PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)



SỰ
ĐỜI
SỐNG

HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Ký sự chiến tranh

Tấm hình khó quên

  • PSN - 24.01.2008 | Cổ Nhân

 

Ngày 8 tháng 6 năm 1972, người lớn và trẻ con của một gia đình, sinh sống tại một ngôi làng ở Trảng Bàng, chạy túa ra đưng cái quan, sau một trn bom. Trong nhóm người chạy ra đó, phóng viên hình ảnh của hãng thông tấn AP (Associated Press), Huỳnh Công Út (Nick Út), chụp được hình một bé gái 9 tuổi, trần truồng đang chạy khóc la trên đường lộ. Bức ảnh đó đâm ra nổi tiếng vì đã được loan đi khắp nơi trên thế giới và được giải Pulitzer, một phn thưng vẻ vang của báo chí Hoa Kỳ. Một tấm hình nói lên rất nhiều và đã hằn sâu vào tâm tư tình cảm nhơn loại. Cô bé trong ảnh là Phan Thị Kim Phúc.

 

Bức ảnh - với chức năng trình bày cụ thể cho công luận toàn cầu cái thảm cảnh của khổ đau, thương tật và chết chóc trong chiến tranh - đã trở thành hình tượng cho phong trào phản chiến mà cũng là biểu tượng cho niềm hy vọng. Nhờ vậy, tấm hình đó có thể xuất hiện ngang vai với một số hình ảnh khả kính và nhiều kỷ niệm trong vòng 150 năm qua của ngành phóng sự hình ảnh.

 

Vào năm 1972, phần lớn những đơn vị trực thăng Hoa Kỳ đã rời Việt Nam. Nên chi, phóng viên chiến trường thiếu phương tiện để di chuyển đến tận những nơi mà du kích Mặt trận Giải phóng (MTGP) và quân chính quy Bắc Việt bao vây các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa đang đánh trả. Vì vậy cho nên, những phóng viên hình ảnh của AP phải sử dụng phương tiện chuyển vận đường bộ đầy nguy hiểm, xuất phát từ Sài Gòn, Đà Nẳng hoặc Pleiku, đi đến những khu vực chạm súng.

 

Năm giờ sáng ngày 8 tháng 6, 1972, phóng viên hình ảnh Nick Út trang bị máy nhiếp ảnh, dụng cụ cấp cứu cá nhơn dã chiến, áo giáp và nón sắt, chất lên chiếc xe tải con của AP, đậu ở bên ngoài trụ sở hãng thông tấn tại tòa nhà Eden ở đường Tự Do. Hôm đó, Nick Út mặc bộ đồng phục kiểu thủy quân lục chiến Việt Nam, trên ngực có bảng tên "BAO CHI, Nick Út AP". Một người tài xế có nhiệm vụ phải thường trực tại chiếc xe, trong khi các phóng viên ta bà khắp nơi cùng với quân lính. Chuyến đi đó chỉ có một mình Nick Út, không có ký giả khác tháp tùng. Ông có nhiệm vụ làm thiên phóng sự liên quan đến vụ Việt cộng cắt đứt lưu thông trên quốc lộ 1 và ông được chỉ định bám sát các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa, được phái tới để giải tỏa. Địa điểm hành quân nằm trên quốc lộ 1, gần biên giới Việt-Miên.

 

Ra khỏi thành phố, Nick Út và ông tài xế đều mặc áo giáp vô vì từ đây trở đi, với đồng ruộng và những hàng cây bên đường, là vùng đất của những tên bắn tỉa. Không bao lâu mà xe của họ đã xen lẫn vào đoàn xe đò, xe lô và xe cam nhông chở hàng hóa, vì trên đoạn đường thiếu an ninh về đêm này, lưu thông chỉ khởi sự từ sáng sớm.

 

Lối 7g30 sáng, chiếc xe của AP đã tới khu ven biên của Trảng Bàng (25 dặm Tây-Tây Bắc Sài Gòn) và phải nằm lại nối đuôi đoàn xe đã đậu chờ vì có hành quân ở phía trước. Cách đó chưa đầy một dặm, quân Bắc Việt đã chận một khoảng đường trên quốc lộ 1. Sư đoàn 25 đã phái các đơn vị đến vùng này để giải tỏa.

 

Theo tường trình của Nick Út thì:"Chúng tôi bắt gặp hàng trăm thường dân chạy giặc rời bỏ làng mạc. Họ ăn ngủ bên ngoài khu làng, hy vọng sẽ trở về nhà khi trận đánh chấm dứt. Hôm đó trận đánh đã kéo sang ngày thứ ba."

 

Nick Út rời bỏ chiếc xe, đến liên hệ với một sĩ quan tiểu đoàn trưởng, rồi tháp tùng cùng với đoàn quân đang di chuyển. Đã có những cuộc chạm súng và một số chiến sĩ bị thương. Khi quân chính phủ vượt khoảng đồng trống để tiến vô làng thì thường dân trong làng túa ra để chạy về phía an toàn hơn. Pháo binh và không kích bắt đầu tấn công VC vì đà tiến quân của Việt Nam Cộng Hòa bị khựng lại.

 

Vào khoảng giữa trưa, bộ chỉ huy hành quân của chiến trường, đóng bên ngoài Trảng Bàng, yêu cầu Không quân Việt Nam Cộng Hòa, xuất phát từ căn cứ Biên Hòa, cách trận địa lối 15 dặm, tăng cường yểm trợ. Cũng như quân sĩ đang hành quân, hành khách xe đò và xe lô, bị nghẽn lưu thông trên đường cái quan, và một nhóm phóng viên chiến trường, trong đó có Nick Út đành ngồi chờ cho đợt không trợ tiếp cận tấn công. Một trái khói màu vàng được binh sĩ dưới đất tung ra, đánh dấu tọa độ chuẩn cho khu trục cơ biết nơi cần được tấn công. Sau mấy đợt không kích, chiến trường Trảng Bàng trở nên im lặng lạ thường. Người ta cho rằng quân VC đã rút đi, một diễn tiến thường thấy ở chiến trường Việt Nam.

 

Khi máy bay lượn vòng trên đầu của bộ chỉ huy hành quân, ký giả và chiến binh, ai ai cũng đứng lên ngóng nhìn về phía chiến tuyến. Lúc bấy giờ không một ai cho rằng VC còn nằm trên mục tiêu. Trận mưa đã dứt. Hai chiếc Skyraider A1H của KQ Việt Nam Cộng Hòa ném bom xuống ven làng, gần thánh thất Cao Đài theo trình tự cổ điển là, bom miểng rồi bom xăng đặc và sau cùng là xạ kích bằng súng máy. Nhiệm vụ hoàn tất, hai khu trục cơ rời vùng, không ai nghe thấy tiếng súng phòng không nào. Thế rồi, đám dân làng khiếp sợ, bị thương và bị cháy phỏng từ trong xóm nhà tuông chạy về phía quân Việt Nam Cộng Hòa.

 

Năm 1999, ông Nick Út thut lại rằng:"Khi các phóng viên đi đến ngôi làng thì có một người từ trong làng chạy ra. Khi thấy một người đàn bà có chưn trái bị bom Napalm đốt cháy, tôi kêu Trời. Rồi kế tiếp là một bà bồng một đứa nhỏ chết trên tay bà, rồi một bà khác với một đứa bé bị lột da trên tay. Tôi đang bấm máy chụp cảnh tượng hãi hùng đó thì nghe có tiếng khóc la thảm thiết. Quay lại, tôi trông thấy một bé gái đã lột bỏ  hết quần áo đang bốc lửa, trần truồng. Cô bé kêu la gọi người anh đang chạy bên cạnh. Ngay trước khi những quả bom Napalm được ném xuống, những quân lính của Việt Nam Cộng Hòa đã hối thúc các em bé đó chạy đi, nhưng không còn kịp nữa rồi!"

 

Thân nhân cô bé (Kim Phúc) tụ tập bao quanh cô, trong khi cô la lên "Nóng quá! Nóng quá!". Nick Út và ký giả Christopher Wain lấy nước tạt lên những chỗ cháy trên mình Kim Phúc. Cô bé còn cho biết là anh của cô cũng bị phỏng như cô. Cô rên rỉ:"Con chết mất!"

 

Cha mẹ của Kim Phúc vẫn còn lánh nạn trong thánh thất Cao Đài, và trước tình hình nguy ngập của Kim Phúc, Nick Út bảo ông tài xế quày xe lại để đưa cô bé đi bịnh viện. Những người khác trong gia đình Kim Phúc cũng đi theo xe, nhanh chóng đưa cô đến bịnh viện ở Củ Chi. Cô bé vẫn tiếp tục rên la đau đớn và đòi uống nước. Một lúc sau thì cô bất tỉnh.

 

Khoảng một tiếng sau, chiếc xe tới bịnh viện. Bác sĩ và y tá ở đây đã quen với việc cứu cấp những nạn nhân của bom đạn các loại, trong nhiều năm qua. Điểm đặc biệt của bịnh viện là mặc dầu tình hình có khẩn cấp đến mấy, dẫu cho phòng cấp cứu có đầy dẫy nạn nhơn chiến tranh, bầu không khí chuyên nghiệp y khoa vẫn cứ trầm tĩnh, không hoảng hốt, chẳng bấn loạn.

 

Với kinh nghiệm của một phóng viên hình ảnh chiến trường, Nick Út biết rất rõ rằng các bác sĩ sẽ ưu tiên chăm sóc những nạn nhơn nào có hy vọng sống còn nhiều hơn, những người sắp chết ít khi được ưu tiên. Nên chi, ông khẩn khoản với bác sĩ và y tá hãy dành tình thương cho Phan Thị Kim Phúc. Dù sao đi nữa hình ảnh của Kim Phúc đã nằm trong những đoạn phim của ông và có cơ sẽ được loan truyền đi bốn biển năm châu. Do đó, Nick Út cảm thấy có trách nhiệm trong trường hợp của cô bé thương tâm này. Mãi cho đến khi Kim Phúc được các bác sĩ và y tá của bịnh viện Củ Chi bắt đầu chửa trị, Nick Út mới yên tâm đi về Sài Gòn để đưa phim cho AP phát đi.

 

Thì ra, đó là một tấm hình chụp cảnh thương tâm, nhưng lại làm cho người tổng biên tập của AP phải đắn đo vì bức ảnh chụp trực diện một cô gái chín tuổi, trần truồng, chạy trên đường. Cân nhắc lợi hại, cuối cùng tấm hình cũng được tung đi khắp mọi nơi trên thế giới, với điều kiện phải có rộng rải bối cảnh xung quanh. Vì nguyên nhân chính là tác hại của bom Napalm nổ tung đốt phá một ngôi làng Việt Nam. Tấm ảnh đó là miếng mồi ngon cho thế giới cộng sản nên cả Trung Quốc lẫn Hà Nội đều đăng tải.

 

Nhơn dịp cuộc triển lãm hình ảnh ở Luân Đôn (27.6.2000), Martin Woolacott, một phóng viên có thời săn tin ở Việt Nam, viết rằng:"Tấm ảnh của Nick Út đã có một tầm ảnh hưởng xâu sắc trên khắp thế giới. Cùng với năm ba bức ảnh khác về chiến tranh Việt Nam, tấm ảnh "Cô gái Napalm" đã làm cho dư luận có một suy nghĩ khiến những nhà chiến lược phải đắn đo vào khoảng giữa năm 1972. Tấm hình đó đánh mạnh vào tâm lý của nhơn loại, nên chi cộng sản Việt Nam bèn chốp lấy để tuyên truyền."

 

Đối với những ai trong lứa tuổi đã từng nặng nợ với chiến tranh Việt Nam thì tấm hình một cô bé 9 tuổi đời, trần truồng, hai tay giăng ra, chạy trên đường cái quan, khóc la thảm thiết, vì bị lửa Napalm đốt cháy, thì tâm thức không thể nào dửng dưng. Hình ảnh của em bé đó đã trở thành một hình tượng vô cùng hùng biện của chiến tranh Việt Nam, vượt trội hẳn những cuộc tranh luận thường tình về lẽ đúng sai của cuộc chiến. Nó đã đi vào lương tri của con người, đứng trước một cảnh tượng đáng thương tâm.

 

Bị cháy phỏng vì Napalm đã thương tâm rồi, nhưng hành trình để sống còn của Kim Phúc quả thật khá nhiều gian nan, qua không biết bao nhiêu là năm tháng đầy trăn trở của những vị thầy thuốc và của nhiều cô y tá, ngày đêm giành giựt với tử thần để đem Kim Phúc về phía rực sáng của âm dương. Vì bị cháy phỏng nên càm của Kim Phúc đã dính liền với ngực. Cánh tay trái gần như vứt đi, chỉ còn xương và lớp thịt da đầy thẹo. Phải trải qua mười bảy lần phẫu thuật, cô bé mới được trở lại một cuộc đời đáng sống.

 

Thế nhưng, người con gái phúc hậu kia chẳng có chút gì hận đời hoặc buồn tủi cho thân phận. Cô cho biết:"Có thể nói chuyện thân tình với người phi công đã ném quả bom xăng đặc tai hại kia. Vì không ai thay đổi được lịch sử." Đối chiếu sự kiện, sau khi chiến tranh đã chấm dứt, người ta biết ra rằng phi vụ hôm đó là do khu trục cơ của phi đoàn 518, thuộc Không Quân VNCH, xuất phát từ Căn cứ Biên Hòa.

 

Qua trận ném bom đó, gia đình Kim Phúc bị thiệt hại nhiều nhứt. Ba má cô - ông Phan Thanh Tùng và bà Dư Ngọc Nữ - làm chủ một tiệm ăn nhỏ và chút đất đai gần thánh thất Cao Đài ở Trảng Bàng. Khi Việt cộng kéo tới đóng chốt ở đó, gia đình cứ bình thản sinh sống, một thứ cộng sinh để tồn tại, tiêu biểu trong cuộc chiến Việt Nam ở những vùng "xôi đậu". Thế hiện hữu vô tư như vậy ngày đó đã đem lại khốn đốn cho gia đình. Muốn giết một con sâu, người ta đã làm hư hỏng cả một nồi canh!

 

Thế nhưng hành trình của tấm hình, từ chiến trường ra thế giới cũng gian nan không kém, phải vượt qua những khó khăn kỷ thuật và phải thuyết phục được những bộ óc có nhận xét nặng tính luân thường đạo lý. Người tổng biên tập của AP bên Mỹ cho rằng tấm ảnh có cô bé gái trần truồng trực diện một cách lộ liễu như vậy không hợp với thuần phong mỹ tục. Nên chi, AP gạt bỏ bức ảnh qua một bên. Thế là, một cuộc tranh luận gay go qua viễn ấn (Telex) giữa Sài Gòn và Nữu Ước để giữ tấm hình đó, với một sự dung hòa là sẽ không đưa hình một mình cô bé mà phải đưa toàn bộ ảnh của khung cảnh những người tháo chạy. Sau cùng, người ta cho rằng tính thời sự của bức ảnh quan trọng hơn tính thuần phong mỹ tục không phải chỗ của nó. Nhờ vậy mà tấm ảnh được phổ biến nhanh chóng qua hệ thống toàn cầu của AP. Rồi từ đó lan rộng ra trên các trang báo của thế giới.

 

Ảnh chụp hôm 8 tháng 6, 1972, nhưng vì giằng co kèn cựa mãi đến ngày 12 tháng 6 mới được đưa lên báo, mất tính thời sự hết mấy ngày. Trong thời buổi chiến tranh dầu sôi lửa bỏng như thế mà một tin tức hấp dẫn mất đi mấy ngày kể cũng khá nhiều. Nhìn thấy bức ảnh ghê rợn đó trên báo, tổng thống Nixon có vẻ hoài nghi tính chân thật của nó. Qua một câu chuyện, ông Nixon hỏi chánh văn phòng H.R. Haldeman liệu tấm hình tai hại kia có thật không hay là thiên hạ dàn cảnh. Vì tấm hình đó đã châm ngòi cho một đợt chống đối phản chiến trong dư luận Hoa Kỳ.

 

Từ một sản phẩm đưa tin, tấm hình nhiều ấn tượng kia đã trở thành một nhịp cầu nhơn ái, nối liền chủ thể của tấm hình với khách thể tạo ra bức ảnh. Trong thời chiến tranh, Nick Út đã nhiều lần ghé qua nhà của gia đình để thăm hỏi Kim Phúc, mỗi khi thuận tiện trên hành trình sự nghiệp. Sau 4 tháng chữa trị ỡ bịnh viện, Kim Phúc được bác sĩ cho về nhà hồi tháng 11 năm 1972. Ngày Sài Gòn sắp sửa tan hàng, do áp lực quân sự của cộng quân miền Bắc, Nick Út di tản và định cư ở Hoa Kỳ.

 

Tấm hình "Cô gái Napalm" đã bị phong trào phản chiến phương Tây lợi dụng để làm đề tài tranh đấu. Còn Hà Nội thì chớp thời cơ, nắm lấy Kim Phúc để làm thần tượng chống "Mỹ-Ngụy". Khi cộng sản tiến chiếm Sài Gòn, Kim Phúc đã được 12 tuổi đời. Những năm trưởng thành, Phúc đã bị nhà nước chxhcn Việt Nam khai thác để làm đối tượng tuyên truyền chống chiến tranh, không còn học hành gì được. Đến năm 1986, sau 11 năm "vắt chanh", Hà Nội ơn nghĩa cho Kim Phúc du học ngành dược ở Cuba.

 

Đất trời đảo lộn, vật đổi sao dời, 17 năm sau ngày thê thảm ở Trảng Bàng và 14 năm sau khi người thợ ảnh giả biệt cô bé để lưu vong - vì chiến tranh không còn nữa - tưởng đâu chẳng còn có cơ hội gặp nhau. Trong khi Nick Út đang ở Mỹ thì Kim Phúc "được" chxhcn  Việt Nam cho xuất ngoại học hành trên đất nước anh em Cuba. Trong tinh thần tưởng thưởng một đối tượng đã một thời tạo cơ hội cho họ có đề tài để tuyên truyền chống lại cái gọi là "ác ôn côn đồ" của Mỹ-ngụy trong những trận đánh nhau.

 

Vì nhu cầu của một bài viết liên hệ đến bức ảnh Trảng Bàng khó quên đó, năm 1989, tạp chí "Los Angeles Times" đưa Nick Út đi Cuba để diện đối diện với Kim Phúc. Ngày đó Kim Phúc hãnh diện giới thiệu Bùi Huy Toàn với Nick Út, như là ý trung nhân của cô, gián tiếp quên đi những vết thẹo còn hằn sâu trên thân thể mình. Nhưng niềm đau, nỗi đớn thể xác đâu dễ gì quên nên Kim Phúc cũng kể rằng:"Mấy tháng trời ở bịnh viện, tôi chỉ sống với nỗi niềm đau đớn vô cùng. Tôi chẳng còn nhớ gì, ngoài cái đau. Rồi ngày tháng qua đi, đau đớn giảm lần, tôi rời bịnh viện trở về nhà ở Trảng Bàng. Lần đầu tiên nhìn thấy thân xác mình trong gương, tôi kinh hải hết sức và tự nhũ chẳng còn ai thèm để ý đến mình!" Thế nhưng không, nay Kim Phúc đã có được người tình, một thực tập sinh miền Bắc. Về sau, nỗi đớn đau thể xác và nét hình hài xấu xa của Kim Phúc được một bịnh viện Tây Đức hoàn chỉnh lại, qua sự giúp đỡ của tạp chí "Der Stern".

 

Năm 1992, một ông bạn của đôi lứa, người Bắc Hàn đài thọ cho hai người một chuyến viễn du trăng mật ở Nga. Trên hành trình của chuyến bay từ Mạc Tư Khoa về Havana, đôi trai gái cộng sản kia bỗng dưng nhận thấy được khung trời nào đáng sống, nên đã quyết định cấp thời là xin đào tỵ trốn sang vùng đất tự do, khi máy bay dừng lại trạm kỷ thuật ở Gander, Newfoundland, Canada.

 

Với bản chất rộng lượng và giàu lòng tha thứ của người Việt Nam, "Cô gái Napalm" đã nói rằng:"Có thể nói chuyện thân tình với người phi công đã ném quả bom xăng đặc tai hại kia. Vì không ai thay đổi được lịch sử." Thế nhưng, người Mỹ lại thực tế và thực tiễn hơn muốn có một cái gì cụ thể. Vì vậy nên tấm hình thương tâm kia lại là đầu mối của một chuyện trái tai gay mắt ở bên Mỹ.

 

Câu chuyn liên hệ đến tấm hình khó quên đó tưởng đâu yên ngủ cùng với thời gian và không gian thì bỗng đâu được thiên hạ dựng dậy nhơn ngày "Cựu chiến binh" của Hoa Kỳ năm 1996. Dư luận Mỹ cho rằng chính một người Mỹ là nguồn gốc tạo ra điều đớn đau cho "Cô gái Napalm". Theo bài viết "Gian lận đàng sau tấm hình 'Cô gái Napalm'" (The Fraud Behind The Girl In The Photo) của Ronald N. Timberlake thì:"Tấm hình đau lòng đó, từ năm 1996 đi kèm với một câu chuyện não lòng khác. Nhưng, nếu một bức ảnh đáng giá một ngàn lời nói thì hầu hết những gì từ nay được đi kèm với tấm hình đó là dối trá hoặc làm cho người đọc hiểu lầm. Đó là những lời lẽ giả mạo để quyên tiền, không phải dựa trên những sự thật hồi năm 1972, nhưng trên những sự dựng đứng đầy kịch tính được tạo ra để hậu thuẩn một tài liệu do Canada sản xuất và để tăng thu nhập cho những hiệp hội nào đó."

 

Số là, nhơn ngày "Cựu chiến binh Hoa Kỳ" năm 1966, ông Jan Scruggs, chủ tịch Hiệp hội "Tượng đài Cựu binh Chiến tranh Việt Nam" (Vietnam Veterans Memorial Fund" có mời bà Kim Phúc đến dự lễ ở tượng đài. Trước đó, qua một bài viết đăng trên "USA Today", Scruggs có dựng đứng câu chuyện về tai nạn của Kim Phúc hồi 1972. Theo Scruggs thì đầu dây mối dợ của câu chuyện là do Mỹ mà ra, trong khi đó mọi chuyện đều trăm phần trăm Việt Nam. Thế nhưng, trong bài phát biểu tại tượng đài hôm đó, Kim Phúc chỉ nói chung chung, như bà đã từng nói trước kia, là sẵn sàng tha thứ người phi công đã ném trái bom xăng đặc đốt cháy bà. Sau bài phát biểu, một mục sư mới được phong chức - mục sư John Plummer, cũng là cựu binh Việt Nam - bước ra xin lỗi Kim Phúc và xin nhận những lời tha thứ. Thế nhưng, ông chỉ trao cho Kim Phúc một mảnh giấy con ghi những chữ:"I am that man" (Chính tôi là con người đó). Sau cuộc lễ, băng hình đã được loan đi trên thế giới, cho thấy ông mục sư giải thích dông dài là ông đã ra lịnh cho phi cơ hành động. Về sau, ông điều chỉnh lại là "ông đã phối hợp" để chuyển lịnh.

 

Vậy thì, chỉ một tấm hình độc đáo, bên lề cuộc chiến ở Việt Nam,  mà đã có lắm chuyện thêu dệt quanh nó. Nên chi, bức ảnh đó đã làm cho khối người khó quên.

 

Người khó quên hơn ai hết phải là chính đương sự, bà Phan Thị Kim Phúc, vì những tàn phá trực tiếp trên thân xác và tinh thần của bà. Hình ảnh của em gái nhỏ, trong bộ "y phục của bà Ê Và" chạy một cách tuyệt vọng trên đường cái quan, hai tay dang rộng để kêu gọi cứu độ, cứ ám ảnh bà cả một quãng đời. Qua cuộc chiếu phim liên hệ đến tấm hình "Cô gái Napalm" ở Luân Đôn hồi năm 1997, Kim Phúc có nói:"Xem tấm hình và đoạn phim tài liệu làm tôi mãi mãi nhớ lại. Tôi thấy chiếc máy bay. Tôi thấy lửa bốc lên. Tôi bị cháy phỏng. Tôi khiếp sợ, la lên và chạy thoát ngọn lửa. Hoang mang sợ hãi vì ngọn lửa, bỗng dưng tôi cảm thấy đôi chưn chưa bị cháy. Ít ra cũng còn chạy được. Nếu chưn bị cháy thì chắc là tôi đã chết trong ngọn lửa." Ban đầu, Kim Phúc muốn quên đi quá khứ mà sống với hiện tại, nhưng nào có được. Thế là Kim Phúc quyết định sống hình ảnh đó một cách tích cực hơn. Kim Phúc muốn cho người người trông thấy cái khủng khiếp của chiến tranh. Từ suy nghĩ đó, bà đã cho ra đời "Kim Foundation", với hy vọng đền đáp lại cho đời những gì nhân loại đã ra tay để cứu giúp bà. Sự dấn thân đầy ơn nghĩa và nhơn đạo đó đã đưa bà lên ngôi vị "Ambassador for Peace" (Sứ giả hòa bình) của UNESCO, ngày 10 tháng 11 năm 1997.

 

Kẻ khó quên kế đó là phóng viên hình ảnh Nick Út, người đã thu vào ống kính của mình một tia chớp vừa nói lên cái thảm cảnh của chiến tranh vừa gợi ý một đời sống thanh bình, không còn khói lửa đao binh. Mà cũng là một tấm hình đưa ông lên đỉnh cao nghề nghiệp, đem lại cho ông vinh dự đời đời và khắp nơi trên hoàn vũ.

 

Những người Mỹ của thời chiến tranh ở Việt Nam - ở thế cầm quyền cũng như trong hàng ngũ phản chiến – làm sao quên được tấm hình đáng xót thương đó, một tấm hình làm cho người ta ghê rợn những cảnh đạn lạc, bom rơi mà cũng là một bức ảnh làm cho chính tổng thống Nixon còn phải hoài nghi, không tin là có thật.

 

Còn tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam ở Bắc bộ phủ chắc phải nhớ hoài một cách cay cú hơn ai hết tấm hình đó. Họ đã chớp ngay thời cơ mượn tấm hình để làm công cụ tuyên truyền chống Mỹ, đả ngụy. Sau đó, Hà Nội còn "bắt cóc" chủ thể trong tấm hình để đưa đi làm phương tiện rao giảng cái gọi là chính nghĩa trong cuộc chiến thần thánh của họ. Bị lôi đi rày đây, mai đó để báo cáo, để phỏng vấn, để làm phim, để... đến đổi "Cô gái Napalm" kia cũng phải bực mình vì cuộc sống bị xáo trộn và chuyện học hành phải dở dang. Rồi sau đó, với tư cách là "biểu tượng nhà nước của chiến tranh", Kim Phúc cũng bị trả về quê và "được" bảo vệ hằng ngày. Mãi cho đến năm 1986, "cô gái cưng của Đảng và nhà nước ta" mới được đi Cu Ba ăn học, như là một cách tưởng thưởng. Được trân trọng như vậy mà năm 1992, nhơn một chuyến du hành trăng mật ở Mạc Tư Khoa về, "đứa con cưng của Đảng và nhà nước" kia lại thấy đâu là đất trời tự do, bèn đào thoát, đời đời vĩnh biệt cái chế độ "nghìn lần dân chủ" của Hà Nội! Cho đến bây giờ Kim Phúc vẫn chưa muốn về Việt Nam. Lý do thì ai còn xa lạ gì. Tò vò mà nuôi con nhện!

 

 

Cố Nhân

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.