PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 Nghệ thuật sống thiền :

Tái lập truyền thông

(Chia sẻ với Tăng ni sinh trường
Cao Trung Phật học Lâm Đồng và Phật tử
 tại Chùa Linh Sơn)

  • Tháng 02.2008 - Chân Tịnh Không biên tập :
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 26.02.2007 
    tại chùa Linh Sơn - Đà Lạt
    Âm thanh MP3 : Phần 1 (14.1MB)  Phần 2 (13.5MB)

Kính bạch Sư Ông,

Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni,

Kính thưa toàn thể quý liệt vị.

 

Chúng con không dám làm mất thì giờ, để cúng dường Sư Ông, sự có mặt của Sư Ông trong giờ phút này là một hạnh phúc lớn lao chưa từng có đối với Phật tử, đối với tăng ni, đối với mọi giới có mặt trong giờ phút này. Chúng con xin cúng dường bằng cách đọc lại bài thơ ngũ ngôn tại Phương Bối Am. Bởi vì từ bài thơ này đánh dấu bước ra đi để đem đạo Phật vào đời, làm cho dân tộc, cho thế giới biết nhau hơn, thương nhau hơn và yêu thương nhau hơn. Chúng con xin được thành kính đọc dâng lên Sư Ông, phái đoàn tăng thân làng Mai và những người có mặt trong giờ phút hạnh phúc này.

Gối nhẹ mây đầu núi
Nghe gió thoảng hương trà
Thiền Duyệt tâm bất động
Rừng cây dâng hương hoa

Một sáng ta thức dậy
Sương lam tỏa mái nhà
Hồn nhiên cười tiễn biệt
Chim chóc vang lời ca

Đời đi về muôn lối
Quan san mộng hải hà
Chút lửa hồng bếp cũ
Ấm áp bóng chiều sa

Đời vô thường vô ngã
Người khẩu Phật tâm xà
Niềm tin còn gởi gắm
Ta vui lòng đi xa

Thế sự như đại mộng
Quên tuế nguyệt ta đà
Tan biến giòng sinh tử:
Duy còn Ngươi với Ta

Kính thưa quý vị, chút lửa hồng bếp cũ năm xưa ấy, hôm nay đã thành hàng trăm hàng triệu ngọn lửa hồng thắp sáng trong tim. Mọi người Phật tử Việt Nam và Phật tử khắp nơi trên thế giới. Chút lửa hồng ấy mãi mãi cháy trong tâm thức người con dân đất Việt, nhất là người Phật tử Việt Nam trong suốt hơn sáu mươi năm qua. Hôm nay chút lửa hồng ấy đã được thắp sáng, đã được cháy bùng. Giờ phút thiêng liêng này chúng con xin đảnh lễ và cung thỉnh Sư Ông.

 

Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.

 

***

 

Thở vào ý thức toàn thân, thở ra ý thức toàn thân

Kính thưa chư vị tôn đức, kính thưa các thầy, các sư cô và các phật tử. Các thầy, các sư cô của đạo tràng Mai thôn sẽ cúng dường bài Thượng lai hiện tiền thanh tịnh chúng bằng tiếng Anh, rồi sau đó niệm bồ tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn.

 

Sự thực tập này là để thắp sáng chánh niệm ở trong lòng mình, để tiếp xúc với năng lượng từ bi có sẵn ở trong trái tim của mình và chế tác năng lượng từ bi chánh niệm có công năng chữa lành những thương tích ở trong con người của mình.

 

Chúng ta có thể tham dự vào sự thực tập bằng cách là ngồi cho thoải mái, đừng có căng thẳng. Nếu muốn không có sự căng thẳng trong cơ thể thì mình có thể theo dõi hơi thở và buông thư, rồi mình mở lòng ra để cho năng lượng của đức bồ tát Quan Âm đi vào trong cơ thể.

 

Nếu mình có những đau nhức, những căng thẳng ở trong cơ thể, thì để cho năng lượng của tăng thân và của đức Bồ tát đi vào trong cơ thể, để ôm ấp và để chuyển hóa những căng thẳng, những năng lượng tiêu cực đó.

 

Nếu chúng ta có những lo lắng, những buồn khổ, những sợ hãi, những tuyệt vọng ở trong lòng, thì chúng ta cũng có thể mở lòng ra để cho năng lượng của tăng thân, cũng như năng lượng của đức Bồ tát có thể đi vào trong trái tim, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đó.

 

Nếu chúng ta biết có mặt thật sự trong giây phút hiện tại, biết ngưng lại sự suy nghĩ của mình, biết mở tâm hồn ra, thì năng lượng của đức Bồ tát thế nào cũng đi vào được. Và năng lượng đó có khả năng ôm ấp và trị liệu.

 

Nếu chúng ta có một người thân đang bị ốm đau nặng, hoặc đang có những nỗi khổ niềm đau lớn ở trong lòng mà ngày hôm nay không thể tới tại chùa Linh Sơn nghe pháp được, thì chúng ta cũng có thể gởi năng lượng này về cho người đó được, bằng cách là nghĩ tới người đó, hoặc là gọi thầm tên của người đó, thì tự nhiên cái năng lượng tập thể này sẽ được truyền về ngay trong giây phút hiện tại.

 

Bây giờ đây xin mời tất cả liệt vị tôn đức, các thầy, các sư cô và các Phật tử ngồi cho thoải mái, buông thư, để ý tới hơi thở mà thôi, đừng suy nghĩ tới quá khứ, đừng suy nghĩ cho tương lai. Xin mời các thầy, các sư cô ở Mai thôn đạo tràng đứng dậy để bắt đầu trì tụng bài Thượng lai hiện tiền thanh tịnh chúng bằng tiếng Anh và sau đó thì trì niệm danh hiệu đức bồ tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn. Thở vào ý thức toàn thân, thở ra buông thư toàn thân.

 

Kính thưa chư vị tôn đức và các thầy, các sư cô, các Phật tử. Thỉnh thoảng trong buổi pháp thoại mình sẽ nghe một tiếng chuông, mình sẽ ngưng nói và ngưng nghe, để trở về với hơi thở. Thực tập thở vào tôi thấy khỏe, thở ra tôi thấy nhẹ, an trú trong giây phút hiện tại. Tiếng chuông đó gọi là tiếng chuông chánh niệm. Ở bên làng Mai mỗi khi nghe tiếng chuông thì tất cả các thiền sinh đều ngưng nói, ngưng suy nghĩ và trở về với hơi thở. Có khi có hai ba ngàn người, nhưng nghe tiếng chuông thì tất cả đều ngưng lại mọi sự nói năng, mọi sự suy nghĩ, trở về với hơi thở, an trú trong giây phút hiện tại và thấy rõ ràng mình đang tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống ở trong mình và xung quanh mình.

 

***

 

Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời

Trong bốn mươi năm hành đạo ở Tây Phương, chúng tôi đã học hỏi rất nhiều và đã đạt tới rất nhiều kinh nghiệm do sự học hỏi và giảng dạy. Thiền sinh Tây Phương mỗi khi tới chùa không có mang theo nhang, đèn, chuối, phẩm vật cúng dường. Tại vì thiền sinh Tây Phương hầu hết là đến từ các truyền thống Cơ Đốc giáo và Do thái giáo, họ đã có tôn giáo của họ rồi. Cái mà họ đi tìm không phải là một nền tôn giáo tín ngưỡng, cái họ đi tìm là một cái gì mà họ không có, hoặc là họ có rất ít. Trong đạo Phật chúng ta có phần tôn giáo tín ngưỡng, có phần tín mộ, có phần thờ cúng lễ lạy. Nhưng đạo Phật không phải chỉ là tôn giáo, đạo Phật còn là một kho tàng của tuệ giác. Nó giống như là một trái mít, ngoài cái vỏ trái mít là những xơ mít, nếu đi vào phía trong, mình sẽ tiếp xúc được với những múi mít rất là thơm, rất là ngon. Phần tôn giáo: tín ngưỡng, tín mộ chỉ là một phần bao quanh đạo Phật thôi. Nếu mình có thể chọc thủng được cái vỏ đó mà đi vào phía trong, thì mình có thể tiếp xúc được với kho tàng tuệ giác của đạo Phật rất là vi diệu. Đất nước của chúng ta đã được xây dựng bằng tuệ giác đó của đạo Phật, nhất là trong những thời đại Lý Trần. Chúng ta đã có hàng ba bốn trăm năm hòa bình an lạc và hạnh phúc nhờ lấy đạo Phật làm nền tảng cho nếp sống văn hóa, nếp sống đạo đức và nếp sống chính trị.

 

Ở bên Tây Phương hiện bây giờ có phong trào Phật giáo gọi là Engaged Buddhism, tiếng Việt dịch là Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Đạo Phật không phải chỉ ở trong thiền viện, chỉ ở trong chùa, mà đạo Phật ở khắp nơi trong các lãnh vực của sự sống. Và ai cũng biết rằng cụm từ Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời (Engaged Buddhism) nó có gốc rễ từ Việt Nam. Từ những năm 1950 chúng tôi đã sáng tác, đã giảng dạy nền Phật học đó mà bên Trung Quốc gọi là Nhân Gian Phật Giáo. Ở Việt Nam chúng ta gọi là đạo Phật Dấn Thân ; Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời.

 

Ngày xưa trong chiến tranh chúng tôi có thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, gồm có các thầy, các sư cô trẻ và các thanh niên Phật tử nam nữ tới thụ huấn để đi ra giúp dân xây dựng lại những làng mạc đổ nát vì chiến tranh, giúp dân phát triển về bốn mặt kinh tế, giáo dục, tổ chức và y tế. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội là một chứng tích, là một ví dụ cho đạo Phật dấn thân. Có một em tác viên xã hội tên là Ân đi vào trong thôn làng để giúp dân, mở ra những lớp học cho các em bé, tạo dựng ra một bệnh xá để cung cấp thuốc men và giúp cho dân chúng tổ chức lại đời sống của mình, dựa trên những điều đã học được ở trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Em Ân đó mới có hai mươi hai tuổi. Có một vị ở trong làng hỏi: Con ăn lương mỗi tháng được bao nhiêu mà con làm việc giỏi vậy, con làm việc hết lòng như vậy? Ân trả lời: Dạ thưa bác, con không phải là người làm việc ăn lương của chính phủ, con là tác viên của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội thuộc Giáo hội Phật giáo. Chúng con ra đây làm việc với tính cách làm công quả chứ không có lương tiền gì hết. Vị Phật tử đó mới nói rằng: Trời ơi, làm công quả thường thường người ta làm trong chùa chứ ai làm ngoài này. Ân đã trả lời như thế này, một cách rất là đơn giản, rất là bình dân, mà câu nói của Ân biểu lộ được triết lý của đạo Phật dấn thân, bác ơi, thời đại này dân chúng đau khổ vì chiến tranh, vì bệnh tật, vì nghèo đói cho nên các vị Bụt, Bồ tát cũng không ở trong chùa nữa, các vị cũng đi ra ngoài này để giúp dân giúp nước và vì vậy cho nên con cũng theo các ngài ra ngoài này để con giúp đồng bào. Câu nói đó làm cho bác nông dân hiểu được thế nào gọi là đạo Phật Dấn Thân. Đạo Phật Dấn Thân không phải là đạo Phật chỉ ở trong chùa, ở trong tu viện, mà đạo Phật trong mọi nẻo đường của đất nước, của sự sống.

 

Trong bốn mươi năm ở tại Tây Phương, chúng tôi đã thực tập đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời ; Đạo Phật Dấn Thân. Chúng tôi từng tổ chức những khóa tu cho các nhà doanh thương. Giới doanh thương họ sống một đời sống rất là căng thẳng. Tuy là họ giàu có, họ có nhiều quyền lực, nhưng mà họ có rất nhiều căng thẳng, nhiều khổ đau, nhiều rắc rối trong phạm vi đời sống cá nhân, đời sống gia đình và đời sống xã hội. Vì vậy  nên khi họ tới khóa tu, họ học được những pháp môn đem áp dụng và họ cảm thấy thư giản hơn. Họ thiết lập được, họ tái lập được truyền thông với vợ con, đem lại hạnh phúc cho gia đình. Vừa làm việc doanh thương mà vừa có thì giờ để chăm sóc cho gia đình, cho vợ con. Tôi còn nhớ khóa tu đầu tiên tổ chức cho giới doanh thương ở tại làng Mai bên Pháp, có nhiều nhà doanh thương rất lớn tới để theo học. Ba tháng sau có những người viết thư nói rằng: Bạch thầy, cho đến bây giờ mà những tuệ giác của khóa tu vẫn còn tiếp tục nảy sinh trong chúng con. Chúng con đã đem những gì đã học được trong khóa tu đó áp dụng vào trong đời sống hàng ngày, trong gia đình, trong xã hội và trong doanh nghiệp của chúng con, và chúng con đỡ khổ rất là nhiều. Chúng con cảm ơn thầy đã mở ra khóa tu cho những người doanh thương như vậy. Những bài pháp thoại trong khóa tu đó đã được phiên tả ra, vì khóa tu đó dạy bằng tiếng Anh để cho doanh thương các nước trên thế giới tới học hỏi. Ở bên Đại Hàn cuốn sách đó đã được xuất bản với cái tựa đề là Power, power tức là quyền lực và cuốn sách bán rất là chạy. Hiện bây giờ cuốn sách đó đang được một nhà xuất bản lớn ở Hoa Kỳ ấn hành. Vì các nhà doanh thương cần tới một pháp môn tu tập để cuộc sống của họ được thư giản hơn, có hạnh phúc hơn. Họ có thể thiết lập lại, tái lập lại được truyền thông với vợ con với gia đình, với bạn bè, với xã hội.

 

Đạo Phật áp dụng trong mọi lãnh vực của sự sống

Chúng tôi đã tổ chức những khóa tu cho giới tâm lý trị liệu, chúng tôi đã từng tổ chức hàng chục khóa tu cho các bác sĩ tâm lý trị liệu ở Tây Phương, và khóa nào cũng đông nghẹt người. Tình trạng ở Tây Phương là hiện bây giờ người ta không có tin nhiều vào tôn giáo nữa. Ngày xưa có những chuyện đau khổ, có những trắc trở, có những khó khăn họ tìm tới ông mục sư hay là ông cha. Nhưng bây giờ họ mất đức tin ở nơi tôn giáo của họ. Vì vậy nên khi nào có vấn đề khó khăn là họ tìm tới các nhà tâm lý trị liệu. Vì thế cho nên số lượng các nhà tâm lý trị liệu xuất hiện ở Tây Phương rất đông. Những người đó có rất nhiều khách và có những người rất là giàu. Tại vì số người bị bệnh tâm thần, bị căng thẳng, bị khổ đau, bị dằn vặt rất là nhiều trong xã hội mới ngày nay.

 

Từ hồi còn là một vị tỳ kheo trẻ, tôi đã được học về duy thức học. Tôi thấy cách mình học duy thức đó nó không áp dụng được. Có nhiều vị giáo thọ giảng dạy về duy thức một cách rất là lưu loát, nhưng mà chính các vị đó cũng không biết cách áp dụng pháp tướng duy thức vào trong đời sống hàng ngày của mình. Chúng tôi đã nghiên cứu, đã tìm cách áp dụng được những gì mình học được trong pháp tướng duy thức học để chuyển hóa những khó khăn ở trong nội tâm, và để chuyển hóa những khó khăn ở trong cộng đồng. Vì vậy cho nên căn cứ vào tuệ giác của những kinh nghiệm đó, chúng tôi đã tổ chức hàng chục khoá tu cho các nhà tâm lý trị liệu. Trong đạo Phật, tâm lý học là một bộ môn rất là quan trọng.

 

Từ văn học Abhidharma cho đến các tác phẩm lớn của tâm lý học, như Duy Thức Nhị Thập Tụng, Duy Thức Tam Thập Tụng, chúng ta có thể rút tỉa ra được rất nhiều giáo lý, được rất nhiều phương pháp thực tập để cống hiến cho nền tâm lý học trị liệu hiện tại của Tây Phương. Vì vậy cho nên Tây Phương hiện bây giờ họ rất ưa thích, tìm về để học hỏi những giáo lý và phương pháp thực tập của văn học Abhidharma và của Duy thức học. Chúng tôi đã xuất bản những cuốn sách nói về tâm lý học Phật giáo áp dụng, như là cuốn Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu mà trong đó có những phần rất là cụ thể để giúp người ta áp dụng được tâm lý học Phật giáo trong đời sống hàng ngày.

 

Trong khi giảng dạy cho các nhà tâm lý trị liệu thì chúng tôi nhận thấy có nhiều bác sĩ trong ngành này cũng bị bệnh tâm thần luôn. Và khi mà họ bị bệnh như vậy mà họ không có thể tự trị liệu cho chính mình. Các lý thuyết về tâm lý trị liệu ở Tây Phương có rất nhiều, hoàn cảnh xã hội khiến cho con người bị căng thẳng rất nhiều. Các nhà tâm lý trị liệu như vậy mỗi ngày phải tiếp khách, phải trị liệu cho hàng chục người và suốt ngày cứ nghe những chuyện đau buồn, khó khăn, căng thẳng và chính mình cũng không tiêu hóa được những điều đó. Cho nên sau một thời gian hành nghề tâm lý trị liệu, các nhà trị liệu cũng bị bệnh luôn. Vì vậy nên trong những khóa tu đó có nhiều người họ muốn tới để học thêm nghề, nhưng khi tới với khóa tu họ được tiếp nhận những pháp môn tu tập để trị liệu cho chính bản thân của họ, để nâng cao phẩm chất đời sống hàng ngày của họ.

 

Có những nhà tâm lý trị liệu họ không có truyền thông được với vợ con của họ, họ không chuyển hóa được những  khổ đau của họ, thì làm sao họ giúp được những người bệnh nhân tới với họ. Vì vậy cho nên những khóa tu mà mình mở cho các nhà tâm lý trị liệu, nó có mục đích giúp cho các nhà tâm lý trị liệu tự chăm sóc cho bản thân mình, có khả năng chuyển hóa những khó khăn, những khổ đau. Thiết lập được truyền thông với những người khác và khi đó thì mình mới có căn bản để có thể giúp được những người khác tới với mình.

 

Cho nên đứng về phương diện đó, chúng tôi thấy rằng đem đạo Phật qua Tây Phương thì đi bằng cửa ngõ tâm lý học là hay nhất. Mình đi vào cửa ngõ tôn giáo tín ngưỡng thì không thành công, là vì Tây Phương đã có tôn giáo tín ngưỡng của họ rồi. Vì vậy cho nên đi vào xã hội Tây Phương bằng cửa ngõ của tâm lý học và của xã hội học là hay nhất.

 

Chúng tôi đã từng mở những khóa tu cho các giới giáo chức. Làm thầy giáo, làm cô giáo, làm giáo sư cũng có một đời sống rất là căng thẳng. Những đau khổ trong khi hành nghề nó chứa chấp càng ngày càng nhiều. Cho nên những khóa tu đó cho các vị giáo chức, giúp cho họ nắm lấy những pháp môn tu tập để buông bỏ những căng thẳng ở trong  thân và trong tâm của họ. Để họ có thể thật sự giúp được cho các học sinh, các sinh viên đang theo học với họ. Biến lớp học thành ra một nơi có tình thương như là một  tiểu gia đình, trong đó thầy giáo, cô giáo và các học sinh có hạnh phúc trong khi giảng dạy và trong khi học hỏi.

 

Chúng tôi đã tổ chức những khóa tu cho cảnh sát công an. Trong khóa tu cho cảnh sát công an tổ chức tại tiểu bang Wisconsin, quý vị cứ tưởng tượng là có nhiều vị cảnh sát Hoa Kỳ người rất to lớn, phốp pháp. Họ tới học ngồi thiền, họ học đi thiền hành với những bước chân thảnh thơi, tại vì đời sống của họ đầy dẫy những căng thẳng. Quý vị có biết là số những người cảnh sát Hoa Kỳ đã tự tử bằng súng của chính mình rất là nhiều. Tại vì đời sống của họ, một đời sống rất là căng thẳng. Thỉnh thoảng một người cảnh sát có thể bị băng đảng hay những người khác bắn chết, nhưng mà số người cảnh sát tự lấy súng mình mà bắn để mình chết, nó nhiều hơn là số cảnh sát bị những người trong các băng đảng bắn. Vì vậy nên trong khóa tu đó, chúng tôi đã cống hiến những pháp môn tu tập, để cho những người cảnh sát đó có thể buông bỏ được những căng thẳng trong thân, trong tâm, để cho những người cảnh sát đó có thể tái lập được truyền thông với gia đình, với vợ con và sống một cuộc sống thanh thản và có hạnh phúc hơn.

 

Chúng tôi đã từng tổ chức những khóa tu cho các nhà bảo hộ sinh môi, chúng tôi đã từng tổ chức những khóa tu cho các bác sĩ, các y tá. Chúng tôi cũng đã từng tổ chức những khóa tu cho các dân biểu quốc hội. Tại vì cuộc sống của các dân biểu quốc hội cũng rất là căng thẳng. Khóa tu mà chúng tôi tổ chức cho các dân biểu Hoa Kỳ, đã có một kết quả rất là tốt đẹp. Có những vị dân biểu Hoa Kỳ hiện bây giờ đang thực tập thiền hành ở nơi trụ sở quốc hội Hoa Kỳ. Từ văn phòng của họ đi tới chổ bỏ phiếu, có nhiều vị thực tập đi thiền hành, thở vào bước một bước, thở ra bước một bước để cho con người nó thư giản ra. Vì vậy cho nên đạo Phật được áp dụng trong mọi lãnh vực của sự sống.

 

Trở về với hơi thở, thở chánh niệm

Tu viện Lộc Uyển của chúng tôi thiết lập tại tiểu bang California, sinh viên và học sinh tới học hỏi rất là nhiều, họ tới tham dự những khóa tu rất là đông. Tại vì chúng tôi không chỉ cung cấp Phật học mà thôi, chúng tôi cung cấp những phương pháp thực tập. Những khóa tu của chúng tôi công hiến khắp nơi ở Âu Châu và ở Mỹ Châu đã giúp cho không biết bao nhiêu cặp vợ chồng hòa giải được với nhau, đã giúp cho không biết bao nhiêu cặp cha con hòa giải được với nhau. Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, những phép lạ luôn luôn xảy ra trong những khóa tu. Tôi xin nói sơ về nội dung một khóa tu chánh niệm để quý vị thấy cách thực tập như thế nào.

 

Một khóa tu thường thường là năm trăm, bảy trăm thiền sinh, có khi cả ngàn thiền sinh. Một thầy dù có giỏi cách mấy đi nữa cũng không có thể nào hướng dẫn một khóa tu như vậy. Nên mỗi khi đi hướng dẫn một khóa tu, chúng tôi có hàng chục thầy, hàng chục sư cô và hàng chục vị cư sĩ có kinh nghiệm để phụ tá, vì mình phải chăm sóc một số thiền sinh rất là lớn. Ngày đầu tới khoá tu là mọi người được hướng dẫn thở như thế nào, để có thể buông bỏ sự căng thẳng trong thân và trong tâm. Được hướng dẫn đi những bước chân như thế nào, để có thể buông thả được mọi căng thẳng, trở về an trú được trong giây phút hiện tại. Khi nghe tiếng chuông thì lắng nghe tiếng chuông như thế nào, để buông bỏ mọi suy nghĩ về quá khứ, về tương lai, trở về với giây phút hiện tại, để nhận diện ra những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Và trong suốt bảy ngày tu thì im lặng, sử dụng hơi thở, bước chân và hai lỗ tai để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Mỗi khi có những đau buồn, những sợ hãi, những lo lắng, những giận hờn xuất hiện thì phải biết dừng lại, phải biết trở về với hơi thở chánh niệm, chế tác năng lượng chánh niệm để nhận diện, để ôm ấp những nỗi khổ niềm đau đó, để làm cho những nỗi khổ niềm đau đó lắng dịu.

 

Ngày nào cũng được nghe một bài pháp thoại, pháp thoại không chỉ là giáo lý mà thôi, mà bài pháp thoại về những phương pháp cụ thể để có thể chuyển hóa những phiền não, những khổ đau trong thân và tâm của mình. Khóa tu nào cũng dạy phương pháp lắng nghe và ái ngữ. Phương pháp lắng nghe và ái ngữ là hai phương pháp có thể giúp mình tái lập được truyền thông giữa vợ với chồng, giữa cha với con, giữa mẹ với con. Có những người họ không nói chuyện được với chồng họ, với vợ họ, với cha họ trong nhiều năm. Sau khóa tu đó họ trở về họ thiết lập lại được truyền thông với cha với mẹ, với chồng với vợ và đem hạnh phúc trở về.

 

Lắng nghe là pháp môn của đức Quan Thế Âm

Lắng nghe là pháp môn của đức Quan Thế Âm, dầu người kia có nói bằng giọng chua chát, lên án buộc tội mà mình vẫn có khả năng lắng nghe như thường. Đó gọi là lắng nghe với tâm từ bi, bi thính. Thường thường khi người kia sử dụng ngôn từ trách móc, lên án, chua chát, buộc tội thì mình nghe không có nổi, mình nghe được một vài câu thì mình bỏ chạy. Nhưng mà đức Bồ Tát Quan Thế Âm, ngài có khả năng lắng nghe, dù người kia có buộc tội, có lên  án, có trách móc, có chua chát thì ngài vẫn lắng nghe được như thường. Ngài nói tội nghiệp quá, người này là nạn nhân của những tri giác sai lầm, của nhận thức sai lạc, người này đã từng chứa chất quá nhiều khổ đau trong lòng, người này không có khả năng nói ra được những lời yêu thương. Mình lắng nghe như thế này là để cho người đó có một cơ hội nói ra được tất cả những đau khổ, những khó khăn chất chứa. Người đang nói đó chưa bao giờ có cảm tưởng được hiểu và được thương, chưa bao giờ có cảm tưởng rằng mình được một người khác lắng nghe, dầu người đó là chồng của mình, là vợ của mình, là cha của mình, hay là con của mình. Nếu mình biết lắng nghe với tâm từ bi trong vòng một giờ đồng hồ, để cho người đó có thể nói ra được những đau khổ, những uất ức, những khó khăn của người đó. Người đó sẽ đỡ khổ nhiều lắm, và đó là hạnh của đức Quan Thế Âm, lắng nghe cho cuộc đời bớt khổ. Mình là người Phật tử, mình thường niệm đức Quan Thế Âm mỗi ngày thì mình phải học được hạnh lắng nghe của đức Quan Thế Âm. Người kia tuy không biết dùng ái ngữ, người kia tuy sử dụng ngôn từ của sự trách móc, của sự hờn oán, của sự buộc tội. Người kia sử dụng những ngôn từ chua chát thì mình vẫn có thể lắng nghe được, mình tội nghiệp quá đi, nhưng mình phải lắng nghe để cho người kia bớt khổ. Nếu mình lắng nghe được một giờ như vậy thì người kia sẽ bớt khổ rất là nhiều.

 

Trong khi lắng nghe mình phải ghi nhận, có những điều người kia nói ra là do phát xuất từ tri giác sai lầm. Nếu mình cắt đứt lời, thì người kia sẽ không có cơ hội để nói ra những điều đó nữa. Vì vậy nên trong khi lắng nghe mình phải thở, và mình phải nói rằng tội nghiệp quá đi, có nhiều tri giác sai lầm quá, có nhiều hiểu lầm quá. Nhưng mà bây giờ mình phải ngồi lắng nghe cho hết lòng. Sau này, mai mốt mình có cơ hội, mình sẽ cho người đó những thông tin, những dữ kiện, để người đó điều chỉnh lại tri giác của mình. Ngay trong giây phút hiện tại lắng nghe, mình không cắt lời người đó, mình không sửa lưng người đó ngay lúc đó. Nếu cắt đứt và sửa lưng thì nó hỏng hết cuộc lắng nghe. Lắng nghe với tâm từ bi, bi thính, đó là phép thực tập rất là quan trọng. Nếu mình ngồi lắng nghe được một giờ đồng hồ, thì mình đem lại, mình làm cho người kia bớt khổ rất là nhiều. Người chồng phải học lắng nghe người vợ, người vợ phải học lắng nghe người chồng, người con phải biết lắng nghe người cha và người cha phải biết lắng nghe người con.

 

Tháo gỡ những tri giác sai lầm

Có một ông ở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bà vợ và mấy đứa con không bao giờ tới gần ông, ông có rất là nhiều sân si. Ông có bằng tiến sĩ quốc gia, ông là nhà trí thức nhưng mà ông là một người bất đắc chí. Ông có cảm tưởng là vợ con ông tẩy chay ông, tại vì không ai muốn tới gần ông. Sự thật không phải là người ta tẩy chay ông, mà tại vì ông nổi giận rất là dễ dàng, ông giống như là trái bom sẳn sàng nổ bất cứ lúc nào. Vì vậy cho nên bà vợ sợ không dám tới gần, và các đứa con cũng sợ không dám tới gần. Đó là vì sợ chứ không phải là tẩy chay, mà ông có cảm tưởng là vợ con mình tẩy chay mình. Vợ ông cũng là một người học thức, có bằng tiến sĩ, và các con ông cũng đi học ở trường đại học.

 

Bà vợ là một người Thiên chúa giáo và bà đã nhiều lần muốn tự tử, chết cho rồi, vì cuộc đời có nhiều đau khổ quá, không có niềm vui. Bà có quen được một bà Phật tử, bà Phật tử nói: chị ơi, em có một cuốn băng của thầy em giảng rất là hay, cuốn băng này có tựa đề là tháo gỡ trái bom ra. Nếu ông ở nhà là trái bom, thì nếu chị nghe cuốn băng này, chị sẽ biết cái nghệ thuật tháo bom, để làm cho những chất nổ ở trong trái bom đó nó từ từ đi ra ngoài, ông sẽ trở thành dễ chịu. Cuốn băng này hay lắm chị, chị nghe đi.

 

Đây là một bà Thiên chúa giáo khá cố chấp, tôi là người Công giáo, tôi đi nghe mấy thứ này tội chết, thành ra bà không chịu nghe. Có một bữa đó bà thất chí quá, bà muốn tự tử. Nhưng mà trước khi tự tử bà gọi điện thoại cho bà bạn Phật tử, chiều nay em sẽ chết, em nói cho chị biết chiều nay em sẽ chết, em không có thể nào sống thêm được một phút nào nữa. Bà Phật tử mới dùng phương tiện quyền xảo nói: chết thì chết, nhưng mà phải tới thăm em chút đã, thăm em xong rồi về hãy chết. Khi bà Công giáo lấy xe taxi tới thăm thì bà này trách: chị nói em là người bạn duy nhất của chị trên đời, vậy mà điều yêu cầu duy nhất mà em yêu cầu chị, chị không có làm, như vậy em đâu có phải thật sự là bạn của chị. Điều duy nhất em yêu cầu chị là nghe cuốn băng của thầy em, mà chị không nghe, như vậy thì em đâu phải là người bạn của chị. Thì bà Thiên chúa giáo đó mới nghĩ rằng: chiều ý bà này, mình nghe một chút rồi sau mình chết cũng không sao, và nói: Ok, đem ra đây tôi nghe. Tức là muốn trả nợ quỷ thần cho rồi để mà chết. Bà Phật tử mới đưa cuốn băng ra, cuốn băng đó nói về phương pháp tháo gỡ trái bom, làm thế nào cho người kia bớt khổ.

 

Trong thời gian một giờ rưỡi mà bà Thiên chúa giáo đó lắng nghe băng giảng, bà này đi vào trong bếp, để cho bạn mình có cơ hội lắng nghe và để suy nghĩ. Bà này vốn là một người thông minh, một người trí thức. Và khi nghe cuốn băng đó, cuốn băng dạy về phương pháp tháo gỡ những tri giác sai lầm. Khi nào mà cơm không ngon, canh không ngọt, khi nào mà hai người đánh mất truyền thông và trở thành kẻ thù của nhau, thì cái đó không phải là lỗi của một người, mà là lỗi của hai người. Nếu mình đổ lỗi một trăm phần trăm cho người kia, tức là mình đã sai lầm. Mình cũng đã chua chát, mình cũng đã khó chịu, mình cũng đã tưới tẫm những hạt giống giận hờn, thất vọng, bực bội của người kia. Trong khi bà ta nghe cuốn băng giảng này, bà nhận ra được rằng, bà đã gánh chịu một phần trách nhiệm trong công việc làm tình trạng nó trở thành khó khăn như ngày hôm nay.

 

Phương pháp ái ngữ và lắng nghe

Trong cuốn băng đó bà học được phương pháp ái ngữ và lắng nghe. Ái ngữ tức là nói những lời nhẹ nhàng. Khi mình dùng ngôn từ của sự trách móc, của sự lên án, của sự chua chát, thì người kia không có khả năng nghe được. Cho nên ái ngữ là một pháp môn rất quan trọng. Lắng nghe có mục đích để cho người kia trút ra được những khổ đau trong lòng mình, để người kia nhẹ bớt những khổ đau trong lòng.

 

Khi bà nghe bài giảng đó, tự nhiên bà có hy vọng, bà nghĩ rằng bà đủ thông minh, đủ khả năng trở về để giúp ông tháo gỡ những căng thẳng, những hận thù, những cái tri giác sai lầm nơi ông. Và bà rất là sốt sắn trở về, để áp dụng những điều gì mà bà đã nghe được ở trong cuốn băng đó. Nhưng bà Phật tử nói rằng: chưa được đâu chị ơi, chị về chị sẽ làm hư cho mà coi. Tại vì phương pháp ái ngữ và lắng nghe mình phải tập luyện nhiều ngày mới có thể làm được. Thầy em từ bên Pháp sắp qua và sẽ mở hai khóa tu, một khóa bằng tiếng Việt, một khóa bằng tiếng Anh. Bây giờ chị ghi tên vào một khóa đi rồi chị thực tập sáu ngày, sau đó chị sẽ có khả năng trở về để giúp anh tháo gỡ trái bom ở trong lòng của anh. Bà Công giáo đó chấp nhận và tới khóa tu để tu học.

 

Chúng tôi không biết sự có mặt của người đàn bà Công giáo đó ở trong khóa tu. Chúng tôi chỉ biết sau khi khóa tu đã chấm dứt, có thể nói rằng là những người Phật tử tới tu học, tới thực tập, nhưng mà chính bà Công giáo đó là người thực tập tinh chuyên nhất, hết lòng nhất. Đối với bà sự thực tập hơi thở, bước chân, ái ngữ, lắng nghe là vấn đề sống chết của bà. Vì vậy cho nên bà đem hết tất cả tâm hồn ra để thực tập.

 

Tối hôm đó mãn khóa tu bà về, bà đi những bước rất là chậm, bà thở rất là sâu, bà thấy rõ rằng ông chồng mình cũng là nạn nhân của tri giác sai lầm, và mình đã đóng góp một phần nào đó làm ông trở thành ra như vậy. Ngày xưa mình rất là tươi mát, mình rất là dịu dàng. Bây giờ mình nói những lời nói rất là cay đắng, rất là chua chát với ông. Vì vậy cho nên mình đã chịu một phần trách nhiệm.

 

Tối hôm đó bà tới bà ngồi gần ông và không nói năng gì cả trong vòng năm phút. Ông rất lấy làm lạ, bà này chiều nay có vẻ êm và chiều hôm nay lại tới ngồi gần mình, không biết bà tính giở ra cái trò gì đây. Bà quyết tâm làm cho được những điều đã học. Bà nói như thế này: ông ơi, tôi biết là trong năm năm vừa qua ông khổ lắm, ông có những căng thẳng, ông có những đau nhức, ông có những trăn trở, ông có những bực bội và tôi biết rằng ông khổ lắm. Mà tôi thiệt là tệ, tôi đã không có giúp ông được, mà tôi lại càng làm cho tình trạng nó càng ngày nó càng hư thêm, nặng nề thêm, tôi xin lỗi ông. Tôi biết rằng cũng tại vì tôi không biết được tất cả những khổ đau, những khó khăn ở trong lòng ông, cho nên tôi mới hành xử như vậy, tôi mới nói năng như vậy. Tôi đã dại dột trong quá khứ, tôi đâu có muốn làm cho ông khổ hồi nào đâu, nhưng mà tại vì tôi dại dột, tôi không biết được những khổ đau, những khó khăn của ông, cho nên tôi mới hành xử như vậy, tôi mới nói năng như vậy. Ông ơi, tôi muốn ông có hạnh phúc, tôi muốn ông đừng có khổ nữa, nhưng mà làm sao tôi làm được nếu ông không giúp tôi, ông ơi, ông nói cho tôi nghe đi, tất cả những khó khăn, những đau khổ, những trăn trở, những bực bội của ông để tôi có thể hiểu được. Mà khi tôi hiểu được thì tôi sẽ không có dại dốt nói năng và hành xử, như tôi đã từng nói năng và hành xử trong năm năm qua. Nói được như vậy, chắc chắn là nếu bà đó không tu sáu ngày ở khóa tu, thì không thể nói được những lời ái ngữ như vậy.

 

Trong sáu ngày liên tiếp bà đã thực tập để có thể nói được bằng giọng yêu thương đó, mà trong đạo Phật mình gọi là ái ngữ. Kết quả là ông ngồi, ông khóc như một đứa trẻ con, vì trong năm năm nay chưa bao giờ bà từng nói với ông bằng giọng nói dịu dàng như vậy. Ngày xưa bà là một nàng tiên, nhưng không biết làm ăn làm sao mà bà đã trở thành một bà chằn. Đây là lần đầu tiên bà trở lại dùng ngôn từ thương yêu, nhẹ nhàng, như bà đã từng sử dụng trong những năm đầu của cuộc hôn nhân.

 

Bà biết rằng ông khóc như vậy là dấu hiệu rất tốt, thành ra bà tiếp tục: Ông ơi, ông thương tôi đi, ông giúp tôi đi, ông không giúp tôi thì tôi sẽ tiếp tục lầm lỗi như vậy. Ông nói cho tôi nghe những điều khó khăn, những điều bức xúc, những đau khổ mà ông đang gánh chịu, ông nói cho tôi nghe về những vụng về dại dột của tôi, để từ rày về sau tôi sẽ không có lặp lại những vụng về, những cái dại dột như vậy nữa. Và bà cứ tiếp tục, bà chỉ nói những câu như vậy thôi.

 

Cuối cùng ông bắt đầu nói, tại vì bây giờ ông có người nghe, và kỳ thực bà đó đang đóng vai của đức Quan Thế Âm, Bồ Tát lắng nghe. Cố nhiên trong khi lắng nghe thì mình thấy rõ ràng rằng, người kia có rất nhiều tri giác sai lầm về mình, có những hiểu lầm về mình. Nhưng theo những điều đã học thì mình không được cắt lời người đó, mình không được sửa sai người đó, mình phải im lặng tiếp tục lắng nghe. Mình chỉ có thể nói tội nghiệp quá, vậy mà tôi không có biết, tội nghiệp quá, tôi hối hận hết sức. Chỉ có thể nói được những câu như vậy thôi, để khuyến khích người kia nói thêm, càng nói nhiều chừng nào thì lòng người đó càng nhẹ chừng đó, đó là phương pháp lắng nghe.

 

Cuối cùng, đêm đó hai ông bà đã thức suốt đêm, và họ đã hòa giải được với nhau là nhờ phương pháp lắng nghe và ái ngữ. Bà rất thành công, tuy bà mới đi tu lần đầu, mới tham dự khóa tu lần đầu. Mình là Phật tử đã hai ba chục năm rồi, chưa chắc mình đã làm được như bà Công giáo kia. Cái chứng tích của sự thành công của bà, là bà dụ ông ghi tên vào khóa tu thứ hai, và ông chịu đi với bà tới tu một khóa bảy ngày. Trong khóa tu đó ông cũng được học như bà, và ông đạt tới sự giác ngộ. Trong buổi thiền trà ngày hôm chót, ngồi trong một vòng tròn của tăng thân, ông đã nói lên những lời rất có tình có nghĩa với bà. Tưởng tượng ông đó, cái ông mà ngày xưa nóng như lửa, sẳn sàng để nổ như trái bom. Ông nói như thế này: Kính thưa tăng thân, kính thưa các vị đạo hữu, tôi xin giới thiệu một vị bồ tát của đời tôi, nhà tôi. Nhà tôi đã làm tất cả để giúp cho tôi, vậy mà tôi đã hành xử một cách rất là tàn tệ, tàn nhẫn với bà, thì hôm nay nhân dịp này, tôi xin chính thức ngỏ lời xin lỗi bà, và hứa từ nay về sau sẽ sử dụng những pháp môn đã được tiếp thu trong khoa tu này, để tái lập lại truyền thông, để đem lại hạnh phúc trong gia đình. Ông đã nói những lời như vậy.

 

Và vì vậy nên chúng tôi mới biết rằng, hai ông bà này đã có những khó khăn, đã nhờ hai khóa tu này mà có thể hòa giải được với nhau, và đem lại hạnh phúc. Sau đó mười ngày thì họ rủ được ba đứa con ở trường đại học tới tham dự một ngày quán niệm. Sự thành công của gia đình Công giáo đó làm cho mình phấn khởi. Những người đó chưa bao giờ từng là Phật tử, ấy vậy mà chỉ cần một khóa tu mà họ chuyển hóa được. Mình là người Phật tử từ lâu đời, từ nhiều thế hệ, tại sao mình không có thành công được.

 

Phương pháp lắng nghe và ái ngữ hết sức là mầu nhiệm. Khi mình thực tập những điều căn bản trong khóa tu, tức là trở về với hơi thở, buông thư những căng thẳng trong thân, nhận diện những nỗi khổ niềm đau trong lòng, để ôm ấp và chuyển hóa. Tự nhiên mình có thể sử dụng được hai pháp môn ái ngữ và lắng nghe một cách rất là dễ dàng. Khi sử dụng được thì mình tái lập được truyền thông giữa mình với người thương của mình. Vì vậy cho nên trong những khóa tu, chúng tôi đã giúp cho không biết bao nhiêu cặp vợ chồng, bao nhiêu cặp cha con, mẹ con hòa giải được với nhau. Và không có khóa tu nào mà không có những phép lạ như vậy xảy ra.

 

Mai thôn đạo tràng chúng tôi có tứ chúng, tức là có nam xuất gia, có nữ xuất gia, có nam cư sĩ, có nữ cư sĩ. Chúng tôi có những lớp học đều đặn, chúng tôi có thiền tập buổi sáng buổi chiều, chúng tôi có pháp đàm, chúng tôi có những pháp môn, ví dụ như làm mới hay là soi sáng. Mỗi khi có một khó khăn, có một mâu thuẫn, có một vấn đề gì, thì chúng tôi không có để cho nó kéo dài quá một tuần lễ. Chúng tôi phải tìm cách giải quyết ngay trong tuần lễ đó, để cho tình huynh đệ được lớn lên, và mọi người được nuôi dưỡng trong tình huynh đệ đó. Khi mà trong tứ chúng biết cách giải quyết những vấn đề ở trong nội bộ, trong tứ chúng xây dựng được tình huynh đệ, người nào cũng áp dụng được ái ngữ và lắng nghe, thì khi ra khóa tu ai cũng có khả năng giúp được những người tới với mình làm công việc đó.

 

Hôm đó ở khóa tu tại Đức, tôi nói rằng: này quý vị, chúng ta đã tu tới ngày thứ năm rồi, và xin quý vị bắt đầu áp dụng những điều đã học được trong năm ngày vừa qua, để hòa giải với người thương mà lâu nay quý vị có những khó khăn. Nếu những người đó có mặt trong khóa tu thì rất dễ, còn nếu những người đó không có mặt trong khóa tu này, thì quý vị có quyền sử dụng điện thoại di động để mà thực tập. Xin quý vị tôn đức và các thầy, các sư cô, các Phật tử nên biết là: mỗi ngày nghe một bài pháp thoại, mỗi ngày đi thiền hành một lần, mỗi ngày ngồi thiền tọa hai lần, mỗi ngày có pháp đàm, mỗi ngày có thực tập sám hối. Những hạt giống của hiểu biết, của thương yêu, của tha thứ được tưới tẫm. Vì vậy cho nên đến ngày thứ năm là có khả năng nói được những lời nói êm dịu, và lắng nghe được những lời của người kia, dầu những người kia còn chất liệu của sự trách móc, lên án, chua chát, mình có thể lắng nghe được.

 

Sáng hôm sau có bốn thiền sinh Đức lên báo cáo, là tối hôm qua trước mười hai giờ khuya, họ đã dùng điện thoại và hòa giải được với cha của họ rồi. Mà tôi tin chắc là số người đã có thể hòa giải với cha của họ, hay mẹ của họ nhiều hơn, nhưng vì mắc cỡ, họ không có lên báo cáo đó mà thôi. Thành ra pháp môn mà chúng tôi học hỏi, chúng tôi luyện tập và chúng tôi đem chia sẻ, hướng dẫn tu tập nó rất cụ thể. Thiền sinh tới, họ không có mang theo phẩm vật cúng dường, như là hoa, như là hương, như là đèn cầy, như là xôi hay là chuối. Mà họ chỉ tới để thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền thở. Ăn cơm trong chánh niệm, rửa bát trong chánh niệm, chuyển hóa, nhận diện những khổ đau.

 

Trong bốn mươi năm hành đạo ở Tây Phương, chúng tôi đã giúp thành lập gần một ngàn đoàn thể tu học ở Âu châu và ở Mỹ châu. Những đoàn thể tu học này được dân địa phương đứng ra chủ trì. Ví dụ như thành phố London, thủ đô của nước Anh, có mười tăng thân. Tăng thân tức là một đoàn thể tu tập, họ tới mỗi tuần với nhau để thực tập thiền ngồi, thiền đi, ăn cơm trong chánh niệm, làm việc trong chánh niệm, pháp đàm, chia sẻ kinh nghiệm thực tập. Mai thôn đạo tràng không chỉ nằm trong Làng Mai, mà nó có khắp nơi ở trên thế giới.

 

Kỹ sư Phật học, kỹ sư của tâm hồn

Ngày hôm kia trước khi rời thành phố Hồ Chí Minh để lên Bảo Lộc, tôi thấy có một tấm bảng quảng cáo với tựa đề là Ứng cứu sự cố máy tính. Đó là một nhà chuyên môn tới giải quyết cho mình, khi có những vấn đề đối với cái máy tính của mình. Nếu mình có kinh nghiệm, mình tự động giải quyết những khó khăn ở trong máy vi tính của mình. Nhưng nếu mình không có đủ khả năng, mình phải cầu cứu tới một nhà chuyên môn. Tôi thấy rằng, khi mình đào tạo tăng tài ở trong trường Phật học, các vị tăng sinh nam cũng như nữ phải nắm cho vững những phương pháp tháo gỡ. Nếu một gia đình có vấn đề, nếu cặp cha con đó họ không truyền thông với nhau được, có những vấn đề khó khăn. Nếu cặp vợ chồng đó họ không có thể nói chuyện với nhau được, họ sắp li dị. Thì vị tăng sinh đó phải ứng cứu được họ, phải có những pháp môn để giúp giải quyết được những vấn đề của họ.

 

Cái học của mình phải có tính cách thực tế chứ không phải là lý thuyết. Tôi nhận thấy trong các trường Phật học của mình, mình học lý thuyết rất nhiều. Nhưng phần thực tập, áp dụng vào nó rất là thiếu. Tại Mai thôn, một giờ học Phật pháp ở trong lớp nó phải đi đôi với năm giờ thực tập ở ngoài. Khi trong chúng sống với nhau mà có những khó khăn, có những ganh tị, có những nghi ngờ, mình phải đem những pháp môn đã được học ra giải quyết liền lập tức, không để nó kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Nếu mình thành công được như một chúng, như một tăng thân, mình có được hạnh phúc ở trong tình huynh đệ, sống với nhau như một gia đình tâm linh. Thì chắc chắn khi mình đi ra ngoài tổ chức những khóa tu cho người cư sĩ, mình có thể tháo gỡ được những khó khăn cho họ. Ngày xưa tôi viết thư cho hòa thượng Thiện Siêu, hòa thượng Thiện Siêu hồi đó đang chuẩn bị thành lập Viện Phật học. Tôi mới gỡi chương trình của học viện ở bên làng Mai qua, và tôi gọi đùa chương trình này là chương trình đào tạo kỹ sư Phật học. Kỹ sư có nghĩa là mình nói được, mà mình cũng làm được. Ví dụ như kỹ sư cầu cống thì phải có khả năng làm cầu làm cống. Vì vậy cho nên mình học Phật, mà mình nắm được tất cả những pháp môn đó để giải quyết những vấn đề trong đời sống hàng ngày, giữa cha với con, giữa thầy với đệ tử, giữa vợ với chồng, giữa anh với em, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, với những pháp môn mà mình học được ở trong Phật học viện. Lúc đó mình mới thật là một vị kỹ sư, kỹ sư của tâm hồn.

 

Trong chuyến về này tôi rất mong có cơ hội để gặp các vị giáo thọ của các trường Phật học. Rất mong có cơ hội được gặp các vị ở trong ban giám hiệu của các trường Phật học, để bàn luận về cách làm thế nào để hiện đại hóa cách giảng dạy và thực tập trong các trường Phật học. Quý vị có nhớ ngày xưa, trước khi mình có máy tính, mình chỉ có máy đánh chữ, mình đánh lốc cốc. Bây giờ đâu có ai dùng cái máy đánh chữ lốc cốc nữa đâu, ai cũng dùng máy tính hết. Cái cách ngày xưa của mình nó xưa quá đi, mình phải hiện đại hóa cách học, và cách thực tập ở trong các trường Phật học.

 

Bước tới thảnh thơi

Ở bên làng Mai, số tăng sinh làm sao mà nhiều được, chỉ có mấy trăm vị thôi, nhưng chúng tôi rất thực tế. Khi một vị sắp được tập sự xuất gia, vị đó được trao cho một tài liệu gọi là Bước Tới Thảnh Thơi để học hỏi. Bước tới thảnh thơi tức là một văn bản để huấn luyện sa di và sa di ni. Tại Việt Nam cũng như tại Trung quốc, tài liệu học tập cho sa di và sa di ni là cuốn Sa Di Luật Nghi Yếu Lược. Ở trong đó có ba phần, phần thứ nhất là Tỳ ni nhật dụng thiết yếu, là những bài thi kệ để thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Mình phải học thuộc lòng như Thùy nghiêm thủy ngộ, đương nguyện chúng sanh, nhất thiết tri giác, châu cố thập phương. Phần thứ hai là Hành tướng của mười giới sa di luật nghi yếu lược, mấy mươi thiên uy nghi. Và phần thứ ba là Quy sơn cảnh sách.

 

Bước Tới Thảnh Thơi là một tài liệu mới, thay vì có hai mươi mấy thiên uy nghi thì nó có tới bốn mươi mốt thiên uy nghi. Nó rất là hiện đại, trong đó có những chỉ dẫn về cách sử dụng máy tính như thế nào, những luật nghi đứng về phương diện sử dụng mạng lưới thông tin, lái xe hơi, dùng điện thoại, đi ra ngoài. Ở tại làng Mai mỗi khi các thầy các sư cô có nhu yếu phải đi ra ngoài, thì không bao giờ đi một mình hết. Không phải các sư cô mà thôi, các thầy cũng vậy, lớn cách mấy cũng vậy, làm giáo thọ, làm trụ trì cũng vậy. Khi nào đi ra ngoài, phải đi với một người thứ hai gọi là đệ nhị thân. Mỗi khi lên mạng lưới internet cũng phải đi hai người, đi một người thì phạm giới. Ở làng Mai không có ai có địa chỉ internet cá nhân, chỉ có địa chỉ internet cho cả đại chúng mà thôi. Điện thư gửi tới văn phòng nhận, và in ra để đưa cho đương sự. Thành ra không có những cái thơ đi ra ngoài giới luật và cái uy nghi. Ở làng Mai không ai có điện thoại riêng, không ai có trương mục ngân hàng riêng, không  ai có xe hơi riêng, xe môtô riêng, tất cả đều thuộc về tăng thân hết. Vì vậy cho nên kỳ trước, khi nói chuyện tại học viện chính trị Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi có chia sẻ với các nhà khoa học, các nhà trí thức ở trong học viện. Tôi nói rằng: Ở làng Mai chúng tôi là như vậy đó, chúng tôi không có gì hết, tất cả đều thuộc về thường trú, chúng tôi là cộng sản thứ thiệt. Tôi nói như vậy đó, ai cũng cười hết. Chính cái áo mình mặc đây cũng không phải của mình, cái y của mình đắp cũng không phải của mình, mà của tăng thân. Khi mình là sa di, mình được thọ giới lớn, thì cái y của mình lại được trao truyền cho một sư em. Vì vậy cho nên mình không có sở hữu chủ của cái gì hết. Có một cái điều rất là lạ, rất là hay, là tại làng Mai nó có tình huynh đệ.

 

Tôi nhớ ngày xưa cho đến bây giờ, ở các Phật học viện mình đào tạo tăng tài, nhưng mà những tăng tài cá nhân. Ở làng Mai thì chúng tôi nhắm tới sự đào tạo những tập thể tăng ni để làm việc chung. Vì vậy cho nên khi đi tổ chức một khóa tu, là phải đi cả một tăng thân và làm việc với tinh thần đồng đội, không cần một người làm sếp. Tất cả đều làm việc như năm ngón tay của một bàn tay, không có ngón nào làm chủ hết. Và chúng tôi đào tạo người như vậy. Khi đi lập một đạo tràng mới tại một tiểu bang mới, chúng tôi cũng phái một phái đoàn đi làm việc chung, làm xong thì trở về. Nếu cần phái những người khác tới để chủ trì đạo tràng đó, thì cũng do tăng thân quyết định, chứ không có một người làm chủ, ở đạo tràng Mai thôn là vậy. Ở đạo tràng Mai thôn, vị trụ trì không đóng vai trò của người chủ. Tất cả những quyết định về đạo tràng đều do một hội đồng, gọi là hội đồng những người thọ giới lớn quyết định. Có một hội đồng giáo thọ chuyên lo về vấn đề giáo dục và thực tập. Và tất cả những quyết định về đời sống, về hạnh phúc của tăng thân, là do hội đồng những người thọ giới lớn làm ra. Mỗi năm hai lần mình bầu ra ban điều hành, gọi là ban chăm sóc. Ban chăm sóc đó không hẳn là gồm có những người thâm niên, có các thầy các sư cô, nhưng mà cũng có các sa di và các vị cư sĩ. Họ làm việc như vậy đó, mình lựa chọn những người có tài năng, có thể đem lại hạnh phúc cho nếp sống hàng ngày của tăng thân mà thôi, không có cần phải yếu tố thâm niên. Nếu mình thấy ban đó hơi yếu, thì mình bổ sung bằng những vị khác, thêm vào những vị khác. Những vị đó có thể làm việc sáu tháng thì đổi cho những vị khác. Vì vậy cho nên ai cũng có cơ hội học hỏi để phụng sự tăng thân cả. Những kinh nghiệm chúng tôi đã đi qua như vậy. Trong sự xây dựng tăng thân, chúng tôi đã có ghi chép lại trong nhiều cuốn sách, ví dụ như cuốn Sống Chung An Lạc.

 

Trong chuyến về năm ngoái, trong một khóa tu tổ chức cho tăng ni, chúng tôi có chia sẻ phương pháp điều hành, những đoàn thể tu học như vậy theo tinh thần dân chủ, và phối hợp với tinh thần thâm niên. Khi mình phối hợp được với tinh thần dân chủ, thì hạnh phúc nó tăng tiến rất là nhiều. Tuy là hội đồng các vị thọ giới lớn quyết định tất cả, nhưng mà các em sa di, sa di ni đều được lắng nghe một cách rất là kỹ lưỡng, trước khi các anh chị của họ đi tới những quyết định về sự sống của tăng thân. Vị tập sự xuất gia nào được xuất gia kỳ này, cũng do hội đồng các vị thọ giới lớn quyết định. Vị nào có được truyền đăng làm giáo thọ năm nay hay không, là cũng do các vị ở trong hội đồng thọ giới lớn quyết định. Còn vị sư trưởng, như tôi chẳng hạn, tôi chẳng quyết định gì hết, tăng thân bảo tôi làm cái gì thì tôi làm cái đó mà thôi. Tăng thân nói tháng sau xin thầy hướng dẫn giùm cho khóa tu của các nhà khoa học thần kinh não bộ, thì tôi hướng dẫn thôi. Hoặc là ngày mười một tháng hai sắp tới là có lễ xuất gia của mười mấy người tập sự xuất gia, xin thầy làm lễ, thì tôi làm lễ thôi. Và tôi khỏe ru, tại vì tất cả những quyết định đó đều là do hội đồng các vị thọ giới lớn quyết định, bằng phương pháp tác pháp yết ma, nó rất là dân chủ. Tuy vậy các em sa di, sa di ni và các vị cư sĩ cũng có cơ hội để nói lên tuệ giác, nhận thức và sáng kiến của mình. Và các vị thọ giới lớn hợp lại, căn cứ trên tất cả những điều gì mình nghe để đi tới quyết định làm hạnh phúc cho toàn chúng. Chúng tôi cũng mong ước rằng, trong những khóa tu tổ chức cho người xuất gia và người tại gia trong chuyến đi này, chúng tôi cũng có cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm tu học, tổ chức và giáo hóa mà chúng tôi đã đạt được trong mấy mươi năm ở tại Tây Phương.

 

Tôi rất mong ước rằng trong một tương lai rất gần, chúng ta có những khóa tu cho người cư sĩ năm ngày, bảy ngày. Và trong năm ngày tu hay bảy ngày tu đó, các vị cư sĩ có  cơ hội giải tỏa được những khó khăn, thiết lập lại được những truyền thông giữa cha con, mẹ con, vợ chồng với nhau, đem lại hạnh phúc. Tại vì hạnh phúc của gia đình là nền tảng cho hạnh phúc của xã hội. Năm một ngàn chín trăm năm mươi, không biết tại sao mà tôi đã có được cảm hứng để viết cuốn sách Gia Đình Tin Phật. Ngay tại chùa Linh Sơn này, tôi đã viết cuốn Gia Đình Tin Phật, là đạo Phật đem áp dụng vào đời sống gia đình. Trong cuốn đó tôi đã đề nghị một bài tụng mới, là bài Đệ tử chúng con từ vô thỉ. Nhiều vị đã tụng bài đó rồi, nhưng ít vị biết rằng bài đó đã được tôi viết ngay tại chùa Linh Sơn ở Đà Lạt. Hiện bây giờ sau khi tôi đã sáng tác cuốn Gia Đình Tin Phật, thì cũng ngay tại chùa Linh Sơn tôi đã biên tập cuốn Là Phật Tử, cuốn đó hiện bây giờ tôi tìm không có ra. Là Phật Tử cũng là đạo Phật áp dụng trong đời sống gia đình.

 

Hiện bây giờ đây cơ cấu gia đình ở tại Tây Phương bị lung lay rất nhiều. Sự truyền thông giữa cha và con, mẹ và con trở nên rất là khó khăn. Người trẻ lớn lên không có hạnh phúc, vì cha mẹ không có truyền thông với nhau được. Vì vậy cho nên người trẻ không có niềm tin ở nếp sống gia đình, họ đi tìm sự quên lãng trong trong rượu mạnh, trong ma túy và họ tham dự vào những băng đảng, phạm vào những tội ác. Số người trẻ tự tử ở các nước Tây Phương bây giờ rất là cao, ngay ở nước Pháp mỗi ngày có khoảng chừng ba mươi lăm thanh niên tự tử. Và con số đó nó cao hơn ở bên nước Anh, tại vì gia đình không có hạnh phúc, người trẻ lớn lên không tin vào cơ cấu của gia đình. Họ đi tìm quên lãng trong sắc dục, trong ma túy, trong rượu trà. Và vì vậy cho nên xã hội rất là thác loạn.

 

Ở Việt Nam hiện tượng đó bắt đầu trở thành rất là rõ rệt, cùng với sự phát triển của kinh tế, của kỹ thuật. Những tệ nạn của xã hội nó bắt đầu lớn lên và chúng ta thấy nạn ma túy, nạn đĩ điếm, nạn băng đảng, bắt đầu xuất hiện rất là nhiều ở các thành phố. Vì vậy cho nên trong Phật giáo chúng ta phải có một số khá đông các thầy, các sư cô, các vị cư sĩ nắm vững được phương pháp xây dựng lại được cơ cấu gia đình, đem con trở về với cha, đem vợ trở về với chồng, xây dựng lại cơ cấu gia đình cho vững chãi. Đó là nhu yếu rất là cấp thiết của xã hội mình.

 

Ở Việt Nam bây giờ cũng đã có nạn băng đảng, xì ke ma túy và có những người thanh niên tự tử vì tuyệt vọng. Và khi mình tùng học trong Phật học viện, mình phải làm sao học được những biện pháp để khi tốt nghiệp, mình có thể giúp được những gia đình đó, hoặc thiết lập được truyền thông, đem cha trở về với con, đem vợ trở về với chồng và điều này rất là cấp thiết.

 

Phật học phải có tính cách thực tiển

Nhà nước có chương trình thiết lập những khu phố văn hóa, những thôn văn hóa. Ở trong đó không có nạn xì ke, ma túy, đĩ điếm, cờ bạc, băng đảng. Nhưng phương pháp nhà nước sử dụng là gì, chỉ có sự kiểm soát của cảnh sát thôi. Nhìn từ góc độ Phật giáo mình thấy rõ ràng rằng gia đình là nguồn gốc, khi mà gia đình tan nát, khi mà vợ chồng không truyền thông được với nhau, khi mà vợ chồng làm khổ nhau thì những đứa con lớn lên trong gia đình đó không có niềm tin ở nơi gia đình, họ sẽ đi tìm sự khuây khỏa ở bên ngoài và vương vào vòng ma túy, vương vào vòng tà dục, vương vào vòng băng đảng. Vì vậy cho nên các Phật học viện của mình, các trường Phật học của mình phải đào tạo các thầy các sư cô và các cư sĩ có khả năng đi vào cuộc đời, xây dựng lại được nền tảng gia đình. Đó là ước mong rất sâu sắc của chúng tôi và đó là công việc hiện bây giờ chúng tôi đang làm ở Tây Phương.

 

Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đã giúp cho rất nhiều cặp vợ chồng, cha con, mẹ con tái lập được truyền thông, đem lại hạnh phúc trong đời sống gia đình. Trong một thôn làng thế nào cũng có một ngôi chùa, trong một khu phố thế nào cũng có một ngôi chùa. Những ngôi chùa đó phải đóng vai trò lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo đạo đức. Các thầy hoặc các sư cô trong ngôi chùa đó phải biết dân chúng của mình là ai.  Gia đình nào có hạnh phúc, gia đình nào tan nát, gia đình nào cần mình phải tới để cứu. Mình phải có hồ sơ, phải có một cái nhìn rất thấu triệt về dân chúng ở khu phố của mình. Mình phải tổ chức những khóa tu, tổ chức những buổi học tập, phải tổ chức những cuộc thăm viếng, phải gần gũi thanh niên thiếu nữ và thiếu nhi. Để mình đem ánh sáng của đạo Phật tới, đem những phương thuốc, phương dược của đạo Phật tới để cứu cho những gia đình đó, để cứu cho những người thanh niên đó, để cứu cho những cặp vợ chồng đó đang ở trên bờ hố thẳm của sự tan vỡ. Vì vậy cho nên Phật học của mình phải có tính cách thực tiển. Mình không có thể nào bay bổng trên vòm trời lý thuyết mãi mãi được. Duy thức học của mình, mình phải học như thế nào để Duy thức có thể áp dụng được vào sự chuyển hóa khổ đau của thân tâm. Kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Kim Cương, mình phải học như thế nào để rút tỉa ra được những phương pháp, có thể áp dụng được vào trong đời sống hàng ngày.

 

Đó là những lời mà tôi rất là mong mỏi gửi gắm đến các vị tăng sinh và ni sinh của các trường Phật học. Mình phải thực tế, mình không có quyền lý thuyết nữa. Có thể những chương trình của nhà nước lập những khu phố văn hóa, nếu không có sự đóng góp của các thầy các sư cô và các vị Phật tử, tôi không tin nó có thể thành công được. Văn hóa ở đây có nghĩa là sự vắng mặt của những tệ nạn xã hội, trong đó có đĩ điếm, có ma túy, có băng đảng, có tham nhũng. Bốn cái đó là bốn kẻ thù đích thực của mình. Đạo Phật làm được những gì để có thể đóng góp vào việc giải trừ những tai nạn đó cho xã hội. Các vị giáo thọ phải đặt vấn đề và các sinh viên trong các trường Phật học phải ngồi với nhau, làm thế nào để tìm ra những biện pháp cụ thể để giải trừ được những tai nạn đó cho đất nước như tham nhũng, đĩ điếm và băng đảng, thì đó là đạo Phật đi vào cuộc đời.

 

Có thể giáo hội cần phải triệu tập một đại hội về giáo dục để bàn về vấn đề này, rất là cấp thiết. Ở ngoài đời, hội nghị APEC toàn cầu hóa đang chuẩn bị ráo riết để đối phó với tình trạng mới. Còn chúng ta, chúng ta làm gì, chúng ta cũng phải hiện đại hóa, chúng ta cũng phải làm mới, chúng ta cũng phải đổi mới cách học và cách tu của chúng ta, thì mới mong có thể đáp ứng được với nhu yếu hiện thời của xã hội.

 

Năm nay phái đòan làng Mai về, được thủ tướng chính phủ cho phép tổ chức ba đại trai đàn chẩn tế giải oan để cầu nguyện cho tất cả những người đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Không phân biệt Bắc hay Nam, Cộng sản hay Chống cộng sản, Tôn giáo này hay là Tôn giáo khác và đó là ý nghĩa của chữ bình đẳng. Có gần năm triệu người đã chết trong chiến tranh, có hàng trăm ngàn chiến sĩ bỏ thây trên chiến trường mà có nhiều vị hài cốt vẫn chưa tìm ra được. Có những người đã chết một cách oai hùng trong khi chiến đấu, nhưng cũng có những người đã chết một cách rất là tăm tối, rất là oan ức ở trong các trại giam. Có hàng trăm ngàn thuyền nhân đã thiệt mạng trên biển cả và những đau khổ đó nó hằn sâu vào trong lòng của tất cả mọi chúng ta, người Bắc cũng như người Nam, người Phật tử cũng như người không Phật tử. Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội tới với nhau để nói lên, để công nhận những khổ đau đó. Tại vì những khổ đau đó, những oan ức đó cần phải được giải trừ. Phải giải trừ những oan khổ mà lâu nay dân tộc ta phải chịu đựng qua một cuộc chiến tranh rất là dai dẵng.

 

Theo tâm lý học, nếu những oan khổ đó cứ bị đè nén xuống, mà mai này không được giải tỏa, không được trị liệu thì mình sẽ truyền cho con cháu, và tội nghiệp cho con cháu của những thế hệ tương lai. Cho nên những trai đàn giải oan chẩn tế bình đẳng này là một cơ hội để chúng ta thực tập, đưa những đau khổ lâu nay ở dưới mức tiềm thức đi lên trên ánh sáng của ý thức. Chúng ta công nhận những đau khổ đó ở trong lòng của chúng ta, trong lòng của những người đồng bào khác. Chúng ta có cơ hội tới với nhau để cầu nguyện cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt đảng phái chính trị. Vì tất cả các vị đó đều là cha chúng ta, đều là anh chúng ta, đều là em trai chúng ta, đều là con trai chúng ta, đều là chồng chúng ta, đều là vợ chúng ta, đều là mẹ chúng ta, đều là em gái chúng ta, đều là đồng bào chúng ta, thì chúng ta tới để cầu nguyện cho tất cả được siêu sinh tịnh độ.

 

Qua ông đại sứ Việt Nam ở tại Paris, tôi có mời ngài chủ tịch nước tới tham dự lễ dâng hương bạch Phật của trai đàn chẩn tế chùa Vĩnh Nghiêm, tôi cũng có mời ngài thủ tướng tới tham dự lễ dâng hương bạch Phật tại trai đàn chẩn tế tại quốc tự Diệu Đế. Và tôi cũng có mời ông chủ tịch quốc hội tới tham dự lễ dâng hương bạch Phật tại trai đàn chẩn tế học viện Phật giáo ở Sóc Sơn. Tôi nghĩ rằng trong các thời đại Lý Trần, các vua chúa chúng ta luôn luôn có mặt cho dân, mỗi khi dân bị những đau khổ, những tai nạn. Trong giai đoạn hiện tại cũng vậy, mỗi khi có bão lụt, có thiên tai là các vị thủ tướng, phó thủ tướng hay là chủ tịch nước tới để tỏ lộ niềm ưu ái của quý vị. Những trai đàn chẩn tế giải oan bình đẳng này là do lòng dân muốn có, để cầu nguyện cho biết bao nhiêu triệu người đã vong thân, đã thiệt mạng. Chắc chắn là ông Chủ tịch nước, ngài Thủ tướng, ông Chủ tịch quốc hội sẽ tới để cùng cầu nguyện với chúng ta. Các vị quốc vương của chúng ta đời Lý đời Trần đã từng làm như vậy, đây không phải là chuyện mới.

 

Tôi thấy ông tổng thống Bush qua dự hội nghị APEC có ba ngày thôi, mà tới ngày chủ nhật ông cũng có thì giờ để đi nhà thờ. Tôi nghĩ rằng ngài Chủ tịch nước cũng có gốc rễ Phật giáo, ngài Thủ tướng cũng vậy. Thành ra các vị tới tham dự lễ dâng hương bạch Phật khai mạc cho trai đàn, sẽ làm cho vơi bớt rất nhiều những đau thương trong lòng dân tộc, sẽ đem lại rất nhiều an ủi cho toàn dân. Và tôi xin kính thỉnh tất cả quý vị, trong suốt ba ngày của đại trai đàn chẩn tế chùa Vĩnh Nghiêm, mỗi gia đình nên thiết lập một bàn vong ở trước hiên nhà, mỗi ngày đều cúng cháo trắng và nước trong, muối gạo. Nếu có thể thì cúng dường văn bản tam quy và ngũ giới. Ở trên mạng làng Mai có đủ những chỉ dẫn về phương pháp đó. Trong những ngày đại trai đàn chẩn tế chùa Vĩnh Nghiêm, chúng ta nên ăn chay một trăm phần trăm và chúng ta nên làm những công việc từ thiện như phóng sanh, như là giúp cho những người neo đơn, những em bé mồ côi. Và tất cả toàn dân đều hướng về trai đàn chẩn tế Vĩnh Nghiêm. Tôi tin chắc rằng, nếu chúng ta thực tập cho đàng hoàng trong ba ngày như vậy, thì sau đó năng lượng nó sẽ rất nhẹ nhàng, sẽ thanh thoát bao nhiêu người, sẽ được siêu thăng và chúng ta tới được gần nhau hơn.

 

Đất nước hiện bây giờ có một cơ hội, một vận hội mới là nếu sau khi thống nhất được lãnh thổ rồi mà mình thống nhất được lòng người, đem người Nam trở về với người Bắc, đem người nước ngoài trở về với người trong nước, thì chúng ta có một cơ hội lớn lao hơn để xây dựng đất nước. Tôi nghĩ rằng các vị lãnh đạo của chúng ta trong bộ chính trị, trong đảng, trong chính quyền thấy được những điều này. Đây là một Phật sự rất là quan trọng, chúng ta thực tập với nhau để chữa lành những thương tích đã chất chứa từ xưa đến nay, trị liệu và chuyển hóa những thương tích đó. Những hạnh phúc mà toàn dân tiếp thu được nhờ sự thực tập cộng đồng này, tập thể này, sẽ rất lớn. Thành ra xin quý vị truyền miệng nhau là trong ba ngày chẩn tế ở tại chùa Vĩnh Nghiêm, nhà nào cũng nên thiết lập bàn linh, nhà nào cũng thực tập năm giới, cũng thực tập phóng sanh và làm việc từ thiện. Sau đó chúng ta sẽ có một đại trai đàn chẩn tế ở tại quốc tự Diệu Đế ở Huế. Trai đàn ở miền Nam sẽ được làm theo nghi lễ cổ truyền ở miền Nam, các thầy sẽ làm rất lớn. Các thầy trong giáo hội cộng tác với Mai thôn đạo tràng sẽ dựng trai đàn rất lớn ở tại Vĩnh Nghiêm. Các thầy trong giáo hội cũng sẽ cộng tác với đạo tràng Mai thôn làm đại trai đàn chẩn tế rất lớn ở quốc tự Diệu Đế.

 

Chúng ta cần phải tham dự hết lòng trong những ngày như vậy, tất cả là có ba trai đàn và có chín ngày. Nếu toàn dân tham dự hết lòng thì tôi tin rằng sự chuyển hóa sẽ rất là lớn và bao nhiêu người được cầu siêu, âm thì siêu mà dương thì thái. Hạnh phúc của chúng ta như một dân tộc, như một tổ quốc sẽ lớn lên rất nhiều. Hy vọng thông điệp này được gởi tới hang cùng ngõ hẻm, mọi người đều biết, đây là một cơ hội rất lớn cho chúng ta. Chúng tôi rất biết ơn lãnh đạo nhà nước đã cho phép giáo hội và Mai thôn đạo tràng tổ chức ba trai đàn chẩn tế này. Cái qui mô rất là lớn lao, nó có tầm vóc quốc gia chứ không phải là tầm vóc địa phương nữa. Tôi xin chấm dứt cái bài nói chuyện hôm nay bằng cách yêu cầu các thầy, các sư cô làng Mai trì tụng bài Triết lệ hoàng thâm đại biện tài bằng tiếng Việt.

 

Đầu cành dương liểu vương cam lộ

Một giọt mười phương rưới cũng đầy

Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết

Đàn tràng thanh tịnh ở nơi đây.

...

 

Xin thầy Pháp Niệm xướng lên bằng tiếng Việt trước. Xin đại chúng chắp tay, chúng ta cầu nguyện.

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.