PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

 Nghệ thuật sống thiền :

Đạo Phật và Tuổi trẻ
Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương (4)

Khoá tu 4 ngày cho GĐPT và  người trẻ
tại Tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc, Lâm Đồng, từ 24.04 đến 27.04.2008

Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 27, tháng tư, năm 2008, chúng ta đang ở tại tu viện Bát Nhã, trong khóa tu dành cho những người trẻ, với đề tài Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương. Hôm nay là ngày chót của khoá tu và chúng ta có cơ hội đặt câu hỏi về những gì mà chúng ta thao thức. Câu hỏi hay nhất là có liên hệ đến những đau khổ, những bế tắc của mình. Chúng ta đừng hỏi những câu hỏi lý thuyết, đây không phải là một khóa giáo lý, đây là một khoá tu tập. Chúng ta hỏi được một câu hỏi hay thì biết bao nhiêu người khác sẽ thừa hưởng được những lợi lạc. Mình phải hỏi câu hỏi có trái tim, mỗi người thế nào cũng có những câu hỏi của trái tim, đây là dịp để chúng ta hỏi những câu hỏi đó. Một câu hỏi không phải là một bài diễn thuyết. Một câu hỏi không phải là một lời tuyên bố. Một câu hỏi là một câu hỏi và câu hỏi hay không cần phải dài. Nếu mình thấy có một người bạn tu bị mắc kẹt, bế tắc, không tìm được lối ra, mình cũng có thể đặt một câu hỏi dùm cho người đó: bạch Thầy con có một người bạn, một người anh, một người chị lâm vào tình trạng như thế này thì không biết giải quyết như thế nào. Mỗi người chỉ nên đặt một câu hỏi thôi, mình để cho người khác có cơ hội. Đây là khóa tu đặc biệt cho người trẻ, nên người trẻ được đặc biệt khuyến khích lên đặt những câu hỏi có liên hệ tới những thao thức, những khổ đau, bế tắc, những hy vọng của tuổi trẻ.


Thầy trò bên nhau (Khóa tu Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương).

Hỏi: Kính bạch Sư Ông, quí Thầy, quí sư Cô và Đại chúng. Trong những buổi sáng ngồi thiền vừa rồi, con có một hiện tượng rất khó chịu. Hai bên phía sau tai nóng dọc theo cổ xuống đến hai bã vai, rất khó chịu. Trong đầu bị những ý niệm khởi lên liên tục làm cho rất khó tập trung. Con xin Sư Ông chỉ bảo cách nào để làm cho hết.

Sư Ông: Trong khi ngồi coi tivi mình có bị như vậy không? Câu trả lời là mình dụng công nhiều quá. Mình phải ngồi thoải mái như là đang coi tivi thì sẽ không có những hiện tượng đó xảy ra. Tại vì quá cố gắng, quá mong muốn nên mới phát sinh ra những hiện tượng làm cho tê nhức. Bí quyết là đừng có dụng công, ngồi bình thường và nhất là làm cho việc thực tập của mình được dễ chịu. Thí dụ như thở vào thì tại sao phải gồng mình mới thở vào được. Thở vào mình thấy rất thoải mái, rất an lạc. Hơi thở vào sẽ nuôi dưỡng và trị liệu, không tạo ra những biến chứng như đau nhức, lạnh v.v... Vì thế cho nên thứ nhứt là đừng nên dụng công, thứ hai là thực tập như thế nào cho dễ chịu. Ngồi thiền đừng có gồng mà nên như ngồi chơi. Buông thư thoải mái hoàn toàn và như vậy sẽ ngồi được rất lâu. Quí vị nên thực tập cho khôn khéo để được thoải mái và an lạc. Đời đã khổ rồi, mình tu cho bớt khổ. Nếu tu mà thêm khổ thì đâu có ích lợi gì. Trong khi thiền hành mình nên đi như trên thiên đường, cực lạc trong tịnh độ. Rất là hạnh phúc, nuôi dưỡng và trị liệu.

Hỏi: Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni. Kính bạch Sư Ông. Đây là một câu hỏi quan tâm về sinh hoạt và sự tổ chức, cũng như đường hướng tương lai của gia đình Phật tử. Những ưu tư hiện nay về gia đình Phật tử có được làm mới và làm mới như thế nào. Xin Sư Ông chỉ giáo.

Chúng con là đoàn sinh của gia đình Phật tử Việt Nam. Hiện rất lo âu cho gia đình Phật tử VN. Hiện nay gia đình Phật tử sinh hoạt không theo thực chất và lý tưởng tổ chức của gia đình Phật tử như trước đây. Chúng con tha thiết cầu xin Sư Ông có phương pháp sớm cứu giúp cho tổ chức gia đình Phật tử VN được trở lại đúng thực chất và lý tưởng.

Sư Ông: Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên, trong tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Bụt. Bản chất và đường lối giáo dục là căn bản, rồi theo đó mới có hình thức tổ chức. Hình thức không quan trọng bằng nội dung. Ở Hoa Kỳ tôi có cơ hội tổ chức ba khoá tu cho huynh trưởng và đoàn sinh gia đình Phật tử. Những bài pháp thoại đã được ghi chép lại thành một cuốn sách. Đó là cuốn Đạo Phật của tuổi trẻ. Trong đó có rất nhiều tư liệu mà mình có thể xử dụng để xây dựng gia đình Phật tử. Có nội dung tu học phong phú, có giáo lý và cũng có phương pháp tu học cho những người rất trẻ và những người lớn hơn. Phương pháp đó có tính cách thực tế và không lý thuyết. Làm thế nào để chế tác năng lượng của sự hiểu biết, thương yêu, tha thứ và hoà hợp. Muốn có được một gia đình Phật tử mà mình mong ước, thì bản thân mình trước hết nên tu theo tinh thần đó trước. Rồi mình tập họp những anh em khác ngồi lại cùng tu chung. Khi đã có một số bạn bè cùng chí hướng rồi, mình mới nghĩ đến chuyện tổ chức.

Trong lịch sử sáu mươi mấy năm của gia đình Phật tử cũng có nhiều kinh nghiệm,  mình có thể học được từ những kinh nghiệm đó từ quá khứ. Nhưng gia đình Phật tử bây gìờ phải hiện đại, nghĩa là phải giải quyết những vấn đề có thiệt của người trẻ. Thí dụ như những khó khăn ở trong gia đình, những khó khăn ở trong học đường. Làm thế nào để vượt thắng. Người huynh trưởng phải có bản lĩnh để trao truyền những kinh nghiệm, những kiến thức và những phương pháp của mình. Giúp cho các em vượt thắng những khó khăn, khổ đau, bức xúc ở trong gia đình hoặc trong học đường. Thì chính người huynh trưởng phải thành công trong công việc đó trước. Nếu mình chỉ dõi về lý thuyết thôi thì chưa phải là một vị huynh trưởng đích thực. Thành ra trước hết mình phải tu, mình phải vượt thắng những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc trong gia đình mình, trong học đường và trong đoàn thể của mình. Lúc đó mình mới nghĩ đến giúp tổ chức và mình mới có thể giáo dục những người khác. Nếu không có căn bản đó thì đừng nên làm gì hết, sẽ không có ích lợi gì. Phải tự độ rồi mới độ tha (người khác) được.

Tôi nghĩ là khắp nơi có những người trẻ rất là thao thức. Khi họ đọc cuốn sách Đạo Phật của tuổi trẻ thì họ sẽ tìm thấy những tư liệu quí báu và những pháp môn tu tập. Họ đem ra thực tập liền trong phạm vi gia đình, cộng đồng và học đường. Rồi họ liên hệ và bàn với nhau phương pháp đổi mới, làm mới gia đình Phật Tử theo hướng đi đó. Cách tổ chức cũng như cách tu học phải hiện đại. Nghĩa là phải trả lời được, phải đáp ứng được những nhu cầu bây giờ của người trẻ. Không nên nói những chuyện ở trên mây. Thí dụ như trong một gia đình đó, cha mẹ làm khổ nhau và em bé bị lãnh đủ. Em bé đó là một đoàn sinh của gia đình Phật Tử. Em đó khóc là vì sao ba má làm khổ nhau. Đó là một sự thật, nếu là một vị huynh trưởng đích thực thì mình phải có phương pháp giúp cho em bé đó. Giúp cho em bé có nghĩa là giúp luôn cho gia đình của em. Sự liên hệ hạnh phúc của em bé có ba, má, thầy giáo, cô giáo. Vị huynh trưởng phải làm thế nào để biết được hoàn cảnh của gia đình em. Tìm cách liên minh với những người đó. Nếu chỉ giữa mình với em bé thì không giúp được. Cho nên gia đình huyết thống liên minh với gia đình của huynh trưởng mới có thể giúp được em bé.

Có những người trẻ sau khi tu rồi họ giúp cho cha mẹ chuyển hoá. Một oanh vũ, một thiếu niên, một thanh niên, một đoàn sinh nếu tu học có hạnh phúc thì về giúp cho ba má thay đổi được. Nếu người huynh trưởng có liên hệ tốt với gia đình của em bé, cũng có thể giúp cho gia đình của em bé thay đổi. Một mình em bé thay đổi không đủ, phải thay đổi môi trường của em bé, tức là gia đình và học đường. Gia đình Phật tử phải có sự liên hệ với gia đình huyết thống và học đường. Gia đình Phật tử không thể tách rời gia đình và học đường được. Một gia đình Phật tử hiện đại phải biết liên minh với gia đình, học đường của đoàn sinh để giúp cho đoàn sinh đi tới. Tất cả những điều đó mình có thể suy gẩm, quán chiếu, thực tập. Trong cuốn Đạo Phật của tuổi trẻ có những đề nghị thực tiễn về vấn đề này. Quí vị về đọc và nghiên cứu thật kỹ, sẽ tìm thấy kho vàng trong đó để làm mới gia đình Phật tử. Đó là lý tưởng chung mà biết bao nhiêu huynh trưởng trong nước cũng như ngoài nước đang thao thức muốn làm. Có rất nhiều các thầy, các sư cô trẻ của Làng Mai, tu viện Bát Nhã, tổ đình Từ Hiếu đã từng là đoàn sinh gia đình Phật tử. Họ sẳn sàng yểm trợ. Nếu mình tổ chức những trại hè, những buổi họp bạn và có đóng góp của những thầy và sư cô trẻ nắm vững được pháp môn, thì chắc chắn mình sẽ thành công.

Hỏi: Kính thưa Sư Ông, Quí Thầy Cô và toàn thể Đại chúng. Mấy hôm nay qua các buổi pháp thoại của khoá tu. Chúng con thấy được sự quan trọng của truyền thông, liên hệ hạnh phúc trong gia đình. Nhưng ngày nay không có sự truyền thông tốt trong gia đình cũng như học đường. Không nhận được sự trao truyền tốt từ thầy và cô giáo. Xin Sư Ông chỉ dạy, trong môi trường như vậy chúng con vẫn thực tập và tái lập được truyền thông, lấy lại được nềm tin đã mất bởi người thân và những người đi trước.

Sư Ông: Đây là một hiện tượng phổ biến của xã hội. Chúng ta bận rộn hơn ngày xưa nhiều quá. Ngày xưa tổ tiên chúng ta có nhiều thì giờ để chơi với nhau, để sống với nhau, để lắng nghe nhau. Bây giờ chúng ta bận rộn quá đi. Thêm vào đó có tivi và điện thoại, trò chơi điện tử, radio. Thành ra mình để nhiều thì giờ cho những chuyện đó quá, mình không có nhiều thì giờ cho nhau. Vấn đề thương phải có thì giờ mới thương được, nếu anh không có thì giờ thì làm sao thương được. Vấn đề là phải có thì giờ cho nhau. Do đó cho nên trong khung cảnh gia đình cũng như học đường, mình phải bàn luận với nhau. Cha mẹ phải có thì giờ cho con và con cũng có thì giờ cho cha mẹ. Thầy giáo, cô giáo có thì giờ cho học trò và học trò cũng có thì giờ cho thầy cô. Vì cha mẹ cũng có những đau khổ, bức xúc của cha mẹ. Không phải chỉ có con cháu mới có những khổ đau, bức xúc. Thành ra con cháu không nên bỏ quá nhiều thì giờ để vui chơi, giải trí. Bớt lại, mình ngồi lắng nghe, hỏi cha hỏi mẹ những câu hỏi rất bình thường: Ba ơi, hồi ba gặp má ba bị cái gì quyến rũ. Lần đầu tiên gặp ở đâu, kể ra cho chúng con nghe. Hỏi những câu hỏi như vậy. Rồi lần đầu tiên ba má giận nhau vì vấn đề gì? Con muốn biết quá đi. Thật ra trong chúng ta chưa bao giờ hỏi như vậy. Những câu hỏi đó làm cho ba má nhớ lại, rồi ba má sẽ kể lại. Ba má có cơ hội trau truyền cho con mình những kinh nghiệm, những ước mơ của ba má. Tuỳ thuộc theo ngườì con nhiều lắm. Tại mình không có để ý, không muốn tìm hiểu. Và ba má cũng vậy, thấy con đi học về, đi sinh hoạt về thì đừng ngồi coi tivi. Đừng để hết thì giờ ăn cơm, coi tivi rồi đì ngủ. Tắc tivi đi con, ba muốn hỏi con hôm nay ở trường con có học cái gì vui không, chán không?  Những môn con học có môn nào con thích không? Hay là cứ nhai đi nhai lại những môn học con rất là chán. Cô giáo ra sao? thầy giáo ra sao? Có những khó khăn nào, nói cho ba mẹ nghe đi. Hai bên đều phải có thì giờ để thăm hỏi nhau. Đó là thương yêu. Vì khi thương ai mình để tâm đến hạnh phúc của người kia, khó khăn của ngườì kia. Và làm sao để chuyện này thực hiện được trong gia đình, đó gọi là văn minh. Đừng để cho người nào cũng bận rộn, rồi mỗi người đi một ngã và mái nhà của mình trở thành ra khách sạn, chỉ để tối về ngủ thì rất là buồn. Nó phải là mái ấm gia đình. Vì vậy cho nên buổi ăn sáng là một cơ hội, trước khi ba đi làm, má đi làm, mình đi học. mình ngồi vào ăn sáng và đừng quá hấp tấp. Mình dậy sớm một chút và khi ngồi ăn sáng mình để 5 phút để nhìn nhau, để hỏi thăm nhau. Ngày hôm nay con sẽ học lớp gì, con sẽ sinh hoạt như thế nào, kể ba nghe đi. Có những khó khăn gì với cô giáo với thầy giáo hay không? Con có thích môn học đó hay không? Thay vì lấy tờ báo che mặt, không cho con nhìn thấy mặt mình.

Núi cao chi lắm núi ơi,
che lấp mặt trời không thấy người thương.

Đây không phải là núi mà là tờ nhật báo. Buổi sáng mình phải khôn khéo, mình có thì giờ để nhìn nhau, mĩm cười. Hôm qua má ngủ được không? Má có lo lắng gì không? Má đang còn sống với con, con hạnh phúc quá. Chỉ cần có ba bốn giây đồng hồ thôi mà làm cho trái tim mình tràn ngập sự yêu thương. Thương yêu là một nghệ thuật. Chỉ 5 phút thôi mình cũng có thể thiết lập truyền thông và lưu ý đến những khổ đau của người kia. Trong học đường cũng vậy, thầy cô tuy dõi trao truyền kiến thức cho mình. Họ cũng có thể có những khó khăn, khổ đau. Thầy giáo cô giáo bây giờ khổ nhiều. Tại vì học trò cứng đầu, bạo động, khó dạy hơn ngày xưa nhiều lắm. Thành ra mình cũng phải thương họ, hỏi thăm họ.

Là học trò tuy còn nhỏ, có thể cũng có nhiều khổ đau, bức xúc trong lòng. Thành ra thầy cô nên có thì giờ hỏi thăm học trò về tình trạng gia đình. Khi có sự truyền thông giữa thầy cô với học trò, đến khi thầy giáo nói và dạy thì học trò tiếp thu rất là mau. Việc áp dụng phương pháp ái ngữ và lắng nghe rất là quan trọng,  trong môi trường của học đường cũng như trong gia đình. Mình phải thông minh, khéo léo tạo ra thì giờ, tạo cơ hội để làm chuyện đó. Mình phải hy sinh bớt sự tiêu khiển. Chúng ta thường thường khi có những nổi khổ niềm đau, chúng ta sử dụng âm nhạc, màn hình, tiểu thuyết để khoả lấp, để quên bớt niềm đau. Đó là hiện tượng phổ biến của xã hội ngày hôm nay. Mình trốn cái niềm đau của mình, mình khoả lấp niềm đau của mình bằng sự tiêu thụ những sản phẩm gọi là văn hoá, văn nghệ. Trong khi đó đạo Phật nói rằng đùng có làm như vậy. Mở lòng ra để nhận diện, để mĩm cười với những nổi khổ niềm đau của mình. Và phải thấy được nổi khổ niềm đau của người kia để tìm cách giúp. Mình phải đối diện thực tế, đừng làm như con đà điểu chuối đầu xuống cát để đừng trông thấy con sư tử. Nghệ thuật thương yêu là đối diện với sự thật. Nếu mình thực tập được 7 ngày thôi là hoàn cảnh thay đổi rồi. Cam đoan như vậy. Thầy chúc con và các bạn trẻ ở đây may mắn làm được chuyện mà mình mong ước, tức là tái lập được truyền thông ở trong gia đình và học đường.

Hỏi: Kính bạch Sư Ông, con có một người bạn gái là Phật tử rất siêng năng tu tập, đi chùa. Nhưng vô tình bạn con đã bị một thầy lạm dụng tình dục. Hiện giờ bạn con rất đau khổ, mất niềm tin, không còn muốn đi chùa, tu tập nữa. Con không biết khuyên bạn ấy thế nào, xin Sư Ông chỉ bảo cho con.

Sư Ông : Ở Boston, một thành phố lớn ở miền đông bắc Hoa Kỳ. Có một nhà thờ bên đó bị mang tiếng lắm. Vì các cha lạm dụng tình dục các nữ tín đồ rất nhiều. Và bên Mỹ khi họ bị lạm dụng tình dục như vậy, họ đưa đơn kiện, bắt các cha bồi thường. Có những nhà thờ phải bán đất, bán ruộng đi để lấy tiền bồi thường cho những nạn nhân của sự lạm dụng tình dục của các cha. Đức Giáo Hoàng vừa mới viếng thăm Hoa Kỳ cũng phải xấu hổ, đau khổ lắm. Nhưng đức Giáo Hoàng không thể làm ngơ được, phải trực tiếp giải thích. Chuyện lạm dụng tình dục bởi các thầy trong đạo Phật cũng có, nhưng  ít hơn bên kia. Ngày xưa rất ít, bây giờ nó nhiều hơn. Lâu lâu người ta cũng thấy một sư cô đi phá thai, nhà thương Từ Dủ báo cáo lại như vậy. Nên chuyện đó nó xảy ra và chúng ta phải công nhận là có thiệt. Chúng ta đừng có trốn tránh sự thật, cho nên câu hỏi này rất là can đảm. Thầy không dấu câu hỏi này mà đem ra đọc, thì Thầy cũng can đảm. Giới xuất gia và tại gia phải cộng tác với nhau để ngăn ngừa, bài trừ tệ nạn này.

Càng ngày càng thăng tiến trong xã hội người tại gia và nó bắt đầu thấm vào trong chùa. Quán chiếu cho kỹ, phương pháp của các cha với các thầy nó có khác nhau. Giới luật ở bên Làng Mai rất là nghiêm túc. Khi một sư cô đi ra ngoài, phải đi ít nhất với một sư cô khác, không bao giờ được đi một mình. Khi một thầy đi ra ngoài cũng phải đi với một thầy khác. Lên internet cũng không được đi một mình. Những giới luật, giới điều của đạo Bụt nó giúp rất nhiều. Vì vậy cho nên các vị sư trưởng, các vị hoà thượng lớn, các vị giáo thọ cần phải nhắc nhở, tái lập lại qui luật này trong các chùa. Một vị tăng không được tiếp nữ đệ tử riêng ở trong phòng, ở những chỗ người ta không trông thấy. Điều đó đã được giới luật chế ra từ ngàn xưa. Mình chỉ thích làm theo là bảo hộ được cho các thầy, cho các sư cô và cho các Phật tử nam cũng như nữ. Bên đạo Phật có cái ưu điểm là các thầy các sư cô ăn chay, không uống rượu. Còn bên các cha thì không có ăn chay, có uống rượu và ăn Phromage nhiều, thành ra năng lượng tình dục nhiều hơn các thầy. Cho nên bên các cha tu khó hơn bên các thầy. Nhất là khi mình là cha sứ một nhà thờ và ở một mình thì rất là nguy hiểm. Bên phía đạo Phật cũng vậy, chúng ta có truyền thống là: tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại. Tức là con cọp rời núi của nó mà xuống đồng bằng, thì thế nào cũng bị người ta bắt để lột da. Người xuất gia nếu ở một mình, không ở chung với tăng chúng thì cũng giống như con cọp đi xuống đồng bằng. Mình phải ở trong một tăng thân có nhiều thầy hoặc là nhiều sư cô. Các Phật tử cư sĩ cần phải nhắc nhở các thầy, khi thấy một thầy, một sư cô đi ra mướn phòng ở một mình là không đúng giới luật. Quí vị hộ pháp, giúp đỡ các thầy các sư cô : Hôm nay tại sao sư cô đi một mình, trong giới luật sư cô phải đi với một sư cô khác, hoặc một vị nữ Phật tử khác. Mình suy nghĩ và có bổn phận yểm trợ, bảo hộ cho các thầy, các sư cô. Cố nhiên các thầy và sư cô có các vị tôn trưởng, giáo thọ chăm sóc. Nhưng là một cư sĩ, mình cũng phải đóng góp phần mình. Nếu thầy đó lạm dụng tình dục với Phật tử, là vì môi trường đưa đến chuyện thầy làm như vậy. Thầy không có vị giáo thọ, không có huynh đệ ở chung quanh nhắc nhở. Thầy sống một mình, thầy đi một mình, thầy ở một mình. Thầy không có sự liên hệ với tăng thân cho nên thầy không có đủ điều kiện để được bảo hộ.

Là người trẻ thì thế nào nó cũng có năng lượng tình dục. Nếu có biện pháp để xử lý năng lượng tình dục thì rất quí. Nhưng biện pháp đó phải bao gồm tổ chức. Nếu mình sống chung với những thầy khác, được phòng hộ giúp đỡ thì sẽ không bị phạm tội, phạm giới. Cho nên thầy đó cũng thật tội nghiệp. Cô Phật tử bị lạm dụng tình dục là nạn nhân rất đáng tội nghiệp. Chính thầy đó làm hư cả một đời tu rồi, rất là tội nghiệp. Cho nên mình phải thương cả hai người. Nhưng thương không thể chỉ nói miệng, phải bằng hành động. Tới với người sư trưởng của thầy, tới tăng thân của thầy đó và nói : Thầy đó rất là tội nghiệp, đã phạm giới. Bây giờ xin Hoà Thượng, xin Thượng Tọa làm sao giúp cho thầy này ăn năng sám hối để trở về con đường tu củ của mình. Đừng chỉ tìm cách trừng phạt mà thôi. Cả hai bên đều là nạn nhân. Mình phải giúp cho thiếu nữ đó, chỉ cho biết là tại vì thầy đó không có cơ hội sống trong một tăng đoàn, không được bảo hộ. Vì vậy nên thầy đã đi ra ngoài giới luật. Vì mình trong quá khứ không cẩn thận, không giúp ông ấy. Mình thiếu kiến thức cho nên mới để cơ hội xảy ra sự việc như vậy. Mình cũng gánh một phần trách nhiệm. Mình phải biết giới luật của người tu. Là người thiếu nữ, mình không bao giờ nên tới trong phòng riêng với một thầy. Mình không chấp nhận điều đó vì trong giới luật của người tu là như vậy. Là một thiếu nữ,  mình không thể nào ngồi với một vị xuất gia nam. Mình cũng bị một phần trách nhiệm trong trường hợp đó. Tại vì chưa biết nên mình phải dạy con em của mình. Chính mình cũng vậy, đừng có tìm găp riêng thầy nếu mình là phái nữ. Có thể thầy cũng còn trẻ, thầy có cái năng lượng tình dục trong người. Nếu mình không yểm trợ bằng cách thực tập giữ giới, mình sẽ làm hại thầy. Mình phải tự bảo hộ được mình thì mình sẽ bảo hộ được vị xuất gia đó. Giữ gìn cho mình và giữ gìn cho người kia. Người cư sĩ cũng nên biết sơ qua về giới luật của người xuất gia, để bảo hộ cho người xuất gia. Người xuất gia thuộc về tăng bảo, mình phải duy trì tăng bảo. Mình giải thích với cô thiếu nữ đó như vậy để cô đừng hận thù, đừng mất niềm tin. Vì có những vị chân tu, có những vị phạm giới. Mình phải tha thứ và giúp đỡ. Đừng hận thù mà nên giúp cho người kia trở về chánh đạo. Được bảo hộ bởi tăng thân của người đó. Đó  là một câu trả lời rất từ bi mà mình có thể xử dụng, để giải thích cho những nạn nhân của sự lạm dụng tình dục.

Hỏi : Thầy có nói rằng mình chỉ sống trong hiện tại. Thảnh thơi và an lạc trong hiện tại. Đừng để cho quá khứ và tương lai làm khổ. Trong lứa tuổi trẻ của chúng con, con thấy đôi lúc cần phải nghĩ đến rất nhiều về những chuyện đã làm. Nghĩ rất nhiều về tương lai mình sẽ làm. Nghĩ những điều mình đã làm để biết mình sai chỗ nào và làm sao để tránh khỏi. Khi nhìn về tương lai, mình phải có mục đích về chân thiện mỹ cho cuộc sống. Có những lúc con dành riêng cho sự an trú trong hiện tại. Nhưng cũng có những chuyện con phải suy tính cho tương lai và nghĩ về quá khứ. Đặc biệt là khi con làm việc trong những ngành thuộc về khoa học, con thấy có sự kết hợp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó nảy sinh ra những tư tưởng rất mới và rất hay. Những ý tưởng đó làm cho con vui hơn chứ không đau khổ. Xin Thầy giải đáp cho con.

Con xin góp thêm ý kiến. Mọi vật đều có mặt tốt và mặt xấu. Có sự đấu tranh giữa mặt tốt và mặt xấu sẽ làm cho xã hội phát triển thêm. Như Thầy đã nói, internet bây giờ có những cái tốt và những cái xấu. Con có vào trang web của Làng Mai. Con thấy cũng có thông tin, nhưng tầm vóc chưa đủ đáp ứng. Chúng con nghĩ rằng, chúng con có thể làm tốt hơn. Internet cũng là cuộc sống của tuổi trẻ. Có những thông tin tốt, ắt cũng có những thông tin xấu. Vì sao đạo Phật đã đi vào cuộc sống của đời thường rồi, lại không thử dùng công nghệ thông tin này đưa cái tốt loan truyền đến mọi người. Khi các bạn trẻ đọc được những kiến thức đó, thì cái thông tin ảo ở đó sẽ trở thành thông tin thực để các bạn trẻ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của mình. 

Sư Ông : Trước hết là mình có quyền thiết kế cho tương lai. Nhưng mình phải đứng trên miếng đất của hiện tại để thiết kế tương lai. Nghĩa là mình đừng lo lắng, sợ hãi về tương lai. Nó không giúp gì cho tương lai mà còn làm hư đi hiện tại. Vấn đề không phải là không thiết kế tương lai. Vấn đề là không nên lo lắng sợ hãi về nó. Quá khứ cũng vậy, mình không bị cấm nghĩ đến quá khứ, vì mình có thể học được rất nhiều điều từ quá khứ. Điều mình không nên là đánh mất mình trong sự hối hận và tiếc thương. Mình có quyền nghiên cứu quá khứ. An trú trong giây phút hiện tại, mình đem quá khứ về với hiện tại, thành một biểu tượng của sự nghiên cứu. Đó là điều mình cần phải làm và sẽ học được rất nhiều từ đó. Tương lai cũng vậy, mình an trú trong hiện tại và đem tương lai về thiết kế. Không phải là không được làm việc với quá khứ và tương lai. Vấn đề là không đánh mất mình bằng sự tiếc thương, tiếc nuối và lo lắng. Lo lắng và tiếc thương không giúp được gì mà còn làm hư đi tương lai. Muốn có một tương lai thì phải biết cách xử lý hiện tại. Tương lai được làm nên từ bản chất, chất liệu của hiện tại. Nếu mình xử lý hiện tại bằng hết tài năng, khả năng của mình rồi thì tại sao phải lo lắng, tại sao phải sầu khổ, sợ hãi. Vì vậy xử lý hiện tại rất là quan trọng. Đó là những gì mình có thể làm được cho tương lai, rất là khoa học.

Vấn đề internet ảo và không ảo là do mình. Tại vì những người trẻ không có khả năng sống thật, họ mới đi tìm vào trong thế giới ảo. Những người như Thầy, đâu có gì đau khổ mà phải đi tìm quên lãng trong thế giới ảo. Thầy lên internet để lấy những gì rất cần thiết, để Thầy xây dựng cái thế giới thật. Thí dụ như những kiến thức, những khám phá mới nhất của khoa học, cái đó đâu phải là ảo. Internet trở thành một phương tiện để cho mình đi, miễn là mình đừng trở thành nạn nhân của nó thôi. Mình làm chủ thì trong đời sống của thế giới thật mình làm chủ được. Đến khi đi vào thế giới internet mình cũng làm chủ được. Internet trở thành một cái gì có lợi và không có hại gì hết. Cái ảo và thật có trong internet và cũng có ngoài internet. Có những người không vô internet mà sống trong ảo mộng. Cái ảo vì vậy không phải chỉ có trong internet. Trong internet có thật và ảo. Trên mạng Làng Mai, các bạn viết rất nhiều những câu hỏi  về những đau khổ của mình. Các sư cô trẻ, các thầy trẻ tìm cách giải đáp những câu hỏi đó. Internet vì vậy trở thành một khí cụ truyền thông rất hay. Muốn phát triển hơn nữa, các bạn trẻ phải góp một tay để làm cho mạng Làng Mai ngày càng hiện đại. Đó là chuyện cần, thành ra không nói xấu internet đâu. Mình chỉ nói là đừng đánh mất mình trong internet. Mình nên thông minh xử dụng internet để quảng bá cái đẹp cái hay.

Hỏi : Kính bạch Sư Ông. Ba mẹ con sống không có hạnh phúc đã lâu. Khi ba anh em con phát nguyện đi xuất gia thì ba con phản đối. Sau khi thực tập pháp môn của Làng Mai, con có thực hiện truyền thông với ba và mong ba mẹ sống hạnh phúc hơn. Nhưng khi nhận được thư, ba con đã chữi mẹ con và dằn vặc mẹ con nhiều lắm. Mẹ con có gọi điện thoại cho con và nói : ba con đã không chấp nhận thì thôi, con đừng viết thư về nhà nữa. Con có thương mẹ thì hãy để tình thương trong lòng và cố gắng tu tập, chứ viết thư về thì mẹ lại đau khổ. Thưa Sư Ông, con không biết làm sao để truyền thông với ba con. Xin Sư Ông chỉ dạy cho con.

Sư Ông : Mình xuất gia và tu tập dõi cho thành công, chắc chắn mình sẽ giúp được cho gia đình. Chuyện này đã xảy ra rất là nhiều. Chỉ sợ mình tu không thành công thôi. Mình tu thành công thì mình tươi mát, hạnh phúc. Những gì mình viết xuống và nói ra nó sẽ có ảnh hưởng tốt đến cha mẹ của mình. Dầu cho không viết gì, không nói gì, tự nhiên  năng lượng cũng trở về và giúp cho trong nhà sáng hơn, nhẹ hơn. Chỉ cần tu cho có hạnh phúc thì tự nhiên cái năng lượng đó nó sẽ tìm tới. Nó làm cho cha mẹ bớt khổ, huống gì mình biết sử dụng ái ngữ. Sư chú, sư cô nếu muốn giúp cho cha mẹ thì phải đem hết lòng vào chuyện tu tập, học hỏi. Khi viết thơ về, đừng tìm cách khuyên ba, khuyên mẹ, đừng nên thuyết pháp, than phiền. Chỉ nên kể chuyện mình tu hạnh phúc như thế nào thôi. Dù sao ở trong lòng ba má cũng vẫn còn thương mình. Cũng muốn biết mình đang đi đâu, đang làm gì. Có khó khăn, khổ đau hay không. Thành ra dầu nói ra như vậy nhưng trong lòng vẫn tò mò muốn biết con trai, con gái mình bây giờ sống như thế nào. Dầu khi mới nhận được thơ có bực mình : đi rồi còn viết thơ làm gì, và liệng vào chỗ nào đó. Nhưng khi nửa đêm thức dậy, đi tìm lá thơ để đọc. Thành ra trong lá thơ đó, mình chỉ nên kể chuyện hạnh phúc của mình trong khi tu thôi, đừng khuyên nhủ gì hết. Sáng hôm nay con mừng quá vì con nhớ rằng, Thầy của con đã trở về tới tu viện rồi và được sống những ngày bên thầy, hạnh phúc con lớn lắm. Ba có biết sáng nay con làm gì không ? Rồi mình kể những buổi sáng sớm có trăng sao và nền trời ra sao, không khí tu viện như thế nào. Những bước chân thiền hành con bước cho cha một bước. Con thở cho mẹ một hơi. Con thấy cha mẹ chưa bao giờ rời khỏi con. Và con sống với cha mẹ 24 giờ đồng hồ một ngày. Mỗi khi con thở, con mời ba  thở vô với con. Nói những chuyện như vậy thì đố mà ông bà không đọc. Và tự nhiên nó sẽ thay đổi. Con đừng lo, chúc con may mắn.  

Hỏi: Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. Con kính bạch Sư Ông, làm sao người xuất gia chúng con đủ sức để giữ được bồ đề tâm của mình lâu dài. Làm sao để không bị lôi cuốn bởi ngũ dục, nhứt là nữ sắc. Trong giấc ngủ cũng bị lôi kéo rất nhiều. Khi con cầm cuốn kinh bằng chữ Hán để học, con rất buồn ngủ. Nếu để cuốn kinh xuống và theo dõi hơi thở thì không có vấn đề nữa. Xin Sư Ông chỉ dạy cho con thực tập như thế nào.

Sư Ông: Khi có tâm bồ đề (tâm ban đầu, sơ tâm) lớn  thì mình có rất nhiều năng lượng. Mình rất là ham học, ham nghiên cứu, ham tu tập. Mình muốn liên minh với những người xuất gia khác để có thể cùng nâng đỡ nhau tu tập. Tìm ra kế sách độ đời, giúp người. Khi có bồ đề tâm là mình có một nguồn năng lượng rất lớn của trái tim. Nếu mình làm  theo những điều đó thì không còn thì giờ để nghĩ đến ngũ dục nữa. Tuy rằng mình cũng có năng lượng của tình dục, nhưng vì mình thích chuyện kia quá, thì chuyện này sẽ trở thành không quan trọng. Sở dĩ có chuyện năng lượng tình dục là tại vì tâm bồ đề của mình yếu. Hai cái nó dính tới nhau, làm cho cái này mạnh lên thì cái kia sẽ yếu đi. Vấn đề là như vậy.

Đức Thế Tôn khi Ngài thành đạo mới có 35 tuổi. Chắc chắn là Ngài có năng lượng tình dục. Nhưng vì tình thương của Ngài quá lớn, trí tuệ của Ngài quá lớn. Ngài để ra tất cả thì giờ để dạy đệ tử, để giáo hoá cho tứ chúng. Vì vậy cho nên vấn đề tình dục của Ngài không thành vấn đề nữa. Không cần phải xử lý nữa. Vì thì giờ và năng lượng của mình dùng hết vào việc độ đời và giúp người rồi. Rất là hạnh phúc. Câu trả lời cho thầy là phải tìm một nếp sống, trong đó có nuôi dưỡng tâm bồ đề của mình. Thầy có thể đang ở trong một môi trường không có sự khích lệ của bổn sư, hay là của huynh đệ. Vì vậy cho nên có tâm bồ đề, giống như có một khối lửa trong trái tim. Có cái đó là đủ rồi, sẽ không bao giờ té xuống. Chỉ sợ là khi tâm bồ đề của mình bị hao mòn mà thôi. Đây là câu trả lời cho tất cả những người xuất gia.

Hỏi : Kính bạch Sư Ông, sự yêu thương đối với người quá cố như cha mẹ, đôi khi có khó khăn. Nếu con làm theo những lời trăn trối của người đã mất thì con vi phạm vào năm giới. Thí dụ như sát sinh, đốt vàng mã. Những đứa con của con đã qui y Tam Bảo, có thể vì thế cũng bị ảnh hưởng. Xin Sư Ông chỉ dạy cho, làm thế nào để được an lạc.

Sư Ông : Người mà mình nghĩ là chết rồi, chưa chắc là đã chết. Có thể một phần nào đó ẩn đi, nhưng những phần khác vẫn còn. Giống như là một đám mây trên trời, khi nó không còn ở trên trời nữa, không có nghĩa là đám mây đã chết. Đám mây có thể biến thành mưa, cơn mưa là hậu thân của đám mây. Nếu mình có trí tuệ, nhìn vào cơn mưa mình thấy đám mây. Đó là chân lý bất sanh bất diệt. Bố mẹ mình hay là ông bà mình, tuy gọi là chết nhưng kỳ thực vẫn còn có mặt trong từng tế bào trong cơ thể của mình. Những khổ đau, những hạnh phúc, lo lắng, buồn tủi của ông bà tổ tiên vẫn còn trong từng tế bào trong cơ thể của mình. Trong đạo Phật gọi là chủng tử. Khoa học bây giò gọi là gen. Nếu mình thở vào và quán chiếu thấy rõ ràng là người chết, đang còn sống ở trong mình. Mình có thể thở như thế nào, cười như thế nào, tu tập như thế nào để cho cái nghiệp của người đó nhẹ ở trong mình. Không phải là đốt vàng mã, rồi giết heo, giết gà cúng, thì người kia mới hạnh phúc. Làm như vậy người kia lại khổ thêm, nặng nghiệp thêm nữa. Vì vậy cho nên phải tu tập theo trí tuệ. Biết rằng bản chất của người kia cũng như bản chất của mình, là bất sinh bất diệt. Như đám mây chỉ thành mưa, mà không có diệt. Mưa xuống thành giòng sông, giòng sông lại trở thành đám mây. Mình cũng vậy và người thương của mình cũng vậy. Mình tu làm sao đề cho cái đi vòng vòng đó nó vui hơn, nhẹ hơn, khoẻ hơn. Tu tập theo những lời dạy trong những khoá tu rất là quan trọng. Mỗi bước chân mình đi có an lạc thảnh thơi, là người quá vãng cũng được an lạc thảnh thơi. Mỗi khi mình giận hờn, bực bội thì người đó cũng bị đau khổ. Cho nên thương yêu là đừng làm cho mình khổ. Làm cho mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày của mình nhẹ đi, thanh thoát hơn, an lạc thêm. Đó là sự thương yêu đích thực. Thương yêu không phải là mua quà, là cúng, thắp nhang, hay là cúng bái mới gọi là thương yêu. Thí dụ nếu mình muốn thương thật, đâu phải mua nải chuối, cắm một cây nhang mà Phật vui đâu. Nếu mình biết thở, biết mỉm cười, biết tha thứ thì Phật vui hơn ngàn lần. Phật không cần chuối, Phật muốn mình tu thôi. Nếu mình sống cho đàng hoàn thì người đó sẽ được hưởng. Trước hết người đó đang có mặt ở trong mình. Đây là một giáo lý rất sâu sắc. Có những bài giảng nói về chuyện này rất kỹ. Xin đạo hữu tìm đọc những cuốn sách đó. Thí dụ như cuốn Không diệt không sinh đừng sợ hãi

Hỏi : Kính bạch Sư Ông. Con còn rất trẻ, có lý tưởng và hoài bảo trong cuộc sống. Con được biết qua năm giới, trong đó có nói về lòng tham. Con có tham hay không ? Khi con đạt được một vị trí rồi cố gắng đạt đến vị trí cao hơn. Tất nhiên muốn đạt được, con phải sống với tất cả các kiến thức, và không thoát khỏi lòng đố kị. Rồi khi con đạt được vị trí mong muốn đó rồi, bên cạnh sự thỏa mãn và vui sướng con lại rơi vào bế tắc. Con không thể tâm sự với cha mẹ, người yêu hay bạn bè. Con chỉ biết về nương tựa Phật trong con. Trong con có hai con người, một của tham vọng, một của bế tắc. Nhiều khi con thấy cuộc sống không có ý nghĩa. Xin Sư Ông cho con lời khuyên. 

Sư Ông : Trong truyền thống của mình, mỗi người đều có hai gia đình. Gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Gia đình huyết thống có cha mẹ, anh chị em. Gia đình tâm linh là chùa. Tức là sự  sống tinh thần của mình. Muốn làm người có hạnh phúc, vững chãi, phải có gốc rễ ở trong hai gia đình. Đời sống không chỉ có cơm áo, chỉ sinh con đẻ cháu. Đời sống còn phải có tinh thần, tâm linh. Mình phải có sự liên hệ giữa hai gia đình huyết thống và tâm linh. Khi gia đình huyết thống có vấn đề, khó khăn, thì mình cầu cứu với gia đình tâm linh ở chùa. Vì vậy cho nên mình phải bảo hộ cho chùa, đó là pháo đài tâm linh của mình. Khi mình chết đưối ở ngoài đời, mình cần có pháo đài đó để nương tựa, thiết lập trở lại sự thăng bằng. Ngôi chùa vì thế rất quan trọng. Chùa phải có thầy, sư cô, những người đạo đức. Chúng ta cũng nên để thì giờ cho gia đình tâm linh. Lo cho nhà và cũng lo cho chùa. Khi gia đình huyết thống có vấn đề, gia đình tâm linh sẽ nâng đỡ. Mỗi khi gia đình tâm linh cần đến thì gia đình huyết thống yểm trợ. Hai gia đình giúp đỡ nhau, đó là văn hoá Việt Nam ngày xưa. Đôi khi gia đình tâm linh cũng có thể bị suy sụp. Thí dụ như thầy mình tịch rồi, trong chúng xuất gia không có hạnh phúc, thành ra không nắm được vai trò lãnh đạo vấn đề tâm linh cho thôn xóm, làng mạc. Vì vậy phải cầu cứu các bậc trưởng thượng để xây dụng lại ngôi nhà tâm linh trong thôn xóm của mình. Việc này người xuất gia và tại gia phải làm chung với nhau.

Ở bên Tây phương, có nhà thờ mà không có chùa. Làng Mai là một trung tâm gởi người đi các nước để tổ chức những khoá tu. Tự nhiên trong địa phương có một cái chùa trong vòng 6, 7 ngày. Thiền sinh tới để cầu cứu, học hỏi phương pháp, đem về xây dựng lại gia đình huyết thống của mình. Điều đó rất hay nên mình cũng nên tổ chức theo mô thức đó. Hai gia đình tâm linh và huyết thống.

Trong chúng ta có hai nhu yếu rất sâu, người trẻ cũng như người lớn tuổi. Nhu yếu thứ nhứt là muốn hiểu những cái mình chưa hiểu. Thí dụ sự sống quanh ta là một mầu nhiệm. Tại sao có bông hoa này. Ta phải khám phá những mầu nhiệm của sự sống đó. Khoa học đang làm chuyện đó. Khám phá cái hình hài của người và đã học được rất nhiều. Có một bộ môn chuyên lo về não bộ, thần kinh và đã khám phá ra nhiều chuyện rất hay. Họ đã báo cáo lại những thành quả qua báo chí và sách vở. Mình có sự khát khao tìm hiểu để thoả mản sự tò mò của mình. Có những cuốn sách như thế mình đọc hàng giờ và thấy sung sướng. Cho đến nay mình mù tịt, không biết rằng con mắt của mình là một sự mầu nhiệm. Khoa học khám phá ra rất nhiều và có những viện chuyên môn chữa trị cho mắt. Có những viện chuyên nghiên cứu về tai và chữa trị tai. Các ngành khoa học là đi trên con đường tìm hiểu, để làm thoả mãn nhu yếu tò mò, hiểu biết của con người. Trong chúng ta ai cũng có cái nhu yếu hiểu. Đức Thế Tôn cũng vậy, đi tu là Ngài muốn hiểu tại sao có sanh lão bịnh tử. Con đường nào đưa con người ra khỏi những hệ lụy khổ đau, những vướng víu luân hồi. Đức Thế Tôn đi tu cũng như là một nhà khoa học đi tìm kiếm. Bên kia chữa trị bằng phương pháp khoa học. Đức Thế Tôn chữa bịnh bằng con đường tâm linh và còn những khám phá rất hay. Hiện có những nhà khoa học nổi danh như Oppenheimer, Heisenberg... Họ có những khám phá rất phù hợp với tuệ giác của những nhà tâm linh thuở xưa. Họ công nhận rằng những điều Bụt nói ra rất đúng với sự thật, rất đúng khoa học. Đức Thế Tôn và các Sư Tổ đã tìm ra những điều đó, mà bằng con đường tâm linh. Trong khi các nhà khoa học tìm ra được điều đó bằng con đường khảo cứu.

Con người luôn luôn có một nhu yếu muốn tìm hiểu. Cho nên muốn có hạnh phúc thì  phải làm thoả mãn sự khát khao muốn tìm hiểu của mình. Đó là nhu yếu thứ nhứt mà ai cũng có. Nếu chúng ta bận rộn lo làm ăn quá, tiêu thụ quá thì chúng ta đè nén cái nhu yếu đích thực, nhu yếu sâu sắc nhứt trong ta là nhu yếu tìm hiểu. Quí vị có thì giờ để làm thoả mãn sự khát khao tìm hiểu không? Các nhà khoa học đang đi tìm, các nhà đạo học cũng đang đi tìm. Nhu yếu thứ hai là nhu yếu thương yêu. Trong chúng ta người nào cũng có nhu yếu thương yêu. Chúng ta muốn thương và được thương, thương thật nhiều. Cũng như muốn hiểu cho sâu. Tuy nhiên có những người muốn thương mà không biết thương, cho nên gây thương tích cho những người mình thương. Càng thương càng khổ và làm cho người kia khổ. Đó là chúng ta không có nghệ thuật thương. Đức Thế Tôn dạy một nghệ thuật thương. Thương như thế nào để không dắt nhau đi vào địa ngục của hệ lụy. Đối vói những người xuất gia thì tình thương không chỉ riêng một người, tình thương như thế không có đã ! Đức Thế Tôn thấy chỉ thương Da Du Đà La không đủ. Và người con trai ngày xưa của thành Ca Tỳ La Vệ đó đi tìm một tình thương lớn. Người xuất gia là đi theo nẻo đó. Người xuất gia không thấy đủ khi chỉ thương một người. Mình là thanh niên thiếu nữ không xuất gia. Mình nghĩ rằng có một người để thương là đã rồi, điều đó chưa chắc !  Có thể khi mình chưa có người thương mình hạnh phúc hơn. Có người thương rồi thì sẽ đi vô địa ngục, tại vì hôn nhân có thể là một cuộc mạo hiểm, phiêu lưu rất nguy hiểm, nếu mình không tìm ra được người phù hợp với mình. Nếu người kia không có khả năng lắng nghe để hiểu biết mình, người đó sẽ đem lại cho mình rất nhiều sóng gió, khổ đau. Thành ra đừng chờ người đó. Hiện giờ đang trăng vàng mây bạc, thông reo hoa nở đang ở chung quanh đây, hãy thương những cái đó đi. Hãy tập thương cha thương mẹ, thương đồng bào, thương nhân loại, thương sự sống trong giây phút hiện tại. Có rất nhiều đối tượng để thương, tình thương phải lớn thì hạnh phúc mới lớn. Tình thương nhỏ bằng hột đậu thì hạnh phúc cũng nhỏ bằng hột đậu thôi. Khi trái tim lớn, tình thương nhiều, thì mình không còn khổ nữa.

Có một lần Đức Thế Tôn cầm một bát nước, Ngài bỏ một nắm muối vào và khuấy. Xong Ngài hỏi : bát nước này có uống được không ? Các thầy nói : bạch Đức Thế Tôn, một nắm muối bự như vậy thì làm sao uống bát nước đó được. Đức Thế Tôn nói : Đúng, nhưng nếu tôi liệng nắm muối đó xuống dòng sông thì dòng sông có mặn không ? Các thầy đáp : dạ không, một nắm muối đâu có nhằm gì so với dòng sông, đổ cả thúng muối xuống thì nước sông vẫn ngọt như thường. Đức Thế Tôn nói : Đúng vậy, nếu trái tim thương yêu lớn thì những bực bội nho nhỏ không làm gì được. Trái tim của mình mênh mông như một dòng sông, nên nghệ thuật thương yêu là làm cho trái tim ngày càng lớn. Khi mình có cơ hội thương một người, mình phải thương như thế nào để cho hai người cộng tác với nhau mở rộng tình thương. Lúc đầu mình thương thầy và xuất gia, thầy trò mình phải tu tập cho dõi rồi độ được hàng ngàn người. Đối với người yêu của mình cũng vậy. Tình thương không có lý tưởng thì chưa phải là tình thương đích thực. Người trẻ đi tìm tình thương nên nhớ là tình thương luôn luôn đi cùng với lý tưởng. Trái tim mình càng lớn thì hạnh phúc càng nhiều. Đây là một đề tài cho các bạn trẻ suy nghĩ.

- HẾT -

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.