Núi non hiếu khách
Lời vào chuyện.-
Với một dân số trên 83 triệu người, Việt Nam là một quốc gia
gồm có 54 dân tộc. Người Kinh chiếm 86% dân số, phần còn lại
chia ra 53 dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Thái, H'Mông, Dao,...
Những dân tộc thiểu số này sinh sống ở miền núi và trung du,
trải dài từ Bắc vào Nam, dân tộc này xen lẫn dân tộc kia.
Họ sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước và nương rẫy, chăn
nuôi gia súc, gia cầm. Có một số sinh sống qua hái lượm, săn bắn
và nghề thủ công. Phần lớn các dân tộc thiểu số vùng Tây-Nguyên
sống theo tổ chức buôn-làng, kiếm sống dựa theo thiên nhiên,
mang tính tự cung tự cấp. Các nhóm dân tộc đều có nền văn hóa
riêng biệt và độc đáo. Tín ngưỡng và các tôn giáo của các dân
tộc cũng khác biệt.
Qua bài tường thuật chuyến đi thăm miền núi Sa Pa dưới đây, tác
giả chỉ nói sơ qua những nét đặc thù của một vài sắc dân miền
núi tỉnh Lào Cai và lợi ích của những chuyến du lịch có tính văn
hóa, xã hội và dân tộc ở quy mô nhỏ.
* * *
Như
vậy là, trời đất không thương làng Nam-Toong! Ngồi nâng chiếc
tách nứt mẻ, nhâm nhi, nhấm nháp hương vị trà xanh trước ngọn
lửa bập bà, bập bùng, anh chăn nuôi người Dao buồn rầu kể lể:"Bà
thày thuốc ở đây đã theo ông theo bà, mà cơn dịch bịnh đã giết
gần hết bầy heo của mình!" Hàng chục con heo đã ngã đùng ra chết
rồi. Nhà báo hỏi anh "rồi anh làm sao với những xác chết đó"?
Câu trả lời tỉnh bơ và gọn nhẹ là "thịt thôi chớ còn làm sao
nữa, của đâu, của bỏ".
Vậy là chuyến đi thăm miền núi Sa Pa miền Bắc của nhà báo bắt
đầu bằng một chuyện chẳng mấy tốt đẹp. Thế nhưng, đó cũng là một
chuyến đi đầy lý thú vì là một chuyến đi học hỏi xã hội kinh tế
pha lẫn với một chương trình trao đổi văn hóa hay ho.
Sa Pa, một nơi chốn nghỉ mát do Tây thực dân hình thành - cũng
như Đà Lạt vùng Tây Nguyên phía Nam - trong một vùng đồi núi,
cách thủ đô Hà Nội 260 cây số hướng Tây-Bắc, là một trong những
địa điểm quan trọng của miền Bắc Việt Nam dành cho du khách, nhờ
có cảnh quang đồi núi phong phú cùng với những dân tộc thiểu số
sinh sống nơi đó.
Phần
đông những khách thăm thú đến chơi, khởi hành từ Hà Nội và sinh
sống tại chỗ khoảng tuần lễ hoặc mươi ngày. Nếu muốn biết nếp
sống văn hóa của các dân tộc thiểu số đó và cuộc sống thường
nhựt nơi miền núi thì phải tiến hành những cuộc du ngoạn bách
bộ. Cần
nhứt
là phải có một hướng dẫn viên địa phương rành phong tục và ngôn
ngữ người dân sở tại.
Ở Lào Cai, một làng người H'Mông, cách Sa Pa chừng 20 cây số,
hướng Đông-Bắc, về mạn biên giới Trung-Việt, có một lão nông dân
bất mãn, bực mình vì không đủ tiền cưới vợ cho thằng con trai.
Người "H'Mông đen" - vì thường ăn mặc màu đen - là sắc dân chính
của Lào Cai mà cũng là sắc dân nghèo túng nhứt. Dẫu cho dân tình
người H'Mông dễ mến và đứng đắn, nơi đây vẫn không mấy hấp dẫn,
chỉ vì du khách đầu đội nón lá, cứ theo chụp hình những em bé
thiếu ăn và ăn mặc rách rưới.
Càng đi sâu vào đồng ruộng, tình trạng người dân địa phương thấy
đỡ hơn. Đoàn chúng tôi đi trên những bờ con, bọc dài theo những
ruộng lúa, có những loài hoa dại màu phấn xanh mọc san sát. Có
lúc, chúng tôi phải lội bì bỏm băng ngang qua sông, nước lên tới
bắp vế. Quanh chúng tôi, cuộc sống thường ngày êm đềm trôi qua.
Đàn ông mang lưới, mang chĩa đi đánh cá dưới sông, trong khi các
bà, các cô người dân tộc H'Mông và Dao giẫy cỏ bằng cuốc trên
lưng đồi. Họ làm cỏ để rồi trồng bắp. Nhưng chuyện canh tác của
họ, vì theo thủ tục đốt rừng lấy đất trồng trọt, qua truyền
thống du cư, du mục, nên cũng phá hoại rừng cơ sở không ít.
Đoàn
chúng tôi ngủ đêm tại nhà người dân ở Bản Hồ, một làng người
Tày. Rõ ràng là dân Tày giàu có hơn người H'Mông và người Dao và
cũng tiếp thu những ý kiến mới mẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Con cái họ ít hơn và họ tin tưởng vào phẩm chất của giáo dục.
Cả ngày, người chủ nhà cứ lui cui lo cất nấu rượu từ bí rợ.
Người kinh nghe cũng lạ tai vì chưa từng nghe nói bí rợ làm ra
rượu bao giờ. Người miền núi ai cũng lo nấu rượu và ít có làng
nào mà không có một lò rượu, thường thường là một cái ống đồng,
từ đó hơi men đun sôi rỉ ra từng giọt, từng giọt một cách thảnh
thơi, rơi vào một bình hứng rượu. Những người khách không cần
phải bận tâm về những bình nước mình mang theo, vì đã có người
sẵn sàng châm rượu đầy bình.
Đoàn chúng tôi cũng không quên ghé thăm đỉnh Fan Si Pan gần đó,
có lẽ ngọn núi cao nhứt Đông Dương - 3.143 m - nên được gọi là
"Mái nhà Đông Dương". Trời quang, mây tạnh thì chẳng còn gì đẹp
bằng cảnh núi non hùng vĩ, trời xanh xanh mà núi cũng xanh xanh.
Nhưng gặp những ngày mưa gió thì thật hãi hùng. Chỉ cần nghĩ đến
ngày mai cần leo núi sau một đêm mưa thì cũng thấy ể mình, mất
ngủ.
Tới
làng Nam Toong, đoàn đến thăm một gia đình người Dao. Đàn ông,
con trai tiếp đoàn ở nhà trên còn mấy bà, mấy cô thì lăng xăng,
lộn xộn ở nhà dưới, canh chừng mấy nồi thức ăn. Giống như người
H'Mông, người Dao cũng nổi tiếng về cung cách phục sức. Đặc biệt
là phụ nữ đội những chiếc mũ rộng màu đỏ, xỏa xuống trán, tô một
lớp sáp. Khác với người H'Mông, người Dao có chữ viết. Hai quyển
sách treo ở vách tường, góc cạnh cong queo vì đã được lật nhiều
để coi ngày lành tháng tốt mà dựng cột gác đòn dông, hoặc cưới
hỏi. Không phải chỉ coi riêng cho mình, cho gia đình mình mà còn
cho cả chòm xóm láng giềng.

Để trổ tài tiên tri, bói toán, đoán vận may, xem ngày rủi, chủ
nhà lấy ngày sanh tháng đẻ của trưởng đoàn, rồi mở sách xem qua.
Theo sách nói thì đối tượng sẽ ăn nên làm ra trong ngành nuôi
heo, phải coi chừng rủi ro vì nước sông, ao, hồ, biển cả và
trong vòng bốn tháng tới sẽ gặp đại hỷ. Cũng phải đúng tới mức
chín mươi lăm phần trăm. Rủi mà đối tượng rơi vào năm phần trăm
bên kia thì lỗi không phải thầy bấm quẻ.
Đêm
thứ nhì, đoàn qua đêm ở Thạnh Phú, một làng khác của người Tày.
Người Tày có vẻ thích cho khách tham quan thuê phòng trọ trong
nhà của mình. Gian nhà trên chứa đầy máy thu thanh tháo gỡ lung
tung.
Người chủ nhà vừa mới tốt nghiệp khoa điện tử ở Hà Nội và từ đó
đến nay ông ta là thợ sửa vô tuyến cho cả làng.
Quây quần bên một bữa ăn đạm bạc, gồm có đậu hủ chiên, một món
canh và dĩa thịt bò xào ớt, chủ khách hân hoan trò chuyện, kể lể
dông dài, lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia. Thì ra căn nhà này,
ông chủ phải bỏ ra tám năm trời để thu góp cây cối, cột kèo mà
dựng lên. Nhưng chỉ mất có một ngày để thành hình.
Trên đà vui miệng, chủ nhà kể luôn cơn hỏa hoạn khổng lồ năm
1982, thiêu hủy hơn nửa ngôi làng và vườn cây ăn trái linh
thiêng kế cận. Linh thiêng vì vườn không cần bảo vệ. Ấy thế mà
kẻ nào nhám tay đi ngang qua vườn mà "để quên" một trái cây
trong túi là lần sau không vào vườn được nữa, vì chẳng có lần
thứ hai cho đương sự. Thế nên, từ đó về sau, chẳng ai bén mảng
đến vườn làm gì.
Cái
tuyệt vời của chuyến dạo chơi này, xa lánh với những đoàn khách
du lịch đông đảo ở Sa Pa, đoàn chúng tôi đã mất đi cảm tưởng của
người đi tham quan, ngắm cảnh, xem người. Trái lại, khách chủ
đổi ngôi, chúng tôi lại là đối tượng để dân bản địa trông nhìn
và xầm xì phê phán. Điều quan trọng là đoàn chúng tôi đã được cơ
hội trao đổi, chuyện trò sâu và xa hơn những câu chào hỏi khách
sáo.
Nhà
trọ đơn giản mà thoải mái, chủ khách thân tình, những chuyến đi
dã ngoại hàng ngày cũng không mấy khó khăn, mệt mỏi. Mỗi ngày độ
mươi mười lăm cây số. Dĩ nhiên là phải qua hướng dẫn của một
người dìu dắt địa phương, cừ khôi, giỏi ngôn ngữ người bản địa
và rành chuyện. Cái lợi của một nhóm du khách ít người là khi
đến thật âm thầm, lúc đi nhiều lưu luyến. Khác với những chuyến
đi có tổ chức của các hãng du lịch, đến thì ồ ạt, xe ca đổ cả
đoàn người, nhìn nhìn, ngó ngó, mua thứ này, chọn thứ kia.
Nhưng, điều tuyệt vời hơn hết là chuyến đi của đoàn đã diễn ra
với bối cảnh thiên nhiên hoành tráng là cảnh quang kỳ diệu của
núi đồi Sa Pa.
(Mượn ý bài viết "L'Hospitalité des Montagnes" của
Katherine Tanko, Far Eastern Economic Review", đăng trên
"Courrier International" số 547, 31 octobre 2001.)
[http://www.courrierinternational.com/article.asp?prec=0&suiv=4774&page=2&obj_id=12142#]
Thiên Sa