.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

" Không có tự do phê phán, thì chỉ còn nịnh bợ mà thôi - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Đời sống

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 SÁCH - BÚT/HỒI KÝ CHÍNH TRỊ

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

 

 

 

 Viễn Tượng Việt Nam

 

Ghi chú về « Đức lý 德理 » của người luật sư

  • Trần Thanh Hiệp

 

LTS. Bài thuyết trình dưới đây đã được tác giả ghi lại sau một cuộc trao đổi qua đường dây viễn liên với một số luật gia trẻ ở trong nước vào thời điểm gần giữa năm 2006, trước khi nhà cầm quyền cộng sản ban hành một đạo luật ấn định qui chế hành nghề luật sư. Sau khi Luật Luật sư ngày 29-06-2006 ra đời ở Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn do biên tập viên Nguyễn An của Đài Á Châu Tự Do thực hiện, tác giả bài ghi chú này đã đưa ra một số nhận định về những biến đổi của nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay và trước năm 1975. Thời sự ở  trong nước mấy tháng qua cho thấy rằng trước chủ trương của độc tài không chùn tay dùng bạo lực đàn áp khốc liệt dân chủ, quả thật Việt Nam cần phải có được những người luật sư bảo vệ nhân quyền và tự do dân chủ thay vì chỉ làm công cụ cai trị cho độc tài. Để cổ võ cho nhu cầu cấp thiết này,  tác giả đã đọc lại, bổ sung và cho đăng bài ghi chú đã cập nhật hóa như một suy nghĩ đóng góp vào việc đi tìm một mẫu luật sư cho nuớc Việt Nam tương lai.

VTVN

 

Tại sao lại phải ưu tiên đặt vấn đề « đức lý 理德 » khi bàn về việc hành nghề của người luật sư ? Tại vì đức lý là thứ làm cho nghề luật sư khác biệt với các nghề khác. Vậy đức lý là gì ? Người luật sư Việt Nam hiện nay theo đức lý nào ? Nếu đặt vấn đề đức lý với người luật sư thì có phải đặt thêm những vấn đề gì khác nữa không và sẽ có những ảnh hưởng gì tới quan niệm nghề nghiệp của ngưới luật sư ? Đó là mấy trong nhiều câu hỏi cần được nêu lên để giải đáp. Dưới đây là một số ý kiến sơ lược về đức lý của người luật sư nói chung, từ đó có thể luận ra đức lý của người luật sư Việt Nam. Để tiện việc trình bày, những ý kiến này sẽ được ghi chép thành hai phần. Phần I sẽ mang tựa đề Đức lý của người luật sư trên bình diện khái niệm. Phần II sẽ có tên gọi Đức lý của người luật sư trong thực tế xã hội.

 

I. Đức lý của người luật sư trên bình diện khái niệm

Muốn có một ý niệm rõ rệt về đức lý của người luật sư thì trước hết không thể không khảo sát những ngữ nghĩa của thuật ngữ này. Tiếp theo còn phải tìm hiểu quá trình biến đổi của nó. Và sau cùng nhắc lại lịch sử của đức lý của người luật sư ở Việt Nam. Đó là ba điểm của nội dung phần I.

 

1. Các ngữ nghĩa của từ đức lý.- Chữ đức lý là tiếng hán việt dùng để dịch chữ déontologie của Pháp, Deontology của Anh và deontologie của Đức v.v...Vậy phải qui chiếu vào các nguồn gốc của chữ này để duyệt xét một số định nghĩa về chữ đức lý. Dưới đây sẽ bàn về 3 nguồn gốc Việt ,  Hán và Pháp của chữ đức lý.

 

a. Nguồn gốc tiếng Việt.

Thật ra tiếng Việt không có sẵn danh từ ổn định để đối dịch các chữ déontologie, deontology cua Pháp, Đức và Anh. Chữ đức lý 德理 là một sáng chế chỉ có tính ước lệ để có điểm tựa mà giới thiệu nội dung của các khái niệm déontologie của phương Tây. Tại sao lại chọn chữ đức lý 德理 trong khi có thể dùng tạm các chữ như luân lý 倫理, đạo lý 道理, đạo đức , nghĩa vụ luận 義務論 v.v... ? Vì chữ đức lý tương đối chính xác hơn cả. Luân lý thì thì rộng quá vì  luân lý dùng chung cho toàn bộ đời sống con người, không chỉ riêng cho nghề nghiệp. Đạo lý 道理, đạo đức 道德 (chữ này đồng nghĩa với chữ luân lý)  cũng quá rộng, đó là chưa kể đạo có hàm nghĩa ở ngoài con người, trái lại đức là một phẩm hạnh nằm ở ngay trong con người. Còn nghĩa vụ luận 義務論 thì lại quá hẹp không bao quát được mặt tinh thần luân lý cần phải có trong các nghĩa vụ. Nói tóm lại, dùng chữ đức lý 德理 để mượn ngữ nghĩa của chữ đức với nguyên nghĩa tiếng hán, gộp lại với chữ để diễn tả nội dung khái niệm phương Tây về déontologie.

 

b. Nguồn gốc Hán của chữ đức lý 德理

Trong cac từ điển tiếng Hán không có chữ đức lý vì các từ điển này dịch déontologie là nghĩa vụ luận. Vậy tại sao lại dùng chữ hán đức lý 德理 ? Trước khi giải đáp, xin được nhấn mạnh hai điều. Điều thứ nhất, chữ đức lý không phải là tiếng Hán mà là tiếng Hán-Việt. Nhiều người có thành kiến sai lầm rằng tiếng hán việt không phải là tiếng Việt mà là tiếng Tàu, tiếng Hán. Nhưng nếu nói là tiếng Hán thì người Hán đâu có hiểu được nó như người Việt vẫn hiểu. Thiết tưởng đã đến lúc phải coi tiếng hán-việt là một bộ phận bổ sung của tiếng Việt, là tiếng Hán đã được việt hóa. Chính thành kiến sai lầm nói trên đã dẫn tới một sai lầm khác là phải thay thế một cách máy móc đương nhiên từ hán việt bằng từ tiếng Việt, nói là để cho đại chúng dễ hiểu hay gián tiếp tỏ ra « yêu nước ». Nhưng cũng đừng quên rằng khoảng 60% từ vựng tiếng Việt là tiếng hán-việt. Sự thật, « dễ hiểu hơn » không hẳn tại vì là tiếng Việt mà là vì nghĩa từ tiếng Việt đơn giản hơn, nếu không muốn nói đã được đơn giản hóa. Ta hãy lấy một thí dụ. Nhà cầm quyền Hà Nội cố ý không dùng từ hán việt nhân quyền人權 mà đã dùng tư tiếng Việt quyền con người. Nói là tiếng Việt nhưng từ này có ba chữ thì một chữ vẫn là hán-việt, chữ quyền . Cái hại ít ai nhìn thấy là bỏ từ nhân quyền 人權 để chỉ dùng cụm từ quyền con người là đã làm nghèo hẳn đi nội dung của cụm từ này. Thật vậy, với từ nhân quyền thì có nhiều cơ sở để hiểu nhân quyền là gì. Khi qui chiếu tư tưởng Nhân Nghĩa 仁義 của Khổng Tử sẽ có rất nhiều điều để bàn. Nhưng khi nói quyền con người thì từ con người chỉ gợi cho ta một hình ảnh cụ thể thôi, không thể đào sâu tư tưởng về nhân quyền được, trừ phi lại quay sang luận bàn về chữ « quyền  » và chữ « nhân ». Tức là cũng vẫn phải mất công nghiên cứu thì mới hiểu được hết thế nào là quyền con người. Điều thứ hai, theo các nhà Trung quốc học, tiếng Hán là thứ tiếng xuất phát từ hình vẽ cụ thể, tiếng dùng nét chữ ghi lại hình vẽ để biểu đạt. Nói cách khác, chữ Hán với cơ cấu của nó, là thứ tiếng đưa người đọc đi thẳng ngay vào điều muốn biểu đạt mà không phải thông qua trung gian một khái niệm như trong trường hợp chữ ở phương Tây. Vì vậy, để nắm bắt được nội dung một từ của phương Tây thì không thể hoàn toàn trông cậy vào chữ Hán mà phải thông qua chữ hán, rồi qui chiếu vào chính nội dung chữ phương Tây ấy. Đó chính là trường hợp chữ đức lý 德理.

Theo phép chiết tự, nghĩa là tìm thành tố của một chữ mà hiểu nghĩa nó thì chữ đức , ở trên gồm có bộ xích phía bên trái là bước chân đi, chỉ đường đi. chỉ phương hướng. Bộ xích họp lại với chữ trực ở trên và bên phải là hình dạng con mắt nhìn thẳng, biểu thị hành động đi tìm sự chính trực 正直. Ở dưới với chữ tâm, nghĩa là cứ theo lòng mình ngay thẳng mà làm, mà nghĩ. Vậy là kết hợp các tượng hình để hội ý thành chữ đức có nghĩa gốc là đi theo đường đạo đức 道德 rồi từ đó thêm cho nó nhiều nghĩa phụ khác nữa. Trong Kinh Dịch có câu Quân tử tiến đức tu nghiệp 君子進德修業 nghĩa là người quân tử rèn luyện về phẩm hạnh và tu dưỡng về nghề nghiệp. Khi ta nói đức lý của người luật sư và muốn biết thế nào là phẩm hạnh của người luật sư và người luật sư phải tu dưỡng để hành nghề như thế nào thì phải qui chiếu vào chữ déontologie của phương Tây.

 

Còn chữ thì có bộ ngọc có nghĩa là đường vân trong đá quí, thớ gỗ trong cây họp với chữ chỉ âm thanh. Tìm ra lý lẽ giống như tìm đường vân, tìm thớ gỗ. Ngọc chỉ nghĩa, chỉ âm, nghĩa gốc của là mài dũa ngọc cho thành đẹp.

 

Nói tóm lại, mượn chữ đức lý là để có phương tiện chuyên chở nội dung khái niệm déontologie, ví như dùng thuyền để qua sông, dùng bè đưa sang bờ bên kia, nói theo ngôn ngữ nhà Phật.

 

 

(Hình vẽ của tự điển « Tìm về cội nguồn chữ Hán », Lý Lạc Nghị và Jim Waters, nxb Thế giới, Hà Nội, 1998)

 

c. Nguồn gốc Pháp của nghĩa chữ đức lý theo chữ déontologie

Chữ đức lý được dùng dể dịch các chữ tiếng Pháp déontologie, tiếng Anh deontology, tiêng Đức deontologie, tiếng Ý deontologia v.v...Ở đây, vì lý do tư liệu, chỉ có thể bàn nhiều về chữ déontologie của Pháp mà thôi. Trong hạn chế này, xin bàn về 3 nghĩa của chữ tiếng Pháp déontologie là nghĩa gốc, nghĩa tổng quát và nghĩa riêng biệt liên quan tới nghề luật sư. Theo một tự điển bách khoa về lý thuyết luật học thì một người Anh, Jeremy Bentham (Biên Thẩm), đã đặt ra chữ deontology và lấy chữ này làm tựa đề cho cuốn sách Deontology ông ta xuất bản năm 1834. Theo Bentham thì deontology là khoa học về những gì được coi là thích hợp đáng làm và phải làm. Nghĩa gốc này ngày nay không còn thông dụng nữa. Và do hiện tượng trượt nghĩa, nội dung của chữ déontologie đã chuyển dịch theo một hướng mới là địa hạt kỷ luật trong các nghề nghiệp. Như déontologie của y sĩ đoàn, của luật sư đoàn v.v...tức là chữ này mang một ngữ nghĩa tổng quát chung cho nhiều nghề nghiệp khác nhau. Ngữ nghĩa đó có một mẫu số chung có thể diễn đạt như sau : « toàn bộ những nghĩa vụ mà một cá nhân hành nghề phải tuân thủ trong khuôn khổ tập thể nghề nghiệp của mình ». Vậy hai mấu chốt của ngữ nghĩa này là « nghĩa vụ » và « nghề nghiệp ». Cần nói thêm rằng vì đức lý dựa vào hai cột trụ nghĩa vụ và nghề nghiệp nên đặc tính của nó là, một mặt, nó rất thực tiễn và, mặt khác, nó không nhất thiết phải phản ánh các qui phạm của luật quốc gia vì quốc gia không trực tiếp chi phối các hoạt động nghề nghiêp. Ít hay nhiều, các qui phạm của đức lý đều mang dấu ấn của những « phường hội» ngày xưa và nghiệp đoàn ngày nay. Và nhất là còn có ảnh hưởng của tác phong « phép vua thua lệ làng » nữa. Vì có nhiều nghề nghiệp khác nhau nên mỗi nghề, mỗi ngành đều có đức lý khác nhau. Đức lý của y sĩ đoàn không thể giống như đức lý của luật sư đoàn. Nó phải tùy thuộc vào sự hoạt động thực tế của mỗi nghề chưa kể có những trường hợp trong đó một nghề cần tỏ ra phải độc lập đối với Nhà nước. Ở đây chữ đức lý mang một ngữ nghĩa riêng biệt, hẹp hơn nghĩa tổng quát và phải đi đôi với tên gọi của nghề nghiệp, thí dụ đức lý của nghề luật sư. Và nó là nghĩa thứ ba của chữ đức lý khi chữ này đi kèm với chữ luật sư.

 

2. Quá trình biến đổi của đức lý của người luật sư

Sự thật, không phải ở vào thời điểm bây giờ người luật sư mới xuất hiện. Thời xưa cũng đã có bóng dáng người luật sư. Nhưng nếu căn cứ vào lịch sử luật sư đoàn của nước Pháp thì 1920 mới là năm mà người luật sư hiện đại ra đời. Trước đó, tuy danh xưng luật sư đã có rồi nhưng tên gọi này chỉ là một danh hiệu thôi. Ai đã đậu bằng cử nhân luật khoa mà có tuyên thệ đều có thể được gọi là luật sư dù không thực sự hành nghề luật sư. Nhưng trong mọi trường hợp, luật sư dưới thời Trung cổ ở nước Pháp là người trổ tài hùng biện để lấy tiếng không phải để kiếm sống. Người ta coi luật sư như một nghệ sĩ, cãi không đòi tiền thù lao, cãi vì công lý. Cuối thế kỷ 18, hoạt động luật sư đã bị cuộc Cách mạng 1789 bãi bỏ nhưng đầu thế kỷ 19 đế chế Napoléon đã phục hồi lại sinh hoạt này, tuy rằng Napoléon chẳng ưa gì các luật sư mà ông muốn cắt lưỡi ! Mãi hơn một thế kỷ sau, tháng 6 năm 1920, một nghị định mới được ban hành để chính thức hóa hoạt động luật sư như một nghề nghiệp. Chỉ có những người nào hành nghề mới được mang danh hiệu luật sư mà thôi.

 

Những biến chuyển nói trên đã trực tiếp ảnh hưởng tới đức lý của người luật sư. Trong những giai đoạn đầu, đức lý này chỉ gồm có những tục lệ không thành văn. Luật sư phải là người bảo vệ cô nhi và quả phụ. Luật sư phải thực sự độc lập đối với cường quyền. Luật sư phải không biết sợ hãi để còn dám bênh vực lẽ phải bằng mọi giá v.v...Hình ảnh của người luật sư ở Pháp thời cận đại là một người mà nghề nghiệp phải đưa tới danh dự chứ không phải tới giàu sang phú quí. Luật sư dám coi rẻ những hành vi trục lợi, phần lớn không khó nhọc và không công phu, để tận hiến cho một nghề nghiệp dẫn tới danh dự cho những ai  đạt được thành công. Rõ ràng là một đức lý đầy màu sắc quí tộc, trong khi Cách mạng 1789 đã nổ ra để xóa bỏ quí tộc.

 

Nhưng rồi thì đức lý quí tộc ấy cũng đã bị thời gian làm hao mòn, nếu không muốn nói làm tiêu vong. Từ vài thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, đức lý quí tộc này đã được chuyển hóa thành đức lý dịch vụ. Luật sư những năm 2000 là người cung cấp dịch vụ để đổi lấy lợi nhuận. Đức lý đã không còn mang tính tục lệ nữa và chuyển sang mang hình thức thành văn và nhằm cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ ở mọi mặt. Tuy vậy, đừng vội lầm tưởng rằng luật sư bây giờ đã biến thành những doanh nhân. Chức năng xã hội đã buộc người luật sư phải có nhũng nét đặc thù của một người vừa thục hiện quyền bào chữa vừa là biểu tượng của quyền tự do bào chữa. Một xã hội vắng bóng luật sư hay chỉ có những luật sư làm công cụ cho chính quyền là một xã hội trong đó người dân không được hưởng quyền bào chữa để công lý được bảo đảm. Hệ quả là luật sư không những phải tu dưỡng cá thể mà còn phải tổ chức tập thể. Đức lý là toàn bộ những qui phạm làm nền tảng đồng thời cũng là những con đê giữ vững cho nếp sống vừa cá thể vừa tập thể này không bị tràn ngập. Khi nhân loại bước qua ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba thì quyền bào chữa đã được chinh thức công nhận và luật hóa để nâng lên hàng một nhân quyền phổ quát trên khắp thế giới. Đức lý của người luật sư chính là thứ gì giúp cho người luật sư làm tròn được chức năng xã hội người hành sử và bảo vệ quyền bào chữa này. Đức lý của luật sư là ngọn cờ bào chữa. Trong phần II sẽ đi sâu thêm vào mặt thực tiễn của đức lý của người luật sư.

 

3. Lịch sử đức lý của người luật sư ở Việt Nam

Nghề luật sư đã được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ trước khi Việt Nam còn ỡ trong vòng Pháp thuộc. Nếu ở mẫu quốc năm 1920 người luật sư mới chính thức xuất hiện thì ở Việt Nam không thể có bóng dáng người luật sư sớm hơn thời điểm này được. Lẽ tự nhiên khởi đầu phải ở miền Nam, vùng đất trong đó pháp luật của nước Pháp được trực tiếp áp dụng. Những năm 30 đã lác đác có những người luật sư Việt Nam hành nghề tại miền Nam. Và đương nhiên đức lý của người luật sư Việt Nam hành nghề tại Việt Nam là đức lý của người luật sư hành nghề ở tại nước Pháp, dù ở Saigon hay ở Hanoi. Sau cuộc đệ nhị thế chiến, người Pháp trở lại một số thành phố ở Việt Nam, thì một hình thức luật sư đoàn hỗn hợp Pháp Việt đã hoạt động bên cạnh những tòa án hỗn hợp Pháp Việt, trên cơ sở Thỏa hiệp văn hóa 1949 ký kết giữa Pháp và Việt Nam. Sau Hiệp định Genève 1954, tại miền Nam, đã được thành lập hai luật sư đoàn hoàn toàn Việt Nam, một ở Huế, một ở Saigon. Về cả hai mặt, cá thể cũng như tập thể, đức lý của người luật sư Việt Nam chịu ảnh hưởng  sâu rộng của đức lý của người luật sư Pháp. Với biến cố 1975, miền Nam mất làm mất luôn cả đoàn thể luật sư đầu tiên này của Việt Nam. Cho đến khi bị bãi bỏ, đoàn thể này có một đức lý thành văn và người ta có thể coi đó như là đức lý đời thứ nhất của người luật sư Việt Nam. Những năm gần đây bên cạnh hệ thống các tòa án nhân dân ở Việt Nam bóng dáng người luật sư đã lác đác tái xuất hiện. Dường như một văn bản pháp lý mới về hoạt động của luật sư đang ơ trong vòng thai nghén. Người ta chờ đợi để coi xem thế hệ luật sư mới này sẽ chỉ có những nghĩa vụ luận 義務論 của một cơ quan làm chức năng bào chữa theo pháp chế xã hội chủ nghĩa hay một hệ thống qui phạm đức lý mới sẽ ra đời để mở đường cho nhân quyền, dân chủ chuyển hóa độc tài hội nhập vào văn minh nhân quyền phổ quát. Thách đố này đang được đặt ra và còn phải đợi tương lai trả lời (Xin đọc phần phụ lục để có khái niệm về nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay).

 

II. Đức lý của người luật sư trong thực tế xã hội

Trong một tác phẩm nhiều người viết, bàn về nghiệp vụ của luật sư - trong đó   có sáu cựu Thủ lãnh của sáu Luật sư đoàn tại Pháp là đồng tác giả -  xuất bản năm 2002 tại Paris, người ta thấy có câu nói rằng luật sư ngày nay « vừa là một người mới lại vừa là một người thừa kế ». Nhận định này tuy để bàn về người luật sư hiện đang hoạt động ở Pháp nhưng cũng có thể dùng để hình dung người luật sư Việt Nam, hiểu theo nghĩa những người đã hành nghề trong những Luật sư đoàn trước 1975 hay những luật sư mà quy chế đang trong vòng được thiết lập trong tương lai. Người luật sư này đã thừa hưởng hai di sản tinh thần. Một, của lịch sử sáu thế kỷ hoạt động của các luật sư trên đất Pháp và một nữa, của hai luật sư đoàn trước đây ở Huế và ở Saigon. Hai di sản ấy gộp lại thành một truyền thống để lại cho các thế hệ sau. Truyền thống để tiếp nối trong tinh thần  tiến hóa nối trước, mở sau (kế vãng khai lai). Nói cách khác, người luật sư thuộc thế hệ thứ hai sắp chào đời, với quy chế mới để hành nghề ở Việt Nam, có thể tìm thấy căn cước của mình qua những người đồng nghiệp thuộc thế hệ thứ nhất, dĩ nhiên với những đổi mới và bổ sung do hoàn cảnh mới của đất nước mang lại. Căn cước này vừa là một biểu tượng của ngọn cờ bào chữa trong khái niệm trừu tượng về đức lý luật sư, vừa là sự thể hiện cụ thể của khái niệm này trong thực tế xã hội hiện tại, thực tế của những qui phạm chi phối hoạt động nghề nghiệp của người luật sư trong khuôn khổ pháp luật quốc gia. Bề dày lịch sử này là một chỗ dựa cho người luật sư Việt Nam, trải qua các thời đại, có đủ bản lãnh làm tròn chức năng xã hội của mình.

 

Nói qui phạm ở đây là nói những qui tắc của đức lý của người luật sư, diễn đạt dưới hình thức trừu tượng và tổng quát, mang tính nguyên tắc, và có hiệu lực cưỡng hành. Để áp dụng, các qui phạm trừu tượng này đã được thể hiện thành một hệ thống nghĩa vụ cụ thể mà người luật sư khi hành nghề phải triệt để tôn trọng. Tất cả những nghĩa vụ họp lại thành cái mà người ta gọi là kỷ luật nghề nghiệp. Khiếm khuyết trong sự tôn trọng nghĩa vụ, sẽ phải chịu chế tài. Dưới đây sẽ bàn sơ lược về ba loại nghĩa vụ cơ bản xuất phát từ đức lý của người luật sư ứng dụng vào đời sống xã hội. Đó là nghĩa vụ đối với bản thân, nghĩa vụ đối với tập thể nghề nghiệp và nghĩa vụ đối với Nhà nước. Trước khi đi sâu vào tùng loại nghĩa vụ, xin nhấn mạnh ở hai điểm. Một là người luật sư phải tôn trọng nghĩa vụ chẳng những trong phạm vi nghề nghiệp mà còn ở cả ngòai đời sống hàng ngày, và, trong một phạm vi nào đó, cả khi không còn hành nghề nữa. Hai là sự nghiêm ngặt này là cái giá người luật sư phải trả để đổi lấy một quyền uy đặc biệt chỉ người luật sư mới có trong xã hội, đó là quyền tự do bào chữa.

 

1. Nghĩa vụ đối với bản thân

Nói người luật sư có nghĩa vụ đối với bản thân là một điều khiên cưỡng. Thật ra, không có bản văn nào qui định rằng người luật sư có những nghĩa vụ của đối với bản thân. Nhưng điều làm cho đức lý luật sư khác với các đức lý khác chính là ở chỗ đó. Một mặt, những nghĩa vụ này của người luật sư vừa có tính chất luân lý lại vừa có tính chất pháp lý. Mặt khác, người luật sư tôn trọng nghĩa vụ không phải vì sợ phạm kỷ luật mà vì tự mình muốn ràng buộc mình thực thi nội dung nghĩa vụ, dưới sự thúc đẩy của danh dự nghề nghiệp. Có thể nói người luật sư quan tâm nhiều đến chuyện giữ lời thề hơn là chuyện kỷ luật. Thí dụ người luật sư hành nghề tại Pháp thề trước tòa án rằng « Tôi xin thề thi hành chức vụ luật sư của tôi trong phẩm cách, theo lương tâm, với tinh thần độc lập, trung thực và nhân đạo ». Lời thề này đã đặt ra cho người luật sư một loạt nghĩa vụ vừa luân lý bao quát mọi hành vi trong cuộc sống và như một cựu Thủ lãnh luật sư đoàn của Pháp đã nói, những nghĩa vụ không thời hạn. Thêm vào đó nội qui của luật sư đoàn còn đòi hỏi mỗi thành viên luật sư khi hành nghề phải thực hiện một số phẩm hạnh thiết yếu khác như danh dự, trung thành, khéo léo, nhã nhặn, chừng mực, tế nhị, bất vụ lợi, thân ái đồng nghiệp, tận tâm, chuyên chú, thận trọng và khéo cư xử. Rèn luyện nhân cách như thế cũng vẫn chưa đủ, người luật sư còn phải không ngừng bồi dưỡng tài năng. Mẫu người luật sư hùng biện được ghi khắc trong ký ức tập thể từ thời Hy Lạp, La Mã vir probus dicendi peritus (nghĩa là người tử tế biết ăn nói) đã khiến cho người luật sư phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn. Nói tóm lại, theo truyền thống của Luật sư đoàn ở Pháp, để lãnh trọng trách của chức năng bào chữa, người luật sư không thể thiếu phẩm hạnh tốt, tay nghề cao hay nói cách khác, trong bản thân người luật sư đã được trang bị cái « đức » của một bậc trượng phu mà hạnh vô úy và tài hùng biện là hai vũ khí được vận dụng để bảo vệ công lý.

 

2. Nghĩa vụ đối với tập thể nghề nghiệp

Nếu nói rằng người luật sư cần phải là một sức mạnh để đóng vai trò « bào chữa » trong xã hội thì sức mạnh này chỉ có thể tìm thấy nơi tập thể nghề nghiệp của những người luật sư. Đó là bài học của lịch sử nghề luật sư trên thế giới và nhất là ở nước Pháp. Những người luật sư Việt Nam trước biến cố 1975 đã thấu hiểu được bài học này nên họ đã tạo được một uy thế tinh thần đủ lớn để tồn tại thực sự độc lập đối với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sau biến cố 1975, một cựu Thủ lãnh Luật sư đoàn Saigon, Luật sư Trần Văn Tuyên đã chết trong trại cải tạo. Không ít luật sư của hai Luật sư đoàn Huế và Saigon đã bị giam giữ trong loại nhà tù không tên này, có người  tới hơi thở cuối cùng. Và lịch sử luật sư đoàn ở Việt Nam đã sang trang. Hướng về tương lai, khó có thể không nêu lên nghi vấn rằng nghề luật sư ở Việt Nam có một quá khứ không ?

 

Với bước lùi của thời gian, bây giờ người ta đã có thể bình thản và khách quan nhìn nhận rằng nghề luật sư ở Việt Nam ra đời được trên nửa thế kỷ nay. Và người luật sư Việt Nam đã xuất hiện cùng với tập thể nghề nghiệp của nó là Luật sư đoàn. Đương nhiên trong lô gích giao tiếp văn hóa (acculturation) nghề luật sư ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp, nhưng đã chỉ để tạo ra một mô hình của quyền bào chữa được thể chế hóa trong xã hội Việt Nam.

 

Cụm từ luật sư đoàn là tên gọi để dich chữ tiếng Pháp, barreau hay chữ tiếng Anh, bar. Trong các tòa án thời xưa ở Pháp và ở Anh có một khoảng cách, được ngăn ra bằng rào cản, giữa chỗ ngồi của các quan tòa và chỗ đứng dành riêng cho các luật sư. Do đó chữ barreau hay bar đã được dùng để gọi tên các tập thể nghề nghiệp của luật sư.

 

Ở Pháp, các luật sư, đã được coi là thực thụ hay còn đang tập sự, có tên trong danh biểu các luật sư hành nghề trong quản hạt của một Tòa án Sơ thẩm, họp lại thành một luật sư đòan tức là tập thể được công nhận có pháp nhân để tổ chức cho các luật sư hoạt động nghề nghiệp. Số liệu thống kê năm 2002 cho biết có tất cả 181 luật sư đòan tại Pháp. Ở miền Nam Việt Nam sau 1954, các luật sư đã hành nghề trong khuôn khổ của hai luật sư đoàn được thành lập trong quản hạt hai Tòa Thượng Thẩm Huế và Saigon. Điều đáng nói là luật sư đoàn ở miền Nam trước đây là sự thể hiện của quyền tự trị của tập thể luật sư đối với chính quyền. Quyền tự trị này là một bảo đảm cho sự độc lập của người luật sư để hành sử quyền tự do bào chữa. Dĩ nhiên tự trị không phải là hoàn toàn biệt lập đối với chính quyền, đứng ngoài pháp luật quốc gia, mà là quy chế trong đó các luật sư tự mình quản trị sinh hoạt tập thể của mình không có sự can thiệp của chính quyền. Luật sư đoàn được đặt dưới quyền điều khiển của một Thủ lãnh và một Hội đồng Luật sư do Đại hội đồng các luật sư bầu. Khi nghe thấy tên gọi Thủ lãnh, người ta có thể liên tưởng tới hiwnh ảnh một lãnh tụ tối cao có quyền sinh quyền sát đối với các đồng nghiệp. Nhưng thật ra Thủ lãnh luật sư đoàn chỉ là một người đứng đầu trong những người bình đẳng (primus inter pares) được các đồng nghiệp suy tôn để giữ chức vụ này. Và quyền uy tinh thần của Thủ lãnh luật sư đoàn là quyền uy của một chức vụ không phải của một cá nhâh lãnh tụ. Vả lại Thủ lãnh theo quy chế luật sư đoàn đã thực sự chia quyền điểu khiển tập thể với Hội đồng Luật sư. Pháp trị, dân chủ và độc lập là ba nét đặc thù của sinh hoạt trong luật sư đoàn ở Việt Nam trước đây.

 

Ở Mỹ, nhiệm vụ của luật sư có những khác biệt với luật sư ở Pháp hay ở Việt Nam trước 1975 cũng như ở Việt Nam bây giờ. Khác biệt vì phạm vi hoạt động và nội dung công việc của các nước này khác nhau. Vì ở Mỹ luật liên bang và luật tiểu bang khác nhau nên người luật sư có bằng hành nghề trong từng tiểu bang, trừ những vụ tranh tụng về di trú tuy phải theo luật liên bang nhưng luật sư hành nghề có bằng hành nghề ở bất cứ một tiểu bang nào cũng có thể nhiệm cách. Trái lại, trong những vụ tranh tụng thuộc sự chi phối của luật liên bang như gia đình, ly hôn, luật, thừa kế v.v…thì quyền nhiệm cách của luật sư bị giới hạn trong phạm vi tiểu bang. Về nội dung công việc của hai loại hình luật sư này cũng không giống nhau . Trong hệ thống thông luật (common law của Anh, Mỹ), hệ thống Đối Đầu (Adversary system), tố tụng tiến hành theo thủ tục Cáo Tố (accusatory) nên người luật sư phải đảm nhiệm việc điều tra (discovery) chứ không có dự thẩm (juge d’instruction) đảm nhiệm như trong hệ thống dân luật (civil code của Pháp) mà thủ tục tố tụng là Truy Cứu (inquisitorial). Vì vậy công việc của luật sư trong hệ thống thông luật vất vả hơn công việc của  luật sư trong hệ thống dân luật. Về tổ chức, mỗi tiểu bang Mỹ có một luật sư đoàn. Người luật sư Mỹ không bắt buộc phải qua một thời kỳ tập sự, có thể ghi tên vào danh biểu Luật sư đoàn ngay sau khi không bị rớt trong kỳ thi vào Bar (Luật sư đoàn). Nhưng người luật sư Mỹ học lâu năm hơn người luật sư trong hệ thống civil code : phải tốt nghiệp đại học 4 năm mới được ghi tên học luật 3 năm để lấy bằng Tiến si luật JD (Juris Doctor), trước đây gọi là Bachelor of Laws (LL.B), sau đổi thành JD để tránh hiểu lầm là bằng cử nhân luật. Ngoài ra, để bổ khuyết cho việc thiếu đào tạo về thực tập, các trường Luật ở Mỹ đều có một tòa án giống như tòa án thật ở ngoài đời để cho sinh viện thực tập kỹ thuật tranh luận dẫn khởi (cross examination) trong những vụ kiện có tranh luận. Thêm nữa kỳ thi Bar ở Mỹ phải nói là rất khó, thi viết hai ngày liên tiếp về đủ các môn. Co điều khi còn đi học, ở trường Luật đã có các kỳ thi thử ngay từ năm thứ nhất nên tỷ lệ đậu vào Bar thường rất cao. Sau hết, cũng cần nói là các quan tòa ở Mỹ đều phải qua kỳ thi Bar mời được bổ nhiệm.

 

Về hình thức và phong cách, luật sư Mỹ không mặc áo dài đen như quan tòa mà theo truyền thống thông luật (common law) chỉ mặc thường phục. Lại nữa, người luật sư Mỹ được tự do hơn trong vấn đề quảng cáo, trên báo cũng như trên TV. Tát nhiên, Luật sư đoàn nào cũng có quy tắc hành nghề (Đức lý). Bởi lẽ vì theo thủ tục tố tụng tố cáo (accusatory) trong hệ thống Đối Đầu (adversary) nên phải tuân thủ những quy tắc tranh luận rất chặt chẽ - thí dụ cấm đưa ra câu hỏi mớm lời cho nhân chứng (leading questions) v.v… Nhưng chính vì hành nghế trong hệ thống adversary nên nhiều khi luật sư cũng dễ đi đến chỗ khó phân biệt đâu là đức lý hay nhu cầu điều tra, đâu là phương pháp đâu là thủ đoạn. (Mu ốn t ìm hi ểu th êm v ề hai h ệ th ống lu ật Civil Code và Common Law v à đ ối chi ếu v ới Luật Việt Nam hiện hành, xin đọc Phạm Văn Thuyết, Vietnam’s Legal Framework for Foreign Investment, The International Lawyer (American Bar Association), Fall 1999; Phạm Van Thuyết, Vietnam Legal Framework for Private Sector Development in Transitional Economies : The Case of Vietnam, Georgetown University Journal of Law and Policy in Internetional Business, Vol. 27, spring 1996.  

 

Người luật sư có những nghĩa vụ gì đối với tập thể nghề nghiệp của mình ?  Sự thật người luật sư không bị ràng buộc bởi một nghĩa vụ pháp lý đặc biệt nào đối với người Thủ lãnh cũng như đối với Hội đồng Luật sư mà chỉ có những nghĩa vụ thực tế xuất phát từ nội qui do chính luật sư đoàn thông qua. Vả lại luật sư đoàn chính là môi trường để thực hành đức lý của người luật sư. Nhưng cuộc sống tập thể này đã  tạo ra những nghĩa vụ thực tế xung quanh một ý thức tập thể. người luật sư phải tự động gắn bó với tập thể của mình, phải củng cố, phát triển và bảo vệ nó. Để cho quyền tự do bào chữa đã thành một định chế của xã hội có khả năng làm đối trọng với chính quyền hầu ngăn cản không cho lạm quyền xâm phạm tự do, nhân phẩm của người dân. Những nghĩa vụ của người luật sư đối với tập thể nghề nghiệp của mình có thể tóm lại trong bốn chữ « tôn trọng kỷ luật » trong tinh thần pháp trị biết tuân thủ những qui phạm do tập thể đặt ra, có sự hỗ trợ của ý thức văn hóa nhân quyền, dân chủ, con người tự nguyện tự chế không xâm phạm tới tự do, của cải, nhân phẩm, sinh mạng của đồng loại.

 

3. Nghĩa vụ đối với Nhà nước

Nhân loại đã bước qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba mang theo trong hành trang quyền tự do bào chữa đã được luật quốc tế thể chế hóa thành một nhân quyền phổ quát. Cơn gió của thời đại thổi đến nhiều nơi giải phóng luật sư thoát khỏi tình trạng phải chịu sự giám hộ của chính quyền. Như ở Pháp dưới thời Hoàng đế Napoléon, đầu thế kỷ 19, muốn được gia nhập luật sư đoàn để hành nghề, người luật sư đã phải thề chịu tuân theo hiến pháp của đế chế, phải trung thành với Hoàng đế, không được nói điều gì, viết điều gì trái ngược với luật pháp, trái ngược với thuần phong mỹ tục, có hại cho an ninh Quốc gia và hòa bình công cộng. Lời thề của người luật sư Pháp hiện nay đã chỉ còn có những  lời cam kết thiêng liêng giữ vững đức lý của người luật sư mà thôi.  « Tôi xin thề thi hành chức vụ luật sư của tôi trong phẩm cách, theo lương tâm, với tinh thần độc lập, trung thực và nhân đạo ».

Sự thay đổi này mang ý nghĩa lịch sử đánh dấu bước tiến của loài người trong cuộc trường chinh tranh thủ và hoàn mĩ nhân quyền. Sự tự trị của luật sư đoàn đối với chính quyền là một chiến thắng con người đã gặt hái được trong cuộc trường chinh ấy. Người luật sư của thời đại văn minh bây giờ đã không còn phải thi hành nghĩa vụ làm công cụ cho chính quyền. Người luật sư chỉ có nghĩa vụ phải thực thi đức lý của chính nghề nghiệp mình, dĩ nhiên trong khuôn khổ của pháp luật, nhưng phải là pháp luật dân chủ không phải là những qui phạm phản dân chủ, phi nhân quyền. Tự trị, Luật sư đoàn không tìm vị thế đương nhiên đối nghịch với chính quyền, chỉ quan tâm bố trí cho mình đứng được trong tư thế tự trị của một chức năng phụ tá có ý thức cho công lý thông qua tổ chức tư pháp. Hai kịch bản có thể xảy ra. Hoặc những qui phạm của luật sư đòan được hội nhập vào trong các qui phạm của pháp luật quốc gia và pháp luật quốc gia chẳng những không can thiệp vào nội bộ của luật sư đoàn mà còn chấp nhận cho luật sư đoàn có quyền lập qui trong phạm vi nghề luật sư. Như vậy, luật sư đoàn vừa có quyền tự trị lại vừa có sự chính thống pháp định. Hoặc những qui phạm của luật sư đoàn không hội nhập được vào các qui phạm của pháp luật quốc gia. Trường hợp này, luật sư đoàn có thể chỉ đứng trung lập đối với pháp luật quốc gia hay cũng có thể đặt ra những qui phạm không đi theo chiều hướng của qui phạm của pháp luật quốc gia. Tình trạng không bình thường này sẽ đặt ra nhiều vấn đề mà để giải quyết phải tùy nhiều yếu tố không còn nằm trong khuôn khổ  nghề nghiệp của người luật sư nữa.

 

Thay lời kết luận 

Kinh nghiệm cuối đời của một người luật sư đã hành nghề trong lớp luật sư đời thứ nhất ở Việt Nam là nghề luật sư cần phải có đức lý và những truyền thống đức lý của luật sư đoàn Việt Nam đời thứ nhất đã là một lý tưởng sống cao đẹp cho người luật sư Việt Nam dù người này đã chấm dứt nghiệp vụ của mình./.  

 

Trần Thanh Hiệp

 

Phụ lục

 

Triển vọng hành nghề luật sư tại Việt Nam

 

Một đạo luật về luật sư và hành nghề luật sư, mang số 65/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 đã được ban hành tại Việt Nam. Bản văn này có 9 chương 94 điều nhằm quy định quy chế chính thức cho những người Việt và người ngoại quốc được phép hành nghề luật sư trên đất Việt Nam. Theo điều 93 thì kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2007, Luật này mới có hiệu lực thi hành. Trong cuộc trao đổi sau đây với Luật sư Trần Thanh Hiệp, biên tập viên Nguyễn An của Đài ACTD đã tìm hiểu để giới thiệu với thính giả những đặc điểm của một bản văn pháp lý mà người ta chờ đợi từ giữa thập niên 1980. Ông Trần Thanh Hiệp đã hành nghề luật sư tại Sai Gòn từ giữa thập niên 1950 và tại Paris trong thập niên 1990. Ông còn là cựu thành viên Hội Đồng Luật sư của Luật sư đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn.

 

RFA: Trong đợt cải tổ pháp luật gấp rút mới đây để tạo điều kiện cho Việt Nam xã hội chủ nghĩa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới , ngày 29-06-2006 quốc hội mới bầu của Hà Nội đã thông qua Luật số 6/QH11 quy đinh về luật sư và hành nghề luật sư tại Việt Nam. Trước khi đi vào chi tiết để tìm hiểu bản văn này xin luật sư giới thiệu tóm tắt bản văn ấy qua một vài nét chính.

TTH: Luật số 65/QH11 ngày 29-06-2006 có tên gọi Luật luật sư quy định rất nhiều vấn đề liên quan tới luật sư. Tôi xin sắp xếp thành ba nhóm vấn đề. Thứ nhất nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư. Thứ hai, tổ chức hành nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quản lý hành nghề luật sư. Thứ ba, luật sư nước ngoài và hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Đó là văn bản pháp lý đầu tiên chính thức thiết lập quy chế hành nghề luật sư cho người Việt cũng như người nước ngoài tại Việt Nam.

 

RFA: Như vậy phải chăng theo luật mới này người luật sư nước ngoài cũng có quyền hành nghề tại Việt Nam như luật sư Việt Nam?

TTH: Không hẳn như vậy, được hành nghề không có nghĩa là có đủ những quyền như người luật sư Việt Nam. Quyền và phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài hẹp hơn quyền và phạm vi hành nghề của luật sư Việt Nam. Tôi sẽ nói thêm về sự khác biệt này sau khi đã xem xét về trường hợp luật sư Việt Nam.

 

RFA: Theo luật sư  thì dưới sự chi phối của luật số 65/QH11 có phải là người luật sư được phép hành nghề dưới chế độ xã hội chủ nghĩa cũng giống như người luật sư hành nghề trước năm 1975 không?Nếu khác thì khác ở những điểm nào?

TTH: Có ít điều giống nhưng rất nhiều điều khác. Trên đại thể, hai loại luật sư này có tên gọi giống nhau, có những tiêu chuẩn tuyển chọn gần giống nhau, nghĩa là phải có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư v.v...Kỳ dư, không có những sự tương đồng để đồng hóa hai loại luật sư trước và sau 1975.

 

RFA: Như vậy là ít tương đồng mà nhiều tương dị. Luật sư có thể nói rõ thêm là khác ở những điểm nào và tại sao khác?

TTH: Sự khác biệt theo tôi là sự khác biệt về nội dung tức là trước hết về bản chất. Trước 1975, người luật sư hành nghề tại Việt Nam là hiện thân của quyền bào chữa, độc lập đối với chính quyền. Loại luật sư này đã bị chế độ xã hội chủ nghĩa bãi bỏ hẳn trên hơn 10 năm, để thay vào đó những người biện hộ sĩ trên danh nghĩa, nhưng trong thực chất là công cụ của chế độ. Mãi cuối thập niên 1980, vì phải giao thiệp, giao thương với nước ngoài nên nhà cầm quyền xã hội chủ nghĩa mới từng bước cho lập trở lại nghề luật sư nhưng vẫn tìm đủ cách duy trì nó dưới sự giám hộ chặt chẽ của mình để gia thuộc hóa nó. Nhưng vì môi trường mở cửa đón nhận tư bản đòi hỏi phải có một đội ngũ luật sư ngang tầm với tiêu chuẩn quốc tê, Hà Nội đã phải ra pháp lệnh đặt nền móng cho một cơ cấu giống như luật sư đoàn ở các nước tư bản. Đó là lý do Luật 65/QH11 đã khai sinh ra một loại hình luật sư hoàn toàn khác hẳn loại hình luật sư trước 1975 ở Việt Nam.

 

RFA: Trong Luật 65 QH/11 người ta thấy có những đặc trưng của loại hình luật sư xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Xin luật sư vui lòng phân tích những điểm đó

TTH: Một mặt tuy cũng có luật sư đoàn riêng ở địa phương, luật sư đoàn chung cho cả nước nhưng tổ chức này không có quyền độc lập đối vớichính quyền vì bị ràng buộc chặt chẽ ở mọi cấp độ với chế độ. Do đó mà điều 6 của luật này định rằng “quản lý hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư” tức là nghề luật sư do Nhà nước quản lý. Lại nữa, chiếu điều 10, phải là “công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật” tức là tùng phục chế độ về mọi mặt mới được coi là có đủ tiêu chuẩn để làm luật sư, chiếu điều 3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư, quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư, chiếu điều 17, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Mặt khác, áp dụng điều 52, người luật sư dưới chế độ xã hôi chủ nghĩa Việt Nam phải “chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra” và theo điều 9 thì không được “lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Với cách giải thích độc đoán một chiều, ngăn cấm này đã triệt tiêu hết khả thế độc lập của người luật sư của chế độ Hà Nội. Nói tóm lại, loại hình luật sư này là những người lao động, hay những doanh nhân, chuyên gia cung cấp dịch vụ pháp lý thỏa mãn nhu cầu trao đổi kinh tế trong xã hội, những dịch vụ không thể thiếu như tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng v.v...Người luật sư có truyền thống độc lập tự do dưới ngọn cờ quyền bào chữa \thiêng liêng trước 1975 đã bị chôn vùi. Công lý tại Việt Nam dù mới có thêm các luật sư đoàn vẫn chỉ là công lý một chiều. 

 

RFA: Còn về các luật sư nước ngoài thì sao?

TTH:  Người luật sư nước ngoài muốn hành nghề tại Việt Nam phải tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc hành nghề này ngoài ra chỉ giới hạn trong việc được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Luật sư nước ngoài không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam. Phải nhờ luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam, tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Toà án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật, trừ vụ án hình sự.

 

RFA: Một quy chế luật sư và những cơ cấu hành nghề luật sư thiếu độc lập như vậy liệu có được quốc tế nhìn nhận không?

TTH:  Thật ra trên nguyên tắc không bắt buộc phải có sự nhìn nhận quốc tế. Đây là vấn đề  bảo đảm nhân quyền, công lý là vấn đề văn minh. Nhìn kỹ vào Luật luật sư mới được ban hành, người ta nhận thấy ngay rằng nhà cầm quyền Hà Nội chỉ chú trọng tạo điều kiện và một môi trường để các luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam hơn là tái lập trên đất nước mình những truyền thống cao đẹp cùa quyền biện hộ đã từng hiện hữu ở Việt Nam trên gần một thế kỷ.

 

 RFA: Xin cảm ơn luật sư Hiệp. 


 


SỐ 8 THÁNG 5.2007

Quan điểm

1. Viễn Tượng Việt Nam : Dân chủ và nhân quyền

Văn, Thơ & Sử

2. Đỗ Mạnh Tri : Đôi điều về anh Nguyễn Ngọc Lan

3. Từ Thức : Người đưa tin

4. Tiểu Tử : Người Viết Mướn    

5. Vĩnh Như & Thường Nhược Thủy : Ngày giỗ tổ Hùng Vương 

6. Phan Thanh Tâm : Sau 30 năm lìa xa     

Chính trị quốc tế & Việt Nam

7. Phùng Nguyên : Lược duyệt các Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc

8. Vũ Huy Quang dịch : Thư Luân Lưu (của Trần Độc Tú)

 9. Vương Văn Đông lược dịch : Một đế quốc thiếu nhất quán (của Michael Mann)      

10. Nguyễn Văn Trần : Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp vừa qua...

11. Bùi Tín : Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân tộc dân chủ...

12. Trần Thanh Hiệp : Chính thống dân chủ           

13. Nguyễn Xuân Phước : Những Vướng Mắc Hiến Pháp của Điều 88 Bộ Luật Hình Sự

14. Đoàn Viết Hoạt : Hãy hòa giải với hiện tại để xây dựng tương lai

15. Vũ Quốc Thúc : Đã tới lúc phát động cuộc  "cách mạng nhung" ?

Biên khảo xã hội, kinh tế, chính trị

16. Trần Lê Quang : Dẫn-Thủy Nhập-Điền tại Đồng Bằng Phan-Rang...

17. Nguyễn Ngọc Hiệp : Tự do thông tin vì dân chủ, văn minh và tiến bộ

18. Trần Thanh Hiệp : Ghi chú về « Đức lý 德理 » của người luật sư

19. Tôn Thất Long : Hợp chủng quốc Hoa kỳ: nguồn gốc và nền tảng xây dựng

20. Hoàng Xuân Đài phỏng dịch : Đàn ông khống chế đàn bà... (của Françoise Héritier)

21. Đàm Trung Pháp : Noam Chomsky : Linh Hồn Của Lý Thuyết Ngữ Pháp...

Trình bày bìa
Nguyễn Thành Nhân


Số cũ :

7 | 6 | 5 | 4 | 3 | 2 | 1
 


 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.