PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 10

Bản dự thảo trong cơn ba đào

 

Còn chẳng bao lâu nữa là tới ngày bầu cử tổng thống Huê Kỳ, ông Thiệu tìm mọi phương thức để cho âm mưu thỏa hiệp Kissinger-Thọ bị "chết non", với hy vọng là sẽ có thỏa hiệp, nhưng Việt Nam Cộng Hòa phải đạt được những điều kiện khá hơn. Kissinger sẽ mất đi công trạng to lớn để làm quà cho Nixon trước ngày bầu cử. Nhưng dù sao cũng không ảnh hưởng gì đến số phiếu dành cho Nixon, mà cũng chẳng ăn nhằm gì với chiếc ghế của ông ta. Kinh nghiệm để đời cho Kissinger là giờ đây ông phải xoay xoả với người bạn đồng minh mà ông đã xem thường, chớ không phải là điều đình với đối phương. Bây giờ, gánh nặng cho ngài tiến sĩ là ăn nói làm sao cho Tổng Thống Thiệu chấp nhận những điều kiện mà ông đã trót thỏa thuận với Lê Đức Thọ, nhưng "quên" hội ý trước với Sài Gòn.

Ngày 13 tháng Mười, Đại Sứ Bunker điện cho Kissinger biết rằng có thể "dĩa hát lịch sử gặp chỗ cà lăm", trường hợp của năm 1968 (vụ Nam Việt Nam hoãn dự hòa đàm cho tới khi Nixon đắc cử) lại tái diễn, vì ông Thiệu hy vọng rằng khi đắc cử nhiệm kỳ hai xong, ông Nixon sẽ hành động khác hơn, biết đâu thân phận của Việt Nam Cộng Hòa lại khả quan hơn.

Thế nhưng, Kissinger mớm lời cho ông đại sứ để Bunker loan báo cho ông Thiệu biết rằng đừng có hòng. Vì ông Thiệu phải biết rằng trước kia khác và nay khác, cho Nam Việt Nam và cho cả Mỹ. Huê Kỳ sẽ không bỏ rơi Tổng Thống Thiệu, nhưng nếu như Hà Nội chấp thuận đề nghị thì Tổng Thống Nixon sẽ chấp nhận, dẫu cho ông Thiệu có chịu hay không.

Để vuốt ve Tổng Thống Thiệu, Nixon ra lịnh gởi mấy chuyến tàu thiết bị quân sự bổ sung cho Nam Việt Nam, với hạn định tới nơi trễ lắm là vào ngày 1 tháng Mười Một. Ngày 14.10.72, Đại Sứ Bunker vào dinh Độc Lập để khuyến cáo ông Thiệu chuẩn bị cho trường hợp ngừng bắn tại chỗ bằng cách chiếm giữ càng nhiều đất càng tốt. Đó là nội dung của chiến dịch "Cờ Bay", với quốc kỳ Nam Việt Nam tung bay để chứng tỏ rằng vùng đất liên hệ là của Việt Nam Cộng Hòa.

Phái đoàn của Kissinger làm mọi cách để lôi cuốn ông Thiệu về với họ. Họ lập luận rằng không phải như hồi 1968 - khi mà Nam Việt Nam trì hoãn tham dự hòa đàm Paris với hy vọng Nixon thắng cử - năm 1972 này nếu McGovern mà thắng thì không có lợi gì cho Việt Nam Cộng Hòa vì ông này thuộc loại "bồ câu" chúa. Sợ rằng Tổng Thống Thiệu không chấp thuận đề nghị mà Kissinger và Lê Đức Thọ vừa thỏa thuận, Kissinger còn dự định đưa cho ông Thiệu một dự thảo thỏa hiệp khác với những điều kiện còn tồi tệ hơn cho Nam Việt Nam, hy vọng rằng ông Thiệu sẽ vội vàng ký ngay vào đề nghị mà Kissinger mong muốn. Đồng minh với nhau mà Kissinger định làm như vậy thì "chơi với ai"?

Buồn thay, ngày 17.10.72, Tổng Thống Thiệu lại nhận được một tài liệu bắt được tại sào huyệt của cộng quân – mang tựa đề: "Chỉ thị tổng quát về ngừng bắn" - ở một quận hẻo lánh tỉnh Quảng Tín. Cán bộ cộng sản ở một quận "khỉ ho, cò gáy" còn biết được nhiều chi tiết về hòa đàm Paris hơn một tổng thống ở Sài Gòn. Như vậy nghĩa là sao? Một bản thảo từ Paris mà ông tổng thống ở Sài Gòn chưa được nhìn thấy, trong khi cộng sản đã có chỉ thị cho cán bộ của họ ở chiến trường "tranh thủ" lấn đất giành dân mà chuẩn bị cho ngày ngừng bắn tại chỗ trong thế "da beo, cài răng lược" hay là hòa bình đâu ở đó. Mối nghi ngờ từ lâu của Tổng Thống Thiệu nay đã biến thành mối lo sợ lớn lao là Huê Kỳ và cộng sản Bắc Việt âm thầm quyết định vận mạng của Nam Việt Nam. Là một tướng quân, lại là một con người chánh trị có kinh nghiệm, ông Thiệu chẳng còn cách nào khác hơn là phản công. 

Thấy phản ứng của Sài Gòn có vẻ gay gắt, Kissinger quyết định sẽ đích thân giải quyết mối bất đồng giữa bạn bè cùng chiến tuyến với nhau. Ngày 18.10.72, Kissinger bay thẳng từ Paris sang Sài Gòn để giải thích với Tổng Thống Thiệu về thỏa hiệp hòa bình mà ông và Lê Đức Thọ đã đồng ý, nhưng chưa có ý kiến của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 19, Kissinger diện kiến ngay với Tổng Thống Thiệu tại dinh Độc Lập.

Sau khi bình tĩnh lắng nghe Kissinger trình bày, ông Thiệu yêu cầu Kissinger cho xem văn bản của dự thảo hiệp định. Kissinger đưa cho Tổng Thống Thiệu xem bản tiếng Anh, trong đó không có ghi thời hạn để ký kết 31.10.72 mà Kissinger và Thọ đã đồng ý với nhau.

Hoàng Đức Nhã phản ứng ngay: "Chúng tôi không thể nào điều đình vận mạng của đất nước mình qua ngôn ngữ nước ngoài!" Nhã xin cho xem bản văn tiếng Việt vì chẳng lẽ Bắc Việt lại đưa cho Mỹ bản văn tiếng Anh. Kissinger thú thật là Thọ đã đưa cho ông bản tiếng Việt và ban tham mưu của Kissinger đã dịch ra tiếng Anh. Như vậy là buổi gặp gỡ để mong phía Nam Việt Nam thuận tình lại gặp rắc rối! Kissinger cho biết là quên đem bản tiếng Việt theo nên cáo biệt ra về, trắng tay, với lời hứa hẹn là sẽ gởi văn bản tiếng Việt sau.

Chẳng lẽ lại về không, Kissinger đành tóm lược, trong 45 phút, chuyện ông và Thọ đã thỏa thuận ra sao. Theo Hoàng Đức Nhã thuật lại thì Kissinger cho rằng qua sự dàn xếp mới này tình hình của Bắc Việt hoàn toàn tệ hại, và thậm chí Lê Đức Thọ còn phải ôm Kissinger mà khóc. Nhã nhìn Kissinger hoài nghi, hỏi lại: "Thọ, một tên cộng sản già đời mà lại khóc à? Coi chừng nước mắt cá sấu đó ông ơi!" Nhã kể tiếp là ông Thiệu nói rằng "muốn cho Kissinger một quả đấm vô mồm".

Theo lời thuật lại của John Negroponte (Trợ lý của Kissinger, hiện nay là thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ), thì Việt Nam Cộng Hòa không được thông báo đầy đủ về việc rút quân, cho nên có chuyện lủng củng trong mấy phiên làm việc của Kissinger với dinh Độc Lập. Ông nói rằng: "Khi chúng tôi đem cho Sài Gòn xem bản dự thảo hiệp định mà hai phái đoàn mật đàm đã thỏa thuận ở Paris thì bầu không khí rất là căng thẳng và khó chịu vô cùng. Tôi nghĩ có lẽ vì Sài Gòn bị bất ngờ hoàn toàn. Trong thời gian qua, Nam Việt Nam đã được thông báo một cách hết sức đại khái, tổng quát và chẳng một ai chịu đưa cho dinh Độc Lập xem những văn bản của dự thảo hiệp định. Vậy mà đến tháng Mười 1972, chúng tôi lại đưa cho Sài Gòn xem toàn bộ hiệp định chấm dứt chiến tranh, có nguy cơ làm thiệt thòi cho chế độ của họ trong tương lai. Rồi chúng tôi yêu cầu Tổng Thống Thiệu ký tắt, coi như là đã duyệt qua dự thảo. Thế là tình hình trở nên hết sức găng, và Tổng Thống Thiệu tỏ ra giận dữ vì cảm thấy bị dồn vào chưn tường. Ông không biết phải làm sao, nhưng điều chắc chắn là ông phải tìm cách đình hoãn thôi."

Sau khi nghiên cứu sơ khởi, dinh Độc Lập phát hiện ra 64 điểm mà Tổng Thống Thiệu muốn Kissinger phải làm rõ ra. Qua một đêm nghiên cứu bản dự thảo tiếng Anh, Nhã nhận thấy có nhiều điểm Nam Việt Nam đã hoàn toàn bác bỏ trước kia, và đã được Mỹ đồng ý, nhưng cộng sản lại đưa ra trong dự thảo này dưới một dạng khác. Dinh Độc Lập cho rằng, cứ theo tinh thần dự thảo này thì Thọ đã thắng được trận chiến hòa đàm. Bản dự thảo nói đến ba nước Đông Dương: Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Vậy là, ngay từ đầu Việt Nam được coi như là chỉ một nước chớ không phải hai. Vì vậy cho nên, chuyện bộ đội miền Bắc rút về kể như không hợp lẽ, vì quân đội một nước mà rút đi khỏi nước là nghĩa lý gì? Cho nên, Nhã hỏi Kissinger tại sao chỉ có ba nước, còn nước thứ tư đâu? Kissinger chống chế cho rằng đó là lỗi của người đánh máy. Vậy mà nghe được à?

Một điểm khác do Tướng Trần Văn Đôn kể lại là dự thảo ghi "ba nước Đông Dương và ba Việt Nam". Thế nhưng, từ 1954, Hiệp ước Genève ghi nhận rằng – và về mặt ngoại giao cũng vậy – trên bán đảo Đông Dương có bốn nước trên phương diện pháp lý, chớ không phải là trên thực tế: Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Mặt Trận Giải Phóng là một thứ "âm binh" của Hà Nội thì đâu có thể coi là một nước thứ hai ở Nam vĩ tuyến 17 được.

Hoàng Đức Nhã cho rằng cái gọi là Hội đồng hòa hợp hòa giải thực ra chỉ là một liên hiệp trá hình. Bản văn tiếng Anh coi hội đồng này như là một "administrative structure" (cơ cấu hành chánh), trong khi bản văn tiếng Việt thì gọi là "cơ cấu chính quyền". Nên chi, lại thêm một điểm bất đồng quan trọng nữa. Ngoài ra, Nhã cho biết là tình hình của bộ đội miền Bắc không được minh định rõ và vấn đề khu phi quân sự cũng hoàn toàn bị xóa bỏ. Tổng kết lại, Hoàng Đức Nhã cho rằng có 64 điểm trong dự thảo cần phải được điều chỉnh lại. Những phiên họp làm việc của Kissinger tại Sài Gòn có nhiều sóng gió, vì Nhã báo cáo với ông Thiệu rằng Kissinger đến Sài Gòn chỉ để lừa dối Nam Việt Nam và đây là một vấn đề sanh tử, Tổng Thống Thiệu cần phải có cách nào để đối xử với Kissinger.

Theo đề nghị của Nhã, Tổng Thống Thiệu hủy bỏ cuộc tiếp kiến Kissinger vào cuối ngày hôm đó. Kissinger nổi giận nói cho Nhã biết: "Tôi là phái viên đặc biệt của Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ. Không thể nào coi tôi như thằng bé sai vặt. Tôi cần phải gặp Tổng Thống chiều nay." Thế nhưng, sở dĩ Tổng Thống Thiệu không thể tiếp được là vì chương trình hoạt động không cho phép. Tổng Thống bận họp với các tỉnh trưởng để cho họ biết âm mưu của Kissinger, đồng thời thông báo cho họ kế hoạch giành dân lấn đất, được Hà Nội ra lịnh cho cán bộ cộng sản qua tài liệu mà Việt Nam Cộng Hòa tịch thu được.

Trong khi đó đã xảy ra nhiều sự việc làm cho mối bất đồng giữa dinh Độc Lập và Kissinger càng thêm gay gắt. Một bài báo trên tuần san "Newsweek", thuật lại cuộc phỏng vấn Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, cho biết là hiệp định sẽ được ký ngày 31.10.72, tù binh Mỹ sẽ được thả ra, quân Mỹ rút về và sẽ có một chánh phủ liên hiệp mà không có ông Thiệu. Với một tin tức như vậy, hẳn nhiên là Tổng Thống Thiệu không chịu "ký tắt" vào dự thảo hiệp định.

Thua keo này, ta bày keo khác, Kissinger bay đi Nam Vang để nâng ly với Lon Nol, Tổng Thống nước Cộng Hòa Khmer, mà chúc mừng "hòa bình cho Việt Nam". Qua vận động của Huê Kỳ, hai thủ đô Vạn Tượng và Nam Vang đều ủng hộ giải pháp hòa bình mà Kissinger đã thỏa thuận với Lê Đức Thọ. Khi biết được Kissinger đã làm cho Lon Nol có cảm tưởng rằng Nam Việt Nam đã tán thành dự thảo hiệp định, Tổng Thống Thiệu hết sức bất bình với sự càn rỡ của ông ta.

Ngày 21.10.72, từ Nam Vang trở lại Sài Gòn, Kissinger đến gặp Tổng Thống Thiệu. Sau khi đã đọc bản dự thảo tiếng Việt, ông Thiệu rất bực mình và khó chịu. Ông cho Kissinger biết rằng đề nghị thỏa hiệp đó còn tệ hơn hiệp định Genève 1954. Ông nói thẳng với Kissinger: "Tôi thấy rằng Huê Kỳ đã đồng lõa với Liên Xô và Trung Quốc. Bây giờ các ông chịu để bộ đội miền Bắc ở lại đây thì nhơn dân miền Nam chúng tôi có thể nghĩ rằng các ông đã bán đứng chúng tôi và Bắc Việt đã thắng cuộc chiến. Hôm trước, ông có nói là Lê Đức Thọ đã khóc, nhưng tôi đoan chắc với ông là dân chúng Nam Việt Nam mới là người phải khóc, và người đúng ra cần khóc chính là tôi... Nếu như Huê Kỳ muốn bỏ rơi nhơn dân Nam Việt Nam, đó là quyền của các ông!"

Vậy là, Kissinger đã phải vận dụng lời lẽ ngọt ngào và đôi khi hăm he đe dọa của một con người ngoại giao và khoa ăn nói của một tiến sĩ giảng sư để cố gắng làm cho ông Thiệu siêu lòng mà ưng thuận dự thảo hiệp định "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình" ở Việt Nam. Kissinger kể lể nào là dự thảo hiệp định sẽ giữ gìn nền độc lập của Nam Việt Nam, nào là nếu Mỹ muốn bán đứng ông Thiệu thì thiếu gì cách,... Còn ông Thiệu thì đâu có tin tưởng gì ở những luận điệu của Kissinger, mà tin chắc là ông ta đã ăn phải bả của Hà Nội, như người sắp chết đuối nắm được cây sào của Lê Đức Thọ để rồi bắt ép Sài Gòn phải nghe theo. Tổng Thống Thiệu cho rằng: "Nếu chúng tôi chấp nhận nguyên văn dự thảo đó thì chẳng khác nào chúng tôi tự sát, và tôi sẽ là người phải tự vận trước tiên."

Đến nước cùng, Kissinger nói với Tổng Thống Thiệu rằng nếu tình hình như vầy thì sáu tháng nữa, Quốc Hội Mỹ sẽ cắt đứt tài trợ. Vậy mà ông Thiệu vẫn nhứt định không chịu ký tắt. Quá nãn lòng, Kissinger phân trần với Hoàng Đức Nhã: "Tổng Thống đã chọn con đường của "kẻ chết vì nghĩa", nhưng làm gì ông được toại nguyện! Nếu cần thì chúng tôi sẽ ký một hiệp ước hòa bình riêng rẻ với Hà Nội. Còn về phần cá nhơn, tôi sẽ không bao giờ đặt chưn đến đất Sài Gòn này nữa. Nhứt định là không rồi, sau vụ này. Đây là thất bại tồi tệ nhứt trong sự nghiệp ngoại giao của tôi." Như để an ủi Kissinger, Nhã tỏ ý hối tiếc sự việc phải đến như vậy, "nhưng ông nên nhớ là chúng tôi phải bảo vệ đất nước của chúng tôi."

Tổng Thống Thiệu yêu cầu Kissinger cho Tổng Thống Nixon biết nỗi lo sợ của mình. Chỉ vào tấm bản đồ thế giới, ông nói: "Đối với Huê Kỳ, mất đi một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam thì có nghĩa lý gì? Chúng tôi chỉ là một đốm nhỏ trên bản đồ thế giới đối với Mỹ. Nếu mấy ông muốn ngưng chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu một mình cho đến khi nào hết tiềm lực, bấy giờ chúng tôi sẽ chịu chết. Chánh sách thế giới của Huê Kỳ cho phép mấy ông nhảy múa nhẹ nhàng với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, cho phép mấy ông có nhiều chọn lựa để áp dụng chiến lược mới. Nhưng chúng tôi thì chỉ được chọn lựa giữa sự sống và cái chết thôi. Đối với chúng tôi, đặt bút ký tên vào một hiệp định coi như là đầu hàng thì chẳng khác nào nhận lãnh án tử hình, bởi vì sống mà không có tự do thì cũng như chết. Không, còn tệ hơn chết nữa!"

Cuối cùng, ngày 23.10.72 Kissinger trở vào dinh Độc Lập để tự thú với Tổng Thống Thiệu là trong quá trình mật đàm, cái gì ông cũng tham khảo ý kiến với Sài Gòn, chỉ trừ phiên họp ngày 15.9, ông đã nghĩ rằng ông "cần phải quyết định mà không cần hỏi ý kiến" của Nam Việt Nam. Nhưng, buồn thay, lại là lần Kissinger có quyết định làm phật lòng Sài Gòn. Đuối lý, Kissinger khuyên ông Thiệu đừng ngần ngại, vì chắc chắn là Nixon sẽ tái đắc cử và xin ông Thiệu "Cứ ký tắt vào bản dự thảo đi. Nếu cộng sản vi phạm thì chúng tôi sẽ mở cuộc hành quân đánh Bắc Việt." Tổng Thống Thiệu hỏi lại: "Đánh ở đâu? Đổ bộ hay vượt qua vĩ tuyến 17?" Kissinger cho biết là đánh ở đâu đó, phía Bắc khu phi quân sự. Chỉ là một lối nói cho qua mà thôi. Như vậy là Kissinger đành rời Sài Gòn ngày 23.10.72, sau 5 ngày vận động với ông Thiệu mà chẳng được gì hết. Ngoại giao với bạn cũng gian nan, có thể còn khó khăn hơn ngoại giao với kẻ thù.

Ngày 24.10.72, Tổng Thống Thiệu nói chuyện cùng đồng bào trên hệ thống truyền thanh và truyền hình khoảng hai tiếng đồng hồ, chủ yếu là về khả năng dàn xếp được cuộc chiến. Ông không đề cập gì đến những chuyện bất hòa với Kissinger nhưng ông chỉ trình bày cho dân chúng thấy những mưu mẹo của Hà Nội trong các đề nghị mà họ đưa ra để gọi là kết thúc chiến tranh và tái lập hòa bình.

Ngày 26.10, Kissinger cũng họp báo để trình bày tình hình hòa đàm. Ông nói bóng, nói gió là "hòa bình ở trong tầm tay", để nhắn khéo cho Hà Nội biết rằng dự thảo hiệp định vẫn còn giá trị. Bây giờ chỉ còn một vài chi tiết nhỏ thôi. Câu nói đó làm cho Hoàng Đức Nhã phải bật cười vì ông nghĩ rằng Kissinger phải thấy rằng chiến tranh đang chờ ở khúc quanh, chớ không phải hòa bình trước mặt.

Ngày 30.10.1972, Tổng Thống Nixon viết một bức thơ dài cho Tổng Thống Thiệu, trong đó có đoạn:

"Tiến sĩ Kissinger họp báo là do chỉ thị của tôi. Kissinger đã làm hết sức mình để khỏi cho người ta thấy rằng Tổng Thống là chướng ngại vật cho hòa bình, một tình huống nhứt định sẽ làm cho Quốc Hội Huê Kỳ cắt giảm tài khoản cho chánh phủ Nam Việt Nam và quyết định không tiếp tục ủng hộ Tổng Thống và chánh phủ của Tổng Thống nữa. Thái độ cứ mãi công kích của Sài Gòn chỉ làm thiệt hại cho nỗ lực đó... Tôi xin Tổng Thống lưu ý là đường hướng mà hiện nay chánh phủ của Tổng Thống đang theo đuổi rất là nguy hiểm... Tổng Thống có thể yên chí rằng tôi đã quyết định hình thức cuối cùng của việc dàn xếp hòa bình không phải vì chuyện bầu cử ở Huê Kỳ và Tổng Thống không nên nghĩ rằng chuyện tôi mong muốn có được hòa bình sớm sủa sẽ thay đổi sau khi bầu cử xong... Thưa Tổng Thống, tôi khuyên Ngài nên duy trì sự đoàn kết cần thiết, đã từng là yếu tố quan trọng trong quan hệ của chúng ta suốt bốn năm khó khăn đã qua và đã từng chứng minh là điều kiện cốt yếu trong thành quả mà chúng ta đã đạt được từ đó cho đến nay. Chia rẽ sẽ làm cho tôi không thể duy trì được sự hậu thuẫn chủ yếu mà chánh phủ và nhân dân của Ngài cần có trong thời gian sắp tới và cũng là điều mà tôi quyết tâm thực thi. Tinh thần mong muốn hợp tác cho thấy rằng chúng ta sẽ đạt được hòa bình trên căn bản của điều mà tôi cho là một thỏa thuận hợp lý - nhứt là với những tu chính án mà chúng ta chắc chắn sẽ đạt được. Trên căn bản đó, chúng ta có thể hành động trong tin tưởng và nhứt trí để cùng nhau đạt được mục tiêu chung là hòa bình và thống nhứt cho dân tộc anh hùng của Nam Việt Nam."

Một bức thơ hết sức ngoại giao và khéo lựa lời. Nhưng, rất tiếc cũng không làm cho Tổng Thống Thiệu chấp nhận được. Trong buổi họp báo, Kissinger nói rằng chỉ còn vài ba chi tiết nhỏ cần phải giải quyết là dự thảo có thể chấp nhận được. Nhưng đối với Sài Gòn thì còn quá nhiều nguyên tắc chủ yếu như vùng phi quân sự, như bộ đội miền Bắc còn lại trong Nam và như chánh phủ liên hiệp. Ông Thiệu nghĩ rằng Hà Nội đã gặt hái được mọi thứ mà họ đã mưu tìm qua đàm phán, ngoại trừ chuyện họ bị tiêu ma. Tổng Thống Thiệu chẳng yên lòng bao nhiêu với bức thơ của Tổng Thống Nixon vì ông cho rằng tương lai của Nam Việt Nam không thể tùy thuộc vào chuyện loại bỏ điều khoản này hai tu chánh điều khoản kia của bản dự thảo hiệp định. Thà tiếp tục chiến đấu bao nhiêu năm nữa còn hơn chấp nhận những điều kiện hòa bình như vậy.

Đối với bên phía cộng sản thì sự thỏa thuận giữa Lê Đức Thọ và Kissinger cũng làm cho MTGP đâm ra ngỡ ngàng. Từ năm 1968, MTGP đã đưa ra yêu cầu phải loại bỏ ông Thiệu và thành lập chánh phủ liên hiệp. Nay như vậy chứng tỏ rằng miền Bắc đã thấm đòn với chiến dịch quân sự "Linebacker" của Nixon, nên phải chấp nhận điều kiện của Hoa Thạnh Đốn. Với lối hành văn "hòa bình ở trong tầm tay" của Kissinger, MTGP chua cay nhận thấy rằng Hà Nội coi trọng tù binh Mỹ hơn mấy mươi ngàn tù chánh trị của MTGP bị Sài Gòn giam giữ. Bà Nguyễn Thị Bình đích thân gặp Lê Đức Thọ và Xuân Thủy để phản đối, nhưng chỉ được phái đoàn Bắc Việt an ủi là "chuyện tù binh Mỹ phải đi đôi với tù chánh trị của MTGP bị Sài Gòn giam cầm và ông Thiệu chỉ ngồi cho có vị đến khi bầu cử thật sự."

Nói chung thì thỏa thuận Kissinger-Lê Đức Thọ chỉ thỏa mãn có Hà Nội và Hoa Thạnh Đốn, chẳng cần biết những khoản thiệt hại cho hai phe của miền Nam. Một bên vì muốn hòa bình bằng mọi giá, bên kia thì muốn tránh những trận ném bom và những trái thủy lôi. Miền Bắc không muốn vì MTGP mà phải chấp nhận thêm nữa những khổ đau dưới mưa bom và trên những bãi thủy lôi. Sự chịu đựng của MTGP chỉ là thứ yếu so với đau thương của miền Bắc. 

Thế nhưng, mối thua thiệt nặng nề nhứt là của Nam Việt Nam. Rồi đây Việt Nam Cộng Hòa sẽ mất trắng, khi người đồng minh "thân thiết" của mình phủi tay ra đi. Dẫu cho có tinh thần chiến đấu thì lấy đâu ra phương tiện, một khi Mỹ không còn hỗ trợ. Nên chi, Tổng Thống Thiệu chỉ còn biết kéo dài thời kỳ chiến đấu dưới danh nghĩa "tiền đồn chống cộng". Nhưng giờ đây danh nghĩa đó chỉ còn là một cái gì rỗng tuếch, sau khi Hoa Thạnh Đốn đã vào vòng luân vũ thân tình với Trung Quốc và Liên Xô! Thì ra trên cõi đời này, lúc nào kẻ quyền thế cũng đem nỗi khổ của người dưới tay mình để đánh đổi lấy phúc lợi cho phe phái của chính mình. Một điển hình của bài học đạo đức về "cái lý của kẻ mạnh".

Xem tiếp >>

  

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.