.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

" Không có tự do phê phán, thì chỉ còn nịnh bợ mà thôi - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Đời sống

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 SÁCH - BÚT/HỒI KÝ CHÍNH TRỊ

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

 

 

 

 Viễn Tượng Việt Nam

 

Hợp chủng quốc Hoa kỳ: nguồn gốc và nền tảng xây dựng

 

  •  Tôn Thất Long

           

                                   I. Nguồn gốc của Hợp chủng quốc Hoa kỳ.

                                               I.1. Sự phân chia ảnh hưởng của các cường quốc Âu châu trước thế kỷ XVII.

                                               I.2. Sự xây dựng của các lãnh thổ thuộc đia  Anh ở Bắc Mỹ châu.

                                               I.3. Cách mạng Hoa kỳ 1776.

                                   II. Nền tảng xây dựng Liên bang Hoa kỳ.

                                               II.1. Hiến pháp 1787 và sự xuất hiện của các Đảng chính trị.      

                                               II.2. Cuộc chiến tranh phân ly Nam - Bác.

                                               II.3. Nền tảng hiện đại của Liên bang Hoa kỳ.

 

 

Hợp chủng quốc Hoa kỳ (hay Hoa kỳ - United States of America) hiển nhiên là cường quốc giàu mạnh nhất trong thế giới ngày nay và chắc chắn là quê hương mà nhiều người mơ ước có cơ hội tìm đến lập nghiệp. Mặc dầu không hoàn toàn đồng ý với nhau  trên mọi vấn đề nhưng ai ai cũng có thể tìm thấy ở đây một lãnh vực hoạt động và những điều kiện thích đáng để thực hiện giấc mơ của mình. Với một lãnh thổ rộng lớn, Hoa kỳ là sự thống nhất của một số các lãnh thổ bên ngoài lục địa Bắc Mỹ châu (Porto-Rico (từ năm 1898 và là một Hội viên tự do của Hoa kỳ từ năm 1952), các đảo Vierges, quần đảo Đông Samoa (từ năm 1899), Guam (1899), vùng kênh đào Panama (1904)), 50 lânh thổ (Tiểu bang) tự trị và Quận Liên bang Colombia (Thủ đô Liên bang). Khởi đầu, Hợp chủng quốc Hoa kỳ được thành lập năm 1776 vớj 13 lãnh thổ thuộc địa của Anh quốc ở Bắc Mỹ châu, ly khai khỏi Đế quốc Anh để dành quyền tự trị, làm căn bản xây dựng và bành trướng lãnh thổ, tạo nên Liên bang Hoa kỳ ngày nay.

Trên phương diện chính trị, Hoa kỳ là Quốc gia đầu tiên trong thề giới hiện đại, xây dựng Dân chủ, với một Văn bản Hiến pháp tương đối đơn giản, qui định các nguyên tắc căn bản xây dựng guồng máy hành xử Quyền lực Nhà nước, được bổ túc trên một số chi tiết 27 lần trong gần ba thế kỷ và được áp dụng hầu như không thay đổi cơ bản cho đến ngày nay. Bài viết này đặt mục tiêu tìm hiểu quá trình thành lập và bành trướng lãnh thổ, trước khi tìm hiểu một cách cụ thể chế độ chính trị hiện nay của Hoa kỳ. Bài viết sẽ được giới hạn, trong khoảng thời gian cho đến cuối thế kỷ XIX khi lãnh thổ Hoa kỳ đạt được mức bành trường (gần như) tối đa hiện nay, khi Hoa ky bắt đầu thực hiện cuộc Cách mạng kỹ nghệ và khi Hoa kỳ đi vào bước đầu của thời ky mới: Xây dựng một Đế quốc Tư bản trên bình diện toàn cầu như hiện nay.   

 

I. Nguồn gốc của Hợp chủng quốc Hoa kỳ.

I.1. Sự phân chia ảnh hưởng của các cường quốc Âu châu trước thế kỷ XVII.

Sự thành lập của Hoa kỳ gắn liền với công cuộc chinh phục và khai thác những miền đất mới của các cường quốc Âu châu.

Vào thế kỷ XII, với các đô thị thương nghiệp Venise, Gênes, Pise, Milan, Florence,... nước Ý là trung tâm trong việc phân phối các sản phẩm từ các xứ Đông phương, qua trung gian các đô thị Constantinople, Antioche, Alexandrie,... Các cường quốc khác Âu châu, muốn thoát khỏi sự độc quyền của Ý, phải đi tìm con đường lưu thông mới và tổ chức lại nền ngoại thương của mình qua hình thức của các công ty rộng lớn.

Từ thế kỷ XIV, Bồ đào nha là quốc gia tiền phong khởi sự cuộc tranh đua với Ý. Với Nhà hàng hải Henri (1394-1460), con của vua Jean I, Bồ đào nha mạo hiểm tìm đường đi về phía Nam, dọc theo bờ biển Phi châu, khám phá ra vàng, khai thác thị trường nô lệ Phi châu rồi từ đó đi về phía Đông. Năm 1487, Bartolomeu Dias khám phá ra Ấn độ dương và Vasco de Gama tìm ra đường đi Ấn độ. Dọc theo con đường mới, Bồ đáo nha thành lập khắp nơi các cơ sở thương mãi. Lisbonne trở thành trung tâm phân phối ở Âu châu các sản phẩm Đông phương và xây dựng một Đế quốc rộng lớn.

Bị Bồ đáo nha cản trở trên con đường mới, các quốc gia phát triển khác phải tìm một con đường khác để chinh phục các xứ Đông phương: Trung quốc và Nhật bản. Sau khi thoát khỏi sự thống trị của người Hồi giáo, Vua Tây ban nha Ferdinand, được Christophe Colombe thuyết phục, mạo hiểm đi về hướng Tây để tìm các xứ Đông phương. Colombe thực hiện được bốn cuộc du hành. Lần thứ nhất (3/8/1492-3/1493), cập bến Mỹ châu ngày 12/10/1492 ở đảo Bahamas trong biển Antilles, khám phá ra Cuba, Haiti. Lần thứ hai (1493-1496), khám phá được Dominique, Guadeloupe, Porto Rico, Jamaique. Cuộc mạo hiểm lần thứ ba (1498) tìm được Trinité và đạt tới lục địa Nam Mỹ. Lần thứ tư (1502-1504) khám phá ra Honduras và miền Trung Mỹ... Một thế kỷ sau các cuộc mạo hiểm này, Tây ban nha xây dựng được một Đế quốc rộng lớn gìàu mạnh, khai thác cả một vùng đất bao gồm toàn bộ (trừ ra xứ Brésil, dành cho Bồ đáo nha, theo Hiệp ước Tordesillas, 1494) dọc theo bờ biển Đại tây dương ở Nam Mỹ, miền Trung Mỹ, Mexico và cả các lãnh thổ hiện nay của Hoa kỳ, từ Florida cho tới New Mexico, California, kể cả Arkansas, Alabama, Texas. Trên các lãnh thổ mới, Tây ban nha tìm được nguồn nhân lực lao động trong các thổ dân bản xứ để khai thác các hầm mỏ, nông trại trồng thuốc lá, đường,.. và, khi gặp phải sự chống đối, không ngần ngại dùng cách đối xử như là những nô lệ....

Trước ưu thế của Tây ban nha và Bồ đáo nha, các cường quốc đương thời khác Anh, Pháp, Hoà lan,... bắt buộc phải đi xa hơn nữa về hướng Bắc. Ở Anh , Henry VII mở đầu triều đại Tudor, thực hiện một sự thay đổi xã hội, dựa trên tầng lớp trưởng giả thương gia giàu có, đưa nước Anh ra khỏi chế độ Lãnh chúa, dần dần đưa Anh quốc lên hàng một cường quốc tư bản hiện đại. Cho đến cuối thế kỷ XVI, Anh quốc chỉ đặt trọng tâm váo việc đánh phá, chiếm đoạt các kho tàng của các thương thuyền Tây ban nha. Năm 1497, Henry VII tài trợ cho Giovanni Caboto (người Ý) cầm đầu một đoàn thám hiểm, đi khám phá dọc theo bờ biển Terre Neuve (Newfoundland) và Nouvelle Écosse (Nova Scotia) nhưng không đủ sức tiếp tục khai thác miền đất mới, nhất là từ sau cuộc Cải cách Tin lành bắt đầu từ 1534 khi Henry VIII thành lập Giáo hội Anh, ly khai với Giáo hội La Mã, làm gia tăng tình trạng nghèo đói và bất ổn ở khắp nơi,..

Năm 1524, Vua nước Pháp François I tài trợ một đoàn thám hiểm do Verrazano (người Ý) hướng dẫn, tìm đường đi xứ Cathay (Trung quốc), dọc theo bờ biển Bắc Mỹ, khám phá ra Hudson rồi trở về lưu lại trong vịnh New York, sau đó bị giết trong một cuộc thám hiểm trong quần đảo Antilles năm 1526. Tiếp tục dự án này, Jacques Cartier thực hiện ba cuộc thám hiểm khác: Lần đầu năm 1534, cũng không tìm ra đường đi Trung quốc. Lần thứ hai (1535-1536), theo vùng Saint Laurent (Chemin du Canada) khám phá vùng rộng lớn Nouvelle France, từ Stadaconé (Québec) tới Hochelaga (Montréal) và tìm được đường đi váo lục địa Bắc Mỹ. Cartier trở lại Canada năm 1541 rồi tạm ngừng dự án vì chiến tranh tôn giáo. Nước Pháp chỉ trở lại khai thác lãnh thổ mới dưới thời Henri IV: Samuel De Champlain trở lại Nouvelle France (1603), Acadie (hiện nay là Nova Scotia và một phần của New Brunswick), New England (1604-1607) và năm 1608 thành lập Québec. Năm 1615-1616, Champlain khám phá vùng các hồ lớn trong nội địa và thuyết phục được Louis XIII xây dựng cơ sở khai thác lâu dài các vùng đất mới đến tận Cap Cod ở phía Nam. Trong khi đó, Hòa lan thì kiểm soát được việc khai thác ngành da thú dọc theo sông Hudson. Năm 1643, Louis XIV sáp nhập Canada vào lãnh thổ của Pháp và, trong khoảng thời gian 1672-1682, khai thác vào trong nội địa một vùng rộng lớn cho đến tận cửa sông Mississippi.

 

I.2. Sự xây dựng của các lãnh thổ thuộc đia  Anh ở Bắc Mỹ châu.

I.2.1. Nguyên nhân của phong trào di dân từ Anh quốc.

Với cuộc Cải cách Tin lành, Anh quốc đi vào một cuộc tranh chấp nội bộ trầm trọng. Năm 1553, Mary Tudor, lên ngôi tìm cách phục hồi Giáo hội Thiên chúa cũng chỉ làm tăng tình trạng chia rẽ nội bộ. Khi Mary qua đời năm 1558, với sự hậu thuẫn với khuynh hướng Tin lành đang chiếm đa số ở Nghị viện, Elisabeth Tudor được tuyên bố là người kế vì chính thức, Giáo hội Tin lành được phục hồi nhưng cũng không thỏa mãn được khuynh hướng cấp iiến. Anh quốc đi vào  thời kỳ tranh chấp nội bộ giữa ba khuynh hướng: Thiên chúa giáo (đa số và muốn trở lại với Giáo hội La Mã), Anh giáo Tin lành (ôn hòa, đang thừa hưởng các đặc quyền kinh tế và đứng về phía Vương quyền) và Tin lành cấp tiến Puritans (đòi hỏi các cải cách sâu rộng, cho rằng các cải cách đang thực hiện còn quá gần với Giáo hội Thiên chúa). Trong thực tế, Elisabeth thẳng tay trừng trị mọi chống đối về chính trị cũng như về tôn giáo, làm gia tăng ý chí và số lượng những thành phần muốn rời bỏ Anh quốc tìm nơi định cư trong các lãnh thổ mới. Vì vậy công cuộc mạo hiểm đi tìm các lãnh thổ mới của Anh còn được phát triển trên một qui mô rộng lớn phục vụ cho một phong trào di dân, tìm quê hương định cư vĩnh viễn cho các cộng đồng đông đảo, bao gồm các thành phần đối lập chính trị, bất mãn kinh tế, chống đối tôn giáo,... đang bị đàn áp và ngược đãi ở Anh.

Ngay từ đầu, đối với chính quyền Anh, việc xây dựng các lãnh thổ thuộc địa chỉ nhắm vào mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận và được tổ chức một cách chặt chẽ. Việc quản trị trong mỗi lãnh thổ được qui định bằng một Hiến ước (Qui chế), phù hợp với luật pháp hiện hành trong Vương quốc và được Nhà Vua chấp nhận. Trên nguyên tắc, tất cả lãnh thổ mới đều thuộc quyền sở hữu của Nhà Vua nhưng mỗi lãnh thổ được hưởng các qui chế tự trị rộng rãi, bảo đãm cho người dân những quyền như những công dân tự do ở Anh..

Nhân vật chính yếu của mỗi lãnh thổ là vị Thống đốc, đại diện Chính quyền Trung ương, nắm quyền Hành pháp và thường nhận chỉ thị của Nhà Vua qua Phòng Thương nghiệp. Thống đốc cai trị lãnh thổ với sự trợ giúp của một Hội đồng Cố vấn (Thượng viện địa phương), đại diện cho các Đại Gia đình và do Thống đốc chỉ định. Quyền Lập pháp xuất phát từ Nghị viện địa phương, gồm có Thượng viện và một cơ quan dân cử Hạ viện. Thống đốc triệu tập, giải tán Nghị viện, có quyền phủ quyết các Luật do Nghị viện đưa ra và thường dùng quân đội để làm áp lực.

I.2.2. Các lãnh thổ thuộc địa Anh trong thế kỷy XVII.

Năm 1606, Công ty Virginia được James I cho phép khai thác một vùng đất rộng lớn từ New York cho đến North Carolina. Năm 1607, cơ sở đầu tiên của công ty được thành lập ở Jamestown, trong vịnh Chesapeake. Cho đến năm 1610 Jamestown đã định cư được 1200 người và khả năng canh tác cây thuốc lá đòi hỏi phải gia tăng số lượng người di dân. Chương trình định cư được khuyến khích với một chính sách ưu đãi quyền tư hữu (1617, Quyền Đầu người - Headright) theo đó mỗi người đi định cư (hay tổ chức chuyên chở họ) được cấp phát 50 mẫu đất. Năm 1619 Hạ viện Virginia được thành lập. Trong thời gian 1619-1624, số người định cư gia tăng thêm 4500 người. Áp dụng chính sách kỳ thị chủng tộc, dân bản xứ ngày càng bị đẩy lùi váo xa trong nội địa, đưa đến chiến tranh và công ty Virginia gần như bị phá sản. Năm 1624 James I lợi dụng cơ hội đặt Virginia dưới Qui chế Vương quyền (Colonie royale) theo đó Thống đốc được Nhà Vua bổ nhiệm để hành xử quyền Hành pháp và Hạ Viện đãm nhận quyền Lập pháp. Anh giáo được thành lập trên lãnh thổ. Năm 1640, Virginia đạt tới 10000 người định cư mới, trong khi 20000 dân bản xứ Algonquin sinh sống trong vùng Jamestown trước đây chỉ còn lại khoảng 2000 người. Nền kinh tế trong vịnh Chesapeak phát triển trên căn bản các nông trại trồng thuốc lá.

Bên cạnh Virginia, Maryland cũng được thành lập từ năm 1634 trên mô hình kinh tế tương tự nhưng theo Qui chế Nghiệp chủ (Colonie de propriétaire): Năm 1632, Charles I chuyển nhượng cho Cecilius Calvert (trong Hoàng gia và theo Thiên chúa giáo) một lãnh thổ trên 10 triệu mẫu đất ở phía bắc vịnh Chesapeak. Hiến ước 1632 qui định Calvert là chủ nhân của lãnh thổ, có quyền bổ nhiệm Thống đốc và các chức sắc chính trị, tổ chức giáo hội, bổ nhiệm các Mục sư,...và việc cai trị phải được thực hiện với sự đồng tình của các người dân tự do. Nhờ đó Maryland trở thành nơi tỵ nạn quan trọng của các tín đồ Thiên chúa giáo. Đất đai được phân chia trước tiên cho các Đại địa chủ, phần đông là tín đồ Thiên chúa giáo, dưới hình thức các nông trại lớn, cở từ 1000 đến 3000 mẫu, rồi sau đó được phân phát cho các dân định cư. Năm 1638, quyền Lập pháp được giao cho Nghị viện, gồm có hai bộ phận: Hạ viện (đại diện cho tầng lớp người di dân bình thường) và Thượng viện (đại diện giới Đại địa chủ). Năm 1649 Lụât Khoan dung được ban hành, thiết lập quyền tự do tín ngưỡng và năm 1670 dân số Maryland lên đến 15000 người.

Năm 1620, tàu Mayflower (thuộc một chi nhánh của Công ty Virginia) cập bến ở Plymouth, mang theo một nhóm Tin lành Puritans, gốc ở làng Scrooby (Yorkshire), tìm nơi định cư để có thể tự do thực hành tôn giáo của mình,... khởi đầu cho việc di dân đến tiểu bang Massachusetts ngày.nay. Đây là một vùng đất ở ngoài lãnh thổ đã được James I đã qui định cho Công ty Virginia, nên nhóm này ký kết một Giao ước cùng nhau xây dựng một quê hương mới. Khế ước này được xem như là bản Hiến pháp đầu tiên của miền Bắc Mỹ. Không như ở Virginia và Maryland, công cuộc định cư được diễn ra trong những điều kiện thiên nhiên bất lợi.

Năm 1629, Công ty vịnh Massachusetts, do một nhóm thương gia giàu có thuộc khuynh huớng Puritans làm chủ, được Charles I cho phép thực hiện một dự án thương mãi. Lợi dụng cơ hội, Công ty thực hiện một chương trình định cư qui mô. Năm 1630, dưới sự chỉ huy của Wintrhop, 900 thành viên Puritans được trang bị với đầy đủ khí giới, đổ bộ váo vịnh Massachusetts với mục tiêu thành lập Giáo hội Tin lành Puritans. Trong thời kỳ 1629 -1643, đã đón nhận được 20000 dân định cư đến vùng Boston, đa số theo Puritans. Phần còn lại thuộc thành phần nông dân, thợ tiểu công nghiệp và lao động khế ước,... cùng gia đình đi tránh sự nghèo đói bần cùng ở Anh. Trên lãnh thổ Massachusetts, lợi dụng các sơ hở của Hiến ước 1629, Winthrop liền thay đổi trụ sở và biến Công ty thành một chính quyền dân sự theo Qui chế Tự trị (Colonie autonome). Tư cách Người dân tự do và quyền bầu cử, ứng cử được công nhận cho mọi chủ gia đình (phái nam) thuộc Giáo hội Puritans. Thống đốc do Nghị viện của lãnh thổ bầu ra và phải được Nhà Vua chấp thuận.

Tin tưởng váo sự đồng nhất về tôn giáo, Winthrop được bầu làm Thống đốc và, cùng với một thiểu số Puritans, cai trị một cách độc đoán. Các sắc tộc bản xứ Amérindiens được xem là những kẻ ngoại giáo, kém văn minh,... cần phải tiêu diệt và xâm chiếm lãnh thổ. Trên phương diện hành chánh, lãnh thổ mới được chia thành một hệ thống các Thị trấn (Townships), mỗi thị trấn là một vùng đất (6 dặm)x(6 dặm) = 36 dặm vuông, để định cư từng nhóm dân. Người Puritans cho rằng sự bất bình đẳng về kinh tế là một lẽ tự nhiên và xã hội là một hệ thống đẳng cấp rõ rệt nên đất đai được phân chia, không theo nguyên tắc đồng đều (Headright) như ở Virginia mà tùy theo khả năng (và ảnh hưởng) của mỗi cá nhân. Tuy nhiên quyền sở hữu về đất đai vẫn được nhiều người thụ hưởng hơn ở Virginia. Các chủ gia đình Puritans tham gia vào việc quản trị thị trấn, quản lý hành chánh địa phương, kiểm soát Giáo hội, lựa chọn các Mục sư, cử đại diện vào Hạ viện,...

Chính sách cứng rắn về tôn giáo và phản dân chủ, kỳ thị nữ phái,... mau chóng đưa Massachusetts đến các tranh chấp nội bộ. Năm 1635, Mục sư Roger Williams, chủ trương tách rời tôn giáo với chính quyền và phản đối chính sách kỳ thị đối với người bản xứ,... ly khai thành lập lãnh thổ Rhode Island và được Nghị viện Anh, đa số thuộc khuynh hướng Puritans, hợp thức hóa vào năm 1644. với Qui chế Tự trị. Năm 1662, một nhóm ly khai khác, do Thomas Hooker cầm đầu, đưa tới việc thành lập lãnh thổ Connecticut, và được Charles II chấp nhận với Qui chế Tự trị.

Mở đầu Thời Phục hưng của Triều đại Stewart, Charles II cho thành lập một số các lãnh thổ khác, một hình thức để gia tăng các lợi tức cho Nhà Vua, đồng thời để trả các các món nợ chính trịi đã giúp Charles II khôi phục lại Vương quyền. Năm 1663, Carolina được thành lập và được chia thành hai lãnh thổ riêng biệt năm 1664: North Carolina đón nhận các người di dân đến từ Virginia, trong khi đó South Carolina phần lớn nhận các dân nô lệ đến từ đảo Barbade và một số tín đồ Tin lành gốc Pháp.

Quận công York, em của Charles II, được thừa hưởng lãnh thổ rộng lớn New York mới dành được từ tay người Hòa lan năm 1664, đồng thời với đảo Manhanttan. Trên vùng đất rộng lớn này, York nhượng một phần cho các nhà Quí tộc khác để thành lập các lãnh thổ DelawareNew Jersey với Qui chế Nghiệp chủ

Năm 1681, Charles II cho phép William Penn quản trị một lãnh thổ lớn ở phía tây Delaware. Lãnh thổ Pennsylvania được thành lập với qui chế Nghiệp chủ và là một thành công lớn, Penn thực hiện chính sách tự do tôn giáo, chính trị ôn hòa, thương thuyết với dân bản xứ để mua đất hoạch định chương trình định cư. Việc di dân vào Pennsylvania được chuẩn bị chu đáo, quảng cáo rộng rãi ở Anh và Đức. Trong thập niên đầu tiên lãnh thổ đã đón nhận được 10000 dân định cư và Philadelphia trở thành một hải cảng lớn nhất trong các lãnh thổ thuộc địa Anh. Chủ yếu Pennsylvania phát triển về chăn nuôi gia súc và trồng trọt ngũ cốc.

Lên ngôi năm 1685, James II (Quận công York, Vua cuối cùng ổ Anh theo Thiên chúa giáo) muốn xét lại qui chế các vùng dưới quyền kiểm soát của khuynh hướng Puritans, bao gồm cả một vùng rộng lớn từ Maine, New Hampshire,... cho đến New York. Với Cách mạng 1688-1690, William lên ngôi buộc phải từ bỏ dự án nhưng lợi dụng cơ hội bất ổn này để đặt các lãnh thổ Massachusetts, New York và Maryland dưới Qui chế Vương quyền. Lãnh thổ cuối cùng Georgia, được thành lập năm 1732, dưới thời George II, với Qui chế Vương quyền, muốn đón nhận tầng lớp người nghèo khổ ở Anh nhưng không được phát triển mau chóng như ở các lãnh thổ khác vì tiếp cận với lãnh thổ Florida, dưới quyền kiểm soát của Tây ban nha.

I.2.3.Thị trường lao động và Chế độ Nô lệ.

Việc định cư trên các lãnh thổ mới được thực hiện trong những điều kiện khó khăn. Trước tiên, các phí tổn chuyên chở dân từ Anh cũng như để trang bị xây dựng tại chỗ rất là tốn kém, trong khi đó hầu hết các ứng viên di dân lại không có phương tiện. Gần như 3/4 số người di dân (đa số trẻ tuổi và thuộc phái nam, 5 nam 1 nữ) phải đi qua giải pháp Khế ước lao động (Indentured servants), tìm kiếm các tổ chức hay các chủ nông trại để được chuyên chở từ Anh. Họ chấp nhận, khi tới nơi, lao động cho các chủ nhân trong một thời gian để trả nợ, trung bình khoảng từ 2 đến 7 năm (đối với trẻ con và các cựu tù nhân, thời gian trả nợ thường lâu hơn), sinh sống trong ở những vùng xa xôi, làm việc trong những điều kiện sơ khai,... và phải nhường quyền Headright cho người chủ của mình. Lợi dụng điều này, giới chủ nhân nới rộng mau chóng cơ sở, tạo ra những nông trại rộng lớn. Trong thế kỷ XVII, có ít nhất 200000 người Anh đi định cư trong những điều kiện này. Trung bình có chừng 60% thực hịện được đúng kỳ hạn giao ước (trước khi qua đời) để rồi tiếp tục đi tìm nơi lập nghiệp trên những vùng đất mới trong những vùng xa xôi hơn trong nội địa...

Người nô lệ da đen Phi châu đã được đưa đến Jamestown từ năm 1619 để cung cấp cho thị trường lao động nhưng ban đầu ít được sữ dụng vì chưa có một qui chế náo về họ và gía mua bán một người da đen còn cao hơn việc sử dụng người lao động khế ước da trắng. Với việc cải hóa tôn giáo, người da đen còn có thể trở thành tự do như một công dân Anh và bộ Luật Phổ thông (Common Law) chưa đề cập tới khái niệm quyền tư hữu của một người trên một người khác.

Kể từ thập niên 1660, thị trường thuốc lá bị khủng hoảng vì sản xuất thặng dư, số người lao động khế ước sút giảm vì thấy tương lai xa mờ,.. trong khi gía của người nô lệ ngày càng giảm. Để duy trì sự phát triển trong các nông trại rộng lớn, giải pháp là sử dụng sức lao động của người nô lệ. Qui chế Nô lệ (Code d' Esclavage) được hình thành mau chóng ở Virginia: Người da đen được xem là nô lệ tôi đầy suốt đời, không được quyền mang khí giới và phục vụ trong các cơ quan bảo vệ an ninh, không có quyền tư hữu, không được quyền hưởng thụ các lợi ích của nền giáo dục, không được làm chứng trước các tòa án và đòi hỏi công lý giải quyết các tranh chấp xã hội,... Da đen là tượng trưng cho tầng lớp thấp hèn vĩnh viễn và có hiệu lực di truyền.. Các liên hệ tình ái Đen - Trắng bị ngăn cấm. Năm 1705, một sắc luật ở Virginia còn xác định rõ mọi người tôi tớ khi tới Virginia mà không phải là người công  giáo tại quê hương cũ đều bị xem là nô lệ... Qui chế này được xem như là một mẫu mực chung và sau đó được áp dụng ở các lãnh thổ khác. Vào đầu thế kỷ XVIII, ở Virginia và Maryland, đã có khoảng 20000 người nô lệ và việc khai thác người nô lệ đang được phát triển trong các lãnh thổ khác, nhất là ở các tiểu bang miền Nam.

I.2.4. Sự phát triển các lãnh thổ thuộc địa trong thế kỷ XVIII.

Tính đến cuối thế kỷ XVII, Anh quốc đã thực hiện được một chương trình định cư vào khoảng 250000 người trên 13 lãnh thổ, với những mục tiêu khác nhau, với những thành phần sắc tộc khác nhau và có những quyền lợi đối nghịch lẫn nhau,.. họp thành 13 Tiểu bang đầu tiên của Hoa kỳ vào năm 1776: New Hampshire, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland, Virginia, North Carolina, South Carolina  và Georgia.

Mục tiêu của Anh quốc là tổ chức và kiểm soát các lãnh thổ mới để tìm kiếm lợi nhuận phục vụ cho sự phát triển kinh tế ở Anh. So với các cường quốc khác, các lãnh thổ mới của Anh được phát triển mau chóng, trước tiên là nhờ vào sự gia tăng vượt bực về dân số, chủ yếu dựa vào tầng lớp người lao động khế ước, đi tìm một quê hương mới. Việc sử dụng nô lệ cũng là một động lực quan trọng vào việc phát triển kinh tế. Ở các thời điểm 1700, 1720, 1750 và 1760 dân số trên các lãnh thổ này là 250000, 466000, 1170000 và 1600000 người trong khi số dân da đen là 28000, 70000, 236000 và 386000 (và tỷ lệ dân da đen là: 11%, 15%, 20% và 24%). Trong các thập niên 1731-1740, 1741-1750 và 1761-1770 số dân nô lệ da đen được nhập cảng thêm là 40000, 58000 và 69000 người, thập niên 1751-1760 là một ngoại lệ vì Chiến tranh Bảy năm. Năm 1775, dân da đen chiếm khoảng 20% trên toàn lãnh thổ nhưng 30% ở miền Nam. Dân cư ở miền Bắc tương đối đồng nhất, trong khi ở miền Trung tâm, dân cư đến từ nhiều nơi: Đức, Tô cách lan, Ái nhĩ lan, Thuỵ sĩ,.. nhưng không tạo ra các vấn đề về sự khác biệt văn hóa. Ở Philadelphia có 6000 người Đức và trong vùng Trung tâm có khoảng 125000 người Đức và Thuỵ sĩ. Ngoài ra còn có khoảng trên 10000 người Tin lành gốc Pháp định cư ở Boston, Charleston, New Rochelle. Cuộc sống chung đa chủng này không gây ra các trở ngại. Các dân định cư chấp nhận sống hoà hợp trong hệ thống tổ chức của người Anh và đại đa số dân chúng đều dùng Anh ngữ. Khi Tuyên bố Độc lập năm 1776, dân số Hoa kỳ ước lượng váo khoảng hai triệu rưỡi người.

Miền Nam (Georgia, North Carolina, South Carolina, Virginia và Maryland) là miền đông dân cư nhất, rồi đến miền Trung tâm (New York, New Jersey, Pennsylvania và Delaware) và sau cùng là miền New England (Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut),  Năm 1760 dân số ở các miền này là 514000, 360000 và 296000 (trên tổng số 1170000). Dân di cư đến từ khắp nơi. Năm 1700, 80% là người Anh, 11% là người Phi châu, phần còn lại là người Tô cách lan, Hoà lan, Pháp,... Ở các vùng ven biển, mật độ dân số lớn, người mới đến thường phải định cư ở những vùng đất mới trong nội địa, thiếu an ninh,...

      Chủ yếu quyền lực ở trong các lãnh thổ mới còn nằm trong tay của một thiểu số, khoảng 5%, nhưng làm chủ khoảng 60% tài nguyên và trên 50% đất đai, gồm các chủ nông trại rộng lớn, các thương gia, kỹ nghệ gia giàu có, các đại gia đình quí tộc và, trong các vùng Trung tâm và miền Bắc, các thế hệ mới của tầng lớp di dân Puritans đầu tiên cũng như các nhân sự cũ của Hòa lan,... Mặt khác, tuy đến giữa thế kỷ XVIII, đa số các địa chủ đều có quyền bầu cử nhưng trong một số các lãnh thổ, đại đa số dân chúng vẫn chưa có quyền này, trong đó đáng kể là các phụ nữ, các nô lệ, các ngươi lao động khế ước, các dân bản xứ, các tín đồ Thiên chúa giáo, các người Do thái,...

Nhờ các hoạt đông thương mãi với Anh, với vùng Antilles, với Âu châu, Phi châu,... các thương cảng phát triển mau chóng. Năm 1770, Boston có được 15000 dân, New York 21000 và Philadelphia 28000 trong khi, ở miền Nam, thành phố lớn nhất là Charleston có 11000 dân. Kỹ nghệ gỗ, các cơ xưởng đóng tàu phát triển mạnh ở đó. Nghề đánh cá cũng là một hoạt động kinh tế đáng kể để cung cấp cho thị trường Âu châu và các người nô lệ. Các thành phố trong nội địa cũng dần dần phát triển với các ngành thủ công nghiệp, song song với các phát triển của các nông trại. Cuộc chiến Bảy năm là cơ hội để xây dựng các trục giao thông chính nối liền các thành phố. Đa số dân chúng sống nhờ nông nghiệp, nhất là ở vùng trung tâm và ở miền Nam, sản xuất chính là băp, lúa mì, lúa mạch, cây chàm ở khắp nơi; thuốc lá ở Virginia và Maryland; gạo, chàm ở Carolina và Georgia; bông gòn ở miền Nam. Miền Trung tâm phát triển mạnh về ngũ cốc và chăn nuôi.

I.2.5. Chiến tranh Anh - Pháp ở Bắc Mỹ.

Để duy trì ưu thế quốc tế và bảo vệ các lãnh thổ thuộc địa, chiến tranh liên tục chống lại các cường quốc đương thời Hòa lan, Tây ban nha, Pháp,.. là quan tâm hàng đầu của Anh quốc. Sau khi đã loại trừ được ảnh hưởng của Hòa lan trong thập niên 1660, Anh quốc đi vào thời kỳ tranh chấp với Pháp, đang kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn, từ Louisiana cho đến vịnh Hudson, Saint Laurent và vùng các hồ lớn.

Cuộc tranh chấp thứ nhất, Liên minh Augsbourg (Anh, Đức, Hòa lan, Tây ban nha) chống lại Pháp, khởi đầu năm 1689 với một tấn công Iroquois vào Lachine (gần Montréal), quân Pháp chống trả mãnh liệt dọc theo biên giới các lãnh thổ của Anh. Năm 1690, hải quân Massachusetts dùng đường biển đánh chiếm Port-Royal ở Acadie nhưng bi bại trận ở Quebec, đồng thời một cuộc tấn công bằng đường bộ vào các vị trí của Pháp cũng bị thất bại. Cuộc chiến chấm dứt với Hiệp ước Ryswick (1697), đem lại chiến thắng cho Pháp và hai bên trở về vị trí cũ. Cuộc chiến lại tiếp tục về sự thừa kế ở Tây ban nha và chấm dứt với Hiệp ước Utrecht (1713) với chiến thắng của Anh. Pháp thất bại nặng ở Mỹ châu: Terre-Neuve (Newfoundland), vịnh Hudson, đảo Saint-Christophe rơi vào tay Anh quốc, Pháp giữ lại đảo Cap-Breton (Louisbourg) nhưng các lãnh thổ còn lại thì bị cô lập hoàn toàn trước sự bành trướng của Anh. Trong thời gian 1740-1748, chiến tranh lại bùng nỗ giữa Anh và Pháp ở vùng biên giới của New York và các lãnh thổ miền Bắc vì các tranh chấp trên sự thừa kế ở Áo. Louisbourg bị quân Anh chiếm đóng nhưng lại trả lại cho Pháp năm 1748.

Tiếp đến, các tranh chấp trên lãnh thổ Ohio đã bắt đầu từ năm 1754. Các lãnh thổ thuộc địa Anh lại không thống nhất được một kế hoạch hành động chung. Năm 1755, quân Anh bị đánh bại ở đồn Duquesne. Cuộc Chiến tranh Bảy năm (The Seven Year'War, 1756-1763) cũng đã khởi sự trên bình diện tổng quát ở Âu châu giữa Liên minh Anh-Đức chống lai Liên minh Pháp-Áo-Tây ban nha. Phải chờ tới năm 1757, với William Pitt lên cầm quyền Thủ tướng ở Anh và năm 1758 quyết định gởi một đạo quân 50000 người qua xâm chiếm Canada thì mới thay đổi được tình thế: Québec thất thủ tháng 9/1759, Montréal bị chiếm đóng năm 1760. Chiến tranh chấm dứt với Hiệp định Paris (1763): Pháp mất Ấn độ và Canada váo tay Anh quốc, lãnh thổ Nouvelle France của Pháp hầu như không còn nữa (ngoại trừ Saint Pierre và Miquelon). Pháp nhường Louisiana cho Tây ban nha trong khi Tây ban nha mất Florida váo tay Anh.

.

I.3. Cách mạng Hoa kỳ 1776.

I.3.1. Các nguyên nhân sâu xa của sự ly khai.

Trên phương diện văn hóa, tư tưởng Ánh sáng của thế kỷ XVIII đã tìm được trên các lãnh thổ mới một môi trường phát triển thích hợp. Tinh thần khoa học ngày càng thâm nhập vào cuộc sống cụ thể, con người ngày càng trở nên thuần lý, xa dần với tập tục dị đoan. Lòng tin tôn giáo được cởi mở, giảm dần tính chất cực đoan, tình cảm hơn là giáo điều,.. Đó là thời đại của lý trí, xây dựng xã hội trên căn bản tôn trọng những quyền tự do căn bản của con người. Công cuộc tổ chức cuộc sống trên các lãnh thổ mới cho thấy rõ quyền lực trong xã hội không phải là một quyền thần thánh mà xuất phát từ một khế ước xã hội cụ thể giữa người dân để điều hòa cuộc sống chung, đồng thời bảo đãm các quyền tự do căn bản của con người.

Trên phương diện tình cảm tâm lý, đại đa số dân cư đều xuất phát từ những thành phần không còn có những mối ràng buộc tình cảm đối với Anh quốc. Họ gồm các thành phần bần cùng hay đang bị ngược đãi về tôn giáo, chính trị,... ở Anh quốc cũng như ở khắp nơi khác ở Âu châu, dứt khoát ra đi vĩnh viễn, trốn tránh cuộc sống bần cùng, áp bức. Ngay từ đầu, tinh thần độc lập đối với Anh quốc đã tiềm tàng trong mọi tầng lớp. Sự phụ thuộc váo Anh quốc chỉ là một giải pháp tạm thời để được bảo vệ trước áp lực bành trướng của các cường quốc đương thời  Hòa lan, Pháp, Tây ban nha,...

Trên phương diện kinh tế, để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách ở Anh, năm 1651, Luật Hàng hải (Navigation Act) ra đời nhắm làm suy yếu ưu thế của Hòa lan. Dưới thời Charles II, Luật Hàng hải được cũng cố thêm đối với các hàng hoá sản xuất trong các lãnh thổ thuộc địa: Các lãnh thổ thuộc địa chỉ được quyền giao thương trực tiếp với Anh quốc, không được quyền mua bán trực tiếp với các quốc gia khác, chỉ có thể xuất cảng các nguyên liệu quí giá đến Anh và Tô cách lan, không được quyền nhập cảng các sản phẫm chế biến từ một nước náo ngoài Anh.quốc. Các kỹ nghệ thuộc địa không được quyền phát triển trong mục tiêu cạnh tranh với kỹ nghệ Anh quốc,... Trong thực tế, các biện pháp trên cũng chỉ được áp dụng một cách tượng trưng vì khoảng cách xa xôi với Anh quốc, mẫu quốc không có đủ phương tiện để kiểm soát mà còn phải đương đầu với các cường quốc khác. Các thuộc địa còn cần sự bảo vệ của mẫu quốc và tìm cách tránh né các luật bằng hình thức buôn lậu, hối lộ công chức Anh.

      Trên phương diện chính trị, mầm mống của Cách mạng Hoa kỳ đã có sẵn từ trong bản chất của chế độ Nghị viện ở Anh. Ngay từ đầu, mỗi lãnh thổ mới đã được hưởng các qui chế tự trị rộng rãi. Mỗi lãnh thổ đều có những cơ cấu hành chánh địa phương riêng biệt, với sự hiện hữu của một Nghị viện dân cử rộng rãi, làm nẩy nỡ một tinh thần độc lập ngày càng được nới rộng. Sự hình thành của Chế độ Nghị viện ở Anh, với vai trò ưu thế ngày càng gia tăng của Hạ viện Anh,... cũng dần dần được thể hiện trên các lãnh thổ mới, nhất là khi các quyền bầu cử ở đây được nới rộng hơn nhiều. Quyền hạn của các Hạ viện địa phương ngày càng quan trọng: Các sắc thuế phải được Hạ viện thông qua, Hạ viện có quyền duyệt xét ngân sách và bổ nhiệm các chức vụ hành chánh quan trọng,... trong khi vai trò và ảnh hưởng của các Thống đốc, đại diện cho Nhà Vua, ngày càng bị giới hạn. Tình trạng này kéo dài cho đến khi Williams Pitt làm Thủ tướng ở Anh.

I.3.2. Các nguyên nhân trực tiếp. Bản Tuyên ngôn  Độc lập 1776.

Cuộc chiến 1756-1763 tuy đưa Anh quốc lên hàng đầu các Đế quốc đương thời nhưng đã làm cho ngân sách kiệt quệ mà còn phải tiếp tục chi tiêu để duy trì đạo quân khổng lồ và một guồng máy hành chánh trên các lãnh thổ thuộc địa. Đối với Anh quốc, giải pháp cho vấn đề là tổ chức lại hệ thống thuộc địa, ưu tiên cho các phát triển kinh tế ở Anh quốc, đòi hỏi các lãnh thổ thuộc địa đóng góp váo các chi phí chung trong Vương quốc. Đối với các lãnh thổ thuộc địa, khi áp lực của Pháp không còn nữa thì sự hiện diện của Anh quốc cũng không còn cần thiết và các can thiệp vào sự phát triển là một điều khó có thể chấp nhận. Hàng loạt các luật mới được ra đời: Luật tổ chức càc lãnh thổ miền Tây của dân bản xứ da đỏ (1763, ưu tiên cho việc khai thác da thú và ngăn chận các chương trình di dân. Luật này đã không áp dụng được mà Goerges III còn phải cho phép thành lập thêm ba lãnh thổ định cư mới: Québec, East Florida và West Florida). Luật nhập cảng đường (1764, dùng để sản xuất rượu xuất cảng, đánh thuế nặng trên các hàng cần thiết nhập cảng từ các lãnh thổ ngoại quốc ở Antilles. Luật này đụng chạm tới mọi lãnh thổ thuộc địa Anh, nhất la ở miền Bắc). Lụât cấm phát hành tiền giấy (1774, ảnh hưởng nặng đối với các lãnh thổ miền Nam). Luật tem thuế và Luật bảo trì các chi phí về quân đội (1765), gặp phải sự chống đối ở mọi miền. Một Đại hội được triệu tập ở Massachusetts với sự tham gia của 9 lãnh thổ, tố cáo sự vi phạm quyền tự do trong các lãnh thổ thuộc địa, làm cho Nghị viện Anh phải bãi bỏ Luât tem thuế năm 1766. Năm 1767, một luật  mới tăng thuế trà, gương, giấy, chì,..nhập cảng từ Anh lại gặp phải sự phản đối bằng cách tẩy chay không nhập cảng các hàng từ Anh. Nghị viện Massachusetts tuyên bố chống lại luật này liền bị Thống đốc giải tán và dùng quân đội đàn áp các chống đối. Cho đến năm 1770 luật này mới bị bãi bỏ.

Năm 1773, để tránh phá sản, Công ty Ấn độ được chính quyền Anh chấp thuận cho độc quyền bán trà trong các lãnh thổ thuộc địa Bắc Mỹ và miễn mọi thứ thuế ở Anh. Vì thế trà nhập cảng từ Anh còn rẽ hơn trà trên thị trường chợ đen, đồng thời loại trừ và làm xáo trộn thị trường trà ở các thuộc địa. Các lãnh thổ thuộc địa phản ứng bằng cách không nhập cảng trà từ Anh..Ngày 16/12/1773, trà từ Anh đến Boston trên ba thương thuyền bị đổ xuống biển. Phản ứng từ Anh thật là rõ rệt: Phải trừng phạt nặng để làm gương cho mọi lãnh thổ khác. Trong năm 1774, 4 đạo luật liên tiếp được ban hành nhắm kiễm soát Boston và Massachusetts. Đồng thời, để làm giảm ảnh hưởng của các lãnh thổ Puritans, một luật mở rộng lãnh thổ Québec, công nhận các luật dân sự Pháp áp dụng trước đây và che chở cho các tín đồ Thiên chúa giáo,...  được ban hành.

Một Nghị hội được triệu tập ở Philadelphia váo tháng 9/1774 với sự tham gia của 12 Nghị viện địa phương (trừ Georgia). Mục tiêu của Nghị hội chưa đòi hỏi Độc lập của các lãnh thổ thuộc địa mà chỉ đi đến Bản Tuyên ngôn về các Quyền, bảo vệ các quyền tự do đã đạt được trong quá khứ. Nghị hội cho rằng các trừng phạt đối với Boston và Massachusetts là quá đáng và quyết định khởi sự một giải pháp quân sự, ngưng các trao đổi thương mãi với Anh. Tháng 4/1775, quân dội Anh ở Boston nhận được lệnh đàn áp quân nỗi loạn ở Lexington và Concord nhưng trên đường trở về Boston lai bị quân nỗi loạn phục kích.

Ngày 10:5/1775, Nghị hội Philadelphia lản thứ hai được triệu tập với sự tham gia của 13 lãnh thổ và trở thành cơ quan chính thức điều hành cuộc tranh chấp, kêu gọi lật đỗ Chính quyền Hoàng gia trong 13 lãnh thổ để thay thế bằng các Chính quyền Cách mạng, dựa váo Nhân dân. Nghị hội giao cho George Washington chỉ huy quân đội cách mạng, đồng thời tuyên bố tuyệt giao với Nghị viện Anh nhưng không có tham vọng ly khai khỏi Vương quốc Anh. Tháng 9/1775 quân cách mạng đánh chiếm được Montréal nhưng bị cầm chân ỏ Quebec trong suốt mùa đông rồi sau đó bị quân đội Anh đánh lui. Phía cách mạng ngày càng chia rê mà cũng không thể chấp nhận giải pháp hòa giải. John Adam sau này ước đoán rằng trong 13 lãnh thổ, 1/3 dân chúng thì muốn giải pháp ly khai, 1/3 thì chống lại giải pháp đó và 1/3 còn lại thì không có ý kiến. Ở New York, New Jersey và Georgia đa số dân còn trung thành với Anh quốc trong khi ở Virginia, Massachusetts và Maryland đa số lại theo phe Cách mạng. Trong tình trạng chờ đợi, Nghị hội Philadelphia vẫn còn gởi đến George III một bản thỉnh cầu làm trọng tài nhưng đồng thời lại biện minh cho giải pháp quân sự. George III tuyên bố cấm mọi liên hệ với phe cách mạng phản loạn,... tạo một cơ hội cho các thành phần cấp tiến áp đặt mục tiêu của mình, đưa dư luận váo một cuộc tranh lụân về Dân chủ và ly khai với Vương quốc Anh.

Ngày 7/6/1776 Richard Henry Lee đề nghị giải pháp ly khai dành độc lập, thống nhất 13 lãnh thổ trong một Liên bang. Nghị hội chấp nhận và giao cho Thomas Jefferson chủ tọa một Hội đồng soạn thảo lời tuyên bố các lý do ly khai. Tuyên ngôn Độc lập được ra đời ngày 4/7/1776, với biện minh:.Các Chính quyền được người dân thiết lập trong mục tiêu bảo đảm các quyền không  thể chuyển nhượng được của mình mà tạo hóa đã ban cho từ lúc sinh ra. Quyền lực chính đáng của Chính quyền xuất phát từ sự đồng tình của người dân. Khi một hình thức Chính quyền nhắm tiêu diệt mục tiêu này thì người dân có quyền thay đổi hay huỷ bỏ Chính quyền đó và thành lập một Chính quyền mới trên các nguyên tắc và các cơ cấu tổ chức thích hợp với hoàn cảnh mới để duy trì an ninh và hạnh phúc của người dân.

Một trang lịch sử đã được viết xong nhưng sự Độc lập của các lãnh thổ thuộc địa Anh tự chứa đựng hai nghịch lý quan trọng. Trước tiên, xét cho kỹ thì các lãnh thổ ly khai đã chỉ có rất ít lý do (căn bản trầm trọng trực tiếp) để biện minh cho sự ra đi của mình. Nghịch lý thứ hai là nền Độc lập được thực hiện, không phải để chống lại các tập tục và Hiến pháp của Anh quốc, ngược lại nền Độc lập đó được thực hiện trên danh nghĩa của các tập tục và Hiến pháp của Anh quốc!.

I.3.3. Cuộc chiến tranh dành Độc lập.

      Cuộc Cách mạng Hoa kỳ không phải chỉ thể hiện sự đối nghịch giữa Anh quốc và Hoa kỳ mà còn thể hiện một sự chia rẽ trong nội bộ của người dân địa phương (Hoa kỳ): một cuộc chiến giữa hai lực lượng cách mạng và thủ cựu. Ngoài ra, ở giữa hai lực lượng này lại còn có tầng lớp quan trọng dân nô lệ da đen và các thổ dân địa phương bị đè nén từ mọi phía và không có nhiệt tình với lý tưởng Độc lập. Trong cuộc chiến với Anh quốc diễn ra sau đó, trước sự tàn phá của chiến tranh, đa số các dân bản xứ miền Tây đã lựa chọn đứng về phía Anh quốc. Trong khi đó một số nô lệ lợi dụng cơ hội để bỏ trốn qua càc vùng do quân Anh kiểm soát hay ẩn trốn trong các bộ lạc dân bản xứ. Ngoài ra, số người nô lệ phục vụ cho quân đội Anh cũng nhiều hơn số phục vụ cho Hoa kỳ.        

 Cuộc chiến được diễn ra trong điều kiện chênh lệch lực lượng rõ rệt. Một bên là một cường quốc hàng đầu của thế giới đương thời, dân số 11 triệu người, với khả năng trợ giúp của lực lượng thủ cựu bảo hoàng, của dân bản xứ và một đạo quân chính qui  48000 người. Tại chỗ, trong vùng Bắc Mỹ, năm 1776, Anh quốc đã có sẵn 32000 quân, 10000 thuỷ quân và 30 chiến hạm. Bên phía Cách mạng có một dân số khoảng 2,5 triệu người (20% là nô lệ da đen) chia rẽ nội bộ, với một quân đội khoảng 18000 người, không được trang bị đầy đủ, không kinh nghiệm chiến trường. Tuy nhiên phía Cách mạng lại có được thiện cảm của các cường quốc Pháp, Hoà lan, Tây ban nha,... đang chờ cơ hội để trả các mối thù cũ với Anh.

Tháng 9/1776, quân Anh chiếm đóng New york. Washington phải lui quân, Nghị hội Hoa kỳ phải rời Philadelphia về Baltimore nhưng ngăn chận được tấn công của quân Anh ở Trenton vá Princeton. Mùa xuận 1777, quân Anh tiếp tục tấn công ở phía Bắc, từ Québec và hồ Champlain, tiến đánh Albany từ phía Tây. Đồng thời một đạo quân Anh đổ bộ váo vịnh Chesapeake và tíến lên chiếm đóng Philadelphia. Nhưng ở miền Bắc, 5000 quân Anh thiếu tiếp viện, bị bao vây ở Saratoga phải ra hàng quân Cách mạng (tháng 10/1777). Mùa đông tiếp theo 1777-1778, là một thời kỳ khó khăn cho quân Cách mạng: Washington và 12000 quân lui về Valley Forge, ở vào một tình trạng cô lập tuyệt vọng làm hao tổn 3000 quân và 1000 đào ngũ vì binh tật, thiếu lương thực,... trong khi phần đông nông dân địa phương lại bán lương thực cho quân đội Anh. Tình thế trở nên sáng sủa hơn nhờ vào các thương thuyết ở Paris (2/1778), phe Cách mạng tìm liên minh với nước Pháp. Trong cuộc thương thuyết ở Paris, Anh chấp nhận bãi bỏ tất cả các luật ban hành từ năm 1763 nhưng không chấp nhận giải pháp độc lập của Hoa kỳ. Sau đó, Anh tuyên bố chiến tranh với Pháp. Liên minh với Pháp: Tây ban nha nhập cuộc năm 1779, rồi đến Hoà lan (1780). Sau khi đã ổn định ở Philadelphia, quân Anh tấn công xuống miền Nam, chiếm Georgia, South Carolina. Tháng 10/1780, 5000 quân Pháp dưới sự chỉ huy của Rochambeau đổ bộ vào Newport, đe doạ New York, làm thay đổi cuộc chiến. Quân Anh tập trung vào Virginia, bao vây Yorktown với 9500 quân dưới sự chỉ huy của Cornwallis nhưng liên quân của Washington, Lafayette và Rochambeau lại đông gấp đôi và lại được sự yểm trợ của hải quân của Đô đốc De Grasse. Ngày 9/10/1781, Cornwallis đầu hàng và cuộc chiến gần như kết thúc với sự bại trận của Anh.

Để giới hạn các thiệt hại, Anh mau chóng ký kết Hiệp định Paris ngày 3/9/1783, công nhận sự độc lập của Hoa kỳ, giao cho Hoa kỳ vùng đất rộng lớn phía Tây, giữa núi Appalaches và Mississippi, từ các hồ lớn ở phía bắc cho đến Florida và cho phép Hoa kỳ đánh cá trên vùng Terre-Neuve,.lưu thông trên sông Mississippi. Hoa kỳ chấp nhận không cản trở cho việc hoàn trả các nợ tư nhân cho các chủ nợ người Anh và trả lại tài sản cho các thành phần bảo thủ bảo hoàng. Với Hiệp định Versailles, ký kết cùng một lúc, hoà bình được tái lập giữa Anh, Pháp và Tây ban nha: Florida trả lại cho Tây ban nha, Tobago được giao lại cho Pháp

 

II. Nền tảng xây dựng Liên bang Hoa kỳ.

II.1. Hiến pháp 1787 và sự xuất hiện của các Đảng chính trị.      

II.1.1. Hiến pháp 1777 và Hiến pháp 17/9/1787.

Vào cuối năm 1776, sau Tuyên ngôn Độc lập, 8 tiểu bang đã xây dựng được các Hiến pháp Cộng hoà địa phương nhưng khái niệm Nhân dân vẫn chưa được xác định rõ rệt, quyền bầu cử và ứng cử, tuy được nới rộng hơn trước, nhưng cũng chỉ dành cho một số người da trắng giàu có trong khi đó phụ nữ, dân da đen, dân bản xứ da đỏ và dân da trắng không tài sãn,... vẫn còn ở ngoài hệ thống chính quyền. Hầu hết trong các tiểu bang Hiến chế được xây dựng trên căn bản quyền Hành pháp do một Thống đốc dân cử đãm nhận, Lập pháp gồm có hai Viện trong đó Hạ viện xuất phát từ các cuộc bầu cử trực tiếp,... Trong mọi tiểu bang, việc nhập cảng các nô lệ mới đều bị cấm đoán nhưng các dân nô lệ cũ vãn không được giải phóng, quyền tư hữu nô lệ vẫn được duy trì, nhất là ở các tiểu bang miền Nam, nền kinh tế phụ thuộc váo việc xử dụng lực lượng lao động nô lệ. Trong Liên bang, mỗi Tiểu bang là một đơn vị độc lập và có một Hiến pháp riêng biệt    

Quan trọng hơn cả là việc thiết lập các mối liên hệ giữa Liên bang và các Tiểu bang. Dự án của John Dickenson ở Pennsylvania được Nghị hội chấp nhận vào tháng 11/1777. Dự án phải được mọi tiểu bang chấp thụân trước khi áp dụng và là Hiến pháp đầu tiên của Hoa kỳ. Nghi hội Philadelphia trở thành cơ cấu điều hành quốc gia mới, các Tiểu bang đều có quyền đại diện bằng nhau. Nhưng Hiến pháp này chỉ là một Liên minh thân hữu trong đó các Tiểu bang vẫn giữ các chủ quyền của mình trên mọi lãnh vực chưa được giao phó cho Liên bang qua sự đồng thuận tuyệt đối. Năm 1779, 12 tiểu bang đã thông qua dự án nhưng Maryland từ chối và đòi hỏi các tiểu bang có chủ quyền trên các vùng đất phía Tây phải đặt các vùng đất này dưới sự quản trị của Liên bang. Yêu sách này được chấp nhận váo tháng 3/1781. Nghị hội điêu khiển chiến tranh dành Độc lập mặc dầu không có đầy đủ các chức năng của một Chính phủ bình thường. Quyền lực của Nghị hội được giới hạn trong các lãnh vực liên hệ đến chiến tranh, tiền tệ, ngoại giao để giải quyết các đòi hỏi cần thiết cho chiến tranh và làm trung gian hoà giải các tranh chấp giữa các tiểu bang. Trong Nghị hội, mỗi tiểu bang chỉ có một phiếu đại diện, các luật quan trọng phải được 2/3 đại diện chấp nhận, các thay đổi về Hiến pháp phải có sự đồng thuận của mọi tiểu bang. Các khó khăn dần dần xuất hiện vì Nghị hội không có quyền thâu thuế, không có quyền trong lãnh vực thương mãi, tài chánh,...

Chiến tranh làm cho tiền do các tiểu bang phát hành bị lạm phát và gián đoạn các giao thương với Anh quốc, thuốc lá sản xuất không có thị trường tiêu thụ, nông trại thiếu nợ,... Sau chiến tranh, các giao thương gặp phải sự cạnh tranh vì các hàng hóa của Anh giá thấp, gây xáo trộn trong mọi lãnh vực,.. gây nên cuộc nỗi loạn của nông dân và cựu chiến binh ở Massachusetts (1787). Biện pháp duy nhất mà Nghị hội thực hiện được, làm thoả mãn mọi người, là việc thông qua đạo luật Tây-Bắc (1785), dự định thành lập các tiểu bang mới cho các chương trình di dân, với hệ thống các Thị trấn (Townships, 36 dặm vuông), đất sẽ được đưa ra bán đấu giá, giá tối thiểu là 1 dollar một mẫu. Các tiểu bang mới đều sẽ có những quyền hạn, các quyền tự do căn bản giống như các thành viên cũ nhưng không có quyền tư hữu về nô lệ.

Nghị hội được triệu tập 2 lần để giải quyết các khó khăn, giữa hai giải pháp, hoặc là Thống nhất lãnh thổ trong một Liên bang với một Chính quyền trung ương mạnh hoặc là Chia ly;.. Lần thứ nhất, năm 1786, ở Annapolis (Maryland), thất bại, chỉ có 5 tiểu bang tham dự. Lần thứ hai, vào tháng 1/1787, ở Philadelphia, cùng thời kỳ của cuộc nổi loạn nông dân ở Massachusetts. Biến cố này đã thúc đẩy Nghị hội đi tới quyết định tìm giải pháp sửa đổi các Điều lệ về Liên bang của Hiến pháp 1777. Ngày 25/5/1787, 55 nhân vật (đa số lthuộc thành phần thượng lưu, giàu có, danh tiếng đương thời...) đại diện cho 12 tiểu bang tham dự Nghị hội Philadelphie, dưới sự chủ toạ của George Washington. Tiểu bang Rhode Island không tham dự, chống lại mọi gia tăng quyền lực cho Chính quyền trung ương. Thay vì sửa đổi trong những điều kiện đã được qui định theo Hiến pháp 1777, Nghị hội lấy một quyết định táo bạo, đặt mục tiêu soạn thảo một Hiến pháp mới, giữ kín các tranh luận cho đến khi đưa ra được một dự án mới. Ngày 17/9/1787 nội dung của Dự án được công bố, trước khi tổ chức tranh luận và làm các thủ tục hợp thức hoá ở các Tiểu bang.  Dự án thiết lập một chính quyền Liên bang mạnh, với một sự phân quyền giữa ba lãnh vực Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Lập pháp giao cho Nghị viện Liên bang gồm có Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện đại diện cho các Tiểu bang trong Liên bang, mỗi Tiểu bang có hai đại diện, nhiệm kỳ 6 năm. Phó Tổng thống chủ toạ Thượng viện nhưng chỉ được dùng quyền  bỏ phiếu để quyết định khi các phe phái có lực lực lượng đồng đều. Hạ viện đại diện cho Nhân dân ở các địa phương, nhiệm kỳ 2 năm, mỗi tiểu bang có một số Dân biểu tuỳ theo dân số. Quyền lực của Nghi viện được giải thích một cách rộng rãi, với những Quyền ẩn tàng: Làm các Luật cần thiết để thực hiện các Quyền của mình cũng như của các quyền khác của Chính phủ Liên bang hay của các Bộ,... được ghi trong Hiến pháp. Hành pháp do Tổng thống đảm nhận, nhiệm kỳ 4 năm, được bầu qua hệ thống Đại cử tri do dân bầu ra ở các tiểu bang. Tổng thống là Tổng tư lịnh Quân đội, lãnh đạo ngành Ngoại giao, quản trị guồng máy hành chánh Liên bang. Tư pháp được giao cho Tối cao Pháp viện và những Toà án cấp dưới. Nghị viện có quyền tổ chức và thiết lập hệ thống Tư pháp tùy theo nhu cầu cần thiết. Tổng thống có quyền bổ nhiệm các Thẩm phán của Tối cao Pháp viện. Bình đẳng về pháp lý, mỗi Tiểu bang là một lãnh thổ tự trị với một Hiến pháp riêng biệt, chủ yếu dựa trên căn bản của Hiến pháp Liên bang.

Hiến pháp 1787 cũng không bao giờ được đưa ra để hỏi ý kiến của Nhân dân một cách trực tiếp mà chỉ sẽ được thông qua trong các tiểu bang bằng các thủ tục đặc biệt. Ngoài ra, để tránh tình trạng chống đối kỳ cùng của mỗt thiểu số, Nghị hội Philadelphia cũng quyết định rằng chỉ cần được chấp nhận ở 9 tiểu bang thì văn bản mới sẽ trở thành Hiến pháp chung của Liên bang (với 13 thành viên): Điều kiện này được thỏa mãn váo tháng 6/1788 khi New Hampshire chấp nhận Dự án. Trong khi chờ đợi, các tranh luận được diễn ra không kém căng thẳng và khuynh hướng Liên bang cũng đã phải hứa hẹn sau này sẽ bổ túc Hiến pháp với các Điều bảo đãm các Quyền. tự do cân bản cá nhân cũng như của các Tiểu bang..

II.1.2. Sự xuất hiện của khuynh hướng Dân chủ - Cộng hoà.

      Với Hiến pháp mới, khuynh hướng Liên bang thắng cử năm 1788, George Washington được bầu làm Tổng thống, John Adam làm Phó Tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Quốc hội cho thiết lập 4 chức vụ chính yếu trợ giúp Tổng thống điều hành guồng máy Hành pháp Liên bang: Bộ trưởng Ngoại giao, Tài chánh, Quốc phòng và Tư pháp. Thomas Jefferson, Alexander Hamilton, Henry Knox và Edmund Randolph được Washington bổ nhiệm vào các chức vụ trên. Guồng máy Tư pháp cũng được Quốc hội thiết lập, với 6 vị Thẩm phán ở Tối cao Pháp viện, 3 Tòa án lưu động và 13 Tòa án địa phương. Ngày 15/12/1791, 10 Tu chính án Hiến pháp được Quốc hội thông qua, bảo đãm các quyền tự do căn bản, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tu chính án thứ 10 bảo đảm cho các Tiểu bang các Quyền mà Hiến pháp không giao cho Chính quyền Liên bang.

      Trong thời kỳ đầu, để giải quyết các khó khăn tài chánh, Hamilton tìm cách gắn liền tầng lớp thượng lưu giàu có với quyền lợi và số phận của Chính quyền Liên bang. Để thanh toán các món nợ do chiến tranh để lại, năm 1791 Hamilton đề nghị đãm nhận là trách nhiệm của Chính quyền trung ương, một cách nói để đòi hỏi sự đóng góp của mọi tiểu bang, gây bất mãn trong các tiểu bang miền Nam đã thanh toán xong các món nợ của mình và nay phải tiếp tục trả nợ cho các tiểu bang khác. Để có sự hổ trợ cần thiết, Hamilton phải nhường cho miền Nam địa điểm, Quận Liên bang Washington, làm trụ sở của Thủ đô tương lai. Khuynh hướng Liên bang đã bắt đầu rạn nứt, Madison công khai chống lại Hamilton.

      Khi Hamilton đề nghị thành lập Ngân hàng Quốc gia để điều hành các dịch vụ thương mãi, tín dụng, phát hành tiền tệ,... các chống đối trở nên gay gắt. Jeffferson và Madison dựa trên cách giải thích hẹp của Hiến pháp cho rắng đề nghị của Hamilton là không hợp Hiến, vi Hiến pháp không không đề cập đến việc thành lập các Ngân hàng. Nhưng Hamilton lại dựa vào cách giải thích rộng, và được Washington đồng ý, cho rằng Quốc hội có những Quyền ẩn tàng và được Quốc hội chấp nhận.

      Hamilton chủ trương giải pháp kỹ nghệ hóa lãnh thổ để cạnh tranh với các hàng ngoại quốc và gia tăng thuế bảo trợ hàng hóa để phát triển các xí nghiệp. Để có ngân sách cần thiết cho chính quyền trung ương, Quốc hội cho tăng quan thuế thiết lập năm 1789 và nhờ váo các phát triển mau chóng của thương mãi mà trang trãi được khoảng 90% ngân sách Liên bang. Việc áp dụng biện pháp này váo trường hợp của rượu whisky lại gặp phải sự chống đối của các nông trại miền Tây và Hamilton đã phải dùng một đạo quân 13000 ngàn người mới lập lại trật tự.    

      Đường lối của Hamilton thuận lợi cho các thế lực thượng lưu giàu có trong các giới thương gia, tài chánh, xí nghiệp miền Bắc và miền Trung tâm và khuynh hướng Liên bang, được tập hợp xung quanh quan niệm của một chính quyền trung ương mạnh, một trật tự rõ rệt và một giải thích Hiến pháp rộng rãi. Phía đối lập, được nhận diện dưới tên gọi Dân chủ - Cộng hoà (hay Cộng hoà), dưới sự lãnh đạo của Jefferson và Madison, được sự ủng hộ của các giới chủ nông trại miền Nam và miền Tây và chủ trương bảo vệ các quyền tự do căn bản của Nhân dân, các quyền của các Tiểu bang và một giải thích Hiến pháp hẹp.

      Năm 1792, Washington được tái cử dễ dàng nhưng khuynh hướng Dân chủ - Cộng hoà chiếm đa số ở Quốc hội. Các tranh chấp còn phức tạp hơn nữa vì đường lối ngoại giao. Cách mạng Pháp cùng với các tuyên bố chiến tranh với Anh và Tây ban nha không gây được thiện cảm trong khuynh hướng Liên bang trong khi phía Dân chủ - Cộng hòa tiếp tục ủng hộ Cách mạng Pháp. Ngày 22/4/1793, Washington tuyên bố sự trung lập của Hoa kỳ, phía Dân chủ - Cộng hoà cho rằng thái độ của Washington là trái với HIến pháp vì một sự tuyên bố trung lập, cũng như tuyên bố chiến tranh thuộc thẫm quyền của Quốc hội. Mặc dầu vậy, chiến tranh là cơ hội mang lại phát triển cho nền kinh tế. Với vị trí trung lập, mọi khuynh hướng đều có lợi trong việc giao thương với mọi phe trong chiến tranh. Nhưng sự trung lập gặp phản ứng bất lợi của Anh: Các thương thuyền Hoa kỳ bị hải quân Anh bắt giữ, đồng thời Anh từ chối rời bỏ các vùng đất ở miền Tây khi Hoa kỳ chưa giải quyết xong các món nợ. Quốc hội Hoa kỳ phản ứng lại với lịnh cấm giao thương với Anh (1794) nhưng biện pháp này hoàn toàn bất lợi cho nền ngoại thương nên khi Anh tỏ vẻ hòa dịu thì Hoa kỳ liền chấp nhận, chỉ tái lập các giao thương với Anh để Anh trao lại các vùng đất ở miền Tây (1796). Đồng thời các thương thuyết với Tây ban nha cho phép Hoa kỳ được dùng hải cảng New Orleans, giao thông trên sông Mississippi và ổn định  biên giới ở Florida.

      Cho đến nay, các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử đều ra ứng cử với tư cách cá nhân. Năm 1796, Washington quyết định không ra ứng cử và, không như các lần trước, các ứng cử viên khác đều ra ứng cử như là đại diên cho một khuynh hướng chính trị nhất định. Khuynh hướng Dân chủ - Cộng hoà tuyển chọn người của mình khắp mọi nơi, nhất là trong giới chủ nông trại miền Nam, giới thợ thuyền và thủ công nghiệp ở các thành phố và chủ nông trại nhỏ ở miền Tây,... trong khi khuynh hướng Liên bang đại diện cho tầng lớp thượng lưu giàu có, có uy tín và kinh nghiệm chính trường và đang cầm quyền,... Năm 1796, khuynh hướng Liên bang tiếp tục cầm quyền, với đa số tạI Quốc hội và John Adams ở chức vụ Tổng thống nhưng sự chia rẽ trong khuynh hướng Liên bang cho phép lãnh tụ Cộng hòa, Jefferson, trở thành Phó Tổng thống.

Sự thân thiện của Hoa kỳ đối với Anh làm cho Pháp bất mãn, ngăn chận các thương thuyền buôn bán với Anh. Dưới ảnh hưởng của khuynh hướng Liên bang, Hoa kỳ hầu như ở trong tình trạng chiến tranh với Pháp. Tháng 6-7/1798, Quốc hội cho thông qua một số Luật về người ngoại quốc và Luật phản loạn, trong mục đích đàn áp và gây khó khăn trong việc định cư những người gốc Pháp, Ái nhĩ lan,... mà đa số thuận lợi cho khuynh hướng Cộng hoà. Jefferson và Madison phản ứng lại bằng cách cho Nghị viện địa phương Kentucky và Virginia thông qua các quyết định huỷ bỏ các Luật của Quốc hội Liên bang, dựa trên lập luận cho rằng Hiến pháp là một Khế ước giữa các Tiểu bang, các Tiểu bang có quyền từ chối các Luật của Quốc hội Liên bang khi càc Lụât này đi quá các quyền hạn ghi trong Hiến pháp.

Binh vực Quyền của các Tiểu bang và chống lại các Luật phản dân chủ và chống chiến tranh, Jefferson trở thành Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1800, khuynh hướng Dân chủ - Cộng hòa chiếm đa số ở Quốc hội, chấm dứt thời đại của khuynh hướng Liên bang và mở đầu cho một giai đoạn thực hiện Dân chủ, bãi bỏ các Luật 1798 về người ngoại quốc và Luật phản loạn, bãi bỏ các thuế trên các hàng nội địa, kể cả thuế trên rượu whisky, giảm quân đội và hải quân,... làm ổn định ngân sách.

II.1.3. Cuộc chinh phục mièn Tây. Việc mua bán lãnh thổ La Louisiane.

Cho đến năm 1800 dân số Hoa kỳ tăng trưởng mau chóng, chủ yếu là do các chương trình di dân vào nội địa, đạt được con số 5300000 người, đa số 95% sống trong các vùng nông thôn. Từ Bắc đến Nam, người dân vượt vùng núi Appalachia để định cư ở các vùng đất trù phú miền Tây. Năm 1792, Kentucky được nhận vào Liên bang và năm 1796 là Tennessee, đón nhận phần lờn dân  nghèo miền Nam. Năm 1820, dân số hai tiểu bang này lên đến 100000 người. Ở phía Bắc, các dân từ New England đến định cư ở Vermont va Maine, đi tìm các đất mới rẻ và rộng hơn. Vermont được nhận vào Liên bang năm 1791 (và Maine, năm 1820). Trong tiểu bang New York, cho đến năm 1800, ở miền Tây có đến 800000 người định cư ở giữa Buffalo và Albany.

Chính quyền Dân chủ - Cộng hòa nới lỏng thủ tục mua đất mới, giảm gía đất và là cơ hội cho nạn đầu cơ trục lợi. Trong vùng Tây Bắc, nông dân không cần được lênh chính thức và thương thuyết với thổ dân địa phương như đã được qui định từ năm 1790,... đã đi chiếm đất, gây bất mãn khắp nơi với dân bản xứ và định cư trong những điều kiện bất ổn. Năm 1803, Ohio được nhận vào Liên bang

Năm 1800, để xây dựng một Đế quốc ở Mỹ châu, Napoléon ký kết một Hiệp ước với Tây ban nha và lấy lại vùng đất rộng lớn La Louisiane, có khả năng gây khó khăn cho Hoa kỳ trong việc dùng hải cảng New Orleans và giao thông trên sông Mississippi. Jefferson tìm cách thương thuyết với Paris để mua lại New Orléans thì đúng lúc quân đội Pháp đang gặp khó khăn tại Haiti và được Napoléon nhường lại La Louisiane với giá 15 triệu dollars. Mặc dầu Hiến pháp Hoa kỳ không tiên liệu khả năng để cho Liên bang mua thêm lãnh thổ nhưng Jefferson đã không bỏ qua cơ hội hiếm có này để mua La Louisiane, làm gia tăng gấp đôi lãnh thổ Liên bang đương thời. Năm 1803, Thượng viện chấp nhận sự kiện này và Hạ viện bỏ phiếu cung cấp ngân sách   cần thiết (Tiểu bang Louisiana được thành lập và nhận vào Liên bang năm 1812).

II.1.4. Chiến tranh với Anh quốc 1812-1815.

Ngay từ đầu, Jefferson vẫn gjữ vị trí trung lập trong cuộc tranh chấp giữa Cách mạng Pháp và Âu châu để có thể giao thương với cả hai phía nhưng Anh quốc đang làm chủ trên mặt biển và đánh chiếm các tàu Hoa kỳ giao thương vói Pháp. Năm 1807, Jefferson ra lịnh cấm giao thương để làm áp lực với cả hai phe nhưng thất bại:và gần như phải bãi bỏ lịnh này trước khi chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai của mình. Tuy nhiên, khuynh hướng Dân chủ - Cộng hoà vẫn còn đa số trong Quốc hội, với James Madison là Tổng thống sau cuộc bầu cử năm 1808 và tiếp tục lập trường trung lập.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1810, khuynh hướng Dân chủ - Cộng hòa lại được tăng cường thêm với những thành phần trẻ, mới xuất hiện ở miền Tây và miên Nam, muốn bành trướng lãnh thổ về phương Tây cũng như xâm chiếm Canada và Florida. Năm 1811, dân bản xứ ở Indiana, dưới sự lãnh đạo của Tecumesh tìm đươc liên minh với Anh để chống lại các đàn áp của Thống đốc Williams Harrison. Về phía Hoa kỳ cũng chỉ còn giải pháp chiến tranh mới giải quyết được vấn đề dân bản xứ da đỏ và các quyền trung lập đối với cuộc chiến ở Âu châu. Chiến tranh được Madison tuyên bố vào tháng 6/1812 và được Quốc hội chấp thuận trong tình trạng chia rẽ nội bộ. Các tiểu bang miền Tây và miền Nam tán thành, các tiểu bang miền Trung tâm và New England thì chống lại chiến tranh. Trong tình trạng chia rẽ và thiếu chuẩn bị, nhất là khi quân đội và hải quân đã bị suy yếu đi nhiều dưới thời kỳ Jefferson, cuộc chiến ở Canada không đạt được các kết quả hữu hiệu. Mặc dầu các chiến thắng của Hoa kỳ ở vùng các hồ lớn và ở York (Toronto), hải quân Anh vẫn còn hữu hiệu trên Đại tây dương, đổ bộ vào vịnh Chesapeak và tiến quân lên đốt phá Thủ đô Liên bang Washington váo mùa hè năm 1814. Chiến thắng quan trọng duy nhất của Hoa kỳ là trận đánh ở New Orleans, ở đó Andrew Jackson đánh bại quân Anh ngày 8/1/1815. Hiệp ước Gand được ký kết ngày 24/12/1815, hai bên trở về vị trí cũ, người thua trận là các thổ dân da đỏ miền Tây. Hoa kỳ tiếp tục bành trướng lãnh thổ về phía Tây, hầu như không còn ai ngăn cản được nữa. Chiến tranh vừa qua đã là cơ hội để phát triển kỹ nghệ, sản xuất những sản phẩm mà Anh quốc không cung cấp nữa. ..

Phe Dân chủ - Cộng hoà tiếp tục cầm quyền, với James Monroe đắc cử Tổng thống năm 1816 (và tái cử năm 1820), hầu như không có đối lập, khuynh hướng Liên bang hầu như không còn nữa. Trên thực tế, khuynh hướng Dân chủ - Cộng hoà cũng đã thực hiện hầu hết các chính sách của khuynh hướng Liên bang mà Hamilton đề ra trước đây. Năm 1816, Ngân hàng Quốc gia thứ hai được thành lập và lần đàu tiên Hoa kỳ áp dụng chính sách bảo trợ kiinh tế, trước sự cạnh tranh mới của các hàng hóa của Anh. Các chương trình phát triển hệ thống giao thông Liên bang cũng được chính quyền Cộng hoà xúc tiến. Trên phương diện ngoại giao, lãnh thổ Florida được Tây ban nha nhường lại cho Hoa kỳ vao năm 1819. Tên của Monroe thường được gắn liền với chủ trương chống lại mọi sự can thiệp của các cường quốc Âu châu vào nội bộ Hoa kỳ cũng như của Hoa kỳ vào các tranh chấp giữa các cường quốc Âu châu.

Indiana được nhận vào Liên bang năm 1816, Illinois năm 1818 và Alabama năm 1819. Cuộc sống trong các vùng đất  mới  cũng rất khó khăn vi thiếu an ninh và thiếu phương tiện giao thông chuyên chở hàng hóa về miền Đông để xuất cảng. Phải chờ cho đến năm 1825, khi hoàn thành kinh đáo nối liền Buffalo-Albany thìi hàng hóa mới đến hải cảng New York để xuất cảng dễ dàng. Các nơi khác cũng được phát triển tương tự, làm cho cuộc di dân về phương Tây ngày càng gia tăng.

II.1.5. Sự thành lập các Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng hoà.

Một khả năng hòa giải vừa xuất hiện nhưng nhiều yếu tố khác lại xuất hiện và đưa đến những xung đột mới giữa các địa phương, được tạm thời giải quyết nhưng tăng dần với thời gian,... cho tới Chiến tranh phân ly Nam - Bắc 1860-1865,...

Trước tiên, hai miền Nam và Bắc đi vào hai con đường phát triển khác nhau. Miền Bắc là một xã hội không chấp nhận quyền sở hữu nô lệ, đi vào con đường phát triển về kỹ nghệ và các lãnh vực thương mãi, tài chánh. Trong xã hội miền Nam, sử dụng nô lệ là một quyền tư hữu, phát triển về nông nghiệp, sản xuất bông gòn, chủ yếu thoả mãn các nhu cầu ngày càng tăng của kỹ nghệ dệt ở miền Bắc và ở Anh. Miền Nam ngày càng phụ thuộc miền Bắc về các sản phẫm kỹ nghệ, các nhu cầu dịch vụ tài chánh và thương mãi. Sự khác biệt này đưa đến tranh chấp giữa hai đường lối mâu thuẫn nhau về Tự do mậu dịch mà miền Nam đòi hỏi hay Bảo trợ mậu dịch mà miền Bắc áp đặt.

Kế đến là cuộc tranh chấp của hai miền về sự bành trướng lãnh thổ về phía Tây. Sự thành lập của các lãnh thổ mới, sự nới rộng của các quyền bầu cử và ứng cử là những yếu tố căn bản gây ra các tranh chấp. Thoả hiệp Missouris (1820) là một sự kiện điển hình, hai xã hội bành trướng song song, dựa trên một sự cân bằng tạm thời về quyền tư hữu nô lệ. Khi Missouris xin vào Liên bang năm 1819, Hoa kỳ đã sẵn có 11 tiểu bang chấp nhận và 11 tiểu bang không chấp nhận quyền tư hữu nô lệ, trong khi đó Missouris là một vùng chấp nhận quyền tư hữu nô lệ và ở biên giới hai miền. Một đề nghị được đưa ra ở Quốc hội nhằm cấm chế độ nô lệ trong tương lai nhưng gặp phải sự chống đối của các tiểu bang miền Nam. Các tranh luận kéo dài một năm mới tìm ra một thoả hiệp chấp nhận cho Maine gia nhập vào Liên bang năm 1820 rồi đến lượt Missouris năm 1821 với điều kiện là từ đó về sau Nô lệ sẽ bị cấm tại phía bắc vĩ tuyến 36°30'. Thoả hiệp này được tôn trọng cho đến năm 1850, khi chế độ nô lệ được cháp nhận trở lại trong các lãnh thổ đã từ chối chế độ đó.

Sự bành trướng lãnh thổ về phía Tây làm xáo trộn hệ thống bầu cử và sự cân bằng các lực lượng chính trị, trong nội bộ của khuynh hướng Dân chủ - Cộng hòa. Trong thời gian 1800-1840, số tiểu bang tăng gấp đôi và dân số Hoa kỳ tăng gấp ba nhưng dân số miền Tây lại tăng gấp 10 lần. Trong các tiểu bang mới, quyền bầu cử gần như là phổ thông cho phái nam. Trên toàn lãnh thổ, 90% phái nam, da trắng có quyền bầu cử. Phụ nữ và dân da đen hầu như không có quyền này. Năm 1824, John Quincy Adams đắc cử Tổng thống mặc dầu chỉ được 84 phiếu đại cử tri, trong khi Andrew Jackson được 99 phiếu (và dẫn đầu với 43% số phiếu phổ thông): Trong 4 ứng cử viên Dân chủ - Cộng hoà, không ai đạt được đa số 50% phiếu đại cử tri nên cuộc bầu cử được giải quyết ở Hạ viện và John Quincy Adams thắng cử. Adams chủ trương một chương trình phát triển mạnh Liên bang nhưng không được Quốc hội chấp thụân vì đa số dư luận lại có khuynh hướng tự trị, làm rối loạn các dự định bành trướng ở miền Nam. Năm 1828, các biện pháp Bảo trợ mậu dịch do miền Bắc yêu cầu được chấp nhận, trong khi miền Nam cần các biện pháp Tự do mậu dịch để bán các sản phẩm của mình và cho rằng biện pháp này là không hợp với Hiến vì chỉ nhắm bảo vệ quyền lợi của một số địa phương và bất lợi cho nhiều địa phương khác. Vì chia rẽ nội bộ, khuynh hướng Dân chủ - Cộng hoà chia thành hai. Một bên thành lập Đảng Cộng hòa do Adams cầm đầu và tương trưng cho các thế lực thượng lưu. Bên kia là  Đảng Dân chủ của Jackson.

Jackson là tượng trưng cho Dân chủ, cho số đông quần chúng thuộc mọi khuynh hướng, ở cả hai miền Nam Bắc. Jackson thường áp dụng lập trường hoà giải (mâu thuẫn nhau) tuỳ theo từng trường hợp để giữ thăng bằng trong nội bộ của mình. Jackson thắng cuộc bầu cử Tổng thống năm 1828. Năm 1830, Quốc hội đề nghị gia tăng điều kiện sở hữu đất đai. Các tiểu bang miền Tây tố cáo tính bất hợp Hiến (và được miền Nam ủng hộ) cho đó là một biện pháp nhắm cầm giữ lực lượng lao động cho miền Bắc. Khi Nghị viện South Carolina sửa soạn hủy bỏ các biện pháp bảo trợ mậu dịch và doạ ly khai thì Jackson đáp lại bằng một đạo luật cho phép chính quyền trung ương sử dụng vũ lực đàn áp để bảo vệ thống nhất lãnh thổ nhưng đồng thời cũng yêu cầu Quốc hội giảm dần các biện pháp bảo trợ để thoả mãn một phần miền Nam. Trong cuộc tranh chấp giữa Ngân hàng Quốc gia và các ngân hàng địa phương, Jackson đứng về phía các địa phương. Hiến ước Ngân hàng Quốc gia đã được gia hạn váo năm 1816, sẽ hết hạn vào năm 1836 nhưng, để làm áp lực trên cuộc bầu cử năm 1832, Ngân hàng Quốc gia yêu cầu Quốc hội gia hạn Hiến ước trước và được Quốc hội chấp thụận nhưng lại bị Jackson dùng quyền phủ quyết. Sau khi thắng cử năm 1832, Jackson hủy bỏ Hiến ước của Ngân hàng trước thời gian hạn định. Trong các năm 1833-1836, Ngân hàng Quốc gia phản ứng lại bằng cách đòi thanh toán các nợ, gây ra một cuộc khủng hoảng mà hậu quả trầm trọng với nạn lạm phát, đầu cơ kéo dài mãi cho đến 1843 mới hết. Đối lập với Jackson, gồm các thương gia, doanh nhân, đại địa chủ,... đã mau chóng tập hợp trong một Đảng chính trị Whig (Whig có khuynh  hướng hữu cấp tiến được thành lập vào mùa đông 1833-1834 cùng tên với Đảng đối lập với Georges III ở Anh). Đảng Dân chủ thắng trong cuộc bầu cử năm 1836, với Tổng thống Van Buren, nhưng phải gánh chịu các hậu quả của cuộc khủng hoảng: 800 ngân hàng địa phương ngưng hoạt động, các xí nghiệp phá sản, thất nghiệp và nạn nghèo đói gia tăng (1837). Đảng Whig chiến thắng vào năm 1840 nhưng Tổng thống Harrison qua đời một tháng sau khi nhận chức. Phó Tổng thống John Tyler lên thay lại là người ở Virgina và theo đường lối của Đảng Dân chủ, trước đây gia nhập Whig vì sự độc tài của Jackson, đưa đến một tình trang khó khăn: Tổng thống và Quốc hội chống đối lẫn nhau.

II.1.6. Chiến tranh với Mexico và hoàn tất cuộc chinh phục miền Viễn Tây.

Cuộc tranh chấp gay gắt khởi sự trên vấn đề Texas. Từ năm 1821, xứ Mexico rời khỏi Đế quốc Tây ban nha và trở thành độc lập và dân Hoa kỳ bắt đầu đến định cư ở Texas, một lãnh thổ của Mexico. Năm 1835 dân Hoa kỳ ở Texas lên đến 20000 người, Mexico muốn hạn chế sự định cư của dân Hoa kỳ và bãi bỏ chế độ nô lệ. Chiến tranh bùng nỗ năm 1835, kết thúc năm 1836 sau chiến thắng ở Alamo của dân Hoa kỳ và Texas trở thành độc lập. Trong cùng thời gian, Arkansas (1836) và Michigan (1837) được chấp nhận vào Liên bang. Năm 1837, Texas xin gia nhập vào Liên bang,. nhưng bị Quốc hội từ chối vì Liên bang đang ở trong thế quân bình, với 13 tiểu bang chấp nhận chế độ nô lệ và 13 tiểu bang không chấp nhận nô lệ, trong khi đó Texas lại chấp nhận chế độ nô lệ. Tuy nhiên Jackson cho thiết lập quan hệ ngoại giao đặc biệt với Texas. Năm 1844, vào những ngày cuối của nhiệm kỳ, Tyler cho thông qua việc sáp nhập Texas theo thủ tục của một đạo luật thông thường ở Quốc hội.

Đảng Dân chủ thắng trong cuộc bầu cử năm 1844. Tổng thống James K. Polk là một nhân vật thuộc khuynh hướng bành trướng lãnh thổ và chủ trương để cho mỗi lãnh thổ lựa chọn đường lối cho mình. Năm 1845, Florida Texas được chấp nhận vào Liên bang và Iowa năm 1846. Năm 1846, Anh quốc nhường lãnh thổ rộng lớn Oregon ở phía Bắc cho Hoa kỳ. Đa số Whig ở miền Bắc chống lại chính sách bành trướng của Polk, sợ điều này làm tái diễn cuộc tranh chấp về chế độ nô lệ. David Wilmot (Dân chủ) đưa ra đề nghị cấm chế độ nô lệ trên các lãnh thổ mới chinh phục được của Mexico, gây xáo trộn trong nội bộ của cả hai đảng Dân chủ và Whig. Whig và Dân chủ miền Nam họp thành một liên minh chống lại đề nghị Wilmot trong khi Whig và Dân chủ miền Bắc thi bỏ phiếu thuận. Kết quả, đề nghị của Wilmot không được thông qua. Một khuynh hướng khác, Free-Soil, thì chủ trương chấp nhận chế độ nô lệ ở đâu đã có sẵn nhưng chống lại chế độ nô lệ trên những lãnh thổ mới. Trong thực tế, tình thế đã thay đổi quá mau, chiến tranh với Mexico cũng đã khởi sự từ năm 1846 và Hiệp ước Hidalgo, 1848, đem lại cho Hoa kỳ các lãnh thổ rộng lớn của Mexico ở phía tây Texas, từ New Mexico cho đến California..

Với các lãnh thổ Oregon và California mới được từ tay Anh quốc và Mexico, Hoa kỳ hoàn tất cuộc chinh phục miền Tây lục địa Bắc Mỹ. Trong khoảng thời gian ngắn, 1845-1848, lãnh thổ được tăng thêm 70% (gấp 3 lần, so với năm 1800) và Hoa kỳ trở thành chủ nhân thật sự của lục địa Bắc Mỹ, từ Đông sang Tây, giữa Đại tây dương và Thái bình dương, với 31 đơn vị tự trị (tiểu bang), 23 triệu dân trong đó có 4 triệu da đen.

 

II.2. Cuộc chiến tranh phân ly Nam - Bác.

II.2.1. Các nguyên nhân trực tiếp.

Vấn đề là phải tìm cách tổ chức lại lãnh thổ và giải quyết vấn đề nô lệ trong các lãnh thổ mới.

Cuộc bầu cử 1848 được diễn ra xung quanh đề tài về chế độ nô lệ, Đảng Whig thắng cử (lần cuối cùng) với Tổng thống Zachary Taylor. Năm 1849, California và Utah xin vào Liên bang trong khi đó lại xuất hiện các tranh chấp giữa các lãnh thổ New Mexico (tự do) và Texas (nô lệ) và các áp lực muốn xóa bỏ chế độ nô lệ ở Thủ đô Liên bang. Đồng thời, miến Nam đòi hỏi miền Bắc phải tôn trọng và áp dụng các luật giao trả các nô lệ bỏ trốn đi tìm tự do. Taylor qua đời năm 1850, Millard Fillmore lên thay thế là một thành phần ôn hòa Whig miền Bắc, muốn hoà giải với miền Nam và vận động để Quốc hội lần lượt thông qua 5 đạo luật: Chấp nhận California là một tiểu bang tự do; Thành lập các lânh thổ New Mexico và Utah và để cho dân địa phương quyết định về chế độ nô lệ; Giải quyết ôn hoà các tranh chấp giữa New Mexico và Texas; Bãi bỏ việc mua bán nô lệ ở Thủ đô Liên bang; Áp dụng quyền của người chủ để thu hồi các nô lệ bỏ trốn đi tìm tự do. Lập trường của Fillmore gây bất mãn trong Whig ở miền Bắc nhưng được Đảng Dân chủ dùng làm chương trình, tạo lại sự đoàn kết như trước đây ở cả hai miền Nam - Bắc và thắng trong cuộc bầu cử năm 1852 với Franklin Pierce làm Tổng thống. Sau khi thắng cử, Pierce chủ trương bành trướng lãnh thổ và chấp nhận chế độ nô lệ, làm mất hết các hậu thuẫn ở miền Bắc.

Đạo luật Kansas - Nebraska tổ chức các lãnh thổ Kansas và Nebraska ở phía tây của Missouris, được Quốc hội thông qua năm 1854, hầu như làm tan rã Đảng Whig, làm suy yếu Đảng Dân chủ và là cơ hội để cho Đảng Cộng hòa (do John Quincy Adams thành lập năm 1828) tái xuất hiện trên chính trường. Theo thoả ườc Missouris, hai lãnh thổ này đương nhiên không chấp nhận chế độ nô lệ nhưng, để tìm hậu thuẫn ở miền Nam cho một dự án đường xe lửa xuyên lục địa, một đạo luật 1854 lại dành quyền này cho dân địa phương quyết định,...

Lập tức ngay sau khi lãnh thổ Kansas được phép thành lập, năm 1855, các tổ chức chống đối nhau trên vấn đề nô lệ ở các tiểu bang khác đã đưa người của mình, được trang bị với đầy đủ khí giới, tổ chức các cuộc bầu cử gian lận để hợp thức hóa lập trường của mình. Thái độ của Pierce, công nhận chế độ nô lệ ở Kansas, đã tạo ra một cuộc tranh chấp vũ trang đẫm máu kéo dài trên một năm, hai phe đốt phá các đô thị, tàn sát lẫn nhau với ít nhất 200 nạn nhân, Bạo động cũng diễn ra ở Quốc hội Liên bang,... mà không ai đứng làm trung gian ngăn cản hay truy tố các phạm nhân. Cuộc bầu cử Tổng thống năm 1856 được diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. James Buchanan được Đảng Dân chủ đề cử vì vị trí trung lập trong đạo luật về Kansas - Nebraska. và thắng cử (ở tất cả các tiểu bang miền Nam và ở một số tiểu bang miền Bắc) nhưng Đảng Cộng hòa cũng đạt được càc kết qủa khả quan, khả dĩ cạnh tranh với Đảng Dân Chủ.

Hai ngày sau khi nhận chức, một biến cố quan trọng làm xáo trộn trong cả Liên bang Hoa kỳ. Dred Scott, một người nô lệ, cho rằng mình đã là một người tự do vì đã sống trong các tiểu bang tự do Illinois và Wisconsin. Khi xét trường hợp này, Tối cao Pháp viện phán quyết rằng Hiến pháp không công nhận một quyền nào cho phép Quốc hội cấm đoán nô lệ trên các lãnh thổ, Quốc hội không có một quyền nào để cản trở lưu thông tự do về Quyền tư hữu trên các lãnh thổ, Nô lệ là một Quyền tư hữu. Tối cao Pháp viện bác bỏ khiếu nại của Scott, xác định chỉ có những công dân mới có quyền đòi hỏi Pháp luật giải quyết các tranh chấp và người da đen, tự do hay là nô lệ, không ở trong trường hợp này. Với phán quyết này, Tối cao Pháp viện quyết định rằng Thỏa ước Missouris là bất hợp Hiến, lập trường của miền Nam giờ đây được Tối cao Pháp viện xác nhận và được Buchanan hậu thuẫn. Các biến cố trên gây xúc động trong Đảng Cộng hòa nhưng làm gia tăng sự rạn nứt trong Đảng Dân chủ. Nhiều cựu thành viên Đảng Dân chủ và Whig tiếp tục gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng hòa trong đó vai trò của Abraham Lincoln, cựu thành viên Whig, ngày càng được cũng cố qua lập trường xóa bỏ chế độ nô lệ, kèm theo một chương trình phát triển rộng lớn (nới rộng chính sách di dân và cấp phát đất, tăng cường các biện pháp quan thuế bảo trợ mậu dịch, xây dựng đường xe lửa xuyên lục địa đến tận Thái bình dương,...).

II.2.2. Chiến tranh phân ly Nam - Bắc.

Trong cuộc bầu cử ngày 6/11/1860, Lincoln là đại diện Cộng hòa trước sự chia rẽ trong Đảng Dân chủ với hai ứng cử viên (Stephan Douglas ở miền Bắc và John Breckinrridge ở miền Nam).và một ứng cử viên thứ tư John Bell. Lincoln thắng cử với đa số ở cử tri đoàn, hầu hết là ở miền Bắc nhưng với một thiểu số 40% phiếu phổ thông. Một tuần lễ sau, ngày 13/11/1860, Quốc hội South Carolina thông qua một kiến nghị triệu tập một Nghị hội đặc biệt để xét vấn đề ly khai và ngày 20/11/1860, Nghị hội này quyết định giải tán Liên bang trong khi Lincoln chưa nhận chức. Trong thông điệp cuối cùng trước Quốc hội, Buchanan tuyên bố ly khai là bất hợp pháp nhưng chính quyền trung ương không có đủ lực lượng để ngăn chận ly khai. South Carolina cho rằng lời tuyên bố của Buchanan hàm chứa sự độc lập của mình và đòi hỏi quân đội Liên bang phải rút khỏi đồn Sumter trong hải cảng Charleston. Cho đến ngày 4/2/1861 đã có 7 tiểu bang ly khai (South Carolina, Georgia, Florida, Alabama, Mississippi, Louisiana và Texas), hội họp ỏ Montgomery (Alabama) để thành lập một Liên bang mới, với Jefferson Davis làm Tổng thống. Trong diễn văn mở đầu nhiệm kỳ  ngày 4/3/1861, Lincoln kêu gọi một giải pháp hoà giải trong tinh thần của Hiến pháp, chế độ nô lệ sẽ được tôn trọng trên các lãnh thổ đã chấp nhận nô lệ, các nô lệ bỏ trốn sẽ được trả lại cho chủ cũ, quyền tư hữu nô lệ được bảo vệ,.. Nhưng sự thống nhất Liên bang phải được bảo toàn, các tiểu bang không có quyền ly khai và vũ lực sẽ không phải là một điều kiện tiên quyết của chính quyền trung ương, chỉ trừ khi bắt buộc,... Ngày 14/4/1861, quân đội miền Nam pháo kích, đánh chiếm đồn Sumter. Ngày 17/4/1861, Virginia và sau đó là Tennessee, Arkansas và North Carolina tuyên bố ly khai nhưng 4 Tiểu bang chấp nhận nô lệ: Maryland, West Virginia, Kentucky và Missouri vẫn còn ở lại trong Liên bang miền Bắc

Lực lượng hai bên được xác định rõ: Miền Bắc là một khối 23 tiểu bang với dân số 22 triệu, Miền Nam có 11 tiểu bang với 9 triệu dân trong đó 3,5 triệu là dân nô lệ da đen. Khoảng 85% cơ xưởng kỹ nghệ, 2/3 đường xe lửa,... đều ở miền Bắc. Miền Nam có  lợi thế về tự túc lương thực, sản xuất bông gòn để tìm ngoại tệ cần thiết, có kinh nghiệm và truyền thống quân sự và chỉ chiến đấu  trên lãnh thổ của mình. Trong thực tế, ở cả hai miền, dư luận mau chóng trở thành bất lợi cho chiến tranh. Lịnh động viên được ban hành và áp dụng cho các công dân dưới 45 tuổi. Ở miền Nam, chiến tranh là một sản phẩm của tầng lớp người giàu mà người nghèo phải gánh chịu. Ở miền Bắc, giới thợ thuyền cũng bất mãn vì các dân nô lệ được trả tự do và cạnh tranh công việc với dân nghèo da trắng và Lincoln phải luôn luôn cảnh giác về sự trung thành của càc tiểu bang giáp giới với miền Nam,... Đồng thời, chiến tranh cũng là động lực phát triển kinh tế miền Bắc, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của quân đội, phục vụ chiến tranh. Đảng Cộng hòa lợi dụng cơ hội để thực hiện thành công chương trình 1860: cấp phát 160 mẫu đất cho các người tình nguyện khai thác 5 năm, khởi sự xây dựng đường xe lửa xuyên lục địa, thành lập một Ngân hàng Quốc gia mới,... để tài trợ chiến tranh, đặt cơ sở căn bản tài chánh cho một quốc gia kỹ nghệ hiện đại sau này.

Trận đánh lớn đầu tiên diễn ra ở miền Đông, trong tiểu bang Virginia. Quân miền Bắc muốn tấn công Richmond, Thủ đô miền Nam, nhưng thảm bại trong trận Bull Run phải rút lui vô trật tự. Ở mặt trận phía Tây nhằm kiểm soát Mississippi, quân miền Bắc dưới sự chỉ huy của Ulysses Grant chiến thắng trong trận đánh Shiloh (nhưng thiệt hại khoảng 20000 quân) và David Farragut chiếm đóng New Orleans. Năm 1862, quân miền Bắc dưới sự chỉ huy của Mc Clellan tiến đánh Richmond nhưng bị quân miền Nam dưới sự chỉ huy của Robert E. Lee ngăn chận và phản công trở lại.

Tháng 8/1862, ở Antientam, 50000 quân miền Nam ở váo thế thủ trước 80000 quân miền Bắc, làm cho Lee thiệt hại 1/4 quân số. Sau chiến thắng này, Lincoln tuyên bố: nếu không trở lại với Liên bang trước ngày 1/1/1863 thì các nô lệ trong các tiểu bang phản loạn sẽ được giải phóng. Được chính thức hoá sau ngày 1/1/1863, các nô lệ được trả tự do, ngoại trừ các nô lệ đang ở dưới quyền kiểm soát của Liên bang để thoả mãn các thành phần bảo thủ miền Bắc. Tháng 12/1863, Lincoln tuyên bố ân xá cho những ai tuyên thệ trung thành với Liên bang và tiểu bang náo có 10% cử tri tuyên thệ trung thành và chấp nhận giải phóng nô lệ đều có thể thành lập chính quyền mới để trở lại với Liên bang. Năm 1864, Quốc hội muốn nâng cao tỷ số 10% thành 50% nhưng Lincoln dùng quyền phủ quyết bác bỏ. Đồng thời Andrew Johnson, một thành viên Dân chủ ở Tennessee, được Lincoln chọn làm Phó Tổng thống và thắng cử váo tháng 11/1864. 

Trong năm 1863, Lee thắng trận ở Chancellorsville nhưng quân miền Bắc chiếm đóng Mississippi và bao vây Vicksburg. Để làm giảm áp lực ở Vicksburg, Lee đem quân tấn công miền Bắc ở Pennsylvania nhưng thua trận ở Gettysburg vào tháng 7/1863, tổn thiệt 28000 quân. Trong trận này, miền Bắc mất 23000 quân nhưng lại được tăng cường thêm với các dân nô lê da đen vừa được giải phóng. Quân miền Bắc tiếp tục tấn công trên hai mặt: Ở mặt trận phía Đông, Grant chiến thắng quân miền Nam dưới sự chỉ huy của Lee, váo mùa xuân 1864, nhưng Grant mất đến 55000 quân trong khi Lee tổn thất 31000 người. Grant cho quân bao vây Richmond và tiến đánh Petersburg. Trận chiến chỉ kết thúc vào đầu tháng 4/1865, khi Lee rút quân khỏi Richmond và đầu hàng ở Appomatox ngày 9/4/1865 với 25000 quân còn lại. Trong cùng thời gian, William T. Sherman chỉ huy mặt trận Tennessee và bao vây Atlanta, tiến đánh Savannah, phá huỷ mọi cơ sở vật chất và khủng bố dân chúng trên đường tiến quân. Mất tinh thần, đào ngũ gia tăng, quân đội miền Nam tan biến.

Chiến tranh Nam-Bắc kéo dài 4 năm, kể từ khi quân miền Nam dánh chiếm đồn Sumter ngày 14/4/1861 cho đến khi đầu hàng ở Appomatox ngày 9/4/1865., với một tổng kết nặng nề: 620000 nhân mạng, nhà cửa, nông trại, đường xá, cơ xưởng bị tàn phá. Liên bang được toàn vẹn thống nhất, nô lệ được giải phóng nhưng bằng bạo lực mà không trù liệu trước các giải pháp tổ chức lại Liên bang.

 

II.3. Nền tảng hiện đại của Liên bang Hoa kỳ.

II.3.1. Thời kỳ hậu chiến tại miền Nam.

Lincoln bị ám sát ngày 15/4/1865 mà không để lại một chương trình xây dựng mới cho Liên bang. Phó Tổng thống Andrew Johnson lên thay là một thành viên Dân chủ ở Tennessee và thực hiện lời tuyên bố ân xá của Lincoln năm 1863. Đảng Cộng hòa thì chống lại, cho rằng lời ân xá này là quá khoan dung và các tranh chấp giữa Johnson và Quốc hội ngày càng tăng. Chế độ nô lệ được xoá bỏ với Tu chỉnh Hiến pháp thứ 13 (1865). Các tiểu bang miền Nam được chấp nhận trở lại trong Liên bang nhưng tình hình ngày càng trở nên tồi tệ. Các tầng lớp ly khai cũ trở lại cầm quyền, hạn chế các quyền tự do và quyền bầu cử của người da đen. Các dân da đen không ký kết các hợp đồng lao động hàng năm đều bị xem như là du đảng và gởi đi lao động như nô lệ. Các kết quả bầu cử ở miền Nam đều bị Quối hội bác bỏ. Ngược lại Johnson cũng dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các dự luật nhắm bảo vệ các quyền của người mới được giải phóng.

Cho đến tháng 3/1866 Quốc hội mới tìm được đa số 2/3 cần thiết, nhờ váo phiếu của thành phần ôn hòa, để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Johnson. Tu chính án Hiến pháp thứ 14 được thông qua, công nhận quyền công dân cho mọi người sinh ra ở Hoa kỳ hay đã được nhập tịch, tất cả đều bình đẳng và được sự bảo vệ của Pháp luật. Trong cuộc bầu cử năm 1866, Đảng Cộng hòa đạt được đa số 2/3 ở Quốc hội và có thể áp đặt đường lối của mình váo công cuộc xây dựng Liên bang. Dưới sự kiểm soát của các Uỷ ban Quân sự, Hiến pháp của các Tiểu bang miền Nam được viết lại để tôn trọng các quyền của người da đen, phù hợp với các Tu chính án Hiến pháp 13 và 14. Đảng Cộng hoà thắng cuộc bầu cử năm 1868, với Tổng thống Grant và cho thông qua Tu chính án Hiến pháp thứ 15, ngăn cấm hạn chế quyền bầu cử vì các lý do sắc tộc, màu da hay quá khứ nô lệ. Tới năm 1870 thì mọi Tiểu bang miền Nam mới được chấp nhận trở lại trong Liên bang, Đảng Cộng hoà kiểm soát hầu hết các Tiểu bang, cử tri bầu cho Đảng Cộng hòa phần lớn là dân da đen.

Đảng Dân chủ không bao giờ chấp nhận các chính sách của Đảng Cộng hòa. Chương trình của Đảng Cộng hòa muốn miền Nam phát triển theo mô hình tư bản của miền Bắc cũng thất bại trên cả hai mặt: giải phóng nô lệ và phát triển kinh tế, vì thiếu sự cộng tác của người da trắng, thiếu vốn đầu tư và các tổ chức tài chánh. Miền Nam vẫn còn là một vùng nông nghiệp nghèo nàn. Các tệ nạn tham nhũng, sự bất ổn định và sự bất lực của chính quyền miền Nam cũng gắn liền với sự loại trừ tầng lớp ly khai cũ. Đến năm 1872 tầng lớp này mới được khôi phục các quyến của mình, đồng thời với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1873. Năm 1874 Đảng Dân chủ trở thành đa số ở Quốc hội, Đảng Cộng hòa ở miền Nam cũng không còn điểm tựa. Năm 1876, hai Đảng tranh chấp nhau về kết  quả cuộc bầu cử Tổng thống ở 3 tiểu bang Florida, Georgia và South Carolina, bắt buộc hai bên phải tìm kiếm một giải pháp hòa giải, cho phép Rutherford B. Hayes của Đảng Cộng hòa đắc cử nhưng Đảng Cộng hoà phải rút quân đội khỏi miền Nam, đồng thời cho phép miền Nam tham gia váo chính quyền Liên bang và tài trợ cho công cuộc xây dựng lại miền Nam.

Loại trừ được ảnh hưởng của miền Bắc, miền Nam mau chóng trở lại với hệ thống độc tài cũ, hạn chế quyền bầu cử của người da đen, trước sự bất lực của miền Bắc. Người nô lệ miền Nam hằng mong ước sự giải phóng sẽ mang lại cho họ quyền được chia đất và thoát khỏi sự kiểm soát của dân da trắng. Trong thực tế, không có một sự cấp phát đất đai mới nào cho người da đen. Dân da đen từ chối lao động tôi đày nhưng đa số (75%) chấp nhận vay mượn tiền với lãi xuất cao để khai thác một khu đất của chủ cũ. Giá các hàng sản xuất lại thường do các chủ nợ qui định nên vẫn sống trong cảnh thiếu nợ thường xuyên, nghèo khó. Số còn lại thì di cư váo các thành phố nhưng số phận của họ cũng không hơn gì đối với số người ở lại nông thôn.

II.3.2. Sự khai thác và phát triển các lãnh thổ mới ở miền Viễn Tây.

Sự chiến thắng cho phép Đảng Cộng hòa vị trí ưu thế chính trị trong nhiều thập niên sắp tới.

Việc khai thác lãnh thổ rộng lớn phía Tây Mississippi được khởi sự ngay sau khi chiến tranh chấm dứt và được kích thích bởi phong trào tìm vàng đã bắt đầu từ trước chiến tranh Nam Bắc tại California, Colorado, Nevada, Montana, Wyoming, Idaho,.. Các tiểu bang mới được mau chóng thành lập và chấp nhận vào Liên bang: Minesota (1858), Oregon (1859) trước chiến tranh; Kansas (1861), West Virginia (1863), Nevada (1864), Nebraska (1867). trong thời gian chiến tranh. Cho đến chiến tranh Thế giới thứ nhất, các tiểu bang sau đây được chấp nhận gia nhập vào Liên bang: Colorado (1876), North Dakota, South Dakota (1889), Montana , Washington (1889),Wyoming, Idaho (1890), Utah (1896), Oklahoma (1907), ArizonaNew Mexico (1912).

Sự xây dựng đường xe lửa cho phép khai thác vùng đồng bằng rộng lớn cho đến vùng núi Rocky Mountains rồi đến vùng cao nguyên phía tây núi Rocky Mountains cho đến biên giới huyền thoại cuối cùng miền Tây: các dãy núi Sierra Nevada và Cascade Range. Xe lửa đưa tới các vùng lân cận lớp người khai thác các hầm mỏ bừa bãi, các thị trấn được xây dựng khắp nơi, các xí nghiệp được thành lập cạnh tranh lẫn nhau, tạo thành một thành phần kinh tế quan trọng trong thập niên 1880. Sau một thời gian ngắn khai thác, các thị trấn này bị bỏ phế hoặc chuyển qua các hoạt động khác: thời kỳ Cao bồi và các trại nông nghiệp.

Cuộc di dân về phương Tây hiển nhiên bắt buộc các thổ dân da đỏ phải liên tục tìm nơi định cư mới, trước sự tiến tới ồ ạt của dân da trắng miền Đông. Để duy trì an ninh, giải pháp cuối cùng là dùng vũ lực để tập trung và cô lập các thổ dân da đỏ vào các vùng riêng biệt, cùng một lúc với sự tàn sát giống bò rừng, phương tiện sinh sống của người da đỏ (trong 3 thập niên, trên 15 triệu bò rừng bị tàn sát, đến năm 1893 chỉ còn lại vài ngàn con)..

Giống bò rừng bị giết để lại một vùng đồng cỏ rộng lớn và được biến thành các trại chăn nuôi bò. Bò đã sẵn có khoảng 5 triệu con đang sống tự do trong thiên nhiên ở Texas vào năm 1867 và chỉ cần tập trung lại trong các trại chăn nuôi mới,... cung cấp cho thị trường miền Đông, qua trung gian của các thành phố Chicago, Kansas City, St Louis,...Trong hai thập niên, các trại chăn nuôi ở miền Tây được phồn thịnh, nhưng tầng lớp người làm công chăn bò Cao bồi cũng chỉ sống và lao động trong những điều kiện chật vật. Thời kỳ phồn thịnh các trại chăn nuôi chấm dứt vì nạn hạn hán trong nhiều năm liên tiếp vào cuối thập niên 1880, làm thiệt hại 90% đàn súc vật và nhường chổ ưu tiên cho sự phát triển các nông trại.

Đường xe lửa là trung tâm của sự phát triển miền Tây và phần đông nông dân chọn đến định cư trên vùng đồng bằng rộng lớn dọc theo đường xe lửa và thuộc quyền sở hữu của Công ty. Trong thời gian 1870-1900, các Công ty Xe lửa.tuyển mộ được khoảng 2 triệu người đến định cư, cơ giới hoá nền nông nghiệp. Năng suất tăng lên gấp 10 lần trong thời gian 1850-1900, Nông nghiệp trở thành một yếu tố quan trọng của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc trang bi máy móc cho các nông trại rất tốn kém, tiên vay mượn lãi xúât cao, giá chuyên chở hàng hóa tăng dần làm cho nông dân ngày càng mắc nợ. Năm 1870, nhân dip hạn hán và mất mùa, tổ chức Granges được thành lập giúp nông dân chống lai sự độc quyền của các Công ty xe lửa. Năm 1875, Granges qui tu dược 800000 hội viên. Năm 1880, số hội viên chỉ còn lại 100000, khi thị trường trở lại thịnh vượng,...

Ở miền Nam, cuộc khủng hoảng kinh tế vào các năm cuối của thập niên 1880 đưa tới sự thành lập tổ chức nông dân Southern Alliance mạnh, nhất là ở Texas, Louisianna và Arkansas. Năm 1888, tổ chức qui tụ được 250000 hội viên và năm 1892 đưa đến sự thành lập của Đảng Nhân dân, The People's Party, trong mục tiêu tranh đấu chính trị và đưa James B. Weaver ra ứng cử Tổng thống cùng với Đảng Cộng hòa và Dân chủ. Thất bại trong cuộc bầu cử năm 1892, Đảng Nhân dân tan rã, nhưng các mục tiêu cải tổ của Đảng Nhân dân được chấp nhận sau này, khi nền kinh tế trở lại thịnh vượng. Grover Cleveland, thuộc Đảng Dân chủ thắng cử năm 1892 không giải quyết được khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp. Trong cuộc bầu cử năm 1896, William McKinley thuộc Đảng Cộng hòa chủ trương bảo trợ mậu dịch và phát hành tiền tệ dựa trên kim bản vị, lấy vàng làm tiêu chuẩn,... thắng cử và đưa Hoa kỳ trở lại thời kỳ phồn thịnh kỹ nghệ như trước. Các nông thôn cũng dần dần ổn định lại, sản xuất và giá cả hàng hóa lên cao, đem lại lợi tức cho nông dân và ổn định chung,...

II.3.3. Cách mạng kỹ nghệ cuối thế kỷ XIX.

Chiến tranh là cơ hội tạo điều kiện cho một thay đổi mới, với phát triển kỹ nghệ, với các hình thức tập trung các xí nghiệp, kinh tế độc quyền,... và là cơ hội làm giàu cho tầng lớp doanh nhân,... làm suy giảm tiến bộ trong các lãnh vực cải cách xã hội, chính tri.

Sự gia tăng dân số mau chóng, từ 32 triệu lên 76 triệu trong khoảng thời gian 1860-1900. Các thành phố kỹ nghệ phát triển mau chóng. Năm 1900, dân các thành phố New York, Philadelphia, Chicago đều vượt quá con số 1 triệu. Sau chiến tranh, các phong trào di dân tới Hoa kỳ được đẩy mạnh, với số lượng 14 triệu người trong khoảng thời gian 1865-1900. Các thành phần di dân mới xuất phát từ mọi vùng Âu châu, với nhiều thành phần tôn giáo, quốc tịch và ngôn ngữ khác nhau trong khi tỷ số người Anh và Ái nhĩ lan thì giảm dần. Trong thập niên 1880, 72% là người Bắc và Tây Âu. Người di dân đến từ Đông và Nam Âu chiếm 52% trong thập niên 1890 và 70% trong thập niên 1910. Đa số các dân này đều sống tập trung thành các cộng đồng lớn trong các thành phố kỹ nghệ và sinh hoạt trong những ngành nghề riêng biệt.

Nhờ nhu cầu phục vụ chiến tranh, kỹ nghệ ở miền Bắc đã tăng trưởng vượt bực và cho phép tạo ra xã hội doanh nhân, nhiều thành phần thu được các số vốn khổng lồ để đầu tư vào xây dựng phát triển kinh tế sau này. Cho đến cuối thập niên 1880, nền kinh tế Hoa kỳ chính yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng đến năm 1890 thì trị giá các sản phẩm kỹ nghệ bắt đầu vượt quá các sản phẩm nông nghiệp và đến năm 1900 thì trị gía hàng hoá kỹ nghệ lại gấp đôi so với nông nghiệp. Nền kỹ nghệ chủ yếu dựa vào khai thác sắt thép ở Minnesota, than đá và dầu lửa ở Pennylvania, West Virginia, Ohio,... Yếu tố thứ hai của cuộc cách mạng kỹ nghệ là việc sử dụng các bằng cấp phát minh mới về khoa học kỹ thuật, việc tổ chức và phương pháp sản xuất dây chuyền và sự tập trung các xí nghiệp.

Căn bản của nền kinh tế tư bản được khuyến khích ngay từ đầu và xây dựng trên căn bản tập trung các phương tiện đầu tư trong những tổ hợp rộng lớn có khả năng thích ứng với mọi tiến hóa. Công ty đường xe lửa là ví dụ điển hình đầu tiên của hình thức đại doanh nghiệp tư bản. Đường xe lủa là phương tiện giao thông thay thế các kinh đào, cho phép mọi kỹ nghệ dễ dàng tìm kiếm nguyên liệu và phân phối các sản phẩm. Khởi sự xây dựng đường xuyên lục địa từ năm 1862, năm 1869 hệ thống đường xe lửa được tiếp tục với 5 mạng lưới khác. Năm 1860, Hoa kỳ sẵn có 48000 Km đường xe lửa, đến năm 1900 tổng cộng đạt được con số khổng lồ 308000 Km.

Sư tập trung các xí nghiệp là một hiện tượng phổ biến vào cuối thế kỷ xix, dưới hai hình thức khác nhau. Trong sự tập trung theo chiều cao, đó là sự kiểm soát mọi giai đoạn sản xuất của sản phẩm, như trường hợp của Andrew Carnegie với kỹ nghệ thép: Bắt đầu từ đường xe lửa, sau năm 1873 Carnegie tâp trung vào lãnh vực thép và sản xuất được thép với giá rẻ hơn các đối thủ, nhờ vào các kỹ thuật mới. Từ đó Carnegie mua lại các xí nghiệp của các đối thủ, mua được các mỏ sắt, mỏ than, đường xe lửa, xưởng đóng tàu thủy và sau cùng kiểm soát được kỹ nghệ thép, từ các hầm mỏ cho đến phân phối hàng hóa trên thị trường. Năm 1900, Carnegie sản xuất được 1/3 số lượng thép của Hoa kỳ.

Sự tập trung theo chiều ngang là sự tập trung các xí nghiệp sản xuất  cần thiết cho mọi giai đoạn chế biến trung gian của một sản phẩm, như trường hợp của Công ty Standard Oil của John D. Rockefeller. Năm 1863, Rockefeller góp vốn vào một công ty lọc dầu ở Cleveland (Ohio) và tìm được một phương thức lọc dầu ít tốn kém. Năm 1870 Rockefeller trở thành Chủ tịch Standard Oil Company và kiểm soát được 90% thị trường lọc dầu. Với cuộc khủng hoảng năm 1873, Rockefeller loại trừ các đối thủ và trở thành độc quyền trong ngành lọc dầu và kiểm soát cả hệ thống ống dẫn và thị trường phân phối dầu.

Các hình thức độôc quyền trên đây ngày càng phổ biến và được lạm dụng trong mọi ngành hoạt động kinh tế: dệt vải, thuốc lá, đồng, thực phẩm,.. đem đến sự phồn vinh kinh tế và lợi tức khổng lồ cho một thiểu số các doanh nhân, kỹ nghệ gia và giới tài phiệt,..  không cân xứng với nỗ lực làm việc của tầng lớp người lao động. Sự tập trung các xí nghiệp bằng phương tiện tài chánh cũng thường được lợi dụng để loại trừ một cách bất chánh. các đối thủ, dành độc quyền định đoạt giá cả hàng hóa, thay đổi các thánh phần kinh tế,.. và tạo ra một tình trạng bất ổn định thường xuyên vì cạnh tranh bất chính. Năm 1890, Luật Sherman chống độc quyền được thông qua nhưng không có hiệu lực thực tiễn đối với các giới đại độc quyền, đa số chỉ phải trả những số tiền phạt tượng trưng.

Sự phát triển vượt bực của nền kỹ nghệ không kèm theo những biện pháp cải tiiến xã hội thích đáng cho tầng lớp người lao động. Trong các xí nghiệp, các công nhân phải làm việc theo nhịp của  các máy móc, lương kém, thời gian lao động quá nhiều (10 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần), không có thanh tra lao động. Nhìn chung, các tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động thiếu tổ chức trong khi dư luận lại không chấp nhận các hình thức đấu tranh ý thức hệ và bị đàn áp ngay, một khi có dấu hiệu dung túng các hình thức tranh đấu bạo động. Năm 1866 The National Labor Union được thành lập tranh đấu đòi chỉ lao động 8 giờ mỗi ngày. Năm 1872 Labor qui tụ được 300000 hội viên và đề cử người tham gia cuộc bầu cử. Bị thất bại, Labor tan rã cùng lúc với cuộc khủng hoảng năm 1873. Sau vụ đình công của nhân công đường xe lửa năm 1877, tổ chức Knights of Labor xuất hiện, năm 1886 qui tu được 700000 hội viên thuộc đủ thành phần, tranh đấu đem lại cho 200000 công nhân làm việc 8 giờ mỗi ngày. Nhưng cuộc biểu tình bạo động ngày 4/5/1886 ở Chicago là cơ hội để đàn áp và tổ chức Knights of Labor mất dần hội viên. Chỉ có hình thức Công đoàn thương thuyết với giới chủ xí nghiệp trên từng nghề nghiệp chuyên môn nhất định, trên những mục tiêu ngắn hạn, cụ thể,... mới tồn tại lâu dài và đạt được các kết quả. Các hình thức công đoàn này đã xuất hiện từ đầu thập niên 1870 và được Samuel Gompers tập trung thành một tổ chức chung: American Federation of Labor vào năm 1886.

II.3.4. Bước đầu của một Đế quốc. Chiến tranh Hoa kỳ và Tây ban nha năm 1898.

Cho đến trước chiến tranh Nam - Bắc, Hoa kỳ đã chỉ bành trướng lãnh thổ trong lục địa Bắc Mỹ từ Đông sang Tây giữa hai Đại dương và giới hạn bởi Canada ở phương Bắc và Mexico ở phương Nam, trong khuôn khổ của Chủ thuyết Monroe (1823), và được Tổng thống James K.Polk xác định lại năm 1845, trong mục tiêu cần thiết bảo vệ các quyền tự do hành động của Hoa kỳ. Điểm căn bản của chủ trương này ngăn cấm mọi sự can thiệp của các cường quốc đương thời vào an ninh và nội tình của Hoa kỳ, đồng thời với lập trường trung lap của Hoa kỳ trong các tranh chấp quốc tế giữa các cường quốc. Nhưng sự phát triển vượt bực của Hoa kỳ trong mọi lãnh vực, về lãnh thổ cũng như về dân số và kinh tế, nhất là từ sau cuộc nội chiến Nam - Bắc, đã đưa Hoa kỳ lên vị trí của một cường quốc thế giới. Hoa kỳ không thể giữ yên vị trí cô lập như trước nữa mà còn phải giải quyết việc tìm kiếm các nguyên liệu cần thiết và thị trường tiêu thụ các sản phẫm của nền kỹ nghệ của mình. Đồng thời để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 1890, những yếu tố thúc đẩy Hoa kỳ phải thay đổi chiến lược toàn cầu của mình, thoát ra khỏi giới hạn của lục địa  Bắc Mỹ, với tham vọng trở thành một đế quốc có khả năng đương đầu với các cường quốc khác.

Năm 1867, ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, Hoa kỳ đã thực hiện việc mua lãnh thổ Alaska từ tay Nga hoàng. Đến năm 1875, Hoa kỳ đã là thành phần chính sản xuất đường ở Hawai, năm 1887 xây dựng ở đây căn cứ Pearl Harbor, năm 1893 đặt Hawai dưới sự bảo hộ (và sáp nhập vào lãnh thổ Hoa kỳ năm 1898). Năm 1878, Hoa kỳ đã can thiệp vào Samoa và đặt Somoa dưới quyền bảo hộ của mình vào năm 1889. Năm 1895, trong cuộc tranh chấp giữa Anh quốc và Venezuela về lãnh thổ Guyanne, Hoa kỳ xác nhận với Anh ý muốn giải quyết các vấn đề trên toàn lục địa Mỹ châu theo lập trường của mình. Chủ trương của Monroe trở thành lỗi thời, Hoa kỳ xác nhận ý chí bành trướng toàn cầu của mình.

Lãnh thổ Cuba của Tây ban nha cũng không thoát khỏi sự dòm ngó của Hoa kỳ. Các tiểu bang miền Nam Hoa kỳ tìm được ở đây một địa điểm thuận lợi cho thị trường mua bán nô lệ. Năm 1890, Cuba trở thành nơi đầu tư chính của Hoa kỳ. Năm 1895 kỹ nghệ đường ở Cuba bị khủng hoảng, Hoa kỳ giảm 50% nhập cảng đường từ Cuba, gây nội loạn và bị chính quyền Tây ban nha đàn áp. Tổng thống Hoa kỳ Grover Cleveland (và kế tiếp là McKinley, một nhân vật thuộc khuynh hướng bành trướng lãnh thổ) làm áp lực đòi Tây ban nha thành lập một qui chế tự trị cho Cuba. Ngày 15/2/1898 chiến hạm Maine của Hoa kỳ, vì một lý do không rõ rệt, bị chất nỗ làm chìim trong hải cảng La Havana. Ngày 19/4/1898 Quốc hội Hoa kỳ cho phép McKinley dùng quân đội can thiệp vào Cuba, ngoại trừ giải pháp sáp nhập Cuba vào lãnh thổ Hoa kỳ. Chiến tranh giữa Tây ban nha và Hoa kỳ khởi sự ngày 29/4/1898. Ngay sau đó, ngày 1/5/1898, Ham đội Hoa kỳ ở Thái bình dương đã đánh tan Hạm đội Tây ban nha ở Manila và McKinley đưa thêm 5000 quân để chiếm đóng Philippines. Ở mặt trận phương Đông, ngày 1/7/1898, quân đội Hoa kỳ thành công đổ bộ và chiếm đóng vùng cửa biển Santiago, mặc dầu bị thiệt hại 1572 quân và ngày 3/7/1898 đánh chìm Hạm đội Tây ban nha trong vịnh Santiago. Mất chỗ dựa vào hải quân, quân đội Tây ban nha ở Cuba ra đầu hàng ngày 17/7/1898. Ngày 25/7/1898 Porto Rico bị Hoa kỳ chiếm đóng trong khi đó, ở Thái bình dương, tháng 8/1898 Manila rơi vào tay Hoa kỳ.

Chiến tranh chấm dứt với Hiệp định Paris, Cuba rời khỏi đế quốc Tây ban nha và trở thành một quốc gia độc lập, Hoa kỳ trở thành chủ nhân các đảo Porto Rico, GuamHawaii bị sáp nhập vào lãnh thổ Hoa kỳ đặt Philippines dưới sự bảo hộ của Hoa kỳ (cai trị bằng quân đội.và mau chóng gặp phải sự chống đối của dân bản xứ, năm 1904 một chính quyền dân sự được thành lập và đòi quyền độc lập). Với các chiến thắng này, Hoa kỳ đương nhiên là thành viên hội các Đế quốc của Thế giới hiện đại, đóng một vai trò chủ yếu không những trong vùng biển Caraibes mà còn ở những vùng xa xôi xa hơn nữa trong Thái bình dương.

 

Tổng kết.

Khi bước vào thế kỷ XX,Hoa ky hầu như đã đạt đơợc nền tảng ổn định như hiện nay trong mọi lãnh vực.

Trong lãnh vực bành trướng lãnh thổ, ngoại trừ vùng kinh đào Panama được sáp nhập vào lãnh thổ Hoa kỳ năm 1903 và Haiti được đặt dưới sự bảo hộ của Hoa kỳ vào năm 1914; Hoa kỳ hầu như không còn chinh phục thêm một miển đất mới nào nữa.

Trong lãnh vực quản trị hành chánh, Hoa kỳ đã có 48 đơn vị hành chánh Tiểu bang khi chấm dứt thế kỷ XIX. Hai lãnh thổ cuối cùng được chấp nhận vào Liên bang là Alaska (1958) và Hawai (1959).

Trong lãnh vực chính trị, chế độ nô lệ được chính thức bãi bỏ từ sau cuộc chiến tranh phân ly Nam - Bắc. Chỉ còn lại yếu tố căn bản xây dựng một chế độ Dân chủ là Quyền phổ thông đầu phiếu của mọi công dân, không phân biệt giới tính nam hay nữ, nhưng điều này sẽ được bổ túc vào năm 1920 với Tu chính án Hiến pháp thứ 19..Đến năm 1971, Tu chính án Hiến pháp thứ 26 ấn định quyền bầu cử của mọi công dân trên 18 tuổi.

Trong lãnh vực phát triển kinh tế, cuộc cách mạng kỹ nghệ đã đưa Hoa kỳ lên vị trí của một cường quốc giàu manh, thúc đẩy Hoa kỳ từ bỏ dần dần chính sách cô lập để can thiệp vào các quan hệ quốc tế, tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm thặng dư của mình,...  để sau này trở thành một Đế quốc Tư bản hàng đầu trong thế giới hiện đại...

 

 Tôn Thất Long

 


SỐ 8 THÁNG 5.2007

Quan điểm

1. Viễn Tượng Việt Nam : Dân chủ và nhân quyền

Văn, Thơ & Sử

2. Đỗ Mạnh Tri : Đôi điều về anh Nguyễn Ngọc Lan

3. Từ Thức : Người đưa tin

4. Tiểu Tử : Người Viết Mướn    

5. Vĩnh Như & Thường Nhược Thủy : Ngày giỗ tổ Hùng Vương 

6. Phan Thanh Tâm : Sau 30 năm lìa xa     

Chính trị quốc tế & Việt Nam

7. Phùng Nguyên : Lược duyệt các Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc

8. Vũ Huy Quang dịch : Thư Luân Lưu (của Trần Độc Tú)

 9. Vương Văn Đông lược dịch : Một đế quốc thiếu nhất quán (của Michael Mann)      

10. Nguyễn Văn Trần : Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp vừa qua...

11. Bùi Tín : Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân tộc dân chủ...

12. Trần Thanh Hiệp : Chính thống dân chủ           

13. Nguyễn Xuân Phước : Những Vướng Mắc Hiến Pháp của Điều 88 Bộ Luật Hình Sự

14. Đoàn Viết Hoạt : Hãy hòa giải với hiện tại để xây dựng tương lai

15. Vũ Quốc Thúc : Đã tới lúc phát động cuộc  "cách mạng nhung" ?

Biên khảo xã hội, kinh tế, chính trị

16. Trần Lê Quang : Dẫn-Thủy Nhập-Điền tại Đồng Bằng Phan-Rang...

17. Nguyễn Ngọc Hiệp : Tự do thông tin vì dân chủ, văn minh và tiến bộ

18. Trần Thanh Hiệp : Ghi chú về « Đức lý 德理 » của người luật sư

19. Tôn Thất Long : Hợp chủng quốc Hoa kỳ: nguồn gốc và nền tảng xây dựng

20. Hoàng Xuân Đài phỏng dịch : Đàn ông khống chế đàn bà... (của Françoise Héritier)

21. Đàm Trung Pháp : Noam Chomsky : Linh Hồn Của Lý Thuyết Ngữ Pháp...

Trình bày bìa
Nguyễn Thành Nhân


Số cũ :

7 | 6 | 5 | 4 | 3 | 2 | 1
 


 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.