PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Đời Sống Quanh Ta


Câu chuyện một tấm hình
 

  • Cố Nhân | 17.11.2007

Những người Việt Nam, ở lứa tuổi biết băn khoăn đến chuyện đất nước trong thời buổi lịch sử sang trang ngày 30 tháng 4 năm 1975, ai cũng nhớ đến bức hình đó mà lòng quặn thắt. Bức hình tiêu biểu, nặng tính lịch sử và nổi danh đó có một sơ yếu lý lịch mà ít ai được biết, nếu như người làm ra nó chẳng chịu lên tiếng kể lại.

 

Bức hình, không nói, chẳng rằng, nhưng lại là chứng nhân cho một đoạn đời đau thương của một nửa dân tộc, một khúc quanh ác nghiệt của năm mươi phần trăm đất nước. Bức hình câm lặng, ấy thế mà nói rất nhiều. Nó đã thuật lại biến cố bi thảm của một dân tộc bị lùa vào ngõ hẹp không tên. Nó đã nói lên một thực tế phũ phàng của những con người đưa bạn bè vào cái thế bi hùng để rồi cuối cùng phải đi vào cõi chết không kịp trối. Người ta đã vì quyền lợi thiết thân mà đành để cho một phần dân tộc, cùng với một nửa đất nước rơi vào sọt rác của lịch sử. Người ta đã coi nhẹ danh nghĩa siêu cường của chính mình mà muối mặt khinh thường những lời cam kết.

 

Ba mươi năm sau biến cố lịch sử nói trên, năm 2005, nhân ngày kỷ niệm Sài Gòn sụp đổ, người cha tinh thần của bức hình đó đã tiết lộ tâm tình của mình, qua một bài viết.

Photograph by Hubert Van Es/Bettman - Corbis :
"...Lời chú thích, tôi ghi rõ ràng chiếc trực thăng chở người tản cư từ nóc một tòa nhà ở khu thị tứ Sài Gòn. Y như rằng, trong những ngày đó, người biên tập ở tòa báo không chịu đọc kỹ và họ cứ đinh ninh cho đó là nóc tòa đại sứ Hoa Kỳ vì đấy mới là điểm di tản chính yếu. Sai lầm này đã kéo dài hàng mấy mươi năm qua, với lời chú thích không đúng đó. Những nỗ lực của tôi để sửa sai đều vô ích nên cuối cùng tôi cũng chịu thua luôn..."

HONG KONG - Cách nay ba mươi năm, tôi khá may mắn chụp được bức ảnh, sau đó có lẽ đã trở thành hình ảnh dễ nhận ra nhứt của một Sài Gòn sụp đổ tan tành. Chắc các bạn còn nhớ tấm hình lúc nào cũng cho thấy một chiếc trực thăng Hoa Kỳ đưa người di tản từ nóc nhà của cái gọi là "sứ quán Hoa Kỳ". Đời là như thế, cũng như nhiều chuyện về chiến tranh Việt Nam, thấy vậy mà không phải vậy. Thực ra, trong ảnh hoàn toàn không phải là tòa đại sứ Hoa Kỳ. Đúng ra là chiếc trực thăng đậu trên nóc một chung cư nằm giữa khu kinh doanh Sài Gòn (22 đường Gia Long, bây giờ là đường Lý Tự Trọng), nơi trú ngụ của nhơn viên cao cấp cụm CIA (Trung ương tình báo Hoa Kỳ) tại Việt Nam.

 

Hôm đó ngày thứ Ba, 29.4.1975. Đã mấy tuần qua, tin đồn về cuộc di tản cuối cùng của Sài Gòn đã lan tràn, với hàng ngàn người - dân sự Mỹ, người Việt Nam và những người thuộc quốc tịch khác - đã được đưa lên phi cơ vận tải ở phi trường Tân Sơn Nhứt để bay sang các căn cứ của Mỹ ở Guam, Okinawa và những nơi khác. Ai ai cũng biết là thành phố đã bị quân Bắc Việt bao vây, rồi sẽ chiếm lấy không mấy hồi. Vào khoảng 11 giờ sáng, Brian Ellis có gọi điện thoại. Ông ta là trưởng trạm thông tấn CBS News, đặc trách phối họp chuyện di tản đoàn nhà báo ngoại quốc. Như thế là khẳng định rồi!

 

Điểm tập họp nằm trên đường Gia Long, đối diện nhà thương Grall, là nơi mà xe buýt sẽ chở những ai muốn ra đi. Được biết là chiến dịch di tản sẽ được loan báo bằng một ký tín ám hiệu "mật" trên đài phát thanh của quân đội Hoa Kỳ. Người ta sẽ loan tin "hàn thử biểu chỉ 105 độ F và cứ tăng lần", tiếp theo sau là tám nhịp của ca khúc "White Christmas" (Giáng Sinh Trắng). Chẳng nên thắc mắc xem kẻ ngây ngô nào nghĩ ra điều đó làm gì. Trong những ngày đó, ở Sài Gòn làm sao mà giữ kín được chuyện gì, và mọi người Việt Nam, thậm chí đến con chó của họ cũng biết được ký tín ám hiệu. Cuối cùng hình như Mỹ bỏ ý định đó. Nhứt định là tôi không còn nhớ có nghe mật hiệu đó.

 

Những nhà báo nào quyết định ra đi thì đến điểm tập trung, và được căn dặn là mỗi người chỉ được đem theo một hành lý xách tay nhỏ. Nhưng, nhìn thấy cảnh ra đi như vậy nên người ta đã nhanh chóng nghĩ ra tình hình sẽ như thế nào, và hàng chục người đã xuất hiện để leo lên xe buýt. Phải một hồi lâu xe buýt mới đến vì tài xế là những người lính thủy quân lục chiến Mỹ, súng ống cẩn thận, nên họ không quen đường phố Sài Gòn. Lại còn có một vài vụ xô đẩy nhau vì lính thủy quân lục chiến được lịnh là chỉ để cho ký giả ngoại quốc lên xe mà thôi. Nhưng, chúng tôi cũng tìm cách đưa lén một vài thường dân Việt Nam lên, và xe buýt thẳng hướng về phía phi trường.

 

Tôi không có mặt trên những chuyến xe đó. Cùng với nhiều bạn đồng nghiệp ở United Press International (UPI), tôi đã quyết định nán lại càng lâu càng tốt. Vì là dân Hòa Lan, tôi có thể ít gặp nguy hiểm hơn những người khác. Họ gồm có Al Dawson, trưởng cơ quan của chúng tôi, Paul Vogle, một phóng viên tài giỏi, nói rành tiếng Việt, Leon Daniel, một người Mỹ miền Nam dễ thương, và Chad Huntley, một nhà báo tự do làm việc cho UPI. Tôi là phóng viên chụp hình duy nhứt còn lại, nhưng rất may là còn có một nhóm phóng viên hình ảnh tự do người Việt cứ tiếp tục đưa về hình ảnh từ khắp nơi của thành phố. Những người này làm việc thật xuất sắc. Họ đã từ chối mọi đề nghị di tản và nhứt quyết muốn nhìn thấy tận mắt những giây phút cuối cùng của cuộc chiến, đã từng làm đảo lộn cuộc sống của họ.

 

Từ điểm tập họp trở về, sau khi đã bấm được nhiều cảnh độc đáo của một thủy quân lục chiến phải đối phó với một bà mẹ Việt Nam và đứa con trai nhỏ của bà. Tôi còn chụp được nhiều cảnh người Việt hoảng hốt đốt giấy tờ trên đường phố vì sợ bị nhận ra là có liên hệ với Hoa Kỳ. Những người lính Nam Việt Nam cởi bỏ quân phục và liệng vũ khí dọc theo những con đường dẫn tới sông Sài Gòn, nơi mà họ hy vọng sẽ tìm được tàu thuyền đưa ra bờ biển. Tôi thấy một đám trẻ con chừng mươi tuổi đầu, thu lượm những khẩu M-16 bỏ rơi trên đường Tự Do. Hơi kỳ lạ là tôi không thấy có một vụ bắn bậy nào.

 

Trở về nơi làm việc, nằm ở từng trên cùng của khách sạn khá to lớn tên "Peninsula", tôi bắt đầu rửa phim, điều chỉnh và in những ảnh đã chụp trong buổi sáng, cũng như phim của những thợ nhiếp ảnh tự do. Người chuyên viên phòng tối của chúng tôi quyết định trở về nông trại của gia đình ở nông thôn. Hai nhà báo khác của UPI, Bert Okuley và Ken Englade, vẫn còn ở lại làm việc. Hai người này quyết định không đi chuyến di tản buổi sáng và muốn thử thời vận với chuyến đi buổi chiều tại sứ quán Hoa Kỳ. Tại đây, trực thăng khổng lồ Chinook chở người tản cư cất cánh từ trên nóc đưa ra những tàu Hải Quân Mỹ, đậu ngoài khơi. (Chiều tối hôm đó, hai người đã đi thoát được.)

 

Từ bao lơn nơi chúng tôi làm việc, nhìn lên hướng Bắc về phía nhà thờ Đức Bà và cách chừng bốn lô nhà, ở góc đường Tự Do và Gia Long, người ta có thể trông thấy một tòa nhà được gọi là "Pittman Apartments", được biết là nơi cư trú của trưởng cụm tình báo Mỹ CIA tại Việt Nam và nhiều viên chức cao cấp khác trong ngành. Mấy tuần lễ trước đó, nóc của phòng thoát hơi thang máy đã được tăng cường bằng vỉ sắt dày, đủ khả năng chịu đựng trọng lượng của trực thăng. Một cái thang cây tạm thời được bắt từ nóc nhà phía dưới để leo lên nóc phòng thoát hơi. Khoảng hai giờ rưởi chiều, trong khi đang làm việc trong phòng tối, thình lình tôi nghe Bert Okuley la lên:"Van Es ra mà coi kìa, có một chiếc trực thăng đáp trên nóc nhà!"

 

Tôi chốp lấy máy ảnh và ống kính chụp xa nhứt còn lại trong trụ sở - chỉ là ống kính 300 ly thôi, nhưng cũng đủ rồi - xong phóng nhanh ra bao lơn. Nhìn về phía Pittman Apartments, tôi thấy khoảng vài mươi người trên nóc nhà, đang trèo lên cái thang để bước vào chiếc trực thăng "Huey" của Air America (công ty chuyên chở hàng không dành riêng cho CIA Mỹ ở Việt Nam). Ở đầu cái thang là một người Mỹ ăn mặc thường phục, kéo những người leo thang lên và đưa họ vào bên trong chiếc trực thăng.

 

Dĩ nhiên là tất cả những người trên nóc nhà đó không thể nào lên hết trên chiếc trực thăng kia, và nó cất cánh với 12 hoặc 14 người. Nhân số tối đa loại trực thăng này có thể chở được là 8 người. Những người còn lại ngồi chờ giờ này qua giờ nọ, hy vọng rồi sẽ có thêm trực thăng nữa tới rước. Nhưng chẳng thấy đâu hết.

 

Sau khi bấm khoảng mươi ảnh, tôi trở lại phòng tối để rửa phim và rọi ra ảnh để kịp đến bưu điện Sài Gòn chuyển đi Tokyo vào đợt 5 giờ chiều. Thời đó, hình ảnh được chuyển đi bằng tín hiệu vô tuyến và ở đầu nhận sẽ đổi ra thành hình trở lại. Một tấm hình đen trắng cỡ 5x17 inch , với một lời chú thích ngắn, gởi đi mất 12 phút.

 

Từ giai đoạn nầy trở đi, bắt đầu có chuyện lộn xộn về bức hình. Lời chú thích, tôi ghi rõ ràng chiếc trực thăng chở người tản cư từ nóc một tòa nhà ở khu thị tứ Sài Gòn. Y như rằng, trong những ngày đó, người biên tập ở tòa báo không chịu đọc kỹ và họ cứ đinh ninh cho đó là nóc tòa đại sứ Hoa Kỳ vì đấy mới là điểm di tản chính yếu. Sai lầm này đã kéo dài hàng mấy mươi năm qua, với lời chú thích không đúng đó. Những nỗ lực của tôi để sửa sai đều vô ích nên cuối cùng tôi cũng chịu thua luôn. Vì vậy cho nên, một trong những bức hình được thiên hạ biết đến nhiều nhứt về chiến tranh Việt Nam đưa ra một hình ảnh khác hơn điều mà hầu hết mọi người nghĩ là như vậy.

 

Cuối chiều về đêm, năm người thường dân Việt Nam bước vào chỗ tôi làm việc, mặt mày bơ phờ và sợ hãi. Họ đã ở trên nóc nhà Pittman Appartment khi chiếc trực thăng hạ cánh, nhưng không làm sao tìm được một chỗ trên chuyến bay đó. Năm người yêu cầu chúng tôi giúp đở để di tản vì họ làm việc cho USAID (US Agency for Development) nên sợ rằng khi Việt cộng vào thành sẽ nguy đến tánh mạng.

 

Một trong những người đó có máy vô tuyến liên lạc hai chiều, có thể liên lạc được với sứ quán Hoa Kỳ, nên Chad Huntley tìm cách liên lạc với một người nào đằng đó. Chad yêu cầu trực thăng đáp trên nóc khách sạn của chúng tôi đang ở để bốc họ đi, nhưng được biết là vô kế khả thi. Al Dawson phải cho họ ngủ qua đêm vì đã đến giờ thiết quân luật. Thỉnh thoảng có tiếng súng nổ đì đẹt ngoài đường phố, vì bọn người hôi của lục phá mấy tòa nhà Mỹ bỏ đi. Dẫu đêm đã xuống rồi mà mấy chiếc Chinooks to tướng cứ lên xuống từ tòa đại sứ, chiếc nào cũng có hai Cobra võ trang hộ tống để ngăn ngừa bị dưới đất bắn lên.

 

Sau một đêm thao thức của chúng tôi, sáng ra những người nhiếp ảnh tự do bắt đầu trở lại với những cuộn phim mà họ đã chụp được trong chiều tối 29 và sáng ngày 30. Ông Nguyễn Văn Tâm, chuyên viên hình ảnh vô tuyến của chúng tôi chạy tới, chạy lui giữa bưu điện và chỗ làm để lo gởi hình đi khắp thế giới. Tôi in xong đợt ảnh cuối cùng vào lúc 11 giờ và sắp xếp theo thứ tự tầm quan trọng để cho ông ta biết mà gởi đi. Cuộn phim cuối, tôi chụp tòa nhà sáu từng của sứ quán, nằm cạnh tòa đại sứ, đang bốc cháy sau khi bị cướp phá đêm qua.

 

Khoảng 12 giờ 15, ông Tâm gọi điện thoại cho tôi và, với một giọng nói run sợ, cho biết rằng bộ đội Bắc Việt đang ở trong phòng làm việc của ông, dưới từng trệt. Tôi bảo ông cứ tiếp tục gởi đi đến khi nào họ kéo điện ra hẳn hay, điều mà họ thực hiện năm phút sau đó. Bức ảnh gởi đi từ Sài Gòn hôm đó cho thấy tòa nhà đang cháy ở phần trên của ảnh còn một nửa bên dưới thì chỉ toàn là những lằn sọc ngang trắng và đen.

 

Thế là cuộc chiến tranh đã qua đi!

 

Tôi thả ra đường để chụp hình những người tự xưng là "giải phóng quân". Qua cuộc thuyết trình cho báo chí ngoại quốc sáng thứ Bảy ở sân bay Tân Sơn Nhứt, chúng tôi được phái đoàn Bắc Việt bảo đảm rằng quân lính của họ đã nhận chỉ thị là gặp người nước ngoài có mang máy ảnh thì đừng làm gì có hại cho họ. Nhưng, muốn yên chí rằng họ không nghĩ rằng tôi là người Mỹ, tôi cắm trên chiếc nón ngụy trang của tôi một cây cờ Hòa Lan nhỏ bằng nhựa có hàng chữ:"Báo chí Hòa Lan". Những tên bộ đội, phần đông trẻ măng, có vẻ rất thân hữu và vui sướng đứng để chụp hình. Tôi nhận thấy có một cảm tưởng quái gở và khó hiểu khi diện đối diện với "kẻ thù", và tôi tự hỏi không biết họ có cảm tưởng như thế nào?

 

Tôi rời Sài Gòn ngày 1 tháng 6, bằng máy bay qua Vientiane, Lào, sau khi được chế độ mới "mời" ra đi, cũng như phần đông các nhân viên báo chí của đủ thứ quốc tịch đã nán ở lại để chứng kiến cảnh Sài Gòn sụp đổ.

 

Cũng phải mười lăm năm sau tôi mới được trở lại Việt Nam. Không đi Việt Nam được chẳng phải vì tôi không muốn, nhưng vì cứ bị từ chối chiếu khán liên tục, vì lẽ một viên chức ngành báo chí của bộ Ngoại Giao không đồng ý. Thì ra, tôi đã có vấn đề với chính viên chức kia. Thời ba mươi tháng tư năm bảy mươi lăm, một tuần lễ sau khi Sài Gòn sụp đổ, ông ta đã đến nơi chúng tôi làm việc, dưới danh nghĩa một chủ bút tạp chí quân đội Bắc Việt. Ông ta muốn có những hình ảnh của cuộc "giải phóng", do chúng tôi chụp để đăng lên báo. Tôi đưa cho ông ta xem năm mươi hai bức ảnh đã chụp mà sau ngày 30 tháng 4 chúng tôi không chuyển ra nước ngoài được. Tôi nói rằng ông ta có thể vận dụng uy thế bản thân để tôi được phép chuyển hình ảnh đó ra phương Tây thì ông ta được quyền sử dụng những hình đó. Ông ta nói là không thể được, nên tôi nói với ông ta rằng như vậy thì không có chuyện trao đổi.

 

Rõ ràng là ông ta có một trí nhớ khá tốt, và tôi nghĩ rằng chỉ sau khi ông ta về hưu hoặc chết đi thì những hành động xưa cũ của tôi mới được tha thứ, nên tôi lại có được chiếu khán đi Việt Nam. Từ bấy đến nay, tôi đã nhiều lần đến Việt Nam vì nhà tôi ở Hong Kong, kể cả những lần kỷ niệm thứ hai mươi và thứ hai mươi lăm ngày Sài Gòn sụp đổ. Những lần đó, nhiều người kỳ cựu ở Việt Nam, đã từng dính líu đến cuộc chiến, họp nhau lại để tưởng nhớ "những ngày xưa thân thương". Năm nay, tôi trở lại để dự lễ kỷ niệm ba mươi năm. Không gì vui sướng bằng bạn bè cũ gặp lại nhau và, một lần nữa, nhiều chiếc ly sẽ được nâng lên để tưởng nhớ đến bạn bè đã ra đi, những người đồng nghiệp đã theo dõi cuộc chiến, cũng như những người Việt Nam mà chúng tôi đã bỏ rơi ở lại.

 

*  *  *

 

Thế nhưng trên đây chỉ là một tiếng nói để nhận rằng chính "tôi" là người đã sản sinh ra tấm hình đó. Còn những nhân vật làm ra đối tượng của bức ảnh thì sao? Nếu không thì mới có một nửa của sự kiện mà thôi. Theo thuật lại thì đối tượng của bức ảnh đầy kỷ niệm đó còn nhiều nghi vấn.

 

Số là, trong những ngày sắp "đứt phim" đó thì mạnh ai nấy chạy, bất chấp liêm sỉ và tinh thần trách nhiệm, miễn sao thoát thân. Không có phương tiện chạy thì cầu cứu lấy "quan thầy" là Mỹ. Thì cũng đúng thôi, anh đã từng hô hào tôi chống cộng, đưa đất nước tôi lên thế "tiền đồn của thế giới tự do" mà nay rả đám thì anh phải cứu lấy tôi, chưa nói đến dân tộc chúng tôi.

 

Trong khi bấn tứ túc như vậy, nước đã đến chưn, Thomas Polgar (nay đã tám mươi), cụm trưởng CIA/Sài Gòn đành phải ra tay tế độ. Đêm hôm trước, Polgar đã điện thoại cho một vài nhân vật chính trị quan trọng, tướng lãnh và sĩ quan cao cấp cảnh sát Nam Việt Nam yêu cầu họ đưa gia đình tới nhà ông để di tản. Trong số những người này có tướng Trần Văn Đôn, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng, và một ông tướng trưởng phòng truyền tin tình báo quân đội. Nhưng vào xế trưa, thì địa điểm không còn an toàn.

 

Thế là Polgar nghĩ tới địa điểm đường Gia Long. Polgar ra lịnh cho O.B. Harnage chịu trách nhiệm đưa các nhân vật cao cấp đó cùng gia đình họ đến địa điểm phụ, để đưa đi bằng trực thăng "Huey" của Air America. Khi thấy trực thăng đáp xuống nóc nhà ngoài phố - một hiện tượng lạ trong giờ phút bấy giờ - dân chúng quanh đó bắt đầu hoảng loạn. Sĩ quan cấp thấp và cảnh sát viên cũng được hứa sẽ cho đi, với điều kiện họ phải giữ an ninh cho tòa nhà, đừng để cho dân chúng tràn vào.

 

Đích thân đứng ở đầu chiếc thang bắt lên chỗ trực thăng đậu, ông Harnage giúp đỡ các gia đình Việt Nam leo lên. Thế nhưng, theo lời kể lại của Harnage thì người đàn ông đầu tiên lên được là một người Đại Hàn, có hành động hoảng loạn, thế là Harnage cho ông này một cú đấm cho yên chuyện - không thấy nói số phận của người Đại Hàn kia ra sao.

 

Khả năng chuyên chở thông thường của trực thăng Huey, một phương tiện rất năng nổ cho công tác của Hoa Kỳ ở Việt Nam, là 8 hành khách. Nhưng hôm đó, ông Harnage phải dồn vào 15 người, và cá nhân ông phải đứng bên ngoài, bám vào càng đáp của trực thăng và bay thẳng đến Tân Sơn Nhứt.

 

Sau này, ông Harnage được tặng thưởng huy chương của CIA, nhờ có công bay bốn hoặc năm chuyến như vậy để đưa người di tản lên phi trường để trực thăng lớn hơn của Hải Quân hoặc Không Quân Hoa Kỳ đưa ra hàng không mẫu hạm ngoài khơi Việt Nam. Vào thời điểm mà Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Việt Nam và các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam cũng bỏ rơi đất nước mình thì đó là một hành động anh hùng.

 

Thế nhưng, vẫn còn một điều bí ẩn. Có phải ông Harnage là người đứng trên nóc nhà để giúp đỡ người di tản không? Chính đương sự cũng như bà vợ quả quyết là đúng vậy, nhưng bằng chứng thì chẳng có gì thuyết phục. Ông thì nói đúng là hôm đó ông mặc quần sậm, áo trắng. Bà thì bảo là nhận ngay ra ông, nhìn từ sau lưng và "vì lúc nào ông cũng đi công tác vắng nhà"?

 

Nhiều người khác nữa cũng cho rằng chính mình là người trong ảnh. Nhưng, ông Polgar thì không biết chắc được ai và ai. Như Việt Nam mình thường nói đại khái thì "điều xấu xa thường mồ côi, chuyện tốt thì quá nhiều cha mẹ". Danh dự gì đó mà tranh giành nhau chút ân huệ trên nỗi đau khổ lớn lao của một dân tộc?!

 

Đã trên một thế kỷ qua, nhờ dễ nhận thức đưọc một cách trực giác, hình ảnh đã đánh dấu những diễn biến của thời sự. Hình ảnh đã tự mình liên kết với những chuyển hóa, với những thăng trầm của lịch sử các dân tộc và xã hội. Tự nó, hình ảnh báo chí đã mang một thông điệp văn hóa và chánh trị. Và hình ảnh cũng để dấu ấn trong tâm tư và ký ức của con người, vì nó khơi động dễ dàng trí tưởng tượng và tính nhạy cảm trong chúng ta.

 

*   *   *

 

Bài viết tổng hợp từ:

1.- "Thirty Years at 300 Millimeters" by Hubert Van Es, April 29, 2005, The New York Times Company.

[http://digitaljournalist.org/issue0506/300mill.html]

2.- "Getting it Wrong in a Photo", Fox Butterfield và Karl Haskell, The New York Times, April 23, 2000.

[http://www.mishalov.com/Vietnam_finalescape.html]

3.- "Sauve qui peut", Ptigibus, Laïus d'Olibrius, 19 Décembre 2006.

[http://laiusolibrius.free.fr/index.php?2006/12/19/100-sauve-qui-peut]

 

Cố Nhân

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.