PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :


Bụt là lá chín - Pháp là mây bay

 

  • Tháng X 2007 - Chân Giác Quang & Chân Tịnh Minh  biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 29.04.2007 
    Ngày thứ ba trong khóa tu 3 ngày từ 27 đến 29 tháng 4.2007
    cho Tăng - Ni - Phật tử tại chùa Đồng Đắc - Ninh Bình
    Âm thanh MP3:
    Phần 1 (10.9MB)  Phần 2 (10.1MB) 
     

Các thầy và các sư cô sẽ xướng tụng bài Tào Khê, trước khi Sư Ông nói pháp thoại, bài Tào khê như thế này:

Tào Khê một dòng biếc
Chảy mãi về phương Đông
Quan Âm bình nước tịnh
Rửa sạch dấu phong trần
Cành dương rưới Cam Lộ
Làm sống dậy mùa xuân
Đề hồ trong cổ họng
Làm lắng dịu muôn lòng
Nam mô Bồ Tát Thanh Lương Địa

Tôi xin nói sơ lược về ý nghĩa bài này: “Tào khê là tên một dòng suối rất nổi tiếng ở châu Á, đó là truyền thống tâm linh mà đạo Phật gọi là thiền Tào Khê. Dân tộc chúng ta đã được nuôi dưỡng trong bao thế kỷ bởi dòng suối tâm linh, dòng thiền đó. Trong đời sống, chúng ta không phải chỉ cần tới cơm áo, nhà cửa, thuốc men mà cần có đời sống tinh thần, đời sống tâm linh. Nương vào Phật, Pháp, Tăng và dòng suối Tào Khê để chúng ta được nuôi dưỡng về phương diện tinh thần, tình cảm, lý tưởng, hạnh phúc. Từ hơn một ngàn năm, dòng Tào Khê đã là gia sản của nền văn hóa Việt Nam, trong bài ca dao “hôm qua ra đứng bờ ao” có nhắc tới dòng Tào Khê đó:

Hôm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Đêm đêm tưởng giải ngân hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.

Đá mòn nhưng tình thương, hiếu, nghĩa của mình không bao giờ mòn được. Hiếu và Nghĩa trong lòng người Việt Nam được nuôi dưỡng bởi dòng suối Tào Khê, chừng nào hiếu-nghĩa còn được nuôi dưỡng thì chừng đó mình còn có hạnh phúc. Ở Việt Nam, chùa gọi dòng thiền, dòng suối Tào Khê là cửa thiền hay thiền môn. Chúng ta tới chùa để uống dòng nước Cam Lộ, dòng nước Tào Khê, mỗi tuần mình được nghe pháp, được lễ Phật, được các thầy, các sư cô hướng dẫn tu học là mình được tiếp xúc với dòng nước Cam Lộ, dòng suối Tào Khê đó.

Trong bốn mươi năm giảng dạy đạo Phật ở bên Âu châu và ở bên Mỹ châu tôi đã đem nước suối Tào khê qua hiến tặng cho người châu Âu và người châu Mỹ. Có hàng triệu người đã trở thành Phật tử, thực tập theo Bụt, số đệ tử người Tây Phương của tôi đông hơn cả số đệ tử người Việt Nam, những người đó họ đã uống được nước của dòng Tào Khê. Khi có được chất liệu tâm linh, chất liệu tinh thần thì mình có thể tháo gỡ được những khó khăn, bức xúc, buồn giận trong lòng, không đối xử tàn nhẫn với những người mình thương, có thể nói năng dịu dàng, có thể lắng nghe được người mình thương, liên hệ giữa mình với người khác tốt đẹp, trong gia đình có nhiều hạnh phúc hơn. Cho nên dòng Tào Khê rất quan trọng!  

Khi tháo gỡ được những khó khăn, bức xúc, lo lắng, ganh tị ở trong lòng thì mình giúp được chồng mình, vợ mình, con mình, cha mình hay mẹ mình cũng có thể tháo gỡ được như mình. Tới chùa để tiếp nhận được dòng Tào Khê, mỗi bài pháp là một giọt nước Tào Khê. Cho nên trong đời sống ngoài chuyện cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men mình cần có nếp sống tâm linh, nếp sống tâm linh đó là: “ dòng Tào Khê, là nhà chùa, là Tam Bảo.” Bài tụng được dịch ra từ chữ Hán, Tào Khê một dòng biếc, một dòng suối trong vắt.

Tào Khê một dòng biếc,
Chảy mãi về phương Đông.

Đây là sản phẩm văn hóa của Đông Phương, mình đem ra chia sẻ với người Tây Phương. Người Tây Phương bây giờ bắt đầu thích đạo Phật lắm và có rất nhiều người tu theo đạo Phật. Trong phái đoàn của chúng tôi về hành đạo ở Việt Nam có rất nhiều thầy, sư cô và thiền sinh Tây Phương đến từ ba mươi nước trên thế giới (ngày hôm qua thầy Pháp Ấn, sư cô Chân Không đã giới thiệu một số các vị cho đại chúng ở đây rồi).        

Tào Khê một dòng biếc,
Chảy mãi về phương Đông,
Quan Âm bình nước tịnh,
Rửa sạch dấu phong trần
.

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là một người có tình thương rất lớn, ngài có khả năng lắng nghe tất cả những nỗi khổ niềm đau của mọi người và ngài cầm trong tay một bình tịnh thủy đựng nước Tào Khê, mỗi khi rãi lên một vài giọt thì những oan khổ, đau đớn, lo sợ của mình tan liền.

Quan Âm bình nước tịnh,
Rửa sạch dấu phong trần.

Cuộc đời của mình có nhiều gió sương, bụi bặm, khổ đau cho nên gọi là dấu phong trần. Chỉ cần một giọt nước trong bình tịnh thủy của đức Quan Thế Âm đủ rửa sạch hết dấu phong trần đó.

Quan Âm bình nước tịnh,
Rửa sạch dấu phong trần.
Cành dương rưới Cam Lộ,
Làm sống dậy mùa xuân.

Đức Quan Thế Âm dùng nhành dương liễu nhúng vào nước Cam Lộ đó và vẫy lên một cái thì cây khô biến thành cây tươi. Trong đời sống của mình có nhiều khi khô héo, buồn khổ, chán chường, không muốn sống. Nhưng nếu tiếp nhận được vài giọt nước của đức Quan Thế Âm thì mình sống dậy, có niềm vui, có hạnh phúc.

Cành dương rưới Cam Lộ,
Làm sống dậy mùa xuân.

Mùa xuân nằm ngủ ở trong mình, chưa chết đâu. Nếu mình tu, mình uống được nước Cam Lộ thì mùa xuân sống dậy.

Cành dương rưới Cam Lộ,
Làm sống dậy mùa xuân.
Đề hồ trong cổ họng,
Làm lắng dịu muôn lòng.

Đề hồ là thức ăn rất bổ dưỡng, là Cam Lộ, là Phật, Pháp, Tăng, thức ăn để cho mình khỏi đói. Chúng ta không phải đói cơm, đói áo mà chúng ta đói tình thương, đói hiểu biết, đói trí tuệ, đói từ bi. Hiểu biết tức là trí tuệ, tình thương tức là từ bi. Có những người trong chúng ta tưởng rằng: “trong cuộc đời chưa có ai hiểu mình, chưa có ai thương mình”. Những người như vậy là những người đói, đói hiểu và đói thương. Dòng Tào Khê có thể làm cho người đó bớt đói, bớt khát vì dòng Tào Khê cung cấp được cái hiểu và cái thương. Đề hồ là chất ngon ngọt của giáo pháp.

Đề hồ trong cổ họng,
Làm lắng dịu muôn lòng.

Ở trong truyền thống của chúng ta tin rằng: “có những con quỷ đói, bụng của nó phình lớn và cổ của nó nhỏ bằng cây kim. Nó đói suốt ngày, suốt năm, nhưng không có khả năng tiếp nhận thức ăn dầu thức ăn thật nhiều. Có câu thần chú gọi là khai yết hầu chơn ngôn, khi đọc với tình thương thì tự nhiên cổ họng của những con ma đói trở lại dung tích bình thường và bắt đầu tiếp nhận được hiểu và thương”.

Nhiều khi mình cung cấp cho nó hiểu và thương nhưng nó không tiếp nhận được, nó nghi rằng: “mình giả dối, mình không thật sự hiểu, mình không có thật sự thương”. Có nhiều đứa con như vậy, cứ nghĩ rằng: “bố không thật sự hiểu nó, không thật sự thương nó”. Nhưng mà kỳ thực bố thương, mẹ hiểu! Chúng ta đừng nghĩ rằng: “loài quỷ đói chỉ là loài đã chết rồi”. Có những chàng thanh niên, có những cô thiếu nữ đi bơ vơ trong cuộc đời, “cảm thấy chưa bao giờ được ai hiểu hết, chưa bao giờ được ai thương hết”. Đó là những con quỷ đói bằng xương bằng thịt! Nếu mình để ý thì xung quanh có nhiều lắm. Có nhiều thanh niên bây giờ rất đói hiểu và đói thương, thấy đời sống không có ý nghĩa gì nên đi tự tử. Ở bên Pháp mỗi ngày có hai mươi bốn, hai mươi lăm thanh niên, thiếu nữ Pháp tự tử. Bên Anh, bên Mỹ còn nhiều hơn nữa. Họ không phải vì đói cơm, đói áo mà vì đói hiểu và đói thương. Ở Việt Nam cũng có những chàng thanh niên, những cô thiếu nữ cảm thấy mình không được hiểu, được thương nên có nhiều đứa đã nhảy xuống sông tự tử. Rất là tội nghiệp! “Quỷ đói không phải chỉ bên cõi âm thôi, mà trong cõi dương nếu nhìn xung quanh sẽ thấy có những người đang rất là đói. Đi chung quanh cuộc đời để đi tìm một chút hiểu và chút thương”.   

Đề hồ trong cổ họng,
Làm lắng dịu muôn lòng.

Đó là nói đến công đức của đức Quan Thế Âm, ngài có thể ban phát cái hiểu và cái thương cho chúng ta. Niệm Nam mô Bồ Tát Cam Lộ Vị. Cam Lồ là nước trong bình tịnh thủy. Xin quý vị chắp tay lại, các cháu ngồi xuống, chắp tay búp sen nghe các thầy các sư cô xướng tụng bài Tào khê một dòng biếc.

 

Giếng nước thơm trong

Kính thưa các vị tôn đức các thầy, các sư cô và các Phật tử cư sĩ. Ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa có một cái núi gọi là núi Nưa, trên núi có một cái giếng rất là trong, chiều hôm qua tôi đi thăm cái giếng đó. Cách đây bảy mươi mấy năm tôi đã đi lên cái giếng đó một lần, giếng đó được gọi là Giếng Tiên, dầu trời nắng bao nhiêu đi nữa thì cái giếng đó lúc nào cũng có nước, nước rất trong và ngọt. Ngày xưa thì tôi với các học sinh khác phải leo năm giờ đồng hồ từ chân núi cho tới đỉnh núi, lúc đó tôi mới có mười một tuổi. Bây giờ đã có đường xe hơi đi lên tận đỉnh núi, cách đây khoảng vài giờ đồng hồ xe.

Có một hôm, tôi thấy trên bìa một tờ tạp chí Phật giáo có vẽ hình của đức Phật đang ngồi thiền, ngài ngồi rất thẳng, rất đẹp, ngài ngồi trên thảm cỏ và miệng ngài mỉm cười. Ngài ngồi thanh tịnh, ngồi an lạc, ngồi thoải mái, ngồi tươi mát thì tự nhiên trong trái tim của cậu bé có ước muốn là: “sau này mình lớn lên mình sẽ làm được như ông Phật, cũng ngồi thoải mái, an lạc, hạnh phúc như thế”. Lần đầu tiên hạt giống tu tập trong trái tim của cậu bé được tưới tẫm!

Mấy tháng sau thì trường tôi tổ chức một cuộc picnic cho tất cả học sinh, thầy cô giáo ở núi Nưa và tôi đã có cơ hội thấy được cái giếng ở trên đó. Núi Nưa cách trường học chúng tôi độ chừng bốn năm cây số. Ngày hôm đó chúng tôi dậy thật sớm, người nào cũng có cơm vắt, muối vừng và một chai nước lọc, vì nghe nói rằng: “núi leo lâu lắm mới tới, nửa đường sẽ khát nước, đói bụng”. Chúng tôi được tổ chức chia ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm năm đứa. Hồi đó học sinh con trai rất nhiều nhưng mà học sinh con gái rất là ít, trong lớp tôi gần năm chục học sinh mà chỉ có năm nữ sinh thôi, còn bao nhiêu là nam sinh hết. Ngày xưa người ta quan niệm rằng: “con gái chỉ cần ở nhà học thêu thùa, may vá, nấu nướng thôi, không cần phải tới trường đi học, không cần phải biết nhiều chữ”. Bây giờ quan niệm đó đã đổi rồi!

Hồi đó tôi còn nhỏ lắm, mới mười một, mười hai tuổi, nghe tin đồn: “trên núi Nưa nó có một ông đạo, ông thầy tu, ông đang tu để thành Phật”, thành ra trong trí óc của cậu bé rất là ham muốn biết: “ông tu như thế nào để thành Phật?”. Đó là mong ước của cậu bé mười một, mười hai tuổi. Cho nên đêm trước đó tôi nằm thao thức không ngủ được, mong cho trời mau trời sáng để được lên trên núi gặp ông đạo (ông thầy tu ở trong Nam gọi là ông đạo).

Mình phải leo qua nhiều ngọn núi, mà hồi nhỏ đâu có biết đi thiền hành như sáng hôm nay. Mình đi hấp tấp, mình vội vã cho nên mình mệt nhoài, mới đến lưng chừng núi thì mình uống hết nước, vì vậy cho nên mình khát quá trời. Lên tới đỉnh núi thì khát lắm, rất là khát! Lúc đó, các thầy giáo, cô giáo mới ra lệnh cho ngồi xuống, bày cơm vắt ra để ăn với nhau, từng nhóm năm người. Trong khi bốn đứa bạn kia (toàn là bạn trai hết) ngồi mở cơm nắm ra thì tôi có ý tưởng: “đi tìm gặp ông đạo”. Tôi đi về phía túp lều tranh và nghĩ: “có thể là nơi ông đạo đang tu hành, mình sẽ được gặp ông, nhìn thấy ông và hỏi ông một vài câu”. Nhưng khi tới nơi thì tôi rất là thất vọng, “nghe nói ông đi đâu mất rồi”!  Không thấy ông đạo, chỉ thấy các thầy cô giáo đang giở cơm ra ăn, không phải cơm nắm muối mè mà với thịt gà, làm tôi chán quá!

Tôi suy nghĩ, “Ông đạo này muốn tu một mình nên ông mới lên trên đỉnh núi, mà bây giờ thấy mấy trăm đứa con nít lên ồn quá cho nên ông mới trốn đâu đó?”. Tôi đi về phía mé rừng, đi xa hơn một chút, hy vọng tìm ra ông đạo để nhìn ông một cái, hỏi ông một câu: “tu như thế nào để thành Phật”? Đi một hồi thì nghe tiếng nước róc rách chảy, lần theo tiếng nước chảy thì khám phá ra cái giếng thiên nhiên, nước rất trong, xung quanh toàn bằng những tảng đá. Lúc đó tôi rất là khát, tôi quỳ xuống bên miệng giếng, vốc nước ở dưới giếng lên uống, “chưa bao giờ uống được một thứ nước nó trong, nó ngọt, nó mát như thế! Nó mát rượi hết cả tâm can của mình”! Hồi đó tôi đọc truyện thần tiên rất nhiều, nên mới tưởng tượng ra rằng: “ông đạo này ông trốn mọi người nhưng mà riêng với mình, ông biến ra thành cái giếng nước để cho mình được gặp riêng một mình ông”. Tôi rất lấy làm hạnh phúc, trong đầu với chuyện thần tiên: “ông đạo này có phép, ông đã biến ra thành cái giếng ngọt để cho mình được gặp gỡ và uống nước giếng đó”. Sau khi uống mấy vốc nước, tôi thấy khỏe trong người và không còn ước mong gì nữa hết! “Ngay cái ước mong gặp ông đạo cũng không còn nữa, tại vì đã  thỏa mãn hoàn toàn rồi”. Vì mệt quá nên mới nằm xuống được một chút thì tôi thiếp đi và tôi ngủ. Tôi còn nhớ là có những cành cây sà trước mặt mình. Tôi không biết là tôi ngủ được bao lâu? Nhưng mà “sự thật là tôi ngủ một giấc ngủ rất là sâu!  Tại vì khi tôi thức dậy thì tôi không biết là mình đang ở đâu? Một hồi sau mới chợt nhớ ra: “mình đang ở trên núi Nưa và mình vừa mới khám phá ra cái giếng của ông đạo...” Nghĩ đến bốn đứa bạn đang chờ mình xuống ăn cơm picnic chung với tụi nó, thành ra tôi phải miễn cưỡng đi xuống thôi nhưng mà kỳ thực lòng rất còn lưu luyến, còn muốn ngồi lại bên giếng nước thơm trong. Tôi thấy: “ông đạo này rất là đặc biệt, ông dễ thương với mình, ông đối đãi đặc biệt tử tế với mình cho nên ông biến ra một cái giếng để cho mình được gặp”. Tôi rất lấy làm biết ơn, nói tự đáy lòng: “ nước giếng này có lẽ là nước ngon ngọt nhất ở trên đời”.

Hồi đó chưa biết tới Tào Khê, chưa biết thiền là cái gì? Nhưng trong đầu đã nghĩ: “giếng này có một thứ nước rất là linh thiêng, rất là tuyệt diệu, khi uống vào được một ngụm thì tiêu tan hết những sầu khổ, những lo lắng của mình”. Lúc gặp mấy đứa bạn thì tôi rất là im lặng, tôi có cảm tưởng: ”nếu mình kể câu chuyện đó ra thì nó mất hay, mất hết vẻ linh thiêng”. Thành ra tôi giữ một mình trong trái tim cái câu chuyện bí mật đó. Bốn đứa kia cũng rất lấy làm ngạc nhiên, thấy anh chàng này bữa nay sao mà ít nói thế? “Kỳ thực là một bí mật đẹp, một bí mật thiêng liêng mà mình muốn cất giữ trong trái tim của mình và mình không muốn chia sẻ với bất cứ ai”.

Từ ngày hôm đó về sau ý chí muốn đi xuất gia càng ngày càng lớn, tôi bắt đầu đi tìm những cuốn sách, những bài giảng, những tạp chí về Phật học để học và bắt đầu ăn chay. Cuối cùng năm mười sáu, mười bảy tuổi thì được phép của bố mẹ cho đi xuất gia đến bây giờ, năm nay đã tám mươi hai tuổi, lần đầu tiên đó cách nay bảy mươi mốt năm. Buổi chiều hôm qua, tôi đã nhờ một anh Phật tử lái xe chở tôi về Nông Cống, chúng tôi đã leo lên trên đó và đã tìm ra được cái Giếng Tiên năm xưa, chúng tôi có chụp một số hình, đêm qua đã đem đi rửa và sáng nay đã có người đem tới cho xem hình chụp ở cái giếng đó. Vài thầy và vài sư cô đi chung đã được tôi múc nước từ giếng lên cho rửa mặt và uống. Nếu quý vị có thì giờ, quý vị có thể đi thăm Giếng Tiên trên núi Nưa, uống một ngụm như vậy, biết đâu mai mốt quý vị cũng có ý muốn xuất gia như tôi ngày xưa, tại vì bảy mươi mấy năm về trước tôi đã uống một ngụm như vậy.

 

Đi tu là một chí nguyện

Khi mình xuất gia tu đạo mà thành đạo thì mình giúp, mình độ không biết bao nhiêu người. Có những người ở trong những hoàn cảnh khó khăn, bức xúc, khổ đau. Vậy mà gặp mình trong năm mười phút, họ được tháo gỡ, họ hòa giải được với những người thân trong gia đình, họ có hạnh phúc. Vì vậy cho nên đi tu là một chí nguyện rất là lớn! Có nhiều người nghĩ rằng: “khi mình thất bại ngoài đời rồi mình mới đi tu”, cái đó không đúng! Ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa, ngài đâu có thất bại gì đâu? Ngài cảm thấy “có những cái khổ đau mà mình không có giải quyết được bằng chính trị, bằng quân sự, bằng tiền bạc. Có những khổ đau mà mình chỉ có thể giải quyết được bằng con đường tu thôi”. Ví dụ như quý vị có những lo lắng, buồn khổ, sợ hãi thì làm sao tiền bạc có thể chữa lành những cái đó, chỉ có tu thôi. Vì vậy cho nên Siddhatta đã bỏ ngai vàng để đi xuất gia tìm phương pháp giúp cho bản thân tháo gỡ được những sầu đau, lo lắng, buồn phiền, sợ hãi. Khi ngài thành đạo rồi thì ngài truyền lại phương pháp đó cho chúng ta. Chúng ta là những người học trò của Siddhatta, của Tất Đạt Đa, của Phật Thích Ca, chúng ta phải học được những cái mà ngài đã làm được, chứng được: “Bạch Đức Thế Tôn, ngày xưa ngài đã thực tập như thế nào mà ngài tháo gỡ được những sợ hãi, lo lắng, buồn phiền của ngài, ngài dạy cho con đi”! Trong kinh có rất nhiều bài giảng giúp cho chúng ta có thể thực tập để tháo gỡ những khó khăn, lo lắng, buồn đau, sợ hãi.

 

Trì danh niệm Phật - quán tưởng niệm Phật

Hôm nay các em thiếu nhi, các thanh niên, các thiếu nữ được phép ngồi trước! Khi chúng tôi dạy đạo Phật ở bên Tây Phương thì giới trẻ, thanh thiếu niên tới học rất là đông, người lớn tuổi ít lắm. Thường thường chúng ta nghĩ rằng niệm Phật là chỉ niệm bằng tiếng thôi, tức là niệm Phật bằng cách gọi tên ngài, gọi tên của ngài là A Di Đà, là Thích Ca Mâu Ni, là Quán Thế Âm, là Địa Tạng. Niệm Phật bằng cách gọi tên của ngài, chữ Hán gọi là trì danh niệm Phật. “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát...” đó gọi là niệm Phật bằng cách gọi tên. Nhưng mà có nhiều cách niệm Phật lắm chứ không phải chỉ có một cách gọi tên thôi. Bài mà các cháu học hát sáng nay cũng là niệm Phật, nhưng niệm Phật không phải bằng cách gọi tên, mà niệm Phật bằng cách hình dung, niệm Phật bằng cách quán tưởng, tức là mình hình dung Bụt như thế nào, Phật như thế nào. Không gọi tên Phật mà chỉ hình dung Phật thì gọi là quán tưởng niệm Phật hay quán tướng niệm Phật cũng được.

Chắp tay búp sen,
Con nhìn lên Bụt,

Tức là mình quán tưởng, mình hình dung.

Bụt đang ngồi yên,
Dáng Bụt rất hiền

Khi mình niệm Phật, mình phải thấy Bụt ngồi rất thẳng, ngồi rất yên và dáng rất là hiền. Khi mình thấy được cái đó thì tự nhiên mình cũng ngồi yên, dáng ngồi của mình cũng sẽ thẳng và mình cũng sẽ hiền như Bụt. Phương pháp niệm Bụt này không phải là gọi tên, không phải trì danh mà là quán tưởng hay là quán tướng (quán tướng là hình dung). Quý vị lâu nay thực tập niệm Phật trì danh tức là gọi tên, hôm nay quý vị thử niệm Phật quán tướng, mình không cần gọi tên ngài, mình không cần Nam Mô A Di Đà Phật mà mình hình dung ra cái tướng của Phật.

Chắp tay búp sen,
Con nhìn lên Bụt,
Bụt đang ngồi yên,
Dáng Bụt rất hiền.

Bụt là một người rất hiền, không bao giờ bạo động, không bao giờ đánh giết, la mắng, đàn áp, loại trừ ai. Đó là tinh thần từ bi, tinh thần bất bạo động, nếu không có từ bi, không có bất bạo động thì không thể gọi là Bụt được. Vì vậy cho nên nhìn thấy Bụt không những là nhìn thấy hình của ngài đang ngồi yên, ngồi rất thẳng, miệng mĩm cười mà thấy Bụt có rất nhiều tình thương và rất hiền từ.

Chắp tay búp sen,
Con nhìn lên Bụt,
Bụt đang ngồi yên,

Có nghĩa là con thấy Bụt đang ngồi yên.

Dáng Bụt rất hiền.
Bụt ngồi rất thẳng.

Mình là học trò của Bụt thì mình đâu có ngồi cong được, mình phải ngồi thật thẳng, nhưng không có cứng ngắt, đầu không cúi xuống, không ngước lên và phải ngồi cho thật thoải mái. Bây giờ chúng ta tập ngồi thẳng như Bụt, chúng ta là con trai, là con gái của Bụt, chúng ta phải học ngồi giống như Bụt vậy.

Bụt ngồi rất thẳng,
Hào quang tỏa chiếu
Trên vầng trán cao

Bụt có trán rất cao, biểu lộ ngài là người rất là thông minh, là người có trí tuệ rất lớn. Thấy giống như ánh sáng từ ngài phóng đi (phóng quang) gọi là quán tưởng (quán tưởng tức là hình dung ra). Cách niệm Phật như vậy là gọi là niệm Phật quán tưởng (một lối niệm Phật khác). Trán của ngài đang phóng ra những luồng hào quang của trí tuệ, nhờ trí tuệ mà có ánh sáng, nhờ ánh sáng mà chúng ta không có lầm đường lạc lối, đó là ánh sáng của trí tuệ và tình thương. Trí tuệ và tình thương nó soi đường cho mình, hể mình đi theo con đường của trí tuệ và tình thương thì mình không đau khổ, nếu mình đi ngược lại thì mình sẽ sa vào những hầm hố của khổ đau.

Chắp tay búp sen,
Con nhìn lên Bụt,
Bụt đang ngồi yên,
Dáng Bụt rất hiền.
Bụt ngồi rất thẳng.
Hào quang tỏa chiếu
Trên vầng trán cao
Hai mắt Bụt sáng.

 

Ngàn cánh hoa vô ưu 

Siddhatta, Tất Đạt Đa ngày xưa là một người học sinh rất là thông minh (Các cháu đừng có tưởng Bụt là một ông thần đâu nghe), ngài cũng là một đứa con nít như chúng ta, ngài cũng được sinh ra, mẹ ngài là hoàng hậu Maha Maya. “Một hôm, hoàng hậu Maha Maya nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên trời đi xuống. Trên không nhã nhạc vang lừng và tiếng ca hát chúc tụng của chư thiên vọng lên không ngớt. Con voi trắng đi xuống càng lúc càng gần, da của nó trắng như tuyết và vòi của nó quấn một đóa sen hồng. Con voi tới gần đưa đóa hoa sen đụng vào người hoàng hậu...”  Tự nhiên hoàng hậu thấy trong người sảng khoái lạ thường, có cảm tưởng rằng từ nay sẽ không bao giờ còn khổ đau, lo lắng và phiền muộn nữa. Chưa bao giờ hoàng hậu cảm thấy hạnh phúc đến như thế. Những tiếng hát ca của chư thiên và nhạc trời êm ái còn như văng vẳng bên tai. Hoàng hậu trỗi dậy, đi tìm vua Tịnh Phạn và kể lại cho vua nghe về giấc mộng thần kỳ, vua chia sẻ niềm vui với hoàng hậu. Sáng hôm ấy, nhà vua mời các đạo sĩ, nhà triết học và những thầy bà la môn nổi tiếng ở kinh đô vào cung để nhờ đoán mộng. Sau khi nghe kể, các vị đều nói: “Hoàng hậu sẽ hạ sinh một hoàng nam. Thái tử sau này sẽ là một người xuất chúng, là một bậc  vĩ nhân, thấu suốt được mọi lẽ huyền vi trong vũ trụ. Cõi đất chúng ta, đã chờ đợi từ lâu rồi một người như thái tử.”

Vào một ngày mùa xuân, hoàng hậu Maha Maya mới xin phép được đi về quê ngoại để mà sinh con (Tập tục ngày xưa bên Ấn Độ là người con gái có chồng phải về sinh con tại nhà cha mẹ). Đi chưa tới quê ngoại, mới tới được nửa đường, hoàng hậu và đoàn tùy tùng ghé vào nghỉ tại vườn Lâm Tỳ Ni. Trong vườn muôn hoa đang nở rộ, chim chóc đang ca hát vang lừng, có một cây vô ưu hoa nở rực đầy cành, hoàng hậu bước tới gần, thấy hơi choáng váng, vội đưa tay nắm chặt một cành cây vô ưu thì chuyển bụng và hạ sinh thái tử, đúng ngày trăng tròn tháng tư. Những người thị nữ cắt nhao, cắt rốn cho thái tử và đem thái tử xuống một cái hồ nước rất là mát để tắm. Tôi đã đến thăm vùng đó rồi, vườn Lâm Tỳ Ni và cái hồ nước đó vẫn còn.

Siddhatta (tên của Bụt hồi còn lạp sinh) lớn lên cũng học viết chữ, cũng học toán, cũng có thầy giáo, cũng có bạn học như mình. Trong số những người bạn học của Siddhatta có anh chàng tên là Devadatta, là em trong họ, anh chàng này thông minh lắm nhưng có nhiều lần tỏ vẻ ganh tỵ với Siddhatta. Một bữa đó Siddhatta đang chơi ở trong cung thấy một con thiên nga bị trúng tên từ trên trời rơi xuống. Siddhatta (tức là Tất Đạt Đa) thấy tội nghiệp quá mới chạy tới rút mũi tên ra, lấy lá thuốc gì đó nhai nhai rồi đắp vào vết thương con thiên nga và lấy cái áo len của ngài quấn cho con thiên nga đỡ lạnh. Lúc đó, anh chàng Devadatta đẩy cửa bước vào hỏi: “có thấy con chim rớt xuống đây không?” Siddhatta hỏi lại: “chim nào?”. Devadatta trả lời: “Có con thiên nga bay ngang qua bị em bắn trúng, hình như nó rơi xuống đây? Em phải đi tìm mới được! Devadatta vừa nói, vứa ngó quanh, ngó quất thì thấy con thiên nga đang được quấn trong cái áo len. Devadatta định chạy tới dành lấy con chim thì bị Siddhatta ngăn lại: "Em không được dành, con chim này là của anh”. Devadatta không chịu: “con chim này là của em tại vì em là người bắn rơi nó xuống”.  Siddhatta chặn trước mặt Devadatta và nói: “Con chim này bị thương, anh cứu nó, anh che chở cho nó, nó cần anh, chứ nó không cần em”. Devadatta đâu có chịu thua: “Con chim này, khi nó còn bay trên trời, thì nó không thuộc về ai cả. Em bắn nó rơi xuống, thì lý đương nhiên nó thuộc về em.” Siddhatta nghe tức lắm, thấy có cái gì sai trong đó, nhưng chưa biết sai chỗ nào? Siddhatta hít thở vài hơi, bỗng nhiên nghĩ ra cách trả lời như thế này: “Thói thường, những kẻ thương yêu nhau mới ở chung với nhau, còn những kẻ ghét bỏ nhau thì không bao giờ sống chung với nhau. Em có ý dữ muốn bắn giết con chim, như vậy em và con chim là những kẻ thù ghét nhau, làm sao con chim có thể ở chung với em được. Trong khi đó, anh cứu con chim, anh rịt vết thương cho nó, anh ấp ủ nó, và anh đang đi kiếm thức ăn cho nó ăn… vậy thì anh và con chim là những kẻ biết yêu thương nhau, anh và con chim có thể ở chung với nhau… như anh đã nói, con chim nó cần anh, chứ nó không cần em.”

Siddhatta thời còn nhỏ, hồi còn đi học đã có được tình thương rất là lớn rồi. Khi lớn lên thấy rằng “vua cha có rất là nhiều quyền hành, có rất nhiều tiền bạc. Nhưng mà những khổ đau ở trong gia đình, ở trong kinh thành, ở trong nước không giải quyết được. Những lúc người ta giận dữ, thù hận, giết nhau, tranh nhau, hại nhau thì vua cũng bất lực, có quyền cũng bất lực, có tiền cũng bất lực”. Cho nên thái tử Siddhatta mới phải đi tìm phương pháp để tháo gỡ những khổ đau đó. Những tham đắm, giận hờn, nghi kỵ, bạo động đâu thể giải quyết được bằng tiền bạc, quyền hành. Chỉ có con đường tu mới giải quyết được vấn đề. Vì vậy Siddhatta mới quyết định xuất gia đi tìm đạo. Cuối cùng Siddhatta đã thành công, đã trở thành bậc thầy của nhân loại. Chúng ta hôm nay đều là học trò của Siddhatta hết thì nên nhớ rằng: “Siddhatta trước hết là một bậc thầy chớ không phải là một ông thần!” Tại vì Siddhatta cũng đã sinh ra, cũng đã đi học, cũng đã từng đánh lộn, cũng đã từng khổ đau như chúng ta. Nhưng Siddhatta với tâm nguyện lớn lao đã tìm ra được con đường cứu khổ cho chính mình và cho cả nhân loại.

 

Chánh niệm là Bụt - Soi sáng xa gần

Khi học với Siddhatta, mình nói con về nương tựa Phật, tức là mình đi theo con đường của ngài, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

Chắp tay búp sen
Con nhìn lên Bụt
Bụt đang ngồi yên

Các cháu thấy không, Bụt đang ngồi yên, ngài ngồi rất yên. Ngài ngồi như ngồi trên đóa sen. Còn phần lớn chúng ta ngồi không yên, ngồi như ngồi trên đống lửa, mới có mười lăm phút đã động đậy, đã muốn đứng dậy.

Bụt đang ngồi yên,
Dáng Bụt rất hiền.
Bụt ngồi rất thẳng.
Hào quang tỏa chiếu
Trên vầng trán cao
Trí tuệ lớn lắm (đại trí).
Hai mắt Bụt sáng
Nhìn thấu lòng con

Mắt của Bụt rất sáng, ngài không nhìn khơi khơi và thấy khơi khơi đâu, ngài nhìn và ngài thấy được rất là sâu. Khi mình tu, hai con mắt mình có tuệ, cũng nhìn cái đó nhưng mình thấy sâu hơn người khác nhiều. Đó là con mắt tuệ (chữ Hán gọi là tuệ nhãn), mình có tu mới có con mắt tuệ, còn mình không tu thì chỉ có mắt thịt thôi (người trần mắt thịt), mắt thịt thì không thể thấy được những cái mà mắt tuệ thấy được. Cho nên người tu là cốt để làm sao cho có được con mắt tuệ.                     

Hai mắt Bụt sáng
Nhìn thấu lòng con
Thấy được niềm vui
Cũng như nỗi khổ

Ngài thấy được hết niềm vui và nỗi khổ của chúng sanh. Tuy là mình còn bé, mới mười, mười lăm, mười bảy, mười tám tuổi nhưng mình đã bắt đầu có những khó khăn, những khổ đau rồi. Khi Bụt nhìn mình Bụt thấy hết, đừng tưởng là có thể che dấu được ngài. 

Hai mắt Bụt sáng.
Nhìn thấu lòng con.
Thấy được niềm vui.
Cũng như nỗi khổ
.

Đó là mình đang quán tưởng, con mắt của Bụt, miệng Bụt mỉm cười. Không gì đẹp bằng nụ cười của Bụt. Hoa tuy đẹp, tuy tươi mát thật nhưng không có được nét đẹp, nét từ bi, sự tha thứ bao dung như nụ cười của Bụt. Mình là học trò của ngài, mình phải tập cười như thế nào để nụ cười vừa đẹp, vừa hiền.

Miệng Bụt mỉm cười
Nụ cười từ bi
Chứa đầy hiểu biết
Tha thứ bao dung
 

Mình mỉm cười mà trong cái cười của mình có tha thứ bao dung, hiểu biết và không trách móc. Hiểu biết rằng, vì hoàn cảnh anh phải làm như thế, tại anh chưa có người hướng dẫn, tội nghiệp anh quá! Bây giờ anh đã có người đưa đường, chỉ lối rồi, mong anh cơ hội chuyển hóa thân tâm, để anh có thể làm tốt hơn, tôi không trách anh đâu!” Đó gọi là hiểu biết, tha thứ, bao dung (bao dung tức là ôm lấy mà không trục xuất ra). Bao dung tức là mình ôm được người đó trong lòng, không đẩy người đó ra khỏi tình thương của mình. Tình thương của Bụt lớn lắm, ôm lấy tất cả muôn loài. Không những Bụt thương con người mà Bụt còn thương các loài động vật, thực vật, khoáng vật khác. Trái tim của Bụt là trái tim không có biên giới, tình yêu của bụt là tình yêu không biên giới. Còn trái tim của mình đôi khi  nhỏ bằng trái cam, đôi  khi bé tí xíu bằng hạt đậu vì thế nên mình không hạnh phúc. Trái tim càng lớn thì hạnh phúc càng lớn!

Có bài giảng về nắm muối, Bụt nói: “ví dụ bỏ một nắm muối vào trong một bát nước, bát nước sẽ mặn lắm, không uống được. Nhưng nếu liệng nắm muối đó xuống sông thì không đủ sức làm cho dòng sông mặn, nước sông vẫn tiếp tục uống được. Là tại vì sao? Tại cái bát nhỏ, chỉ chứa được một ít nước, trong khi dòng sông chứa được rất nhiều nước, dòng sông mênh mông. Vì vậy,  cho dầu mình có đổ cả thúng muối xuống sông, cũng không đủ để làm dòng sông mặn. Vấn đề là trái tim của mình nhỏ hay lớn thôi! Nếu trái tim mình nhỏ thì bất kỳ một lời nói hay cử chỉ nhỏ nào cũng có thể làm cho mình bực tức, đau khổ. Nhưng nếu trái tim mình rộng lớn như một dòng sông thì bất kỳ lời trách móc nào hay những hành động không dễ thương nào cũng không đủ làm cho mình khổ. Khổ hay không khổ là do trái tim của mình nhỏ hay lớn thôi! Mình là học trò của Đức Thế Tôn, mình nên sống, nên tu tập như thế nào để mỗi ngày trái tim của mình nó lớn dần lên. Nếu trái tim mình nhỏ như hạt đậu thì buồn lắm, mình sẽ đau khổ rất nhiều. Mình phải làm thế nào để có hiểu và có thương thì trái tim mình từ từ sẽ lớn lên, trái tim mình sẽ đi về hướng không biên giới, vô lượng tâm. Trong đạo Phật có danh từ tứ vô lượng tâm, từ, bi, hỷ, xả, là bốn chất liệu của tình thương lớn. Mỗi ngày mình làm cho những chất liệu từ bi hỷ xả lớn lên, trái tim mình tiếp tục lớn lên. Khi mình bao dung, ôm ấp, không loại trừ ra bất cứ ai thì lúc đó mình sẽ không còn khổ đau nữa. Không phải mình chỉ thương con người, mình thương các loài khác; không phải mình chỉ thương người Việt, mình cũng thương người Lào, người Thái; không phải mình chỉ thương người Phật tử mà mình thương luôn người Thiên Chúa giáo. Thương hết không kỳ thị, gọi là xả, xả tức là không kỳ thị, từ bi hỷ xả.

Đức Thế Tôn dạy về phương pháp thương yêu rất là hay, tôi có viết một cuốn sách gọi là Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy. Trong đó nói rất rõ về bốn đức từ bi hỷ xả, tu tập như thế nào để trái tim mình càng ngày càng lớn ra, ôm lấy được tất cả mọi loài, mọi người để trở thành tình yêu không biên giới. Nếu quý vị có cơ hội thì thỉnh cuốn sách ấy về đọc, Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, dạy về tứ vô lượng tâm, tức tình thương không biên giới.

Con mắt của Bụt rất là sáng, nếu mình biết tu tập hai con mắt mình cũng sẽ rất là sáng. Con mắt đó gọi là con mắt tuệ, chữ Hán gọi là tuệ nhãn. Còn nếu không tu thì mắt mình là mắt trần, mắt thịt (mắt làm bằng thịt thôi).

Hai mắt Bụt sáng
Nhìn thấu lòng con
Thấy được niềm vui
Cũng như nỗi khổ
Miệng Bụt mỉm cười
Nụ cười từ bi
Chứa đầy hiểu biết
Tha thứ bao dung.

Bao dung tức là ôm lấy hết, không có loại trừ bất cứ ai, đó là tình thương không biên giới.

Bụt là bậc thầy
Dạy thương dạy hiểu

Mình đừng có nghĩ Bụt là một ông thần để mình tới mình cúng bái! Trước hết phải thấy Bụt là một vị giáo sư. Mà giáo sư này dạy về gì? Không phải  dạy toán, dạy lý hóa hay dạy sinh học mà ngài dạy về thương và hiểu. Làm thế nào để hiểu và làm thế nào để thương? Hiểu tức là trí tuệ, mà thương tức là từ bi.

Bụt là bậc thầy
Dạy thương dạy hiểu
Bụt đã cho con nếp sống tâm linh
Suốt đời con nguyện noi theo ánh sáng của Bụt mà đi

Chúng ta có đời sống xã hội, đời sống kinh tế, đời sống chính trị, nhưng nếu chúng ta không có nếp sống tâm linh thì chúng ta sẽ khổ đau. Có nếp sống tâm linh chúng ta mới tháo gỡ được những khó khăn trong lòng. Bụt không có dạy về kinh tế học, xã hội học, chính trị học mà Bụt dạy về tâm linh, con đường của hiểu và của thương.

Bụt là bậc thầy
Dạy thương dạy hiểu
Bụt đã cho con nếp sống tâm linh

Tất cả các cháu tới chùa ngày hôm nay đều có nếp sống tâm linh hết. Các cháu đã chịu khó ngồi nghe sư ông giảng, tiếp nhận lời dạy của Bụt là các cháu bắt đầu có nếp sống tâm linh. Làm sao nuôi dưỡng nếp sống tâm linh mỗi ngày mỗi lớn? Phải đi chùa mỗi ngày chủ nhật! Vì vậy cho nên các thầy các sư cô trẻ có mặt hôm nay tôi xin giao trách nhiệm cho quý vị là: “sáng chủ nhật nào thì cũng phải tạo cơ hội cho các cháu thanh niên, thiếu nữ tới chùa  học hỏi như thế này để các cháu sớm có được đời sống tâm linh, để khi lớn lên các cháu có nhiều hạnh phúc”. Ở nhà thờ tuổi trẻ tới rất là đông, ở chùa thì tuổi trẻ không được chăm sóc nhiều, đó là một cái khuyết điểm ở bên Phật giáo.

Bụt đã cho con nếp sống tâm linh
Suốt đời con nguyện noi theo ánh sáng của Bụt mà đi

Bụt chỉ đường cho mình, giáo lý của ngài tức là ánh sáng, tức là quy y Phật. Quy y Phật tức là nhận Bụt làm thầy, đi theo thầy trên con đường thực tập hiểu và thương. Tự quy y Phật, mình phải nhận Phật làm thầy, mình phải đi theo con đường của Phật dạy. Làm thế nào để mỗi ngày hiểu biết và thương yêu càng lớn lên thì mới gọi là thật sự quy y Phật.

 

Hơi thở là Pháp - Bảo hộ thân tâm

Giáo pháp hướng dẫn mình làm thế nào để càng ngày càng hiểu thêm, càng thương thêm. Giáo pháp về hiểu và thương! Tại vì Bụt là giáo sư về hiểu và thương.

Con xin lạy Bụt đã ban cho con giáo Pháp pháp nhiệm mầu
Giúp con nuôi dưỡng tình nghĩa, hạnh phúc, nụ cười, niềm tin

Mình có tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa cha con, tình nghĩa mẹ con. Mình có hạnh phúc vợ chồng, hạnh phúc cha con, hạnh phúc mẹ con, hạnh phúc anh em. Nhưng nếu mình không tu tập thì tình nghĩa càng ngày càng ốm yếu, càng bị xoi mòn. Khi tình nghĩa, hạnh phúc bị xoi mòn thì bắt đầu biết khổ, bắt đầu làm khổ nhau. Buổi ban đầu mới cưới sao mà hạnh phúc thế! Người này nói với người kia “giời đất ơi, nếu không có em trong đời anh thì làm sao anh sống được. Em là hơi ấm, là cành hoa, là nguồn sống của đời anh…" Ban đầu rất đẹp, tình nghĩa rất đẹp, nhưng mà sống một hồi thì làm khổ nhau, “trời đất ơi, mình sống với bà này cho tới suốt đời chắc mình chết quá. Ngày xưa bà tươi như một đóa hoa bây giờ bà sao mà chua chát giống như một bà chằng thế này!” Lúc đó mình không nuôi dưỡng tình nghĩa và hạnh phúc. Ban đầu thì nói “nếu không có anh thì em làm sao sống nỗi!” Bây giờ thì nói “trời đất ơi nếu mà ông không cưới mình thì đời mình đâu đến nổi bệ rạc như thế này!” Đó là lỗ vốn, tại vì mình không biết tu, mình không biết nuôi dưỡng tình nghĩa, hạnh phúc, nụ cười và niềm tin. Ngày xưa cái gì mình cũng cười được hết, bây giờ mình cười không nổi. Có những người không có khả năng cười và nếu ráng cười thì cái miệng méo xẹo. Mình không có niềm tin nữa, không có niềm tin nơi chồng, nơi vợ, nơi bố, nơi mẹ, nơi gia đình… mình không còn hạnh phúc nữa. Như vậy là lỗ vốn! Tu tức là để nuôi dưỡng tình nghĩa mỗi ngày, tình nghĩa càng được nuôi dưỡng thì hạnh phúc càng lớn. Giáo lý của Đức Thế Tôn giúp cho chúng ta nuôi dưỡng được tình nghĩa.

Con xin lạy Bụt đã ban cho con giáo Pháp pháp nhiệm mầu
Giúp con nuôi dưỡng tình nghĩa hạnh phúc, nụ cười, niềm tin

Bắt đầu mình nghi ngờ là mình không còn hạnh phúc nữa, mình nghi ngờ cái lý tưởng của mình, mình nghi ngờ con đường của mình. Giáo lý của Đức Thế Tôn, trước hết là giúp mình nuôi dưỡng bốn cái: “nụ cười, niềm tin, tình nghĩa, hạnh phúc.” Nhưng mà giáo lý còn có thể giúp mình nhiều hơn nữa:

Dạy con biết thở
Ôm lấy niềm đau
Những lúc tâm con
Tham đắm giận hờn
Si mê ganh tị.

Đó là những cái rất là người, nếu không tu tập, không quán chiếu, không theo con đường Bụt đi thì những tham đắm giận hờn, si mê ganh tị cứ phát sinh ra, những khối khổ đau càng ngày càng lớn, “mình tự làm khổ mình và mình làm khổ người mình yêu, mình thương”. Thực tập theo lời Phật dạy để mỗi khi giận hờn, buồn bực là mình biết trở về với hơi thở, thở trong chính niệm. Trong khi thở mình chế tát được năng lượng chính niệm, mình nhận diện được nỗi khổ, niềm đau của mình; ôm lấy nỗi khổ niềm đau của mình mà không vung vãi lên người khác, không làm khổ những người thân của mình. Người biết tu là như thế! Mai mốt nếu ông có giận, có buồn, có bực tức thì “ông đừng có la mắng con cái, la mắng bà, ông trở về với hơi thở, ông thở cho nhẹ nhàng, ông đi cho nhẹ nhàng, ông dùng cái năng lượng đó ông ôm ấp nỗi khổ niềm đau của ông”,  đỡ cho ông lắm, đỡ cho bà và các cháu lắm. Bà cũng thế, mỗi khi có những niềm đau nỗi khổ, “mình đừng có nói gì hết, đừng có làm gì hết, trở về với hơi thở, tập đi thiền hành” như sáng hôm nay. Mình ôm lấy nỗi khổ, niềm đau nội trong năm mười phút nó sẽ lắng xuống, mình sẽ không làm khổ người mình thương. Điều đó rất là quan trọng! Giáo pháp dạy con biết thở để ôm lấy niềm đau những lúc tâm con tham đắm giận hờn, si mê ganh tị. Người tu thì biết cách đối phó với phiền não, tức si mê, tham đắm, giận hờn, ganh tị. Người không tu cứ để cho phiền não chiếm cứ mình, làm khổ mình, khi mình khổ thì mình làm khổ những người chung quanh.

Để con có thể làm chủ thân tâm
Vượt thắng cơn buồn
Làm vơi nỗi khổ

Quy y Pháp là phải làm được những điều mình vừa mới đọc mới gọi là quy y Pháp. Chứ còn nói rằng con về nương tựa Pháp mà mình không thực tập thì đó chỉ là quy y nơi miệng thôi chứ không phải quy y bằng hành động của mình.

 

Năm uẩn là Tăng - Phối hợp tinh cần

Bây giờ mình đi sang đoạn kế là quy y Tăng. Tăng thân tức là đoàn thể tu học. Chữ tăng ở đây có nghĩa là chúng, chữ tăng ở đây không có nghĩa là người xuất gia. Ở trong văn học của mình nói một vị tăng là một người xuất gia là không đúng. Chữ Tăng nguyên trong tiếng Phạn là chữ Sangha, Sangha nghĩa là đoàn thể, bất cứ một nhóm người nào cũng có thể gọi là Sangha, là tăng hết. Trong thời đức Phật, đoàn thể gồm có bốn yếu tố: xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam, tại gia nữ, bốn Sangha gọi là tứ chúng. Mình tu mình phải có tứ chúng, mỗi tuần mình phải họp nhau, nghe pháp thoại, đi thiền hành, tập thở, tập ngồi thiền, tụng kinh với nhau. Tất cả bốn đoàn thể đó gộp chung gọi là tăng thân. Mình nương tựa vào đoàn thể gọi là quy y tăng. Quy y tăng không phải chỉ là đi theo một vị xuất gia, Quy y tăng tức là phải cùng thực tập chung với một đoàn thể có nhiều thầy, nhiều sư cô, nhiều cư sĩ nam, nhiều cư sĩ nữ, mới gọi là quy y tăng.

Con xin trở về nương tựa tăng thân

Khi mà chúng ta đi thiền hành chung với một ngàn người, cái năng lượng rất là hùng tráng. Khi tụng kinh, sám hối với đông đảo đại chúng, năng lượng rất là lớn. Năng lượng tăng thân nuôi dưỡng, ôm ấp, bảo hộ mình, có tăng thân thì mình mới tu học lâu dài được. Vì vậy cho nên mình phải quy y tăng, sinh hoạt chung với tăng thân, tu một mình cũng được nhưng rất là khó. Khi mình tu chung với tăng thân sẽ dễ hơn rất nhiều. Cũng như đàn chim bay trên trời, nếu có một con chim bay một mình thì nó phải dùng sức rất là nhiều, còn nếu có hàng ngàn con chim cùng bay, nương vào nhau bay sẽ ít mệt hơn nhiều lắm. Chúng ta cũng thế, nếu chúng ta nương vào tăng thân mà tu thì năng lượng không mất nhiều mà dễ thành công hơn.

Con xin trở về nương tựa tăng thân
Tức là đoàn thể những người thực tập theo Bụt

Chúng ta là học trò, đệ tử của Bụt hết, chúng ta hợp lại, chúng ta trở thành tăng thân. Nương tựa tăng thân có lợi ích gì? Để được nâng đỡ, để được soi sáng trên đường học hỏi đạo lý nhiệm mầu! Chúng ta có các thầy, các sư cô, những người anh, những người chị ở trong đạo và chúng ta thân cận những người đó. Những người đó có thể đóng góp ý kiến, soi sáng cho chúng ta: “chị có những khổ đau này,  chị nên thực tập theo pháp môn này. Anh có những ước vọng kia, anh có thể thực tập theo cái pháp môn kia”. Chúng ta soi sáng, nâng đỡ cho nhau, đó là cái chúng ta thừa hưởng được khi mà chúng ta có một tăng thân. Con đường của mình là con đường học hỏi giáo pháp của Bụt, Nếu mình đi một mình thì mình sẽ có những khó khăn. Nếu mình cùng đi chung với các thầy các sư cô, các bạn tu người nam cũng như người nữ, để được học hỏi chung, để được soi sáng chung thì chúng ta sẽ dễ thành công hơn. Cho nên quy y Phật chưa đủ, quy y Pháp cũng chưa đủ, mình phải quy y Tăng. Nếu mình giỏi, ở địa phương mình, mình  tổ chức một nhóm người cùng tu chung. Những đạo tràng cùng tu chung với nhau gọi là xây dựng tăng thân và quy y tăng.

Bây giờ các cháu hát lại bài này từ đầu tới cuối được không? Các cháu hiểu bài này rồi, sư ông muốn các cháu mỗi tuần đến chùa lễ Phật nên hát hoặc là tụng bài này (bài này vốn là một bài tụng, nhưng mà sau đó được phổ nhạc thành bài ca). Mời thầy Pháp Niệm, sư cô Định Nghiêm ra hướng dẫn cho các em tụng và hát bài này. Bây giờ sư cô Định Nghiêm cùng hát với các cháu, các bác các chú cùng hát theo, sau đó chúng ta học tụng.

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.