Dân xả thân cứu nạn,
y tế đòi tiền trước mới được cấp cứu
Thấy người bị nạn anh Sơn lao vào xem bồng, bế từng người đưa ra
khỏi xe đi cấp cứu, từ lúc nửa đêm đến khi mờ sáng trong khi những
nhân viên y tế chữa trị lại thẳng tay thu phí của người bị nạn rồi
"làm gì mới làm".

Anh Nguyễn Đức Sơn. Ảnh: TTO.
Khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, do nhà ở cách hiện trường khoảng
300m nên anh Sơn không hay biết gì. Cho đến khi nghe tiếng thắng rít
của nhiều chiếc ôtô ngay trước nhà mình, anh mới bật dậy và lao ngay
đến nơi xảy ra tai nạn. “Tôi lột vội chiếc áo thun đang mặc, chỉ mặc
chiếc quần soóc cho đỡ vướng, gọi mọi người tìm búa và xà beng để
đập kính xe, nạy sắt cứu người. Ngay sau đó, tôi nhảy tọt vào xe
khách mang biển số tỉnh Bình Định và mò mẫm, kéo, ẵm người bị nạn
đưa ra cửa sổ xe cho những người khác bên dưới khiêng lên xe đi cấp
cứu cho kịp”, anh Sơn kể lại vụ việc trên tờ Tuổi trẻ TP. HCM.
Đưa hết người còn sống, bị thương trong xe Bình Định ra, anh Sơn lại
lao về xe Quảng Ngãi trong vụ tai nạn và tiếp tục công việc của
mình.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, một người dân ở nơi xảy ra tai nạn kể lại:
“Trước khi anh Sơn đập kính xe cứu các nạn nhân, cũng đã có một số
người tập trung lại nơi xảy ra tai nạn rồi, nhưng ai cũng hãi hùng
chỉ biết la hét. Cho đến khi anh Sơn lao lên xe và gần như là người
chỉ huy cuộc cứu nạn trước khi cơ quan chức năng đến, nhiều người
dân đã chung tay với anh”. Anh Sơn thổ lộ: “Lúc đó tôi chỉ có một
suy nghĩ là mình đưa họ ra khỏi xe nhanh một chút là cơ hội để họ
sống sót càng cao”.
Trong khi đó, sáng 8/3, khi xe cấp cứu của quân y Vùng 4 Hải Quân
vừa đưa 15 nạn nhân vụ tai nạn về tới Đội điều trị 486, trước khi
vào cấp cứu và điều trị, nhân viên y tế yêu cầu mỗi nạn nhân trả phí
chuyên chở 200.000 đồng/người. Nạn nhân nào bị thương không tự lấy
tiền được thì nhân viên “rút ví hộ” trong túi nạn nhân để thu phí.
Có nạn nhân nhỏ tuổi, chỉ có 120.000 đồng trong túi, bèn “thương
lượng”, cũng được chấp nhận.
Nạn nhân Đỗ Thị Thu (ngụ huyện Tân Phú - Đồng Nai) cho biết, chị
chứng kiến có nạn nhân còn ít tuổi, khi bị thương trong túi chỉ còn
120.000 đồng. Bị yêu cầu đóng tiền, em này đã thương lượng và được
một nhân viên y tế trả lời: “Thôi 120.000 đồng cũng được”.
Anh Trịnh Văn Anh (25 tuổi, ngụ huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) cho
biết khi vào cấp cứu tại đội 486, anh bị nôn mửa, sùi bọt mép, đang
nẹp cố định 2 chân. Nhân viên y tế thông báo phải đóng 200.000 đồng
tiền vận chuyển, do anh không cử động được nên nhân viên y tế rút ví
lấy tiền. Anh nói: “Tôi được tiên đoán chấn thương sọ não, gãy xương
chân, đến nay chưa kiểm tra ví nên không biết người ta lấy bao nhiêu
tiền”.
Không chấp nhận cách hành xử vô đạo như trên, bạn đọc Kim Xuân, bức
xúc: “Những người bị tai nạn đã đau đớn về thể xác và tinh thần rồi
sẽ dần dần vơi đi, nhưng khi nhớ lại cái cảnh bị đòi tiền mới chở đi
cấp cứu thì sự thất vọng của họ sẽ đi đến cuối đời. Những cảnh nhiễu
nhương thì có thể ở đâu cũng có nhưng nó lại xuất hiện ở những
“thiên thần áo trắng” và trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy thì đau
lòng quá”.
Đơn vị thu tiền phí nạn nhân vào viện là Đội điều trị 486 Vùng 4 Hải
quân, tổng số phí đã thu được của Đội là 1,6 triệu đồng.
|