.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

" Không có tự do phê phán, thì chỉ còn nịnh bợ mà thôi - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Đời sống

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 SÁCH - BÚT/HỒI KÝ CHÍNH TRỊ

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

 

 

 

 Viễn Tượng Việt Nam

 

NOAM CHOMSKY:

Linh Hồn Của Lý Thuyết Ngữ Pháp

Từ Nửa Thế Kỷ Qua

 

  • Đàm Trung Pháp

 


 

            Năm nay (2007) xấp xỉ 80 tuổi, nhà lý thuyết ngữ pháp Noam Chomsky – với những kiến thức siêu phàm về luận lý, triết, và toán học – là một trong những bộ óc có nhiều ảnh hưởng nhất trong thời đại chúng ta. Ông cũng là một trong số rất ít các khoa học gia mà công trình nghiên cứu được quần chúng quan tâm theo dõi.

            Sau khi hoàn tất văn bằng tiến sĩ ngữ học tại Viện Đai Học Pennsylvania vào năm 1955, Chomsky bắt đầu dạy tại Viện Kỹ Thuật Massachusetts  (MIT). Ông được thăng giáo sư thực thụ năm 1961, và năm 1976 được nhận tước vị “Institute Professor”, tức là được gia nhập một hàng ngũ chọn lọc các đồng nghiệp mà đa số đã lãnh giải Nobel về các bộ môn khác nhau. Rất nhiều chuyên viên ngữ học thời danh khắp năm châu từng là học trò cũ của ông hoặc từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của ông nên vẫn một lòng tiếp tục ngưỡng mộ và quảng bá những lý thuyết cũ cũng như mới của Chomsky.

 

NGỮ PHÁP BIẾN TẠO

            Sự đóng góp độc đáo nhất của Chomsky là đã đề xướng được một mô thức không ai sánh kịp để mở đường cho các khám phá ngoạn mục trong các môn khoa học tri thức (cognitive sciences). Mô thức riêng cho ngôn ngữ, thường được biết đến dưới danh hiệu “ngữ pháp biến tạo” (transformational / generative grammar), được trình làng trong cuốn Syntactic Structures (1957), khi ông mới 29 tuổi đời. Cuốn sách nho nhỏ không quá 120 trang này, xuất bản tại Hòa Lan, đã đánh dấu một kỷ nguyên mới cho khoa ngữ học trong hậu bán thế kỷ 20, thách thức mọi ức thuyết trong các lãnh vực triết lý, tâm lý, và lịch sử trí thức. Chomsky đã làm thay đổi hướng đi của khoa ngữ pháp bằng cách không đoái hoài tới những công việc mô tả và xếp loại các câu nói thực sự (như các nhà ngữ học thời đó thường làm – một lối làm việc mà Chomsky mỉa mai ví như là nỗ lực “sưu tầm các loại bươm bướm”), mà là bắt đầu đặt những câu hỏi về bản chất cái hệ thống sản xuất ra ngôn ngữ. Chomsky cho rằng lý thuyết về ngôn ngữ của trường phái “hành vi” (behaviorist), mà những đại diện lẫy lừng là Leonard Bloomfield và B. F. Skinner, quá hạn hẹp vì chỉ chú trọng đến việc mô tả những câu nói đã thực sự xảy ra và không cắt nghĩa được bản chất sáng tạo (creativity) của ngôn ngữ cá nhân. Theo Chomsky, một ngữ pháp phải có khả năng cắt nghĩa được cái bản chất sáng tạo quan yếu đó, vì chính nhờ vào nó mà chúng ta có thể thốt ra và hiểu được một con số vô hạn định những câu nói hoàn toàn mới mẻ (novel utterances).

 

            Một trong những xác quyết quan trọng nhất của ngữ pháp biến tạo là sự thừa nhận một “ngữ pháp đại đồng” (universal grammar), được phản ánh qua một số các đặc trưng hiện diện trong toàn thể ngôn ngữ nhân loại, chắc hẳn vì bản chất đồng nhất của bộ óc con người. Ngữ pháp biến tạo chủ trương làm sáng tỏ, qua những công thức có hình dạng toán học, tất cả những quy luật ngữ pháp có thể tạo sinh ra các “cấu thức nổi” (surface structures) tức là tất cả những gì chúng ta thực sự nói, nghe, đọc, và viết. Nó cũng giả định sự hiện hữu của các “cấu thức chìm” (deep structures) ở một mức độ trừu tượng hơn, nằm trong não bộ của người nói, người nghe, người viết, hoặc người đọc để giúp chúng ta hiểu nghĩa các cấu thức nổi. Để cụ thể hóa ý niệm “deep structure” cho dễ hiểu hơn, trường phái Chomsky cũng đưa ra ý niệm tương đương là “kernel sentence”(tạm dịch là “câu lõi”). Một câu lõi là một câu đơn gồm có một chủ từ, một động từ ở thời hiện tại và thể xác định, và một túc từ, chẳng hạn như “The boy eats an apple.”

            Xin đưa ra một vài thí dụ trong tiếng Việt để làm sáng tỏ phần nào những ý niệm trên đây của ngữ pháp biến tạo. Câu nói “Kim Trọng và Thúy Kiều nhớ nhau” là một cấu thức nổi, gọn gàng hơn so với câu có thể được coi như cấu thức chìm là “Kim Trọng nhớ Thúy Kiều và Thúy Kiều nhớ Kim Trọng.”  Và sau đây là một thí dụ về ý niệm biến tạo: Câu “Kim Trọng được Thúy Kiều yêu” là một cấu thức nổi, biến tạo từ câu lõi “Thúy Kiều yêu Kim Trọng” qua luật biến tạo thụ động cách. Luật này, nhanh như điện, đã hoán chuyển vị trí hai nhân vật, đẩy động từ xuống cuối câu, và thêm ngữ vị chức năng “được” vào giữa hai nhân vật.

            Một cấu thức chìm có thể được thể hiện qua vài cấu thức nổi (nhờ vào các quy luật biến tạo khác nhau)  mà ý nghĩa vẫn là một, chẳng hạn như ba câu sau đây: (1) “Kiều trao Kim của tin”, (2) “Kiều trao của tin cho Kim”, và (3) “Kim được Kiều trao của tin” đều có cùng một cấu thức chìm. Câu (2) có thể được coi như là gần gũi nhất với cấu thức chìm chung cho cả ba. Ngược lại, hai cấu thức nổi rất giống nhau về hình thức nhưng lại có thể khác nhau rất nhiều về ý nghĩa vì chúng có hai cấu trúc chìm khác biệt. Thí dụ hai câu (4) “Người Việt dễ chiều chuộng” và (5) “Người Việt sẵn sàng chiều chuộng” giống hệt nhau về hình thức, nhưng về ý nghĩa thì trong câu (4) “Người Việt” là túc từ của động từ “chiều chuộng” và trong câu (5) “Người Việt” lại là chủ từ của động từ “chiều chuộng.” Trường phái hành vi của Bloomfield và Skinner đã không thể nào giải thích được sự khác biệt về ý nghĩa này trong các câu có hình thức tương tự. Xin thú nhận rằng hai câu thí dụ (4) và (5) của tôi trong tiếng Việt đã do cảm hứng từ hai thí dụ lừng lẫy của Chomsky trong sách vở: “John is easy to please” và “John is eager to please.”

            Chomsky đã từng tuyên bố “người nào ở tuổi 50 mà vẫn còn dạy những điều đã dạy khi 25 tuổi thì nên chọn nghề khác,” và ông đã thực hành phương châm ấy một cách ngoạn mục. Từ khi cuốn Syntactic Structures ra đời năm 1957, Chomsky đã không ngừng cập nhật hóa lý thuyết của mình với nhiều ý niệm mới trong những cuốn sách về sau, nhất là trong các cuốn Aspects of the Theory of Syntax (1965), Rules and Representations (1980), Barriers (1986), và The Minimalist Program (1995).

 

CƠ QUAN NGÔN NGỮ

            Chomsky đã làm giới nghiên cứu tâm lý và ngữ học trên hoàn cầu (lúc ấy còn đang cho rằng trí não của trẻ thơ chỉ là một trang giấy trắng) sửng sốt với ý niệm mới mẻ rằng ngôn ngữ, cũng như đa số các năng khiếu khác của con người, tùy thuộc vào các cơ cấu trí não đã được an bài trong nhiễm thể. Theo ông, sự trở nên thành thạo tiếng mẹ đẻ một cách dễ dàng và nhanh chóng trong thời thơ ấu là một phần của sự trưởng thành cơ thể đã được thiên nhiên “thảo chương” từ trước. Cũng như di truyền tính đã ban cho mỗi hài nhi một trái tim và hai lá phổi càng ngày càng phát triển sau khi lọt lòng mẹ, di truyền tính cũng ban cho nó một “cơ quan ngôn ngữ” (language organ) vô cùng phức tạp và hiệu nghiệm. Những thăng trầm trong đà tiến hóa của loài người đã uốn nắn cái cơ quan ngôn ngữ ấy sao cho nó chỉ có thể học được những ngôn ngữ nhất định nào đó trong một phạm vi tương đối nhỏ hẹp của các cấu trúc luận lý. Những ngôn ngữ khác không ở trong phạm vi ấy thì ngay cả các thần đồng cũng không tài nào học nổi!

            Theo Chomsky, qua những tác động với môi trường ngôn ngữ ngoài đời, cơ quan ngôn ngữ sẽ dần dần trở thành ngữ pháp của tiếng nói ấy. Như vậy, nếu một cá nhân sinh trưởng ở Philadelphia, như trường hợp Chomsky, khối óc người ấy sẽ ký hiệu hóa (encode) kiến thức về phương ngữ Philadelphia của tiếng Mỹ. Nếu khối óc ấy sinh trưởng ở Saigon thì nó sẽ ký hiệu hóa phưỡng ngữ Saigon của tiếng Việt.

 

NGỮ PHÁP ĐẠI ĐỒNG

            Chomsky không những đã khai sáng ra ngữ pháp biến tạo mà còn kêu gọi các nhà nghiên cứu hãy lưu tâm đến “những nét đại đồng của ngôn ngư”õ (language universals) để tìm thấy những yếu tố cùng những cơ cấu có thể hiện diện trong mọi ngôn ngữ, hoặc đa số ngôn ngữ. Và quan trọng hơn cả, họ phải xác định được những giới hạn, “những kiềm chế đại đồng” (universal constraints) mà trong đó ngôn ngữ loài người thực hiện chức năng. Những kiềm chế này, theo Chomsky, có tính cách di truyền, và con người rất có thể đã được cung cấp trong nhiễm thể  một kiến thức căn bản về ngôn ngữ và cách thao tác của ngôn ngữ loài người. Chomsky mệnh danh cái nòng cốt thừa hưởng (inherited core) đó là “ngữ pháp đại đồng” (thường được viết hoa là Universal Grammar và viết tắt là UG).

            Ngữ pháp đại đồng cho rằng mỗi cá nhân đều biết một số “nguyên lý” (principles) áp dụng cho tất cả ngôn ngữ và một số “thông số” (parameters) có thể khác biệt từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, nhưng chỉ trong những giới hạn nhất định. Như vậy, học hỏi một ngôn ngữ có nghĩa là áp dụng những nguyên lý của ngữ pháp đại đồng vào ngôn ngữ đó, và khám phá ra giá trị của mỗi thông số trong ngôn ngữ đó.

            Một nguyên lý của ngữ pháp đại đồng là “sự phụ thuộc cấu trúc” (structure dependency). Điều này có nghĩa là nếu chúng ta muốn hiểu một ngôn ngữ, chúng ta phải dựa vào kiến thức của những “tương quan cấu trúc” (structural relationships) trong câu, thay vì chỉ nhìn vào câu đó  như một chuỗi chữ nối tiếp nhau. Vậy thì sự hiểu ý của câu “Kiều và Vân nép dưới hoa” không phải là “Kiều / và / Vân / nép / dưới / hoa” mà là như sau: Câu này gồm hai phần mệnh danh “chủ ngữ” (subject) và “vị ngữ” (predicate). Chủ ngữ là vai trò của cụm danh từ (noun phrase) gồm các từ “Kiều và Vân”, và vị ngữ là vai trò của cụm động từ (verb phrase) gồm các từ “nép dưới hoa.” Cái tương quan cấu trúc giữa chủ ngữ và vị ngữ trong câu này giúp người nghe, người đọc hiểu ý nghĩa của nó.

            Cấu trúc câu tiếng Việt trên đây cũng nằm trong cái “quy luật kết cấu cụm từ” (phrase-structure rule) khét tiếng trong cuốn Syntactic Structures:  S -> NP + VP. Trong quy luật này, S đọc là “sentence”, -> đọc là “consists of” hoặc “is rewritten as”, NP đọc là “noun phrase”, và VP đọc là “verb phrase.” Về chức năng thì NP ở đây đóng vai “subject” và VP đóng vai “predicate.”

            Một trong những thông số có thể thay đổi – trong những giới hạn nào đó tùy ngôn ngữ – là “thông số đầu” (head parameter) tức là yếu tố chính của mỗi cụm từ (phrase). Vì trong tiếng Anh, yếu tố đầu thường đứng đầu trong cụm từ, Chomsky mệnh danh tiếng Anh là một “head-initial language.” Và tiếng Nhật, vì hoàn toàn trái ngược với tiếng Anh trong thông số này, được coi là một “head-final language.” Hai thí dụ sau đây về các cụm từ Anh và Nhật (với ý nghĩa tương đương) sẽ làm sáng tỏ vấn đề, trong đó các “heads” được viết bằng chữ lớn: (1) IN Japan = Nihon NI, và (2) (I) AM Japanese = (Watashi wa) nihonjin DESU.

 

HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI

            Chomsky trông đợi ngày các nhà nghiên cứu ngữ pháp đại đồng sẽ hoàn tất một bảng liệt kê các “nguyên tử ngôn ngữ” (linguistic atoms) cùng với những sự kết hợp của chúng để nhờ vào đó chúng ta có thể điểm mặt bất cứ một ngữ pháp nào của nhân loại, tương tự như “bảng tuần hoàn” (periodic table) mà nhà bác học Dmitry Mendeleyev đã thực hiện cho các hóa chất vào năm 1869.

            Gần đây hơn, Chomsky trong cuốn The Minimalist Program (1995) đã áp dụng một “thảo chương ở mức tối thiểu” để sắp xếp loại toàn bộ lý thuyết ngữ pháp mà ông đã xây đắp trên căn bản “nguyên lý và thông số” (principles and parameters approach) trong cuốn Lectures on Government and Binding(1981). Lần này, Chomsky đã bỏ đi rất nhiều và chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết tối thiểu, vì ông đã hết tâm chú trọng đến các nguyên tắc “tiết kiệm” (economy) và “đồ án tối lợi” (optimal design).

            Có thể một ngày nào đó lý thuyết của Chomsky sẽ bị đào thải, do sự đồng thuận của các nhà ngữ học cho rằng lý thuyết ấy không còn phù hợp hoặc đã “đi trật đường rầy” trong việc giải thích ngữ pháp nhân loại. Nhưng giả dụ ngay cả khi điều ấy xảy ra thì nỗ lực siêu phàm hình thức hóa được những ý niệm của ông trong công việc phân tích ngôn ngữ đã giúp chúng ta hiểu được những ý niệm kiệt xuất đó. Và chỉ điều này thôi cũng đã đủ cho chúng ta có thể kết luận rằng “cuộc cách mạng Chomsky” đã thành công to rồi.

 

ĐÀM TRUNG PHÁP


 

 

Hình chụp Noam Chomsky tại World Social Forum năm 2003

 


SỐ 8 THÁNG 5.2007

Quan điểm

1. Viễn Tượng Việt Nam : Dân chủ và nhân quyền

Văn, Thơ & Sử

2. Đỗ Mạnh Tri : Đôi điều về anh Nguyễn Ngọc Lan

3. Từ Thức : Người đưa tin

4. Tiểu Tử : Người Viết Mướn    

5. Vĩnh Như & Thường Nhược Thủy : Ngày giỗ tổ Hùng Vương 

6. Phan Thanh Tâm : Sau 30 năm lìa xa     

Chính trị quốc tế & Việt Nam

7. Phùng Nguyên : Lược duyệt các Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc

8. Vũ Huy Quang dịch : Thư Luân Lưu (của Trần Độc Tú)

 9. Vương Văn Đông lược dịch : Một đế quốc thiếu nhất quán (của Michael Mann)      

10. Nguyễn Văn Trần : Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp vừa qua...

11. Bùi Tín : Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân tộc dân chủ...

12. Trần Thanh Hiệp : Chính thống dân chủ           

13. Nguyễn Xuân Phước : Những Vướng Mắc Hiến Pháp của Điều 88 Bộ Luật Hình Sự

14. Đoàn Viết Hoạt : Hãy hòa giải với hiện tại để xây dựng tương lai

15. Vũ Quốc Thúc : Đã tới lúc phát động cuộc  "cách mạng nhung" ?

Biên khảo xã hội, kinh tế, chính trị

16. Trần Lê Quang : Dẫn-Thủy Nhập-Điền tại Đồng Bằng Phan-Rang...

17. Nguyễn Ngọc Hiệp : Tự do thông tin vì dân chủ, văn minh và tiến bộ

18. Trần Thanh Hiệp : Ghi chú về « Đức lý 德理 » của người luật sư

19. Tôn Thất Long : Hợp chủng quốc Hoa kỳ: nguồn gốc và nền tảng xây dựng

20. Hoàng Xuân Đài phỏng dịch : Đàn ông khống chế đàn bà... (của Françoise Héritier)

21. Đàm Trung Pháp : Noam Chomsky : Linh Hồn Của Lý Thuyết Ngữ Pháp...

Trình bày bìa
Nguyễn Thành Nhân


Số cũ :

7 | 6 | 5 | 4 | 3 | 2 | 1
 


 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.