PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta


Một đất nước vượt thoát quá khứ
 

  • Hoài Hương | 10.11.2007

 

Trước khi vào chuyện.- Gérard Coderre là một cây bút chuyên về du lịch. Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới và thường cộng tác với tạp chí "Voyages". Qua bài viết này, G. Coderre ghi nhận lại những cảm nghĩ của mình sau hai chuyến đi Việt Nam, trước và sau 1975.

 

 

Lần đầu tiên tôi đến Sài Gòn là hồi tháng Giêng năm 1973. Quân lính Mỹ đã rút về, chỉ còn lại một vài cố vấn hỗ trợ quân sự cho Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ mối hiểm họa Việt Cộng đang đe dọa một miền Nam Việt Nam đã đuối sức. Những bưu thiếp và những tài liệu còn lại cho khách du lịch chỉ cho thấy những cảnh tượng chiến tranh. Những đứa trẻ đói ăn thu nhặt những gì còn lại trên dĩa của tôi ở khu thương mại. Những cô gái không chồng mà có con, trên tay bồng bế những đứa bé con lai, định mời mọc tôi làm cha cho chúng nó.

 

Vô số những cô gái ăn sương ế khách, ăn không ngồi rồi, sau khi Mỹ đã ra đi, tranh giành một vài người khách muốn mua vui. Những người đàn ông ở lứa tuổi cầm súng, còn lại trong thành phố, chỉ là những nạn nhân thương tật của cuộc chiến tranh đó, một cuộc chiến cứ dằng dai, không chịu chấm dứt. Và những người chịu mất thì giờ đến bắt chuyện với tôi ở góc đường chỉ với mục đích là tìm cho tôi một cô gái mãi dâm với giá phải chăng. Và đồng thời cũng tạo cho hắn ta một cơ hội tìm ra lợi lộc đàng sau lưng tôi, bằng cách ăn chia huê hồng. Cuộc chiến dường như còn để lại phía sau những vết thương chưa chịu lành.

 

*  *  *

 

Mấy thập niên sau, tôi tìm lại thành phố to lớn nhứt của Việt Nam - Sài Gòn giải phóng - theo cách gọi chính thức, với nhiều thích thú lẫn âu lo khắc khoải. Trong khi Hà Nội, thủ đô ở phía Bắc, sinh sống theo những quy luật đã an bài, thì thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố bất kham ở phía Nam, dường như vẫn sinh sống theo những bản năng của chính mình. Dẫu cho rợp trời cờ đỏ, sao vàng và dẫu cho người ta đem tên "cha già dân tộc" đặt cho nó, cũng chẳng có gì làm cho nó thay đổi. Những chiếc xe đò đi về "thành phố mang tên bác" vẫn gọi là đi Sài Gòn.

 

Ngoại trừ vài ba dinh thự - như dinh tổng thống trước kia, nay gọi là hội trường Thống Nhất, đã bị quân cộng sản tiến chiếm hồi 30 tháng 4 năm 1975, như tòa đại sứ Hoa Kỳ xưa kia, như những địa đạo Củ Chi, di tích của cuộc chiến dưới đường hầm của Việt Cộng và như viện bảo tàng tội ác chiến tranh, chủ yếu là để tố cáo sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam - chẳng có bao nhiêu điều để làm cho người ta nhớ lại cuộc chiến tranh đó. Chắc chắn là cuộc chiến đó không hiện hữu trong đầu óc của một quần chúng nhân dân rất trẻ, phần lớn không biết được thời kỳ đen tối đã qua trong lịch sử đất nước mình.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, một thị trấn to nhất nước, với khoảng năm triệu cư dân, trước hơn hết là một thành phố của xe gắn máy. Hàng ngày, cả triệu chiếc xe gắn máy tràn ngập đường sá của thành phố, tạo cho nó một nhịp độ và một bản chất cá biệt. Nếu như thành phố hoạt động rộn rịp quanh khu chợ búa từ sáng tới chiều tối thì về đêm, sinh hoạt lại năng nổ dọc theo đại lộ Nguyễn Huệ, "Champs-Élysées" của thành phố Hồ Chí Minh, và những con đường kế cận khu phố thị và cũng tại nơi đây, người ta dạo chơi với cô bồ nhí trên chiếc xe gắn máy.

 

Phải trải qua một tối chủ nhựt ở thành phố này mới thấy được sự cuồng nhiệt của giới trẻ thành phố Hồ Chí Minh, trong khi họ đua nhau chạy rong bằng xe gắn máy. Như là một dạng giải tỏa nội tâm tập thể của hàng ngàn thanh thiếu niên, chễm chệ trên xe gắn máy rồi hẹn hò nhau ở một góc phố nào đó để cùng nhau nổ máy chạy quanh hết khu phố này đến xóm nhà kia, dưới cái nhìn nghiêm khắc của tượng "Bác Hồ" của họ, ngồi trước trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố. Có thể "Bác", cũng như những người cao niên trong thành phố, tỏ ra bức xúc và tự hỏi không biết đám con cháu này sẽ đi về đâu?

 

Rất có thể thủ đô Hà Nội ở phía Bắc đã thắng được cuộc chiến hồi 1975 và áp đặt đời sống chính trị cho phía Nam, nhưng thành phố lớn, phồn thịnh và đông dân hơn hết ở miền Nam vẫn giữ được bản chất độc đáo của riêng mình. Bên cạnh một thành phố Hồ Chí Minh nặng trĩu và đông nghẹt dân số và mang dáng dấp của một thành phố lớn tây phương, với ánh đèn sáng choang về đêm trên đường phố Lê Lợi và Nguyễn Huệ, Hà Nội có vẻ như là một thị xã tỉnh lẻ, trầm lắng và nghiêm nghị.

 

Trung tâm sinh hoạt của Hà Nội, nhứt định là thành phố cũ thu mình giữa thành lũy của Hà Nội, con sông Hồng và hồ Hoàn Kiếm. Chính trong khu phố này, với những bức tường đen xì theo tháng, năm của thời gian và độ ẩm ướt nhiệt đới, người ta mới cảm thấy nhịp đập thoi thóp của con tim thủ đô Việt Nam. Thực ra, toàn bộ khu phố là một cái chợ khổng lồ, tập trung những người bán hoa, những gian hàng quần áo hay những sạp trái cây, rau cải và gà vịt gia cầm. Nơi thì chiếm hết từng dưới căn nhà, chỗ thì choán mất phía trước hộ gia cư, chừa lại diện tích hẹp hòi dành cho sinh hoạt ấm cúng của gia đình. Vì thiếu chỗ để bày bán hàng hóa, người ta chiếm lề đường, đôi khi chiếm cả lòng đường. Thế là, suốt ngày từ lúc chiêu dương đến hồi tịch dương, có một đại hội những chiếc nón lá và những đòn gánh và thúng rổ, thậm chí kéo dài đến tận đêm đen.

 

Đi Việt Nam mà không tạt ngang thăm thú vịnh Hạ Long thì sao gọi là hoàn chỉnh. Cách xa Hà Nội về hướng Bắc chừng vài tiếng đồng hồ xe hơi, Hạ Long đúng là một trong những cảnh quang đẹp nhứt trên thế giới. Cứ nhìn khoảng ba ngàn hòn đảo nổi lên trong vịnh Bắc Việt, như ngần ấy thỏi đường cũng đủ làm cho mình kinh ngạc rồi. Một đôi giờ đường bộ về phía Nam thủ đô Hà Nội, người ta cũng có thể gặp được một phong cảnh thần tiên ở Ninh Bình như ở vịnh Hạ Long, nhưng phen này thì trên đất liền, với những con sông quanh co lượn khúc bao quanh ruộng lúa.

 

Ở phía Nam của đất nước này, đâu đâu cũng có sự hiện diện của dòng Cữu Long. Con sông "chín rồng" đó, từ ngọn nguồn xa xôi đổ ra biển cả trải rộng ra một vùng châu thổ mênh mông, qua nhiều nhánh sông. Sông ngòi và kinh lạch chằng chịt làm thành mạng lưới giao thông đường thủy, qua ngang hàng ngàn cây số vuông. Nên chi miệt này đã là một vựa lúa của vùng bán lục địa Đông Nam Á.

 

Thực ra, vùng châu thổ sông Mê Công giống như một nơi đất và nước pha trộn, xen vào là những tuyến lưu thông đường thủy, nên chợ búa trên sông thừa mứa và những ruộng bùn đầy dẫy để cho nông dân và đàn trâu đen không có giờ phút nghỉ ngơi. Nơi mà những kinh rạch quan trọng hội tụ thành ngả ba, ngả tư là làng mạc, và thậm chí thị trấn nữa, đã mọc lên. Với 15 triệu dân cư, miền đất trù phú của châu thổ Cữu Long - xưa kia người Pháp gọi là Cochinchine (Nam Kỳ) - là vùng có mật độ dân cư cao nhứt Đông Nam Á.

 

Cần Thơ, cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 200 cây số, là trung tâm điểm của vùng châu thổ. Người ta có thể đến đó bằng đường bộ, sau khi chạy qua hàng chục cây cầu bắt ngang qua kinh rạch và sông ngòi. Nơi đây, cuộc sống nông dân dường như êm đềm trôi xuôi, ngày này qua ngày nọ, còm lưng trên ruộng lúa, đầu khuất dưới chiếc nón lá đặc thù Việt Nam.

 

Cần phải có thì giờ để lang thang vài ba tiếng đồng hồ ở nẽo quanh co của sông rạch miền châu thổ, càng lúc càng hẹp lần khi mình đi sâu vào đồng ruộng, mới thấy được nét sinh động của vùng đất bồi châu thổ. Đàn ông thì bận rộn sửa chữa tàu thuyền, đàn bà lúi húi rửa ráy, giặt gịa cạnh bờ sông, trẻ em cười giỡn nô đùa bì bõm trong con nước đục ngàu,... cuộc sống của vùng châu thổ hòa nhịp theo con nước lên xuống của thủy triều.

 

Sáng sớm, hai bờ sông Cái Răng, không xa Cần Thơ là mấy, trở thành khu chợ nổi khổng lồ. Đấy là nơi hò hẹn, bên cạnh những căn nhà sàn, của không biết bao nhiêu là ghe thuyền chở đầy dưa hấu, khoai lang, chuối đủ loại,... xuôi ngược mọi hướng, hy vọng sớm bán hết những mặt hàng.

 

Là xứ sở của những chiếc nón lá, chợ Cần Thơ, nằm bên bờ sông Cữu Long, từ sáng tới chiều tối rộn rịp với những ghe, thuyền và tàu bè đi lại từ bờ này sang bờ kia. Tối đến, công viên Ninh Kiều, chạy dọc theo con sông và kề cận bên nhà lồng chợ, là nơi hẹn hò ưa thích của những cặp trai gái, của những gia đình trẻ và của những toán bạn bè cỡi xe gắn máy đến gặp nhau để hưởng được cơn mát từ dòng sông Hậu, cũng giống như ở những nơi khác trên đất nước của người Việt, của tượng "Bác Hồ".

 

 

 

(Qua gợi ý của bài:"Vietnam: un pays affranchi des fantômes de son passé", của Gérard Coderre, đăng trên báo "Le Soleil" của Canada, ngày 3 novembre 2007).

[http://www.cyberpresse.ca/article/20071103/CPSOLEIL/71102237/6932/CPSOLEIL]

 

Hoài Hương

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.