PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta

Làm tình là yêu nước

  • PSN - 19.08.2007 | Minh Minh

Ở nước Nga rộng lớn thênh thang ngày nay, cũng còn có những hiện tượng khác thường, không giống ai, chẳng khác gì thời Liên Xô trước kia. Mới đây, qua bài "Sex for the motherland" đăng trên tờ "Daily Mail" ngày 27.7.2007, nhà báo Edward Lucas đưa tin là thanh niên, thiếu nữ Nga được động viên để làm tình và sinh sản qua một trại tập trung. Giống như những trại sáng tác, trại viết văn, trại hội họa, trại điêu khắc, trại âm nhạc,... thường thấy ở chxncn Việt Nam.

Với một cung cách rất thuần thục, ban tổ chức lên lớp tại cuộc hôn nhân tập thể của một trại thanh niên, lập luận rằng sở dĩ loài khủng long bị tuyệt chủng là vì giống thú tiền sử đó ít chịu làm tình. Từ luận điểm như thế, họ phán rằng điều đó không thể xảy ra ở nước Cộng Hòa Liên Bang Nga. Thế là, nhng cp thanh niên nam n ngoan ngoãn kéo nhau đi đến khu dành riêng cho phòng ngủ tập thể, được sắp xếp thành hình con tim, dưới tên gọi "Ốc Đảo Yêu Đương", bắt đầu "lao động để sinh con đẻ cái cho Tổ Quốc".

Với những lời lẽ vui nhộn và thôi thúc, với những ý nghĩ lạ đời và qua một cuộc kiểm tra chặt chẽ, lời kêu gọi đó nghe giống như một cuộc truyền giảng giáo lý kỳ quặc cho một tà giáo. Thế nhưng, tổ chức đó - dưới tên gọi "Nashi", tiếng Nga có nghĩa là "Của Chúng Mình" - là một phong trào thanh niên, coi như cốt lõi của sinh hoạt chính trị nước Nga, được Điện Cẩm Linh của tổng thống Vladimir Putin chủ trì.

Hằng năm, trại "Nashi" được tổ chức tại một địa điểm cách Mạc Tư Khoa 200 dặm, với sự tham dự của khoảng 10.000 thanh niên mặc đồng phục và kéo dài hai tuần lễ. Chương trình sinh hoạt gồm có những buổi nói chuyện và những phiên thể dục thể thao. Sự hiện diện được kiểm soát qua những thẻ điện tử mà ai cũng phải có và vắng mặt ba lần là bị loại ngay. Những người uống rượu cũng bị cấm. Nhưng làm tình thì được khuyến khích và không có nơi nào trong cuộc tập hợp bán bao cao su ngừa thai. Có điều kỳ lạ là những thiếu nữ được khuyến khích cởi bỏ những quần áo lót bó sát - có thể bị coi như là nguyên do của tính vô sinh - và được phát cho quần bên trong đẹp đẽ và gợi tình hơn.

Có hai mươi lăm cặp trai gái kết hôn trong tuần lễ thứ nhất, khi trại bắt đầu khai mạc và bước sang tuần lễ thứ nhì thì có mười cặp nữa. Những lễ cưới tập thể này - biểu hiệu của lòng trung thành cao độ với Tổ Quốc - được cho là hợp pháp và do một viên chức hộ tịch đứng ra chủ lễ.

Người ta có thể hiểu được vì sao ngày nay nước Nga mưu toan nâng cao tỷ lệ sinh sản vì nó đã xuống thấp một cách thê thảm, dù cho phải áp dụng những phương pháp gần như là quái đảng. Y như rằng tình hình dân số của nước này xuống thấp quá tệ. Vì con số người nát rượu, lượng người nghiện thuốc lá và tập thể những người mắc bệnh tật có chiều hướng lên đến hàng triệu trong một năm, vào thập niên tới đây.

Thế nhưng, mục đích thật sự của trại thanh niên này, kết hợp với một phong trào gồm có khoảng 100.000 người, là không phải để cải tiến dân số của Nga mà để tiến công đánh phá chế độ dân chủ muốn ngóc đầu. Dưới quyền lãnh đạo của Vladimir Putin, nước Nga đã lần hồi chuyển sang chế độ phát xít, với việc nhà nước càng ngày càng kiểm soát chặt chẽ kinh tế, truyền thông, chính trị và xã hội. Và "Nashi", cùng với những phong trào thanh niên khác, như "Vệ Binh Trẻ", "Nước Nga Trẻ" phải đứng ở tuyến đầu mặt trận.

Ban đầu thì chuyện tưởng như đùa. Trước phong trào "Nashi", có phong trào "Idushchiye Vmeste" (tiếng Nga có nghĩa là Ta Cùng Nhau Đi, với một sinh hoạt độc đáo hồi năm 2000, giữa thủ đô Mạc Tư Khoa. Một nhóm thanh niên ô hợp kéo nhau đi khắp phố phường, tịch thu những tiểu thuyết "phản động" để thiêu hủy. Trên lý thuyết là một hành động thê thảm vì nó làm cho người ta nhớ lại chuyện đốt sách của Đức Quốc Xã hồi thập niên ba mươi, nhưng hành động đó xem ra cũng buồn cười. Không thấy dân chúng tom góp sách mà chính những người trong tổ chức đem đến chất trên lề đường.

Khi toán nhân viên thu hình đi rồi, những người trong ban tổ chức công nhận họ thực sự không phải là kẻ tự nguyện, nhưng được những người tài trợ trả tiền. Chuyện thanh niên Nga, vốn bừa bãi vô trật tự, thờ ơ lãnh đạm lại có thể bị lôi cuốn vào một phong trào quần chúng có kỷ luật, tôn ty trật tự để ủng hộ ông tổng thống kể ra cũng lạ. Phong trào mà phe đối lập mỉa mai gọi là "Đoàn thanh niên Putin", cũng như đoàn thanh niên Hitler của Đức Quốc Xã xưa kia.

Thế nhưng, bé cái lầm! Bởi vì, vậy mà không phải vậy, chúng ta đừng quên rằng trong cuộc sống, nếu như giới trẻ bên Nga mà không đứng vào một đoàn thể nào hết thì đành phải chấp nhận một nền giáo dục tệ hại và hư hỏng, và phải chịu lãnh phần một công ăn việc làm chán ngấy và không có lối đi lên. Cũng giống như "Thanh Niên Hitler" và "Thanh Niên Tiền Phong Liên Xô", "Nashi" và những phong trào vệ tinh của nó, không những chỉ làm cho thanh niên thấy hứng khởi, có tình hữu nghị và có tinh thần trách nhiệm mà còn nâng đỡ họ trong cuộc sống nữa.

Những thành viên cấp cao của "Nashi" - coi như là những "ủy viên nhân dân" thời Xô Viết xưa kia - được theo học miễn phí ở những trường đại học nổi tiếng. Sau đó, họ hy vọng có được những chỗ tốt trong chính trị hoặc trong kinh doanh. Ngày nay ở nước Nga theo chủ nghĩa tư bản bè phái, hiện tượng đó càng ngày càng phổ biến.

"Nashi" và các cơ quan tương tự là tuyến phòng ngự hàng đầu của Điện Cẩm Linh để chống lại mối lo sợ khủng khiếp, đó là nền dân chủ đích thực. Những đoàn thể như thế có khả năng lấy tiếng động và số đông để dọa nạt thiên hạ. Những thành viên của "Nashi" dẹp tan những sự chống đối của phe dân chủ đối lập non yếu và bị chia rẻ và dùng bạo lực để đàn áp những cuộc xuống đường. Người cầm đầu tổ chức cho biết con đường duy nhất để móc nối với chính quyền là lòng trung thành với tổng thống.

Tháng Bảy năm 2006, Sir Anthony Brenton, đại sứ Anh quốc tại Nga làm cho Điện Cẩm Linh bực mình vì ông đả tham dự một cuộc tập hợp của phe đối lập. Trong vòng mấy tháng sau đó, ông bị những thành viên của "Nashi" theo quấy rầy một cách ồn ào, bị bắt buộc phải "xin lỗi". Qua một sự phối hợp kỳ lạ và tài tình, bọn côn đồ biết trước những cuộc di chuyển của ông đại sứ. Điều đó cho thấy là có người của chính quyền đã mách nước.

Dù cho những thành viên của "Nashi" có những hành vi phạm luật, nhà cầm quyền cũng tai ngơ, mắt điếc. Sau khi Estonia làm cho Nga điên tiếc lên vì đã cho dời đài kỷ niệm chiến tranh thời Xô Viết hồi tháng Tư, "Nashi" cầm đầu một cuộc phong bế tòa đại sứ Estonia tại Mạc Tư Khoa. Những người biểu tình phong tỏa trụ sở rồi bôi bẩn ngoằn ngoèo trên tường, chỉa loa vào và phát ra quân nhạc thời Stalin, xé quốc kỳ Estonia và đập phá xe của khách tòa đại sứ. Công an Mạc Tư Khoa, thường đàn áp thẳng tay những cuộc phản đối công khai, nhưng vẫn bình chân như vại trước hiện tượng như thế.

Tổ chức "Nashi" rất phù hợp với ý thức hệ mà Điện Cẩm Linh mới đề ra gọi là "Chế Độ Dân Chủ Tối Cao". Khẩu hiệu này không phải là biệt ngữ nặng tính tuyên truyền kiểu Mác-Lê mà là một tập hợp thanh thoát những sáo ngữ và những khẩu hiệu để cổ động cho điều mà Liên Bang Nga coi như là một nền giáo hóa chính trị và trí tuệ độc nhất. Như thế chẳng khác nào khẩu hiệu của thời Xa Hoàng: "Chuyên quyền, Chính thống và Dân tộc".

Hiện tượng của Liên Bang Nga ngày nay chẳng khác gì những thời kỳ nước này thuộc chế độ Xa Hoàng hay Xô Viết. Trước kia, những nhà tư tưởng cộng sản đã có lúc mất nhiều thời gian để giải thích tại sao đảng cộng sản độc chiếm quyền hành, dù cho điều không tưởng - một ngày may lừng tiếng hát - đã hứa hẹn có vẻ như bồng bềnh vô tận.

Ngày nay, người đứng đầu ngành tư tưởng ở Điện Cẩm Linh, Vladislav Surkov, đang tìm cách giải thích rằng cứ thắc mắc về chuyện những tên quái quỷ nào cai quản nước Nga thì không những sai lầm mà còn có ác ý nữa. Ấy mà, so với những đoàn thể khác, "Nashi" tương đối còn văn minh hơn. Họ kỳ thị và có thiên kiến ngầm thôi chớ không bộc lộ ra ngoài. Những đoàn thể thân Điện Cẩm Linh khác rượt đuổi những người đồng tính luyến ái và những người ngoại quốc ra khỏi đường phố Mạc Tư Khoa. Tổ chức "Mestnye" (tiếng Nga có nghĩa là: Những người ở đây) vừa rồi rải truyền đơn yêu cầu người dân Mạc Tư Khoa tẩy chay những tài xế Taxi nào không phải là người Nga. Đoàn thể này cũng trưng ra một bích chương cho thấy một cô gái Nga, tóc hoe vàng, mặt mày cau có, từ chối không chịu lên chiếc Taxi, mà tài xế là một người da ngâm đen với khẩu hiệu:"Chúng ta không cùng một hướng đi."

Một thái độ bài ngoại không chính thức như thế lại phù hợp với lập trường của nhà nước. Ngày 01 tháng Tư vừa qua, nhà cầm quyền có công bố một nghị định - dứt khoát phải có sự đồng ý của tổng thống Putin - cấm người ngoại quốc buôn bán lẻ ở các chợ của Liên Bang Nga. Theo ước tính thì có khoảng mười hai triệu người lao động bất hợp pháp ở Nga.

Những ai nghĩ rằng thế hệ thứ nhất, sau thời kỳ cộng sản chuyên chế, sẽ tự do hào phóng hơn, đã hoàn toàn thất vọng. Dù cho ít thấy những hậu thuẫn công khai dành cho những đoàn thể quá khích và kỳ thị chủng tộc, nhưng tinh thần kỳ thị màu da đang bắt đầu nở rộ như nấm gặp mưa. Những khẩu hiệu như "Nước Nga của người Nga" ngày nay đã lôi cuốn một nửa dân chúng. Phản ảnh đúng đường hướng tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, "Nashi" tố cáo người Estonia là "phát xít" vì họ dám cho rằng những tượng đài Đức Quốc Xã và Xô Viết đều đáng ghét. Nhưng, thực ra chính ở bên Nga tinh thần phát xít mới rõ nét hơn hết.

Điện Cẩm Linh không chấp nhận tình trạng đối lập có tính dân chủ, coi những lãnh tụ đối lập như những tên bù nhìn và những kẻ phản bội. Buồn thay, phần đông những người Nga lại tán thành điều đó. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy đa số quần chúng không chịu để cho các phe nhóm đối lập lên cầm quyền.

Cũng giống như Đức Quốc Xã đã viết lại lịch sử của Đức hồi 1930, Điện Cẩm Linh của Putin cũng cải biên lịch sử nước Nga. Họ đã phục hồi lại Stalin, tên đao phủ khủng khiếp nhất của thế kỷ XX, đã từng tàn sát hàng loạt. Và họ đã liệt Boris Yeltsin, tổng thống dân cử đầu tiên của Nga, vào hạng người quỷ tha ma bắt. Họ đã lờ đi chuyện Boris Yeltsin đã đánh tan chủ nghĩa chuyên chế ở Nga. Thay vào đó, họ còn tố cáo chính sách thân Tây phương một cách "nhu nhược" của Yeltsin.

Trong khi bóp méo lịch sử của chính nước Nga, Điện Cẩm Linh còn vạch mặt những quốc gia khác nữa. Tổng thống Putin nhanh nhảu chỉ trích "đầu óc thực dân" của Anh Quốc khi Luân Đôn yêu cầu Nga tìm phương thức hợp pháp để giao nộp Andrei Lugovoi, nghi can chính yếu trong vụ mưu sát Alexander Litvininko.

Thế nhưng, sự thực là Anh Quốc, cũng như phần lớn những nước Tây phương, có thói quen tự vấn lương tâm mình về những tội lỗi trong quá khứ. Thực thế, học sinh Anh ít khi biết được những hành động tích cực của thời đế chế Anh. Và, nếu hành động theo cung cách của tổng thống Putin thì học trò Nga chẳng biết được những gì xấu xa của đế chế Xô Viết, một thời đại đẩm máu hơn hết và tàn bạo hơn hết và cũng chỉ mới hồi gần đây thôi.

Một tài liệu hướng dẫn dành cho những nhà giáo dạy sử - nhất định là đã được tổng thống Putin phê chuẩn - đã xóa sạch những tội ác của Stalin. Tài liệu này coi Stalin như một "nhà lãnh tụ thành công nhất của Liên Xô". Nhưng bản hướng dẫn đó đã phớt lờ sự tổn thất khổng lồ về nhân mạng - hai mươi lăm triệu người đã bị bắn gục và bị bỏ đói nhân danh chủ nghĩa cộng sản.

Tài liệu nói trên giải thích rằng "Ràng buộc chính trị không phải được áp dụng chỉ để động viên người dân thường mà còn để động viện giới ưu tú lãnh đạo nữa". Nói cách khác, theo bản hướng dẫn thì Stalin muốn cho đất nước hùng mạnh nên đôi khi ông hơi khắc nghiệt. Từ khi chính thể chuyên chế Xô Viết sụp đổ hồi cuối thập niên 80, lúc nào cung cách giải thích như thế cũng có vẻ như là một lối bạch hóa đáng ghê tỡm. Giờ thì lại được coi như là một sự kiện lịch sử táo bạo.

Người ta lập luận rằng nếu như Stalin đã phạm phải sai lầm, rồi sao? Thiếu gì người mắc phải sai lầm. Mới đây, tổng thống Putin có nói:"Có những trang mơ hồ trong sử sách chúng ta. Nhưng, còn ít hơn ở một số quốc gia khác. Và những trang sử của chúng ta không đến đổi khủng khiếp bằng những trang sử của một vài quốc gia khác." Tổng thống Putin đem "Bolshaya chistka" (tiếng Nga có nghĩa là Cuộc Thanh Trừng Vĩ Đại, Tây phương gọi là Nỗi Khiếp Sợ Vĩ Đại) năm 1937 - trong đó cả 700.000 người bị công an mật vụ của Stalin sát hại qua một cưộc thanh trừng - so sánh với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Đối chiếu như thế là một chuyện làm lố bịch. Có thể lập luận rằng nếu như chấm dứt chiến tranh nhanh chóng hơn thì những quả bom nguyên tử kia không thể sát hại vô số sinh mạng. Franklin D. Roosevelt và Harry Truman có thể đã không ý thức được rằng sẽ có ngày vũ khí hạt nhân gây nguy hiểm cho sự sống còn của nhân loại. Thế nhưng, không như Stalin, hai tổng thống Mỹ đó không phải là những kẻ diệt chủng điên cuồng.

Với cuộc chiến tranh lạnh tân thời càng lún sâu hơn, tổng thống Putin áp dụng trở lại chiến thuật tuyên truyền kiểu Xô Viết. Được hỏi về cuộc chiến ở Afghanistan thì họ nhắc đến chiến tranh Việt Nam. Bị chỉ trích về hoàn cảnh khốn khổ của người Nga gốc Do Thái thì họ lại than phiền về lòng thành thật màu mè, về nạn kỳ thị màu da đối với người Mỹ da đen. Cứ mỗi điểm đen trên hồ sơ của Xô Viết là họ phải tìm cho kỳ được một điều gì, thực tế hay tưởng tượng cũng được, mà phương Tây đã phạm phải.

Thế nhưng, đối chiếu như vậy thật là phi lý. Khi chính phủ Mỹ bị lúng túng trong vấn đề Việt Nam, hàng trăm nghìn người đã phản đối ngay ở trung tâm thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trong khi đó khi tám người Liên Xô đối kháng vô cùng dũng cảm tìm cách biểu tình ở Công Trường Đỏ, chống lại hành động xâm lược Tiệp Khắc hồi năm 1968 thì họ bị bắt ngay và đưa đi trại lao động mấy năm liền.

Đối với những nước Đông-Âu, đã từng trực tiếp chịu đựng đau thương của một Stalin-Bạo-Chúa, việc Điện Cẩm Linh viết lại lịch sử có thể sẻ làm cho họ lo ngại thêm. Không những Cộng Hòa Liên Bang Nga chẳng thấy có lý do gì phải xin lỗi vì đã làm cho họ đau khổ dưới thời cai trị của Điện Cẩm Linh mà ngày nay nước Nga còn thấy rằng việc chế độ cộng sản sụp đổ không phải là một cuộc giải phóng mà là một thời kỳ suy yếu đáng thương hại.

Cộng Hòa Liên Bang Nga ít khi chịu nhắc nhở những thiệt hại do chính mình tạo ra, ngoại trừ sự đau khổ đáng thương mà người khác phải gánh chịu. "Nashi" vừa là triệu chứng cho thấy đường hướng mà nước Nga đang theo đuổi, vừa là một phương tiện để che lấp khuynh hướng ngả theo chế độ phát xít.

Điều đáng lo sợ là ngày nay, quan điểm lịch sử theo kiểu Xô Viết được hồi sinh trở lại, đã trở thành phổ biến ở Nga. Một cuộc thăm dò dư luận của giới trẻ chưa được hai mươi tuổi mới đây cho thấy phần đông tin tưởng rằng Stalin làm được nhiều điều tốt hơn là chuyện quấy. Nếu như hàng chục nghìn thanh niên mặc đồng phục của Đức diễu hành qua nước Đức để ủng hộ một "Fuhrer" (tiếng Đức có nghĩa là nhà lãnh đạo) độc tài, quấy rầy người ngoại quốc và ca ngợi Hitler thì cả Châu Âu sẽ phải báo động. Thế thì tại sao người ta chẳng làm gì hết trước hiện tượng "Nashi" của Cộng Hòa Liên Bang Nga?

-----------------------------------------

(Viết theo ni dung của bài:"Sex for the motherland", Edward Lucas, Daily Mail, 27.7.2007). E. Lucas sắp cho ra mắt tác phẩm "Cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới và Làm Cách Nào Để Chiến Thắng".
[http://www.dailymail.co.uk/pages/live/articles/news/news.html?in_article_id=471324&in_page_id=1770]

 Minh Minh

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.