PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 12

Chiến dịch "Linebacker II"

 

Kissinger và Lê Đức Thọ dự tính sẽ ký bản hiệp định "chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình" vào ngày 31.10.1972, nhưng tiếc thay, vì gặp "trở ngại k thuật" nên suốt tháng Mười Một, thiên hạ cứ phải quanh quẩn đi tìm cách tháo gỡ vướng mắc mãi không xong. Thì ra, những điểm thắc mắc của Việt Nam Cộng Hòa cũng có phần nào hợp lý nên Tổng Thống Nixon phải có sự chọn lựa khác.

Cuối tháng Mười Một, Nixon chỉ thị cho Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân triển khai một kế hoạch quân sự đề phòng bất trắc, nếu như hòa đàm bị bế tắc. Kế hoạch đó chủ yếu tập trung vào những hoạt động không và hải quân trên địa bàn toàn miền Bắc Việt Nam, mang ám số "Priming Charge". Mục đích của kế hoạch là vừa tiêu diệt tối đa tiềm năng chiến tranh của địch vừa tạo một tác dụng tâm lý cực mạnh. Kế hoạch đó phải sẵn sàng để có thể ra tay trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

Giới thân cận không biết Nixon có ý định gì? Chẳng lẽ ông cho tấn công cộng sản trở lại, khi con đường dẫn đến hòa bình đã hé mở? Khó mà nói được Kissinger có tán thành dự tính này của Nixon hay không, nhưng chắc chắn là tình hình làm cho Kissinger chẳng mấy vui. Mấy lúc gần đây, những nhơn viên hàng đầu ở tòa Bạch Ốc cảm thấy lo ngại cho tinh thần của Kissinger. Theo tướng Haig thì Kissinger có trạng thái tâm lý khác thường, gần như hoang tưởng, có những lối xử sự kỳ khôi. Ông Haig cho biết là tuần rồi, Kissinger hành động quái lạ và trước đó ở Việt Nam cũng vậy. Tình hình hỗn tạp hiện nay là do Kissinger mà ra, ông kết thúc hòa đàm một cách hấp tấp, chưa đúng lúc, nên làm xáo trộn hết, cho phía cộng sản cũng như cho phía Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 04 tháng Mười Hai năm 72, Đại Sứ Bunker đánh điện cho Kissinger: "Dĩ nhiên, Thiệu mong muốn tiếp tục chiến đấu vài ba năm nữa, với chi viện của chúng ta, và hy vọng rằng sẽ đạt được những gì ông ta mong muốn trong lúc này. Theo tôi suy đoán thì trong vòng hai năm nữa tình hình sẽ giống như ngày hôm nay, bộ đội Bắc Việt sẽ còn trong Nam và sẽ tiếp tục đánh nhau."

Tổng Thống Nixon đã quyết định là Huê Kỳ sẽ không để cho quân lính tiếp tục đánh nhau trên bộ hai năm nữa. Ông sẽ không để cho bị sa lầy ở Việt Nam trong nhiệm kỳ hai. Dẫu sao chăng nữa, Nixon cũng sẽ rước tù binh chiến tranh về và rút hết quân chiến đấu ra khỏi Việt Nam. Cứ theo nhựt ký của ông chánh văn phòng tổng thống thì dư luận thân cận của Bạch Ốc cho rằng Tổng Thống Nixon đang lo nghĩ phải đối phó làm sao với Kissinger, với Thượng Viện và với Việt Nam Cộng Hòa. Bận tâm chánh của Nixon là vấn đề tù binh Mỹ vì không biết nếu ném bom trở lại thì cộng sản có trao trả không, Thượng Viện có tiếp tục yểm trợ không và dư luận quần chúng sẽ như thế nào đây? Tổng thống cảm thấy rằng mấy lúc gần đây, Kissinger không còn hành động hợp lý nữa. Nixon bắt đầu nghi ngờ óc sáng suốt của Kissinger, cho rằng ông ta bị ám ảnh bởi chuyện giải quyết cho kỳ được chiến tranh Việt Nam. Nixon nghĩ rằng nếu không giải quyết được vấn đề Việt Nam thì Kissinger sẽ từ chức. 

Cũng ngày 4.12.72 đó, Kissinger đang ở Paris để họp với Lê Đức Thọ, một phiên họp mà Nixon mong rằng sẽ là phiên họp cuối cùng, với kết quả khả quan. Thế nhưng, lần đó Thọ ngồi vào mật đàm không phải để dung hòa hoặc nhượng bộ gì hết. Cho nên phiên mật đàm hôm đó hoàn toàn vô ích. Không những không thỏa hiệp, Thọ còn đưa ra nhiều điều kiện mới, còn có những đòi hỏi khác. Mật đàm lủng củng, vậy là giữa Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu hục hặc nhau. Kissinger đổ lỗi cho Sài Gòn đã gây rắc rối vì đưa yêu sách ra đòi sửa đổi này nọ. Mất đi một cơ hội, Kissinger có vẻ thù hằn Tổng Thống Thiệu nên đối xử không mấy đẹp với những thành phần khác của phái đoàn Nam Việt Nam, như Trưởng đoàn Phạm Đăng Lâm, Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Thạnh Đốn Trần Kim Phượng, Đặc sứ Nguyễn Phú Đức. Có lần Tổng Thống Thiệu tâm sự với những người thân cận: "Giá mà Kissinger được quyền đánh bom dinh Độc Lập để bắt ép tôi ký tên vào hiệp định thì hắn ta chẳng ngại ngùng gì."

Tổng Thống Thiệu dự định ngày 12 tháng Mười Hai sẽ đọc một bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội. Qua Đại Sứ Bunker, Tổng Thống Nixon mong rằng ông Thiệu đừng nêu ra những bất đồng giữa Hoa Thạnh Đốn và Sài Gòn về chuyện hòa đàm vì như vậy làm cho trận tuyến Paris sẽ khó khăn thêm. Bắc Việt sẽ khai thác nhược điểm đó của phe đồng minh Việt-Mỹ.

Ấy vậy mà Tổng Thống Thiệu đâu có đếm xỉa gì những lời cảnh giác của Nixon. Trong bài nói chuyện lâu một tiếng đồng hồ, ông minh định lập trường của ông liên quan đến cuộc dàn xếp hòa bình ở Đông Dương. Ông lập lại đòi hỏi bộ đội Bắc Việt phải rút hết khỏi Nam Việt Nam và nói với Quốc Hội là Hội đồng Quốc gia Hòa hợp Hòa giải thật ra chỉ là một liên hiệp trá hình. Theo ông thì Hà Nội phải chấp nhận nguyên tắc Đông Dương gồm có bốn quốc gia riêng biệt và phải cam kết không tấn công bất cứ một nước nào trong số ba quốc gia còn lại. Tổng Thống Thiệu lập lại là ông không bao giờ chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử nào nhằm thay đổi hiến pháp hay cơ cấu chánh quyền hiện tại. Tóm lại, Tổng Thống Thiệu chống đối Tổng Thống Nixon ra mặt và thẳng thừng chấp nhận sự trừng phạt của Quốc Hội Huê Kỳ. Như vậy là ông Thiệu đi một ván bài liều mạng, từ thua tới huề vốn chớ không thấy có khả năng thắng. 

Ngày 13.12.72, từ Paris, Kissinger đánh điện cho Nixon báo cáo tình hình phiên mật đàm ngày hôm trước, trong đó Lê Đức Thọ cũng có thái độ lố bịch và xấc xược như những phiên họp trước. Kissinger cho rằng: "Hà Nội có thái độ trịch thượng vì chúng ta chẳng còn lợi thế nào nữa hết do chỗ, qua hành động thiển cận, Sài Gòn đã phá vỡ dự thảo hiệp định, nên làm cho chúng ta mất hết lợi thế. Rồi đây, chúng ta chẳng còn con bài tẩy nào hết, trong khi áp lực quốc nội sẽ mạnh lên nếu chúng ta không đạt được thỏa hiệp hoặc không có khả năng bảo vệ Nam Việt Nam. Giờ đây chúng ta chỉ còn có hai cách. Một là, cứng rắn trở lại với Hà Nội, để cho họ thấy rõ cái giá phải trả cho mươi ngày bướng bỉnh vừa qua. Hai là, thu xếp với Sài Gòn và ít ra cũng phải ngăn ngừa ông Thiệu đừng đưa ra những đề nghị đơn phương nữa."

Hòa đàm tan vỡ ngày 13.12.72 và ngày hôm sau, Nixon cho lịnh tái ném bom, với một ý định duy nhứt là bắt Hà Nội phải trở lại bàn hòa đàm. Ngày 18.12, chiến dịch "Linebacker II" - thường được gọi là "Trận ném bom mùa Giáng Sinh" - bắt đầu đưa B-52 xuất trận cùng với oanh tạc cơ chiến thuật, đánh phá vùng Hà Nội-Hải Phòng, khác với những mục tiêu trước kia của B-52. Với "Linebacker II", Nixon muốn gây thiệt hại vật chất tối đa cho Bắc Việt và hủy diệt khả năng tiến hành chiến tranh của cộng sản. Đồng thời Nixon cũng muốn chứng minh với Nam Việt Nam rằng ông cũng là một con người sắt đá. Một chiến dịch mà hai mục đích, vừa kêu gọi Hà Nội trở lại hòa đàm lại vừa nhắn nhủ với Tổng Thống Thiệu.

Để bảo đảm rằng Tổng Thống Thiệu không hiểu lầm thông điệp mà Nixon muốn nhắn với ông qua chiến dịch "Linebacker II", Tổng Thống Nixon đưa Tướng Haig đi gặp ông Thiệu. Chuyến đi này, Haig có mang theo một thơ riêng của Nixon gởi cho ông Thiệu, một bức thơ mà nội dung chỉ có bốn người biết là Nixon, Kissinger, Haig và Tổng Thống Thiệu. Tướng Haig giải thích: "Tổng Thống nên hiểu rằng bức thơ này được viết ra sau khi Tổng Thống Nixon đã suy nghĩ chín chắn về tình hình Đông Nam Á, về tình trạng hiện tại của hòa đàm, và đặc biệt là về thái độ của Tổng Thống liên quan đến những vấn đề đó. Tổng Thống Nixon tin tưởng rằng Tổng Thống sẽ giữ bức thơ này tuyệt đối bí mật."

Bức thơ chuẩn bị tư tưởng ông Thiệu về chiến dịch "Linebacker II", nhưng đồng thời cũng khuyên ông đừng coi đó như một kích thích tố để gây khó khăn cho Hoa Thạnh Đốn. Theo Tướng Haig thì tình trạng hục hặc giữa Sài Gòn và Hoa Thạnh Đốn đã làm cho Hà Nội lợi dụng để kéo dài thời gian.

Tướng Haig trình bày cho Tổng Thống Thiệu thấy rằng Tổng Thống Nixon quyết tâm tiến hành "Linebacker II" một cách nghiêm chỉnh và tích cực để cảnh cáo Bắc Việt đừng có coi thường và đồng thời để cho ông Thiệu nên hành động cho xứng hợp với cung cách xử sự của Nixon. Với "Linebacker II", Mỹ hy vọng rằng Bắc Việt sẽ trở lại bàn hội đàm ngay và sẵn sàng dàn xếp. Nếu Hà Nội muốn thu xếp thì mọi chuyện sẽ nhanh chóng. Tuy nhiên, Haig cũng nhấn mạnh là Tổng Thống Thiệu không nên lợi dụng cuộc ném bom khu vực Hà Nội-Hải Phòng, vì rồi đây Nixon sẽ bị áp lực mạnh mẽ của chánh trị quốc nội để kết thúc chiến tranh.

Sau Sài Gòn, Tướng Haig tiếp tục đi Nam Vang và Bangkok để giải thích cho Tổng Thống Lon Nol của Cam Bốt và Thủ Tướng Thanom Kittikachorn của Thái Lan biết rằng với "Linebacker II", Tổng Thống Nixon khẳng định trách nhiệm của Mỹ ở Đông Nam Á, dẫu cho đã kết thúc được chiến tranh Việt Nam. Và Huê Kỳ cũng sẽ kiên quyết nếu Bắc Việt lại vi phạm hiệp định.

Sau bảy ngày đánh phá Hà Nội-Hải Phòng, Tổng Thống Nixon ra lịnh tạm ngừng nhơn dịp lễ Giáng Sinh. Ngày 26.12.72, chiến dịch lại tiếp tục và Hà Nội phản ứng ngay, chịu trở lại bàn hội đàm. Cuộc ném bom đợt hai ngày 26.12 thật là ồ ạt. Nguyên nhơn nào thì hậu quả nấy, ngoan cố cho lắm thì nay Bắc Việt phải lãnh đủ. Rồi chiến dịch cũng chấm dứt ngày 29.12.1972. Ngày 28.12, Kissinger điện cho Bunker: "Chúng tôi có yêu cầu Bắc Việt họp với tôi ở Paris ngày 3 tháng Giêng. Lúc này thì chưa thấy họ trả lời, nhưng theo như dư luận bên ngoài cho biết thì họ sẽ nhận lời."

Chiến dịch "Linebacker II" bị dư luận Mỹ cũng như dư luận thế giới lên án dữ dội, nhứt là sau khi Kissinger đã tuyên bố trong cuộc họp báo là "hòa bình ở trong tầm tay". Bài xã luận ngày 28.12 của tờ "Washington Post" đặt câu hỏi: "Tại làm sao chỉ trong vài ba tuần ngắn ngủi mà người ta có thể chuyển từ một triển vọng hòa bình sang một hành động chiến tranh dã man và phi lý chưa từng thấy, và lấy cớ gì trong vòng mươi ngày phù du mà một dân tộc có chủ quyền lại sát hại một dân tộc có chủ quyền khác?" Trên tờ "New York Times", nhà báo Tom Wicker mô tả những trận không tập và không kích của "Linebacker II" như là một "nỗi nhục trên đời".

Phía Quốc Hội Huê Kỳ cũng không vừa gì. Thượng Nghị Sĩ William Saxbe của bang Ohio cho rằng Nixon đã "cho lý trí đi chơi chỗ khác", còn lãnh tụ khối đa số Thượng Viện, ông "bồ câu chúa" Mike Mansfield thì cho rằng vụ ném bom nằm trong "chiến thuật thời kỳ đồ đá". Vậy mà, phê phán sao thì phê phán, trận đánh bom của chiến dịch "Linebacker II" đem lại kết quả mong muốn vì nó tác động được Bắc Việt và – quan trọng hơn hết – là ảnh hưởng đến Việt Nam Cộng Hòa. Tổng Thống Nixon thấy cần phải thuyết phục ông Thiệu là "dẫu cho hiệp định hòa bình có thế nào đi nữa, Tổng Thống Thiệu có thể tin tưởng rằng Tổng Thống Nixon sẽ đưa khả năng quân sự như vậy để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa, nếu cộng sản Bắc Việt vi phạm hiệp định."

Chiến dịch "Linebacker II" là hành động tấn kích cuối cùng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Điểm nổi bật trong chiến dịch này là pháo đài B-52 được vận dụng để đánh phá những mục tiêu trong thành phố. Cho nên thiệt hại bàng hệ khá trọng đại, không sao tránh khỏi. Ngoài ra mức độ tàn phá của bom B-52 là vô địch. Trương Như Tảng, Bộ trưởng Tư Pháp của Chánh phủ Lâm Thời Miền Nam (Mặt Trận Giải Phóng) nhớ mãi để đời: "Tôi bị đè bẹp xuống đáy hầm, chừng như rơi vào cõi tận thế. Thật là kinh khủng. Không còn cử động được nữa, đầu óc chỉ muốn lôi mình ra." Còn cựu đại tá Bùi Tín thì nhắc lại trận đánh bom "mười hai ngày đêm" coi như "sinh sống trong một trận cuồng phong, cây cối ngả nghiêng và sấm chớp biến đêm thành ngày."

B-52 và oanh tạc cơ chiến thuật bắn phá rất nhiều mục tiêu trong khu Hà Nội-Hải Phòng và Thái Nguyên, nhưng trái lại thiệt hại không phải ít, phần lớn là do hỏa tiễn đất đối không. Thiệt hại dân sự bị dư luận chỉ trích nhiều nhứt là ở vùng bịnh viện Bạch Mai. Pháo đài bay nhắm đánh sân bay cũ Bạch Mai thời Pháp nhưng bom đi sai nên trúng bịnh viện. Thế nhưng cộng sản bao giờ cũng vậy, biết khai thác thất bại của mình để đổi trắng thay đen, biến thành thế thắng lợi – cũng như vụ Tết Mậu Thân - nên mở chiến dịch tuyên truyền rầm rộ vang lừng, để xách động tinh thần yêu nước "đánh Mỹ", nên gọi chiến dịch đó là "Điện Biên Phủ trên không"!

 

Bài kế >>

 

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.