PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Ngươi không phải là một tạo sinh, mà là sự biểu hiện (Nhất Hạnh)

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

TUỔI TRẺ TÌNH YÊU VÀ LÝ TƯỞNG  

Chiều hướng tâm linh

  • PSN - 16.10.2008

Chúng ta ai cũng sẵn sàng bỏ ra sáu hay tám năm để giật một mảnh bằng. Chúng ta tin rằng mảnh bằng đó rất thiết yếu cho hạnh phúc. Ít người trong chúng ta chịu để ra ba tháng, sáu tháng hay một năm để tập luyện cho mình có khả năng đối trị với nỗi buồn cơn giận, để có thể lắng nghe bằng tâm từ bi và sử dụng được ngôn từ hòa ái. Tôi thấy có nhiều người có bằng cấp và địa vị xã hội cao nhưng không có hạnh phúc. Còn những người có khả năng tu tập kia lại có rất nhiều hạnh phúc và có thể tạo dựng hạnh phúc cho thật nhiều người. Nếu bạn có khả năng chuyển hóa được cơn giận, nỗi buồn và niềm thất vọng, nếu bạn sử dụng được các pháp lắng nghe và ái ngữ, bạn sẽ trở thành chàng hiệp sĩ tạo được hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người! Tôi đã thực tập, và tôi đã đào tạo được những thế hệ người trẻ làm được việc ấy. Hạnh phúc của chúng tôi lớn lắm, dù trên bước đường hành đạo giúp đời chúng tôi cũng vẫn gặp nhiều trở ngại, nhưng vì chúng tôi không đi riêng rẽ, chúng tôi luôn luôn tập đi như một dòng sông, nên nhờ dựa vào nhau chúng tôi luôn luôn vượt thắng được những khó khăn và trở ngại ấy. Chúng tôi đã từng tổ chức những khóa thực tập cho giới trị liệu tâm lý, giới bảo hộ sinh môi, giới cán sự xã hội, giới giáo chức, giới sinh viên, giới y sĩ và y tá, giới cựu chiến binh, giới thương gia, giới chính trị gia, giới dân biểu quốc hội, giới cảnh sát, giới luật gia, giới văn nghệ sĩ, giới tài tử điện ảnh, v.v... Chúng tôi cũng đã đi vào các nhà giam để mở những lớp thực tập, giúp cho người ta tìm thấy được an lạc và niềm vui sống trong khi còn ở trong tù. Trong thế giới chúng ta, giới nào cũng có khó khăn và khổ đau. Đem vào đời sống xã hội và chức nghiệp một chiều hướng đạo đức tâm linh, đó là một điều cần thiết. Giới nào có thực tập đều cũng thừa hưởng được nhiều lợi lạc. Họ thư giãn ra, họ tháo gỡ được niềm đau nỗi khổ của họ, họ nói được những lời yêu thương và hòa giải... Chúng tôi rất mong ước bạn trực tiếp chứng kiến được những chuyển hóa ấy để bạn có thêm niềm tin.


Đạo đức không phải là tôn giáo
Những tệ đoan xã hội, những hủ bại phong hóa, những tham nhũng dành giật, những trác táng liều lĩnh mà bạn trông thấy trong xã hội bây giờ... sẽ không thể nào xóa bỏ được nếu không có được một giấc mơ, một niềm tin, một lý tưởng. Những thời đại huy hoàng nhất của lịch sử dân tộc ta là những thời đại trong đó quốc dân có một niềm tin. Quốc dân không thể một ngày không có niềm tin. Mà niềm tin ở đây không hẳn phải là niềm tin nơi một chủ thuyết hay một tôn giáo. Cuồng tín nơi chủ thuyết hay cuồng tín nơi tôn giáo có thể đem lại bạo động, chiến tranh và căm thù. Ta phải có một đường hướng tâm linh, một nền tảng đạo đức. Đạo đức không phải là tôn giáo, dù rằng trong tôn giáo có thể có đạo đức. Cha ông ta đã biết tìm trong các truyền thống tâm linh những yếu tố đạo đức có khả năng làm kim chỉ nam cho cả một dân tộc. Các vua Lý, Trần đã làm được như thế và không bao giờ họ rơi vào lưới mê tín hoặc cuồng tín. Chúng ta hãy biết thừa hưởng được kinh nghiệm của cha ông.

Vua A dục (Ashoka) là ông vua đã thống nhất toàn cõi Ấn Độ. Với cách sống của ông cùng những thông điệp khắc trên các trụ đá dựng lên khắp nơi trong đất nước, vua đã nỗ lực xây dựng một niềm tin nơi hướng đi nhân ái và bất bạo động. Trụ đá của vua dựng ở vườn Lumbini (bây giờ là Rummindai, Nepal), nơi Bụt Thích Ca giáng sinh, mang những dòng chữ Brahmi và ngôn ngữ Magadhi, còn đứng vững cho đến ngày nay. Vua A dục đã chứng tỏ khả năng thống nhất đất nước mà cũng chứng tỏ được khả năng thống nhất lòng người.

Thông điệp từ bi và bất bạo động đã được vua truyền đi khắp nước, không phải dưới dạng tôn giáo mà dưới dạng đạo đức. Thời ấy có ít nhất là sáu truyền thống tôn giáo ở Ấn độ, và tuy vua là một Phật tử thuần thành, tự mình thực tập năm giới, nhưng những thông điệp từ bi và bất bạo động được cho khắc trên các trụ đá lại có tính cách vượt lên trên mọi hình thức tôn giáo. Nhờ sự hành trì năm giới và sống theo tinh thần ấy nên vua đã trở thành hình ảnh gương mẫu của một vị bồ tát tại gia, và nhờ vua mà đạo Bụt trước đó chỉ có mặt ở một vòng đai miền Trung Ấn độ từ nước Anga phía Đông đến nước Avanti phía Tây, đã lan xuống miền Nam, đi lên miền Bắc và trở thành một truyền thống có mặt ở toàn cõi Ấn độ. Vua còn yểm trợ sự thành lập những phái đoàn đem đạo Bụt đi tới các quốc gia khác trên thế giới, tới các quốc gia Hy lạp và Ai cập. Con trai của vua, thái tử Mahinda, đã nhận trách vụ đem đạo Bụt xuống đảo Lanka tức là Tích lan ngày nay.

Các vua Lý và Trần của chúng ta cũng đã từng hành xử theo nếp sống ấy. Từ vua Lý Thái Tổ đến vua Trần Nghệ Tông, vua nào cũng trì trai, giữ giới, thực tập theo tinh thần từ bi, bất bạo động và cũng thống nhất được đất nước và nhân tâm bằng con đường đạo lý. Có người nói từ bi quá thì mình sẽ yếu. Điều này hoàn toàn sai lạc. Sử gia Hoàng Xuân Hãn đã viết câu này trong sách Lý Thường Kiệt: 'Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là ảnh hưởng của đạo Phật.' Thuần từ không có nghĩa là yếu kém. Thuần từ đưa đến sự thống nhất lòng người, đưa đến đoàn kết dân tộc. Võ công đời Lý rất hiển hách. Các cuộc bình Chiêm và phạt Tống sở dĩ luôn luôn thành công là tại nhờ lòng người thống nhất, biết trọng đạo đức, biết tin yêu nhau. Đời Trần cũng hùng mạnh như đời Lý, không những rạng rỡ về phía võ công mà còn về phía văn học. Các vua Trần đều có thực tập năm giới, lại có cả một ông vua nhường ngôi cho con để đi xuất gia, đó là vua Trần Nhân Tông. Đã xuất gia rồi mà vua (pháp hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ) vẫn tiếp tục phục vụ cho đất nước về phương diện đạo đức như thường. Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh đã nói [1] : 'Nay bà con ta thử xét: đời Trần tại sao dân tộc ta hùng dũng như vậy? Quân Nguyên thắng cả Á và Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu. Nào bị cướp giáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư?'

Đạo Bụt rất thịnh ở đời Lý, đời Trần, nhưng đạo Bụt không chủ trương độc tôn, đạo Bụt luôn luôn mở rộng để ôm lấy các truyền thống khác như Khổng giáo và Lão giáo. Thái độ cởi mở và bao dung ấy đã chinh phục được lòng người, đã đưa tới sự đồng tâm đồng chí của cả một dân tộc.

-----------------------

[1] Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Lá Bối, 1974.
 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường (Thích Nhất Hạnh)


XUẤT BẢN LẦN ĐẦU 2005

MỤC LỤC

 1. Giấc mơ chung.
 2. Tháo gỡ hận thù và kỳ thị.
 3. Xây dựng tình huynh đệ.
 4. Hiến tặng cho nhau.
 5. Tương tức và liên lập.
 6. Cởi mở bao dung, ...
 7. Ði qua cầu HIỂU tới cầu THƯƠNG.
 8. Yêu nhau là Hiểu nhau, ...
 9. Vun bón cho nhau.
10. Thiếu phụ Nam Xương.
11. Yêu nhau là cùng mơ một giấc mơ...
12. Tình thương lan rộng.
13. Xót thương và bảo hộ.
14. Bảo vệ sông núi của nhau là tự bảo vệ.
15. Liên hiệp Đông Á.
16. Việt Nam trên đường tương lai.
17. Hạnh phúc chân thật ngay bây giờ.
18. Nối lại nhịp cầu.
19. Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương.
20. Ðiều chỉnh nhận thức.
21. Vốn liếng lên đường.
22. Dựng lại tình thâm, ban phát hạnh phúc.
23. Đối phó với cơn bão cảm xúc.
24. Chiều hướng tâm linh.
25. Một nền văn hóa hòa bình.
26. Tuyên ngôn 2000.
27. Tu tập chứ không phải là kêu gọi, ...

PHỤ LỤC

Năm phương pháp thực tập chánh niệm

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.