PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)


ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Xã hội / Ký sự

 

 

"Một nhà Mác-Xít mặc áo cà sa"

 

  • Cố Nhân - 20.01.2008

 

 

Năm mươi bảy năm sau khi bị Trung Quốc lấn đất và sáp nhập vào "mẫu quốc", Tây Tạng vẫn còn cuồng nhiệt tinh thần tranh đấu. Không vũ khí, không cần đảng phái, không có đoàn thể mà cũng chẳng có mít tinh hội họp hay biểu tình tuần hành, sáu triệu dân cư của đất nước Tây Tạng luôn luôn đối kháng một cách tao nhã và rất dễ mến. Chỉ đối kháng bằng văn hóa.

 

Như hồi tháng Tám vừa qua (2007), trong khi Bắc Kinh rần rộ và rình rang đánh dấu thời điểm một năm trước ngày Thế Vận Hội mùa hè 2008, sáu chuyên viên leo vách đá nhanh gọn treo trên vách Vạn Lý Trường Thành một tấm biểu ngữ vĩ đại để vinh danh và đòi hỏi tự do cho Tây Tạng. Đồng thời, cách đó ba ngàn cây số, tại một trạm của Hy Mã Lạp Sơn, ba chuyên viên leo núi, nhại theo nghi lễ ở Bắc Kinh, châm lửa "Đuốc Thế Vận Tây Tạng", với âm thanh của quốc thiều Tây Tạng.

 

Một đòn đau đớn cho Trung Quốc! Trên hành trình đi đến Thế vận Hội vinh quang, các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải nhứt quyết phô trương bằng những biểu tượng kỳ tích của Tây Tạng bao la và cao cả tận đỉnh trời, như lên "mái nhà vũ trụ" để thắp đuốc, như mượn hình ảnh linh dương, một loài thú có nguy cơ tuyệt chủng của Tây Tạng, để làm biểu tượng cho thế vận,... Nhưng những người con của Tây Tạng nhứt quyết không để cho Trung Quốc rộng tay, muốn làm gì thì làm.

 

Không, nhứt định không là không, Tây Tạng đâu phải là Tàu. Các người không được phép leo lên Hy Mã Lạp Sơn mà không có sự đồng ý của người Tây Tạng. Không, các người đâu có che chở cho những con thú có nguy cơ tuyệt chủng mà mấy người chỉ khai thác những tiềm lực của Tây Tạng, qua thái độ của một quyền lực thực dân vô liêm sỉ.

 

Cái tát đập vào mặt các "quan lớn màu đỏ" của Bắc Kinh còn cay độc và thắm thía hơn nữa khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong thời gian qua, đã được một vài thắng lợi ngoại giao nho nhỏ. Năm 2007, nhiều nhơn vật tầm cỡ của Tây phương, như Thủ tướng Đức, Thủ tướng Áo, Thủ tướng Canada đã tiếp đón Ngài một cách trọng thể. Thậm chí Canada còn quyết định cấp quốc tịch danh dự cho con người lưu vong nổi tiếng kia, đã từng sinh sống trên bốn mươi năm với giấy tờ tỵ nạn. Nhưng cao điểm thắng lợi ngoại giao của Đức Đạt Lai Lạt Ma là việc Tổng thống Hoa Kỳ, George W. Bush, trao tặng Ngài huy chương vàng của Quốc Hội Mỹ, bất chấp cơn thịnh nộ của Bắc Kinh, với những lời đe dọa trả đũa kinh tế.

 

Qua một cuộc đối thoại mới đây của ký giả Ursula Gauthier (Tuần báo Nouvel Observateur), Đức Đạt Lai Lạt Ma được đánh giá như là một nhơn vật tiếp xúc rất thích thú, khi nào có dịp là Ngài cười thoải mái, không màu mè khách sáo, chẳng có giọng điệu đả kích, cứ ôn tồn và từ tốn, một chánh khách trầm tĩnh nhứt trên thế giới. Trong lần trao đổi đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thân tình tâm sự với nhà báo mọi chuyện công ích cũng như riêng tư.

 

Trước kia Mao Trạch Đông đã xâm lấn Tây Tạng, viện cớ là để chấm dứt một chế độ phong kiến, một xã hội bất công, dẫu cho chẳng có lời kêu ca hay cầu cứu nào của dân chúng Tây Tạng. Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng:"Nhứt định là xưa kia, chánh trị và xã hội Tây Tạng phải lạc hậu lỗi thời rồi. Thế nhưng, so với xã hội phong kiến cùng thời của Trung Quốc hoặc của Ấn Độ thì chế độ phong kiến Tây Tạng còn có lòng thương người hơn. Đúng là trong quá khứ, một vài người được ưu đãi khai thác kẻ thuộc hạ một cách bất công, dẫu cho dưới cách nhìn của Phật giáo. Nhưng, ngày nay đã có chủ mới thì lại lãnh chúa mới. Một vài đổi mới mà Trung Quốc đem tới cũng chẳng bù trừ được những sự hủy diệt mà người Tàu đã gây ra cho nhân dân Tây Tạng."

 

Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma thì "không phải ngày nay, Trung Quốc đã hết dùng vũ lực để trấn áp những cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Tạng. Thế nhưng, họ còn áp dụng loại xâm lược nguy hiểm hơn, đó là bằng dân số. Dân tộc Tây Tạng xưa cũ, với một di sản văn hóa đặc biệt đang chết lần chết mòn. Dẫu cố tình hay không thì đó cũng là một cách thanh lọc văn hóa. Thành phố Lạp Tát (Lhassa) hiện nay có khoảng 100.000 dân Tây Tạng phải chung sống với trên 200.000 người Hán. Ngoài ra ngày nay, tại những địa phương có tầm cỡ thì đâu đâu cũng có những "phố Tàu" mới toanh để thu hút dân chúng. Như vậy là, người Tây Tạng đã trở thành thiểu số trên xứ sở của chính mình. Trong xã hội Tàu ngày nay, mọi phẩm chất truyền thống đều sa sút, chẳng còn luân thường đạo lý gì nữa. Chỉ còn biết có đồng tiền. Thế là tham ô nhũng lạm hàng loạt và lan tràn mọi nơi, mọi cấp và những thảm họa, như trẻ con phải đi lao động ở thành thị và nông thôn. Không thể nào tưởng tượng được ở một đất nước xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác-Xít, mà có những hiện tượng như vậy! Điều đó làm cho tôi nghĩ rằng tôi còn Mác-Xít hơn họ. Một nhà Mác-Xít mặc áo cà sa! Tôi tin rằng văn hóa Phật giáo Tây Tạng, vốn là một nền văn hóa của lòng thương, có thể là một nguồn cứu rỗi cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc."

 

Trong tình hình hiện nay của Trung Quốc, người ta nghĩ rằng đất nước này đang cần có một đường hướng chỉ đạo tinh thần, sau khi Khổng giáo đã bị Mao Trạch Đông truất phế. Có người cho rằng giá mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đóng được vai trò đó thì quá hay. Với tư cách là bậc chơn tu, Ngài sẽ không phân biệt người Hoa, người Tây Tạng, người Ấn, người châu Âu hay châu Phi gì hết. Ngài có cho biết là "khi vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra, tự tâm Ngài ước nguyện là nếu hoàn cảnh cho phép thì sẽ tổ chức một lễ trai đàn giải oan tại quảng trường Thiên An Môn để cầu nguyện cho hàng ngàn âm linh của những người đã hy sinh tại đó."

 

Có người hỏi rằng trong quá trình lưu vong từ 1959 đến nay, Ngài có khi nào cảm thấy nản chí hay không? Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng:"Hầu như không có, vì mình phải chấp nhận thực tế. Nếu như thực tế là chẳng hy vọng gì thì phải nhìn nhận là như thế. Nhưng đừng lấy đó mà chán nản, và phải chấp nhận sự kiện. Sự kiện là sự kiện." Tuy nhiên, cũng một đôi khi thất vọng nhưng Ngài không lấy đó làm điều đau khổ lớn lao. Một nhà tu Phật giáo người Ấn hồi thế kỷ thứ VIII có nói:"Trước một tình thế tuyệt vọng hoặc bi đát, ta hãy tự nhũ là nếu có phương cách để vượt qua thì chẳng cần phải lo âu. Không có cách gì để vượt thắng thì lo âu có ích lợi gì. Cần phải chấp nhận thôi."

 

Dân tộc Tây Tạng là một dân tộc hạnh phúc và hiền lành. Dĩ nhiên là cũng có những con người xấu. Nhưng nói chung thì cộng đồng người Tây Tạng, nhờ ảnh hưởng văn hóa Phật giáo nên rất ôn hòa. Nhưng không vì thế mà Đức Đạt Lai Lạt Ma phải nặng lòng hoài hương trong cõi đời lưu vong. Vì Ngài cho rằng nhân loại đại đồng. Tây Tạng có câu ngạn ngữ:"Nơi nào ta cảm thấy hạnh phúc là nhà ta. Ai thân hữu với ta là người gia đình ta." Như vậy có lẽ vì đất nước Tây Tạng quá mênh mông. Trong cái bao la đó, khi hai người gặp được nhau, dẫu bạn hay thù thì cũng cảm thấy hân hoan. Vì nhu cầu là sự hiện hữu của một con người khác, cho có bạn.

 

Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma thì:"Thế nên, dù là Đông phương hay Tây phương, chúng ta đều là con người, có cùng một thân xác, có cùng một tinh thần, có cùng những cảm xúc và cùng những vấn đề, như nhau. Sanh, tử và đủ mọi biến cố không mong muốn, tất cả đều như nhau. Mọi người nên thấy rằng cái quả ngày nay là do cái nhân trước kia. Kể cả thảm cảnh Tây Tạng cũng thế. Những thế hệ trước đây thật sự đã coi thường thực tế, thực tế của thế giới, thực tế của thế kỷ thứ XX. Nhưng tôi cũng cần nói rõ là những giá trị vật chất có những giới hạn của nó. Trong vòng hai thế kỷ qua, người ta đã quá chú trọng đến sự phát triển vật chất, và các chánh phủ đều tập trung vào việc quy hoạch kinh tế. Thiên hạ đã quên đi chuyện giáo dục tinh thần. Đó là điều cần thiết cho chúng ta. Nghĩ cho cùng, đời sống hạnh phúc đâu phải nhờ tiền bạc, nhờ quyền lực hay nhờ bất cứ lợi thế nào khác, mà xuất phát từ nội tâm."

 

Tây Tạng, một vấn đề "hóc búa" - mà Bắc Kinh tưởng đâu đã lấy được những thành tựu huy hoàng tráng lệ, như "đoàn tàu hỏa cao nhứt hoàn cầu", như số lượng đầu tư ồ ạt cho Tây Tạng khỏa lấp được - hứa hẹn sẽ gây xáo trộn trầm trọng cho những sinh hoạt tuyệt vời được quy hoạch cho Thế vận mùa hè 2008.

 

Những người Tây Tạng quốc nội cũng đâu chịu ngồi yên. Nhờ liên lạc với những người lưu vong bằng mọi cách, họ cũng theo dõi sát được tình hình tranh đấu. Tiếp nối phe đấu tranh bên ngoài, họ cũng có những hành động đối phó táo bạo và càng ngày càng can đảm tố giác những vi phạm về quyền tự do công dân và tự do tôn giáo của họ.

 

Nhưng, tình hình làm cho Bắc Kinh nổi giận hơn hết là không một cán bộ Tây Tạng nào có thể tin tưởng được. Một văn bản nội bộ nhà nước Trung Nam Hải có ghi rằng:"Họ (viên chức Tây Tạng) rút tỉa của "mẫu quốc", trong khi vẫn coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là bà mẹ hiền." Như vậy là Trung Quốc hào phóng đã hoài công rộng lượng cho một "từng lớp cán bộ xuất thân từ một sắc dân thiểu số". Những người này hầu như chẳng bao giờ giữ được những chức vụ có trọng trách, vốn thường được giao cho những người Hoa gốc Hán (sắc dân đa số ở Trung Quốc). Một nhà trí thức của thành phố Lạp Tát nói rằng:"Tây Tạng là một tỉnh thối nát nhứt Trung Quốc. Và, ở đây, trái với những nơi khác của đất nước, không một giới hữu trách khiếm nhã nào bị trừng phạt bao giờ về tội tham ô nhũng lạm. Người Hoa cũng như người Tây Tạng đều đua nhau vớ bẫm, thu hồi lợi lộc một cách nhục nhã. Người Tây Tạng thì có những lý do tiện lợi để thoái thác là tiền bạc của Trung Quốc, tội gì mà không hốt."

 

Tóm lại, Tây Tạng đang gào thét, không phải chỉ trong giới đối kháng ngoại vi, nơi có đông dân du cư Khampa, là những thành phần đã từng đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc, đã bao che chuyện lưu vong của đức Đạt Lai Lạt Ma, đã cung cấp chiến sĩ cho phong trào du kích, thường xuất quân từ Népal kế cận. Thậm chí, những người đã từng tiếp tay với Trung Quốc từ buổi ban đầu trong cuộc lấn chiếm, nay đã có chức phận trong tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh, cũng tỏ ý đối kháng. Họ đã gởi thơ ngỏ cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, khẩn khoản yêu cầu ông chủ tịch nên mời Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về Tây Tạng.

 

 

Cố Nhân

 

Bài viết tổng hợp từ:

 

1.- "Rencontre avec le Dalaï-lama, 'Je suis un marxiste en robe bouddhiste...'", Ursula Gauthier, Le Nouvel Observateur Nº2254, 17-23 janvier 2008

http://tempsreel.nouvelobs.com/actualites/opinions/20080116.OBS5540/je_suis_un_marxiste_en_robe_bouddhiste.html

 

2.- Tibet : "Le défi à la Chine", Ursula Gauthier, Le Nouvel Observateur Nº2254, 17-23 janvier 2008.

http://hebdo.nouvelobs.com/hebdo/parution/p2254/dossier/a364778-tibet__le_d%C3%A9fi_%C3%A0_la_chine.html

 

3.- Tuần báo "Nouvel Observateur" số 2254, 17-23 janvier 2008.

http://hebdo.nouvelobs.com/hebdo/parution/index-tibet.php

 

4.- Wikipédia, bách khoa toàn thư mở.

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.