Kính thưa đại
chúng,
Hôm nay là ngày 21 tháng 5 năm 2008. Chúng ta đang ở tại thiền đường
Trăng Rằm của tổ đình Từ Hiếu.
Nếu có người
hỏi, thầy biết Tứ Diệu Đế chưa, sư cô biết Tứ Diệu Đế chưa, đạo hữu
biết Tứ Diệu Đế chưa, thì mình trả lời thế nào cho đúng? Từ hồi mới
vô chùa, mình đã được học về Khổ, Tập, Diệt, Đạo và mình nghĩ
rằng, mình đã biết rồi. Nhưng cái hiểu, cái biết của mình về Tứ Diệu
Đế có thể càng ngày càng sâu hơn và cái hiểu cách đây ba bốn chục
năm có thể còn ngây thơ, cạn cợt.
Nếu có ai hỏi,
thầy Nhất Hạnh đã hiểu hết
Tứ Diệu Đế
chưa? - tôi sẽ trả lời, chưa! Tôi hiểu đã khá, nhưng
chưa hiểu hết. Sang năm tôi có thể hiểu về Tứ Diệu Đế sâu hơn năm
này. Cứ như vậy cái hiểu của mình càng ngày càng sâu hơn, cao hơn
nếu mình có tu, có học, nếu mình không nghĩ rằng mình đã hiểu rồi.
Sự thật là mình chưa hiểu hoàn toàn, mình chỉ hiểu một ít thôi. Cái
này cũng đúng với Bát Chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phận,
Bát Thánh đạo phần.
Nếu nói tôi
đã hiểu rồi thì không đúng, dù đó là vị Pháp sư đã từng tu học và
giảng dạy năm, bảy năm. Nhờ sự tu học mình có thể hiểu sâu thêm
những giáo lý mà ban đầu mình tưởng đơn sơ dễ hiểu như Tam bảo:
Phật, Pháp, Tăng. Thầy Nhất Hạnh có cái hiểu khá sâu về Tam bảo,
nhưng thầy Nhất Hạnh chưa hiểu hết được và sang năm Thầy sẽ có cái
hiểu sâu hơn về Tam bảo. Điều đó là sự thật. Cho nên nghĩ rằng mình
đã hiểu thế nào là Tam bảo, Tứ Diệu Đế rồi là một ảo tưởng, một sự
sai lầm.
Mình hiểu chưa nhiều lắm đâu. Có thể mình mới chỉ có vài ba khái niệm sơ lược
về giáo lý đó về Tam bảo, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh đạo.
Bốn sự thật mầu nhiệm.
Ngày xưa có
Tổ dịch Tứ Diệu Đế là Tứ Thánh đế. Thánh có nghĩa là linh
thiêng. Tứ Thánh Đế là bốn sự thật linh thiêng. Tứ Diệu Đế là bốn
sự thật mầu nhiệm. Đế là sự thật. Nhìn vào chữ đế, chữ Hán, mình
thấy người Hoa có quan niệm về sự thật. Một bên là chữ ngôn,
một bên là chữ đế. Lời nói của ông Vua. Lời của ông Vua phải
là sự thật, chưa chắc. Lời nói của ông vua có thể như đóng đinh
nhưng chưa chắc đã là sự thật. Sự thật là đối tượng của sự tìm tòi.
Nhà tu cũng như nhà khoa học luôn luôn có ý hướng muốn đào sâu, muốn
tìm tòi. Nếu mình nghĩ rằng mình hiểu rồi, biết hết rồi thì sự tìm
tòi đó chấm dứt. Nhà khoa học cũng vậy, nhà tu cũng vậy. Nhà khoa
học sử dụng những máy móc tinh xảo, nhà tu sử dụng thân khẩu ý,
niệm, định, tuệ để tìm tòi. Nếu mình tìm tòi cho đàng hoàng, đi sâu
vào thì mình sẽ phát minh ra sự thật và càng tìm tòi thì sự thật
càng được phát minh sâu hơn, lớn hơn, rộng hơn. Tiếng Phạn là
Arya. Arya có nghĩa là cao quý. Sự thật này là sự thật rất cao
quý. Cho nên người Tây phương dịch là noble truth, có thể
dịch là holy truth, hoặc Wonderful Truth. Tây phương bây giờ
dịch noble từ chữ Arya. Sự thật cao quý, sự thật thánh thiện, sự
thật mầu nhiệm.
Sự thật thứ nhất là
Dukha - Khổ.
Tây phương
dùng chữ illbeing để dịch chữ Dukha. Illbeing là khó ở, có
bệnh tật, có cái gì không suông chảy, bế tắc. Illbeing là đối lại
với wellbeing. Wellbeing là sự sảng khoái, sự thông suốt, an
vui, không có vấn đề. Chữ khổ ở đây có nghĩa là không thoải mái,
không hạnh phúc, không thông thoáng, bị bế tắc, khổ đau. Khi mình
học thì thầy có thể dạy rằng, sự thật thứ nhất, Khổ đế, có nghĩa
đời là khổ.
Nói đời là
khổ thì cũng đúng nhưng chỉ đúng phần nào thôi và bắt buộc mình tin
rằng đời chỉ có khổ. Đời chỉ là khổ thôi chứ không là cái gì khác,
đó không phải là sự thật toàn vẹn. Giảng sự thật thứ nhất đời là
khổ, life is illbeing là chỉ đúng phân nữa sự thật vì đời
cũng có thể rất vui, có thể thoải mái, thông thoáng, nhẹ nhàng,
không phải chỉ bế tắc sầu khổ mà thôi. Cho nên sự thật thứ nhất
không phải đời là khổ.
Sự thật thứ nhất là khổ đau đang
có mặt
và hạnh phúc cũng đang có mặt
Khổ đau đang
có mặt là một sự thật. Nhưng sự thật đó không trái chống lại sự thật
khác, nó nằm phía sau lưng là hạnh phúc cũng đang có mặt,
cũng có thể đang có mặt, nhưng chưa có cơ hội biểu hiện ra mà thôi.
Như khi bị mây che thì không thấy mặt trăng nhưng nói không có
trăng, chỉ có mây, thì không đúng. Sự thật thứ nhất xác nhận trong
giây phút hiện tại có những khổ đau. Nhưng không có nghĩa đời chỉ là
khổ đau. Đời chỉ khổ đau là lối giáo dục nhồi sọ. Đời có thể có hạnh
phúc, có thanh thoát. Mình không muốn giáo dục nhồi sọ. Đời là khổ
là lối giáo dục nhồi sọ. Có những đau khổ trong cuộc đời, nhận diện
những đau khổ đó là có thật. Đó là sự thật thứ nhất. Tại vì khi mình
đi tới sự thật thứ ba, khổ diệt -Diệt đế- là sự vắng mặt của
khổ đau. Sự thật thứ nhất là sự có mặt của khổ đau. Sự thật thứ ba
là sự vắng mặt của khổ đau. Vắng mặt khổ đau đồng nghĩa là sự có mặt
của hạnh phúc, phải vậy không? Cũng như vắng mặt bóng tối là sự có
mặt của ánh sáng. Nếu khộng có bóng tối thì cái nào thay thế bóng
tối nếu không phải là ánh sáng? Vì vậy cho nên sự thật thứ ba là
hạnh phúc có thể có được. Sự thật thứ nhất xác định sự có mặt của
khổ đau. Sự thật thứ ba xác định sự có mặt có thể có của
hạnh phúc. Hai sự thật đó đối đãi với nhau. Chấp nhận sự thật
thứ nhất là phải chấp nhận sự thật thứ ba. Chấp nhận sự thật thứ ba
thì phải chấp nhận sự thật thứ nhất. Cũng như nói có bùn thì mới có
sen. Không có bùn thì không có sen. Vì vậy sự thật thứ nhất là đối
với sự thật thứ ba mà nói. Không thể nào hiểu được sự thật thứ ba
nếu không hiểu được sự thật thứ nhất. Thành ra cái thấy đầu tiên của
mình về sự thật thứ nhất là xác nhận sự có mặt của khổ đau và sự
thật thứ ba là xác nhận khổ đau có thể chấm dứt để hạnh phúc bắt đầu
có mặt. Đó là hai đế, thứ nhất và thứ ba. Như vậy thì không
bi quan, yếm thế, không có giáo dục nhồi sọ. Nó rất khoa học. Ngày
xưa cũng như bây giờ chúng ta muốn miêu tả sự thật thứ nhất và các
sự thật khác. Ngày xưa chúng ta miêu tả sự thật theo kiểu ngày xưa,
rất là đơn sơ. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ. Đó
là bốn cái khổ đau.
Ngày xưa định
nghĩa khổ thì có sanh, có già, có bệnh, có chết. Bây giờ chúng ta
không hẳn phải định nghĩa giống như ngày xưa. Tại vì sanh ra một đứa
con có thể mang lại niềm vui cho rất nhiều gia đình. Mình có thể ăn
mừng khi có những đứa con sinh ra, vì thế sinh chưa hẳn đã là khổ.
Có thể trong lúc sinh có những khó khăn của bà mẹ, có tiếng khóc oa
oa của đứa con, có những giây phút khó khăn…nhưng có cái gì không
khó khăn đâu? Được một mảnh bằng cũng khó khăn lắm chứ, có một sở
làm cũng khó khăn lắm chứ, phải không? Vì thế sanh có thể có chút
khó khăn nhưng sanh có thể là điều rất vui, nếu không vì sao mình
hát „happy birthday to you“.
Còn lão là
già, hai chân đi yếu, nhai cơm trệu trạo không nhỏ. Đi còng lưng
lại, hai bên hai người đỡ, khổ thật. Không được như tuổi trẻ, muốn
nhảy thì nhảy, muốn chạy thì chạy. Nhưng tuổi già cũng có hạnh phúc
của tuổi già. Đây là kinh nghiệm trực tiếp. Tuổi già thanh thản hơn,
không vội vàng, hối hả, không bồn chồn như tuổi trẻ. Thử tưởng tượng
mình như dòng suối cao chảy xuống thì mình nhảy nhót, ca hót, chạy
rất nhanh, càng nhanh càng tốt. Đó là tuổi trẻ. Dòng suối đi xuống
đồng bằng thì chảy chậm lại khi dòng suối trở thành dòng sông thì êm
ả hơn, lắng dịu hơn.
Dòng sông trôi rất bình
thản, nhẹ khỏe hơn nhiều. Khi có an thì có lạc nhiều hơn. Khi lớn
tuổi mình đằm lại, mình có nhiều thì giờ hơn, mình sống đàng hoàng
hơn. Già có thể nhẹ nhàng, có thể ung dung, có thể sâu sắc hơn nên
già chưa hẳn là khổ.
Bệnh cố nhiên
là khổ rồi. Nhưng nếu không có bệnh thì mình không có cơ hội để thấy
được, không bệnh là hạnh phúc. Ví dụ mình đau răng. Khi đau răng vào
khoảng ba giờ khuya, thức chờ đến tám giờ sáng phòng mạch của nha sĩ
mới mở cửa. lúc đó mình mới giác ngộ, không đau răng là hạnh phúc
quá chừng. Khổ đau nó dạy cho mình biết mình đang có hạnh phúc. Mình
có thể đánh mất hạnh phúc đó bất cứ lúc nào. Anh đang khổ nhưng kỳ
thực anh đang có rất nhiều điều kiện hạnh phúc. Anh chỉ cần trở về
giây phút hiện tại, khám phá ra những điều kiện hạnh phúc đó là anh
hạnh phúc liền. Khổ đau cũng là một cần thiết cho cuộc đời. Nếu
không có khổ thì con người không có thể lớn lên được. Chính khổ đau
làm cho mình thành người. Nơi nào không có khổ đau, nơi đó con người
không lớn lên được, không biết thương, không biết hiểu, hai điều làm
cho người ta hạnh phúc. Nhất là hiểu biết và thương yêu, hai cái
đó chỉ có thể un đúc được khi có khổ đau. Hiểu được cái khổ thì mình
mới chấp nhận thương yêu. Vì vậy cho nên cái khổ rất là cần. Mỗi
người cần có một ít khổ đau, vấn đề là liều lượng của khổ đau. Liều
lượng đúng thì rất là hay, liều lượng sai thì không được, như khi
mình nấu canh, cần bỏ bao nhiêu muối, muối nhiều thì không ngon. Mỗi
người trong chúng ta phải có cái liều khổ đau nào đó để chúng ta có
thể lớn lên được. Con cháu cũng vậy, đừng sợ con cháu khổ, chỉ sợ
con cháu không học hỏi được từ khổ đau mà thôi. Chính khổ đau làm
cho mình trưởng thành, làm cho mình thành người lớn. Khổ đau đóng
vai trò rất lớn trong việc chế tác từ bi, hiểu biết và thương yêu.
Người phật tử không sợ khổ. Người phật tử nhìn thẳng vào khổ đau,
học hỏi từ khổ đau và lớn lên nhờ khổ đau. Thái độ trốn chạy không
phải là thái độ của đạo Phật. Vì vậy cho nên người ta hỏi, tại sao
khổ là một sự thật cao quý? Khổ có gì cao quý trong cái khổ đau đâu
mà nói khổ đế là sự thật cao quý?
Bây giờ bắt
đầu hiểu, nói Khổ đế là sự thật cao quý vì nhờ khổ đế mà mình có thể
học hiểu, học thương và giác ngộ được. Cũng như không có bùn thì làm
sao mà có sen. Nếu không có khổ đau thì không có hiểu và thương. Vì
vậy xác định khổ đế là một sự thật cao quý, một sự thật mầu nhiệm,
một sự thật thánh thiện. Nếu mình chỉ là nạn nhân của khổ đau, không
học hỏi được từ khổ đau, sợ hãi trốn tránh khổ đau, thì cái khổ đó
không còn cao quý nữa. Khuynh hướng con người là chạy trốn khổ đau
trong khi đức Thế tôn dạy đừng chạy trốn khổ đau, hãy can đảm nhìn
thẳng, đối diện với khổ đau để học hỏi và để lớn lên. Cho nên sự
thật thứ nhất là một sự thật cao quý, là một sự thật thánh thiện, là
một sự thật mầu nhiệm, một diệu đế, thánh đế.
Chết cũng
vậy. Chết không hẳn chỉ là khổ. Với một người đã sống lâu, đã mệt
mỏi, đã có những khó khăn trong cơ thể thì chết là một cái rất tốt
cho họ để họ có thể tiếp tục dưới dạng khác trẻ hơn, tươi hơn, mát
hơn. Tưởng tượng là mình bị lên án không bao giờ được chết. Người ta
cho mình bản án, anh không bao giờ được chết hết. Anh phải sống từ
đời này sang đời khác, không biết quý vị có chịu nỗi hay không? Có
những lúc mình quá mệt mỏi, có quá nhiều đau nhức thì chết là cái
giải thoát để mình có thể hóa sinh ra kiếp mới lành hơn, mạnh hơn.
Vì vậy chưa hẳn chết đã là cái hoàn toàn xấu. Nếu không có cái chết
thì làm gì có cái sống! Cái chết và cái sống tương tức với nhau. Ví
dụ mình gieo hạt bắp xuống đất. Nếu hạt bắp không chết để nhường chỗ
cho cây bắp thì làm gì có tương lai? Cho nên chết là điều kiện rất
cần thiết cho cái sống. Mình phải chết cho mình được sống, cho con
cháu mình được sống. Mình làm phân bón cho chính mình, cho con cháu
mình. Mình nuôi con cháu mình và hạt bắp dự trữ những chất dinh
dưỡng của một bà mẹ. Khi cây bắp sinh ra rồi thì hạt bắp dùng hết
những nhựa sống trong hạt bắp đó để nuôi cây bắp lớn lên và để cây
bắp đâm rễ. Sau khi lấy hết những chất nhựa trong hạt bắp rồi thì nó
bắt đầu lấy chất dinh dưỡng trong lòng đất. Chết là một điều rất mầu
nhiệm. Mình đang chết từ từ để nuôi dưỡng con cháu mình, tức mình
nuôi dưỡng chính mình trong tương lai. Tại vì hạt bắp với cây bắp
không phải là hai thực thể riêng biệt. Cây bắp là sự nối tiếp của
hạt bắp. Chừng nào cây bắp còn là hạt bắp còn. Cái chết đó không hẳn
là chết. Chết là điều kiện thiết yếu cho sự sống được tiếp tục. Thấy
được như vậy thì không sợ chết nữa và mình có thể mỉm cười với cái
chết.

Đã về, đã
tới (Từ Hiếu 2007)
Ngày xưa
miêu tả sinh,lão, bệnh, tử toàn là tiêu cực một trăm phần trăm. Tu
là để thoát khỏi bốn cái đó. Không sinh, không già, không bệnh,
không chết. Sinh, lão, bệnh, tử: khổ.
Cầu bất đắc: khổ.
Những gì mình ước mơ, mong đợi, thèm khát mà không được, ví như mãnh
bằng hay chức vụ, hay sự nghiệp giàu sang… những cái đó, mong ước mà
không có là khổ! Cầu bất đắc, khổ. Đây là sự thật. Nhưng khổ này
không phải là một thực tại khách quan. Tại do mình cầu cho nên khổ.
Không cầu thì có khổ đâu? Nếu mình không muốn mãnh bằng thì làm gì
có khổ? Vì mình muốn có bằng nên mới khổ. Đôi khi có bằng còn khổ
hơn nữa. Có mảnh bằng, vui vui được vài bữa, rồi thấy mảnh bằng này
chẳng có giá trị gì, lại muốn cái khác. Cầu không được thì khổ nhưng
cầu được cũng khổ như thường. Sự thật này cũng không đúng lắm. Cầu
cái đó, được rồi thì mình cầu cái khác. Thành ra cầu đắc cũng khổ
chứ không phải cầu bất đắc mới khổ. Vấn đề ở chỗ cầu hay không cầu
mà thôi.
Những cái mà
người xưa dùng để miêu tả sự thật thứ nhất, mình phải nhìn cho sâu
mới hiểu, đó là cách hiểu của người xưa. Không hẳn bây giờ mình phải
theo cái hiểu đó. Phật học là một khoa học. Mình là một học giả,
mình là một nhà khoa học, mình phải khám phá càng ngày càng sâu thêm
chứ tại sao cứ ngồi đó mà lập đi lập lại những điều người xưa đã
nói. Tổ Lâm Tế đã nói như vậy đó. Đừng ê a lập lại những giáo điều
của người xưa. Mình đâu phải là cái máy record, mình đâu phải là cái
máy cassette.
Ái biệt ly, khổ.
Thương nhau
mà không được ở gần nhau, khổ. Đây là sự thật nhưng chỉ là một nữa
của sự thật thôi. Ban đầu bị chúng
gởi đi xóm khác, cũng hơi buồn. Ai ngờ đi xóm khác những vướng mắc
kia tan đi, mình khỏe. Mình hạnh phúc hơn nhiều. Mình có những dây
mơ rễ má, vướng mắc cái này, vướng mắc cái kia, tưởng rằng không gần
nhau thì khổ lắm. Ai dè qua xóm kia ở một năm rồi, không muốn về
nữa. Thành ra ái biệt ly chưa hẳn là khổ. Nó có thể đem lại hạnh
phúc. Có những người đi qua cầu đó rồi. Biết rằng cái cầu đó mình
nghĩ không đi qua cũng được. Bây giờ mình đã thoát khỏi ra rồi, mình
nghĩ, trời đất ơi, hồi đó mình khổ biết bao nhiêu. Bây giờ mình
thoát ra khỏi, mình nhẹ nhàng biết bao nhiêu. Biệt ly, xa cách đôi
khi làm cho mình thương nhau hơn, quý nhau hơn. Phải vậy không thầy,
võ sư? Biệt ly giúp mình trân quý sự có mặt của nhau hơn. Ở gần
nhau, coi thường nhau. Khi người kia đi xa rồi mình thấy, trời đất
ơi, người đó dễ thương quá! Biệt ly chưa hẳn là cái hoàn toàn xấu.
Nó cũng có cái hay. Mình phải thấy được. Người xưa nói, có sự thật,
nhưng không phải là sự thật tuyệt đối, sự thật trăm phần trăm. Mình
phải nghe, phải hiểu bằng cái thông minh của mình, bằng sự nhận thức
độc lập của mình.
Óan tằng
hội, khổ: Những người mình ghét mà cứ ở với họ thì khổ. Mình chỉ
có hạnh phúc được khi tách rời, đi xóm khác, mới được hạnh phúc.
Ngoài đời có
những cặp vợ chồng khi mới yêu nhau, mới cưới nhau thì họ nói, không
có em làm sao anh sống sót được, chắc anh chết quá. Nếu không có em
thì đời anh không nghĩa lý gì. Không có anh cũng vậy, đời em chẳng
còn ý nghĩa gì cả, thà em chết, không bao giờ cưới người khác. Nhưng
nếu không tu tập thì chừng ba bốn năm sau, họ có cảm tưởng khác.
Người kia là gánh nặng cho mình, mỗi khi thấy người kia thì mình
không hạnh phúc nữa. Ban đầu thì nhìn nhau cũng đủ no, bây giờ nhìn
mặt nhau không được nữa. Nói chuyện với nhau không được nữa vì gây
nội kết cho nhau quá nhiều. Bắt buộc phải sống với người này đến
trăm năm, chắc mình chết quá. Tình yêu ngày xưa đẹp như vậy mà bây
giờ trở thành ngục tù chung thân. Oán tằng hội khổ. Mình phải chịu
đựng ổng suốt đời mình hay sao? Mình phải chịu đựng bà cho hết đời
hay sao? Cái đó nó do tâm. Nếu mình có Phật pháp, mình có thể chuyển
hóa, thay đổi được. Óan tằng hội khổ không phải là sự thật khách
quan. Có Phật pháp mình thay đổi được hết. Ghét nhau mà mỗi ngày
nhìn thấy mặt nhau, chán quá. Nhưng có mặt của từ bi thêm vào, nó
khác hẳn ngay lập tức.
Ngũ ấm xí
thạnh, khổ: Năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức nếu không
điều hòa cũng tạo ra khổ. Cái này quá mạnh. Xí là cháy lên, trở
thành bao trùm những cái khác, làm mất thăng bằng. Một trong những
yếu tố của năm uẩn như giận buồn, lo hay năng lượng trong thân thể
như năng lượng tình dục chẳng hạn, nếu nó lên nhiều quá thì nó làm
mình khổ. Năng lượng của sự lo lắng, tăng lên cũng làm mình khổ.
Trong Quy Sơn Cảnh Sách mà mình đọc sáng nay có câu: Tuy
tứ đại phù trì thượng tương vi bối, hình hài này tuy được bốn
yếu tố đất nước, không khí và sức nóng nâng đỡ nhưng bốn yếu tố đó
có khi chống chọi nhau. Nhiều khi hỏa bốc lên nhiều thì mình cũng
khổ, nước nhiều quá cũng khổ, gió nhiều cũng khổ vì vậy sự thăng
bằng phải khéo léo để giữ gìn. Nếu không có sự thăng bằng đó trong
năm uẩn và trong tứ đại thì cũng khổ. Đây là sự thật cần khám phá,
nhưng nó quá vắn tắt. Sau này các thầy, các sư cô phải khai thác ngũ
ấm xí thạnh khổ này cho rõ ràng, khoa học hơn.
Mình là người
học Phật của thế kỷ hai mươi mốt, mình là nhà khoa học trong lãnh
vực thực tập đạo Phật trong thế kỷ 21, mình phải có sự trình bày
khác hơn về sự thật thứ nhất. Nó thích hợp hơn, tại vì trong chúng
ta, ai cũng từng khổ. Dù chúng ta còn trẻ có thể chúng ta đã khổ
rồi. Có khi mới hai tuổi, ba tuổi, đã bắt đầu khổ rồi. Khổ đó là
những kinh nghiệm trực tiếp, mình khổ cái gì thì mình nói ra cái
đó. Những khổ đau có thiệt chứ không hẳn là những điều người xưa đã
nói. Đó là những công thức của người xưa để giảng bày cái khổ. Không
hẳn là mình phải theo nhưng mình phải biết. Phật pháp phải khế cơ,
tức là nó phải đáp ứng được những nhu yếu đang có thực của con
người.
Sự căng thẳng ở trong thân và
tâm.
Cái khổ đầu
tiên mà mình phải nói tới là sự căng thẳng ở trong thân và trong tâm
của mình. Đó là một sự thật không phải chỉ riêng cho cá nhân mình mà
cho cả xã hội. Đó là sự dồn nén, sự căng thẳng trong thân và trong
tâm, stress. Quán chiếu thì mình thấy mình đang sống trong
thế kỷ, trong môi trường đang tạo ra sự căng thẳng trong thân và
trong tâm. Nhà chính trị, nhà doanh thương, nhà giáo dục, tất cả
chúng ta không có thì giờ để sống. Chúng ta bận rộn quá nhiều, chúng
ta lo toan công việc. Ngay các thầy trụ trì cũng vậy. Các sư cô, sư
bà cũng vậy, quá nhiều công việc. Phải lo cái này, phải lo cái kia,
phải có những cái hẹn chót, deadline, vì vậy, mỗi ngày mình
dồn chứa sự căng thẳng trong thân của mình. Mình gồng nên
mình căng thẳng và vì những căng thẳng đó, những stress đó
nên mình không thoải mái. Đó là cái khổ đầu tiên. Mai mốt mình sẽ có
một khóa cho những nhà doanh thương ở Hội An, mình sẽ nói rằng, tôi
biết các ông có rất nhiều đòi hỏi, rất nhiều căng thẳng ở trong cơ
thể. Các ông có cơ hội để sống buông thư thoải mái ở trong chùa. Quý
vị có những giờ ngồi thiền, buông thư hết “ nothing to do, no
where to go” không cần đi đâu hết, không cần làm gì. Mình có thể
sử dụng điều hòa hơi thở, buông bỏ những căng thẳng trong thân rồi
trong tâm ra. Ngồi thiền như vậy rất là trị liệu. Mình có thể chia
sẻ cái đó với các nhà chính trị, các nhà doanh thương, những người
phải đi làm tám hay mười giờ một ngày ở ngoài đời. Tất cả chúng ta
đều có sự căng thẳng trong thân. Phương pháp của Bụt dạy là lấy đi
những căng thẳng đó như trong kinh An Bang Thủ Ý -quán niệm
hơi thở- thì hơi thở thứ ba là lấy đi những căng thẳng đó.
Thở vào tôi
có ý thức về toàn thân tôi.
Khi thở vào mình có ý thức nương theo hơi thở, mình nhận diện sự có
mặt của cơ thể mình với sự dồn chứa, với những căng thẳng trong đó.
Khi mình thở ra, mình thở nhẹ nhàng, buông hết những căng thẳng đó
trong cơ thể. Đó là bài tập thứ ba và thứ tư trong kinh An Bang
Thủ Ý. Ngay từ hồi đầu, đạo Bụt đã có những pháp môn để chữa trị
những sự căng thẳng của con người. Bài tập thứ ba và thứ tư trong
kinh là để nhận diện những căng thẳng trong cơ thể và để buông bỏ
những căng thẳng trong cơ thể.
Nhận diện cơ
thể, trong kinh gọi là thân hành giác. Chữ giác này
tức là niệm, ý thức được, nhận diện được cái hình hài của mình.
Những cảm thọ, cảm xúc của mình gọi là tâm hành, còn đây là thân
hành. Trở về tôi nhận diện được hình hài của tôi, thân hành giác.
Thở vào, thở ra, tôi buông bỏ những căng thẳng trong toàn thân tôi
thì gọi là thân hành tức. Chữ tức trong nguyên văn có
hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là hơi thở, ở trong kinh An Bang Thủ Ý còn
có nghĩa là làm lắng dịu lại.
Vậy thì mình
phải diễn tả những cái khổ đang có thật trong con người và những cái
khổ mình trông thấy chung quanh mình. Trước hết mình thấy có sự căng
thẳng, có sự bất an. Không có an trong thân. Thân mình bất an. Có
những đau nhức, có những dồn nén, có những căng thẳng trong con
người mình và có những đau nhức, có những căng thẳng, có những dồn
nén trong tâm mình, bất an. Bất an tức là không có hạnh phúc. Trong
chúng ta người nào lại không có những giây phút bất an? Chúng ta
ngồi không yên. Chúng ta đứng không yên. Chúng ta nằm cũng không
yên. Trăn trở khi nằm, cuống quýt khi đi, ngồi như ngồi trên đống
lửa, cái đó là hiện tượng bất an. Đây là cái khổ có thật trong mỗi
con người của chúng ta và trong xã hội nói chung. Trong khi đó, đức
Thế Tôn ngồi rất là an. Ngài đi rất là an. Nụ cười chứng tỏ ngài có
cái an trong đó.
Bất an bao
gồm những lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng, giận hờn, bạo động. Bạo động
là năng lượng thúc đẩy mình muốn la, muốn hét, muốn đập phá, trừng
phạt những người thương của mình, trừng phạt người hôn phối của
mình. trừng phạt con của mình và đôi khi trừng phạt ngay chính mình.
Nó có sự bạo động trong mỗi chúng ta. Trong ta có những bức xúc, lo
lắng, sợ hãi mà không xử lý được. Mình không biết cách xử lý. Mình
không biết cách chuyển hóa cho nên mình dồn nén và trở thành trái
bom của những tâm hành. Thân hành là hình hài của mình. Tâm hành là
những cái đó.
Khi đi sang lãnh vực
thọ, thì mình thấy có những sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng, giận
hờn, bạo động. Đó là những tâm hành, những cảm xúc. Tuyệt vọng là
một cảm xúc, sợ hãi là một cảm xúc. Người tu thì phải biết cách nhận
diện và xử lý những cái đó. Vì vậy trong kinh quán niệm hơi thở, có
bài tập thứ bảy và thứ tám. Bài tập thứ bảy là thở vào, theo hơi
thở, trở về với tâm (trước đó là theo hơi thở trở về với thân,
giờ là theo hơi thở trở về với tâm) để nhận diện những cảm xúc
đang có mặt. Cảm xúc đó có thể là những lo lắng sợ hãi, ganh tị…
gọi là tâm
hành giác. Ý thức được những tâm hành đang có trong mình. Tâm hành
đó là sự sợ hãi, sự lo sợ. Thở vào, tôi biết rằng trong tôi đang
có sự sợ hãi. Thở vào tôi biết rằng trong tâm tôi đang có sự lo lắng.
Đó là sự nhận diện. Giác là nhận diện. Văn này rất là xưa
-văn A hàm, tạp A hàm- rất là xưa, thế kỷ thứ ba, thứ tư Tây lịch.
Phải hiểu đúng ý nghĩa của văn xưa.
Tâm hành
tiếng Phạn là Cittasamskara. Samskara là hành. Citta là tâm,
những hiện tượng về tâm như sự sợ hãi, sự lo lắng.
Thở vào tôi ý thức được
tâm hành đang có mặt trong tôi. Thở ra tôi làm nhẹ đi tâm hành đó.
Tôi nhận diện, tôi ôm ấp nó và tôi làm cho nó nhẹ xuống. Người tu
phải học để làm cho được chuyện đó khi có những lo lắng, sợ hãi
tuyệt vọng thì phải biết ngồi xuống, theo dõi hơi thở để trở về nhận
diện tâm hành đó, ôm lấy nó một cách rất nhẹ nhàng, làm cho nó nhẹ
nhàng trở lại. Đó là tâm hành tức.
Kinh Quán Niệm Hơi Thở
là một kinh rất là khoa học và có thể đem ra áp dụng trong lãnh vực
y khoa, trong lãnh vực tâm lý trị liệu, cả trong những lãnh vực
chính trị và giáo dục nữa.
Thân hành
là Kayasamskara. Kaya là thân. Khi mình có những giận hờn,
buồn bã tuyệt vọng, mình không xử lý được, mình bị dồn nén xuống thì
tự nhiên cách mình đối xử, nói năng với người kia trở thành bạo
động, trách móc. Mình gây khổ đau cho người kia và từ từ sự truyền
thông giữa hai người không còn nữa. Cha không còn nói chuyện được
với con. Con gái không còn nói chuyện được với mẹ. Trong chùa cũng
vậy, nếu mình chỉ lo làm việc mà không tu thì thầy trò cũng không
nói chuyện được với nhau. Ngày hôm kia tôi có thấy một cặp thầy trò
mà thầy không còn gọi con một cách ngọt ngào với đệ tử của
mình được nữa mà xưng là tui. Tui với thầy, tui với cô.
Nếu mình đã là người tu, đã là người xuất gia mà giữa thầy trò,
không có sự truyền thông tức là cả hai thầy trò đều thiếu sự thực
tập. Thầy làm khổ cho trò, trò làm khổ cho thầy. Đó là sự thất bại
của cả hai thầy trò. Đừng để cho chuyện đó xảy ra.
Ốt dột
lắm nghe con!
Giữa huynh đệ cũng vậy. Giữa huynh đệ cũng đừng để xảy ra như vậy.
Đó là sự thất bại của cả chúng. Khi một cặp huynh đệ không nói
chuyện được với nhau thì mình thấy rõ đó là sự thất bại của mình.
Mình phải tới để giúp hai người đó. Vì vậy một trong những cái khổ
mà mình thấy được là truyền thông bế tắc. Đây là sự thật về khổ đế.
Có sự truyền thông bế tắc giữa cha con, giữa vợ chồng, giữa anh em,
giữa đồng nghiệp, giữa huynh đệ trong tăng thân. Khi thiếu sự truyền
thông trong tăng thân thì tăng thân đó chưa phải là tăng thân thiệt.
Dù là ở chung dưới một ngôi chùa nhưng không ai nói chuyện được với
ai, thì đó không phải là tăng thân, đó không phải là tăng bảo, không
phải là chỗ để người ta quy y, không phải là chỗ nương tựa cho người
ta. Muốn tăng bảo là chỗ để người ta nương tựa được thì mình phải
làm thế nào để trong tăng thân có sự truyền thông với nhau giữa thầy
trò, giữa huynh đệ. Đó là sự thực tập của mình, đó là sự thực tập
căn bản. Không có sự truyền thông thì có sự lên án, trách móc, đỗ
lỗi tại vì người kia. Mình không có lỗi gì hết. Tất cả khổ đau là do
người kia. Có sự đổ lỗi cho nhau. Mỗi người trong chúng ta phải tiếp
tục, vì thầy đâu có thể làm cho mình được.
Biết ơn người xưa là phải học cái hay
của người xưa và làm cho hay hơn người xưa.
Mỗi thầy, mỗi sư cô, sư
chú, mỗi đạo hữu, phải về lấy một tờ giấy, trình bày khổ đế trên căn
bản kinh nghiệm riêng của mình. Mình khổ cái gì và những người chung
quanh mình khổ cái gì thì viết ra hết. Mỗi người phải có bản trình
bày Tứ Diệu Đế của mình và nó càng gần sự thật chừng nào thì tu càng
dễ thành, dễ chuyển hóa chừng đó. Không cần phải lập lại những lời
của người xưa. Người xưa ở trong khung cảnh khác. Văn hóa, kinh tế,
chính trị khác. Tại sao bây giờ mình phải lập lại. Mình phải lấy
kinh nghiệm trực tiếp để nói ra những cái khổ thực có của mình. Ví
dụ như tự tử. Tự tử có phải là cái khổ không ? Ở Pháp, dân số ít hơn
dân Việt nam mà mỗi năm có mười hai ngàn thanh niên tự tử. Cha mẹ
làm ăn sao đó mà con cái bức xúc. Con cái làm ăn sao đó mà cha mẹ
bức xúc. Hai bên thiếu sự truyền thông với nhau rồi đưa đến những
cảm xúc lớn như tuyệt vọng, hận thù, không xử lý được, nghĩ rằng khổ
quá, chỉ còn cách tự tử cho bớt khổ mà thôi. Ở Anh số thanh niên tự
tử còn nhiều hơn nữa. Ở Hồng Kông những người trẻ nhảy từ cao ốc tự
tử rất nhiều. Ở Việt Nam tình trạng này cũng đang gia tăng. Năm
ngoái có năm nữ học sinh trung học rũ nhau cột tay nhau nhảy sông tự
tử một lần tại vì cha mẹ muốn mình làm những cái mà mình không thể
nào làm được. Cha mẹ trách móc, cha mẹ áp đặt, bức xúc mình nhiều
quá. Cái đó là do thiếu truyền thông mà ra. Do thiếu hiểu cho nên
không thương. Mình sống trong thế kỷ của mình, trong thời đại của
mình, mình phải diễn bày như thế nào để sự thật thứ nhất cho phù hợp
chứ đừng bắt chước người xưa, cầu bất đắc khổ, oán tằng hội khổ,
nó không phù hợp với bây giờ. Nói như vậy không có nghĩa là mình
không biết ơn người xưa. Một cách hay nhất để biết ơn người xưa là
phải học cái hay của người xưa và làm cho hay hơn người xưa. Cha mẹ
luôn luôn muốn cho con hay hơn mình, thầy luôn luôn muốn học trò,
đệ tử giỏi hơn mình vì vậy cho nên mình phải đi tới. Đạo phật càng
ngày càng đẹp hơn càng rộng hơn, càng sáng hơn chứ đừng giữ lại cái
đạo Phật của năm xưa. Vì vậy cho nên sau khi đã có đạo phật nguyên
thủy, mình đã có đạo phật bộ phái rồi đạo phật Đại thừa, rồi đạo
phật nhập thế. Phải càng ngày càng đi lên.
Khi mình có bảng ghi đệ
nhất khổ đế rồi thì mình giữ đó. Mình có thể trao đổi với các huynh
đệ. Sư anh thấy sao? Sư anh có thể cho em xem với. Mình trao truyền
với nhau để có sự bổ túc rồi có buổi họp tăng thân để diễn tả trình
bày về đệ nhất khổ đế hiện đại. Khi người trẻ nhìn vào họ thấy đây
là vấn đề của chính mình. Họ nói nếu anh có những nỗi khổ như thế
này thì sẽ có con đường thoát khổ cho anh. Nó đi tới sự thật thứ
hai, sự thật thứ ba, sự thật thứ tư, nhưng trước hết phải gọi đúng
tên của nó, những đau khổ hiện thực bây giờ của người trẻ. Mình
không cần làm riêng. Mình có thể làm chung tăng thân hoặc nhiều tăng
thân. Tăng thân này trao đổi với tăng thân khác cho đến khi mình có
một cái bảng diễn tả rất đầy đủ bốn sự thật, nhất là sự thật thứ
nhất. Sự thật thứ nhất đầy đủ rồi hoặc gần như đầy đủ thì sự thật
thứ hai, sự thật thứ ba, thứ tư sẽ khá. Nếu sự thật thứ nhất không
nói ra được hết và được sâu thì sự thật thứ hai, thứ ba, thứ tư
không đi xa được đâu. Tất cả đều từ sự thật thứ nhất mà ra.
Địa
cầu đang bị hâm nóng
Những sự thật mà người
ta không thể không công nhận là địa cầu đang bị hâm nóng và thời
tiết thay đổi đáng sợ. Có những trận bão như trận bão ở Miến Điện,
chết trên một trăm ngàn người. Những trận động đất như ở Tứ Xuyên
chết trên ba chục ngàn người trong giây lát vì con người đã khai
thác thiên nhiên không thương tiếc. Ba chục năm qua, Trung Quốc muốn
chạy theo các nuớc tây phương đã khai thác thiên nhiên không thương
tiếc. Thiên nhiên đã quật trở lại. Đó là cái khổ của thế kỷ hai mươi
mốt mà mình phải viết ra như một phần của đệ nhất khổ đế. Hiệu ứng
nhà kính, sự thay đổi của khí hậu, địa cầu bị hâm nóng. Mình phải
nối tiếp công trình của đức Bổn sư. Đức Bổn sư đã khai phá ra. Là kẻ
đi sau mình phải trình bày khổ đế một cách đầy đủ rõ ràng hiện thực.
Đừng ở trong giấc mơ, đừng lập lại như con vẹt những gì người xưa đã
nói.☺☺☺
Xem tiếp>>
|