.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :



 Sống lại Tâm ban đầu - Đạo Bụt dấn thân.

 

  • Tháng III 2007 - Chân Tịnh Ý phiên tả và biên tập
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 9.03.2007 tại Bát Nhã, Lâm Đồng, trong khóa tu dành cho người xuất gia từ 5. 03. đến 9. 03. 2007.
    Audio MP3 : Phần 1 (10MB) -  Phần 2 (9MB)
     

Kính thưa đại chúng,

Hôm nay là ngày 9 tháng 3 năm 2007. Chúng ta đang ở tại tu viện Bát Nhã trong khóa tu năm ngày dành cho người xuất gia.

Nam mô Bồ tát Quán thế âm, tiếng Phạn là nammo Avalokitesvara….. Chữ Nam mô mình đã biết nghĩa là hướng về, quy y, cung kính. Mình xin cứu độ cho mình. Trong các nước Phật giáo như Ấn dộ, Tích lan… cũng có người Cơ đốc giáo. Họ cầu nguyện đức Ky tô, họ tụng Nammo Christaya.  Khi nào có chữ Namo, đối tượng của sự nương tựa thì phải có chữ aya đằng sau. Quay về nương tựa Pháp là Namo Dharmaya; Nương tựa Chúa thì Christaya; nương tựa Bụt thì  Buddhaya. Chữ nam mô có nghĩa là nương tựa, cấu khẩn, Avalovikitesvara có nghĩa là nhìn xuống cho sâu. Nhưng ở đây không có chữ A, tại vì văn phạm tiếng Phạn khi chữ A gặp chữ O thì nó tiêu, nó đã nằm trong chữ O. Vì vậy mình không nói nam mô Avalo-kitesvara… mà chỉ nói nam mô Velokitesvara vì chữ A đã bị nuốt. Nhìn cho kỹ, trong chữ E này có chữ A ở trong. Chữ Isvara có nghĩa là tự tại, nghĩa là thong dong. Có nhiều thứ tự tại,  thảnh thơi. Nhị tự tại, tam tự tại, tứ tự tại. Bát tự tại, thập tự tại… Mười thứ thảnh thơi, năm thảnh thơi, hai thứ thảnh thơi… Ở Bát nhã không biết có bao nhiêu thứ thảnh thơi. Càng nhiều thảnh thơi càng tốt.

Khi bồ tát đưa mắt nhìn thực sâu thì hiểu được, hiểu được rồi thì tháo gỡ những hệ lụy, vướng mắt, đạt tới  sự tự do rất lớn nên gọi là là quán tự tại. Nhờ quán mà được tự tại. Tu là để có tự do, tự tại. Muốn có tự do tự tại, thì nhìn kỹ. Nhìn kỹ tức là quán. Có thong dong tự tại là Isvara. Ở Ấn độ, Bà–la-môn giáo, ngày xưa có thờ thượng đế. Thượng đế là bạn của vạn hữu. Đó là ông trời. Trời Tự tại, Tự tại thiên, Đại tự tại thiên. Có nghĩa là ông đó có quyền năng rất nhiều, muốn làm gì thì làm. Tiếng Phạn là Mahesvara. Maha có nghĩa là đại, Isvara là tự tại. Chữ A gặp chữ I nó thành chữ E. Đáng lý phải đọc maha esvara thì phải đọc Mahaisvara. Vì vậy chữ Nammo Avalokitesvara. Chữ A gặp chữ I thành chữ E. Nói từng chữ là: Nam mô a-va-lô-ki-ta-is-va-ra. Mình không nói nam mô Buddaha mà nói nammô Buddhaya, tức là nương tựa nơi Bụt. Nammô Dharmaya, mình nương tựa nơi pháp. Nammo Christaya về nương tựa nơi đức Kytô. Còn về nương tựa nơi thầy thì nói, nammô thầy-aya. Nương tựa sư phụ thì nammo sưphụ-aya.

 

Xuất gia không phải là để trốn đời, vì sợ hãi những đau khổ trong cuộc đời, mà xuất gia để tu tập, để chuyển hóa những khó khăn, để đi tới, để cứu giúp những người đã khổ đau hoặc đang khổ đau như mình. Và trái tim đó trong văn học phật giáo gọi là trái tim ban đầu – chữ hán là sơ tâm.

Nuôi dưỡng Tâm ban đầu
Khi chúng ta xuất gia, chúng ta quỳ xuống để thầy cạo tóc và thọ mười giới, chúng ta có trái tim nóng hổi, đầy năng lượng. Chúng ta có cảm tưởng, nếu không đi xuất gia thì chịu không nỗi, chắc chết quá. Thế nào cũng phải xuất gia thôi. Có những người muốn xuất gia hơn cả một trăm phần trăm. Các giáo thọ ở Làng mai thường nói, khi nào tâm em đạt tới một trăm phần trăm muốn xuất gia mới nên xuất gia, còn ít hơn một trăm phần trăm đừng nghĩ tới chuyện xuất gia. Khi mình có năng lượng đó, mình cảm thấy không xuất gia thì chịu không nổi, thì mình biết mình đang có trái tim nóng hổi.

Xuất gia không phải là để trốn đời, vì sợ hãi những đau khổ trong cuộc đời, mà xuất gia để tu tập, để chuyển hóa những khó khăn, để đi tới, để cứu giúp những người đã khổ đau hoặc đang khổ đau như mình. Và trái tim đó trong văn học phật giáo gọi là trái tim ban đầu – chữ hán là sơ tâm.

Mình thương yêu chánh pháp, thương yêu đức Thế tôn, mình muốn đem hết cuộc đời mình đầu tư về hướng dó. Năng lượng đó rất hùng hậu và tâm đó là tâm ban đầu, sơ tâm. Sơ tâm bao giờ cũng đẹp. Những ai có sơ tâm, người đó có hạnh phúc nhiều lắm, dầu họ mặc áo rách, ở chùa lá, dù ăn ngày một bữa thiếu cả đậu hũ nhưng vẫn hạnh phúc, tại vì có sơ tâm họ không sợ.

Tâm ban đầu -sơ tâm- là một bài thơ. Là thi sĩ thì mình nên viết một bài thơ ca tụng trái tim ban đầu. Trái tim đó cho mình rất nhiều hạnh phúc, rất nhiều năng lượng. Mình thấy trước mắt mình sẽ có nhiều chông gai, hiểm trở, khó khăn nhưng mình không quản ngại, cứ đi tới. Tại vì trong này có rất nhiều lửa, nhiều sức nóng, nhiều năng lượng.. Khi mình mới xuất gia thì trái tim ban đầu đó nó nguyên vẹn và nó hướng dẫn mình đi. Nhưng nếu mình sa vào hòan cảnh không thuận lợi thì có thể từ từ tâm ban đầu bị mất đi sức mạnh của nó. Cuối cùng có thể bị tiêu mòn luôn. Không còn tâm ban đầu nữa. Sống như người chết, sống vật vờ như một người chết. Tuy đầu vẫn cạo trọc, thân vẫn có áo nhật bình nhưng mình đã chết rồi. Chết với tư cách một người xuất gia. Người ta nhìn vào vẫn thấy đầu tròn áo vuông nhưng kỳ thật ông thầy tu trong mình đã chết, tại vì tâm ban đầu đã chết.

Tu là làm sao nuôi dưỡng được tâm ban đầu, để tâm đó sống mãi. Khi tâm đó còn sống hùng mạnh thì hai mắt mình rất sáng, nụ cười mình rất tươi và bước chân mình rất vững chãi, không còn lo lắng. Các sư cô, sư chú nào mới xuất gia nên nhớ rằng mình đang có trái tim nóng hổi của sơ tâm, của tâm ban đầu. Tu học như thế nào, mỗi ngày nuôi dưỡng nó, đừng để nó bị xói mòn. Nó thường bị xói mòn bởi đời sống hằng ngày.

Ở trong chùa, mình không liên hệ tốt với thầy. Hai thầy trò làm khổ nhau. Mình đã khổ mà thầy cũng khổ. Mình đã khổ mà sư bà cũng khổ, ni sư cũng khổ và không biết cách nào để tái lập lại truyền thông. Ngày xưa mình tới với thầy, với ni sư, với sư bà tại sao ngọt ngào như vậy, giờ làm ăn thế nào mà mối liên hệ giữa mình với thầy, với ni sư dở như vậy? Hai thầy trò không nói chuyện với nhau được, chỉ nói những chuyện bề mặt thôi, không thể tâm sự với nhau như hai người đồng chí hướng. Thật ra, thầy trò là hai người đồng chí hướng, tại vì đệ tử là sự nối tiếp của thầy, giữa hai người cần có sự truyền thông.

Liên hệ giữa mình và huynh đệ cũng từ từ có khó khăn. Tại vì mình chưa học được phép lắng nghe để thấy được những khó khăn, bức xúc, những khổ đau của thầy và của huynh đệ cho nên trong huynh đệ không có hạnh phúc. Đã có những huynh đệ bỏ thầy, bỏ chúng mà đi. Có nhiều lúc thầy rất thương đệ tử, thương  như cha thương con. Nhưng nhiều khi tình thương đó bị phủ lấp dưới nhiều lớp lo lắng bận rộn, cho nên người cha, người thầy không biểu lộ được tình thương đó, không có thì giờ để nhìn đứa con, người đệ tử bằng cặp mắt thương yêu. Không có thì giờ để nói lời thương yêu cho nên người con, người đệ tử đó nghĩ rằng cha mình, thầy mình không thương mình. Cha mình, thầy mình chỉ rầy la mình, nên mình giận mà bỏ đi.

Quý vị đã nghe bài hát „Thầy đi tìm con“ chưa? Đệ tử bỏ thầy đi là chuyện đã từng xãy ra trong mỗi thế hệ, tại vì thầy và đệ tử có thể có những khó khăn, có những hiểu lầm. Mỗi ngày mình phải làm việc quá nhiều để tiếp tục xây chùa, để tiếp tục phụng sự cư sĩ. Phải cầu an, cầu siêu, làm đám ma, đám cưới… đủ mọi chuyện nên thiếu thì giờ thực tập ngồi thiền, thực tập đi thiền, thực tập soi sáng, thực tập buông thư. Không tiếp nhận được ba nguồn nuôi dưỡng là chánh pháp, pháp môn tu tập, và tình thầy trò, huynh đệ thì mình càng ngày càng đói, đến ngày nào đó, chịu không nỗi thì mình bỏ đi. Mình sa vào bẫy của những tệ nạn xã hội đang có đầy rẫy ở ngoài đời. Đôi khi mình thất chí, mình nói thôi, mệt quá, ta ra lập một cái am riêng, tu một mình cho khỏe. Huynh đệ kiểu này ở chung rất là khó, thầy cũng khó. Ta ra làm am chủ, miễn là có vài bà bổn đạo yểm trợ để ngày có vài bữa ăn là được rồi. Đó là  giải pháp mà một số thầy, một số sư cô đi theo.

Khi đó mình chẳng khác con cọp lìa rừng. Cọp lìa rừng xuống đồng bằng thế nào cũng bị tóm, bị bắt lột da. Cho nên trong văn học phật giáo có câu, tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại. Người xuất gia ly khai với chúng tu học của mình thì sẽ tự đánh mất sư thực tập của mình. Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại. Con cọp lìa núi, con cọp sẽ thất bại, sẽ bị bắt giết.

Quy y tăng có nghĩa là bám sát tăng thân, không bao giờ xa lìa tăng thân dù tăng thân có một vài khó khăn, mình vẫn ở lại xây dựng tăng thân cho có hạnh phúc.

Hai năm về trước chúng ta có một khóa tu cho người xuất gia tại chùa Hoằng Pháp (Gò vấp - t. p. Hồ Chí Minh), một khóa tu tại tu viện Nguyên Thiều (Bình Định), một khóa tu cho người xuất gia nữa tại chùa Từ Hiếu (Huế). Có nhiều thầy, nhiều sư cô đã đánh mất tâm ban đầu rồi, trở thành chán nản, tuyệt vọng rồi, nhưng nhờ các khóa tu đó mà lấy lại được tâm ban đầu lấy lại được sơ tâm, có được năng lượng đó. Họ đã viết thơ, hoặc trực tiếp nói với mình, rằng các khóa tu đó có công dụng làm sống dậy cái tâm  bồ đề, tâm ban đầu nơi họ.

Nhưng nó sống dậy và tồn tại được bao lâu nếu không có môi trường thích hợp để tiếp tục tu học thì dầu nó có sống ba tháng, sáu tháng rồi nó cũng sẽ tàn lụi trở lại. Vấn đề không chỉ là làm sống lại tâm bồ đề mà là tạo dựng môi trường để tâm ban đầu đó được nuôi dưỡng mỗi ngày. Mỗi ngày đều được nuôi dưỡng bằng tình huynh đệ, bởi tình thầy trò.

Trong khi tu học, phải có những pháp môn cụ thể để có thể nuôi duỡng những tình cảm đó. Chúng ta cần có cơ sở, nhưng cơ sở mới chỉ là cái vỏ. Phải có cái ruột, cái ruột chính là một đại chúng xuất gia tu học có tình huynh đệ, có tình thầy trò và có niềm vui thì mình mới có hai mắt sáng, có nụ cười tươi, có bước chân vững chãi.

Nhìn một thầy, một sư cô trẻ, mình có thể thấy điều đó. Rất tươi, rất sáng. Nhưng đôi khi cũng gặp những thầy, những sư cô rất là héo, héo xìu, tại vì họ sống trong môi trường khô khan không có tình thương, không có lý tưởng. Vì vậy họ không tỏa ra được sức sống. Tuy hình tướng còn là người xuất gia nhưng nội dung chất liệu xuất gia đã chết đi nhiều rối. Dầu cố gắng tươi đi nữa cũng chỉ là giả tạm.

Hoa huệ sầu ai hoa huệ héo. Hoa huệ sầu đời trong héo ngoài tươi. Người có hạnh phúc thì cả ngoài lẫn trong đều tươi. Người như thế, ngày nào cũng tiếp nhận được sự nuôi dưỡng : một là chánh pháp, hai là pháp môn tu tập và ba là tình huynh đệ, tình thầy trò.

Khi một tự viện, một ngôi chùa cho mình được ba cái đó thì dầu có đuổi, mình cũng đừng đi. Dẫu bị quất roi, dẫu bị la mắng, mình cũng không rời. Tại vì đó là chỗ rất quý hóa, người xuất gia mới có cơ hội hạnh ngộ gặp được đại chúng và các bậc trưởng thượng. Nếu thật sự có lòng thương đàn hậu vận thì phải nghĩ đến chuyện thiết lập những cơ sở như vậy cho những người xuất gia trẻ, vì hiện nay họ đang héo mòn. Rất nhiều người đang héo mòn từ từ trong những môi trường xấu, nhất là môi trường thành phố. Họ bị lây nhiễm những tệ nạn xã hội ở ngoài đời. Ở một mình, cô đơn họ tìm những thú giải trí để khuây khỏa, che lấp niềm đau, nên họ bị vướng vào những tai nạn.

Khi có trái tim ban đầu, mình có nhiều năng lượng, nhiều hạnh phúc. Mình không cần có một cái xe riêng cũng có hạnh phúc. Không có điện thoại riêng, cũng có hạnh phúc. Không có tiền trong túi, cũng có hạnh phúc như thường. Nhưng khi đã mất năng lượng đó, không có trái tim ban đầu đó, thì mình đi tìm những niềm vui nho nhỏ để khuây khỏa. Có chiếc xe để đi đây đi đó, có ít tiền để mua cái này cái nọ, có điện thoại để liên lạc, gởi e-mail, sinh ra đủ chuyện hết và cuộc sống của người xuất gia thất bại. Cho nên những ai có trái tim ban đầu còn sống, phải lo nuôi dưỡng nó bằng sự thực tập hằng ngày. Người nào nuôi dưỡng được sự thực tập đó trong suốt cuộc đời tu là người tu hành không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, tại hạnh phúc của mình đang có lớn quá, dầu gặp khó khăn gian khổ nhưng hạnh phúc vẫn còn đang lớn. Người nào trái tim ban đầu yếu, yếu quá rồi, gần như sắp tắt, thì phải lập tức cứu chữa nó. Phải nhìn cho kỹ môi trường lâu nay mình đã sống là môi trường không lành mạnh, môi trường độc hại, nó làm hư thối trái tim bồ đề của mình. Mình phải tự đặt câu hỏỉ, đây có phải là môi trường tốt cho một người xuất gia hay không? Nếu nó là môi trường xấu thì phải lập tức ly khai, đừng vướng bận những tiện nghi vật chất và những tiện nghi tình cảm. Chính một vài tiện nghi vật chất  và tình cảm đã buộc mình vào môi trường xấu đó. Phải lấy thanh gươm trí tuệ chặt đứt những dây mơ rễ má đó mà thoát thân đi tìm một môi trường tốt.

Các bực trưởng thượng thương đàn hậu tấn thì phải nghĩ đến chuyện tạo ra những môi trường như vậy. cho người xuất gia trẻ. Mình cũng phải tới với quý ngài để cầu xin các ngài đứng ra làm những việc đó. Các ngài sẽ làm những người cha, người mẹ tinh thần để bao bọc, che chở cho mình. Các ngài sẽ có rất nhiều hạnh phúc khi thấy mình có thể che chở được cho đàn con, cho đàn hậu tấn đang tu học có hạnh phúc. Hạnh phúc của chúng là hạnh phúc của mình. Mình phải nuôi dưỡng ý thức này. Có thể đang ngồi tại đây thì mình có tâm đó. Mình nói mai mốt về nhất định sẽ kiếm giải pháp để giài quyết vấn đề, chứ không thể nào sống lây lất như vậy được. Nhưng khi về tới nơi thì cái này quàng, cái kia buộc, rốt cuộc mình chỉ là lục bình trôi riu ríu theo con đường cũ. Nguy hiểm lắm.

Quý thầy, quý sư cô có ý định tổ chức lại đời sống của mình thì viết xuống giấy đàng hoàng. Về đến trú xứ, khoan vội tiếp xúc với ai hết. Mình ngồi tự tìm cho ra những biện pháp thoát thân. Phải thoát thân mới được. Nếu không cuộc đời xuất gia của mình sẽ thất bại. Phải tìm một chỗ tốt để nuôi dưỡng bằng ba nguồn năng lượng kia. Được học, được tu, được thương và có cơ hội để thương những người khác. Thương thầy, thương sư anh, sư huynh, sư đệ của mình. Nếu lỡ mình có phạm giới, giới thể của mình bị tổn hại, mình cũng có thể làm lại cuộc đời được. Mình thực tập sám hối trong ba tháng, để tiêu tội đó rồi mới bắt đầu trở lại cuộc sống  xuất gia của mình.

 

Sám pháp địa xúc
Sám hối là một nghệ thuật chuyển hóa và thanh lọc rất là hay. Sám hối có thể làm tiêu trừ những lầm lỡ của mình trong quá khứ. Không phạm giới mà sám hối thì thanh lọc được thêm, có thêm nhiều năng lượng.

Có một nghi thức sám hối mới gọi là sám pháp địa xúc. Không biết các thầy, các sư cô có biết chưa ? Sám pháp địa xúc có nhiều công năng. Thực tập theo cách này thì có thể chỉ cần một tháng, mình có thể trở thành con người mới, thanh lọc được những cáu ghét, dơ bẩn, trở thành con người mới và khôi phục được tâm ban đầu của mình. Nếu vị nào đã lỡ phạm vào giới nặng và cảm thấy ray rứt, buồn khổ, có mặc cảm tội lỗi, mất đi niền tin, mất đi nụ cười, mất đi cái nhìn trong sáng thì cũng đừng tuyệt vọng tại vì trong truyền thống của mình có phương pháp làm mới, có phương pháp sám hối. Tôi tin chắc rằng nếu quý vị hành trì theo sám pháp địa xúc trong ba tháng, quý vị có thể làm tiêu tan nghiệp cũ, tội cũ, trở thành người mới, có nhiều năng lượng. Sau đó mình phải tìm tới nơi có cơ hội, có điều kiện để tu học.

Chúng ta chưa có nhiều những tu viện như Bát Nhã. Bát Nhã bây giờ cũng trở thành quá nhỏ. Các sư cô ở với nhau rất chật. Bát Nhã cần có thêm hai ba ni viện, cần có hai hoặc ba tăng viện mới đủ. Chúng ta phải có những tu viện như vậy ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Bát Nhã vừa là một tu viện vừa là một Viện Phật học. Hồi nãy đi thiền hành tôi có ý là Ôn Viện chủ cần có một Viện phó để chăm lo về Phật học. Mình có Thượng tọa Giác Viên, mình có thể mời Thượng tọa làm Viện phó được và thêm một viện phó lo về cơ sở để Ôn thư thả hơn.
 

Mình tưởng tượng trong một làng có nhiều nhà, nhiều gia đình, nhiều hộ, và một ngôi chùa. Thì ngôi chùa phải đóng vai trò nào đó. Các thầy, các sư cô trong ngôi chùa đó phải có cái nhìn tường tận về tình trạng của khu phố hay của thôn ấp. Tại vì chúng ta đã biết thực tập, chúng ta đã biết giải quyết những khổ đau, chúng ta là một đại chúng có hạnh phúc, chúng ta muốn đem hạnh phúc đó chia sẻ với người trong thôn xóm.

Đạo Bụt dấn thân
Xuất gia để làm gì, con đường tương lai là con đường nào, mình phải thấy cho rõ. Mình biết rằng xuất gia không phải là trốn đời, trốn khổ đau. Xuất gia như trong tuồng cải lương Lan và Điệp không phản ánh được tinh thần Phật giáo.

Xuất gia như Shidhata. Là hoàng thái tử, có ngôi báu trong tương lai, có vợ đẹp, con ngoan, có đủ cả vậy mà không có hạnh phúc vì còn những rây rứt, thao thức trong lòng. Thấy xung quanh nhiều người khổ quá. Vua cha với tất cả quyền hành của một ông vua cũng thất bại, vẫn có nhiều đau khổ, tham nhũng áp bức, nhiều bạo động ở trong xứ mà không tìm được lối thoát. Nếu tiếp tục làm vua như vua cha đang làm thì chẳng những đã không giải quyết được nổi khổ của mình mà cả những người trong nước. Vì vậy cho nên đi tìm con đường cứu khổ. Do đó mà xuất gia.

Đi xuất gia không phải là trốn cha mẹ, trốn bổn phận làm vua mà là đi tìm lối thoát, không phải tìm hạnh phúc riêng cho mình mà cho cả nước. Đó là động lực khiến Shidhata xuất gia. Khi Shidhata thành công rồi, đã về lại nước giúp vua, giúp triều đình và bao nhiêu người thấy được con đường tu tập chuyển hóa, bớt khổ.

Bụt Thích Ca đã đi nhiều nước và toàn đi bộ, không đi xe buýt như mình, không đi máy bay. Đi nhiều nước và hóa độ cho đủ loại người, từ vua chúa cho đến  người đổ thùng phân, kỹ nữ, những người làm nghề mãi dâm. Trong giáo đoàn của ngài không hề có phân biệt. Bất cứ ai có tâm bồ đề, có trái tim ban đầu thì được chấp nhận vào và hoàn toàn bình đẳng.

Đất nước mình mới đi qua cuộc chiến tranh rất dai dẳng. Có cả năm sáu triệu người chết rất là oan ức. Nước Đức cũng bị chia đôi thành Đông Đức và Tây Đức nhưng họ làm ăn sao đó mà bây giờ họ thống nhất được hai phần của đất nước mà không tốn một giọt máu. Còn mình thì phải đi qua một cuộc chiến tranh rất dài, anh em trong nhà phải giết nhau, nhiều khi phải giết nhau. Cho nên chúng ta chết, chết oan. Cuộc chiến tranh của chúng ta tuy là cuộc chiến giành độc lập, nhưng trong đó có yếu tố của cuộc chiến ý thức hệ : cộng sản và chống cộng sản. Cộng sản và tư bản. Vũ khí sử dụng để giết nhau cũng không phải của chúng ta làm ra mà từ các nước ngoài đem vào. Cho nên cái chết của ông bà, cha mẹ, con cháu chúng ta trong các cuộc chiến vừa qua ít nhiều đều mang sự oan ức.

Vì vậy kỳ này mình mới thiết lập ba Trai Đàn Giải Oan để cầu nguyện cho năm, sáu triệu đồng bào đã chết trong chiến tranh. Mình sẽ làm lễ „Chiêu hồn“, rước vong linh của người chết từ những chiến trường thê thảm nhất, từ những nghĩa trang, từ „đại lộ kinh hoàng“, rước vong linh của những thuyền nhân thiệt mạng trên biển cả.

Trong Kiều có câu:  Chiêu hồn thiết vị lễ thường.
                                   Giải oan lập một đàn tràng bên sông.

Đời của Thúy Kiều gặp nhiều oan ức. Thúy Kiều gặp Tú Bà, Mã Giám Sinh. Thúy Kiều gặp Bạc Hạnh, Bạc Bà, Sở Khanh. Thúy Kiều gặp hoạn Thư, Thúy kiều gặp Hồ Tôn Hiến… Đất nước mình cũng vậy. Mình chịu đựng với Pháp, chịu đựng với Nhật, rồi chịu đựng vói Pháp, chịu đựng với Mỹ. Mình cũng chịu nhiều oan ức khổ đau như Kiều. Vì vậy chúng ta cũng muốn lập một trai đàn để giải những oan đó: chiêu hồn, thiết vị tức là lập những bài vị; lễ thường là theo truyền thống. Những lễ đó  đã có trong truyền thống của mình.

Chiêu hồn, thiết vị lễ thường,
Giải oan lập một đàn tràng bên sông.

Một đàn giải oan bên sông Sài gòn. -Chùa Vĩnh Nghiêm. Một đàn tràng giải oan bên sông Hương -Chùa Diệu Đế, và một đàn tràng giải oan bên sông Hồng -Chùa Đậu(?). Đó là công việc của chúng ta.

Nếu chúng ta làm được việc giải oan thì người đồng bào sẽ đến gần với nhau hơn. Người Nam và người Bắc tới gần nhau hơn tại vì nổi oan trong lòng mọi người sẽ được vơi đi. Người Bắc tơi gần với người Nam, người Nam tới gần với người Bắc. Người trong nước tới gần với người ngoài nước, người Việt ngoài nuớc tới gần với người Việt trong nước. Đó là kết quả mình có thể đạt được bằng sự thực tập trai đàn giải oan. Nếu người sống công nhận rằng có oan ức, rồi cầu nguyện cho người chết, nắm tay nhau, tha thứ cho nhau đó là sự thực tập của mình. Nếu không thực tập để chuyển hóa những oan ức và hờn giận đó thì mình sẽ truyền những hạt giống oan ức đó cho con cho cháu. Mai mốt những hạt giống đó phát hiện, nó khổ đau, tuyệt vọng thì nó hiểu tại sao là như vậy. Đó là hạt giống của cha ông truyền lại. Cho nên hay nhất là mình hãy thực tập chuyển hóa những oan ức hờn giận, tuyệt vọng ngay bây giờ, giải tỏa những oan ức đó bằng sự thực tập. Chúng ta sẽ tới gần với nhau hơn, chúng ta sẽ có nhiều tình huynh đệ hơn, nhiều tình đồng bào hơn, chúng ta mới có đủ sức để đối phó với thời cuộc đang thay đổi rất mau trên đà toàn cầu hóa.

Trên đà tòan cầu hóa và kinh tế phát triển, những tệ nạn xã hội sẽ tiếp tục nảy sinh. Thanh thiếu niên sẽ tự tử nhiều hơn. Người trẻ sẽ sa vào hầm hố của băng đảng nhiều hơn. Ma túy, đĩ điếm nhiều hơn vì mọi người bị bận rộn làm tiền, có cơ hội làm tiền, có thị trường chứng khoán. Không làm gì hết, chỉ mua bán cổ phần trong thị trường thôi và lòng mình hướng về chuyện làm giàu, mình không còn thì giờ để chăm sóc cho người thương của mình cho vợ, cho con và trong nếp sống hối hả đó cũng không có thì giờ chăm sóc cho chính bản thân mình, những đau nhức căng thẳng, những lo âu bực bội trong mình, mình không biết cách xử lý, từ đó la vợ rầy con, biến gia đình thành ngục tù và người trẻ không cảm thấy thoải mái trong đó.

Khi cha mẹ làm khổ nhau, khi cha mẹ không truyền thông được với nhau, không tạo được hạnh phúc cho nhau thì con cái làm sao có hạnh phúc được ?

Do đó chúng mới đi tìm sự khuây khỏa, quên lãng ở ngoài đời. Túm năm tụm ba đi chơi, uống rượu, sử dụng ma túy, đi vào những vùng băng đảng hay đĩ điếm. Nhà nước có thành lập những khu phố văn hóa, thôn ấp văn hóa, cố gắng ngăn ngừa những tệ nạn xã hội đó, nhưng phương tiện của nhà nước chỉ là sự kiểm soát, trừng phạt và những dự án. Trong khi đó pháp môn tu học rất là quan trọng. Nó có thể giúp cha truyền thông được với mẹ, con truyền thông được với cha đem lại hòa khí và hạnh phúc trong gia đình.

Mình tưởng tượng trong một làng có nhiều nhà, nhiều gia đình, nhiều hộ, và một ngôi chùa. Thì ngôi chùa phải đóng vai trò nào đó. Các thầy, các sư cô trong ngôi chùa đó phải có cái nhìn tường tận về tình trạng của khu phố hay của thôn ấp. Tại vì chúng ta đã biết thực tập, chúng ta đã biết giải quyết những khổ đau, chúng ta là một đại chúng có hạnh phúc, chúng ta muốn đem hạnh phúc đó chia sẻ với người trong thôn xóm.

Khi mới tu thì có thể có khó khó khăn giữa huynh đệ, chị em. Nhưng sau khi tu mấy năm rồi, thì giải tỏa được và mình trở thành gia đình tâm linh có hạnh phúc và mình có căn bản để đi ra độ đời. Cái đó gọi là đạo Phật đi vào cuộc đời. Tiếng Anh gọi là Engaged Buddhism. Ở Trung quốc có một danh từ tương đương là Nhân gian Phật giáo. Hiện giờ trên thế giới có một tổ chức gọi là  Mạng lưới đạo Phật đi vào cuộc đời, đạo Phật nhập thế  -Netzwork of Engaged Buddishm-. Danh từ Engaged Buddhism, đạo Phật dấn thân, đạo Phật đi vào cuộc đời phát xuất từ đâu quý vị biết không? Phát xuất từ Việt Nam, có gốc rễ từ Việt Nam.

Trong chiến tranh có các thầy đã đứng dậy đi vào cuộc đời để cứu giúp… để tranh đấu cho hòa bình, mở trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, thiết lập những trung tâm định cư cho những nạn nhân của chiến tranh. Mở trường học cho trẻ con, bệnh xá, trạm y tế cho dân làng. Vừa làm vừa tu. Vì vừa làm vừa tu nên vẫn giữ được sự tươi mát, lòng từ bi của mình. Nếu không tu trong khi làm thì mình sẽ tự đánh mất mình rất nhanh, nhất là khi gặp những khó khăn bực bội thì mình đánh mất sự tươi mát, đánh mất lý tưởng. Những thanh niên có tâm chí giúp đời rất nhiều. Có số người tham dự vài năm, sau đó họ bỏ cuộc vì họ chưa có vũ khí của đạo đức. Họ chỉ có sự thông minh và năng lượng của tuổi trẻ thôi. Trong đạo Phật dấn thân mình có phương diện tinh thần, đó là đạo đức. Trong khi đi làm việc xã hội mình vẫn thực tập thiền đi, thực tập thiền ngồi, mình biết sử dụng ái ngữ, lắng nghe. Vì vậy mình giữ được toàn vẹn người tu của mình. Vì vậy mình có thể đi xa. Cái đó là Đạo Phật đi vào cuộc đời.

Tôi đã viết một số cuốn sách về đạo Phật đi vào cuộc đời như : Đạo Phật ngày nay, Đạo Phật ngày mai, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật hiện đại hóa. Tư tưởng đạo Phật đi vào cuộc đời, đạo Phật nhập thế đã được Tây phương chấp nhận. Hiện nay có những tổ chức phật tử ở Âu Mỹ đi theo đường lối đạo Phật đi vào cuộc đời. Engaged Buddhism có gốc rễ ở Việt Nam. Tại vì Việt nam là một biển lửa đầy khổ đau, nhưng trong biển lửa đó đã nở ra bông sen. Bông sen đó chính là đạo Phật đi vào cuộc đời. Đó là quà tặng của Việt Nam cho Phật giáo thế giới.

Năm 1966 tôi có viết cuốn sách tựa đề là „Hoa sen trong biển lửa“ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt nam chắc cũng có cuốn đó. Trong biển lửa nảy ra được bông sen. Bông sen đó là đạo Phật nhập thế, tức là đạo Phật có thể đi vào trong xã hội để làm vơi bớt những khổ đau trong xã hội.

Trong ngôi chùa này có đạo Phật nhập thế, có những thầy những sư cô thao thức muốn làm cái gì để khu phố mình được sạch những tệ nạn xã hội. Làm thế nào để cha có thể nói chuyện được với mẹ, cha có thể nói chuyện được với con, vợ có thể nói chuyện được với chồng. Có thương yêu thì tuổi trẻ mới không bỏ nhà ra đi mà sa vào hầm hố của ma túy, đĩ điếm hay băng đảng. Đi tu là làm việc đó. Nhưng nếu mình chưa tự chuyển hóa được, nếu mình sống chưa hài hòa được với các huynh đệ thì làm sao mình làm được ? Vì vậy mình phải hạ thủ công phu, phải tu tập cho tinh chuyên để mình có đủ năng lượng, có hạnh phúc. Có biết cách, lúc đó mình mới giúp đời được. Cụ thể là trong khu phố này, các thầy cần biết khu phố có bao nhiêu gia đình và tình trạng của mỗi gia đình để mình có thể đến giúp. Nhiều khi họ lúng túng khổ đau trong nhiều năm mà không có con đường để thoát ra. Mình đã học được con đường rồi cho nên có thể chỉ cần một tuần lễ tiếp xúc mình có thể tháo gỡ được cho họ. Mình giúp họ trở lại một gia đình có hạnh phúc.

Những khóa tu của Đạo tràng Mai thôn tổ chức ở làng Mai hay tại các nước ở Âu châu thường có ít nhất là năm trăm người Tây phương tham dự. Trong các khóa tu đó luôn luôn có những phép lạ xảy ra : vợ có thể hòa giải được với chồng. Con có thể hòa giải được với cha. Các thầy, các sư cô giáo thọ thường ngồi để lắng nghe họ. Chỉ cần lắng nghe, họ đã bớt khổ rồi chỉ cho họ con đường để hòa giải, đem lại hạnh phúc. Mình đi tu để làm gì nếu không phải là làm những công việc đó? Khi mình cứu được một người, một gia đình khỏi rơi vào hố tuyệt vọng thì công đức thật là vô lượng. Đi tu để cứu đời và việc cứu đời đó nó đi theo sự tự cứu gọi là tự độ, độ tha.

Vì vậy cái học của mình phải thực tế. Học Phật pháp không phải chỉ là học một mớ lý thuyết để sau đó đem giảng dạy trở lại cho thế hệ tương lai. Học thế nào để có thể áp dụng những điều đó vào đời sống hằng ngày của mình, chuyển hóa những khó khăn khổ đau của mình và của mọi người trong đại chúng. Khi có kinh nghiệm rồi thì mình giúp được người cư sĩ, không chỉ những người trong truyền thống đạo Bụt mà cả những người trong các truyền thống khác nữa. Tây phương vốn không có những đoàn thể Phật tử. Khi qua đó mình chỉ chia sẻ sự thực tập của mình với những người Do thái giáo, người Cơ đốc giáo mà thôi. Từ từ mình có Tăng thân và Tăng thân của mình có các thành viên gốc Cơ đốc giáo, gốc Do thái giáo chứ làm gì có Phật tử nguyên chất mà bắt đầu.

Tôi có viết nhiều bài, cả một số sách để chia sẻ, đối thoại với người Cơ đốc giáo. Cuốn đầu tiên là Living Buddha, Living Christ. Bên Trung quốc dịch là Sinh sinh Ky tô, thế thế Phật  tức Chúa ngàn đời, Bụt ngàn đời.  Cuốn sách đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Cuốn sách này gồm những bài pháp thoại của một khóa tu hổn hợp giữa người Phật tử và người Thiên chúa giáo. Năm mươi phần trăm gốc thiên chúa giáo. Năm mươi phần trăm Phật tử và sau khi khóa tu kết thúc, các bài giảng được đánh máy, sửa lại đôi chút và thành cuốn sách Living Buddha, Living Christ. Cuốn sách này bán rất chạy, đi rất sâu vào các tu viện kín của các ông cha, của các bà sơ. Thỉnh thoảng tôi nhận được những lá thư cảm ơn, rằng cuốn sách đã giúp họ gỡ được nhiều thắc mắc đối với chính truyền thống Cơ đốc giáo của họ. Họ có những cái kẹt, cái bí nhưng nhờ đọc cuốn sách đó nên có thể tháo gỡ được và có niềm tin trở lại nơi truyền thống của họ. Sau đó tôi có viết cuốn Coming home, Buddha and Christ are brother. Có nghĩa là Chúng ta về nhà đi, Bụt và Chúa là hai anh em, đừng chống nhau, phải nắm tay nhau. Bụt và Chúa là hai anh em đó. Chúa nói anh mới ở Á châu tới đó hả, có cần tôi giúp gì không? Mới tới chân ướt chân ráo chắc cũng có nhiều khó khăn, có cần tôi giúp gì không ? Đức Thế tôn nói, tôi cũng không cần nhiều tiện nghi, tới coi thử anh có khó khăn gì tôi sẽ giúp. Bụt nói với chúa như vậy. Hai người giúp nhau, ngồi với nhau, vậy thôi.

Trong đạo phật, mình thừa nhận đức Ky tô là một vị bồ tát lớn, chuyện đó rất là dể dàng. Ngay trong hội chúng này cũng có những vị bồ tát, huống hồ là đức Ky tô. Những ai có tâm ban đầu lớn, nóng hổi đều là Bồ tát hết. Bồ tát nhỏ, bồ tát mới sinh. Nuôi dưỡng trái tim ban đầu đó càng ngày càng lớn thì thành Bồ tát lớn. Bồ tát không phải là một vị đang ngồi trên mây. Ngồi trên mây xa cách quá, đâu làm gì được cho chúng sanh.

Theo suy nghĩ của tôi, các thầy các sư cô sống hạnh phúc với nhau, có liên hệ rất tốt với các hộ các gia đình trong thôn ấp, biết rõ tình trạng của các gia đình và có cách để giúp chuyển hóa từng gia đình. Gia đình nào chuyển hóa có hạnh phúc thì gọi là gia đình kiểu mẫu, rồi mình sẽ liên minh với họ để họ giúp mình tiếp tục giúp những gia đình khác. Người xuất gia cần những người cận sự, tức là người bên cạnh mình và mình phải đào tạo người cận sự, thương yêu và nuôi dưỡng người cận sự để họ có thể giúp mình. Có khi người đó nói trực tiếp với người kia, mình khỏi nói. Có khi mình đi trực tiếp, có khi mình đi gián tiếp. Đó là cách mình phụng sự cho đời. Ai nói đi tu là trốn bổn phận của người công dân? Đi tu là cách hay nhất để thương dân và thương nước, phụng sự cho đất nước, không phải bằng chính trị, bằng kỹ thuật, bằng kinh tế mà bằng đạo đức. Một xã hội không có chiều hướng đạo đức thì xã hội đó sẽ băng hoại. Người tu có chí hướng gìn giữ nền đạo đức của xã hội không bị băng hoại, nuôi lớn nền đạo đức đó để bảo hộ cho dân, cho nước. Người tu phải giữ chí hướng đó và phải tìm phương tiện để nuôi dưỡng chí hướng đó và đi tới. (Chuông, thở đi!)

Chúng ta đã có cơ duyên đến với nhau và sống chung với nhau trong năm ngày. Chúng ta đã mở trái tim ra cho những hạt giống của tình thương, của lý tưởng được tưới tẩm bằng sự thực tập và bằng những bài pháp thoại. Chúng ta cảm thấy khỏe hơn trước, nhẹ hơn trước và thấy rõ ràng con đường có hướng đi rõ ràng hơn trước. Chúng ta hưởng được pháp lạc của tình huynh đệ. Chúng ta nói À, cũng có những người muốn tu thiệt chứ. Không muốn tu họ đâu tới đây làm chi, chúng ta cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, mạnh hơn. Tại vì mình phải lo cho chùa mình. Bỏ được ngôi chùa của mình lên đây, tức là mình đã muốn tu lắm rồi. Nhìn quanh mình thấy có nhiều người có ý hướng muốn tu nên mơí tới đây, mà được ngồi chung với những người đó, mình có năng lượng hùng hậu, có pháp lạc, do tăng thân đem lại. Có những thầy, sư cô, sư chú cười rất tươi. Hai mắt sáng, bước chân vững chãi. Mình được nuôi dưỡng bởi những cái đó. Mình đã thực tập và có phương pháp để đối trị với những khó khăn có thể xảy ra trong tương lai. Khi buồn, khi giận, khi tuyệt vọng, khi bế tắc, mình có cách để tháo gỡ.

Chúng ta đã sắp đến giờ phải chia tay nhau. Sau bài pháp thoại này, chúng ta ăn cơm trưa rồi trở về trú xứ của mình. Xin nhắc những người trái tim còn nóng hỗi với tâm ban đầu thì hãy gìn giữ trái tim đó, đừng để nó nguội đi. Thực tập sám pháp địa xúc giúp năng lượng đó càng ngày càng lớn. Những ai trái tim ban đầu hơi xìu xuống, thực tập sám pháp địa xúc sẽ làm sống dậy và nhất là sử dụng cuốn BướcTới Thảnh Thơi rất đầy đủ cho người xuất gia. Dù mình đã thọ giới lón đi nữa thì Bước Tới Thảnh Thơi cũng là kim chỉ nam cho người xuất gia. Hãy dùng nó làm cuốn sách gối đầu giường. Thực tập sám pháp địa xúc để làm mới con người của mình. Làm mới xong tìm cách ly khai môi trường xấu để tìm tới môi trường tốt mà tu học.

Đã là người xuất gia tức mình thuộc về gia đình tâm linh. Tất cả chúng ta đều là con của đức Thế tôn. Chúng ta phải nhìn nhau như anh chị em trong một nhà và ở đâu chúng ta cũng chỉ làm một công việc thôi: tu tập chuyển hóa và giúp đời. Nếu muốn, chúng ta có thể có nhiều khóa tu như vậy trong một năm, vì chúng ta có đủ các vị giáo thọ để tổ chức những khóa tu như vậy. Người trẻ nhiều khi còn làm hay hơn người già nữa là khác. Tôi rất có niềm tin nơi người trẻ.

Chúng ta niệm Nammo Velokitessara để chấm dứt bài Pháp thoại. Chúng ta niệm danh hiệu của đức Quan Âm để gia hộ cho chúng ta thực tập ái ngữ, lắng nghe cho giỏi và thiết lập được tình thầy trò, huynh đệ cho giỏi.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.