PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta

Tâm tình kẻ tạm dung gi người tỵ nạn

  • PSN - 7.10.2007 | Thiện Đức

Trong một đêm yên tĩnh, một mình trước màn ảnh vi tính, anh bỗng nhiên bắt gặp hình ảnh của chính mình ba thập niên về trước! Một hình ảnh bi thương của em bé chừng mươi tuổi đời, đào thoát khỏi vùng lửa đạn, máu me và chết chóc, đặt bước chân mềm yếu, ngập ngừng, xuống vùng đất tự do dân chủ, hào hùng, giàu lòng bao bọc chở che. Người em Iraq tỵ nạn vừa đến được xứ sở Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, với một nụ cười bẽn lẽn. Hình ảnh câm lặng mà giàu tính gợi nhớ đó đã khơi dậy trong tâm tư của Andrew Lam, một cây bút bình lưận người Mỹ gốc Việt của "New America Media".

Ba thập niên trước đây, qua cơn hồng trần gặp bão tố "ba mươi tháng tư bảy mươi lăm", Lam đã làm người di tản buồn, dù là trong tuổi ngây thơ, đầu xanh vô tội. Khoảng ba mươi năm qua, biết bao là nước chảy qua cầu mà cũng không biết bao nhiêu con người chạy giặc đã đổ bộ lên Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ để tìm nơi yên ổn ấm cúng mà ẩn mình qua cơn quốc nạn của chính mình. Thế nhưng, chưa thấy có trường hợp nào giống nhau giữa hai đứa trẻ Việt Nam và Iraq. Cả hai đều rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tìm nơi tạm dung ở một đất nước đã nhúng tay vào cơn hỗn loạn và vào những vụ đổ máu trên xứ sở của chính mình. Và, buồn thay, cũng như Việt Nam trước kia, giờ đây Iraq đang làm cho tâm tư người Mỹ, đã từng quen với lối sống yên ổn, trầm lặng, phải qua một thi kỳ xôn xao vì thảm cảnh và đau thương tang tóc.

Qua ngẫu nhiên của lịch sử, hai trường hợp tỵ nạn đã có những cái giống nhau và giống nhau quá nhiều lần. Người ta cũng dựa vào những nguyên nhân giả tạo - biến cố Vịnh Bắc Việt với vũ khí hủy diệt hàng loạt - để phát động chuyện đánh giết nhau, dĩ nhiên là với một dụng ý khác. Rồi sau đó lại có cuộc "Thảm sát Mỹ Lai", ngày 16.3.1968 tại làng Sơn Mỹ, cũng tương tự như cảnh thảm thương của vụ thủy quân lục chiến Mỹ giết hại 24 người Iraq ngày 19.11.2005 tại Haditha. Rồi những nạn nhân của cộng sản Việt Nam phải lao mình vào đà di tản, trong cảnh thuyền nhân, vượt biển băn ngàn, ngậm ngùi lìa xa quê cha đất tổ, cũng như dân tỵ nạn giờ đây của Iraq. Trùng hợp như thế cũng chưa đủ, thiên hạ lại đem Việt Nam hóa cuộc chiến mà áp dụng cho chiến tranh Iraq! Ôi, sao mà nhiều điểm tương đồng, lắm điều tương tự! Giống nhau chi cái ngữ buồn đau thảm khốc, sao chẳng như nhau niềm yên vui hoan lạc?

Cuộc sống nào nơi miền đất mới lạ cũng dẫy đầy khó khăn, thử thách và ngỡ ngàng, nhưng đối với những ai bị bắt buộc đi lưu đày, nó lại giày vò đến tận xương tủy. Rồi đây, người em tỵ nạn kia sẽ than phiền là bị mất mát quá nhiều, bị tước đoạt đủ thứ, đủ điều. Nhưng em nên nhớ rằng còn có nhiều người ngã đùng nằm chết nhăn nheo, co quắp trên vũng máu đào ruồi bu kiến đậu, còn có những đồng bào của em héo hon mòn mỏi trong các trại tạm cư lánh nạn trên những nước bao quanh Iraq, hoặc giả đang đối đầu với cuộc sống hãi hùng ở quê nhà, trong khi em đã sống sót và đang tìm ngõ ngách vươn lên đi đến "Miền Đất Hứa".

Em đang đứng trước một thực tế mới lạ và em phải cố vươn lên để đáp lời réo gọi. Em phải dứt khoát thay đổi hoàn toàn bản chất, lột xác cung cách suy tư và đổi mới ngay cả thể chất. Rồi đây, em sẽ thấy ra tại miền đất dồi dào phong phú này cũng lắm chuyện mỉa mai. Người vô địch về nhân quyền hôm trước cũng dễ dàng biến thành kẻ vi phạm quyền con người ngày hôm sau. Một đất nước hợm mình phán rằng: "Đưa nghèo đói đây, giao mệt nhọc chán chường cho ta, đem đám người đông đảo khao khát tự do cho ta," rồi lại bỗng nhiên quay mặt lánh xa những nạn nhân trực tiếp của những hành động chính họ gây ra.

Nơi đây, tự do tư tưởng đã ghi thành luật, thế nhưng chẳng có bao nhiêu chỗ dành cho tiểu sử của em, cho câu chuyện của em và cho những nỗi gieo neo của em. Những gì quan trọng của đất nước này thường chỉ là chuyện to bằng hột cát trên đất nước kia.

Rồi đây em sẽ thấy những hành động của Mỹ ở Iraq sẽ được dàn dựng lại đúng lúc - qua sách vở, phim ảnh và những ca khúc - thành một thực tế hoang đường, trong đó dân tộc Mỹ tự phê, tự kiểm để nói lên rằng mình đã đánh mất tính ngây thơ. Thế nhưng, chính những người Iraq lại bị coi như tôm tép. Một cuộc nội chiến với nhiều phe phái và nhiều người bị vướng vào sẽ được nói đến qua loa, cho đến khi hành động của Mỹ trở thành trụ cột. Tất cả những người khác đều là kẻ thù của họ. Nghĩa là những nhân vật vô danh, đầu đội nón lá, mình mặc bà ba đen trên những phim xưa cũ của Hollywood sẽ thay đổi xiêm y để đóng vai người đối thủ trên sa mạc.

Thế nhưng, không nên để mình sa ngã trong tuyệt vọng vì tuyệt vọng sẽ dẫn tới hận thù để rồi tự vẽ cho mình hình ảnh xấu xa mà thiên hạ muốn gán cho mình. Dẫu sao, em đã sống sót và phải làm thế nào cho cuộc sống mới trở nên hữu ích, không phải chỉ cho riêng mình mà còn phải cho những người yêu thương, đáng được săn sóc. Làm thế nào thì chính em mới tìm thấy.

Qua kinh nghiệm bản thân, tôi chỉ nói được với em những điều này. Em không thể trốn bỏ quá khứ, giả vờ quên lãng và ôm lấy những gì mới mẻ. Tôi thử làm thế, nhưng chẳng hay ho gì. Tôi thử chiến thắng hận thù trong thâm tâm bằng cách ôm ấp những điều mất mát, chấp nhận những thảm cảnh của cuộc đời, như quê hương bỏ lại, bạn bè thân thuộc đã mất, gia đình tuyệt vọng và cõi lòng tan nát, coi đó như là một di sản. Theo thời gian, tôi tìm cách gán cho nó một ý nghĩa đẹp đẽ để có được một niềm an ủi và thấy mình là nhân vật chính và cuối cùng tìm được hướng đi lên.

Lời khuyên thứ hai là hãy nhận lấy điều mâu thuẫn của miền đất mới tạm dung. Ta nên nhìn đất nước này dưới hai khía cạnh khác nhau là Mỹ và Hoa Kỳ. Hai diện đó đối nghịch nhau như cành ô-liu với bó tên nhọn được con ó đầu trắng nắm chặt trong móng vuốt trên quốc huy nước Mỹ. Thời thái bình thịnh vượng thì Mỹ lãnh đạo, buổi nhiễu nhương thì Hoa Kỳ nhảy múa đơn độc.

Dù sao, Hoa Kỳ cũng là một nước có chủ quyền với những lợi lộc thường xuyên, tiến hành chiến tranh lâu dài trên nhiều trận tuyến. Để tài hùng biện qua một bên, Hoa Kỳ dẫm lên sinh mạng của những người vô tội để bảo đảm an toàn cho lợi ích của mình. Họ gọi đó là "thiệt hại bàng hệ", và đó là một viên thuốc đắng khác mà mình phải tập nuốt vào.

Ấy thế mà Mỹ vẫn là một nơi lý tưởng mà mỗi người trong chúng ta đều ao ước, là mọi thứ mà chúng ta hằng mơ tưởng như sự trong sáng, có nhiều cơ hội, tiến trình đứng đắn, xử sự ngay thẳng và có nhiều hy vọng được mở mang và tiến bộ. Đây là nơi mà mình phải làm việc cực nhọc và được nể vì, nơi để xây dựng tổ ấm và nuôi nấng con cái và nơi mình có thể vươn lên tối đa, nếu có quyết tâm và một cái nhìn sáng suốt. Mỹ không kỳ thị, chấp nhận sự khác biệt và coi như mình vô tội nếu xét thấy như thế. Mỹ cho ta tự do tín ngưỡng, bảo đảm đời sống riêng tư và khuyến khích mình mơ ước. Đây là nơi mình có thể bất đồng với chòm xóm láng giềng, với các chính khách, thậm chí với chính phủ mà không sợ bị hành hung hay bị bắt bớ.

Trong khi Hoa Kỳ là một thực tế thì Mỹ là lời hứa hẹn sâu xa nhất của đất nước này xuất phát từ nhiệt tình của lý tưởng, không bao giờ được thực hiện trọn vẹn, thường xuyên được suy đi, nghĩ lại và phấn đấu liên tục qua mỗi thế hệ. Chấp nhận thực tế trắng trợn của những gì Hoa Kỳ thực hiện vì quyền lợi an ninh quốc gia không có nghĩa là lúc nào mình cũng phải tự mãn. Mình phải sửa đổi và phản đối những gì sai quấy, những điều vô luân và bất công được thi hành trong nước cũng như ở hải ngoại, vì đó là hình thức yêu nước đích thật.

Lời khuyên thứ ba của tôi là dù phải mang lấy những kỷ niệm đau thương cũng phải dấn thân với đất nước này và hãy để cho đất nước này bảo bọc và biến đổi mình cũng như mình, chắc chắn sẽ làm cho nó đổi thay. Kìa trông những bộ mặt mới của Mỹ: văn sĩ người Ấn, anh bán tạp phẩm người Salvador, bác chủ nhà hàng người Hoa, ông chủ tiệm người Haiti, những đứa trẻ lai chủng tộc qua nhiều di sản, cả một thế giới đã vào đây, đã hội nhập và đã lẫn lộn nhau. Nếp sống Mỹ không còn cần phải đơn thuần và riêng lẻ nữa. Thay vì vậy, một sự hòa hợp phức tạp, toàn cầu, theo chiều ngang đang thành hình. Và chỉ còn chờ sự lựa chọn của mình thôi.

Còn một lời khuyên cuối cùng. Hãy kể lại câu chuyện của chính mình. Nên đưa mọi thứ vào hồi ký, mỗi ngôi mộ vô danh, mỗi ngôi nhà bị thiêu đốt, mỗi thân xác bị tan tành. Và nếu được thì hãy hát lên. Mình có bổn phận, có trách nhiệm tinh thần để nói lên, để làm nhân chứng cho thảm cảnh mới của thế hệ này. 

Là người Việt Nam tỵ nạn nay đã trở thành nhà văn Mỹ, tôi có thể nói với em rằng bản thân em là chính, nỗi buồn của em là chính, câu chuyện nói lên cách sống còn và đường lối thành công của em cũng là chính. Vì mỗi câu chuyện của em, rồi ra sẽ trở thành của nước Mỹ.

T Việt Nam đến Iraq, trải dài qua ba mươi hai năm đăng đẳng, người Mỹ dường như chưa rút ra được bài học gì. Với niềm tự hào của người "hiến binh quốc tế", Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ cứ theo tinh thần sách vở, lúc nào cũng dựa trên "book says" (sách có viết) nên muốn đem dân chủ tự do ban phát trên khắp hang cùng ngõ hẻm của hoàn cầu. Nhưng chẳng cần biết rõ ngọn ngành, chân tơ kẻ tóc của dân tộc liên hệ. Thế nên, đi đến đâu thiên hạ hờn ghét đến đó.

Đem tướng tài và quân tinh nhuệ đổ bộ lên Normandie, cứu nguy cho nước Pháp khỏi gông cùm độ hộ của Đức Quốc Xã. Thế mà, vào năm 52 trên đường du học, người ta vẫn thấy nhan nhãn trên vách núi của Marseille những khẩu hiệu "US go home" (Hoa Kỳ cút đi). Đem nửa triệu tinh binh sang Việt Nam, củng cố "Tiền Đồn Chống Cộng" trên dưới mười năm, rồi cũng bằng mọi cách đưa lính GI's trở về "trong danh dự", bỏ mặc cho Nam Việt Nam phải chấp nhận những "thiệt hại bàng hệ" (collateral dammage) qua những cuộc di tản, đi chui, vượt biển, vượt biên. Giờ đây tới Iraq, dường như rồi cũng y chang!

 

(Viết qua gợi ý của bài "Letter from a Vietnamese to an Iraqi refugee", Andrew Lam, New America Media, Oct 03, 2007.)[http://news.newamericamedia.org/news/view_article.html?article_id=05b69ee3a22bc61dd79215f248ce4f06]

Thiện Đức

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.