PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :

Uy quyền và Hạnh phúc

  • Tháng 01.2008 - Minh Niệm biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 3.05.2007 
    tại Câu lạc bộ Giao Lưu Kinh Tế - Hà Nội
    Âm thanh MP3:
    Phần 1 (12.7MB) Phần 2 (7.3MB) 

 

Lời hứa chưa thực hiện được     

Kính thưa các vị thiện tri thức, kính thưa các vị khách quý. Federic là một thương gia người Đức, rất có tài và cũng là một người có trách nhiệm. Anh ta chỉ mới trên bốn mươi tuổi thôi nhưng đã đạt được những thành quả thật là lớn trong sự nghiệp doanh thương của anh ta. Claudia lúc ban đầu rất hạnh phúc được làm vợ của một  thương gia tài ba, rất  hạnh phúc mỗi khi tổ chức những  buổi tiếp tân, rất bằng lòng trong địa vị phu nhân của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Và hai người tin tưởng rằng họ sẽ có rất nhiều hạnh phúc trong tương lai.

 

Nhưng doanh nghiệp của Federic đòi hỏi rất nhiều thì giờ và  năng lượng của ông. Cố nhiên khi mình là một nhà doanh thương hay là một nhà chính trị thì mình muốn thành công và thành công lớn. Cho nên doanh nghiệp của Federic  giống như là một nhà độc tài, nó muốn chiếm độc quyền tất cả thì giờ và năng lượng của Federic. Sau một thời gian thì Claudia cảm thấy rất  đơn độc, lẻ loi, vì Federic không còn thì giờ cho bản thân, cho vợ và cho hai con nữa. Có những đêm Claudia khóc với chồng, nói rằng anh bận quá và anh không có thì giờ cho em và cho các con. Anh phải làm sao, anh phải sắp đặt như thế nào để anh có thì giờ để sống, để có mặt với em, với các con chứ. Thì Federic trả lời là hiện bây giờ đây không có ai có thể thay thế anh được, anh là người duy nhất có thể điều khiển đượcdoanh nghiệp quan trọng này, em hãy chờ, các con hãy chờ. Anh sẽ cố gắng xếp đặt tìm người phụ tá thay thế và lúc đó anh sẽ có thì giờ nhiều cho em và cho các con.  Federic cứ lặp đi lặp lại lời hứa đó. Nhưng lâu ngày lâu tháng vẫn chưa có thể thực hiện được.

 

Một hôm con trai của Federic đi vào nhà thương để mổ tim, cuộc giải phẩu kéo dài bảy giờ đồng hồ, một mình Cladia ở với con trai và Federic không thể bỏ công việc để về với con được. Claudia rất  buồn khổ, ngày khác Claudia đi vào trong nhà thương để  giải phẩu mộtbướu thì Federic cũng không về được. Sống trong cô đơn bị bỏ rơi, Claudia tìm cách  khuây khỏa,  ghi tên vào một trường đại học để học thêm mộtbằng tiến sĩ nữa. Cô đã học tâm lý học trị liệu. Sau đó Claudia cũng đi làm nhà tâm lý trị liệu để giúp cho những người khác. Và Claudia cũng làm những công việc xã hội từ thiện để cho khuây khỏa. Nhưng tất cả nhữngđó không đủ làm cho Claudia có hạnh phúc.

 

Lời hứa của Federic chưa thực hiện được thì một hôm Federic lâm vào tai nạn xe hơi và qua đời lúc năm mươi mốt tuổi. Và chỉ nội trong ba hôm là người ta tìm ra được một vị giám đốc khác thay thế. Federic cứ tưởng rằng mình là người duy nhất có thể điều khiểndoanh nghiệp, nhưng sự thật không phải như vậy, người khác cũng có khả năng thay thế được Federic.

 

 

Sử dụng quyền lực 

Chúng ta thường tin tưởng rằng  sự thành công của chúng ta trong sự nghiệp chính trị, sự nghiệp doanh thương, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp quân sự, v.v … là  nền tảng của hạnh phúc. Và khi  chúng ta thành công thì chúng ta sẽ có rất nhiều uy quyền, vì tiền bạc đưa lại rất nhiều uy quyền. Và uy quyền có thể đưa lại nhiều danh vọng. Tất cả nhữngđó chúng ta nghĩ rằng sẽ giúp chúng ta làm được tất cả những gì chúng ta muốn làm.

 

Nói tới uy quyền thì ai có nhiều uy quyền bằng tổng thống George Bush  bây giờ ? Hoa Kỳ là một cường quốc có một nền kinh tế và quân sự rất mạnh. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào con người của tổng thống Bush, chúng ta thấy rằngquyền lực đó không  đủ để làm cho tổng thống Bush được hạnh phúc. Hoa Kỳ hiện bây giờ đang kẹt vào những tình huống rất khó khăn, ở Iraq chẳng hạn, tôi tin chắc rằng ban đêm ông không ngủ ngon được. Tại vì mỗi ngày đều có những thanh niên Hoa Kỳ chết ở bên đó và mỗi ngày đều có hàng chục hàng trăm người chết vìcuộc can thiệp của Hoa Kỳ vào trong nội bộ của Iraq, tình trạng thật là khó khăn, khạc không ra mà nuốt cũng không vào.

 

Jack Pusso  nói rằng  người  có quyền lực lớn nhất cũng cảm thấy mình không có đủ quyền lực để  làmgì mình muốn. Và khi có quyền lực, chúng ta hay lạm dụngquyền lực đó, gây ra khổ đau cho chính bản thân và cho những người khác.

 

Khi chúng ta làm cha, chúng ta có quyền của người cha. Chúng ta có thể sử dụngquyền lực đó để bắt đứa con của mình làm theo ý mình. Mà chúng ta cũng có thể lạm dụngquyền của người cha để gây khổ đau cho con và gây khổ đau cho chính bản thân. Người thầy có thể lạm dụng quyền lực của người thầy để áp đặt lên học trò mình nhữngmà học trò của mình không muốn. Người cảnh sát công lộ, người cán bộ cũng có thể lạm dụngquyền lực của mình để gây khổ đau cho người khác và để gây khổ đau cho mình. Quyền lực nhỏ hay lớn cũng là quyền lực. Một khi  mình không  biết sử dụngquyền lực đó thì mình gây khổ đau cho mình và cho những kẻ khác.

 

 

Hiện pháp lạc trú

Hôm qua chúng ta đã nghe về  phép thực tập an trú trong giây phút hiện tại. Chúng ta đã nghe rằng có những người không có khả năng sống trong giây phút hiện tại, họ bị quá khứ ám ảnh, họ luôn luôn tiếc nuối quá khứ hoặc là sầu thương về quá khứ. Và quá khứ trở thành mộtngục tù. Có những người khác lại bị tương lai trói buộc, bị tương lai giam hãm, chỉ nghĩ đến sự thành công của mình trong tương lai và để hết tất cảthì giờ và năng lượng của mình cho tương lai mà không có khả năng sống trong giây phút hiện tại.

 

Trong  giáo lý đạo Phật có  phương pháp gọi là hiện pháp lạc trú. Hiện pháp lạc trú nghĩa là chúng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Vào đời của đức Thích Ca có một vị thương gia tên là Anathapindika, một thương gia rất tài ba và thành công. Thương gia này vốn tên là Sudatta. Dân chúng tặng cho ôngmỹ hiệu Anathapindika  vì ông có một tấm lòng rất nhân từ, ông ta chăm lo cho tất cả những người cô độc neo đơn, những em bé mồ côi, những cụ già những người bệnh tật ở trong thành phố tại vương quốc Savatthi. Mỹ hiệu đó, tiếng Việt là Cấp Cô Độc, trưởng giả Cấp Cô Độc, trưởng giả tức là một phú gia, Cấp Cô Độc tức là cấp dưỡng cho những người neo đơn cô độc ở trong xã hội. Ông ta có một tình thương rất lớn. Ông ta để khá nhiều thì giờ và tiền bạc để thương yêu và trợ giúp cho dân chúng ở trong nước. Không phải vì vậy mà ông ta nghèo đi. Tại vì có tình thương có sự tin tưởng của người khác cho nên ông làm ăn rất  thành công. Tuy vậy ông vẫn có thì giờ để đến nghe Phật thuyết pháp và tu tập, ông cũng đã khuyến khích vợ và các con đến chùa để nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp. Tất cả đều thực tập theo pháp môn của Phật dạy. Có một thời kỳ khủng hoảng kinh tế làm ông  sạt nghiệp, đó là  lẽ vô thường của sự sống, thế nào cũng có những thời kỳ như thế. Ông  sạt nghiệp nhưng ông  không  lo sợ, không  buồn khổ. Nhiều bạn của ông đã tới giúp ông gây lại sự nghiệp một cách rất  dể dàng và mau chóng. Ông đã đầu tư vào tình thương, vào tình bạn,  cho nên khi ông thất bại về doanh nghiệp ông không thua lỗ, ông vẫn có thể đứng lên được trở lại.

 

Có một lần ông đưa  khoảng mấy trăm người bạn trong giới doanh thương đến để thăm Đức Thế Tôn. Nhân cơ hội này Phật mới giảng cho các nhà doanh thương một bài giảng mà chúng tôi có dịch ra tiếng Việt dướitựa đề là Kinh Người Áo Trắng. Ở  Ấn Độ những người đệ tử xuất gia thì mặcmàu khác, còn những người đệ tử tại gia thì mặc áo trắng, cho nên Kinh Người Áo Trắng nghĩa là kinh dạy cho những người cư sĩ sống ở trong cuộc đời. Trong kinh này Đức Thế Tôn đã dùng cụm từ hiện pháp lạc trú tới năm lần. Hiện pháp lạc trú nghĩa là chúng ta có thể sống an lạc hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại mà không  cần phải nghĩ tới tương lai, hay nghĩ rằng trong tương lai chúng ta mới có hạnh phúc. Nguyên ngữ bằng tiếng Phạn là Drstadharmasukhavihara  nghĩa là sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Tại vì Đức Thế Tôn biết rằng các nhà doanh thương hay nghĩ tới tương lai và nghĩ rằng khi mình thành công hoàn toàn thì mình mới có hạnh phúc mà không biết rằng trong hiện tại mình đã có dư dã những điều kiện để có hạnh phúc.

 

Bài tập mà tôi thường hay đưa cho các thiền sinh về  vấn đề này là yêu cầu họ viết lên một mặt trang giấy những  điều kiện hạnh phúc mà họ nghĩ rằng họ chưa có. Bên trang kia  những điều kiện hạnh phúc mà họ đang có. Và tất cả mọi người đều ngạc nhiên khám phá ra rằng những điều kiện hạnh phúc mình đang có nó quá nhiều. Tại vì mình mãi miết chạy về tương lai, mình không có ý thức được rằng mình có rất nhiều điều kiện hạnh phúc trong giây phút hiện tại, giẫm lên trên những điều kiện đó mà đi. Và mình cứ nghĩ rằng hạnh phúc bây giờ là chưa được đâu, ta phải cố gắng nhiều nữa thì mới có hạnh phúc được, bây giờ đến ngày phong lưu, phong lưu là trong tương lai kia, nhưng mà trong giây phút hiện tại thì không có thể nào phong lưu được.

 

Hiện pháp lạc trú là một giáo lý rất là căn bản của đạo Phật. Thế nhưng có rất nhiều Phật tử cứ nghĩ rằng chỉ khi nào mình được sinh sang cõi Tịnh Độ thì mình mới thật sự có hạnh phúc. Còn trong khi mà sống trong cõi đời này thì mình phải chịu dựng, chịu đựng và chịu đựng mà thôi. Nếu chúng ta nghĩ như thế thì chúng ta đi trái với nguyên tắc căn bản của đạo Phật. Đức Thế Tôn đã từng nói:

Đừng tìm về quá khứ,

Đừng tưởng tới tương lai,

Quá khứ thì không còn,

Tương lai thì chưa tới,

Kẻ thức giả an trú,

Vững chãi và thảnh thơi,

Trong giây phút hiện tại.

 

Tôi thở vào và tôi ý thức được rằng tôi có hai con mắt còn sáng, tôi thở ra tôi mĩm cười với hai con mắt còn sáng của tôi. Hai mắt của tôi là một điều kiện của hạnh phúc, có mộtthiên đường của màu sắc và của vạn vật. Tôi chỉ cần mở hai con mắt tôi ra là tôi có thể tiếp xúc được với trời xanh mây trắng, tôi chỉ cần lắng tai nghe là tôi nghe được chim hót thông reo. Khi mình có hai mắt thì mình có thể đi vào trong thiên đường của màu sắc của hình ảnh. Chỉ khi nào mình bị mù rồi, không có thấy gì hết thì mình mới tiếcthiên đường ngày xưa mà thôi. Cho nên hai mắt của mình là một trong những điều kiện của hạnh phúc.

 

Trái tim của tôi, thở vào tôi biết là trái tim của tôi đang có mặt, thở ra tôi mĩm cười với trái tim tôi. Trái tim tôi là một  cơ quan  đang hoạt động bình thường không có vấn đề. Nó làm việc hai mươi bốn giờ một ngày để nuôi dưỡng tất cả những tế bào trong cơ thể tôi, tôi còn có thì giờ để ngủ nhưng mà trái tim của tôi nó làm việc hai mươi bốn giờ đồng hồ không ngưng nghỉ. Khi  tôi tiếp xúc với trái tim của tôi và tôi thấy nó là một trái tim lành mạnh hoạt động bình thường thì tôi biết rằng nó là một điều kiện của hạnh phúc của tôi. Có những người không có một trái tim như thế và họ rất là lo lắng, họ có thể bị đứng tim bất cứ lúc nào, bị khủng hoảng tim bất cứ lúc nào. Ước mơ sâu sắc nhất của họ có thể là có được một trái tim bình thường như trái tim của chúng ta. Vậy thì có chánh niệm nghĩ tới trái tim và biết rằng mình có một trái tim bình thường khỏe mạnh thì mình biết rằng đó là một điều kiện hạnh phúc thứ hai. Mình biết rằng mình phải bồi dưỡng, mình phải bảo vệ điều kiện hạnh phúc đó, mình không  nên hút thuốc, không nên uống rượu, không  nên thức khuya quá. Tại vì hút thuốc uống rượu là hành động không  thân hữu, không  thân thiện đối với trái tim của mình.

 

Lá gan của tôi cũng vậy, lá gan đang hoạt động rất  tốt, nếu mà tôi ăn quá nhiều chất mỡ, nhiều chất độc thì tôi hại lá gan của tôi. Nếu chúng ta nhìn vào nội thân, chúng ta sẽ thấy rằng có không biết bao nhiêu là điều kiện của hạnh phúc mà tôi đang có. Và nhìn xung quanh chúng ta có thể thấy được chúng ta có bao nhiêu  điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Nếu ta biết ý thức sử dụng những điều kiện đó thì ta có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Những người biết tu tập họ sử dụng  hơi thở của họ gọi là hơi thở có ý thức, họ sử dụng  bước chân của họ có ý thức để họ trở về với giây phút hiện tại. Mà khi trở về với giây phút hiện tại thì họ tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút đó. Có thể nuôi dưỡng, có thể chũa trị được cho thân tâm của họ. Họ thấy rằng những  điều kiện hạnh phúc họ đang có và họ có thể sống hạnh phúc được trong giây phút hiện tại.

 

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có quyền thiết kế cho tương lai. Chúng ta có quyền thiết kế cho tương lai nhưng mà chúng ta phải làm công việc đó trên  nền tảng hạnh phúc hiện tại. Nếu chúng ta không có hạnh phúc, nếu chúng ta không có an lạc trong giây phút hiện tại, sự thiết kế của chúng ta sẽ được thực hiện trên căn bản của lo lắng của sợ hãi, thì những thiết kế đó không phải là những thiết kế thông minh. Cho nên hạnh phúc trong giây phút hiện tại là nền tảng cho hạnh phúc của tương lai.

 

 

Doanh nghiệp và từ bi

Đạo Phật không  chống lại  việc làm giàu. Thương gia Cấp Cô Độc và các bạn của ông  vẫn tiếp tục theo đuổi  sự nghiệp doanh thương của mình. Nhưng nhờ tiếp xúc với Đức Thế Tôn. Họ đã đem vào trong đời sống của họ một chiều hướng tâm linh giúp cho họ sống được hạnh phúc trong giây phút hiện tại, có thì giờ cho mình có thì giờ cho gia đình, có thì giờ để chăm sóc những người thương của mình, không làm như anh chàng Federic ở bên Đức. Claudia đã tới với một khóa tu của chúng ta, Claudia đã khóc và đã kể lại hết câu chuyện.

 

Trong báo Fortune, một tờ báo của các nhà doanh thương bên Mỹ, Fortune có nghĩa là cơ nghiệp, mỗi năm người ta lập ra danh sách một trăm  doanh nghiệp thành công nhất ở trên thế giới, cứ mỗi năm họ làm một  danh sách như thế. Và người ta có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đó. Khi người ta nghiên cứu về một trăm doanh nghiệp trong  bảng danh sách đó thì người ta thấy có một điểm chung là những  doanh nghiệp đó có một  chiều hướng từ bi và tình thương ở trong sự vận hành của chúng nó. Cố nhiên  mục đích của doanh thương là lợi nhuận. Nhưng khi mình điều khiển doanh nghiệp mình với một trái tim từ bi, với một tinh thần trách nhiệm, với một chiều hướng tâm linh thì doanh nghiệp đó còn thành công hơn những  doanh nghiệp khác, điều này mới là một điều cần phải nói đến. Doanh nghiệp đó nghĩ tới môi trường, có ý hướng bảo vệ môi trường. Cho nên dân chúng rất  thích tiêu thụ những sản phẩm của doanh nghiệp đó, tại vì doanh nghiệp đó biết bảo vệ môi trường doanh nghiệp đó biết lo lắng cho các gia đình của tất cả những thành phần trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đủ thì giờ và tiền bạc để lo lắng cho con của những công nhân. Khi công nhân có những vấn đề bức xúc về tinh thần thì họ có bác sĩ tâm lý trị liệu chăm sóc. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhìn  doanh nghiệp của mình như là một gia đình của mình và cư xử rất thân ái với tất cả những nhân viên của doanh nghiệp. Nhà doanh nghiệp đó có thì giờ cho mình, có khả năng có hạnh phúc trong giây phút hiện tại, nhà doanh nghiệp đó có thì giờ để thương yêu để chăm sóc để đùm bọc không những gia đình của mình mà tất cả thành viên khác của doanh nghiệp của mình. Vì vậy đừng nói rằng khi mình có tình thương, khi mình có ý thức về môi trường khi mình có lòng từ bi, khi mình có tu tập thì doanh nghiệp của mình  ít lợi nhuận hơn, sự thật là  trái lại. Khi mình biết điều khiển doanh nghiệp mình với trái tim từ bi, với một  ý thức về môi trường, với  khả năng tạo không khí hạnh phúc ở trong doanh nghiệp, thì  doanh nghiệp đó có thể thành công hơn những doanh nghiệp khác. Và tất cả thành viên trong doanh nghiệp đều hành xử theo tinh thần ăn cây nào rào cây ấy, một ngạn ngữ Việt Nam.

        

Vậy thì  phương pháp nào để giúp cho những Federic chuyển hướng, để giúp cho những Federic trong tương lai đừng  đi vào vết chân của Federic trong quá khứ. Federic cần phải thở vào và phải có ý thức rằng mình có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại, mình không cần phải đợi tới tương lai mới có hạnh phúc. Thành công tuy là quan trọng  nhưng thành công quan trọng nhất là có hạnh phúc cho mình và cho những người thương của mình ngay trong giây phút hiện tại. Cho nên Federic phải có thì giờ cho chính mình, cho vợ mình và cho con mình.

 

Tôi biết có một cậu bé mười hai tuổi, bố nó nói này con ngày mai hình như là sinh nhật của con phải không. Cậu bé nói đúng như thế đó bố. Con muốn quà sinh nhựt gì bố mua cho. Thì chú bé này ngần ngừ không biết trả lời làm sao, bố mình là một người giàu, rất là giàu, có thể mua cho mình bất cứ thứ gì, một chiếc môtô chẳng hạn. Nhưng  chú bé cảm thấy mình không cần gì hết, có một cái mình rất cần nhưng mà mình xin chắc không được đâu, đó là sự có mặt của bố. Bố là một nhà doanh thương rất là giàu nhưng bố không có thì giờ cho mẹ và cho các con, mình có bố mà giống như là không có bố. Vì vậy  sau mấy phút lưởng lự thì cậu bé đó, vốn là một cậu bé Mỹ, mới nói rằng “I want you”, mà con muốn là bố, sự có mặt của bố, vì bố thường không có mặt với con. Câu nói đó  nói lên một sự thật là người ta rất cần tình thương mà tình thương trước hết là sự chú ý.

 

Trong  đường hướng tu tập mà đức Phật nêu ra thì chúng ta phải có mặt cho chính chúng ta. Có khi thân của chúng ta ở đây mà tâm của chúng ta nó rong ruổi ở nơi khác, nó bị kẹt trong quá khứ, nó bị kẹt trong tương lai, nó bị kẹt vào trong những  dự án, những lo lắng, những  sầu khổ. Và tâm không có mặt ở đó để mà thấy được những gì đang xãy ra trong giây phút hiện tại để quản lý, để đáp ứng lại được với những nhu yếu của chính mình. Xin mời liệt vị thở trong nửa phút trước khi chúng ta tiếp tục.

 

 

Bốn câu thần chú

Khi mình thương yêu ai, thì món quà quý nhất mà mình có thể tặng cho người mình yêu thương là sự có mặt của mình, sự có mặt tươi mát của mình. Người cha đó có thể mua bất cứ một món quà nào cho đứa con. Nhưng  đứa con  không  muốn món quà nào hết, món quà nó cần thật sự là sự có mặt đích thực của người cha. Có khi người cha ngồi đó nhưng mà người cha chỉ là xác không hồn, hồn của người cha  bị con ma tương lai níu kéo và bắt rồi. Thành đứa bé tới vỗ vào vai của ba nói rằng có ai ở nhà không, để gọi hồn của ba về. Vậy thì nếu ông bố mà biết tu tập thì ông bố sẽ thở vào một hơi có ý thức rồi thở ra với một nụ cười có ý thức và đem tâm trở về với thân, thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Và bước vài bước đến gần đứa con, để tay trên đầu nó, vai nó, nhìn vào mắt nó và nói : Con ơi bố đang có mặt cho con đây này. Đó là  món quà quý nhất mà một người thương có thể hiến tặng cho một người thương.

 

Tôi xin đề nghị ông chiều nay áp dụng  bài thực tập đó, khi về nhà ông thở vào một hơi thở rất  nhẹ nhàng đem tâm trở về với thân, buông thư và thở ra một hơi, mĩm cười và nhìn bà ông đọc câu thần chú đó. Câu thần chú này không cần phải đọc bằng tiếng Phạn, đọc bằng tiếng Việt thôi, em ơi anh đang có mặt thật sự cho em đây này, đó là món quà rất lớn. Và đó là sự thực tập chánh niệm, chánh niệm tức là có mặt trong giây phút hiện tại, bà cũng có thể làm như thế. Bà thở vào một hơi, buông thư thở ra rồi bà mĩm cười cho tươi thật tươi, bà đi một vài bước cho thảnh thơi rồi bà đặt tay trên vai ông, bà nói : anh ơi, anh có biết là em đang có mặt cho anh đây không, đây là món quà quý nhất của em cho anh đây này, đó là sự thực tập, đó là tu đấy, chứ không phải tu tức là đốt hương rồi lạy liên hồi như thế gọi là tu. Và vì vậy cho nên mình phải có mặt cho mình rồi mình mới có thể có mặt cho người khác tức là người thương của mình hơi thở đầu tiên và hơi thở thứ hai là để cho mình thật sự có mặt. Và khi mà mình thật sự có mặt rồi mình mới hiến tặng sự có mặt đó cho người khác. Federic đã không biết làm như thế, các Federic đang có mặt trong giây phút hiện tại nên nhớ là ngày hôm nay mình phải làm như thế và các Federic của ngày mai cũng phải thực tập như thế. Đây là phương pháp của Phật dạy.

 

Câu thần chú thứ hai cũng rất là mầu nhiệm, nếu quý vị thực tập thì có hiệu quả liền. Tức là khi mình đã có mặt thật sự rồi thì mình phải công nhận sự có mặt của người mình thương yêu. Tại vì được thương yêu tức là được công nhận là đang có mặt. Có thể ông đang lái xe, một chiếc xe rất là sang trọng và bà đang ngồi bên ông. Nhưng mà trong khi ông lái xe tâm của ông hoàn toàn nghĩ chuyện khác và ông loại bà ra khỏi vùng chú ý của ông. Ông nghĩ tới chuyện thành công, ông nghĩ tới chuyện bè bạn ông nghĩ tới chuyện tương lai mà có một ông không nghĩ tới là sự có mặt của bà ngay sát bên cạnh ông. Thì nếu mà bà ngồi như thế thì bà có cảm giác là mình không được chú ý không được thương yêu. Và nếu ông để bà trong tình trạng đó lâu ngày thì bà sẽ héo. Và vì vậy cho nên ông phải thực tập câu thần chú thứ hai, ông trở về với hơi thở, ông tuy đang lái xe, ông trở về với hơi thở, ông mỉm cười ông nói : Em ơi, anh biết là em đang ngồi sát bên anh và anh rất là hạnh phúc, ông nói như thế. Câu thần chú này  có mục đích là công nhận sự có mặt của người mình thương yêu. Thương yêu có nghĩa là công nhận sự có mặt của người mình thương. Khi  mình bị bỏ rơi, khi mình có cảm tưởng là người ta không chú ý tới mình, thì mình có cảm tưởng là mình đang không được thương yêu. Cho nên thương yêu một ai có nghĩa là công nhận sự có mặt của người đó. Bà cũng vậy, bà cũng có thể thực tập như thế với ông, anh ơi  em biết là anh đang có đó bên em trong đời sống của em và em rất lấy làm hạnh phúc. Đó là câu thần chú, quý vị có thể đọc câu thần chú đó bằng tiếng Việt, bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Anh, không cần phải đọc bằng tiếng Phạn hay là tiếng Tây Tạng.

 

Vậy thì câu thần chú thứ nhất  hiến tặng sự có mặt của mình cho người thương, câu thần chú thứ hai  công nhận sự có mặt quý giá của người thương. Tôi có hai câu thần chú nữa  muốn tặng cho các nhà doanh thương, các bậc thiện tri thức, các vị khách quý hôm nay, tại vì rất là dể thực tập.

 

Câu thần chú thứ ba là khi  người thương của mình đang sầu khổ, đang héo hắt đang có vấn đề thì mình phải tới  hiến tặng  sự có mặt ân cần của mình và mình nói như thế này : Anh ơi em biết là anh đang có khó khăn, anh đang khổ. Vì vậy cho nên em đang có mặt với anh đây. Hoặc là : Em ơi hoặc là con ơi bố biết con đang có vấn đề có khó khăn, có bức xúc, vì vậy cho nên bố đang có mặt với con đây. Đó là món quà rất lớn, mình chưa làm gì hết nhưng mà sự có mặt của mình và sự ân cần của mình đã làm lắng dịu rất nhiều đau khổ của người kia rồi. Rất là dể, câu thần chú thứ ba nó có hiệu lực rất lớn .

 

Tôi rất muốn trao truyền cho các vị khách quý câu thần chú thứ tư nhưng mà tôi e ngại câu thần chú thứ tư hơi khó hơn một chút, hơi khó thực tập hơn một chút. Là tại vì trong chúng ta nó hay có sự tự ái. Và người nào tự ái nhiều quá thì khó thực tập câu thần chú này, tự ái ngay đối với người mình thương yêu nhất ở trên đời. Đây là câu thần chú mình phải sử dụng khi mà mình đau khổ, bản thân mình đau khổ và mình tin rằng sự đau khổ này là do người mình yêu thương nhất trên đời tạo ra. Nếu một người nào khác đó đã nói câu đó, đã làm điều đó thì mình đã khổ ít thôi. Nhưng mà người đã nói câu đó,  đã làm  chuyện đó là người mình yêu thương nhất trên đời cho nên mình khổ không có biết bao nhiêu mà kể. Trong trường hợp đó mình bị tổn thương và mình muốn chứng tỏ rằng mình không cần người đó, mình có thể sống sót mà không cần người đó. Cho nên khi người đó tới đặt tay trên vai mình hỏi em có sao không, em có khổ không, mặt em buồn như thế. Thì mình trả lời có gì đâu mà khổ, tại sao tôi phải khổ, buông tay ra để tôi yên một mình. mình nói như thế đó, tức là mình tự ái. Tại vì người kia là người mình thương yêu nhất trên đời mình mà người kia đã nói một câu như thế, đã làm một điều như thế thì mình quá đau khổ và mình muốn trừng phạt trở lại bằng cách nói cho người kia biết một cách gián tiếp là tôi không cần anh, một mình tôi cũng có thể sống sót được, anh xê ra, đó là một cách trừng phạt. Mình nghĩ rằng thà rằng mình vào trong phòng mình đóng cửa lại mình khóc còn hơn là mình tới phân bua với người kia. Tại vì người kia đã nói một câu làm hết tình hết nghĩa, đã làm cử chỉ làm hết tình hết nghĩa.câu thần chú thứ tư là nó như thế này : Anh ơi em đang khổ và em muốn anh giúp em hoặc là Em ơi, anh đang khổ và anh cần em giúp anh. Nếu mình có tự ái trong trái tim thì mình sẽ không nói được câu nói đó.

 

 

Tri giác sai lầm

Chắc quý vị nhớ  chuyện thiếu phụ Nam Xương với chàng Trương chứ gì. Thiếu phụ Nam Xương đi ra đón chồng với đứa con sinh ra trong khi chồng  ở mặt trận. Hai người ôm nhau  khóc sau một thời gian xa cách, người con trai đã sống sót trở về, hạnh phúc biết bao nhiêu mà kể. Theo tục lệ Việt Nam là phải cáo với tổ tiên là người con trai đã trở về. Cho nên thiếu phụ Nam Xương đi ra chợ để đi mua thức ăn làm một mâm cơm cúng đặt lên bàn thờ. Trong khi đó thì chàng Trương làm quen với em bé. Tại vì lần đầu tiên thấy được con trai của mình và thuyết phục nó gọi mình là bố. Nhưng mà thằng bé không  chịu và nói : Ông ơi, ông đâu phải bố tôi. Bố tôi là người tới mỗi đêm và mẹ tôi cứ nói chuyện với bố tôi giờ này sang giờ khác và mẹ tôi khóc với bố tôi nhiều lắm. Và mỗi khi mẹ tôi ngồi xuống thì bố tôi cũng ngồi xuống và mỗi khi mẹ tôi nằm xuống thì bố tôi cũng nằm xuống. Khi  chàng Trương nghe như thế thì chàng nghĩ ngay rằng có một người thứ ba đã chen vào trong đời sống lứa đôi của mình. và từ đó về sau chàng Trương không  nói chuyện được nữa, im lặng hoàn toàn. Đến khi thiếu phụ Nam Xương đi chợ về bắt đầu làm cơm cúng thì hỏi câu gì chàng Trương cũng không trả lời và chàng Trương không  thèm nhìn vợ vì nghĩ rằng vợ mình ngoại tình. Và thiếu phụ Nam Xương khổ đau vô cùng, không biết tại sao từ khi mình đi chợ về chồng mình không  thèm nhìn mình, mình hỏi câu gì không  thèm trả lời mình, rất là làm buồn khổ. Chàng Trương cũng đau khổ nhiều lắm. Khi mâm cơm đã được đặt lên trên bàn thờ rồi thì chàng Trương trải chiếu, đốt hương khấn vái và lạy xuống bốn lạy, xong rồi thì cuốn chiếu không cho phép vợ lạy xuống. Tại vì nghĩ rằng người đàn bà này không  xứng đáng để trình diện trước tổ tiên. Sau khi cuốn chiếu lại rồi,  thay vì ngồi xuống và ăn một bữa cơm đoàn tụ thì chàng Trương bỏ ra quán rượu uống cho say, uống cho thật say để quên nỗi khổ niềm đau của mình. và hai giờ khuya mới về. Và cứ tiếp tục như vậy mỗi ngày và cuối cùng thì thiếu phụ Nam Xương không chịu đựng được nữa và bà đã nhảy xuống sông tự tử.

 

 Sau khi nghe vợ chết rồi, chàng Trương mới về để chăm sóc đứa bé. Và bữa tối đó khi đốt đèn lên thì đứa bé đó nói : ông bố tôi đây này và nó chỉ vào bức tường, thì té ra bố nó, người bố mà nó nói đó chỉ là ảnh của mẹ nó chiếu lên bức tường mà thôi. Thật ra  một hôm  thằng bé  ở trong làng  về và  nói như thế này : mẹ ơi đứa bé nào cũng có bố hết mà tại sao con không có bố. Cắt nghĩa chiến tranh với nghĩa vụ quân sự  hơi khó, cho nên thiếu phụ Nam Xương mới chỉ vào bóng của mình ở trên tường nói bố con đó, con chắp tay lạy bố ạ đi. Thì đứa bé nó làm theo và nó nghĩ rằng bố nó là bóng trên bức tường. Cố nhiên là thiếu phụ Nam Xương đã nói chuyện với bóng, anh ơi, anh đi lâu quá, một mình em làm thế nào để đủ sức nuôi con, và thiếu phụ Nam Xương khóc. Khi thiếu phụ Nam Xương ngồi xuống thì bóng  ngồi xuống, khi bà nằm xuống thì bóng nằm xuống. Bây giờ sự thật mới bung ra và chàng Trương mới biết nỗi oan của vợ. Nhưng đã lỡ rồi, người thương đã chết rồi. Đáng lý câu thần chú thứ tư này chàng Trương phải thực tập hoặc là thiếu phụ Nam Xương phải thực tập. Thiếu phụ Nam Xương có thể đến với chàng Trương mà thực tập câu thần chú thứ tư : Anh ơi em khổ quá đi, em không biết tại sao từ khi em đi chợ về cho đến bây giờ anh không nhìn em, em hỏi gì anh cũng không trả lời. Em đã làm nên tội tình gì để cho anh đối xử với em tàn nhẫn như vậy, anh giúp em đi, anh cắt nghĩa cho em đi. Đó là câu thần chú thứ tư, mình phải nhờ người kia giúp mình. nó chỉ như thế thôi, một câu thần chú rất là ngắn. Nếu mà thiếu phụ Nam Xương nói được câu thần chú đó thì chàng Trương sẽ cắt nghĩa, thằng bé  nói trong khi tôi vắng mặt có một người đàn ông tới mỗi đêm và bà cứ nói chuyện giờ này sang giờ khác và khóc với nó, rồi khi mà bà ngồi xuống nó cũng ngồi xuống, bà nằm xuống nó cũng nằm xuống, người đó là ai. Nếu  chàng Trương nói được như thế thì người vợ sẽ có cơ hội để  giải thích  vàbi kịch  đã không  xy ra.

 

Nếu thiếu phụ Nam Xương đã không thực tập câu thần chú thứ tư mà chàng Trương biết mà thực tập câu thần chú thứ tư : Này u nó, thằng bé nó nói là trong khi tôi đi vắng mỗi đêm đều có người tới và u nó cứ khóc cứ nói chuyện với người đó hàng giờ đồng hồ và mỗi khi u nó ngồi xuống thì người đó cũng ngồi xuống .v.v. tôi đau khổ lắm, u nó giúp tôi đi, cắt nghĩa cho tôi người đó là ai. Thì cố nhiên là người vợ đã có cơ hội giải thích và nỗi khổ niềm đau đó  được căn cứ trên một tri giác sai lầm, sẽ bị tan biến liền lập tức và hai người tìm lại hạnh phúc rất  mau.

 

Trong đạo Phật  có danh từ vọng tưởng, vọng tưởng có nghĩa là tri giác sai lầm. Mà hầu hết những khổ của chúng ta đều phát sinh từ vọng tưởng, những buồn, những giận, những ghét, những lo, những ganh của chúng ta trong đời sống hàng ngày đều do vọng tưởng hết. Trong cuộc sống lứa đôi muốn tránh được những vọng tưởng, chúng ta phải nhờ người kia giúp ta. Chúng ta phải luôn luôn hỏi trở lại, chúng ta phải luôn luôn thực tập câu thần chú thứ tư. Sở dĩ người ta không  thực tập, chàng Trương không  thực tập, thiếu phụ Nam Xương không  thực tập là  vì tất cả có  tự ái rất lớn ở trong lòng. Cho nên tôi không  muốn các bạn  theo vết xe của thiếu phụ Nam Xương, của chàng Trương. Tôi muốn các bạn  khi khổ đau, nghĩ rằng khổ đau đó là do người mình thương yêu nhất trên đời làm ra thì mình phải tới cầu cứu với người đó. Em ơi anh đang khổ, anh cần em giúp anh, em giải thích cho anh nghe tại sao em đã nói một câu như thế, em đã làm một việc như thế, đó là câu thần chú thứ tư.

 

Tất cả những  điều thực tập đó đều không  khó khăn gì. Nếu chúng ta thực tập bốn câu thần chú đó thì có thể có hạnh phúc liền trong giây phút hiện tại. Tôi xin các Federic đang còn may mắn còn sống trong hiện tại và các Federic trong tương lai đừng có quên sự thực tập này, đạo Phật rất  cao siêu mầu nhiệm nhưng  thực tập cũng không khó khăn gì. Tôi xin chấm dứt ở đây để thì giờ cho những câu hỏi. Xin cảm ơn liệt vị.

 

 

Câu hỏi và trả lời

Có một câu hỏi rất  dể trả lời tôi xin trả lời trước là làm thế nào để có những bài giảng những  CD, những phương pháp, những tài liệu để mình có thể nương theo tu tập nếu mình chưa có thầy nếu mình chưa có bạn. Đối với các bạn người Việt thì tôi xin giới thiệu trang nhà của làng Mai www.langmai.org. và các bạn Tây Phương  www.plumvillage.org có không biết là bao nhiêu là tư liệu ở trên đó, có biết bao nhiêu bài pháp thoại, bài thiền ca và quý vị có thể tải xuống để làm quà cho các bạn thân. Ngoài ra những người trẻ có thể đối thoại với các thầy các sư cô trẻ qua mạng làng Mai.

        

Hỏi : Phương pháp trao truyền mới của thiền sư ở làng Mai có liên quan gì đến triết học của Hempel, triết học hiển sinh, Lão Tử Kinh Dịch hay đó chỉ là phương pháp riêng của các thiền sinh làng Mai?

        

Đáp : Phương pháp tu học của làng Mai  rất thuần túy Phật giáo, phần nghi lễ  không bề bộn, ngắn gọn nhưng  phần thực tập thì rất là quan trọng. Phương pháp của làng Mai căn cứ trên những thiền kinh căn bản của Phật giáo nguyên thủy như là kinh An ban thủ ý, tức là kinh Thực tập hơi thở có ý thức, kinh Niệm xứ tức là kinh mà các thầy các sư cô đều thuộc lòng. Đó là cuốn sách đầu giường để thực tập thiền. Thiền tức là đi vào nội tâm, đi vào quán sát, không phải là sự thờ cúng. Kinh dạy về an trú trong hiện tại là kinh Người biết sống một mình. Làng Mai chúng tôi sử dụng tất cả những kinh căn bản thiền tập của Phật giáo nguyên thủy và chúng tôi cũng sử dụng những  kinh Đại thừa. Cho nên Phật giáo của làng Mai là Phật giáo có tính cách thống nhất, nhất quán, không phân phái và rất gần với Phật giáo, đúng theo Phật giáo thời đức Phật. Cố nhiên là nếu chúng ta đem so sánh thì có thể có những điểm tương đồng với các nguồn tuệ giác khác. Nhưng mà việc đó là việc làm của những nhà trí thức nghiên cứu, còn chúng tôi là những hành giả nhiều hơn là những học giả. Sự học của chúng tôi  chỉ có mục đích là giúp cho sự hành nó thành công. Đạo Phật của làng Mai  là đạo Phật nhập thế, tức là  nhắm giải quyết những vấn đề có thật trong đời sống hàng ngày, của bản thân, của gia đình và của xã hội, nó không  hướng tới một tương lai niết bàn hay cực lạc nào xa vời. Niết bàn đối với chúng tôi là nền tảng của thực tại, nó có mặt ngay trong giây phút hiện tại, nếu chúng ta có khả năng quán chiếu sâu sắc chúng ta có thể tiếp xúc với niết bàn ngay trong giây phút hiện tại. Niết bàn không phải là một  thực tại có thể chỉ định được trong không gian và thời gian, niết bàn chính là tự thân của thực tại. Chúng ta có những  quan niệm, những  ý tưởng về thực tại. Và niết bàn tức là sự vắng mặt của những quan niệm, của những  ý tưởng đó. Niết bàn chỉ có thể tiếp xúc được một cách trực tiếp bằng sự quán chiếu. Cho nên niết bàn không phải là đối tượng của triết học, niết bàn là đối tượng của thực chứng, niết bàn là thực tại không sinh không diệt, không tới không đi, không có không không, không còn không mất. Cũng như là một đám mây, chúng ta thấy bề ngoài thì đám mây có sinh có diệt, nhưng mà kỳ thực tự tánh của đám mây là không sinh không diệt. Sinh có nghĩa là từ không mà trở thành có mà diệt tức là từ có mà trở thành không, đó là quan niệm của có, đó là ý niệm của chúng ta về sinh và về diệt. Nhưng trên thực tế không có gì từ không trở thành có, mà không có gì từ có có thể mà trở thành không được. Nhà khoa học Lavoisier của Pháp có nói một câu giống hệt như là trong kinh Phật, ông ta nói rằng là :  không có gì sinh cũng không có gì diệt. Đám mây  có phải từ không trở thành có không ?  Không, đám mây tức là hậu thân của nước ao nước hồ nước sông nước biển, sức nóng của mặt trời. Đám mây không  phải là từ không mà trở thành có. Vì vậy tự tính của đám mây là không sinh, đó là sự tiếp nối thôi. Đám mây có thể chết được không? Không, đám mây không thể nào chết được, đám mây không có thể nào từ có mà trở thành không được. Đám mây có thể trở thành mưa có thể trở thành tuyết, có thể trở thành nước đá, nhưng mà đám mây không có thể nào từ có mà trở thành không được, cho nên tự tính của đám mây là bất diệt, vô sinh bất diệt. Đứng về phía bề mặt thì ta thấy có sinh có diệt của đám mây, nhưng mà nếu mà quán chiếu cho thật sâu sắc thì tự tính của đám mây là không, vô sinh bất diệt. Và người thương của chúng ta cũng vậy, bố mẹ ta cũng vậy, tự tính cũng vô sinh bất diệt. Mình tưởng rằng các vị đã diệt không còn nữa, nhưng kỳ thực đó là một vọng tưởng, một tri giác sai lầm. Tổ tiên của ta, người thương của ta bản chất cũng là vô sinh bất diệt. Và ta có thể tiếp xúc được với người thương của ta dưới những biểu hiện khác. Cũng như đám mây mà chúng ta yêu mến bây giờ không còn trên trời nữa nhưng mà nó đã trở thành mưa. Và nếu ta có thiền quán, ta có thể nhận diện được sự có mặt của đám mây trong cơn mưa. Và khi mà chúng ta nâng cốc lên để uống, chúng ta có thể thấy rằng chúng ta đang uống một đám mây. Chúng ta thực sự đang uống những đám mây mà chúng ta không có biết. Cho nên đừng nói người thương của chúng ta xa cách, cõi dương và cõi âm không tách biệt đâu. Người ta thương đang có đó, có thể rất là cụ thể nhưng mà dưới một biểu hiện khác mà ta không có nhận ra được. Ví dụ như khi mà quý vị gieo một hạt bắp, hạt ngô xuống đất ướt thì mười ngày sau hoặc là hai mươi ngày sau chúng ta thấy một cây ngô con. Khi cây ngô con xuất hiện thì chúng ta không thấy hạt ngô nữa và chúng ta nói hạt ngô đã chết, hạt ngô không còn, kỳ thực không đúng hạt ngô vẫn còn trong hình thái mới của nó. Hạt ngô thay hình đổi dạng và nhìn cây ngô mới, cây ngô con với con mắt thiền quán ta vẫn thấy được hạt ngô ngày nào. Cho nên người thương của ta cũng thế, đừng có nói người đó không còn nữa. Người đó vẫn đang còn nhưng mà đã thay hình đổi dạng và ta phải có con mắt tuệ ta mới nhận diện được sự tiếp nối của người đó mà thôi. Bản chất của chúng ta là vô sinh bất diệt, bản chất đó gọi là niết bàn. Và niết bàn không phải là một thực tại tách rời ra khỏi thế giới của hiện tượng, nó là bản thể của thế giới hiện tượng. Phật giáo làng Mai là sự thực tập nhiều hơn là sự thờ cúng. Và chúng tôi đã có các thân hữu thành lập ra rất nhiều đoàn thể trên thế giới, trên bốn mươi nước có khoảng trên một ngàn đoàn thể như vậy đang tu như vậy theo pháp môn làng Mai. Và Hà Nội cũng có một đoàn thể như thế của các bạn nước ngoài gọi là Hà Nội Community of Mindful  Living. Quý vị có thể hỏi được và tham dự, trong số đó cũng có những người Việt tham dự và tu tập mỗi tuần. Nếu có thể được xin quý vị đặt những câu hỏi trực tiếp thì  vui hơn là tôi đọc từ tờ giấy ra.

        

Hỏi : Kính thưa quý thầy, bản tính của đạo Phật là từ bi vậy nên nhiều người bảo đạo Phật là tiêu cực. Con biết rằng đạo Phật không tiêu cực nhưng chưa đủ hiểu biết để tranh luận về vấn đề này. Xin quý thầy nêu quý thầy nêu rõ thêm về sự đóng góp của đạo Phật trước những thảm họa mà loài người đang gánh chịu, đó là sự gia tăng bạo lực khủng bố ở một số quốc gia trên thế giới.

        

Đáp : Tôi rất thích những câu hỏi như thế này. Tại vì nó có tính cách thực dụng, nó thuộc về thực tập. Từ bi là tình thương và từ có nghĩa là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người khác, tiếng Phạn là maitri, tiếng Anh thường dịch là loving happiness, có nghĩa là hiến tặng niềm vui, hạnh phúc cho người khác và đây là một hành động rất là tích cực. Khi mình thương ai thì mỗi ngày mình phải tìm cách hiến tặng hạnh phúc cho người đó bằng nụ cười bằng nhìn bằng sự chăm sóc, bằng những lời nói của mình. Và từ ở trong đạo Phật nó là một trong bốn vô lượng tâm. Vô lượng tâm tức là trái tim không có biên giới. Tình thương ở trong đạo Phật được phân tích thành bốn thành phần, một là từ, hai là bi, ba là hỷ, bốn là xả. Và từ là yếu tố đầu tiên là maitri, maitri có nghĩa là khả năng hiến tặng hạnh phúc. Và khi mình có hạnh phúc thì mình mới có khả năng hiến tặng hạnh phúc được, đó là nguyên tắc. Cho nên tu nghĩa là mình phải có hạnh phúc trong tự thân. Mà hạnh phúc này không hẳn là phải có tiền hay có uy quyền, hạnh phúc này là do khả năng sống, hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Có nhiều khi mình có ý muốn làm cho người kia hạnh phúc nhưng tại vì mình không hiểu người kia cho nên càng làm thì người kia càng đau khổ. Một người bố muốn cho con có hạnh phúc và áp đặt lên trên con những điều mà đứa con nó đau khổ. Vậy thì đó tức là thương mà không có hiểu, không có hiểu thì không có thể nào thương được. Và vì vậy cho nên từ nó đòi hỏi trí tuệ, phải có thì giờ để tìm hiểu về người kia, biết người kia có những khổ đau nào có những bức xúc nào, có những khó khăn nào. Thì lúc đó mình mới có thể hiến tặng hạnh phúc cho người kia được. Nếu chồng mà không hiểu vợ thì không có thể nào làm cho vợ hạnh phúc trái lại có thể làm cho vợ khổ đau. Nếu vợ mà không hiểu chồng thì dù có làm gì đi nữa, chồng cũng không có hạnh phúc, chồng có thể khổ đau hơn. Nếu cha mà không hiểu con sẽ làm cho con khổ, mẹ mà không hiểu con cũng làm cho con khổ. Cho nên trong đạo Phật hiểu nền tảng của thương.

 

Thứ hai là bi, bi tiếng Phạn là carona, carona là khả năng lấy ra khỏi người kia khổ đau của người ấy hoặc là chuyển hóa khổ đó đi thành niềm vui. Nếu mình có thì giờ, mình sẽ thấy được nỗi khổ niềm đau của người mình thương và mình phải quán chiếu để thấy được những gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau đó. Mà thấy được những gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau đó thì mình mới có thể lấy ra được. Mà đôi khi nhìn cho kỹ thì mình thấy rằng những gốc rễ của khổ đau đó có thể tới từ mình, cho nên phải hiểu người kia. Trong đạo Phật khổ tức là sự thật thứ nhất, mà sự thật thứ nhất là đối tượng của sự quán chiếu, mình nhìn vào đau khổ và mình phải thấy đượccội nguồn gốc rễ của khổ. Và khi thấy được thì  mình thấy được sự thật thứ hai tức là tập đế, mà chỉ khi nào thấy đượcsự thật thứ hai là gốc rễ của khổ đau thì mình mới biết cách cắt đứt những cội nguồn đó. Cho nên khi mình thương ai mình phải nhìn nỗi khổ niềm đau của người đó và mình tìm hiểu tại sao người đó có những nỗi khổ niềm đau này, mình tìm cho tới cội nguồn. Thì bi nghĩa là hiểu được những nỗi khổ niềm đau của người thương và có khả năng đào gốc những nỗi khổ niềm đau đó. Phải tu nhiều mới làm được chứ không phải là tội nghiệp mà gọi là bi đâu, thương hại mà gọi là bi đâu, không phải đâu.

 

Thứ ba là hỷ, hỷ có nghĩa là hiến tặng niềm vui, thương người ta mà cứ làm cho người ta khóc mỗi ngày thì đâu có phải là tình thương đích thực, thương yêu nghĩa là phải hiến tặng hạnh phúc cho chính mình và cho người thương của mình. Nếu tình yêu mà không có yếu tố hỷ thì nó không phải là tình yêu chân thật. Và yêu là một nghệ thuật, nghệ thuật đó nó hiến tặng niềm vui cho mình và cho người yêu của mình. Mỗi ngày phải thực tập mới được, muốn nó chưa đủ.

 

yếu tố thứ tư của tình yêu trong đạo Phật là xả, xả có nghĩa là không có loại trừ. Mình phải xem nỗi khổ niềm đau của người đó cũng là nỗi khổ niềm đau của mình và hạnh phúc mình đi tìm không phải là hạnh phúc riêng tư . Trong tình yêu chân thật thì hạnh phúc là hạnh phúc chung mà khổ đau là khổ đau chung. Mình đi tìm hạnh phúc riêng cho mình đó không phải là tình yêu. Tại vì cha mà khổ đau thì con khó mà có hạnh phúc, con mà khổ đau thì cha khó có hạnh phúc. Vì vậy cho nên cha lo cho hạnh phúc của con và con lo cho hạnh phúc của cha, đó gọi là xả, hai người là một không có kỳ thị, không có phân biệt nữa, không có loại trừ ai ra khỏi tình yêu của mình đó gọi là xả ôm lấy tất cả. Và khi hai người yêu nhau thì hai người đó có một cơ hội để làm cho tình yêu của mình lớn cho đến khi tình yêu đó nó bao trùm tất cả mọi loài mọi người gọi là tình yêu đại từ đại bi đại hỷ đại xả. Đức Thế Tôn có đưa ra một ví dụ rất là đẹp, ngài nói khi mà mình có trái tim không biên giới thì khổ đau không có lung lạc được mình nữa, khi mình biết thương yêu rồi thì mình không khổ đau nữa, rất là lạ. Ngài nói rằng nếu chúng ta có một nắm muối mà chúng ta thả vào trong một bát và khuấy lên thì nó mặn quá uống không có được nhưng nếu chúng ta ném nắm muối đó vào dòng sông thì không có đủ làm cho dòng sông mặn, dù chúng ta có một thúng muối mà đổ vào dòng sông cũng không có đủ sức làm cho dòng sông mặn. Tại vì dòng sông nó mênh mông, thì trái tim của mình nếu mà nó nhỏ bé thì chúng ta sẽ bực tức giận hờn rất là dể dàng. Nhưng mà nếu trái tim của ta lớn thì những cái như vậy không có đủ sức để làm cho chúng ta đau khổ. Cho nên chiến thuật là làm cho trái tim của mình càng ngày càng lớn. Khi trái tim của mình càng ngày càng lớn, đã lớn không có biên giới rồi thì không có gì có thể làm cho mình khổ đau được nữa, đó gọi là tứ vô lượng tâm, vô lượng tức là không có đo được nữa, nó là không có biên giới. Thì tình yêu này, từ bi này  rất là tích cực, nó không phải tiêu cực đâu, nó lớn lắm. Và nhà lãnh đạo doanh thương, nhà lãnh đạo chính trị, các nhà lãnh đạo trên thế giới mà nếu biết thực tập từ bi hỷ và xả thì sẽ có rất nhiều hạnh phúc và sẽ làm hạnh phúc cho rất nhiều người. Sở dĩ có chiến tranh là do chúng ta không  chế tác được từ bi, chúng ta không chế tác được hỷ và xả. Và chúng ta cứ để cho bạo động hận thù  lớn lên. Bạo động hận thù là những chất độc trong người, nó làm cho mình khổ và nó làm cho người khác khổ. Bạo lực hận thù chỉ có một phương thuốc chữa được thôi, là từ bi. Cho nên chế tác từ bi là phương cách duy nhất để mà xóa bỏ hận thù, hận thù trong bản thân, hận thù trong lứa đôi, hận thù trong gia đình, hận thù trong cộng đồng, trong quốc gia và trên thế giới. Tôi mong rằng trong tương lai chúng ta có  môn học thực tập ngay trong các trường học từ cấp tiểu học cho đến cấp đại học dạy về phương pháp thương yêu. Phương pháp thương yêu có thể viết thành sách nhưng mà phải đem ra thực tập thì mới thành công được làm thế nào để thương yêu được bản thân, làm thế nào để làm lắng dịu những căng thẳng những đau nhức trong thân, làm thế nào để đối trị và chuyển hóa những khổ đau nghi ngờ giận hờn trong tâm. Tất cả những cái đó đều phải thực tập hết. Tiếc thay, chúng ta không có những môn học, những môn thực tập như thế ở trong trường học. Tôi nghĩ rằng sau này trong một xã hội lý tưởng thì các thầy giáo các cô giáo, những người làm cha, những người làm mẹ đều biết nghệ thật thương yêu, đều biết nghệ thuật chế tác từ bi hỷ và xả. Bất cứ người nào thuộc về một truyền thống tôn giáo tâm linh nào cũng cần học phương pháp chế tác tình thương. Và đây là những môn học và những môn thực tập rất là cụ thể, nó đem lại sự lắng dịu, nó đem lại  sự an ổn, hạnh phúc cho mình sau vài giờ thực tập. Và nếu mình tiếp tục thì hạnh phúc đó càng ngày càng lớn, nó rất là khoa học và nó có thể nằm ở trong chương trình mà bộ quốc gia giáo dục ban hành ra cho cả nước. Năm ngoái, trong khi thuyết trình ở tại UNESCO (Organisation des Nation Unies pour l'Education, la Science et la Culture = Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Giáo dục,  Khoa học và Văn hóa) nhân dịp lễ Phật đản, tôi có nói rằng UNESCO nên thành lập một viện học về hòa bình, trong đó mời thành niên các nước tới và mình dạy cho họ cách làm hòa bình từ bản thân đi ra ngoài. Chúng ta đã có những trường đại học dạy về hòa bình, nhưng mà những trường đại học hòa bình đó chỉ nghiên cứu đứng về phương diện trí năng mà thôi, nó không phải là thực tập. Còn viện thực tập hòa bình này là một nơi mà chúng ta có thể hạ thủ công phu để  học hỏi, để  áp dụng những  phương pháp đem lại  an lạc cho thân cho tâm rồi đem lại  hòa giải giữa mình với những người trong gia đình, những người trong cộng đồng và quốc gia. Chúng tôi có hứa với UNESCO là nếu UNESCO thiết lập Peace Academy, thì chúng tôi ở làng Mai chúng tôi sẽ cung cấp những giáo sư đầu tiên. Chúng tôi có những vị giáo thọ chuyên môn về dạy những môn học đó. Tại vì chúng tôi đã đi tổ chức rất là nhiều khóa thực tập như thế ở trên thế giới, nhất là Âu châu và Mỹ châu. Chúng tôi cũng đã mở những khóa thực tập cho các nhà tâm lý trị liệu, chúng tôi đã mở những khóa tu tập như thế cho các dân biểu quốc hội Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng đã tổ chức những khóa như thế cho giới cảnh sát công an, cho giới doanh thương. Và chúng tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm qua những khóa tu nhứ thế. Tại vì người nào cũng có thể học được những phương pháp của đức Phật dạy mà không có cần phải quy y, phải là Phật tử mới được, mình là người Kitô giáo, mình vẫn là người Kitô giáo, mình là người Do thái giáo mình vẫn là người Do thái giáo, mình là người Cộng sản mình vẫn là người Cộng sản. Mình có thể học tập được từ Phật giáo rất là nhiều, đạo Phật Việt Nam là một di sản rất là quý báu của dân tộc Việt Nam, chúng ta chưa biết sử dụng di sản đó của chúng ta, chúng ta có thể khai thác rất nhiều, sử dụng rất nhiều và cống hiến hòa bình an lạc cho đất nước cho dân tộc và cống hiến hòa bình an lạc cho cả thế giới.

 

 

Lời kết thúc của ban tổ chức

Hiện nay thì còn rất nhiều câu hỏi nhưng mà thì giờ đã hết. Chúng ta đã có hai ngày làm việc thành công với chất lượng rất cao, hội trường lúc nào cũng đông đúc như một ngày hội. Câu lạc bộ của chúng ta có vinh hạnh được thiền sư Thích Nhất Hạnh và đoàn Phật tử làng Mai đến thăm lần thứ hai và dành trọn hai ngày trong chương trình dày đặc của đoàn ở Hà Nội. Chúng ta được nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh nói chuyện trong hai buổi sáng mồng hai và chiều mồng ba, đó là hai buổi nói chuyện hết sức hấp dẫn đầy tính chất uyên bác, đề cập một cách sâu sắc đến nhiều vấn đề về tôn giáo triết học văn học, tâm lý học đồng thời cũng giải quyết nhiều vấn đề thiết thực về hạnh phúc của con người trong cuộc sống. Chúng ta cũng được nghe bài báo cáo của đoàn Phật tử làng Mai giúp chúng ta hiểu sức thu hút kỳ lạ của đạo tràng đối với nhiều tôn giáo khác nhau, đối với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội Tây Phương và Đông Phương. Một lần nữa thay mặt toàn thể câu lạc bộ chúng tôi xin chân thành cảm ơn thiền sư Thích Nhất Hạnh và đoàn Phật tử quốc tế làng Mai. Xin kính chúc thiền sư và đoàn Phật tử quốc tế làng Mai đầy sức khỏe và một hạnh phúc viên mãn. Phút chia tay chúng tôi xin phép được bắt chước hai câu Kiều :

 

Tiển đưa nhớ buổi hôm nay

Gặp nhau xin hẹn ngày rày năm sau

        

Cuối cùng thay mặt ban tổ chức chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các vị đã dành thì giờ tham dự hai ngày giao lưu văn hóa tốt đẹp của chúng ta. Xin cảm ơn nhà doanh nghiệp Vũ Hậu Sam, công ty trách nhiệm hữu hạn Gia Lộc đã góp phần tài trợ cho cuộc giao lưu văn hóa, xin cảm ơn nhà hàng ăn chay Thành Tâm đã phục vụ hết lòng đoàn Phật tử làng Mai trong hai ngày vừa qua. Xin cảm ơn các vị trong ban tổ chức, ban lể tân của phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam đã giúp đỡ câu lạc bộ nhiều trong công tác tổ chức. Xin cảm ơn tất cả.

 

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.