PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta

Sàigòn 2007 - Hãy đi cùng tôi...

  • Ký và ảnh của Nguyễn Thị Lệ Liễu - Sàigòn 3.06.2007
    Theo Gió - người gửi Cát Lan 16.07.2007

Tôi giật mình thức dậy, ngơ ngác không biết mình đang ngủ ở đâu, Cái Bè hay Vĩnh Long?  Căn phòng tối, ánh sáng lờ mờ ban mai xuyên qua khe hở của bức mành rọi lên những con cò con hạc lơ lửng trên tường. Phải mất hết mấy phút tôi mới định thần được mình đang nằm trong phòng ngủ của nhà mình, và mấy con cò con hạc ấy là những tấm ảnh do tôi chụp cách đây vài năm.

Như một giấc mơ, tôi rời Việt Nam.
Như một giấc mơ, tôi trở về Việt Nam.
Ba tuần lễ sau ba mươi hai năm, tôi lại rời Việt Nam một lần nữa.

Khi những viên đạn pháo bắn ào ạt vào thành phố Vũng Tàu làm nổ tung nhà cửa và ghe tầu đậu trên bãi ngày hai mươi chín tháng tư  năm bẩy mươi lăm, chúng tôi rời Việt Nam.

Khi nghe qua radio chính phủ lâm thời Dương Văn Minh tuyên bố trao chính quyền và khi nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ôm đàn hát Nối Vòng Tay Lớn, những người Việt Nam trên chiếc tàu hạm đội Đài Loan cùng ôm mặt khóc.

Một tuần lễ trước khi lên máy bay về lại Sài Gòn tôi cũng thấy mình rưng rưng, bồi hồi. ...trong cuộc hành trình xuyên Việt

Chuyến máy bay China Airline của Đài Loan chở chúng tôi trở về Việt Nam đã hạ cánh đáp xuống phi đạo.

Phi trường Tân Sơn Nhất đón tiếp chúng tôi như thông lệ, 5 đô-la Mỹ cho chặng xét giấy thông hành, 5 đô-la cho chặng khám hành lý. Chưa đủ. Anh cho thêm tiền trà nước cho anh em. Chồng tôi mở ví dúi thêm tờ 20 đô vào tay tên hải quan. Hành lý chúng tôi mang theo chẳng có gì đáng giá, ngoại trừ mấy cái máy chụp hình và một cái laptop để làm việc, còn lại là quần áo và một ít quà cho bà con. Mấy cái máy này đắt tiền lắm đấy.  Chúng tôi đi du lịch mang theo để chụp hình, phạm tội mang đồ quốc cấm à. Tôi nghĩ bụng nhưng ngoảnh mặt đi vì đã thỏa thuận với chồng tôi trước khi lên đường, bịt mắt dán miệng lại để khỏi gây chuyện rắc rối. Khi tiễn chúng tôi ở trạm xe đưa đón, hai con trai tôi ôm hôn và lo lắng dặn dò, bố mẹ don’t worry about mình, mình worry about bố mẹ thì có (chúng hay nói nửa Mỹ nửa Việt như thế).

Tôi hậm hực đẩy hành lý bước ra khỏi phi trường, lẩm bẩm, hải tặc, sơn tặc, phi trường tặc! Thành phố Sài Gòn chào đón chúng tôi bằng ánh nắng gay gắt và những tiếng còi xe ầm ĩ ; tài xế taxi, xe ôm, những người bán hàng bu chặt chung quanh chào mời. Những cảm xúc khi nhìn thấy bờ biển, con sông Sài Gòn và dải đất Việt Nam, cảm xúc khi nhìn thành phố Sài Gòn, những căn nhà và những con đường xuất hiện nho nhỏ bên dưới qua cửa sổ máy bay, cảm xúc lúc máy bay đáp xuống phi đạo và đọc được tấm bảng Phi Trường Tân Sơn Nhất, cảm xúc khi nhìn những bức tường cũ dọc phi đạo chưa bị đập phá, nhìn những lô đáp trực thăng ngày xưa nay hoang tàn, bỗng dưng tan biến. Tôi bước vào taxi, lòng dửng dưng như đang đến một thành phố lạ. Email về kể chuyện cho con, chúng lại dặn dò, mẹ, don’t get into fight with authorities. You don’t want to be stuck there for another year (đừng gây lộn với người có quyền. Mẹ không muốn bị bắt giữ ở đó thêm một năm đâu).

Ngựa xe như nước áo quần như nêm phải đổi lại là motobikes như nước, khách bộ hành như nêm. Đường phố nghẹt người, xe cộ chạy không theo một trật tự nào, đan chéo vào nhau như những lằn đạn bắn. Tiếng kèn xe inh ỏi;  hình như cứ cách hai ba phút thì mỗi người, mỗi xe đều phải bấm kèn một lần. Khi khách bộ hành tự động băng ngang đường, xe cộ sẽ tự động dạt ra. Mọi khu phố, mọi căn nhà đều biến thành cửa tiệm buôn bán, lấn tràn ra cả vệ đường. Bên cạnh những tòa buyn-đinh, khách sạn, cao ốc, thương xá cao lớn lộng lẫy là những căn nhà hẹp bề ngang dư bề cao; có căn cũ kỹ tường lỡ vôi tróc, có căn cầu kỳ màu sắc sặc sỡ, chen vai thích cánh nhau, cái lồi cái lõm. Đủ mọi loại kiến trúc, đủ mọi bảng hiệu, đủ mọi màu sắc. Nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ những căn “mặt bằng” đều được mở thành cửa tiệm buôn bán. Tôi chưa từng thấy ở đâu có nhiều bảng hiệu như thế; mọi cửa tiệm to nhỏ đều có bảng hiệu, thậm chí những hàng quán vỉa hè cũng có bảng “cơm tấm bà T.”, “bún bò bà X.”, xe “bánh mì  N.”...Tôâi ngồi nhìn đèn xanh đèn đỏ bật lên bật xuống một mình không ai buồn chú ý, thậm chí đường một chiều vẫn có xe chạy hai chiều. Dọc ngang đường phố là những chùm giây điện màu đen, treo lơ lửng bắc ngang từ cột điện này sang cột điện kia. Tôi không biết làm sao những người thợ sửa chữa điện có thể phân biệt được sợi nào cho sợi nào; chúng quấn lại với nhau tạo thành từng “nùi”. Những nam thanh nữ tú của Sài Gòn bỗng trở thành “hiệp khách hành” xuất hiện khắp nơi. Hình ảnh mới xóa đi hình ảnh cũ.  Sài Gòn bây giờ không còn giống Sài Gòn trước bẩy mươi lăm.

Trước khi lên đường chồng tôi quả quyết, không thể nào quên được;  trở về thành phố cũ chồng tôi trả lời, chẳng thể nào nhìn ra. Sài Gòn nhộn nhịp thanh lịch trong trí nhớ của chúng tôi nay đã hoàn toàn đổi khác.  Những con đường đã thay tên, phố xá đã thay đổi, những nơi chốn cũ đã không còn, ngay cả những ngã tư, những bùng binh cũng được trồng trọt bông hoa um tùm nhìn không ra. Chợ Lớn, Dinh Độc Lập, Bưu Điện, Nhà Thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Thư Viện Quốc Gia, Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Văn Khoa, cafe Hoàng Gia, cafe vỉa hè thư  viện, chúng tôi đi tìm thăm lại nơi chốn cũ.  Chúng tôi lang thang qua những phố Lê Lợi, Tự Do, Công Lý, Lê Thánh Tôn, Gia Long, Nguyễn Huệ, Pasteur, Hai Bà Trưng, Lê Văn Duyệt, ra bờ sông Sài Gòn...vào cafe Brodard, Givral, vào thương xá Eden, thương xá Tax nhìn xem những thay đổi.

Chúng tôi vừa đi vừa xem bản đồ, học thuộc lòng những tên đường mới khó nhớ. Bên hông nhà thờ Đức Bà tôi nhìn thấy một em bé gái khoảng 8, 9 tuổi ôm một bó hoa hồng đi bán dạo. Tôi ngạc nhiên và thương cảm khi nhìn bộ áo đồng phục của em, chắc là em vừa ra khỏi trường học? Sao em không về nhà nghỉ ngơi hay học bài? Hay là em giúp mẹ bán hoa kiếm thêm tiền phụ trội? Nhưng sau đó, tôi lại thấy rất nhiều em bé gái khác, cùng trạc tuổi, cũng mặc đồng phục áo trắng váy xanh, cũng cầm trong tay những bông hồng được gói giấy kính trong. Không biết các em bán hoa giúp gia đình, hay giúp một cơ quan nào? Giữa giòng xe cộ nhộn nhịp, nhìn các em lửng thửng, mời chú mua hoa hồng, mời cô mua hoa hồng, tôi nghĩ đến những đứa cháu gái trạc tuổi ở bên nhà, giờ này không biết đang học đàn piano? đang học vũ ballet? hay đang nằm lăn trên giường đọc sách?

Những nhà hàng, quán ăn, quán café, phòng trà ca nhạc mọc lên còn hơn nấm, nhộn nhịp. Sài Gòn bây giờ là thành phố của ăn và uống. Từ nhà hàng có máy lạnh điều hòa không khí đến hàng quán bên vệ đường, từ những con đường sang trọng đến những ngõ ngách chật hẹp xa xôi, nơi nào cũng có nhà hàng, quán ăn, nơi nào cũng có quán cafe, quán cóc, và giờ giấc nào cũng có người ngồi ăn uống, nhâm nhi, từ rạng đông đến đêm hôm khuya khoắt. Sài Gòn giống như một người con gái, sống sót sau cơn bạo bệnh, vội tô son điểm phấn và lăn xả vào các cuộc chơi.

Giữ kỷ niệm vào trong trí nhớ, Sài Gòn là thành phố của quá khứ. Hồ Chí Minh là thành phố của hiện tại. Đừng mơ ngủ nữa, tỉnh dậy đi thôi!

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.