PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)



SỰ
ĐỜI
SỐNG

HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Ký sự chính trị

Đá cuội trong giày Việt cộng

  • PSN - 27.01.2008 | Cổ Nhân

 

Trước một cử tọa hào hứng, gồm những người trẻ Việt Nam chủ trương dân chủ, phong trào đối kháng trình bày chiến lược ôn hòa của mình, với mục đích làm xói mòn nền tảng chánh trị của đảng cộng sản đang lãnh đạo đất nước Việt Nam. Sau lưng diễn giả, hiển hiện một lá quốc kỳ vàng-đỏ của Nam Việt Nam trước kia, một biểu tượng vẫn còn tràn đầy ý nghĩa đối với người Việt Nam hải ngoại sau 1975. Quả là quá nhiều ý nghĩa, vì hôm 5 tháng Giêng, những nhà ngoại giao của sứ quán Hà Nội đã yêu cầu viên chức Mã Lai Á tháo gỡ cây cờ tại hội nghị do hiệp hội dân sự chủ xướng, quy tụ hai trăm thanh niên Việt Nam trên khắp thế giới, kể cả những người từ Việt Nam.

 

Các viên chức ngoại giao Hà Nội cũng cho biết một vài diễn giả tại hội nghị sẽ kêu gọi tấn công khủng bố ở Việt Nam. Do đó, họ cảnh giác phía Mã Lai Á là nếu như cây cờ của nhóm đối kháng được phép trương ra thì mối quan hệ song phương Việt-Mã sẽ gặp rắc rối vì trong vòng đôi ba ngày nữa, một phái đoàn chánh thức của Hà Nội sẽ đến thăm Mã Lai Á. Thế nhưng, nói gì thì nói, quốc kỳ vàng-đỏ vẫn hiên ngang tung bay xuyên suốt cuộc hội thảo.

 

Biến cố tiêu biểu đó là hiện tượng đối đầu gần đây nhứt trên diễn đàn quốc tế giữa đảng cộng sản Việt Nam và đảng Việt Tân thân dân chủ, do những người tỵ nạn lưu vong chủ trương. Ngày 17 tháng Mười Một năm ngoái, nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giam một nhóm đảng viên Việt Tân, thuộc đủ mọi loại công dân, Mỹ, Pháp, Thái và Việt Nam, với tội danh là rải truyền đơn đòi đổi mới một cách không bạo động. Từ đó đến nay, trong số sáu thành viên bị bắt có bốn người đã được trả tự do, ngoại trừ một người quốc tịch Mỹ và một người quốc tịch Thái Lan.

 

Phương tiện truyền thông quốc doanh, do nhà nước điều động, từ đó đến nay cứ kết tội Việt Tân chủ trương khủng bố, một sự buộc tội mà ông đại sứ Mỹ ở Việt Nam đã công khai bác bỏ. Phản ứng mạnh mẽ của đảng cộng sản Việt Nam, sau bao nhiêu năm công khai coi thường phong trào Việt Tân và những lời đòi hỏi thường xuyên của đoàn thể này về dân chủ từ hải ngoại, cho thấy rằng Hà Nội chánh thức lo ngại về thế lớn mạnh của Việt Tân và chiến dịch táo bạo của họ nhằm kêu gọi bất tuân thượng lịnh ở trong nước.

 

Năm ngoái, chánh phủ Việt Nam đàn áp mạnh mẽ những người đấu tranh đòi dân chủ, trong đó có cả "Khối 8406", nhóm đối kháng mà công việc tổ chức còn lỏng lẻo. Riêng Việt Tân, tự coi như là tổ chức chánh trị hàng thứ nhì, sau đảng cộng sản, đã từng cai trị và thống nhứt đất nước từ 1975 và đã nắm giữ quyền lực một cách vững chắc.

 

Việt Tân không muốn tiết lộ con số đảng viên, viện lẽ rằng hiệu năng của đoàn thể là ở sức mạnh của lập trường chớ không phải ở số lượng, nhưng cũng cho biết rằng hệ thống đảng của họ đang phát triển và bao gồm cả thành viên trong nước lẫn thành viên hải ngoại. Sau khi hoạt động bí mật gần hai mươi lăm năm, đảng viên Việt Tân cho biết rằng nay họ đang chuẩn bị cho đảng hoạt động công khai, với dự định đưa ra một chương trình hành động 10 điểm, kể cả những hoạt động cấp cơ sở, nhằm cải tiến an sinh xã hội, tái lập nhơn quyền và đẩy mạnh công khai chủ nghĩa đa nguyên trong nước Việt Nam.

 

Nếu truy nguyên ra thì Việt Tân xuất thân từ Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam, một đoàn thể do những người Việt lưu vong hình thành hồi 1980, nhằm lật đổ chánh phủ do đảng cộng sản lãnh đạo qua sự nổi dậy của quần chúng, một hành động đến nay chưa thực hiện được. Hai năm sau, Việt Tân thành hình từ phong trào này, hoạt động ở vùng biên giới Thái Lan, Miên và Lào, chủ trương cải tổ chánh trị một cách ôn hòa, qua những hành động bí mật.

 

Chánh phủ Việt Nam thường tố cáo Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam đưa lén võ khí và xúi dục đấu tranh võ trang trong nước Việt Nam - một sự tố giác mà thành viên Việt Tân cho là một sự "hiểu lầm" và một "nhận thức không đúng". Năm 2004, Việt Tân xuất hiện lần đầu tiên, như là một tổ chức công khai ở Bá Linh (Đức), đặc biệt là nơi mà chủ nghĩa cộng sản, do Liên Xô lãnh đạo, đã sụp đổ, và chánh thức tuyên bố giải tán Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam.

 

Những ai biết được quá trình hình thành của Việt Tân nói rằng tuyên bố của đoàn thể này trong năm 2004 và việc Việt Tân đi theo đường hướng đấu tranh không bạo động có phần nào do hậu quả của biến cố ngày 11 tháng Chín năm 2001, nhằm đánh phá Hoa Kỳ và sau đó Hoa Thạnh Đốn coi nhiều nhóm chống đối võ trang là những tổ chức khủng bố.

 

Một lối giải thích cấp tiến hơn cho rằng đó là do bên trong đảng có một sự thay đổi thế hệ lãnh đạo. Thế hệ những người chánh trị lưu vong đầu tiên, đã khai sinh ra Việt Tân, lần hội được thay thế bằng một thế hệ mới, với những chuyên viên đuợc giáo dục ở Tây phương nên càng mong muốn hòa giải chánh trị với đảng cộng sản để cải cách dân chủ.

 

Dĩ nhiên, đó vẫn còn là một thử nghiệm chánh trị về lâu về dài, nhứt là khi mà mới đây Hà Nội vừa tung ra một chiến dịch phản tuyên truyền chống lại Việt Tân. Điển hình là cứ lấy trường hợp của Hoàng Tứ Duy, 37 tuổi, một trong hai thành viên trẻ của ban chấp hành Việt Tân, thì sẽ thấy chánh phủ Việt Nam thù địch với đoàn thể như thế nào.

 

Hoàng Tứ Duy rời khỏi Việt Nam năm mới có ba tuổi, lớn lên và ăn học ở California, rồi tốt nghiệp khoa kinh tế và chánh trị bên Mỹ. Hoàng Tứ Duy làm chuyên viên đầu tư cho Hiệp hội Tài chánh Quốc tế, trực thuộc Ngân hàng Thế giới gần mười năm. Tuy vậy mà việc Hoàng Tứ Duy được bổ nhiệm làm trưởng ngành đầu tư của Deutsche Bank ở Việt Nam hồi năm ngoái đã bị giới chức Hà Nội phản đối. Theo ông Hoàng Tứ Duy thì có thể vì một bài viết chỉ trích của ông đăng trên một tờ báo quốc tế hồi 2005, trùng hợp với ngày Việt Nam kỷ niệm ba mươi năm chấm dứt chiến tranh. Hơn nữa, nhà nước Việt Nam cũng có thể bực mình vì những mối liên hệ gia đình của Hoàng Tứ Duy ở quốc nội, trong số đó có một cán bộ cao cấp ở trung ương đảng.

 

Mới đây, Hoàng Tứ Duy thôi việc ở Hiệp hội Tài chánh Quốc tế để dành trọn thời gian quy hoạch những hành động sắp tới của Việt Tân. Hoàng Tứ Duy nghĩ rằng, sau khi đã được gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới và được thu nhận làm thành viên tạm thời trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì Việt Nam dể bị áp lực của bên ngoài và như vậy lập trường dân chủ của Việt Tân dễ được thế giới hậu thuẩn hơn.

 

Hoàng Tứ Duy cũng cho rằng đảng cộng sản Việt Nam sợ nhứt là những nhóm đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước câu kết với nhau. Nên chi Hoàng Tứ Duy hy vọng là có một ngày nào đó những lực lượng như vậy sẽ kết hợp lại thành một mặt trận duy nhứt để đòi hỏi cải tổ chánh trị, giống như những biến cố được gọi là "cách mạng màu sắc", như ở Georgia, Ukraine và Kyrgyzstan, bên Đông Âu cũ. Chỉ dấu bắt đầu là những cuộc biểu tình mới đây của sinh viên ở Hà Nội, chống lại âm mưu thủ đoạn của Trung Quốc ở Trường Sa, và những cuộc xuống đường của nông dân ở thành phố Hồ Chí Minh, chống lại những vụ cướp đất có hậu thuẩn của nhà nước. Đó là những bằng chứng cho thấy phong trào đấu tranh của xã hội dân sự càng ngày càng lớn mạnh và càng mong muốn bắt chánh phủ phải đối phó với những điều than phiền và những lời khiếu kiện.

 

Quả thật, một trong những điều Việt Tân trình bày tại các hội nghị thanh niên hồi gần đây, có một băng thu hình cho thấy những người đối kháng chánh trị ở Serbia đã tổ chức để lật đổ chế độ tàn nhẫn của Slodoban Milosevic hồi năm 2000 ra làm sao. Phong trào độc đáo đó đã bị lời ra tiếng vào cho là được Hoa Kỳ tài trợ. Theo những thành viên cũa Việt Tân thì đoàn thể đối kháng đó không có nhận chi viện của Mỹ hoặc của những chánh phủ phương Tây nào khác, mà chỉ gây quỷ qua đầu tư doanh nghiệp, tiền lời cổ phần và, một phần nhỏ nhoi, qua quyên tặng.

 

Đồng thời, Việt Tân có quan hệ rộng rãi với Quốc hội Hoa Kỳ. Trong mấy năm gần đây, viên chức Hoa Kỳ có đưa viện trợ kinh tế ra để thuyết phục chánh phủ cộng sản Việt Nam cải tổ dân chủ, kể cả việc để cho tôn giáo được dễ dãi hơn. Ngày 29 tháng Năm 2007, chủ tịch Việt Tân, ông Đỗ Hoàng Điềm được cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ mời họp tại Bạch Cung với Tổng thống Bush để thảo luận về vấn đề các quyền tự do ở Việt Nam.

 

Sau đó, Tổng thống Bush công khai chỉ trích những hành động về nhơn quyền của Việt Nam, khi chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến thăm Hoa Thạnh Đốn. Dẫu được hậu thuẫn tinh thần như vậy, rõ ràng là Việt Tân vẫn phải phấn đấu gay go, do chỗ phong trào được lãnh đạo chủ yếu bởi những người ở hải ngoại, nên chánh quyền Việt Nam cho rằng đảng này do ngoại quốc điều khiển.

 

Dẫu cho có đường lối độc đoán và áp chế, dù vậy nhiệm kỳ tự biên tự diễn của tập đoàn cai trị ở Hà Nội vẫn vững chắc vì kinh tế tiếp tục phát triển nhanh chóng, với chỉ số tăng trưởng thu nhập quốc dân năm rồi lên đến 8,5%. Ở nhiều vùng nông thôn, nhứt là ở miền Bắc Việt Nam, đảng cộng sản vẫn còn được lòng quần chúng, nhứt là trong thế hệ những người lớn tuổi, đã từng sinh sống xuyên suốt qua thời kỳ chiến tranh, và vẫn còn xem đảng cộng sản Việt Nam, với ba triệu đảng viên, như là một tập đoàn có khả năng giải phóng dân tộc.

 

Hơn nữa, chánh phủ tiếp tục thực thi những cải cách kinh tế do Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc khuyến cáo và gần đây đã chấp nhận sự hợp tác rộng rãi của một hiệp hội dân sự trong vấn đề quy hoạch. Đối chiếu với nạn viên chức tham ô nhũng lạm chiếm đất nông dân nghèo mà không bị trừng phạt ở Cam Bốt và Trung Quốc thì chánh quyền Việt Nam có nghĩ đến nông dân khổ sở, chịu cứu xét từng vụ việc những đơn khiếu kiện. Tình trạng đó cho thấy dường như đảng cộng sản Việt Nam đã bị áp lực của cấp cao, do tác động của Việt Tân và nay đảng này đang thử tập trung vào việc kêu gọi có một chính quyền trong sạch hơn, đem lại công bằng xã hội và tự do chánh trị. Ngoại trừ trường hợp tăng trưởng kinh tế bị suy yếu đột ngột, thay đổi chánh trị ở Việt Nam vẫn còn tùy thuộc ở chính những cán bộ cộng sản, trong đó có thế hệ trẻ, thường mong muốn cải tổ chánh trị để đưa đảng ra khỏi cung cách lãnh đạo ẩn danh.

 

Những năm gần đây, đảng chấp thuận cho một vài ứng cử viên độc lập  được tranh cử vào Quốc hội, thay vì phải có đảng giới thiệu. Thế nhưng, năm rồi, chỉ có một người đắc cử thay vì ba ở nhiệm kỳ trước kia. Rõ ràng đó không phải là một cuộc cải tổ dân chủ đáng kể mà Việt Tân mong đợi. Với việc đảng trừng trị gắt gao chiến dịch bất tuân thượng lịnh và nhà nước mượn cớ lên án khủng bố để siết chặt, thì trong thời gian sắp tới sẽ càng có nhiều hình phạt, nhiều chạm trán và sẽ bị quốc tế phản đối.

 

Cố Nhân

 

------------------------------

Qua gợi ý của bài viết "Democratic pebble in Vietnam's shoe", Shawn W. Crispin, Asia Times Online, 18 January 2008.

[http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/JA18Ae01.html]

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.