Kính
thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày mồng năm tháng sáu dương lịch, năm
hai ngàn không trăm lẽ tám. Chúng ta đang ở tại thiền đường Cánh đại
bàng, tu viện Bát nhã, Bảo lộc, Lâm đồng trong khóa An cư kiết hạ.
Hôm nay chúng ta học tiếp về niệm giới.
Nhiếp luật nghi giới.
Giới là sīla, được định nghĩa là giữ gìn giới luật và uy nghi, bảo hộ
tất cả những gì tốt lành và phụng sự cho các loài chúng sanh. Chữ
Hán gọi là Nhiếp luật nghi giới, Nhất thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu
tình giới.
Trước hết là bảo hộ giới luật và uy nghi. Khi chúng ta tiếp nhận giới,
ví dụ như là năm giới, thì chúng ta nguyện sẽ giữ năm giới đó toàn đẹp,
đừng làm bể, đừng phá giới. Chúng ta phải trì giới, tức là giữ cho
nó được nguyên vẹn. Giữ giới được nguyên vẹn thì ta được nguyên vẹn.
Giới bị bể nát thì ta cũng bị bể nát theo. Giới có công năng hộ trì,
bảo bọc. Có một ông lớn trong nhà nước xin tôi hộ niệm cho ông. Tôi
nói: Tôi hộ niệm thì được rồi, nhưng mà ông phải giữ giới. Nếu ông
không giữ giới thì việc hộ niệm của tôi không có hiệu quả. Mỗi hai
tuần ông phải tụng đọc năm giới, như vậy việc hộ niệm của tôi sẽ có
kết quả chắc chắn.
Ông ấy đã tổ chức tụng giới mỗi hai tuần. Giới là năng lượng bảo hộ,
che chở. Khi mình tụng giới, mình sống theo giới, thì mình được bảo
hộ, được che chở. Cho nên mình giữ cho giới được nguyên đẹp. Lỡ có
gì sứt mẻ một chút thì phải sám hối, làm cho nó nguyên vẹn trở lại.
Trong giới có luật và có uy nghi. Uy nghi cũng là giới nhưng thuộc về
phần chi tiết, hình thức. Uy nghi có công năng phòng ngừa và làm cho
đẹp. Chúng ta thường nói tới bốn uy nghi, tức là đi-đứng-nằm-ngồi,
bốn tư thế của thân hình mình. Đi cũng phải có uy nghi, đứng cũng phải
có uy nghi, nằm cũng phải có uy nghi và ngồi cũng phải ngồi cho uy
nghi. Có uy nghi thì đi cũng đẹp, đứng cũng cũng đẹp, nằm cũng đẹp
mà ngồi cũng đẹp. Mình thấy rất rõ, uy nghi đó là chánh niệm. Hễ có
chánh niệm thì đi cũng uy nghi, cũng đẹp, đứng cũng đẹp, ngồi cũng đẹp
mà nằm cũng đẹp. Thành ra uy nghi làm cho mình đẹp.

Tĩnh lặng
- uy nghi (Rừng sồi Xóm Thượng mùa hè 2005)
Uy nghi cũng có công năng bảo hộ cho mình, ngăn ngừa cho mình. Khi
mình lái xe ban hôm ban khuya, đi đến đèn đỏ. Mục đích của đèn đỏ là
để cho mình dừng lại, đừng phóng tới. Nhưng đôi khi mình thấy bên
kia đâu có xe, bên nọ không có xe, phóng tới chắc cũng không sao. Rồi
mình mình bẻ luật mình phóng. Có thể là không có gì xẩy ra hết.
Nhưng mà cũng có thể xẩy ra tai nạn.
Có thể mình nói tại sao không có xe mà mình cứ chịu chết đứng ở đây
đợi cho đèn xanh rồi mới đi. Mình cứ đi đại, không sao đâu! Mình đâu
có thấy xe gì đâu? Vậy là mình đã bẻ cái uy nghi, mà bẻ uy nghi thì
rất là nguy hiểm. Ví dụ như một người tu, một sư cô hay một sư chú
đi ra ngoài, đi chợ hay đi dạo phố thì uy nghi là không bao giờ được
đi một người. Đi một người cũng có thể đi về không sao. Nhưng mà uy
nghi bắt buộc phải đi với ít nhất là một người khác, như là với đệ
nhị thân. Người đó sẽ nhắc nhở, sẽ bảo hộ, cứu trợ mình khi mình gặp
tai nạn. Có khi mình thấy cái uy nghi đó không cần thiết nhưng mà vì
đó là uy nghi mình phải theo thôi. Một sư cô hay một sư chú đi ra
ngoài, không được đi một mình mà phải đi với một người thứ hai, phải
có uy nghi.
Ở Làng Mai, khi mình lên mạng internet thì cũng phải đi hai người.
Đó là uy nghi của Làng Mai. Đi lên internet cũng nguy hiểm, cũng có
thể đi vào những vùng nguy hiểm. Vì vậy cho nên trong số những uy
nghi của các thầy, các sư cô Làng Mai là mỗi khi lên mạng internet
thì không được đi một mình, phải đi với một người khác mới được. Dầu
là mình tìm những tài liệu để học hỏi cũng vậy, cũng phải đi hai người.
Uy nghi bảo hộ cho mình. Đi một mình, có thể một chuyến không sao,
hai chuyến không sao, nhưng đi tới chuyến thứ ba thì ma bắt. Trong
internet có những con ma, ghê lắm. Có một con yêu râu xanh ở bên
Pháp, nó giăng lưới ở trong internet. Nó năm mươi mấy tuổi nhưng
đóng vai một chàng thanh niên hai mươi bốn tuổi, một sinh viên, và
nó giăng lưới bắt được nhiều cô gái vị thành niên. Thành thử rất
là nguy hiểm! Biết bao nhiêu chàng trai vị thành niên và cô gái vị
thành niên đi lên mạng bị cuốn hút theo. Cha mẹ có thể cùng đi với
con, đi theo với con, đi chơi với con, đi lên internet. Còn ở trong
giới xuất gia thì mình phải đi với thầy, với sư chị, với sư anh . Đó
là uy nghi!
Uy nghi phòng ngừa, bảo hộ và làm cho mình đẹp hơn. Có giới luật và
có uy nghi, có hai cái. Uy nghi được gọi là học pháp. Các thầy có cả
trăm uy nghi. Các sư chú, các sư cô mới đi xuất gia cũng có gần cả
trăm uy nghi. Chúng ta phải học giới luật và uy nghi cho kỹ, chữ Hán
gọi là nhiếp luật nghi. Nhiếp luật nghi giới, tức là ôm lấy, giữ
lấy, đừng để cho rơi rụng những giới luật cùng những uy nghi và bảo
hộ những gì đẹp và lành.
Nhiếp thiện pháp giới.
Tất cả những cái gì đẹp, tất cả những cái gì lành, tất cả những cái
gì thiện, mình phải phát tâm bảo hộ giữ gìn đừng để cho tán thất. Ví
dụ như dòng sông của mình rất đẹp, mình đừng làm cho nó ô nhiễm. Ngọn
núi của mình rất hào hùng, mình đừng bắn đá để lấy làm nhà. Biển cả,
mình đừng làm cho ô nhiễm. Những tập tục đẹp đẽ trong gia đình,
trong làng xóm, mình giữ lại, đừng để cho nó hư hao. Đi phải thưa, về
phải trình! Có rất nhiều cái đẹp, có rất nhiều cái lành. Thấy người
hoạn nạn thì phải giúp đỡ. Thấy người té thì phải tới nâng dậy. Thấy
người có tai nạn thì phải nhào vô để cứu giúp. Đó là bảo hộ những
cái gì đẹp và lành.
Giới không chỉ là không làm những điều ác mà giới có nghĩa là phải
làm những điều lành. Bất cứ điều lành nào mà mình làm được thì mình
phải làm, không làm tức là phạm giới. Ví dụ như có hai người đánh
nhau. Một người đang đả thương người khác mà mình đứng dững dưng ở
ngoài, không can thiệp là mình phạm giới. Tuy là mình không có giết,
không có đánh, nhưng mà mình đứng quan sát bên ngoài như một kẻ bàng
quan mà không can thiệp, đó là phạm giới tiếng Pháp gọi là non
intervention, non intervention thì phạm giới. Thành ra tuy mình
không làm ác mà người ta làm ác mình không cố gắng để ngăn lại thì
mình cũng phạm giới. Giới không phải chỉ là bảo hộ luật và nghi mà
còn là bảo hộ những gì đẹp và lành. Làm tất cả những gì đẹp và lành
gọi là nhiếp thiện pháp.
Nhiêu ích hữu tình giới.
Nghĩa thứ nhất của giới là nhiếp luật nghi giới, nghĩa thứ hai là
nhiếp thiện pháp giới, và nghĩa thứ ba của giới là phụng sự cho mọi
loài tức là mình phải làm ích lợi, làm vơi bớt những khổ đau của các
loài mà trước là loài người. Làm vơi bớt những khổ đau của những người
khác và đem lại cho họ niềm vui sống cái đó gọi là nhiêu ích hữu
tình.
Vậy thì phạm vi hành trì của giới rất là rộng. Trước hết phải bảo hộ
luật và nghi (giới luật và uy nghi) đừng để cho sứt mẻ.
Giới pháp của Đức Thế tôn là luật nghi chánh niệm mà chúng con đang
hành trì, là giới thân nguyên vẹn, là giới thân không bao giờ bị sứt
mẻ.
Đừng để cho nó bị sứt mẻ. Hể nó hơi bị cái gì thì phải sám hối, phải
làm nguyên trở lại, làm lành trở lại. Phương pháp sám hối trước đại
chúng rất là hay. Nó bị sứt mẻ một chút là phải làm cho nó nguyên vẹn
trở lại liền. Làm với cái tâm.
Vì vậy cho nên người ta nói là: Giới là không làm những điều ác và
phải làm những điều lành. Giới là làm những điều lành, là bảo hộ những
gì đẹp và lành đang có, đừng để cho nó tan nát. Giới là làm bất cứ
điều gì có thể để cho mọi loài chúng sanh thêm vui và bớt khổ. Giới
có nghĩa như vậy.
Giới có ba nhóm gọi là tam tụ, tam tụ tịnh giới, ba bó. Bó thứ nhất,
giống như là bó hoa, là duy trì luật và nghi. Bó thứ hai là bảo hộ
cái gì đẹp và lành và bó hoa thứ ba là phụng sự cho chúng sanh. Uy
nghi của mình là trong khi nghe pháp là phải tắt điện thoại di động,
nếu không là nó làm nhiễu hại cho sự chú tâm của đại chúng.
Khi mình nghe nói tới ba mặt của giới, ba bó hoa, ba nhóm giới
thì mình thấy phạm vi của giới rất là rộng. Giới rất là tích cực, một
mặt nó bảo hộ, một mặt nó xây dựng.
Ngũ căn, ngũ lực.
Và chúng ta hôm qua đã nói tới giới- định- tuệ, tam học. Tam học là
ba sự rèn luyện hay ba sự tập luyện. Tam học là ba ngành, ba môn tập
luyện. Chúng ta cũng biết rằng giới định tuệ tức là niệm định tuệ.
Niệm đưa tới định và giới. Vì là niệm cho nên có định. Trong giáo lý
ngũ căn, ngũ lực thì chúng ta thấy rất rõ. Ngũ căn là: tín, tấn,
niệm, định, tuệ. Niềm tin nó đưa lại sự chuyên cần. Khi mình có
niềm tin nơi chánh pháp thì mình có cái năng lượng của sự chuyện cần.
Và khi mình có chuyên cần thì năng lượng chánh niệm của mình phát
triển. Khi năng lượng niệm hùng hậu thì đưa tới năng lượng của định
và khi năng lượng của định hùng hậu thì đưa tới tuệ. Một khi có tuệ
rồi thì đức tin càng lớn thêm nữa. Đó gọi là ngũ lực tức là năm loại
năng lượng.
Người tu là người phải có khả năng chế tác năm loại năng lượng này
trong đời sống của mình, chế tác niềm tin cho mình và cho người khác,
chế tác sự siêng năng cần mẫn. Khi chế tác được năng lượng của niệm,
của định và của tuệ thì người tu trở thành một người rất giàu có,
giàu có năm năng lượng đó. Năm năng lượng đó đem lại rất nhiều hạnh
phúc và giúp cho mình cứu được không biết bao nhiêu người.
Ngoài đời người ta đi tìm những năng lượng khác như tiền tài, quyền
lực, danh vọng, nữ sắc. Còn mình là người tu, mình đi tìm năm năng
lượng tín, tấn, niệm, định, tuệ. Mỗi ngày mình phải làm giàu thêm
năm năng lượng này. Ngày nào mình không làm giàu thêm được là một
ngày uổng phí. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi khi rửa rau, mỗi khi
đặt tọa cụ là mình phải có niệm và định, nếu không thì không khác gì
người đi làm thuê. Nhưng đi làm thuê thì người ta có được lương, còn
mình thì có lương gì đâu. Cái lương của mình là ngũ lực, tức là năm
cái nguồn năng lượng nó làm cho mình trở thành ra năm cái nguồn năng
lượng thánh thiện, mình trở thành một đạo sư, mình có thể cứu đời, độ
người được. Vậy thì ngay ở trong ngũ căn ngũ lực mình thấy rõ ràng
có bộ ba niệm-định-tuệ. Niệm ở đây, nói là giới cũng được: tín, tấn,
giới, định, tuệ cũng được, không sai. Mình có thể nói như thế này:
Phạm vi của niệm rất rộng và giới nằm gọn ở trong niệm. Giới có nhiếp
luật nghi, nhiếp thiện pháp và nhiêu ích hữu tình tức ba diện hành
trì hay ba diện hoạt động là bảo hộ luật nghi, bảo hộ tất cả những
gì đẹp lành, làm được bất cứ cái gì để cho chúng sanh bớt khổ và được
an vui. Đó là giới và giới nằm trong niệm.
Bốn niệm xứ.
Chúng ta biết rằng niệm rất là rộng. Chúng ta niệm Bụt, chúng ta niệm
Pháp, chúng ta niệm Tăng và còn nhiều niệm nữa. Trong kinh Niệm xứ
thì chúng ta niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, có bốn niệm xứ.
Trước hết chúng ta thấy trùng hai chữ pháp. Chữ pháp trong niệm Bụt
- niệm Pháp - Niệm Tăng - niệm Giới là giáo pháp của Đức Thế tôn còn
chữ pháp trong bốn niệm xứ là thế giới của hiện tượng, thế giới của
những tri giác. Thí dụ ngọn bút này là một pháp, bàn tay này là một
pháp, tiếng chuông là một pháp, mặt trời là một pháp, cây thông là một
pháp, gọi là vạn pháp. Vạn pháp là đối tượng của nhận thức của mình,
là đối tượng của tri giác. Cho nên chữ Pháp trong Phật-Pháp-Tăng
không phải là chữ pháp trong bốn niệm xứ hay bốn lĩnh vực của sự thực
tập chánh niệm mà lĩnh vực thứ nhất là thân thể mình.
Quán chiếu về
thân thể mình gọi là niệm thân. Và sau đó mình đi sang lĩnh vực
thứ hai của quán niệm đó là niệm thọ, tức là những cảm giác, cảm xúc.
Quán chiếu về những cảm giác dễ chịu, những cảm giác khó chịu hay những
cảm giác trung tính gọi là niệm thọ.
Niệm tâm có nghĩa là, khi có những tâm hành như như buồn, giận, lo,
sợ, vui, khổ, thương, ghét hiện ra thì mình phải quán chiếu, phải nhận
diện nó. Đó gọi là niệm tâm.
Nhận diện những sự vật gọi là niệm pháp, pháp là những đối tượng của
tri giác mình. Cuốn sách, cái gối ngồi, cái nhà, dòng sông, mặt trời,
mặt trăng đều là pháp hết, đều là đối tượng của tâm. Đối tượng của
tâm gọi là pháp. Thấy là thấy cái gì, nghe là nghe cái gì? Pháp gồm
có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Pháp tức là đối tượng của tâm.
Như vậy thì niệm tức là giới và giới tức là niệm. Niệm cũng là niệm
Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.
Giới làm đẹp con người và xã hội.
Hôm trước chúng ta có nói rằng, trong khóa tu an cư kiết hạ năm ngày
thì các thầy, các sư cô, các sư chú được đọc hai cuốn sách và phải đọc
như là đọc kinh vậy. Cuốn sách thứ nhất là Người Việt, nói về những
phẩm chất, những thói hư tật xấu của người Việt. Khi đọc thì mình thấy
có những thói hư tật xấu làm cho mình đau khổ và làm cho xã hội mình
không đẹp. Thấy được như vậy để sửa chữa và giới luật uy nghi phải
được đem ra sử dụng để có thể xóa bỏ những thói hư tật xấu đó.
Sự phát triển kinh tế và kỹ thuật đưa tới những tệ nạn xã hội như ma
túy, bạo động trong gia đình, trong học đường, trong xã hội, đĩ
điếm, say sưa, tự tử, ly dị, tan nát gia đình. Bạo động (đánh, chửi,
chém, giết), tham nhũng và nhiều tệ nạn khác làm cho xã hội mình,
gia đình mình bị khổ đau.
Các nhà chính trị cũng cố gắng làm thế nào để những tệ nạn xã hội đó
được phòng ngừa, được xóa bỏ. Những tôn giáo, những nhà đạo đức cũng
cố gắng làm thế nào cho nó đừng lan tràn. Sự thật là mỗi ngày một
lan tràn nhiều hơn những chuyện say rượu, đánh vợ, đánh con và tạo
ra những tai nạn ở trên đường giao thông. Tai nạn giao thông bây giờ
có nhiều trở lại, mỗi năm có mười mấy ngàn người chết ở trên đường
lộ vì tai nạn lưu thông. Mỗi lần có một người chết như vậy là biết
bao nhiêu người đau khổ, tốn rất là nhiều tiền. Đó là một tệ nạn xã
hội. Uống rượu say, lái xe ẩu, không có tinh thần trách nhiệm, đó là
những thói hư tật xấu của mình.
Con đường thực tập trong đạo Phật là giới. Khi mình thọ giới là
mình nguyện diệt trừ những tệ nạn đó ngay trong bản thân và trong
gia đình mình. Phải có những biện pháp rất cụ thể để áp dụng được liền
lập tức. Nếu áp dụng được vài ba tuần là đã có những thay đổi rất lớn
trong bản thân và trong gia đình. Khi thọ giới mình phải quỳ xuống,
phải có sự chứng kiến của nhiều thầy, nhiều sư cô và một số đông phật
tử để chứng minh cho mình. Thọ giới về là mình thực tập chứ không phải
để có điệp hộ giới cất vào trong rương và khi nào trời ẩm quá thì
đem ra phơi.
Hiện bây giờ, như ngày hôm qua tôi có nói, nhà nước có chính sách lập
những ấp, những thôn văn hóa, những khu phố văn hóa nghĩa là những
khu phố ở trong đó không có tệ nạn xã hội. Đó là chính sách mình cần
phải yểm trợ. Yểm trợ bằng cách gì? Không có lý mình giơ tay lên
hoan hô thôi thì đủ sao?
Mình tưởng tượng vòng tròn này là một ấp hay một xã và trong đó có
ủy ban nhân dân xã. Ông chủ tịch ủy ban nhân dân, những người khác
cộng tác với ông như những công an, những cảnh sát, những người có
liên hệ tới nhà nước thì họ có bổn phận phải có hồ sơ của từng hộ.
Họ phải biết rằng hộ này có bao nhiêu người và tên là gì? Có những
người ở hợp pháp hay không hợp pháp? Họ phải biết, họ bắt buộc phải
biết! Những người công an có phận sự phải cho những tin tức rất là
rõ ràng, rất là chính xác để kiểm soát. Khi trong ấp, trong xã xẩy
ra chuyện ăn cắp, hay bạo động thì hội đồng nhân dân xã, ông chủ
tịch, những người công an phải biết để bắt, để ngăn ngừa lại. Thường
thường pháp luật là như vậy: kiểm soát và trừng phạt. Kiểm soát và
trừng phạt đạt tới một kết quả nào đó, nhưng cũng chưa đủ.
Trong xã có một ngôi chùa, một ngôi chùa xứng đáng với ý nghĩa của một
ngôi chùa, nghĩa là trong đó có tu, có các thầy hoặc là có các sư cô
biết tu. Trong chùa mà có thực tập giới rất là đàng hoàng thì chùa
đó mới đúng là một cái chùa và những người phật tử ở trong xã hay là
trong ấp tới chùa để tiếp nhận giới đem về thực tập.
Phương pháp của chùa khác với phương pháp của nhà nước là chùa không
có kiểm soát không có trừng phạt mà chỉ yêu cần người ta tự nguyện
thôi. Không có ép buộc! Chỉ tự nguyện thôi! Anh thọ giới hay không
thọ giới đó là do anh, tôi không ép anh được. Tôi chỉ gây cảm hứng
cho anh thọ giới. Rôi nói rằng nếu anh thọ giới thì anh có con đường
tâm linh và anh sẽ được bảo hộ. Thực tập giới anh sẽ được bảo hộ và
anh bảo hộ được gia đình anh. Anh có thể xóa được những tệ nạn hiện
đang có trong gia đình anh, anh có thể xóa những tệ nạn đó ở trong
khu phố của anh. Vấn đề này là vấn đề của tự nguyện. Mình tu là vì
mình muốn tu chứ không ai bắt mình phải tu. Không có vấn đề kiểm
soát, không có vấn đề trừng phạt mà chỉ có tự nguyện mà thôi.
Tội tùng tâm khởi tùng tâm sám.
Theo nguyên tắc của truyền thống Phật giáo Việt nam, mỗi ngày rằm và
mồng một là phải đi chùa một lần để sám hối, để làm cho mới lại. Nếu
có một vài nứt rạn, vài sứt mẻ trong giới mình thọ thì ngày rằm,
ngày mồng một, mình lên chùa để làm mới lại, làm nó nguyên vẹn trở lại.
Thành thử các thầy, các sư cô trong chùa phải tổ chức mỗi tháng hai
lần những buổi tụng giới, những buổi sám hối để cho phật tử trong
thôn xóm hay trong xã tới. Sám hối tức là nói thiệt với Phật, với
Pháp, với Tăng là trong mười lăm ngày vừa qua con thực tập chưa được
giỏi. Vì vậy cho nên con đã nói một câu quá nặng nề đối với đứa con
trai của con và nó bỏ nhà đi ba ngày rồi. Con rất hối hận! Con xin hứa
với Bụt, với Pháp, với Tăng là trong những tuần tới con sẽ không nói
những lời chửi mắng nặng nề đối với con của con nữa. Và khi phát
nguyện xong rồi thì cái sứt mẻ đó, cái nứt rạn đó lành liền. Đó là
pháp môn sám hối. Sám hối tức là làm mới trở lại. Khi chúng tôi giảng
dạy ở Tây phương thì chúng tôi không dùng chữ sám hối mà chúng tôi
dùng chữ làm mới.
Làm mới trở lại. Tiếng Anh là beginning a new. Làm mới lại! Chữ sám
hối đối với họ hơi nặng. Đổi mới lại! Mình có những lỗi lầm, mình có
những vụng về trong quá khứ thì bây giờ mình đổi mới trở lại. Trước
hết là đổi cái tâm. Tâm mình phát nguyện là không lập lại, mà khi
tâm phát nguyện rồi thì những lầm lỡ trong quá khứ tiêu, gọi là tội
tùng tâm khởi tùng tâm diệt.
Những lỗi lầm từ tâm mà ra và cũng nhờ tâm mà được tiêu. Thành ra
chính mình dùng cái tâm đó xóa bỏ những cái vụng về trước. Mình làm
cho cái bị nứt rạn trở thành nguyên vẹn trở lại, gương vỡ lại lành.
Với cách làm mới, cách sám hối đó thì gương có tan vỡ cũng lành lại
trở lại được. Rất là hay! Đó gọi là gương vỡ lại lành.
Nguyên tắc thực tập ở trong chùa, không phải là kiểm soát không phải
là trừng phạt mà là tự nguyện và sách tấn. Sách tấn tức là khuyên
nhủ, là động viên, để cho người kia có thêm năng lượng của sự chuyên
cần. Nếu quý vị không ưa chữ sám hối, thấy chữ sám hối nặng nề, thì
có thể dùng chữ làm mới. Tối hôm nay là lễ làm mới, các thầy, các sư
cô phải tổ chức như thế nào tất cả mọi người đều trở thành mới tinh
sau buổi lễ đó. Những vụng về, những nứt rạng, những sứt mẻ về giới
của mình, nhờ buổi thức tập đó mà lành lặn trở lại. Phải thực tập
cho có hiệu quả!
Sám hối phải là tới cầu xin ngài tha tội mà phải phát nguyện là
trong những tuần tới con sẽ không nói như vậy nữa, con sẽ không làm
như vậy nữa, con sẽ không gây đổ nát như vậy nữa. Phát nguyện do cái
tâm của mình! Chứ còn xin không có đủ, xin ngài tha tội không có đủ
tại vì đức Thế tôn dạy là tất cả đều do tâm của mình. Chính vì cái
tâm cho nên mình đã làm đổ vỡ thì bây giờ phải lấy cái tâm làm cho
lành trở lại. Tội tùng tâm diệt, tội tùng tâm sám là như vậy.
Rất là hay ! Đạo Phật rất là hay ở chổ này!
Chữ tội đây có nghĩa là vụng về, dại dột. Tội tùng tâm khởi, tùng
tâm sám có nghĩa là cái vụng về đó từ tâm mà phát khởi ra và cũng từ
tâm mà được lành lặn trở lại.
Hay lắm! Tất cả đều do tâm mình hết. Tâm mình phát nguyện cho dõng
mãnh, cho thiệt là mạnh thì sự lành lặng, sự đổi mới tới rất là mau.
Mỗi tháng hai lần các thầy các sư cô phải làm sao cho khéo để sau
buổi làm mới đó, sau buổi học hỏi đó, buổi phát nguyện đó, người ta
ra về thấy họ mới tinh. Tại vì chúng ta là con người, chúng ta không
hoàn hảo được, thỉnh thoảng chúng ta cũng có một vài vụng về. Vụng
về, dại dột thì mình phát nguyện sau nầy mình bớt vụng về, bớt dại
dột, thế thôi .
Theo tôi thì trong chùa cũng phải có hồ sơ của những gia đình phật
tử. Không phải là để kiểm soát mà để biết rõ tình trạng từng gia
đình để mình có thể độ được họ. Gia đình bác X có hai đứa con, có bà
vợ, ông chồng. Tánh tình ông chồng như vậy, tánh tình bà vợ như vậy,
tánh tình đứa con như vậy. Mình biết rõ được những khó khăn, những
khổ đau của từng người.
Nếu các thầy, các sư cô trong chùa có hồ sơ thì các thầy, các sư cô
giúp cho gia đình đó rất dễ. Người ta tới một đám đông mà mình chỉ
giảng tổng quát cho mọi người thì lợi ít hơn. Cũng như bác sĩ, y sĩ
có hồ sơ của từng bệnh nhân, có hình phổi, có hình của tâm điện
đồ. Mình biết rõ người đó, họ nói lên cái gì thì mình hiểu liền. Gia đình kia cũng vậy, nếu bà vợ hay bà mẹ đến than phiền thì mình
biết liền là đứa con có khó khăn như thế này. Khi mình thấy được
những khó khăn, những bức xúc của những người trong gia đình thì
mình biết những pháp nào, pháp thực tập nào mình cần đưa ra để giúp
được cho những người trong gia đình đó. Vì vậy mình cũng nên có hồ
sơ của từng gia đình phật tử cũng như một bác sĩ có hồ sơ của từng
bệnh nhân, không phải để kiểm soát mà là để giúp đỡ. Một ngôi chùa
lý tưởng sau này là phải như vậy. Mình chỉ có hồ sơ của những người
phật tử bổn đạo của chùa thôi, mà chính bổn đạo của chùa cung cấp
cho mình chứ mình không phải tới dò hỏi.
Không phân biệt.
Có thể có những người không phải là phật tử, không phải là bổn đạo
của chùa, những người không thuộc đạo Phật, họ theo đạo Tin lành,
đạo Công giáo nhưng họ có cảm tình với đạo Phật, họ ưa đi chùa.
Không phải là mình chỉ giúp cho người phật tử. Nếu những người thiên
chúa giáo, những người Tin lành hay Do thái giáo tới để xin tham vấn
về những vấn đề khó khăn trong gia đình, trong tâm lý họ thì mình
không được kỳ thị. Mình phải giúp họ như mình giúp những người phật
tử. Còn nếu mình nói, anh phải qui y đi, phải là phật tử đi, phải có pháp danh đi thì tôi mới giúp, như vậy thì mình không phải là
phật tử lắm.
Phật giáo rất là cởi mở, rất là không kỳ thị. Nếu anh phân biệt, đây
là phật tử, đây không là phật tử, tôi chỉ giúp phật tử thôi, tôi
không giúp những người không phải là phật tử, thì anh chưa phải là
phật tử thiệt. Phật tử thiệt thì không còn kỳ thị, không được kỳ
thị như vậy.
Nếu anh đi tổ chức cứu trợ nạn lụt thì tới nơi anh phải phát quà cho
hết mọi người, phật tử cũng phát mà không phải phật tử cũng phát,
những người dễ thương cũng phát mà những người không dễ thương cũng
phát. Lúc đó anh mới là phật tử. Nếu anh kỳ thị, anh nói: Đây là tổ
chức phật giáo. Tôi phải phát cho phật tử trước, còn dư tôi mới phát
cho Tin lành, Công giáo. Như vậy anh không phải là tổ chức phật
giáo! Phật giáo tức là không phân biệt, không kỳ thị. Cho nên trong
ấp, trong khu phố, trong xã đó, cố nhiên là mình phải lo cho phật tử
bổn đạo. Nhưng nếu những người không phải là phật tử bổn đạo cần tới
mình thì mình giúp hết lòng. Mỗi lần giúp như vậy, nếu mình có tài
liệu về họ thì cũng nên ghi nhớ để sau này mình giúp cho dễ. Mỗi khi
bệnh nhân tới ông bác sĩ phải rút hồ sơ ra coi lại. Chỉ trong hai
phút thôi là ông biết, ông nhớ lại tình trạng, thành thử ông làm
việc rất là dễ. Còn nếu mình không có hồ sơ thì phải hỏi lại từ đầu,
mất thì giờ vô cùng. Về sau một ngôi chùa trong xã, trong khu phố
phải tổ chức như vậy. Các thầy, các sư cô trong chùa phải đóng vai
trò chủ trì cho từng gia đình. Nếu các thầy, các sư cô bận quá, bận
cầu an, cầu siêu, lo tổ chức lễ thì làm sao phụng sự chúng sanh
được, làm sao nhiêu ích hữu tình được?
Trong xã có lãnh đạo chính trị và có lãnh đạo tinh thần và hai việc
này không xen vào nhau. Một bên thì phải kiểm soát, có khả năng
trừng phạt. Còn bên này không kiểm soát, không trừng phạt, chỉ tự
nguyện và sách tấn thôi.
Giới làm đẹp cho
môi trường và xã hội.
Hôm trước ở Hà Nội, trong một buổi phỏng vấn với hãng Việt Nam Net,
trong một khóa tu nào đó hình như họ có hỏi tôi nghĩ sao về vấn đề
tai nạn giao thông, trong một năm mà chết mười mấy ngàn người. Hơi
nhiều, hơi tốn kém! Tôi nói, có lẽ mình phải làm giống như bên Phật
giáo. Cứ mỗi sáu tháng tất cả những người có bằng lái xe phải tới
tụng giới, tức là ôn lại luật lệ đi đường và xét lại coi trong sáu
tháng qua mình đã bị phạt mấy lần, đã bị dọa rút bằng lái chưa? Cứ
mười lăm ngày họ phải tụng giới một lần gọi là giới lái xe. Nếu ông
chủ tịch xã là phật tử thì ông có thể áp dụng Phật giáo vào việc
điều hành xã. Ông không nói là tụng giới, ông nói những người có
bằng lái xe mỗi nửa tháng gặp nhau một lần để nhắc nhở nhau không
lái ẩu, đừng vượt ẩu, đừng uống rượu. Như vậy thì bề ngoài tuy không
phải là đạo Phật nhưng mà bên trong rất là Phật. Bên nhà nước cũng
có thể làm giống như mình tụng giới bên nầy vậy. Mỗi mười lăm ngày
họp tất cả những người có bằng lái xe lại, kiểm điểm và nhắc nhở
nhau: Khi lái xe có uống rượu không? Có vượt ẩu không? Mỗi người tự
nói đi! Đó cũng là tu học. Nếu bên nhà nước chưa làm thì bên nhà
chùa làm đi! Mình tụng giới rồi nhưng mình cũng có thể nhắc nhở
thêm. Đó là một tệ nạn xã hội: Lái xe ẩu! Bên Tây phương người ta
không lái xe ẩu như vậy, không đến nỗi như vậy!
Cũng như chuyện xả rác. Tại các nước Tây phương như nước Đức, nước
Anh, đâu có chuyện xả rác ghê gớm như vậy! Có một lần mình đi tắm ở
bãi biển Bình Định, không biết có cái gì cứ xô sát vào người mình?
Lúc đó trời chưa sáng. Khi trời sáng thì mình thấy bao nylon vứt đầy
cả bãi biển. Đó là không có tinh thần trách nhiệm! Hiện bây giờ có
nhiều nước Tây phương không dùng bao plastic nữa. Họ dùng bao có thể
chuyển hóa lại rất dễ. Mình thiếu tinh thần trách nhiệm, mình không
thương đất, mình không thương rừng, mình không thương nước mình,
không thương con cháu mình. Nếu mình thật sự thương con cháu thì
mình phải giữ môi trường cho sạch, cho đẹp. Mình thiếu tinh thần
trách nhiệm nhiều lắm! Có rất nhiều thói hư tật xấu, có nhiều tệ nạn xã
hội. Mà tu là để làm gì? Tu là để quét sạch những tệ nạn xã hội,
những thói hư tật xấu đó.
Mỗi thầy, mỗi sư cô, sư chú trong khi tu phải có nguyện lớn là mình
tu không phải là để cho riêng mình mà mình tu cho cả đất nước, cả xã
hội. Mình phải tổ chức môi trường của mình trong khu phố làm sao để
mình có thể đóng góp tối đa cho hạnh phúc, cho sự lành mạnh, sự sạch
sẽ, sự đẹp đẽ của khu phố, của thôn ấp. Vai trò của mỗi chùa là như
vậy, là làm đẹp cho khu phố mình, làm đẹp cho thôn ấp mình. Làm cho
cái đẹp, cái lành được giữ lại; chuyển hóa cái không đẹp, không lành
để nó trở đẹp lành. Đó là nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp
giới và nhiêu ích hữu tình giới.
Học đường là một gia đình thứ hai.
Các thầy, các sư cô phải biết rằng, con nít có thể có nhiều khó
khăn. Nếu con nít không có hạnh phúc trong gia đình thì vô trường
học nó cũng phá, nó không có hạnh phúc. Thành ra trong chùa mình
phải có liện hệ tốt với phụ huynh. Nếu phụ huynh giữ được năm giới,
không nói những lời cay chua, mắng nhiếc, đánh đập con cái thì đỡ
cho đứa con quá đi! Nếu trong quá khứ, đứa con đó bị dày vò, bị đánh
đập, bị hành hạ thì khi vô trường nó cũng không học thành công được.
Thầy giáo gặp những đứa như vậy rất là khó dạy! Vì vậy cho nên các
thầy, các sư cô trong chùa phải có liện hệ tốt với thầy giáo và cô
giáo để giúp họ tu tập theo năm giới. Thầy giáo, cô giáo có
khả năng để trở thành phụ huynh của các em nầy. Tụi nó không có cơ
hội để được thương yêu và học hỏi trong gia đình thì nó có cơ hội
thứ hai là học đường. Học đường là một thứ gia đình thứ hai. Và khi
các cháu lên chùa thì chùa là một gia đình thứ ba, một cơ hội thứ ba
cho nó. Khi lên chùa thì các cháu hưởng được không khí trong lành
hưởng được cái nhìn từ ái và bàn tay dịu hiền của các thầy, các sư
cô. Vì vậy cho nên ngôi chùa trong thôn xóm là một yếu tố xây dựng
rất đắc lực cho văn hóa, đạo đức và hạnh phúc của khu phố hay của
thôn ấp.
Trong trường Trung cấp Phật học hay trong Học viện Phật giáo mình có
bàn luận vấn đề nầy không? Mình có đào tạo các thầy, các sư cô ra để
làm được việc nầy hay không hay là chỉ để dạy lý thuyết trong Kinh, trong
Luật thôi? Những Kinh Luật đem áp dụng vào trường hợp nầy như thế
nào? Quí vị học Duy Thức, học Pháp Hoa, học Lăng Nghiêm, học Nhân
Minh áp dụng vào trường hợp nầy như thế nào? Phải đặt câu hỏi đó! Cố
nhiên nếu chùa chỉ có một thầy trụ trì thôi thì không thể nào làm
được việc nầy. Thầy trụ trì bận rộn rất nhiều, nội tiếp khách hành
hương là đã hết thì giờ rồi. Một ngôi chùa mà chỉ có một vị trụ trì
trong đó để tiếp khách hành hương thì ngôi chùa nầy không làm được
sứ mạng mà đức Thế Tôn giao phó. Một ngôi chùa phải có ít nhất là
sáu thầy hay mười thầy sống như là một gia đình tâm linh. Mình chia
ra tại vì mình phải phụ trách dân trong xóm, trong làng. Mình phải
lo hạnh phúc cho họ, đó gọi là nhiêu ích hữu tình giới.
Giới pháp của Đức Thế Tôn, luật nghi mà chúng con đang hành trì là
giới thân nguyên vẹn, là giới thân không bao giờ bị sứt mẻ, là giới
thân không bao giờ bị nhiểm ô, là giới thân không bao giờ bị tì vết,
là giới thân không bao giờ bị hỗn tạp, là giới thân được người thức
giả ngợi khen và hâm mộ.
Khi mình giữ giới thì mọi người đều kính phục, đều hâm mộ tại vì
mình đẹp, mình hiền, mình có khả năng giúp đời.
Là giới thân có công năng bảo vệ tự do.
Tự do là nền tảng để bảo
vệ hạnh phúc. Tự do đây là tự do đối với hệ lụy. Ví dụ như không
uống rượu là mình có tự do, không bị vướng vào vòng ma túy là mình
có tự do. Vướng vào vòng ma túy là mất tự do, đến khi cơn nghiền nổi
lên thì mình tìm đủ mọi cách để có tiền mua thuốc, đôi khi mình ăn
cắp, đôi khi mình giết người. Vì vậy cho nên, không nghiền ma túy là
có tự do. Không nghiền rượu là có tự do, không bị sân si, biết sử
dụng lắng nghe và ái ngữ là có tự do. Nếu không thì mình bị sân si,
bạo động xâm chiếm, mình nói những lời ác độc, cay cú, mình đánh vợ,
đuổi con, đó là không có tự do. Tự do là tự do đối với những phiền
não như đam mê, tham đắm, giận hờn, ngu si. Và giới có công năng bảo
vệ tự do. Có người không biết, nói: giữ giới là mất tự do, không
được làm cái nầy, không được làm cái kia. Tại vì làm cái nầy, làm
cái kia thì phá vỡ hạnh phúc, phá vỡ tự do cho nên thực tập giới là
bảo vệ tự do. Mà còn tự do tức là còn hạnh phúc, còn nguyên vẹn. Nói
giữ giới là mất tự do là ngược lại với sự thật, giữ giới tức là bảo
vệ tự do.
Là giới thân đưa tới sự không sợ hãi.
Giữ giới thì mình không có sợ hãi. Mình không nói dối, mình không ăn
cắp, mình không vướng vào ma túy nên mình không có sợ hãi, mình có
vô úy. Chính những người phạm giới mới sợ hãi. Họ có thể bị bắt, bị
bỏ tù, bị hành hạ, bị trả thù. Còn mình giữ giới là mình không có sự
sợ hãi. Cho nên giới cho mình sự tự do, cho mình sự vô úy, không sợ
hãi. Chúng ta là những người đã từng giữ giới, chúng ta biết rằng
chúng ta không cần phải sợ gì nữa hết.
Là giới thân đưa tới chánh định, là giới thân đưa tới tuệ giác.
Giới là niệm, cho nên giới đưa tới chánh định, đưa tới tuệ.
Là giới thân đưa tới giải thoát và hạnh phúc đời đời.
Cho nên niệm giới rất quan trọng, niệm giới là giữ giới.
Xin quí vị về đọc lại bốn phép tùy niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm
Tăng, niệm Giới. Niệm bao gồm tất cả.
Đoàn Thanh Niên Phật Tử.
Bên Âu Châu, chúng tôi đang thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Tử Âu
Châu thực tập năm giới, lấy năm giới làm lý tưởng của đời mình. Đoàn
Thanh Niên Phật Tử Âu Châu gồm những người trẻ Anh, Pháp, Ý, Đức,
Tây Ban Nha, Hòa Lan. Bên đó ít người Việt lắm, có dăm ba người
thôi. Thực tập năm giới là vốn liếng để đi vào xã hội, giúp xã hội
trở nên lành mạnh và có tình thương. Xã hội bây giờ không lành mạnh,
xã hội bây giờ ốm đau, có rất nhiều bạo động, nhiều hận thù. Cho nên
Đoàn Thanh Niên Phật tử Âu Châu phục vụ cho một xã hội lành mạnh và
có có tình thương. Đó là đoàn thể mà chúng tôi đang thành lập tại
các nước bên Âu Châu.
Ở Việt Nam chúng ta cũng cũng có thể làm như vậy. Bất cứ ở đâu chúng
ta cũng phải có một tăng thân trẻ. Bát Nhã có một tăng thân trẻ gồm
có người xuất gia và người tại gia. Tăng thân trẻ đó phải nắm vững
lấy giới gọi là trì giới thì lúc đó đi vào cuộc đời sẽ giúp cho cuộc
đời trở thành lành mạnh và có nhiều tình thương. Trì là nắm cho
vững. Trì là cầm lấy cho vững, đừng để nó rơi xuống, đừng để nó tan
nát. Nếu chúng ta thành công được như một người tu là tại vì chúng
ta nắm vững được giới.
Còn tiếp...
|