PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)



SỰ
ĐỜI
SỐNG

HỘI

TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 

 Ký sự xã hội

Đối kháng nhờ Phật giáo

  • PSN - 7.02.2008 | Cố Nhân

 

Dẫu cho cơn phong ba Cách Mạng Văn Hóa tàn phá tàn bạo và dẫu cho chế độ công an trị của Bắc Kinh có tàn nhẫn vô nhơn đạo đến đâu, người dân Tây Tạng chẳng bao giờ chịu chối bỏ lòng tin của mình đối với Phật Giáo. Nên chi tập đoàn lãnh đạo ở Trung Nam Hải ngày đêm ăn ngủ không yên vì cái gai "Tây Tạng", mặc dù đảng cộng sản Tàu đã tóm thâu được cả nước Trung Quốc vĩ đại.

 

Cách nay khoảng ba tháng, và chính xác hơn là ngày 17 tháng 10 năm 2007, nửa đêm về sáng, dân làng hân hoan, vui vẻ và rần rộ kéo đến ngôi am tự Sengesong trong tỉnh Amdo, để chào mừng một biến cố trọng đại. Vui mừng, hớn hở, họ đốt pháo tưng bừng và ca hát vang dậy. Công an cơ sở phải mất ba tiếng đồng hồ mới hiểu ra rằng dân chúng địa phương đón chào thắng lợi vẻ vang của nhơn vật lưu vong đã từng chiếm cả con tim, khối óc và tâm hồn họ từ 1959 đến nay. Đó là tin Quốc Hội Hoa Kỳ vừa trao tặng Huy Chương Vàng của Quốc Hội cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, một nguồn tin được đài phát thanh Mỹ, phát đi bằng tiếng Tây Tạng, vừa loan báo. Qua một nụ cười bí hiểm, ông sư của am tự kể rằng: "Họ phải kêu cứu tăng viện hàng trăm công an đến bao vây am tự mới giải tán được đám đông quần chúng nhân dân." Cùng lúc đó, cũng một biểu lộ hân hoan như vậy bùng nổ khắp nơi trên vùng cao nguyên, từ những chỗ đông đặc công an ở Jokhang của thành phố Lạp Tát (Lhassa – thánh địa) chí đến làng mạc heo hút của vùng Kham phía Đông (tỉnh Tứ Xuyên), xuyên qua các trại lều của người du cư ở Amdo.

 

Quá đỗi ngỡ ngàng, nhà nước Tàu đành phải công nhận rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc nào cũng được quần chúng Tây Tạng mến mộ cao độ, dẫu cho tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải thường cố tình hạ thấp phẩm chất của con người đó với những tên gọi xấu xa. Chẳng hạn như, họ gán cho Đức Đạt Lai Lạt Ma danh tánh "tên ly khai hèn hạ, chạy theo lợi lộc đế quốc, chỉ cố tình lấy lại địa vị xưa cũ, tái lập đặc quyền đặc lợi cho bọn quý tộc và đưa nông nô vào cảnh khốn cùng trở lại". Hoặc là theo cách nói của tờ "Nhân Dân Nhựt Báo" thì Ngài là "một con chó sói đội lốt cà sa". Người Tây Tạng nào cất giữ một bức ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể đi tù như chơi. Chỉ cần một lời nói trung thành với Ngài cũng có thể lãnh mấy năm trời đi trại lao cải, với những cực hình đã được Ân Xá Quốc Tế liệt kê ra trong một danh sách rợn người.

 

Nhứt định là không làm sao khác hơn được. Tất cả mọi người Tây Tạng đều tiếp tục thiết tha mong muốn nhận được phép lành của con người mà họ cho là hóa kiếp của Phật Bà Quan Âm, vị bồ tát của đại từ đại bi. (Tưởng nên nhớ rằng, theo đức tin của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của bồ tát Quán Thế Âm.) Dẫu đã đạt được trình độ Giác Ngộ, có khả năng vượt ra ngoài vòng luân hồi, nhưng vị bồ tát kia vẫn chọn lấy con đường hóa thân, hy vọng rằng sẽ tiếp tục hướng dẫn được muôn người trên con đường giải thoát. Được tiếp xúc với Ngài thì kể như khổ đau của cuộc đời này lánh xa và con đường đầu thai sẽ tốt đẹp hơn. Nhứt là Đức Đạt Lai Lạt Ma được tâm thức của người dân Tây Tạng coi như là kho báo tuyệt trần vì tên gọi của Người có nghĩa là "đạo sư với trí huệ vô biên như biển cả".

 

Hồi tháng 6 năm 2006, chỉ một tin đồn thôi mà hàng chục ngàn người – có tin lại còn cho là cả trăm ngàn người - đổ xô về tu viện Kumbum ở Amdo, làm cho chánh quyền địa phương phải huy động khẩn cấp lực lượng chống nổi dậy. Tin đồn được loan truyền qua SMS đó cho rằng Đức Phật Sống sẽ trở về Tây Tạng để lễ bái tại nơi chốn tôn nghiêm, gần địa điểm sinh thành của Ngài.

 

Mấy tháng trước đó, những đám đông đả biểu lộ thẳng thừng lòng trung thành tuyệt đối với "Hoàng Thượng Tâm Linh" của họ. Nhơn dịp một lời thuyết giảng trước đám đông ở miền Nam Ấn Độ, chỉ cần Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra lời kêu gọi bảo vệ các giống vật bị nguy cơ tuyệt chủng, như cọp, hổ báo hoặc linh miêu thì đôi ba ngày sau, ở tất cả các địa phương Tây Tạng, dân cư tự động tụ tập nhau lại, phát động phong trào công khai thiêu hủy hàng đống da lông thú, hàng bao nhiêu là y trang được tô điểm bằng lông thú quý hiếm. Một sự hy sinh cực kỳ to lớn vì những bộ quần áo lòe loẹt, mà những người du mục đem ra phô trương trong những cuộc đua ngựa, tính ra cũng khối tiền, từ 30.000 đến 80.000 nhân dân tệ (3.000 đến 8.000 Euros).

 

Điên tiết lên, nhà nước ra lịnh cấm thiêu hủy những thứ đó. Trớ trêu hết mức, vì từ bao năm qua nhà nước Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục quần chúng du cư đừng chưng diện bằng những y phục truyền thống đó nữa, thì nay nhơn viên ăn lương chánh phủ bị bắt buộc phải mặc thứ quần áo đó!

 

Đã từ lâu, đảng cộng sản, trên đà thắng lợi vẻ vang, muốn "cứu rỗi" người Tây Tạng thoát khỏi sự "tha hóa" của Phật giáo để "rèn luyện" họ theo đường hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương đòi lại lãnh thổ đất đai Tây Tạng, dựa theo địa thế của các tu viện, sau khi Trung Quốc đã ra tay "giải phóng ôn hòa" hồi năm 1951, làm cho khu vực phía Đông của vùng đất Tây Tạng truyền thống bị tàn phá dã man. Sau cuộc đồng khởi ở Lạp Tát hồi năm 1959 và với việc Đức Đạt Lai Lạt Ma vượt thoát, đi tỵ nạn ở Ấn Độ, thì Bắc Kinh mở rộng quy mô đàn áp đến miền trung Tây Tạng, từ trước đã được để yên.

 

Cách Mạng Văn Hóa đã tàn phá Tây Tạng nhiều hơn bất cứ nơi nào ở Trung Quốc. Cuối thập niên 1970, trong số hàng ngàn tu viện của Tây Tạng, chỉ còn lại một số ít. Đền thờ bị biến thành chuồng heo, thầy tu "lama" thì bị đưa đi lao động khổ sai trong các trại cải tạo hoặc bị bắt buộc phải cưới vợ.

 

Bấy giờ, các quan của chế độ đỏ cứ tưởng là làn sóng cách mạng cuồng nhiệt đã đè bẹp được nhiệt tình truyền thống của Tây Tạng. Thế nhưng, khi lên thế cầm quyền hồi năm 1977, Đặng Tiểu Bình cho phép tái thiết những tu viện. Chắc là Đặng tiên sinh không ngờ rằng thái độ "cởi mở" đó của ông lại được toàn dân Tây Tạng "hồ hởi, phấn khởi", cuồng nhiệt đáp ứng tận tình. Nên chi, họ đem hết tâm ý lao mình vào công cuộc xây cất trở lại những đền thờ và tu viện, đã bị đập phá và dẹp bỏ trước kia, vì như vậy họ tin tưởng rằng sẽ đem lại điều lành cho căn nghiệp của mình. Thế nên những nơi thờ cúng thiêng liêng đã được phục hồi một cách nhanh chóng... Một cuộc phục hưng đã biến thành một cuộc nổi dậy công khai hồi 1989, bị bí thư đảng bộ lúc bấy giờ ở Tây Tạng - chủ tịch nước, Hồ Cẩm Đào ngày nay – đàn áp đẫm máu.

 

Từ đó đến nay, nhà cầm quyền chỉ còn biết có chuyện kiểm soát các tổ chức tôn giáo. Số lượng tu sĩ ở những tu viện được nhà nước ấn định nhơn số. Những chiến dịch "đào tạo tinh thần yêu nước" thường được phát động để nhồi nhét vào đầu óc tu sĩ một "nhận thức đứng đắn" vể tôn giáo, luật pháp và lịch sử. Chiến dịch nào cũng kết thúc bằng một bài thu hoạch của những khóa sinh, trong đó nhứt định phải có phần phủ nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những ai từ chối sẽ bị đuổi ra khỏi tu viện, thậm chí còn bị đi tù, nơi mà chuyện "đào tạo" được đổi thành hành động tra tấn dã man. Nhiều nữ tu, tuổi chưa được mười lăm, đã cứng đầu cứng cổ chống trả lại tiến trình hủy diệt tinh thần đó, dĩ nhiên là phải hứng chịu nhiều đau đớn phi thường.

 

Ấy mà, vài năm gần đây, những người dân thường cũng gia nhập vào hàng ngũ những người không khoan nhượng. Hồi mùa hè năm ngoái, trong một dịp lễ truyền thống, ông Runggye Adak, tộc trưởng một bộ lạc du cư khả kính ở Lithang, vùng Kham, đã lên tiếng mời gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về Tây Tạng. Công an bắt giữ ông và qua đó cũng gây ra nhiều xô xát đụng chạm. Sau một phiên tòa chiếu lệ và có dàn cảnh, trong một khoản thời gian ngắn ngủi vô địch, đương sự phải lãnh án tám năm tù giam.

 

Thiên hạ tự hỏi không biết tại sao người dân Tây Tạng lại mến mộ cao độ một vị lãnh đạo tinh thần mà họ không thấy dung nhan gần năm mươi năm qua. Dưới cái nhìn của kẻ cầm quyền, nguyên do đó nằm ở phía những nhà tu hành nhanh nhảu, khôn lanh, biết cách lèo lái Phật tử. Nên chi những người của một chế độ tuyệt đối vô thần ráo riết đấu đá một cách lạ kỳ để kiểm soát những người mà Tây Tạng gọi là những đấng "châu cô" (Tulku), nghĩa là những chức phẩm Phật giáo tái sinh.

 

Âm mưu đầu tiên của Bắc Kinh đã bị thất bại năm 1995, với việc chọn lựa Ban Thiền Lạc Ma, chức sắc thứ nhì trong đẳng cấp Phật giáo Tây Tạng. Cậu bé đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma chọn lựa đã bị giới chức Tàu đem giấu biệt, đưa một cậu bé khác cũng cùng một làng, con của một đảng viên cộng sản, để thay thế. "Ban thiền lạt ma" giả mạo này năm nay đã được 18 tuổi và đang sinh sống ở Bắc Kinh. Khi cậu bé này "thân chinh" đến Tây Tạng, dĩ nhiên là được bảo vệ chặt chẽ và được quảng bá rần rộ, nhưng lại ít được Phật tử chiếu cố. Rút kinh nghiệm, chánh quyền Trung Quốc không buồn đưa ngài "ban thiền" kia đi nữa.

 

Một thất vọng khác là Karpama, người tái sinh lớn nhứt hàng thứ ba trong đẳng cấp Phật giáo Tây Tạng, được Đức Đạt Lai Lạt Ma lẫn Bắc Kinh công nhận, được các Lama trung thành nuôi dưỡng. Năm 1999, đến tuổi 16, người Karpama trẻ tuổi kia bỏ đi Dharamsala, đất tạm dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma bên Ấn Độ. Khoảng cuối năm 2007, Trung Quốc đưa ra những biện pháp nhằm kiểm soát quá trình tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chủ yếu là nhằm vào người thay thế Đức Đạt Lai Lạt Ma, nay đã bảy mươi hai niên kỷ. Lại một âm mưu ý đồ mới của Bắc Kinh nhằm mập mờ đánh lận con đen những kẻ gọi là hóa thân của Đức Phật sống. Nhưng, chắc gì như vậy mà những "ông con Trời" phá nát được tâm linh của người Tây Tạng?!

 

"Lòng tin chuyển được núi", quả không sai.

 

 

Cố Nhân

 

Qua gợi ý của bài "Indestructible Karma", của Ursula Gauthier, Nouvel Observateur N° 2254, 17-23 janvier 2008.

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.