.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Em không phải là tạo sinh, mà chỉ là biểu hiện (Nhất Hạnh)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 Văn minh & Văn hóa    

Yêu thương và bạo động

  • PSN - 25.09.2009 | Nhất Chi Mai

Tôi đặt bút viết những dòng đầu tiên này tại một hàng ghế chờ trong khu mua sắm Central Plaza, thủ đô Băng Cốc, Thái Lan. Những ngày này, nền chính trị nơi đây có nhiều biến động, người dân tổ chức biểu tình chống chính phủ. Tôi tham gia một khoá học dành cho thanh niên Đông Nam Á về đề tài xây dựng tương lai của tăng thân Làng Mai mà trong lòng thoáng chút hoang mang về sự an nguy của bản thân. Lúc này, tôi chợt nhớ tới lời của sư thầy Thích Đàm Lan trong chương trình phát sóng trên VTV nhân dịp xuân Kỷ Sửu: "Chúng ta đừng nghĩ đến quá khứ, đừng nghĩ đến tương lai. Mình chỉ nghĩ bây giờ và ở đây để tìm hạnh phúc ngay bây giờ... Vì chúng ta không làm chủ được mình nên chúng ta để nỗi sợ hãi đe dọa mình...". 

Đôi khi, chúng ta để nỗi sợ hãi cướp đi từng giây phút bình an, hạnh phúc trong hiện tại. Nguy hiểm hơn nỗi sợ hãi ấy lại khiến chúng ta hoang mang và có thể dẫn đến những hành vi bạo động. Chúng ta có quyền đặt ra mục tiêu, chúng ta có quyền sống với niềm tin, ước mơ và khát vọng nhưng nếu chúng ta không sống trọn vẹn với giây phút hiện tại tức là chúng ta đã đánh mất tương lai. Chiến tranh thế giới; khủng hoảng chính trị, kinh tế của một quốc gia, một tổ chức, một gia đình.... chẳng phải bắt nguồn từ sự bạo động, khủng hoảng, nỗi sợ hãi của từng cá nhân.

Tháng trước, người em con cậu học lớp 12 có đưa cho tôi đọc cuốn lưu bút ra trường. Tôi không khỏi bàng hoàng khi thấy một cậu bạn của nó viết: "Tao hận tụi con gái chúng mày, tao hận cô X suốt cả cuộc đời (cô giáo chủ nhiệm)....". Nỗi sợ hãi ảnh hưởng đến thành tích và chất lượng học tập đã khiến cho cả thầy cô và bạn bè trong lớp có những hành vi trừng phạt, cô lập cậu học trò nghịch ngợm kia: tố cáo, lên án trước lớp hay toàn trường, đẩy cậu xuống ngồi bàn cuối một mình, đuổi ra khỏi lớp, nói chuyện với phụ huynh... Khi nỗi sợ hãi lớn hơn tình thương, chúng ta sẽ có nguy cơ làm tổn thương đến những người xung quanh.

Nếu đủ bình tĩnh nhìn lại chúng ta sẽ nhận thấy rằng cậu học trò kia đang cần chúng ta hiểu, cần chúng ta bao bọc và yểm trợ bằng tình thương. Sự cô lập của mọi người đã khiến cậu mang trong mình một nỗi sợ hãi. Và thay vì ngoan ngoãn như bao học trò khác cậu lại phản ứng, gây sự chú ý bằng những hành vi bạo động: đập bàn, đập ghế, xé sách, chửi bới thầy cô, bạn bè... Chúng ta rơi vào cái vòng lẩn quẩn, gây tổn thương cho nhau. Xã hội sản sinh thêm những hạt giống đau khổ, hận thù, hoang mang, bạo động...

Khi nỗi sợ hãi len vào gia đình, khi năng lượng thương yêu của các thành viên không đủ lớn nó có thể gây tan rã và đổ vỡ. Tôi đã từng nghe một doanh nhân than phiền về sự quá tải của công việc kinh doanh khiến anh bị stress. Anh không có thời gian dành cho gia đình và càng ngày anh càng sợ trở về nhà bởi luôn phải nghe những lời phàn nàn của vợ. Những lời phàn nàn ấy theo anh cả vào công việc khiến anh cáu gắt với nhân viên, khách hàng... Anh đang dần đánh mất hạnh phúc đích thực của mình. Khi đến công ty anh bị nỗi sợ hãi về những lời của vợ mình đeo đẳng. Khi về nhà anh mang theo những nỗi sợ hãi về công việc. Anh chưa khi nào có mặt trọn vẹn cho phút giây hiện tại. Và nguy hiểm hơn anh gieo vào trong lòng cô vợ mình, những đứa con của mình nỗi sợ hãi về sự trống vắng tình chồng vợ, cha con. Ngôi nhà không còn là nơi chốn bình an cho họ trở về. Người vợ vì thế mà có thể ngoại tình. Đứa con có thể lao lên xe phóng ra ngoài đường tham gia vào những cuộc đua nguy hiểm, có thể sa vào ổ nghiện ngập, đĩ điếm... Xã hội xuất hiện thêm những hạt giống đau khổ, hận thù, hoang mang, bạo động...

Nhìn về Việt Nam, một đất nước đang phát triển, chúng ta có quyền và có nghĩa vụ làm giầu cho mình và cho đất nước. Tuy nhiên, không phải tất cả những người muốn giàu đều trở lên giàu có và không phải tất cả những người giàu có đều có được bình an, hạnh phúc. Khi chúng ta bị nỗi sợ nghèo khó chiếm lĩnh nó gây ra một hậu quả nghiêm trọng. Những người làm giàu hăng hái lao về phía trước với niềm tin và hi vọng táo bạo nhưng đôi khi họ nhận lại từ cuộc đời những cú tát đau điếng và gây cho họ một nỗi sợ hãi: sợ thất bại, sợ bị tiêu diệt. Và họ đánh mất nhân phẩm của mình trong những cuộc kinh doanh, họ sẳn sàng chà đạp lên người khác để lấy lợi nhuận. Nỗi sợ hãi ấy có thể thải ra những chất hoá học làm ô nhiếm một con sông xanh mát, tàn phá một khu rừng, cạn kiệt nguồn tài nguyên. Khi chúng ta làm nguồn tài nguyên của tương lai cạn kiệt cũng giống như chúng ta đang cướp đi nguồn sống của thể hệ con cháu mình. Vô tình chúng ta gieo vào cuộc sống hiện tại và tương lai những hạt giống khủng hoảng, bạo động ....

Có một nỗi sợ hãi nguy hiểm hơn nhiều. Nó nằm trong tư tưởng của những nhà làm văn hoá, giải trí, sách báo, âm nhạc, truyền thông... Hạt giống khổ đau, sợ hãi đã có sắn trong họ. Họ có thể sản sinh ra những món ăn tinh thần chứa độc tố. Họ đầu độc thế hệ con cháu mình bằng những bài hát thất tình, tan vỡ.... Để xã hội ngày càng có những mối tình éo le, qua đêm chóng vánh. Họ lập trình cho tư tưởng của thế hệ mình đang sống bằng những tiểu thuyết tình cảm cuồng loạn, dâm dục. Chẳng có gì là lạ lẩm khi chúng ta nghe tin một cô bé chưa đến tuổi thành niên mà sẵn sàng bỏ nhà qua đêm với một anh con trai xa lạ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến một bé trai hiền lành bỗng dưng cầm dao giết bạn chỉ vì một lời nói khiến em không vui. Bởi trong tiềm thức của các em những hạt giống tiêu cực, bạo động đã được tưới tẩm qua các hình ảnh trên trang Web Sex, trò chơi điện tử bắn giết, những bài báo giật gân về vụ ngoại tình vụng trộm của ca sĩ này, diễn viên nọ....

Chúng ta đã tốn nhiều thời gian, tiền của để cùng nhau đi tìm nguyên nhân, giải pháp. Chúng ta lên án, đổ lỗi cho nhau. Chúng ta trông chờ biện pháp từ bên ngoài. Chúng ta trông chờ sự ra tay của những cơ quan chức năng để dẹp bỏ tệ nạn này, mối nguy nọ nhưng chúng ta không nhận ra rằng nguyên nhân nằm ở ngay trong mỗi con người mình. Những người làm trong cơ quan chức năng họ cũng mắc kẹt trong những hoang mang, sợ hãi, bất an của riêng họ. Chúng ta mua chiếc điện thoại để được nói với nhau nhiều hơn. Chúng ta sắm chiếc ô tô để có thể nhanh chóng trở về mái ấm của mình hơn, để đến đúng hẹn hơn. Chúng ta mở nhiều quán ca phê để có thời gian thoải mái, thư giãn nhiều hơn. Vậy sao chúng ta vẫn ngày càng cô đơn? Vẫn ngày càng ít có những cuộc trở về mái ấm? Vẫn ngày càng bị stress nhiều hơn?... (Theo ý của thiền sư Nhất Hạnh).

Nếu chúng ta coi đây là thời khắc lịch sử để thay đổi bản thân mình, gia đình mình, xã hội mình... xin chúng ta hãy ngồi lại với mình, hãy ngồi lại bên nhau. Khi chúng ta ngồi lại với mình, chúng ta ngồi lại bên nhau bằng sự hiểu, sự thương chúng ta sẽ nhận diện và chuyển hoá những hạt giống khổ đau, sợ hãi, hoang mang, bạo động... và tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp cho nhau. Đây không phải là thời khắc chúng ta đổ lỗi cho nhau, không phải thời khắc chúng ta quăng lên mặt báo, phương tiện truyền thông những lời gây chia rẽ. Đây không phải là thời khắc người cha vì lòng kiêu hãnh, vì sĩ diện của mình (chứ không phải vì tình thương) mà tưới tẩm lên đứa con những lời đau khổ: "Mày học hành như vậy, để tao phải xấu hổ với thầy cô, với bà con họ hàng...". Đây là thời khắc người thầy trên bục giảng nhận ra tình thương lớn hơn nỗi sợ hãi về bệnh thành tích và mở lòng ôm ấp che chở cho những học sinh đang mắc kẹt trong những khó khăn của tuổi mới lớn... Đây là thời khắc chúng ta trừng phạt, lên án nhau bằng tình thương. Bằng tình thương chúng ta sẽ làm cho người khác chuyển hoá, đổi thay theo chiều hướng tích cực. Chúng ta không làm cho người khác tổn thương, diệt vong... Đây là thời khắc chúng ta ý thức rằng sẽ không lãng phí từng lời nói, bước chân, việc làm... bởi mỗi hành vi đó đều tạo thành hạt giống gieo vào xã hội.

Về Việt Nam, việc đầu tiên khi trở lại với căn phòng trọ của mình, tôi chạm tay lên từng đồ vật quen thuộc. Đây là chồng sách tôi trùm bằng mảnh vải mỏng, chiếc ly uống nước được bọc bằng giấy báo, tấm hình một doanh nhân cuộn lại trong hộc tủ... Mặc dù lớp giấy bao bọc bên ngoài rất bụi bặm nhưng đồ đạc bên trong thì vẫn sạch sẽ. Tôi nhận ra mỗi người chúng ta cũng giống như những đồ vật ấy. Nếu chúng ta không được bao bọc bằng những chất liệu yêu thương khác nhau nó sẽ nhiễm bụi bặm của cuộc sống. Chúng ta chẳng thể ngăn hết bụi từ phía ngoài nhưng chúng ta có thể tìm cách tự bảo vệ cho mình. Chẳng có một giải pháp cụ thể nào nào cho từng vấn đề, cho từng cá nhân, gia đình, tổ chức, quốc gia. Nhưng bằng sự hiểu, sự thương chúng ta sẽ vượt qua nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp.

"Thương nhau, chúng ta sẽ tìm thấy con đường. Thương nhau, chúng ta sẽ làm nên lịch sử." - Trích "Nói với tuổi 20" (Thiền sư Thích Nhất Hạnh).
 

Nhất Chi Mai
tháng 5/2009

 

VĂN MINH VĂN HÓA

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.