PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta

Điện Cẩm Linh đổi hướng

  • PSN - 6.09.2007 | Minh Phan

Không còn mấy tháng nữa tổng thống Poutine "giả từ vũ khí" - trên nguyên tắc - nhưng người ta nhận thấy Điện Cẩm Linh có những hành động khác thường. Nên chi, thiên hạ tự hỏi không biết người lãnh đạo Liên Bang Nga đang có những suy tính gì? Tu chính hiến pháp để tăng số nhiệm kỳ tổng thống, để ban bố chuyện làm tổng thống suốt đời, gia hạn thời gian làm tổng thống, như nhiều người trong chính thể độc đoán chuyên quyền thường làm chăng? Âm mưu ý đồ chưa rõ trắng đen, nhưng đã có những chỉ dấu bất thường.

Mới đây, Điện Cẩm Linh vừa có một hành động khác nữa là bắt đầu siết chặt các tổ chức dân sự, với nhiều kiểu cách, như quấy nhiễu các tổ chức phi chính phủ (ONG/NGO), lên án phong trào "cực đoan", tống một người phụ nữ đối lập vào bệnh viện tâm thần,... Còn ba tháng nữa đến kỳ bầu cử dân biểu quốc hội, Điện Cẩm Linh bắt đầu khống chế mọi hình thức chống đối hoặc mọi cuộc chỉ trích chính quyền tại chức.

Hôm thứ Năm 30 tháng 8, trong khi hàng trăm dân chúng Mạc Tư Khoa đang vinh danh Anna Politkovskaïa, nữ ký giả của tờ "Novaïa Gazeta", bị ám sát ngày 7 tháng 10 năm 2006, thì công an địa phương ở Nijni-Novgorod khám xét tòa soạn của báo này, tịch thu sáu máy vi tính của bộ biên tập địa phương. Trên phương diện chính thức thì tòa soạn "Novaïa Gazeta" ở Nijni-Novgorod bị buộc tội chép lậu phần mềm vi tính, điều mà ông chủ bút Evgueni Lavlinski phản bác. Theo ông thì sở dĩ tờ báo gặp rắc rối là do có những bài viết chỉ trích ông Valeri Chantsev, bí thư tỉnh, người đã mở một công trường đồ sộ để canh tân trung tâm lịch sử của thành phố mà chẳng đếm xỉa gì đến di sản lịch sử.

Ngày hôm đó, công an cũng lục soát trụ sở của Quỷ Khoan Hồng, một tổ chức phi chính phủ địa phương, dự tính tổ chức, vào tháng 10, một hội nghị quốc tế để tưởng nhớ nhà báo Anna Politkovskaïa. Bà Oksana Tchelycheva, người sáng lập ra tổ chức phi chính phủ đó, đã bị công an đòi đến "làm việc". Bà lo sợ sẽ bị điều tra về tội "cực đoan".

Có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 7 năm nay, những tu chính mới đây của bộ luật liên quan đến tội cực đoan, dự trù những hình phạt từ 5 đến 15 năm tù. Khởi thủy, văn bản này nhằm chống lại những hoạt động của các phe nhóm Tân-Nazi, thường ám sát những người không có nét mặt dân tộc Tư Lạp Phu (Slave). Đã có 54 người bị giết trong năm 2006. Thường thường, thủ phạm của những tội trạng này bị kết án nhẹ về tội du côn, lưu manh. Các quan tòa không công nhận đó là những hành động kỳ thị chủng tộc. Nhưng bộ luật này - một bộ luật quy định tới 8 năm tù cho tội "gây rối trật tự công cộng" - cũng có thể bị bóp méo vì trong đó, ý niệm "cực đoan" được minh định một cách rất mơ hồ. Từ nay, "tài trợ" và "tổ chức" những hành động cực đoan, bằng "ấn phẩm, (...) điện đàm hoặc những phương tiện thông tin khác" đều mang tội từ 8 đến 15 năm tù. Sau cùng, văn bản còn cho phép lực lượng an ninh nghe lén các cuộc điện đàm của những người bị tình nghi.

Tháng 9 năm nay, sẽ có một phiên tòa xử tội "cực đoan". Trên băng bị cáo là ông Piotr Gagarine, một lão già về hưu đã 71 tuổi đời, ở thành phố Oriol (400 cs miệt Tây-Nam Mạc Tư Khoa), bị cáo buộc là đã quá to tiếng nói lên nỗi bất bình của mình đối với tỉnh ủy Egor Stroev. Thế là lão già phải lãnh mấy năm tù.

Ngày 24 tháng 9 tới đây, ở Mạc Tư Khoa cũng xét xử một người "cực đoan" khác, là nhà chính trị học Andreï Piontkovski. Là một người chỉ trích Điện Cẩm Linh rất gay gắt, ông bị cáo buộc đã kích động thái độ "cực đoan" qua hai quyển sách, hai tuyển tập các bài viết đã được đăng tải từ 1999 đến 2006, theo nhận xét của một "chuyên viên ngôn ngữ" thuộc FSB, sở mật vụ Nga.

Việc giam cầm các nhà đối lập chính trị trong những viện tâm thần, được áp dụng rộng rải hồi thời Xô Viết, cũng bắt đầu xuất hiện trở lại. Hồi tháng 7 năm nay, Larissa Arap, nhà tranh đấu trong phong trào "Nước Nga Khác" (phong trào chống đối Vladimir Poutine do Garry Kasparov lãnh đạo), đã bị bắt nhốt vào một bệnh viện tâm thần gần Mourmansk, miệt Tây-Bắc nước Nga.

Đến gặp bác sĩ xin một chứng chỉ sức khỏe để nộp vào hồ sơ thi lái xe, bà Larissa Arap lại bị hỏi có phải bà là tác giả của bài viết vừa đăng trên một tờ báo địa phương, đề cập đến vấn đề chữa trị tồi tệ cho những trẻ em trong một bệnh viện tâm thần không? Bà xác nhận là đúng. Thế là bác sĩ gọi điện thoại cho bệnh viện tâm thần và một lúc sau nơi này gởi xe cứu thương đến rước bà đi. Bốn mươi sáu ngày sau, nhờ phe đối lập tung ra một chiến dịch tranh đấu đòi trả tự do cho bà, người ta mới thả bà ra.

Bà Larissa Arap không phải là trường hợp độc nhất. Năm 2006, ở vùng Omsk (Tây Tỷ Lợi Á), ông Nikolaï Skatchkov, vì chống đối việc công an hành hung những người biểu tình, đã bị công an ra trát đòi đến làm việc, sau đó bị đưa đến nhà thương điên để thử nghiệm. Công an cho rằng ông "có óc công bằng quá cao độ", thế nên bác sĩ tâm thần đã ra lệnh giam ông 6 tháng về "bệnh hoan tưởng cuồng ám". Theo hiệp hội chuyên viên tâm thần tư nhân thì 15% trường hợp bị giam giữ là vì võ đoán.

Cho nên, người ta thấy rằng, bộ luật liên quan đến những tổ chức phi chính phủ, có hiệu lực từ năm 2006, làm cho những tổ chức này không còn được tự do hoạt động, bắt buộc họ phải đóng cửa hay là tạo điều kiện để cho nhà cầm quyền nắm lấy nhiều cơ quan liên hệ đến hoạt động dân sự. Vladimir Poutine hành động rất có phương pháp. Chế độ do ông dựng lên, lần hồi được gọi là "chiều đứng của quyền lực", là "dân chủ có kiểm soát" hoặc là "chuyên chính của pháp luật", theo đuổi một cách thô bạo chiến lược trói buộc đất nước. Vì chỉ muốn có những tổ chức phi chính phủ được kiểm soát hoặc lệ thuộc chính quyền được phép hoạt động, tổng thống Liên Bang Nga sử dụng một công thức xưa cũ là coi nước Nga như là một chiến lũy bị địch bao vây.

Ông Poutine nhất quyết là nếu không bị theo dõi thì các tổ chức phi chính phủ sẽ nhận tài trợ của những cơ sở mật kín nước ngoài, mà mục tiêu duy nhất là làm cho nước Nga suy yếu và can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Nga. Như thế, cần bắt họ phải phục tùng. Chiến dịch kềm kẹp này diễn ra trong khi nhiệm kỳ của ông Poutine sắp hết, được dự trù vào tháng 3 năm 2008.

Hành động cứng rắn của Điện Cẩm Linh bắt đầu diễn ra, khi mà các cuộc điều tra chính thức về vụ ký giả đối lập Anna Politkovskaïa bị bắn chết tại cầu thang trong căn hộ của bà ở Mạc Tư Khoa, cách nay gần một năm, đã đi đến một kết luận rõ ràng là nhằm bạch hóa mạng lưới của chính quyền Nga. Trong khi đó, ngày 27 tháng 8 năm 2007, tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy có chỉ trích Liên Bang Nga, cho rằng nước này định "trở lại diễn đàn thế giới bằng cách vận dụng một cách thô bạo một vài ưu thế của mình".

Thế nhưng vì còn kẹt một số vấn đề, qua đó Pháp còn phải nhờ vả đến Nga nên Sarkozy chưa đả động đến những gì đang xảy ra ở Nga, như tính chuyên quyền đang trổi lên, sức ép đối với những tổ chức phi chính phủ, ám sát ký giả, giam giữ mang màu sắc chính trị, hành động tội ác ở những quốc gia miền Bắc Caucase, những vụ mất tích, những đòn tra khảo.

Tóm lại, trong thời gian gần đây, người ta đã thấy tổng thống Vladimir Poutine bắt đầu nặng tay trên nhiều phương diện, như đưa  hỏa tiễn chống phi đạn để đáp ứng lại việc Hoa Kỳ đặt hệ thống chống tên lửa ở Ba Lan và đài rađa ở Tiệp Khắc, như cho phi cơ oanh tạc chiến lược, có trang bị hạt nhân, bay trở lại đến những vùng khá xa, những chuyến bay đã được đình chỉ cách nay trên 15 năm, như cho máy bay phóng phi đạn xuống Géorgie,... nghĩa là như chừng muốn làm sống lại cái trò chiến tranh lạnh. Ngắn gọn, là có những chỉ dấu mới cho thấy những điều phỉnh phờ tội ác cuối cùng của thế kỷ XX bắt đầu trổi dậy, tội ác được gọi là chủ nghĩa cộng sản.

Theo bài viết, đăng trên "lesechos.fr", ngày 05.9.2007, của Sergio Romano, sử gia kiêm bỉnh bút, thì sở dĩ tổng thống Poutine lo ngại là vì hai lý do. Một là, những phong trào xã hội gần đây, gây bất ổn cho Géorgie và Ukraine, làm cho ông thấy xao xuyến. Poutine cho rằng Hoa Kỳ núp đàng sau những phong trào đó giựt dây. Nên chi tổng thống Liên Bang Nga quyết định chuẩn bị những lực lượng đường phố - như đoàn thanh niên Poutine, đoàn Nashi,... - sẵn sàng đương đầu lại phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ, giống như những phong trào tập họp ở Tbilisi và Kiev.

Hai là, Poutine muốn khêu gợi lại trong lòng quần chúng Nga tính liên tục của tổ quốc Nga vĩ đại, từ thời Ivan Bạo Chúa xuyên suốt đến Cách Mạng Tháng Mười với sự ra đời của Liên Xô. Ông chủ trương dĩ vãng nước Nga phải làm cho những thế hệ ngày nay có lòng tự hào dân tộc. Nếu Poutine mang một tinh thần như vậy thì cũng đúng, vì quá khứ cộng sản và chức vụ đại tá KGB của ông, vì ông là công dân của một thế lực trên thế giới đã từng làm cho thiên hạ khiếp sợ và kính nể. Người ta còn nhớ Vladimir Poutine là người đã tiếc rẻ, than rằng:"tai họa to lớn nhất của thế kỷ thứ XX là sự tan biến của Liên Xô".

 

Bài viết kết hợp những tài liệu căn bản sau đây:

1.- "Le Kremlin accentue son contrôle sur la société civile", Marie Jégo, Le Monde 02.9.2007.
[http://www.lemonde.fr/web/article/0,1-0@2-3214,36-950127@51-947860,0.html]

2.- "La Russie de Poutine et la guerre qui vient", Martin Birnbaum, Liberty Vox, 27.8.2007.
[http://www.resiliencetv.fr/modules/smartsection/item.php?itemid=587]

3.- "Mieux comprendre la Russie pour mieux la traiter", Sergio Romano, lesechos.fr, 05.9.2007.
[http://www.lesechos.fr/info/analyses/4618208.htm]

Minh Phan

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.