PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta

Ly hôn kiểu Tàu

  • PSN - 16.08.2007 | Phan Aurélie

Ngày nay ở bên Tàu, hiện tượng làm đồ giả rất ư là phổ biến cho nên dân gian thường rêu rao rằng thứ gì cũng giả mạo được hết. Y như rằng, giả mạo không chỉ hạn hẹp ở vật dụng, sản phẩm, hàng hóa, mà còn lây lan sang nhiều diện khác. Hiện tượng "y như thật" đã bắt đầu từ giả các thứ thường dùng để leo sang lãnh vực phi vật chất, bên phạm trù xã hội hay pháp lý, chẳng hạn như thủ tục ly hôn.

Trong những năm gần đây, số lượng ly hôn giả tạo, được các phương tiện truyền thông loan đi, ngày một leo thang. Tất cả đều có lý do "chính đáng", không vì lý này thì cũng bởi lẽ kia. Nhưng, xét cho cùng thì tất cả chung quy lại đều là vì "tờ-iên-tiên-huyền, TIỀN" thôi! Đồng tiền là cái chi chi mà nó sai khiến và hành hạ đủ mọi hạng người. Vì nó mà thiên hạ có khi bán Trời chẳng mời Thiên Lôi.

Là hậu duệ của ngài "Vạn Thế Sư Biểu", người Tàu thường một vợ một chồng từ buổi kết hôn đến thuở bạc đầu, chớ làm gì có chuyện nửa đường gảy gánh, hôn thú xé toạc, anh đường anh, tôi đường tôi, vợ chồng hai ngõ chia lìa. Nhưng, từ khi đất nước mở cửa vào cuối những năm 1970, đảng ta bắt đầu làm kinh tế thị trường theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, tinh thần "mèo trắng như mèo đen" lên ngôi, thì mọi chuyện cũng dĩ bất biến, ứng vạn biến luôn. Cho tiện việc sổ sách.

Vả lại, trong thời "đảng ta" còn bá chủ, chuyện ly hôn phải có phép của thủ trưởng, nên tình huống nhiêu khê làm cho phức tạp nên có khi con người đành cắn răng chịu đựng, nín thở qua cầu. Ngày nay, luật hôn nhân mới, có hiệu lực từ tháng Mười năm 2003, đơn giản hóa thủ tục ly dị và đồng thời cũng nâng cao tỷ số ly hôn.

Theo những con số thống kê của bộ Dân Sự Vụ thì từ 1985 đến 1995, nghĩa là trong vòng 10 năm, tỷ lệ ly hôn đã tăng gấp đôi, và đến 2005 thì con số vợ chồng bỏ nhau đã tăng gấp ba, đổ đồng trong 1.000 người thì có 1,37 vụ xé hôn thú. Năm 2005 có 1,79 triệu cặp vợ chồng ly hôn, trong khi có 8,23 triệu cặp nam thanh nữ tú chẳng cần biết đến tỷ lệ ly dị gia tăng và cứ nhào vô thắt chặt mối tơ hồng.

Hồi năm ngoái, ở Trung Quốc trên 1,9 triệu cặp vợ chồng đã rả gánh giữa đường, nhiều hơn năm trước đó 128.000 cặp, nghĩa là tăng 7% so với cùng kỳ năm vừa qua. Như thế, tỷ lệ ly hôn năm 2006 tăng lên 1,46, tính trên 1.000 người.

Thế nhưng so với Hoa Kỳ thì tỷ lệ ly dị của Trung Quốc còn thua xa. Bên Mỹ, trong năm 2004, cứ 1.000 người thì có 3,7 vụ ly dị. Tuy nhiên, cái đà tăng tốc ly hôn của Trung Quốc đem đối chiếu với trào lưu của một nước tiên tiến thì đáng ngạc nhiên, nhất là hai nền tảng văn hóa khác biệt nhau.

Nhưng có chỗ là từ trước tới nay, mức độ chính xác của những con số thống kê kinh tế của Trung Quốc là điều cần phải xem lại. Còn những con số về tỷ lệ ly hôn thì sao đây? Thoáng nhìn thì có vẻ chẳng có lý do gì để nghi ngờ, vì những trường hợp ly dị cũng dễ đếm, như một với một là hai vậy.

Tuy nhiên, nếu như một vài trường hợp ly hôn không phải xuất phát từ ước muốn thầm kín của đôi bên thì những con số thống kê cần phải được xét lại. Y như rằng, theo tiết lộ của những phương tiện truyền thông Tàu thì có rất nhiều vụ "ly hôn vì lợi ích". Thí dụ như, qua tường thuật của nhật báo "Pháp Lý" ở Bắc Kinh, hồi đầu năm nay, ở một làng nhỏ thuộc quận Yibin, Tây-Nam tỉnh Tứ Xuyên, đã có 86 cặp vợ chồng, từ 20 đến 60 tuổi ra tòa xin ly dị, chỉ trong vòng ba tháng. Lẽ nào, trong một thời gian ngắn ngủi như thế mà lại xảy ra một lô bất ổn gia đình hàng loạt như vậy kìa?

Thử xem xét vụ việc của một cặp vợ chồng nọ, vừa lấy được chứng chỉ ly hôn có 25 ngày thôi thì lại đăng ký kết hôn? Thế là thế nào? Bươi móc tìm cho rõ lý do thì người ta được biết chuyện sau đây. Số là nhà chức trách sở tại có kế hoạch phá bỏ một phần của xã thôn liên hệ để lấy đất cho chương trình phát triển đất nước. Dân làng bị đuổi đất sẽ được bồi thường, nhưng chỉ trên tiêu chuẩn từng hộ gia đình. Thế nhưng, trên danh nghĩa một cặp vợ chồng thì hai người chỉ được bồi thường có một suất. Đàng này, khi đã ly hôn rồi thì họ được bồi thường gấp hai! Vậy thì dại gì mà không đâm đơn để vợ, bỏ chồng, lãnh được hai phần tiền bồi thường, sau đó cưới nhau trở lại? Của hồi môn như vậy cũng đáng đồng tiền bát gạo, và tình nghĩa vợ chồng đâu có gì sứt mẻ.

Viên chức địa phương biết rõ mánh khoé của những cặp ly hôn vụ lợi, nhưng không làm gì được. Dân làng đâu có làm gì quấy khi họ đâm đơn để bỏ nhau một cách hợp tình, hợp lý, đúng thủ tục? Nhà chức trách đành phải cấp chứng chỉ ly hôn thôi.

Thế nhưng, điều đã xảy ra ở Yibin, mà báo chí gọi là "ly hôn tập thể", đâu phải là trường hợp cá biệt và chỉ xảy ra ở nông thôn thôi đâu. Hồi tháng Bảy vừa qua, ở Pudong, ngoại ô phía Đông của Thượng Hải, hàng tá cặp vợ chồng bỗng dưng nộp đơn xin ly dị. Khu vực họ đang sinh sống có kế hoạch tái thiết chỉnh trang, thế nên họ hy vọng sẽ được bồi thường mặt bằng rộng lớn hơn, nếu là hai hộ gia đình khác nhau. Cũng với lý do tương tự, ở thị xã Renhe thuộc vùng ngoại ô thành phố Trùng Khánh, trên 1.000 cặp vợ chồng đồng thời nộp đơn xin để bỏ nhau.

Chưa hết, còn có những nguyên nhân khác để giả vờ ly dị. Ở Bắc Kinh, có chương trình an sinh xã hội để giúp đỡ những người không có công ăn việc làm, những kẻ tật nguyền và những ai thiếu thốn neo đơn. Số lượng trợ cấp không tính theo đầu người trong hộ gia đình, nên chi gia đình đông người tương đối được trợ giúp ít hơn những hộ ít người. Đó là một lối tính toán hợp lý vì chi phí sinh hoạt của một tập thể gia đình đâu có gia tăng nếu thêm một vài miệng ăn.

Thế nhưng, như vậy cũng tạo điều kiện cho những gia đình tinh ranh ma mãnh tìm các gian dối. Nhiều cặp vợ chồng thu xếp những vụ ly hôn giả tạo, nhờ vậy mà một gia đình thành hai hộ để nhận được trợ cấp gấp đôi. Theo kiểm tra thì có 30 hộ gia đình ở phường Fushuijing thuộc quận Xicheng của Bắc Kinh được trợ cấp an sinh xã hội thì có 20 cặp đã ly dị nhưng vẫn còn sống chung dưới một mái nhà sau khi đã có quyết định trợ cấp. Còn ba cặp đang làm thủ tục ly dị.

Còn có trường hợp ly dị vì công ăn việc làm. Với việc đổi mới những công ty xí nghiệp quốc doanh trong những năm gần đây, nhiều công nhân viên chức bị cho thôi việc, trong số đó có nhiều cặp vợ chồng. Thế nhưng, thẩm quyền cơ sở đã được yêu cầu tìm công ăn việc làm mới cho họ. Nhưng, vì con số người bị sa thảy quá đông nên một số nhà cầm quyền địa phương đưa ra quy luật mới là chỉ tìm giúp công ăn việc làm cho vợ hoặc chồng mà thôi. Hậu quả là nhiều cặp vợ chồng vội vã đâm đơn xin ly hôn. Để may ra mỗi người được một chỗ làm, như thế thu nhập đầy đủ hơn.

Thật ra mà nói thì con số trường hợp ly hôn giả vờ được đưa ra công khai chỉ là phần nổi của tảng băng. Nên chi với con số 1,9 triệu trường hợp ly dị được báo cáo chính thức của năm 2006, có bao nhiêu trường hợp là để được lợi về tài chính? Làm sao có được con số thống kê liên hệ đến những cuộc rẽ thúy chia uyên giả tạo đó?

Một số nhà học giả Tàu đã lên án hiện tượng ly hôn giả mạo. Người thì cho rằng làm vậy là vô lễ với luật lệ nhà nước. Kẻ thì nói là làm thế cũng như gian lận và hậu quả sẽ vô cùng trầm trọng. Có người còn gắt gao hơn, mạnh miệng phán rằng hành động kiểu đó sẽ tác động tiêu cực đến thẩm quyền và uy tín nhà nước, phá hỏng giá trị luật pháp và hậu quả là sẽ thiệt hại đến tài sản công.

Mặc dù bị lên án như thế, nhưng cứ có lợi là sẽ có người tiếp tục khai thác đường lối đó. Cũng như sản phẩm tiêu dùng, cứ có lợi là kỷ nghệ hàng giả mạo vẫn cứ phát triển mạnh bên Tàu. Có ý kiến đề nghị nhà nước nên san bằng kẽ hở luật pháp liên quan đến chuyện bồi thường đất bị trưng dụng, trợ cấp an sinh xã hội và trợ cấp thất nghiệp để ngăn ngừa những chuyện giả mạo.

Phong trào ly hôn giả mạo cũng như chuyện sản xuất hàng giả là một vấn đề trầm trọng mà xã hội Trung Quốc phải đương đầu. Trong khi đất nước này đã nhanh chóng chuyển biến sang một xã hội thương mại nhộn nhịp, theo tiêu chuẩn đạo đức Tây phương - chẳng hạn như đức tính liêm chính, cung cách làm ăn có uy tín, là những phẩm chất phần nào xa lạ với truyền thống Tàu nhưng lại thiết yếu đối với sinh hoạt xã hội và thương mại tiên tiến - cần phải bắt nguồn vững chắc ngay từ bây giờ. Thế nhưng, trong bầu không khí coi trọng đồng tiền đang chế ngự ở Trung Quốc hiện nay thì nhân danh đồng đô-la hay đồng nhân dân tệ toàn năng, người Tàu đều dám nghĩ và dám làm tất cả. Tới đâu thì tới!

 Phan Aurélie

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.