Nhân
danh ba chữ "yêu Tổ Quốc", nhà cầm quyền Mạc Tư Khoa có
khuynh hướng Xô Viết hóa trở lại lịch sử đất nước. Chế độ
Poutine để cho ngọn gió "xét lại" thổi qua Cộng Hòa Liên
Bang Nga và muốn gắn liền nước này với đoạn sử thời cộng
sản. Qua một lần tiếp xúc với những chuyên viên khoa học
nhân văn hồi tháng sáu 2007, Vladimir Poutine nhận xét rằng
lịch sử Liên Xô đã có "ít trang hắc ám hơn lịch sử Hoa Kỳ"
và những cuộc đàn áp của Staline còn "ít khủng khiếp" hơn
chiến tranh Việt Nam hay là Đức Quốc Xã.
Nói bóng nói gió về việc Mỹ ném bom Hiroshima, Poutine tự
hào là:"Chúng tôi không có mang vũ khí hạt nhân đi đánh dân
thường" và nói thêm rằng nước Nga "không có đem chất hóa học
rải xuống hàng triệu cây số vuông" như trường hợp ở Việt
Nam. Nhân danh thuyết tương đối trong lịch sử, V. Poutine đã
nhấn mạnh là "những trang sử hắc ám của chúng tôi cũng không
đến đổi khủng khiếp như thế...", có vẻ như muốn đề cao thái
độ tiếp cận lịch sử trong tinh thần "yêu Tổ Quốc".
Lập trường như thế là đã rõ ràng. Không còn vấn đề lên án
chế độ toàn trị của cộng sản cùng với mấy triệu nạn nhân bị
giết hại, như Boris Eltsine, người tiền nhiệm của ông, mong
muốn với ý định dựng lên một tòa án Nuremberg để xét xử chủ
nghĩa cộng sản, để rồi phải từ bỏ hồi cuối năm 1992, dưới áp
lực của tập đoàn lãnh đạo thời Liên Xô cũ. Chưa có ý định
xua đuổi những bọn ma quỷ độc tài đảng trị, thế nhưng, trái
lại, Cộng Hòa Liên Bang Nga của Poutine dường như ao ước rút
ra từ cái quá khứ cộng sản kia một tư cách hợp pháp và một
tính liên tục, với nguy cơ là lại phải tiếp tục áp dụng
những phương pháp tội ác.
Ngày nay, người ta thấy những phương pháp đã bị bỏ đi xuất
hiện trở lại. Chẳng hạn như mới đây, bà ký giả người Nga,
Larissa Arap, bị bắt giam đột ngột, về tội đã dám tố cáo
việc đối xử tồi tệ những trẻ em trong một bệnh viện tâm
thần. Vả lại, Nga chưa từng nhìn nhận là Liên Xô có sử dụng
những loại cơ sở như thế vào việc trừng trị bao giờ. Phim
ảnh và sách báo "yêu Tổ Quốc" cũng thế, cũng coi nhẹ những
tội ác của Staline và đề cao vai trò chiến thắng Đức Quốc
Xã, trong "Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại" của ông ta. Hằng năm,
"ngày kỷ niệm Tchéka" (ngành mật vụ Nga) được tổ chức với sự
tham dự của tổng thống Poutine, trong khi lễ đánh dấu lần
thứ 70 của cái năm kinh hoàng 1937 thì lại chẳng có biểu
hiện chính thức nào hết.
Thế nhưng, hiện tượng muốn trở về nguồn này, nếu như xuất
phát từ Vladimir Poutine - một cựu sĩ quan của KGB và lại là
người ái mộ Félix Dzerjinski, cha đẻ ngành mật vụ cộng sản,
đến đổi mang theo cả tượng bán thân của ông này sang Điện
Cẩm Linh khi làm tổng thống nước Nga - thì đâu có gì để ngạc
nhiên. Chính tổng thống Poutine cũng đã có lần tuyên bố rằng
sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa to lớn nhất của thế kỷ
XX". Nhưng, trường hợp trở lại với quá khứ này cũng nói lên
tâm trạng chung của một dân tộc đã phải làm đứa con mồ côi
của giấc mơ cộng sản. Nhà chính trị học Fedor Loukianov nhắc
lại rằng:"Nước Nga chưa dứt khoát được với dĩ vãng vì còn
quá sớm, còn quá nhiều tình cảm."
Loại tình cảm như thế đã che đậy đoạn lịch sử xấu xa của
thời cộng sản. Tình cảm đó cũng đang chận đứng cái khí thế
của cuộc "cách mạng văn khố" ngoạn mục, đã từng làm lung lay
tinh thần kỷ luật dưới thời Gorbatchev và Eltsine. Ở trụ sở
của trung tâm nhân quyền "Mémorial" tại Mạc Tư Khoa, một
thành viên của tổ chức không chính phủ, chuyên lo về hồi ức
của những nạn nhân cộng sản, đâm ra lo ngại một cách rõ
ràng. Qua những hành lang tràn ngập tài liệu - một bầu không
khí quen thuộc làm cho người ta nhớ lại thời kỳ của những
người chống đối - một nhóm nhỏ sử gia tiếp tục công việc quá
sức người là sắp xếp lại hàng triệu nạn nhân trên những
phiếu nhỏ một cách cảm động. Từ nay, tổ chức này có cảm
tưởng như bị cho là thù địch. Nhà sử học Nikita Petrov than
phiền:"Chúng tôi bị đối xử như người dưng nước lã, chuyên
khuấy động những kỷ niệm buồn và chia rẽ dân tộc."
Trung tâm nghiên cứu dân chủ của ông Alexandre Iakovlev - đã
quá cố, từng là nhân vật số hai của Bộ Chính Trị dưới thời
Gorbatchev - cũng bị loại ra khỏi các cuộc tranh luận công
khai, dù cho trung tâm này vẫn tiếp tục công bố những văn
khố độc đáo nói về những tội ác tài trời của chủ nghĩa cộng
sản (đã phát hành năm mươi tập tài liệu). Ngay lúc sinh
tiền, ông Iakovlev, nhân vật quan trọng duy nhất của tập
đoàn lãnh đạo Xô Viết đã công khai ăn năn hối cải là đã nằm
trong "tổ chức tội ác của Đảng cộng sản Xô Viết" nên đã bị
một vài người kết tội "phản bội". Con gái của ông tiếp tục
công trình hồi ức của ông hầu như một cách lén lút.
Một thí dụ khác là cựu giám đốc Viện Văn Khố, Iouri
Afanassiev, người đã thành lập Đại học Nhân Văn ở Mạc Tư
Khoa, phải rời chức vụ năm 2006 vì đã nhận tài trợ của nhà
cựu kinh doanh về dầu lửa, Mikhaïl Khodorkovski, ngày nay bị
giam giữ ở Sibérie. Nhà sử học Nikita Petrov xác nhận
là:"Không có áp lực trực tiếp, người ta chỉ làm cho mình
hiểu rằng nên đi chỗ khác đi..." và "càng ngày việc khai
thác hồ sơ lưu trử càng bị hạn chế" và lại phải chấp nhận
một loại "chuyện huyền thoại".
Nhà làm phim Nikolaï Dostal cũng đâm ra bi quan và ghi nhận
rằng "nhiều phim phải tồn đọng lại nếu như không theo đường
lối của hệ tư tưởng yêu nước". Thế nhưng, tập phim của ông
nói về cuộc đời ông Varlam Chalamov, tác giả nổi danh về
những trại giam, phản ảnh khủng khiếp về thời kỳ Lénine, đã
được phát hình vào giờ đông người xem nhất hồi tháng Sáu.
Những
người lạc quan suy diễn cho rằng tình hình cũng chưa quá tệ.
Nhất là ở Trung tâm tài liệu nước ngoài của Nga - một tổ
chức lạ kỳ được thành hình dưới sự bảo trợ của Alexandre
Soljenitsyne - thiên hạ cho rằng còn tin tưởng được. Ông
Giám đốc, Viktor Moskvine, phấn khởi cho rằng:"Ai có thể
nghĩ rằng một trung tâm nhắc lại chuyện nước Nga đã để cho
những người da trắng di dân mà được ra đời không!"
Trong một tòa nhà đẹp đẽ do tòa thị xã Mạc Tư Khoa cấp, hàng
triệu bản văn khố đang được đưa trở về, nhất là từ Pháp.
Trung tâm, với nhà xuất bản riêng, đã trở thành một trung
tâm sinh hoạt rần rộ nên đã tái tạo lại được toàn cảnh biến
cố nhân văn và chính trị của những di dân, một mảng lịch sử
mà Nga đã đánh mất. Moskvine xác nhận rằng:"Chúng tôi không
thấy bị chính quyền làm áp lực gì hết, trái lại là khác." Y
như rằng, sự bảo trợ của Alexandre Soljenitsyne làm cho
Trung tâm có được tính "yêu Tổ Quốc" hợp pháp, theo nhãn
quan của Điện Cẩm Linh. Nhà văn này đã được Poutine tuyên
dương hồi 12 tháng Sáu. Một người rất căm thù chủ nghĩa toàn
trị cộng sản lại kết hợp với một thế lực Nga đang muốn làm
sống lại bóng ma cộng sản thì quả là điều nghịch lý khá phi
thường!
Thì ra, tổng thống Vladimir Poutine đang có âm mưu ý đồ gì
đây? Ông đang tung ra một hỏa mù, nhập nhằng đánh lận con
đen chăng? Một mặt ông tôn vinh Soljenitsyne, mặt khác ông
mơn trớn với những "thành tích" của Staline. Có phải ông
đang tiếc rẻ thời "vàng son" của Liên Xô, cứ nhân danh Đảng
ta mà hành động thì dễ dàng bao nhiêu. Ngày nay, nhất nhất
phải tôn trọng tự do dân chủ nên nhiêu khê. Nhưng tự do dân
chủ theo đường hướng xã hội chủ nghĩa lại chẳng ra thứ gì
hết!
------------------------------------------
(Căn bản của dữ kiện:"Poutine réhabilite le passé
communiste", Laure Mandeville, lefigaro.fr, 02.8.2007)
[http://www.lefigaro.fr/international/20070802.FIG000000120_poutine_rehabilite_le_passe_communiste.html] |