PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 13
Hòa bình của Nixon

 

Sau "mười hai ngày đêm" bầm dập vì bom đạn hung hãn và táo tợn của chiến dịch "Điện Biên Phủ Trên Không", Bắc Việt ưng thuận trở lại bàn hội nghị Paris. Trong khi đó, ở Hoa Thạnh Đốn, các ủy ban Dân Chủ của Hạ lẫn Thượng Viện đều tán thành chuyện ngưng chi viện cho Nam Việt Nam để chấm dứt chiến tranh, rút quân chiến đấu về và đưa tù binh chiến tranh của Mỹ ra khỏi những nhà tù  cộng sản. Nghị quyết đòi kết thúc chiến tranh đang thắng thế trên đường ra khoáng đại Thượng Viện.

Từ Paris, thành viên William Sullivan trong đoàn hòa đàm đánh điện báo cáo cho Kissinger biết rằng chuyên viên kỹ thuật hai bên đã họp lại và phía Bắc Việt có vẻ ti tiện, khó chịu, cho thấy rõ ràng tinh thần của họ đã phải gánh chịu nặng nề hậu quả của chiến dịch "Linebacker II" vừa qua. Sullivan tiết lộ nguồn tin theo đó phái đoàn Lê Đức Thọ đã trở về Hà Nội đúng thời điểm của chiến dịch   B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Và có một loạt bom đã rơi rất gần nhà của Thọ. Nên chi phiên họp chuyên viên đó thật là ảm đạm.

Đến Paris ngày 6 tháng Giêng 1973, Thọ tuyên bố là toàn thể nhân dân Việt Nam lên án nặng nề trận ném bom vừa qua của Huê Kỳ. Ông cho rằng đó là trận ném bom "tàn nhẫn vô nhơn đạo nhứt, chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh." Thọ cho biết là hàng loạt chết chóc và hủy diệt đã xảy ra "trong khi đồng bào đang trong giấc ngủ, và tấn công bừa bải nhà thương, trường học, nhà máy và nhà ở, coi đó là những mục tiêu quân sự."

Phiên mật đàm đầu tiên của năm 1973, sau đợt ném bom mùa Giáng Sinh, diễn ra ngày 8 tháng Giêng, tại một ngôi nhà ở Gif-sur-Yvette. Khác với những phiên mật đàm trước kia, lần này phái đoàn của Kissinger không được tiếp đón từ ngoài cửa. Khi bước vào trong thì lại được chào hỏi một cách lơ là. Thọ mở đầu phiên họp bằng cách chỉ trích trận ném bom, với một giọng điệu giận dữ: "Mượn cớ hòa đàm bị gián đoạn, mấy ông cho ném bom Bắc Việt trở lại, đúng lúc tôi trở về nhà. Mấy ông "chào mừng" ngày tôi trở lại Hà Nội một cách quá ư là "lịch sự"! Tôi có thể nói rằng mấy ông hành động thật là lộ liễu và trắng trợn. Mấy ông đừng tưởng làm vậy là chúng tôi phải khuất phục, mấy ông lầm rồi... Chính ông (chỉ đích danh Kissinger) chớ chẳng ai khác làm cho các cuộc thương thảo trở nên khó khăn."

Thọ nóng giận ra mặt, đập bàn mấy lần và ngó ngay Kissinger mà la lên "ngu xuẩn". Không ai dám thông dịch hai chữ đó cho Kissinger, nhưng dường như ông cũng biết là những tiếng chẳng đẹp đẽ gì nên nói với Thọ: "Tôi có nghe nhiều tính từ trong lời phê phán của ông, tôi đề nghị ông không nên dùng những tính từ đó!"

Như vậy phiên mật đàm đầu tiên của năm 1973 chỉ là một cuộc hội ngộ để trách cứ nhau, sau "mười hai ngày đêm" phi cơ Mỹ làm mưa làm gió trong vòm trời miền Bắc. Cũng là một cơ hội để trút hờn giận và niềm sợ hãi thoát chết của người dân đất Bắc lên đầu lên cổ Kissinger cho đỡ tức, thế thôi. Phải đợi đến lần mật đàm kế tiếp vào ngày hôm sau, 9 tháng Giêng, mới thấy được lối thoát để đi đến bản văn chung cuộc nhằm "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình". Một thành tựu để toán mật đàm, do Kissinger cầm đầu, làm quà sinh nhựt tặng Tổng thống Nixon. Một món quà hy hữu cho Nixon trong sáu mươi năm qua.   

Vậy mà đâu đã hết khó khăn trở ngại. Ở giai đoạn này thì những thắc mắc của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) coi như tạm gác qua một bên, chớ cũng chưa giải quyết dứt khoát. Tạm gác, vì Nixon "hứa hẹn" là sẽ làm mạnh nếu phía cộng sản ló mòi vi phạm. Trường hợp trục trặc lần này là thủ tục ký kết hiệp định.

Ông Ellsworth Bunker, đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, cho rằng VNCH muốn hiệp định sẽ là một văn bản mà phần mở đầu không liệt kê danh tánh chánh phủ nhưng chỉ kê khai những thành phần tham dự hội đàm Paris về Việt Nam. Nói cách khác – theo ý Bunker – ông Thiệu sợ rằng, qua hình thức ký kết, Huê Kỳ và Bắc Việt sẽ được coi như có vai trò quan trọng, còn VNCH chỉ là thứ yếu. Nếu như Huê Kỳ và Bắc Việt đồng ký tên trong một lễ ký công khai rồi bốn thành phần tham dự hòa đàm ký kết trong một buổi lễ riêng biệt sẽ làm cho Nam Việt Nam cảm thấy mất chủ quyền và đưa VNCH xuống hàng thứ yếu so với Huê Kỳ. Cũng là vấn đề thể diện!

Ngày 11 tháng Giêng, hai bên đều thỏa thuận về thủ tục ký kết hiệp định. Hiệp định sẽ được ký kết trước tiên giữa hai thành phần, Huê Kỳ và Bắc Việt. Sau đó là giữa bốn thành phần, mỗi thành phần trên một văn bản riêng rẽ, xong rồi gộp lại. Địa điểm ký kết là Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế trên đại lộ Kléber (Paris). Ngày ký kết chánh thức được ấn định vào ngày 27 tháng Giêng 1973.

Như vậy là rốt lại quân Bắc Việt vẫn được để yên tại chỗ. Vì vậy, Tổng thống Thiệu vẫn chưa chịu ký và Tổng thống Nixon chỉ thị cho Tướng Haig nói với ông Thiệu là Huê Kỳ sẵn sàng ký kết một mình. Và Tướng Haig có nhiệm vụ là xem chừng nếu ông Thiệu không thuận ý thì đừng để ông ấy phát biểu gì trước lễ tấn phong Tổng thống Huê Kỳ.            

Trong bức thơ ngày 15.1.1973 gởi cho Đại Sứ Bunker, Hoàng Đức Nhã viết: "Tôi xin ông Đại Sứ lưu ý là trong dự thảo hiệp định mới nhứt, mà ông Đại Sứ đã trao cho tôi ngày thứ bảy vừa qua, tôi nhận thấy là Hà Nội vẫn tiếp tục ngoan cố không chịu rút quân ra khỏi Nam Việt Nam, dẫu cho Việt Nam Cộng Hòa đã có một nhượng bộ quan trọng về giải pháp chánh trị... Về vấn đề đặc biệt của nội dung dự thảo hiệp định, tôi mong gặp lại Tướng Haig vào ngày mai để làm sáng tỏ hơn nữa. Trong khi chờ đợi, tôi đề nghị nên hoãn loan báo ‘có tiến bộ đáng kể’ trong việc thương thuyết với Hà Nội đến khi nào đã làm sáng tỏ."

Ngày 18.01.73, Hoa Thạnh Đốn và Hà Nội cùng lên tiếng loan báo tái tục thương thuyết vào ngày 23 tháng Giêng, "để bổ xung văn bản hiệp định". Trong khi đó Hoa Thạnh Đốn vẫn còn nôn nóng chờ ý kiến của Sài Gòn. Đồng thời, Tướng Haig làm một chuyến du thuyết những thủ đô châu Á có liên hệ tới chiến cuộc Việt Nam như Bangkok (Thái Lan), Hán Thành (Nam Triều Tiên), Vạn Tượng (Lào). Alexander Haig đem hết sở trường lẫn sở đoản ra cố gắng thuyết phục để cho những nhà lãnh đạo đó chấp nhận lý lẽ của tòa Bạch Ốc mà làm cho Tổng thống Thiệu được an tâm.

Luận điệu chung của Haig là chiến dịch "Linebacker II" đã làm cho Bắc Việt thức tỉnh và Nam Việt Nam yên lòng. Theo cách trình bày của Haig thì Việt Nam Cộng Hòa chẳng có gì phải lo ngại vì "Nixon dự tính sẽ lấy hiệp định hòa bình làm cái cớ để Mỹ tiếp tục can dự vào cuộc chiến". Tóm gọn là hình thức của hiệp định ra sao mặc tình vì đã có Mỹ bao che. Chẳng hạn như khi Thủ Tướng Lào, Souvanna Phouma hỏi Haig tại sao Mỹ không thỏa hiệp được với Hà Nội để quân Bắc Việt rút về Bắc thì Haig bảo đảm với Phouma là Huê Kỳ sẽ "kiểm soát trên không" cho đến khi nào quân Bắc Việt rút đi. Còn những khó khăn trở ngại của hành pháp Mỹ từ phía Quốc Hội thì Haig cho rằng một khi hiệp định đã ký kết là Quốc Hội sẽ ủng hộ hành pháp. Cứ luận điệu đó mà Haig kêu gọi những nhà lãnh đạo cứ tin tưởng ở Mỹ và yêu cầu các nơi đó khuyên Tổng thống Thiệu nên tán thành đường lối hiệp thương của Huê Kỳ.

Trước một thực trạng rành rành như vậy, Tổng thống Thiệu nhứt định không đồng ý cả về lịch trình ký kết lẫn những điều khoản then chốt đối với Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, dinh Độc Lập cũng không được trông thấy văn bản mới nhứt của hiệp định. Lại trường hợp của tháng Mười năm 1972 sắp tái diễn. Đồng minh với nhau mà lấn lướt như vậy, coi sao được?!

Nixon lại viết cho Tổng thống Thiệu một bức thơ nữa. Lần này, Nixon quả quyết bắt ép Sài Gòn, cho biết rằng Hoa Thạnh Đốn sẽ ký kết hiệp định và tình hình sẽ "vô cùng nghiêm trọng" đối với Nam Việt Nam. Tổng thống Nixon viết rằng: "Chúng tôi đã có nhiều toan tính để đạt được những điểm chính Tổng thống đề nghị về chuyện lực lượng Bắc Việt, trong văn bản hiệp định cũng như trong những thỏa thuận chánh thức. Chúng tôi thấy rằng những giải pháp mà chúng tôi đã chọn lựa là những đường hướng tốt hơn hết. Dù trong văn bản không ghi chính xác thì cũng đã có nhiều điều khoản bàng hệ liên quan đến vấn đề này, theo đó thì chuyện quân Bắc Việt tiếp tục ở lại miền Nam là điều phi pháp và quân xâm nhập thêm được kể như là vi phạm hiệp định... Tôi xin bảo đảm với Tổng thống là hiệp định này mở đầu một thời kỳ hợp tác chặt chẽ và hậu thuẫn hỗ tương khăn khít giữa Việt Nam Cộng Hòa và Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ. Tổng thống và tôi sẽ cùng nhau hợp tác trong thời bình để bảo vệ độc lập và tự do của Việt Nam Cộng Hòa, cũng như chúng ta đã từng hành động trong chiến tranh. Ngày nay, nếu chúng ta siết chặt hàng ngũ và cùng nhau hành động thì chúng ta sẽ thành công."

Thế nhưng, dường như tình thế cứ muốn Nam Việt Nam là con cừu đen trong tiến trình hình thành của hiệp định nên hết chuyện này lại tới vấn đề kia. Ngày 23.1.73, Hoàng Đúc Nhã và Nguyễn Phú Đức lại được chỉ thị của Tổng thống Thiệu là phải báo cho đại sứ quán Huê Kỳ biết rằng không thể công bố văn bản hiệp định vào ngày 24.1.73 được. Vì ông ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa vắng mặt và hơn nữa chưa ký kết gì hết sao lại công bố?

Vậy mà phía Mỹ lại nghĩ khác. Họ cho là phải công bố trước để tránh chuyện bóp méo, tránh những vụ rò rỉ thông tin... Mỹ còn cho rằng vì ông Thiệu tin dị đoan, muốn chờ qua Tết rồi hẳn công bố, theo lời thầy bà tướng số căn dặn! Nhưng, lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng!

Ngày 23 tháng Giêng, Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber rộn ràng, vui vẻ với lễ ký kết Hiệp Định Kết Thúc Chiến Tranh Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam. Tổng thống Nixon tuyên bố cho thế giới biết rằng "nhơn dân Nam Việt Nam đã được bảo đảm quyền định đoạt tương lai của chính mình, không có can thiệp của bên ngoài." Theo ông thì Hiệp Định đã đáp ứng được mục tiêu của Huê Kỳ về một nền "hòa bình trong danh dự" và hiệp định đã được Tổng thống Thiệu của Việt Nam Cộng Hòa "hoàn toàn ủng hộ". Nixon cũng nói với quần chúng nhơn dân Huê Kỳ là "Giờ đây, sau khi đã đạt được một hiệp định sáng giá, chúng ta có quyền hãnh diện là Huê Kỳ không thu xếp để đạt được một nền hòa bình phản bội lại những đồng minh của chúng ta, hay bỏ rơi tù binh chiến tranh của chúng ta, hoặc giả chấm dứt chiến tranh cho chúng ta nhưng tiếp tục cuộc chiến cho năm mươi triệu người dân của Đông Dương."

Tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống một thời của Nam Việt Nam, cho rằng "hòa bình trong danh dự" của Nixon là một thứ giả nhơn giả nghĩa không thể chấp nhận được và thật buồn nôn vì đó là thứ đạo đức giả, tự dối mình. Đó là một văn tự bán đứng Nam Việt Nam. Ông Bùi Diễm, Đại Sứ VNCH ở Hoa Thạnh Đốn nói là "Người ta muốn đạt được một giải pháp trong danh dự, vậy mà thực sự thì họ muốn phủi tay và tháo chạy, không muốn để cho dân Việt Nam và thế giới buộc tội là bỏ rơi chúng tôi."

Hai mươi năm sau, Nixon tâm sự với Monica Crowley(Trợ lý đối ngoại cựu Tổng thống Nixon): "Nhìn lại, tôi nghĩ rằng sai lầm lớn nhứt của Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 là điều kiện ngưng bắn mà để cho quân lính Bắc Việt ở lại một vài nơi họ chiếm được trong lần xâm lược năm 1972." Công nhận thì đã muộn màng.

Trước ngày Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt Hiệp Định (23.1.1973), Tổng thống Thiệu kêu gọi mở một đợt đối kháng mới và nhứt định sẽ không bao giờ có liên hiệp ở miền Nam. Trong cuộc nói chuyện lâu bốn mươi phút trên hệ thống truyền thanh để nói về việc ký tắt Hiệp Định, Tổng thống Thiệu tuyên bố là sau mười tám năm gây đau khổ và chiến tranh cho nhơn dân miền Nam, Việt Cộng đã bị thua cuộc về mặt quân sự nên bị bắt buộc phải ký kết hiệp định. Ông cảnh giác là trong bốn ngày trước khi ký Hiệp Định, Việt Cộng sẽ tìm cách giành dân lấn đất nên kêu gọi toàn quân toàn dân đề cao cảnh giác để phá tan âm mưu đó. Ông nói rằng Việt Nam Cộng Hòa không thể bị bắt buộc phải chấp nhận để cho quân Bắc Việt được quyền ở lại trong Nam. Bao giờ quân Bắc Việt còn ở lại trên lãnh thổ Nam Việt Nam thì nhơn dân miền Nam không thể vận dụng quyền tự quyết dân

tộc một cách tự do dân chủ được, do đó không cần phải có bầu cử. Tổng thống Thiệu kêu gọi dân chúng trương quốc kỳ lên kể từ 12 giờ ngày 24.1.1973 và kiên quyết giữ gìn không để cho cộng sản hạ xuống.

Hiệp Định Paris về Việt Nam mang rất nhiều chỉ dấu cho thấy phức tạp và khó khăn dẫu chưa ra đời. Sau những vụ bất đồng ý kiến giữa Việt Nam Cộng Hòa và Huê Kỳ, dàn xếp đâu đã xong, giờ lại nhiêu khê trong cung cách ký tên. Ngày 27.1.1973, Ngoại trưởng Huê Kỳ William Rogers đặt bút ký vào bản hiệp định, nhưng với một thủ tục rắc rối, chưa từng thấy. Buổi sáng, ông Rogers ký vào một văn bản liên hệ đến bốn thành phần, buổi chiều ông lại ký vào một tài liệu riêng cho Huê Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Những tài liệu đều giống nhau, ngoại trừ phần mở đầu của mỗi bản khác nhau. Lý do phải ký tên riêng rẽ như vậy là vì thỏa hiệp liên hệ rõ ràng đến hai miền Nam nhưng không bên nào chịu công nhận sự hiện hữu của bên kia.

Sau bốn năm, bốn phái đoàn ngồi cùng một chiếc bàn tròn thương thuyết vậy mà trong văn bản không có đề cập danh tính của một ai hết. Người đọc văn bản sẽ không biết tài liệu đề cập đến ai, phải đợi đến trang cuối cùng có chữ ký mới thấy ra. Chính tài liệu chỉ nói đến những thành phần tham dự hội đàm Paris, ai cũng biết mà chẳng ai công nhận. Nên chi, tài liệu mang chữ ký trên hai trang riêng biệt, một trang dành cho Huê Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, trang khác dành cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Chánh Phủ Lâm Thời Miền Nam (CPLT).

Buổi chiều, Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt ký thêm một tài liệu thứ hai. Phần mở đầu giới thiệu hai phe liên hệ đến thỏa hiệp là Huê Kỳ, có sự cam kết của Việt Nam Cộng Hòa, sau đó là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, có sự cam kết của Chánh Phủ Lâm Thời. Cả hai Sài Gòn và CPLT đều không có ký tên vào văn kiện này. Quả thật là một hiệp định rắc rối vô cùng.

Như vậy là cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đã được Nixon kết thúc bằng một "Hòa Bình của Nixon", núp sau nhãn hiệu "Hòa Bình Trong Danh Dự". Bình luận của truyền thông rất đa diện, khen cũng lắm mà chê thì không phải ít. Dư luận ra sao cũng mặc kệ, thực tế là Nixon đã rút được 550.000 quân sĩ Mỹ ra khỏi vùng máu lửa, đem tù binh chiến tranh về mà không làm cho chế độ của ông Thiệu phải sụp đổ. Giới thân cận của Nixon cho rằng sự khác biệt giữa những gì ông đạt được với những gì phe chống đối mong muốn là sự khác biệt giữa hòa bình trong danh dự và hòa bình trá hình, của một nước Mỹ đầu hàng.

Hiệp định giờ đã xong thế nhưng khi cuộc chiến ở Việt Nam lắng xuống thì niềm tị hiềm giữa Nixon và Kissinger lại nổi lên. Qua cuộc điều trần ở Thượng Viện, Kissinger không nói gì nhiều đến lòng quả cảm và công trạng của Nixon trong quá trình đi tìm hòa bình. Hành trình gian khổ đã dẫn tới thành công của tập thể hành pháp Mỹ, vậy mà Kissinger chỉ kéo mền về cho riêng mình, kể lể công lao và thành tích, lại quên mất chẳng nói gì đến Nixon.

Một điều mỉa mai khác nữa của lịch sử là cựu Tổng thống Lyndon Baines Johnson, đầu dây mối nhợ của chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, đã tắt thở vì bịnh tim, chỉ mấy tiếng đồng hồ trước khi tin chiến tranh Việt Nam kết thúc được công bố. Trang nhứt trên tờ "Washington Post" ngày 25.1.1973 chạy tựa lớn "Chi tiết các điều khoản hòa bình" đi kèm với bức ảnh tươi cười của Kissinger. Ở góc phía dưới là một hình ảnh khác của Tổng thống Nixon cùng với bà quả phụ "Lady Bird" Johnson đứng nhìn chiếc quan tài đưa thân xác không hồn của Tổng thống Huê Kỳ thứ 36 tiến vào điện Capitol.

Trong nỗi cô đơn sau một thành tựu đạt được thật gay go và với một cái giá quá đắt, một mình đối diện với chính mình và với lương tâm, Tổng thống Nixon lấy bút giấy ra thảo một bức thơ ngắn gởi cho bà quả phụ Johnson:

"Kính gởi Lady Bird:

"Tôi chỉ mong sao Lyndon còn sống để nghe tôi công bố chuyện dàn xếp hòa bình ở Việt Nam tối hôm nay. Tôi thấu hiểu những khó khăn mà Lyndon phải gánh chịu - đặc biệt là những nỗi khổ tâm của những người trong Đảng Dân Chủ - để bền gan phấn đấu vì một nền hòa bình danh dự. Giờ đây đã có được hòa bình, chúng tôi sẽ làm mọi cách để cho tình hình này được bền vững lâu dài, để cho Lyndon và những con người dũng cảm khác, đã hy sinh mạng sống vì chánh nghĩa, khỏi phải chết đi một cách vô ích."

Xem tiếp

 

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.