PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta

Cầu dẫn Cần Thơ sập nhịp
Những cột trụ gia đình gẫy đổ...

  • Viettribune Online15.10.2007 | Nguyễn Thị Lan Anh

Qua lại sông Hậu từ xưa tới nay, nhanh hay chậm đều do phà quyết định. Nhanh thì nửa tiếng, chậm hai ba tiếng không chừng. Xe cộ ùn tắc hai bên đầu cầu. Sông rộng đến độ người đứng bên này Vĩnh Long vẫy nón, người ở bên kia Cần Thơ không nhìn thấy. Nóng ruột cách mấy, gấp gáp công chuyện cách mấy cũng chỉ thở dài chép miệng “Giá như có cây cầu…”. Sự ao ước về cây cầu bắc ngang sông Hậu của dân hai tỉnh Vĩnh Long-Cần Thơ, cũng chính là ao ước chung của cả khu vực miền Tây Nam Bộ suốt bao đời nay.

Từ năm 2004 – dưới sự thiết kế, thi công, giám sát của nhà thầu chính Nhật Bản, nhà thầu phụ Thụy Sĩ và đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam – cây cầu qua sông Hậu đã bắt đầu nên vóc nên hình với những trụ cầu vươn cao giữa lòng sông. Chưa chi người ta đã nghĩ tới việc cho vào viện bảo tàng những chiếc phà chậm chạp già nua để phóng xe ào qua chiếc cầu dài gần ba cây số vào một ngày đẹp trời cuối năm 2008, khi cầu được khánh thành. Chừng đó, vinh dự thông xe chắc sẽ ưu tiên cho dân huyện Bình Minh – Vĩnh Long, lực lượng lao động góp công sức nhiều nhất, đông đảo nhất trên công trường hiện tại.

Thế nhưng không kiên nhẫn chờ tới ngày hoàn tất công trình, gần hai trăm công nhân quê huyện Bình Minh đã vượt sông Hậu trên cáng, bằng ca nô cứu thương vào buổi sáng kinh hoàng ngày 26 tháng Chín, 2007. Chỉ một tiếng đồng hồ sau đó, tin tức về vụ tai nạn lao động thảm khốc nhất trong lịch sử cầu đường Việt Nam đã loan nhanh. Radio, tivi, báo điện tử liên tục phát đi những hình ảnh đầu tiên về sự cố sập một phần sàn của cầu dẫn phía Vĩnh Long. Người dân cả nước lâu lắm mới lại có dịp cùng nhau trải qua cảm xúc “nhà có tang” đau đớn tột cùng.

Phần còn lại từ vụ tai nạn. LAN ANH

 

Người chết nhiều quá! Không thể đếm kịp! Ba mươi, bốn mươi lăm, bốn mươi sáu, bốn mươi tám, năm mươi người chết. Ba người mất tích. Tám mươi hai người bị thương…Những con số nhảy vũ điệu tử thần, càng lúc càng bốc cao, quay tít, choáng ngất.

Gần một tuần trôi qua, bao trùm lên xã Mỹ Hòa – huyện Bình Minh – nơi xảy ra tai nạn, vẫn là một không khí kỳ lạ: Vừa chết lặng vì tang tóc, đồng thời lại sôi động huyên náo vì hoạt động cứu trợ, thăm hỏi diễn ra liên tục.

Trong buổi lễ truy điệu chiều ngày 30 tháng 9, có sự hiện diện của Chủ tịch nước, Đại sứ Nhật Bản, hai Phó Thủ Tướng, hai Bộ Trưởng bộ Y Tế và bộ Giao thông Vận tải, Chánh ủy Quân Khu 9, Chủ tịch hai tỉnh Vĩnh Long-Cần Thơ, đại diện nhà thầu chính, công nhân, thân nhân người chết, tăng ni và người dân khắp nơi đổ về tham dự rất đông. Bài điếu văn được đọc lên bởi ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải, và mái tóc hoa râm cúi thấp xin lỗi của phía đối tác xem ra có chút ít tác dụng.

Xã Mỹ Hòa đột nhiên nổi tiếng

Huyện Bình Minh-Vĩnh Long nhiều năm nay được biết tới như là quê hương của bưởi Năm Roi. Trái bưởi Năm Roi nhìn ngoài không có gì đặc biệt nhưng khi xẻ ra hoàn toàn không hạt, vỏ tróc dễ dàng, múi bưởi nhiều nước, ngọt thanh. So với bưởi Da Xanh Bến Tre, bưởi Tân Triều Đồng Nai thì bưởi Năm Roi hoàn toàn ngang ngửa. Sản lượng bưởi Năm Roi dồi dào, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng khiến giống bưởi này được nhà vườn nhân giống rộng rãi. Diện tích trồng bưởi Năm Roi ở huyện Bình Minh, thị trấn Cái Vồn, vì thế vượt trội hẳn so với loại cây ăn trái khác. Nhưng nhắc tới những vườn bưởi đẹp nhất thì phải nhắc tới xã Mỹ Hòa.

Đi trên đất Mỹ Hòa, người khó tính mấy cũng phải hài lòng. Mặt đường chỗ nào cũng được lót những tấm xi măng đúc nối liền nhau. Hai xe gắn máy chạy ngược chiều dễ dàng. Không có cảnh nắng bụi mưa bùn. Rác càng không. Ven đường, vườn bưởi nối tiếp vườn bưởi. Lá bưởi xanh mỡ màng, hoa bưởi thơm ngây ngất! Có lẽ vì thế mà gái Mỹ Hòa cũng lây cái trắng cái thơm của bông bưởi không chừng. Một chục bưởi nhất (gọi là chục nhưng tới mười bốn trái) mua tại vườn, chỉ bán bảy tám chục ngàn. Nhưng thường thì bưởi chỉ làm bạn với thương lái. Còn khách du lịch, không mấy ai tới tận xã Mỹ hòa mua bưởi. Chủ yếu vì đường vào xã xa xôi, ngoằn ngoèo, chưa trải nhựa, chốc chốc lại phải bò qua một chiếc cầu cao vút. Chính vì khó khăn như vậy, nên dù Mỹ Hòa đẹp thơ mộng hiền hòa nhưng lâu nay không mấy ai biết tới. Cho đến ngày 26 tháng 9 ác nghiệt. Đường vào Mỹ Hòa không chỗ chen chân. Xe các loại phóng ào ào. Toàn biển số Sài Gòn, Đồng Nai, cả ngoài Trung, ngoài Bắc. Mỹ Hòa vụt nổi tiếng cả nước!
Sáng ngày 1-10, không vào ủy ban xã Mỹ Hòa, lúc này đông chật xe và các đoàn cứu trợ các nơi, kẻ viết bài tự đi tìm câu trả lời cho sự nổi tiếng đột ngột của xã Mỹ Hòa.

Những công nhân, nhân chứng của vụ tai nạn. LAN ANH

 

Trong một quán nước gần công trường, đang giờ nghỉ trưa, vài công nhân mặc đồng phục xanh nằm ngồi thoải mái, trò chuyện nho nhỏ. Vài ông quần áo civil dựa cây trứng cá ngoài sân uống cà phê. Hai ông khác mặt mũi phờ phạc, nhờ người bắt gió, giọng nói khản đặc. Mấy anh sao có vẻ mệt vậy? Đáp lời kẻ viết bài, cả bọn thở dài. Thì ra toàn các Trưởng ấp, Cán bộ xã Mỹ Hòa. Oâng Cán bộ móc tờ giấy A4 trong túi áo trải lên bàn. Hai mặt giấy kín chữ, toàn tên người chết, bị thương, mất tích của ấp Mỹ Thới, Mỹ Khánh, Mỹ Lợi, Mỹ Hưng, Mỹ An, Mỹ Phước- trong đó riêng danh sách ấp Mỹ Hưng 1 đã chiếm gần hết một trang A4. Tính tới 13 giờ ngày 29 tháng 9, số người chết của 6 ấp thuộc xã Mỹ Hòa đã là 31 người (trong đó chưa lấy được xác là 3 người), số người bị thương là 38 người. Cả thảy 69 người. “Không ít gia đình hai ba người vừa chết vừa bị thương như gia đình Lưu Tấn Mãi, Lưu Thanh Điền, Lưu Hoàng Phúc. Còn gia đình nghèo khổ, nhà trống trước dột sau, quan tài khiêng về không chỗ kê thì quá nhiều, kể làm chi!”

Giọng ông Trưởng ấp (giấu tên, giấu đơn vị ấp, nhưng đồng ý lên hình!) đều đều vang lên, kể về những ngày đi đâu trên Mỹ Hòa cũng thấy đám ma, cũng nghe tiếng khóc của những đứa trẻ lay gọi “ba thức dậy ăn cơm, ba ơi!”... Trong vụ sập sàn cầu dẫn, có 50 người chết thì Mỹ Hòa chiếm hết 30. Bị thương 82 người thì Mỹ Hòa hết 40. Nổi tiếng cả nước là vì vậy – một sự nổi tiếng đổi bằng máu và sinh mạng! Nhưng sao không thấy người các xã khác, mà toàn Mỹ Hòa? Ông cán bộ xã giải thích “Tại công trình ở ngay địa phương Mỹ Hòa nên ‘mấy ổng’ ưu tiên mướn dân Mỹ Hòa, coi như giúp xã xóa đói giảm nghèo cho những đối tượng con đông, đi làm mướn, chưa ổn định nhà cửa. Mấy thằng chết, bị thương trong danh sách toàn hạng nghèo rớt mùng tơi. Nhiều thằng sáng đi làm bụng trống trơn. Hôm chết chưa được phát lương..” Nghe nhắc hai chữ ‘phát lương’các anh em có mặt đều cho rằng thế lại may. Vì nhờ bất mãn chuyện lương bổng, hơn 80 thợ ở nhà không chịu đi làm. Chứ không thì danh sách chết và bị thương của Mỹ Hòa còn dài hơn.

Cầm được danh sách người chết, bị thương trong tay, tôi nhờ anh Bảy đưa tới thăm nơi sáu ngày trước các công nhân còn đứng trên giàn giáo đổ sàn bê tông nối các trụ cầu 13, 15,15. Xa xa hiện lên toàn cảnh nơi xảy ra tai nạn: đống sắt thép đồ sộ, những trụ cầu trơ vơ, hai tấm bê tông gãy gục. Bên dưới đống đổ nát ngổn ngang nọ vẫn là sự đào bới lặng lẽ của đội cứu hộ. Phía ngoài hai lớp rào mắt cáo là đài truy điệu, mới chiều qua hàng ngàn người chen chúc. Hôm nay chỉ còn những vòng hoa xếp hàng trong mưa gió. Một người đàn ông che dù ngồi đốt vàng cho bạn bè. Lại gần, nghe lời khấn “...Chia nhau xài đỡ nghe tụi bay. Hôm đi chưa thằng nào có tiền…”. Tôi giúp anh châm nén hương. Phảng phất khói thơm giữa đồng trống, gió chờn vờn, rồi rít lên. Người đàn ông xá ba xá, lẩm bẩm “Về rồi hả, biết rồi!”

Trụ cầu gãy – trụ nhà gãy
“Không cần hỏi đường tới nhà Nguyễn Văn Sơn, cứ thẳng phía trước, bên tay mặt, coi chỗ nào xe gắn máy tụ nhiều là đúng nó.” Anh Bảy nói với vài người đi cùng. Tất cả đều ngồi xe ôm.Vẻ vội vã, mặt xúc động, cách ăn mặc tươm tất, xấp bao thơ dắt trên túi áo cho biết họ đều là người từ thành phố xuống cứu trợ. Vài hôm nay, đường Mỹ Hòa nhộn nhịp ngược xuôi hàng trăm đoàn như vậy. Trong đó khá đông thanh thiếu niên nhuộm tóc vàng, mặc áo chim cò xanh đỏ, dễ khiến người đối diện mất cảm tình.
Đã đến “nhà” anh Sơn – một túp lều xiêu xó, đứng nép vào bờ tường vững chãi của nhà hàng xóm. Tôi ôm hai đứa con anh vào lòng – Kim Anh sáu tuổi, Tây mười một tuổi. Cả hai nhớ cha, cả tuần nay không đi học – chỉ tay vào vách lá thưa rếch, mẹ các em mệt mỏi nói “Chồng cháu tính làm ráng từ đây tới cuối năm, thưng lại vách, lợp lại lá nhưng…” Các cô cậu “xanh đỏ tím vàng” bấm nhau rút bao thơ, đặt trên bàn thờ nhỏ góc nhà, mặt nghiêm trang hẳn.

 

 

Căn nhà dột nát của gia đình anh Sơn, nạn nhân của vụ sập cầu. LAN ANH

 

Tại nhà anh Nguyễn Thanh Tùng – cũng di ảnh trên bàn thờ, những đứa con đã nghỉ học và người vợ lạc thần. Tiếp chúng tôi, thân nhân anh Tùng cứ áy náy cám ơn vì “xa xôi quá, không phải bà con mà cũng tới thăm.” Nhà anh Nguyễn văn Tiếp thì đơn chiếc hơn. Căn nhà chỉ mới có mái và nền được “lên đờI”, vách chưa “lên” nổi. Bàn thờ lạnh lẽo, sơ sài. Trước di ảnh, một chiếc đồng hồ đàn ông được đặt trang trọng. Tôi không thể đốt nhang vì “vợ nó theo thầy đem lư hương ra ngoải, làm lễ rước vong về nhà”, người anh của anh Tiếp cho hay như vậy. Ngồi chưa lâu, đã thấy mấy gương mặt xanh đỏ tím vàng quen thuộc tấp vào, thêm hai bà khách đi lẻ khác. Tất cả đều người Sài Gòn, đều để tiền lên bàn thờ cúi đầu xá dài rồi vội vã kiếu từ vì “Ở lâu sợ trời tối. Còn đi mười mấy điểm nữa, trước khi quay về thành phố, mai đi làm….” Sao không gửi tiền nhờ báo Tuổi trẻ, Đài truyền hình, hội Chữ thập đỏ, hay tổ chức cơ quan, hội đoàn, khu phố ở Sài Gòn…Đi chi cho cực vậy? Đám thanh niên lắc đầu. Hai khách lẻ cũng lắc đầu. Thứ nhất phải đi để chính mình thấm thía nỗi khổ của người khác. Thứ hai tự tay cho mới an tâm. Ra là vậy! Một bà khách xiết tay con trai anh Tiếp an ủi “Trụ cầu Cần Thơ gẫy, trong nhà cháu cũng gãy một trụ chính. Nhưng ba mất, còn cháu là con trai. Đừng sụp đổ tinh thần. Phải ráng cứng cỏi, làm chỗ dựa cho mẹ và hai em…”

Bị thương và chết

Rời xã Mỹ Hòa, kẻ viết bài xuống phà Cần Thơ, qua thăm những nạn nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Cần Thơ và Bệnh viện quân đội 121. Đứng trên phà dõi mắt về phía Mỹ Hòa, hai trụ cầu chỉ nhỏ bằng hai ngón tay màu xám.
Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ đang di dời đến địa điểm mới, Phó Thủ tướng Hồ Trung Hải, Thứ Trưởng Bộ Y Tế, Trần Chí Liêm, trước đây đều đã đến thăm, chỉ đạo dành mọi phương tiện tốt nhất để cứu người bị nạn. Thuốc đắt đến mấy cũng mua. Cần bao nhiêu máu, cả máy móc y khoa, đội ngũ y bác sĩ thành phố (bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Pháp)... đều có đủ. Bản thân ông Hải còn sắn tay áo hiến máu ngay tại chỗ, kéo theo phong trào hiến máu mạnh mẽ ở Cần Thơ, Sài Gòn sau đó.
Kỳ lại thay là những người hiến máu! Mới hôm qua, trong bài viết của tôi, họ là những người vi phạm luật giao thông, làm ăn gian dối, cư xử kém văn hóa, học hành thi cử lem nhem. Vậy nhưng chỉ tắm mình trong nỗi đau chung của cả nước trong tuần lễ vừa qua, họ như hóa thành người khác, hào hiệp xả thân, rộng rãi, cởi mở vô cùng!

Trên báo chí, các bạn đọc trong và ngoài nước từng biết về gương những anh hùng vô danh lăn xả vào cứu hộ, bất chấp hiểm nguy, những gia đình tự bỏ tiền thuê ghe vượt sông Hậu cứu người, những bà má nghèo vét gạo nấu cơm tiếp tế, những Việt kiều, ca sĩ tặng tiền…. Không thể kể hết. Thế mới biết thiện tâm của con người là vô tận. Chỉ cần biết khơi dòng.

 

 

Xe cứu trợ tới Mỹ Hòa. LAN ANH

 

Tại phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện 121, tôi xin vào thăm mười công nhân đang nằm điều trị. Tất cả đều thoi thóp, hôn mê. Nhiều em được cạo trọc, trên thân thể bầm dập chỉ đắp hờ tấm drap. Chân tay bị treo lên, hoặc cột chặt vào thành giường để khỏi dẫy đạp. Máy móc, dây nhợ lằng nhằng chung quanh. Tất cả đều ở độ tuổi từ 24- 42, đều là cột trụ gia đình, đều nghèo khổ. Đặt tay lên người họ, tôi không cầm được nước mắt. Bên tai vẫn nghe tiếng thì thầm của cô y tá “Hầu hết đều chấn thương cột sống, dập não, vỡ gan, gãy khung chậu. Hôm nay mới một người chết. Có thể hai người nữa nay mai. Bốn người góc trong kia cũng có thể...” Đôi mắt một thanh niên 37 tuổi, Ngô Thành Thụy, buồn não nuột “Em gãy cột sống rồi. Vợ em đi nuôi. Nhưng còn hai con nhỏ ở nhà. Phải về.” Nguyễn văn Hoàng, 27 tuổI, nằm gần đó, Nguyễn văn Trí, 34 tuổi, nằm phía ngoài, bị dập não, nhưng rất tỉnh. Trên mặt, ngực, hai tay các em đầy vết thương. Cô y tá bấm tôi “cô đừng cho tiền ở đây, họ đâu cầm được. Ra ngoài hành lang, cầm danh sách gọi tên thân nhân họ, rồi hãy cho.”

Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo quận Thủ Đức hơn chục cụ, đi sau tôi, đã thực hiện lời khuyên này. Vài phụ lão trong đoàn hỏi sao Vĩnh Long bị nạn không chuyển về Vĩnh Long mà lại sang Cần Thơ? Các cụ đâu biết từ điểm sập cầu bên Vĩnh Long, nếu dùng ca nô băng qua bên kia sông là tới ngay bến Ninh Kiều-Cần Thơ. Từ đó chuyển vào bệnh viện 121 chỉ năm phút. Còn nếu đưa về Vĩnh Long thì nội việc từ hiện trường, theo con đường gồ ghề xa tít tắp ra được đường cái. Thêm gần ba chục cây số nữa mới tới bệnh viện Vĩnh Long e quá muộn. Phát những bao thơ cho thân nhân người bệnh, mỗi bao 500.000 đồng, ông Hội trưởng Hội Bảo trợ Thủ Đức đỏ mắt. Ông bảo “Nhiều cháu nằm đây có còn sống trở về cũng thành phế nhân suốt đời. Mình mang nợ tụi nó quá nhiều. Bây nhiêu tiền nghĩa lý gì.”

Cảm giác mang nợ, sau đó còn nghe nhiều người nhắc tới. Mười tỷ đồng lạc quyên được (và tiếp tục còn tăng trong tương lai) là số tiền kỷ lục, do hảo tâm của gần 400 đơn vị cá nhân trong và ngoài nước gom góp. Tất cả, trong thời gian ngắn nhất, bằng nhiều cách khác nhau, đã bay tới Vĩnh Long, Cần Thơ, huyện Bình Minh, xã Mỹ Hòa nhằm trả phần nào món nợ xương máu đối với những công nhân- những người nông dân chơn chất, những người chồng, người cha nặng gánh gia đình. Tất cả họ, gần hai trăm người, đã vừa chết vừa bị thương khi đang làm nghĩa vụ công dân cao đẹp.

Nhà thơ Thanh Thảo đề nghị tuyên bố quốc tang. Trong khi nhiều người Sài Gòn khác thực tế hơn. Họ lo số tiền mười tỷ cứu trợ kia không biết có bị bớt xén không, có đến đúng địa chỉ cần đến không. Những người khác thì run giùm nhà thầu chính Nhật Bản Taisei, ban quản lý dự án, bộ phận giám sát thiết kế, công ty Vĩnh Thịnh…Mà không run sao được khi cảnh sát đã chính thức mở cuộc điều tra.

Từ bức thư cách đây ba tháng, cảnh báo về nguy cơ sập cầu của Giám sát viên Hyroshi Kudo, nhiều kỹ sư cầu đường Việt Nam trong và ngoài nước đã mổ xẻ thêm nguyên nhân dẫn đến tai nạn – giàn giáo có vấn đề, trụ tạm yếu, không thử tải trước đã đổ bê tông…Rồi hàng loạt bất cập, sai sót trong việc quản lý con người, trong chế độ lương bổng, bảo hiểm…khiến dư luận không ngớt hoang mang, bất bình. Thi công cây cầu dài gần ba ngàn thước (2,75km) phải chi bọn nhà thầu trong nước thì còn nói ẩu tả, vô lương tâm, đằng này nhà thầu Nhật Bản nổi tiếng đàng hoàng, lại giàu kinh nghiệm. Tiền xây cầu 300 triệu đô la, cũng từ nguồn vốn ODA của nước họ. Tại sao để xảy ra chuyện như vậy?
Đi hỏi một vị tăng nhân từng dự buổi truy điệu hôm trước. Vị này phán “Chúng sinh tụ về luật nhân quả như năm ngón tay tụ về lòng bàn tay. Tụ thế nào, tán thế ấy.”

Thật vậy chăng? Cái nghiệp (nếu thực có nghiệp!) của người chết thì đã yên phận. Nhưng nghiệp của nạn nhân, thân nhân họ, và tội nhân thì còn mệt dài dài. Luật nhân quả...Mới nghĩ tới đã sợ!
Phù kiều chưa bắc xong, mà nhiều người đã mất hết nhân duyên. Cái mất này, sao mà nặng quá!

 

Nguyễn Thị Lan Anh | Viettribune Online

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.