PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta

Căn nhà nhỏ cứng đầu

  • PSN - 16.08.2007 | Hoàng Huy

Ngày 8 tháng 8 vừa qua, ngày N-365 Thế Vận Hội 2008, dù còn một năm nữa mới đến thời điểm mở hội nhưng Bắc Kinh cũng đã nổi đình nổi đám đánh dấu chương trình chuẩn bị rồi. Nào là pháo bông, nào là vũ điệu ca hát tưng bừng ở Thiên An Môn, nào là hòa nhạc cổ truyền ở Vạn Lý Trường Thành. Thế nhưng, cách xa quảng trường nổi tiếng mấy xóm nhà, bà Sun Ruoyu và người chị có trông thấy ánh sáng của pháo liên hoan trên vòm trời, nhưng lòng vẫn xao xuyến vì số phận của căn nhà chưa ngã ngũ ra sao cả. Thì ra, cùng với ban tổ chức TVH, hai bà cũng chạy đua với thời gian, không phải mong đến ngày lễ lớn, mà nghĩ về thân phận của ngôi nhà truyền tử lưu tôn.

Căn nhà hai tầng xưa kia là lò bánh của tổ tiên bà Sun từ những năm 1840 và trong số khách hàng có cả vua chúa và triều đình nhà Thanh. Nhưng kể từ hôm thứ Hai 06.8.2007, nó đã nằm trong danh sách giải tỏa của Bắc Kinh. Nhà cầm quyền cơ sở đã thông báo cho gia đình bà Sun biết rằng căn nhà của bà nằm dọc theo lộ trình chạy việt dã của TVH. Thế nên, nhà này cần được dỡ đi, cho trống trải cảnh quang, cho đẹp mắt. Trong khi chính quyền đang nói chuyện với bà Sun thì một chiếc xe ủi đất đang nằm chờ bên ngoài.

Phá bỏ và giải tỏa không phải là chuyện mới mẽ trong vùng đất bao quanh quảng trường Thiên An Môn, một địa danh lịch sử nổi tiếng nhưng đã từng bị san bằng và xây cất lại thành khu buôn bán dành cho TVH. Chuyện độc đáo ở đây là bà Sun không chịu rời bỏ khu này. Nhà bà là cơ ngơi cuối cùng còn lại trên một con đường, trước kia là những dải hiệu buôn. Những người tạo dựng hoa viên đã trồng cây cảnh và cỏ xanh khu đất còn lại đã được giải tỏa. Căn nhà của bà Sun là một tồn tại khó coi làm hư hỏng cảnh quang.

Qua đàm đạo với ký giả, bà Sun cho biết:"Tôi chỉ chờ cho họ giựt sập." Thái độ thách thức của bà được trình bày rõ ràng trên những bích chương, viết bằng hai thứ tiếng, Anh và Trung Quốc, dán lên cửa. Người ta có thể đọc được trên bích chương:"Một hành động bất hợp pháp. Tôi sẽ lấy mạng sống để bảo vệ căn nhà của chúng tôi."

Theo nhận xét của giới chức thẩm quyền trong Ủy ban Thế vận Quốc tế thì Bắc Kinh đã thi hành đúng thời hạn chương trình chuẩn bị cho thế vận hội. Sân vận động và các bãi thể thao khác đều sắp hoàn thành. Các toán nhân công đang dứt điểm những lối đi ngầm dưới mặt đất và đường sá lộ thiên. Tóm lại, các cuộc chuẩn bị cho 2008 đã tạo những cảm nghĩ tốt đẹp về mọi mặt.

Thế nhưng, muốn chuyển mình để trở thành một thành phố thế vận, Bắc Kinh phải dời nơi ăn chốn ở của không biết bao nhiêu dân cư để thiết lập nhiều dự án cư xá và thương mại, biến Bắc Kinh ra một thành phố thủ đô có vẻ tiên tiến và quyến rủ hơn. Người ta ước tính khoảng 1,5 triệu thị dân Bắc Kinh bị đuổi nhà, đuổi đất hay bị dời đi chỗ khác để tổ chức TVH 2008. Nếu như Bắc Kinh không phải là một quốc gia đăng cai TVH thừa can đảm để đưa dân đi nơi khác thì mức độ xây cất bao quanh thành phố vẫn còn trì trệ.

Bà Sun đã cố gắng tìm cách làm cho thiên hạ chú ý đến trường hợp của gia đình bà, nhưng coi bộ chẳng ăn thua gì. Đã có một số phản ứng trên mạng Internet nhưng báo chí địa phương thì không đề cập đến. Những chuyện giải tỏa bắt buộc như thế ở Trung Quốc tạo ra nhiều tai tiếng chính trị và nhiều trường hợp đuổi nhà khác đã làm cho dư luận cả nước phẫn uất và làm cho dân chúng tức giận thêm vì nạn tham nhũng. Có một tên gọi văn vẻ - "nhà ốc sên" - dành cho những căn nhà lì lợm, nhất định không chịu thua nhà nước, dù cho chòm xóm láng giềng đã đi hết.

Hôm thứ Tư, 8.8.07, đông đảo thiên hạ tụ tập bên ngoài căn nhà của bà Sun để đọc những bích chương và yết thị của chính quyền dán đầy mặt tiền. Đàng sau nhà là một cây cờ Úc. Hai ông bà Sun đã di dân từ Bắc Kinh qua Melbourne (Úc) trên mười năm nay và đã vào quốc tịch Úc.

Bố của bà đã cho thuê căn nhà đó mấy năm qua, kể cả cho một cửa hàng tạp phẩm quốc doanh mướn và sau này chính ông đã đứng ra làm hiệu ăn kể từ năm 2001. Bà Sun cho biết là căn nhà đã nổi tiếng là tiệm bánh ở Tiền Môn, một khu vực lừng danh với những cửa hàng, những nhà khách của tỉnh và nhà chứa dưới đời nhà Thanh. Bà Sun nói rằng vào mùa xuân năm 2006 yết thị đã xuất hiện trong xóm báo rằng các căn nhà phải bị phá bỏ. Nhưng, theo bà Sun thì không giải thích lý do.

Năm tháng qua đi, nhiều cửa hàng khác trong khu vực lần hồi đóng cửa. Thế rồi đầu xuân năm nay, viên chức địa phương tư giấy đến giải thích rằng gia đình bà Sun phải dời đi, trong chiến dịch dẹp sạch nhà ổ chuột. Cáo thị nói rằng thành phố chuẩn bị lối đi cho cuộc chạy việt dã TVH và nhà cửa trong khu vực phải bị phá bỏ.

Cáo thị đó kết luận với những lời lẽ cám ơn gia đình vì đã ủng hộ TVH Bắc Kinh. Hôm thứ Sáu vừa qua (03.8.2007), một viên chức khác trở lại căn nhà của bà Sun và niêm yết tờ cáo thị phán rằng thành phố có quyền đập bỏ căn nhà bất cứ lúc nào sau ngày 06.8 nghĩa là ngày thứ Hai.

Chính quyền cơ sở chẳng thèm nói lời nào với bà Sun. Sáng thứ Tư, 08.8.2007, nhà nước cho xe ủi đất tới. Bà Sun nhảy lên xe và quát tháo là không được quyền ủi. Thế là bác tài xế dừng lại.

Bà Sun từ Úc trở về Trung Quốc trong năm nay và tìm cách xin tòa đại sứ Úc giúp đỡ. Một viên chức đại sứ quán khuyên bà không nên phê phán về trường hợp này. Họ cho biết là sứ quán không có bao nhiêu tác dụng trong vấn đề này và bà nên đưa vấn đề qua hệ thống tư pháp của nhà nước Trung Quốc.

Bà Sun liên lạc điện thoại được với viên chức nhà nước liên hệ đến vấn đề hồi tối thứ tư, 08.8.2007, nhưng ông ta từ chối không chịu bàn tới chuyện đó. Qua những âm thanh nghe được trong điện thoại thì có vẻ như người ở đầu dây bên kia đang dự lễ ở Thiên An Môn. Một buổi lễ nhắc nhở còn đúng một năm nữa đến ngày mở hội thế vận mà nhà nước cho rằng người dân Bắc Kinh hết lòng ủng hộ như khẩu hiệu đã nói là:"Tôi tham gia, tôi góp phần, tôi hưởng thụ."

Chiều thứ Tư, trong khi bà Sun đang nói chuyện với ký giả bên trong căn nhà thì công an đã độn nhập làm gián đoạn ba lần. Có một lần công an hỏi giấy tờ nhà báo, thông hành và thẻ báo chí, và còn hỏi xem có bài viết nào liên quan đến căn nhà không.

Căn nhà lì lợm

Theo bà Sun thì TVH chỉ là một cái cớ để nhà cầm quyền phá bỏ căn nhà của bà, với lý do là làm công viên cho TVH, nhưng sau đó họ sẽ triển khai thành khu cư xá và thương mại. Nhà nước đã đề nghị bồi thường 1,6 triệu nhân dân tệ (vào khoảng 200.000 US$, 270.000€), nhưng gia đình bà Sun không chấp thuận. Bà Sun cho biết:"Đền mấy thì đền, chúng tôi cũng không thể nào có khả năng sinh sống ở đây, một nơi chốn đầy kỷ niệm của gia đình. Người ta lợi dụng TVH để cướp giựt tài sản nhân dân. Họ làm như thế là trái với tinh thần TVH."

Nên chi, giờ đây hai chị em bà Sun cứ kiên trì cầm cự. Nhà hàng tầng dưới đã đóng cửa. Vách tường đã bị nứt nhiều chỗ vì khi phá những nhà hai bên thì động đến nhà bà. Gia đình đã thuê mướn bảo vệ để canh chừng hai chị em ngũ đêm trong căn nhà trống trơn. Họ sợ nhà nước đến hốt hai chị em đi, nên có sống cũng không yên tâm.

Hai chị em bà Sun sống trong cảnh trứng chọi với đá và châu chấu mà đá xe. Hai người đang sống trong ảo tưởng là chính quyền cộng sản sẽ chịu lùi bước. Một căn nhà nhỏ lì lợm, nhưng chắc gì cứng đầu hơn tập đoàn lãnh đạo cộng sản ở Trung Nam Hải? Lúc nào họ cũng có cái lý của họ, cái lý của người quyền thế chuyên chính vô sản.

(Viết theo "Little building defies Chinese Olympic ambitions", Jim Yardley, International Herald Tribune, August 9, 2007)

 Hoàng Huy

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.