con và hai cha con hòa giải với nhau”.

 

Lắng nghe tiếng đau thương của cuộc đời…

Mình là người trẻ, mình cũng biết rằng bố mình có những bức xúc, khổ đau, khó khăn. Bố mình cư xử hơi nặng nề với mình, nói những lời lên án, chửi rũa, chua chát là vì ở trong lòng của bố có khổ đau, có khó khăn, có những bức xúc mà bố không có chuyển hóa được, vì bố chưa học được phương pháp mà Đức Thế Tôn đã chỉ bày. Mình có thể về giúp bố, mình nói như thế này: ”Bố ơi, con biết là trong mấy năm vừa qua bố có những khó khăn, những bức xúc, những khổ đau mà bố chưa nói ra được. Vì vậy mỗi khi bố nói và bố hành động thì bố làm cho những người khác, cho mẹ con và chính con cũng đau khổ. Con đã không hiểu như thế cho nên con đã phản ứng lại, con đã lì, con đã thách thức bố, con đã lạnh lùng và làm cho bố càng thêm đau khổ. Và con đã cư xữ như một đứa con không có trách nhiệm, con xin lỗi bố. Bố ơi con muốn nghe bố nói, bố nói cho con nghe những cái khó khăn của bố, những cái khổ đau của bố mà lâu nay bố không nói được. Có lẽ bố không nói vì bố cho con còn là đứa con nít? Nhưng mà con lớn rồi, con muốn nghe những cái khó khăn khổ đau của bố. Con đâu có muốn làm cho bố khổ đâu? Tại con không hiểu những khó khăn, những khổ đau của bố cho nên con đã phản ứng vụng về, con đã lì, con đã thách thức bố. Tuy con không có nói con không cần bố nhưng mà thái độ của con làm cho bố càng ngày càng khổ đau, bố con mình giống như là sắp mất nhau. Con xin lỗi bố! Từ rày về sau con sẽ không có phản ứng  dại dột như thế nữa”!  Nếu mình nói được với bố những lời ái ngữ như thế, bố sẽ mở lòng ra và bố sẽ kể chuyện của bố cho mình nghe và hai cha con có thể hòa giải được.

Ở bên Mỹ, bên Âu châu, nước Pháp, nước Anh, nước Đức, nước Thụy Sỹ, nước Đan Mạch, tôi cũng mở khóa tu cho giới thanh niên nhiều lắm. Tôi có nhiều người học trò, nhiều người đệ tử rất giỏi, họ mới mười bốn tuổi, mười sáu tuổi mà họ về họ hòa giải được với bố, với mẹ, rất là hay! Tôi rất hãnh diện với những người trẻ đó, họ học, họ áp dụng được rất là mau. Họ học được phương pháp lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của bố mẹ, nói với bố mẹ những lời nhẹ nhàng, lễ phép, êm dịu để giúp bố mẹ nói ra được những nỗi khổ niềm đau của bố mẹ.

Sau khóa tu ở Gia Nã Đại thì tôi bay từ Montréal sang Mỹ. Tại tiểu bang California trong buổi nói chuyện cho đồng bào Việt Nam, tôi kể lại câu chuyện xãy ra ở thành phố Montréal, Gia Nã Đại và tôi cũng khuyên các ông, các bà tối hôm đó nên trở về ôm đứa con của mình, nếu mà mình đang có vấn đề khó khăn với các con: ”Này các ông, này các bà, nếu các ông có khó khăn với đứa con của các ông, của các bà. Tối hôm nay phải về ôm lấy nó, xin lỗi nó đi, không có xấu, không có hạ mình đâu. Tại vì con của mình tức là sự tiếp nối của mình, con nó mang mình đi về tương lai. Mình không có quyền đánh mất đứa con của mình, phải về thực tập”. Tối hôm đó, có ông cũng vừa khóc vừa lái xe về, ông muốn về để ôm đứa con trai của mình, đã hơn mấy năm rồi ông đã không nói chuyện với con trai của mình. Nhưng ngặt cho ông là dầu tối hôm đó có muốn về ôm đứa con trai cũng không có ôm được, vì nó đã bỏ đi rồi. Ông này ưa áp đặt ý của ông vào đứa con trai. Khi đứa con còn nhỏ, nó phải nghe hết, nó phải nghĩ như ông, phải nói, phải làm như ông, nó không thể làm khác ông được. Nhưng khi lớn lên được đi học trường Mỹ, nó học được cách tư duy độc lập, nói năng, hành xử như thanh niên Mỹ thì ông không thể chấp nhận được. Ông la mắng, ông rấy rà nó, ông đối xử với nó một cách rất là nặng, ông nói: “Mày không phải là con của tao, con của tao không có suy nghĩ như thế, con của tao không có nói năng như thế, con của tao không có hành xử như thế, mày đi đâu thì đi”. Cuối cùng, đứa con trai đã bỏ nhà ra đi, đi hơn ba tuần lễ rồi mà cũng chưa biết bây giờ nó ở đâu? Nhưng cũng may cho ông đó, phúc đức vẫn còn! Tối hôm đó ông quyết định ngày mai vào hãng xin nghĩ việc mười ngày để đi tìm con. Bố đi tìm con! Nhiều khi bố phải đi tìm con và mẹ phải đi tìm con. Tôi có làm một bài thơ: “Thầy đi tìm đệ tử”, đôi khi đệ tử bỏ đi nên mình phải đi tìm đệ tử, đệ tử cũng giống như là con của mình.

Phúc đức của gia đình đó còn, chỉ tới ngày thứ tư ông tìm ra được đứa con, thấy đứa con ông mừng quá, chạy tới ôm và xin lỗi liền lập tức. Đứa con tha thứ cho ông và chịu trở về nhà. Vì đứa con nào không thương bố và bố nào không thương con, nhưng có những giận hờn, bực bội mà mình không làm chủ được nên mình mới có những lời nói, có những hành động làm cho tình nghĩa tan vỡ. Ông đã học được bài học đó và từ đó về sau ông không nói năng và hành xử như trước nữa. Nhờ vậy đứa con có rất nhiều hạnh phúc, chăm chỉ học hành, đã thi đổ bác sĩ y khoa, hiện đang có phòng mạch ở tiểu bang California, Hoa Kỳ. Hai cha con nhà ấy thành công thì cha con mình cũng có thể thành công được. Nếu bố không có bắt đầu thực tập thì con bắt đầu thực tập. Nếu bố mình chưa có dịp đi nghe thầy giảng, chưa biết phương pháp ái ngữ và lắng nghe, chưa biết phương pháp ôm, mình về mình thực tập cho bố: “Bố ơi, con ôm bố được không? Con biết bố có nhiều khổ đau, có nhiều bức xúc, có nhiều thất vọng. Những nỗi khổ niềm đau của bố chưa bao giờ nói ra được, vì vậy có khi bố nói những câu nói như thế này hay là hành xử như thế kia. Con chưa hiểu được những nỗi khổ niềm đau của bố, nên con giận bố, con lì lợm, con thách thức bố. Con hối hận lắm, con có bao giờ muốn cho bố khổ đâu. Tại vì con chưa hiểu thôi, bố nói cho con nghe những khổ đau khó khăn của bố đi.” Mình ngồi đó, mình lắng nghe, lúc đó bố sẽ nói và hai cha con sẽ truyền thông lại được.

Trong đạo Phật có vị Bồ Tát tên là Quan Thế Âm, vị Bồ Tát này có khả năng lắng nghe rất là hay. Quán Thế Âm tức là lắng nghe tiếng đau thương của cuộc đời, lắng nghe một cách rất sâu sắc và lắng nghe bằng với lòng thương. Có những người chứa chất quá nhiều đau khổ mà chưa bao giờ có cơ hội nói cho một người nào vì những người xung quanh  không có khả năng lắng nghe. Cho nên nếu mình chịu khó ngồi lắng nghe người đó một giờ đồng hồ, người đó sẽ bớt khổ, nhẹ đi nhiều lắm. Đức Quan Thế Âm là một người có thể ngồi nghe những khổ đau của mình mà không phản ứng, không lên án, Ngài lắng nghe bằng tâm từ bi, lắng nghe như vậy gọi là đế thính. Bố có thể lắng nghe con bằng với lòng thương và con cũng có thể ngồi lắng nghe bố với lòng thương. Lắng nghe để cho người kia nói ra được những khổ đau, để cho người kia đỡ khổ.

Hiện bây giờ ở trong xã hội có những nhà bác sĩ tâm lý trị liệu. Khi mình có vấn đề khó khăn ở trong lòng, mình nói ra không được với những người thân trong gia đình thì mình tìm tới những ông hay những bà bác sĩ tâm lý trị liệu đó. Những bác sĩ đó theo nguyên tắc phải ngồi lắng nghe mình và mình có bổn phận là phải trả “tiền nghe” cho bác sĩ. Còn mình lắng nghe bố, lắng nghe mẹ, lắng nghe con  không phải là để lấy tiền mà là để giúp cho bố, cho mẹ, cho con bớt khổ. Mình niệm Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm, mình phải bắt chước phương pháp của Bồ Tát Quan Thế Âm, mình phải lắng nghe bố, mình phải lắng nghe mẹ, mình phải lắng nghe con, cháu mình, bạn, anh, em mình. Như thế mình đích thực là một người đệ tử của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Trong khi mình lắng nghe, người kia có thể nói bằng giọng chua chát, có tính cách buộc tội lên án, mĩa mai. Rất là khó nghe nhưng mình cũng phải ráng cố gắng lắng nghe cho được. Ban đầu mình nói: “Thôi để tôi ngồi tôi lắng nghe người đó độ chừng một giờ cho người đó đỡ khổ”.  Mình rất có thiện chí, nhưng mình chưa tu giỏi, thành ra mới lắng nghe được có năm phút, mình chịu thua. Người đó nói với ngôn ngữ rất là chua chát, mĩa mai, đầy sự lên án, buộc tội, thành ra mình chịu không nổi. Lời người đó nói tưới tẫm hạt giống bực bội và giận hờn của mình. Khi giận hờn, bực bội nổi lên, mình đánh mất khả năng lắng nghe của mình, mình thua Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở chỗ đó. Cho nên mình phải phát nguyện, mình phải lạy trước Đức Bồ Tát, mình phát nguyện như thế này: “Con nguyện con về lắng nghe người ấy và trong khi ngồi lắng nghe, con nguyện nhớ một điều lắng nghe như thế này chỉ với một mục đích duy nhất thôi, là làm sao cho người đó có cơ hội nói ra được những nỗi khổ niềm đau của người đó. Khi người đó nói lời buộc tội, lời lên án và nhất là khi người đó có những tri giác sai lầm, con cũng vẫn ngồi im lặng để lắng nghe, con không cắt lời người đó, con không sửa sai người đó. Con biết rằng nếu con ngắt lời người đó, con sửa sai người đó thì con sẽ biến cuộc lắng nghe thành ra một cuộc tranh luận và như vậy sẽ làm hư buổi lắng nghe”. Lắng nghe nghĩa là mình chỉ nghe mà thôi và nghe với tâm từ bi để cho người kia có cơ hội nói ra được nỗi khổ niềm đau của mình.

Bà phải tập lắng nghe ông và ông phải tập lắng nghe bà. Bà phải tập lắng nghe cháu và cháu phải tập lắng nghe bà. Phương pháp này tôi đã trao truyền cho rất nhiều thiền sinh ở Âu châu và Mỹ châu, hầu hết đều thành công trong việc thực tập để mà thiết lập lại sự truyền thông giữa hai người, vợ chồng, cha con, mẹ con và đem lại được hạnh phúc cho gia đình. Chúng ta là những người đệ tử của Đức Thế Tôn từ hai ngàn năm nay mà tại sao chúng ta không làm được, chúng ta phải cố gắng làm cho được. Cố nhiên là lên chùa cúng dường bái sám, tụng kinh thì rất là hay nhưng mà chúng ta phải tập thêm những pháp môn, nghĩa là phải tập lắng nghe với tâm từ bi, gọi là bi thính.

 

Hoa nở tự vườn tâm, miệng nói lời ái ngữ

Mỗi khi mà người kia nói những điều sai với sự thật, hiểu lầm, cái đó gọi là tri giác sai lầm, trong đạo Phật gọi là vọng tưởng. Vì có những tri giác sai lầm cho nên người đó mới giận hờn, buộc tội, lên án, mình không muốn sửa người đó ngay trong buổi lắng nghe, tại vì nếu mình cắt lời, mình sửa sai ngay lúc đó, mình sẽ biến cuộc lắng nghe thành ra một cuộc tranh cãi và mình thất bại. Cho nên mình tự nhủ là mình còn có thời gian, khi có cơ hội thuận tiện mình sẽ nói, sẽ cung cấp cho người đó những thông tin, những dữ kiện để người đó có thể điều chỉnh lại nhận thức của mình, người đó có thể là bố mình, mẹ mình hay là con mình. Ba bốn ngày sau khi lắng nghe mình mới nói: ”Bố ơi hôm trước bố nói như thế, kỳ thực sự kiện nó xãy ra như thế này đấy bố”. Mình nói ra sự thật, cung cấp thông tin đó cho bố và phải đưa một cách rất là khéo léo để cho bố đừng có tự ái, mẹ đừng có tự ái hay là con mình đừng có tự ái, cái đó gọi là ái ngữ.

Tôi không có con huyết thống nhưng mà tôi có nhiều con tinh thần, các thầy, các sư cô, các vị cư sĩ, đệ tử rất nhiều. Sự thực tập của tôi là luôn luôn tìm cách thiết lập truyền thông tốt đẹp giữa mình với người đệ tử. Lâu lâu tôi hỏi: ”Này con, con có giận thầy không, thầy có nói gì làm cho con buồn không, thầy có làm gì cho con buồn không?” Và mình lắng nghe đệ tử của mình, rất là hay! Mình làm bố, làm mẹ cũng vậy, ”con ơi lâu nay con có giận bố không, bố có nói gì làm cho con buồn con giận hay không, bố có nói oan con cái gì không, con nghĩ là bố có hiểu con hay không?”. Mình là đứa con, mình hỏi, ”bố ơi lâu nay bố có giận con không, con có nói gì, con có làm gì làm cho bố buồn bố giận con không? Bố nói cho con biết đi để trong tương lai con không có làm như thế nữa”. Mình sống với nhau mà mình không nói được với nhau những lời như thế là tại sao? Mình đâu đến nỗi quá bận rộn để không thể nói được những lời thương yêu? “Bố ơi con đâu có muốn làm cho bố khổ, bố buồn bố giận. Bố nói cho con nghe đi, những  khó khăn, những bức xúc, những đau khổ của bố để con hiểu được bố. Sở dĩ con đã làm cho bố buồn bố giận là tại vì con dại dột, con chưa hiểu được bố”. Mình giúp cho bố hiểu được mình và mình tìm cách hiểu được bố.

Ái ngữ tiếng Anh gọi là Loving speech, nó có nghĩa là mình có quyền nói được tất cả những cái gì mình có trong trái tim, nói hết ra được những khổ đau, những oan ức. Mình phải nói như thế nào để người kia có thể chấp nhận được, tức là mình đừng nói với giọng trách móc, lên án buộc tội. Mình chỉ nói những khổ đau của mình và nói một cách rất từ tốn, không trách móc, không lên án. Mình có bổn phận phải cho người kia biết tất cả sự thật: “Bố phải nói cho con nghe hết tất cả sự thật”, có thể là mình có những hiểu lầm, nhưng mà mình nghĩ như thế nào, mình phải nói ra như thế đó. Bố mình cũng có thể giúp cho mình điều chỉnh lại những tri giác sai lầm của mình. Nếu dùng ngôn ngữ của sự trách móc buộc tội lên án thì người kia sẽ không có khả năng nghe mình, cho nên muốn cho người kia tiếp nhận được thông tin của mình, mình phải dùng ngôn ngữ mà trong đạo Phật gọi là ái ngữ. Trong gia đình chúng ta, chúng ta phải thực tập sử dụng ái ngữ, bố phải nói chuyện với mẹ bằng ái ngữ, mẹ phải nói chuyện với bố bằng ái ngữ, không trách móc, không lên án. Bố phải nói chuyện với con bằng ái ngữ, con phải nói chuyện với bố với mẹ bằng ái ngữ. Mình nhận mình là đệ tử của Phật, là đệ tử của Đức Thích Ca thì mình phải thực tập ái ngữ  và bi thính

 

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Ở trong chúng ta có một năng lượng mà chúng ta khó kiểm soát được, cái năng lượng đó trong đạo Phật gọi là tập khí, thói quen lâu đời. Có nhiều khi mình đủ thông minh để biết rằng nếu nói một câu như thế, hành động như thế thì thế nào mình cũng gây đổ vỡ. Ấy vậy mà khi mà sự kiện xãy ra mình vẫn cứ nói câu nói đó, vẫn hành xử như thế như thường. Nguy lắm! Mình đã từng có kinh nghiệm, mình nói rằng: “Những câu nói như thế mình không có nên nói, những hành động như thế mình không có nên làm, tại vì nó có thể gây đổ vỡ”. Vậy mà khi mà mình lâm vào trường hợp đó, mình vẫn nói, mình vẫn làm như thường. Cái động lực, cái năng lượng thúc mình nói như thế, làm như thế gọi là tập khí, thói quen lâu đời, nó mạnh lắm! Sau khi mình đã nói lỡ rồi, đã làm lỡ rồi, tan nát rồi thì mình mới giận mình, mới đập ngực, mới bứt tóc, mình nói tại sao mình đã biết trước rồi: “Nói như thế là tan nát hết, làm như thế là tan nát hết”, vậy mà mình cứ nói, cứ làm! Mình đi chùa mình lạy Phật, mình khấn: ”Bạch Đức Thế Tôn, con hứa từ nay về sau con sẽ không có nói những lời như thế và làm những điều như thế”! Mình rất thành kính, rất thành thật với Đức Thế Tôn, ấy vậy mà một tháng sau, hai tháng sau, khi hoàn cảnh xãy ra giống hệt như cũ thì mình vẫn nói như thế, vẫn làm như thế và nó tan vỡ thêm nữa. Cái đó nó mạnh hơn mình, cái đó gọi là tập khí, cái đó là con voi hoang, con ngựa hoang, con cọp ở trong con người của mình.

Quý vị đã có kinh nghiệm, quý vị phải thực tập theo phương pháp của Đức Thế Tôn dạy, mỗi khi mình lâm vào tình trạng đó, sắp nói câu đó, sắp làm như vậy thì mình phải trở về với hơi thở và mình nói rằng: “Cái tập khí đó, con voi hoang đó, con ngựa hoang đó, con cọp đó nó sắp xuất hiện, nó sắp thúc đẩy mình, xúi mình nói và làm như vậy”. Khi mình nhớ như vậy rồi, tự nhiên mình sẽ dừng lại được, sẽ không nói và không làm. Phương pháp đó đạo Phật gọi là nhận diện đơn thuần, chánh niệm có nghĩa là nhận diện đơn thuần. Khi mình thở vào và mình biết là mình thở vào, đó là mình nhận diện hơi thở. Khi mình bước một bước chân mà mình biết rằng mình đang bước một bước chân thì đó là nhận diện bước chân. Khi cơn giận phát hiện mà mình nhận diện được cơn giận, gọi là nhận diện cơn giận. Khi nỗi buồn phát hiện mình biết rằng nỗi buồn đang có đó tức là nhận diện được nỗi buồn. Vấn đề là vấn đề nhận diện, vấn đề không phải là tranh đấu hoặc là đàn áp cơn giận hay nỗi buồn, đạo Phật nói rằng: “Mình chỉ cần nhận diện nó thôi là nó không làm gì mình được”. Vậy khi tập khí bắt đầu lộ diện, mình biết nó sẽ xúi mình nói những câu như thế và làm những điều như thế. Mình nhận diện được nó thì nó không đủ sức để xúi mình nữa, rất là hay, cái đó gọi là nhận diện đơn thuần.

Đức Thánh Trần Hưng Đạo có người anh cả học thiền và tu thiền rất giỏi tên là Trần Quốc Tung mà chúng ta biết tới ngài qua danh hiệu Tuệ Trung Thượng Sĩ. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một nhà đạo học Việt Nam đời Trần, con của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo và của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, vợ của vua Trần Thánh Tông. Tuệ Trung Thượng Sĩ có làm nhiều bài kệ, bài kinh rất là hay, trong đó có một câu:Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ”. Nguyên văn là:Phóng trước liên ti phược hổ nhi”. Phược tức là trói lại, hổ nhi là con cọp, liên ti tức là tơ sen. Cầm một ngó sen bẻ ra làm hai, mình tưởng là nó đã rời ra hai khúc, nhưng thật ra giữa hai khúc vẫn còn những sợi tơ rất mỏng manh nối liền với nhau. Cho nên trong Kiều mới có câu:  “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Mình tưởng là mình cắt đứt với người đó rồi, ai dè nó vẫn còn vương vấn, nó vẫn còn những sợi tơ sen,dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”.

Tuệ Trung Thượng Sĩ nói rằng: “Một cái sợi tơ sen như vậy mà có thể trói được một con hổ, một con voi hoang”. Con voi hoang này tức là cái tập khí, nó xúi mình nói, mình làm những điều gây tan vỡ. Mà sợi tơ sen này là gì? Là phương pháp nhận diện đơn thuần, tức bằng hơi thở, bằng bước chân, mình nhận diện thói quen, cái tập khí đó. Mỗi khi nhận diện được nó thì nó không tác hại được nữa. Vì vậy mỗi ngày mình phải tập thở, tập đi, nhận diện hơi thở, nhận diện bước chân để mỗi khi tập khí đó ló đầu ra thì mình trở về được với hơi thở, mình trở về được với bước chân và mình nói: “À, cái tập khí đó hả, ta biết anh rồi, anh là con ngựa hoang trong ta, anh là con voi hoang trong ta, anh là con cọp hoang trong ta, anh không thể nào xúi ta nói được như vậy nữa đâu, anh không thể nào xúi ta làm được như vậy được đâu”. Đó là nhận diện đơn thuần, rất là hay! Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ là như vậy. Quý vị muốn đối phó với tập khí đó, quý vị mỗi ngày phải tập thở, nhận diện hơi thở, tập đi, nhận diện bước chân, để mỗi khi có cơn giận nỗi buồn ló đầu ra là mình nhận diện được ngay, “À, anh là cơn giận hả, anh là nỗi buồn hả, tôi sẽ chăm sóc anh, tôi sẽ không bị anh xúi đẩy để nói những lời và làm những điều gây tan vỡ đâu”, phương pháp đó gọi là nhận diện đơn thuần, gọi là chánh niệm, chánh niệm là Bụt soi sáng xa gần, hơi thở là Pháp bảo hộ thân tâm, năm uẩn là Tăng phối hợp tinh cần... Ngày mai các cháu sẽ được học tiếp bài Chắp Tay Búp Sen và có lẽ các thầy sẽ in ra để cho mọi người cùng học, bài đó rất hay. Bài đó là để cho người trẻ tụng kinh, tụng tới đâu thì hiểu tới đó.

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.