PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)



SỰ
ĐỜI
SỐNG

HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Ký sự xã hội

Những đứa trẻ mưu sinh ngày Tết

  • PSN - 2.02.2008 | theo Dân Trí

(Dân trí) - Tết đến, đâu đó trên những ngả đường rét mướt, lác đác những bóng dáng nhỏ bé, xiêu vẹo cùng kiếp mưu sinh. Những buổi làm như thế giúp các em có thêm bữa ăn no, bộ quần áo mới đón xuân về...


Bán hàng mua quần áo mới

Những chậu cát trắng giúp bé Huyền có thêm bộ quần áo mới mặc Tết. (Ảnh: Lê Hà)

Những ngày này, trên các khu chợ ở Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, mọc thêm nhiều gian hàng của những cô cậu bán hàng “nhí”. Các nhóc “chủ hàng” chỉ chừng 10-13 tuổi, có em ít hơn, cũng bàn hàng, đon đả mời khách, như ai.

Ngồi khuất sau “gian hàng cát” của khu chợ quê Phú Mậu, gian hàng của cô bé Lê Thị Thanh Huyền (lớp 4B, trường tiểu học Phú Mậu) chỉ duy nhất một thau cát trắng. Đây là sản phẩm dùng chưng nhang (hương) trên bàn thờ, nên bán rất chạy vào những ngày cận Tết.

Huyền mồ côi mẹ từ nhỏ, bố em đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Huyền và một đứa em đang học mẫu giáo phải ở nhờ trong nhà người bà con. Ngoài buổi đến lớp, em phải tranh thủ kiếm sống. Ít ai có thể tin rằng cô bé chưa đầy 10 tuổi này đã “bôn ba” với đủ nghề: mót lúa rơi, bắt ốc, bán vé số, bán hàng rong,… và những ngày gần Tết là bán cát trắng.

Từ sáng sớm, Huyền đã nhờ người anh họ mang giùm thau cát ra chợ. “Phải đi sớm mới có chỗ ngồi chị ạ!”. Cô bé nhanh nhảu và dễ thương khiến ít ai được mời mua lại nỡ từ chối. Huyền bảo hôm nào đắt khách lại nhờ anh mang tiếp thau nữa ra. Sau mỗi buổi chợ, em có khoảng 15.000đ cả vốn lẫn lãi.

 

Đối diện gian hàng của Huyền là gian “tạp hóa” của Đặng Thị Thể (lớp 7H trường THCS Phú Dương). Em cũng phải dậy rất sớm, đạp xe gần 4 cây số mới đến được chợ. Khi chợ này hết khách, em lại đạp xe sang chợ khác, nhất định không để hàng ế.

Thể tâm sự, bố mẹ em đều là nông dân, nhà có 4 chị em, gia cảnh khó khăn nên dịp Tết nào em cũng tranh thủ bán hàng. “Ba mạ em không có tiền để mua áo quần Tết cho em mô”. Thể bảo, các bạn em cũng đều phải tranh thủ ngày tết đi bán hàng, những món đồ nhỏ phục vụ cho ngày tết, như những trái bày mâm ngũ quả, hoa giấy bày bàn thờ…

Tuy vất vả kiếm sống nhưng các em đều ham học và học khá giỏi. Cái khó không khiến các em lùi xa con chữ.

 

Cửu vạn nhí nơi cửa khẩu
 

Cậu bé cửu vạn nhễ nhại mồ hôi bên những bao hàng to hơn người. Em nghỉ học khi còn chưa qua lớp 1. (Ảnh: Hiếu Giang)

Hòa lẫn trong dòng người đổ xô về cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) những ngày cuối năm có không ít trẻ em. Các em làm đủ nghề, từ bán vé số, đánh giày, nhặt rác đến làm... cửu vạn. Và không may mắn như những bạn nhỏ ở Huế, phần lớn các em ở đây không được đến trường.

Cuối năm, hàng tết về nhiều, cửu vạn nhiều việc làm không xuể. Chủ hàng thấy người là thuê, cả phụ nữ và trẻ em.

Một cửu vạn nhí đang ngồi nghỉ ngay trên đống hàng hoá to gấp mấy lần người, mồ hôi nhễ nhại, cho biết em quê tận vùng biển bãi ngang nghèo khó ở huyện Gio Linh, học chưa hết lớp 1 đã phải nghỉ học. Tuổi thơ mồ côi cha mẹ, được bà ngoại nuôi đến năm 6 tuổi thì bà cũng qua đời. Một mình bơ vơ, em tự kiếm sống nuôi mình như bán vé số dạo, đánh giày thuê. Đến năm 10 tuổi, em gia nhập đội quân cửu vạn, trở thành người lao động nhỏ tuổi nhất trong nhóm.

Hàng chục cửu vạn nhí khác ở đây, may mắn lắm thì cũng chỉ mới học hết lớp 10. Trương Hoàng H năm nay 17 tuổi, là “anh cả” của nhóm, trông chững chạc hơn nhiều so với tuổi. Do buồn chuyện gia đình nên cuối năm lớp 10, H bỏ học giữa chừng, theo nghề cửu vạn luôn từ đó. Hàng ngày H luôn có mặt sớm nhất chờ nhận việc rồi phân chia cho các “nhí” khác cùng làm.

Gần 12 giờ trưa, sau khi bốc hết một xe hàng thực phẩm từ bên kia biên giới qua, các cửu vạn nhí mới ùa vào bên vệ đường, nơi có tấm bạt nilông che tạm, ăn bánh mỳ thay bữa trưa.

 

Những kiếp đi rong

Ngô Đại Anh quê ở Thanh Hóa, bố mẹ chia tay nhau khi em vừa tròn 6 tuổi, nhà nghèo lại đông anh em, Anh phải bỏ học khi mới lên lớp 3. Anh ở với người bố suốt ngày say xỉn, nhiều lúc trong cơn say, em bị bố đánh đập, chửi bởi thậm tệ. Anh quyết định bỏ nhà theo các anh chị cùng xóm vào Huế kiếm sống.

Ban đầu em bán vé số, đành giày thuê, bán báo. Mỗi dịp gần tết, em chở hoa, cây cảnh đi bán rong thuê cho chủ, mỗi cây bán được em nhận 5.000đ tiền công. Tiền kiếm được ngoài nuôi sống bản thân em còn phải gửi về cho 3 đứa em nhỏ ở quê.

Đã 4 năm rồi, kể từ ngày xa quê hương, Ngô Đại Anh chưa có được một cái tết thật sự trọn vẹn. “Tết năm ngoái em phải làm việc đến ngày mồng 3. Đêm Giao thừa, em nằm co ro hết gầm cầu này đến xó chợ khác”, Anh kể trong nước mắt.

Còn Lan, cô bé từ Vĩnh Phúc xa xôi, cũng đã đón tết ở Huế được 2 năm. Mồ côi mẹ từ khi lên 9 tuổi, Lan theo bạn lang thang vào Huế mưu sinh: “Tết đến em và mấy đứa bạn lại rủ nhau đi ăn xin, đi bán báo, tranh ảnh... Đối với tụi em, Tết cũng như ngày thường thôi”.

Ước mơ gì cho năm mới, Lan bỏ nhỏ: Có tiền trả nợ, không đói khát và cô đơn như năm cũ; Anh trầm tư: “Sang năm em sẽ kiếm được thật nhiều tiền để về quê ăn tết cùng với gia đình. Chứ xa nhà, xa bố mẹ lâu rồi em buồn  lắm, nhất là trong đêm Giao thừa”.

Từ bao lâu rồi, Tết đến xuân về đã trở thành mùa mưu sinh của ngàn vạn đứa trẻ nghèo như thế!

 

 

Nhóm PV Miền trung

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.