.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES


 

 

 

 Nghệ thuật sống thiền :



 An tịnh tâm hành.

 

  • Tháng III 2007 - Chân Tịnh Ý biên tập
    Pháp thoại của Sư ông Làng Mai ngày 5.03.2007 tại Bát Nhã, Lâm Đồng, trong khóa tu dành cho người xuất gia từ 5. 03. đến 9. 03. 2007.
    Am thanh MP3 : Phần 1 (10MB)   Phần 2 (9MB)

 

Kính thưa chư vị tôn đức, thưa các huynh đệ.

Hôm nay là ngày mồng 5 tháng 3 dương lịch năm 2007. Chúng ta đang ở tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc, Lâm Đồng trong khóa tu dành cho những người xuất gia.

Trong suốt những ngày của khóa tu, cổng chùa Bát Nhã sẽ đóng lại không tiếp khách tham quan để chúng ta có cơ hội tu tập thành công. Những ngày đó chúng ta cũng chỉ ở trong khuôn viên của tu viện, trừ những trường hợp cấp bách lắm mới phải đi ra ngoài mà thôi. Đây là một cơ hội, chúng ta chỉ có một số ngày và chúng ta phải tìm cách vận dụng thì giờ đang có để sự tu tập đạt tới những kết quả mà chúng ta mong muốn.

Một khóa tu năm ngày hay bảy ngày cho phép chúng ta nếm được pháp vị của giải thoát và an lạc. Sau đó chúng ta phải tiếp tục thực tập bằng cách này hay cách khác thì sự giải thoát và an lạc đó mới kéo dài và phát triển. Nếu sau khóa tu mà chúng ta không có môi trường tốt, không có cơ hội thực tập, thì  an lạc, giải thoát,  hạnh phúc đó chỉ kéo dài vài ba tuần lễ rồi chúng ta sẽ sa vào tình trạng cũ. Chúng ta phải chờ một khóa tu khác. Cũng như là mình đi châm cứu, được ông thầy chữa trị thì thấy khỏe và nó có thể kéo dài được một hai tuần. Nhưng do cách sống, cách làm việc, cách ăn uống của mình nó không giúp duy trì sự an lạc trong thân thể của mình, nên vài ba tháng sau mình phải trở lại tìm ông thầy.

 Khóa tu cũng vậy. Khóa tu năm ngày hay bảy ngày cho phép chúng ta nếm được một chút hương vị của tình huynh đệ, của an lạc, của thong dong, của giải thoát. Vì vậy chúng ta phải chú tâm, nghĩa là phải nắm được pháp môn, nắm được phương pháp thực tập. Chúng ta phải suy nghĩ làm thế nào để sau khóa tu  bảo trì được sự tu tập, có thể tiếp tục được sự tu tập.

 Môi trường tu tập rất là quan trọng. Nếu môi trường không thuận lợi thì khó mà duy trì được sự thực tập và làm cho an lạc, giải thoát của mình lớn lên và kéo dài. Sự thật là như vậy. Chắc chắn là khi mình tu năm ngày hay bảy ngày, thế nào cũng nếm được một ít an lạc hạnh phúc và thảnh thơi. Cũng như mình đi châm cứu, thế nào cũng khỏe ra, những huyệt đạo được khai thông, mình thở được, mình đi đứng được không đau nhức lắm. Nhưng những cái đó chỉ có kết quả nhất thời.

 

Công phu tu tập bắt đầu từ sự dừng lại.

Công phu tu tập bắt đầu từ  sự dừng lại. Dừng lại là một phương pháp thực tập. Dừng lại cái gì? Dừng lại sự rong ruổi của chúng ta. Chúng ta đang rong ruổi, chúng ta đang đuổi theo một cái gì đó. Nhiều khi chúng ta không có ý đuổi theo, không muốn rong ruổi, nhưng chúng ta vẫn bị kéo theo và không cưỡng lại được. Chúng ta trôi lăn theo một cái gì đó, một hướng nào đó. Tiếng Hán Việt trầm luân là trôi lăn và chúng ta đang trôi lăn. Cái trôi lăn đó có thể thấy được trong ban ngày, những gì ta nghĩ, những gì ta nói và những cái ta làm, nó chứng tỏ ta đang bị cuốn hút, ta không dừng lại được. Nhưng trong giấc mơ chúng ta cũng bị trôi lăn như thường. Nếu chúng ta quán sát thì không những trong ban ngày mà trong ban đêm chúng ta cũng đang trôi lăn, chúng ta đang bị cuốn hút theo một cái gì đó. Đi theo cái đó, ta không có thì giờ để sống thảnh thơi an lạc trong giây phút hiện tại. Vì vậy, tu trước hết là dừng lại, tập dừng lại.

 Chữ samatha mà mình dịch là chỉ đó, có nghĩa là dừng lại. Trong kinh A Hàm được dịch vào khoảng thế kỷ thứ tư, thứ năm thì chúng ta có danh từ tức. Tức  là dừng lại, chấm dứt, dừng lại như là trong danh từ hưu tức, hưu là nghỉ ngơi, là ngừng lại giống như  về hưu. Hưu tức, chữ tức này tức là chấm dứt, dịch ra tiếng Anh là stop. Chữ chỉ  hay  chữ tức đó cũng có nghĩa là làm cho lắng dịu trở lại, sâu lắng trở lại, nhẹ nhàng ra thì gọi là tức. Kinh An Ban Thủ Ý mà đức Thế Tôn dạy chúng ta phương pháp thở, có  danh từ  thân hành tức. Thân hành là cái hình hài của mình, thân hành tức  là làm lắng dịu con người, thân thể của mình trở lại. Và danh từ tâm hành tức  nghĩa là sự lắng dịu của những tâm hành. Thân hành, là những hoạt động của cơ thể, còn tâm hành là những hoạt động của tâm ý. Hoạt động của cơ thể có sự căng thẳng, có sự đau nhức, có sự rong ruổi,  có sự trôi lăn. Làm thế nào để nó ngưng lại, nó lắng lại, êm dịu trở lại. Cái đó gọi là chỉ, cái đó gọi là tức.

 

An tịnh thân hành – An tịnh tâm hành.

Trước là phải học thân hành tức là làm cho lắng dịu thân hành của mình, làm sao cho thân của mình ngừng lại, được nghỉ ngơi trở lại. Tại vì chúng ta đày đọa tấm thân của chúng ta hơi nhiều, chúng ta không cho thân chúng ta được thư giản, lắng dịu. Những căng thẳng, đau nhức phát sinh trong thân là vì chúng ta không biết cách làm lắng dịu, không có biết cách dừng lại, nghĩa là không biết chỉ. Chúng ta nhân danh Tam Bảo, chúng ta nhân danh Phật sự, chúng ta làm quá trời quá đất. Vì vậy những căng thẳng dồn chứa trong thân của mình, nó tạo ra những đau nhức. Những căng thẳng và đau nhức đó khi bị dồn chứa tới một mức nào đó thì bắt đầu phát sinh ra bệnh, đủ thứ bệnh tật hết. Cho nên trong kinh An Ban Thủ Ý tức là kinh Quán Niệm Hơi Thở có một bài thực tập gọi là an tịnh thân hành, tức là làm cho cơ thể mình buông thư lại, lắng dịu trở lại, không còn bị đày đọa.

 Có một bài tập nữa trong kinh Quán Niệm Hơi Thở gọi là an tịnh tâm hành, vì trong tâm của chúng ta cũng có sự căng thẳng, sự đau nhức. Chúng ta có những cái sợ, những nỗi buồn những cái lo và dồn chứa lâu ngày, tâm thần của chúng ta căng thẳng. Nếu chúng ta không biết giải tỏa, không biết tháo gỡ, không biết làm lắng dịu, không biết chỉ, không biết tức thì  sự dồn nén đó sẽ làm cho chúng ta bệnh và có thể là những bệnh gọi là tâm thần. Thân bệnh rồi tới tâm bệnh.

Là người tu, mình phải nắm cho được phương pháp làm lắng dịu thân, thân hành tức là thân đó. Hành là một  từ chuyên môn trong đạo Bụt, tất cả mọi sự mọi vật tất cả đều gọi là hành. Hành có nghĩa là những sự vật, những hiện tượng. Ví dụ như cái bình thủy này là một hành. Có khi mình gọi là hạnh. Khi nói chư hạnh vô thường tức là các sự vật đều vô thường. Hành vô thường, cái bình này vô thường, cái microphone này vô thường, cái bàn tay này vô thường. Cái bình thủy là một hành, bàn tay là một hành, thân mình là một hành gọi là thân hành. Còn tâm mình có những buồn giận, những lo lắng, sầu khổ, thì những buồn giận, những lo lắng sầu khổ đó không phải là thân hành mà là tâm hành. Người tu phải biết cách làm lắng dịu thân hành và tâm hành. Mình phải nắm cho được.

Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, tức kinh An Ban Thủ Ý, đức Thế Tôn dạy cho chúng ta nhiều bài thực tập và trong đó có những bài giúp chúng ta làm lắng dịu thân hành tức là lắng dịu thân thể của chúng ta, lấy ra khỏi thân những căng thẳng, những đau nhức, những dồn nén và những bài tập giúp chúng ta lắng dịu tâm hành, lấy ra khỏi tâm những căng thẳng, những dồn nén những đau nhức những ẩn ức. Như vậy  phép tu nó trị thân và  trị tâm. Cũng vì vậy đức Thế Tôn được gọi là một y sĩ, một y vương, một ông vua của thầy thuốc.

Kinh Quán Niệm Hơi Thở có bài tập thứ ba, thở vào tôi ý thức sự có mặt của thân thể tôi và bài tập thứ tư thở vào tôi làm cho thân thể tôi lắng dịu xuống. Nghĩa là mình buông thư thân thể, mình lấy ra những căng thẳng, những đau nhức trong thân thể. Thở vào tôi ý thức được thân thể của tôi, cái tiếng chuông “boong” là thân hành giác, thân hành giác tức là ý thức được sự có mặt của cơ thể mình. Thở vào tôi ý thức được sự có mặt của thân thể tôi, thở ra tôi ý thức được sự có mặt của thân thể tôi, tôi công nhận là nó đang có mặt đó. Mình lấy cái tâm mình trở về với thân thể, ôm lấy thân thể, mình công nhận sự có mặt của thân thể. Tại vì ban ngày những lúc bận rộn mình quên luôn thân của mình, tâm của mình đi rong ruổi, đi về quá khứ, đi về tương lai, đi về những  dự án, những âu lo, những sợ hãi. Cái thân luôn luôn rời khỏi cái tâm. Hơi thở giúp đưa tâm trở về với thân để nhận diện sự có mặt của tâm để ôm lấy tâm và để làm cho thân lắng dịu xuống. Đó là bài tập thứ ba và bài tập thứ tư của kinh Quán Niệm Hơi Thở.

 Kinh Quán Niệm Hơi Thở là sách gối đầu giường của các thầy và các sư cô. Mình phải nằm lòng kinh đó. Kinh đó đi đôi với kinh  Niệm Xứ. Kinh Niệm Xứ dạy cho chúng ta quán niệm về thân, về thọ, về các tâm hành và về Pháp, tức là đối tượng của tri giác tức là đối tượng của tưởng. Đó là bốn lĩnh vực của sự quán chiếu, bốn lĩnh vực của kinh quán niệm gọi là kinh Tứ Niệm Xứ. Đó cũng là kinh gối đầu giường của các thầy, các sư cô trong thời đức Thế Tôn tại thế. Trong thời đức Thế Tôn tại thế thì tất cả các thầy các sư cô đều thuộc lòng kinh đó và kinh Quán Niệm Hơi Thở, hai kinh đó là hai kinh căn bản. Chúng ta thuộc kinh Di Đà nhiều hơn, chúng ta thuộc kinh Lăng Nghiêm nhiều hơn mà chúng ta không  thuộc kinh Niệm Xứ và kinh Quán Niệm Hơi Thở, trong khi hai kinh đó rất là thiết yếu cho người tu. Nếu chúng ta thuộc Lăng Nghiêm được thì chúng ta thuộc kinh Quán Niệm Hơi Thở được.

Là người hành giả - hành giả - tức là người tu - phải nắm trong tay những pháp môn tu tập - bài tập mà đức Thế Tôn đưa ra, nó hết sức là đơn giản. Thở vào tôi biết đây là hơi thở vào, thở ra tôi biết đây là hơi thở ra, đó là nhập tức xuất tức, nhập tức là hơi thở vào, xuất tức là hơi thở ra. Thở vào thì mình biết rằng đây là hơi thở vào, thở ra biết đây là hơi thở ra. Mình điểm mặt nó mày là hơi thở vào, còn mày là hơi thở ra. Bài tập đầu đơn giản như vậy đó nhưng mầu nhiệm vô cùng. Mình chỉ ngồi đó thôi để nhận dịện hơi thở vào, nhận diện hơi thở ra. Giống như người lính gác cổng nhận diện người này là người Việt mới đi vô, người kia là người ngoại quốc mới đi ra, vậy đó.

Bài tập đầu tiên là nhận diện hơi thở: nhận diện hơi thở vào và nhận diện hơi thở ra. Nó mầu nhiệm là tại vì sao?  Tại vì tâm mình đang rong ruổi, trôi lăn, nó đi về quá khứ, tiếc nuối hay sầu não về quá khứ hoặc nó đi về tương lai, lo lắng, sợ hãi về ngày mai. Hay là nó bị cuốn theo những suy tư, những lo lắng những sầu khổ, bực bội. Khi mình đem nó trở về với hơi thở, mình nhận diện hơi thở, tự nhiên tâm của mình nó buông mấy cái đó ra. Nó buông quá khứ ra. Nó buông tương lai ra. Nó buông những vướng mắc đó trở về với hơi thở. Tâm mình có tự do, tâm mình bây giờ bám lấy hơi thở vào và hơi thở ra thì lúc đó mình bắt đầu có tự do. Có tự do đối với những vướng mắc về quá khứ, về tương lai, về các đối tượng tìm cầu của mình. Cứ thở một hồi như vậy thì tự nhiên hơi thở vào nó sâu xuống, hơi thở ra nó nhẹ thêm và mình bắt đầu có pháp lạc, có hạnh phúc.

Bài tập thứ hai cũng dể. Bài tập thứ hai là thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu tới cuối, bám sát lấy hơi thở vào không để tâm thoát ra chạy tứ tán. Tôi đang thở ra và tôi theo dõi hơi thở ra từ đầu tới cuối, tôi bám sát lấy hơi thở ra như là người chết đuối  bám sát lấy cái phao, như người đi qua cầu khỉ bám sát lấy thanh cầu để đừng rơi xuống. Trong khi thở vào mình bám sát lấy hơi thở vào và trong khi thở ra mình bám sát hơi thở ra từ đầu tới cuối như vậy nên mình bắt đầu có định, nó rất là hay.  Không  khó mà lại rất vui. Ngay trong bài tập thứ nhất và bài tập thứ hai, mình bắt đầu chấm dứt được tán loạn và mình bắt đầu có định.

Tới bài tập thứ ba, thở vào tôi ý thức về sự có mặt của thân thể tôi, thở ra tôi ý thức rằng thân thể tôi nó có đó. Tức là đem tâm về với thân, đem tâm hòa giải với thân. Và bài tập thứ tư, thở vào tôi làm lắng dịu những căng thẳng ở trong cơ thể tôi. Thở ra tôi buông thư tất cả những cái căng thẳng trong cơ thể tôi. Trong tư thế ngồi, bằng hơi thở đó mình làm cho các cơ bắp ở trong thân thể buông thư xuống hết, trước hết là những cơ bắp trên mặt, đếm ra thì có vào khoảng ba trăm bắp thịt nho nhỏ, những  cơ bắp nho nhỏ ở trên mặt. Mỗi khi mình lo lắng, sầu khổ, sợ hãi thì nó căng thẳng ra, nhìn vô kiếng thì thấy ghê lắm, giống trái bom sắp nổ. Nhưng nếu mình thở vào một cái, ý thức được cơ thể, thở ra một cái, mỉm cười buông thư thì khuôn mặt mình dể ngó hơn nhiều, nó buông thư trở lại. Nụ cười khi thở ra nó mầu nhiệm vô cùng. Đang căng thẳng như vậy mà hể mỉm cười một cái thì tất cả ba trăm bắp thịt trên mặt nó thư giản liền,  mặt mình nó đẹp hơn trước rất  nhiều, nhìn vào kiếng thì thấy. Mình có những bắp thịt, những cơ bắp ở trên vai, lo lắng sầu khổ, tính toán khiến nó co rút lại, nó cứng ngắt. Vì vậy cho nên trong tư thế ngồi hay trong tư thế nằm mình thực tập buông thư, cái đó gọi là an tịnh thân hành, hoặc là thân hành tức. Rồi tới những sầu khổ, những lo lắng, những buồn bực, giận hờn trong người gọi là tâm hành.

 Hơi thở thứ bảy, bài tập thứ bảy trong kinh: thở vào tôi nhận diện được cảm thọ đang có mặt trong tôi, thở ra tôi nhận diện cảm thọ đang có mặt trong tôi. Và cảm thọ này tức là cảm thọ đau đớn sầu khổ, lo lắng giận hờn, cảm thọ tiêu cực.

Rồi hơi thở thứ tám, thở vào tôi làm lắng dịu những cảm thọ trong tôi, tôi làm lắng dịu những cái nỗi khổ niềm đau trong tôi, cái đó gọi là tâm hành tức hoặc là an tịnh tâm hành.

 

Thiền ngồi: ngồi như thế nào để có an lạc, có tình huynh đệ.

Cái trên là thân hành tức hay là an tịnh thân hành, cái dưới là tâm hành tức hay là an tịnh tâm hành, mình phải nắm cho được. Trong khóa tu chúng ta sẽ có thiền ngồi và trong khi mình thiền ngồi thì mình phải thực tập việc đó cho được, mình ngồi như thế nào cho thật là thoải mái mà có an có lạc. Ngồi thiền không phải là một lao tác mệt nhọc, một  sự đày đọa hình hài của mình. Nếu mình cảm thấy đau khổ trong khi ngồi thiền, thì tại sao mình phải ngồi thiền. Ngồi thiền làm chi để cho đau khổ thêm, đời có nhiều đau khổ rồi, tại sao phải đau khổ thêm nữa. Vì vậy cho nên phải học ngồi như thế nào mà trong thời gian ngồi mình có sự buông thư, sự nhẹ nhàng và an lạc. Đức Thế Tôn mỗi khi ngồi có an lạc, có tươi mát, có nhẹ nhàng giống như là ngồi trên một đóa sen. Điều đó không có nghĩa là Đức Thế Tôn ngồi trên đóa sen thiệt, mà vì ngồi chỗ nào đức Thế tôn cũng thấy tươi mát, cũng thấy nhẹ nhàng, cho nên gọi là ngồi trên tòa sen. Còn mình thì ngồi trên đống lửa, ngồi chưa yên thì đã nhỏm dậy, không có an, không có lạc, không có an tọa, không có lạc tọa. Vì vậy cho nên phải học ngồi,  năm phút, mười phút, mười lăm phút,  hai mươi phút. Và khi mình giỏi rồi mình có thể ngồi một giờ, một giờ rưỡi cũng có thể có an, cũng có thể lạc. Nhưng mà đừng có ráng, ráng mà phải gồng mình rồi phải khổ đau trong ngồi thiền, thì thà rằng không ngồi thiền còn hơn.

Một ngày tu mà không có an lạc, không hưởng được tình huynh đệ là một ngày bỏ đi. Chúng ta không chấp nhận như vậy. Một ngày tu phải có an phải có lạc, phải được nuôi dưỡng bởi tình huynh đệ, chuyện này có thể làm được. Vậy thì trong khi ngồi, chúng ta ngồi như thế nào để có an, có lạc và có tình huynh đệ. Trong khi đi chúng ta đi như thế nào mà mỗi bước có an có lạc, có tình huynh đệ, có thảnh thơi có giải thoát, chuyện này là chuyện có thể làm được. Nhất định trong khóa tu chúng ta phải làm cho được. Mình ngồi bán già hay là kiết già, toàn già hay là mình ngồi trên ghế cũng được nữa, miển là ngồi cho thoải mái, cái lưng cho thẳng nhưng không cứng ngắt, không gồng. Buông thư hết tất cả mọi cơ bắp, nếu muốn buông thư ba trăm cơ bắp trên mặt thì chỉ cần mỉm cười một cái là nó buông thư liền. Hai tay buông thư hết, rất thẳng nhưng mà rất buông thư. Cái đầu với cái cột sống nó cùng trên một đường thẳng, không có cúi xuống, không có ngã ra, thành một đường thẳng. Và khi ngồi xuống rồi thì không cần đợi những người khác, lập tức để ý tới hơi thở. Thở vào - đây là hơi thở vào, thở ra - đây là hơi thở ra. Thở vào khỏe quá đi, thở ra nhẹ quá đi. Thở vào, hơi thở vào bây giờ đã sâu. Thở ra, hơi thở ra bây giờ đã chậm. Thở vào tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu cho đến cuối. Thở ra tôi theo dõi hơi thở ra từ đầu cho đến cuối. Thực tập như vậy thì chỉ trong năm phút là phẩm chất của hơi thở cao hơn rồi. Ban đầu chưa thực tập thì mình thở hổn hển, nhưng mà ngồi cho thoải mái thì chỉ trong vài phút sau với tư thế ngồi vững chãi và với sự buông thư của các cơ bắp, sự thư giản, hơi thở của mình nó từ từ sâu hơn, từ từ chậm lại và nó có phẩm chất cao hơn. Mình bắt đầu hưởng được pháp lạc, tức là niềm vui của sự thực tập.

Cái này không khó, hể mình muốn là mình làm được. Cũng như là những người học đánh tennis,  mới bắt đầu đánh, trái banh đi bậy bạ. Nhưng mà thử độ chừng nữa giờ thì  banh đã đi đúng hướng rồi. Đôi khi mình đánh về hướng đó nhưng nó chạy sang bên này, thì hơi thở cũng vậy đó. Ban đầu mình có cảm tưởng là mình không làm được. Nhưng cứ thử làm, vừa làm vừa chơi thì trong mười lăm phút sau, nửa giờ sau, mình làm được và hơi thở bắt đầu có phẩm chất của an và của lạc. Nó đem lại chất liệu của an và lạc trong thân rồi vào trong tâm. Mình không phí thì giờ trong khi mình ngồi. Tại vì  ngồi như vậy nuôi dưỡng cái thân mình rất nhiều. Nếu ngồi chưa quen mỏi chân thì đừng có chịu trận, mình có thể tháo chân ra, mình vẫn thở và mình bóp hai chân nhè nhẹ. Miễn là đừng làm rộn ông thầy ngồi bên phải hay là phía trước mặt mình thôi  Mình mỉm cười, xoa bóp cho đều hoặc là mình đổi chân, chân này lên trên chân kia xuống dưới. Tại sao phải chịu trận, tại sao phải đau nhức? Đó là thiền ngồi.

 Khoan quán tưởng một cái gì hết, việc đầu tiên là phải buông thư, phải lấy đi sự căng thẳng trong thân, phải làm cho cái thân hành nó lắng dịu xuống, đó gọi là thân hành tức, an tịnh thân hành. Cái tâm phải ở với cái thân mới làm được chuyện đó. Tâm không  được làm chuyện khác. Tâm phải lo, phải bám lấy hơi thở. Hơi thở mà có tâm đi theo gọi là hơi thở có ý thức.  Có khi mình thở mà mình không biết là mình đang thở, đó là hơi thở không có ý thức. Trong khi mình thực tập hơi thở là hơi thở có ý thức. Khi mình thở vào mình biết là đang thở vào, khi thở ra mình biết là đang thở ra. Gọi là hơi thở có ý thức, mà danh từ ngày xưa gọi là an ban thủ ý hoặc là nhập tức xuất tức niệm. Nhập tức xuất tuất niệm tức là niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra, có gì đâu.

Niệm ở đây có nghĩa là để ý tới. Niệm Bụt là để ý tới Bụt, niệm hơi thở là để ý tới hơi thở, niệm thân là để ý tới thân, niệm giới tức là để ý tới giới, niệm Pháp là để ý tới Pháp. Chữ niệm có nghĩa là để ý tới, đem cái tâm trở về với cái đó gọi là niệm. Vậy thì an ban thủ ý có nghĩa là nhập tức xuất tức niệm, tức là để ý tới hơi thở vào, hơi thở ra hoặc là niệm hơi thở hoặc là quán niệm hơi thở. Nói theo kiểu mới là thực tập hơi thở có ý thức, còn nếu không tu thì hơi thở đó không có ý thức. Có hơi thở có ý thức rồi thì nó có thể làm thư giản những căng thẳng trong cơ thể, làm lắng dịu cơ thể.

 

Thiền đi - đi bước nào để tâm vào bước đó.

"Thảnh thơi dường mây trắng" Một sáng thiền hành trong khóa tu dành cho Cư sĩ từ ngày 28 tháng II đến 4 tháng III tại tu viện Bát Nhã - Lâm Đồng.

Khi mình đi thì mình cũng đem tâm mình trở về với cơ thể và mỗi bước đi là mỗi bước đi có ý thức. Niệm bước chân - thiền đi - tức là niệm bước chân,  là đi bước nào mình ý thức bước đó, mình ý thức được sự xúc chạm giữa chân mình với mặt đất. Mình không để cho bước chân nào lọt ra khỏi vùng ý thức hết. Bước chân nào cũng là bước chân ý thức, cũng như là hơi thở nào cũng là hơi thở có ý thức. Giống như mình đi coi hát, trên sân khấu có một cô ca sĩ và người ta tắt đèn hết, người ta chỉ chiếu ánh sáng vào một cô ca sĩ đó thôi và xung quanh đó thì tối đen để cho cô ca sĩ nổi bật lên. Ở đây cũng vậy, khi mình tập thở vào thở ra thì mình tắt hết tất cả đèn ý thức vào những chuyện khác, mình chỉ phóng chiếu ý thức của mình vào hơi thở vào và hơi thở ra mà thôi. Cái đó gọi là định, gọi là tập trung ánh sáng của cây đèn vào cô ca sĩ. Tâm của mình tập trung vào hơi thở vào,  tập trung vào hơi thở ra, đó là niệm hơi thở. Còn khi  đi, mình niệm bước chân, đi một bước  mình để tâm vào bước đó, đi bước thứ hai mình để hết tâm vào bước thứ hai. Và không có bước chân nào lọt ra khỏi vùng ánh sáng của ý thức hết, cái đó gọi là thiền đi.

 Cố nhiên khi mình nói chuyện thì mình không làm được chuyện đó, vì vậy trong một trung tâm tu học, khi đi thì không nói chuyện. Khi đi thì phải phối hợp bước chân với hơi thở và đem tâm về soi sáng cho bước chân và hơi thở. Bước một bước mình thở vào một hơi, bước thêm một bước mình thở ra một hơi, lại bước một bước...cứ thế tiếp tục. Mình phối hợp hơi thở vào với một bước, phối hợp hơi thở ra với một bước, đó là đi thiền, đi thiền chậm. Thở vào, thở ra, đem một trăm phần trăm  tâm của mình đầu tư vào bước chân đó. Đức Thế Tôn đi như vậy đó. Mỗi bước chân đều là một bước chân có ý thức.

 

“Thảnh thơi nhường mây trắng.”

 Tất nhiên khi bước như vậy thì mình không suy nghĩ tới quá khứ, không suy nghĩ tới tương lai, cũng không suy nghĩ tới những dự án mà mình phải thực hiện như xây chùa, in kinh, đúc tượng. Không suy nghĩ tới, mình chỉ để ý tới hơi thở hoặc là bước chân thôi, cái đó gọi là định. Định tức là chỉ để ý tới một cái mà thôi. Và khi mà mình để hết tâm ý vào bước chân đang xãy ra trong giây phút hiện tại thì mình có tự do, mình có thảnh thơi, tại vì mình không bị quá khứ ám ảnh, không bị tương lai làm cho mình lo lắng sợ hãi. Mình hoàn toàn an trú trong giây phút hiện tại.

Bước một bước thở vào, bước một bước thở ra, đó là đi thiền chậm. Làng Mai có những bài kệ rất ngắn để mình sử dụng và thực tập. Bước một bước mình nói đã về, bước một bước thứ hai nữa, thở ra gọi là đã tới, đã về đã tới. Tức là không cần phải chạy nữa. Lâu nay mình chạy như bị ma đuổi. Bây giờ mình ngưng lại, mình chỉ, mình tức, chỉ cũng là ngưng, tức cũng là ngưng. Chỉ và tức cũng có nghĩa là làm lắng dịu trở lại, mình đi như vậy rất là thư thái, thong dong. Đi như một con người tự do, không lo lắng. Đức Thế tôn đã đi như vậy. Trong lưu vực sông Hằng ngài đã đi những bước chân như vậy và đi với một đoàn đệ tử khá đông, một ngàn hai trăm năm chục thầy. Trong khi đi toát ra  năng lượng của sự vững chãi, của sự thảnh thơi. Thảnh thơi tức là không bận rộn, không  bị hệ lụy, bị bó buộc vào một đam mê, hờn giận, một dự án nào hết. Tại vì mình hoàn toàn đang sống trong giây phút hiện tại. Trong khóa tu anh em, chị em mình sẽ đi như vậy. Mỗi bước chân nó nằm trong vùng ánh sáng của ý thức. Nó phải tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Mình đi để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại, mình không đi như những người mộng du. Những người mộng du họ đi họ không biết họ đang đi đâu giữa ban ngày. Và chúng ta nhìn cho kỹ xung quanh thì thấy phần lớn người ta đang đi như vậy, đang mộng du hết, đi mà không biết mình đang đi đâu. Đôi khi đang đi tới những đoạn trường mà không biết.

 Vì vậy trong thiền đi, mỗi bước chân phải có an lạc, có sự buông thư. Hai tính chất của bước đi là vững chãi và thảnh thơi. Bước một bước thật vững. Vững chãi nghĩa là không bị quá khứ lôi kéo, không bị tương lai lôi kéo. Độc lập với quá khứ, độc lập với tương lai. Một bước chân như vậy là một bước chân có giá trị của sự vững chãi. Chất liệu thứ hai của bước chân là thảnh thơi, tức là đi làm sao cho mình trở thành một người tự do, mình không đi như bị ma đuổi, chính mình bước một bước như vậy. Bước chân đó nó đưa mình trở về với hiện tại nhiệm mầu có trời xanh, mây trắng, có tăng thân có thầy, có bạn, có tình huynh đệ. Vững chãi và thảnh thơi cũng là hai đặc tính của Niết Bàn. Mình đi thiền như vậy, mình đã bắt đầu tiếp xúc được với Niết Bàn rồi, nếu quả thật mình có một chút ít vững chãi và một chút ít thảnh thơi. Huống hồ là mình có nhiều vững chãi có nhiều thảnh thơi. Mình có thể tiếp xúc Niết Bàn bằng hai chân của mình. Đức Thế Tôn nói : ta có thể tiếp xúc Niết Bàn với hình hài của chính ta. Đó là đi thiền chậm, một bước.

 Đã về, đã tới ; bây giờ, ở đây, vững chãi, thảnh thơi; quay về, nương tựa. Nay tôi đã về, nay tôi đã tới, an trú bây giờ, an trú ở đây, vững chãi như núi xanh, thảnh thơi dường mây trắng, cửa vô sinh mở rồi, trạm nhiên và bất động.

 Bài kệ đã được phổ nhạc và một số các thầy các sư cô ở đây đã thuộc bài đó rồi. Các thiền sinh Âu châu và Mỹ châu hát bằng tiếng Anh hay là bằng tiếng Đức. Sang bên Trung Quốc thì hát bằng tiếng Hoa. Đã có bài tiếng Việt và nếu quý vị chưa thuộc thì chỉ cần  nhớ đã về đã tới, bây giờ ở đây.

 Bây giờ ở đây here and now là địa chỉ của sự sống. Tất cả những mầu nhiệm của sự sống chỉ có mặt ở trong giây phút hiện tại và ở đây. Nếu mình có mặt ở đây thì mình tiếp xúc được những mầu nhiệm đó của sự sống.

Đã về đã tới, có nghĩa là con không còn ruổi rong, con không chạy như bị ma đuổi nữa. Con đã chạy như vậy suốt đời rồi, bây giờ con quyết tâm dừng lại. Mỗi bước như vậy nó đưa mình trở về với giây phút hiện tại, nó đưa mình về với cái bây giờ và ở đây. Tại vì chỉ bây giờ và ở đây mới có sự sống mà thôi. Còn phần lớn chúng ta đều sống bằng tương lai, chỉ nghĩ tới tương lai hoặc chỉ mơ về quá khứ. Trong khi đó đức Thế Tôn dạy là phải hiện pháp lạc trú.

 

Hiện pháp lạc trú.

Hiện pháp lạc trú tức là sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Hiện pháp có nghĩa là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Lạc trú là sống hạnh phúc. Sống hạnh phúc với những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Trong giây phút hiện tại có trời xanh, có mây trắng, có suối reo, có chim hót, có đồi thông, có đồi chè, có huynh có đệ, có thầy. Mình sống với những cái đó, mình không bị chìm đắm trong quá khứ, mình không bị chìm đắm trong tương lai. Cái đó gọi là hiện pháp lạc trú. Sống hạnh phúc ngay trong hiện tại và tiếp xúc với những gì đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại.

Khi mình ngồi thiền, mình cũng hiện pháp lạc trú mà khi mình đi thiền mình cũng tiếp xúc và mình cũng thực tập hiện pháp lạc trú.

Nhưng ngoài cách đi chậm còn có cách đi nhanh và cách đi bình thường. Đi chậm là thở vào một hơi mình bước một bước mình nói mình đã về, thở ra mình bước một bước nói mình đã tới, đã về đã tới. Và mình đi như vậy cho đến khi nào mình về thiệt, mình có cảm tưởng là mình đã về thiệt, mình đã tới thiệt. Ban đầu mình mới tuyên bố thôi, con đã về nhưng kỳ thực mình còn rong ruổi chút đỉnh, con đã tới nhưng kỳ thực mình còn rong ruổi chút đỉnh. Nhưng khi mình đem hết tất cả con người của mình tập trung bước một bước. Đem hết tất cả tâm ý để dừng lại trong bước chân đó. Nếu chúng ta đi một mình thì chúng ta có thể thực tập như thế này: thở vào một hơi, bước một bước và nói mình đã về rồi. Tức là mình đã về với giây phút hiện tại bây giờ và ở đây, cái tâm của mình không có muốn chạy về quá khứ tương lai hay nơi khác. Bàn chân mình tiếp xúc với mặt đất nếu để ý,quả thật mình hoàn toàn thiết lập thân tâm mình ở ngay trong giây phút hiện tại, mình thấy an lạc, thấy hạnh phúc ở đây, thì lúc đó mình đã về thiệt, đã tới thiệt. Nếu thấy mình chưa về thiệt hay là mới về được có hai chục phần trăm, ba chục phần trăm thì đừng có bước, đừng có đi bước nữa, đừng bước bước thứ hai, cứ dẫm chân như vậy mà thở ra,  thở vào, thở ra cho đến khi nào mình đã thật sự đã về rồi, mình mới bước chân thứ hai đã tới. Mình đã về hay chưa về thì mình biết. Mình đã tới hay chưa tới, mình phải biết.

Trong con người của mình có một năng lượng, có tập quán xô đẩy mình đi về tương lai. Mà  năng lượng đó, tập quán đó, thói quen đó, rất mạnh. Nó xô mình, mình không muốn chạy mà nó cứ xô mình chạy về phía trước, về phía tương lai. Tập khí đó năng lượng đó có thể là do ông bà cha mẹ truyền lại cho mình và tu là phải nhận diện cái tập khí đó, thói quen đó, cái sức mạnh vô hình nó đẩy mình đi tới không cho mình an trú trong hiện tại. Nhưng đồng thời mình có một năng lượng khác, năng lượng  để nhận diện, đó là hơi thở có ý thức, hoặc là niệm, niệm hơi thở. Mình nhận diện nó mình nói ngươi không có đẩy ta đi được nữa, bây giờ ta quyết tu, ta quyết dừng lại rồi. Mình mỉm cười với năng lượng đó. Khi nhận diện được năng lượng đó thì nó không còn đủ sức để đẩy mình đi nữa. Chỉ cần nhận diện nó thôi. Ta biết ngươi là ai rồi, ngươi là cái năng lượng cái tập khí muốn chạy về phía trước, muốn theo đuổi, muốn lăn về phía trước, muốn tìm cầu, ta nhận ra được mặt ngươi rồi, ngươi không thể nào kéo ta đi được nữa đâu.

 Đó là tiếng nói của hơi thở chánh niệm. Nó không làm gì mình được cho nên mình mới về được, mình mới tới được, đã về đã tới. Vì vậy đi thiền chậm một mình rất hay, mình tự do, mình muốn bao nhiêu giây cũng được, mình bước một bước mình nói mình đã về rồi. Nhưng mà trong tâm mình thấy rằng mình chưa thật sự về thì mình nhất định cứ đặt  chân ở chỗ đó, ngay chỗ đó rồi cứ thở ra rồi thở vào, nói đã về, đã về, đã về cho đến khi về rồi mình mới gật đầu mình mới bước một bước khác đã tới, phải quyết tâm mới được. Chỉ cần thực tập hai chữ đó, đã về đã tới cho đến khi bước chân mình  vững lại và có thảnh thơi. Về đâu ? tới đâu ? Về cái địa chỉ là bây giờ và ở đây.

Cho nên bài tập thứ hai là bây giờ ở đây, bài tập thứ nhất là đã về đã tới.

 Bây giờ ở đây là địa chỉ của tịnh độ, địa chỉ của sự sống. Tại vì quá khứ đã trôi qua mà tương lai thì chưa tới, sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Đó là lời của đức Thế Tôn nói:

 Đừng tìm về quá khứ, đừng nghĩ tới tương lai,

Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới,

 Hãy quán chiếu sự sống trong giờ phút hiện tại,

 Kẻ thức giả an trú vững chãi và thảnh thơi.

Đó là những câu trong kinh Trung A Hàm, rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu.

Khi một mình đi chậm như vậy rèn luyện cho mình khả năng có thể về, có thể tới trong giây phút hiện tại, đã về đã tới, bây giờ ở đây. Bây giờ ở đây là địa chỉ của sự sống, địa chỉ của những mầu nhiệm của sự sống, địa chỉ của tịnh độ, của Niết Bàn của Phật tánh của hạnh phúc, của an lạc. Bỏ cái bây giờ và ở đây thì không còn hy vọng nữa. Khi mình muốn đi nhanh hơn thì một hơi thở vào có thể đi theo với hai bước chân. Thở vào, mình bước hai bước. Mình nói đã về, đã về rồi thở ra, đã tới, đã tới. Và có thể đi mau hơn nữa, thở vào một hơi nói đã về, đã về, đã về, thở ra đã tới, đã tới, đã tới.

 Khi đại chúng đi thiền hành chung ba trăm người, năm trăm người, một ngàn người, hai ngàn người thường thường nên đi hai bước hoặc là ba bước. Hai bước thôi cũng được, đã về đã về này, đã tới đã tới này, bây giờ bây giờ, ở đây ở đây, vững chãi vững chãi, thảnh thơi thảnh thơi, quay về quay về, nương tưa nương tựa. Quay về nương tựa nơi cái tịnh độ hiện tiền, nơi cái địa chỉ đã về và đã tới. Bây giờ chúng ta hãy hát với nhau bài hát đó để những người chưa biết có thể thuộc.

Đã về đã tới, bây giờ ở đây, vững chãi thảnh thơi, quay về nương tựa. Nay tôi đã về, nay tôi đã tới. An trú bây giờ, an trú ở đây Vững chãi như núi xanh, thảnh thơi dường mây trắng. Cửa vô sinh mở rồi, trạm nhiên và bất động.

Như vậy là ai cũng thuộc hết rồi đó. Trong khi đi mình có thể thực tập theo cái bài kệ đó: đã về đã tới, một hồi mình chuyển sang bây giờ ở đây, rồi vững chãi thảnh thơi, quay về nương tựa, nay tôi đã về nay tôi đã tới, an trú bây giờ an trú ở đây, vững chãi như núi xanh, thảnh thơi dường mây trắng, cửa vô sinh mở rồi, trạm nhiên và bất động.

Có hòa thượng Thiện Nhơn mới tới và ngài muốn vào để yểm trợ cho khóa tu của các thầy các sư cô. Nhờ Thầy Trung Hải mời hòa thượng vô. Có chỗ cho hòa thượng ngồi. Mời hòa thượng.

Có nhiều vị tôn túc, quí hóa quá có người tri kỷ tới.

Hòa thượng Thiện Nhơn Sư Ông Làng Mai và sách tấn đại chúng trong khóa tu :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính bạch Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.

Lần này tôi đến đây, trước hết là thăm Thiền Sư và chúc mừng chuyến đi Phật sự của Thiền Sư đã trang trải và tạo nhiều thuận duyên, cái đạo tình cho dân tộc nói chung và đạo pháp nói riêng. Được tin Thiền sư về chuyến này chư tăng ni và Phật tử tỉnh Bình Định hết sức là hoan hỷ, hết sức vui mừng cũng muốn có dịp để đón chào Thiền Sư như chuyến đi đầu, nhưng trong chương trình không có sắp sếp. Thành ra là hôm nay có cả thượng tọa  Lưu Phước, thượng tọa  Nguyên Chơn, hai vị trụ trì hai Tổ Đình của thành phố, đồng thời cũng là những người có trách nhiệm cốt cán trong ban trị sự của giáo hội Phật giáo tỉnh và trách nhiệm của trường trung cấp Phật học cùng đến viếng thăm và chúc mừng. Đồng thời cũng được ân huệ ngài Thiền Sư đã truyền đăng tục diệm cho trách nhiệm giáo thọ từ làng Mai.

Chúng tôi hôm nay thay mặt cho chư tăng ni và Phật tử tỉnh Bình Định đến tại tu viện Bát Nhã này để diện kiến thăm viếng và chúc mừng sức khỏe cũng như chúc mừng chuyến đi Phật sự của Thiền Sư. Chúng tôi mong mỏi là Thiền Sư sẽ có những chuyến liên tiếp về sau, về quê hương Việt Nam với chiếc nôi yêu thương về đạo pháp dân tộc để tạo điều kiện tốt cho dân chúng, đồng bào nói chung và Phật tử nói riêng được thấm nhuần đạo đức của nhà Phật qua lời dạy cũng như cuộc đời của đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni.

Hôm nay ngày Thiền Sư đang giảng về pháp tu cho tất cả quý thính chúng ở đây, tôi đến thì cũng sợ rằng làm phiền một chút. Nhưng xin Thiền Sư và tất cả quý vị hoan hỷ.

Xin phép Thiền Sư tôi muốn có vài lời để gởi gắm đến tất cả quý vị trong khóa tu này.

Thưa tất cả quý vị

Thiền Sư Nhất Hạnh như quý vị biết là một ngôi sao sáng của  phái Thiền Làng Mai. Thiền Sư đã làm được điều tuyệt vời là truyền đạo Thiền Việt Nam cho những người ngoại quốc, những nơi mà Thiền Sư đã đặt chân đến. Tất cả những người đang có tâm tu cũng như đang hướng về pháp tu thiền Việt Nam đều được Thiền Sư dang tay, mở rộng vòng tay đón nhận với tất cả thân thương và sự quý mến dắt dìu. Cho nên sự thành công của ngài đã nhiều năm. Năm trước ngài có mời tôi qua tu viện Lộc Uyển tham dự lễ giới đàn Lâm Tế để truyền giới cho các tăng ni và Phật tử, hầu hết là người ở nước ngoài. Một thành công lớn như vậy chưa từng có. Ở Việt Nam cũng có một số các vị đi nước ngoài, cũng có một số các vị thiền sư đi nước ngoài. Nhưng mà duyên để tạo được những gắn bó và tạo được đồ chúng xuất gia cũng như tại gia như thiền sư Nhất Hạnh thì điều này chưa ai có được.

 Cho nên chúng tôi hết sức là hoan hỷ, hết sức là mong muốn thiền sư tạo nhiều điều kiện hơn nữa, ngoài việc hướng dẫn giáo hóa tế độ cho người nước ngoài, thì cũng đặt vấn đề tế độ giáo hóa cho đại chúng ở trong nước. Thiền sư về lần đầu, có về Bình Định và một số các nơi.  Âm hưởng về pháp môn tu  của làng Mai mà ngài thiền sư Nhất Hạnh đã hướng dẫn trong chuyến về Bình Định vừa rồi rất là quý báu và ai cũng ước mong.

 Cho nên trong số các thầy, các sư cô ở đây cũng có một số thầy, sư cô của Bình Định, cũng như các  cư sĩ từ Bình định lên xin tu. Trong không khí ngày xuân của năm Đinh Hợi với nụ cười xuân của đức Di Lặc từ tôn, tôi nhìn thiền sư với tất cả sự kính ngưỡng, tất cả sự yêu thương và tất cả sự tin tưởng.  Thiền sư là người nối tiếp về pháp thiền của chư Tổ để truyền bá làm cho ánh đạo vàng của Phật giáo Việt Nam có thể soi sáng  và tạo được nhiều điều tốt đối với mọi người trên thế giới. Nhất là những nơi mà thiền sư đã có mặt, đã giáo huấn, giáo hóa.

Các vị đang có nhân duyên về đây dự khóa tu do ngài  dạy dỗ. Tôi cầu nguyện chư Phật chứng minh gia hộ cho tất cả quý vị được nhiều thuận duyên, tinh tấn và nhiều điều kiện tốt, môi trường tốt để các vị học được tinh hoa của ngài chỉ dạy và trong tương lai các vị sẽ là những vị Như Lai sứ giả để nối tiếp theo nguồn thiền của Làng Mai mà do ngài thiền sư đã chỉ dạy để cho  pháp thiền này được bàng bạc khắp năm châu bốn bể, cho sự tu học của chư vị Tổ sư Việt Nam nói chung và thiền sư Nhất Hạnh nói riêng thành đạt một cách huy hoàng và trọng thể.

Một lần nữa kính chúc thiền sư được sức khỏe và an lạc.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

Kính thưa hòa thượng, nhị vị tôn đức. Chúng tôi rất hãnh diện, vui mừng được đón tiếp hòa thượng với nhị vị tôn đức. Chúng tôi có niềm vui rất lớn khi có hòa thượng và nhị vị tôn đức tới thăm và sách tấn cho chúng tôi trong khóa tu này. Chúng tôi kính chúc hòa thượng và nhị vị tôn đức năm mới này có nhiều sức khỏe và tiếp tục ban phát hạnh phúc xung quanh cho rất nhiều đồng bào, rất nhiều chúng sanh. Và nếu có thể được, chúng tôi kính mong hòa thượng và nhị vị tôn đức ở lại với chúng tôi vài ngày để chúng tôi được học hỏi và noi gương theo quý ngài.

Thưa đại chúng, tôi xin tiếp tục bài giảng.

Mỗi bước chân phải đem  mình về với giây phút hiện tại. Mỗi bước chân phải có phẩm chất của sự vững chãi và sự thảnh thơi. Vững chãi có nghĩa là không bị quá khứ và tương lai nó lôi mình đi, thảnh thơi có nghĩa là mình được tự do an trú và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Vì vậy cho nên khi mình đi mình đâu có nói chuyện được. Nói chuyện thì tâm ý của mình nó đi theo ý tưởng, đi theo lời nói, đâu còn vững chãi và thảnh thơi. Cho nên khi đi là không nói mà khi nói thì không đi. Nếu cần nói một câu gì đó thì dừng lại hoàn toàn, nói xong câu đó trong chánh niệm rồi tiếp tục đi. Điều này không chỉ thực tập trong  khi đi thiền hành mà trong suốt ngày. Mình từ nhà bếp đi ra phòng rửa mặt, dầu đi có ba bốn thước mình cũng sử dụng phép đi thiền. Mình từ Phật đường xuống tăng xá, mình cũng sử dụng phép đi thiền. Hể cần di chuyển là mình áp dụng phương pháp thiền đi, nghĩa là phối hợp hơi thở với bước chân và bước chân nào cũng phải về cũng phải tới. Và nếu làm được trong năm ngày như vậy thì nó trở thành một thói quen. Trong chương trình tôi thấy hình như là mình  sẽ giữ im lặng hùng tráng từ sau buổi cơm chiều cho đến sau buổi ăn sáng. Theo tôi chng đó hơi ít. Nói chuyện thì mình đâu có thì giờ để thực tập. Hay là năm nào mình mở một khóa chỉ để nói chuyện thôi, còn khóa này mình tu cho đàng hoàng.

Thiền đi là vậy, không nói trong khi đi. Nếu bất đắt dĩ phải nói một cái gì đó thì ngừng lại để nói. Không những điều này nó áp dụng khi mình thực tập thiền đi chung mà mình áp dụng cho cá nhân mình trong suốt ngày. Hể cất bước đi là không nói, hể nói là không cất bước đi, là đứng lại. Sự thực tập là đừng để cho bước chân nào lọt ra khỏi cái vùng ý thức. Vùng ý thức tức là niệm, cái vùng không ý thức gọi là thất niệm. Đừng để cho bước chân không có ý thức nào lọt ra vùng thất niệm, bước chân nào cũng được đặt trong ánh sáng của niệm gọi là thiền đi. Và phải thực tập một trăm phần trăm và nếu mình thực tập khơi khơi thì không có thành công được, phải hạ thủ công phu, phải cương quyết thành công mới được. Cho nên  thì giờ chúng ta có với nhau năm ngày rất là quý, mình đừng có phí nó vào những câu chuyện không bổ ích. Và nếu có thể được mình giữ  im lặng hùng tráng cho tới sau buổi cơm trưa thì càng hay nữa. Cái đó tùy theo đại chúng, cố nhiên huynh đệ xa nhau lâu ngày gặp nhau thế nào cũng muốn hàn huyên, cho nên tôi mới đề nghị, để mai này mình có một khóa chỉ để hàn huyên thôi, khóa này mình phải tu cho đàng hoàng.

 

Thiền ăn cơm

Chúng xuất gia ăn cơm quá đường trong khóa tu dành cho chúng Xuất gia tại tu viện Bát Nhã - Lâm Đòng từ ngày 5 đến 9 tháng III 2007 (Hình Làng Mai)

Khi ăn cơm thì mình cũng phải có hạnh phúc, trong khi ăn cơm mình chỉ để ý tới hai cái, tức là thức ăn tặng phẩm của đất trời và huynh đệ chung quanh. Thức ăn để nuôi dưỡng mình, mình ăn với lòng biết ơn và tăng thân tức là huynh đệ xung quanh được ngồi với nhau như là những người huynh đệ, được ăn cơm với nhau trong chánh niệm, được nuôi dưỡng tình huynh đệ trong khi ăn, đó là một cái hạnh phúc rất là lớn.

Ngày xưa đức Thế Tôn thường ngồi ăn cơm với các thầy, trong khi ăn cơm không  nói chuyện và chỉ khi nào ăn xong mới đứng dậy, chứ không nữa chừng đứng dậy thì gọi là nhất tọa thực. Dầu mình ăn qua đường hay ăn cơm trong vòng gia đình xuất gia thì cũng ăn cơm như vậy. Ăn cơm như thế nào mà cho thảnh thơi, cho vững chãi, ngồi như là ngồi thiền. Ăn cơm là một loại thiền tập và mỗi miếng cơm mình nhai, mình để ý tới thức ăn ở trong đó. Đừng nhai những tư tưởng, những suy tư, những lo lắng, sầu khổ của mình. Nhai những thứ đó không lợi cho sức khỏe. Nhất định là không nhai những dự án, những  buồn khổ những lo lắng mà chỉ nhai thức ăn thôi. Thỉnh thoảng dừng lại mỉm cười nhìn huynh đệ. Ăn một bữa cơm có thể cần hai mươi phút hoặc ba mươi phút. Trong hai mươi hoặc ba mươi phút đó phải có hạnh phúc, an lạc, phải được nuôi dưỡng bằng tình huynh đệ. Đức Thế Tôn dạy chúng ta khi ăn nên thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại, chỉ để ý tới thức ăn, chỉ để ý tới tăng thân mà không để tâm ý suy nghĩ vẩn vơ tới chuyện quá khứ, tương lai bên này bên kia. Ăn cơm như thế nào để có thảnh thơi an lạc và tình huynh đệ trong khi ăn. Đại chúng nghe tiếng chuông xin nhất tâm thực tập năm quán, đó là lời quán nguyện trước mỗi bữa ăn. Vì vậy cho nên ăn cơm cũng là thực tập và nếu trong thời gian ăn cơm mà không có an lạc, không có hạnh phúc, không có thảnh thơi, không có tình huynh đệ thì buổi thực tập đó, buổi ăn cơm đó thất bại.

 

Thiền nghe chuông - Im lặng hùng tráng.

Mỗi khi chúng ta nghe chuông, dù là chuông đại hồng, chuông gia trì hay là chuông báo chúng, đó là dấu hiệu của đức Thế Tôn nhắc ta đừng suy nghĩ vẩn vơ, đừng nghĩ tới chuyện quá khứ, tương lai, đừng bị trôi lăn, lôi cuốn theo những dự án, những mong cầu. Hãy trở về giây phút hiện tại ! Khi nghe tiếng chuông, tất cả mọi người, ngàn người như một đều trở về với hơi thở và thực tập bài kệ: lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm. Tthực tập như vậy ít nhất là ba lần rồi mới tiếp tục làm công việc đang dang dở. Khi nghe tiếng chuông thì phải ngưng nói dầu mình đang thuyết pháp mình cũng ngưng, dầu mình đang pháp đàm mình cũng phải ngưng. Quan trọng hơn nữa là ngưng tư duy, không suy nghĩ nữa và đem tâm trở về với hơi thở. Thở vào thấy khỏe, thở ra thấy nhẹ. Cái đó gọi là chỉ, cái đó gọi là buông thư.

Im lặng hùng tráng là để có cơ hội thực tập hơi thở và bước chân, chứ không phải là sự im lặng ngột ngạt, khó thở. Cái im lặng này cho mình rất nhiều tự do. Tại vì khi có nhiều tiếng nói, nhiều tiếng động thì mình thực tập hơi thở, bước chân rất khó. Những tiếng động, lời nói, và nhất là những suy tư là những cái gai châm vào sự thực tập. Trong kinh nói như vậy, những cái gai châm vào sự thực tập. Vì vậy cho nên đừng để những cái gai đó nó xảy ra. Tầm và từ là sự suy nghĩ. Tiếng động ồn ào và lời nói cũng vậy. Khi mình không nói,  mình im lặng nhưng mà thật sự chưa im lặng, tại vì trong tâm nó đang nói, cái đó gọi là tầm và từ. Mình suy nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác như là một cái băng casset. Phải ngưng cái đó, mà muốn ngưng cái đó thì sử dụng phương pháp nắm lấy hơi thở là hay hơn hết.  Vì vậy tối nay mình đã được hướng dẫn, nghe tiếng chuông ngưng hết mọi suy tư, ngưng hết mọi nói năng trở về với hơi thở thực tập.

Bài kệ Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm, đưa mình về giây phút hiện tại, đưa về quê hương, đưa về sự sống ba lần, lúc đó mới tiếp tục nói pháp, pháp đàm, tiếp tục đi hay là tiếp tục rửa chén.

Thứ hai là thực tập im lặng hùng tráng để có thì giờ, và cơ hội mà thực tập theo dõi hơi thở, theo dõi bước chân. Thứ ba là khi ngồi, ngồi thế nào để có vững chãi có thảnh thơi, có an lạc và hạnh phúc. Đừng đày đọa tấm thân trong khi ngồi. Trong khi đi, đi như thế nào để có vững chãi thảnh thơi, mỗi bước chân đưa mình về cái giây phút hiện tại để tiếp xúc với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại.

 Khi người nào cũng làm như vậy thì chúng ta chế tác được cái năng lượng chánh niệm tập thể rất là hùng hậu. Và năng lượng tập thể đó sẽ thấm vào từng người. Vì vậy tu chung nó có cái lợi như vậy. Nếu ba người tu chánh niệm thì ba người đó sẽ chế tác ra một  năng lượng chánh niệm tập thể của ba người, nó mạnh hơn là một người. Ba trăm người cùng thực tập thì năng lượng tập thể của chánh niệm  được chế tác ra lớn bằng trăm lần. Nếu ba ngàn người thì năng lượng tập thể đó lớn gấp ngàn lần. Khi lớn như vậy thì nó nâng đỡ mình, nó đi vào trong từng cá nhân của mình. Vì vậy cho nên khi tăng thân tập hợp lại để tu thì mình được hưởng năng lượng tập thể của chánh niệm. Năng lượng đó có thể yểm trợ, ôm ấp, chữa trị được những vết thương, bệnh tật của mình ở trong thân cũng như trong tâm. Chúng  ta tu như một đoàn thể mà không phải là những cá nhân riêng lẻ.

 Tối nay mình chỉ nghe những lời hướng dẫn tổng quát như vậy. Mỗi ngày mình sẽ thực tập và mình sẽ bổ túc thêm những gì chưa được đầy đủ.

Xin chúc đại chúng tối nay ngủ ngon. Bốn giờ sáng chúng ta sẽ thức dậy và chúng ta bắt đầu một ngày tu với nhau trong hạnh phúc và an lạc. Chúc Hòa thượng và nhị vị Thượng tọa ngủ ngon.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.